Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG 23

 (ĐC sưu tầm trên NET)

Máy bay quân sự Indonsia rơi xuống khu dân cư, ít nhất 113 người chết

media Hiện trường tai nạn máy bay quân sự C-130 hercules ngày 30/06/2015 tại Medan, Indonesia. Reuters
Chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của quân đội Indonesia bị rơi và nổ tung tại một khu dân cư ở Medan, một thành phố lớn trên đảo Sumatra (Kalimantan). Toàn thể 113 người trên máy bay đều tử nạn. Nhiều khu nhà mới bị tiêu hủy, nhưng chưa rõ thiệt hại nhân mạng của thường dân.
Vào khoảng 12 giờ trưa, giờ địa phương, hôm nay, 30/06/2015, chiếc vận tải cơ C-130 của Indonesia cất cánh được hai phút thì rơi vào một khu nhà dân, cách phi trương quân sự Medan 5 km. Nhiều tòa nhà gần nơi xảy ra tai nạn bị hư hại nặng , xe cộ bị cháy rụi.
Thiệt hại nhân mạng được công bố từng giờ và không ai rõ lúc máy bay lâm nạn và bốc cháy có bao nhiêu người trên máy bay và ở nơi rớt.
Khoảng 5 giờ đồng hồ sau, Tham mưu trưởng loan báo trên máy bay có 113 người và tất cả đều thiệt mạng.
Trước đó, đài truyền hình Indonesia, trích lời các nhân viên cứu hộ cho biết đã tìm thấy được 49 thi thể, từ một đoạn gẩy của máy bay và từ nhà dân, trong số này có một em bé.
Indonesia mang tiếng thiếu an toàn về giao thông hàng không. Gần đây, vào tháng 12/2014, một chiếc máy bay của hãng hàng không AirAsia bị rơi trên biển Java sau nửa giờ cất cánh, làm 162 hành khách và nhân viên phi hành đoàn tử vong.


Tàu ngầm kilo 185 - Khánh Hòa về đến Cam Ranh

30/06/2015 13:56 GMT+7
    TTO - Sáng 30-6, tàu vận tải Rolldock Storm chở theo tàu ngầm số hiệu 185 - Khánh Hòa đã vào sâu trong vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) an toàn. 
    Tàu vận tải Rolldock Storm chở tàu ngầm kilo 185 – Khánh Hòa đang neo đậu trong vùng nước vịnh Cam Ranh - Ảnh: Đoàn Quang
    Tàu vận tải Rolldock Storm chở tàu ngầm kilo 185 – Khánh Hòa đang neo đậu trong vùng nước vịnh Cam Ranh - Ảnh: Đoàn Quang
    Như vậy, sau hải trình hơn một tháng rưỡi kể từ khi xuất phát tại Nhà máy đóng tàu Admiralty ở Saint Petersburg (Nga),  tàu ngầm số hiệu 185 - Khánh Hòa đã về đến Cam Ranh.
    Nguồn tin từ Lữ đoàn tàu ngầm 189 cho biết dự kiến sau thời gian thực hiện các thủ tục cần thiết, vào ngày 2-7, việc lai dắt tàu ngầm 185 - Khánh Hòa từ tàu vận tải về quân cảng Cam Ranh sẽ được thực hiện.
    Đây là chiếc tàu ngầm chạy bằng động cơ điện - diesel lớp Varshavyanka 636.1 (NATO gọi là kilo) thứ tư trong số sáu tàu ngầm mà VN đặt hàng cho Nga sản xuất.
    Trước đó, ba tàu ngầm kilo khác đã được đưa về VN và biên chế vào Lữ đoàn tàu ngầm 189 đóng tại quân cảng Cam Ranh là các tàu ngầm 182 - Hà Nội (về Cam Ranh ngày 1-1-2014), 183 - TP Hồ Chí Minh (về ngày 19-3-2014) và 184 - Hải Phòng (về ngày 31-1-2015).
    Tàu ngầm 185 - Khánh Hòa được hạ thủy ngày 28-3-2014.
    Trước khi được đưa lên tàu vận tải Rolldock Storm để về VN (ngày 14-5), tàu 185-Khánh Hòa đã thực hiện một số chuyến thử nghiệm trên biển Baltic.
    Tàu ngầm lớp kilo 636 dài gần 74m, rộng 9,9m, có lượng giãn nước từ 3.000-3.950 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, hoạt động ở độ sâu trung bình 240m và có thể lặn sâu tối đa 300m.
    Tàu có tầm hoạt động 6.000-7.500 hải lý, thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm và thủy thủ đoàn gồm 52 người.
    DUY THANH

    Trung Quốc lại đòi Nhật Bản tránh xa Biển Đông

    media Tổng thống Philippines Aquino họp báo chung với thủ tướng Nhật Abe ngày 04/06 tại Tokyo. Reuters
    Sau cuộc tập trận song phương Nhật Bản-Philippines tai Biển Đông, Bắc Kinh liên tục nã pháo vào Tokyo. Động thái mới nhất diễn ra ngày 29/06/2015, khi nhân vật số bốn trong chính quyền Trung Quốc lên tiếng đòi Nhật Bản tránh xa hồ sơ Biển Đông. Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo yêu cầu Tokyo thận trọng khi xử lý các vấn đề an ninh, cũng như Biển Đông.
    Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, nhân cuộc tiếp xúc với một phái đoàn nghị sĩ Nhật Bản ghé thăm Bắc Kinh, ông Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng) Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã cho rằng vấn đề Biển Đông « hoàn toàn không có liên quan gì đến Nhật Bản ».
    Đối với nhân vật trên danh nghĩa là lãnh đạo đứng hàng thứ tư trong guồng máy lãnh đạo Bắc Kinh, việc Nhật Bản cùng với Mỹ đua nhau chỉ trích Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông, mà không nói gì đến Philippines và các nước tranh chấp khác, là một điều « không công bằng ».
    Cũng trong chiến dịch phản công nhắm vào Nhật Bản, vào hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm qua đã lên tiếng cảnh cáo Tokyo là nên thận trọng và có thái độ đúng đắn khi xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh quân sự và Biển Đông.
    Phản ứng trên đây được đưa ra sau khi truyền thông Nhật Bản tiết lộ rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, khi nói chuyện với giới báo chí hồi đầu tháng Sáu, đã cho rằng các cải cách về an ninh mà Tokyo đang tiến hành đích thực nhắm vào Bắc Kinh và vấn đề Biển Đông.
    Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, nếu các thông tin trên xác thực, thì giới lãnh đạo Nhật Bản phải có lời giải thích với Bắc Kinh. 

    Phần tử quá khích Campuchia tấn công 7 người Việt bị thương

    TPO - Thông tin từ Bộ Ngoại giao ngày 30/6 cho biết, ngày 28/6, một nhóm khoảng 250 người Campuchia với sự tham gia của một số nghị sĩ Đảng đối lập Campuchia CNRP đã tiến sâu vào khu vực mốc 203 do Việt Nam quản lý thuộc địa bàn tỉnh Long An.
    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Người Lao Động Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Người Lao Động
    Trước hành động sai trái này, lực lượng chức năng Việt Nam và một số người dân địa phương đã ra ngăn chặn, giải thích nhưng bị một số phần tử quá khích người Campuchia tấn công, khiến 7 người Việt Nam bị thương.

    Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước sự việc này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình vừa khẳng định: “Chúng tôi phê phán mạnh mẽ hành động bạo lực do một số phần tử quá khích người Campuchia gây ra, vi phạm pháp luật của cả hai nước, các Hiệp ước, Hiệp định và thỏa thuận giữa Việt Nam và Campuchia, ảnh hưởng đến tiến trình phân giới cắm mốc cũng như quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia”.

    Ông Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị hợp tác toàn diện với Campuchia, mong muốn phát triển đường biên giới Việt Nam – Campuchia hòa bình, hữu nghị.

    “Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng của Campuchia có biện pháp xử lý thỏa đáng vụ việc, không để những hành động tương tự tái diễn, bảo đảm cho công tác phân giới cắm mốc được tiến hành thuận lợi vì lợi ích chung của nhân dân hai nước”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.

    IS lần đầu tiên chặt đầu phụ nữ

    TPO - Theo IBTimes hôm nay, 30/6, trong 2 ngày qua, các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết 2 người phụ nữ ở Syria.
    Một đao phủ của IS Một đao phủ của IS
    “IS đã chặt đầu 2 phụ nữ ở tỉnh Deir Ezzor, Syria. Đây là trường hợp hành quyết phụ nữ đầu tiên được Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria có trụ ở ở Anh ghi nhận”, ông Rami Abdel Rahman, giám đốc của Tổ chức cho biết.
    2 người phụ nữ bị chặt đầu cùng với chồng của họ vì “hành nghề phù thủy”.
    Nhóm chiến binh Hồi giáo dòng Sunni, hiện kiểm soát một số khu vực ở Iraq và Syria trong đó có tỉnh Deir Ezzor, cũng từng thực hiện nhiều hình phạt hà khắc lên phụ nữ, điển hình là ném đá đến chết vì tội ngoại tình.
    Theo một báo cáo trước đó của tổ chức, kể từ khi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq vào ngày 29/6 năm ngoái, IS đã giết chết 3.000 người trong đó có 1.800 dân thường và ít nhất 74 trẻ em.
    Gần đây, tổ chức cũng ghi nhận trẻ em bị treo lên cột và bị đánh đập vì vi phạm luật lệ trong tháng Ramadan.
    Theo IBTimes

    Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn: Nhân chứng mới xuất hiện

    Liên quan đến vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, trong phiên tòa sắp tới sẽ có nhân chứng mới là bà Nguyễn Thị Thu Hà (53 tuổi, ngụ xã Song Mai, TP Bắc Giang).

    TAND tỉnh Bắc Giang quyết định ngày 21/7 sẽ đưa ra xét xử vụ án Lý Nguyễn Chung (28 tuổi, quê Lạng Sơn) bị truy tố về tội giết người và cướp tài sản.
    Vụ án xảy ra năm 2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
    vu an oan nguyen thanh chan: nhan chung moi xuat hien hinh 0
    Ông Nguyễn Thanh Chấn xúc động trong vòng tay người thân, xóm giềng ngày mới được trả tự do
    Liên quan đến vụ án, năm 2013 ông Nguyễn Thanh Chấn (người dân thôn Me) được trả tự do sau 10 năm thụ án tù oan gây chấn động dư luận.
    Theo lãnh đạo TAND tỉnh Bắc Giang, phiên tòa sắp tới sẽ có nhân chứng mới là bà Nguyễn Thị Thu Hà (53 tuổi, ngụ xã Song Mai, TP Bắc Giang).
    Đầu tháng 5/2015, bà Nguyễn Thị Thu Hà có đơn gửi đến các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang kiến nghị làm rõ việc Lý Nguyễn Chung có phải là hung thủ giết chị Nguyễn Thị Hoan hay không.
    Bà Hà còn đề nghị các cơ quan báo chí lên tiếng để tạm hoãn việc chi trả 7,2 tỉ đồng bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
    Ngày 29/6, tại nhà riêng ở Bắc Giang, bà Hà nói năm 2003 bà quen biết chị Nguyễn Thị Hoan (nạn nhân bị giết) khi chị đi lấy hàng tạp hóa tại cổng chợ Thương, thị xã Bắc Giang.
    Chị Hoan trở thành khách hàng, thường đến cửa hàng của bà lấy hàng về bán. Do mối quan hệ này, bà Hà được chị Hoan kể về một số tình tiết mà theo bà có thể liên quan tới vụ án mạng xảy ra sau đó.
    Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thân Quốc Hùng - Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang - cho biết tại phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung sắp tới, bà Nguyễn Thị Thu Hà sẽ tham gia với tư cách là người làm chứng.
    “Việc tòa đưa bà Hà tham gia tố tụng là đảm bảo khách quan, minh bạch. Những nội dung bà Hà khai báo sẽ được hội đồng xem xét tại phiên tòa chứ không thể nói trước được điều gì” - ông Hùng giải thích.
    Trước đó, phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung đã ba lần hoãn xử. Lần xét xử thứ 3 ngày 9/3/2015, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ vai trò đồng phạm trong vụ án.
    Theo tòa, quá trình xét xử cho thấy lời khai của bị cáo, lời khai của một số nhân chứng, người liên quan và hồ sơ còn có mâu thuẫn. Vụ án còn có một số tình tiết chưa làm rõ, đặc biệt việc Chung gây án có đồng phạm hay không.
    Tại tòa, Chung thừa nhận một mình giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp hai nhẫn vàng và 59.000 đồng. Trong khi bà Hoàng Thị Hội, mẹ chị Hoan, cho rằng chị Hoan còn bị mất một sợi dây chuyền.
    Ngoài ra, bà Hội cũng nói thời điểm năm 2003 Chung mới hơn 14 tuổi, cao 1,1 - 1,2m thì không thể giết được chị Hoan mà phải có đồng phạm.
    Sau khi điều tra bổ sung, Viện KSND tối cao giữ nguyên quan điểm truy tố Lý Nguyễn Chung về tội giết người và cướp tài sản theo bản cáo trạng như trước đây đã truy tố.
    Theo đó, đối với yêu cầu điều tra thể lực của Chung ở thời điểm gây án, Viện KSND tối cao đánh giá không làm rõ được chiều cao, cân nặng của Lý Nguyễn Chung nhưng đủ căn cứ xác định Chung có thể lực tốt, có khả năng thực hiện hành vi giết nạn nhân để cướp tài sản.
    Về yêu cầu điều tra có hay không đồng phạm với Lý Nguyễn Chung, Viện KSND tối cao khẳng định đủ căn cứ xác định trong vụ án chỉ có một mình Lý Nguyễn Chung thực hiện hành vi gây án.
    Theo bà Hoàng Thị Hội, thời gian gần đây bà nhận được thư từ một người tên Phạm Văn Quỳnh (thôn Thống Nhất, xã Xướng Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) nhưng nội dung đơn lại ký tên tập thể người dân thôn Me, xã Nghĩa Trung. Nội dung đơn cho rằng Lý Nguyễn Chung không phải là hung thủ của vụ án mà được trả tiền để đứng ra nhận tội thay người khác.
    Chung nhận tội thay vì gia đình khó khăn, phạm tội khi tuổi còn nhỏ nên sẽ được hưởng khung hình phạt thấp.
    “Khi có điều tra viên đến nhà, tôi có cho điều tra viên xem đơn thư này nhưng điều tra viên bảo thư nặc danh thì không nói lên được điều gì.
    Tôi không kết luận ai là thủ phạm giết con mình, mà chỉ mong các cơ quan tố tụng sớm tìm ra hung thủ và xử đúng người đúng tội. Vụ án kéo dài, mỗi lần xét xử là xới lại nỗi đau của gia đình chúng tôi” - bà Hội nói.
    Không ảnh hưởng đến việc bồi thường cho ông Chấn
    Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo TAND tối cao cho biết TAND tối cao khẳng định việc chi trả tiền bồi thường vẫn sẽ được tiến hành trong thời gian tới vì ông Chấn đã có quyết định đình chỉ điều tra và được xác định oan sai, nên việc bồi thường vẫn phải tiến hành theo quy định của pháp luật./.

    Theo Tâm Lụa/Tuổi trẻ

    Xem tiếp...

    VIỆT NAM HIỀN HÒA 73

    (ĐC sưu tầm trên NET)


    Phát hiện hang động núi lửa đẹp nhất Đông Nam Á ở Việt Nam

    Hang động núi lửa này là kết quả của quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm. Phát hiện chấn động này hứa hẹn mở ra tiềm năng du lịch to lớn cho khu vực Tây Nguyên.

    Thông tin từ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sau hơn 5 năm nghiên cứu, các nhà khoa học của Hội hang động Nhật Bản đã khám phá ra hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á tại khu vực Tây Nguyên. Đây được coi là di sản thiên nhiên độc đáo của quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm.
    Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản chia sẻ, Việt Nam có hệ thống hang động rất phong phú trải dài từ khu vực Tây Bắc đến Quảng Bình, tạo nên nhiều kỳ quan thiên nhiên được thế giới biết đến như Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long, Tam Cốc - Bích Động.
    Tuy nhiên, các hang động phát hiện trong thời gian qua là hang động đá vôi. Đây là lần đầu tiên chúng ta phát hiện được hệ thống hang động núi lửa hình thành từ quá trình phun trào dung nham cách đây hàng triệu năm. “So với hang động đá vôi, trên thế giới hang động núi lửa hiếm gặp hơn nhiều và có cấu trúc dòng chảy khác biệt”, ông Thuấn nói.
    Hệ thống hang động núi lửa ở Tây Nguyên được phát hiện ở tỉnh Đắk Nông, chủ yếu ở huyện Krông Nô. Dài khoảng 25 km từ miệng núi lửa tại buôn Choar dọc theo sông Sêrêpốc đến khu vực thác Dray Sáp với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau. Ông Thuấn cho biết, hiện đã đo chi tiết được khoảng ba trong số các hang động trên. 
    Hang động lớn nhất có chiều dài trên 1.066m, bên trong rộng hàng nghìn mét, có cấu trúc rất độc đáo và đặc trưng với dòng dung nham phun ngược, tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ. Hang động nằm trong rừng sâu, chưa ghi nhận dấu vết của con người nhưng có nhiều loài vật sinh sống. 

    Cán bộ của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Nông khám phá một hang động núi lửa trong quần thể hang động núi lửa ở Đắk Nông

    Theo đánh giá của các nhà khoa học Nhật Bản, đây là hang động núi lửa dài và đẹp nhất của Đông Nam Á, rất có giá trị về mặt khoa học, du lịch.

    Việc khảo sát khu vực này bắt đầu từ năm 2007 bởi các nhà khoa học của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản. Một số thông tin ban đầu được đăng tải trên các tạp chí nước ngoài. Một số nhà khoa học thuộc Hội Hang động Nhật Bản biết đến và bỏ tiền túi để tổ chức những chuyến khảo sát ở đây. Quá trình nghiên cứu, khảo sát trong nhiều năm cho thấy, đây là một hệ thống hang động rộng lớn và trải dài với nhiều hang động, miệng núi lửa.

    “So với một số hang động đá vôi và hang động núi lửa ở một số nước trên thế giới như hang động núi lửa Manjanggul Lava trên đảo Jeju - biểu tượng của du lịch Hàn Quốc, thì hệ thống hang động núi lửa ở khu vực Tây Nguyên còn rộng lớn và hấp dẫn hơn nhiều." ông Thuấn nói.

    Hiện nay các nhà khoa học mới đo chi tiết được ba hang động. Dự kiến còn hàng chục hang khác chưa được nghiên cứu kỹ. Nếu có kinh phí phải mất thêm vài năm nữa để hoàn thiện việc nghiên cứu hệ thống này. 

    Cũng theo ông Thuấn “Hoạt động phun trào núi lửa ở Tây Nguyên xảy ra ở một vùng rộng lớn. Mình phát hiện ngẫu nhiên ở khu vực này nhưng không ngoại trừ các khu vực khác cũng có hang động. Nếu mình có chủ trương khảo sát toàn phần để thành lập công viên địa chất toàn cầu thì còn nhiều điều thú vị”. 

    Ngày 26/12 tới, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản sẽ công bố việc phát hiện ra hệ thống hang động núi lửa này. Trên cơ sở đó, sẽ huy động thêm các nhà đầu tư, tài trợ cho việc nghiên cứu tiếp tục. Sau khi hoạt động nghiên cứu kết thúc, sẽ tiến hành công bố với thế giới, xúc tiến thành lập công viên địa chất toàn cầu. 

    Theo ông Lê Khắc Ghi, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Đắk Nông, hệ thống hang động núi lửa dọc sông Sêrêpốc nằm trong khu vực rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sáp, trong hang không đọng nước, thuận tiện cho việc đi lại.
    Cùng với hệ thống thác hiện có, hệ thống hang mới được phát hiện có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa, du lịch mạo hiểm, khám phá. Hiện tại, UBND tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với Bảo tàng Địa chất Việt Nam xây dựng đề cương quy hoạch hệ thống hang động dọc sông Sêrêpốc thành công viên địa chất toàn cầu


    Đến Hòn Tằm chiêm ngưỡng vẻ đẹp của "đảo xanh" giữa Vịnh Nha Trang

    Vốn được mệnh danh là “đảo xanh” giữa Vịnh Nha Trang, Hòn Tằm hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp của những thảm rừng nhiệt đới xanh tươi, bãi cát dài trắng tinh,...Một hòn đảo ẩn mình giữa màu xanh của nước biển trong lành và mát dịu.


     Hòn Tằm được mệnh danh là “đảo xanh” giữa Vịnh Nha Trang. Ảnh: vyctravel.com
    Với diện tích của Hòn Tằm rộng 110 ha, nằm trong vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bốn mùa nước biển trong xanh, đầy nắng và gió. Hòn Tằm cách đất liền khoảng 7 km về phía Đông Nam của thành phố Nha Trang, nếu đi ca nô mất khoảng 8 phút, đi tàu khách khoảng 25 phút.
    Hòn Tằm cách đất liền khoảng 7 km về phía Đông Nam của thành phố Nha Trang. Ảnh: nhatrangsensetravel.com
    Hòn Tằm trong xanh, đầy nắng gió. Ảnh: baokhanhhoa.com.vn
    Đến Hòn Tằm, điều thú vị nhất có lẽ là được thả mình trên bãi cát vàng đầy nắng gió để nghe lời tâm sự nghìn năm của biển cả, hay ngắm hoàng hôn đỏ rực ráng chiều, hoặc vác chiếc cần câu ra biển “tựa gối ôm cần”... để xả đi cái ồn ã của phố thị, cái tất bật của công việc, của cuộc sống thường ngày.
    Hòn Tằm thực sự là một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng quyến rũ. Ảnh: nhommua
    Điểm du lịch nằm trong vịnh Nha Trang này không chỉ hấp dẫn bởi trời xanh, cát trắng, không khí trong lành, mà còn lôi cuốn bởi những trò chơi cảm giác mạnh: kéo dù bay, mô tô nước, ván buồm, lướt ván, thám hiểm san hô…
    Chơi dù bay – một trong những trò chơi hấp dẫn trên đảo Hòn Tằm. Ảnh: mytour
    Với trò chơi dù bay, bạn cần mặc áo phao, mang đai an toàn. Chiếc dù lớn phía sau bạn được kết nối với đai an toàn và dây kéo của canô phía trước. Khi dây kéo bạn thì nhớ chạy theo, chân không khuỵu, kẻo đầu gối lê trên cát; nếu quên điều này thì nhân viên hỗ trợ sẽ nâng bạn lên. Canô khởi hành kéo bạn chạy vài mét và chiếc dù nhanh chóng nhấc bạn khỏi mặt đất. Bạn như ngồi trên chiếc thảm biết bay và cảm nhận được thế nào là tự do.
    Hãy tận hưởng những giây phút diệu kỳ, thả bay tâm hồn với trò chơi thú vị này. Ảnh: Ivivu.com
    Dưới nắng vàng rực rỡ, bãi tắm, lều trại, rừng cây… nhỏ dần. Không khí tầng cao mát lạnh, thanh khiết; bụi bặm tâm hồn như được gột rửa. Hãy tận hưởng những giây phút diệu kỳ. Giữa trời nước bao la trong sạch, ta bỗng thấy mình trở nên độ lượng, bao dung, bỗng thấy mình có lỗi vì đôi lúc nhỏ nhặt, bon chen giữa cuộc đời đáng yêu này. Bỗng dây kéo chùng xuống, lần đầu tiên bạn được nhảy dù, khoan khoái đến khó tả. Khi chân bạn vừa chạm nước thì canô lại tăng tốc, bạn lại đột ngột bay lên. Mấy phút sau, dây kéo canô chùng xuống. Tùy theo địa hình và hướng gió, nhân viên kỹ thuật sẽ cho bạn “tiếp đất” (trên bờ cát) hay “tiếp nước” (trên mặt biển).
    Giữa biển xanh bao la, bạn có thể phóng thoải mái nhưng ít người chạy đến tốc độ 70-80 km/giờ với mô tô nước. Ảnh: bookingyourtravel.com
    Với trò chơi mô tô nước, điều khiển nó cũng gần như đi xe gắn máy. Bạn sẽ mặc áo phao, được hướng dẫn cách vận hành và xử lý khi mô tô… bị lật.
    Với trò chơi mô tô nước, điều khiển nó cũng gần như đi xe gắn máy. Ảnh: megapolistravel.ru
    Giữa biển xanh bao la, bạn có thể phóng thoải mái nhưng ít người chạy đến tốc độ 70-80 km/giờ, vì nước tạt vào mặt không chịu nổi. Chuyện lật mô tô là bình thường, khi lật xe vẫn nổi và bạn lại leo lên, chạy tiếp.
    San hô là một trong những hệ sinh thái kỳ diệu ở Hòn Tằm. Ảnh: ivivu
    San hô là một trong những hệ sinh thái kỳ diệu của biển cả. Ở nơi càng sâu, càng xa bờ, san hô càng đẹp. San hô, cỏ biển, rong biển tụ tập thành “cánh đồng” hoặc bao phủ những “sườn đồi” dưới đáy biển. Có những thảm san hô màu ngà, ở đầu mỗi nhánh vàng tươi như những bông hoa. Có khi trong “thung lũng” san hô lại bắt gặp những “vườn” hải quỳ nhiều màu: trắng, thân trắng ngọn hồng, xanh lá cây…, trông như những bụi cỏ mềm đung đưa trong nước.
    Để có công viên san hô kỳ diệu hôm nay, thiên nhiên phải mất hàng trăm năm mới tạo thành. Ảnh: dulich-nhatrang.net
    Rạn san hô còn là “sàn diễn thời trang” của cá cảnh; chúng khoác trên mình những bộ cánh màu huyết dụ, xanh lam thẫm, trắng khoang vàng…, lượn lờ quanh những đám hải quỳ mềm mại. Bạn sẽ được hướng dẫn sử dụng thiết bị lặn, phương pháp chống đau tai, cách thở bằng bình khí… Nhân viên huấn luyện sẽ theo sát bạn trong suốt cuộc hải hành. Nên nhớ, có những loài san hô một năm chỉ dài ra chừng 1 cm. Để có công viên san hô kỳ diệu hôm nay, thiên nhiên phải mất hàng trăm năm mới tạo thành. Vậy nên hãy ứng xử với san hô sao cho đúng với văn hóa biển.
     Đến với Hòn Tằm, du khách còn được thưởng thức rất nhiều loại hải sản tươi rói. Ảnh: dulichkhampha.org
    Đến với biển Hòn Tằm, không chỉ được thưởng ngoạn nhiều trò chơi mang cảm giác thích thú, được tắm biển thỏa thích dưới làn nước mát trong xanh như màu ngọc bích, mà du khách còn được thưởng thức rất nhiều loại hải sản tươi rói vừa được đánh bắt và được chế biến trong các nhà hàng ngay gần kề bãi biển.
    Hòn Tằm thực sự là nơi để con người tìm thấy giây phút thư thái, tĩnh lặng. Ảnh: hotdeal.vn
    Nằm giữa vùng biển trong xanh của Vịnh Nha Trang với bốn mùa đầy nắng và gió, Hòn Tằm thực sự là nơi để con người tìm thấy giây phút thư thái, tĩnh lặng, thoát khỏi những bề bộn lo toan trong cuộc sống hiện đại. Bởi thế, khi nói đến Hòn Tằm, người ta vẫn thường nhắc tới câu: “Không đi không biết Hòn Tằm/ Đến rồi khách muốn trăm năm không về”.
    Tây Nguyên (TH)
    Xem tiếp...

    Hồi ký Trần Quang Cơ-ôn cố tri tân

    (ĐC sưu tầm trên NET)
     

    Một cái tên đã thành danh :

    TRẦN QUANG CƠ


    Huy Đức



    Tuy từ chối chức bộ trưởng Ngoại giao, ông Trần Quang Cơ (*) vẫn là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất lên đường lối đối ngoại của Việt Nam – không phải bằng quyền lực, chức vụ mà bằng những gì ông bạch hóa trong cuốn Hồi Ức & Suy Nghĩ được “ leak ” ra hồi đầu thập niên 2000. Cuốn hồi ký có giá trị cảnh báo nguy cơ Việt Nam rơi vào thời kỳ Bắc thuộc mới.

    Năm 1991, ông Nguyễn Cơ Thạch chịu nhiều áp lực phải rời khỏi chính trường. Chiếc ghế bộ trưởng ngoại giao được chuẩn bị cho ông Trần Quang Cơ nhưng ông từ chối. Khi Quốc hội đã nhóm họp, ông Trần Quang Cơ vẫn “ công tác ” ở Lào. Ông Đỗ Mười tưởng ông Cơ “ đòi ” cái ghế ủy viên Bộ chính trị nên hứa là nếu ông Cơ nhận, Trung ương sẽ bổ sung. Ông Cơ kiên quyết từ chối.

    Thật tình cờ, tôi nhận được điện thoại của đại sứ Đinh Hoàng Thắng báo ông Trần Quang Cơ đồng ý trả lời phỏng vấn khi đang ở trong Thành phỏng vấn Tướng Lê Đức Anh. Phải ngồi với cả hai mới thấy được sự khác nhau giữa họ về nhân cách, tầm nhìn ; sự khác nhau giữa tham vọng quyền lực và lòng yêu quê hương đất nước.

    Trong cuộc gặp vào chiều cùng ngày (có đại sứ Đinh Hoàng Thắng), tôi hỏi, vì sao ông lại không nhận chức bộ trưởng Ngoại giao. Ông Cơ thẳng thắn : “ Lúc ấy, trong Bộ chính trị đã phân công cho Tướng Lê Đức Anh, Chủ tịch Nước, phụ trách quốc phòng, an ninh và ngoại giao. Tướng Lê Đức Anh là kiến trúc sư chính của Hội nghị Thành Đô. Nghị quyết Đại hội VII xác định đường lối ngoại giao đa phương. Nhưng chúng tôi biết rõ ‘phương ưu tiên’ của ông ta là ai, là ngược lại với chúng tôi, dẫu có nhận chức, trước sau cũng mất chức ”. Tôi nói :  “ Tại sao anh không nhận chức rồi đấu tranh, nếu có mất chức vì bất đồng quan điểm thì lịch sử càng làm rõ ai công, ai tội ”. Ông Trần Quang Cơ cười : “ Cậu nghĩ là người ta sẽ cho tôi mất chức vì bất đồng quan điểm ư ”. Khi ông Cơ nói điều đó, chưa xảy ra vụ “hai bao cao su” nhưng tôi cũng phần nào hiểu được.

    Rồi các đồng nghiệp của ông Trần Quang Cơ sẽ đánh giá về sự nghiệp ngoại giao của ông. Nhưng, việc ông và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch bị gạt khỏi cuộc chơi hồi thập niên 1990 đã để lại một khoảng trống trí tuệ to lớn cho Hà Nội. Trong khoảng trống đó, người ta mặc sức sử dụng con ngoáo ộp “diễn biến hoà bình” những con ngoáo ộp “made in” Trung Quốc.

    Chúng ta chỉ mới biết đến những mất mát ở thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm, điểm cao 1509... Chúng ta còn rất ít biết đến những mất mát to lớn hơn : những cơ hội để cải cách chính trị ; những cơ hội để cải cách kinh tế theo hướng thị trường ; những cơ hội hội nhập sâu rộng hơn với các quốc gia tiến bộ ; những cơ hội để ký BTA, đi trước Trung Quốc trong làm ăn với Mỹ.

    Cho dù rất chia sẻ với quyết định của ông, vẫn kính trọng tài năng và tâm huyết của ông, không dám trách ông “bỏ cuộc chơi”... nhưng vẫn tiếc, vận nước vào những lúc khó khăn, lại quá thiếu vắng những con người tử tế.

    Xin tiễn biệt ông. Ông ra đi nhưng người đời sẽ còn nhắc tên ông, một cái tên đã thành danh : TRẦN QUANG CƠ.

    Huy Đức


    (*) Sinh năm 1920, ông Trần Quang Cơ đã từ trần ngày 25.6.2015

    Khí phách Trần Quang Cơ

    • 29 tháng 6 2015
    Ông Trần Quang Cơ (ở giữa, complet màu tối) đã tham gia quá trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ
    Chắc hẳn nhiều người còn nhớ buổi giao ban năm ấy… Với sắc mặt thất thần, ông Trần Quang Cơ gần như gào to giữa phòng họp: “Mọi người biết không, người ta sắp cắt thủ cấp Nguyễn Cơ Thạch để dâng cho nước ngoài rồi”.
    Đoán “triều đình” có biến, lũ chúng tôi (những đứa lần đầu được dự giao ban), chẳng ai bảo ai, im thin thít. Tôi cố gắng tập trung vào “Bản tin A” (*) nhưng đầu óc thì nghĩ mông lung.

    Không tham quyền cố vị

    Trước tháng 12/1986, đại sứ Trần Quang Cơ được Bộ triệu tập về họp. Khi trở sang nhiệm sở (Bangkok), ông kể lại với một cán bộ tâm phúc về quyết định của “anh Thạch” dự kiến điều ông về nước làm thứ trưởng ngoại giao và giới thiệu ông vào Ban Chấp hành TƯ Đảng.
    Ông lưỡng lự trước đề nghị của Bộ trưởng và tâm sự: “Với cơ chế của ta thì không thể làm việc được”. Sợ ông từ chối cái ghế nhiều người đang mơ ước, cán bộ tâm phúc ấy nói với ông rằng, anh nên nhận lời anh Thạch. Cố nhiên, anh không đi thì “chợ vẫn đông”, nhưng anh làm sẽ tốt hơn khối người khác.
    Thế mới biết, tại sao năm 1991, rồi năm 1993 ông lại đề nghị được rút khỏi danh sách Ban Chấp hành TƯ. Đặc biệt và có thể nói vô tiền khoáng hậu (xin lỗi nếu có ngoại lệ), ông từ chối cả cái ghế Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi Tổng Bí thư Đảng đã có quyết định.
    Khí phách Trần Quang Cơ hẳn nhiên đạt tới “đỉnh” khi ông quyết định công bố “Hồi ức và Suy nghĩ” khá sớm, khoảng đầu 2001. Chính nhà ngoại giao Dương Danh Dy cũng không hiểu vì sao được ông tín nhiệm, giao tận tay một lúc cả hai bản đánh máy. Thấy chắc chắn sẽ có ích cho cái chung, ông Dy góp thêm một số ý kiến, sau đó công khai đưa lên mạng.
    Hồi ký Trần Quang Cơ lập tức trở thành sách gối đầu giường đối với nhiều nhà quan sát và giới cầm bút muốn có nguồn tư liệu trung thực để phân tích tình hình Việt Nam những năm hậu chiến, thậm chí để hiểu thấu được cả những sự kiện mà hệ lụy của chúng còn kéo dài mãi tới hôm nay và mai sau.

    Cống hiến và phản biện

    Trần Quang Cơ đóng góp nhiều cho Ngành từ những ngày ông về phụ trách Vụ 2, vụ đối sách với Mỹ, đàm phán tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia, bình thường hóa với Trung Quốc. Từ những năm ấy, ông đã xác quyết các ý đồ và âm mưu của Trung Quốc đối với Việt Nam, đặc biệt là âm mưu cướp biển đảo.
    Và Trần Quang Cơ đã bảo vệ đến tận cuối cuộc đời mình tất cả những kế sách mà ông cho là hiệu quả trong cuộc đấu tranh không cân sức với Trung Quốc.
    Ông đã lên tiếng kêu gọi phải khẩn trương trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và sớm gia nhập ASEAN. Triết lý sống còn về an ninh của đất nước được ông khái quát khá sớm: “Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép”. Đối với ông, chiến lược an ninh và đối ngoại phải hết sức linh hoạt, phải phù hợp với xu hướng chung của cục diện chính trị-kinh tế thế giới, nhất thiết phải tương thích với những đặc điểm lớn của thời đại đại.
    Nhưng rồi ông cũng cay đắng đưa ra nhận xét, ngày ấy, ta đã làm những việc cần thiết đối với Mỹ và ASEAN “chậm trễ tới cả mười năm”.
    Sau này, ngay cả khi đã “rửa tay gác kiếm” ông vẫn sẵn lòng cho chúng tôi biết thêm một số chi tiết giá trị trong cuộc vật lộn ngoại giao đằng sau các cuộc chiến, đặc biệt là những bão táp thời hậu chiến mà ông là người trong cuộc, có lúc từng là tác nhân và nhờ sự tỉnh táo mách bảo, biết rút ra sớm khỏi cuộc chơi trước khi có thể trở thành nạn nhân.
    Phản biện thông minh và luôn có ý thức tích lũy để cống hiến. Từng là cán bộ địch vận, thuyết phục binh lính Pháp, cùng làm việc với nhiều “cây đa, cây đề” trong làng ngoại giao và văn hóa, một thời dưới trướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ ngày chuyển về Bộ Ngoại giao, ông càng có cơ hội phát huy tầm nhìn xa trông rộng đối với các vấn đề mỗi khi góp phần vào việc đề xuất chính sách.
    Có lẽ các phẩm chất tử tế nói trên đã làm Trần Quang Cơ thành danh như nhận xét của nhà báo tự do Huy Đức. Tuy nhiên, chiến cuộc ngoại giao mà suốt đời ông phụng sự một cách tận tụy thì vẫn còn đó… và đang hết sức nan giải.
    Nhưng vận mệnh đất nước không thể cứ “bèo dạt mây trôi” như thế này mãi. Ông ra đi nhưng dường như vẫn muốn nán lại để hỏi chúng ta: “Những người đang sống phải làm gì?”
    Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của riêng tác giả, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
    * Bản tin A: bản tin lưu truyền nội bộ hàng ngày của Bộ Ngoại giao

                                              Hồi ký Trần Quang Cơ 

    Chương 1.


    1. VIỆT NAM TRONG THẬP NIÊN 70 CỦA THẾ KỶ 20


    Nước Việt Nam ta trong những năm 70 của thế kỷ 20 đã trải qua những sự kiện to lớn: Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam kết thúc cuộc đàm phán “ma-ra-tông” 1968-1973 giữa Việt Nam và Mỹ toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đã đưa Việt Nam tới đỉnh cao của giải phóng dân tộc và uy tín quốc tế. Thắng lợi của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ là một tác nhân đưa đến những thay đổi rất quan trọng trong chiến lược của các nước lớn mà còn làm chuyển đổi cục diện chính trị khu vực Đông Nam Á. Nể sợ sức mạnh quân sự và ý chí kiên cường của Việt Nam, mặt khác lo ngại mối đe doạ từ nước Trung Hoa khổng lồ tăng lên một khi Mỹ rút khỏi Đông Nam Á, đồng thời lại có yêu cầu phát triển kinh tế, các nước ASEAN sốt sắng bình thường hóa cải thiện quan hệ với Việt Nam; tổ chức liên minh quân sự SEATO tan rã; xu hướng hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á phát triển. Sau khi bị “gáo nước lạnh” ở Việt Nam Mỹ lo tháo chạy khỏi Đông Nam Á, song lại sợ tạo ra một “khoảng trống” có lợi cho các đối thủ của mình. Một mặt sợ Liên Xô thừa thế mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á và thế giới, mặt khác lo Trung Quốc phát huy vai trò nước lớn Châu Á để lấp chỗ “trống” đó nên Mỹ vừa tìm cách khai thác mâu thuẫn Xô - Trung vừa muốn có một nước Việt Nam độc lập cả với Trung Quốc lẫn Liên Xô để duy trì thế cân bằng chiến lược giữa ba nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
    Trong tập “Tài liệu Lầu Năm Góc2 của Mỹ có viết: “ Báo cáo của đại sứ Mỹ tại Anh gửi Bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 1.3.67 ghi lại một đối thoại ngắn ngoại trưởng Anh Brown và ngoại trưởng Ba Lan Rapacski tại Luân- đôn ngày 22.2.67. Khi Brown hỏi nhận định của Rapacski về mức độ thế lực của Kossyguine (thủ tướng Liên Xô lúc đó) đối với Hà Nội. Rapacski trả lời: “ Không kém của ông đối với Hà Nội”. Và khi Brown hỏi: “Giữa Trung Quốc và Liên Xô nước nào có nhiều ảnh hưởng hơn đối với Hà Nội ?” Rapacski trả lời: “Bắc Việt Nam”. Đường lối độc lập tự chủ đó của Việt Nam thể hiện rõ nét trong suốt thời gian đàm phán với Mỹ ở Paris.
    Sau cuộc đàm phán với Mỹ ở Paris, năm 1973 tôi được đề bạt làm vụ trưởng vụ Bắc Mỹ nên có đầy đủ điều kiện trực tiếp theo dõi và xử lý mối quan hệ của nước ta với Mỹ sau chiến tranh.
    Vào quãng hơn một tháng sau khi giải phóng miền Nam, ta có nhờ Liên Xô chuyển cho Mỹ một thông điệp miệng “Lãnh đạo Việt nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) tán thành có quan hệ tốt với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Trên tinh thần đó, phía Việt Nam đã tự kiềm chế trong khi giải phóng, tạo cơ hội cho người Mỹ không bị cản trở trong việc tiến hành di tản nhân viên của họ. Phía Việt Nam đã cố gắng làm moị sự cần thiết để không làm xấu đi quan hệ với Mỹ trong tương lai. Không có sự thù địch với Mỹ ở Việt Nam và Việt Nam cũng không muốn thấy như vậy ở phía Mỹ”.
    Ngày 12.6.75, Mỹ gửi đến sứ quán ta ở Paris bức thông điệp đáp lại: “Về nguyên tắc, Mỹ không thù hận gì VNDCCH. Đề nghị trên cơ sở đó tiến hành bất cứ quan hệ nào giữa hai bên3. Mỹ sẵn sàng nghe bất cứ gợi ý nào mà phía VNDCCH có thể muốn đưa ra”. Thông điệp này do Sứ quán Mỹ ở Paris gửi tới Sứ quán ta, nội dung không nói rõ là của Bộ Ngoại Giao Mỹ hay của cấp nào.
    Ngày 11.7.75, ta gửi thông điệp cho Mỹ, chủ yếu nhắc lại đoạn nói về Mỹ Trong báo cáo của Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh đọc trước Quốc hội ngày 4.6.75: “Việc Chính phủ Hoa kỳ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, từ bỏ hoàn toàn sự can thiệp vào công việc nội bộ miền Nam Việt Nam, làm nghĩa vụ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh ở cả hai miền Việt Nam, sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ bình thường giữa VNDCCH và Hoa kỳ theo tinh thần Điều 22 Hiệp định Paris về Việt Nam”.
    Cuộc tiếp xúc đầu tiên sau chiến tranh giữa ta và Mỹ diễn ra tại Paris ngày 10.7 ở cấp bí thư thứ nhất đại sứ quán (Đỗ Thanh – Pratt) chủ yếu bàn về vấn đề MIA, cụ thể phía Mỹ xin được trao trả một số hài cốt phi công Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc. Đến cuộc gặp tiếp theo ngày 5.9.75, cũng vẫn giữa Đỗ Thanh và Pratt, ta đồng ý sẽ giao cho Mỹ 3 bộ hài cốt “giặc lái”, song mãi tới tháng 12 ta mới cho phép một đoàn 4 hạ nghị sĩ Mỹ do Chủ tịch Uỷ ban POW/MIA4 G.V. Montgomery dẫn đầu vào Hà Nội nhận. Đoàn này đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp.
    Sang năm 1976 Mỹ lại thông qua Liên Xô thăm dò việc tiếp xúc với ta, song khẳng định sẽ không thực hiện điều 21 của Hiệp định Paris. Công hàm ngày 26.3.76 của Henry Kissinger – lúc này là ngoại trưởng – gửi ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh cảm ơn ta đã đón tiếp đoàn Montgomery và sẵn sàng mở cuộc thảo luận về việc thiết lập mối quan hệ giữa hai nước5. Ngày 30.4 Bộ trưởng ngoại giao ta gửi công hàm trả lời, nêu lại những vấn đề tồn tại giữa hai nước (vấn đề bồi thường chiến tranh và vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh), trên cơ sở giải quyết 2 vấn đề đó sẽ bình thường hoá quan hệ với Mỹ theo quy định của điều 22 Hiệp định Paris. Ta sẵn sàng xem xét đề nghị cụ thể của Mỹ về việc mở thương lượng giữa hai bên. Ta sẽ có trả lời không để quá lâu, song sẽ không trước khi Quốc hội Mỹ bàn về việc bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Gần như đồng thời với việc G. Ford bác kiến nghị của Quốc hội Mỹ yêu cầu tạm ngưng trong 6 tháng lệnh cấm vận buôn bán với Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Mỹ gửi thông điệp khẳng định sẵn sàng sớm có thảo luận với Việt Nam, song nhận xét quan điểm ta đặt thương lượng trên cơ sở “áp dụng một cách có chọn lọc các Hiệp định đã ký6” là không đem lại kết quả xây dựng; vấn đề “ kiểm điểm đầy đủ7” về MIA sẽ là một trong những vấn đề hàng đầu của Mỹ, chỉ khi nào vấn đề này được giải quyết “một cách cơ bản8 mới có thể tiến bộ thật sự tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước chúng ta. Đề nghị Việt nam xem lại một cuộc họp bàn
    về các vấn đề tồn tại là có bổ ích hay không ?
    Tình hình nhùng nhằng như vậy kéo dài cho tới
    khi Jimmy Carter trúng cử tổng thống thay Gerald Ford năm 1977. Chính quyền mới của Đảng Dân chủ có quan điểm chiến lược khác và thái độ đối với Việt Nam mềm mỏng hơn. Nguyên nhân quan trọng khiến chính quyền Carter quan tâm ngay từ đầu đến việc thiết lập mối quan hệ mới với Việt Nam là lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đại sứ Mỹ tại LHQ, Andrew Young, đã nói rõ điều đó: “Chúng tôi coi Việt Nam như một Nam Tư ở châu Á. Không phải là bộ phận của Trung Quốc hay của Liên Xô, mà là một nước độc lập. Một nước Việt Nam mạnh và độc lập là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ” (tháng 1.77).
    Ngày 6.1.77, thông qua Liên Xô, Mỹ lại đưa ra một kế hoạch 3 bước về bình thường hoá quan hệ với Việt Nam:
    1. Việt Nam cho biết tin về những “người Mỹ mất tích trong chiến tranh” (MIA).
    2. Mỹ chấp nhận Việt Nam vào LHQ và sẵn sàng lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, cũng như bắt đầu buôn bán với Việt Nam.
    3. Mỹ có thể đóng góp khôi phục tại Việt Nam bằng cách phát triển buôn bán, cung cấp thiết bị và các hình thức hợp tác kinh tế khai thác.
    Ngày 3/3/1977 chính quyền Carter quyết định nới lỏng một phần cấm vận đối với ta, cho phép tàu thủy và máy bay nước khác chở hàng sang Việt Nam được ghé các cảng và sân bay của Mỹ để lấy nhiên liệu (nhưng vẫn cấm người Mỹ buôn bán với Việt Nam, cấm tàu Mỹ đến Việt Nam đến cảng và sân bay Mỹ). Ngày 9.3.77, Mỹ cho phép công dân Mỹ được đi thăm Việt Nam, Cu Ba, Bắc Triều Tiên, Campuchia kể từ ngày 18.3.77.
    Đến giữa tháng 3 ta nhận tiếp đón Léonard Woodcock, đặc phái viên của tổng thống Mỹ Carter sang Việt Nam. Ngày 17.3.77 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp L. Woodcock và 4 thành viên trong đó có Thượng nghị sĩ Mansfield – tại Chủ tịch phủ ở Hà Nội. Ngày hôm đó, đoàn Mỹ cũng đã đến chào Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh.
    Sau chuyến đi thăm mở đường này, hai bên đã thoả thuận mở cuộc đàm phán về bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ tại Paris. Đoàn ta lúc đó do Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền dẫn đầu, thành viên có tôi, vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ, anh Vũ Hoàng, vụ trưởng vụ Lãnh sự và mấy cán bộ vụ Bắc Mỹ: (các) anh Bùi Xuân Ninh, Cương, Hà Huy Tâm, Lê Mai. Anh Lê Mai khi đó là cán bộ vụ Bắc Mỹ, làm phiên dịch cho trưởng đoàn. Sứ quán ta ở Pháp có anh Đỗ Thanh, bí thư thứ nhất, và anh Nguyễn Thiện Căn, tùy viên báo chí, tham gia đoàn. Phía Mỹ do R. Holbrooke làm trưởng đoàn. Cuộc đàm phán diễn ra khá lâu, phải qua 3 vòng đàm phán trong tháng 5, tháng 6 và tháng 12 năm 1977. Địa điểm luân phiên ở đại sứ quán ta và đại sứ quán Mỹ tại Pháp. Trong đàm phán vòng 1 (ngày 3-4.5.77), lập trường của Mỹ là hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ ngay và vô điều kiện, còn những vấn đề khác giữa hai bên để lại giải quyết sau; Mỹ sẽ không cản Việt Nam vào LHQ. Còn về điều 21 (của Hiệp định Paris về VN), Mỹ có khó khăn về pháp luật nên không thực hiện được, hứa sẽ thực hiện khi đã có quan hệ, bỏ cấm vận buôn bán và xét viện trợ nhân đạo. Theo chỉ thị đã nhận trước khi đi, ta kiên quyết đòi phải giải quyết “cả gói”9 3 vấn đề: ta và Mỹ bình thường hoá quan hệ (bao gồm cả việc bỏ cấm vận và lập quan hệ ngoại giao đầy đủ), ta giúp Mỹ giải quyết vấn đề MIA và Mỹ viện trợ 3,2 tỷ đô-la cho Việt Nam như đã hứa hẹn trước đây. Trở ngại lớn nhất cho việc bình thường hoá quan hệ là việc ta đòi Mỹ viện trợ 3,2 tỷ đô-la cho ta vì Quốc hội Mỹ khi đó dứt khoát không chấp nhận viện trợ làm điều kiện cho việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Ngày 2-3.6, đàm phán vòng 2, Mỹ nêu lại các đề nghị hồi tháng 5. Ngày 19.7.77, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (LHQ), Mỹ quyết định rút bỏ việc phủ quyết Việt Nam vào LHQ. Sau vòng 2, anh Phan Hiền đã phải bay về Hà Nội báo cáo và xin chỉ thị, thực chất là đề nghị trên nên có thái độ thực tế và đối sách mềm dẻo hơn, nhưng nghe nói cả 4 vị lãnh đạo chủ chốt của ta lúc đó đều nhất trí lập trường trên. Trước đòi hỏi kiên quyết của ta, tại vòng 3 (19-20.12.78), Mỹ đề nghị nếu chưa thoả thuận được về việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ thì có thể lập Phòng Quyền lợi10 ở thủ đô hai nước, nhưng như vậy thì chưa bỏ cấm vận được. Sau khi có Phòng quyền lợi thì sẽ tuỳ tình hình mà xét bỏ cấm vận, song ta vẫn giữ lập trường cũng nhắc đòi giải quyết “cả gói” 3 vấn đề.
    Rõ ràng năm 1977 chính quyền Carter thực sự muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ C. Vance, ngày 10.1.77 tuyên bố: “ Việc tiến tới bình thường hoá quan hệ Mỹ – Việt nam phù hợp với lợi ích của hai nước Năm 1977 đã có khả năng thực tế để ta bình thường hoá quan hệ với Mỹ nhưng ta đã bỏ qua. Trong khi đó, theo sự xúi dục của Bắc Kinh, chính quyền Polpot bắt đầu chiến tranh biên giới chống ta từ ngày 30.4.77 và đơn phương cắt đứt quan hệ ngoại giao với ta ngày 31.12.77.
    Từ đầu năm 1978, quan hệ giữa 3 nước lớn Mỹ-Xô-Trung bắt đầu chuyển từ hình thái đối đầu từng đôi một sang hình thái Mỹ-Trung cấu kết chống Liên Xô, Liên Xô nhân thế yếu của Mỹ sau thảm bại ở Việt Nam ra sức tăng cường ảnh hưởng ở Á - Phi và Mỹ Latinh bằng học thuyết “chủ quyền hạn chế” của Brejnev tại châu Á. Liên Xô đưa quân vào Afghanistan (1979), đồng thời thực hiện chính sách bao vây Trung Quốc. Việt Nam cũng bị coi là một mắt xích của vòng vây đó. Đặng Tiểu Bình, cuối tháng 2.79, có nói với các nhà báo ở Bắc kinh: “Chúng tôi có thể dung thứ việc Liên Xô có 70% ảnh hưởng ở Việt nam, miễn là 30% còn lại dành cho Trung Quốc
    Cũng từ năm 1978, Mỹ đẩy nhanh quá trình bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc (từ tháng 2.73, khi Kissinger đi thăm Bắc Kinh. Trung Quốc và Mỹ đã ký thoả thuận lập Cơ quan liên lạc ở thủ đô 2 nước với quy chế như một sứ quán). Nước cờ “chơi lá bài Trung Quốc để ngăn chặn Liên Xô” của cố vấn an ninh quốc gia Z.Bzrezinski đã dần dần lấn lướt chủ trương của ngoại trưởng Cyrus Vance và R.Holbrooke là “thúc đẩy song song việc cải thiện quan hệ với Việt Nam và Trung Quốc”. Ngày 23.8.78, trong lúc Mỹ đàm phán về bình thường hoá quan hệ với ta ở Paris, ngoại trưởng Mỹ C.Vance đã đi thăm Bắc Kinh. Cho đến khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố “Trung Quốc là NATO phương Đông” và “Việt Nam là Cuba phương Đông” (19.5.78) và Bizezinski đi thăm Trung Quốc (20.5.78) thì chính quyền Carter đã chọn con đường bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và gác sang bên việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.
    Ngày 21.8.78, Quốc hội Mỹ còn cử một đoàn 7 hạ nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà do hạ nghị sĩ Dân chủ G.V.Montgomery, chủ tịch Uỷ ban POW/MIA, dẫn đầu sang Việt Nam chủ yếu để trao đổi với thứ trưởng Phan Hiền về vấn đề tìm kiếm “người Mỹ mất tích trong chiến tranh” (MIA). Ta đã trao trả cho Mỹ một số bộ hài cốt để tỏ thiện chí hợp tác trong vấn đề MIA. Và theo yêu cầu của họ, tôi đã dẫn đoàn Montgomery đi miền Nam, thăm thánh thất Cao Đài và một trại người Campuchia tị nạn chiến tranh ở biên giới Tây Ninh. Đấy là lần đầu tiên ta cho phép một đoàn Mỹ chính thức thăm thành phố Hồ Chí Minh kể từ khi giải phóng miền Nam.
    Sau đó đúng một tháng, tôi sang Nữu-ước để tiếp tục cuộc đàm phán về bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Cuộc đàm phán vòng 4 về bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Mỹ không kéo dài như năm 1977 ở Paris. Lần này trưởng đoàn đàm phán của ta là thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Còn phía Mỹ vẫn là R.Holbrooke. Đến lúc này khi ta quyết định rút bỏ đòi hỏi “Mỹ phải bồi thường chiến tranh – viện trợ 3,2 tỷ đô la mới bình thường hoá quan hệ” và nhận công thức “bình thường hoá quan hệ không điều kiện” của Mỹ thì đã muộn. Sở dĩ Mỹ tiếp tục đàm phán vấn đề bình thường hoá với ta lúc đó là chỉ nhằm làm Việt Nam chập chững trong quan hệ với Liên Xô và trong vấn đề Campuchia, trong khi đó Mỹ đã chuyển hướng sang phía Trung Quốc. R.Holbrooke nói với ta: “Mỹ coi trọng châu Á; Mỹ cần bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Nhưng Mỹ lo ngại Liên Xô đặt căn cứ ở Cam Ranh.”
    Trong khi chờ đợi phía Mỹ trả lời dứt khoát về vấn đề bình thường hoá quan hệ, khoảng hạ tuần tháng 11, anh Thạch về Hà Nội trước; còn tôi vẫn ở lại Nữu-ước để giữ cầu. Ngày 30.11.78, R.Oakley, trợ lý ngoại trưởng Mỹ, trả lời sự thúc dục của tôi, còn nói: “Mỹ không thay đổi lập trường bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, nhưng phải chậm lại vì cần làm rõ 3 vấn đề Campuchia, Hiệp ước Việt-Xô và vấn đề người di tản Việt Nam”. Rồi họ trao cho tôi tấm ảnh toà nhà của sứ quán nguỵ trên đường R. ở Hoa-thịnh-đốn, nói là sẽ trao trả ta toà nhà đó làm trụ sở đại sứ quán, và yêu cầu ta cung cấp sơ đồ ngôi nhà cũ của tổng lãnh sự quán Mỹ tại đường Tràng Thi (?) Hà Nội.
    Tôi ở lại Nữu-ước mãi tới cuối tháng 1.79, sau khi ta đưa quân vào Campuchia giúp bạn đánh đuổi Polpot giải phóng Nông-Pênh. Ngày 9.1.79, ngoại trưởng Mý Cyrus Vance nói: “Các cuộc nói chuyện Mỹ - Việt Nam về bình thường hoá đã tan vỡ do cuộc xâm lược Campuchia của Việt Nam”. Tôi nghĩ, thực ra Mỹ đã quyết định dứt bỏ quá trình đàm phán bình thường hoá quan hệ với ta từ khi tham gia khỏi COMECON và ký Hiệp ước hữu nghị với Liên Xô (3.11.78), để bắt tay với Trung Quốc chống Liên Xô ở châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 15.12.78, Mỹ và Trung Quốc đã ra thông cáo chung chính thức công nhận nhau và thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 1.1.79. Việc Đặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ (29.1 - 4.2.79) đánh dấu việc bình thường hoá quan hệ Mỹ - Trung Quốc, cũng là chính thức xếp lại việc bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Mỹ tới 17 năm sau. Khi ấy tôi còn lưu lại ở Nữu-ước nên được chứng kiến cảnh Hoa kiều Nữu-ước đón Đặng: trong khu người Hoa (Chinatown), dọc một đường phố treo toàn cờ đỏ năm sao11, còn dọc một đường phố song song treo toàn cờ “thanh thiên bạch nhật”12 ! Trong khi gặp Carter ở Hoa-thịnh-đốn. Đặng Tiểu Bình đã tỏ ý sẽ tiến công vào Việt Nam và không gặp phải phản ứng bất lợi nào từ phía Mỹ. Theo Brezinski, trong cuộc hội đàm với Carter hôm 29.1, Đặng yêu cầu có sự cộng tác giữa Mỹ và Trung Quốc để chống Liên Xô. Còn Carter có phần thận trọng hơn, đồng ý cần có những cuộc tham khảo chặt chẽ giữa hai nước để chặn chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô, nhưng thận trọng tránh đề cập tới đề nghị của Đặng. Sau đó, ngày 16.2.79, Carter có nêu 6 nguyên tắc xử sự khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam: Mỹ không can thiệp trực tiếp; khuyến khích các bên tự kiềm chế; Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam; cuộc xung đột không đe doạ lợi ích trước mắt của Mỹ; không đặt lại vấn đề bình thường hoá với Trung Quốc; quyền lợi đồng minh của Mỹ không bị đe doạ. Cũng từ đó, cuộc xung đột Campuchia và quan hệ với Việt Nam đã được đặt trong khuôn khổ của mối quan hệ giữa 3 nước lớn Mỹ-Xô-Trung. Và cũng từ đó Mỹ gắn vấn đề quan hệ Mỹ - Việt Nam với quá trình giải quyết vấn đề Campuchia.
    Là nhân chứng lịch sử và cũng là người trực tiếp tham gia các hoạt động ngoại giao này với tư cách là vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Bộ Ngoại giao, trực tiếp tham gia đoàn đàm phán về bình thường hoá quan hệ với Mỹ ở Paris năm 1977, rồi ở Nữu-ước năm 1978, tôi thật sự đau xót vị ta đã bỏ lỡ mất cơ hội củng cố thế đứng của Việt Nam trong hoà bình để tập trung phát triển đất nước sau bao năm chiến tranh, lỡ cơ hội san bằng khoảng cách với các nước cùng khu vực. Trong tập hồi ký của mình13, Lý Quang Diệu đã nhận xét: “Năm 1975 thành phố Hồ Chí Minh có thể sánh ngang với Bangkok. Nhưng nay (năm 1992) nó tụt lại đằng sau tới hơn 20 năm”.
    Việc ta từ chối lời đề nghị “bình thường hoá quan hệ không điều kiện” của Mỹ, làm cao trước việc ASEAN ngỏ ý muốn Việt Nam tham gia tổ chức khu vực này, theo tôi, đã đưa lại những hệ quả vô cùng tai hại cho nhân dân và đất nước ta. Liệu Trung Quốc có dám tiếp tay cho bọn diệt chủng Polpot khiêu khích ta và có dám đánh ta năm 1979 nếu như Việt Nam sau Chiến thắng 1975 có một chiến lược “thêm bạn bớt thù” thực sự cầu thị hơn ? Việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ và việc gia nhập khối ASEAN mãi ngót 20 năm sau (1995) ta mới thực hiện được một cách khá chật vật.
    Theo tôi, tư duy đối ngoại có phần cứng nhắc của ta lúc ấy quả đã không theo kịp bước chuyển biến của chính trị thế giới thể hiện qua sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn sau sự kiện Việt Nam 1975, để dám có những quyết sách linh hoạt kịp thời đem lại lợi ích to lớn lâu dài cho dân tộc ta. Ngược lại, việc ta bỏ lỡ cơ hội bình thường hoá quan hệ với Mỹ lúc này đã khiến Việt Nam gần như đơn độc trước một Trung Quốc đầy tham vọng.
    Còn với Trung Quốc, sau khi có Hiệp định Paris 1973, Trung Quốc có lợi ích duy trì nguyên trạng ở Đông Dương, nhất là việc Việt Nam chia cắt thành hai miền dưới hai chế độ chính trị khác nhau là phù hợp với ý đồ lâu dài của họ ở Đông Nam Á. Sau khi đi thăm Trung Quốc về, thượng nghị sĩ Mỹ K.Mansfield báo cáo trước Quốc hội Mỹ (1.2.75): “Trung Quốc tán thành để hai nước Việt Nam tiếp tục tồn tại. Trung Quốc cho rằng một nước Campuchia thống nhất, trung lập là điều chủ yếu trong một Đông Dương ổn định.”
    Từ 1973 đã xảy ra những va chạm ở biên giới Việt-Trung. Năm 1974, Trung Quốc chiếm ngon lành nốt phần còn lại ở quần đảo Hoàng Sa của ta. Có người cho rằng chỉ sau khi ta ngã hẳn theo Liên Xô thì Trung Quốc mới chống ta. Song sự thật là các hoạt động thù địch của Trung Quốc đối với Việt Nam đã xảy ra từ trước khi Việt Nam tham gia khối SEV (tháng 6.78) và ký Hiệp ước hữu nghị với Liên Xô (tháng 11.78). Tháng 12.75, sau khi thăm Trung Quốc qua Paris, H.Kissinger nói: “Mỹ đang tính toán việc sử dụng Trung Quốc để hạn chế ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực.”
    Nét đặc trưng của giai đoạn 1975-1978 là Campuchia trở thành tiêu điểm của sự đối đầu giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Việt Nam được Liên Xô ủng hộ. Sự đối đầu ấy trở thành xung đột quân sự ngay từ tháng 5.75 và phát triển lên thành cuộc chiến tranh biên giới Tây-Nam nước ta. Trong khi trả lời phỏng vấn, ngày 8.1.78, Z. Brezinski, cố vấn an ninh của tôngt thống Mỹ, đã nhận định: “Điều lý thú đây là trường hợp đầu tiên của một cuộc chiến tranh qua tay người khác14 giữa Liên Xô và Trung Quốc: xung đột giữa Việt Nam được Liên Xô ủng hộ và Campuchia được Trung Quốc ủng hộ.”
    Như vậy chỉ hơn 4 năm sau khi giải phóng được đất nước, ta lại bị xô đẩy vào cuộc chiến thảm khốc ở Campuchia, đối đầu ngay với Trung Quốc, kẻ đã từng là đồng minh chiến lược của ta trong 30 năm chiến đấu chống xâm lược phương Tây. Sau hai cuộc kháng chiến gian khổ, dân ta mới chỉ được hưởng mùi vị của chiến thắng và hoà bình êm ả chưa đầy 5 năm. Vết thương chiến tranh chưa lành thì đã lâm vào cảnh nửa hoà bình nửa chiến tranh. Chiến tranh chống Mỹ tuy gian khổ khốc liệt song Việt Nam còn có được mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ, còn trong cuộc chiến đấu chống diệt chủng Polpot thì Việt Nam hầu như hoàn toàn cô lập. Các nước cùng khu vực lo sợ Việt Nam sau khi “hạ xong” Campuchia sẽ phát huy sức mạnh quân sự ra cả Đông Nam Á. Còn Trung Quốc ra sức vu khống “Việt Nam xâm lược Campuchia” và có mưu đồ lập “Liên bang Đông Dương” để làm chủ cả Lào lẫn Campuchia, xoá mờ tính chất “chống diệt chủng” của việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia.
    Cùng thời gian này, do những khó khăn kinh tế – xã hội chồng chất của thời kỳ chiến tranh chưa được tháo gỡ, lại bị bao vây cấm vận bên ngoài nên trong nước đã nảy sinh ra tình trạng “vượt biên” trốn ra nước ngoài của một bộ phận dân chúng ở cả miền Nam lẫn miền Bắc, tạo thêm gánh nặng về đối ngoại cho ta, bôi đen thêm hình ảnh Việt Nam trên quốc tế. Vấn đề Campuchia và vấn đề “thuyền nhân”15 lúc đó quả là gánh nặng trên mặt trận đối ngoại của ta trong thập niên 80 của thế kỷ 20.
    Nửa cuối của thập kỷ 70 này là thời gian ta chồng chất nhiều sai lầm về đối ngoại nhất trong suốt lịch sử dựng nước sau cách mạng (từ 1945 đến nay):
    • Ta không khôn ngoan duy trì quan hệ cân bằng với Trung Quốc và Liên Xô, nhân tố cực kỳ quan trọng đảm bảo thắng lợi của ta trong kháng chiến chống Mỹ.
    • Bỏ lỡ cơ hội bình thường hoá quan hệ với Mỹ, năm 1977, khi chính quyền Carter đã chủ động đề nghị hai bên bình thường hoá quan hệ không điều kiện.
    • Đánh giá sai và không gia nhập khối ASEAN ngay từ 1976 khi cả 6 nước này đều mong muốn ta tham gia vì lợi ích của mỗi một quốc gia và của chung khu vực.
    • Dính líu quá sâu và quá lâu vào vấn đề Campuchia.
    Những sai lầm này có hệ quả liên quan chặt chẽ với nhau, gây thiệt hại lớn cho ta về đối ngoại về an ninh-quốc phòng, về phát triển kinh tế trong một thời gian dài.

