Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

LẠC











Chàng đang học "Nhân văn"
Nàng học ngành "Kế toán"
Mở quán kem lạc lối
Ế nhệ giữa thương trường

Tôi là kẻ mua đường
Lao đao trên hè tối
Lạc vào ngồi già cỗi
Nói huyên thuyên đất trời



"Đừng quậy nhé ông ơi!..."
Chàng ra điều ngăn chặn
Nàng ra điều ngao ngán:
"Về đi! Ông say rồi..."

Nhưng mà tôi cứ ngồi
Ngả nghiêng tình bầu bạn:
"Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên bán bộ bất tương phùng"...

Thế rồi chàng vui cùng
Và nàng cười thích thú
Quán kem đang ủ rũ
Bỗng ồn ã tình yêu



Tôi bói điều cao siêu
Về duyên phần đôi lứa
Hùng vĩ, chàng rực lửa
Nàng là nước mênh mông

Hợp nhau mà cũng không
Giận hờn trong say đắm
Đất, trời này đẹp lắm
Nhờ nước, lửa có nhau



Buôn bán chẳng đùa đâu
Phải khói nhang thờ cúng
Phải tâm đầu ý hợp
Hòa ca với cộng đồng

Cởi mở nhẹ cõi lòng
Chàng, nàng đều tươi rói
Tôi rộn ràng lễ hội
Say rồi lại càng say

Tíu tít lúc chia tay
Yêu đương mời tái ngộ
Tôi hẹn hò vang phố
Hớn hở về liêu xiêu...


              Trần Hạnh Thu









Xem tiếp...

BÀI VIẾT HAY 5

(Từ vnExpress)

Một năm vượt sóng của Thống đốc ngân hàng

Doanh nghiệp chết, nợ xấu bung ra, thị trường tiền tệ chao đảo, đã vậy còn thêm điều tiếng về lợi ích nhóm, một năm điều hành không xuôi chèo mát mái khiến ông nhiều lúc thấy đơn độc. 
Hầu hết những vấn đề Ngân hàng Nhà nước cần giải quyết trong năm 2012 đều đã được đặt ra từ nửa cuối năm 2011. Nhưng bối cảnh kinh tế xã hội năm qua đòi hỏi những giải pháp xử lý triệt để hơn, quyết liệt hơn và cũng linh hoạt hơn.
Giảm lãi suất và khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ đặt ra cho Thống đốc Nguyễn Văn Bình ngay những ngày đầu nhậm chức, tháng 8/2011. Ông Thống đốc kiệm lời, ít xuất hiện trước công chúng lúc đó đã gây tiếng vang với tuyên bố đưa lãi suất cho vay về 17-19% trong vòng 2 tháng, thay vì mặt bằng trên 20%. Quả thật lãi suất bước đầu đã hạ như kỳ vọng của ông, hệ thống ngân hàng cũng giảm hẳn tình trạng đi đêm, lách trần quy định.
Nhưng câu chuyện vốn và lãi suất của năm 2012 không thể giải quyết đơn giản chỉ bằng cam kết mang tính ghi điểm của người đứng đầu ngành ngân hàng. Chưa bao giờ doanh nghiệp chết nhiều như năm qua, cộng dồn cả hai năm đã lên tới gần 100.000. Thị trường bất động sản đóng băng, các ngành sản xuất liên quan tê liệt. Niềm tin của toàn thị trường xuống thấp. Ngân hàng không còn tin doanh nghiệp, doanh nghiệp không tin ngân hàng và bản thân họ cũng không tin tưởng lẫn nhau.
Sức ép đặt ra cho ngành ngân hàng lúc này không chỉ đến từ doanh nghiệp. Lãnh đạo các thành phố lớn, rồi đến Chính phủ, Quốc hội cũng truy vấn ngân hàng và vào cuộc để tìm cho ra nguyên nhân khiến dòng vốn khơi mãi vẫn chưa thể thông, dù ngân hàng tuyên bố hạ lãi suất, trải thảm mời khách hàng tốt. Có lãnh đạo thành phố thậm chí còn dọa cô lập ngân hàng nào gây khó dễ cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Cái khó của ngành ngân hàng nằm ở chỗ vừa phải điều tiết lượng tiền để kiểm soát lạm phát, lại vừa lo giảm lãi suất và bơm vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bản thân các ngân hàng cũng đang chất chứa trong mình nhiều trọng bệnh. Nợ xấu cao chưa kịp xử lý có nguy cơ trở thành cục máu đông làm tắc nghẽn nền kinh tế. Thống đốc khi đứng trước Quốc hội cũng thừa nhận đây là việc vô cùng khó, thậm chí xin nhận nửa giải Nobel nếu giải quyết được một nửa bộ ba bất khả thi là tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá.
Đích thân Thống đốc nhiều lần đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ. Ông ra chỉ thị giảm lãi suất cho vay xuống dưới 15%, coi đây như nghĩa vụ đồng thời cũng là chỉ tiêu giám sát hoạt động ngân hàng. Ông cũng thể hiện rõ quan điểm không cứu doanh nghiệp bằng mọi giá, không cấp vốn cho những đơn vị đi vay vốn bằng mọi giá, đặc biệt những trường hợp tay không bắt giặc, không vốn tự có, chỉ dựa vào ngân hàng để kinh doanh.
Ba tháng sau yêu cầu đó, hơn 80% dư nợ toàn hệ thống đã giảm lãi suất xuống dưới 15%. Tính chung cả năm, tăng trưởng tín dụng đạt gần 9%, mặt bằng lãi suất huy động giảm 3-6%, cho vay giảm 5-9% so với cuối năm 2011.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình:
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Tôi rất thích bài hát này". Ảnh: Hoàng Hà

Giảm lãi suất là việc khó, nhưng nó vẫn nằm trong tầm chủ động xử lý của Ngân hàng Nhà nước. Dù sao thì Thống đốc có thể dùng tới mệnh lệnh hành chính bên cạnh các nghiệp vụ cơ bản của Ngân hàng Trung ương để điều tiết cả hệ thống đi theo lãi suất mục tiêu. Hơn nữa, kinh tế khó khăn, người người thắt chặt chi tiêu, nhờ vậy mà lạm phát đỡ căng hơn và ngân hàng cũng có cơ hội giảm lãi suất. 
Với vàng và ngoại tệ, cái khó lớn hơn thế gấp nhiều lần, bởi nó liên quan tới tâm lý thiếu tin tưởng tiền đồng của người dân Việt, liên quan tới chuyện làm ăn của hàng chục nghìn đơn vị đầu tư kinh doanh vàng mà đa phần trong số đó không thuộc diện kiểm soát của cơ quan chức năng nào. Bản thân “con đẻ” là ngân hàng thương mại cũng gắn chặt lợi ích với vàng, coi vàng như một kênh siêu lợi nhuận bao nhiêu năm qua và nếu phải từ giã nó, có nguy cơ lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng.
Hàng loạt chất vấn đặt ra cho cá nhân Thống đốc khi ông liên tiếp xuất hiện trên diễn đàn Quốc hội. Tại sao lúc mới nhậm chức ông tuyên bố chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước chỉ nên 400.000 đồng mỗi lượng, vậy mà giờ doãng ra tới hàng triệu đồng khiến người dân muốn mua bán vàng chịu thiệt thòi? Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại chỉ công nhận duy nhất thương hiệu SJC khiến thị trường vàng đang vô cùng tự do bỗng chống biến thành độc quyền, dẫn tới tình trạng ép giá, vàng giả, vàng nhái? Tại sao Ngân hàng Nhà nước không có giải pháp gì để sử dụng hàng trăm tấn vàng tương đương gần 20 tỷ USD nằm chết trong dân, trong khi nền kinh tế đang thiếu vốn phát triển. Sức ép lúc này không chỉ là việc xem xét trách nhiệm cá nhân, mà còn nằm ở những lời thách thức, đe dọa khi các chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước động chạm tới lợi ích của những người có liên quan tới vàng.
Sau những quyết định mang tính ngắn hạn và nhiều tác dụng phụ như nhập khẩu để tăng cung, bán vàng bình ổn giá… của năm 2011, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có những bước đi bài bản hơn. Một lộ trình gồm ba bước được vạch ra, xây dựng khuôn khổ pháp lý, chấm dứt huy động cho vay bằng vàng trong hệ thống ngân hàng và chuyển toàn bộ sang quan hệ mua bán bằng vàng. Hai mục tiêu lớn mà Ngân hàng Nhà nước theo đuổi là làm sao cho biến động giá vàng không tác động tới tỷ giá, không ảnh hưởng tới lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế và có thể huy động ngược trở lại nguồn vốn này cho việc phát triển kinh tế xã hội.
Những mục tiêu này đang dần được thực hiện. Giá vàng từ tháng 5/2012 liên tục cao hơn so với thế giới hàng triệu đồng mỗi lượng nhưng tỷ giá vẫn ổn định, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua bán như trước. Trong vòng 6 tháng, toàn bộ hệ thống ngân hàng mua gần 60 tấn vàng từ thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng mua thêm 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Vàng đưa về ngân hàng, đôla đưa vào dự trữ ngoại hối quốc gia, đồng nghĩa với việc chừng ấy tiền đồng được bơm ra phục vụ cho phát triển kinh tế.
Những ngày cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đang rốt ráo hoàn thiện các vấn đề pháp lý để lần đầu tiên bước chân vào thị trường vàng, sẵn sàng mua bán can thiệp để bình ổn giá và tăng dự trữ quốc gia. Đây cũng là một chủ trương không phải bên nào cũng đồng thuận, nhiều doanh nghiệp ca thán bởi các luật lệ đặt ra không tạo điều kiện cho họ kinh doanh, kiếm lời.
Xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng không chỉ là việc khó mà còn mang lại nhiều điều tiếng cho Thống đốc năm qua. Người trong ngành hiểu nợ xấu là hệ quả của một nền kinh tế thiếu minh bạch, hoạt động cho vay chưa chuẩn tắc, thị trường khó khăn, doanh nghiệp chết không thể thu hồi vốn trả cho ngân hàng. Nhưng với người ngoài ngành, việc Thống đốc để cho nợ xấu đang ở dưới 3% rồi tăng lên đến hơn 8,6% sau một năm nhậm chức là chuyện không thể chấp nhận được. Trong khi cả nền kinh tế đang thiếu vốn, hàng trăm nghìn tỷ đồng của dân cư gửi vào ngân hàng đã trở thành nợ khó đòi, nguy cơ mất trắng.
Ngay cả việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất lập công ty mua bán nợ quốc gia, cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối bởi người ta lo Nhà nước phải bỏ tiền ra khắc phục việc làm bừa, làm ẩu của các ngân hàng. Người ta cũng lo có lợi ích nhóm trong việc mua bán và xử lý nợ xấu, lo tiền Nhà nước bỏ ra rồi không có ngày quay về.
Xử lý một ngân hàng cũng có nghĩa là động chạm tới lợi ích của những cổ đông có liên quan. Khi Ngân hàng Nhà nước rốt ráo thanh kiểm tra, phân loại và tìm ra những trường hợp bắt buộc phải xử lý, cũng là lúc nhiều thông tin đồn thổi về Thống đốc bùng lên. Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề nợ xấu hôm 21/8/2012, có đại biểu đã hỏi thẳng Thống đốc về trách nhiệm liên quan tới chuyện bầu Kiên bị bắt, về lợi ích nhóm đằng sau câu chuyện thâu tóm ngân hàng cổ phần lớn nhất thị trường Sacombank. Hai tháng sau, ông phải tiếp tục lên sóng truyền hình để trả lời về câu chuyện lợi ích nhóm và tin đồn liên quan tới các lãnh đạo ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại phiên giải trình về vụ bầu Kiên bị bắt tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải trình về vụ bầu Kiên bị bắt tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2012. Ảnh: Nhật Minh

