Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

MUÔN NẺO MƯU SINH 29

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Xuân Hòa những nẻo đường mưu sinh làm hàng triệu con tim thổn thức (Ca sĩ mù hát rong đường phố)

Nụ cười anh Chuối

Người đàn ông tật nguyền suốt hơn 10 năm qua vẫn rong ruổi khắp phố phường Cần Thơ để bán vé số. Ế ẩm, nắng mưa, bệnh tật… nhưng lúc nào anh vẫn cười tươi trên gương mặt tật nguyền nhưng lành lặn lạc quan. Đó còn là nụ cười của sự thảo hiền, của nghĩa trọng tình thâm.

Mẹ con anh Chuối. Ảnh: DUY KHÔI
Anh là Nguyễn Văn Sang, 47 tuổi, ngụ khu vực Thạnh Hòa, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Nhưng mọi người quen gọi anh là anh Chuối.
Dì Nguyễn Thị Thông (dì Hai Thông)- mẹ anh, kể, hồi xưa anh Chuối bụ bẫm, mập tròn “như trái chuối” nên biệt danh có từ đó. Nhưng rồi từ năm 6 tuổi, anh Chuối bị sốt bại liệt, động kinh nên tới giờ này đã gần nửa đời người, anh sống với gương mặt nghiêng về một bên, phát âm rất khó, tay chân co quắp, yếu ớt.
Anh Chuối là anh lớn, sau anh còn có 2 hai em gái, người đổ vỡ hôn nhân, người có gia đình riêng nhưng đều nghèo, sống cảnh làm thuê vác mướn nên không thể giúp gì cho mẹ. Hơn chục năm trước, thấy mẹ già phải một mình thức sớm nấu bún bán cực khổ, nhà thiếu trước hụt sau, anh Chuối xin mẹ đi bán vé số.
Vậy rồi hình dáng anh vẫn khó nhọc rảo quanh các cung đường, con hẻm của thành phố để bán sự rủi may cho bao người. 5 giờ sáng hành trình ấy bắt đầu, khi trời sập tối anh mới về tới nhà, bán được 100 tờ vé số. Số tiền lời anh dành chút đỉnh mua quà bánh cho đứa cháu con cô em Út, còn bao nhiêu đưa hết cho mẹ.
Khi tấm ảnh của bài viết này đăng lên, chắc hẳn nhiều người sẽ nhận ra anh và đồng ý rằng, anh là người có đầy lòng tự trọng. Mỗi buổi sáng trước khi đi bán, anh tự mình cạo râu nhẵn nhụi, quần áo dù cũ rách nhưng chỉnh tề, sạch sẽ. Anh chẳng bao giờ lấy ngoại hình không lành lặn mà nài ép hay xin người khác rủ lòng thương. Nói ra một tiếng đã rất khó khăn, nhưng ai mua vé số, dù ít hay nhiều, anh vẫn cố nói cho được hai tiếng: “Cám ơn!”.
Thế nên, với nhiều người, anh Chuối không chỉ là người bán vé số mà còn là người quen, là câu chuyện mà họ hay kể với nhau về chữ hiếu. Cô Nguyễn Thị Nga, khách quen của anh Chuối, nói: “Chuối dễ thương lắm, thương mẹ nữa. Đâu phải ai cũng được vậy”.
Hai tháng nay dì Hai Thông bị bệnh nặng, giờ xuất viện về mà người vẫn yếu ớt, nằm li bì chẳng thể bán buôn. Đó là thời gian lối xóm thấy anh Chuối buồn, chẳng còn cười rộn như trước. Xin kể lại đoạn đối thoại giữa tôi và anh: “Anh ước mơ nhất là điều gì?”- “Mẹ khỏe!”; “Anh sợ nhất điều gì?”- “Mẹ chết!”; “Anh có nói với mẹ anh thương mẹ không?”- anh lắc đầu rồi chỉ vào ngực trái “Để đây!”.
Và dường như chưa thể nói hết những gì anh nghĩ, anh Chuối lấy cuốn sổ của tôi mà viết dòng này, rõ đẹp và rạch ròi như tấm lòng anh vậy: “Mẹ là nhất ở trên đời!”.
Dì Hai Thông kể, đi bán về là anh cầm tay mẹ bóp bóp, xoa xoa, dì hiểu ý anh muốn hỏi thăm mẹ. Dì chỉ cần nói: “Bữa nay mẹ khỏe, Chuối bán được hôn?” là anh cười tươi như quên hết mọi muộn phiền. Dì Hai chỉ vào ngôi nhà đơn sơ nhưng đủ che mưa nắng nói, phần lớn là do tiền anh Chuối bán vé số cất nên, phần còn lại do con gái thứ ba đóng góp.
Câu chuyện mà tôi kể còn có tấm lòng của người mẹ. Dì Hai Thông chưa bao giờ mặc cảm vì con mà luôn tự hào vì anh Chuối luôn thảo hiếu với mẹ. Với dì, anh Chuối luôn lành lặn và đẹp đẽ như bao người trên đời này. Bệnh tật, tuổi già bủa vây, dì sợ nói ra anh Chuối sẽ buồn nên vẫn cố gượng làm vui.
Giọng nói của anh Chuối khó nghe nhưng anh nói tiếng nào, thậm chí chỉ mới chuẩn bị nói, dì Hai đã hiểu và nói giùm liền. Mới hay, đâu ai hiểu con bằng tấm lòng người mẹ.
Giữa xô bồ cuộc sống, câu chuyện của anh Chuối nhỏ thôi nhưng thật ấm lòng về cách sống, sự lương thiện và nghị lực của một con người. Mẹ xoa đầu con trai tóc đã lún phún muối tiêu, con trai xoa bóp bàn tay hằn những nhọc nhằn của mẹ, mẹ con cười tươi như đời này chưa từng khó nhọc, là hình ảnh nhân văn và ấm áp.
Lại nghĩ về nụ cười anh Chuối, anh không đi xin tình thương của người đời mà khiến nhiều người phải nhìn lại cách sống, cách yêu thương của mình.
Nụ cười anh Chuối đẹp biết bao!l
Đăng Hùng

Hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh

Cuộc sống hạnh phúc của gia đình nhỏ nơi vùng quê nghèo Khánh Hòa bỗng chốc tan vỡ khi chồng của chị Nguyệt té vào bồn nước rồi tử vong. Chị một mình đưa 2 con trai tật nguyền lên Sài Gòn, thuê trọ rồi 3 mẹ con rong ruổi bán vé số mưu sinh để kiếm miếng ăn qua ngày.

Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 2.
Chị Bích Nguyệt (49 tuổi, ngoài cùng bên phải) từng có một cuộc sống hạnh phúc bên chồng và đứa con trai đầu lòng Lê Ngọc Quý. Ngày còn ở Nha Trang, chị làm nghề cắt tóc, chồng đi biển, thu nhập của cả hai cũng đủ để vun vén hạnh phúc cho gia đình nhỏ của mình.
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 3.
Khi con trai lớn được 2 tuổi, chị hạ sinh thêm một bé trai và đặt tên con là Lê Thành Đạt.
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 4.
Đến nay Quý đã được 12 tuổi, còn Đạt 10 tuổi. Thế nhưng bất hạnh đã gieo xuống cho vợ chồng chị Nguyệt khi phát hiện Quý bị bại não, suy hô hấp, tay chân càng lớn càng teo tóp...
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 5.
Còn Đạt cũng bị khuyết tật ở chân, không thể đi lại bình thường mà phải dựa vào chiếc xe đẩy của một nhà hảo tâm dành tặng. "Chiếc xe này giờ đã quá nhỏ so với chiều cao của nó, tôi đang dành tiền mua cho con chiếc xe khác để nó không bị gù lưng khi di chuyển", chị Nguyệt nói.
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 6.
Nỗi đau buồn vì hai đứa con khuyết tật còn chưa nguôi thì năm Đạt vừa tròn 3 tuổi, chồng chị Nguyệt đã qua đời sau khi té ngã ở phòng tắm. Cuộc sống "thiếu trước hụt sau" nên chị đành phải bồng bế 2 đứa con trai lên Sài Gòn thuê trọ rồi bán vé số mưu sinh.
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 7.
9 giờ sáng, hai anh em thức dậy rồi cùng mẹ ra gần chùa bà Châu Đốc 2, bày vé số ra bán.
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 8.
Vì lanh lợi hoạt bát hơn nên Đạt đảm nhận vai trò là người "rao" chính...
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 9.
Còn anh hai chỉ việc nằm đó. Đạt nói: "Anh không nói được, không đi được, nhưng đi bán phải có anh nằm cạnh bên thì mới vui".
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 10.
Chị Nguyệt cho biết dù bại não nhưng Quý vẫn hiểu được những gì chị nói, vẫn ý thức được mọi thứ xung quanh mình, biết vui khi em trai trêu đùa và khóc khi bị ăn hiếp. Cách đây 2 tuần, chị đã phải ôm 2 con về lại Nha Trang để làm lại giấy tờ vì bị giật mất ví tiền.
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 11.
Cũng trong đợt về này, Quý phát bệnh nặng, phải thở máy và nhập viện điều trị dài ngày. Chị nói: "Bệnh của Quý, bác sĩ nói không có cách gì chữa được, giờ sống với con được năm nào thì tốt năm đó mà thôi, chẳng mong gì hơn..."
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 12.
"Một ngày tụi con phải bán được 100 tờ vé số, con đi bán cho mẹ ở nhà dọn dẹp nấu cơm, khi nào mẹ nấu xong, tụi con vô ăn. Vé số còn dư thì chiều mẹ ra bán tiếp", Đạt kể chuyện bằng giọng trong trẻo, hí hửng và ngây ngô của mình.
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 13.
Sau khi bán hết vé số, Đạt tự đi một mình về nhà bằng chiếc xe đẩy, còn Quý được mẹ ẵm vào.
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 14.
Có nhiều người buôn bán và người dân ngỏ ý muốn dìu Đạt khi thấy cậu nhóc đi lại khó khăn, hoặc chỉ đơn giản là giúp em mang lại chiếc giày bị tuột khỏi chân nhưng Đạt vẫn luôn từ chối: "Để con tự làm!"
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 15.
Đoạn đường từ cổng chùa Bà đến nhà trọ không quá xa nhưng Đạt vẫn khá vất vả để di chuyển.
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 16.
Trước khi ăn cơm, em được mẹ rửa tay và mặt sạch sẽ.
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 17.
Bữa ăn giản dị của gia đình. Dù sống trong cảnh nghèo khó nhưng chị Nguyệt vẫn rất chăm chút cho bữa ăn của các con. Cứ ra chợ thấy bánh trái gì ngon, chị không tiếc tiền mà mua về. Bữa ăn lúc nào cũng có cơm canh thịt thà đầy đủ chất.
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 18.
Đến chiều tối, ba mẹ con lại chở nhau ra khu vực chợ Bến Thành để bán kẹo và vé số đến tối mịt mới về.
Cảnh sống thiếu trước hụt sau của hai anh em khuyết tật cùng mẹ lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh - Ảnh 19.
Khi mệt, họ dừng chân nghỉ ngơi ở góc hiên một cửa hàng đã đóng cửa trên đường Trần Hưng Đạo. "Hôm nào bán xong sớm thì chúng tôi về nhà tầm 11h khuya, hôm nào mưa gió thì cũng phải 2,3 giờ sáng. Một ngày tôi ngủ có 2 tiếng thôi, vì thằng Quý hay giật mình gọi mẹ nửa đêm, nên tôi cũng không dám ngủ say...", chị kể.
QUỲNH TRÂN

Muôn nẻo mưu sinh xứ Hàn- kỳ1: Nơi miền gió tuyết

25/09/2011 08:30 GMT+7

TT - Ở Hàn Quốc, người ta thường nói đùa rằng thành phố Ansan là nơi mà người Hàn trở thành... người nước ngoài. Bởi đây là một thành phố có nhiều khu công nghiệp lớn, thu hút hàng chục ngàn lao động với nhiều quốc tịch khác nhau, trong đó người Việt được xếp hàng thứ hai về số lượng.

Vào thập niên 1990 người Việt mới đến xứ sở kim chi qua đường hợp tác lao động. Chỉ sau hai thập niên, ở Hàn Quốc đã có hơn 120.000 người Việt gồm cả cô dâu và lao động. Trong đó, diện lao động hợp pháp khoảng 55.000 người... Theo chân những nẻo đường mưu sinh của người Việt tại Hàn, phóng viên Tuổi Trẻ ghi lại những câu chuyện của cả nụ cười và nước mắt...
YV9c5BTB.jpg
Mỗi đêm Thanh phải đứng bốn giờ giữa trời gió tuyết để làm thêm - Ảnh: Thi Ngôn
Vào một ngày cuối tuần tuyết rơi dày, trong dòng người hối hả mua sắm tại khu chợ dành cho người nước ngoài ở trung tâm, chúng tôi đặc biệt chú ý đến một thanh niên nhỏ con trùm khăn kín mít với lời rao lập cập vì gió tuyết: “Ai mua quýt không? Quýt ngon giảm giá đây...”. Mấy rổ quýt bày ra bên vỉa hè đã bị tuyết phủ trắng. Lâu lâu tiếng rao bị ngắt quãng bởi tiếng hít hà để sưởi ấm đôi bàn tay của người bán dạo...
Tiếng rao ở chợ đêm