    Chương 2.


    2. MỘT NHIỆM KỲ ĐẠI SỨ KHÔNG TẺ NHẠT


    Tháng 10.82, tôi được bổ nhiệm đi làm đại sứ tại Vương quốc Thái Lan – một điểm tiền tiêu của mặt trận đối ngoại thời kỳ ấy vì chính quyền Thái Lan lúc đó gắn bó rất chặt với Trung Quốc trong việc nuôi dưỡng bè lũ diệt chủng Polpot chống Việt Nam. Không thể nói nhiệm kỳ đại sứ của tôi ở Thái Lan khi đó là bình lặng hay tẻ nhạt. Hầu như không có tháng nào là không có những đám đông biểu tình trước sứ quán hò hét phản đối Việt Nam “xâm lược” Campuchia, xâm phạm lãnh thổ Thái. Thông thường những hoạt động này trở nên náo nhiệt vào đầu mùa khô hàng năm, cùng lúc với các hoạt động quân sự bắt đầu trên biên giới Campuchia – Thái. Đám “biểu tình” – có khi là dân “xám-lô16, có khi là tổ chức dân vệ Thái, có khi là đám người Việt phản động ở mấy tỉnh Đông Bắc – thường tụ tập trong Công viên Lum-pi-ni ở gần đại sứ quán ta trên đường Oai-rơ-lét17, để nhận tiền “biểu tình phí”.
    Báo chí Thái Lan hồi đó hình như rất khoái theo dõi phản ánh các hoạt động của đại sứ Việt Nam, đặc biệt là những khi có cuộc gặp gỡ không lấy gì làm vui vẻ giữa Bộ Ngoại giao Thái Lan và đại sứ Việt Nam. Phải nói rằng nhiệt độ không khí “chuyện trò” giữa tôi với các vị quan chức ngoại giao Thái phản ánh khá trung thành cường độ chiến sự ở vùng biên giới Campuchia Thái Lan. Tôi không thể nào quên lời phát biểu đầy phẫn nộ của ngài Tư lệnh lục quân đầy quyền uy Ac-thit Kham-lang-ec với báo chí: “Chẳng cần có đại sứ Việt Nam ở Thái Lan nữa”, sau khi tôi đã lịch sự nhưng kiên quyết từ chối nhận hai bức công hàm phản đối của ngoại trưởng Thái. Bức công hàm ngày 17.4.83 của Thái phản đối quân đội Việt Nam đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát L19 làm chết viên phi công lái máy bay đó, và sau đó lại bắn hỏng một chiếc trực thăng của quân đội Thái. Còn công hàm ngày 1.5.84 phản đối quân đội Việt Nam “pháo kích vào lãnh thổ Thái” thuộc tỉnh Surin làm chết và bị thương một số dân làng. Tuyên bố giận dữ của tướng Ac-thit đã được phụ hoạ bởi một số báo Thái, trong đó tờ nhật báo tiếng Anh “Daily News18 có xã luận viết: “Chính phủ (Thái Lan) cần yêu cầu Việt Nam thay ngay đại sứ của họ ở Bangkok để phản đối việc ông này đã từ chối nhận công hàm phản kháng của Thái”. Sự việc đó xảy ra vào thời gian đầu mùa khô 1984-1985, lúc quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch đánh thẳng vào vùng “đất thánh” và xoá sạch các căn cứ của 3 phái Khmer phản động nằm trên đường biên giới Campuchia - Thái Lan và cắm sâu vào đất Thái Lan. Cũng thời gian đó đã xảy ra những vụ tập kích và pháo kích của quân Trung Quốc vào mấy tỉnh biên giới phía Bắc nước ta để phối hợp cứu nguy cho bọn diệt chủng Polpot ở mặt trận phía Tây nước ta.
    Thông qua báo chí Thái, tôi cũng đã có dịp làm cho nhân dân Thái Lan rõ sự thật về vấn đề Campuchia trong khi trả lời phỏng vấn của tờ Kledlap19 ngày 15.4.84:

    Hỏi: Ngài có tán thành ý kiến cho rằng chiến tranh Campuchia là cuộc xung đột giữa Liên Xô - Việt Nam một bên với Trung Quốc – Khmer Đỏ một bên, còn ASEAN và các bên khác chỉ đóng vai trò phụ ? Nếu đúng như vậy, Ngài có ý kiến thế nào về sáng kiến của ông Adam Malik về đàm phán Liên Xô - Việt Nam - Trung Quốc để giải quyết vấn đề Campuchia ?
    Trả lời: Thực chất của cái gọi là vấn đề Campuchia hiện nay là việc Trung Quốc sử dụng một trong những công cụ đắc lực nhất và cũng là thô bạo nhất của họ để can thiệp và đe doạ an ninh của các nước Đông Dương, trước hết là Campuchia. Nếu cho rằng đây là xung đột giữa Liên Xô - Việt Nam với Trung Quốc – Khmer Đỏ thì là mắc bẫy Trung Quốc cả, đều là sai lầm nguy hiểm. Vì như thế sẽ không thấy được mối đe doạ lớn đối với an ninh của tất cả các nước khu vực này là chủ nghĩa bành trướng và bá quyền Trung Quốc, Liên Xô từ trước đến nay chỉ giúp nhân dân ba nước Đông Dương bảo vệ độc lập và xây dựng hoà bình đất nước mình, không đe doạ ai cả. Vì vậy, xin miễn phát biểu về ý kiến của ông Adam Malik ở đây.

    Hỏi: Chiến tranh ở Campuchia kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và ASEAN, không rõ ai sẽ chịu đựng được lâu hơn ai ?
    Trả lời: Tôi nghĩ rằng không nên đặt vấn đề như vậy, vì sẽ trúng hiểm kế của Bắc Kinh. Thủ đoạn lớn của họ trong chính trị quốc tế xưa nay vẫn là “ngồi trên núi xem hổ đánh nhau20. Nước chúng ta không lớn như họ, vì vậy ta cần phải thông minh hơn họ, ít nhất cũng không mắc mưu họ. Lợi ích của nhân dân các nước Đông Nam Á không cho phép chúng ta kéo dài tình hình đối đầu hiện nay để cho các nước khác đứng ngoài hưởng lợi.
    Trong chuyến đi Inđônêxia tháng 3 vừa qua của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Việt Nam và Inđônêxia đã nhất trí nhận định là để tình hình tiếp tục như hiện nay là có hại cho các nước trong khu vực trong cố gắng xây dựng nền kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân mình. Hai bên đã thừa nhận là giải quyết được tình hình này sẽ có lợi cho tất cả các nước Đông Nam Á. Nếu không sẽ chỉ có lợi cho các bên thứ ba.

    Hỏi: Không rõ Ngài có thể khẳng định được hay không rằng trong tình hình hiện nay quân Việt Nam sẽ không tràn qua biên giới Thái Lan.
    Trả lời: Về điều này chúng tôi có thể đảm bảo chắc chắn rằng chúng tôi không xâm phạm lãnh thổ của Thái Lan.

    Hỏi: Nhưng chính quyền và quân đội Thái Lan đã vạch rõ điều đã xảy ra. Một số phóng viên nước ngoài cũng đưa tin này.
    Trả lời: Xin khẳng định lại rằng trong đợt tấn công bọn Khmer Đỏ vừa qua, bọn này đã chạm vào lãnh thổ Thái Lan. Lực lượng của chúng tôi đã dừng lại ở biên giới chứ không xâm phạm lãnh thổ Thái Lan, mặc dù phía Thái Lan đã tạo điều kiện cho bọn này chạy sang. Về tin nói rằng bắt được tù binh Việt Nam, có xác binh sĩ và xe tăng Việt Nam trong đất Thái Lan là hoàn toàn bịa đặt.

    Hỏi: Ngài Tư lệnh tối cao kiêm Tư lệnh Lục quân (Ac-thit Khăm-lang-ẹc) đã đưa ra tin này.
    Trả lời: Chính Ngài Tư lệnh tối cao quân đội khẳng định tin nói rằng quân đội Thái Lan đã sử dụng máy bay A.37 ném bom phá huỷ kho vũ khí của Khmer Đỏ, cũng chưa rõ kho này nằm trên đất Thái Lan hay trên đất Campuchia. Trong khi chiến sự đang xảy ra ở biên giới, quân đội Thái Lan đã không tạo điều kiện cho phóng viên nước ngoài vào làm tin ở khu vực đó. Nhiều phóng viên nước ngoài rất bất bình về việc này và nói rằng quân đội Thái Lan đưa tin rất lộn xộn, hôm nay nói thế này, ngày mai lại nói thế kia, không thống nhất. Ví dụ như lúc đầu nói bắt được 40 tù binh Việt Nam, sau đó nói là bắt được 41 người, tiếp đó nói chỉ bắt được 6 người, còn là người Khmer.

    Hỏi: Không rõ Việt Nam sẽ có biện pháp sớm chấm dứt chiến sự như thế nào?
    Trả lời: Theo ý kiến riêng tôi, nếu chiến sự lần này chấm dứt càng sớm sẽ càng có lợi cho các bên. Trước hết chúng tôi muốn giữ gìn mối quan hệ, muốn làm cho biên giới Thái Lan – Campuchia có hoà bình ổn định và muốn cho Việt Nam và Thái Lan sớm có quan hệ hữu nghị. Chúng tôi không muốn chiến tranh kéo dài, nhưng cũng không sợ chiến tranh kéo dài.

    Hỏi: Vấn đề không an toàn hiện nay là quân đội Việt Nam đã áp sát biên giới Thái Lan. Nếu ở vào cương vị Thái Lan thì Việt Nam cũng sẽ cảm thấy mình không an toàn nếu như có lực lượng nước ngoài xâm phạm như vậy. Đây là điều suy nghĩ hiện nay của Thái Lan.
    Trả lời: Nếu như các ông theo dõi kỹ vấn đề thì các ông sẽ thấy không phải là vấn đề gì mới mẻ cả. Chúng tôi đã nhiều lần đưa ra nhiều sáng kiến: từ năm 1980 chúng tôi đã đề nghị xây dựng khu an toàn dọc biên giới Thái Lan – Campuchia nhằm bảo đảm an ninh ở khu vực này, để làm cho phía Thái Lan khỏi lo ngại việc quân đội Việt Nam có mặt ở Campuchia. Nhiệm vụ của quân đội Việt Nam ở Campuchia chỉ nhằm tiêu diệt lực lượng Polpot. Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố quân đội Việt Nam sẽ rút ngay khi nguy cơ đe doạ từ Trung Quốc đã chấm dứt.
    - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
    Khi cho in bài phỏng vấn này, Ban biên tập đã tự ý cắt bỏ không đăng trả lời của tôi nói về bằng chứng là quân đội Thái đã giúp quân Polpot và đã xâm phạm lãnh thổ Campuchia.
    Trong khi Việt Nam đã tiếp tục sa lầy vào Campuchia thì ba nước lớn trong tam giác chiến lược Mỹ – Xô - Trung lại có sự điều chỉnh chiến lược để tập trung vào phát triển kinh tế, đi vào xu thế hoà hoãn nhằm vừa tranh thủ vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau. Vấn đề Campuchia bắt đầu được đưa vào chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán từng cặp một giữa ba nước lớn. Ngay từ khi Trung – Xô khởi đầu quá trình đàm phán bình thường hoá quan hệ giữa hai bên, tháng 10.82 ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã nêu “trở ngại” cho việc bình thường hoá quan hệ Trung – Xô là xung đột biên giới Trung – Xô, vấn đề Campuchia, vấn đề Afghanistan, và trao bản yêu sách 5 điểm về vấn đề Campuchia cho Liên Xô.
    1. Liên Xô chấm dứt ủng hộ Việt Nam xâm lược Campuchia.
    2. Việt Nam tuyên bố rút hết quân khỏi Campuchia. Đàm phán bình thường hoá quan hệ Trung-Việt sẽ bắt đầu sau khi những đơn vị quân Việt Nam đầu tiên rút.
    3. Trung Quốc có những biện phạm cải thiện quan hệ với Liên Xô.
    4. Lập chính phủ liên hiệp Campuchia đại diện cho tất cả các phe phái ở Campuchia (điều này có nghĩa là hợp pháp hoá phái Polpot diệt chủng).
    5. Bảo đảm quốc tế cho một nước Campuchia độc lập và không liên kết.
    Đến ngày 1.3.83, Trung Quốc đưa ra công khai 5 điểm trên. Thực ra lúc đó Trung Quốc đưa ra lập trường 5 điểm giải quyết vấn đề Campuchia chủ yếu để làm con bài mặc cả với Liên Xô, và gây sức ép với Mỹ và ASEAN chứ chưa định giải quyết vì Trung Quốc cho rằng ghìm chân Việt Nam ở Campuchia càng lâu càng có lợi cho họ. Thời gian tôi làm đại sứ Việt Nam ở Thái Lan thì đại sứ Trung Quốc ở Thái Lan là Trương Đức Duy, với Trương Thanh là tham tán. Những nhân vật này tôi lại gặp lại sau này khi đàm phán với Trung Quốc về bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Thời gian làm đại sứ ở Bangkok cũng đã giúp tôi tìm hiểu được thêm về ý đồ lâu dài của Trung Quốc ở Đông Nam Á và trong vấn đề Campuchia.
    Vấn đề Hoa kiều cũng là một đặc điểm mà Trung Quốc muốn khai thác để hòng giành thêm lợi thế chính trị và kinh tế ở Đông Nam Á. Số lượng người Hoa ở Thái Lan cũng như các nước Đông Nam Á khác đều khá lớn và nắm vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nhưng ở các nơi khác cộng đồng người Hoa thường tách biệt ra, còn ở Thái họ hầu như đã đồng hoá với dân địa phương. Rất khó phân biệt người Thái gốc Hoa với người bản địa, nhất là trong tầng lớp trung lưu trở lên, kể cả trong hoàng tộc.
    Trong khi đó, người Việt ở Thái Lan lại chịu một số phận hẩm hiu hơn nhiều. Ta quen gọi là Việt kiều Thái Lan, nhưng chính quyền Thái Lan chỉ coi họ là những người “tị nạn bất hợp pháp” của nước Việt Nam cộng sản, không coi là ngoại kiều (không được cấp “tàng-đạo” – giấy chứng nhận là ngoại kiều) cũng không được nhập quốc tịch Thái. Vì vậy nên hàng chục vạn người Việt mặc dù đã làm an sinh sống trên đất Thái hàng chục năm vẫn bị “quản thúc” ở mấy tỉnh miền Đông Bắc Thái Lan. Phải xin giấy phép của chính quyền Thái nếu muốn ra khỏi nơi mình cư trú cũng như nếu muốn đến sứ quán ở Bangkok những dịp Tết Nguyên đán hay ngày Quốc khánh. Ngược lại đại sứ ta cũng không thể tới những tỉnh có đông người Việt ở Đông Bắc để thăm hỏi bà con kiều bào mình. Người tiền nhiệm tôi, anh Hoàng Bảo Sơn, trước khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ đã đặt vấn đề với Bộ Ngoại Giao Thái Lan xin được đi Đông Bắc thăm và chào từ biệt kiều bào và đã nhận được câu trả lời rất chi là “ngoại giao”: không đảm bảo an toàn trên đường đi. Để vượt qua sự ngăn cản đó đến với kiều bào, vào trung tuần tháng 6 năm 1985, không báo trước cho Bộ Ngoại giao Thái nhưng có thông báo với ban đại diện Việt kiều tỉnh, tôi cùng mấy anh em trong bộ phận lãnh sự đáp máy bay nội địa đi thẳng đến Ubon Thani, tỉnh có đông Việt Kiều nhất vùng Đông Bắc. Đến nơi bà con Việt kiều ở Ubon và các tỉnh lân cận tổ chức đón tiếp cực kỳ nhiệt tình, bộc lộ tình cảm khát khao với quê hương đất nước. Nhưng đồng thời, chính quyền và công an tỉnh cũng không kém phần quan tâm đến chúng tôi. Họ chất vấn tôi ngay khi vào phòng khách sạn: “Vì sao ngài đại sứ đi không báo cho Bộ Ngoại Giao ? Ngài đến Ubon có việc gì ?” Đã dự kiến trước tình huống này, tôi thản nhiên đáp: “Tôi nhận được thiếp báo cưới con cháu gái hơi chậm nên vội đi. Hơn nữa đây là chuyện riêng tư gia đình nên không muốn các ngài bận tâm đến.” Đại khái câu chuyện trao đi đổi lại lúc đầu có vẻ căng thẳng nhưng đã kết thúc khá êm thấm. Cuối cùng họ chỉ yêu cầu mỗi khi đại sứ đi đâu xin cho hai xe mô tô đi trước và một xe ô tô công an đi sau hộ tống. Và buổi lễ cưới hôm sau được biến thành một cuộc mít-tinh lớn tổ chức ở ngoài trời chiếm cả một đường phố lớn để đông đảo Việt kiều được tham dự. Sự kiện này là một kỷ niệm khó quên của tôi ở Thái Lan.
    Tháng 10 năm 1986, vừa tròn 4 năm ở Thái, tôi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ, rời Bangkok về Hà Nội. Ngay sau khi về nước, tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu giúp bạn Lào trong cuộc đàm phán với Trung Quốc vào cuối năm 1986 theo yêu cầu của Bộ Ngoại Giao Lào. Tôi đã sang Vientiane 3 lần trong mấy tháng 10, 11 và 12.86 để trao đổi ý kiến với bạn trong việc chuẩn bị nội dung chính trị và kế hoạch tiến hành cuộc đàm phán. Việc Trung Quốc đáp ứng khá nhanh lời tuyên bố của ngoại trưởng Lào – trong bản tuyên bố của Hội nghị bộ trưởng ngoại giao 3 nước Đông Dương lần thứ 13 (tháng 8.86) – trong khi họ vẫn từ chối đàm phán bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, nhằm chia rẽ ba nước Đông Dương, âm mưu bình thường hoá quan hệ riêng rẽ với Lào, cải thiện quan hệ với Liên Xô và Đông Âu để gây sức ép với ta trong vấn đề Campuchia. Vì vậy, trong đàm phán, Trung Quốc muốn kéo Lào đi vào bàn các vấn đề cụ thể thuộc quan hệ song phương hai nước. Cụ thể Trung Quốc nêu 4 vấn đề: lập lại quan hệ ngoại giao cấp đại sứ, quan hệ mậu dịch, thoả thuận những điểm tồn tại về biên giới, nhân dân vùng biên hai bên qua lại tự do. Còn phía Lào nêu lại 3 vấn đề: tình hình căng thẳng ở biên giới Lào - Trung Quốc, Trung Quốc nuôi dưỡng bọn Lào lưu vong, giải quyết với cả 3 nước Đông Dương. Theo chủ trương đã nhất trí với ta là “không giải quyết gì, chủ yếu để thăm dò đối phương và giữ cầu để tiếp tục đàm phán”, Lào kéo Trung Quốc phải đi vào bàn những vấn đề có tính chất nguyên tắc và phải đề cập đến những vấn đề mà Bắc Kinh muốn lẩn tránh như vấn đề Campuchia, vấn đề quan hệ Trung Quốc - Việt Nam. Qua đàm phán chính thức cũng như qua những cuộc trao đổi riêng, ta đã hiểu rõ thêm được về ý đồ của Trung Quốc đối với khu vực này. Lúc này Trung Quốc tuy chưa thay đổi chính sách đối với Đông Dương - Đông Nam Á, song có khó khăn thúc bách về thời gian. Trước mắt họ còn muốn nắn gân cốt ta, muốn thăm dò mức độ đoàn kết nhất trí giữa Việt Nam – Lào – Campuchia, nhất là về vấn đề Campuchia. Thứ trưởng ngoại giao Lưu Thuật Khanh, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, coi vấn đề Campuchia không liên quan gì tới Lào cũng như tới quan hệ Trung Quốc – Lào, nhưng đồng thời lại có ý qua Lào thăm dò ý đồ của ta trong vấn đề Campuchia.
    Cuộc đàm phán không đem lại kết quả. Lưu mời Lào sang Bắc Kinh bàn tiếp. Đối với tôi, đây cũng là một dịp bản thân tôi được bổ sung thêm hiểu biết về chính sách của Trung Quốc đối với Đông Dương và dụng ý sâu sa của họ khi tiếp tục tung ra luận điệu “Việt Nam mưu đồ thiết lập Liên bang Đông Dương

    Chương 3.


    3. ĐẠI HỘI “ĐỔI MỚI”


    Đại hội VI, mệnh danh là Đại hội “đổi mới” của Việt Nam, thực chất bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế mà đi tới đối mới tư duy đối ngoại. Đại hội diễn ra trong bối cảnh xu hướng hoà bình ổn định trên thế giới đang phát triển, các nước lớn đi sâu vào quan hệ hoà hoãn từng cặp Mỹ – Xô, Mỹ – Trung và Xô - Trung. Tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất tới vấn đề Campuchia và Việt Nam là hoà hoãn Xô - Trung. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết 32/BCT21 ngày 9.7.86 quy định cần đặt giải pháp chính trị vấn đề Campuchia và đi vào bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc (“giải pháp vấn đề Campuchia phải giữ vững thành quả cách mạng Campuchia, giữ vững đoàn kết 3 nước Đông Dương”) lại ra đời ít ngày trước bài diễn văn của Gorbachov ở Vladivodstock (28.7.86) trong đó Gorbachov công bố những nét lớn trong chính sách đối ngoại mới của Liên Xô đối với châu Á - Thái Bình Dương: xích gần lại với Trung Quốc, giải quyết “3 trở ngại” mà Trung Quốc nêu ra (rút quân khỏi Afghanistan, chấm dứt xung đột biên giới Trung – Xô, giải quyết vấn đề Campuchia). Gorbachov tuyên bố: “Vấn đề Campuchia không thể giải quyết ở các thủ đô xa xôi, kể cả ở Liệp Hiệp Quốc, phải giải quyết giữa Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN láng giềng”.
    Cũng trong những năm 1986-1988, cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội ở nước ta lên tới đỉnh cao. Trước thúc bách của hoàn cảnh thế giới và trong nước như vậy, về đối ngoại, Đảng đã quyết định chuyển sang một giai đoạn đấu tranh mới trong cùng tồn tại hoà bình với Trung Quốc, ASEAN, Mỹ để nhanh chóng phục hồi kinh tế, phát triển trong hoà bình. Giai đoạn đấu tranh nhằm giành thắng lợi hoàn toàn cho cách mạng CPC với ảo tưởng “tình hình không thể đảo ngược”22 đã kết thúc, và ta phải chấp nhận thực tế đấu tranh từng bước để đạt một giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia.
    Sau khi được đặc cử23 đi dự Đại hội VI (tháng 12.86), tôi được bầu vào Trung ương khoá 6. Rồi đến tháng 1.87, nhận chức thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, chuyên trách vấn đề giải pháp
    Campuchia.
    Ngày 7.3.87, Bộ Chính trị (BCT)24 họp xem xét đề án đấu tranh ngoại giao, nhận định Trung Quốc có hai mặt: vừa tồn tại nhân tố XHCN, vừa có chính sách bá quyền. Đánh giá về chiến lược của Trung Quốc đối với Đông dương, BCT nêu ba khả năng:
    1. Tiếp tục đối đầu.
    2. Cùng tồn tại hoà bình.
    3. Hợp tác hữu nghị.
    Trên tinh thần đó ta chủ trương tấn công ngoại giao trên hai mũi: một mặt đề nghị Việt Nam-Trung Quốc đàm phán bí mật tạo khuôn khổ cho giải pháp Campuchia; mặt khác Campuchia ra tuyên bố về chính sách hoà hợp dân tộc. Ta chủ trương làm với trung Quốc là chính, đồng thời thúc đẩy các diễn đàn khác.
    Ngày 9.4.87, để giúp BCT xúc tiến việc thực hiện Nghị quyết 32/BCT và Nghị quyết về đối ngoại của Đại hội VI, Bộ Ngoại Giao đã ra quyết định thành lập Tổ nghiên cứu nội bộ lấy ký hiệu là CP87 với nhiệm vụ:
    - Nghiên cứu chủ trương giải quyết các vấn đề bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, vấn đề Campuchia và hoà bình ở Đông Nam Á; chuẩn bị các phương án đấu tranh trước, trong và sau khi có giải pháp;
    - Nghiên cứu các diễn đàn có thể tác động tích cực tới phương hướng đó;
    - Nghiên cứu nội dung phối hợp hoạt động với Liên Xô, Lào, Campuchia theo phương hướng đó.
    Bộ phận thường trực CP87 gồm có: Trần Quang Cơ, Đặng Nghiêm Hoành (Vụ trưởng vụ Tổng hợp đối ngoại), tổ phó; Nguyễn Phượng Vũ (Vụ trưởng vụ Trung Quốc); Trần Xuân Mận (Vụ trưởng vụ Á châu II). Các thành viên không thường trực của CP87 có : anh Đặng Nghiêm Bái (Vụ trưởng vụ Bắc Mỹ), anh Tạ Hữu Canh (Vụ trưởng vụ Liên Xô), anh Nguyễn Can (Vụ trưởng vụ Á châu III), anh Trịnh Xuân Lãng (Vụ trưởng Vụ Báo chí)... Là thứ trưởng chuyên trách vấn đề Campuchia, tôi có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo CP87.
    Bộ Ngoại Giao CHND Campuchia cũng thành lập bộ phận B1 có thứ trưởng Ngoại giao Dith Munty, Sok An, Chom Prasit... làm đối tác của CP 87.

    Chương 4.


    4. CP 87 VÀ BA TẦNG QUAN HỆ CỦA VẤN ĐỀ CAMPUCHIA.


    Trước tình hình quốc tế và khu vực ngày càng rối rắm phức tạp, vấn đề Campuchia đã được quốc tế hoá cao, chúng tôi không thể không cùng nhau rà lại những nhân tố cơ bản trước khi đưa ra những phương án giải quyết. Qua phân tích tình hình, chúng tôi thấy việc giải quyết vấn đề Campuchia nay đã quốc tế hoá cao nằm trong lợi ích không những phe phái Campuchia mà còn đụng đến lợi ích của các nước trong khu vực và chịu ảnh hưởng tính toán chiến lược của các nước lớn trên thế giới nữa. Cho nên những lực lượng trực tiếp can dự vào việc giải quyết vấn đề Campuchia có thể phân thành ba tầng:
    Tầng 1 gồm 5 nước thường trực Hội Đồng Bảo An (P5), chủ yếu là 3 nước lớn: Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ.
    Tầng 2 gồm các nước Đông Nam Á, chủ yếu là Việt Nam và Thái Lan.
    Tầng 3 là các bên Campuchia gồm Nhà nước Campuchia (SOC) và 3 phái trong cái gọi là “Campuchia Dân chủ”.
    Thoạt nhìn tưởng chừng như các phe phái Campuchia và những nước kế cận phải giữ vai trò quyết định vấn đề Campuchia vì có lợi ích “sát sườn”. Nhưng nếu suy xét thật thấu đáo thì mới thấy giữ vai trò quyết định lại là các nước lớn. Việc nghiên cứu giải pháp của chúng tôi tất nhiên phải tập trung vào theo dõi sát những nhân tố trực tiếp trong tầng thứ ba, nhưng không thể bỏ sót những động thái trong mối quan hệ giữa các nước thuộc tầng thứ nhất, chiến lược của các nước lớn Mỹ, Liên Xô và nhất là Trung Quốc.
    Chúng tôi thấy: khác với Liên Xô và Mỹ, chiến lược của Trung Quốc luôn luôn thay đổi. Năm 1978 đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược đối ngoại của Trung Quốc, chuyển từ chiến lược ủng hộ cách mạng thế giới chống đế quốc Mỹ sang chiến lược câu kết với Mỹ và các lực lượng phản động khác chống cách mạng thế giới. Để tranh thủ Mỹ, với yêu cầu có vốn và kỹ thuật phương Tây để thực hiện 4 hiện đại, Trung Quốc đã có những bước đi rất quyết liệt về mặt đối ngoại như năm 1978 cắt viện trợ cho Việt Nam, Anbani – hai nước chống đế quốc mạnh nhất, đưa ra khẩu hiệu chống :đại bá Lên Xô”, “tiểu bá Việt Nam”, tự xưng là NATO phương Đông và coi Việt Nam là “Cuba phương Đông”, công nhận chế độ độc tài Pinoche vừa lật đổ Allende ở Chile, ủng hộ bọn phản động châu Phi chống Angola, ủng hộ Thoả thuận trại Đa-vít giữa Mỹ-Israel và Ai-cập chống lại lợi ích của nhân dân Ả-rập và Palestine.25 Còn ở Đông Nam Á, Trung Quốc dùng vấn đề Campuchia để hình thành sự liên kết với Mỹ, Nhật, ASEAN và các nước phương Tây bao vây, cô lập Việt Nam. Trung Quốc sử dụng vấn đề Campuchia và việc đánh Việt Nam làm công cụ chính trong việc thay đổi chiến lược toàn cầu của họ, thay đổi bạn và thù nhằm phục vụ mục tiêu “4 hiện đại”. Từ năm 1981, cả ba nước Mỹ, Xô, Trung bắt đầu điều chỉnh chiến lược, cải thiện quan hệ từng đôi một. Từ tháng 10.82, Trung Quốc nối lại đàm phán Trung-Xô. Đồng thời Trung Quốc chuyển từ chỗ “chống bá quyền Liên Xô” sang chống cả “hai siêu”, Mỹ và Liên Xô. Từ giữa năm 1984, Liên Xô bắt đầu điều chỉnh chính sách về vấn đề Campuchia, thúc đẩy ta và Campuchia đi vào giả pháp chính trị vấn đề Campuchia; gợi ý ta tiếp xúc với Sihanouk và bắt đầu thảo luận với Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Campuchia.
    Trung Quốc không có lợi ích chung với Việt Nam hay bất cứ nước XHCN nào khác trong sự nghiệp bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc. Trung Quốc tuyên bố bảo vệ chủ nghĩa xã hội nhưng Trung Quốc không hề tuyên bố bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở các nước trên thế giới. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc chỉ bảo vệ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc.
    Để có được phương hướng hành động giữa lúc nhiều nhận thức về đối ngoại của ta khi đó còn trong tình trạng tranh tối tranh sáng, chúng tôi đã tổ chức những buổi thảo luận trong nội bộ CP 87 với tinh thần tự do tư tưởng để cố nhìn thấu được thực chất của sự việc. Trong lúc nhận thức con người về thế giới bên ngoài còn bị chi phối bởi cảm tính mạnh hơn lý trí, người ta để xem nhẹ thực chất vấn đề mà hướng theo những hiện tượng nhất thời. Sau sự kiện Trường Sa 1988 mà hải quân Trung Quốc đã gây tổn thất khá nặng cho hải quân ta và việc Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng trong quan hệ với ta, bác bỏ các đề nghị của ta cải thiện quan hệ giữa hai nước, trong nội bộ ta đã xuất hiện những ý kiến khác nhau. Không khí chung lúc đầu là không thuận lợi cho việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc theo tinh thần Nghị quyết 13 của BCT. Ta nhìn mặt bành trướng bá quyền của Trung Quốc đậm nét hơn mặt XHCN. Nhiều ý kiến cho rằng trong khi Trung Quốc đang chống ta trong vấn đề Campuchia và tìm cách lấn chiếm biên giới hải đảo của ta, việc ta quyết định rút quân khỏi Campuchia, sửa Lời nói đầu của Điều lệ Đảng là hữu khuynh trong quan hệ với Trung Quốc. Chủ trương của Bộ Chính trị về giảm tuyên truyền chống đối Trung Quốc cũng không được thực hiện đầy đủ. Ngày 20.5.87, với tinh thần thực sự cầu thị. Bộ Ngoại giao làm tờ trình lên BCT kiến nghị sửa Lời nói đầu của Hiến pháp, bỏ chỗ nói Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất như đã sửa Điều lệ Đảng, mãi tới 26.8.88 Quốc hội mới có nghị quyết thông qua việc sửa này. Có người còn nói mỉa: có phải Ngoại giao định quỳ gối trước Trung Quốc không ?”.
    Nhưng rồi sang năm 1989, khi bắt đầu cuộc khủng hoảng trong phe XHCN, một số ngành trong Trung ương và ngay trong Bộ Chính trị lại xuất hiện những ý kiến khác nhau về đánh giá sự kiện Thiên An Môn cũng như đánh giá tình hình Liên Xô - Đông Âu. Lúc này luận điểm được ưa dùng lại là “dù bành trướng thế nào Trung Quốc vẫn là một nước XHCN”.
    Tôi và anh em trong bộ phận thường trực CP 87 đã mất khá nhiều thời giờ tranh luận về thực chất Trung Quốc là XHCN hay bành trướng bá quyền ? Mặt nào là chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc ? “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” cụ thể là gì? Trung Quốc muốn gì trong vấn đề Campuchia? Muốn gì khi nuôi dưỡng bè lũ Khmer Đỏ chống Việt Nam ? ý đồ của Trung Quốc đối với Việt Nam ?
    Chúng tôi thấy rằng: Trung Quốc ngày nay có hai mặt, mặt XHCN mặt bành trướng bá quyền. Tính chất XHCN thể hiện tương đối rõ nét hơn về chính sách đối nội, ở cơ cấu xã hội, cơ cấu kinh tế của họ. Còn đường lối đối ngoại của Trung Quốc lại mang tính chất cổ truyền của họ là bành trướng bá quyền. Cái bất biến của Trung Quốc là tham vọng bá quyền. Nhưng những cái mà Trung Quốc sử dụng làm công cụ để thực hiện chính sách đó lại là “vạn biến”. Tuỳ theo lợi ích của họ trong từng lúc mà một nước nào đó có thể được Trung Quốc coi là bạn hay là thù. Tại Đông Nam Á, khi Trung Quốc muốn chống hay gây sức ép với chính quyền tư sản các nước này thì họ lập ra hoặc giúp đỡ lập ra các đảng cộng sản Mao-ít ở Thái Lan, Miến Điện, Mã-lai,... khi Trung Quốc thấy cần tranh thủ các chính quyền tư sản khu vực này thì ta đã thấy các đảng cộng sản đó lần lượt tiêu tan để phục vụ cho mục đích của Trung Quốc. Rồi sau sự kiện Thiên An Môn để xoa dịu phản ứng của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc hy sinh nốt Đảng Cộng sản Mã-lai. Theo kênh của Bắc Kinh, TBT đảng này là Trần Bình, gốc Trung Quốc, đã ra ký kết đầu hàng chính quyền Ma-lay-xi-a và giải tán đảng Cộng sản.
    Trường hợp Khmer đỏ sau này cũng vậy, theo tờ “ý thức Khmer” ngày 17.10.00 dưới đầu đề “Trung Quốc giết Polpot để đe doạ những chỉ huy Khmer đỏ còn lại buộc trở về với Hun-xen” viết: “Sau khi đi gặp Sứ quán Trung Quốc tại Bangkok, Polpot chết không phải do bệnh tật cũng không phải do Hun-xen mà chết do thuốc độc của Trung Quốc (?). Bởi vì Trung Quốc vận động các chỉ huy Khmer đỏ trở về với chế độ của Thủ tướng Hun-xen không được nên đã giết Polpot để đe doạ những chỉ huy Khmer đỏ khác... Sở dĩ Trung Quốc muốn các chỉ huy Khmer đỏ trở về với Hun-xen vì Trung Quốc đã chọn Hun-xen làm con bài có lợi về chính trị cho họ sau khi Polpot không còn ý nghĩa đối với họ nữa”.
    Trong lịch sử 50 năm của nước CHND Trung Hoa thì có hơn 30 năm Trung Quốc hết chống Liên Xô lại chống Việt Nam. Trên cơ sở đó, tôi hoài nghi là liệu có thể đứng trên lý tưởng chung XHCN để tranh thủ Trung Quốc được chăng ?
    Trong khi nghiên cứu ý đồ Trung Quốc đối với Việt Nam và trong vấn đề Campuchia, chúng tôi đã thử liệt kê những thay đổi trong lập trường của Trung Quốc về việc nối lại đàm phán bình thường hoá quan hệ với ta trong thời gian 1980-1988. Kết quả cho thấy là từ khi Trung Quốc đơn phương chấm dứt vòng 2 đàm phán Việt – Trung về bình thường hoá quan hệ hai nước vào ngày 8.3.80, Trung Quốc đã luôn luôn nâng cao điều kiện nối lại đàm phán với Việt Nam:
    a. (80-9.85) Trung Quốc đòi ta rút hết quân khỏi Campuchia thì sẵn sàng nối lại đàm phán:
    - Tháng 10.82, tại vòng 1 đàm phán Xô-Trung, Trung Quốc trao cho Liên Xô bản đề nghị 5 điểm về vấn đề Campuchia trong đó điểm 2 nói: Việt Nam tuyên bố rút hoàn toàn thì Trung Quốc sẽ tiến hành tham khảo với Việt Nam về bình thường hoá quan hệ hai nước ngay sau khi Việt Nam rút những đơn vị đầu tiên. Tháng 3.83, Trung Quốc đưa ra công khai đề nghị này.
    - Sau chiến dịch pháo kích và tập kích quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới miền Bắc nước ta kéo dài 3 tháng (tháng 4-6.84), Trung Quốc tuyên bố: chỉ cần Việt Nam hứa rút quân khỏi Campuchia thì hai bên sẽ mở đàm phán.
    - Ngày 21.1.85, trả lời thư 8.1.85 của ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đề nghị hai bên nối đàm phán, ngoại trưởng Trung Quốc Ngô Học Khiêm viết: “Quan hệ Trung – Việt xấu đi, vấn đề cốt lõi là quân đội Việt Nam xâm chiếm Campuchia... Sau khi Việt Nam công khai cam kết và thực hiện rút quân khỏi Campuchia thì đàm phán mới có ý nghĩa thực tế”.
    b. Từ tháng 9.85 đến cuối năm 1985 khi ta đã tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi Campuchia trong năm 1990, Trung Quốc lại không nói “sẵn sàng đàm phán”với ta nữa, mà chỉ nói sẽ nói chuyện với đại sứ hai bên.
    - Ngày 6.9.85, đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội gửi công hàm trả lời công hàm ngày 21.8.85 của Bộ Ngoại Giao ta trong đó nói: “Việt Nam tuyên bố thời gian rút quân kéo dài đến 1990 và đặt điều kiện vô lý cho việc rút quân, như vậy là chưa có thiện chí. Đàm phán giữa hai nước với bất cứ hình thức nào cũng khó đạt kết quả. Nếu Việt Nam có vấn đề gì cần nói thì cứ chuyển qua đại sứ hai bên”.
    c. Từ cuối 1985 đến tháng 3.86, Trung Quốc một mặt vẫn đòi ta cam kết rút quân nhưng đưa ra điều kiện là nếu Việt Nam không loại trừ lực lượng Polpot thì Trung Quốc sẽ đàm phán ngay với Việt Nam.
    - Ngày 18.12.85, lãnh tụ Rumani Ceaucescu sau khi thăm Trung Quốc thông báo với anh Hoàng Tùng để chuyển TBT Lê Duẩn: “Trung Quốc sẽ đàm phán ngay với Việt Nam, nếu Việt Nam đồng ý không loại trừ lực lượng Polpot. Đàm phán sẽ bắt đầu trong khi Việt Nam chưa rút quân khỏi Campuchia, song cần cam kết rút hết”.
    d. Từ tháng 3.86 (khi 3 phái Khmer phản động đưa đề nghị 8 điểm) đến nay (6.87), Trung Quốc đòi Việt Nam rút hết quân nhưng đòi Việt Nam nói chuyện với “Chính phủ liên hiệp Campuchia dân chủ” và với Sihanouk còn Trung Quốc chỉ đàm phán trực tiếp với Việt Nam sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết theo cách của Trung Quốc.
    - Ngày 25.8.86, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Thuật Khanh nói với Vũ Thuần, Vụ phó vụ Trung Quốc Bộ Ngoại giao ta: Trung Quốc không thể thay mặt Campuchia để bàn với Việt Nam vấn đề Campuchia được, Việt Nam phải bàn với “Campuchia Dân chủ.”
    - Tháng 10.86, TBT Hồ Diệu Bang nói với Honecker, TBT Đảng Cộng sản Đức26 đang thăm Trung Quốc “Lúc đầu Trung Quốc nghĩ có thể đàm phán (với Việt Nam) trước, rút quân sau. Nhưng sau tính lại nhiều lần, Trung Quốc quyết định Việt Nam phải rút quân trước, sau đó mới đàm phán. Đây là phương án tốt nhất, nếu không sẽ tác động không tốt tới ASEAN và 3 phái (Sihanouk, Son San và Khmer đỏ)”.
    - Ngày 14.5.87, Đặng Tiểu Bình tiếp Tổng thư ký LHQ De Cuellar và nhờ ông ta chuyển cho ta một “thông điệp miệng27: “Chỉ khi nào vấn đề Campuchia được giải quyết theo cách này (Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, lập chính phủ liên hiệp 4 bên gồm Sihanouk, Son San, Khieu Samphon, Heng Xamrin; do Sihanouk đứng đầu) thì Trung Quốc mới đàm phán trực tiếp với Việt Nam. Đàm phán như vậy sẽ bao gồm cả vấn đề bình thường hoá quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Còn trước đó thì mọi cuộc đàm phán trực tiếp đều không thể có được.”
    - Ngày 26.7.87, anh Thạch gặp Đại sứ Trung Quốc chuyển “thông điệp miệng” của Thủ tướng Phạm văn Đồng đề nghị hai nước đàm phán bí mật. Đến ngày 28.7.87, Ngoại trưởng Ngô Học Khiêm nói chưa trả lời thông điệp đó vì Trung Quốc không muốn chấp nhận “sự đã rồi” ở Campuchia.
    Như vậy là từ sau khi đơn phương cắt đứt cuộc đàm phán (sau khi Trung Quốc gây chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2.79, ta đã có 2 vòng đàm phán với Trung Quốc: vòng 1 từ 18.4 đến 18.5.79 tại Hà Nội; vòng 2 từ 28.6.79 đến 6.3.80 tại Bắc Kinh) từ năm 1980 đến cuối năm 1988 đã ngót hai chục lần Việt Nam gửi thư hoặc công hàm cho Trung Quốc đề nghị nối lại đàm phán nhưng đều bị Trung Quốc bác với lý do này hoặc lý do khác. Và Trung Quốc nâng cao dần điều kiện lên (về quân sự đòi Việt Nam rút quân, về chính trị đòi Việt Nam chấp nhận sẽ lập chính phủ liên hiệp ở Campuchia, bao gồm cả Khmer đỏ). Trong khi thoái thác đàm phán, Trung Quốc xúc tiến đàm phán bình thường hoá quan hệ với Liên Xô (từ tháng 10.82) và Lào (từ cuối 1986) để cô lập và ép Việt Nam. Đặc biệt là thông qua đàm phán với Liên Xô. Sau khi Gorbachov lên làm TBT Đảng Cộng sản Liên Xô (11.3.85), Xô-Trung bắt đầu bàn đến vấn đề Campuchia trong vòng đàm phán thứ 7 ở Bắc Kinh (4-20.10.85), Trung Quốc thể hiện ngay thái độ làm cao, không nói đến đàm phán với Việt Nam nữa để gia tăng sức ép đối với Việt Nam về vấn đề Campuchia. Trong vòng 10 đàm phán Xô - Trung ở Mạc-tư-khoa (7.2.87), Trung Quốc nêu lại “3 trở ngại” trong việc bình thường hoá quan hệ với Liên Xô mà trở ngại lớn nhất là việc Việt Nam xâm lược Campuchia. Và cũng từ đó, các lần gặp gỡ Xô - Trung đều tập trung bàn vấn đề Campuchia và công khai hoá điều đó.