“2012 là một năm vô cùng vất vả cho ngành ngân hàng. Thủ tướng cũng đã có lần đúc rút đây là năm thị trường ngân hàng phức tạp nhất và khó khăn nhất trong nhiều năm qua”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tâm sự trong một buổi gặp báo chí cuối năm 2012.
Tự ông nhận thấy khó khăn đến từ hai phía. Khách quan là do kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế trong nước có nhiều yếu tố không lành mạnh tích tụ nhiều năm mà chưa được giải quyết, nay mới tới lúc vỡ ra. Về mặt chủ quan, theo ông đó là chưa nhận được sự đồng thuận, dư luận xã hội không phải lúc nào cũng đồng tình với các chủ trương và điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
“Một chính sách đưa ra, may lắm là có một phần ba ủng hộ, số còn lại là nghi ngờ và phản bác. Đặc biệt, khi chính sách của nhà nước có hại cho nhóm lợi ích nào đó, sự phản đối vô cùng quyết liệt và căng thẳng. Thậm chí có những lời dọa dẫm. Nhiều lúc tôi thấy cô đơn, giống như người lính ra trận mà không có đồng đội yểm trợ. Có người nói các ủy viên trung ương phải là những ngôi sao tỏa sáng, còn tôi nói vui rằng tôi cảm thấy mình là ngôi sao cô đơn”, Thống đốc nói.
Các chính sách gây tranh cãi đó đã bước đầu phát huy tác dụng. Những mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách cũng dần được thực hiện. Thị trường vàng đang dần đi vào quy củ, mặt bằng lãi suất trong năm qua đã về mức thấp của năm 2007, tín dụng sau nhiều tháng đứng yên, thậm chí âm, đã bắt đầu tăng trưởng trở lại. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng được kiểm soát một phần khi các ngân hàng nghiêm túc thực hiện trích lập dự phòng rủi ro.
“Với bất kỳ người làm chính sách nào, niềm vui lớn nhất có được khi những gì mình đặt ra, mình muốn điều hành cuối cùng cũng đạt tới. Đó cũng là niềm tự hào, thậm chí mãn nguyện nhất của tôi năm qua”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tự hào về kết quả điều hành của Ngân hàng Nhà nước năm qua.
Nhiệm vụ của Thống đốc trong năm tới còn nặng nề, bởi câu chuyện tái cấu trúc ngành ngân hàng mới đi bước đầu tiên, nợ xấu vẫn chờ giải pháp tổng thể hơn để xử lý. Câu chuyện lợi ích nhóm vẫn tiếp tục căng thẳng, ông xác định nó chưa thể mất đi cho tới khi nào Việt Nam trở thành nước phát triển. Mong mỏi của ông về sự đồng thuận cũng không dễ thành hiện thực khi mà lĩnh vực ngân hàng còn để lại nhiều nghi kỵ trong cái nhìn khắt khe của dư luận.
“Đây là nghề của tôi, tôi biết nó nóng nhưng cũng biết cách làm cho nó nguội. Chiếc ghế Thống đốc nóng hay nguội còn phụ thuộc vào nền kinh tế. Hôm nay nó nóng vì cả nền kinh tế nóng, nhưng mình cố gắng làm mọi việc để nền kinh tế nguội dần thì chiếc ghế của mình cũng bớt nóng”, ông lạc quan nói về sức ép mà mình phải đối diện.
“Ai cũng thích an nhàn. Nhưng nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khó sẽ dành cho ai?”, ông mượn ý trong bài hát yêu thích để nói rằng mình sẽ tiếp tục theo đuổi con đường đã chọn, một khi đã đề ra mục tiêu thì phải quyết tâm đi tới đích cho dù gặp bất cứ trở ngại nào.
Song Linh


Thống đốc: ‘Chúng tôi không còn đơn độc’

Lời tâm tình của Thống đốc từ trước Tết Nguyên đán được Chủ tịch Quốc hội lưu tâm, nhắc lại tại kỳ họp này và cho rằng cả hệ thống chính trị đã đồng hành với Ngân hàng Nhà nước giải quyết khó khăn, bất cập của nền kinh tế.
  “Chúng tôi rất cảm động khi Chủ tịch Quốc hội nói Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không đơn độc. Và chúng tôi cũng nhận thấy rằng chúng tôi không còn đơn độc nữa”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình trần tình với các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội chiều 30/5.
Trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, ông từng có dịp chia sẻ với báo chí về khó khăn, vất vả của ngành ngân hàng năm 2012, mà điều ông cảm thấy chạnh lòng nhất đó là cá nhân ông, cũng như hệ thống ngân hàng đôi khi cảm thấy cô đơn khi thực hiện các nhiệm vụ được giao.
“Một chính sách đưa ra, may lắm là có một phần ba ủng hộ, số còn lại là nghi ngờ và phản bác. Đặc biệt, khi chính sách của nhà nước có hại cho nhóm lợi ích nào đó, sự phản đối vô cùng quyết liệt và căng thẳng. Thậm chí có những lời dọa dẫm. Nhiều lúc tôi thấy cô đơn, giống như người lính ra trận mà không có đồng đội yểm trợ. Có người nói các ủy viên trung ương phải là những ngôi sao tỏa sáng, còn tôi nói vui rằng tôi cảm thấy mình là ngôi sao cô đơn”, Thống đốc tâm sự.
Phần trình bày của người đứng đầu ngành ngân hàng tại phiên thảo luận chiều 30/5 vẫn khuôn mẫu, chỉn chu như thường lệ, có mở đầu, dẫn nhập để rồi mới đi vào vấn đề chính. Có ba nội dung lớn đại biểu và cử tri thắc mắc, thoạt đầu ông cũng định dành thời gian tóm lược câu chuyện về vàng. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – người điều hành phiên họp, đề nghị Thống đốc tập trung vào hai vấn đề còn lại, bởi vàng đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước báo cáo đầy đủ bằng văn bản, gửi tới đại biểu từ trước. Trong báo cáo này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng thu hẹp chênh lệch giá vàng có thể không mang lại mục tiêu mong muốn.
Thong-doc-Binh_1369903824[1132090319].jp
Thống đốc Nguyễn Văn Bình (áo xanh) trao đổi với các đại biểu trước phiên thảo luận chiều 30/5. Ảnh: Nguyễn Hưng
Tuy nhiên, cách nói hôm nay gây ấn tượng với người nghe bởi thái độ chừng mực, khiêm nhường hơn hẳn những lần ông xuất hiện trước nghị trường trước đây. Chưa phải là phiên chất vấn trực tiếp, tại buổi thảo luận, Quốc hội dành tối đa 10 phút cho từng thành viên Chính phủ có lời hồi đáp trước các vấn đề đại biểu quan tâm. Thống đốc đã dùng hết hơn 9 phút, để chuyển tải điều mà ngành ngân hàng cũng như cá nhân ông trên cương vị trưởng ngành muốn nói.
Nếu như những lần xuất hiện trước, ông quan tâm nhiều hơn tới chuyện phân tích đúng sai cho đại biểu hiểu, thì lần này, ông cảm ơn sự thông cảm và khích lệ của Quốc hội, mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn, thừa nhận mục tiêu chưa đạt và cũng khiêm tốn hơn khi ghi nhận kết quả ban đầu mà ngành ngân hàng đã làm. Lý do để Thống đốc cảm thấy cá nhân mình cũng như toàn hệ thống không còn đơn độc như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói với ông trước đó, chính là việc cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng ngành ngân hàng xử lý nợ xấu.
Ông cho biết, từ tháng tư năm ngoái đến nay, hệ thống ngân hàng đã rất tích cực tham gia xử lý nợ xấu, với nhiều giải pháp khác nhau. Bằng nỗ lực của riêng mình, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại 284.000 tỷ đồng nợ, tương đương gần 10% tổng dư nợ cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Các ngân hàng cũng tự trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập này, riêng trong năm 2012 đã xử lý gần 70.000 tỷ đồng và thêm 7.500 tỷ đồng nữa trong 4 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, các ngân hàng còn trích lập thêm 68.000 tỷ đồng, tạo nguồn tiếp tục xử lý nợ xấu trong thời gian còn lại của năm.
“Như vậy với nỗ lực của mình, hệ thống ngân hàng đã tháo gỡ một phần rất lớn nợ xấu, kiềm chế tốc độ gia tăng nợ xấu khi điều kiện kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện nhiều”, Thống đốc nói.
Đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ Chính trị phê duyệt vào đầu tháng ba. Chính phủ cũng vừa phê duyệt nghị định thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) vào đầu tháng này. Thống đốc Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển khai các bước tiếp theo để sớm đưa công ty này vào hoạt động. Dự kiến ngay năm nay, VAMC có thể giải quyết 40.000-70.000 tỷ đồng nợ xấu.
Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước cũng đã tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho, một cách khác giúp xử lý nợ xấu. Trong đó, điển hình là gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho người thu nhập thấp, trung bình mua nhà ở xã hội. Hay gói tín dụng 12.000 tỷ đồng hỗ trợ việc trồng cà phê ở Tây Nguyên.
“Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu. Chúng tôi tin tưởng với tinh thần quyết tâm chung đó của hệ thống chính trị thì trong năm nay, chúng ta sẽ có bước chuyển biến tốt trong vấn đề xử lý nợ xấu”, Thống đốc nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề tiếp cận vốn vay, Thống đốc một lần nữa nhắc lại việc ngành ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất, đưa về mức tương đương trước 2007. Tuy nhiên, ông thừa nhận tín dụng chưa ra được nhiều mà một phần nguyên nhân là sức cầu của nền kinh tế còn rất yếu. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiến nghị Chính phủ một số giải pháp đột phá để giải quyết vấn đề này, nhằm sớm khai thông nguồn tín dụng. Bản thân ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục tích cực xử lý nợ xấu, đồng thời căn cứ vào diễn biến vĩ mô để tận dụng cơ hội giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
“Thời gian vừa qua, anh em ngân hàng đã hết sức phấn đấu. Kết quả đạt được mới là ban đầu, khó khăn thách thức còn rất nhiều ở phía trước. Rất mong cử tri cả nước, đại biểu quốc hội tiếp tục động viên để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”, ông nói.
Song Linh - Thanh Thanh Lan