Người bán dạo ấy chính là một lao động VN làm thêm sau giờ làm chính. Anh tên Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1988, quê ở Giồng Trôm, Bến Tre. Thanh vừa qua Hàn Quốc được bốn tháng, chưa kịp làm quen với cuộc sống mới thì đã phải đối diện với cái rét thấu xương của mùa đông xứ Hàn. Thanh tâm sự: “Khi đi thì tôi chọn ngành công nghiệp, nhưng qua đây được chuyển qua làm nông nghiệp. Do làm nông nghiệp lương thấp nên tôi phải tranh thủ đi làm thêm vào mỗi đêm. Ăn uống sinh hoạt thì chủ chỉ lo cho mình gạo thôi, còn thức ăn phải tự mua. Lương nông nghiệp của tụi tôi chỉ được hơn 700 USD mỗi tháng, chỉ đủ gửi về quê trả nợ. Bởi trước khi đi gia đình tôi phải vay hơn 70 triệu đồng”.
Lớn lên ở miệt sông nước, quanh năm chân lấm tay bùn, tưởng rằng chuyến xuất ngoại sẽ giúp Thanh thoát khỏi cảnh làm nông cơ cực... Ai ngờ một lần nữa cái nghiệp ruộng vườn một nắng hai sương vẫn bám lấy đời anh như một định mệnh. Dẫu nghề nông không phải là nguyện ước trong chuyến xuất ngoại, nhưng khi đã bỏ ra một khoản tiền lớn để được đi, Thanh phải tập quen với những điều không mong đợi vì sau lưng anh là cả một đống nợ nần, là cả niềm hi vọng từ chốn quê nhà... Banwon, nơi trại rau Thanh làm việc, chỉ cách thành phố Ansan sầm uất vài ga tàu điện nhưng đó là hai thế giới khác biệt. Banwon giống với Bến Tre quê anh về sự bình yên, tĩnh lặng của một làng quê. Chỉ có điều quê anh mướt bóng dừa, còn ở đây cánh đồng phủ đầy tuyết khi mùa đông kéo về...
Mặc cho cái rét vào đông ở xứ Hàn xuống đến âm 15 độ, mặc cho bàn tay bị bỏng tuyết lên cơn đau nhức, Thanh vẫn gắng gượng đi làm thêm vào mỗi đêm. Thanh kể: “Ở nông trại trồng xà lách, mỗi ngày tụi tôi phải làm 10 tiếng nhưng không được tính thêm tiền làm ngoài giờ. Dù mùa đông hay mùa hè mỗi ngày đều bắt đầu công việc từ 7g-18g. Sau đó tôi đi làm thêm bằng nghề bán hàng ngoài trời cho một ông chủ người Việt. Mỗi đêm đứng giữa gió tuyết hơn bốn giờ tôi được trả khoảng 10 USD, tức khoảng 200.000 đồng. Nếu sống chắt bóp thì tiền làm thêm này cũng đủ chi phí ăn uống qua ngày. Tôi chỉ mong trả xong nợ rồi dành dụm gửi về quê cất cho cha mẹ căn nhà để báo hiếu...”.
Tính ra mỗi ngày chàng thanh niên này phải trân mình giữa gió tuyết gần 14 giờ. Cường độ lao động cao, sự khắc nghiệt của thời tiết là điều mà nhiều lao động VN không thể hình dung được trước khi lên đường xa xứ mưu sinh. Không ít người vì nản chí đã phải bỏ về nước khi chưa hết hợp đồng.
Phần lớn lao động Việt ở Hàn Quốc chỉ biết mỗi con đường từ nhà đến chỗ làm trong suốt thời gian lao động. Với Thanh cũng vậy, anh thông thuộc từng bến ga trên chặng đường mưu sinh. Còn các khu vui chơi, nhà hàng, cửa hiệu... là những khái niệm xa xỉ, là thứ không thuộc về thế giới của những người lao động như Thanh!
Quê nhà trong đêm
Phải gần 11 giờ khuya, khi khu chợ đêm vắng hẳn người thì Thanh mới được nghỉ ngơi. Trên chuyến tàu điện ngầm cuối ngày chỉ một mình Thanh lạc lõng, cô đơn sau một ngày mưu sinh. Không một người sẻ chia, không một người trò chuyện, nỗi mệt nhọc sau một ngày làm việc như càng đè nặng thêm trên đôi vai người xa xứ... Anh tâm sự: “Nhiều lần tôi đã thầm cảm ơn sự bận bịu, bởi nhờ nó mà tôi không còn thời gian để nghĩ ngợi, không còn thời gian để buồn, không còn thời gian để nhớ! Tôi chỉ có mỗi một con đường, đó là tận dụng hết thời gian trong hợp đồng lao động để kiếm tiền lo cho gia đình, lo cho tương lai...”. Nói rồi Thanh tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi trong lúc chờ tàu về bến...
Chuyến tàu đêm băng nhanh qua những khu phố sầm uất. Ánh đèn màu của phố xá chiếu qua cửa kính làm hằn rõ nét mặt phờ phạc của Thanh. Những khu phố phồn hoa ngoài kia Thanh vẫn nhìn thấy hằng đêm trên chặng đường mưu sinh, nhưng anh chưa một lần đặt chân đến đó. Phải mất 20 phút đi tàu điện ngầm, trải qua một chặng đường dài đi bộ, thêm khoảng 15 phút đạp xe nữa Thanh mới về tới nhà. Tài sản quý giá nhất của Thanh ở xứ người là chiếc xe đạp cũ kỹ được vứt bên vệ đường để làm phương tiện đi về trong những đêm làm thêm. Nơi Thanh ở gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là những container chật chội dựng lên giữa đồng. Càng về khuya trời càng giá buốt, nhiệt độ ngoài trời âm đến 20 độ, nhà không lò sưởi, cả căn phòng như cái tủ đông khổng lồ...
Một ngày quần quật ở đồng, thêm bốn giờ phơi mình giữa tuyết làm thêm, lúc Thanh về đến nhà cũng đã gần 12 giờ đêm. Rét! Đói...! Thanh lao ngay vào bếp kiếm cái ăn. Nhưng tủ lạnh trống rỗng, thức ăn cũ đông đá, nước ở vòi đóng băng. Thanh đành phải chấp nhận lấy chút nước cặn còn sót lại trong nhà để nấu mì gói. Không đợi đến khi bát mì chín, Thanh lùa vội...
Vừa thỏa cơn đói thì nỗi đau nhức từ đôi bàn tay bỏng tuyết lại lên cơn hành hạ. Vừa bôi thuốc lên vết thương sưng tấy ở tay, Thanh vừa nói: “Nghề nông tụi tôi mùa đông phải thường xuyên tiếp xúc với tuyết nên dễ bị bỏng lắm. Nhiều đêm đau nhức không ngủ được...”.
Lúc ấy họ sẽ nhớ nhà. Nhưng họ biết biến nỗi nhớ nhung, những ký ức nghèo khổ nơi quê nhà thành sức mạnh, thành hơi ấm để vượt qua những đêm đông xa nhà... Anh tâm sự: “Qua đây vất vả, cô đơn thật, nhưng không vì thế mà cứ mãi quanh quẩn chốn quê nhà. Phải đưa sức trẻ ra để làm, để học hỏi, để thử sức với người ta”.
Đối với Thanh, hai tiếng quê hương thật đơn giản. Đó là mẹ, đó là cha, là xứ sông nước với những vườn dừa mà nơi này không có. Nó chính là điểm tựa cho Thanh và những lao động Việt trên đất Hàn vượt qua gian khó, đi qua những mùa gió tuyết nơi xứ người...
_______________________
Với đa số lao động Việt, đặt chân đến Hàn Quốc mưu sinh là một cơ may để đổi đời. Nhưng trong hành trình bươn chải nơi xứ người, không phải ai cũng toại nguyện giấc mơ thoát nghèo.
Kỳ tới: Nỗi đau đời thợ
THẾ ANH