    Chương 5.


    5. TỪ CHỐNG DIỆT CHỦNG ĐẾN “GIẢI PHÁP ĐỎ” !


    Rõ ràng Trung Quốc mưu dùng vấn đề Campuchia để cải thiện thế đứng trong quan hệ với các nước lớn, trước hết là trong quan hệ Trung – Xô và quan hệ Trung – Mỹ. Còn Gorbachov cũng sẵn sàng dùng món quà Campuchia để sớm gặp được Đặng, cải thiện quan hệ với Trung Quốc nhằm tác động đến quan hệ Mỹ – Xô. Chính trong bối cảnh đó, đã ra đời cái gọi là “giải pháp đỏ”, xuất phát từ ý tưởng của Gorbachov muốn vấn đề Campuchia được giải quyết giữa hai nước XHCN, Việt Nam và Trung Quốc, cho nên định gán ghép hai lực lượng cộng sản Khmer thù địch, Khmer đỏ của Polpot-Ieng Sary thân Bắc Kinh và Nhà nước Campuchia thân Hà Nội, bắt tay nhau dưới cái mũ “hoà hợp dân tộc”.
    Đầu tháng 3/1987, ngoại trưởng Liên Xô Shevardnadzé đến PhnomPenh trong chuyến đi thăm 3 nước Đông Dương. Sau cuộc gặp Shevardnadzé, Hunxen nói với anh Đỗ Chính, trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam ở Campuchia là: “Liên Xô có vẻ muốn thúc dục giải quyết nhanh vấn đề Campuchia cũng như vấn đề Afghanistan, Liên Xô chắc đã chuẩn bị một công thức giải pháp chính trị ở Campuchia, nhưng gạn hỏi không nói, chắc Liên Xô sẽ nêu trong cuộc gặp Gorbachov – Nguyễn Văn Linh ở Mạc-tư-khoa (tháng 5.87). Shevardnadzé nói đến hoà hợp dân tộc Campuchia và hỏi ai trong Khmer đỏ còn có thể dùng được ?” Hunxen liên hệ chuyện này với phát biểu của Gorbachov ở Vladivodstock (28.7.86) và cho rằng có thể Liên Xô nghĩ đến chuyện khuyến khích hai phái cộng sản Campuchia dàn xếp với nhau. Khi thuật lại lời Schevardnadzé khuyên Campuchia thúc đẩy mạnh hoà hợp dân tộc, Hunxen nói: “Chúng nó mà về thì chúng sẽ làm thịt những người tích cực, trước hết là bọn chúng tôi”.
    Sau cuộc họp BCT 7.3.87, Lê Đức Thọ sang trao đổi với BCT Lào, rồi đến cuối tháng 4.87, Lê Đức Thọ lại cùng Lê Đức Anh bay sang Campuchia họp với những người lãnh đạo PhnomPenh bàn việc thúc đẩy giải pháp chính trị Campuchia và quan hệ với Trung Quốc, trong đoàn có tôi và anh Trần Xuân Mận của CP 87. Anh Lê Đức Thọ khi đó đã đưa ra gợi ý “giải pháp Đỏ”. Bản thân tôi lần đầu mới được biết tường tận về cái gọi là “giải pháp Đỏ”. Nói gọn lại, “giải pháp đỏ” là một sản phẩm của mộng tưởng giải quyết cuộc xung đột Campuchia bằng cách hoà giải PhnomPenh với bọn diệt chủng Polpot và lập nên một nước Campuchia XHCN vừa làm vừa lòng Trung Quốc vừa hợp ý của lãnh đạo ta. Trong thâm tâm chúng tôi – những anh em CP 87 - đều thấy không thể chấp nhận được cái “sáng kiến” kỳ quái này. Phần vì quá ghê tởm với tội ác của bọn Khmer đỏ đối với nhân dân Campuchia cũng như đối với nhân dân ta để có thể nghĩ đến chuyện hợp tác với chúng; phần vì nghĩ rằng khó có khả năng thực hiện được trò chơi nguy hiểm này. Quả nhiên lãnh đạo PhnomPenh đã đón nhận những gợi ý này với một thái độ lạnh nhạt. Họ chủ trương “ăn cả” bằng một giải pháp quân sự, coi Khmer Đỏ lẫn Sihanouk và Son San đều là đối thủ phải loại trừ. Nhưng dưới sức ép của hai đồng minh chính - Liên Xô và Việt Nam – trong cuộc họp giữa các bên Campuchia ở Jakarta, Hunxen đã thử tiếp xúc với Khiêu Samphon song tên đẩu sỏ Khmer Đỏ này chỉ đáp lại bằng một thái độ khinh miệt.
    Ngày 22.12.87, cũng theo gợi ý của Liên Xô, ta và bạn Campuchia tán thành Liên Xô gửi “Message Oral” cho ngoại trưởng Trung Quốc đề nghị Liên Xô và Trung Quốc góp phần dàn xếp một cuộc gặp gỡ giữa CHND Campuchia và Khmer Đỏ. Nếu Trung Quốc đồng ý, Liên Xô sẵn sàng tiếp xúc với Trung Quốc ở cấp ngoại trưởng. Trung Quốc đã không đáp ứng đề nghị đó. Trung Quốc chưa muốn giải quyết vấn đề Campuchia, còn muốn dùng vấn đề này để mặc cả với Liên Xô và Mỹ, dủng “3 trở ngại” để hãm phanh quan hệ với Liên Xô.
    Ngày 30.7.88, trong buổi thông báo kết quả cuộc Họp không chính thức ở Jakarta lần 1 (Jakarta Informal Meeting –JIM 1) cho đại sứ, đại biện các nước XHCN ở Phnôm Pênh, khi đại sứ CHDC Đức hỏi về khả năng lôi kéo Khiêu Samphon và những nhân vật ôn hoà của Khmer Đỏ, Hunxen nói: “Bọn này là thú chứ không phải là người. Cứ để chúng trong rừng, không có chúng, ta cũng giải quyết được. Chúng không thay đổi, nhân dân Campuchia không chấp nhận chúng. Chúng tôi rất hiểu Khmer Đỏ. Mong các đồng chí hiểu cho, bọn này không chơi được. Nếu chỉ riêng Campuchia thôi thì Campuchia không cần Khmer Đỏ. Nhưng Campuchia liên quan đến các nước xung quanh mà Việt Nam lại cần bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc nên chúng tôi chấp nhận chúng về chính trị... Tôi cho rằng cứ để chúng ở ngoài rừng, không sao cả ! Thái Lan đã trung lập thì Campuchia tranh thủ Sihanouk, Son San để đánh Khmer Đỏ.
    Ngày 12.10.89, tâm sự với đại sứ Ngô Điền, sau khi phê phán Liên Xô nhượng bộ Trung Quốc, ép Campuchia thoả hiệp với Trung Quốc và Khmer Đỏ, đánh đồng “tội phạm với phạm nhân”, không tôn trọng các nước bạn, Hunxen nói: “Việt Nam cũng có đồng chí nói phải nhượng bộ cái gì để giữ thể diện cho Bắc Kinh. Năm 1987 tôi cũng đã tính đến giải pháp đó. Bọn Khmer Đỏ, trừ số đầu sỏ, có thể tham gia, chúng phải xin lỗi nhân dân rồi hoà hợp dân tộc. Nay tôi đã suy nghĩ nhiều, tiếp xúc với dân ở nhiều nơi, trực tiếp gặp bọn Khiêu Samphon, tôi nhận thức rõ là dứt khoát không chơi với bọn này được, giải tán lực lượng của chúng”.
    Tháng giêng 1989, Hunxen xuất bản cuốn sách “Campuchia – con đường 10 năm”, có dành một đoạn dài nói về “giải pháp Đỏ”, cho chủ trương đó là “sai lầm và nguy hiểm”, là “điều phi lý và trái đạo đức khi đánh đồng bọn tội phạm Polpot với nạn nhân của chúng”, rồi kết luận “giải pháp Đỏ là con đường nguy hiểm rất lớn cho nhân dân Campuchia. Nó không thể nào hình thành được, bởi vì chúng tôi không “Đỏ” như người ta hiểu là có thể hoà đồng vào cái “Đỏ” của bọn Polpot được”.
    Ngày 1.6.90, khi gặp anh Thạch ở sân bay Nội Bài trên đường đi Tokyo găpk Sihanouk, Hunxen nói: “ BCT Campuchia thấy giải pháp như đã thoả thuận giữa 3 đồng chí TBT28 cũng có nhiều khó khăn vì 3 nhân tố:
    1. Bọn Polpot là bọn rất cực đoan về chủ nghĩa dân tộc.
    2. Sau hơn 10 năm đánh nhau, việc hợp tác giữa hai quân đội không thể dễ dàng được.
    3. Bọn Polpot sẽ cố gắng đưa một số đảng viên lớn hơn số đảng viên đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia để giành đa số trong một đảng hợp nhất.”
    Chiều 22.6.90, anh Phun Sipasot, ngoại trưởng Lào, nói với đại sứ ta Nguyễn Xuân: “Giải pháp Đỏ là không nên và không thể thực hiện, bất lợi cho ta. Trung Quốc đang bị cô lập vì là nước duy nhất ủng hộ diệt chủng. Chắc Trung Quốc không muốn Giải pháp Đỏ mà muốn giải pháp thực chất gồm 4 bên để duy trì vai trò và vị trí của Khmer Đỏ mà không mang tiếng là ủng hộ diệt chủng.
    Ngay chính phía Trung Quốc cũng đã nhiều lần nhận xét thẳng với ta về sáng kiến “giải pháp Đỏ”. Ngày 17.7.90, Lưu Thuật Khanh nói với Đại sứ Đặng Nghiêm Hoành: “ Việt Nam vẫn chưa có quyết tâm, chưa dứt khoát trong việc giải quyết vấn đề Campuchia. Chủ trương của Hunxen giải quyết với Sihanouk là không thực tế. Chủ trương của Việt Nam hợp tác hai phái công sản Khmer cũng không thực tế. Cần có cơ chế liên hiệp 4 bên do Sihanouk đứng đầu mới được quốc tế công nhận”. Ngày 27.7.90, trong một cuộc chiêu đãi của sứ quán Ai-cập tại Hà Nội, Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy nói rõ với Vụ phó vụ Trung Quốc Vũ Thuần: “Giải pháp Đỏ là không thực tế vì làm như vậy chẳng khác gì hút tất cả các mũi tên về mình, tự cô lập mình. Hiện nay Trung Quốc chủ trương bảo vệ CNXH ở trong nước chứ không chủ trương giương cao ngon cờ CNXH về mặt đối ngoại”.
    [Vậy ai đã có sáng kiến nghĩ ra cái quái thai này? Gorbachev chính là cha đẻ của nó. Còn Hunxen không phải là không tính tới chuyện này. ngày 17.6.87, khi đi thăm Lào, Hunxen có nói với Ngoại trưởng Lào Phun Sipasot: “Muốn liên hiệp với phái Polpot không có Polpot hơn là với Sihanouk vì bọn Polpot có lực lượng nhưng không có thế chính trị, còn Sihanouk ngược lại, không có lực lượng nhưng có thế chính trị”. Song người “bảo dưỡng” Giải pháp Đỏ chu đáo nhất lại là lãnh đạo Việt Nam. Trong lãnh đạo Việt Nam suốt thời kỳ 1987-1991, có người vẫn coi Giải pháp Đỏ là nước bài hay]29, cho rằng giải quyết vấn đề Campuchia theo cách đó sẽ làm hài lòng Trung Quốc. Nhưng thực ra cái sáng kiến này chẳng hợp với đường lối “tranh thủ phương Tây vì mục tiêu 4 hiện đại” của Đặng Tiểu Bình chút nào mà lại gây thêm sự nghi ngại của Nhà nước Campuchia đối với ta, mà chính Trung Quốc đã đem chuyện này nói với Mỹ và các nước phương Tây để chứng tỏ rằng Việt Nam luôn có thủ đoạn lắt léo, là một đối tượng đàm phán không đáng tin cậy, bên ngoài thì hô to “chống diệt chủng” bên trong thì ép PhnomPenh thoả hiệp với bọn Polpot.
    Thật đáng tiếc, ảo tưởng về “giải pháp Đỏ” này vẫn còn đeo đuổi khá lâu trong các tính toán của ta về vấn đề Campuchia, thậm chí cả sau khi Trung Quốc đã nói thẳng với ta trong cuộc gặp cấp cao ở Thành Đô là họ không thể nuốt nổi “món quà” đó !


    Chương 6.


    6. MỘT BƯỚC TỰ CỞI TRÓI: ĐA DẠNG HOÁ ĐA PHƯƠNG HOÁ QUAN HỆ


    Trong khi họp CP 87 sáng 14.5.87, chúng tôi thảo luận sôi nổi làm sao giành lại thế chủ động trong việc giải quyết vấn đề Campuchia. Anh Thạch có ý kiến: “Không nhất thiết ta chỉ làm với Trung Quốc. Phải thấy là ba nước lớn Mỹ-Xô-Trung đang chụm lại với nhau trao đổi về cái khung giải pháp. Cần nhớ kinh nghiệm những năm 1954, 1973, Trung Quốc vẫn phải tiếp tục lợi dụng mâu thuẫn Mỹ-Xô, Trung-Xô không thể giải quyết với nhau qua đầu Mỹ, phải thoả thuận cả với Mỹ. Cho nên ta chỉ húc đầu vào một con đường nói chuyện với Trung Quốc là không đúng”. Bản thân tôi rất tâm đắc suy nghĩ đó. Lâu nay tôi thường cảm thấy ta chịu lệ thuộc hơi nhiều vào anh cả Liên Xô, anh hai Trung Quốc trong tư duy và hành động nên đã tự hạn chế mình trong hoạt động đối ngoại trên thế giới và ở khu vực Đông Nam Á. Muốn Trung Quốc mềm đi, phải cho thấy ta ngày càng nhiều bạn. Ngược lại, nếu ta chỉ thấy có Trung Quốc thôi và nếu Trung Quốc thấy ta yếu và đơn độc thì họ sẽ rất cứng rắn với ta. Chính vì vậy mà Trung Quốc đã buộc ta phải có hết nhượng bộ nọ đến nhượng bộ kia. Mặt khác, Gorbachov vì lợi ích nước lớn, không rõ vô tình hay hữu ý, đã làm Việt Nam vào cái khung “phải giải quyết vấn đề Campuchia với Trung Quốc”.
    Phải nói rằng với nếp suy nghĩ quá thiên lệch, quá cứng nhắc về “hai phe” lúc đó, chỉ riêng nghĩ đến chuyện quan hệ với các nước phương Tây đã gần như một điều huý kỵ, nên việc Ngoại giao đề cập đến mở rộng tiếp xúc hợp tác ra ngoài thế giới XHCN gần như là chuyện động trời. Người ta chấp nhận nó không phải dễ dàng. Tư tưởng đa phương hoá, đa dạng hoá trong quan hệ đối ngoại đã đến với ta hơi chậm nhưng chưa muộn.
    Theo hướng đó, ta đã nghiên cứu và mở đợt tấn công ngoại giao tháng 6-8.87 với đặc điểm:
    - Không tấn công về nội dung giải pháp như mọi khi, mà tấn công về cơ chế giải quyết vấn đề;
    - Thăm dò tất cả các diễn đàn có thể đưa đến giải pháp, tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp tất cả các đối phương (Trung Quốc, ASEAN, Mỹ);
    - Phối hợp tốt với việc Campuchia ra “tuyên bố về chính sách hoà hợp dân tộc”.
    Đợt tấn công đã đem lại những kết quả mong muốn, làm bộc lộ hai xu hướng đi ngược chiều nhau trong hàng ngũ đối phương, những mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương đã nổ ra một cách công khai gay gắt (giữa Trung Quốc với ASEAN, Mỹ, Sihanouk; trong nội bộ ASEAN, trong nội bộ 3 phái “Campuchia Dân chủ”).
    Trong xu thế đối thoại đang được đẩy mạnh giữa Xô - Mỹ, thông cáo 29.7.87 của cuộc gặp giữa Việt Nam (Nguyễn Cơ Thạch) và Inđônêxia (Mochtar), đại diện cho hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN, thoả thuận dùng hình thức tổ chức “cocktail party” để họp với các bên Campuchia bàn vấn đề Campuchia gắn với vấn đề Đông Nam Á, việc Việt Nam công bố đợt rút quân 1987 có mời quan sát viên nước ngoài đã làm chuyển động tình hình. Mỹ cử đặc phái viên của tổng thống đến Việt Nam, Sihanouk tuyên bố tạm thôi chức chủ tịch Campuchia Dân chủ và sẵn sàng gặp Hunxen.
    Ngày 20.5.88, BCT ra nghị quyết 13 chủ trương giải quyết vấn đề Campuchia trước năm 1990 và phấn đấu bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. nghị quyết nói rõ: “Phấn đấu bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc là một quá trình gay go, phức tạp, đòi hỏi có thời gian. Sau khi bình thường hoá, quan hệ hai nước khó trở lại ngay như những năm 50, 60. Cuộc đấu tranh tiếp tục dưới nhiều hình thức khác, không như tình trạng đối đầu như hiện nay… chúng ta phải luôn cảnh giác, chuẩn bị tốt về mọi mặt khi bước vào cuộc đấu tranh mới, làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn xấu hòng làm suy yếu ta, “diễn biến hoàn bình”, chia rẽ, phá hoại nội bộ, chia rẽ 3 nước Việt nam, Lào, Campuchia… Cần phòng ngừa, khắc phục những tư tưởng lệch lạc, chỉ thấy giới hạn Trung Quốc là bá quyền, không thấy Trung Quốc là XHCN; hoặc chỉ thấy Trung Quốc là XHCN mà không thấy bá quyền, bành trướng.” Đối với Lào và Campuchia, nghị quyết nêu rõ: “Việc Lào và Campuchia sẽ đi lên XHCN hay phát triển theo con đường dân tộc, dân chủ nhân dân là do Đảng và nhân dân hai nước đó quyết định, phù hợp với điều kiện thực tế và nguyện vọng của nhân dân nước đó”…
    Tất cả những động thái đó đã tạo ra khả năng thực tế phá vỡ bế tắc về vấn đề Campuchia đã kéo dài hơn 8 năm qua. Trung Quốc buộc phải tính toán lại, họ không còn khả năng khống chế ASEAN cũng như Sihanouk nữa. Về phía các nước ASEAN, điều khiến họ lo ngại Việt Nam nhất trong vấn đề Campuchia là việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia nay đang được dỡ bỏ với việc Việt Nam tuyên bố rút quân khỏi Campuchia. Các diễn đàn mới về vấn đề Campuchia được mở ra khiến cho sức ép của Trung Quốc đối với v bị hạn chế lại.
    Trong hoà hoãn giữa ba nước lớn, vai trò Trung Quốc lúc này vẫn lép nhất, hoà hoãn Xô - Mỹ phát triển mạnh nhất. Xô - Mỹ đã thoả thuận giải quyết vấn đề Afghanistan là một vấn đề châu Á mà không có vai trò của Trung Quốc. Trung Quốc lo ngại với cái đà đó, Xô - Mỹ rồi sẽ giải quyết các vấn đề châu Á khác như vấn đề Campuchia mà cũng không có vai trò Trung Quốc. Trung Quốc muốn giữ vai trò một trong ba nước lớn giải quyết vấn đề Campuchia. Như thế sẽ lợi cho Trung Quốc hơn là để vấn đề Campuchia được giải quyết giữa người Campuchia với nhau, giữa ASEAN - Đông Dương, hay giữa Trung Quốc - Việt Nam. Vì vậy Trung Quốc chống lại thoả thuận Việt Nam – Inđônêxia 29.7.87 ở thành phố Hồ Chí Minh, ra sức phá diễn đàn Hunxen – Sihanouk, đòi Việt Nam đàm phán với Sihanouk, hỗ trợ Thái Lan gây xung đột biên giới Thái – Lào, gây ra xung đột với hải quân ta ở Trường Sa (3-4.88). Trong tình hình đó, Việt Nam và CHND Campuchia đã công bố đợt rút quân tình nguyện Việt Nam lần thứ 7 khỏi Campuchia trong năm 1988. Đây là đợt rút quân lớn nhất từ khi ta bắt đầu rút quân năm 1982. Việc này đã làm tăng thêm khó khăn lúng túng cho Trung Quốc vì dư luận quốc tế lại bắt đầu tập trung hướng về vấn đề xử lý bọn diệt chủng Polpot, đồng thời làm tăng sự thúc bách sớm có một giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia trước khi Việt Nam rút hết quân vào năm 1990 như đã tuyên bố.

    Chương 7.


    7. TRUNG QUỐC UỐN MÌNH ĐỂ THÍCH NGHI VỚI THẾ CỤC


    Ngày 6.12.88, sau chuyến đi Liên Xô của ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham, Liên Xô đã thông báo lại cho ta là “các phát biểu của Tiền về vấn đề Campuchia đã có thay đổi chừng nào, chứng tỏ Bắc Kinh đang dần dần nhận thức thấy việc đặt giải pháp cho vấn đề Campuchia theo kịch bản của Trung Quốc là không thực tế và Trung Quốc đang từ bỏ đường lối kéo dài cuộc xung đột”. Về giải pháp, Trung Quốc đồng ý với Liên Xô là việc rút quân Việt Nam là một bộ phận trong giải pháp; về các vấn đề nội bộ của Campuchia, Trung Quốc cho rằng “phải được giải quyết bởi bản thân nhân dân Campuchia trên cơ sở hoà hợp dân tộc, không có sự can thiệp từ bên ngoài”. Song Trung Quốc vẫn nhắc lại lập trường cũ về việc lập chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu, giảm dần đi đến giải tán quân đội của cả 4 bên Campuchia; thực chất là xoá nguyên trạng ở Campuchia.
    Ngày 24.12.88, trả lời thư ngày 15.12 của Bộ trưởng ngoại giao ta, phía Trung Quốc mời một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam tới Bắc Kinh để trao đổi ý kiến giữa thứ trưởng ngoại giao hai nước chuẩn bị cho cuộc gặp cấp ngoại trưởng Trung-Việt. Sau 10 năm đối đầu gay gắt và sau 8 năm một mực từ chối đàm phán với ta, đây là lần đầu Trung Quốc nhận đàm phán với Việt Nam về vấn đề Campuchia và về bình thường hoá quan hệ hai nước, thực hiện bước chuyển sách lược ở Đông Nam Á phục vụ cho việc chuyển chiến lược chung của Trung Quốc trên thế giới và trong quan hệ với Xô, Mỹ. Sự điều chỉnh chiến lược này đã được xác định tại Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Đới Hà tháng 9 năm 1988, và được công khai hoá tại Quốc hội Trung Quốc tháng 3.89. Sự điều chỉnh chiến lược lần này diễn ra trong tình hình thế giới cũng như tình hình Đông Nam Á và Campuchia đã có nhưng thay đổi to lớn, đặc biệt từ năm 1987. Quan hệ Xô - Mỹ từ năm 1987 đã được cải thiện nhiều, hình thành thế hai cực giải quyết công việc thế giới và cả châu Á. Trung Quốc không còn lợi dụng được mâu thuẫn Xô - Mỹ như trước; đồng thời quan hệ Trung – Xô cải thiện chậm so với quan hệ Mỹ – Xô, làm cho vị trí của Trung Quốc bị yếu trong quan hệ giữa ba nước lớn. Mặt khác việc Xô - Mỹ giảm cam kết quân sự ở bên ngoài đã thúc đẩy xu thế độc lập của các nước khác, làm tăng xu hướng hợp tác khu vực để giải quyết các vấn đề khu vực. Quan hệ giữa các nước Đông Nam Á từ 1987 đã từ tình trạng đối đầu chuyển từng bước sang vừa hợp tác vừa đấu tranh trong cùng tồn tại hoà bình. Các cuộc họp JIM 1 và JIM 2 đã giải quyết được mặt quốc tế của vấn đề Campuchia và tạo khuôn khổ hợp tác giữa hai nhóm nước ở Đông Nam Á để giải quyết các vấn đề khu vực. Đặc biệt chính quyền Chatichai ở Thái Lan lúc này quyết tâm tách khỏi chính sách đối đầu của Trung Quốc ở Đông Nam Á, thực hiện chính sách “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường”. Trong tình hình đó, việc Trung Quốc tiếp tục chính sách gây căng thẳng trên bộ và trên biển ở khu vực này chỉ làm tăng mối lo ngại đối với nguy cơ bá quyền của Trung Quốc. Với việc quân Việt Nam đã rút ba phần tư và sẽ rút hết vào tháng 9.89, cốt lõi của vấn đề Campuchia không còn là vấn đề rút quân Việt Nam nữa mà trở thành vấn đề làm sao loại trừ chế độ diệt chủng Polpot. Những biến đổi to lớn này buộc Trung Quốc phải chuyển từ chỗ kéo dài đàm phán về bình thường hoá quan hệ với Liên Xô để lợi dụng mâu thuẫn Xô - Mỹ và tranh thủ vốn và kỹ thuật của Mỹ sang xúc tiến bình thường hoá toàn diện quan hệ với Liên Xô, giữ cân bằng giữa quan hệ của họ với Xô và với Mỹ, đồng thời từng bước cải thiện quan hệ với các nước láng giềng để tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho việc cải thiện thế của Trung Quốc trên thế giới và châu Á.
    Tháng 1.89, ta nối lại đàm phán với Trung Quốc để cố gắng bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc đồng thời khẳng định thái độ ủng hộ Nhà nước Campuchia giữ vững thành quả cách mạng.
    Ngày 5.1.89, TBT Nguyễn Văn Linh dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam sang PhnomPenh dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Cộng hoà Nhân dân Campuchia. Ngay chiều hôm đó (16 giờ) TBT Nguyễn Văn Linh đã có cuộc hội đàm với Heng Somrin tại Hoàng Cung. Heng Somrin thông báo: “Bộ Chính trị (Campuchia) đã nhất trí sẽ tiếp tục tấn công ngoại giao trên cơ sở rút quân Việt Nam đồng thời với việc ngăn chặn viện trợ quân sự nước ngoài giúp bọn Khmer đối địch, chấm dứt mọi sự can thiệp vào cách mạng Campuchia... tạo điều kiện thuận lợi cho hoà đàm Việt Nam - Trung Quốc, Liên Xô - Trung Quốc, đẩy mạnh thương thuyết Campuchia - Thái Lan. Chúng ta phải có một lịch rút quân mới, trong đó nếu có một giải pháp chính trị, ta sẽ tuyên bố rút hết quân Việt Nam không chậm quá tháng 9.89. Nếu Việt Nam đồng ý, sẽ tuyên bố trong diễn văn của tôi và của đồng chí ngày mai”. Nguyễn Văn Linh tán thành và đề nghị thông báo lại cho Liên Xô và Lào biết. Ngay chiều tối hôm đó anh Linh đã bảo tôi sửa lại bài diễn văn của anh theo như hai bên đã thoả thuận.
    Sáng 6.1.89, trong buổi mít tinh long trọng, TBT Heng Somrin tuyên bố: “Campuchia và Việt Nam đã thoả thuận là nếu có giải pháp chính trị thì quân Việt Nam sẽ rút hết, chậm nhất là vào tháng 9.90”. TBT Nguyễn Văn Linh cũng tuyên bố: “Việt Nam hoàn toàn nhất trí với Campuchia sẽ rút toàn bộ quân Việt Nam còn lại vào cuối tháng 9.90. Việc rút hết quân phải song song với việc chấm dứt viện trợ của nước ngoài, chấm dứt việc sử dụng lãnh thổ nước ngoài chống Campuchia, tiến hành dưới sự kiểm soát quốc tế.
    Qua những cuộc trao đổi giữa ta với bạn, là một thành viên trong đoàn Việt Nam, tôi đã dự cảm chừng nào những khó khăn khi đi sâu vào giải pháp. Lãnh đạo Campuchia có phần quá tự tin, muốn ta hoàn toàn ủng hộ bạn ăn cả; còn ta lại thiên về giải quyết vấn đề Campuchia một cách thuận lợi cho cải thiện quan hệ Việt-Trung.
    Trong nửa đầu năm 1989, đã có hai vòng đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao giữa ta với Trung Quốc (Đinh Nho Liêm và Lưu Thuật Khanh) tại Bắc Kinh. Vòng đầu (16-19.1.89). Trung Quốc chỉ trao đổi lướt qua về quan hệ hai nước rồi tập trung đàm phán vấn đề Campuchia. Hai bên thoả thuận tương đối nhanh mấy vấn đề về mặt quốc tế của giải pháp Campuchia (rút quân Việt Nam, giám sát quốc tế, chấm dứt viện trợ quân sự, tổng tuyển cử). Hai bên đồng ý thúc đẩy các bên Campuchia thương lượng để sớm đạt giải pháp về Campuchia, Trung Quốc cho là mặt quốc tế cơ bản đã xong, muốn ta thoả thuận hướng giải quyết mặt nội bộ của giải pháp Campuchia, chủ yếu là vấn đề chính quyền và vấn đề quân đội của các bên Campuchia trong thời kỳ quá độ (thời gian ngừng bắn cho đến tổng tuyển cử), cho rằng có thoả thuận và đạt kết quả về 2 vấn đề này thì mới có giải pháp, nếu không thì mặt quốc tế có thoả thuận cũng không giải quyết được, và khó bàn quan hệ hai nước. Lập trường của ta là các vấn đề nội bộ Campuchia phải do các bên Campuchia giải quyết. Đáng chú ý là Tiên Kỳ Tham khi tiếp Đinh Nho Liêm có nói: “4 nước Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam, Thái Lan là những nước có liên quan trực tiếp, có trách nhiệm về vấn đề Campuchia, cần thoả thuận với nhau về chính quyền lâm thời 4 bên Campuchia trong thời kỳ quá độ thì mới giải quyết được vấn đề Campuchia”. Họ nói đã bàn với Liên Xô và Liên Xô đã nhất trí nguyên tắc này.
    Ngày 11.2.89, BCT họp bàn đề án đấu tranh về vấn đề Campuchia theo hướng:
    • Tách và giải quyết từng bước mặt quốc tế và mặt nội bộ của vấn đề Campuchia;
    • gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với yêu cầu kiến lập hoà bình ở Đông Nam Á;
    • triển khai các diễn đàn: Việt–Trung (vòng 2), JIM 2, 4 bên Campuchia, Thái–SOC, Việt–Thái, Việt–Mỹ.
    Trên tinh thần đó, ngày 15.2.89, tôi cùng mấy cán bộ CP87 bay đi Jakarta họp Nhóm làm việc30 để chuẩn bị cho cuộc họp JIM 2 (19-21.2.89) với thành phần cũng như JIM 1 (các bên Campuchia, Việt Nam, Lào và 6 nước ASEAN). Hội nghị khẳng định lại kết quả đạt được năm trước ở JIM 1 (25-28.7.88) và nhất trí là vấn đề Campuchia phải được giải quyết bằng một giải pháp chính trị, góp phần vào việc thiết lập khu vực hoà bình ổn định Đông Nam Á. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một nước Campuchia độc lập, có chủ quyền, hoà bình, trung lập và không liên kết trên cơ sở quyền tự quyết và hoà hợp dân tộc. Hội nghị nhất trí cần triệu tập Hội nghị quốc tế về Campuchia để bàn và đi đến một giải pháp chính trị toàn diện, công bằng và hợp lý cho vấn đề Campuchia.
    Ngày 14.3.89 BCT họp quyết định rút hết quân khỏi Campuchia vào cuối tháng 9.89 và thúc đẩy diễn đàn Hunxen – Sihanouk.
    Sang vòng 2 đàm phán Việt-Trung (8-10.5.89) vẫn tại Bắc Kinh, cuộc đàm phán vấp ngay vào hai tảng đá lớn: vấn đề diệt chủng và việc xử lý các vấn đề nội bộ Campuchia (lập chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu, đông kết và giảm quân đội của 4 bên Campuchia). Đàm phán kết thúc mà không đi đến kết quả gì. Phía Trung Quốc đề nghị tạm thời chưa tính đến đàm phán vòng 3. Tiền Kỳ Tham nói với Đinh Nho Liêm rồi sau đó công bố: “bình thường hoá quan hệ hai nước chỉ có thể thực hiện sau khi vấn đề Campuchia đã được giải quyết, không phải là trước đó”. Sau này Trung Quốc đã nói toạc ra rằng: “Việt Nam không những phải rút hết quân ra khỏi Campuchia mà còn có trách nhiệm giải quyết những hậu quả của việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia, cụ thể là xoá chính quyền và quân đội CHND Campuchia đã được hình thành sau khi quân Việt Nam vào PhnomPenh đánh đuổi bọn Polpot”.
    Việc Trung Quốc nối lại đàm phán với Việt Nam lúc này, mà phía Trung Quốc gọi là “gặp gỡ nội bộ”, theo tôi, mục đích chính là để biểu diễn cho thế giới thấy là Trung Quốc đã nắm con chủ bài giải quyết vấn đề Campuchia.

    Chương 8.


    8. HIỆP MỘT CỦA HỘI NGHỊ QUỐC TẾ PARIS VỀ CAMPUCHIA


    Hai tháng sau, Hội nghị quốc tế Paris về Campuchia (30.7-30.8.89) được triệu tập. Hội nghị tuy chưa giải quyết được vấn đề Campuchia nhưng có thể nói đã mở ra giai đoạn kết thúc. Sau JIM, đây là đỉnh cao của các diễn đàn và là cuộc hội nghị quốc tế đầu tiên bàn về vấn đề Campuchia. Hội nghị tiến hành ngoài khuôn khổ của LHQ tuy có mặt De Guellar, Tổng thư ký LHQ, và bộ trưởng ngoại giao 5 nước thành viên Hội Đồng Bảo An. Tổng Thư ký LHQ dự hội nghị chỉ với tư cách một thành viên của hội nghị. Trong hội nghị này, lần đầu các bên Campuchia đối địch ngồi sát cạnh nhau, dưới một cái biển ghi tên chung là Campuchia. Ngoài đại diện của 4 phái Campuchia: Hunxen (CHND Campuchia), Khiêu Samphon (Khmer Đỏ), Ranarit (phái Sihanouk), Son Soubert (con Son San), có các đoàn đại biểu của 17 nước do bộ trưởng ngoại giao dẫn đầu: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Úc, Ấn Độ, Canada, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Inđônêxia, Singapore, Malaysia, Philippin, Brunei. Phong trào Không Liên Kết do ngoại trưởng Zimbawe đại diện. Ngoại trưởng Pháp Roland Dumas và ngoại trưởng Inđônêxia Ali Alatas là đồng chủ tịch hội nghị.
    Sáng 28.7.89, tôi cùng đại bộ phận đoàn ta tới Paris. Đoàn có các anh Lê Mai, Đặng Nghiêm Hoành, Ngô Điền, Hà Văn Lâu, Trần Huy Chương, Lê Công Phụng, Huỳnh Anh Dũng, chị Tôn Nữ thị Ninh. Thiếu tướng Phi Long được Bộ Quốc Phòng cử đi tham gia đoàn. Ngày 29.7 anh Nguyễn Cơ Thạch đến nơi. Hội nghị khai mạc chiều 30.7. Thành phần hội nghị tuy xem như không có lợi cho ta, song ta đến hội nghị với thế mạnh của Tuyên bố rút hết quân vào cuối tháng 9.89 mà CHND Campuchia vẫn tỏ ra vững vàng tự tin.
    Ngay từ đầu Hội nghị đã vạch ra chương trình phải họp cả tháng – từ 30.7 đến 30.8.89 – vì vấn đề rất phức tạp mà lập trường giải pháp của các bên lại còn khá xa nhau. Suốt thời gian hội nghị nổi cộm lên hai vấn đề lớn:
    1. Loại trừ hay chấp nhận bọn diệt chủng Polpot;
    2. Duy trì hay xoá bỏ nguyên trạng chính trị và quân sự ở Campuchia.
    Cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trong suốt quá trình hội nghị. Đối phương dùng áp lực của 5 nước lớn và đa số trong hội nghị đòi áp đặt việc lập Chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu và đòi lập bộ máy kiểm soát quốc tế của LHQ. Còn phía ta đòi loại trừ bọn diệt chủng Polpot, đòi tôn trọng nguyên tắc nước ngoài không được can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia, tôn trọng nguyên trạng ở Campuchia có hai chính quyền, tôn trọng quyền của nhân dân Campuchia tự quyết định chế độ chính trị của mình và lập chính phủ của mình thông qua tổng tuyển cử tự do. Phía ta chấp nhận vai trò của LHQ nếu LHQ chấm dứt những nghị quyết thiên vị, ủng hộ một bên chống một bên.
    Phát biểu của ta tại phiên họp toàn thể tập trung lên án diệt chủng Polpot, khẳng định kết luận của JIM về hai vấn đề then chốt (rút quân Việt Nam và lên án diệt chủng) và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia, đề cao vị trí của Nhà nước Campuchia. Các ngoại trưởng chỉ dự các phiên họp toàn thể hội nghị trong 3 ngày đầu và 2 ngày cuối của hội nghị, còn phần lớn thời gian dành cho các buổi họp các uỷ ban: ủy ban 1 (về kiểm soát ), uỷ ban 2 (về bảo đảm quy chế), uỷ ban 3 (về người tị nạn và vấn đề tái thiết Campuchia), uỷ ban ad hoc (gồm các bên Campuchia để bàn các vấn đề thuộc nội bộ Campuchia) và uỷ ban Phối hợp, có nhiệm vụ thảo luận thực chất nội dung của giải pháp.
    Cũng trong thời gian này, ta tranh thủ tiếp xúc riêng các đoàn. Ngày 3.8, thứ trưởng ngoại giao Liên Xô Rogatchev cho biết: phó đoàn Trung Quốc Lưu Thuật Khanh nói do không có thời gian nên Tiền Kỳ Tham không gặp được đồng chí Nguyễn Cơ Thạch; nhưng Tiền lại nói nếu đồng chí Trần Quang Cơ yêu cầu thì có thể gặp (?). Hôm sau Lưu Thuật Khanh lại nhắn qua Rogatchev: Chưa thấy đồng chí Cơ yêu cầu gặp, nếu yêu cầu thì sẽ nhận lời. Đến sáng 7.8.89, ta đặt vấn đề với phía Trung Quốc: Nguyễn Cơ Thạch và Trần Quang Cơ đề nghị gặp quyền trưởng đoàn Trung Quốc Lưu Thuật Khanh (Tiền Kỳ Tham đã về nước) để trao đổi ý kiến. Lưu Thuật Khanh nhận lời ngay. Cuộc gặp diễn ra tại sứ quán Trung Quốc ở Paris ngay 4 giờ chiều ngày hôm đó. Thái độ của Lưu tỏ ra nhã nhặn tuy lập trường Trung Quốc chưa có gì khác. Lưu nói nếu Việt Nam đồng ý có chính phủ lâm thời 4 bên Campuchia (tức là có cả Khmer đỏ như một thành viên ngang với 3 bên kia) thì vấn đề Campuchia coi như giải quyết, và thanh minh là Trung Quốc không muốn phía 3 phái chiếm 3/4 chiếc bánh, chỉ cần có sự tham gia của cả 4 bên Campuchia, còn chia phần như thế nào là tuỳ họ. Nếu chỉ 2 bên, 3 bên thì không thực tế và không chấp nhận được. Lưu đề nghị ta không dùng từ “diệt chủng”; vấn đề diệt chủng là việc nội bộ Campuchia, do họ tự giải quyết.
    Sở dĩ Trung Quốc đến Hội nghị Paris trong khi chưa sẵn sàng giải quyết vấn đề Campuchia là vì họ đang cố gắng gỡ thế cô lập sau sự kiện Thiên An Môn và trong lúc nội bộ họ vẫn đấu tranh gay gắt về các vấn đề đối nội và đối ngoại. Trung Quốc bất chấp tình hình thực tế, đưa ra đòi hỏi rất cao là xoá nguyên trạng ở Campuchia trước tổng tuyển cử, chia sẻ quyền lực cho 4 phái, làm suy yếu cách mạng Campuchia, chia rẽ 3 nước Đông Dương. Mỹ, phương Tây, ASEAN mâu thuẫn với Trung Quốc về vấn đề Khmer Đỏ, nhưng thống nhất với Trung Quốc trong việc không chấp nhận nguyên trạng ở Campuchia, và có lợi ích không làm xấu thêm quan hệ với Trung Quốc.
    Chiều 10.8, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Lambertson cùng 4 người trong đoàn Mỹ tới phòng làm việc của đoàn ta ở Trung tâm hội nghị Kléber, yêu cầu gặp tôi để trao đổi về vấn đề Campuchia. Tôi cùng anh Lê Mai đã tiếp họ trong 1 tiếng. Họ trình bày quan điểm của Mỹ về vấn đề Campuchia: cần có giải pháp toàn bộ, không nhận giải pháp bộ phận; có sự chia sẻ quyền lực thật sự cho các phái Khmer không cộng sản và trao thực quyền cho Sihanouk, chứ không phải tượng trưng, mong Việt Nam tác động để Hunxen mềm dẻo hơn. Về vấn đề diệt chủng và Khmer Đỏ, họ vẫn giữ lối nói nước đôi. Họ nói đến triển vọng quan hệ tốt giữa Mỹ và Việt Nam, nhưng không quên vấn đề MIA. Ngày 11.8.89 anh Thạch về nước, đến 25.8 mới trở lại. Còn cả đoàn ở lại, chia nhau đi họp các uỷ ban
    Tuy ta cố tránh tranh cãi với đoàn Trung Quốc trong các buổi họp chung như đã thoả thuận với Lưu Thuật Khanh, nhưng trong buổi họp uỷ ban 1 (Uỷ ban về kiểm soát quốc tế) ngày 16.8 bàn vấn đề diệt chủng, sau khi tôi phát biểu lên án Khmer Đỏ, vạch tội ác diệt chủng, đại biểu Trung Quốc đã phản bác: Việt Nam đòi kết tội diệt chủng là để che dấu hành động xâm lược, thoái thác trách nhiệm, viện cớ chống diệt chủng để đưa quân trở lại Campuchia; kết tội diệt chủng thì Khmer Đỏ sẽ không được tham gia chính quyền, sẽ vào rừng tiếp tục đánh nhau, do đó sẽ không có hoà bình ở Campuchia; và đổ tội cho Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm về thành công hay thất bại của hội nghị. Tôi không thể không phát biểu đập lại các luận điệu đó, khẳng định phải giải quyết vấn đề ngăn chặn diệt chủng mới giải quyết được các vấn đề khác. Tôi vạch rõ sự thật lịch sử là những năm 1975-1978 là thời gian chế độ diệt chủng Polpot hoành hành thì Việt Nam không có mặt ở Campuchia, lúc đó chỉ có cố vấn Trung Quốc mà thôi.
    Sau phát biểu của ta về vấn đề diệt chủng, trừ Trung Quốc và Singapore, không còn ai nói cắt bỏ từ “genocide” (diệt chủng). Sihanouk tuyên bố không cho Khmer Đỏ đại diện cho 3 phái, các uỷ ban đều phải ghi nhận và bàn vấn đề diệt chủng, những kẻ đòi không dùng từ “diệt chủng” cũng phải thừa nhận sự tàn bạo của Khmer Đỏ.
    Ngày 29.8.89, theo chương trình đã định, các ngoại trưởng, trừ ngoại trưởng Mỹ và ngoại trưởng Trung Quốc, trở lại Paris để họp phiên kết thúc hội nghị. Ngày 30.8, sau khi trao đổi với hai đồng chủ tịch hội nghị về dự thảo tuyên bố của hội nghị quốc tế, anh Thạch chờ ở phòng họp đến 12 giờ trưa, vì tình hình sức khoẻ phải trở về sứ quán để nghỉ. Ta báo Ban Thư ký hội nghị là thứ trưởng Trần Quang Cơ sẽ là quyền trưởng đoàn Việt Nam dự phiên họp cấp bộ trưởng bế mạc hội nghị.
    Cuộc họp hẹp không chính thức ở cấp bộ trưởng bắt đầu từ khoảng 14 giờ kéo dài gần 5 tiếng. Vì là họp hẹp, mỗi đoàn chỉ có 2 người dự, nên chỉ có tôi và anh Lê Mai trong phòng họp. Cuộc họp này chủ yếu tranh cãi về điều bổ sung vào dự thảo Tuyên bố hội nghị của trưởng đoàn Canada dựa theo ý của Trung Quốc, mang hàm ý phủ nhận kết luận của JIM về 2 vấn đề then chốt của giải pháp. Do chưa hiểu hết ý đồ của đối phương, anh Hunxen đã phát biểu chấp thuận bổ sung này. Để tránh chỗ sơ hở này và không để đối phương có thể khai thác sự khác nhau giữa ta và Campuchia, tôi đã yêu cầu chủ tịch cuộc họp ngừng cuộc họp ít phút để trao đổi riêng giữa 3 đoàn Việt Nam, Campuchia và Lào. Sau khi phân tích để bạn thấy được ý định nguy hiểm của đối phương trong điểm bổ sung này, tôi đề nghị cả 3 đoàn gặp 2 đồng chủ tịch yêu cầu sửa lại bổ sung này, không để cho đối phương có thể lợi dụng câu chữ mập mờ để nói là Hội nghị Quốc tế Paris đã phủ nhận kết luận của JIM về chống diệt chủng.
    Sau khi dự thảo Tuyên bố của Hội nghị được thông qua, mới đi vào phiên họp chính thức để bế mạc Hội nghị sau một tháng làm việc liên tục. Tuyên bố chung ngắn gọn của Hội nghị Quốc tế Paris về Campuchia ghi nhận Hội nghị này là một bước tiến có ý nghĩa. Hội nghị tạm ngừng, kêu gọi các bên Campuchia và các nước có liên quan tiếp tục cố gắng để đi tới một giải pháp toàn bộ.
    Kết quả rất hạn chế của Hội nghị phản ánh tính chất vô cùng phức tạp của vấn đề Campuchia. Việc Việt Nam rút hết quân vào tháng 9.89 và triển vọng Nhà nước Campuchia vẫn đứng vững đã thúc ép đối phương phải có hội nghị này, song chưa tới mức họ phải chấp nhận nguyên trạng chính trị quân sự ở Campuchia. [Hội nghị không thành công do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là Trung Quốc và đối phương muốn giải quyết trên cơ sở xoá bỏ Nhà nước Campuchia, Mặt khác Trung Quốc còn hy vọng làm thay đổi được tình hình sau khi Việt Nam rút quân. Về phía Nhà nước Campuchia, sau chuyến đi Thái Lan ngày 25.1.89 của Hunxen theo lời mời của Thủ tướng Chatichai và sau những lần tiếp xúc với nhóm Chaovalit từ tháng 6.88, Bạn Campuchia có phần ảo tưởng ở Thái Lan và đánh giá không đúng lực lượng của bản thân mình nên tại Hội nghị TƯ lần thứ 9 tháng 7.89 ngay trước Hội nghị Paris, đã quyết tâm “ăn cả” bằng một giải pháp quân sự. Lúc này tình hình Đông Âu có những diễn biến phức tạp bắt đầu từ việc Công đoàn Đoàn kết lên cầm quyền ở Ba Lan.]31
    Ngày 5.10.89, trong khi đã trả lời phỏng vấn báo chí, tôi đã nói về nguyên nhân khiến hội nghị quốc tế Paris chưa thành công:
    Ngay từ những ngày đầu, dư luận trong và ngoài Hội nghị đều đã thấy vật cản chính và duy nhất cho khả năng tiến triển cuả Hội nghị là nhóm đại diện của Polpot được sự khuyến khích và phụ hoạ chủ yếu của một số nước vì lợi ích riêng tư của họ. Càng về cuối Hội nghị, điều này càng thành sự thực hiển nhiên.
    Để lấp liếm trách nhiệm, họ đã vu khống Việt Nam và Nhà nước Campuchia quá cứng rắn khiến Hội nghị bế tắc.
    Làm sao chúng ta có thể đi đến thoả thuận được trong khi đối phương ngoan cố tới mức tự mâu thuẫn một cách trắng trợn trong lập trường cũng như các lập luận của họ ? Họ nói tôn trọng nguyên tắc chủ quyền của nhân dân Campuchia nhưng họ lại đòi phải để các nước ngoài tham gia giải quyết các vấn đề nội bộ Campuchia, lại áp đặt cho nhân dân Campuchia phải chấp nhận một chính phủ theo hình thức họ định ra trước; họ nói họ vô cùng phản đối tội ác giết người của bọn Polpot nhưng họ lại đòi hợp pháp hoá tổ chức diệt chủng và đòi cho chúng được chia quyền cai trị đất nước Campuchia.
    Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm loại trừ hiểm hoạ diệt chủng này. Đặc biệt là những nước xưa nay lớn tiếng doạ Việt Nam rút quân trong khi đó lại lẩn tránh lên án diệt chủng, thì nay đến lượt họ phải có trách nhiệm ngăn diệt chủng gây nội chiến ở Campuchia.
    Về triển vọng quan hệ giữa các nước khu vực với đà tiến triển của vấn đề Campuchia còn tuỳ thuộc các nhân tố chủ quan cũng như khách quan, trong đó có khả năng của ta chuyển hoá các nhân tố khách quan có lợi hơn cho việc thực hiện mục tiêu của ta. Chẳng hạn như khả năng thực hiện phương châm “thêm bạn bớt thù” trong đối ngoại đòi hỏi có được một ý niệm rộng rãi hơn về bạn. Tất nhiên mở rộng việc kết bạn không có nghĩa là thủ tiêu đấu tranh và phải trên cơ sở bảo vệ tốt lợi ích an ninh quốc gia của ta”.
    Cũng nên biết đối với vấn đề diệt chủng ở Campuchia, Liên Xô vì lợi ích chiến lược của mình, nên chủ trương hầu như không khác gì Trung Quốc. Trong cuộc gặp anh Nguyễn Văn Linh ở Hà Nội tối 5.9.89, Heng Somrin cho biết anh vừa đi nghỉ ở Liên Xô về và kể rằng:
    Trước khi đi, tôi nêu yêu cầu được gặp Gorbachov để thông báo tình hình Campuchia và trao đổi một số vấn đề, Liên Xô đồng ý. Nhưng khi đến Liên Xô, đồng chí Gorbachov không gặp tôi mà để đồng chí uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, phó chủ tịch Xô Viết tối cao gặp. Tôi hiểu rằng vì hội nghị quốc tế ở Paris chưa có kết quả gì nên Gorbachov không gặp tôi. Trong khi gặp tôi, phía Liên Xô nói thẳng là chúng tôi phải chấp nhận lập chính phủ liên hiệp 4 bên, cho cả Khmer Đỏ vào và để Sihanouk làm chủ tịch. Chính phủ đó và Sihanouk có thực quyền. Liên Xô giải thích là trong Khmer Đỏ chỉ có Polpot và vài người theo Polpot là xấu thôi, còn lại thì PhnomPenh nên chấp nhận cho họ tham gia chính phủ. Lập trường này của Liên Xô, chúng tôi không đồng ý”.
    Vậy là đến lúc này cả Liên Xô lẫn Trung Quốc vì lợi ích của mình cùng nhất trí trong hành động dùng sức ép nước lớn can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền của Campuchia.

    Chương 9.