Những phát ngôn ấn tượng của Thống đốc

“Tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không phải bằng mọi giá và cứu mọi doanh nghiệp – tôi xin chia sẻ thẳng thắn và chân thành như vậy” – tại Hội nghị Đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp Hà Nội, ngày 20/7/2012.
“Anh nghe một số ông ngân hàng thương mại nói tỷ giá lên, nên găm đôla. Vậy tại sao không nghe Thống đốc, tôi lấy sinh mạng chính trị của mình để nói, sao không tin? Hãy tin và nghe Thống đốc, làm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, bao giờ chúng tôi cũng nói trước khi làm, làm đúng như nói. Năm ngoái tôi nói tỷ giá năm nay không quá 2-3%, đến nay có phần trăm nào đâu. Mong doanh nghiệp tin tưởng vào chính sách của ngân hàng nhà nước, chúng tôi đã nói là làm và làm cho bằng được” – tại Hội nghị Đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp Hà Nội, ngày 20/7/2012.
“Lãi suất 15% ổn định trong bao lâu, đó là mong muốn và ý chí của chúng ta. Với tư cách Thống đốc, tôi đảm bảo với chị là lãi suất 15% có thể ổn định ít nhất một năm và hy vọng còn nhiều năm nữa” – tại Hội nghị Đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp Hà Nội, ngày 20/7/2012.
“Vàng miếng không phải là mặt hàng thiết yếu, nó không phục vụ gì cho quốc kế dân sinh” – trả lời chất vấn trước Quốc hội tháng 11/2012.
“Khi Chính phủ kiên quyết đóng sàn vàng và đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, rất nhiều ý kiến phản đối. Nhưng đến nay sau 3, 4 năm, tôi xin báo cáo với Quốc hội là nhiều chủ sàn vàng đến gặp tôi và nói rằng ngày đó em căm anh lắm, nhưng bây giờ thấy nếu còn tiếp tục thực tiễn đó thì đến nay có lẽ em cũng giống bầu Kiên, cũng lỗ hàng trăm tỷ” – trả lời chất vấn trước Quốc hội tháng 11/2012.
“Tôi đã có dịp trình bày với Quốc hội về một người tìm ra được bộ 3 bất khả thi tăng trưởng - lạm phát - tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói vui với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai” – trả lời chất vấn trước Quốc hội tháng 11/2012.
“Tôi thấy tái cấu trúc ngân hàng giống kiểu ném chuột không được vỡ bình” – trả lời chất vấn trước Quốc hội tháng 11/2011, khi có đại biểu ví tái cơ cấu ngân hàng giống như phun thuốc trừ sâu, sâu bọ phải chết còn cây cối phải sống.
    
           
            (Đại Chúng: Bài viết đem lại niềm tin và hy vọng!)
Xem tiếp...

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Tư liệu về tín ngưỡng 4

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)

Tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á trên núi Cấm

(Từ vnExpress)

Cao gần 34 m, đặc tả rõ nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả, tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng trên đỉnh núi Cấm (An Giang) vừa được tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là tượng Phật lớn nhất châu Á.

Sáng 29/5, UBND tỉnh An Giang cùng tổ chức Kỷ lục châu Á đã công bố, tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) là "Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi" lớn nhất ở châu Á. Tượng thuộc chùa Phật Lớn, tọa lạc trên đỉnh Thiên Cấm Sơn (cao 710 m so với mực nước biển) - ngọn núi cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn huyền bí.
Tượng có chiều cao từ chân đến đỉnh là 33,6 m, diện tích bệ 27x27 m, khuôn viên tượng Phật rộng 2,2 ha. Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả và bụng to đặc trưng của Phật Di Lặc. Chân đế bệ tượng làm bằng đá gắn kính phản xạ cao cấp màu xanh ve mang ý nghĩa một khối kim cương.
Đứng ở vị trí nào trên núi Cấm đều thấy tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng, ngồi uy nghiêm giữa không gian xanh ngát với nụ cười hiền hậu.
                  Bức tượng được khoảng 60 nhân công làm việc liên tục trong gần 2 năm.

Từ nơi đặt tượng Phật Di Lặc du khách có thể ngắm toàn cảnh cánh đồng vàng rực ở dưới đồng bằng sắp bước vào mùa thu hoạch.
                                                                                       Gia Bảo

Di-lặc

(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)


Tượng Phật Di Lặc bằng đồng trên đỉnh núi thuộc chùa Bái Đính, Ninh Bình, Việt Nam
Di-lặc hay Di Lặc (zh. 彌勒, sa. maitreya, pi. metteyya là cách phiên âm, dịch nghĩa là Từ Thị (慈氏), "người có lòng từ", cũng có thuyết rằng Ngài có tên là Vô Năng Thắng (zh. 無能勝, sa. ajita), phiên âm Hán-Việt là A-dật-đa. Di Lặc là một vị Bồ Tát và cũng là vị Phật cuối cùng sẽ xuất hiện trên Trái Đất. Trong Phật giáo Tây Tạng, Bồ Tát Di-lặc được thờ cúng rất rộng rãi.
Theo truyền thuyết và kinh điển Phật giáo, Di Lặc là vị Bồ tát sẽ xuất hiện trên Trái Đất, đạt được giác ngộ hoàn toàn, giảng dạy Phật Pháp, giáo hóa chúng sinh, và chứng ngộ thành Phật. Phật Di Lặc sẽ là vị Phật kế thừa Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Cõi giáo hóa của Bồ Tát hiện nay là trời Đâu-suất (sa. tuṣita). Bồ Tát Di-lặc được tiên tri sẽ giáng sinh trong khoảng 30.000 năm nữa theo năm cõi trời Đâu-suất, từc khoảng 5 tỉ 760 triệu năm nữa theo năm Trái Đất, khi Pháp đã bị lãng quên trên cõi Diêm phù đề. Sự tích về Phật Di Lặc được tìm thấy trong các tài liệu kinh điển của tất cả các tông phái Phật giáo (Nguyên thủy, Đại thừa, Kim cương thừa), và được chấp nhận bởi hầu hết các Phật tử như là một sự kiện sẽ diễn ra khi Pháp đã bị lãng quên trên Trái Đất.

Nguồn gốc

Tên Từ Thị (Maitreya trong tiếng Phạn, hay Metteyya trong tiếng Pāli) xuất phát từ truyền thuyết: vì muốn giáo hóa các chúng sanh nên từ lúc mới phát tâm, Ngài đã không ăn thịt chúng sanh. Còn theo Đại Nhật Kinh Sớ, Từ Thị nghĩa là chủng tánh từ bi, gồm hai chữ: Từ trong Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) của Phật, Thị là chủng, họ, tộc, do lòng Từ đó sanh ra từ chủng tánh Như Lai, có năng lực làm cho tất cả thế gian không đoạn dứt Phật chủng.
Còn theo phẩm Tùy Hỷ trong Kinh Pháp Hoa và Kinh Bình Đẳng Giác, Di-lặc chính là A-dật-đa (tiếng Phạn: Ajita, Hán dịch là Vô Thắng, Vô Năng Thắng hoặc Vô Tam Độc). Ngài là một vị đệ tử của Phật Thích-ca. Nhưng theo Kinh Thuyết Bản trong Trung A-hàm 13, Kinh Xuất Diệu 6 và Luận Đại Tỳ-bà-sa 178, Di-lặc và A-dật-đa là hai nhân vật khác nhau. Trong bài kệ tựa phẩm Bỉ Ngạn Đạo (Pàràyana) của Kinh Tập (Sutta - nipàta) thuộc Đại Tạng Kinh Pàli đều nêu cả hai tên A-dật-đa (Ajita) và Đế-tu Di-lặc (Tissametteyya), tức hoàn toàn cho đó là hai người khác nhau.
Từ Thị được đề cập sớm nhất ở Cakavatti (Sihanada) Sutta, Digha Nikaya 26 trong Kinh tạng Pali. Một số kinh Pali khác không có sự xuất hiện của Ngài, dẫn đến việc nghi ngờ tính xác thực của một số bài kinh. Hầu hết các bài giảng của Đức Phật được trình bày ở dạng hỏi đáp, trong đó, đức Phật giải đáp các thắc mắc của đệ tử, hoặc trong một số bối cảnh thích hợp khác. Nhưng kinh này có một khởi đầu và kết thúc, trong đó Đức Phật đang nói chuyện với các nhà sư về một cái gì đó hoàn toàn khác. Điều này dẫn Gombrich đến kết luận rằng một trong hai loại kinh là ngụy tạo, hoặc ít nhất bị giả mạo.