Muôn nẻo mưu sinh xứ Hàn - Kỳ 2: Nỗi đau đời thợ

26/09/2011 08:59 GMT+7

TT - Với đa số lao động Việt, được đặt chân đến Hàn Quốc mưu sinh là một cơ may để đổi đời. Nhưng trong hành trình bươn chải nơi xứ người, không phải ai cũng toại nguyện về giấc mơ thoát nghèo. Có người đã bỏ mạng nơi xứ lạ, có người phải trở về quê nhà với tấm thân không lành lặn trên chiếc xe lăn.

zAuBpglI.jpg
Đặng Hùng Phương điều trị tại Bệnh viện Keumsol (Busan) đã ba năm nay - Ảnh: Hữu Hạnh
Chúng tôi đã tìm đến Bệnh viện Keumsol ở thành phố Busan để được tận mắt chứng kiến bi kịch của một lao động Việt gặp rủi ro nơi xứ người.
Chuyện ở Keumsol
Tiếp chúng tôi trên giường bệnh là chàng thanh niên 26 tuổi Đặng Hùng Phương với ánh mắt vô hồn khó tả. Quê Phương ở thành phố Bắc Ninh, anh qua Hàn hồi tháng 2-2008, làm việc cho một hãng đóng tàu tại Busan. Đúng sáu tháng sau khi đặt chân đến đất Hàn, tai nạn ập đến. Đó là một ngày đen tối mà dường như Phương đã cố quên từ lâu. Gặng hỏi mãi anh mới chịu kể lại một cách rời rạc, run rẩy: “Lúc đó tôi đang làm việc trên boong tàu thì bất ngờ bị cần cẩu đập phải rồi ngã quỵ ngay tại chỗ. Sau khi đi cấp cứu, chụp hình mới biết mình bị gãy đốt xương sống thứ 12. Tương lai như sụp đổ...!”.
Sau vụ tai nạn đó Phương bị liệt nửa người. Những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ vỡ vụn. Tương lai của Phương chỉ còn lại là tấm thân tàn phế trên chiếc xe lăn nơi xứ người... Anh tâm sự: “Hai chân của tôi bây giờ mất hết cảm giác, không thể hoạt động được nữa. Hết hi vọng rồi, xem như buông xuôi theo số phận! Nhiều lúc buồn chán tôi đã nghĩ đến tự tử để chạy trốn... Cũng may là có anh em đồng hương, những người Hàn tốt bụng động viên, an ủi nên cũng nguôi ngoai được phần nào. Điều tôi sợ nhất là phải trở về quê nhà với một hình hài tàn phế. Liệu bố mẹ có chấp nhận mình không? Khi đi thì mong sẽ kiếm được tiền báo hiếu bố mẹ, ai ngờ bây giờ lại trở thành gánh nặng cho gia đình. Rồi tương lai sẽ đi về đâu...”.
Dù được bảo hiểm lo toàn bộ chi phí chữa trị, dù vẫn được công ty trả 70% lương hằng tháng, nhưng có lẽ những giá trị vật chất đó sẽ chẳng bao giờ bù đắp được những mất mát của đời anh. Ba năm tàn phế, ba năm đơn độc với nỗi đau thể xác và tinh thần nơi xứ người, Phương càng thấm thía hơn cái giá của sự đổi đời.
Không mẹ cha, không người thân thích, may cho Phương là có được một người phụ nữ Hàn tốt bụng chăm lo cho anh trong suốt thời gian qua. Phương nhờ chúng tôi ghi hình của Phương hiện tại ở bệnh viện để mang về cho bố mẹ như một bước thăm dò. Nhà Phương nằm cách trung tâm thành phố Bắc Ninh chưa đầy 5km. Căn nhà lọt thỏm trong khu tập thể của Công ty Xây dựng số 4 thuộc phường Vũ Linh.
Đây là lần đầu tiên bố mẹ Phương nhìn thấy hình hài con mình sau vụ tai nạn định mệnh. Vẫn khuôn mặt đó, nụ cười đó của cậu con trai út nhưng lời hứa về thăm gia đình của Đặng Hùng Phương đã ba năm rồi lỗi hẹn. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt gầy guộc của người mẹ vì những đêm mất ngủ, vì những ngày dài chờ ngóng tin con. Người bố cố gắng gượng để kìm nén sự đau đớn, nhưng rồi ông cũng không cầm được nước mắt trước lời nhắn của đứa con trong đoạn clip: “Nếu một ngày nào đó con trở về, mong bố mẹ hãy chấp nhận con! Con xin lỗi bố mẹ vì đã không báo hiếu được ơn sinh thành...”.
Có một chuyện mà bố mẹ Phương vẫn giấu anh. Đó là tai nạn giao thông của bà Nguyễn Thị Xuân - mẹ Phương - xảy ra chỉ vài ngày sau khi nghe tin con trai bị nạn nơi xứ người. Cú ngã do bị tông xe và cú sốc về tinh thần đã khiến bà như quỵ ngã. Dù thế, suốt bao năm qua bà vẫn lặn lội đi hết chùa này đến chùa khác để khẩn cầu cho đứa con trai út nơi xứ Hàn sớm tai qua nạn khỏi.
Không biết những lời khẩn cầu của người mẹ đã ngoài 60 tuổi này có được linh ứng, chỉ biết rằng nỗi thấp thỏm về cậu con trai ở xứ người luôn giày vò bà mãi không nguôi. Lễ chùa, với bà không chỉ là gửi đi những lời cầu may, cầu an cho con trai và gia đình, đó còn là nơi duy nhất giúp bà cảm thấy lòng mình được thanh tịnh trước những sóng gió của gia đình.
Rủi ro làm thêm
Mục sư Nguyễn Thông - phó giám đốc Trung tâm phúc lợi xã hội thuộc Trung tâm Công giáo ở thành phố Busan, người đã giúp đỡ rất nhiều lao động VN khi gặp rủi ro - chia sẻ: “Người Hàn họ làm theo nguyên tắc, khi bị tai nạn thì họ đưa đến bệnh viện, còn các công đoạn còn lại họ phó mặc cho bên bảo hiểm lo. Họ không có thói quen thăm hỏi hay động viên tinh thần công nhân khi nằm điều trị, vì thế nhiều công nhân Việt cảm thấy sốc trước cách hành xử của giới chủ.
Thường mới nhìn vào thì ai cũng nói những ông chủ Hàn rất tốt, rất nhân đạo. Nhưng khi bước vào phân xưởng rồi thì để tìm một ông chủ như vậy không đơn giản. Thường 10 người thì chỉ có được 4-5 chủ xưởng tốt. Họ không quan tâm đến cá nhân và điều kiện sinh sống của công nhân. Có nhiều người họ đối xử rất tàn nhẫn. Tôi từng can thiệp một trường hợp công nhân Việt bị chủ Hàn dọa giết bằng cách nhốt xuống hầm rồi lấy cát lấp từ từ. Những trường hợp như thế thường rơi vào những công nhân đi làm thêm, không có hợp đồng lao động chặt chẽ”.
Dù nguyên nhân gì đi nữa, khi gặp rủi ro thì thiệt thòi luôn nằm về phía những người lao động. Nếu tai nạn xảy ra trong giờ làm việc chính thức thì còn được bảo hiểm bồi thường, có tiền để chữa trị thương tật. Bi kịch nhất là những người gặp phải rủi ro trong giờ đi làm thêm, hầu như họ chẳng có được quyền lợi gì cả khi rủi ro xảy ra... Biết thế nhưng họ vẫn phải tranh thủ đi làm thêm vào giờ nghỉ để mong sớm trả hết nợ nần, sớm có tiền lo cho tương lai...
Tại một bệnh viện ở trung tâm thành phố Busan, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hoài Thương, một công nhân bị giập tay trong giờ làm thêm đang điều trị tại đây. Quê Thương ở Cà Mau, anh đến Hàn Quốc từ năm 2009.
Anh cho biết: “Ngoài giờ làm chính theo hợp đồng, tôi còn đi làm thêm tại một xưởng máy dập. Chẳng may hệ thống tự động bị lỗi nên khi đút tay vào lấy sản phẩm ra thì bị máy dập đè xuống, tay tôi bị giập mất ba ngón.
Để có tiền trả nợ ở quê, nếu công ty chính không có việc để tăng ca thì anh em lao động bên này đều đi làm thêm ở ngoài để có thêm thu nhập. Người thì chỉ làm thêm thứ bảy, chủ nhật, có người làm thêm ca đêm sau khi đã xong việc ở công ty chính. Tai nạn lao động thường xảy ra với những người làm thêm ca đêm, do mệt mỏi, vì máy móc không được bảo trì đúng hạn. Nhiều người đi làm thêm không có hợp đồng lao động chặt chẽ còn bị giới chủ quỵt luôn cả tiền lương.
VhsgOSgW.jpg
Nguyễn Hòai Thương, một lao động Việt Nam bị tai nạn trong lúc đi làm thêm đang điều trị tại bệnh viện Busan - Ảnh: Thế Anh
Với những người làm thêm thì khi xảy ra tai nạn không được hưởng chế độ bảo hiểm. Vừa rồi có một trường hợp là anh Trần Văn Hùng, người Nghệ An, đi làm thêm rồi bị té từ trên lầu xuống. Anh bị gãy cột sống, phải mổ nhiều lần nhưng công ty nơi anh làm thêm cũng lơ đi. Họ chỉ trả cho anh một khoản tiền hơn 10.000 đôla gọi là an ủi. Anh em trong cộng đồng người Việt phải kêu gọi quyên góp để giúp anh về nước...”.
_____________________
Một mảng nghề quan trọng cho thị trường lao động Hàn Quốc là làm việc trên biển. Điều gì chờ đợi người lao động Việt trên những con tàu lênh đênh giữa biển cả xứ người?
Kỳ tới: Rủi ro nghề biển
THẾ ANH

Muôn nẻo mưu sinh xứ Hàn - Kỳ 3: Rủi ro nghề biển

27/09/2011 06:12 GMT+7

TT - Thành phố cảng Busan là nơi tập trung chủ yếu số lượng lao động Việt làm nghề biển trên đất Hàn. Nói là tập trung nhưng thật ra để gặp được những ngư dân Việt ở đây thì phải đợi đến ngày rằm hằng tháng.