    9. ĐẶNG TIỂU BÌNH TIẾP KAYSONE PHOMVIHAN ĐỂ NÓI VỚI VIỆT NAM


    Những biến động lớn trong tình hình thế giới bên ngoài lúc này đã tác động mạnh mẽ tới suy nghĩ của lãnh đạo ta về phương hướng chiến lược đối ngoại. Cuộc khủng hoảng chính trị tại nhiều nước theo chế độ XHCN đã bùng nổ từ năm 1989 và đang có chiều hướng lan rộng ra. Tháng 6.89 xảy ra vụ Thiên An Môn ở Trung Quốc. Cũng trong năm 1989, chế độ XHCN ở các nước Đông Âu như CHDC Đức, Ba Lan, Rumani, Hung, Tiệp, Ba Lan đều đã sụp đổ. Đầu tháng 10.89, TBT Nguyễn Văn Linh đi dự kỷ niệm 40 năm Quốc khánh CHDC Đức, khi về đến Hà Nội thì bức tường Berlin đổ, Honecker bị lật. Lãnh tụ Rumani Ceaucescu, người mà khi ở Berlin anh Linh xem ra tâm đầu ý hợp trong việc bàn chuyện tâm huyết cữu vãn sự nghiệp XHCN thế giới đang lâm nguy, vừa chân ướt chân ráo về đến Bucarest thì bị truy bắt. Với “tư duy mới” của Gorbachov, tình hình Liên Xô ngày càng trở nên lộn xộn.
    Trước tình hình ấy, trong nội bộ lãnh đạo ta đã nảy sinh những ý kiến khác biệt trong nhận định về sự kiện Thiên An Môn cũng như về những biến đổi dồn dập tại các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô. Nổi lên là ý kiến nhấn mạnh mặt XHCN của Trung Quốc, phải bằng mọi giá bắt tay ngay với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội, để chống Mỹ và các thế lực đế quốc khác. Chính điều đó đã tạo nên bước ngoặt khá đột ngột trong thái độ của ta đối với Trung Quốc. Suy nghĩ đơn giản của ta là không có lý gì Việt Nam lại ngủng ngỉnh với Trung Quốc trong khi Liên Xô đã bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc từ tháng 5.89. Lào cũng đã thoả thuận trao đổi đại sứ trở lại với Trung Quốc và bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, đánh dấu bằng cuộc đi thăm chính thức Trung Quốc của Kayson Phomvihan, TBT Đảng NDCM Lào, tháng 10.89.
    Chính là thông qua cuộc nói chuyện với Kayson ngày 7.10.89 ở Bắc Kinh mà Đặng Tiểu Bình đã bộc lộ rõ phần nào những tính toán sâu xa của mình đối với Việt Nam: phân hoá Việt -Lào, Việt - Campuchia, Việt – Xô và phân hoá cả nội bộ Việt Nam. Đặng nói với Kayson rằng: Việt Nam đã có biểu hiện chống Trung Quốc từ khi Hồ Chí Minh còn sống; rằng sau khi thắng Mỹ, Lê Duẩn trở mặt chống Trung Quốc, xâm lược Campuchia, Việt Nam đi theo Liên Xô, đưa quân vào Campuchia, nên mới có chuyện Trung Quốc đánh Việt Nam. Lúc đầu Trung Quốc cho là vì Brejnev xúi giục nên Việt Nam xâm lược Campuchia, nhưng chính là do Việt Nam có ý đồ lập Liên bang Đông Dương, không muốn Lào, Campuchia độc lập. Việt Nam chống Trung Quốc vì Trung Quốc là trở ngại cho việc lập Liên bang Đông Dương... Trong khi không tiếc lời phê phán Lê Duẩn, Đặng đã hết lời ca ngợi Nguyễn Văn Linh. Đặng kể lại khi làm TBT Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 1963, đã tổ chức đưa Nguyễn Văn Linh từ miền Nam sang Hồng Kông để đi Bắc Kinh gặp nhau, khen anh Linh là “người tốt, sáng suốt và có tài”; nhờ Kayson chuyển lời hỏi thăm anh Linh; khuyên Nguyễn Văn Linh nên giải quyết dứt khoát vấn đề Campuchia, nếu làm được việc này thì sẽ khôi phục được uy tín của Việt Nam. Cho đây là việc Việt Nam phải làm, vì những gì Việt Nam đang làm là sai lầm; mong muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam trước khi ông ta nghỉ hưu… Về điều kiện bình thường hoá quan hệ Trung – Việt, Đặng nhấn mạnh Việt Nam phải rút hết quân, rút triệt để, rút thật sự khỏi Campuchia thì sẽ có bình thường hoá quan hệ (tuy lúc đó ta đã kết thúc đợt rút quân cuối cùng khỏi Campuchia từ ngày 26.9.89).
    Theo thông báo của đại sứ Lào tại Trung Quốc, trong 70 phút nói chuyện với Kayson, Đặng nói về Việt Nam và quan hệ Trung – Việt tới 60 phút.
    Ngày 21.10.89 BCT ta đã họp để nhận định về phát biểu của Đặng Tiểu Bình khi tiếp Kayson cuộc họp đã đi đến kết luận là: trong lúc Trung Quốc đang còn găng với ta, ta cần có thái độ kiên trì và thoả đáng, không cay cú, không chọc tức nhưng cũng không tỏ ra nhún quá. Cần tiếp tục thực hiện đường lối Đại hội VI và Nghị quyết 13 của BCT, cần thấy cả mặt XHCN và mặt bá quyền nước của Trung Quốc. Trong khi cố kéo Trung Quốc, ta cần đồng thời hoạt động trên nhiều hướng; củng cố kết chặt chẽ với Lào; phân hoá Mỹ, phương Tây, ASEAN với Trung Quốc.
    Theo phương hướng đó, ngày 6.11.89, anh Thạch đã chuyển qua đại sứ Trung Quốc thông điệp miệng của TBT Nguyễn Văn Linh gửi Đặng Tiểu Bình, ngỏ ý mong sớm có bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ba tuần sau, anh Thạch lại gửi thư cho Tiền Kỳ Tham nhắc lại thông điệp ngày 6/11 và đề nghị phía Việt Nam sẵn sàng gặp lại phía Trung Quốc ở cấp bộ trưởng hoặc thứ trưởng ngoại giao tại Hà Nội hoặc Bắc Kinh trong tháng 12.89. Nhưng Trung Quốc không trả lời thông điệp của TBT ta lẫn thư của anh Thạch.
    Mãi đến ngày 12.12.89, Đại sứ Trung Quốc mới gặp anh Thạch chuyển thông điệp miệng của Trung Quốc trả lời TBT Nguyễn Văn Linh, vẫn đặt điều kiện cho việc nối lại đàm phán với ta: “Đồng chí Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo khác của Trung Quốc chân thành mong muốn sớm bình thường hoá quan hệ Trung – Việt. Vấn đề Campuchia là nguyên nhân chủ yếu làm cho quan hệ hai nước xấu đi đến nay chưa được cải thiện. Việc khôi phục quan hệ hữu nghị giữa hai nước chưa có thể cải thiện nếu bỏ qua vấn đề Campuchia. Đồng chí Đặng Tiểu Bình có nêu ra là việc Việt Nam rút quân sạch sẽ, triệt để và việc Campuchia lập Chính phủ Liên hiệp Lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu là hai vấn đề hạt nhân thiết thực cần đồng thời giải quyết. Phía Trung Quốc sẵn sàng suy xét đề nghị của Việt Nam về việc mở vòng thương lượng mới ở cấp thứ trưởng nếu Việt Nam chấp nhậnmột cơ chế giám sát quốc tế do LHQ chủ trì có 4 bên Campuchia tham gia để kiểm chứng việc rút quân Việt Nam và lập chính phủ 4 bên do Sihanouk đứng đầu trong thời kỳ quá độ”.
    Ngày 11.11.89, BCT họp bàn và thông qua đề án đấu tranh ngoại giao về vấn đề Campuchia. Trên cơ sở đánh giá tình hình quân sự, chính trị trên chiến trường và xu thế chung trên thế giới, ta chủ trương cần phấn đấu đạt một giải pháp chính trị về vấn đề Campuchia. Để ra 4 phương án về cơ quan quyền lực ở Campuchia trước tổng tuyển cử. Phương án thấp nhất là giữ nguyên bộ máy của hai chính phủ đang tồn tại, lập chính phủ liên hiệp hai bên ở trung ương để tổ chức tổng tuyển cử và thực hiện những điều thoả thuận.
    Ngày 2.12.89, anh Thạch sang bàn với BCT Campuchia, phân tích chiến tranh ở Campuchia là một cuộc nội chiến, Việt Nam không thể đưa quân trở lại (4 ngày sau khi Việt Nam rút quân đợt cuối, lực lượng Son San đã đánh chiếm Thmar Ponk; ngày 22.10.89, Khmer Đỏ đánh chiếm Pailin và uy hiếp thị xã Battambang, theo yêu cầu của Bạn, ta phải đưa lực lượng đặc biệt lên giúp), nói kỹ về tính chất quốc tế của vấn đề Campuchia và xu thế trên thế giới. Bàn với Bạn cần đấu tranh để đạt một giải pháp chính trị để giành giật thắng lợi từng bước. BCT Bạn hoàn toàn nhất trí và thấy cần sử dụng vai trò LHQ như sáng kiến của Ngoại trưởng Úc G. Evans ngày 24.11.89.
    Cuộc họp BCT ta ngày 6.12.89 đã bàn về sáng kiến của Úc và nhất trí về việcsử dụng vai trò LHQ. Sau khi trao đổi, BCT Campuchia hoàn toàn đồng ý với ý kiến của BCT ta. Từ ngày 10-25.1.90, Bạn triệu tập Hội nghị TƯ 10 để bàn đi vào giải pháp chính trị. Ngày 18.1.90, quốc hội Campuchia đã thông qua việc để LHQ tổ chức tổng tuyển cử, uỷ quyền cho Hunxen đàm phán về vấn đề này.
    Việc ta và Bạn Campuchia chấp nhận sử dụng vai trò LHQ và xem xét sáng kiến của Úc để giải quyết vấn đề phân chia quyền lực bị bế tắc ở Hội nghị quốc tế Paris đã thúc đẩy mạnh mẽ các diễn đàn bàn về vấn đề Campuchia: cuộc họp IMC ở Jakarta ngày 26.3.90, các cuộc họp P5, cuộc họp Hunxen-Sihanouk vòng 6 ở Bangkok ngày 22.2.90
    Từ 26.2 đến 1.3.90 tại thủ đô Inđônêxia đã họp Hội nghị không chính thức về Campuchia (IMC)32. Dự họp ngoài các bên Campuchia, Việt Nam, Lào và 6 nước ASEAN (như họp JIM), còn có thêm đại diện Tổng Thư ký LHQ, Pháp và Úc. Hội nghị không ra được tuyên bố chung vì Khmer Đỏ dùng quyền phủ quyết.
    Thất bại của Mặt trận Giải phóng Sandino trong cuộc tổng tuyển cử ở Nicaragua ngày 25.2.90 và thất bại của cuộc họp IMC về vấn đề Campuchia ở Jakarta ngày 28.2.90 đã tác động mạnh vào lãnh đạo ta về phương hướng giải quyết vấn đề Campuchia.
    Ngày 8.3.90, cố vấn Lê Đức Thọ cho gọi tôi và anh Đinh Nho Liêm đến nhà riêng ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân nói mấy ý kiến về vấn đề Campuchia: Cần có chuyển hướng chiến lược trong đấu tranh về vấn đề Campuchia. Phải giải quyết với Trung Quốc, nếu không thì không giải quyết được vấn đề Campuchia. Không thể gạt Khmer Đỏ. Cần mềm dẻo về vấn đề diệt chủng, có thể nói “không để trở lại chính sách sai lầm trong quá khứ”. Không chấp nhận LHQ tổ chức tổng tuyển cử. Cần nêu phương án lập chính phủ liên hiệp lâm thời hai bên bốn phái để tổ chức tổng tuyển cử ở Campuchia. Phải giải quyết một bước cơ bản vấn đề Campuchia trước Đại hội VII để khai thông những vấn đề khác.
    Hai hôm sau anh lại nói với Nguyễn Cơ Thạch những ý đó. Sự việc này khiến tôi suy nghĩ: tại sao lại thay đổi phương hướng đối sách trước khi đại hội Đảng họp ? Tại sao lại chỉ nói với anh Thạch sau khi đã nói với chúng tôi ?
    Từ ngày 8-20.3.90, Heng Somrin nghỉ ở Hà nội, có dịp gặp gỡ TBT Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Lê Đức Thọ, Cố vấn Phạm Văn Đồng, Lê Đức Anh trao đổi về tình hình Liên Xô Đông Âu, Nicaragua và tất nhiên về tình hình Campuchia. TBT Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh nói cần phải cảnh giác với LHQ, không thể để LHQ tổ chức tổng tuyển cử ở Campuchia. Từ đấy Bạn Campuchia chuyển sang phương án SNC tổ chức tổng tuyển cử, không tán thành để LHQ tổ chức tổng tuyển cử nữa. Sau này, ngày 11.8.90, khi nhắc lại vấn đề này, Hunxen than phiền với anh Ngô Điền, Đại sứ ta ở PhnomPenh: “Khi anh Heng Somrin đi nghỉ ở Hà nội, đồng chí Nguyễn Văn Linh và đồng chí Lê Đức Anh gặp anh Heng Somrin tỏ lo ngại về việc sử dụng vai trò LHQ. Anh Heng Somrin về nói lại cái này. Tôi có nói là giao cho LHQ có mặt phức tạp nhưng giao cho SNC phức tạp hơn vì nó có hệ thống, người nhiều mà ta còn phải lo đối phó với cả LHQ nữa. Cái này làm tôi rất khó. Quyết định của hai đồng chí TBT làm tôi rất khó. Không nên để có ý kiến khác nhau giữa TBT và Thủ tướng. Tôi phải làm theo ý kiến nhất trí… Việc sử dụng vai trò LHQ hay SNC là bộ phận quan trọng của quyết định chiến lược có đi vào giải pháp chính trị hay không. Dùng SNC rất phức tạp. Campuchia không đủ người và khả năng tham gia các uỷ ban của SNC để đối phó với bọn kia.” Hunxen còn cho biết ngày 20-21.5.90, khi 3 TBT Việt Nam, Lào, Campuchia gặp nhau tại Hà nội nhân dịp 100 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch, bàn việc không để LHQ tổ chức tổng tuyển cử ở Campuchia, TBT Đảng Lào Kayson băn khoăn điều này và nói: “ Ta nhận rồi tâ lại thôi. Ta trèo cao rồi, nếu tuột xuống dễ ngã đau”.
    Đến ngày 3.4.90, Trung Quốc đột nhiên lại biểu thị hoan nghênh việc thứ trưởng Đinh Nho Liêm đến Bắc Kinh “kiểm tra sứ quán” và công bố tin Trung Quốc sẽ đàm phán với thứ trưởng ngoại giao Việt Nam về vấn đề Campuchia.
    Lúc này CP 87 đã giải thể. Các thành viên thường trực của CP 87 đều đã được bổ nhiệm đi nhận các trọng trách ở nước ngoài. Anh Đặng Ngiêm Hoành đã nhận quyết định đi Đại sứ ở Trung Quốc. Anh Trần Xuân Mận nhận chức Đại sứ ở Angiêri. Anh Nguyễn Phượng Vũ trên đường đi nhận chức Đại sứ ở Philipin, đã chết trong tai nạn máy bay trên bầu trời Thái Lan . Thay vào đó, Bộ Ngoại Giao đã lập Nhóm ad hoc về giải pháp Campuchia với nhiệm vụ cụ thể hơn vì vấn đề Campuchia đã đến lúc giải quyết. Nhóm vẫn do tôi phụ trách, có các anh Trần Huy Chương, Lê Công Phụng, Huỳnh Anh Dũng, Nguyễn Can tham gia.
    Nhóm nghiên cứu giải pháp Campuchia chúng tôi nhận định có mấy lý do đã khiến Trung Quốc mềm mỏng hơn trong thái độ đối với Việt Nam về vấn đề Campuchia:
    - Quan hệ Mỹ – Xô đang có chuyển động mạnh. Chỉ trong vòng 6 tháng, từ tháng 12.89 đến tháng 5.90, đã có 2 cuộc gặp cấp cao Xô - Mỹ. Trong khi đó quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây chậm khôi phục sau vụ Thiên An Môn.
    - Giữa Trung Quốc với Mỹ, ASEAN, phương Tây đang nảy sinh những mâu thuẫn mới về vấn đề Campuchia, chủ yếu trong vấn đề đối xử với Khmer Đỏ. Trong các cuộc họp 5 nước thường trực Hội Đồng Bảo An tháng 2 và tháng 3.90, Trung Quốc ở thế bị cô lập đã buộc phải có nhân nhượng và phải chấp nhận vai trò lớn của LHQ.
    - Đàm phán Sihanouk – Hunxen có tiến triển. Ngày 9.4.90 Sihanouk có phần nhượng bộ khi đưa ra 9 điểm giải pháp, nhận lập Hội đồng Dân tộc Tối cao (SNC33) gồm số đại diện bằng nhau của hai chính phủ, 6 của Chính phủ PhnomPenh và 6 của “Chính phủ Campuchia Dân chủ” như Hunxen đề nghị; không đòi giải tán Nhà nước Campuchia (SOC), tuy đòi thực quyền cai quản Campuchia trong thời kỳ quá độ phải là cơ cấu quyền lực của LHQ.
    Ngày 10.4.90, BCT họp bàn phương hướng thúc đẩy giải pháp chính trị vấn đề Campuchia. Đề án đấu tranh sách lược về vấn đề Campuchia do Bộ Ngoại Giao dự thảo: dùng công thức LHQ nói về vấn đề diệt chủng và cho Khmer Đỏ vào chính phủ liên hiệp Campuchia, nhận vai trò Sihanouk. BCT thấy không nên giao cho LHQ tổ chức tổng tuyển cử mà nên trở lại phương án 4 mà BCT thông qua ngày 6.12.89 (lập chính phủ liên hiệp để tổ chức tổng tuyển cử.) Đại đa số BCT đồng ý. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên còn nhấn vào âm mưu của đế quốc Mỹ sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Âu. TBT có ý kiến: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN cùng chống âm mưu đế quốc xoá bỏ CNXH, phải cùng chống đế quốc. Trước hết phải phát triển quan hệ giữa 2 nước. Các vấn đề khác giải quyết sau… một Campuchia thân thiện với Trung quốc, thân thiện với Việt Nam là tốt nhất. Trên cơ sở điểm đồng này mà giải quyết vấn đề Campuchia có lợi cho Campuchia… Phương án 4 là tốt. Không để LHQ nhúng tay vào vì LHQ là Mỹ, Thái lan là Mỹ”.34
    Riêng Nguyễn Cơ Thạch nói rõ quan điểm của Bộ Ngoại giao là cần tranh thủ Trung Quốc, song đồng thời phải chuẩn bị có 3 khả năng về thái độ của Trung Quốc.
    khả năng 1: Trung Quốc cùng ta bảo vệ chủ nghĩa xã hội;
    khả năng 2: Trung Quốc cấu kết với Mỹ chống ta như trước;
    khả năng 3: Trung Quốc vừa bình thường hoá quan hệ với ta, vừa tranh thủ Mỹ, phương Tây là chính.
    Lúc đó tôi có cảm giác nhiều uỷ viên BCT không tán thành quan điểm này vì đã có định hướng “cùng Trung Quốc bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc”.
    Ngày 16.4.90, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị theo hướng sớm làm lành với Bắc Kinh, anh Nguyễn Cơ Thạch đi PhnomPenh gặp 4 người chủ chốt trong BCT Campuchia: Heng Somrin, Chia Xim, Hunxen và Sor Kheng để cố thuyết phục bạn nên tính tới bước sách lược về vấn đề diệt chủng và không gạt Khmer Đỏ. Nhưng Bạn Campuchia không đồng ý và tỏ ra muốn giữ đường lối độc lập trong việc giải quyết vấn đề Campuchia, không muốn ta đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề nội bộ của Campuchia. Bạn tỏ ra rất găng về vấn đề diệt chủng, nói nếu bỏ ta sẽ không còn vũ khí gì chống lại các luận điệu của đối phương vu cáo “Việt Nam xâm lược Campuchia”, “chính quyền PhnomPenh do Việt Nam dựng lên”. Hơn nữa chính lúc này phương Tây lại đang khơi lên vấn đề lên án diệt chủng.
    Phải nhận rằng ta khuyên bạn Campuchia đi vào “giải pháp Đỏ” (từ năm 1987), việc ta thuyết phục Bạn chấp nhận vai trò của LHQ (tháng 12.89) rồi lại bảo Bạn bác vai trò của LHQ (tháng 3.90), khuyên Campuchia đi vào phương án 4 (lập chính phủ liên hiệp 2 bên) (tháng 4.90) đã gây nghi ngờ trong lãnh đạo Campuchia đối với Việt Nam. Việc lãnh đạo Campuchia không chấp nhận gợi ý của BCT ta trong cuộc hội đàm ngày 17.4.90 đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ Việt Nam-Campuchia sau khi Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia.
    Ngày 2.5.90 dưới danh nghĩa “đi kiểm tra sứ quán”, anh Đinh Nho Liêm đến Bắc Kinh để có cuộc “trao đổi ý kiến không chính thức” với Trung Quốc. Lần này đối tác không phải thứ trưởng Lưu Thuật Khanh mà là trợ lý bộ trưởng Từ Đôn Tín. Phụ tá cho anh Liêm là anh Đặng Ngiêm Hoành, lúc này đã là đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc từ tháng 2.90. Cuộc đàm phán [có vài tiến triển nho nhỏ.]35
    Nội dung cuộc trao đổi ý kiến chủ yếu về vấn đề Campuchia. Ta tỏ ra mềm dẻo hơn, nói có thể trao đổi ý kiến về một giải pháp toàn bộ, nhưng không thể quyết định về các vấn đề nội bộ Campuchia. Từ nhắc lại lời Đặng Tiêu Bình: Để giải quyết vấn đề Campuchia cần phải thực hiện 3 điểm: một là, Việt Nam thực sự rút quân, rút “sach sẽ, triệt để”, đó là tiền đề cho việc giải quyết vấn đề Campuchia; hai là, sau khi Việt nam rút quân, 4 bên Campuchia cần thực hiện liên hiệp; ba là, chính phủ liên hiệp phải do hoàng thân Sihanouk đứng đầu, Polpot không được mà Hunxen cũng không được. Nếu những vấn đề trên được giải quyết thì có thể nói là chúng ta đã kết thúc quá khứ, tiếp đó sẽ mở ra tương lai.
    Lần này phía Trung Quốc đi vào những vấn đề thuần tuý nội bộ của Campuchia, đòi ta đàm phán về phạm vi quyền lực của SNC và về việc xử lý quân đội “4 bên” Campuchia. Về vấn đề chính quyền Campuchia trong thời kỳ quá độ (từ khi Việt Nam rút hết quân đến khi tổng tuyển cử), Từ nói Trung Quốc thấy tốt nhất là thành lập một chính phủ liên hiệp 4 bên – gọi là Hội đồng Dân tộc Tối cao cũng được – băng không thì phải chọn phương án giao quyền cho LHQ. Chính quyền thời kỳ quá độ này phải bao gồm cả 4 bên Campuchia (với hàm ý Khmer Đỏ được chính thức coi là một bên tham chính) mới thể hiện được tinh thần hoà giải dân tộc. Nếu các đồng chí thấy nói 4 bên có khó khăn thì nói là các bên Campuchia cũng được. Không gạt một bên nào, không bên nào nắm độc quyền. Trong buổi làm việc với anh Đặng Ngiêm Hoành sáng 4.5.90, Vụ phó Trương Thanh cũng nhắc lại ý này: Hội đồng này bao gồm đại diện của 2 chính phủ, 4 bên hay các bên Campuchia đều được. Từ nói: “Nếu so sánh giữa phương án chính phủ liên hiệp lâm thời do Trung Quốc đề ra và phương án LHQ quản lý thì chúng tôi vẫn thấy phương án Trung Quốc là tốt hơn”. Về vấn đề diệt chủng, Từ nói có ý đe doạ là nếu cứ khẳng định Khmer Đỏ phạm tội thì phía bên kia sẽ nói Việt Nam là xâm lược và PhnomPenh là nguỵ quyền, cho nên, không nên nói đến vấn đề đó nữa.
    Trong đàm phán, phía Trung Quốc để lộ rõ ý đồ muốn SNC thực tế sẽ thay thế chính phủ PhnomPenh; còn quân đội của “4 bên” Campuchia phải tập kết vào những địa điểm được chỉ định rồi giải giáp toàn bộ; ít nhất là lúc đầu giảm quân số tới mức tối đa. Mục đích là tước bỏ thế mạnh cả về chính quyền lẫn về lực lượng vũ trang của Nhà nước Campuchia. Cách làm của Trung Quốc đúng là “một mũi tên bắn hai đích”, vừa xoá sạch thành quả cách mạng Campuchi, vừa phân hoá quan hệ Việt Nam-Campuchia. Để tránh đi ngay vào chuyện hóc búa này, anh Liêm nói sẽ đem hai vấn đề này về nghiên cứu thêm rồi sẽ phát biểu. Đồng thời theo chỉ thị trên, ta đã nhận Việt Nam không nói tới từ “diệt chủng” nữa; ta tán thành không nói tới quá khứ nhưng phải đề cập về tương lai và sẽ tìm một công thức khác thích hợp để nói về vấn đề đó. Phía Trung Quốc còn đề nghị lãnh đạo Việt Nam nên gặp Sihanouk như Sihanouk ngỏ ý, để “tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy giải pháp”. Đáng chú ý là Từ Đôn Tín đã gợi ý là sau khi Việt Nam và Trung Quốc nhất tríd được về giải pháp Campuchia thì 3 nước Trung Quốc, Việt nam và Thái Lan sẽ họp lại. Điều này chứng tỏ là Thái Lan giữ một vai trò không nhỏ trong việc cùng Trung Quốc nuôi dưỡng Khmer Đỏ và làm chảy máu Việt Nam bằng vấn đề Campuchia.
    Về bình thường hoá quan hệ hai nước, phía Trung Quốc không mặn mà gì với gợi ý của ta về việc xích lại gần hơn giữa hai nước XHCN để cứu vãn sự nghiệp XHCN chung trên thế giới đang lâm nguy. Trung Quốc chỉ đặt quan hệ với Việt Nam trong khuôn khổ chung sống hoà bình như với các nước láng giềng khác.
    Phần vì tình thế thúc bách đẩy nhanh giải pháp Campuchia, phần vì hài lòng với cuộc gặp ấy, Tiền Kỳ Tham đồng ý đầu tháng 6 sẽ cử Từ Đôn Tín sang Hà nội với danh nghĩa “khách của đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội” để tiếp tục trao đổi ý kiến với ta. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua phía Trung Quốc nhận sang Hà Nội đàm phán với ta, trong khi tuyệt đại đa số các đợt đàm phán Việt – Trung đều tiến hành ở Bắc Kinh. Đồng thái độ này đã được lãnh đạo ta hiểu như một cử chỉ thiện chí đặc biệt của Trung Quốc đối với Việt Nam.

    Chương 10.


    10. THUỐC ĐẮNG NHƯNG KHÔNG DÃ ĐƯỢC TẬT


    Sáng 30.5.90, BCT họp bàn về đàm phán với Trung Quốc, TBT Nguyễn Văn Linh thông báo với Bộ Chính trị về cuộc họp với 2 TBT đảng Lào và đảng Campuchia ngày 20-21.5, nói ra dự định sẽ gặp đại sứ Trung Quốc và Từ Đôn Tín khi Từ đến Hà Nội. Cố vấn Phạm Văn Đồng và một số trong BCT tỏ ý phải thận trọng trong xử sự với Trung Quốc. Anh Tô nói: Mấy nghìn năm Trung Quốc vẫn là Trung Quốc, không nên cả tin. Ta cần thăm dò thúc đẩy nhưng phải cảnh giác, đừng để hớ. Đỗ Mười cũng khuyên anh Linh không nên gặp đại sứ Trung Quốc và Từ Đôn Tín trước cuộc đàm phán. Nhưng Lê Đức Anh lại tỏ ra đồng tình với dự định của anh Linh, cho rằng phải thăm dò và phân tích chiến lược của Trung Quốc, xử lý mối quan hệ của 3 nước lớn và 5 nước thường trực HĐBA, tranh thủ thế giới thứ ba, ủng hộ các nước XHCN. Đa số trong BCT đều cho rằng không nên nói đến “giải pháp Đỏ” với Trung Quốc nữa. Cuối cùng TBT Nguyễn Văn Linh kết luận lại là anh sẽ chỉ gặp đại sứ Trung Quốc, còn không gặp Từ Đôn Tín; về phía lãnh đạo ta, chỉ có anh Thạch tiếp Từ. Nguyễn Văn Linh còn nói khi gặp Trương Đức Duy anh sẽ chỉ nói về hợp tác hai nước và đề nghị gặp cấp cao, không nói đến “giải pháp Đỏ”. Nhưng trên thực tế trong cuộc gặp đại sứ Trung Quốc vài hôm sau, Nguyễn Văn Linh đã lại nêu vấn đề đó.
    Ngày 5.6.90, vài ngày trước khi Từ Đôn Tín đến Hà Nội, TBT Nguyễn Văn Linh đã mời đại sứ Trương Đức Duy (vừa từ Bắc Kinh trở lại Hà Nội) đến Nhà khách Trung ương Đảng nói chuyện thân mật để tỏ lòng trọng thị đối với Bắc Kinh.36 Trong cuộc gặp, như để chấp nhận lời phê bình của Đặng (nói qua Kayson), Nguyễn Văn Linh nói “Trong quan hệ hai nước, 10 năm qua có nhiều cái sai. Có cái đã sửa như việc sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp, có cái sai đang sửa”. Anh sốt sắng ngỏ ý muốn sang gặp lãnh đạo Trung Quốc để “bàn vấn đề bảo vệ Chủ nghĩa xã hội” “đế quốc đang âm mưu thủ tiêu chủ nghĩa xã hội... chúng âm mưu diễn biến hoà bình, mỗi đảng phải tự lực chống lại. Liên Xô là thành trì XHCN , nhưng lại đang có nhiều vấn đề. Chúng tôi muốn cùng các người cộng sản chân chính bàn vấn đề bảo vệ chủ nghĩa xã hội... Tôi sẵn sàng sang Trung Quốc gặp lãnh đạo cấp cao Trung Quốc để khôi phục lại quan hệ hữu hảo. Các đồng chí cứ kêu một tiếng là tôi đi ngay... Trung Quốc cần giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin”. Về vấn đề Campuchia, anh Linh đã gợi ý dùng “giải pháp Đỏ” để giải quyết: “Không có lý gì những người cộng sản lại không thể bàn với những người cộng sản được”, “họ gặp Sihanouk còn được huống chi là gặp lại nhau”.
    Sáng 6.6.90, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh lại gặp riêng và mời cơm đại sứ Trương Đức Duy. Cuộc gặp riêng chỉ giữa hai người, Trương Đức Duy vốn là thông dịch, rất thạo tiếng Việt nên không cần có người làm phiên dịch. Nội dung cuộc gặp này mãi đến ngày 19.6 trong cuộc họp BCT để đánh giá cuộc đàm phán 11-13.6 giữa tôi và Từ Đôn Tín, Lê Đức Anh mới nói là đã gặp Trương Đức Duy để nói cụ thể thêm ba ý mà anh Linh đã nói với đại sứ Trung Quốc hôm trước (gặp cấp cao hai nước; hai nước đoàn kết bảo vệ chủ nghĩa xã hội; hai nhóm cộng sản Khmer nên nói chuyện với nhau). Nhưng trước đó, từ ngày 6.6, phía Trung Quốc (tham tán Lý Gia Trung và Bí thư thứ nhất Hồ Càn Văn) đã cho ta biết nội dung câu chuyện giữa Lê Đức Anh và Trương Đức Duy. Còn đại sứ Trung Quốc cho anh Ngô Tất Tố, Vụ trưởng vụ Trung Quốc biết là trong cuộc gặp ông ta ngày 6.6, anh Lê Đức Anh đã nói khá cụ thể về “giải pháp Đỏ”: “Sihanouk sẽ chỉ đóng vai trò tượng trưng, danh dự, còn lực lượng chủ chốt của hai bên Campuchia là lực lượng Heng Somrin và lực lượng Polpot, Trung Quốc và Việt Nam mỗi bên sẽ bàn với bạn Campuchia của mình, và thu xếp để hai bên gặp nhau giải quyết vấn đề. Địa điểm gặp nhau có thể ở Việt Nam, có thể ở Trung Quốc, nhưng ở Trung Quốc là tốt hơn cả. Đây là gặp nhau bên trong, còn bên ngoài hoạt động ngoại giao vẫn như thường... Ngày xưa Polpot là bạn chiến đấu của tôi...”
    Trưa ngày 9.6.90, Đại sứ Trương Đức Duy nói với Vụ Trung Quốc Bộ Ngoại giao ta rằng, trong cuộc gặp TBT Nguyễn Văn Linh, phía Trung Quốc rút ra được 3 ý kiến:
    1. Đồng chí Nguyễn Văn Linh nói về quan hệ hai nước rất đậm đà. Nói 10 năm qua có nhiều cái sai. Có cái sai như lời nói đầu của Hiến pháp, có cái sai đang sửa. Muốn gặp cấp cao Trung Quốc để trao đổi những vấn đề lớn trong quan hệ hai nước.
    2. Về tình hình quốc tế: tình hình Liên xô, Đông Âu có nhiều thay đổi. Liên Xô trước đây là thành trì của CNXH, nay thành trì này cũng lung lay rồi. Trung Quốc cần giương cao ngọn cờ CNXH, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin. Việt Nam kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin. Những mgười cộng sản chân chính phải đoàn kết để bảo vệ CNXH. Chủ nghĩa đế quốc luôn tấn công vào CNXH. Chúng tuyên bố đến cuối thế kỷ này sẽ làm cho CNXH biến mất.
    3. Về Campuchia: tại sao những người cộng sản không hợp tác với nhau ? Polpot và Hunxen phải hợp tác với nhau.
    Chiều 10.6.90, Bí thư thứ nhất sứ quán Trung Quốc Hồ Càn Văn nói với anh Vũ Thuần, Vụ phó vụ Trung Quốc Bộ Ngoại giao: “Từ Đôn Tín tuy là trợ lý ngoại trưởng nhưng là người có thực quyền trong việc giải quyết các vấn đề châu Á. Trên khía cạnh nào đó có thể nói còn có thực quyền hơn cả cấp thứ trưởng. Việc Từ sang Việt Nam lần này là có sự quyết định của cấp cao nhất của Trung Quốc, chứ không phải Bộ Ngoại giao.
    Theo Hồ Càn Văn, ngày 23.5.90 Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam Vũ Xuân Vinh đã mời Tuỳ viên quân sự Trung Quốc Triệu Nhuệ đến để thông báo là TBT Nguyễn Văn Linh và Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh sẽ tiếp Từ Đôn Tín khi Từ đến Hà Nội. Chính những động thái bất thường và vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao này của ta đã làm cho Trung Quốc hiểu rằng nội bộ Việt Nam đã có sự phân hoá và vai trò của Bộ Ngoại Giao không còn như trước.
    Ngày 8.6.90, khi được biết là lần này tôi sẽ là người đứng ra thay anh Đinh Nho Liêm đàm phán với Từ Đôn Tín. Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh còn điện thoại dặn tôi tránh chủ động nói đến “giải pháp Đỏ”: Việc hai bên Đỏ tiếp xúc với nhau là chuyện lâu dài, cần cho ổn định lâu dài. Trung Quốc sẽ tác động với phía Campuchia thân Trung Quốc, ta sẽ tác động với phía Campuchia thân ta để hai bên kiềm chế việc thù địch nhau. Việc này phải có thời gian, không thể nhanh được, không thể đòi họ trả lời ngay. Đừng thúc họ, cứ để họ chủ động, khi nào trả lời được thì họ trả lời... Phải rất bí mật. Lộ ra rất nguy hiểm. Chỉ nói khi gặp riêng chứ không nói khi đàm phán. Việc anh Nguyễn Văn Linh đặt vấn đề với đại sứ Trương Đức Duy nói sẵn sàng đi Trung Quốc gặp cấp cao nhất, cũng không nên hỏi lại nếu họ chưa nói tới.” Những lời dặn dò này đối với tôi thực ra là không cần thiết, không phải vì tôi sẵn ý thức bảo mật cao, mà bởi vì ngay từ đầu tôi đã khó chịu với cái ý nghĩ gọi là “giải pháp Đỏ”, với ý nghĩ bắt tay với bọn diệt chủng – dù chỉ là gián tiếp - để làm vừa lòng Trung Quốc. Nhưng sự việc trở nên phức tạp khi trưa ngày 11.6.90 sau đàm phán phiên đầu với Từ Đôn Tín tôi về Bộ Ngoại Giao hội báo lại với anh Thạch. Anh Thạch lúc này đang họp Hội nghị ngoại giao đánh giá tình hình Đông Âu - Liên Xô. Nghe tôi phản ánh tình hình đàm phán xong, anh liền gạn hỏi tôi có nói với Từ về “giải pháp Đỏ” không. Tôi nói: “Đồng chí Lê Đức Anh đã dặn phải thận trọng tránh nói đến vấn đề đó khi đàm phán.” Anh Thạch vặn lại: “Vậy đồng chí nghe theo ý kiến bộ trưởng Quốc phòng hay ý kiến bộ trưởng Ngoại giao ?”. Tôi đáp: “Là cán Bộ Ngoại Giao, tôi sẵn sàng chấp hành ý kiến anh, với sự hiểu biết rằng anh nói với tư cách là uỷ viên Bộ Chính trị”. Lúc ấy tôi thật bất ngờ trước phản ứng của anh Thạch, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được vết rạn nứt trong BCT đã khá sâu.
    Phía Trung Quốc tất nhiên không để lọt hiện tượng này vì chính họ đang muốn tác động vào nội bộ ta. Chính thái độ quá đặc biệt, quá nhún mình và cũng quá sơ hở của lãnh đạo ta ngày 5 và 6.6.90 đã gây khó khăn không nhỏ cho ngoại giao ta trong đợt đàm phán này. Ngay từ hôm đầu đến Hà Nội và trong suốt mấy ngày đàm phán, Từ Đôn Tín luôn giở giọng cao ngạo, dùng uy lực của chính lãnh đạo ta để gây sức ép với cán bộ ngoại giao ta. Ngay trong lời đáp từ tại buổi tiệc của tôi chiêu đãi đoàn Trung Quốc tối 9.6.90, Từ đã nói: “Sau khi nghe đại sứ Trương Đức Duy báo cáo lại, tôi càng tăng thêm lòng tin tưởng, tôi tin rằng đồng chí thứ trưởng Trần Quang Cơ và các đồng chí ở Bộ Ngoại giao Việt Nam nhất định sẽ tuân theo ý nguyện và tinh thần của các đồng chí lãnh đạo Việt Nam, cụ thể hoá vào cuộc trao đổi với chúng tôi để chúng ta nhanh chóng giải quyết xong vấn đề”.
    Vào phiên đàm phán đầu tiên, sáng 11.6.90, Từ đã tìm cách ghim lại những điểm có lợi cho Trung Quốc hoặc ít nhất cũng hợp với ý đồ của họ bằng cách nêu ra “5 nhận thức chung rất bổ ích” mà hai bên đã đạt được trong cuộc gặp ở Bắc Kinh đầu tháng 5.90:
    1. “Hai bên đều cho rằng vấn đề Campuchia cần đạt được một giải pháp toàn diện, công bằng và hợp lý.
    2. Phía Việt Nam bày tỏ đã rút hết quân khỏi Campuchia, chấp nhận sự kiểm chứng của LHQ và cam kết sẽ không quay lại Campuchia.
    3. Hai bên đều cho rằng, trong thời kỳ quá độ ở Campuchia sau khi Việt Nam rút hết quân, chấm dứt viện trợ bên ngoài và thực hiện ngừng bắn, cần thành lập Hội đồng toàn quốc tối cao. Về nguyên tắc, hai bên chúng ta đều tán thành Hội đồng toàn quốc tối cao phải là cơ cấu quyền lực có thực quyền. Còn việc tổ chức Hội đồng đó thế nào, ý kiến của hai bên cơ bản nhất trí với nhau. Ứng cử viên của Hội đồng đó cụ thể là ai thì phải do các bên Campuchia lựa chọn. Trung Quốc, Việt Nam tôn trọng sự lựa chọn đó. Chúng ta tán thành Hội đồng toàn quốc tối cao không loại trừ bất cứ bên nào, cũng không để bên nào nắm độc quyền. Về Hoàng thân Sihanouk, hai bên đều chủ trương Hoàng thân Sihanouk làm Chủ tịch Hội đồng toàn quốc tối cao.
    4. Vấn đề quân sự trong thời kỳ quá độ, hai bên đều cho rằng để tránh xảy ra nội chiến và giữ hoà bình ở Campuchia, cần có sự sắp xếp thoả đáng quân đội 4 bên Campuchia. Dĩ nhiên sắp xếp như thế nào, hai bên chúng ta cần bàn thêm.
    5. Còn một điểm nữa, các đồng chí Việt Nam bày tỏ từ nay về sau sẽ không nhắc đến vấn đề diệt chủng, kể cả trong các văn kiện quốc tế cũng không nêu nữa”.
    Vì vậy Từ đề nghị tập trung bàn hai điểm tồn tại của lần gặp trước là vấn đề phạm vi quyền lực của SNC và vấn đề lực lượng vũ trang của các bên Campuchia trong thời kỳ quá độ. Trong 3 ngày đàm phán, mỗi khi phía Trung Quốc thấy ta không chấp nhận yêu sách vô lý của họ về hai vấn đề thuộc nội bộ Campuchia này, nhất là khi ta kiên trì công thức “hai bên Campuchia” – tức là hai chính phủ PhnomPenh và chính phủ Campuchia Dân chủ, hoặc có thể nói “các bên Campuchia”, nhưng dứt khoát bác công thức “4 bên Campuchia” của họ mang hàm ý chấp nhận vai trò hợp pháp của bọn Khmer đỏ và nhắc đến thoả thuận Tokyo, thì Từ lại lên giọng chê trách tôi làm trái ngược ý kiến của lãnh đạo Việt Nam. Y đưa ra lập luận là lãnh đạo Việt Nam đã đưa ra ý “hợp tác giữa 2 phái cộng sản Khmer” tức là37 nhận từ “4 bên Campuchia” (có nghĩa là đưa Khmer đỏ lên ngang với Chính phủ PhnomPenh). Từ nói: “Phát biểu của các đồng chí không nên trái ngược với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam. ý kiến của Bộ Ngoại giao nên nhất trí với ý của lãnh đạo cấp cao, không nên có hai tiếng nói trái ngược”. Tôi phải đưa Từ trở về vị trí của y: “Đồng chí có thể yên tâm, không cần lo hộ chúng tôi là Bộ Ngoại giao có tiếng nói khác Trung ương. Đảng chúng tôi nhất trí từ trên xuống dưới. Bộ Ngoại giao là một bộ phận chịu sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính Trị chúng tôi”.
    Về vấn đề Hội đồng Dân tộc Tối cao Campuchia, Trung Quốc kiên trì 3 điểm:
    a. SNC phải là cơ quan chính quyền tối cao hợp pháp duy nhất, đại diện cho độc lập, chủ quyền, thống nhất của Campuchia. Về mặt đối ngoại, đại diện cho Campuchia trên quốc tế, giữ ghế của Campuchia ở LHQ; về mặt đối nội, thực hiện quyền lập pháp và quản lý hành chính, trực tiếp nắm các ngành quan trọng ảnh hưởng đến tổng tuyển cử tự do, công bằng gồm quốc phòng, ngoại giao, nội vụ, tuyên truyền, tài chính (với hiểu ngầm là xoá 5 bộ này của chính quyền PhnomPenh).
    b. Không loại bên nào (tức là không loại Khmer Đỏ), không bên nào độc quyền.
    c. Thành phần, số lượng do 4 bên Campuchia bàn bạc và quyết định. Sihanouk làm chủ tịch SNC (thực chất là bác bỏ Thông cáo chung Tokyo đã thoả thuận là Hội đồng gồm 12 người, chia đều cho 2 bên, mỗi bên 6 người).
    Tôi khẳng định SNC có trách nhiệm và quyền lực trong việc thực hiện các hiệp định được ký kết về Campuchia, về hoà giải dân tộc và về tổng tuyển cử; hai chính quyền hiện tồn tại không được làm việc gì cản trở trách nhiệm và quyền lực trên đây của SNC. Còn việc các bên Campuchia chấp nhận ý kiến của Trung Quốc đến đâu là quyền của các bên Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc không thể thay các bên Campuchia sắp đặt việc nội bộ của Campuchia.
    Về vấn đề lực lượng vũ trang, Trung Quốc đòi ghi vào biên bản thoả thuận: quân đội của 4 bên Campuchia phải tập kết vào những địa điểm của uỷ ban giám sát của LHQ chỉ định. Còn việc giảm quân hay giải pháp thì để cho SNC hoặc chính phủ sau bầu cử quyết định.
    Tôi nói: “Việt Nam tôn trọng thoả thuận giữa các bên Campuchia ở Tokyo là lực lượng vũ trang ở đâu đóng đó. Nguyên tắc về lực lượng vũ trang các bên Campuchia là chấm dứt nội chiến càng sớm càng tốt, duy trì ngừng bắn, không can thiệp vào đời sống chính trị, không can thiệp vào tổng tuyển cử để bảo đảm cho tổng tuyển cử được thực sự tự do và công bằng. Còn các biện pháp để thực hiện các nguyên tắc trên sẽ do các bên Campuchia thoả thuận với nhau”.
    Sau khi tỏ phản ứng về lập trường của ta, Từ nói: “Tôi muốn nói thật rằng nếu lần này chúng ta đi một bước không hay thì sẽ có hậu quả sau này. Không những hai chúng ta thất vọng mà kết quả còn trái ngược với nguyện vọng của đồng chí TBT Nguyên Văn Linh và các đồng chí lãnh đạo khác nói với chúng tôi. Chúng ta đang ở ngã ba đường, lựa chọn thế nào ? Thời gian không cho phép. Trung tuần tháng 7, 5 nước Hội đồng bảo an họp lại. Trung Quốc không thể không tỏ thái độ. Nếu Trung Quốc và Việt Nam không đạt được kết quả giải quyết vấn đề Campuchia thì lòng mong muốn của chúng ta sẽ chịu hậu quả lớn.”
    Như để thuyết phục ta chấp nhận lập trường của họ, Từ đưa ra dự kiến của Trung Quốc giải quyết vấn đề Campuchia theo 5 bước:
    1. Trung – Việt đạt được thoả thuận về giải pháp vấn đề Campuchia và ghi nhận lại bằng một biên bản nội bộ;
    2. Họp ngoại trưởng 5 nước Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Inđônêxia, Lào và ra tuyên bố chung;
    3. Họp hội nghị có tính chất khu vực giữa 5 nước trên và 4 bên Campuchia;
    4. Họp 5 nước Hội đồng Bảo an và 4 bên Campuchia.
    5. Họp hội nghị quốc tế Paris về Campuchia.
    Từ nói chỉ trao đổi nội bộ với ta dự kiến này ở đây, không nói với 4 nước uỷ viên thường trực HĐBA, cũng không nói với Liên Xô để tránh sự quấy nhiễu của bên ngoài. Tôi tránh bình luận cụ thể, chỉ nói đây là một gợi ý thú vị, rất đáng suy nghĩ, song cần làm sao cho bước khởi động của chúng ta ở đây có kết quả thì toàn bộ kế hoạch mới có khả năng triển khai được.
    Chiều ngày 12.6.90, theo yêu cầu của phía Trung Quốc, đã có cuộc họp hẹp giữa hai trưởng đoàn. Qua đó Từ nhờ tôi chuyển tới lãnh đạo Việt Nam trả lời của lãnh đạo Trung Quốc về những ý kiến mà Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh đã nói với đại sứ Trung Quốc ngày 5 và 6.6.90: “Lãnh đạo Trung Quốc rất coi trọng quan hệ Trung – Việt, Lãnh đạo Trung Quốc cũng rất coi trọng những ý kiến TBT Nguyễn Văn Linh và đồng chí Lê Đức Anh đã nói với đại sứ Trương Đức Duy. Phía Trung Quốc cho rằng quan hệ Trung–Việt sớm muộn cũng sẽ bình thường hoá. Hai bên đều cần cùng nhau cố gắng để thực hiện. Vấn đề Campuchia, cuộc chiến tranh Campuchia đã kéo dài hơn 10 năm. Đây là vấn đề toàn thế giới quan tâm, các nước trong khu vực, nhất là ASEAN, cũng rất quan tâm. Đối với hai nước Trung Quốc và Việt Nam, nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết hiện nay là trên cơ sở những nhận thức chung đã đạt được, tiếp tục trao đổi ý kiến về hai vấn đề tồn tại (vấn đề quyền lực của Hội Đồng tối cao và việc xử lý quân đội của các bên Campuchia), làm sao cho có tiến triển hai vấn đề này. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ góp phần vào việc thực sự giải quyết vấn đề Campuchia. Bước đi này là hết sức quan trọng. Chỉ có đi xong bước này, chúng ta mới có thể suy nghĩ đến những bước sau. Cũng có nghĩa là chỉ có đi xong bước này lãnh đạo Trung Quốc mới suy nghĩ về việc gặp cấp cao và việc thúc đẩy hai phái cộng sản Khmer hoà giải với nhau”.
    Nghe Từ đọc xong, tôi hỏi lại: “Như vậy có phải là chỉ sau khi giải quyết xong vấn đề quyền lực của SNC và vấn đề lực lượng vũ trang Campuchia thì Trung Quốc mới nghĩ đến việc gặp cấp cao ?” Từ khẳng định đúng là như vậy và nói thêm: “Giải quyết hai vấn đề đó có nghĩa là Trung Quốc và Việt Nam đã nhất trí cơ bản về việc giải quyết vấn đề Campuchia, sẽ làm thành biên bản chung ghi các điều đã nhất trí làm cơ sở để thúc đẩy giải quyết vấn đề Campuchia, tác động đối với bạn bè mỗi bên và mở đầu quá trình bình thường hoá quan hệ hai nước”. Từ nói: “Nhất quyết phải giải quyết xong hai điểm tồn tại đó để có được giải pháp toàn bộ, không nên vượt qua vấn đề Campuchia. Giải quyết xong vấn đề Campuchia thì các bước tiếp theo về gặp gỡ cấp cao và bình thường hoá quan hệ giữa hai nước sẽ dễ giải quyết”.
    Ngay sau đó, tôi sang gặp thủ tướng Đỗ Mười báo cáo tình hình cuộc đàm phán để chuẩn bị cho việc anh ấy tiếp Từ Đôn Tín chiều hôm sau như đã dự định. Tôi nói: “Chỉ với việc anh Linh và anh Lê Đức Anh gặp Trương Đức Duy trước khi Từ Đôn Tín tới Hà Nội đã làm cho phía Trung Quốc lên giọng trong đàm phán, nay nếu anh Linh hoặc anh Mười lại tiếp hắn nữa thì rất không nên”. Nghe tôi trình bày xong, Đỗ Mười bảo sở dĩ anh nghĩ đến chuyện gặp Từ là vì sáng 10.6.90, Lê Đức Anh đến yêu cầu Đỗ Mười gặp Từ, nay như vậy thì không cần gặp nữa. Đỗ Mười bảo tôi cùng đi ngay sang báo cáo sự tình với TBT Nguyễn Văn Linh vì anh Linh cũng dự định tiếp Từ. Sau khi nghe tôi trình bày, có một phút lặng đi, tôi nghĩ bụng TBT chắc bị bất ngờ về những câu trả lời quá ư lạnh nhạt của lãnh đạo Trung Quốc đối với những điều tâm huyết mà anh và Lê Đức Anh đã thổ lộ với đại sứ Trương Đức Duy. Rồi anh Linh cho ý kiến là trong tình hình này anh Mười hoặc một cấp cao khác của ta không cần tiếp Từ Đôn Tín nữa.
    Ba ngày đàm phán với Từ nói chung là căng, nhưng giông tố chỉ nổ ra khi Từ Đôn Tín đến chào Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chiều 13.6.90 trước khi đoàn Trung Quốc rời Hà Nội. Ngay từ đầu không khí trò chuyện đã không lấy gì làm mặn mà lắm. Nhưng đến khi Từ nói: “Các đồng chí nói chúng ta nên khuyên hai phái cộng sản Campuchia hoà giải với nhau, [nói đó là mong muốn chân thành của Việt Nam. Nhưng trên thực tế, các đồng chí cố sức tiêu diệt Khmer Đỏ. Nếu lãnh đạo Việt Nam muốn có sự hoà giải giữa hai nhóm cộng sản Khmer thì lẽ dĩ nhiên phải chấp nhận “4 bên”.]38 Chúng tôi không thể hiểu được trong hai giọng nói đó, cái nào là thật, cái nào là giả. Nghe tiếng nói này thì tiếng nói kia là giả dối, nghe tiếng nói kia thì tiếng nói này là giả dối. Mong rằng sau này các đồng chí không nên làm như vậy”, anh Thạch đã phản ứng mạnh: “Chúng tôi không đòi các đồng chí nói chỉ có hai bên Campuchia; các đồng chí cũng không thể đòi chúng tôi nói 4 bên. Chúng tôi nói các bên, không loại bỏ bên nào là đủ rồi. Nếu nói khác đi là chống lại Hội nghị Tokyo. Tôi nói thật, dùng thủ đoạn xuyên tạc thì rất khó đàm phán... Tôi rất trọng đồng chí nhưng rất không hài lòng với những điều đồng chí nói vì đồng chí có những xuyên tạc. Như thế rất khó đàm phán”. Cuộc nói chuyện kết thúc bằng câu “Chào Ngài ! ” của Từ Đôn Tín. Và anh Thạch cũng đáp lại bằng từ đó thay vào từ “đồng chí”.
    Tôi không có mặt trong buổi anh Thạch tiếp Từ Đôn Tín, nhưng khi nghe kể lại chuyện đó tôi không hề ngạc nhiên. Tôi nhớ như in cái giọng ngạo mạn kiểu “sứ giả thiên triều” của Từ trong buổi gặp ngày 13.6.90: “Lần này tôi sang Hà Nội chủ yếu để bàn với các đồng chí Việt Nam về vấn đề Campuchia, đồng thời cũng xem xét nguyện vọng của các đồng chí, chúng tôi đã chuẩn bị ý kiến về quan hệ hai nước Trung Quốc - Việt Nam”. Khi nói “nguyện vọng của các đồng chí” là Từ muốn nói đến những điều mà Anh Linh và Lê Đức Anh đã nói với đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy ngày 5 và 6.6.90. Đây là cuộc đàm phán giữa hai quốc gia bình đẳng, làm sao Trung Quốc có thể nói đến chuyện “xem xét nguyện vọng” của lãnh đạo Việt Nam được. Thêm vào đó, tâm trạng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong những ngày này lại đang nặng chĩu những suy tư khác.
    Sau khi xảy ra va chạm giữa Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và trưởng đoàn Trung Quốc Từ Đôn Tín, sức ép vào nội bộ ta càng mạnh hơn: suốt nửa cuối 1990 đến 1991, Trung Quốc phớt lờ Bộ Ngoại giao, chỉ làm việc với Ban Đối ngoại; Ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham từ chối gặp Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch tại kỳ họp Đại hội Đồng LHQ ở Nữu-ước tháng 9.90. Trước đó, ý đồ Trung Quốc phân hoá nội bộ ta đã bộc lộ rõ: muốn ta phải thay đổi Bộ trưởng Ngoại giao. Không chỉ thế, Trung Quốc còn lợi dụng sự cả tin của lãnh đạo ta để phá hoại uy tín đối ngoại của ta bằng cách dùng thủ đoạn cố ý lộ tin ra với các nước.
    Liều thuốc của thày Tàu bốc cho ta thật là đắng, thế nhưng đâu có dã được tật !