Hình tượng

Trong tranh hay tượng, Di-lặc ngồi trên mặt đất, biểu tượng sẵn sàng đứng dậy đi giáo hóa chúng sinh. Tại Trung Quốc, Bồ Tát Di-lặc cũng hay được trình bày với tướng mập tròn vui vẻ, trẻ con quấn quít xung quanh. Người ta tin rằng đó chính là hình ảnh của Bố Đại Hòa thượng, một hóa thân của Di-lặc ở thế kỉ thứ 10. Nếu năm đức Phật xuất hiện trên Trái Đất nói trên được xem là hóa thân của Ngũ Phật thì Bồ Tát Di-lặc được xem như hóa thân của Thành sở tác trí (xem Phật gia, Ngũ trí).
Có thuyết cho rằng, chính Bồ Tát Di-lặc là người khởi xướng hệ phái Duy thức của Đại thừa. Một số học giả cho rằng, vị này chính là Maitreyanatha (sa. maitreyanātha), thầy truyền giáo lí Duy thức cho Vô Trước (sa. asaṅga). Truyền thống Phật giáo Tây Tạng cho rằng, Ngài là tác giả của năm bài luận, được gọi là Di Lặc (Từ Thị) ngũ luận:
  1. Đại thừa tối thượng luận hoặc Cứu cánh nhất thừa bảo tính luận (sa. mahāyānottaratantra)
  2. Pháp pháp tính phân biệt luận (sa. dharmadharmatāvibaṅga)
  3. Trung biên phân biệt luận (sa. madhyāntavibhāga-śāstra)
  4. Hiện quán trang nghiêm luận (sa. abhisamayālaṅkāra)
  5. Đại thừa kinh trang nghiêm luận (sa. mahāyānasūtralaṅkāra)

Sự tích Phật Di Lặc - Đức Phật của sự an lạc và hạnh phúc

(Blog phongthuy.com)

Phật Di Lặc là biểu tượng cho sự an lạc, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc. vật phẩm tôn kính trong Phong Thủy, mà khi chưng bày trong nhà sẽ mang lại rất nhiều điều tốt lành cho gia chủ, gia đạo… Với độ trang nghiêm, thông thường ta gọi đầy đủ phải là “Đức Phật Di Lặc”
Sự tích Phật Di Lặc   Đức Phật của sự an lạc và hạnh phúc
  Tượng Phật Di Lặc vân gỗ mới nhất sắp có tại Hệ thống Cửa hàng Vật Phẩm Phong Thủy - VatPhamPhongThuy.com
Tuy nhiên có mấy người trong chúng ta biết rõ truyền thuyết về sự ra đời của Ngài, những thông tin dưới đây có lẽ là khá đầy đủ nếu bạn thật sự muốn tìm hiểu!

Theo kinh sách, Đức Phật Di Lặc xuất thân từ một gia đình quý tộc Bà La Môn ở thôn Kiếp Ba Lợi thuộc Nam Thiên Trúc (Ấn Độ cổ đại), có hiệu là A-Dật–Đa (Adijita) nghĩa là bô năng thắng (không gì có thể thắng nổi). Di Lặc là phiên âm từ Phạn ngữ có nghĩa là “Từ Thị” (cái nhìn từ bi, lòng từ bi). Phật Di Lặc là người cùng thời với phật Thích Ca, theo xuất gia, tu tập chính pháp.
Tín ngưỡng Phật Di Lặc đã được lưu truyền rất sớm tại Trung Quốc thuộc dòng Đại thừa, sau này truyền sang nước ta và có ảnh hưởng rất sâu đậm. Ngay từ đời Tây Tần (265 – 316) đã có những bức tranh vẽ Phật Di Lặc, những bức tranh thời đó thường mô tả Phật Di Lặc cũng giống như các vị Bồ Tát khác, chỉ khác ở chiếc mũ đội trên đầu và trên tay có cầm một bình nước. Trong suốt các thời kỳ của Phật giáo Trung Quốc, Phật Di Lặc được mô tả ngồi trên một chiếc ghế hoặc một chiếc ngai với chân bắt chéo hoặc chân trái buông thõng xuống, tay phải chống cằm như đang suy nghĩ về tương lai.
Sự tích Phật Di Lặc   Đức Phật của sự an lạc và hạnh phúc
Tượng Phật Di Lặc chế tác bằng Thanh Ngọc từ Afghanistan, loại ngọc quý (bằng Bạch Ngọc) có màu xanh lơ, trong mờ, tia sáng mạnh có thể chiếu xuyên qua…
Hình tượng Phật Di Lặc ngày nay
Rất nhiều đời sau, vào thời Ngũ Đại (907-960), trong dân gian mới xuất hiện thêm một hình tượng Phật Di Lặc có miệng cười rạng rỡ hồn nhiên, sau lưng quảy bị vải gai, tính tình rộng rãi cởi mở, rong ruổi khắp nơi. Đó chính là hình tượng Phật Di Lặc thường thấy ngày nay trong những tranh tượng, kinh sách ở các tự viện Phật giáo và được gọi là “Tiếu khẩu Di Lặc Phật”. Đây chính là một hình tượng mà các nhà nghiên cứu phương Tây đánh giá là: “một biến đổi độc đáo trong sáng tạo, gây nhiều kinh ngạc” hay : “một sự biến thái kỳ diệu hoàn toàn của người Trung Hoa”.
Tiểu Khấu Di Lặc Phật, trong dân gian còn gọi là “Tiếu Phật” hay “Di Lặc Phật bụng phệ” đã xuất hiện rất nhiều tại các tự viện tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) vào sau thời Ngũ Đại do người ta tạo hình tượng theo tướng mạo của một vị hòa thượng có tên là Khế Thử. Hòa thượng Khế Thử là người vùng Minh Châu (Triết Giang), hiệu là Trường Đinh Tử, ông thường hay chống tích trượng, quảy một túi vải gai, ngao du khắp nơi vừa hành khất vừa thuyết pháp, nên người cùng thời gọi ông là “Bố Đại Hòa Thượng” (hòa thượng túi vải).
Theo truyền thuyết thì Bố Đại hòa thượng có thân hình béo tốt, y phục tùy tiện, ngôn ngữ hành vi đều khôg câu nệ tiểu tiết, có biệt tài dự đoán lành dữ, biết trước nắng mưa gió bão rất linh nghiệm, thần bí khôn lường. Năm Trinh Minh thứ 2 đời Hậu Lương (916), Bố Đại hòa thượng ngồi trên một tảng đá ở Nhạc Lâm Tự mà nhập tịch, ông để lại một bài kệ viết rằng : “Di Lặc đúng Di Lặc, phân thân ra muôn vàn. Mọi lúc đi dạy người đời mà người đời không biết”.
Sự tích Phật Di Lặc   Đức Phật của sự an lạc và hạnh phúc
Một tượng Phật Di Lặc nhìn rất tươi vui, rất ấn tượng trong đợt Vật Phẩm sắp về này (cuối tháng 10/2010)
Dựa vào bài kệ đó, người ta cho rằng Hòa thượng Khế Thử chính là Phật Di Lặc hóa thân chuyển thế, bèn an táng thân thể của ông tại một nơi cách Nhạc Lâm Tự 2 dặm về phía Tây, lập tháp thờ phụng đặt tên là “Am Di Lặc” và xây gác, đắp tượng… Dần dần, theo năm tháng, tượng Bố Đại hòa thượng được lưu truyền khắp mọi nơi với bụng lớn, miệng cười tươi tắn lạc quan, khi đứng, khi đi với tích trượng quảy túi vải, khi ngồi với 5 đứa trẻ quanh mình tạo nên hình tượng “Ngũ tử quấy Di Lặc” hoặc ngồi với 6 đứa trẻ tượng trưng cho “Lục tặc - Lục căn” đã được giáo hóa.
Theo thời gian, hình tượng của Phật Di Lặc ngày càng phong phú, sinh động. Hình tượng Phật Di Lặc ngày nay còn được nhân gian gắn liền với tiền tài, phú quý như những hình tượng Phật Di Lặc quảy bị tiền hoặc với tay nâng hoặc tung lên những nén vàng lấp lánh… Đây cũng chính là những mong ước thiết thực nhất, gần gũi nhất của tất cả mọi người.
Nguồn: Tổng Hợp

2 tượng Phật của Việt Nam trở thành kỷ lục châu Á

(Từ vnExpress)

Tượng Phật Di lặc trên núi Núi Cấm (An Giang) và tượng Phật nhập Niết bàn trên đỉnh núi Tà Cú (Bình Thuận) vừa được xác lập kỷ lục châu Á.

Tương Phật Di lặc trên đỉnh núi Cấm ở An Giang. Ảnh: Tổ chức kỷ lục Việt Nam.
  
 
Tượng Phật nhập Niết bàn an vị tại ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ trên Núi Tà Cú (thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: Tổ chức kỷ lục Việt Nam.
Cũng được xác lập cùng thời điểm là pho tượng Phật nhập Niết bàn an vị tại ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ trên núi Tà Cú (thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Pho tượng được chế tác ở thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, gối đầu lên tay, dài 49 m tượng trưng cho 49 năm từ khi Đức Phật thành đạo đến khi nhập diệt, ngang nơi bàn chân là 8,8 m, cao từ 2 bàn chân xếp lên là 4,9 m, cao từ vai xuống là 12,2 m.
Nguyên liệu để tạo nên pho tượng là bê tông cốt thép do kiến trúc sư Trương Đình Ý chủ trì thi công từ năm 1963 đến năm 1966. Bên dưới tượng là những tam cấp được nối kết bằng đá chẻ, phía sau lưng tượng là vách núi và cây rừng cổ thụ. Ngày 2/1/2006, tượng Đức Phật nhập Niết bàn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục.
Xuân Hoa
 

Xem tiếp...