Đó là những ngày mà tàu thuyền đánh bắt xa bờ cập cảng để bán cá và chuẩn bị cho chuyến xa khơi mới tại chợ cá nổi tiếng Jagalchi. Với khách thập phương, Jagalchi là một địa điểm du lịch hấp dẫn, còn với những ngư dân Việt, đó là bến trọ của đời viễn xứ sau những ngày dài lênh đênh giữa đại dương...
yvuGBXBn.jpg
Vì nhiều lý do, nhiều thuyền viên phải xin đổi tàu liên tục. Trong lúc chờ đợi việc mới họ phải làm nghề móc câu ở các lán tạm tại bến cá... - Ảnh: Thế Anh
“Bến trọ” Jagalchi
Trời mới tờ mờ sáng, gió biển rít từng cơn làm cho cái rét giữa đông như cắt da cắt thịt. Những thương lái tụ về vây quanh cảng cá để đấu giá, người buôn kẻ bán sầm uất. Trong không khí náo nhiệt của một ngày làm việc ở cảng cá lớn có tiếng này là những ngư dân Việt lầm lũi bốc vác các mẻ cá lên bờ. Mắt họ trũng sâu vì những đêm mất ngủ, nét mặt phờ phạc sau những chuyến đi dài...
Phần lớn lao động Việt ở đây đều làm trên những con tàu đánh cá xa bờ. Có người một hai tuần, có người hai ba tháng mới được lên bờ một lần. Nói là đi lao động nước ngoài nhưng thật ra họ chẳng biết gì nhiều ở Hàn Quốc. Cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn trên con tàu với biển cả đầy sóng gió trong suốt chặng đường mưu sinh. Ngôn ngữ họ học được cũng chỉ là vài tiếng bồi liên quan đến kỹ thuật để trao đổi với người Hàn trên tàu mà thôi.
Vừa bốc dỡ xong hơn 5 tấn cá lên bờ, anh Lê Tùng Lâm, quê ở Lý Hòa, tỉnh Quảng Bình, tâm sự: “Nghề biển ở đây vất vả lắm. Mỗi ngày tụi tôi phải làm việc 14-16 giờ trên biển. Một nghịch lý là đi biển vất vả nhưng lương lại thấp nhất trong các ngành nghề nhận lao động nước ngoài tại Hàn Quốc. Lương trung bình của những thuyền viên ở đây chỉ độ 800 usd mỗi tháng. Nhưng cũng đành phải chấp nhận vì phần lớn anh em là dân miền biển, chẳng được học hành đến nơi đến chốn, chẳng theo nghề biển thì biết làm gì bây giờ!
Ở đây, nhiều chủ tàu sợ các thủy thủ trốn nên khi cập bến họ không cho thủy thủ lên bờ. Các giấy tờ tùy thân chủ giữ hết, anh em chỉ biết quanh quẩn trên tàu rồi nhìn vô bờ cho đỡ nhớ nhà trong lúc chờ đợi chuyến xa khơi tiếp theo”.
Cuộc sống ngư dân trên quê nhà đã khổ, cuộc sống của những người sống bằng nghề biển nơi xứ người lại khổ hơn. Những ngày đông gió rét, dông tố bất thường luôn rình rập vây bủa lấy đời họ. Vài tháng mới được gọi điện hỏi thăm vợ con, mới hưởng được chút an lành của đất liền khiến sự cô đơn của họ nơi xứ người càng tăng thêm bội phần.
Sau khoảng thời gian ngắn ngủi để nghỉ ngơi, họ phải lao vào công việc để chuẩn bị cho chuyến ra khơi nữa. Trên các con tàu cỡ nhỏ tại cảng cá Jagalchi, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ngư dân Việt trong chiếc áo rét dày cộm đang cặm cụi cắt mồi chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Vừa luôn tay cắt những con cá nhỏ đã đông đá giữa trời đông, anh Bùi Đắc Lý, quê ở Kỳ Xuân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, tâm sự: “Thủy thủ là nghề phải chịu nhiều thiệt thòi nhất trên đất Hàn. Trên biển gặp bất công chẳng biết kêu với ai. Khi muốn chuyển chỗ làm cũng hết sức khó khăn. Vì hầu như anh em chẳng biết tiếng, luật lệ thì mù tịt, quan hệ lại không có... Muốn chuyển chỗ làm tốt hơn thì phải thông qua những người Việt làm dịch vụ tại đây với chi phí bằng cả tháng lương. Trong lúc theo quy định thì chẳng mất đồng nào cả”.
Dù vất vả nhưng họ vẫn cảm thấy vui. Vui vì mỗi tháng có thể gửi về quê vài trăm đô cho con trẻ, cho mẹ già nơi quê nhà. Nỗi lo sợ nhất của những người lao động Việt trên đất Hàn là thất nghiệp. Với những ngư dân thì nỗi thất nghiệp lại càng đáng sợ hơn... Nhiều người vì không chịu được sự khắc nghiệt của giới chủ đã phải xin đổi tàu hay bỏ trốn.
Trong những ngày tháng chờ đợi một người chủ mới, họ phải sống lây lất quanh cảng cá Busan. Không có tiền thuê nhà trọ, họ phải xin ngủ ở những lều tạm ven cảng trong những ngày đông giá rét. Phải nhờ những gói mì, miếng cơm của những người đồng hương cùng cảnh ngộ. Phải làm tạm cái nghề móc câu với đồng lương rẻ mạt để chờ đợi một cơ hội mới ngoài biển xa...
Hiểm nguy đời thuyền viên
Dù thế, những người theo nghề biển ở Busan vẫn còn may mắn hơn những người phải làm cho những tàu cá ở tận ngoài đảo. Ở nơi hẻo lánh của đảo xa, sự khắc nghiệt, nỗi cô đơn và sự bất công là nỗi ám ảnh thật sự của các thủy thủ Việt.
Anh Trần Văn Tuấn, quê ở Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, cho biết: “Tôi có mấy người bạn cùng quê làm việc ở đảo Jeju, họ nói ngoài đó vất vả hơn thủy thủ ở Busan rất nhiều. Mỗi ngày họ phải làm việc hơn 18 tiếng, điều kiện sinh hoạt thì thiếu thốn, lại thường xuyên bị các chủ tàu đối xử tệ. Vì ở xa đất liền nên họ chẳng biết kêu ai, đành phải cắn răng chịu đựng cho hết hợp đồng. Nhiều người trở về bờ với nhiều thương tích, thân thể gầy yếu cùng đủ loại bệnh tật trên người...”.
Anh Trần Văn Tuấn là một thủy thủ Việt chẳng may bị tai nạn trên biển đang điều trị tại Bệnh viện Young Do ở trung tâm thành phố Busan. Anh sinh năm 1978, qua Hàn Quốc cách nay ba năm. Để được qua Hàn làm thuyền viên, anh Tuấn phải bỏ ra đến 8.500 đôla.
Với mức lương hơn 1.000 đôla mỗi tháng, trừ chi phí sinh hoạt tính ra anh phải lao động hơn một năm mới trả hết nợ. Ngày anh đi đứa con đầu lòng mới vừa tròn một tháng tuổi. Anh cất bước ra đi để cầu mong một cuộc sống khá hơn nhưng điều đó cũng không dễ dàng...
Anh Tuấn kể lại: “Tôi và anh em trên tàu đang giăng lưới thì đột nhiên dông tố nổi lên, dây neo bị đứt rồi đập thẳng vào đầu. Tôi bị choáng rồi ngất ngay tại chỗ. Cũng may là không bị rơi xuống biển. Biển ở đây vào đông lạnh lắm, rơi xuống chưa kịp chết đuối thì đã chết vì lạnh mất rồi. Đã có không ít thuyền viên người Việt phải bỏ mạng mà chưa tìm ra xác. Nghề biển có nhiều rủi ro lắm.
Chẳng may gặp phải chủ tệ thì bị đánh đập, chửi bới thường xuyên. Trên tàu đánh cá của Hàn Quốc không chỉ có mỗi người Việt mà còn có cả thuyền viên các nước khác, nên việc mâu thuẫn giữa lao động khác quốc tịch cũng thường xuyên xảy ra. Có trường hợp vì ghét nhau mà thuyền viên nước này đẩy thuyền viên nước khác xuống biển giữa đêm khuya...”.
Dù hai mắt sưng đỏ và lưng bị bầm tím, nhưng anh Tuấn vẫn cho rằng mình còn may mắn hơn nhiều thuyền viên khác, đó là vẫn còn cơ hội để trở lại ngư trường. Những ngày đau ốm, không người thân chăm sóc, anh chỉ biết sống nhờ vào những bữa cơm đạm bạc của bệnh viện. Đó là chút kim chi, miếng cá khô mà lúc khỏe mạnh cũng đã chán ngấy. Dẫu vậy, anh Tuấn chẳng dám báo tin cho vợ con ở quê nhà, bởi anh biết điều đó chỉ làm họ thêm lo lắng mà thôi!
---------------------------------------------------
Xuất ngoại, nhiều người tưởng sẽ thoát được cảnh làm nông cơ cực. Ai ngờ khi đặt chân tới Hàn Quốc, cái nghiệp một nắng hai sương vẫn đeo bám lấy đời họ như một định mệnh.
Kỳ tới:Nghề nông ở đất Hàn
THẾ ANH

Muôn nẻo mưu sinh xứ Hàn - Kỳ 4: Nghề nông ở đất Hàn

28/09/2011 07:11 GMT+7

TT - Gyeonggi là tỉnh giáp ranh với Seoul, nơi có 70% diện tích là đồi núi, đất canh tác chỉ chiếm khoảng 18,5% nhưng lại là vùng cung ứng một khối lượng lớn sản phẩm nông nghiệp cho người dân thủ đô Seoul.