    Chương 11.


    11. BỘ CHÍNH TRỊ ĐÁNH GIÁ CUỘC ĐÀM PHÁN THÁNG 6.90


    Ngày 19.6.90, BCT đã họp để đánh giá cuộc đàm phán. Rất tiếc không hiểu vì sao ngay sáng hôm họp BCT, anh Linh lại đi vào thành phố Hồ Chí Minh và nhắn qua anh Nguyễn Thanh Bình đề nghị BCT cứ họp nhưng chưa bàn về phương hướng tới.
    Là người trực tiếp đàm phán với Trung Quốc, tôi đã trình bày trước BCT bản báo cáo của Bộ Ngoại Giao trong đó có nhận định về ý đồ của Trung Quốc qua cuộc đàm phán này:
    * Ý đồ Trung Quốc về vấn đề quan hệ với Việt Nam và về vấn đề Campuchia, qua cuộc gặp này đã bộc lộ rõ. Chiến lược của Trung Quốc là đặt ưu tiên cao nhất vào việc tranh thủ Mỹ, phương Tây, ASEAN để phục vụ mục tiêu “4 hiện đại hoá”. Chính sách đối với Việt Nam, cũng như với Liên Xô và các nước khác đều phải phục tùng lợi ích tối cao này, không được gây nên bất kỳ ảnh hưởng xấu nào cho quan hệ của Trung Quốc với Mỹ, phương Tây, ASEAN. Chính vì vậy Trung Quốc đã không đáp ứng những đề nghị mà TBT Nguyễn Văn Linh và39 Lê Đức Anh nói với Đại sứ Trung Quốc trước cuộc đàm phán này:
    a. Về việc ta đề nghị gặp cấp cao nhất của 2 nước càng sớm càng tốt, Trung Quốc trả lời chỉ sau khi giải quyết xong vấn đề Campuchia thì lãnh đạo Trung Quốc mới suy nghĩ đến việc này, cũng như mới có thể bàn vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước.
    b. Về việc ta đề nghị hai nước đoàn kết để bảo vệ chế độ XHCN, họ nói rõ họ coi quan hệ với Việt Nam sau này cũng chỉ nằm trong phạm vi quan hệ giữa hai nước láng giềng, trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình. Họ còn nói quan hệ Việt Nam – Trung Quốc không thể làm cho Mỹ và ASEAN lo ngại.
    c. Về việc ta đề nghị hai nước cùng thúc đẩy 2 phái cộng sản Khmer hoà giải với nhau, họ cũng chỉ trả lời là phải giải quyết xong vấn đề Campuchia thì lãnh đạo Trung Quốc sẽ tính về việc này. Thực chất phương án giải quyết vấn đề Campuchia của Trung Quốc là nhằm xoá đi chính quyền và lực lượng quân sự của Nhà nước Campuchia để giao thực quyền cho SNC do Sihanouk chủ trì. Hai chính quyền hiện nay – Nhà nước Campuchia và Campuchia Dân Chủ - đều do hai lực lượng cộng sản kiểm soát là chính, và các lực lượng quân sự Campuchia mạnh nhất cũng là của hai nhóm cộng sản Khmer. Trung Quốc đòi cho Sihanouk và lực lượng thân phương Tây vị trí ưu thế bao trùm ở Campuchia, được lực lượng quân sự của LHQ hỗ trợ hoặc đòi để LHQ cai trị hoàn toàn Campuchia. Để thực hiện tính toán chiến lược của họ, Trung Quốc sẵn sàng ngả theo phương án của Mỹ và phương Tây, trái với suy tính của ta.
    * Trung Quốc không đáp ứng các đề nghị của lãnh đạo ta, đồng thời họ lại đánh giá sai lầm là Việt Nam yếu, có nhiều khó khăn do tình hình bản thân Việt Nam và do tác động của tình hình Liên Xô, Đông Âu nên quá lo sợ bị đế quốc diễn biến hoà bình như đối với các nước Đông Âu, do đó Việt Nam rất cần Trung Quốc. Vì vậy họ đã lợi dụng lòng khát khao hợp tác với Trung Quốc của lãnh đạo ta để gây sức ép mạnh với ta trong đàm phán. Đồng thời, từ khi có cuộc gặp không chính thức với ta ở Bắc Kinh cho đến nay, Trung Quốc không ngừng đưa tin về các hoạt động của Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa với lý do vừa gây sức ép với ta vừa làm cho Mỹ, ASEAN yên tâm là quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam chẳng phải có sự ưu ái gì hơn mối quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á khác.
    * Trung Quốc ép ta chấp nhận lập trường của họ về 2 vấn đề thuộc phạm vi nội bộ Campuchia còn nhằm mục đích chia rẽ ta với bạn Campuchia, sau khi Trung Quốc đã cố gắng tranh thủ Lào nhằm tách Lào khỏi Việt Nam và Liên Xô.
    * Trung Quốc không hài lòng về Thông cáo chung Tokyo vì nó đề cao vai trò Nhật ở châu Á đồng thời xoá bỏ vai trò Khmer đỏ, con chủ bài của Trung Quốc trong vấn đề Campuchia... Ngày 4 và 5.6.90 ở Tokyo đã có cuộc họp giữa các bên Campuchia và đã ra được Thông cáo chung Hunxen–Sihanouk thoả thuận một cuộc ngừng bắn tự nguyện đồng thời với việc lập ra SNC gồm số người của 2 bên ngang nhau (6+6), nhưng Trung Quốc không dám công khai phản đối nên cố kéo ta cùng có lập trường khác với Thông cáo Tokyo.
    * Trung Quốc đưa ra dự kiến giải quyết vấn đề Campuchia theo 5 bước nhằm giành cho Trung Quốc vai trò trung tâm và chủ động trong cả quá trình giải quyết vấn đề Campuchia, qua đó khẳng định các vấn đề châu Á không thể chỉ Mỹ và Liên Xô giải quyết mà không có Trung Quốc. Trung Quốc xem đàm phán với ta là bước mở đầu có tính quyết định của “kế hoạch 5 bước” để giải quyết vấn đề Campuchia, vì Trung Quốc cho rằng Liên Xô không ép được Việt Nam, chỉ có Trung Quốc dùng đòn bẩy về bình thường hoá quan hệ với Việt Nam mới ép được Việt Nam xoá bỏ hoặc hạn chế đến mức thấp nhất chính quyền PhnomPenh.
    * Trong quan hệ với ta, Trung Quốc luôn có hai giới hạn: một đàng là Trung Quốc muốn không làm gì với Việt Nam gây ảnh hưởng bất lợi đến quan hệ với Mỹ, phương Tây, ASEAN; một đàng là Trung Quốc cũng không muốn tỏ ra quá căng với Việt Nam làm cho vấn đề Campuchia không thể sớm giải quyết được, đồng thời duy trì quan hệ căng thẳng với Việt Nam không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc lúc này là tạo hoàn cảnh quốc tế thuận lợi cho việc ổn định nội bộ thực hiện “4 hiện đại”.
    Nghe xong bản báo cáo và kiến nghị của Bộ Ngoại giao, BCT chưa có ý kiến ngay mà bàn tới diễn biến của cuộc đàm phán vừa qua. Về vụ to tiếng giữa anh Thạch và Từ Đôn Tín chiều 13/6, anh Đào Duy Tùng nói “Cần phải nói lại mạnh mới được”. Còn anh Đồng Sĩ Nguyên nói “Nếu anh không phản ứng mạnh thì chúng tôi không thể hiểu nổi”. Về việc [anh Linh và Lê Đức Anh]40 gặp Trương Đức Duy trước khi ta và Trung Quốc đàm phán, anh Tô phát biểu: “Trong cuộc họp BCT bàn về đàm phán với Trung Quốc, tôi đã nói 3 lần là không được hớ, phải rất thận trọng với Trung Quốc. Đằng này anh lại ngửa bài trước để họ biết hết và kết quả là cái gì đã xảy ra. Trung Quốc họ nghĩ theo kiểu Đại hán của họ và kết quả là họ ép mình. Ngoại giao là một vũ đài, phải giữ thế, không phải lúc nào cũng lật hết lá bài ra. Không thể đưa ngực ra cho nó đấm”. Khi anh Lê Đức Anh nói có ý thanh minh sở dĩ anh nói “giải pháp Đỏ” với đại sứ Trung Quốc là vì BCT Campuchia nhờ ta thăm dò Trung Quốc, anh Võ Văn Kiệt nói: “Nhưng ta thăm dò thật thà quá”. Anh Võ Chí Công nói: “Trung Quốc lấy lợi ích dân tộc của họ là chính, không phải theo lợi ích chung của CNXH. Họ khác ta. Dù ta có muốn hợp tác họ cũng không chịu đâu. Không nên ảo tưởng”. Anh Lê Đức Thọ, ngày 12.6, khi nghe báo cáo nội dung trả lời của Trung Quốc về các đề nghị của anh Nguyễn Văn Linh và anh Lê Đức Anh, đã có ý kiến: “Việc anh Nguyễn Văn Linh và anh Lê Đức Anh gặp đại sứ Trung Quốc đã làm cho Trung Quốc cứng lên. Đáng lẽ không nên gặp” (Anh Lê Đức Thọ lúc này đang ốm nặng, nằm ở nhà).
    Ngày 22.6, khi dặn dò anh Đặng Ngiêm Hoành, đại sứ ta ở Trung Quốc, anh Lê Đức Anh lại nói: “Anh Linh nói chuyện với Trương Đức Duy cũng có đôi chỗ thật lòng quá. Nhưng cũng không phải vì thế mà nó cho là mình yếu41.
    Tôi nghĩ, xét cho cùng nội bộ ta lúc này đã có hai cách đánh giá về Trung Quốc, cũng như có hai cách đánh gía về cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Âu và Liên Xô nên đã có hai cách xử sự khác nhau. Từ Đôn Tín nói ta có “hai tiếng nói trái ngược”, “không biết cái nào giả, cái nào thật” và khuyên “Bộ Ngoại Giao nên nhất trí với ý kiến của lãnh đạo cấp cao”, như thế có nghĩa là Trung Quốc đã biết nội bộ ta đã có kẽ hở mà họ không dại gì bỏ qua không lợi dụng để giành lợi cho họ.
    Ngày 25.6.90 TBT Nguyễn Văn Linh từ thành phố Hồ Chí Minh điện ra cho BCT nói đã đọc biên bản cuộc họp BCT ngày 19.6.90, có một số ý kiến sẽ phát biểu sau. Anh không đồng ý thông báo cho Trung ương và các cấp uỷ về điều tối mật (tức là những điều Lê Đức Anh đã nói với Trương Đức Duy ngày 6.6.90) mà chỉ thông báo rằng cuộc họp Việt – Trung vừa qua không kết quả là do Trung Quốc phá. Ngoại giao cần có cách giải thích cho dư luận theo hướng trên. Đề nghị anh Sáu Nam (Lê Đức Anh) đi ngay Campuchia thông báo cho Bạn. Ngoại giao theo dõi bên Trung Quốc lộ ra những điều mà ta đã lấy tình bạn nói với họ thì phủ nhận ngay, không để chậm 2-3 ngày.
    Đợt đàm phán tháng 6.90 không kết quả, nhưng Trung Quốc không cắt cầu như các lần trước mà đề nghị ta trao đổi với họ qua con đường đại sứ. Như vậy, sau khi đàm phán thất bại đã có hai loại hoạt động tiến hành song song: hai bên vừa tiếp tục nói chuyện với nhau, vừa công kích nhau trên mặt trận dư luận.
    Để giành chủ động trong việc tranh thủ dư luận quốc tế, ngày 21.6.90, dưới hình thức trả lời phỏng vấn của Việt Nam Thông tấn xã, tôi đã nêu rõ nguyên nhân khiến cuộc nói chuyện với Trung Quốc không tiến triển được chỉ vì Việt Nam kiên quyết tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia; cản trở chính cho giải pháp Campuchia là việc Trung Quốc vẫn cố bám giữ bọn diệt chủng Polpot. Song điều khiến Trung Quốc cay cú nhất là tôi đã vạch “Trung Quốc không tán thành Thông cáo chung Tokyo nhưng không muốn đơn phương một mình chống lại. Họ muốn Việt Nam và Trung Quốc cùng có một lập trường trái với Thông cáo chung Tokyo”. Vì vậy ngay sau đó, tờ Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh ngày 5.7.90 đã có ngay bài “Kế hoạch một hòn đá ném hai đích của Hà Nội” của Thái Tích Mai, Tân Hoa Xã phản ứng ngay về bài đó, nói Trần Quang Cơ định “dụ dẫn nhân dân thế giới vào cái bẫy của họ bằng hàng loạt sách lược một hòn đá nhằm hai cái đích”. “Ý đồ thứ nhất của Hà Nội thông qua việc ngừng bắn tại chỗ để che đậy về việc quân đội Việt Nam vẫn có mặt ở Campuchia. Ý đồ thứ hai của Hà Nội là thành lập SNC trong khuôn khổ PhnomPenh. Ý đồ thứ ba là lấy cuộc đối thoại giữa hai chính quyền thay thế nguyên tắc 4 bên”.
    Hiểm độc nhất là Trung Quốc đã thông báo khá rộng rãi với các nước những điều Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh nói riêng với Trương Đức Duy về “giải pháp Đỏ” và đoàn kết XHCN, nhằm gây ấn tượng xấu về ta đối với các nước quan tâm đến vấn đề Campuchia, kể cả Liên Xô và các nước bạn khác của ta.
    Ngày 22.6.90, tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo cho Đại sứ các nước EEC (Khối thị trường chung châu Âu) về cuộc đàm phán Trung-Việt ở Hà Nội, và nhận xét là Việt Nam hết sức nóng lòng bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc vì lo sợ sự suy yếu của Liên Xô và tình hình hỗn loạn ở Đông Âu. Nói là Việt Nam rất xảo trá, rất cứng rắn. Sáng 26.6.90, đại sứ CHLB Đức khi gặp Vụ Châu Âu II Bộ Ngoại giao ta, cũng cho biết là ngày 22/6 Trung Quốc đã thông báo cho đại sứ các nước Thị trường chung châu Âu ở Bắc Kinh nội dung cuộc hội đàm giữa Từ Đôn Tín và tôi và đưa ra kết luận: “Việt Nam là những người rất xảo trá, rất xấu xa và rất cứng rắn. Họ chỉ muốn Hunxen độc quyền. Họ không chịu nhân nhượng bất cứ điều gì... Ông Nguyễn Cơ Thạch là người xảo quyệt, rất cứng rắn và căm thù Trung Quốc cao độ”. Ngày 26.6.90, Đại sứ Úc tại Hà Nội nói với Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch: “Trung Quốc đã thông báo cho Thủ tướng Thái Lan là Việt Nam đề nghị Trung Quốc và Việt Nam hợp tác với nhau về vấn đề Campuchia. Việt Nam đề nghị Trung Quốc cùng Việt Nam tham gia một giải pháp XHCN về Campuchia”
    Tuy nhiên, theo chủ trương kiên trì thúc đẩy bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc vì lợi ích chiến lược của ta, trong thời gian này hàng tuần tôi vẫn gặp trao đổi ý kiến với đại sứ Trung Quốc để giữ cầu.

    Chương 12.


    12. MỘT SỰ CHỌN LỰA THIẾU KHÔN NGOAN


    Trong cuộc gặp tôi ngày 25.6.90 ở Bộ Ngoại giao, không hiểu sao Trương Đức Duy đã đọc lại toàn văn trả lời của lãnh đạo Trung Quốc gửi lãnh đạo Việt Nam và nói là bản này “chính xác hơn”(so với bản mà Từ Đôn Tín đã chuyển ngày 12.6), trong đó đoạn cuối về Campuchia đã sửa lại là: “Vấn đề Campuchia đã kéo dài 11 năm, trở thành vấn đề quốc tế trọng đại mà cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN, rất chú trọng. Chúng tôi cho rằng việc này cần làm gấp. Trước mắt là hai bên Trung Quốc - Việt Nam nên đến thoả thuận càng sớm càng tốt về một số mặt quan trọng trong giải pháp chính trị về vấn đề Campuchia để thúc đẩy và tăng cường hơn tiến trình giải quyết toàn diện vấn đề Campuchia. Bước này đi tốt thì có lợi cho việc suy tính những vấn đề của bước sau và tạo điều kiện cần thiết cho cuộc gặp cấp cao Trung Quốc - Việt Nam, và tạo sự hoà giải nội bộ Campuchia”. Thực ra nội dung không có gì khác, chỉ là lời lẽ được sửa lại cho bớt giọng xấc xược ngạo mạn.
    Ngày 2.8.90, trước khi họp BCT, TBT hỏi Nguyễn Cơ Thạch có nên nhắc lại Trung Quốc về gặp cấp cao và nói “giải pháp Đỏ”. Vào cuộc họp, Thạch nói Trung Quốc đã 3 lần bác bỏ “giải pháp Đỏ”. Anh Võ Chí Công nói thêm: “đó chỉ là ảo tưởng, ngây thơ”.
    Trong cuộc gặp Trương ngày 5.8.90, tôi đã nêu lại những điểm mà hai bên đã có được sự nhất trí và những điểm tồn tại về vấn đề Campuchia, đồng thời nói rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề vai trò LHQ và về việc lập SNC. Tôi nhấn mạnh lập trường nguyên tắc của Việt Nam là công việc nội bộ của Campuchia chỉ có thể do người Campuchia quyết định. Trương Đức Duy đồng ý là những vấn đề nội bộ Campuchia phải thuộc chủ quyền của Campuchia, nhưng lại cho rằng nếu không sự can thiệp của bên ngoài thì sẽ khó có được giải pháp toàn diện. Qua trao đổi, đại sứ Trung Quốc đã phải thừa nhận là các nước khác có thể bàn nhưng phải là người Campuchia quyết định thì mới thực hiện được. Về quan hệ hai nước, Trương đọc bản đã viết sẵn: “Chúng tôi cho rằng hiện nay tình hình quốc tế chuyển biến rất nhanh, không chờ đợi chúng ta. Mong phía Việt Nam nắm vùng thời cơ, sớm hạ quyết tâm, có quyết sách loại trừ chướng ngại, tạo điều kiện cho việc sớm bình thường hoá quan hệ hai nước”, và nói thêm “Trung Quốc coi trọng quan hệ Trung Quốc - Việt Nam nhưng phải làm từng bước một”.
    Đến cuộc gặp ngày 13.8.90, theo lời dặn của TBT Nguyễn Văn Linh trong cuộc họp BCT 12.8, sau khi tỏ ý hoan nghênh tuyên bố của Lý Bằng ở Singapore 12.8 (“Trung Quốc hy vọng sắp tới đây sẽ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam và sẽ bàn bạc với Việt Nam những vấn đề có tranh chấp như quần đảo Trường Sa”), tôi nói: “Lãnh đạo chúng tôi rất vui mừng vì hai bên có suy nghĩ gặp nhau, chúng tôi cho rằng hai nước chúng ta cần có sự hợp tác với nhau trước mắt cũng như lâu dài, về những vấn đề cụ thể như vấn đề Campuchia cũng như các vấn đề rộng lớn hơn mà hai nước cùng có sự quan tâm giống nhau”. Trương Đức Duy trình bày 7 điểm lập trường của Trung Quốc về vấn đề Campuchia, trong đó có việc lập SNC gồm 4 bên Campuchia do Sihanouk đứng đầu, thành phần và số lượng do các bên Campuchia quyết định và là cơ chế hợp pháp duy nhất. Các điểm khác không có gì mới. Để gây tác động làm giảm sức ép của Trung Quốc, tôi đã thông báo cho Trung Quốc cuộc nói chuyện giữa ta và Mỹ lại Nữu-ước ngày 6.8.90 về vấn đề Campuchia (trong cuộc gặp này Mỹ chủ yếu thăm dò, vận động ta chấp nhận 2 văn kiện của P5 về giải pháp Campuchia), Việt Nam và Mỹ sẽ còn tiếp tục nói chuyện.
    Tháng 8.90, tình hình quốc tế cũng như vấn đề Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu 1990 mở đầu thời kỳ hoà hoãn giữa 3 nước lớn, đồng thời 3 nước lớn bắt đầu dùng cơ chế 5 nước thường trực Hội Đồng Bảo An (P5) giải quyết vấn đề 42vấn đề vùng Vịnh. Từ khi Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia và càng đi gần vào giải pháp thì lợi ích của Campuchia và của ta càng kênh nhau43. Chúng ta đứng trước tình hình 5 nước lớn quyết tâm đạt thoả thuận về một giải pháp chính trị về vấn đề Campuchia. Còn Campuchia lại đang trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Khó kéo dài nội chiến vì khó khăn kinh tế chính trị trong nước và trên thế giới, mà đi vào giải pháp chính trị thì lo thất bại trong tuyển cử. Mặt khác, thái độ của Mỹ có đổi khác: ngày 18.7.90 ngoại trưởng James Baker tuyên bố Mỹ thôi không công nhận Campuchia Dân chủ (tức chính quyền 3 phái do Sihanouk đứng đầu), lên án Khmer Đỏ, nhận đối thoại với Việt Nam qua phái đoàn ở Nữu-ước. Ngày 6.8.90, ta với Mỹ tiếp xúc ở Nữu-ước, Mỹ chủ yếu thăm dò thái độ ta về văn kiện khung của LHQ về giải pháp Campuchia.
    Ngày 8.8.90 Bộ Ngoại Giao trình BCT đề án về vấn đề Campuchia theo hướng phân rõ mặt quốc tế và mặt nội bộ của giải pháp. Về mặt quốc tế, góp ý với bạn nên đồng ý phương án của P5, còn mặt nội bộ phải do bạn Campuchia quyết định, ta tôn trọng.
    Chiều 8.8.90, tôi đến gặp Cố vấn Phạm Văn Đồng xin ý kiến về đề án này. Anh nói: Tình hình hiện nay tạo cơ hội thuận lợi cho giải pháp Campuchia. Cần tận dụng cơ hội mới này trong khi ta còn sử dụng được. Phải dám chơi với LHQ, với Hội Đồng Bảo An, với Mỹ và phương Tây. Cần tranh thủ nhân tố Mỹ trong tình hình mới... Đề án về lý thuyết thì tốt nhưng làm sao thực hiện được... Không nên đặt yêu cầu quá cao “giữ vững thành quả cách mạng (Campuchia)”... Đi vào tổng tuyển cử bạn giành được 50% là lý tưởng...”
    Ngày 12.8.90, BCT họp về đề án Campuchia do Bộ Ngoại Giao thảo. Sau khi thảo luận, anh Linh kết luận: Với Mỹ, ta tiếp tục đối thoại như BCT đã cho ý kiến với Trung Quốc trong cuộc gặp 13/8 giữa tôi và Trương Đức Duy, ta nên nói là 2 nước XHCN Việt Nam và Trung Quốc nên hợp tác giải quyết vấn đề Campuchia để có một nước Campuchia hữu nghị với các nước láng giềng, trước hết là Việt Nam, Trung Quốc, Lào. Ta không nói Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN cần đoàn kết chống đế quốc chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội.
    Nhưng rồi cuộc gặp Thành Đô đã làm lãnh đạo Việt Nam xa rời quan điểm thực tế này mà ngã hẳn theo Trung Quốc, thậm chí còn định ép PhnomPenh chấp nhận đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh về vấn đề SNC Campuchia.

    Chương 13


    13. CUỘC GẶP CẤP CAO VIỆT – TRUNG TẠI THÀNH ĐÔ


    Ngày 29.8.90, đại sứ Trương Đức Duy xin gặp gấp TBT Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười chuyển thông điệp của TBT Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng mời TBT Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng sang Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 3.9.90 để hội đàm bí mật về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước. Trương nói mập mờ là Đặng Tiểu Bình có thể gặp anh Tô. Trung Quốc còn lấy cớ ở Bắc Kinh đang bận chuẩn bị tổ chức ASIAD (Á Vận hội) nên không gặp cấp cao Việt Nam ở thủ đô Bắc Kinh được vì khó giữ được bí mật, mà gặp ở Thành Đô.
    Đây quả là một sự chuyển biến đột ngột của phía Trung Quốc. Trước đây Trung Quốc nói không chỉ sau khi giải quyết xong vấn đề Campuchia mới gặp cấp cao ta và mới bàn vấn đề bình thường hoá quan hệ. Năm ngày trước – ngày 24.8.90 - Trung Quốc còn bác bỏ việc gặp cấp cao, nay lại mời ta gặp cấp cao trong một thời hạn rất gấp và đồng ý cấp cao sẽ nói chuyện về cả hai vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ.
    Thái độ “thiện chí” gấp gáp như vậy của Bắc Kinh không phải tự nhiên mà có. Nó có những nguyên nhân sâu xa và nhân tố bức bách:
    a. Tất cả những hoạt động đối ngoại và đối nội của Trung Quốc trong hơn 10 năm qua khẳng định chiến lược nhất quán của họ là kiên quyết thực hiện “4 hiện đại”, biến Trung Quốc thành một cường quốc hàng đầu trên thế giới, đồng thời xác định vị trí nước lớn của mình trước hết ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Vì lợi ích chiến lược đó, Trung Quốc kiên trì tranh thủ Mỹ, Nhật, phương Tây, đồng thời bình thường hoá quan hệ với Liên Xô. Nhưng sau hơn 10 năm cải cách và mở cửa, tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của Trung Quốc rất khó khăn. Sau sự kiện Thiên An Môn, mục tiêu chiến lược đó đang bị đe doạ nghiêm trọng. Về đối ngoại, bị Mỹ, Nhật và phương Tây thi hành cấm vận. Trong khi đó, quá trình cải thiện quan hệ Mỹ – Xô tiến triển rất nhanh44. Xô - Mỹ hợp tác chặt chẽ giải quyết các vấn đề thế giới và khu vực không kể đến vai trò của Trung Quốc. Ngay trong vấn đề Campuchia, vai trò Trung Quốc cũng bị lấn át (Xô - Mỹ tiếp xúc trao đổi chặt chẽ về vấn đề Campuchia, cuộc gặp Sihanouk – Hunxen ở Tokyo là do sự dàn xếp của Mỹ, Nhật và Thái, ngoài ý muốn của Trung Quốc). Phương Tây tiếp tục đòi Trung Quốc thực hiện dân chủ và giải quyết vấn đề Campuchia trên cơ sở kiềm chế Khmer Đỏ.
    b. Chuyến đi Đông Nam Á của Lý Bằng (6-13.8.90) nằm trong yêu cầu chiến lược của Trung Quốc tranh thủ hoàn cảnh quốc tế hoà bình để thực hiện “4 hiện đại”, diễn ra trong bối cảnh liên minh Trung Quốc xây dựng ở Đông Nam Á trong 10 năm qua để chống Việt Nam đang tan vỡ sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và sau khi Mỹ đã điều chỉnh chính sách. Cuộc đi thăm của Lý đã bộc lộ những điểm đồng và bất đồng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Các nước ASEAN vẫn rất lo ngại lý do bành trướng của Trung Quốc. Trung Quốc buộc phải cam kết nội bộ các nước trong khu vực, ủng hộ các đảng cộng sản và vấn đề Hoa kiều, tuyên bố sẵn sàng thương lượng và hợp tác về vấn đề Trường Sa. Tiếp tục đối đầu với Việt Nam không còn phù hợp với chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc lúc này nữa.
    c. Sau khi Việt Nam đã hoàn tất việc rút quân khỏi Campuchia, các nước phương Tây, Mỹ, Nhật, ASEAN đi vào cải thiện quan hệ với ta theo hướng không có lợi cho tính toán của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trước tình hình đó, Trung Quốc không muốn chậm chân.
    d. Về thời điểm: trong cuộc họp ngày 27 và 28.8.90 tại Nữu-ước, P5 đã thoả thuận văn kiện khung về giải pháp toàn bộ cho vấn đề Campuchia (gồm các vấn đề: các lực lượng vũ trang Campuchia, tổng tuyển cử dưới sự bảo trợ của LHQ, nhân quyền và bảo đảm quốc tế đối với thể chế tương lai của Campuchia). Văn kiện về nhân quyền không đề cập trực tiếp đến vấn đề diệt chủng, chỉ nói Campuchia sẽ “không trở lại chính sách và hành động trong qúa khứ”. Còn Trung Quốc buộc phải nhân nhượng không còn đòi lập chính phủ liên hiệp 4 bên ngang nhau, phải chấp nhận vai trò lớn của LHQ. P5 thoả thuận lịch giải quyết vấn đề Campuchia: trong tuần từ 3.9 đến 9.9 họp các bên Campuchia ở Jakarta để lập SNC trước phiên họp Đại hội đồng LHQ, tiếp đó họp mở rộng với các nước trong khu vực (có Trung Quốc), đến khoảng tháng 10-11.90 họp uỷ ban Phối hợp Hội nghị Paris về Campuchia để soạn thảo Hiệp định trên cơ sở văn kiện khung do P5 vạch ra, các ngoại trưởng ký Hiệp định; 15 nước trong Hội đồng Bảo An thông qua. Trung Quốc đặt cuộc gặp cấp cao Trung – Việt trong cái khung thời gian này. Tuy nhiên Bắc Kinh dấu không cho ta biết gì về những thoả thuận giữa họ và các nước lớn trong Hội đồng bảo an, mặt khác cũng giữ kín cuộc hẹn gặp ta ở Thành Đô vì không muốn làm cho phương Tây và ASEAN lo ngại khả năng đoàn kết hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam.
    Ngày 30.8.90, Bộ Chính trị họp bàn về việc gặp lãnh đạo Trung Quốc. Anh Linh nêu ý kiến là sẽ bàn hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ CNXH chống đế quốc, và hợp tác giữa PhnomPenh và Khmer đỏ để giải quyết vấn đề Campuchia, mặc dù trước đó Bộ Ngoại Giao đã trình bày đề án nêu rõ là rất ít khả năng thực hiện phương án này vì phương hướng chiến lược của Trung Quốc vẫn là tranh thủ phương Tây phục vụ “4 hiện đại”. Anh Lê Đức Anh bổ sung ý anh Linh: “Phải nói về hoà hợp dân tộc thực sự ở Campuchia. Nếu không có Polpot thì vẫn tiếp tục chiến tranh”. Anh Võ Chí Công không đồng ý, nói: “Trung Quốc sẽ không nghe ta về hợp tác bảo vệ CNXH. Trung Quốc muốn tranh thủ phương Tây”. Anh Thạch cảnh giác: “Vẫn có 3 khả năng về quan hệ giữa ta và Trung Quốc, không phải chỉ là khả năng tốt cả. Dự kiến Trung Quốc sẽ nêu công thức “SNC 6+2+2+2” để nhấn rõ là có 4 bên Campuchia (trong đó Khmer đỏ là 1 bên), xoá vấn đề diệt chủng...” Sự thực sau này cho thấy Trung Quốc còn đòi cao hơn thế !
    Ngày 2.9.90, ba đồng chí lãnh đạo cao cấp của ta đến Thành Đô đúng hẹn. Tháp tùng có Hồng Hà - Chánh Văn phòng Trung ương, Hoàng Bích Sơn - Trưởng ban Đối ngoại, và Đinh Nho Liêm – Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao. Đáng chú ý là trong đoàn không có bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
    Sau 2 ngày nói chuyện (3-4.9.90), kết quả được ghi lại trong một văn bản gọi là “Biên bản tóm tắt” gồm 8 điểm. Khi nghiên cứu biên bản 8 điểm đó, chúng tôi nhận thấy có tới 7 điểm nói về vấn đề Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về cải thiện quan hệ giữa hai nước mà thực chất chỉ là nhắc lại lập trường cũ Trung Quốc gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong 7 điểm về Campuchia, 2 điểm là những điểm có tính chất chung về mặt quốc tế mà 2 bên đang còn tranh cãi (giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia; rút hết quân Việt Nam ở Campuchia có dẫn chứng), còn 5 điểm thì hoàn toàn là đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc. Không có điểm nào theo yêu cầu của ta cả. Trong bản thoả thuận, vấn đề nổi cộm nhất là điểm 5 về việc thành lập SNC. Lãnh đạo ta đã thoả thuận dễ dàng, không do dự (!), công thức “6+2+2+2+1” (phía PhnomPenh 6 người; phía “3 phái” 7 người; 2 của Khmer đỏ, 2 của phái Son San, 2 của phái Sihanouk và bản thân Sihanouk) mà Từ Đôn Tín vừa đưa ra ở Hà Nội và bị tôi bác. Công thức này bất lợi cho PhnomPenh, với công thức “6+6” hay “6+2+2+2”, tức là hai bên có số người ngang nhau mà Sihanouk và Hunxen đã thoả thuận ở Tokyo.
    Về sáng kiến “giải pháp Đỏ” cho vấn đề Campuchia mà lãnh đạo ta đưa ra, tưởng như phía Trung Quốc sẽ nhiệt liệt hoan ngênh, song Lý Bằng đã bác đi: “ Các đồng chí nói cần thực hiện 2 đảng cộng sản hợp tác với nhau để phát huy hơn nữa. Tôi đồng ý một phần và không đồng ý một phần. Bốn bên Campuchia, xét về lực lượng quân sự và chính quyền, mạnh nhất là hai đảng cộng sản, có vai trò nhiều hơn. Nhưng phần tôi không đồng ý là ở campuchia không chỉ có hai đảng cộng sản mà còn có các thế lực khác là lực lượng của Sihanouk và lực lượng của Son San. Lực lượng của họ không lớn lắm nhưng họ được quốc tế ủng hộ. Bài xích họ thì cô lập SNC, không thể đoàn kết Campuchia. Cần phải để cho hai bên kia phát huy tác dụng ở Campuchia”. Và Giang Trạch Dân cùng nói thêm: “ Các nước phương Tây rất chú ý tới quan hệ của chúng ta. Các đồng chí đến đây, cho đến nay các nước không ai biết, cũng không cho các bên Campuchia biết. Chúng tôi cảnh giác vấn đề này. Họ cho rằng Việt nam XHCN, Trung Quốc XHCN đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, họp với nhau bàn cái gì đây ? Vì vậy chúng tôi giữ kín chuyến đi này. Tình hình quốc tế hiện nay nếu để hai đảng cộng sản bắt tay nhau là sách lược không lợi cho chúng ta”.

    Chương 14


    14. THÀNH ĐÔ LÀ THÀNH CÔNG HAY LÀ THẤT BẠI CỦA TA ?


    Ngay say khi ở Thành đô về, ngày 5.9.90 anh Linh và anh Mười, có thêm anh Thạch và Lê Đức Anh, đã bay sang PhnomPenh thông báo lại với BCT Campuchia nội dung cuộc gặp gỡ cấp cao Việt-Trung. Để thêm sức thuyết phục PhnomPenh nhận Thoả thuận Thành đô, anh Linh nói với lãnh đạo Campuchia: “Phải thấy giữa Trung Quốc và đế quốc cũng có mâu thuẫn trong vấn đề Campuchia. Ta phải có sách lược lợi dụng mâu thuẫn này. Đừng đấu tranh với Trung Quốc đến mức xô đẩy họ bắt tay chặt chẽ với đế quốc.” Lập luận này được Lê Đức Anh mở rộng thêm: “Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xoá cộng sản. Nó đang xoá ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xoá cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc.”
    Nhưng câu trả lời của Heng Somrin, thay mặt cho lãnh đạo Campuchia, vẫn là: “Phải giữ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta. Những vấn đề nội bộ liên quan đến chủ quyền CPC phải do các bên CPC giải quyết”. Về “giải pháp Đỏ”, PhnomPenh nhận định: “Trung Quốc không muốn hai phái cộng sản ở Campuchia hợp tác với nhau gây phức tạp cho quan hệ của họ với Sihanouk và với phương Tây. Vì vậy chúng tôi thấy rằng khó có thể thực hiện “giải pháp Đỏ” vì “giải pháp Đỏ” trái với lợi ích của Trung Quốc”. Mặc dù ban lãnh đạo Campuchia đã xác định rõ thái độ như vậy, song Lê Đức Anh vẫn cứ cố thuyết phục Bạn: “ Ta nói “giải pháp Đỏ” nhưng đó là “giải pháp Hồng”, vừa xanh vừa đỏ. Trước mắt không làm được nhưng phải kiên trì. Ta làm bằng nhiều con đường, làm bằng thực tế. Các đồng chí cần tìm nhiều con đường tiếp xúc với Khmer Đỏ. Vấn đề tranh thủ Khmer Đỏ là vấn đề sách lược mang tính chiến lược… Nên kiên trì tìm cách liên minh với Trung Quốc, kéo Khmer Đỏ trở về… Ta đừng nói với Trung Quốc là làm “giải pháp Đỏ”, nhưng ta thực hiện “giải pháp Đỏ”; có đỏ có xanh…nhưng thực tế là hợp tác hai lực lượng cộng sản”. Nguyễn văn Linh bồi thêm: “Xin các đồng chí chú ý lợi dụng mâu thuẫn, đừng bỏ lỡ thời cơ. Trung Quốc muốn đi với Mỹ, nhưng Mỹ ép Trung Quốc nên Trung Quốc cũng muốn có quan hệ tốt với Lào, Việt Nam và Campuchia. Nếu ta có sách lược
    tốt thì ta có giải pháp Đỏ.
    Theo báo cáo của đại sứ Ngô Điền, thái độ của bạn Campuchia đối với ta từ sau Thành Đô có đổi khác. Về công khai, bạn cố tránh tỏ ra bị lệ thuộc vào Việt nam. Trên cơ sở tính toán về lợi ích của mình, bạn tự quyết định lấy đối sách, không trao đổi trước với ta, hoặc quyết định trái với sự gợi ý của ta trên nhiều việc.
    Nhìn lại, trong cuộc gặp Thành Đô, ta đã mắc lỡm với Trung Quốc ít nhất trên 3 điểm:
    * Trung Quốc nói cuộc gặp Thành Đô sẽ đàm phán cả vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ, nhưng thực tế chỉ bàn vấn đề Campuchia, còn vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước Trung Quốc vẫn nhắc lại lập trường cũ là có giải quyết vấn đề Campuchia mới nói đến chuyện bình thường hoá quan hệ hai nước;
    * Trung Quốc nói mập mờ là Đặng Tiểu Bình có thể gặp cố vấn Phạm Văn Đồng, nhưng đó chỉ là cái “mối” để kéo anh Đồng tham gia gặp gỡ cấp cao.
    * Trung Quốc nói giữ bí mật việc gặp cấp cao hai nước, nhưng ngay sau cuộc gặp hầu như tất cả các nước đã được phía Trung Quốc trực tiếp hay gián tiếp thông baó nội dung chi tiết bản thoả thuận Thành Đô theo hướng bất lợi cho ta.
    Ngày 7.9.90 BCT đã họp thảo luận về kết quả cuộc gặp cấp cao Việt – Trung và cuộc gặp cấp cao Việt – Campuchia sau đó, và quyết định ngay hôm sau Đỗ Mười gặp đại sứ Trung Quốc thông báo lại lập trường của Campuchia; đồng thời thông báo với Liên Xô, Lào như đã thông báo với Campuchia. Nếu có ai hỏi về công thức “6+2+2+2+1”, nói không biết.
    Nhưng Báo Bangkok Post ngày 19.9.90 trong bài của Chuchart Kangwaan đã công khai hoá bản Thoả thuận Thành Đô, viết rõ Việt Nam đã đồng ý với Trung Quốc về thành phần SNC của Campuchia sẽ gồm 6 người của Nhà nước Campuchia, 2 của Khmer đỏ, 2 của phái Son San, 2 của phái Sihanouk, thành viên thứ 13 là Hoàng thân Sihanouk giữ chức Chủ tịch Hội đồng. Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (FEER) số 4/10 (10.10.90) đăng bài “Củ Cà-rốt và cái gậy” viết về cuộc gặp gỡ cấp cao Trung-Việt ở Thành Đô giưa TBT Đảng và Thủ tướng hai nước, cho biết hai bên đã thoả thuân công thức “6+6+1” về việc lập SNC. Phía Việt Nam có nhượng bộ nhiều hơn. Việc Ngoại trưởng hai nước khong dự họp cấp cao là đáng chú ý. Bên trong, Trung Quốc nói họ coi ông Thạch là người có quan điểm cứng rắn về vấn đề Campuchia cũng như đối với Trung Quốc. Ngày 12.10.90, nhà báo Nayan Chanda nói với anh Thạch: “Trung Quốc đang tuyên truyền rộng rãi là lãnh đạo Việt Nam đánh lừa mọi người, họ ký kết với lãnh đạo Trung Quốc về thành phần SNC nhưng đã không thực hiện thoả thuận cấp cao Việt-Trung. Việt Nam lại còn xúi dục chính quyền PhnomPenh chống việc bầu Sihanouk làm chủ tịch SNC và đưa ra hết điều kiện này đến điều kiện khác.” Ngày 5.10.90, anh Nguyễn Cơ Thạch gặp Ngoại trưởng Mỹ Baker. Baker cho biết là sau khi cuộc họp các bên Campuchia ở Bangkok vừa qua thất bại, Trung Quốc rất bất bình với lãnh đạo Việt Nam. Trung Quốc cho rằng lãnh đạo cấp cao của Việt nam đã hoàn toàn đồng ý với đề nghị của Trung Quốc về con số 13 thanh viên của SNC nhưng lại nói với PhnomPenh là công thức đó là ý kiến riêng của Trung Quốc, đã không làm gì để thúc đẩy PhnomPenh thực hiện thoả thuận giữa cấp cao hai nước. Không thể tin được ngay cả lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam cũng như Bộ Ngoại giao Việt Nam. Baker còn nói rằng Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị của lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam là Việt Nam và Trung Quốc đoàn kết bảo vệ CNXH chống âm mưu của đế quốc Mỹ xoá bỏ CNXH cũng như đề nghị của Việt Nam về giải pháp dựa trên liên minh giữa PhnomPenh và Polpot.
    Còn Lý Bằng trong khi trả lời phỏng vấn của Paisai Sricharatchang, phóng viên tờ Bangkok Post tại Bẵc Kinh, ngày 24.10.90, đã xác nhận có một cuộc gặp bí mật giữa lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam hồi đầu tháng 9 và cho biết kết quả cuộc gặp đã được phản ảnh qua cuộc họp giữa các bên Campuchia ngày 10.9.90 tại Jakarta. Trong khi nói không biết chắc phía Việt Nam đã cố gắng thuyết phục PhnomPenh đến đâu, Lý nhận định là Hà Nội chắc chưa làm đủ mức. Điều đó có thể thấy được qua việc PhnomPenh đã có “một thái độ thiếu hợp tác45”.
    Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ CNXH, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và CNXH thế giới, chống lại hiểm hoạ ‘diễn biễn hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm ““giải pháp Đỏ”.
    Sau Thành Đô, trong BCT đã có nhiều ý kiến bàn cãi về chuyến đi này. Song mãi đến trước Đại hội VII, khi BCT họp (15-17.5.91) thảo luận bản dự thảo “Báo cáo về tình hình thế giới và việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội VI và phương hướng tới”, cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Trung Quốc ở Thành Đô mới lại được đề cập tới khi bản dự thảo báo cáo của Bộ Ngoại Giao có câu “có một số việc làm không đúng với các Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề Campuchia”. Cuộc họp này đầy đủ TBT Nguyễn văn Linh; các cố vấn Phạm văn Đồng, Võ Chí Công; các uỷ viên BCT Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch, Lê Đức Anh, Mai Chí Thọ, Nguyễn Đức Tâm, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên, Đoàn Khuê, Nguyễn Thanh Bình.
    Anh Tô nói: Có thời giờ và có cơ hội đem ra kiểm điểm những việc vừa qua để nhận định sâu sắc thì tốt thôi. Sau chuyến đi Thành Đô, tôi vẫn ân hận về thái độ của mình. Nói là tự kiểm điểm thì tự kiểm điểm. Tôi ân hận là ở hai chỗ. Lúc ở Thành Đô, khi bàn đến vấn đề Campuchia, người nói là anh Linh. Anh Linh nói đến phương án hoà giải dân tộc Campuchia. Sau đó Lý Bằng trình bày phương án “6+2+2+2+1” mà Từ Đôn Tín khi đàm phán với anh Cơ ở Hà Nội đã ép ta nhận song ta bác. Anh Linh đã đồng ý (nói không có vấn đề). Lúc đó có lẽ do thấy thái độ của tôi, Giang mời tôi nói. Tôi nói: tôi không nghĩ phương án 13 này là hay, ý tôi nói là không công bằng... Tôi ân hận là lẽ ra sau đó đoàn ta nên hội ý lại sau bữa tiệc buổi tối. Nhưng tôi không nghĩ ra, chỉ phân vân. Sáng sớm hôm sau, mấy anh bên Ban Đối Ngoại và anh Hồng Hà nói nhỏ với tôi là cốt sao tranh thủ được nguyên tắc “consensus” (nhất trí), còn con số không quan trọng. Tôi nghe hơi yên tâm nhưng vẫn nghĩ có hội ý vẫn hơn. Sau đó, Trung Quốc đưa ký bản thoả thuận có nói đến con số 13… Tôi phân vân muốn được biết nội dung trước khi ta hạ bút ký. Nếu như đoàn ta trao đổi với nhau sau phiên họp đầu, sau khi Lý bằng đưa ra công thức 6+2+2+2+1 thì ta có thể có cách bàn thêm với họ. Hai là trước khi ký văn bản do chuyên viên hai bên thoả thuận, các đồng chí lãnh đạo cần xem lại và bàn bạc xem có thể thêm bớt gì trước khi ký. Nghĩ lại, khi họ mời TBT, Chủ tịch HĐBT ta sang gặp TBT, Chủ tịch Quốc vụ viện, lại mời thêm tôi. Tôi khá bất ngờ, không chuẩn bị kỹ. Anh Mười cho là họ mời rất trang trọng, cơ hội lớn, nên đi. Nhưng đi để rồi ký một văn bản mà ta không lường trước hậu quả về phản ứng của Bạn Campuchia, rất gay gắt. Tôi hiểu là Bạn khá bất bình, thậm chí là uất nhau. Cho ta là làm sau lưng, có hại cho người ta.”
    Anh Linh: “ Anh Tô nhớ lại xem. Không phải tôi đồng ý, tôi chỉ nói ta nghiên cứu xem xét và cuối cùng đặt vấn đề thông báo lại Campuchia… Bây giờ tôi vẫn nghĩ thế là đúng. Tôi không thấy ân hận về việc mình chấp nhận phương án 13… Vấn đề Campuchia dính đến Trung Quốc và Mỹ. Phải tính đến chiến lược và sách lược. Phải tiếp tục làm việc với Campuchia về chiến lược, phải có nhiều biện pháp làm cho bạn thấy âm mưu của đế quốc Mỹ chống phá chủ nghĩa xã hội ở châu Á, cả ở Cuba. Nó đã phá Trung Quốc qua vụ Thiên An Môn rồi, nay chuyển sang phá ta… Trung Quốc muốn thông qua Khmer Đỏ nắm Campuchia. Song dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là một nước XHCN.”
    Anh Thạch: “ Về chuyện Thành Đô, Trung Quốc đã đưa cả băng ghi âm cuộc nói chuyện với lãnh đạo ta ở Thành Đô cho PhnomPenh. Hunxen nói là trong biên bản viết là “hai bên đồng ý thông báo cho Campuchia phương án 6+2+2+2+1” nhưng băng ghi âm lại ghi rõ anh Linh nói là “không có vấn đề gì”. Tôi xin trình bày để các anh hiểu nguyên do con số 13 là từ đâu. Tại Tokyo tháng 6.90, Sihanouk và Hunxen đã thoả thuận thành phần SNC gồm hai bên ngang nhau = 6+6. Từ Đôn Tín sang hà nội, ép ta nhận công thức 6+2+2+2+1 không được. Đến cuộc gặp Thành Đô, Trung Quốc lại đưa ra. Khi ta sang PhnomPenh để thuyết phục bạn nhận con số 13 với nguyên tắc làm việc consensus trong SNC, anh Hunxen nói riêng với tôi: chúng tôi thắng mà phải nhận số người ít hơn bên kia (bên ta 6, bên kia 7) thì mang tiếng Campuchia bị Việt nam và Trung Quốc ép. Như vậy, dù là consensus cũng không thể thuyết phục nhân dân Campuchia được. Chỉ có thể nhận 12 hoặc 14 thành viên trong Hội đồng Dân tộc Tối cao. Phải nói là PhnomPenh thắc mắc nhiều với ta. Liên xô, Anh, Pháp, Nhật, Mỹ đều cho ta biết là Trung Quốc đã thông báo cho họ đầy đủ về Thoả thuận Thành Đô và nói với họ là lãnh đạo Việt nam không đáng tin cậy. Trung Quốc đã sử dụng Thành Đô để phá quan hệ của ta với các nước và chia rẽ nội bộ ta…”
    Hôm sau, BCT họp tiếp, anh Mười nói: “ Ta tán thành Sihanouk làm chủ tịch Hội đồng Dân tộc Tối cao, Hunxen làm phó chủ tịch, lấy nhất trí trong Hội đồng Dân tộc Tối cao làm nguyên tắc. Đây không phải là một nhân nhượng… Nếu có anh Thạch đi Thanh Đô thì tốt hơn…”
    Anh Tô: “Vấn đề chủ yếu không phải là thái độ của ta ở Thành Đô như anh Mười nói, mà là kết quả và tác động đến bạn Campuchia đánh giá ta như thế nào ? Ở Thành Đô, điều ta làm có thể chứng minh được nhưng Campuchia cho là ta giải quyết trên lưng họ. Vì vậy mà tôi ân hận. Tôi ân hận là về sau này sẽ để lại hậu quả.”
    Anh Mười: “ Với tinh thần một người cộng sản, tôi cho là ta không sai. Ban Campuchia nghĩ gì về ta là quyền của họ. Với tinh thần một người cộng sản, ta không bao giờ vi phạm chủ quyền của bạn.”
    Anh Thạch: Họp Bộ Chính trị để kiểm điểm, tôi xin được nói thẳng. Có phải khi đi Thành Đô về, anh Đỗ Mười có nói với tôi là hai ông anh nhận hơi sớm. Anh Linh nhận công thức 13 và anh Tô nhận consensus” (nguyên tắc nhất trí).
    Anh Võ Văn Kiệt: Trong thâm tâm tôi, tôi không đồng ý có anh Tô trong đoàn đi Thành Đô. Nếu có gặp anh Đặng thì anh Tô đi là đúng. Tôi nói thẳng là tôi xót xa khi biết anh Tô đi cùng anh Linh và anh Mười chỉ để gặp Giang và Lý, không có Đặng. Mình bị nó lừa nhiều cái quá. Tôi nghĩ Trung Quốc chuyên là cạm bẫy.”
    Vốn là người điểm đạm, song anh Tô có lúc đã phải phát biểu: Mình hớ, mình dại rồi mà còn nói sự nghiệp cách mạng là trên hết, còn được hay không thì không sao. Cùng lắm là nói cái đó, nhưng tôi không nghĩ như vậy là thượng sách. Tôi không nghĩ người lãnh đạo nên làm như vậy.
    Thoả thuận Việt Nam - Trung Quốc ở Thành Đô đúng như anh Tô lo ngại đã để lại một ấn tượng không dễ quên đối với PhnomPenh. Trong phiên họp Quốc hội Campuchia ngày 28.2.91, Hunxen phát biểu: “Như các đại biểu đã biết, vấn đề SNC này rất phức tạp. Chúng ta phải đấu tranh khắc phục và làm thất bại âm mưu của kẻ thù nhưng bọn ủng hộ chúng không đâu. Mặc dù Hội đồng đã được thành lập trên cơ sở 2 bên bình đẳng nhưng người ta vẫn muốn biến thành 4 bên theo công thức 6+2+2+2+1, và vấn đề chủ tịch làm cho Hội đồng không hoạt động được”.
    Tôi còn nhớ khi tiếp tôi ở PhnomPenh, ngày 28.9.90, Hunxen đã có những ý khá mạnh về việc nối về thoả thuận Thành Đô: “Khi gặp Sok An ở Bangkok hôm 17.9, Trung Quốc doạ và đòi SOC phải công nhận công thức mà Việt Nam và Trung Quốc đã thoả thuận. Nhưng PhnomPenh độc lập. Sok An đã nói rất đúng khi trả lời Trung Quốc là ý này là của Việt Nam không phải của PhnomPenh.“
    Cuộc hội đàm Thành Đô tháng 9.90 hoàn toàn không phải là một thành tựu đối ngoại của ta, hiện tại đó là một sai lầm hết sức đáng tiếc về đối ngoại. Vì quá nôn nóng cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đoàn ta đã hành động một cách vô nguyên tắc, tưởng rằng thoả thuận như thế sẽ được lòng Bắc kinh nhưng trái lại thoả thuận Thành Đô đã làm chậm việc giải quyết vấn đề Campuchia và do đó làm việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, uy tín quốc tế của ta bị hoen ố.
    Việc ta đề nghị hợp tác với Trung Quốc bảo vệ CNXH chống đế quốc Mỹ, thực hiện “giải pháp Đỏ” ở Campuchia là không phù hợp với Nghị quyết 13 của BCT mà còn gây khó khăn với ta trong việc đa dạng hoá quan hệ với các đối tượng khác như Mỹ, phương Tây, ASEAN, và tác động không thuận lợi đến quan hệ giữa ta và đồng minh, nhất là quan hệ với Liên Xô và Campuchia. Trung Quốc một mặt bác bỏ những đề nghị đó của ta, nhưng mặt khác lại dùng ngay những đề nghị đó chơi xấu ta với các nước khác nhằm tiếp tục cô lập ta, gây sức ép với ta và Campuchia.
    Cùng với việc ta thúc ép PhnomPenh đi vào “giải pháp Đỏ”, việc ta thoả thuận với Trung Quốc công thức SNC tại Thành Đô là không phù hợp với nguyên tắc nhất quán của Đảng ta là không can thiệp và không quyết định các vấn đề nội bộ của Campuchia, làm tăng mối nghi ngờ vốn có của Campuchia đối với ta, đi ngược lại chủ trương tăng cường và củng cố mối quan hệ với ta với Campuchia và Lào.