TRỜI CŨNG TẮC TỴ

 Đóng

Bắc thang lên hỏi ông Trời:
"Vung tiền cho gái có đòi được chăng?"
Trời cười hềnh hệch mà rằng:
"Thiên Đế thì cũng là thằng đàn ông
Cũng thèm hú hý, lòng thòng
Cũng tốn châu báu mua lòng gió trăng...
Tao còn đành chịu cắn răng
Huống hồ là lũ cà tàng chúng bay!"

Nghe trời nói, ngẫm mà hay
Tự dưng ai chẳng cho ai bao giờ!


                              Trần Hạnh Thu






Xem tiếp...

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

TT&HĐ 3

                                       THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG

                                                                                                  ĐẠI CHÚNG

                                               ____________________________________




CHƯƠNG II: Bất biến và thường biến

                                                                                             Người xuống đò bến Có
                                                                                            Chèo chống về bến Không
                                                                                            Lênh đênh qua Cõi Tạm
                                                                                            Giữa ly biệt-trùng phùng

                                                                                                                    Thầy Cãi

Tồn Tại là Cái Ấy và cũng là Cái Này, Cái Ấy gồm cả Cái Này và đồng thời Cái Này là phần hiện hữu sinh động của Cái Ấy! Đó là hệ quả mà chúng ta rút ra được từ triết lý về tự nhiên trong Vêđa-Upanishad của Ấn Độ cổ đại, và nếu đó thuộc về Chân Lý tối thượng (?), đã tạo được sự mãn nguyện hoàn toàn đối với tâm trí con người thì nhiệm vụ của triết học đã được hoàn thành ngay từ lúc khởi đầu, từ rất lâu rồi, ít ra thì cũng vào thời điểm Parménide lần đầu tiên nêu lên một cách mạch lạc, khúc chiết cái ý niệm tồn tại của mình. Khốn nỗi, (nhưng cũng tự nhiên thôi!), con người với đặc tính tò mò của mình (xin nói rằng đặc tính tò mò của con người, suy xét kỹ, là do đòi hỏi được nhận biết và nhận biết ngày một sâu rộng hiện thực khách quan nhằm đảm bảo và tăng cường khả năng sinh tồn mà có, hơn nữa, nếu suy xét đến tận cùng, nó có nguồn gốc rất sâu xa, từ trong thế giới sinh vật, thậm chí, từ chính bản chất của Tồn Tại!) đã không cảm thấy thỏa mãn chút nào trước câu trả lời “huề trớt” và "mù mịt" ấy.
Một câu hỏi hồn nhiên nhất phải bật ra: “Cái Ấy (và cả Cái Này) là cái gì?”. Và lời đáp cũng lập tức xuất hiện: "Là Cái Tồn Tại chứ còn cái gì vào đây nữa!". Vậy, Cái Tồn Tại là cái gì? Là cái gì đó mặc lòng nhưng phải là cái gì đó chứ không thể là không có gì! Nếu cái gì đó là không gì cả, là tuyệt đối trống rỗng thì có thể nói Tồn Tại là  Hư Vô (hư vô tuyệt đối), là Tồn Tại cái không Tồn Tại. Nếu Tồn Tại "kiểu" như thế thì làm sao có được những dòng chữ này? Bởi vì đã là Hư Vô thì ngay cả không gian và thời gian cũng không thể thể hiện, nghĩa là ngay cả cái tuyệt đối trống rỗng cũng không "có quyền" được hiện hữu. Nhưng nếu không có khái niệm Hư Vô thì làm sao mà bàn luận về Tồn Tại được? Do đó phải thừa nhận Hư Vô! Để né tránh mâu thuãn logic và tiếp tục tiến liên, chúng ta chỉ còn cách duy nhất là..."ngụy biện": Hư Vô cũng thuộc về Tồn Tại, là bộ phận đóng vai trò "mặt trái"-mặt tương phản của Thực Tại Khách Quan, hay cũng có thể là chính Tồn Tại được quan sát, nhìn nhận theo một góc độ khác của tư duy trừu tượng, nghĩa là chẳng hạn, nếu cho rằng Tồn Tại là sự thực tuyệt đối thì Hư Vô là sự ảo tuyệt đối, hoặc giả, Tồn Tại là một thể duy nhất, thống nhất hợp thành giữa hai "mặt", hai "lực lượng" tương quan quyết định lẫn nhau của chính Nó, mà chúng ta đặt tên là Thực và Ảo. Nói mộc mạc cho vui và cũng không đến nỗi hồ đồ lắm(!): Hư Vô là Tồn Tại ảo, trong phạm vi hẹp và hiểu theo lẽ thông thường thì Hư Vô mang tính qui ước; là Tồn Tại (cũng mang tính tùy tiện qui ước nốt!) đối với Hư Vô nhận thức, tức là đối với nhận thức của “cái tôi” cụ thể... đã chết; là một Tồn Tại không thể xem xét mà cũng chẳng có gì để mà bàn luận dông dài về nó. Sớm muộn rồi cũng như ông bà tổ tiên, chúng ta sẽ “thấy” nó, và lúc đó tha hồ mà “rảnh rỗi” chiêm nghiệm nó!
Còn bây giờ, chúng ta đang sống, phải tranh thủ thời gian để tìm hiểu xem Cái Ấy, cái Tồn Tại thực, là cái gì mà “lấy cái đầy Này trong cái đầy Ấy, cái còn lại vẫn đầy”, hơn nữa lại luôn đầy, không bao giờ vơi mà cũng chẳng bao giờ tràn!
 ***
Tồn Tại là sự Có Thực Khách Quan, là sự trình hiện tổng thể tất cả các sự vật - hiện tượng (có thể quan sát được và cả không thể quan sát được), và sự trình hiện ấy đồng thời cũng là một thể hiện của bản chất Tồn Tại.
Tồn Tại mà không thể hiện ra được, không phô diễn được thì Tồn Tại để làm gì? Thà là Hư Vô còn sướng hơn!. Không đâu xa, chính sự hiện diện của chúng ta là một minh chứng xác đáng về tính thể hiện của Tồn Tại. Vì nói đến Tồn Tại là nói đến cái “có sẵn” chung nhất, chung tuyệt đối nên Tồn Tại cũng phải là duy nhất, không thể có Tồn Tại bên cạnh Tồn Tại, cũng không thể có Tồn Tại bên trong hay bên ngoài Tồn Tại được. Khi chúng ta nói “cái này tồn tại cạnh cái kia, thì ngay lập tức phải hiểu rằng khái niệm tồn tại ở đây phải được hiểu theo nghĩa cụ thể như “có”, “ở” …, hay gọi là tồn tại tương đối, và “cái này”, “cái kia” là nhằm chỉ những sự vật cụ thể, cũng là những tồn tại tương đối. Tóm lại tồn tại (tương đối) là biểu hiện của Tồn Tại (tuyệt đối), là bộ phận của Tồn Tại, có thể hiện diện hay không hiện diện, có thể sinh ra hay mất đi tùy thuộc vào sự mất đi hay sinh ra của các tồn tại tương đối (sự vật-hiện tượng) khác, sao cho Tồn Tại (tuyệt đối) “vẫn đầy” và luôn đầy.
Chúng ta, một bộ phận của Tồn Tại, nhờ có sự phô diễn của các sự vật - hiện tượng ở xung quanh và cả ở trong chính mình mà phán đoán được, mà đốn ngộ được một hiện diện tối thượng, ẩn giấu ở phía sau, một Đấng Sáng Tạo, một Thượng Đế, một Tạo Hóa, một Tinh Thần Tuyệt Đối, một Linh Hồn Tối Cao đồng thời cũng là một Thực Thể Cực Đại … mà kinh Upanishad đã gọi là Đại Ngã, hay gói gọn lại một cách giản dị hơn: Cái Ấy.
Và nếu chỉ là Cái Ấy, không còn một cái gì khác ngoài Cái Ấy nữa thì toàn thể Vũ Trụ tổng thể các sự vật- hiện tượng phải được coi là sự biểu hiện của Cái Ấy, sự phô diễn của Cái Ấy và chính là Cái Ấy. Sự trình hiện và phô diễn ấy phải liên tục, hay nói đúng hơn là phải mạch lạc trong liên tục, vì nếu không thế, tính tuyệt đối  tồn tại sẽ không được bảo toàn! Nghĩa là Cái Ấy phải chuyển hóa để biến đổi không ngừng nghỉ. Nói "to tát" hơn, Cái Ấy phải vận động sao cho đảm bảo được sự thường biến của nó trong sự tồn tại bất biến và tuyệt đối của nó, và vì không có gì khác ngoài nó nên vận động của nó vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của chính nó. Và vì lẽ đó, nếu đúng (!), ở đây cũng có thể không những rút ra được cái kết luận "vận động vật chất" mà triết học Mác đã rút ra được, mà còn ở tầm khái quát cao hơn: vận động vừa là thể hiện tất yếu về bản chất, vừa chính là bản chất cơ bản của Tồn Tại.(Trong thời đại ngày nay, quan niệm về một thế giới duy vật (chất) của triết học duy vật biện chứng, theo thiển ý của chúng ta, đã trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, trong khi bàn luận, do "thói quen" mà chúng ta vẫn sử dụng thuật ngữ "vật chất", nhưng hiểu là khái niệm vật chất đã được mở rộng đến "cùng cực" để có nghĩa là tồn tại hay Tồn Tại!)