9pA8Zefe.jpg
“Nông dân” Việt thu hoạch rau tại trang trại Kasan, TP Pocheon - Ảnh: Thi Ngôn
Chỉ cần bước ra khỏi TP Pocheon, người ta có thể bắt gặp những dãy nhà kính trồng rau dài tít tắp được phủ một màu trắng của tuyết, người Hàn gọi đó là “hau sừ”.
Ngày “hau sừ”, đêm “container”
Phần lớn người trẻ ở Hàn ít làm trong lĩnh vực nông nghiệp, nên nhân công chủ yếu ở đây là lao động nước ngoài, trong đó có khá nhiều người Việt. Với những người Việt theo nghề nông ở Hàn, quanh năm họ chỉ biết trồng trọt ở các “hau sừ”, tối về ngủ trong những căn nhà bằng container dựng tạm hiu quạnh giữa đồng...
Trời đang là giữa đông, chúng tôi tìm đến nông trang Kasan, một trong những nông trang lớn ở Pocheon, chuyên trồng cải, xà lách và rau diếp... Tại đây có 11 lao động nước ngoài, trong đó có đến sáu người Việt và một số người đến từ Campuchia, Trung Quốc...
Mới 6g sáng, Pocheon còn chìm trong âm u của gió tuyết, từ dãy nhà container, đoàn người đã lục tục khăn áo chuẩn bị cho ngày mới. Nơi họ làm việc cách chỗ ở đến 30km, phương tiện di chuyển là chiếc xe cũ kỹ dùng để chở nông sản.
Đến “hau sừ” trời vẫn còn tối, tuyết rơi mịt trời, nhiệt độ bên ngoài xuống đến -17 độ C. Trên mái và vách làm bằng nilông của “hau sừ” phủ một lớp băng dày làm nhiệt độ bên trong càng thêm giá rét. Từ cái miệng đỏ rực của chiếc lò sưởi, môt làn hơi khô nóng phà ra kèm theo tiếng ù ù ầm tai. Máy chạy được một lúc phải tắt vì thán khí, hơi lạnh từ ngoài lại ùa vào...
Các nam lao động đảm trách những công việc nặng nhọc nhất của nghề nông là cày xới, bón phân, vận chuyển, tưới nước... Sau một đêm giá rét, sáng ra một đường ống đã bị vỡ do nước đóng băng. Họ phải dùng lửa để hơ nóng ống nước rồi mới thay được đoạn ống bị vỡ. Cùng lúc, các nữ công nhân lao vào thu hoạch, phân loại, đóng gói rau củ. Mặc cho gió rét, họ vẫn thoăn thoắt bó từng bó rau rồi lâu lâu đưa tay lên miệng thổi cho đỡ cóng.
Vật lộn với việc sửa chữa, cày xới, thu hoạch..., bữa trưa của họ diễn ra vội vã trên nền đất giá lạnh. Đồ ăn chỉ đơn giản là cơm trắng, đĩa kim chi và một ít cá khô.
Thấy chúng tôi có vẻ khó nuốt, chị Nguyễn Thị Cúc, quê ở Thái Bình, cười thông cảm: “Ngày đầu tôi mới qua cũng thế, không tài nào nuốt nổi. Nhưng lâu rồi quen, không ăn thì lấy sức đâu mà chống chọi với rét. Ở đây chủ lo ăn ngày hai bữa thì chỉ có vậy thôi, tối về anh em mới cải thiện thêm”.
Nói là cải thiện nhưng thật ra họ cũng chỉ dám ra chợ mua ít nội tạng heo gà, loại thực phẩm rẻ ở Hàn, để dùng...
Đắng cay nghề chăn nuôi
Tưởng rằng nghề trồng trọt đã vất vả, ai ngờ vẫn chưa thấm vào đâu so với những lao động Việt phải làm trong những trang trại chăn nuôi, đặc biệt là với những người làm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Ở đó, cường độ làm việc, điều kiện sống mới thật sự là một thử thách khó vượt qua đối với những người con xa xứ...
Phần lớn lao động Việt làm trong ngành nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở những tỉnh phía nam của Hàn Quốc như Busan, Masan... Nhờ một người Hàn có uy tín giới thiệu, chúng tôi mới được phép đến thăm một công ty nuôi trồng - chế biến thủy hải sản tại một thị trấn nhỏ thuộc TP Masan, tỉnh Gyeongsang, cách Busan khoảng 65km về phía tây.
Ở nơi này chỉ có hai lao động nước ngoài là người VN đang làm việc trong một công ty gia đình chuyên nuôi vẹm xanh trên biển.
Anh Lê Xuân Nam, quê Nam Định, qua Hàn lao động theo ngành thủy sản đã hơn hai năm, tâm sự: “Hồi mới qua tôi làm việc cho công ty chuyên nuôi hàu, ở đó chỉ có mình tôi là người VN, buồn lắm! Công việc đã vất vả, lại chẳng có ai để bầu bạn nên tôi mới xin chuyển chỗ làm. Dù về đây công việc cũng vất vả như trước nhưng bù lại có được người đồng hương để trò chuyện, nương tựa mỗi khi ốm đau”.
Người đồng hương mà Nam nhắc tới đó là Ngô Đức Soái, quê Hải Dương. Khi chúng tôi đến cũng là lúc Soái đang bị bệnh nằm ở nhà. So với Nam, con đường sang Hàn của Soái gian nan và nhiều sóng gió hơn.
Anh cho biết: “Cũng chọn ngành thủy sản nhưng không may tôi bị rơi vào một công ty nhỏ chuyên nghề đi biển đánh cá. Thời gian làm việc từ 2g sáng tới 7g tối ngày hôm sau. Sau ba tháng vừa làm vừa nỗ lực đấu tranh, tôi mới được chuyển xưởng với điều kiện phải đền cho ông chủ tàu hơn 1.300 USD”.
Tại đây, công việc thường ngày của Soái là làm việc trên tàu, suốt ngày ngoài biển khơi thu hoạch vẹm xanh. Còn Nam làm trong xưởng chế biến.
Do Soái bệnh nên Nam phải lên tàu làm thay cho bạn. Gọi là tàu nhưng thực chất đó chỉ là chiếc sà lan được thiết kế để thu hoạch vẹm xanh cách bờ chừng 4km. Trời tờ mờ sáng, sau khi ăn vội chén cơm, Nam cùng với ba người Hàn nữa xuống tàu ra khơi.
Mùa đông ở đây nhiệt độ xuống đến -15 độ, càng xa bờ gió càng thổi mạnh. Hơi nước từ hơi thở đóng thành tuyết, trắng cả chiếc khăn quàng cổ!
Nam vừa khom mình để chống lại những cơn gió lạnh vừa tâm sự: “Công việc trên tàu chủ yếu là dùng sức của đôi tay để thu hoạch và đóng gói vẹm xanh. Mỗi ngày phải đóng gói, khuân vác ít nhất 600 bao vẹm. Mỗi bao nặng khoảng 25kg. Ra biển luôn là phần việc khó khăn, nặng nhọc nhất trong nghề thủy sản. Không chỉ với những lao động VN mà cả với những lao động người Hàn, vốn đã quen với giá rét và sóng gió cũng phải kiêng sợ”.
Mãi đến 4g chiều, chiếc sà lan nặng trĩu vẹm xanh mới cập bến. Với những lao động người Hàn làm việc trên tàu, công việc coi như đã xong. Họ có thể ra về nghỉ ngơi với gia đình, bạn bè... Còn với Nam, công việc dường như chỉ mới bắt đầu. Nhiều công việc không tên khác đang chờ anh trong phân xưởng chế biến.
Ở phân xưởng này, Nam và Soái luôn là người về sau cùng sau mỗi ngày làm việc. Nam cười buồn: “Phận nhập cư thì phải chịu thiệt thôi. Làm việc nhiều hơn, lương lại thấp hơn người bản xứ đó là chuyện thường tình. Nhưng so với những anh em làm trong các trang trại chăn nuôi bò, heo hay những người phải ngâm mình dưới nước biển lạnh giá để lấy rong biển... thì họ còn khổ và vất vả hơn tụi tôi nhiều!”.
Chỉ tiêu tuyển dụng ngành nông nghiệp hiện khoảng 1.500 người/năm, nhưng chưa năm nào ngành này tuyển đủ hạn ngạch được phân bổ. Lý do chính là thời gian làm việc quá dài, thường là 12 giờ nhưng chỉ được hưởng lương cơ bản, không tính tiền ngoài giờ như ngành công nghiệp hay xây dựng.
Lương nữ “nông dân” vào khoảng 800 USD/tháng, nam khoảng 1.200 USD/tháng.
Đa số lao động VN đến Hàn đều không muốn làm trong ngành thủy sản, chăn nuôi. Trong số hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động tồn đọng mỗi năm trên 10.000 người, chỉ có vài trăm người đăng ký vào ngành thủy sản, chiếm khoảng 2,7% hạn ngạch được phân bổ.
__________
Hiện Việt Nam có số lượng lao động làm việc tại Hàn Quốc đứng đầu trong 15 nước có lao động đến đây với khoảng 55.000-60.000 người. Tuy nhiên, tỉ lệ lao động bất hợp pháp cũng dẫn đầu các nước nói trên.
Kỳ tới: Những mảnh đời lưu lạc
THẾ ANH - THI NGÔN

Muôn nẻo mưu sinh xứ Hàn - Kỳ 5: Những mảnh đời lưu lạc

29/09/2011 07:40 GMT+7

TT - Theo con số chính thức thì hiện Việt Nam có hơn 8.000 lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tuy nhiên con số thực tế ước tính cao hơn nhiều. Phần lớn các lao động bất hợp pháp là những người đã hết hạn lao động rồi trốn lại, một số ít vẫn còn hợp đồng nhưng tự ý trốn khỏi công ty vì nhiều lý do. Người thì do lương thấp, người do công việc không phù hợp, người thì bị chủ ngược đãi...