    Chương 15


    15. AI LÀ NGƯỜI ĐÁNG LÝ RA PHẢI NHỚ DAI ?


    Sau cuộc gặp cấp cao ở Thành Đô, yêu sách chính của Trung Quốc đối với ta trong vấn đề Campuchia tập trung chủ yếu vào việc đòi ta thực hiện thoả thuận Thành Đô, tác động với PhnomPenh theo hướng: “nhận bầu Sihanouk làm chủ tịch SNC gồm 13 thành viên của 4 bên Campuchia; chấp nhận văn kiện của 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an về vấn đề Campuchia.
    6 giờ sáng ngày 9.9.90, đại sứ Trung Quốc đến Ban Đối ngoại (chứ không đến Bộ Ngoại giao) gặp Hồng Hà trao thông điệp báo các bên Campuchia sẽ họp ngày 10.9 tại Jakarta để bàn việc lập SNC và nhấn mạnh yêu cầu Việt Nam tác động theo hướng đã thỏa thuận tại Thành Đô. Ngay sau đó BCT đã họp trao đổi về thông điệp đó và quyết định cử tôi đi Jakarta. Trong cuộc họp này BCT đã quyết định từ nay các tiếp xúc đối ngoại về mặt Nhà nước đều phải qua Bộ Ngoại Giao và phải báo cáo với anh Thạch và bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh (?) vì cách làm của đại sứ Trung Quốc phớt lờ Bộ Ngoại Giao một cách quá lộ liễu.
    Trưa ngày 9.9.90 tôi cùng anh Huỳnh Anh Dũng đáp máy bay qua đường Bangkok sang thủ đô Inđônêxia để theo dõi cuộc họp của các bên Campuchia bàn về việc thành lập SNC. Không có “cẩm nang” nào kèm theo chỉ thị đó cả, chỉ có lời dặn ngắn gọn của TBT Nguyễn Văn Linh là cố lập được SNC.
    Chiều tối 10.9.90, vừa chân ướt chân ráo từ sân bay về đến sứ quán ta ở Jakarta, tôi đã nhận được một cú điện thoại từ sứ quán Trung Quốc gọi tới. Trương Thanh gọi điện thoại đến nói là chào trước khi rời Jakarta và cảm ơn tôi đã tác động tích cực khiến cho cuộc họp các bên Campuchia này đạt được một số kết quả (!). Tôi trả lời là tôi không dám nhận sự biểu dương đó, nếu như cuộc họp kết quả tốt thì đó là do thiện chí của Nhà nước Campuchia.
    Chả là lúc tôi xuống sân bay Jakarta cũng là lúc cuộc họp giữa các bên Campuchia vừa bế mạc sau khi đã thoả thuận lập SNC gồm 12 thành viên, chức chủ tịch còn để trống và tuần tới sẽ họp phiên đầu tại Bangkok để giải quyết nốt vấn đề chủ tịch SNC. Bản tuyên bố chung của cuộc họp có ghi “Các bên Campuchia chấp nhận toàn bộ văn kiện khung của P5 làm cơ sở để giải quyết cuộc xung đột Campuchia”. Tôi nghĩ rằng Bộ Chính trị bảo tôi sang Jakarta có thể là một động tác sách lược để tỏ ra với Trung Quốc là ta tích cực thực hiện thoả thuận Thành Đô. Còn Trương Thanh gọi điện cảm ơn tôi thực ra cũng là một sự vỗ về của Trung Quốc để khuyến khích tôi tiếp tục cố gắng thực hiện thoả thuận Thành Đô ! Nhưng sự khuyến khích đó lại có tác dụng trái ngược lại, làm thức tỉnh cái con người bướng bỉnh trong tôi. Từ đầu, tôi và số anh em chuyên nghiên cứu vấn đề Campuchia và quan hệ với Trung Quốc trong Bộ Ngoại Giao đã rất không thông với thoả thuận Thành Đô vì nhiều lẽ, nay tôi càng thấy mình không thể hành động trái với điều mình cho là lẽ phải.
    Ngày 13.9.90 tôi lại được trong nước chỉ thị đi thẳng từ Jakarta sang Bangkok để theo dõi phiên họp đầu tiên của SNC ở đó. Sáng 14.9.90 Bí thư thường trực Bộ Ngoại Giao Thái Kasem mời tôi tới Bộ Ngoại giao Thái Lan nói chuyện. Chủ đề câu chuyện vẫn là vấn đề Campuchia. Kasem hỏi dò tôi về thoả thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc về cơ chế SNC. Tôi trả lời đó chỉ là những tin đồn không căn cứ, không nên tin. Trưa hôm đó, Sok An, thứ trưởng ngoại giao Campuchia, tìm đến gặp tôi. Anh hỏi ý kiến về cuộc họp SNC ở Bankok sắp tới, thái độ ta nên như thế nào nếu đối phương đòi đưa Sihanouk làm chủ tịch SNC và là thành viên thứ 13 cuả SNC ? Tôi gợi ý cần giữ vững nguyên tắc hai bên ngang nhau. Để thiện chí, một lần nữa, ta có thể nhận cho đối phương thêm một người nhưng bên ta cũng phải thêm một người (mỗi bên 7 người). Không 12 thì 14 chứ không nhận 13. Sau đó tôi lại được anh Sok An cho biết là Kraisak, con trai Thủ tướng Chatichai và là thành viên trong nhóm cố vấn của Thủ tướng Thái, đã bảo anh rằng ông ta được Bộ Ngoại giao Thái thông báo là Việt Nam cũng ủng hộ việc lập SNC với 13 thành viên do Sihanouk đứng đầu. Tôi nói với Sok An đấy là điều bịa đặt và tôi sẽ gặp Kraisak dể nói lại. Chiều hôm khi gặp Kraisak, tôi nói khá thẳng rằng: “Không thể coi ông Sihanouk là ông chủ ở Campuchia, là vua trên tất cả. Vấn đề thành phần cũng như chức chủ tịch SNC phải do người Campuchia quyết định. Việt Nam và Trung Quốc không có quyền bỏ phiếu về vấn đề đó”. Sau đó Kraisak kể lại cả cho Kasem. Kết quả là cuộc họp SNC phiên đầu tiên 17.9.90 tại Bangkok đã tan vỡ vì Hunxen không chấp nhận công thức “6+2+2+2+1”, cự tuyệt bầu Sihanouk làm chủ tịch với tư cách là thành viên thứ 13 của SNC. Hẳn Trung Quốc đã gắn trách nhiệm hoặc ít ra cũng là một phần trách nhiệm về thất bại đó cho tôi.
    Hạ tuần tháng 9.90, Trung Quốc đón Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trung Quốc và dự lễ khai mạc Á Vận Hội (ASIAD) 11 với tư cách là “khách mời đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc” (tuy nhiên báo chí Trung Quốc vẫn đưa tin việc Trung Quốc mời Võ Nguyên Giáp là thể theo yêu cầu của ta, dù rằng ngày 4.9.90 khi tiếp đoàn cấp cao của ta ở Thành Đô chính Giang Trạch Dân đã nói sẽ mời anh Giáp dự khai mạc ASIAD như một cử chỉ thiện chí của họ). Ngày 24.9.90 khi tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Lý Bằng có nói: “Sau cuộc gặp cấp cao ở Thành Đô, cuộc họp Jakarta kết quả tốt, đã ra được tuyên bố SNC 13 người. Song đến khi họp SNC ở Bangkok thì không tốt. Xin nói thẳng thắn với đồng chí là chúng tôi thấy Thứ trưởng Trần Quang Cơ có tác dụng xấu trong việc này. Khi Kasem hỏi có phải thực sự giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đi đến thoả thuận lập SNC gồm 13 người hay không? Trần Quang Cơ đã đáp rằng hoàn toàn không có việc đó; đó hoàn toàn là những điều dối trá. Chúng tôi không biết tại sao Thứ trưởng Trần Quang Cơ lại nói những lời như vậy, hoàn toàn truyền đạt thông tin không đúng đắn”. Anh Giáp đáp: “Khi về tôi sẽ hỏi lại về phát biểu của đồng chí Cơ. Nếu có như vậy thì đây không phải là ý kiến của Trung ương chúng tôi. Tôi không biết việc này vì tôi không phụ trách công tác ngoại giao”.
    Tiện đây tôi thấy cũng nên ghi lại một chuyện có thể giúp cho chúng ta hiểu thêm đặc điểm của người Trung Quốc: sau khi đến Bắc Kinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đề nghị gặp một số tướng lĩnh trong quân đội Trung Quốc như Dương Đắc Chí (Dương là tổng chỉ huy cuộc chiến tranh đánh Việt Nam năm 1979). Nhưng Dương nói một cách bực tức: “Đời nào tôi lại gặp ông ta. Mộ của các cán bộ chiến sĩ còn chưa xanh cỏ !”. Ngày 1.10.90 Dương cùng một số tướng lĩnh khác còn gọi điện thoại thăm hỏi động viên sĩ quan binh lính ở Vân Nam, Quảng Tây. Nhà văn quân đội Lý Tôn Bảo tác giả cuốn “Vòng hoa dưới chân núi cao” viết về cuộc tấn công vào Việt Nam tháng 2.79, phát biểu: “Xem tin Lý Bằng tiếp Võ Nguyên Giáp mà trong lòng tôi cảm thấy bứt rứt. Giờ đây chúng ta phải xem xét lại xem có gây ra cuộc chiến tranh đó không? Chẳng những phần lớn sĩ quan binh lính dưới đơn vị không thông ngay cả một số tướng lĩnh cao cấp cũng không thông nổi”.
    Tư liệu trên đây tôi lấy ở bài “Võ Nguyên Giáp thăm Bắc Kinh gây chấn động” của Quan Nghiệp Thành đăng trên báo “Tranh Minh” xuất bản ở Hồng Kông tháng 11.90. Từ đó đến nay, tôi vẫn phân vân là giữa người Việt Nam và người Trung Quốc đáng lý ra ai là người phải nhớ dai hơn về sự kiện tháng 2.79 ?

    Chương 16


    16. MÓN NỢ THÀNH ĐÔ


    46[Từ tháng 9.90, Trung Quốc luôn coi ta mắc nợ họ về thoả thuận Thành Đô, đòi ta thực hiện thoả thuận đó,] cụ thể là tác động với PhnomPenh nhận SNC có 13 thành viên và do Sihanouk làm Chủ tịch47. Với cách làm đó, họ khơi sâu thêm bất đồng trong nội bộ ta… Trung Quốc thấy rằng việc thực hiện thoả thuận Thành Đô gặp trở ngại chính từ Bộ Ngoại giao nên chủ trương chia rẽ nội bộ ta càng trắng trợn hơn. Đại sứ mới của Malaysia ngày 3.10.90 đến chào xã giao, nói với tôi là ở Bắc Kinh người ta đưa tin là có sự khác nhau giữa Bộ Ngoại giao và lãnh đạo Đảng về chủ trương đối ngoại cho nên trong chuyến đi Thành Đô gặp cấp cao Trung Quốc không có ông Nguyễn Cơ Thạch. Sau Thành Đô, trong khi ta nới rộng hoạt động của sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam thì phía Trung Quốc lại tỏ ra lạnh nhạt với Bộ Ngoại giao công kích lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam; hạn chế hoạt động của Đại sứ ta ở Bắc Kinh, không sắp xếp Đại sứ ta tham dự vào cuộc Lý Bằng tiếp anh Võ Nguyên Giáp, anh Vũ Oanh; cử cán bộ cấp thấp tiếp và làm việc với Đại sứ ta. Trung Quốc một mặt khẳng định là vấn đề Campuchia chưa giải quyết thì quan hệ Trung - Việt “chỉ có bước đi nhỏ”, mặt khác thăm dò và tích cực tác động đến vấn đề nhân sự và phương án chuẩn bị Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ họp vào giữa năm 1991. Từ tháng 3.91, tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khoá 7, Lý Bằng tuyên bố “quan hệ Trung – Việt đã tan băng” và có một số điều chỉnh mềm dẻo hơn trong vấn đề Campuchia. Về vấn đề SNC của Campuchia. Trung Quốc không cố bám giữ con số 13, tạm gác vấn đề chủ tịch, phó chủ tịch, đưa ra công thức “Sihaouk chủ trì các cuộc họp SNC”. Từ chỗ chỉ có quan hệ với 3 phái, sau cuộc gặp SNC ở Pattaya (Thái Lan), Trung Quốc chuyển sang quan hệ trực tiếp với Nhà nước Campuchia, mời Hunxen thăm Bắc Kinh trong 3 ngày (22-24.7.91).48
    Chiều chủ nhật 18.11.90 họp BCT về vấn đề Campuchia. Từ sau khi P5 thoả thuận về văn kiện khung (28.8.90) cuộc đấu tranh về vấn đề Campuchia đi vào giai đoạn cuối, gay gắt và quyết liệt. Thay mặt Bộ Ngoại giao, tôi trình bày đề án về nguyên tắc đấu tranh về văn kiện khung của P5 và về vấn đề SNC để BCT cho ý kiến. Khi tôi trình bày xong, anh Thạch đề nghị BCT khẳng định 2 điểm:
    1. Vấn đề SNC là vấn đề nội bộ của Campuchia, ta không ép bạn được, phải tôn trọng chủ quyền của bạn;
    2. Về văn kiện khung, ta phải bác những điểm vi phạm Hiến chương LHQ. Nếu không sau này có ảnh hưởng đến vấn đề xử lý Trường Sa... Ta thấy rõ Trung Quốc và Mỹ đều nhất trí xoá Nhà nước Campuchia bằng cách khác nhau.
    Cuối cuộc họp, TBT Linh kết luận: về SNC ta không thể góp ý với bạn được... Nếu nói Trung Quốc và Mỹ như nhau thì tôi không đồng ý. Sau hội nghị Trung ương, BCT sẽ đánh giá lại một số vấn đề liên quan đến Ngoại giao như nhận định về Trung Quốc thế nào, tuyên bố hoặc nói về Trung Quốc như thế nào ? Nguyễn Cơ Thạch nói luôn:Đồng ý đánh giá lại cả cuộc hội đàm ở Thành Đô.
    Dự thảo Hiệp định toàn bộ về Campuchia ngày 26.11.90 do P5 thảo ra đã được các thành viên SNC Campuchia chấp nhận về cơ bản tại cuộc họp ở Paris ngày 23.12.90. Chủ trương của ta là giải pháp chính trị về Campuchia, nhất là những vấn đề nội bộ Campuchia, phải do bạn tự quyết định và chịu trách nhiệm với dân tộc Campuchia. Ta hết sức giúp đỡ họ, gợi ý để họ tránh được những thất bại không đáng có, nhưng ta không thể làm thay. Như vậy ta vừa hết lòng giúp bạn vừa không để Việt Nam một lần nữa bị sa lầy vào cuộc đấu tranh nội bộ của Campuchia. Không để vấn đề giải pháp chính trị về Campuchia lại một lần nữa trở thành vấn đề lịch sử trong quan hệ Việt Nam – Campuchia.
    Theo yêu cầu của bạn, ngày 14.1.91, tôi cùng các anh Huỳnh Anh Dũng, Lê Công Phụng, Vũ Tiến Phúc, chuyên viên về giải pháp Campuchia, sang PhnomPenh làm việc với bạn với mục đích:
    a. Tìm hiểu suy nghĩ và ý định của bạn về giải pháp Campuchia sau khi bạn đã chấp nhận văn kiện khung của P5 tại cuộc họp Jakarta 10.9.90 và chấp nhận về cơ bản dự thảo Hiệp định 26.11 của P5 tại cuộc họp Paris 23.12.90;
    b. Thuyết phục bạn kiên quyết tách riêng các vấn đề nội bộ thuộc chủ quyền Campuchia để chỉ thaỏ luận và giải quyết trong SNC;
    c. Thoả thuận kế hoạch chuẩn bị cho việc họp lại Hội nghị quốc tế Paris.
    Khi tiếp tôi, anh Hunxen nói: “Trong nội bộ Campuchia, xu hướng mạnh nhất là muốn có một giải pháp chính trị giữ được thành quả cách mạng, không để cho Polpot quay trở lại... Tình hình hiện nay rất tế nhị. Tình hình phức tạp sẽ xảy ra nếu ta chấp nhận một giải pháp vô nguyên tắc. Chỉ cần chấp nhau một giải pháp như vậy thì nội bộ Campuchia đã hỗn loạn rồi chứ chưa nói là ký kết. Ta giữ lập trường cứng như vừa qua là tốt. Đề nghị Việt Nam không để đẩy quá nhanh tiến trình giải pháp.
    Như vậy, qua các cuộc gặp Bộ trưởng Hor Nam Hong, thứ trưởng Dith Munty và thứ trưởng Sok An, nhất là qua phát biểu của Chủ tịch Hunxen chiều 16.11, có thể thấy được chủ trương của bạn cố kéo dài trạng thái đánh đàm hiện tại vì nhiều yếu tố chủ quan khách quan khác nhau, song chủ yếu vì trong nội bộ lãnh đạo bạn xu hướng chưa muốn đi vào giải pháp còn rất mạnh. Hunxen cho biết theo quyết định của BCT Campuchia, trong cuộc họp Trung ương ngày 17.1.91, ông ta sẽ thông báo cho Trung ương là “năm 1991 sẽ chưa có giải pháp”. Tuy nhiên, tôi lại có cảm thấy trong suy nghĩ cũng như trong hành động lãnh đạo Campuchia đang có nhiều mâu thuẫn lúng túng, chưa xác định được cho mình một đường lối rõ ràng mạch lạc, mà chỉ lo đối phó từng bước với những vấn đề trong nội bộ cũng như với đối phương.
    Trong lần gặp Heng Somrin ở Hà Nội ngày 24.2.91, anh Nguyễn Văn Linh vẫn cố ép bạn “cần thực hiện tốt chính sách hoà hợp dân tộc, không nên nhấn mạnh vấn đề diệt chủng, nên SNC gồm 13 thành viên và Sihanouk làm Chủ tịch”. Heng Somrin về nói lại với BCT Đảng Campuchia thì tất cả đều băn khoăn và ngại rằng Heng Somrin không thạo tiếng Việt nên nghe có thể sai sót. Thực ra, như Hunxen nói với anh Ngô Điền, khi nghe Heng Somrin nói lại những ý kiến của anh Linh, BCT Campuchia rất lo vì thấy Việt Nam khác Campuchia nhiều quá. Ngày 13.3.91 Hunxen nói với anh Thạch: “Có thể có sách lược phân hoá Khmer đỏ, nhưng dứt khoát không thể bỏ vấn đề diệt chủng. Nếu bỏ sẽ có 3 mối nguy hiểm: sẽ mất con bài mặc cả trong đàm phán ngay từ đầu; mất lợi thế trong tổng tuyển cử; kẻ thù sẽ có lợi trong việc vu cáo Việt Nam là mọi chuyện xảy ra 12 năm qua đều do Việt Nam gây ra cả. Số lượng thành viên SNC có thể là 12 hoặc 14, không thể chấp nhận con số 13, sẵn sàng cho Sihanouk làm chủ tịch, Hunxen làm phó, không đòi chức chủ tịch luân phiên hay đồng chủ tịch nữa”.
    Trong cách làm này của ta cho thấy ta chỉ quan tâm đến điều mà ta cho là có lợi ích đối với ta mà thiếu cân nhắc xem điều đó có phù hợp với lợi ích của bạn không. Cách làm đó tất yếu ảnh hưởng xấu đến quan hệ gắn bó lâu nay giữa ta với PhnomPenh.
    Đầu năm 1991, BCT đã có cuộc họp tại T78 thành phố HCM (24-25.1.91) để bàn về vấn đề Campuchia. Tôi trình bày chủ trương tách mặt quốc tế với mặt nội bộ của giải pháp Campuchia, đồng thời báo cáo ý kiến của Hunxen cho biết là BCT Campuchia quyết định không đi vào giải pháp trong năm 1991. BCT quyết định cần thăm dò khả năng họp BCT 3 nước để hướng Campuchia đi vào giải pháp, họp có tính chất trao đổi, gợi ý chứ không quyết định, ta không thể ép bạn, đồng thời phải tỏ được thiện chí, tránh mọi việc làm ta bị cô lập.
    Nhân dịp này, tôi đã ngỏ ý với anh Thạch là tôi muốn rút khỏi Trung ương khoá tới. Anh Thạch tỏ ý không tán thành. Đến tháng 2.91, khi có cuộc bầu đại biểu ở các tỉnh để đi dự Đại hội VII, tôi đã gửi thư cho anh Nguyễn Đức Tâm, trưởng ban Tổ chức Trung ương, xin rút khỏi danh sách dự Đại hội VII. Lúc này tinh thần tôi đã có phần mệt mỏi vì những sự việc trong thời gian qua. Nhưng yêu cầu của tôi không được đáp ứng. Tôi nhận được giấy đi dự Đại hội tỉnh Đảng bộ Sơn la và được bầu vào Đoàn đại biểu tỉnh Sơn la đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII.Tháng 6.91, tôi có giấy đi dự Đại hội Đảng với tư cách đại biểu tỉnh Sơn La rồi tiếp
    tục tham gia Trung ương khoá VII.
    Tình hình bất đồng ý kiến trong BCT càng đến gần Đại hội càng bộc lộ gay gắt. Ngày 13.4.91, trong cuộc họp BCT bàn về tình hình thế giới và đường lối đối ngoại để chuẩn bị báo cáo chính trị tại Đại hội, sau khi anh Thạch bản báo cáo về “Tình hình thế giới và chiến lược đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta”, Lê Đức Anh giới thiệu đại tá Lân, cán bộ Cục II Bộ Quốc phòng, trình bày về tình hình thế giới và mưu đồ đế quốc”. Nghe xong, TBT Nguyễn Văn Linh phát biểu: “Chủ quan tôi nghĩ giữa bản trình bày sáng nay (của Bộ Ngoại Giao) và bản trình bày tình hình quân sự chiều nay của Bộ Quốc phòng có nhiều chỗ khác nhau. Muốn thảo luận chủ trương thì phải thảo luận tìnhhình trước, nhưng cách đánh gia tình hình còn khác nhau”
    Cố vấn Phạm Văn Đồng: “Nói khôi hài lúc này thật không phải lẽ. Chúng ta cần cố gắng làm việc đúng lương tâm, nghiêm chỉnh, đúng trách nhiệm của mình. BCT đã giao cho 3 đồng chí phụ trách 3 ngành làm nhưng lại chưa làm”.
    Lê Đức Anh: “BCT nên nghe tình hình nhiều mặt, ngay trong nước chúng ta cũng đánh giá khác nhau. Căn cứ vào đánh gía chung, mỗi ngành có đề án riêng, không làm chung được”. Nguyễn Cơ Thạch đồng ý 3 ngành thảo luận để đi tới nhất trí về tình hình, còn công tác thì mỗi ngành làm.
    Trên tinh thần đó, ngày 2.5.91, đã có cuộc họp giữa Ngoại giao, An ninh và Quốc phòng để thống nhất nhận định tình hình thế giới. Dự họp về phía Quốc phòng có: Lê Đức Anh, Trần Văn Quang, Đại tá Lân (thường gọi là Lân thọt), Bộ Nội vụ có: Mai Chí Thọ; Ngoại giao có Nguyễn Cơ Thạch và 4 thứ trưởng. Còn 3 phó ban đối ngoại: Nguyễn Thị Bình, Trịnh Ngọc Thái, Nguyễn Quang Tạo. Thu hoạch của cuộc họp khá nghèo nàn, không đem lại được sự nhất trí trong nhận định tình hình, chỉ nhất trí được mấy điểm lý luận chung chung.
    Chỉ còn một tháng đến ngày họp Đại hội VII, BCT họp liền gần 3 ngày (15,16 và 17.5.91) để thảo luận bản dự thảo “Báo cáo về tình hình thế giới và việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội VI và phương hướng tới”. BCT có mặt đông đủ. Theo dõi cuộc họp ở ghế dự thính. Số dự thính lúc đầu có 10 người, từ chiều 16.5 khi đi vào kiểm điểm việc thực hiện các Nghị quyết về đối ngoại của Đại hội VI thì dự thính thu hẹp lại chỉ còn có Hồng Hà, Hoàng Bích Sơn, Đinh Nho Liêm và tôi). Từ đầu đến cuối, tôi đã nhận rõ sự đấu tranh giữa hai quan điểm về mặt quốc tế, nhất là khi đi vào phần kiểm điểm thực hiện đường lối đối ngoại, nói đến vấn đề Campuchia và quan hệ với Trung Quốc. Bản dự thảo báo cáo của Bộ Ngoại giao có nêu “đã có một số việc làm không đúng với các Nghị quyết của Bộ Chính trị”, “thái độ đối với Trung Quốc có sự thay đổi qua 2 giai đoạn (trước và sau năm 1989) trái với Nghị quyết 13 của BCT (20.5.88)”, 49giữa ta và bạn Campuchia50 đã bộc lộ sự khác nhau khá rõ rệt”, về đối ngoại, ta “lúng túng, thiếu bình tĩnh” trước cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Âu và Liên Xô...; đã bỏ lỡ cơ hội cải thiện với ASEAN (khi Thái Lan mời Thủ tướng Đỗ Mười sang thăm, nhưng anh Mười nói phải đi Liên Xô, đi Ấn Độ rồi mới đi Thái), đã làm nảy sinh tranh cãi khá căng, đặc biệt khi bàn đến đúng sai trong chuyện gặp cấp cao Trung Quốc ở Thành Đô tháng 9.90 và vấn đề chống diệt chủng và “giải pháp Đỏ”.
    Anh Võ Chí Công: “Về Trung Quốc rất phức tạp... BCT đã đánh giá Trung Quốc có hai mặt XHCN và bá quyền. Về XHCN cũng cần thấy là trong “nháy nháy”... Khó khăn là chưa bình thường hoá quan hệ... Họ đưa ra 5 trở ngại, có cái hàng trăm năm không giải quyết nổi. Ví dụ như chuyện “Liên bang Đông Dương”, họ biết ta không có ý đồ đó song cứ nêu lên cốt để chia rẽ và giành lấy Lào và Campuchia, gạt ta ra... Chuyện “giải pháp Đỏ” là không được, vì như vậy thì có nghĩa là Trung Quốc sẽ đi với ta chống Mỹ trong lúc chủ trương của họ là tranh thủ khoa học – kỹ thuật của phương Tây để hiện đại hoá, còn gì là Trung Quốc nữa ?
    Tới cuối cuộc họp, Nguyễn Đức Tâm còn nói: “Chưa làm dự thảo Nghị quyết ngay được vì qua thảo luận thấy ý kiến BCT còn khác nhau về đánh giá đúng thành tích, đúng bạn thù, đối sách. Đại hội đến nơi, sau Đại hội không còn BCT này nữa, tuy một số đồng chí còn ở lại... Mặc dù vậy Nguyễn Thanh Bình chủ trì cuộc họp vẫn kết luận làm dự thảo Nghị quyết về đối ngoại.

    Chương 17


    17. NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TÌNH HÌNH QUỐC TẾ VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CÒN CÓ TRANH LUẬN


    1. Về tình hình quốc tế: do tác động của cách mạng KHKT, khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia ngày càng lớn. Thách thức lớn nhất của nước ta là nguy cơ tụt hậu về kinh tế, yếu tố quyết định trong sức mạnh tổng hợp của quốc gia hiện nay chủ yếu là kinh tế.
    a. Có tranh luận: nguy cơ diễn biến hoà bình hơn thách thức tụt hậu về kinh tế. Từ đó có ý kiến cho của quốc gia là sức mạnh an ninh quốc phòng là chủ yếu chứ không phải chủ yếu là sức mạnh kinh tế – xã hội trong mỗi nước.
    b. Về mâu thuẫn thời đại: nhiều ý kiến cho rằng những biến đổi lớn trong cục diện thế giới đã làm thay thứ tự quan trọng cuả các mâu thuẫn lớn, mâu thuẫn chính chi phối quan hệ quốc tế ngày nay không còn là mâu thuẫn Đông - Tây mà là mẫu thuẫn Tây – Tây. Nhưng có ý kiến cho mâu thuẫn Tây – Tây vẫn là quan trọng.
    c. Về tập hợp lực lượng: ý kiến chung chủ trương đa dạng hoá quan hệ. Nhưng còn tranh luận là tập hợp lực lượng theo ý thức hệ hay theo lợi ích dân tộc, hoặc nói đa dạng hoá nhưng nhấn ý thức hệ, cần tìm đồng minh chiến lược.

    2. Về ý đồ và chính sách của các nước lớn và ASEAN:
    Mỹ: Về câu hỏi “Cục diện thế giới mới tạo cho Mỹ thời cơ hay thách thức?” (Mỹ mạnh lên hay yếu đi)
    Có ý kiến cho rằng Mỹ đang tranh thủ lợi thế để thiết lập trật tự một cục do Mỹ chi phối, ý kiến khác cho rằng đang hình thành “trật tự đa cực”, “đa trung tâm”, hay trật tự thế giới đang trong quá trình hình thành, đang có sự cân bằng giữa các nước lớn.
    Mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ là xoá sạch các nước XHCN còn lại hay là kiềm chế các trung tâm kinh tế tư bản khác?
    Lý giải hiện tượng các nước khu vực mong muốn Mỹ tiếp tục có mặt sẽ giúp ổn định khu vực, còn Việt Nam cho Mỹ là mối đe doạ nguy hiểm nhất.
    Trung Quốc:
    Vì sao các nước khu vực đều lo ngại Trung Quốc còn Việt Nam đặt hy vọng vào Trung Quốc (đồng minh chiến lược)?
    Mặt bành trướng bá quyền của Trung Quốc là chính hay mặt XHCN là chính? Thực chất của “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”?

    Về quan hệ Mỹ - Trung Quốc (liên quan đến Việt Nam):
    Dư luận chung: Mỹ lo kiềm chế Trung Quốc ở châu á - Thái Bình Dương và mong Việt Nam góp vào đó. Nhưng có ý kiến cho Mỹ và Trung Quốc thoả hiệp bất lợi cho Việt Nam. Vì Mỹ dặt ưu tiên quan hệ với Trung Quốc cao hơn nên Mỹ sẵn sàng khi Việt Nam cho ưu tiên đó.
    Đánh gía về ASEAN:
    Có ý kiến cho ASEAN là tổ chức có tiếng nói, có sức sống, biết lợi dụng mâu thuẫn các nước lớn và lợi ích quốc gia vì lợi ích nhóm nước khu vực mình. Việt Nam cần sớm gia nhập tổ chức này.

    3. Về chiến lược đối ngoại của ta:
    Vị thế của Việt Nam có gì khác trước?
    Đe doạ chính đối với an ninh và phát triển của ta nay là gì? Nguy cơ tụt hậu về kinh tế hay nguy cơ diễn biến hoà bình là đe doạ chính?
    Biện pháp đối phó với đe doạ và thực hiện mục tiêu của ta? (“đồng minh chiến lược”, “quan hệ đặc biệt”).
    Tập trung phát triển kinh tế có phải là lối thoát duy nhất để củng cố ổn định, ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội trong nước và nâng cao vị thế và vai trò nước ta trên quốc tế, đối phó “diễn biến hoà bình” có hiệu quả nhất hay không? Ta đã đặt ưu tiên cao nhất cho phát triển kinh tế hay chưa?
    Trong thực tế đối ngoại, thường có sự lúng túng ngập ngừng về ưu tiên trong các mối quan hệ sau:
    + giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh chính trị (giữa nguy cơ tụt hậu về kinh tế và nguy cơ chệch hướng XHCN, nguy cơ bị diễn biến hoà bình).
    + Lợi ích dân tộc và nghĩa vụ quốc tế. Tập hợp lực lượng và phân biệt bạn – thù theo quan điểm ý thức hệ hay theo lợi ích dân tộc.
    + Độc lập chủ quyền và hợp tác quốc tế. Hoà nhập cộng đồng thế giới. (2/1995)51

    Chương 18


    18. ĐẠI HỘI VII VÀ CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CHO VIỆC BÌNH THƯỜNG HOÁ QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC


    Từ 17 đến 27.6.91 Đảng Cộng sản Việt Nam họp Đại hội lần thứ VII đưa lại nhiều thay đổi quan trọng về nhân sự: Đỗ Mười thay Nguyễn Văn Linh làm TBT; Lê Đức Anh nay nghiễm nhiên giữ vị trí thứ 2 trong Đảng, Uỷ viên thường trực BCT kiêm bí thư trung ương phụ trách cả 3 khối quốc phòng – an ninh – ngoại giao và lên chức Chủ tịch nước. Võ Văn Kiệt được giới thiệu với Nhà nước cử làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Đào Duy Tùng thường trực Ban bí thư. Bộ ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng nắm bộ phận thường trực của Bộ Chính trị và của Ban Bí thư. Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị gạt ra khỏi chức uỷ viên Trung ương. Còn Nguyễn Cơ Thạch bị bật ra khỏi Bộ Chính trị và chuẩn bị thôi chức Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao... (thực ra những thay đổi về nhân sự trong BCT đã được quyết định từ tháng 5 và Trung Quốc đã biết). Dư luận quốc tế xôn xao cho rằng Nguyễn Cơ Thạch là “vật tế thần” trong việc Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng đó mới chỉ là một cách nói đơn giản vì vấn đề không chỉ là bình thường hoá quan hệ mà là phụ thuộc hoá quan hệ.
    Trước hết vấn đề đặt ra là ai sẽ thay anh Thạch giữ chức bộ trưởng ngoại giao ? Từ đầu tháng 7, tôi đã nhiều lần được triệu tập lên gặp TBT Đỗ Mười và Trưởng ban tổ chức trung ương Lê Phước Thọ (người thay Nguyễn Đức Tâm), để được thông báo và đả thông về dự định đưa tôi làm Bộ trưởng ngoại giao. Lần gặp sáng ngày 10.7.91, thấy tôi vẫn từ chối, Đỗ Mười đã hiểu lầm tưởng tôi không nhận vì chưa được vào BCT như Bùi Thiện Ngộ - người thay Mai Chí Thọ làm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ - nên hứa sẽ giải quyết chuyện đó sau khi nhận chức Bộ trưởng ngoại giao. Tôi nói chỉ vì lý do “sức khoẻ” mà xin không nhận: “45 năm nay tôi liên tục công tác, cố gắng làm tốt các công việc được giao, không từ nan. Song lần này không thể nhận. Tôi chỉ có nguyện vọng và làm nốt công việc thứ trưởng ngoại giao. Đề nghị các anh quyết định theo phương án chúng tôi đề nghị ngày hôm qua: cử anh Vũ Oanh hay anh Vũ Khoan. Nhân đây tôi xin phản ảnh tư tưởng chung của anh em cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao là có sự đối xử chưa công bằng với Ngoại giao”.
    Vì sao tôi được người ta chọn để thay Nguyễn Cơ Thạch tuy biết rõ tôi có cùng quan điểm về chính trị đối ngoại với anh Thạch ? Tôi nghĩ có 2 lý do: một là, che đậy ý nghĩa chính trị của việc [thay thế anh]52 Nguyễn Cơ Thạch; hai là, cơ chế mới về đối ngoại sau Đại hội VII có khả năng vô hiệu hoá hoàn toàn mới chủ trương và hành động sai khác với quan điểm của mấy vị trong Ban Thường trực BCT mới.
    Sau khi tôi được miễn, đã có một cuộc vânh động khá sôi nổi quanh vấn đề này. Những tên tuổi như Vũ Oanh, Hồng Hà, Hoàng Bích Sơn, Vũ Khoan, Nguyên Dy Niên… được nói tới. Cuối cùng Nguyễn Mạnh Cầm, lúc đó đang là Đại sứ ta tại Liên Xô được chọn, mặc dù khi ấy ânh còn rất lưỡng lự.
    Sau Đại hội VII, mọi vấn đề quan trọng về đối ngoại của Nhà nước đều do Hồng Hà, bí thư TƯ, phụ trách đối ngoại, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lê Đức Anh và tất nhiên được sự tán thưởng của TBT Đỗ Mười, quyết định. Những phần công việc xưa nay vốn do Bộ Ngoại giao đảm nhiệm nay đều do Hồng Hà và Ban Đối ngoại chủ trì. Một thí dụ điển hình về vì ý đồ cá nhân họ sẵn sàng bỏ qua danh dự và quốc thể: Ngày 5.8.91, tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, Hồng Hà tuyên bố: ‘Từ nay trong quan hệ với Trung Quốc các ngành cứ tập trung ở chỗ anh Trương Đức Duy (Đại sứ Trung Quốc), không cần qua sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh’. Lê Đức Anh cho biết khi ở Trung Quốc, Phó ban Đối ngoại Trung Quốc Chu Lương có đề nghị: vì lý do kỹ thuật, quan hệ giữa hai Đảng xin làm qua Trương Đức Duy. Hôm sau, Hồng Hà với tư cách Trưởng ban Đối ngoại tiếp Đại sứ Campuchia Ouch Borith, đã thông báo: “Theo sự phân công của BCT Việt Nam, từ nay đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Hồng Hà sẽ phụ trách việc thảo luận giải pháp Campuchia và các vấn đề liên quan. Nếu lãnh đạo Campuchia muốn bàn các vấn đề trên thì đề nghị quan hệ và thảo luận trực tiếp với 2 đồng chí đó.
    Ngày 9.7.91, vừa được bầu làm TBT, Đỗ Mười gặp đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy tỏ ý muốn cử đặc phái viên đi Bắc Kinh để thông báo về Đại hội VII và trao đổi về quan hệ giữa hai nước. Trước đó ít ngày–ngày 11.6.91 – Bộ Ngoại Giao ta cũng đã gặp đại sứ Trung Quốc đề nghị mở lại đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao hai nước. Ngày 17.7, Trung Quốc trả lời đồng ý gặp cấp thứ trưởng ở Bắc Kinh từ 5.8 đến 10.8. Hai ngày sau, Trung Quốc trả lời đồng ý việc ta cử đặc phái viên gặp lãnh đạo Trung Quốc, nhưng lại sắp xếp cuộc gặp đặc phái viên Đảng trước cuộc gặp thứ trưởng ngoại giao… Việc làm trên cho thấy một mặt Trung Quốc muốn gặp ta ở cả hai cấp, mặt khác muốn dùng những thoả thuận với cấp đặc phái viên để ép ta trong cuộc gặp cấp thứ trưởng ngoại giao. Để đề cao công việc này, phía Trung Quốc đã đề nghị thay chữ “đặc phái viên” thành “đoàn Đại diện đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” tuy Đoàn chỉ có 2 thành viên là Lê Đức Anh và Hồng Hà. Hồng Hà lúc đó là bí thư TƯ, phụ trách đối ngoại. Phụ tá đoàn là Trịnh Ngọc Thái, phó ban Đối ngoại của Đảng. Tôi nhớ khi đó Bộ Ngoại giao có đề nghị có một thứ trưởng ngoại giao là uỷ viên TƯ đi với đoàn để nắm tình hình vận dụng vào cuộc đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao ngay sau đó, nhưng đề nghị không được chấp nhận. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Nghiêm Hoành cũng không được tham dự các hoạt động của đoàn, trong khi đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Trương Đức Duy lại có mặt trong mọi hoạt động chính thức của đoàn tại Trung Quốc.
    Ngày 28.7.91, đoàn đã đến Bắc Kinh và trong mấy ngày sau đó đã gặp Kiều Thạch, Lý Bằng, Giang Trạch Dân thông báo khá chi tiết về Đại hội VII. Thông báo cả những ý kiến khác nhau quá trình thảo luận, tranh luận và việc biểu quyết những vấn đề quan trọng trong Đại hội, và cơ cấu nhân sự của Ban Chấp hành TƯ mới..., Giang Trạch Dân và Lý Bằng tỏ ra quan tâm đến việc Việt Nam sẽ có ngoại trưởng mới (thay Nguyễn Cơ Thạch) trong kỳ họp Quốc hội tháng 8.91, Giang tỏ ý hài lòng: “Từ đáy lòng mình, tôi hết sức hoan nghênh kết quả Đại hội VII của các đồng chí Việt Nam”.
    Đặc biệt mặc dù chuyến đi có mục đích gặp lãnh đạo Trung Quốc thông báo về Đại hội VII và bàn quan hệ hai nước, nhưng Lê Đức Anh và Hồng Hà đã chủ động xin gặp Từ Đôn Tín tới 2 lần, chiều 29.7 và tối 31.7 để tạ lỗi (?). Mở đầu cuộc gặp chiều 29.7, Lê Đức Anh đã nói: “Năm ngoái khi đồng chí Từ Đôn Tín sang Việt Nam đã xảy ra một số trục trặc không hay lắm do phía chúng tôi gây ra (!) Đồng chí Nguyễn Văn Linh và chúng tôi khi biết việc này, chúng tôi không vui lắm. Hôm nay gặp đồng chí, tôi nói tình cảm của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và của tôi... Tình hình trục trặc trong quan hệ là một việc đau lòng, nhất là giữa những người cộng sản. Khúc nhạc cũ đã qua rồi, mong các đồng chí yên tâm”. Còn Từ thì cũng mượn dịp này để than phiền về đại sứ Đặng Ngiêm Hoành: “Một năm nay đồng chí ấy không gặp tôi, trừ khi gặp ở các cuộc chiêu đãi. Đây là lần đầu tiên tôi gặp đồng chí Hoành kể từ tháng 6 năm ngoái” (sự thực là phía Trung Quốc đã có thành kiến với anh Hoành từ trong cuộc đàm phán tháng 6.90 ở Hà Nội). Từ không quên nhắc đến điều kiện không thể thiếu có thể bình thường hoá quan hệ với Việt Nam: “Tôi rất hoan nghênh đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Hồng Hà là từ nay không nói diệt chủng nữa. Khi về Hà Nội nếu gặp Campuchia đề nghị các đồng chí cũng nói ý này... Nếu các đồng chí lãnh đạo Việt Nam sang Trung Quốc mà cái đuôi Campuchia vẫn còn thì chúng tôi khó nói với nhân dân. Mong vấn đề Campuchia được giải quyết thì khi bình thường hoá quan hệ chúng tôi có thể ăn nói với nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới”.
    Để dọn đường cho cuộc gặp cấp thứ trưởng ở Bắc Kinh tháng 8.91, tối 31.7 Hồng Hà đảm bảo với Từ Đôn Tín: “Đồng chí Lê Đức Anh và tôi sẽ làm việc trực tiếp với thứ trưởng Nguyễn Dy Niên (người được chỉ định đi đàm phán với Trung Quốc chỉ vì chưa có “tiền sử” với Trung Quốc) trước khi đồng chí ấy đi Trung Quốc. Chúng tôi phải báo cáo với BCT để có ý kiến chỉ đạo không những về nội dung mà cả về tinh thần và thái độ làm việc. Tinh thần của chúng tôi là phấn đấu làm cho cuộc gặp thành công”. Sau khi đã cam kết từ nay không nói đến vấn đề diệt chủng nữa, Hồng Hà hỏi Từ: “Tôi muốn hỏi đồng chí ngoài vấn đề diệt chủng, còn hai vấn đề gai góc là vấn đề quân đội các bên Campuchia và vai trò LHQ thì phương hướng giải quyết nên thế nào, để chúng tôi có thể góp phần làm cho cuộc gặp thứ trưởng Việt – Trung ở Bắc Kinh sắp tới đạt kết quả tốt”. Xin ý kiến đối phương và hướng giải quyết vấn đề để đàm phán trước khi đàm phán, thật là chuyện có một không hai trong lịch sử đối ngoại !
    Sau khi ở Trung Quốc về, ngày 4.8.91, Lê Đức Anh và Hồng Hà gặp tôi và Nguyễn Dy Niên tại Văn phòng TƯ Đảng để chuẩn bị cho Niên đi đàm phán với Trung Quốc. Sau khi anh Niên đọc bản đề án của Bộ Ngoại Giao, tôi nói: “Anh Hoành (đại sứ ta ở Trung Quốc) vừa điện về phía Trung Quốc thông báo có 3 buổi làm việc nhưng họ nói có thể làm một buổi là xong. Chắc chắn Từ Đôn Tín sẽ đưa văn bản buộc chúng ta phải thoả thuận. Nếu ta nhận, họ sẽ xì ra cho các nước P5, ASEAN và bạn Campuchia. Ta sẽ ở vào thế phản bội đồng minh, phản bội bạn bè. Nếu ta đòi sửa văn bản của Trung Quốc thì sẽ không ra được văn bản, đàm phán sẽ thất bại. Chúng tôi đã xem lại biên bản thấy Trung Quốc gắn rất chặt vấn đề Campuchia với việc bình thường hoá quan hệ, vẫn coi Campuchia là điều kiện. Trung Quốc rất khôn, khi gặp cấp cao chỉ tập trung vào vấn đề quan hệ hai nước, còn cái xương để lại. Gặm cái xương này, chúng ta phải giải quyết vấn đề có tính nguyên tắc. Ta quyết tâm bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc nhưng không được phá quan hệ với Campuchia và không được để thế giới thay anh Việt Nam là người tráo trở”. Biết tôi quá gai góc, không chịu chấp nhận ý đồ thoả hiệp vô nguyên tắc với Trung Quốc, Lê Đức Anh và Hồng Hà chỉ nói chung chung về chuyến đi Bắc Kinh vừa qua. Hồng Hà nói: “Tinh thần tôi nắm được là ý Trương Đức Duy và Từ Đôn Tín đều lo cuộc gặp thứ trưởng thất bại. Từ có hỏi: Không biết đồng chí thứ trưởng nào gặp tôi có nắm được tinh thần này không ?” Tôi liền bảo: “Như vậy càng rõ là họ có yêu cầu cao nên họ sợ ta không thể chấp nhận được”. Hồng Hà nói: “Tôi hiểu họ muốn bình thường hoá quan hệ là chính nên họ lo”. Tôi đáp: “Về mặt này thì phải nói là Việt Nam lo hơn vì Việt Nam mót bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc hơn.” Vào cuối buổi họp, Hồng Hà nói: “Chuyến đi của anh Niên là thuận lợi, sau chuyến đi của anh Lê Đức Anh. Anh Niên cũng là nhân vật mới, không có “tiền sử”. Khi nhắc đến tháng 6.90 họ rất cay cú”. Lê Đức Anh thêm vào: “Sau tháng 6.90 lại có phát biểu với báo chí của hai bên nên càng tích tụ thêm, gắng thêm”. (ý nói đến lần sau đàm phán tháng 6.90, giữa tôi và Từ Đôn Tín có sự phê phán nhau trên báo chí). Và đến chiều, khi họp Thường trực BCT bàn về việc đàm phán với Trung Quốc họ chỉ triệu tập anh Niên, không triệu tập tôi.
    Được biết trong cuộc họp này TBT Đỗ Mười đã khẳng định là không nên vì vấn đề Campuchia mà cản trở việc bình thường hoá quan hệ của ta với Trung Quốc. Về vấn đề Campuchia, họ chỉ thị cho anh Niên thoả thuận với phía TQ:
    1. Không nói về vấn đề diệt chủng. Lê Đức Anh nói phải dứt khoát thôi vấn đề diệt chủng. Và TBT Đỗ Mười nhấn thêm: “Nếu nói vấn đề diệt chủng từ là đồng minh với Mỹ chống Trung Quốc” (!)
    2. Nâng cao vai trò SNC Campuchia, hạ thấp vai trò LHQ.
    3. giảm quan các bên Campuchia 50%
    Để đảm bảo cuộc đàm phán không đi chệch khỏi quỹ đạo đã dàn xếp trước với Trung Quốc. Hồng Hà còn để Trịnh Ngọc Thái, phó ban Đối ngoại, ở lại Bắc Kinh để tham gia đoàn đàm phán, thực chất để giám sát Nguyễn Dy Niên có theo đúng những điều họ đã thoả thuận trước với Trung Quốc không.
    Ngày 10.8.91, sau khi cái gọi là cuộc đàm phán này đạt kết quả đúng ý Trung Quốc (hoan nghênh Sihanouk giữ chức chủ tịch SNC, ủng hộ văn kiện khung của LHQ về giải pháp Campuchia), vào đúng ngày Quốc hội Việt Nam thông qua việc bổ nhiệm Nguyễn Mạnh Cầm thay Nguyễn Cơ Thạch làm bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham nhận tiếp Nguyễn Dy Niên và ngỏ lời mời tân Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm thăm Trung Quốc ngày 16.9.91 để chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao Trung – Việt ở Bắc Kinh.
    Ta đã dự kiến sau cuộc đàm phán ở Bắc Kinh sẽ sang PhnomPenh thông báo cho bạn Campuchia nhưng tối 18.8.91 Hồng Hà lại gọi điện chỉ thị: “Theo ý kiến đồng chí Lê Đức Anh, anh Niên không phải đi Campuchia thông báo với bạn nữa và cũng không thông báo cho bất cứ ai về cuộc đàm phán ở Bắc Kinh vừa qua” (mặc dù phía TQ đã thông báo cho các nước ASEAN và các nước phương Tây rồi). Và còn nói thêm: “Từ nay trở đi, trên giấy trắng mực đen dùng ghi ý đồ của Trung Quốc nữa (?) vì vấn đề này BCT đã nắm rồi.”
    Nói chung, từ sau Đại hội VII, tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Trung Quốc như cỗ máy đã được tra dầu đầy đủ, diễn biến trơn tru theo trình tự đã định. Ngày 5-10.11.91, sau khi Hiệp định về Campuchia được ký kết ở Pari, TBT Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức CHND Trung Hoa để hoàn thành việc bình thường hoá mối quan hệ bị trục trặc lớn từ tháng 2.79. Nhưng trong khi lãnh đạo ta ôm kỳ vọng cùng Trung Quốc “bảo vệ CNXH chống đề quốc” thì họ đã xác định quan hệ với ta là “thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đầu” (thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau). Trung Quốc nói thế song luôn luôn lấy thế nước lớn để lấn chiếm lãnh thổ lãnh hải ta, và hiểm độc nhất là không ngừng tác động vào nội bộ ta.

    Chương 19


    19. HIỆP 2 CỦA HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ CAMPUCHIA


    Với đà tiến triển nhanh chóng qua các cuộc họp SNC tại Jakarta (6.91), Bắc Kinh, Pattaya (Thái Lan) và Nữu Ước (9.91), P5 quyết tâm giải quyết nhanh gọn vấn đề Campuchia làm đà giải quyết các cuộc xung đột khu vực khác, đặc biệt là Trung Đông. Cả Liên Xô lẫn Trung Quốc đều có lợi ích đồng tình với phương Tây – chủ yếu là Mỹ – gạt nốt những vướng mắc cuối cùng trong việc thông qua các văn bản dự thảo Hiệp định 28.11.90 của P5.
    Cuối tháng 9.91, tôi dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta đi Nữu Ước dự khoá họp thứ 10 Đại hội đồng LHQ. Khác với năm 1988, khi tôi đại diện Việt Nam dự Đại hội đồng LHQ khoá thứ 43, lần này vấn đề Campuchia đã đi sát đến giải pháp. Trong thời gian ở Nữu Ước, tôi đã tranh thủ tiếp xúc với Hunxen đang họp SNC ở đó để tìm hiểu thái độ bạn Campuchia về dự thảo Hiệp định. Tôi được biết ngày 21.9.91, Nhà nước Campuchia cuối cùng đã buông thả rất nhanh tất cả các điểm yêu cần sửa dự thảo Hiệp định. Như vậy, chỉ còn lại một mình Việt Nam là nước duy nhất đòi bổ sung dự thảo về 4 điểm liên quan đến Việt Nam. Tôi vội thông báo tình hình này về nước để nhà sớm có quyết sách đích đáng cho đoàn đại biểu ta đi dự Hội nghị quốc tế Pari về Campuchia. Ngày 13.10.91 bộ phận thường trực và sau đó các đồng chí khác trong BCT đã thông qua chủ trương Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định với 2 phương án đấu tranh về 4 điểm bổ sung của ta. Sáng 14.10, anh Võ Văn Kiệt đã gặp tôi ở Văn phòng Hội đồng bộ trưởng để cho ý kiến về 2 văn bản do Bộ Ngoại giao chuẩn bị cho cuộc họp về vấn đề Campuchia ở Pari. Sau khi nghe tôi trình bày, anh Kiệt tán thành Tờ trình BCT về phương án đấu tranh của ta tại Hội nghị quốc tế Pari, và góp ý kiến sửa lại 2 chỗ trong bản dự thảo Tuyên bố Chính phủ.
    Ngày 16.10, trên đường đi Pari, tôi được điện của của Bộ báo cho biết cả Levitte, thứ trưởng Ngoại giao Pháp và Từ Đôn Tín, lúc này đã là thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, đều muốn gặp tôi sớm, trước ngày họp Uỷ ban Phối hợp của Hội nghị. Trên cơ sở phán đoán là cả hai đều muốn gặp để thương lượng và thúc đẩy Việt Nam rút các yêu cầu sửa đổi dự thảo Hiệp định để bảo đảm cho cuộc họp Uỷ Ban Phối hợp khỏi gặp trắc trở, tôi đã quyết định gặp Levitte trước, sau đó mới gặp Từ. Suy nghĩ của tôi là: Pháp là nước đồng chủ tịch và là nước đăng cai hội nghị, rất muốn hội nghị đạt kết quả. Đề cao được vai trò Pháp trên quốc tế, đồng thời gặp Pháp trước sẽ tỏ rõ được thiện chí và tính độc lập của ta, nếu gặp Trung Quốc trước gặp Pháp sau thì sẽ chịu tiếng bị sức ép của Trung Quốc mà phải nhượng bộ.
    Ngày 18.10, ngay sau khi đến Paris, tôi đã gặp Levitte thảo luận. Đúng như đã phán đoán, Pháp tha thiết mong Việt Nam có thái độ mềm dẻo đối với dự thảo Hiệp định. Cuối cùng, để tỏ thiện chí, tôi đã thoả thuận với Pháp về cách làm như sau: trong báo cáo của Tổng Thư ký LHQ trước Hội Đồng Bảo An sẽ có giải thích những điểm mà Việt Nam yêu cầu làm rõ. Và ngay trong cuộc họp Uỷ ban Phối hợp ngày 21.10.91, trong bản trình bày của Phó tổng thư ký LHQ Ahmed Rafeuddin cũng phải nêu đầy đủ các giải thích này, đồng thời Levitte nhân danh chủ tịch Uỷ ban sẽ tuyên bố hoan nghênh thiện chí hợp tác của Việt Nam đã thôi không đưa các bổ sung dự thảo Hiệp định nữa vì đã có những giải thích thích đáng của Phó Tổng thư ký LHQ. Tôi cũng thoả thuận với Levitte sẽ có cuộc gặp tay ba với Ahmed để có thoả thuận cuối cùng.
    Hôm sau, tôi gặp Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Từ Đôn Tín. Từ cũng có mục đích thuyết phục ta thôi không đưa các yêu cầu bổ sung nữa, nói nếu Việt Nam đưa bổ sung thì các nước khác cũng đòi bổ sung để cân bằng lại, Mỹ sẽ đòi hoãn việc ký kết và đổ trách nhiệm cho Việt Nam.
    Ngày 20.10.91, như đã thoả thuận với Pháp, ngay sau khi Phó Tổng thư ký LHQ đến Paris, đã có cuộc họp tay ba giữa Việt Nam, Pháp và Phó Tổng Thư ký LHQ Ahmed. Ahmed thoả thuận cách làm như ta đã bàn với Pháp hôm 18.10 và cho trợ lý của ông ta ghi lại các câu chữ mà ta yêu cầu nói rõ khi ông giải thích về mấy điểm bổ sung của ta. Như vậy thực chất là đã vượt mức yêu cầu của ta, nhưng để giữ cao giá, tôi nói sơ bộ thoả thuận như vậy song tôi còn phải xin chỉ thị Hà Nội, sẽ khẳng định lại trong sáng 21.10 trước khi bắt đầu họp Uỷ ban Phối hợp.
    Sáng 21.10.91, khi đoàn Việt Nam đến Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, có một đoàn viên của đoàn Trung Quốc ra mời tôi gặp Từ Đôn Tín có việc gấp cần trao đổi trước khi họp. Từ yêu cầu gặp riêng tôi nói chuyện bằng tiếng Tàu không qua phiên dịch, cho biết Mỹ định đưa bổ sung vào Định ước một đoạn lên án diệt chủng và yêu cầu tôi cho biết ý kiến. Tôi trả lời: “chuyện này bây giờ chủ yếu là vấn đề của người Campuchia, nên để các bên Campuchia có ý kiến. Còn quan điểm của Việt Nam là đến lúc này không nên để bất cứ một vấn đề nào gây trở ngại cho việc ký kết.” Từ xem ra hài lòng về cách tỏ thái độ của ta. Nhưng cuối cùng hình như đã có sự thoả hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ rút bỏ từ “diệt chủng” trong đoạn bổ sung và chỉ nói chung chung về “nhân quyền” và các quyền tự do cơ bản của người Campuchia cần được các nước tôn trọng.
    Sau đó đã tiến hành phiên họp thứ 8 của Uỷ ban Phối hợp của Hội nghị quốc tế Paris về Campuchia53 (PICC) để thông qua lần cuối các văn kiện đưa ra Hội nghị cấp bộ trưởng. Sự việc đã diễn ra hoàn toàn đúng như đã thoả thuận giữa ta với Pháp và Phó tổng thư ký LHQ. Sau lời khai mạc của hai đồng chủ tịch Pháp và Inđônêxia, Phó Tổng thư ký LHQ Ahmed đọc bản trình bày tình hình chuẩn bị triển khai việc thi hành Hiệp định sẽ được ký kết và đọc đầy đủ những lời giải thích về 4 điểm mà ta yêu cầu bổ sung (việc đưa trở lại hay đưa quân của bất cứ nước ngoài nào vào Campuchia sẽ là vi phạm Hiệp định; các thông tin cần cung cấp cho UNTAC chỉ liên quan đến các lực lượng nước ngoài còn có mặt ở Campuchia khi ký kết Hiệp định này; sự có mặt của sĩ quan liên lạc UNTAC ở thủ đô Việt Nam, Lào và Thái Lan không có hàm ý mở rộng quyền hạn UNTAC sang các nước láng giềng của Campuchia... phải tôn trọng đẩy đủ chủ quyền của các nước này). Đáp lại, tôi đã phát biểu hoan nghênh và ghi nhận những lời giải thích của Phó tổng thư ký LHQ. Levitte, đồng chủ tịch cuộc họp, biểu thị cảm ơn Việt Nam vì thiện chí hợp tác.
    Kết quả cả 4 văn kiện để ký kết đều đã được nhất trí thông qua trong Uỷ ban Phối hợp, không có sự tranh cãi nào về thực chất cả, kể cả những vấn đề ta đã dự phòng như: vấn đề tù binh, vấn đề Việt kiều ở Campuchia, vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia... đều không có đoàn nào nêu ra. Giờ đây chỉ còn là công việc ký kết Hiệp định của anh Nguyễn Mạnh Cầm tối 23.10.91.
    Sáng 22.10.91, Đài RFI (Pháp) đã xin gặp tôi và đặt câu hỏi: “Ông tới Paris với tư cách là đại biểu của Việt Nam tham dự Hội nghị hoà bình về Campuchia, và hôm qua ông đã tham gia thông qua văn bản cuối cùng của Hiệp định hoà bình. Trước hết xin ông cho biết cảm tưởng về việc ký kết văn bản này, khi mà sau mười mấy năm chiến tranh ác liệt, nay ở Campuchia đã có hoà bình thực sự ?” Câu trả lời của tôi lúc đó là: “Cảm tưởng của tôi đối với việc một hai ngày nữa sẽ ký kết Hiệp định hoà bình về Campuchia là cảm tưởng của một người sau nhiều ngày luồn rừng leo núi đã tới được quãng đường rộng thảnh thơi, và cũng là cảm tưởng của một người qua nhiều ngày đi trên sa mạc sắp đến trạm nghỉ, tuy nhiên đây không phải là trạm nghỉ cuối cùng, mà là nghỉ để tiếp tục một chặng đường mới với những thách thức mới, nhưng chắc chắn có nhiều điều hứa hẹn tốt đẹp hơn”.

    Chương 20


    20. KẾT THÚC MỘT CHẶNG ĐƯỜNG NHƯNG LỊCH SỬ CHƯA SANG TRANG


    Sau 12 năm ròng rã, đối với chúng ta, vấn đề Campuchia coi như đã kết thúc và đã trở thành một hồ sơ của bộ phận lưu trữ trong Bộ Ngoại giao Việt Nam. Nhưng những bài học của 12 năm ấy vẫn còn có nhiều tính chất thời sự, nhất là bài học về chính sách và thái độ cư xử với các nước lớn.
    Tiếp sau việc vấn đề Campuchia được giải quyết là việc thực hiện bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Theo thoả thuận giữa hai bên, ngày 5.11.91, TBT Đỗ Mười và thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có cuộc đi thăm chính thức nước CHND Trung Hoa, đánh dấu sự bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. “Quan hệ Việt – Trung tuân thủ các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau... Quan hệ Việt – Trung không phải là quan hệ đồng minh, không trở lại quan hệ như những năm 50-60...”
    Tuy nhiên sau khi bình thường hoá quan hệ, lại dồn dập diễn ra những sự kiện xấu trên nhiều mặt quan hệ giữa hai nước, tập trung gay gắt nhất là các vấn đề liên quan đến lãnh thổ trên bộ vùng biên giới Hà Giang tháng 2, 3, 4.92; vụ nối lại đường xe lửa Liên vận ở Đồng Đăng, Lạng Sơn tháng 12.91 rồi 4.5.92; Lục Lầm, Quảng Ninh tháng 5.92) và tranh chấp biển đảo mà đỉnh cao là vụ Trung Quốc công khai hoá việc ký kết họp đồng thăm dò khai thác dầu khí với Công ty Năng lượng Mỹ Crestone tại một vùng rộng lớn trên thềm lục địa của Việt Nam (bãi Tư Chính).
    Vì sao Trung Quốc tăng cường lấn ép ta vào thời điểm này ? Vì Trung Quốc cho rằng tình hình đó đang thuận lợi cho họ tranh thủ gấp rút thực hiện yêu cầu tăng thế và lực (xây dựng hải quân nhanh, nổ thử bom 1000 kilôton, thi hành chiến lược “biên giới mềm”) nhằm tạo cho mình một vị thế đỡ bất lợi so với Mỹ và các nước lớn khác, trong đó có ý đồ gấp rút biến biển Nam Trung Hoa - mà ta gọi là biển Đông - thành vùng biển độc chiếm của Trung Quốc, từ đó khống chế toàn bộ vùng Đông Nam Á.
    1. Trật tự thế giới cũ không còn, trật tự thế giới mới chưa hình thành. Các đối thủ chính của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương đều đang gặp khó khăn, Liên Xô vừa tan rã. Liên bang Nga trước mắt chưa phải là thách thức đáng kể, Mỹ đang giảm bớt sự có mặt về quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương, tránh can thiệp nếu lợi ích của Mỹ và đồng minh không bị đụng đến.
    2. Đông Nam Á mới bắt đầu quá trình nối lại các quan hệ giao lưu giữa hai nhóm nước đối đầu cũ. Triển vọng liên kết hay nhất thể hoá Đông Nam Á, bất lợi đối với ý đồ bá quyền của Trung Quốc, đang còn có những trở ngại (nghi ngờ nhau do khác ý thức hệ, va chạm lợi ích, ý đồ của Thái Lan đối với Lào, Campuchia) đòi hỏi thời gian khắc phục Trung Quốc muốn tranh thủ thời gian này để cản phá xu thế hợp tác khu vực giữa Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam và ASEAN tạo ra một tập hợp lực lượng thân Trung Quốc ở Đông Nam Á (quân phiệt Thái, quân phiệt Myanmar, Khmer đỏ ở Campuchia và Lào nếu có thể) để khuất phục Việt Nam.
    3. Bản thân Việt Nam còn đang lúng túng về những vấn đề chiến lược (vấn đề đồng minh, vấn đề tập hợp lực lượng, vấn đề bạn thù) trong tình hình mới sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ với Mỹ chưa bình thường hoá, Trung Quốc muốn đi vào bình thường hoá quan hệ với Việt Nam trên thế mạnh.
    Vì vậy Trung Quốc nhẩn nha trong các bước bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, vừa tạo bề mặt thân mật gắn bó Trung – Việt, vừa xiết chặt bên trong, giành lợi thế cho mình trên mọi lĩnh vực quan hệ. Cả hai mặt đều nhằm đạt mục tiêu khẳng định Việt Nam - Đông Dương là thuộc khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc, muốn tách Việt Nam khỏi Đông Nam Á và thế giới bên ngoài.
    *
    * *
    Ngày 29.11.93, tại cuộc họp Trung ương thứ 6 khoá VII để nhận định tình hình và bàn về ảnh hưởng tới, với dự tính sẽ xin rút khỏi Trung ương trong kỳ họp Trung ương giữa nhiệm kỳ tới, tôi đã tranh thủ nói rõ quan điểm của tôi trước phiên họp toàn thể Trung ương dưới dạng trình bày những suy nghĩ của mình về “Thời cơ và những thách thức”.
    Tôi cho rằng cục diện mới lúc này có mặt thuận lợi là đang nảy sinh những xu thế phù hợp với yêu cầu mở cửa, hoà nhập vào đời sống kinh tế–chính trị quốc tế của ta, đang tạo nên thời cơ thực hiện mục tiêu hoà bình và phát triển của nước ta.
    Đó là:
    1. Xu thế độc lập tự chủ, tự lực tự cường của những nước nhỏ và vừa, có ý thức về lợi ích dân tộc của mình, cưỡng lại chính trị cường quyền áp đặt của nước lớn.
    2. Xu thế đa dạng hoá quan hệ đối ngoại, tăng cường ngoại gia đa phương do nhu cầu đẩy mạnh giao lưu kinh tế và an ninh tập thể.
    3. Xu thế giữ hoà bình ổn định thế giới và khu vực nhằm bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi cho tập trung phát triển kinh tế.
    4. Xu thế liên kết khu vực về kinh tế và an ninh khu vực.
    Đồng thời, cũng có những thách thức lớn đối với an ninh và phát triển của ta, cả từ bên trong lẫn từ bên ngoài:
    1. Thách thức bên trong là tệ nạn tham ô và nhũng nhiễu đang huỷ hoại sức để kháng vật chất cũng cũng tinh thần của dân tộc ta, làm giảm hẳn khả năng chống đỡ của ta đối với các thách thức bên ngoài.
    2. Diễn biến hoà bình - một dạng biểu hiện của mâu thuẫn Đông - Tây sau chiến tranh lạnh.
    3. Bá quyền bành trướng. Nguy hiểm không kém diễn biến hoà bình, ở sát nách ta, thể hiện lúc mềm, cứng để gây mơ hồ mất cảnh giác (điểm này trong hội nghị hầu như không có ý kiến nào đề cập tới54).
    4. Tình hình Campuchia còn đầy bất chắc với Khơ me đỏ còn đó, cộng với chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người Campuchia.
    Trên cơ sở nhận định về thời cơ và nguy cơ như vậy, tôi đã đưa ra kiến nghị:
    1. Cần nhìn tổng thể tình hình khách quan và chủ quan, đối chiếu các thách thức với khả năng các mặt của ta để chọn cách xử lý sát thực tế, vừa sức.
    2. Trước hết xử lý thách thức nào trong tầm tay của ta, tập trung chống tham nhũng để bảo tồn và tăng cường sức đề kháng phòng ngừa thách thức bên ngoài.
    3. Ưu tiên cho liên kết khu vực (Đông Nam Á). Liên kết không phải để đối đầu chống nước nào.
    4. Đối với các nước lớn, quan hệ hữu hảo, không đối đầu nước nào, nhưng đều giữ khoảng cách nhất định.
    5. Song song với việc kết bạn, không lơ là với việc đấu tranh khi cần thiết. Song luôn giữ giới hạn. không gây nguy cơ mất ổn định khu vực.
    6. Tránh không làm gì có thể dồn hai hoặc ba đối thủ câu kết lại vơi nhau chống ta.
    Những ý kiến trên đây có thể dùng làm đoạn kết cho phần hồi ức này của tôi, vì phản ảnh khá đầy đủ quan điểm của tôi và cho đến nay (năm 2000)55 xem ra nó chưa phải đã lỗi thời.56


    Chương 21


    Phụ lục
     

    NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI AN NINH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TA

    MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ĐỐI SÁCH
    (Viết theo yêu cầu của Thường trực BCT và đã gửi các đồng chí Thường trực BCT ngày 20.6.1993)

    Những biến đổi lớn trong chính trị thế giới những năm gần đây cũng như những biến đổi lớn của tình hình kinh tế thế giới và những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật đã tác động tổng hợp vào sự hình thành cục diện chiến lược ngày nay với những xu thế mới ngày càng thể hiện rõ nét.
    Bối cảnh chung này đã thúc đẩy tất cả các nước lớn nhỏ, đã phát triển hay đang phát triển, phải điều chỉnh lại chiến lược, điều chỉnh lại thứ tự ưu tiên các mục tiêu chiến lược của mình sao cho phù hợp đặc điểm tình hình thế giới mới và những xu thế chung hiện nay.
    Một vấn đề lớn đặt ra cho mỗi nước là sớm xác định được những cơ hội và nhất là những thách thức trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược của mình. Đối với ta, trong khi phấn đấu thực hiện mục tiêu chiến lược là sớm đưa đất nước “ra khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình kinh tế – xã hội, phấn đấu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển cải thiện đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh, tạo điều kiện cho đất nước phát triển với nhịp độ mới vào đầu thế kỷ 21”, để bảo đảm hoà bình và ổn định chúng ta cần tìm ra được câu trả lời cho những vấn đề cấp bách là: hiện nay về mặt đối ngoại đất nước ta đang đứng trước những thách thức, đe doạ chủ yếu gì? có thể từ đâu đến và dưới dạng nào ? Đâu là mối đe doạ trực tiếp nhất, thúc bách nhất cần đối phó ? Phương hướng xử lý, trong đó có vấn đề tập hợp lực lượng để đối phó với những đe doạ, thách thức đó sao cho phù hợp với khả năng còn rất hạn chế về mọi mặt của ta ?

    I. Những thách thức đe doạ an ninh và phát triển của ta có thể xuất xứ từ đâu và dưới những dạng nào ?
    Hơn 2 năm qua kể từ Đại hội Đảng lần thứ 7, trên cơ sở những thành tựu trong công cuộc Đổi mới trong nước, việc triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá quan hệ theo hướng “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”, chúng ta đã cải thiện một bước đáng kể vị trí nước ta trên quốc tế. Quan trọng nhất là ta đã phá được một bước quan trọng thế bị cô lập về chính trị, tạo môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho việc giữ vững hoà bình và đẩy mạnh phát triển kinh tế.
    Tuy nhiên, trong tình hình quan hệ đối ngoại của ta đã bị đảo lộn ghê gớm với sự tan rã của hệ thống các nước bạn bè ở Liên Xô và Đông Âu thì những kết quả này mới chỉ là bước đầu và chưa thật vững chắc. Về chính trị, ta chưa tạo được hậu thuẫn quốc tế thay thế cho những chỗ dựa truyền thống mà ta vừa mất đi. Về kinh tế, đất nước ta còn ở tình trạng lạc hậu về kinh tế, KHKT so với nhiều nước trong khu vực và chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng về kinh tế – xã hội. Ngày nay quan hệ giữa ta và các nước chủ yếu dựa trên cơ sở lợi ích tương đồng, trên từng mặt, từng vấn đề; hoàn toàn khác với phương thức tập hợp lực lượng truyền thống trước đây và đối với bất cứ đối tác nào cũng đều có hai mặt hợp tác và đấu tranh rất phức tạp. Trong khi đó, những đe doạ thách thức đã và đang nảy sinh từ những phía khác nhau, trước mắt và trong tương lai gần.
    Trên cơ sở dự báo chiến lược, những đối tượng chính trước mắt hoặc sau này có thể tạo nên những đe doạ thách thức chủ yếu đối với sự nghiệp an ninh và phát triển của ta là: Trung Quốc, Mỹ, Nhật và Thái Lan .
    Sau đây là những dạng thách thức đe doạ mà mỗi đối tượng có thể gây ra đối với ta:

    1. Trung Quốc: Sau hơn 1 năm bình thường hoá, quan hệ Việt –Trung có nhiều mặt được thúc đẩy như trao đổi đoàn qua lại, mở một số cửa khẩu, buôn bán biên giới... Song mặt tiêu cực và hạn chế đang nổi lên, nhiều hiệp định đã ký kết và nhiều thoả thuận ở cấp cao chưa được thực hiện. Đặc biệt từ đầu năm 1993, Trung Quốc dùng nhiều biện pháp tổng hợp để tăng sức ép và tạo thêm nhiều khó khăn cho ta, gây tình hình không ổn định cho ta cả bên trong lẫn bên ngoài nhằm làm chậm đà phát triển kinh tế của ta và kìm hãm việc mở rộng quan hệ đối ngoại của ta trước hết là ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Những thách thức và đe doạ của Trung Quốc đối với ta đang được thể hiện ngày càng rõ nét dưới các dạng chính sau đây:
    a. Xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta trên bộ và trên biển: trong khi trên bộ, Trung Quốc không có dấu hiệu nào muốn giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lại còn làm xấu thêm tình hình (xâm canh xâm cư, xây kè cống làm thay đổi dòng chảy các sông suối biên giới có lợi cho Trung Quốc, lấn sang phía ta) thì trên biển Trung Quốc liên tiếp có những bước leo thang nghiêm trọng từ tranh chấp ngoài biển Đông, Trung Quốc đã từng bước ngày càng lấn sâu vào thềm lục địa, ngay trong khu vực ta đã phân lô ký kết với các công ty nước ngoài và đang thăm dò khai thác dầu khí (đầu tháng 5.93, Trung Quốc cho tàu “FENDOU 4” vào thăm dò địa chấn ở khu vực lô 6 nằm sâu trong thềm lục địa của ta) bộc lộ ý đồ biến một số khu vực trong thềm lục địa của ta thành vùng tranh chấp, đang chuẩn bị dư luận để đưa đảo Bạch Long Vĩ vào diện tranh chấp.
    b. Phá môi trường quốc tế hoà bình ổn định của Việt Nam với những hoạt động: ở Campuchia, thông qua Khmer Đỏ khuấy động vấn đề người Việt Nam ở Campuchia đồng thời làm cho tình hình Campuchia khó đi vào ổn định; lôi kéo 3 nước (Thái, Miến, Lào) thành một cụm liên kết kinh tế ở Đông Nam Á lục địa thượng lưu sông Mêkông gắn với Trung Quốc, tách rời Việt Nam; khủng hoảng biển Đông kéo dài cũng có tác động phá môi trường phát triển của Việt Nam.
    c. Gây mất ổn định chính trị, kinh tế bên trong Việt Nam: nêu trở lại “vấn đề người Hoa”, đẩy số người Hoa đã bỏ về Trung Quốc từ những năm 78, 79 trở lại Việt Nam; thông qua Khmer Đỏ dồn đuổi Việt kiều ở Campuchia về nước; gây sức ép với Hồng Kông đưa toàn bộ số thuyền nhân ở đó về Việt Nam trước năm 1997; để hàng lậu từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch bán hàng vào Việt Nam với giá rất rẻ gây rối loạn thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ở nước ta.
    d. Kìm hãm phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam: tiếp tục bắt giữ tàu thuyền của ta (số lượng nhiều hơn 1992: 28 chiếc); chống việc ICAO trả lại vùng FIR Hồ Chí Minh cho Việt Nam.

    2. Mỹ có thể thách thức đe doạ an ninh và
    phát triển của Việt Nam qua các dạng:
    a. Mỹ là nước lớn duy nhất hiện nay chưa bình thường hoá quan hệ với Việt Nam và còn tiếp tục chính sách cấm vận gây trở ngại cho các tổ chức quốc tế (Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới...) và các nước khác trong việc viện trợ tài chính và hợp tác với ta phát triển kinh tế.
    b. Tiến hành diễn biến hoà bình: thông qua những cái gọi là đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ép ta đa nguyên, đa đảng; kích động các vấn đề tôn giáo, dân tộc thiểu số để gây tình hình phức tạp làm mất ổn định chống ta.
    c. Nuôi dưỡng những phần tử phản động hoặc thoái hoá biến chất còn lại ở Việt Nam và các lực lượng phản động người Việt đang ở nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi thì gây bạo loạn, lật đổ như đã làm ở một số nước.

    3. Nhật Bản trước mắt là một đối tượng hợp tác chính của ta để thực hiện yêu cầu phát triển nhanh kinh tế Việt Nam, song ta vẫn phải dự phòng về lâu dài những khả năng xấu từ phía Nhật:
    a. Trước hết là cùng với việc tăng cường đầu tư viện trợ, Nhật sẽ từng bước thao túng kinh tế Việt Nam và đưa Việt Nam và cả Đông Nam Á vào quỹ đạo Nhật Bản phục vụ cho tham vọng bá quyền khu vực và thế giới của Nhật Bản về kinh tế cũng như về chính trị.
    b. Mặt khác, cùng với tham vọng về chính trị và kinh tế được thực hiện từng bước, chủ nghĩa quân phiệt Nhật có thể được phục hồi nhằm trở thành một siêu cường toàn diện ở khu vực và trên thế giới. Nguy cơ này sẽ có hậu quả trực tiếp tới khu vực Đông Á trong đó có Việt Nam.

    4. Thái Lan hiện là một bộ phận của ASEAN mà ta đang tích cực tranh trủ hợp tác cả về kinh tế lẫn chính trị. Nhưng chủ nghĩa “Đại Thái” xưa nay là nguy cơ truyền thống đối với an ninh và phát triển của Việt Nam, hiện vẫn tồn tại và đầy tham vọng.
    Thái luôn coi Việt Nam là một đối thủ tiềm tàng về kinh tế cũng như về chính trị. Vì vậy thách thức của Thái đối với ta có thể đến từ hai phía:
    a. Về kinh tế, Thái có lợi ích kiềm chế nhịp độ phát triển của Việt Nam (vấn đề Uỷ ban Mêkông, FIR Hồ Chí Minh) đồng thời tận dụng được Việt Nam như một thị trường tiêu thụ hàng Thái và một nguồn cung cấp nguyên liệu (lâm
    sản, hải sản, khoảng sản).
    b. Về chính trị, quân sự, Thái có lợi ích biến Lào và Campuchia từ những đồng minh của Việt Nam thành vùng chịu ảnh hưởng Thái nhiều hơn. Đồng thời Thái vẫn có thể cung cấp căn cứ địa cho các lực lượng phản động Việt Nam thâm nhập phá hoại nội địa ta.

    II. Nguy cơ lớn nhất và thúc bách nhất đe doạ an ninh và phát triển của ta là từ đâu ?
    Trong 4 đối tượng có thể tạo nên nguy cơ đe doạ ta, có những nước lớn cỡ toàn cầu hoặc khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật; riêng Thái Lan là nước ngang tầm với ta nên mức độ thách thức đối với ta không so được với các nước lớn. Trong các dạng thách thức khác nhau của cả 4 đối tượng, có nhiều điều mới trên cơ sở giả định hoặc dự phòng để cảnh giác, song có những điều đang là hiện thực, đang là những vấn đề thực tế và thúc bách đặt ra trước mắt ta. Vì vậy với khả năng rất hạn hẹp về mọi mặt của ta, ta cần phân biệt rõ đâu là nguy cơ lớn nhất trực tiếp đe doạ những lợi ích sống còn của dân tộc Việt Nam để tập trung trí lực và vận dụng cao độ sách lược đối ngoại đối phó lại. Trước hết chắc chắn đó không phải là Nhật hay Thái Lan. Đó chỉ có thể là Mỹ hay Trung Quốc.

    1. Chiến lược của Mỹ và ý đồ Mỹ đối với Việt Nam
    Sau sự tan rã của Liên Xô và sự kết thúc chiến tranh lạnh, Mỹ gặp phải nhiều thách thức hơn là cơ hội. Thách thức bởi những vấn đề kinh tế – xã hội cấp bách trong nước, thách thức bởi những đối thủ vốn là đồng minh cũ của Mỹ trong chiến tranh lạnh như Nhật, EC. Vì vậy, mục tiêu chiến lược của Mỹ phải điều chỉnh lại một cách thực tế và khiêm tốn hơn: cố gắng duy trì vị trí số một trên thế giới và ở châu Á - Thái Bình Dương, hiện đang trở thành vũ đài chính của thế giới. Trước thách thức ngày càng lớn của các trung tâm kinh tế phương Tây, việc xoá CNXH ở châu Á chưa phải là ưu tiên hàng đầu của Mỹ hiện nay.
    Khoảng cách về so sánh lực lượng giữa Mỹ và các cường quốc khác không còn quá lớn như trước, để thực hiện được mục tiêu chiến lược trên, phương hướng của Mỹ chủ yếu là tạo một cân bằng lực lượng giữa các đối thủ có tiềm năng đe doạ vị trí số một thế giới của Mỹ, dùng đối thủ này kiềm chế đối thủ kia, thông qua hợp tác để kiềm chế các đối thủ, tăng cường vai trò các thể chế quốc tế (như LHQ) trong việc xử lý các xung đột khu vực, tạo thành một thế ổn định chung có lợi cho Mỹ.
    Ở châu Á - Thái Bình Dương cũng vậy, Mỹ đang cô lập nên trật tự khu vực mới trên cơ sở tam giác chiến lược mới Mỹ – Nhật – Trung thay cho tam giác Mỹ – Xô - Trung ngày trước, trong đó Mỹ vừa tranh thủ và họp tác với Trung Quốc mà chủ yếu là với Nhật, vừa cảnh giác kiềm chế cả hai, chủ yếu là Trung Quốc.
    Riêng với Trung Quốc, Mỹ rất coi trọng vai trò của đất nước có hơn 1 tỷ dân này trong kế hoạch tạo lập một trật tự quốc tế mới. Mỹ cần thúc đẩy và tranh thủ sự hợp tác của Trung Quốc trong nhiều vấn đề, nhất là trong việc xử lý các cuộc xung đột khu vực trong Hội đồng Bảo an LHQ mà Trung Quốc là một thành viên có quyền phủ quyết. Vì vậy chắc chắn Mỹ sẽ không vì Việt Nam mà làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ với Trung Quốc. Mỹ sẽ không trực tiếp can thiệp vào các tranh chấp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc nếu tranh chấp đó không đụng chạm đến lợi ích của Mỹ và đến ổn định của cả khu vực.
    Song cũng vì lợi ích chiến lược của Mỹ, Mỹ không thể khuyến khích hoặc làm ngơ để Trung Quốc tự do bành trướng xuống Đông Nam Á. Trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, chính quyền Clinton đã tỏ ra coi trọng vai trò Đông Nam Á hơn trước. Có thể vì đây là một vùng khá năng động về phát triển kinh tế, đồng thời lại có một cơ chế tiểu khu vực có sức sống và gắn bó với lợi ích kinh tế của Mỹ. Song mặt khác vì đây đang là hướng bung ra của Trung Quốc trong ý đồ lấp “khoảng trống quyền lực” sau khi Liên Xô tan rã và Mỹ thu bớt sự có mặt quân sự ở Đông Nam Á. Lợi ích của Mỹ là tạo ra được ở đây một Đông Nam Á ổn định và đủ mạnh để cản bước Trung Quốc trong chiến lược “biên giới mềm” và “mở rộng không gian sinh tồn”. Ý đồ của Mỹ là từng bước thúc đẩy việc mở rộng ASEAN thành một tổ chức chung cho cả 10 nước Đông Nam Á, có khả năng trở thành một đối trọng đáng kể đối với Trung Quốc bảo đảm ổn định khu vực. Trong kế hoạch tạo lập một cơ chế an ninh khu vực của châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, Nhật và phương Tây nói chung đều đã lấy ASEAN làm cốt lõi về tổ chức. Hội nghị thường niên giữa ASEAN và 6 nước đối tác đang trở thành diễn đàn trao đổi về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nga cũng tỏ thái độ ủng hộ phương hướng này. Riêng Trung Quốc không mặn mà.
    Vậy có khả năng Mỹ đồng tình hay cấu kết với Trung Quốc chống Việt Nam không ? Trước đây Mỹ và Trung Quốc hợp lực chống Việt Nam trong vấn đề Campuchia là vì cả hai cùng có yêu cầu chung là đánh vào Liên Xô và xoá bỏ ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á. Nay Liên Xô đã sụp đổ, thế chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương đã thay đổi, nếu Mỹ lại đi với Trung Quốc chống Việt Nam thì chẳng khác gì là đẩy Việt Nam vào tình thế hoặc chủ động liên minh với Trung Quốc hoặc phải khuất phục trước sức mạnh của Trung Quốc, từ đó tạo điều kiện cho Trung Quốc từng bước khống chế cả Đông Nam Á một cách dễ dàng và nhanh chóng trở thành một trong những đối thủ đe doạ vị trí số 1 của Mỹ trên toàn cầu. Điều này hoàn toàn ngược lại mục tiêu chiến lược của Mỹ.
    Mặt khác, một nước Việt Nam đổi mới, độc lập với Nga, Trung Quốc cũng như không chịu sự chi phối của Nhật, cải thiện quan hệ và hoà nhập với các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á là phù hợp với lợi ích của Mỹ về hoà bình, ổn định, nhằm duy trì ảnh hưởng của Mỹ và hạn chế các thách thức nổi lên đối với vị trí của Mỹ ở khu vực. Việt Nam tuy không có một vị trí quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, nhưng Việt Nam vẫn là một nhân tố mà Mỹ không thể không tính đến trong chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Hơn nữa về kinh tế Mỹ có lợi ích tranh thủ thị trường và nguồn nhiên liệu của Việt Nam. Mỹ không muốn vắng mặt trong khi các đối thủ của Mỹ đi mạnh vào thị trường Việt Nam.
    Bên cạnh những lợi ích có phần nào trùng hợp với ta như trên, mặt tiêu cực trong chính sách của Mỹ đối với ta không nhỏ. Mỹ không thể từ bỏ ý đồ diễn biến hoà bình với ta. Tuy nhiên Mỹ có làm được hay không chủ yếu còn tuỳ thuộc vào khả năng giữ vững ổn định chính trị trong nước của ta, tức là tuỳ thuộc vào bản lĩnh chính trị của Đảng ta và sự vững vàng cảnh giác của cán bộ và nhân dân ta và sự gắn bó giữa dân với Đảng. Ở đây nhân tố vững mạnh bên trong có ý nghĩa quyết định. Thắng lợi của công cuộc Đổi mới, sự ổn định về kinh tế – xã hội ở nước ta và việc không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng trong quá trình đa dạng hóa và mở rộng quan hệ quốc tế sẽ là đảm bảo tốt nhất hạn chế tác động của mọi thủ đoạn diễn biến hoà bình. Mặt khác cũng phải thấy rõ không phải Mỹ tập trung chống phá Việt Nam với bất cứ giá nào vì Mỹ có những ưu tiên chiến lược lớn hơn và hơn nữa hiện nay Mỹ đang có những lợi ích trùng hợp với ta ở khu vực mà ta có thể tranh thủ lợi dụng để phục vụ hữu hiệu cho mục tiêu chiến lược của ta.

    2. Chiến lược của Trung Quốc và ý đồ của Trung Quốc đối với Việt Nam
    Trái với Mỹ, Trung Quốc thấy ở những biến đổi lớn trong cục diện thế giới ngày nay, một “cơ hội ngàn năm có một”. Đối với Trung Quốc cơ hội đang tăng lên, còn thách thức giảm đi. Trong khi Mỹ cảm thấy cần co bớt lại để củng cố và phòng ngự là chính thì Trung Quốc nuôi tham vọng lớn là muốn vươn lên trở thành một cực trong trật tự thế giới đa cực mới. Trong khi hiện đại hoá trên 4 mặt vẫn là cứu cánh chính để thực hiện mục tiêu đó, Trung Quốc không ngừng tranh thủ mọi cơ hội có được để thực hiện kế hoạch bành trướng, gây mất ổn định của nước khác (Campuchia, Myanmar) để mưu lợi cho mình. Do hiện nay thế cũng như lực chưa đủ mạnh, nên họ thực hiện ý đồ một cách tính toán thận trọng tuỳ theo diễn biến của tình hình khu vực, phản ứng của các đối thủ và thực lực của chính họ.
    Trước mắt Trung Quốc đang ra sức thực hiện ý đồ nhanh chóng trở thành một cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương, có địa vị ngang hàng với Mỹ, Nhật ở khu vực này. Trung Quốc đặt mục tiêu lấn chiếm toàn bộ biển Đông ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc coi trọng vị trí chiến lược của biển Đông, vì kiểm soát được biển Đông tức là khống chế được cả Đông Nam Á và cả con đường giao lưu huyết mạch từ Thái bình dương qua Ấn Độ Dương, và cũng là khu vực giầu tài nguyên nhất là dầu khí (trữ lượng dầu ở khu vực này ngang Vịnh Ba Tư) mà Trung Quốc đang cần để đẩy nhanh tốc độ phát triển.
    Đáng chú ý là trong khi Trung Quốc mở một chiến dịch hoạt động ngoại giao rộng lớn nhằm tranh thủ tăng cường quan hệ hợp tác phát triển với tất cả các nước công nghiệp hoá phương Tây, tranh thủ các nước đang phát triển và không liên kết hòng khôi phục vai trò lãnh đạo thế giới thứ ba, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng cùng chung biên giới, đặc biệt là gần đây tăng cường lôi kéo các nước khu vực Đông Nam Á để phá thế “quần lang đấu hổ”, thì Trung Quốc luôn tập trung mũi nhọn gây sức ép và lấn dần Việt Nam trên mọi vấn đề, mặc dù ta đã dùng đủ phương sách để tỏ rõ thái độ cầu hoà và hữu hảo với họ. Phải chăng vì Trung Quốc cho rằng Việt Nam là điểm yếu và dễ tính để lấn nhất lúc này (khó về quân sự, nghèo về kinh tế, đơn độc về chính trị) mà lại chiếm một vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á và là trở ngại lớn nhất cho kế hoạch biển Đông của Trung Quốc.
    Những hoạt động bất lợi đối với Việt Nam của Trung Quốc sẽ không dừng lại ở trạng thái hiện nay mà sẽ còn được tiếp tục đẩy tới vì Trung Quốc cho rằng tình thế hiện tại đang rất thuận lợi cho việc Trung Quốc lấn ép Việt Nam mà chỉ gặp phải phản ứng quốc tế ở mức thấp nhất vì Mỹ chưa bỏ cấm vận Việt Nam; quan hệ hợp tác, đầu tư giữa các nước và Việt Nam còn chưa phát triển; vấn đề Campuchia đang còn thu hút nhiều sự chú ý của dư luận quốc tế; cơ chế an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương chưa hình thành. Trung Quốc đặt năm 1997 thành một mốc thời gian quan trọng trong quá trình xây dựng sức mạnh mọi mặt của Trung Quốc: năm 1997 là năm Trung Quốc thu hồi Hồng Kông và cũng có thể là năm thực hiện một bước kế hoạch hình thành “vành đai kinh tế Đại Trung Hoa” bao quanh Đông Nam Á; năm 1997 là năm quân đội Trung Quốc sẽ được trang bị hàng không mẫu hạm và các trang bị tối tân khác, đặc biệt về hải không quân để có thể vươn ra khắp biển Đông; có tin Trung Quốc đang cố rút ngắn mục tiêu của năm 2000 xuống năm 1997 sẽ tăng tổng sản phẩm quốc dân lên gấp 4 lần. Sức ép của Trung Quốc đối với ta sẽ phát triển thuận chiều với sự phát triển các mặt của Trung Quốc.

    3. Những phân tích tình hình trên đây có thể dẫn đến kết luận: Trước mắt cũng như trong tương lai dự báo được, Trung Quốc là nguồn xuất xứ chính của những thách thức đe doạ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Những thách thức đe doạ trên nhiều mặt của Trung Quốc đối với ta đều đang là những vấn đề hiện thực, đang xảy ra và ta đang phải xử lý, khác với những thách thức đe doạ của các đối tượng khác, kể cả Mỹ, có phần nào còn là giả định và dự phòng. Những mâu thuẫn về lợi ích trên các mặt giữa ta với Trung Quốc có nhiều hơn với các đối tượng khác.

    III. Kiến nghị đối sách
    1. Xét về so sánh lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam là nước nhỏ so với Trung Quốc là nước lớn, có trọng lượng và ảnh hưởng chính trị rộng lớn hơn ta nhiều. Nếu tách riêng mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc với những vấn đề tranh chấp hiện có cũng như tiềm tàng thì tình hình hoàn toàn bất lợi cho ta. Nhưng nếu gắn mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc vào trong tổng thể quan hệ quốc tế của thế giới và khu vực, thì ta có khả năng vận dụng được những xu thế lớn của thời đại, như tính tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu được quốc tế hoá cao và xu thế chung muốn duy trì và củng cố hoà bình và ổn định để đẩy mạnh phát triển kinh tế, để cải thiện thế chính trị của ta trong cuộc đấu tranh nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc bảo vệ lợi ích chính đáng của ta.
    Vì bên cạnh những chỗ mạnh so với ta trên mặt trận đối ngoại Trung Quốc có những điểm yếu cơ bản mà ta có thể và cần biết cách khai thác để có thể hạn chế Trung Quốc trong chính sách lấn ép ta trên nhiều mặt. Những điểm yếu đó là:
    a. Để thực hiện ưu tiên tối cao là đẩy nhanh hiện đại, Trung Quốc cần Mỹ hơn là Mỹ cần Trung Quốc. Do đó tuy giữa Mỹ - Trung Quốc có đấu tranh và thoả hiệp, nhưng rõ ràng Trung Quốc ngại phản ứng của Mỹ, không dám thách thức Mỹ trong khi thế và lực của Trung Quốc còn có hạn. Thế giới cũng như các nước khu vực đều coi Mỹ là đối trọng có hiệu quả nhất trong việc kiềm chế Trung Quốc. Cũng vì thế Trung Quốc rất không muốn Mỹ cải thiện quan hệ và đi tới bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.
    b. Trong lúc chưa xây dựng được lực lượng
    kinh tế cũng như quân sự đủ mạnh, Trung Quốc rất ngại các nước khu vực Đông Nam Á - đối tượng bành trướng trước mắt của Trung Quốc – liên kết với nhau, đặc biệt là giữa ASEAN và Việt Nam, thành thế “quần lang đấu hổ” chống lại nguy cơ chung. Chính vì vậy mà Trung Quốc đang tìm mọi cách lôi kéo phân hoá Đông Nam Á thành những mảnh riêng biệt, thậm chí có thể chống đối nhau.
    c. Trước xu thế mạnh mẽ của chung trên thế giới và trong khu vực muốn có ổn định để tập trung ganh đua phát triển kinh tế, Trung Quốc rất ngại bị dư luận quốc tế, trước hết là dư luận khu vực, coi là “nhân tố gây mất ổn định” ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Cuộc vận động của Mỹ, Nhật, nhất là ASEAN, nhằm từng bước thúc đẩy việc hình thành một diễn đàn và tiến tới một cơ chế về an ninh tập thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay chính là nhằm kiềm chế Trung Quốc.

    2. Để có thể tận dụng những điểm yếu của Trung Quốc vào việc cải thiện thế chính trị trong cuộc đấu tranh không cân sức này, ta nhất thiết cần phải chọn lựa và hình thành một chiến lược đối ngoại hết sức linh hoạt phù hợp với chiều hướng diễn biến chung của chính trị và kinh tế thế giới, thích ứng với những đặc điểm lớn của cục diện quốc tế hiện tại. Cuộc đấu tranh chống lại những thách thức đe doạ của đối tượng đặc biệt này là một nhiệm vụ hết sức thúc bách, đòi hỏi những biện pháp tổng hợp song điển và trên mặt trận ngoại giao là chính.
    Với sự kết thúc trạng thái thế giới phân thành 2 cực đối lẫn nhau, do tính tuỳ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các nước trên toàn cầu và trong mỗi khu vực, việc không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá để hoà nhập vào đời sống chung của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng cả về chính trị lẫn kinh tế. Đồng thời trong bối cảnh quốc tế hiện nay, an ninh của một nước tuỳ thuộc rất lớn và trước hết vào mối quan hệ với các nước trong khu vực. Đặc biệt việc xử lý các vướng mắc trong quan hệ quốc tế và khu vực của ta vừa qua cho thấy việc xử lý tốt mối quan hệ với các nước lớn là cực kỳ quan trọng đối với lợi ích an ninh và phát biểu của nước ta. Kinh nghiệm xương máu của dân tộc ta trong những thập kỷ qua cho thấy cần có chính sách quan hệ cân bằng giữa các nước lớn, khôn khéo lợi dụng những sai khác về lợi ích giữa họ với nhau, và tuyệt đối không để bên ngoài hiểu là Việt Nam có ý đồ đi với nước lớn này chống nước nọ, gần lợi ích của ta với lợi ích an ninh và phát triển của các nước láng giềng trong khu vực để taọ cho nước ta một thế quốc tế thuận lợi hơn.

    3. Những trọng điểm trong chiến lược đối ngoại của ta phải là các nước lớn trong tam giác chiến lược châu Á - Thái Bình Dương và khối các nước ASEAN, những nhân tố có khả năng tác động nhiều tới Trung Quốc.
    a. Với Mỹ:
    Quan hệ với Mỹ là một bộ phận quan trọng trong chính sách đa dạng hoá quan hệ đối ngoại của ta. Hiện nay Mỹ là nhân tố duy nhất có khả năng làm đối trọng và kiềm chế Trung Quốc, do đó ta cần kiên trì và quyết tâm kéo Mỹ đi vào bình thường hoá quan hệ. Kéo Mỹ vào vấn đề Mỹ có lợi ích trực tiếp ở Việt Nam, nhất là lợi ích trong lĩnh vực dầu khí ngoài khơi Việt Nam, khiến Mỹ không thể làm ngơ trước tình hình “bất ổn định” do Trung Quốc khiêu khích, xâm lấn gây ra. Một nhà nghiên cứu Mỹ về châu Á đã đánh giá “một dàn khoan của Công ty Mobil Oil (Mỹ) ở biển Đông có giá trị ngang với cả một Hạm đội 7”.
    Thúc đẩy bình thường hoá quan hệ với Mỹ trước hết là việc bỏ cấm vận có ý nghĩa rất quan trọng đối với yêu cầu an ninh, ổn định và phát triển kinh tế của ta, giúp ta cải thiện với các đối tượng khác và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho ta đối phó với các thách thức hiện nay. Triển khai mạnh mẽ quan hệ với Mỹ cũng như với các đối tượng khác không phải để tạo một tập hợp lực lượng chống Trung Quốc vì điều đó trái với phương châm đối ngoại “làm bạn với tất cả” của ta, cũng không phù hợp với các tính toán chiến lược của Mỹ cũng như của các nước khác.
    Việc ta vừa giữ hoà khí với Trung Quốc vừa có quan hệ bình thường với Mỹ và thúc đẩy quan hệ với Nhật, phương Tây và ASEAN và các nước khác sẽ tạo ra cho ta thế mạnh trong quan hệ cân bằng với các đôí tượng.
    Trong tình hình hiện nay việc hợp tác giải quyết tốt vấn đề POW/MIA là khâu thiết yếu để tháo gỡ trở ngại cho quan hệ Việt – Mỹ. Đồng thời đẩy mạnh công tác vận động trong nội bộ Mỹ (lobby) với khẩu hiệu có tính sách lược dễ tranh thủ dư luận Mỹ thúc đẩy Mỹ sớm bỏ cấm vận, thu hút các công ty Mỹ vào làm ăn ở Việt Nam vừa tạo áp lực vừa tạo điều kiện cho chính quyền Mỹ đi vào bình thường hoá quan hệ với ta sớm nhất. Mặt khác ta cần quan tâm có chủ trương, chính sách và biện pháp thích đáng để vô hiệu hoá ý đồ của Mỹ và các nước phương Tây dùng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” gây sức ép với ta.
    Song song với các bước cải thiện quan hệ Việt Nam và Mỹ, cần kết hợp mở rộng đường lối “hoà hợp dân tộc” bằng những chính sách cụ thể đối với Việt kiều ở Mỹ và các nước khác nhằm chuyển họ thành những lực lượng mạnh mẽ hỗ trợ cho công cuộc hiện đại hoá nền kinh tế và KHKT của nước nhà. Việc làm này tất nhiên sẽ tác động trở lại đối với việc tăng cường quan hệ hợp tác của ta với Mỹ và các nước có người Việt sinh sống.
    b. Với ASEAN:
    ASEAN hiện được coi là tổ chức khu vực có sức sống mạnh nhất mà các nước lớn, trong đó có Trung Quốc, phải tính đến trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của họ. Giữa ta và các nước ASEAN có nguyện vọng chung là hoà bình, ổn định và phát triển, đồng thời cũng phải lo đối phó với thách thức bên ngoài, từ Trung Quốc và Nhật Bản. Tăng cường hợp tác khu vực vừa phù hợp với xu thế hiện nay vừa tạo thế cho ta trong quan hệ với các nước lớn ngoài khu vực, nhất là Trung Quốc. Để thúc đẩy quan hệ này, ngoài việc tăng cường quan hệ song phương bằng các biện pháp xây dựng lòng tin, cần sớm gạt những tồn tại trong quan hệ tay đôi giữa ta và một số nước ASEAN qua việc hợp tác giải quyết vấn đề vùng chồng lấn với Inđônêxia, Malaysia, Thái Lan,... cần có các bước đi mạnh mẽ tham gia các cơ chế hợp tác khu vực vì an ninh và phát triển phù hợp với khả năng và lợi ích của ta; đặc biệt là cần tích cực tham gia quá trình trao đổi về cơ cấu an ninh khu vực và sớm tính việc tham gia ASEAN. Nói chung ta cần tích cực, chủ động tăng cường các điểm đồng giữa ta và các nước ASEAN, xử lý khéo léo những khác biệt, tránh để những khác biệt ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác.
    c. Với các nước và các đối tượng khác, đặc biệt là với Nhật Bản, Nga, Cộng đồng châu Âu,... ta cần tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác về nhiều mặt nhằm tận dụng tối đa khả năng hợp tác kinh tế, KHKT, kinh nghiệm quản lý của các nước này cho công cuộc phát triển đất nước và qua đó góp phần tạo thế cân bằng lực lượng có lợi cho ta ở khu vực, tranh thủ tập hợp dư luận rộng rãi hỗ trợ cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của ta, tạo nên một mạng lưới lợi ích kinh tế – chính trị, che chắn thêm cho ta trước mưu đồ xâm lấn của Trung Quốc.
    d. Với Trung Quốc:
    - Bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc là một yêu cầu chiến lược của ta. Do Trung Quốc thi hành chính sách 2 mặt nên đối sách của ta cũng gồm 2 mặt vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa chủ động thúc đẩy quan hệ trên cơ sở những thoả thuận đã đạt được, vừa kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đồng thời giữ vững phương châm không để trở lại tình trạng đối đầu với Trung Quốc cũng như không đặt các nước trước sự lựa chọn hoặc Việt Nam hoặc Trung Quốc. Biện pháp tối ưu lúc này là chủ động tạo nên cục diện các nước lớn và ASEAN có lợi ích kinh tế, an ninh ngày càng lớn trong quan hệ với Việt Nam. Cục diện đó cộng với sự lớn mạnh càng nhanh càng tốt của bản thân chúng ta sẽ là sự răn đe có hiệu quả nhất đối vơí mọi hoạt động lấn chiếm của Trung Quốc.
    - Kiên quyết đấu tranh hạn chế ý đồ lấn chiếm của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt ở vùng thềm lục địa của ta; áp dụng các biện pháp khôn khéo nhưng có hiệu quả ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc mà không dẫn đến đối đầu về quân sự.
    - Xúc tiến việc xác định phạm vi của quần đảo Trường Sa để xem xét khái niệm “khai thác chung”, phá ý đồ Trung Quốc lợi dụng vấn đề này chia rẽ phân hoá giữa ta và ASEAN.
    - Chuẩn bị khả năng đưa ra toà án quốc tế hoặc trọng tài quốc tế vấn đề Trung Quốc vi phạm thềm lục địa của ta.
    - Đến một lúc nào đó ta nên tính đến khả năng mở cảng Cam Ranh thành một thương cảng cho các tàu quốc tế ra vào, kể cả tàu Mỹ, tạo sự có mặt của nhiều quốc gia ở khu vực biển Đông, ngăn ý đồ độc chiếm của một nước. Song tất nhiên ta phải có chính sách và luật pháp chặt chẽ để bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc gia.

    ĐẠI SỰ KÝ 1975 - 1991
    (Dùng cho Hồi ức và Suy nghĩ)
    1975
    01.02
    TNS M. Mansfield báo cáo trước Quốc hội Mỹ sau khi đi thăm Trung Quốc về: Trung Quốc tán thành để 2 nước Việt Nam tiếp tục tồn tại. Trung Quốc cho rằng một nước Campuchia thống nhất trung lập là điều chủ yếu trong một Đông Dương ổn định.
    17.04
    Giải phóng PhnomPenh.
    30.04
    Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Giải phóng Sài gòn.
    04.05
    Quân Polpot tấn công đảo Phú Quốc và từ đó liên tiếp tấn công biên giới trên bộ và trên biển của ta.
    05.05
    H. Kissinger: với việc mất Việt Nam, sẽ có sự sắp xếp lại lực lượng quan trọng ở Đông Nam Á, Campuchia và Lào sẽ là chư hầu của Hà Nội, còn Thái Lan và Inđônêxia sẽ tự động liên minh với Việt Nam. Trung Quốc sẽ giữ không cho Việt Nam có bất kỳ hành động quyết liệt nào.
    ?.05
    Thông điệp miệng của ta nhờ Liên Xô chuyển tới Mỹ tỏ ý muốn hai bên có quan hệ tốt.
    12.06
    Mỹ gửi đến Đại sứ quán ta tại Paris thông điệp: “Về nguyên tắc, Mỹ không hận thù gì Việt Nam, đề nghị trên cơ sở đó tiến hành bất cứ quan hệ nào giữa hai bên. Mỹ sẵn sàng nghe bất cứ gợi ý nào đó Việt Nam đưa ra”.
    11.07
    Thông điệp ta trả lời: nhắc Mỹ nghĩa vụ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh.
    10.07 và 05.09
    Tiếp xúc giữa bí thư thứ nhất ĐSQ Việt Nam Đỗ Thanh và bí thư thứ nhất ĐSQ Mỹ Pratt ở Paris.
    27-29/07
    Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu đi thăm Campuchia.
    09.08
    Vụ Watergate – Nixon từ chức. Phó tổng thống G.Ford lên thay.
    11.08
    Tại Hội đồng Bảo an, Mỹ phủ quyết Việt Nam vào LHQ
    07.12
    G. Ford công bố “học thuyết Thái Bình Dương mới” gồm 6 phương hướng chính: sức mạnh Mỹ đã cân bằng lực lượng ở Thái Bình Dương, liên minh với Nhật, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, quan hệ mạnh với ASEAN, giải quyết xung đột khu vực, hợp tác kinh tế trong vùng.
    21.12
    Đoàn hạ nghị sĩ Mỹ do G. V. Montogomery vào Hà Nội nhận 3 bộ hài cốt giặc lái Mỹ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đoàn.
    tháng 12
    H. Kissinger phát biểu ở Paris sau khi đi thăm Trung Quốc: Mỹ đang tính toán việc sử dụng Trung Quốc để hạn chế ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực.
    1976

    10.01
    Mỹ thông qua Liên Xô thăm dò việc tiếp xúc với ta, song khẳng định không thực hiện Điều 21 (bồi thường chiến tranh)
    26.03
    H. Kissinger gửi công hàm cho bộ trưởng ngoại giao ta: Mỹ sẵn sàng thảo luận với Việt Nam để phát triển quan hệ mới giữa hai nước.
    10.04
    Bộ trưởng Ngoại giao ta trả lời: nêu lại những vấn đề tồn tại giữa hai nước (điều 21 và vấn đề MIA). Trên cơ sở giải quyết những vấn đề đó sẽ bình thường hoá quan hệ với Mỹ.
    07.05
    Tổng thống G. Ford bác kiến nghị của quốc hội Mỹ yêu cầu tạm thời ngừng cấm vận buôn bán với Việt Nam trong 6 tháng.
    08.05
    Công hàm của ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger gửi Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh: sẵn sàng mở cuộc thảo luận về việc thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước, song chỉ khi nào vấn đề MIA được giải quyết về thực chất thì mới có tiến bộ đi tới bình thường hoá quan hệ.
    19.06
    Thông điệp của BNG ta phê phán Mỹ “đơn phương tuyên bố xoá bỏ Hiệp định”, lẩn tránh nghĩa vụ đối với điều 21 đồng thời lại đòi Việt Nam thi hành điều 8b của Hiệp định: nhắc lại lập trường ta gắn 2 vấn đề với nhau. Bước đầu sẵn sàng gặp đại diện Mỹ ở Paris để trao đổi ý kiến.
    19.07
    Mỹ gửi thông điệp trả lời đồng ý mở cuộc thảo luận tại Paris giữa người thứ 2 của hai sứ quán
    01.08
    Ta trao trả Mỹ tất cả 27 người Mỹ bị kẹt lại ở Nam Việt Nam sau ngày 30.4.75
    27.08
    Thông điệp của ta gửi Mỹ xác định người gặp (tham tán Trần Hoàn) và nói gặp (luân phiên giữa hai sứ quán tại Paris).
    Tháng 11
    Tổng tuyển cử Mỹ – Jimmy Carter (Dân chủ) trúng cử Tổng thống
    Tháng 12
    Đại hội IV với luận điểm “3 giòng thác cách mạng trong thế tiến công”
    1977

    06.01
    Mỹ thông qua Liên Xô đưa ra kế hoạch 3 bước bình thường hoá quan hệ với Việt Nam: Việt Nam cho biết tin về MIA ở Việt Nam; Mỹ chấp nhận Việt Nam vào LHQ và sẵn sàng lập quan hệ ngoại giao cũng như bắt đầu buôn bán với Việt Nam; Mỹ có thể đóng góp khôi phục Việt Nam bằng cách phát triển buôn bán, cung cấp thiết bị và các hình thức hợp tác kinh tế khác.
    11.01
    Ngoại trưởng C.Vance: Việc tiến tới bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt Nam là phù hợp với lợi ích của hai nước.
    03.3
    Chính quyền J. Carter quyết định nới lỏng cấm vận với Việt Nam.
    09.03
    Mỹ cho phép công dân Mỹ đi thăm Việt Nam, Campuchia, Bắc Triều Tiên, Cuba, kể từ 18.3.77.
    17.03
    Uỷ ban của tổng thống Mỹ do Leonard Woodcock dẫn đầu sang thăm Việt Nam.
    30.04
    Polpot bắt đầu chiến tranh biên giới chống ta.
    03-04.05
    Vòng 1 đàm phán Việt Nam – Mỹ tại Paris về bình thường hoá quan hệ hai nước: Mỹ đề nghị lập ngay quan hệ ở cấp đại sứ, trao đổi sứ quán có quan hệ lãnh sự; Mỹ không cản Việt Nam vào LHQ; Mỹ có khó khăn về mặt pháp luật nên không thực hiện Điều 21 được mà hứa sẽ thực hiện khi có quan hệ, bỏ cấm vận buôn bán và xét viện trợ nhân đạo.
    02-03.06
    Vòng 2 đàm phán Việt – Mỹ tại Paris. Mỹ nêu lại các đề nghị đã nói ở vòng 1.
    19-20.12
    Vòng 3 đàm phán Việt Nam – Mỹ tại Paris, Mỹ đề nghị nếu hai bên chưa lập quan hệ ngoại giao đầy đủ thì có thể lập Phòng quyền lợi (Interest Section), nhưng như thế thì chưa bỏ cấm vận được. Song ta vẫn giữ lập trường “cả gói” 3 vấn đề: quan hệ ngoại giao, bồi thường và MIA.
    -tháng 12
    Liên Xô đưa quân vào Afghanistan - đỉnh cao của quá trình Liên Xô bành trướng, cả thế giới bên ngoài.
    31.12
    Chính quyền Polpot đơn phương cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
    1978

    08.01
    Z.Brezinski: Điều lý thú là đây là trường hợp đầu tiên của một cuộc chiến tranh qua tay người khác (proxy war) giữa Liên Xô và Trung Quốc, Việt Nam được Liên Xô ủng hộ và Campuchia được Trung Quốc ủng hộ.
    05.05
    Phó tổng thống Mỹ W.Mondale phát biểu khi đi thăm 5 nước ASEAN: “Mỹ sẽ đẩy mạnh việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc vì nó giữ thế ổn định khu vực: Chính sách của Trung Quốc ở Đông Nam Á về một số mặt là song hành với Mỹ. Mỹ đã đưa ra đề nghị hợp lý với Việt Nam và vẫn giữ lập trường thiết lập quan hệ mà không có điều kiện tiên quyết. Họ vẫn giữ lập trường là Mỹ trước hết phải cam kết viện trợ. Nhân dân, Quốc hội và chính quyền Mỹ không cho phép làm điều đó.”
    11.05
    R.Oakley, trợ lý ngoại trưởng Mỹ: “Việt Nam, với 50 triệu dân, là quốc gia cộng sản lớn thứ 3 trên thế giới và mạnh nhất về quân sự ở Đông Nam Á. Thái độ Việt Nam với các nước khác là quan trọng trong các thập niên tới. Quan hệ ngoại giao và sự có mặt của Mỹ ở Hà Nội có thể phục vụ lợi ích bạn bè Mỹ ở châu Á cũng như lợi ích của Mỹ và Việt Nam.”
    19.05
    Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “Trung Quốc là NATO phương Đông” (có công giữ 40 sư đoàn Liên xô tại biên giới Xô-Trung), “Việt Nam là Cuba phương Đông.”
    29.06
    Việt Nam tham gia khối COMEON.
    05.07
    Thứ trưởng ngoại giao Phan Hiền nói tại Tokyo: Việt Nam sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với Mỹ không có điều kiện tiên quyết.
    20.05 (7?)
    Brezinski cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ đi thăm Trung Quốc.
    27.07
    Nghị quyết TƯ.09 (khoá IV): Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất. Mỹ là kẻ thù cơ bản và lâu dài, quyết tâm đánh đổ chế độ diệt chủng Polpot.
    21.08
    Đoàn 7 hạ nghị sĩ Mỹ do G.V.Montgomery sang Việt Nam về vấn đề MIA.
    22-27.09
    Vòng 1 đàm phán Việt Nam – Mỹ (Nguyễn Cơ Thạch – R.Holbrooke) tại New york. Ta chấp nhận đề nghị của Mỹ đưa ra tháng 5.77, tức là bình thường hoá quan hệ không điều kiện. Việc ta chuyển đổi lập trường quá muộn nên không đem lại kết quả.
    Holbrooke nói: Mỹ coi trọng châu Á lo sợ việc Liên Xô đã cản trở Cam Ranh.
    01.10
    Việt Nam tuyên bố bác đề nghị của Polpot ngày 29.9.98, đòi Campuchia ngừng bắn và rút khỏi biên giới trước rồi mới có thể bắt đầu thương lượng.
    03.11
    Việt Nam và Liên Xô ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác.
    30.11
    R. Oakley gặp Trần Quang Cơ tại Nữu ước nói: Mỹ không thay đổi lập trường bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, nhưng phải chậm lại vì cần làm rõ 3 vấn đề Campuchia, hiệp ước Việt – Xô và vấn đề người di tản Việt Nam.
    15.12
    Trung Quốc và Mỹ ra thông cáo chung chínn thức công nhận nhau và thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 1.1.79.
    16.12
    M.Mansfield đại sứ Mỹ ở Nhật: “chỉ sau khi những khó khăn giữa Trung Quốc và Việt Nam được giải quyết mới có lý do chính đáng để hy vọng giaỉ quyết quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt Nam.”
    1979

    07.01
    Ta giúp bạn đánh đuổi Polpot và giải phóng PhnomPenh.
    11.01
    Thành lập nước CHND Campuchia.
    29.01 – 04.02
    Đặng Tiểu Bình đi thăm chính thức Mỹ, Hội đàm J. Carter - Đặng
    16.02
    Carter nêu 6 nguyên tắc sử xự khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam: không can thiệp trực tiếp, khuyến khích các bên kiềm chế, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam; xung đột không đe doạ lợi ích trước mắt của Mỹ; không vì Việt Nam xâm lược Campuchia mà đặt lại vấn đề bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc; quyền lợi đồng minh của Mỹ không bị đe doạ.
    17.02
    Trung Quốc tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. “Dạy cho Việt Nam một bài học” (lời Đặng Tiểu bình).
    17.02
    Bộ ngoại giao Mỹ ra tuyên bố phản đối cả 2 cuộc xâm lược (Việt Nam vào Campuchia, Trung Quốc vào Việt Nam) và kêu gọi 2 bên rút quân ngay.
    18.02
    Chính phủ Liên Xô ra tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam.
    19.02
    Ký hiệp ước hoà bình, Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Campuchia tại PhnomPenh.
    Cuối tháng 2
    Đặng nói với các nhà báo ở Bắc Kinh: “Chúng tôi có thể dung thứ việc Liên Xô có ở Việt Nam 70% ảnh hưởng, miễn là 30% còn lại dành cho Trung Quốc”.
    05.03
    Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.
    Tháng 3
    Trung Quốc tuyên bố huỷ Hiệp ước Hữu nghị, đồng minh tương trợ Trung – Xô ký 15.2.1950 giữa Chu Ân Lai và Krourchev dịp Mao thăm Liên Xô.
    Tháng 4
    Đàm phán vòng 1 Việt Nam - Trung Quốc tại Hà Nội
    Tháng 4
    L. Breinev làm TBT. Đại hội ĐCS Liên Xô thứ 26
    07.10
    Sihanouk gửi 2 thư và 1 điện (ngày 7, 23/10 và 11/11). Ta không trả lời.
    Tháng 10
    Bộ Ngoại Giao phát hành cuốn “Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua”.
    10.12
    LHQ quyết định vẫn để Khmer đỏ giữ ghế của Campuchia tại LHQ.
    1980

    05.01
    Hội nghị ngoại trưởng 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia lần thứ 1 tại PhnomPenh. Đàm phán vòng 2 Việt Nam - Trung Quốc tại Bắc Kinh. Không kết quả. Trung Quốc cắt cầu đàm phán. Từ đó đến cuối năm 1988, ta nhiều lần gửi công hàm hoặc thư đề nghị nối lại đàm phán, song Trung Quốc đều bác bỏ.
    29.7
    Đại sứ Mỹ ở Thái Abramowitz: Mỹ không bao giờ công nhận chế độ Polpot; tuy nhiên gạt Polpot ra khỏi LHQ chỉ càng làm tăng vị thế của Việt Nam. Quan điểm của Mỹ và Trung Quốc về Campuchia có khác nhau. Mỹ nhìn vấn đề về mặt chiến lược, đặc biệt lo ngại biên giới Campuchia - Thái Lan.
    1981

    19.01
    Tổng thống mới R.Reagan: Quan hệ Mỹ – Trung dưới thời Carter là không có lợi. Mỹ phải trả giá.
    19.02
    Đại sứ Mỹ ở Thái Abramowitz trao ta bản ghi nhớ: Đáng tiếc Việt Nam, Liên Xô đã phá vỡ ổn định, ngạc nhiên việc Việt Nam cho Liên Xô sử dụng cảng Cam Ranh: không hài lòng việc giải quyết vấn đề MIA trong 2 năm rưỡi qua.
    18.05
    Nghị quyết 39 BCT: đấu tranh chống chủ nghĩa Mao trên mọi hình thái của nó; chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền nước lớn; liên minh và hợp tác toàn diện với Liên Xô.
    13.07
    Hội nghị quốc tế về Campuchia ở Nữu ước. Ngoại trưởng Mỹ A.Haig nói Mỹ không có ý định bình thường hoá quan hệ với Việt Nam còn đang chiếm đóng Campuchia, làm mất ổn định Đông Nam Á.
    12.12
    Đặng Tiểu Bình tuyên bố với nghị sĩ Italia Colombo: “Cả Mỹ và Liên Xô đều là những tên bá quyền”. Từ đó Trung Quốc chuyển từ “chống bá quyền Liên Xô” sang “chống bá quyền” của “hai siêu”.
    1982

    14.01
    Sứ quán Mỹ ở Bangkok gửi message cho ta qua Lê Văn Hoá: Mỹ muốn một giải pháp chính trị về Campuchia. Mỹ không nhấn việc đòi Việt Nam rút quân ngay, rút hết mà chỉ đàm phán rút một phần và có 1 lịch rút quân. Một nước Việt Nam độc lập với Liên Xô và Trung Quốc là phù hợp với lợi ích của Mỹ. Muốn biết ý kiến Việt Nam về lực lượng giữ gìn hoà bình của LHQ.
    16-17.02
    Hội nghị 3 ngoại trưởng Việt Nam – Lào – Campuchia lần thứ 5 tại Vientiane.
    24.03
    Brejnev tuyên bố ở Taskent: Liên Xô chưa hề phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa đang tồn tại ở Trung Quốc. Mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
    07.07
    Hội nghị 3 ngoại trưởng Việt Nam – Lào – Campuchia lần thứ 6 tại TP. Hồ Chí Minh tuyên bố: Việt Nam và Campuchia thoả thuận đi bước trước, quyết định sẽ rút một số quân Việt Nam khỏi Campuchia trong tháng 7.82 và có thể xem xét rút thêm căn cứ vào tình hình biên giới Campuchia – Thái và sự đáp ứng của Thái Lan.
    02.10
    Đàm phán Xô - Trung lần thứ nhất. Trung Quốc đưa ra 5 điểm về Campuchia và quan hệ Trung Quốc - Việt Nam: Việt Nam tuyên bố rút quân vô điều kiện khỏi Campuchia; nếu Việt Nam quyết định rút hết quân khỏi Campuchia thì sau đợt rút quân đầu, Trung Quốc sẵn sàng đàm phán với Việt Nam về bình thường hoá quan hệ.
    ?.10
    R.Childress, cố vấn chính trị–quân sự Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói với Nguyễn Cơ Thạch: đề nghị đoàn chuyên viên cấp cao nhất vào Việt Nam để thảo luận vấn đề MIA. Mỹ không muốn Việt Nam rút quân Campuchia để Polpot quay trở lại.
    10.11
    Brejnev chết. Trung Quốc cử ngoại trưởng Hoàng Hoa sang viếng. Khi đi Đặng dặn: phải khéo léo nói quan hệ hai nước xấu đi từ sau năm 50 để chỉ Kroutchev, từ sau năm 65 xấu đến mức nghiêm trọng để chỉ Brejnev; tránh nói tên.
    1983

    23.02
    Hội nghị cấp cao Việt Nam – Lào – Campuchia họp ở Viêng chăn. Tuyên bố của Việt Nam và Campuchia: hàng năm sẽ rút một số quân Việt Nam khỏi Campuchia; tất cả quân tình nguyện Việt Nam sẽ rút hết về nước khi mối đe doạ đối với CHND Campuchia chấm dứt.
    01.03
    Đàm phán Xô - Trung lần thứ 2. Trung Quốc nêu việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia là 1 trong 3 trở ngại cho bình thường hoá quan hệ Trung – Xô.
    01.03
    Bộ Ngoại Giao Trung Quốc: Việt Nam rút đơn vị đầu tiên khỏi Campuchia, Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán.
    12.04
    Hội nghị bất thường 3 ngoại trưởng Việt Nam – Lào – Campuchia tại PhnomPenh tuyên bố rút quân Việt Nam lần thứ 2 vào tháng 5.83. Rút 1 binh đoàn.
    02.05
    Lễ tiễn quân tình nguyện Việt Nam rút đợt 2.
    19-20.07
    Hội nghị ngoại trưởng Việt Nam – Lào – Campuchia lần thứ 7 tại PhnomPenh khẳng định: quân tình nguyện Việt Nam sẽ được rút hết khỏi Campuchia khi Trung Quốc chấm dứt đe doạ.
    1984

    28-29.04
    Hội nghị ngoại trưởng Việt Nam – Lào – Campuchia lần thứ 8 tại Vientiane.
    Tháng 4
    Chiến dịch mùa khô đánh vào các Khmer đỏ trên đường biên giới Campuchia - Thái Lan.
    21-23.06
    Đợt rút quân thứ 3 của quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia.
    1985


    Liên Xô: Gorbachov lên, bắt đầu điều chỉnh chính sách đối nội, ngoại. Nhiều lần nói mong muốn cải thiện, quan hệ Xô - Trung, song không đả động đến “3 trở ngại”, đặc biệt là việc rút quân Việt Nam khỏi Campuchia.
    08.01
    Nguyễn Cơ Thạch thư cho Ngô Học Khiêm đề nghị nối lại đàm phán.
    28-29.01
    Hội nghị ngoại trưởng Việt Nam – Lào – Campuchia lần thứ 10 tại TP. Hồ Chí Minh tuyên bố: quân đội Việt Nam sẽ tiếp tục rút dần hàng năm và sẽ rút hết khỏi Campuchia vào năm 1990.
    21.01
    Ngô Học Khiêm thư trả lời: sau khi Việt Nam công khai cam kết và thực hiện rút quân khỏi Campuchia thì đàm phán mới có ý nghĩa thực tế.
    23.01
    Ngoại trưởng Trung Quốc Ngô Học Khiêm đi các nước Đông Nam Á. Khi đến Singapore nói: “Trung Quốc sẽ “dạy cho Việt Nam bài học thứ hai”.
    02.04
    Đợt rút quân thứ 4 của Việt Nam khỏi Campuchia.
    15.05
    Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Armacost: Về vấn đề Campuchia, Mỹ sẽ để ASEAN, Trung Quốc đi trước, Mỹ muốn dùng vấn đề Campuchia để ngăn Trung Quốc và Liên Xô cải thiện quan hệ.
    1986

    23-24.01
    Hội nghị ngoại trưởng Việt Nam – Lào – Campuchia lần thứ 12 tại PhnomPenh.
    07-10.04
    Đàm phán Xô - Trung vòng 8 tại Matxcơva, Trung Quốc vẫn nêu “3 trở ngại”, Liên Xô đề nghị gặp cấp cao (Gorbachov - Đặng). Trung Quốc từ chối.
    28.05
    Đợt rút quân tình nguyện Việt Nam thứ 5 khỏi Campuchia.
    08.07
    Nghị quyết 32 BCT: chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới dưới hình thức cùng tồn tại hoà bình với Trung Quốc, ASEAN, Mỹ; giải quyết hoà bình vấn đề Campuchia.
    28.07
    Diễn văn của Gorbachov ở Vladivodstock nêu những nét lớn của chính sách đối ngoại mới của Liên Xô đối với châu Á - Thái Bình Dương: xích dần lại với Trung Quốc, giải quyết “3 trở ngại” để bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc (rút quân khỏi Afghanistan, chấm dứt xung đột biên giới Xô - Trung, giải quyết vấn đề Campuchia). Với Mỹ, Liên Xô có thể có “cử chỉ đáp ứng” (responsive gesture) về vịnh Cam Ranh nếu Mỹ rút các căn cứ quân sự ở Philippin.
    05-15.10
    Vòng 9 đàm phán Xô - Trung tại Bắc Kinh. 70% thời gian bàn vấn đề Campuchia.
    19.10
    Liên Xô bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan.
    Tháng 12
    Đại hội VI. Nguyễn Văn Linh được bầu làm TBT. Đỗ Mười làm thủ tướng. Sửa Lời nói đầu của Điều lệ Đảng, xoá chỗ nói về Trung Quốc là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất”.
    1987

    07.02
    Vòng 10 đàm phán Xô - Trung tại Matxcơva. Trung Quốc lại nêu “3 trở ngại” cho việc bình thường hoá quan hệ Trung – Xô, trở ngại lớn nhất là việc “Việt Nam xâm lược Campuchia”.
    Đầu th. 3
    Ngoại trưởng Liên Xô Schevarnadzé đến PhnomPenh thúc đẩy giải quyết vấn đề Campuchia.
    26.03
    Bộ Ngoại Giao thành lập CP87 chuyên trách nghiên cứu giải pháp Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc.
    19-20.04
    Lê Đức Thọ gặp Hunxen, Heng Somrin và Chia Xim ở PhnomPenh, khuyên Campuchia thoả hiệp với diệt chủng Polpot, thực hiện “giải pháp Đỏ”.
    08.05
    Họp BCT về vấn đề Campuchia (sau khi Lê Đức Thọ đi PhnomPenh, trước khi TBT Linh đi Liên Xô.
    20.05
    Bộ Ngoại giao kiến nghị BCT sửa Lời nói đầu của Hiến pháp chỗ nói về Trung Quốc (đến 27.8.88 mới thực hiện).
    10.06
    Phó tổng thư ký LHQ Ahmed chuyển tới ta 4 điểm của Đặng Tiểu Bình.
    17.06
    Hunxen (đi thăm Lào) nói với Ngoại trưởng Lào Phun: muốn liên hiệp với phái Polpot không có Polpot hơn là với Sihanouk với lý lẽ là bọn Polpot có lực lượng nhưng không có thế chính trị, còn Sihanouk ngược lại không có lực lượng nhưng có thế chính trị.
    26.06
    Nguyễn Cơ Thạch gặp đại sứ Trung Quốc chuyển thông điệp miệng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi lãnh đạo Trung Quốc đề nghị mở đàm phán bí mật hai nước.
    29.07
    Thông cáo chung Việt Nam – Inđônêxia sau cuộc gặp Nguyễn Cơ Thạch – Mochtar tại TP. HCM. Thoả thuận dùng hình thức “cocktail party” để các bên liên quan gặp nhau bàn giải pháp Campuchia.
    22.08
    Thư của Ngô Học Khiêm gửi Nguyễn Cơ Thạch nói Trung Quốc chưa thể trả lời thông điệp của ta vì Trung Quốc không muốn chấp nhận việc đã rồi ở Campuchia.
    27.08
    Chính phủ CHND Campuchia công bố chính sách 5 điểm về hoà hợp dân tộc.
    02.10
    Thông điệp miệng của ta nhờ Liên Xô chuyển cho Trung Quốc nhân cuộc gặp vòng 11 Liên Xô - Trung Quốc tại Mạctưkhoa ngày 6.10.
    06.10
    Đàm phán vòng 11 Xô - Trung tại Bắc Kinh. Đưa công khai việc bàn vấn đề Campuchia vào thông cáo báo chí.
    29.11
    Đợt rút quân thứ 6 của quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia.
    12.12
    Hội đàm Hunxen – Sihanouk lần thứ 1 tại Fère-en-Taidenois (Pháp). Thông cáo chung thoả thuận: giải quyết xung đột Campuchia bằng biện pháp chính trị; vấn đề Campuchia do nhân dân Campuchia giải quyết; triệu tập Hội nghị quốc tế để bảo đảm thoả thuận giữa các bên Campuchia. Gặp lại vòng 2 ở Paris và vòng 3 ở Bình Nhưỡng.
    22.12
    Việt Nam và Campuchia tán thành gợi ý của Liên Xô để Liên Xô gửi thông điệp cho ngoại trưởng Trung Quốc đề nghị Liên Xô cùng Trung Quốc dàn xếp một cuộc gặp giữa CHND Campuchia và Khmer Đỏ, Trung Quốc không đáp ứng.
    30.12
    BCT quyết định đổi mới quan hệ giữa ta với Lào và Campuchia, rút chuyên gia, cố vấn ta ở Lào và Campuchia giải tán đoàn chuyên gia Việt Nam ở Campuchia.
    1988

    20-22.01
    Vòng 2 Hunxen – Sihanouk tại Paris. Không có thông cáo chung. Hai bên nhất trí: chế độ chính trị ở Campuchia do nhân dân Campuchia quyết định qua tổng tuyển cử có giám sát quốc tế; triệu tập hội nghị quốc tế về Campuchia theo kiểu Hội nghị Genève 1954 về Đông Dương.
    20-29.01
    Cuba, Angola và trợ lý ngoại trưởng Mỹ họp ở Luanda đã thoả thuận việc rút toàn bộ quân Cuba khỏi Angola.
    01.02
    Thư Sihanouk gửi thủ tướng Phạm Văn Đồng: Mối quan tâm luôn luôn giành cho việc khôi phục quan hệ hữu nghị hai nước láng giềng anh em chúng ta. Như vậy thì giải pháp này sẽ tới gần.
    08.02
    Gorbachov tuyên bố quân đội Liên Xô sẽ rút khỏi Afghanistan trong 10 tháng kể từ ngày 15.5.88.
    14-16.03
    Đụng độ giữa hải quân Việt Nam và hải quân Trung Quốc ở Trường Sa.
    20.05
    Nghị quyết 13 BCT: giải quyết vấn đề Campuchia trước 1990, phấn đấu bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc.
    26.05
    Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố rút quân đợt 7 gồm 50.000 quân và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện; số quân còn lại sẽ rút sâu vào 30km tronglãnh thổ Campuchia dọc biên giới Campuchia - Thái Lan.
    Cuối th.5
    Họp cấp cao Xô - Mỹ Gorbachov – Reagan tại Matxcơva, có bàn vấn đề Campuchia.
    13-20.06
    Đàm phán Xô - Trung tại Matxcơva. Hai bên bàn tỉ mỉ vấn đề Campuchia. Liên Xô rút ra 5 điểm đồng với Trung Quốc về vấn đề Campuchia.
    28.06
    Quốc hội ra nghị quyết sửa Lời nói đầu của Hiến pháp (bỏ câu “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất”). Chính thức thông qua ngày 27.8.88.
    15.07
    Nguyễn Cơ Thạch gặp đại sứ Trung Quốc nêu một loạt biện pháp làm giảm căng thẳng quan hệ hai nước, đề nghị hai bên nối lại đàm phán ở bất cứ cấp nào.
    25-26.07
    Họp JIM 1 (Jakarta Infornal Meeting) tại Bô-go (Inđônêxia). Cuộc họp tiến hành làm 2 bước: bước đầu chỉ có 4 phái Campuchia; bước sau có thêm Việt Nam, Lào và 6 nước ASEAN. Mục đích: tạo một khuôn khổ cho các cuộc thảo luận không chính thức, giữa các bên liên quan trực tiếp và các nước hữu quan trong việc tìm kiếm một giải pháp toàn diện, đúng đắn và lâu dài cho vấn đề Campuchia. Cuộc họp đã khẳng định 2 vấn đề then chốt: việc rút quân Việt Nam trong khuôn khổ một giải pháp chính trị và việc ngăn chặn sự trở lại của chế độ diệt chủng Polpot.
    07.11
    Vòng 3 Hunxen – Sihanouk tại Paris. Chủ yếu bàn chương trình nghị sự họp cấp cao 3 bên (Hunxen – Sihanouk – Son San ngày 8.11.88).
    01.12
    Hoàn thành đợt rút quân Việt Nam thứ 7 khỏi Campuchia gồm 50.000 quân và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.
    1989

    05.01
    TBT Nguyễn Văn Linh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam đi PhnomPenh dự lễ kỷ niệm 10 năm Quốc khánh CHND Campuchia.
    06.01
    Tuyên bố của Nguyễn Văn Linh và của Heng Somrin là sẽ rút hết quân Việt Nam khỏi Campuchia trong khuôn khổ một giải pháp chính trị vào tháng 9.89.
    09.01
    Cuba bắt đầu rút quân khỏi Angola theo Hiệp định 12.8.88 giữa Cuba, Angola và Nam Phi.
    09.01
    Ngoại trưởng Thái Siddhi Savetsila đến Hà Nội.
    16-19.01
    Đàm phán Việt Nam - Trung Quốc cấp thứ trưởng ở Bắc Kinh về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước.
    01.02
    Ngoại trưởng Schevarnadzé đến Bắc Kinh hội đàm với Tiên Kỳ Tham về vấn đề Campuchia.
    15.02
    Liên Xô hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan.
    11.02
    Họp BCT bàn việc tách và giải quyết từng bước một mặt quốc tế và mặt nội bộ của vấn đề Campuchia; triển khai các diễn đàn Việt – Trung (vòng 2), JIM 2, Việt – Thái, Việt – Mỹ...
    16-18.02
    Họp trù bị (Working group) JIM 2. Ta đưa ra 3 bước rút quân Việt Nam khỏi Campuchia gắn với 3 bước chấm dứt viện trợ quân sự của nước ngoài cho các bên Campuchia.
    19-21.02
    Họp JIM 2. Khẳng định lại 2 vấn đề mấu chốt của giải pháp cho vấn đề Campuchia là rút quân Việt Nam trong khuôn khổ một giải pháp chính trị và ngăn ngừa sự quay trở lại chính sách và những hành động diệt chủng của chế độ Polpot; chấm dứt mọi sự can thiệp của nước ngoài và sự giúp đỡ về quân sự cho các phái đối lập Khmer.
    14.03
    Họp BCT: quyết định rút hết quân khỏi Campuchia vào cuối tháng 9.89; thúc đẩy diễn đàn Hunxen – Sihanouk.
    22.02-03.03
    Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch thăm Singapo, Malayxia và Thái Lan.
    23.02
    Trung Quốc – Inđônêxia bình thường hoá quan hệ.
    25.02
    Mỹ - Trung Quốc: Bush đến Bắc Kinh gặp Đặng Tiểu Bình.
    13.03
    Xô viết tối cao Liên Xô thông qua nghị quyết lập chức tổng thống Liên Xô Gorbachov được bàn giữ chức vụ này.
    15.03
    Tiếp và làm việc với Phó tổng thư ký LHQ Ahmed tại Hà Nội về vấn đề Campuchia.
    15.04
    Ba chính phủ Việt Nam, Campuchia, Lào ra tuyên bố: sẽ rút hết quân Việt Nam khỏi Campuchia tháng 9.
    30.04-01.05
    Quốc hội Campuchia họp phiên bất thường: sửa hiến pháp, đổi tên nước CHND Campuchia thành Nhà nước Campuchia (State of Campuchea), thay quốc kỳ
    02-03.05
    Vòng 4 Hunxen-Sihanouk tại Jakarta. Sihanouk hoan ngênh việc đổi tên nước, quốc kỳ và nhiều sửa đổi quan trọng trong hiến pháp Campuchia; nói có thể chấp nhận về nước (nhưng khi về tới bangkok, Sihanouk lại đổi ý. Từ đó, quan hệ Hunxen-Sihanouk rất xấu)
    08-10.05
    Đàm phán Việt Nam - Trung Quốc cấp thứ trưởng ở Bắc Kinh. Trung quốc vẫn đòi ta thoả thuận về nguyên tắc thiết lập chính phủ liên hiệp 4 bên Campuchia do Sihanouk đứng đầu, đông kết và giảm hoặc giải thể lực lượng quân sự của các bên Campuchia. Về quan hệ 2 nước, lập trường của Trung quốc vẫn là giải quyết xong vấn đề Campuchia thì mới cải thiện được quan hệ với Việt nam; tạm thời chưa tính đến tiếp tục đàm phán với ta
    15-16.05
    Hội đàm cấp cao Trung-Xô (Gorbachev-Đặng) tại Bắc kinh
    03-04.06
    Sự kiện Thiên An Môn
    04.06
    Ban Lan: Công đoàn Đoàn kết thắng tuyệt đối tổng tuyển cử
    24.07
    Vòng 5 Hunxen-Sihanouk tại Paris. Không đạt thoả thuận nào. Sihanouk bác bỏ thoả thuận của JIM 1 và 2, đòi xoá SOC lập chính phủ 4 bên Campuchia
    30.07-30.08
    Hội nghị quốc tế về Campuchia tại Paris: việc rút quân Việt nam không còn là vấn đề lớn ở hội nghị mà vấn đề lớn nổi lên là Diệt chủng. Hội nghị không đạt được một giải pháp chính trị, bế tắc ở vấn đề chia quyền giữa các bên Campuchia trong thời kỳ quá độ. Song đã thông qua được tuyên bố chung ghi nhận hội nghị là một bước tiến có ý nghĩa và sẽ họp lại.
    07.08
    Gặp Thứ trưởng Lưu thuật Khanh (Phó trưởng đoàn Trung quốc tại PICC) ở Paris.
    07.08
    Hung: Đảng Công nhân XHCN đổi tên; Hung gia nhập EC
    05.09
    TBT Nguyễn Văn Linh gặp Heng Somrin ở Hà nội chuyển lời Liên Xô khuyên PhnomPenh nên nhận chính phủ 4 bên gồm cả Khmer Đỏ, do Sihanouk làm chủ tịch.
    21-26-09
    Đợt rút quân Việt nam cuối cùng khỏi Campuchia
    30.09
    Họp BCT nhận định về kết quả hội nghị Paris về Campuchia
    07.10
    Kayson Phonvihan thăm chính thức Trung quốc đánh dấu việc bình thường hoá quan hệ Lào-Trung quốc. Đặng nói với Kayson: Nếu Việt nam rút triệt để khỏi Campuchia thì sẽ bình thường hoá quan hệ với Việt nam.
    06.11
    Thông điệp miệng của Nguyễn Văn Linh gửi Đặng Tiểu Bình: mong sớm bình thường hoá quan hệ với Trung quốc; mong sớm có dịp gặp lại Đặng
    09.11
    Đông Đức: Bức tường Berlin sụp đổ, kết thúc chiến tranh Lạnh
    20.11
    Tiệp: Biểu tình lớn ở Praha. Husak từ chức. Lập chính phủ mới trong đó đảng Công sản chỉ là thiểu số.
    21.11
    5 nước thường trực HĐBA LHQ (P5) chấp nhận phương án giải quyết vấn đề Campuchia của Úc trong đó đề cao vai trò của LHQ ở Campuchia trong thời kỳ quá độ.
    28.11
    Thư Nguyễn Cơ Thạch gửi Tiền Kỳ Tham nhắc lại thông điệp miệng của Nguyễn Văn Linh gửi Đặng và khẳng định lại “ phía Việt nam sẵn sàng gặp phía Trùn quốc ở cấp Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Ngoại giao tại Bắc kinh hoặc Hà nội trong tháng 12.89 để bàn các bước bình thường hoá quan hệ hai nước”.
    02.12
    TBT đảng Cộng sản Mã lai Trần Bình ký thoả thuân với chính quyền Malaysia và Thái Lan giải tán đảng Cộng sản và rút về sống ở Hadyai (nam Thái Lan)
    10.12
    Bulgaria: Biểu tình lớn ở Sofia
    12.12
    Đại sứ Trung quốc thông báo trả lời của Trung quốc cho thông điệp ngày 6.11 của Nguyễn Văn Linh: đặt điều kiện cho việc mở lại đàm phán cấp thứ trưởng Ngoại giao với ta (Việt nam phải chấp nhận sự giám sát của LHQ về việc rút quân khỏi Campuchia; phải chấp nhận việc thành lập chính phủ 4 bên Campuchia do Sihanouk làm chủ tịch)
    1990

    09.02
    Đại sứ Mỹ ở Thái Lan Dônhue chuyển thông điệp của Mý: gợp ý của Việt Nam về một cuộc gặp gỡ giữa bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch hoặc Thứ trưởng Trần Quang Cơ với trợ lý Ngoại trưởng Solômn là quá sớm. Hai bên cần làm rõ các vấn đề cần thảo luận và các khả năng lựa chọn, sau đó Solômn sẵn sàng gặp phía Việt nam. Mỹ hiện vẫn sẵn sàng tiếp tục trao đổi qua hai Đại sứ ở Bangkok
    21.02
    Vòng 5 Hunxen-Sihanouk tại Bangkok. Thoả thuận về nguyên tắc: sự có mặt của LHQ ở mức độ thích hợp của Campuchia là cần thiết; cần thành lập một cơ chế quốc gia tối cao để thực hiện chủ quyền quốc gia và thống nhất dân tộc của Campuchia.
    25.02
    Nicaragua: Mặt trận Sandino thất bại trong tổng tuyển cử
    26.02-01.03
    Họp Hội nghị không chính thức về Campuchí (IMC) ở Jakarta. Ngoài thành phần như JIM (Campuchia, Việt nam, Lào và 6 nước ASEAN) còn có thêm đại diện Tổng Thư ký LHQ, Pháp và Úc. IMC không đưa ra được tuyên bố chung vì Khmer Đỏ dùng quyền phủ quyết.
    08.03
    Lê Đức Thọ gặp Đinh Nho Liêm và Trần Quang Cơ (và ngày 10.3 gặp Nguyễn Cơ Thạch) đưa ý kiến: cần có chuyển hướng chiến lược trong đấu tranh về vấn đề Campuchia; phải giải quyết vấn đề Campuchia với Trung quốc, không thể gát Khmer Đỏ; không thể chấp nhận LHQ tổ chức tổng tuyển cử tại Campuchia, lập chính phủ 2 bên 4 phái Campuchia để tổ chức tổng tuyển cử…
    10.04
    Họp BCT bàn đề án đấu tranh ngoại giao về vấn đề Campuchia trong tình hình thế giới có biến đổi. TBT Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Đào Duy Tùng, Đồng Sỹ Nguyên nhấn mạnh cần liên kết với Trung quốc bảo vệ CNXH vì lợi ích chung của cả 2 bên.
    16.04
    Nguyễn Cơ Thạch đi PhnomPenh thuyết phục SOC mềm dẻo trong vấn đề diệt chủng, chấp nhận Khmer Đỏ tham gia chính quyền liên hiệp trong thời kỳ quá độ…
    30.04
    TBT Nguyễn Văn Linh nói tại Tp HCM nhân dịp kỷ niệm 15 năm giải phóng Sài gòn:
    - Nên quên cuộc chiến tranh đi mặc dù đã có biến cố lớn trong quá khứ.
    - Việt nam cảm thấy có tình hữu nghị với nhân dân Mỹ.
    - Tôi muốn thấy bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ tuy đó là một tiến trình lâu dài
    03-08.05
    Vòng 3 đàm phán Việt - Trung cấp thứ trưởng ở Bắc Kinh. Trung quốc nói roc ý họ về các vấn đề thuộc mặt nội bộ trong giải pháp Campuchia và đòi ta tán thành: SNC nên là một cơ cấu có tính chất chính quyền lâm thời, có chức năng lập pháp và hành chính; quân đội các bên Campuchia nếu chưa giải giáp thì tập kết vào một số điểm nhất định và giảm quân.
    20-21.05
    Họp 3 TBT Việt-Lào-Campuchia tại Hà nội nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ chủ tịch. Quyết định cần thực hiện “Giải pháp Đỏ” để giải quyết vấn đề Campuchia.
    04-05.06
    Hunxen và Sihanouk đại diện cho 2 chính phủ Campuchía họp tại Tokyo. Ký tuyên bố chung thoả thuận lập SNC với số thành viên 2 bên bằng nhau (6+6) tượng trưng cho chủ quyền quốc gia và thống nhất dân tộc Campuchia
    05.06
    Lần đầu TBT Nguyễn Văn Linh tiếp Đại sứ Trung quốc Trương Đức Duy
    06.06
    Bộ trưởng quốc phòng Lê Đức Anh tiếp và mời cơm thân mật Đại sứ Trung quốc
    11-13.06
    Vòng 4 đàm phán Việt – Trung (Trần Quang Cơ - Từ Đôn Tín). Ta không chấp nhận việc can thiệp vào vấn đề nội bộ Campuchia như Trung quốc đề nghị. Đàm phán không kết quả
    13.06
    Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch tiếp Từ Đôn Tín. Giọng điệu cao ngạo của Từ bị Nguyễn Cơ Thạch phê phán mạnh.
    19.06
    BCT họp đánh giá vòng 4 đàm phán Việt – Trung (vắng mặt TBT Nguyễn Văn Linh)
    25.06
    Đại sứ Trương Đức Duy gặp Thứ trưởng Trần Quang Cơ chuyển thông điệp của Lãnh đạo Trung quốc (có sửa lại) gửi lãnh đạo Việt nam
    16-17.07
    Họp P5 về vấn đề Campuchia tại Paris
    18.07
    Ngoại trưởng Mỹ Baker tuyên bố chính sách mới của Mỹ về vấn đề Campuchia: Mỹ thừa nhận Việt nam đã rút quân khỏi Campuchia; chính quyền PhnomPenh hiện là lực lượng chủ yếu có khả năng ngăn Khmer Đỏ trở lại cầm quyền. Vì vậy, Mỹ quyết định rút bỏ việc công nhận chính phủ Liên hiệp Campuchia Dân chủ (của 3 phái) tại LHQ; sẵn sàng thảo luận với Việt nam và SOC để thúc đẩy giải pháp cho vấn đề Campuchia.
    06.08
    Đối thoại Việt-Mỹ vòng 1 (Trịnh Xuân Lãng-Kenenth Quinn) tại Nữu ước về vấn đề Campuchia và bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ. Mý yêu cầu ta: cam kết chấp thuận và thúc đẩy Campuchia chấp nhận văn kiện khung P5; tuyên bố hoan ngênh LHQ kiểm chứng rút nhân viên quân sự còn lại ở Campuchia; cho biết ý kiến về SNC và vai trò của LHQ ở Campuchia
    12.08
    BCT họp bàn vấn đề Campuchia. TBT Nguyễn Văn Linh kết luận: Những vấn đề tồn tại hiện nay thuộc nội bộ và chủ quyền của Campuchia phải do các đồng chi Campuchia tự quyết định. Việt nam tôn trọng những quyết định của các đồng chi Campuchia về những vấn đề này.
    12.08
    Thủ tướng Lý Bằng tuyên bố khi đến thăm Singapore: Hy vọng sẽ bình thường hoá quan hệ với Việt nam và hai bên sẽ thảo luận các vấn đề khác như tranh chấp Trường sa…
    13.08
    Thứ trưởng Trần Quang Cơ tiếp Đại sứ Trung quốc biểu thị hoan ngênh tuyên bố của Lý Bằng ở Singapore, nhắc lại mong muốn sớm có gặp cấp cao hai bên.
    27-28.08
    Họp P5 lần thứ 6 về Campuchia đi đến thoả thuận: những dàn xếp quân sự trong thời kỳ quá độ ở Campuchia; tuyển cử dưới sự bảo trợ của LHQ; bảo vệ nhân quyền; vấn đề bảo đảm quốc tế. Hoàn thành toàn bộ 5 văn kiện khung về giải pháp Campuchia
    29.08
    Đại sứ Trung quốc gặp Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười chuyển lời của Giang Trach Dân và Lý Bằng mời TBT Nguyễn Văn Linh, thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng sang hội đàm bí mật với lãnh đạo Trung quốc tại Thành Đô vào ngày 3.9.90
    30.08
    Họp BCT bàn về gặp cấp cao Trung quốc tại Thành đô
    31.08
    Đối thoại Việt-Mỹ vòng 2 tại Nữu ước. Mỹ đề nghị Việt nam và PhnomPenh chấp nhận khung giải pháp Campuchia của P5, đề nghị SOC đi họp ở Jakarta để lập SNC trên cơ sở thoả thuận của P5. Mỹ coi đây là điều kiện để Mỹ bình thường hoá quan hệ với Việt nam và để Mỹ gặp Hunxen
    01.09
    Xô - Trung họp cấp Ngoại trưởng tại Cáp Nhĩ Tân bàn về vấn đề Campuchia
    03-04.09
    Cuộc gặp cấp cao Trung –Việt tại Thành đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên). Nguyễn Văn Linh chấp nhận công thức lập SNC của Trung quốc (6+2+2+2+1 và Sihanouk làm chủ tịch)
    05.09
    Nguyễn Văn Linh đi PhnomPenh thông báo lãnh đạo Campuchia về cuộc gặp Thành đô, thuyết phục PhnomPenh nhận công thức lập SNC của Trung quốc. Campuchia phản đối.
    07.09
    Ngoại trưởng Mỹ thông báo Mý quyết định mở đối thoại trực tiếp với PhnomPenh
    10.09
    BCT cử Trần Quang Cơ đi Jakarta theo dõi cuộc họp của các bên Campuchia bàn về việc thành lập SNC, dưới sự chủ trì của Pháp và Indonesia – 2 đồng chủ tịch PICC. Các bên Campuchia ra tuyên bố chung “chấp nhận toàn bộ văn kiện khung của P5 làm cơ sở cho việc giải quyết xung đột Campuchia”, thành lập SNC.
    10.09
    Phó trợ lý Ngoại trưởng Mý K. Quinn thông báo: Mỹ quyết định nói chuyện với trưởng đoàn ta tại Đại Hội đồng LHQ về bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.
    14-18.09
    (Trần Quang Cơ) đi Bangkok để theo dõi tiếp cuộc họp của các bên Campuchia giải quyết nốt vấn đề chủ tịch SNC.
    17.09
    Các bên Campuchia họp tại Bangkok để hoàn tất việc lập SNC. Cuộc họp thất bại do không nhất trí trong việc cử đoàn đại biểu SNC đi dự Đại Hội đồng LHQ và nhất là do SOC (Hunxen) không chấp nhận việc cử Sihanouk làm chủ tịch và thành viên thứ 13 của SNC.
    20.09
    HĐBA LHQ thông qua nghị quyết 608 ghi nhận SNC đại diện cho Campuchia về mặt đối ngoại và giữ ghế của Campuchia tại LHQ.
    24.09
    Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp sang Trung quốc dự lễ khai mạc ASIAD. Thủ tướng Lý Bằng tiếp, nói về quan hệ 2 nước, nhận xét Trần Quang Cơ là “nhân tố tiêu cực” trong việc thúc đẩy giải pháp Campuchia
    29.09
    Nguyễn Cơ Thạch gặp Ngoại trưởng Mỹ Baker. Mỹ nói muốn bình thường hoá quan hệ với Việt nam trong khung cảnh một giải pháp chính trị về Campuchia, đồng thời tốc độ và qui mô bình thường hoá quan hệ tuỳ thuộc vào tiến bọ trong vấn đề MIA và các vấn đề nhân đạo khác.
    18.11
    BCT họp bàn về nguyên tắc đấu tranh về văn kiện chung P5 và vấn đề chức chủ tịch SNC.
    26.11
    P5 và Indonesia họp tại Paris thoả thuận dự thảo Hiệp định Paris về Campuchia
    21.12
    Họp SNC tại Paris với sự tham gia của 2 đồng chủ tịch PICC và đại diện Tổng Thư ký LHQ
    1991

    15-16.01
    (Trần Quang Cơ) Họp với bộ phận B1 Bộ Ngoại giao Campuchia chuẩn bị cho cuộc họp Uỷ ban phối hợp PICC. Nhận định về Trung quốc
    16.01
    Hunxen nói với Trần Quang Cơ: khả năng năm 91 chưa có giải pháp chính trị. Cuộc gặp Paris vừa qua chỉ là diễn đàn dư luận, không phải thương lượng. Vì vậy chúng tôi chưa nêu tách mặt nội bộ và quốc tế.
    24-25.01
    Họp BCT ở Tp HCM thảo luận “Đường lối đối ngoại phục vụ thực hiện mục tiêu chiến lược của nước ta đến năm 2000” do Bộ Ngoại giao dự thảo và vấn đề Campuchia
    02.02
    (Trần Quang Cơ) xin rút khỏi danh sách đề cử TƯ khoá VII. Không được chấp nhận.
    24.02
    Nguyễn văn Linh gặp Heng Somrin tại Hà nội, lại thuyết phục PhnomPenh nhận công thức 6+2+2+2+1 để thúc đẩy chính sách hoà hợp dân tộc theo ý của Trung quốc trong cuộc gặp Thành đô ngày 3.9.90
    09.04
    Đối thoại Việt-Mỹ vòng 5 tại Nữu ước. Trợ lý Ngoại trưởng R. Solomon đưa ra lộ trình 4 bước gắp quá trình giải quyết vấn đề Campuchia với các bước cải thiện quan hệ Mỹ-Việt
    13.04
    BCT họp nhận định tình hình thế giới và bàn chính sách đối ngoại. Yêu cầu phối hợp tốt hơn giữa 3 ngành Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh trong ngiên cứu các vấn đề quốc tế.
    08.05
    Họp 3 ngành Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh nhận định tình hình thế giới
    15-17.05
    BCT thảo luận bản dự thảo “Báo cáo về tình hình thế giới, việc thực hiện đường lối đối ngoại của đậi hội VI và phương hướng tới”; tiếp tục đánh giá về cuộc gặp cấp cao với Trung quốc tgáng 9.90 tại thành đô.
    15-19.05
    Giang Trạch Dân thăm Liên Xô - Chuyến thăm Liên Xô đầu tiên của cấp cao nhất Trung quốc trong 34 năm qua. Thông cáo chung 2 bên nói nhiều đến vấn đề Campuchia
    02-04.06
    Họp SNC tại Jakarta. Ngoài các bên Campuchia, có 2 đồng chủ tịch PICC (Pháp và Indonesia), đại diện Tổng Thư ký LHQ. Sihanouk cũng có mặt với danh nghĩa là khách mời của Suharto. Cuộc gặp không đạt kết quả gì đáng kể.
    05.06
    Hunxen và Sihanouk gặp riêng để thảo luận về chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch SNC, kéo dài ngừng bắn tới khi có tổng tuyển cử, Sihanouk về PhnomPenh, kêu gọi ngừng viện trợ quân sự nước ngoài cho các bên Campuchia
    17-27.06
    Đại hôi VII Đảng CS Việt nam. Đỗ Mười thay Nguyễn Văn Linh làm TBT, Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước. Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi BCT và TƯ
    09.07
    Trần Quang Cơ gặp TBT Đỗ Mười xin không nhận chức Bộ trưởng Ngoại giao
    10.07
    Đỗ Mười gặp Đại sứ Trung quốc đặt vấn đề cử đặc phái viên sang thông báo lãnh đạo Trung quốc về đại hội VII
    28.07-02.08
    Lê Đức Anh và Hồng Hà sang Trung quốc với danh nghĩa “Đoàn đại diện đặc biệt của TƯ đảng CS Việt nam” để thông báo lãnh đạo Trung quốc về Đại hội VII đảng CS Việt nam. Cả hai đã gặp Từ Đôn Tín xin lỗi (về vụ to tiếng với bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch)
    Tháng 8
    Quốc hội khoá 8 họp kỳ 9 thông qua danh sách chính phủ mới. Nguyễn Mạnh Cầm nhận chức Bộ trưởng Ngoại giao thay Nguyễn Cơ Thạch
    08-10.08
    Vòng 5 đàm phán Việt – Trung cấp thứ trưởng tại Bắc kinh về bình thường hoá quan hệ.
    09-14.08
    Ngoại trưởng mới Nguyễn Mạnh Cầm thăm Trung quốc
    23.10
    Hội nghị quốc tế về Campuchia tại Paris. Ký kết hiệp định hoà bình Campuchia
    05-10.11
    TBT Đỗ Mười và Thủ tướng Võ văn Kiệt thăm chính thức Trung quốc. Thông cáo chung về bình thường hoá quan hệ hai nước
    14.11
    Sihanouk trở về PhnomPenh sau 13 năm lưu vong
    25.12
    Gorbachev từ chức. Cờ búa liềm trên nóc điện Kremli bị hạ xuống thay bằng lá cờ 3 màu của nước Nga đánh dấu việc Liên bang Xô viết chấm dứt tồn tại
    1993

    24.11-01.12
    Hội nghị giữa nhiệm kỳ của BCH TƯ khoá VII. (Trần Quang Cơ) Tự nguyện xin rút khỏi TƯ.

    Trần Quang Cơ
    Hồi ức và suy nghĩ

















    Xem tiếp...