 ***
Sự phô diễn Cái Ấy, như dã trình bày, không phải như một bức tranh tĩnh vật, cứng đờ, bất động mà như một vở kịch vĩ đại, vô cùng sôi động, không có hồi kết, với vô vàn "nhân vật" xuất hiện ra, múa may quay cuồng rồi lại biến vào sau cánh gà sân khấu, nhường chỗ cho những "nhân vật" mới khác xuất hiện. Đó là một vở kịch vô tiền khoáng hậu mà con người mới xuất hiện gần đây thôi, cũng đang đóng một vai diễn tầm thường trong đó, với đủ hỉ nộ ái ố. Một vở kịch mà các vai diễn, các "nhân vật" trong đó cũng đồng thời là khán giả.
Thật vậy, thế giới chung quanh ta là thế giới của các sự vật - hiện tượng cùng với sự biến đổi lớn lao, không ngừng nghỉ của các sự vật - hiện tượng ấy. Ngày đêm thay phiên kế tiếp nhau, bốn mùa thay đổi xoay vần, lúc trời nắng, lúc trời mưa, nắng mưa mây gió hợp rồi tan, tan rồi hợp, đất trời cứ thế chuyển vần liên tu bất tận. Cỏ cây muông thú và cả chính con người nữa, sinh ra, lớn lên, nảy nở rồi già đi và đều chết cả, nhường chỗ cho mầm sau, cho con cái kế tục. Nghĩa là tất cả các sự vật - hiện tượng gần gũi quanh ta, ở trên đất này đều có một khởi đầu và một kết thúc, đều tồn tại tương đối ở giữa khởi đầu và kết thúc, và sự tồn tại ấy lại luôn luôn biến đổi; phát triển và suy tàn. Đến núi mà cũng mòn cũng lở thì cái gì là còn mãi? Tất cả các sao trên bầu trời kia còn lúc ẩn lúc hiện, còn “xê dịch” thì cái gì không biến đổi? Hỏi vui thế thôi chứ con người khán giả, con người quan sát đã chứng nhận sự biến đổi của vạn vật từ rất lâu rồi.
Trước đây, ở buổi bình minh của khoa học, người ta đã tưởng rằng Trái Đất đứng yên, là trung tâm Vũ Trụ, tất cả các sao và cả Mặt Trời đều quay quanh Trái Đất. Thuyết Địa Tâm ra đời (trở thành chân lý đến ngót hai ngàn năm!). Nhưng rồi Copecnic đã phát hiện ra sự trục trặc, làm hình thành nên thuyết Nhật Tâm để thay thế: Trái Đất không còn là tâm của Vũ Trụ nữa mà cũng giống như các hành tinh và ngôi sao, phải quay xung quanh Mặt Trời. Ngày nay mọi người đều thừa nhận rằng Vũ Trụ chẳng có một tâm chung cố định nào cả, tất cả các ngôi sao, vạn vật đều chuyển động, bình đẳng theo tự nhiên và trong sự hoạch định của tự nhiên.
 ***
Bây giờ, chúng ta hãy xét một trường hợp, đơn giản thôi cho phù hợp với trí năng của mình, đó là sự khởi đầu, tồn tại (tương đối) và kết thúc của một cái cây xem sao.
Có một hạt gieo xuống đất (người gieo, chim gieo hay gió gieo không quan trọng). Hạt nảy mầm và thành một cây con. Nhờ có đất và mưa gió thuận hòa, cây con ấy biến đổi, trưởng thành nên một cây cao. Để cảm ơn sự dung dưỡng và cưu mang, đến mùa, nó đơm hoa thơm, kết trái ngọt cho đời. Cứ như thế rồi đến một ngày kia, do một tai nạn nào đó hoặc hoàn toàn tự nhiên, chẳng hiểu vì sao, nó không sống nữa, nó tàn lụi dần đi, biến mất, kết thúc một tồn tại tươi xanh.
Quan sát xung quanh, trong một phạm vi rộng hơn, chúng ta có mường tượng rằng dù có thể dài hay ngắn, lâu hay mau thì mọi sự vật xuất hiện, trình diễn và biến mất cũng tương tự như thế, cũng là một quá trình như thế. Và nói rộng ra, toàn bộ Vũ Trụ là sự liên tục xuất hiện, trình diễn và biến mất của vạn vật.
Điều đó đương nhiên dẫn đến câu hỏi: “Thế thì vạn vật khởi đầu từ đâu, trình diễn để làm gì và biến đi đâu?”. Trả lời được câu hỏi này thì đồng thời cũng sẽ trả lời được nỗi day dứt bấy lâu của triết học: “Con người từ đâu đến đây, đến đây để làm gì và đi về đâu?”.
Không lẽ có một cái kho lưu trữ khổng lồ, thậm chí lớn vô hạn để vạn vật “ung dung” được xuất ra, múa may quay cuồng thỏa thích rồi ung dung được nhập về? Nếu có cái kho ấy thì nó ở đâu? Hay nó chính là khoảng chân không bao la ở giữa các vì sao, giữa các thiên hà, trong đó tiềm tàng một lượng vật chất tối to lớn mà các nhà vật lý hiện đại đã ước đoán và đang mò tìm? Nhưng nếu khoảng chân không và vật chất tối là cái kho ấy thì nó phải là một sự vật - hiện tượng, hiện diện tương tự như mọi sự vật - hiện tượng cụ thể khác, cũng có khởi đầu và kết thúc. Không thể hình dung nổi!
Nhớ lại ngày xưa, khi còn thơ, chúng ta thường nghêu ngao mỏi miệng một câu về các loài chim, đại ý là: “Chim ri là dì sáo sậu, sáo sậu là cậu bồ nông, bồ nông là ông bồ các, bồ các là bác chim ri, chim ri là …”. Không chừng các sự vật đã “chọn” cách này để trình hiện chăng? Là một cuộc tuần hoàn vật này biến hóa thành vật khác, vật khác biến hóa thành vật khác nữa … cứ như thế “tuần tự như tiến” và rồi vật này lại xuất hiện, lặp lại sự mất đi của một vật và đồng thời là sự xuất hiện của một vật khác. Nếu sự khởi đầu và kết thúc của vạn vật là gồm những vòng biến hóa như thế thì rõ ràng chẳng cần cái kho nào cả. Nhưng sao thấy sơ cứng, đơn điệu và buồn tẻ quá mà cũng chẳng phù hợp tí nào với bức tranh biến ảo, sống động, đa dạng và huyền bí đến không cùng của Vũ Trụ!?
Chúng ta hãy nhìn hiện tượng này: muôn ngàn hạt nước ào ào rơi xuống thành mưa, nhờ có mưa mà thành suối thành sông cuồn cuộn đổ nước về biển cả; rồi nắng làm nước bốc hơi từ sông từ biển, mà tích tụ thành những đám mây; từ mây lại hình thành nên muôn ngàn hạt nước mà thành mưa, … Đó là một cuộc xoay vần. Nếu cuộc xoay vần chỉ gồm những sự vật - hiện tượng ấy thôi thì như chúng ta đã nói: buồn quá! Thực ra, chúng ta đã nhìn không hết bức tranh, đã thấy nó một cách sơ sài, méo mó; đã không thấy được cái cơ bản cần thấy. Hiện thực không phải như vậy! Sự xoay vần ấy chỉ là một bộ phận không thể tách rời của cái tổng thể. Ngoài những sự vật - hiện tượng đã nêu, còn biết bao nhiêu sự vật - hiện tượng liên quan, tác động đến cuộc xoay vần và cuộc xoay vần ấy, ngược lại cũng tác động đến biết bao nhiêu sự vật - hiện tượng khác. Làm sao mà hơi nước tụ được thành mây để tạo ra những giọt nước làm mưa nếu không có tác động của hiện tượng tích điện, điện từ? Làm sao có mưa được nếu các giọt nước không rơi xuống nhờ lực hấp dẫn? Làm sao mà nước bốc thành hơi được nếu không thu nhiệt từ nắng, nóng? Mà nắng nóng ở đâu ra nếu không từ Mặt Trời, từ lòng đất? Rừng sẽ chết nếu không có nước, không có mưa, nhưng nếu không có rừng lưu giữ nước thì bao nhiêu dòng sông phải cạn kiệt? Và nếu không có đất, trời thì cũng chẳng có cái gì được triển khai để làm nên cuộc xoay vần ấy cả? …
Dù không thể mô tả hết được những mối quan hệ của tổng thể các sự vật - hiện tượng, nhưng chỉ ngần ấy thôi thì hiện thực đã hiện lên khác hẳn, sống động, phong phú và uyển chuyển hơn rất nhiều so với hình dung ban đầu.
Rốt cuộc thì hợp lý hơn cả, gần với thực tại hơn cả, chúng ta cần hình dung rằng: Toàn bộ Vũ Trụ là một tổng thể các sự vật - hiện tượng một cách trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc lẫn nhau, tác động vào nhau, chuyển hóa nhau liên tục, không bao giờ ngưng nghỉ; tạo nên một sự biến đổi toàn diện làm nguyên nhân của sự kết thúc, mất đi các sự vật - hiện tượng cũ đồng thời hình thành nên những sự vật - hiện tượng mới. Tất cả những tác động, chuyển hóa, biến đổi ấy được gọi dưới một cái tên chung là “vận động”. Theo F. Anghen: “Vận động, hiểu theo nghĩa chung nhất (…) bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong Vũ Trụ, kể từ sự thay đổi vị trí đơn giản đến tư duy”, và “ … Sự tồn tại của toàn bộ thế giới tự nhiên, từ cái nhỏ nhất cho đến cái lớn nhất, từ hạt cát cho đến mặt trời, từ nguyên sinh vật cho đến con người, là một quá trình không ngừng nghỉ sinh ra và diệt vong, lưu động không ngừng, vận động và biến hóa bất tuyệt”. Chúng ta gọi sự biến đổi lớn lao, liên tục ấy là sự “thường biến”. Vũ Trụ là một tổng thể các sự vật - hiện tượng vận động không ngừng và thường biến!
Hêraclite đã để lại cho đời một câu sâu sắc: “Chúng ta không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông”là vì ông đã cảm nhận được đặc tính đó của Vũ Trụ (nhưng chắc rằng chưa biết được Vũ Trụ cũng chính là Tồn Tại, và hơn nữa, đã không thấy được trong khi Vũ Trụ trình diễn đặc tính thường biến của nó trước quan sát thì đồng thời cũng trình diễn cả đặc tính có tính tương phản đối ứng với thường biến, đó là đặc tính bất biến của nó. Vì rất đơn giản là nếu không thế, mỗi con người chúng ta đây không thể có được cuộc đời kéo dài đến..."tích tắc" chứ nói chi đến "đầu bạc răng long").
 ***
Chúng ta lại quay về với thí dụ cái cây.
Sự xuất hiện, trưởng thành, suy tàn và biến đi của cái cây đó là một quá trình thoạt nhìn, thấy đơn giản và tầm thường, xảy ra hàng ngày hàng giờ xung quanh ta, khiến ta chẳng bao giờ thấy thắc mắc, thậm chí cũng chẳng thèm để ý tới. Nhưng thực ra để trả lời thỏa đáng điều đó là không dễ, hoặc có khả năng là không bao giờ trả lời được hết ngọn nguồn. Vì vậy chúng ta lúc này đừng quá bận tâm tới câu đố mà cả nền triết học hiện đại, với nhiều triết gia đầu hói trụi tóc cũng bí tỵ. Dại gì theo họ để mà bế tắc, chấm dứt quá sớm cuộc hành trình mới đi được mấy bước chân!
Triết học, bằng con đường duy lý hoặc duy linh, bản thân nó chẳng bao giờ có thể đi tới đích. Cả triết học Phương Tây lẫn triết học Phương Đông; ở giai đoạn cuối cùng của nhận thức thực tại đã lúng túng, mất phương hướng, trở thành “vòng vo tam quốc”, “cãi chày cãi cối” và hoang mang ngụy biện. Khoa học thực chứng Châu Âu, với vật lý học là tiên phong và khoa học suy nghiệm Châu Á với tâm linh học là nòng cốt, hay nếu được, chúng ta đặt luôn cho chúng một cái tên chung là “triết học chứng minh”, dù có một quá trình hết sức oanh liệt, hết sức vẻ vang, dù trên con đường khám phá sự thực khách quan đã lập nên biết bao nhiêu kỳ tích cho nhân loại thì giờ đây cũng bắt đầu lúng túng y hệt.
Cả hai nền triết học Đông, Tây đều có mặt mạnh mặt yếu, cái tuyệt vời của suy lý này lại là cái thiếu “chết người” của suy lý kia và ngược lại. Nhận thức của nhân loại sẽ trở nên nhất quán, trong sáng và chân chính khi hai nền triết học đó thừa nhận nhau, kết hợp lại và cùng với triết học chứng minh tạo nên một hệ thống triết – khoa thống nhất, duy nhất để nói về Tồn Tại, cái cũng thống nhất và duy nhất.
Chết cha! Phởn chí lên, chúng ta đã tuyên bố quá hùng hồn. Lỡ lời rồi biết làm sao rút lại được đây? “Nhất ngôn phát xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn ngựa khó đuổi kịp được). Thôi kệ, biết đâu chừng nhãn mác “Thầy Cãi” sẽ đi vào sử xanh, chí ít, cũng được như “Kẻ đốt đền”!
Chúng ta lại nói tiếp về cái cây.
Bắt chước khoa học thực chứng, chúng ta sẽ tiến hành một cuộc thực nghiệm:
Chúng ta lấy từ cây đang sống ra một phần nhỏ (một đoạn cành nào đó), đem phân chia nó ra (chúng ta có một thiết bị trong tưởng tượng, có thể phân chia bất cứ cái gì, nhỏ ra đến cỡ nào cũng được!!) thành bột nhỏ như cám. Tiếp tục phân chia nữa, phân chia mãi. Và quan sát sau mỗi lần phân chia, chúng ta thấy gì? Lúc đầu là bụi cám, sau đó là các tế bào, rồi đến các hợp chất, nhỏ hơn hợp chất là các loại nguyên tử, nhỏ hơn nữa là các hạt proton, notron, điện tử …; tiếp tục nhỏ hơn nữa là các photon, nơtrino … và nếu photon, nơtrino là một cấu tạo phức hợp thì chúng ta sẽ chia nhỏ nữa. Cuối cùng sẽ đến giới hạn, đến một cái gì đó nhỏ nhất (tạm gọi là hạt) không thể phân chia được nữa; là hạt “nguyên tử” như Dêmocrite đã hình dung, hay là “thực thể tế vi” như kinh Upanishad đã suy nghiệm. Vì sao không thể phân chia hạt đó nhỏ hơn được nữa khi mà thiết bị tưởng tượng của chúng ta lại có thể phân chia bất cứ cái gì ra nhỏ bao nhiêu cũng được? Để vượt qua mâu thuẫn này, chỉ có cách là hỏi Hoàng Tử Bé!
Và từ đâu đó xa xôi, một giọng nói nhẹ nhàng, trong trẻo và thân thiết vọng về:
- Nếu phần tử là đơn vị cấu thành nên con dao, thì không thể dùng con dao để thái phần tử ra như thái thịt được!
À, thì ra thế!
Hạt đó là tột cùng của nhỏ, là đơn vị của mọi đơn vị cấu tạo nên các sự vật - hiện tượng, là đơn vị trực tiếp cấu tạo nên mọi tồn tại khách quan, hợp thành nên Tồn Tại. Nó là đơn nhất, không thể phân chia được nữa, không thể có một lực lượng nào đủ khả năng phá hủy nó vì nếu nó bị phá hủy, ngay lập tức xuất hiện hư vô tuyệt đối, một Tồn Tại chẳng do cái gì làm nên cả. Nó chính là con số 1 (nếu nhìn trong thực tại ảo!)  mà toán học đã phát hiện ra!
Tập hợp những con số 1 ấy, (sau khi đã "vật lý hóa" nó) được triết học gọi là “vật chất”!
Chúng ta tiếp tục cuộc thực nghiệm dở dang.
Chúng ta lấy một hạt của cây đó, cái mà nếu gieo xuống đất sẽ nảy mầm ra một cây giống cây đó, đem phân chia mãi tương tự. Cuối cùng chúng ta cũng sẽ thu được vô vàn những hạt nhỏ nhất, không thể phân biệt được, y hệt như những hạt thấy ở lần thực hành đầu tiên: những con số 1.
Rồi chúng ta lấy một cành khô, đã chết của cây đó thực hiện cuộc phân chia lần thứ ba, chúng ta lại thấy như thế.
Cuối cùng, chúng ta nhặt bất cứ cái gì, hú họa ở đâu đó trên Trái Đất này, thậm chí là ở bất cứ đâu trong Vũ Trụ để thực hành phân chia thì cũng vẫn thu được đúng kết quả của những lần thực nghiệm trước, chẳng khác gì sất.
Cuộc thực nghiệm đã hoàn thành. Sau này nó sẽ trở nên lừng danh và để lại dấu ấn không phai mờ trên con đường chúng ta đi.
Chúng ta rút ra được kết luận gì từ nó?
Thứ nhất là: Vì hạt vật chất (tạm gọi như thế đã, mai mốt tính sau!) không thể bị hủy diệt nên cũng không thể được tạo ra, không sống không chết hay sống chết là một; nó là một bất biến xét theo nghĩa ấy. Cũng theo nghĩa như vậy thì vì hạt vật chất là đơn vị nhỏ nhất tuyệt đối, có tính đồng nhất cũng tuyệt đối, do vậy lực lượng vật chất (tổng thành từ các hạt vật chất), đóng vai trò duy nhất làm nên toàn thể Vũ Trụ, cũng bất biến: Vật chất là duy nhất thì không thể có Hư Vô, và chính vì vậy mà cũng tuyệt đối phải bảo toàn về lượng!
Thứ hai là: Sự khởi đầu, trình diễn, kết thúc của cái cây nói riêng và toàn bộ mọi sự vật nói chung, cùng với sự biến đổi, tác động, chuyển hóa lẫn nhau giữa chúng là sự biểu hiện, phản ánh và cũng chính là vật chất vận động: sự vật - hiện tượng nền tảng, vĩ đại.
Thứ ba là: Vật chất và vận động là hai mặt của một tồn tại duy nhất và thống nhất, là nguyên nhân và đồng thời cũng là kết quả của mọi sự khởi đầu, kết thúc, của mọi hành vi của tất cả các sự vật - hiện tượng, của cái thường biến. Vì vậy tất cả các sự vật - hiện tượng với mọi quá trình, mọi dạng biến đổi, mọi sự sinh ra hay mất đi đều là thể hiện của vật chất và vận động, đều là thể hiện của tồn tại và cũng chính là tồn tại, xảy ra trong Tồn Tại và Tồn Tại là một bất biến tuyệt đối nếu xét về mặt bảo toàn, mặt duy nhất và thống nhất của nó. Từ đó mà suy ra rằng Tồn Tại là vĩnh cửu, và luôn “đầy”.
 ***
Hạt vật chất được phát hiện trong cuộc thực nghiệm hoang tưởng trên, có thực trong Vũ Trụ hay không? Nó có thực trong hoang tưởng, đó là điều chúng ta xác nhận vô điều kiện!!! Còn nó có thực trong Thực Tại không thì có lẽ cần phải suy xét nhiều. Ngay từ “vật chất” còn chưa quan niệm được thì “hạt vật chất” càng không quan niệm được. Có một điều lạ lùng là hình như triết học cũng như khoa học phát triển rực rỡ đến hôm nay lại bắt đầu từ những cơ sở không quan niệm được ấy. Chẳng hạn như hình học Ơclít xuất phát từ một điểm không có kích thước ( cũng có nghĩa là không trình hiện được, do đó giống như một hạt Hư Vô nhưng "buộc phải" hiện hữu bởi ý chí tùy tiện và qui ước chủ quan cũa con người!!!). Cơ học Niutơn được xây dựng nên từ những chất điểm (không có thể tích mà có chất?), kỳ quặc không kém điểm hình học. Lý thuyết Dây, được coi là một trong những hy vọng của vật lý hiện đại, đã bắt đầu từ những cái còn kỳ quặc và “đáng sợ” hơn nhiều. Có sao đâu!!! Có lẽ Tạo Hóa (trong Kinh Vêđa gọi là Thần Sáng Tạo!) cho phép mọi thứ đều có khả năng và có quyền được tồn tại một cách… tương đối. Thế thì việc gì phải bận lòng với cái mà chúng ta nghĩ ra để làm nên câu chuyện này; một câu chuyện hoang đường?!
Nghĩ lại, chúng ta càng thấm thía lời khuyên của triết học Upanishad “…Đừng chạy theo từ ngữ nữa, chỉ mỏi miệng vô ích thôi!”. Ừ, không chạy theo nữa!...Nghỉ giải lao tý cho đỡ mệt, lát nữa...chạy tiếp!
Tiện đây, chúng ta sẽ kể một câu chuyện tiếu lâm có tựa đề:
TRỜI SINH RA THẾ.
Ngày xưa có một ông nhà giàu, sinh được hai cô con gái, cô chị được gả cho một anh nông dân quê mùa, cô em được gả cho một chàng hay chữ.
Một hôm, thong thả, bố vợ cùng hai con rể đưa nhau đi chơi. Ông bố nghe tiếng ngỗng kêu liền hỏi:
- Làm sao tiếng nó to thế nhỉ?
Chàng hay chữ nhanh nhảu:
- Trường cảnh tắc đại thanh.
Anh nông dân nói:
- Trời sinh ra thế!
Đi được một quãng, lại thấy con vịt ở dưới ao, ông bố lại hỏi:
- Không bơi mà tại sao nó vẫn nổi nhỉ?
Chàng hay chữ lại nhanh nhảu:
- Đa mao tiểu nhục tắc phù.
Anh nông dân lặp lại:
- Trời sinh ra thế!
Đi một quãng nữa, thấy hòn đá nứt đôi, ông bố lại hỏi:
- Tại sao đá lại nứt thế nhỉ?
Chàng hay chữ tiếp tục nhanh nhảu:
- Phi nhân đả, tắc thiên đả.
Anh nông dân chẳng nói hơn được gì:
- Trời sinh ra thế!
Đến lúc về nhà, ba bố con ngồi uống rượu. Ông bố khen chàng hay chữ và có ý chê anh nông dân dốt. Anh nông dân, rượu vào sương sương, tức mình, gây chuyện với chàng hay chữ:
- Tôi thì dốt thật, nhưng chú nói: “trường cảnh tắc đại thanh” là nghĩa làm sao?
Chàng hay chữ phổng mũi đáp:
- Nghĩa là: cổ dài thì kêu to.
Anh nông dân bắt bẻ:
- Thế con ễnh ương thì cổ đâu mà tiếng cũng to? - Rồi lại hỏi: - Chú nói “Đa mao thiểu nhục tắc phù” là nghĩa làm sao?
Chàng hay chữ đáp:
- Nghĩa là: “Nhiều lông ít thịt thì nổi.”
Anh nông dân lại bẻ:
- Thế thì cái thuyền lông đâu, thịt đâu mà cũng nổi? - Rồi hỏi tiếp: - Còn chú nói “Phi nhân đả, tắc thiên đả” là nghĩa làm sao?
Chàng hay chữ bực mình trả lời:
- Nghĩa là: “Nếu không người đánh thì trời đánh”. Thế mà anh cũng không hiểu nữa!
Anh nông dân điên tiết, nói lớn:
- Thế cái l… mẹ chú thì trời đánh hay người đánh mà cũng nứt đôi ra? Hay là trời sinh ra thế?
Lúc đó, ông bố vợ gật gù tấm tắc:
- Ừ, thì ra dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng!
(Truyện cười dân gian Việt Nam)
Câu chuyện tiếu lâm vừa kể có buồn cười không? Có thể rất buồn cười mà cũng có thể chẳng đáng cười tý nào cả, thậm chí còn gây bực mình. Tất cả còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và người nghe. Kể đúng chỗ thì dễ cười, trái chỗ thì thành tục tĩu. Trong khi những người xuề xòa dễ dãi, bình dị dân dã rất thích nghe, cười hô hố, thì những người ngay thẳng, đàng hoàng chỉ tủm tỉm, còn những người mực thước, câu nệ sẽ nhăn mặt khó chịu. Đời là thế, cũng là tồn tại thiên biến vạn hóa, khác sao được!
Đối với chúng ta thì câu chuyện tuyệt hay! Vừa có tính bông phèng giải trí làm tăng tuổi thọ vừa có tính triết lý “hơi bị sâu”. Nó cho chúng ta thấy cái phong phú, muôn màu muôn vẻ của sự vật - hiện tượng: Nhiều sự vật khác nhau gây ra hiện tượng giống nhau; nhiều hiện tượng khác nhau có nguyên nhân từ cùng một sự vật. Cả hai người con rể đều trả lời đúng cả. Một người tìm lời giải thích thỏa đáng cho từng sự vật - hiện tượng cụ thể, người nghe thỏa mãn vì học hỏi được thêm từ những lý giải ấy. Một người kém hiểu biết hơn, đã trả lời một cách “trớt quớt”, chẳng làm ai vừa lòng vì chẳng hiểu được gì, nhưng lại khái quát nhất, xác đáng nhất, như một chân lý tuyệt đối, và vô tình đã nói đến cái bất biến cao độ.
Bất biến và thường biến là hai khái niệm mà con người đã “gặt hái” được từ sự nhận thức thế giới khách quan. "Sự kiện" Vũ Trụ vừa bất biến vừa thường biến, vừa có thể là cả hai mà cũng có thể không phải cả hai, là quan niệm "phiêu lưu" nhất cho đến của chúng ta và được hiểu một cách...tùy thích(!). Nếu cho nó là vừa bất biến vừa thường biến thì nhờ bất biến mà thường biến triển khai được. Trong cái thường biến ẩn tàng cái bất biến; bất biến được biểu hiện ra nhờ thường biến và thường biến để duy trì cái bất biến. Cũng có hai “kiểu” bất biến: tương đối và tuyệt đối. Bất biến tuyệt đối là sự thực khách quan, bao hàm cả không gian và thời gian. Đó là quan niệm rất khó lòng ...quan niệm, hoặc có khi là không thể quan niệm nên không cần biện minh và cũng đừng có ai tò mò cố tìm cách biện minh, chỉ tổ nhức đầu vô ích thôi!
Đối với cái bất biến tuyệt đối, cái cơ bản và cũng là nền tảng, thì sự thường biến của nó, với vai trò như một mặt, một thuộc tính, chỉ mang tính tương đối (như Phật Giáo nói hơi quá: là một sự giả hợp). Nhưng nói thế đừng nghĩ chắc chắn phải "bất di bất dịch" là như thế, vì nếu xem xét ở một bình diện khác, “thấp hơn” thì phải đảo lộn lại quan niệm: bất biến mới là tạm thời, cục bộ địa phương, là tương đối; còn thường biến mới là bao trùm toàn diện, vĩnh viễn và tuyệt đối. Ai muốn hiểu sao thì hiểu, quá mệt!...Nghỉ giải lao tiếp!
Chúng ta sẽ thêm hai câu chuyện tiếu lâm nữa cho bớt căng thẳng:
CON VỊT HAI CHÂN
Có một anh lính, tính hay nịnh quan, hễ trông thấy cái gì hơi khác thường một chút là vơ lấy tán luôn.
Một hôm, quan đang ngồi ở công đường, anh ta đứng hầu bên cạnh, trông ra thấy con vịt đứng ngủ, co một chân lên. Anh ta lấy làm lạ, tưởng con vịt mất một chân, liền bẩm:
- Bẩm quan lớn, con vịt …
Không ngờ con vịt thức dậy, buông chân kia xuống.
Quan quay lại hỏi:
- Con vịt làm sao?
Anh ta luống cuống không biết nói sao, đáp liều:
- Bẩm, con vịt … có hai chân ạ!
Quan nghe câu nói vớ vẩn, mắng:
-         Vịt chẳng hai chân thì mấy chân?
Rồi sai lính đè cổ anh nịnh ra, đánh cho một trận.
(Truyện cười dân gian Việt Nam)
THƠM RỒI LẠI THỐI
Hai anh đại nịnh ngồi hầu chuyện quan lớn. Bất thần, cụ đánh một cái trung tiện. Một anh giả vờ lắng nghe rồi nói:
- Ôi! Nghe như tiếng đàn tiếng sáo!
Một anh hếch mũi lên ngửi rồi nói:
- Chao ơi! Thoang thoảng thơm như hương hoa lan.
Cụ lớn xịu mặt, có ý buồn, bảo:
- Ta nghe nói trung tiện là uế khí, nó ra ngoài có tiếng đục và mùi thối mới phải, chứ nó nghe réo rắt mà lại có mùi thơm, ta e rồi không thọ được bao lâu nữa!
Một anh nghe nói vậy, vội đưa tay lên như bắt hơi, hít đi hít lại, rối bẩm:
- Dạ bẩm, bây giờ đã có mùi thối ạ!
Anh kia cũng vờ khịt luôn hai ba cái, nói tiếp:
- Bẩm quan, bây giờ thì thối thật, quá thối!
 ***
Vì sao Tồn Tại được khẳng định? Vì có thường biến và bất biến! Vì sao lại là thường biến và bất biến? Vì có Thượng Đế! Thượng Đế là ai? Là Đấng Sáng Tạo! Đấng Sáng Tạo là ai? Là Tạo Hóa! Tạo Hóa là ai? Là Tồn Tại! Thế Tồn Tại? Vô nghĩa!
Một khẳng định lại vô nghĩa? Vì Tồn Tại vừa là thế này, vừa là thế kia, vừa là cả hai mà cũng không phải cả hai. Nó thường biến và bất biến khi có nhận thức về nó và đồng thời không phải cả hai khi nó tự do, không bị "ràng buộc" bởi nhận thức. Ở ngoài ý niệm, Tồn Tại là vô thủy vô chung, hằng định. Ở trong ý niệm, nó trở nên lung linh huyền diệu và hồn nhiên biết chừng nào! Nó ở ngoài không gian và thời gian nên nó không di dời mà cũng không nhanh chậm; không có quá khứ lẫn tương lai, vì vậy nó là bất biến; nó ở trong không gian và thời gian nên nó di dời, có quá khứ và tương lai, vì vậy nó là thường biến; nó là không gian và thời gian, vì vậy nó là cả hai mà cũng không phải cả hai. (Chúng ta vừa viết ra những dòng suy tưởng "cực kỳ" mà chính bản thân mình đã không dám đọc lại. Bởi vì nếu đọc lại, với bộ não đang "hoang tưởng" quá căng thẳng, chúng ta dễ dàng...phát điên. Ha, ha...ha...!).

                                     __________________________________
Xem tiếp...