6f9CLxPw.jpg
Anh Kiên đứng lớp dạy tiếng Hàn miễn phí cho lao động Việt Nam - Ảnh: Hữu Hạnh
Long đong phận bất hợp pháp
Chúng tôi từng chứng kiến cảnh lao động Việt chạy tán loạn để trốn tránh sự truy đuổi của cảnh sát ở chợ Pocheon khi có một ai đó la lên: “Cảnh sát, trốn!”. Nhóm lao động Việt quáng quàng chạy, tủa ra các con đường nhỏ đi bộ về nhà trọ thay vì đi xe buýt như thường ngày. Có thể nói, không đợt truy bắt nào mà cảnh sát không bắt được lao động bất hợp pháp người Việt, khi thì ở những khu chợ tập trung đông dân cư hoặc ngay tại những nhà xưởng các vùng quê hẻo lánh. Trong những lần bị vây ráp, họ sẵn sàng liều mình bằng nhiều cách để thoát thân. Người thì chui vào hầm nhà xí, người thì chui vào thùng hóa chất, người thì ngủ ngoài trời giữa đêm đông... Thậm chí có người còn nhảy lầu thiệt mạng.
Chị Nguyễn Thu Hiền, một lao động ở Pocheon, tâm sự: “Sống đời bất hợp pháp khổ lắm, đi đâu cũng mắt trước mắt sau như là ăn trộm. Đêm ngủ không yên giấc, cứ nghe rục rịch là ba chân bốn cẳng lao ra đồng chạy như ma đuổi...”. Trong một đợt truy bắt gần đây ở thành phố Pocheon, anh Nguyễn Quốc Toản, chồng chị, đã không thoát kịp, bị bắt ngay tại xưởng. Anh qua Hàn từ năm 1999, chị qua Hàn năm 2003, cả hai đều hết hợp đồng nhưng trốn ở lại sống đời bất hợp pháp cho đến nay.
Từ ngày anh Toản bị bắt, “tổ ấm” của họ là chiếc container nằm trơ trọi cạnh một nhà xưởng trông càng vắng lạnh hơn. Dù phải sống trong điều kiện không có toilet riêng, không có đường ống dẫn nước vào nhà, nhưng bù lại chị không phải trả tiền thuê nhà. Để có tiền nuôi con, hằng ngày chị nhận hàng về rồi khóa trái container lại để gia công. Chị tâm sự: “Tôi với anh là người cùng quê ở Ứng Hòa, Hà Tây (cũ), lại cùng cảnh ngộ nên “góp gạo thổi cơm chung”. Từ khi có bé Hương Giang ra đời, tôi phải ở nhà, mọi chi tiêu sinh hoạt đều dựa hết vào lương anh Toản. Bây giờ anh bị bắt, tui cũng không biết phải xoay xở sao đây...?”.
Chồng bị giam đã mấy tháng nay để chờ ngày trục xuất nhưng chị cũng chẳng dám đi thăm vì sợ bị bắt. Ngày chúng tôi đến cũng là ngày chị đang gói ghém đồ đạc cho đứa con gái mới 2 tuổi để làm thủ tục gửi về cùng cha trong chuyến bay trục xuất. Nhìn đứa con còn thơ dại mà chị không nén được nỗi xúc động: “Biết xa con thì nhớ lắm nhưng cũng đành phải gửi nó về quê theo cha thôi, chứ ở đây một mình tôi sống đã khó rồi, huống gì đèo bồng thêm con nhỏ? Chồng đã về với hai bàn tay trắng, tui phải liều ở lại vài năm nữa kiếm ít vốn liếng để sau này còn lo cho tương lai”.
Lòng người ở lại
Anh Trần Văn Phòng, ở thành phố Incheon, kể ngày anh chuẩn bị về Việt Nam khi hết hạn hợp đồng thì nhận được tin mẹ bị ung thư giai đoạn cuối. “Chỉ có làm ở bên đây mới kiếm đủ tiền để chữa trị cho má. Dù có thương cũng ráng để trong lòng, chỉ mong má sống tới ngày tôi về...” - anh Phòng nghẹn ngào.
Thấm thoắt mà anh Phòng đã sống năm năm bất hợp pháp nơi xứ người. Khi chúng tôi mang những thước phim của “thằng út Phòng” về cho má anh ở Tây Ninh, người mẹ quê đã không kìm được nước mắt, khóc òa: “Cứ 21 ngày là tui phải vô viện một lần. Mỗi lần như thế tiền khám, tiền thuốc mất hơn 5 triệu đồng, không nhờ thằng út Phòng thì chắc tui chết lâu rồi. Khi ba nó chết, thấy gia đình khổ quá nó mới xin đi để lo cho tương lai. Ai dè tới tôi bệnh. Nghe con nói mà đứt ruột, không biết mình có sống để chờ nó được không...?”.
Anh Võ Trọng Kiên là một lao động bất hợp pháp “kỳ cựu” nhất. Anh qua Hàn theo diện tu nghiệp sinh từ năm 1997 nhưng được vài tháng anh bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp cho tới nay. Kinh qua nhiều nghề, lang thang qua nhiều thành phố trên đất Hàn, cuối cùng anh ở lại thành phố Pocheon và lấy nghề hàn để mưu sinh.
Anh chia sẻ: “Hồi mới qua chưa có kinh nghiệm, lại nghe bạn bè rủ rê nên mới bỏ ra ngoài sống đời bất hợp pháp. Chứ nếu biết được từ đầu thì chẳng bao giờ mình chọn cách này. Vì cuộc sống của những lao động bất hợp pháp bên này nhiều thiệt thòi lắm. Đi làm thì dễ bị chủ xưởng nợ hay quỵt lương, gặp tai nạn lao động thì chẳng được bảo hiểm. Lương của lao động bất hợp pháp thường thấp hơn lao động hợp pháp, lại hay bị giới chủ hoạnh họe. Nhiều lần mình cũng tính về nhưng do đi lâu quá rồi, về cũng chẳng biết làm gì, khó hòa nhập cuộc sống ở quê nhà nên cứ chần chừ mãi. Đã bước qua tuổi 40 rồi, ngại thay đổi lắm... Vì bát cơm manh áo mới liều ở lại cả thôi, chứ ai nào có muốn sống một cuộc đời lẩn trốn, chui rúc bao giờ...?”.
Điều đặc biệt tuy là một lao động bất hợp pháp nhưng anh Kiên lại được giới báo chí địa phương ở Pocheon đặc biệt quan tâm như một nhân vật tiêu biểu. Bởi anh là một trong những lao động Việt Nam hiếm hoi trên đất Hàn tự soạn thảo và bỏ tiền in ấn cuốn từ điển thông dụng cho những lao động Việt mới chập chững qua Hàn.
Suốt 5-6 năm trời, hằng đêm anh tình nguyện đứng lớp dạy tiếng Hàn cho lao động và cô dâu Việt tại địa phương. Không biết từ bao giờ anh đã trở thành “tổng đài” trợ giúp cho rất nhiều lao động Việt đang gặp khó khăn. Khi thì phiên dịch, lúc đi xin việc làm, lúc lại đấu tranh đòi tiền lương cho anh chị em lao động người Việt. Cũng vì sợi dây tình cảm này mà anh Kiên chưa đành đoạn dứt áo về nước...
Tuy nhiên, không phải lao động bất hợp pháp nào cũng có ý thức cộng đồng như thế. Một thực tế đau lòng là tỉ lệ phạm tội trong giới lao động bất hợp pháp khá cao, gây nhiều điều tiếng không tốt cho cộng đồng Việt trên đất Hàn.
Chị Trà Thị Nên, một người sống tại Hàn đã 20 năm nay ở thành phố Ansan, tâm sự: “Nhìn chung, các lao động bất hợp pháp thường không có công việc ổn định, vì thế sinh ra rượu chè, cờ bạc. Từ đó, nhiều người đã vướng vào con đường phạm pháp... Đây là điều đáng lo ngại vì làm xấu hình ảnh người Việt trong mắt người bản xứ. Có nhiều nguyên nhân để trở thành lao động bất hợp pháp, nhưng một nguyên nhân rất quan trọng là những quy định chưa thực tế từ cả hai phía. Giá như chính phủ hai nước quy định, tạo điều kiện sớm hơn cho những ai từng làm việc tại Hàn Quốc được phép gia hạn hợp đồng sau khi hết hạn thì sẽ giảm được tình trạng bất hợp pháp như hiện nay...”.
Năm 2011 có khoảng 10.000 lao động Việt Nam hết hạn làm việc tại Hàn Quốc phải về nước. Tuy nhiên, một số lao động Việt Nam đã bỏ trốn và ở lại Hàn Quốc làm việc bất hợp pháp. Việc làm này gây tổn hại cho công tác tuyển dụng và xuất khẩu lao động qua Hàn Quốc khi thị trường đã bị tạm dừng, kế hoạch tuyển dụng trong năm 2011 không được nước bạn thực thi. Hàng ngàn lao động Việt Nam sẽ mất cơ hội qua Hàn Quốc làm việc...
____________________
Đi lao động nước ngoài mà phải ăn mì gói trừ bữa, có lẽ điều này ít ai tin. Nhưng vợ chồng anh Xuân - chị Tuyết đã phải trải qua những ngày khó khăn như vậy...
Kỳ tới: Lặn lội vì con
 THẾ ANH - THI NGÔN

Mưu sinh xứ Hàn (Kỳ cuối): Lặn lội vì con

(Tin tuc) - Khó khăn lắm chúng tôi mới được ông chủ người Hàn cho phép tiếp cận một xưởng có sử dụng lao động bất hợp pháp. Đây là một xưởng chuyên sản xuất chỉ may nằm sâu trong một con đường nhỏ thuộc thành phố Pocheon.
Cổng xưởng luôn được khóa kín, gác ở cửa là một con chó bẹcgiê to vật vã... Trong xưởng là tiếng máy móc gầm rú suốt 24 giờ, xung quanh là những chiếc container được phủ kín bạt làm chỗ ở cho công nhân. Xưởng có bảy người làm, trong đó có một người Campuchia, hai người Bangladesh và bốn người VN.
15 năm lưu lạc
Trực tiếp điều hành công việc ở đây là anh Lê Thế Xuân, chồng chị Vũ Thị Tuyết. Anh Xuân quê ở huyện Nông Cống, còn chị ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Anh chị ở trong số những lao động Việt lâu năm ở thành phố Pocheon mà chúng tôi gặp được. Đã có thâm niên trên 15 năm lao động tại Hàn, nhưng trong suốt thời gian ấy họ chưa một lần về thăm quê...
Mỗi ngày của anh Xuân chỉ quẩn quanh trong thế giới chật hẹp của cơ sở sản xuất này
Anh chị từng quen biết nhau ở VN, cùng nhau sang Hàn mưu sinh rồi cưới nhau vào năm 2001. Đến năm 2007 thì đứa con đầu lòng ra đời. Nếu để con ở lại thì không thể đi làm nên họ đành gửi con về VN nhờ người thân nuôi. Đó là quyết định quá khó khăn. Chị Tuyết nhớ lại: “Khi gửi cháu về thì nó mới gần 1 tuổi. Phải thuê người ẵm ra sân bay giá hơn 3.000 USD vì thân phận lao động bất hợp pháp, ra đó là bị trục xuất luôn. Tiễn con ra sân bay mà lòng tôi như ai xát muối, khóc cả mấy tháng liền...”.
Ba mẹ xin lỗi
Mãi đến hơn 10 giờ đêm chúng tôi mới gặp được anh Trần Văn Duyên và chị Nguyễn Thị Vân. Vợ chồng anh Duyên, chị Vân là một trong những lao động bất hợp pháp bám trụ trên đất Hàn Quốc đã 17 năm. Anh Duyên qua Hàn từ năm 1994 làm thuyền viên cho một tàu đánh cá đại dương. Công việc quá khắc nghiệt, chỉ sau sáu tháng lênh đênh nơi đầu sóng ngọn gió anh đành bỏ trốn khi tàu cập cảng Busan. Anh kể: “Lên bờ, không tiền bạc, không giấy tờ tùy thân, ngôn ngữ thì tiếng được tiếng mất. Tôi phải đi xin từng đồng lẻ để đón xe về Seoul, nơi có một vài người bạn đồng hương để nương nhờ“. Còn chị Vân qua Hàn Quốc từ năm 2000, làm việc tại một công ty ở thành phố Gimpo. Chưa hết hợp đồng thì công ty gặp khó khăn nên chị ra ngoài tìm việc mới. Trên vách tường của căn phòng trọ nhỏ hẹp dưới tầng hầm một chung cư, họ treo kín những bức hình của hai con. Phía dưới bức hình là những dòng chữ nguệch ngoạc đã úa màu: “Saron ơi, mẹ nhớ con lắm!”, “Thành Tín ơi, ba mẹ xin lỗi con nhiều nhé...!”. Mười năm trước, hai con của họ, đứa lớn 1 tuổi, đứa nhỏ 9 tháng tuổi, đã phải rứt ruột gửi về quê nhà...
Mỗi ngày phải làm việc hơn 12 tiếng, mỗi đêm phải thức dậy hai lần để canh chừng máy móc. Môi trường làm việc đầy bụi bặm và ồn ào.
Anh Xuân tâm sự: “Chỉ những công việc nặng nhọc, ô nhiễm, máy móc cũ kỹ hay lương thấp... thì người ta mới nhận lao động bất hợp pháp vào làm. Ở đây tai nạn lao động luôn là nỗi ám ảnh của các lao động bất hợp pháp VN. Bởi nếu bị tai nạn, họ sẽ bị chủ cho nghỉ ngay với một chút tiền ít ỏi. Đó là chưa kể đến việc một số ông chủ lợi dụng điểm yếu của lao động bất hợp pháp để quát nạt, chèn ép. Bởi họ biết dù có bị bất công đến đâu thì chúng tôi cũng chỉ biết im lặng, không dám thưa kiện tới cảnh sát...”.
Đi lao động nước ngoài mà phải ăn mì gói trừ bữa, có lẽ điều này ít ai tin. Nhưng vợ chồng anh Xuân, chị Tuyết đã phải trải qua những ngày khó khăn như thế trong những năm tháng Hàn Quốc rơi vào cơn khủng hoảng kinh tế.
Anh Xuân nhớ lại: “Đó là vào năm 2007, nền kinh tế Hàn Quốc suy thoái, hàng loạt nhà máy ngưng sản xuất, người lao động rơi vào cảnh lao đao. Với anh em lao động bất hợp pháp như chúng tôi lại càng khó khăn hơn. Nhiều tháng liền ngồi ở nhà, góp nhặt những đồng tiền còn lại đi mua mì gói và ớt xanh về dự trữ để ăn cầm hơi. Nhiều người chịu không nổi đã bỏ về nước. Lúc đó tôi chỉ ước có một nơi nào đó nhận vào làm, chỉ cho ăn thôi cũng được, không cần lương...”.
Trải qua nhiều mùa tuyết giá rét, những công xưởng nặng nhọc và ô nhiễm trên chặng đường mưu sinh, hiện anh Xuân và cả chị Tuyết đang mang trong mình những mầm bệnh nghề nghiệp. Nhưng họ phải quên đi tuổi thanh xuân và sức khỏe của mình để cầu mong những điều tốt đẹp hơn.
Chị Tuyết chia sẻ: “Ở đây nhớ con lắm, nhưng cũng phải gắng gượng để lo cho tương lai của con. Với lại gia đình tôi còn mẹ già và ba người chị tật nguyền ở quê nữa...”.
Nặng nợ với quê nhà
Chúng tôi đã tìm về mảnh đất trồng đậu phộng của gia đình chị Tuyết ở xã Liên Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Giữa trưa nắng, hai người chị bị khiếm thính của chị Tuyết đang nhổ đậu phộng trên ruộng.
Năm nay mùa mưa bão tới sớm, hai người chị của chị Tuyết phải tất tả nhổ đậu phộng sớm để tránh bão. Căn nhà khang trang mới xây xong cuối năm 2010 của gia đình chị được góp bởi những đồng lương của người anh trai cả lành lặn, của đứa em út chị Tuyết đi lao động ở Libya và cả công sức của chị Tuyết nơi xứ Hàn.
Mảnh vườn này, căn nhà này đã 15 năm chị Tuyết chưa một lần về thăm. Nhưng ở xứ Hàn chưa lúc nào chị nguôi quên về hình ảnh người mẹ đã 80 tuổi và ba người chị đều bị khuyết tật. Bà Cao Thị An, mẹ chị Tuyết, bùi ngùi: “Vất vả xa quê để lo cho gia đình, lo cho các chị tàn tật, vậy mà ngày bố nó mất cũng không về được...”.
Có một điểm rất giống nhau ở cả bốn người phụ nữ trong ngôi nhà này là mỗi khi nhắc tới vợ chồng anh Xuân, chị Tuyết, họ sẽ chỉ món đồ, những cái áo... ra hiệu rằng đó là quà của người em gửi về từ Hàn Quốc.
Khi phóng sự này đến với độc giả cũng là lúc chúng tôi nhận được tin vợ chồng anh Xuân, chị Tuyết đã bị trục xuất khỏi đất Hàn. Họ lấy lý do bận bịu để từ chối những cuộc tiếp xúc, nhưng chúng tôi hiểu rằng họ không muốn ai xoáy thêm vào nỗi đau của đời mình - nỗi đau của những phận đời bất hợp pháp nơi xứ người...
Chẳng biết rồi anh chị sẽ làm gì để sống nơi quê nhà khi mà đã 15 năm xa cách? Đó là một câu hỏi khó cho những thân cò như vợ chồng họ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét