Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngon-luan. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngon-luan. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 13* (Hoàn chỉnh)

MỤC LỤC TẬP 3, TẬP 4 VÀ TẬP 5

PHẦN II:              NỀN TẢNG

Chương I:                     Ôn Cố Tri Tân

Chương II:                    Phác Thảo

Chương III:                  Hương Cau

Chương IV:                  Phản Phục

Chương V:                   Tương Đồng

Chương VI:                  Qui Căn

Chương VII:                 Tiên Nghiệm

Chương VIII:                Thắt Nút

Chương IX:                  Lang Thang

Chương X:                   Thái Cực
                    
---------------------------------------------------------------------------------
  

PHẦN II:     Nền tảng

" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
Sir James Jeans.

“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph.Bêcơn)


“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó”
  (Arixtốt)

CHƯƠNG II: PHÁC THẢO


“Cái tuyệt đối tự biểu lộ đối với những ai tìm kiếm tri thức, là ánh sáng vĩnh cửu, rõ ràng và rực rỡ như mặt trời lúc chính ngọ cho những ai đấu tranh vì đức hạnh, là chính nghĩa vĩnh cửu, kiên định và công bằng cho những ai hướng tình cảm về tình yêu vĩnh cửu và vẻ đẹp thánh thiện”
  S. Radhakrisnan
 
“Mọi cái hiện thực đều hợp lý, mọi cái hợp lý đều là hiện thực” (G.Hêghen)


“Tương phản với không gian thì có nguyên lý về chất, về sự phân biệt và về “vật”. Dù sao thì chẳng có gì có thể tồn tại mà không có không gian. Không gian là điều kiện tiên quyết của mọi vật đang tồn tại, bất kể là dưới dạng vật chất hay phi vật chất, bởi vì chúng ta không thể tưởng tượng ra một vật hay một hữu tính mà thiếu không gian”.
Lama Anagark Govinda

"Đôi lúc cuộc sống thật khắc nghiệt, rắn như thép đã tôi. Nó có những lúc ảm đạm và đau đớn. Như bất cứ một dòng chảy nào của một con sông, cuộc sống có những lúc khô cạn và những khi triều cường.
Cũng như sự thay đổi theo chu kỳ từ trước đến nay của các mùa, cuộc sống có cái ấm áp dễ chịu của những mùa hè và cái rét buốt của những mùa đông…

Nhưng chúng ta có thể tự nâng mình lên khỏi nỗi chán chường và tuyệt vọng, vươn đến sự vui vẻ của hy vọng và biến đổi các thung lũng hoang vắng, tăm tối thành những lối đi chan hoà ánh nắng của sự thanh bình sâu lắng".
Martin Luther King

"Năng khiếu tưởng tượng có ý nghĩa đối với tôi hơn là tài năng tiếp thu kiến thức".  
Albert Einstein

"Dù chỉ nắm vững một kiến thức nào đó, cũng đều có ích cho trí óc, nó sẽ ném đi những thứ vô dụng nhưng giữ lại những thứ có ích".
 Leonardo da Vinci

"Mỗi thành công vĩ đại trong khoa học đều bắt nguồn từ trí tưởng tượng hết sức táo bạo". 
G.Duy             
                  
 
Tồn Tại là vốn dĩ thế rồi, là toàn thể những gì chúng ta quan sát thấy hoặc không thấy, dù quan sát chính xác hay không chính xác, dù nhận thức đúng hay không đúng. Tồn Tại có nghĩa là Có, Có một cái gì đó , Có một điều gì đó. Có thì phải thể hiện. Thể hiện là đặc tính cơ bản nhất, đặc tính tuyệt đối, đặc tính cốt lõi của Tồn Tại và cũng chính là Tồn Tại! Hư vô theo định nghĩa là hoàn toàn không có gì, nhưng suy lý mách bảo hoàn toàn không có gì cũng không phải là hoàn toàn không có gì. Không có gì tuyệt đối thì gọi là Hư Vô (viết hoa). Không có gì tương đối gọi là hư vô (viết thường). 
Nếu có một Hư Vô bên cạnh Tồn Tại thì nó phải thể hiện (thể hiện sự không có gì), do đó, Nó phải là Có, và như thế, nó cũng chính là Tồn Tại. Mặt khác, một Hư Vô mà thể hiện ra được thì còn gì là Hư Vô nữa? Vậy thì, nếu chúng ta cho rằng, thế giới này hay Vũ Trụ này là một Tồn Tại, hay tên khác mà trước đây chúng ta đã gọi là Tự Nhiên Tồn Tại thì tuyệt đối không có Hư Vô. Chúng ta có thể nhận thức được Hư Vô nhưng không thể hình dung được nó!
Một hư vô tồn tại trước nhận thức (tồn tại tương đối) là hư vô (tương đối). Giả dụ, khi quan sát một không gian trống rỗng trong Vũ Trụ chúng ta "thấy" đúng thật là không có gì. Nhưng vì sao chúng ta biết điều đó? Vì khoảng không gian trống rỗng đã thể hiện ra trước "người trần mắt thịt" khoảng không có gì. Nghĩa là khoảng rỗng rang đó Tồn Tại, là có cái không có gì. Nếu là trước đây, chúng ta cho rằng đã thấy Hư Vô. Nhưng thực ra không phải, chúng ta vẫn nhìn thấy cái gì đó tạm gọi là Có. Dù rằng cái Có ấy là trống rỗng nhưng chí ít, chúng ta vẫn cảm nhận được bề dài, bế rộng, bề sâu, nghĩa là cảm nhận được thể tích của nó, và qui ước đó là không gian, và tạm gọi là hư vô (tương đối)
Vì chúng ta đang “có mặt” nên chúng ta tồn tại, vì chúng ta tồn tại nên là bộ phận của Tồn Tại. Lúc này Hư Vô không "có quyền" xuất hiện bên cạnh cái Duy Nhất (tức Tồn Tại) mà cũng không thể là bộ phận của Tồn Tại, vì nếu thế hư vô đó sẽ không tuyệt đối được nữa. Khi chúng ta không có mặt thì có nghĩa rằng chúng ta là hư vô đối với quan sát nào đó, nhưng không phải là bộ phận của Hư Vô đối với Tồn Tại, vì phải còn lại một cái gì đó. Cũng như khi chúng ta chết đi, xét ở góc độ tinh thần, rõ ràng chúng ta thuộc về Hư Vô. Nhưng nếu cho rằng chúng ta vẫn còn linh hồn, linh hồn vẫn hiển hiện, vẫn hình dung ra tinh thần thì chúng ta sau khi chết không phải là hết. Nếu xét ở góc độ thể xác thì chúng ta chỉ là hư vô. Vì chắc chắn chúng ta vẫn tồn tại ở dạng như "hài cốt", "tro bụi", hay ở dạng tồn tại nào đó khác nữa... “Lúc này” Tồn Tại vẫn thể hiện cái Duy Nhất, chứ không thể là bộ phận của Hư Vô, vì nếu thế Tồn Tại sẽ không tuyệt đối nữa!

Mọi thứ đều thể hiện và phải thể hiện. Vì chỉ có thể hiện mới chứng tỏ được Tồn Tại. Có thể nói, Tồn Tại là thể hiện. Nhưng muốn thể hiện, Tồn Tại tất yếu phải vận động, chuyển hóa, biến hóa...
Thể hiện có nghĩa là phân biệt được so với xung quanh, so với bên ngoài của cái tồn tại đang thể hiện. Tồn tại là thể hiện, nên Tồn Tại (tuyệt đối) phải vận động đến tận “chân tơ, kẽ tóc” của nó, làm cho nó cũng “tuyệt đối rời rạc” một cách liên tục, phá vỡ tính duy nhất, thống nhất keo sơn tuyệt đối của chính nó. Đó đồng thời làm nảy sinh một cách tự nhiên với quá trình làm dị biệt hóa là quá trình đồng nhất hóa nhằm xóa đi sự dị biệt. Thể hiện và không thể hiện chính là quá trình đấu tranh giữa tồn tại và không tồn tại, nhưng vì không thể có Hư Vô mà chỉ có thể có hư vô nên cuộc đấu tranh ấy là cuộc đi hủy diệt các tồn tại cũ, làm xuất hiện các tồn tại mới có tính kế thừa. Đồng thời cũng làm xuất hiện “thủy tổ” của hiện tượng “có - không có”; đến lượt “có - không có” là giềng mối  tính chất tương tự của tồn tại.
Mặt khác, Tồn Tại là đầy đủ. Chính sự đầy đủ đó đã là nguyên nhân số một làm thế giới nổi trội tính tương phản và là một yếu tố góp phần làm xuất hiện cuộc đấu tranh tiêu trừ giữa các tồn tại cũ, chuyển hòa làm xuất hiện các tồn tại mới.
Hai quá trình đồng hóa và dị hóa thực chất ra là hai mặt không thể tách rời của một quá trình vĩ đại: sự chuyển hóa lẫn nhau giữa các mặt tương phản, hay chúng ta cũng thường gọi là “sự vận động”. Do đó chúng ta nói Tồn Tại (tuyệt đối) là phải Vận Động (tuyệt đối) và mọi tồn tại, muốn duy trì tồn tại của chúng thì đều phải vận động và vận động (xét theo nghĩa tuyệt đối) cũng phải đến tận “chân tơ kẽ tóc”. Nói cách khác, nếu Tồn Tại là tự nhiên, vốn dĩ, thì vận động cũng là tự nhiên vốn dĩ, hay nói chính xác: Tồn Tại mà không vận động thì chỉ có thể là Hư Vô.
Tồn Tại là phải Vận Động, Tồn Tại là vốn dĩ thế rồi nên Vận Động cũng vốn dĩ thế rồi. Vận Động đảm bảo cho Tồn Tại được… tuyệt đối và nhờ thế mà Tồn Tại cũng làm cho Vận Động trở nên tuyệt đối. Tồn tại tuyệt đối là không có thêm tồn tại mà cũng không mất bớt tồn tại, vừa vô thủy vô chung mà cũng đồng thời có giới hạn… nghĩa là Nó là tất cả mà cũng chẳng là gì, vừa là cả hai mà cũng không phải cả hai. Tồn Tại tự thân (!) Vận Động và Vận Động để thể hiện ra bản chất ấy. Cho nên Vận Động cứ thế mà… Vận Động, Vận Động một cách tự nhiên, vừa “hồn nhiên” tuyệt đối vừa “gò bó” tuyệt đối, vừa liên tục vừa gián đoạn, vừa là cả hai mà cũng không phải cả hai và tuân theo tuyệt đối nguyên lý nhân - quả. Vận động tuân theo tuyệt đối nguyên lý nhân quả nghĩa là quá trình một vận động phải tuân theo tuần tự có trước có sau của các bước tự nhiên, là kết quả tồn tại mới hợp thành từ các yếu tố tồn tại cũ, cần thiết. Việc vận động phải thỏa mãn nguyên lý nhân - quả, tuân theo quá trình trước - sau, sớm hơn - muộn hơn chính là căn nguyên nguồn cội về sự tồn tại của thời gian.
Như vậy, ta có thể gọi Vận Động là Tự Nhiên, Tự Nhiên là Tồn Tại, Tồn Tại là Vận Động và gọi theo cách chúng ta là Tự Nhiên Tồn Tại. Tự Nhiên Tồn Tại tương tự như khái niệm Đạo của Lão Tử, vừa có nghĩa là bản thể Tồn Tại, vừa có nghĩa là nguyên lý Tồn Tại. Tồn Tại là theo nguyên lý Tự Nhiên. Nguyên lý Tự Nhiên là nguyên lý chung nhất, tuyệt đối mà mọi tồn tại đều phải tuân thủ, là nguyên lý cội nguồn, là nền tảng của mọi nguyên lý tương đối, mọi qui luật, định luật trong tự nhiên mà con người đã khám phá ra hoặc chưa khám phá ra. Nội dung nguyên lý tuyệt đối ấy là:
Mọi tồn tại vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả tạo dựng của nhau; là thể hiện của những tồn tại quá khứ và đồng thời là mầm mống của những tồn tại tương lai; chúng có quyền được an hưởng từ Tồn Tại nên cũng có nghĩa vụ phụng sự, hiến dâng cho Tự Nhiên, nghĩa là mọi khả năng đều là tồn tại và mọi tồn tại đều là khả năng, sinh ra là để mất đi và mất đi làm tiền đề cho sự sinh thành, tạo nên những chu trình, biến hóa phong phú và bất diệt của không gian theo sự qui định, khống chế của thời gian.
Một nguyên lý vĩ đại mà phát biểu như thế thật rườm rà, có cái vẻ quá “ẻo lả” văn chương và sặc mùi nghệ thuật, chẳng mang tính khoa học chút nào. Có lẽ phải phát biểu lại cho giản dị, trong sáng hơn (vì Tồn Tại là tối giản?!). Chúng ta phát biểu lại như thế này:
Mọi tồn tại đều là nguyên nhân và là kết quả của tồn tại. Mỗi tồn tại đều tạo dựng. Tạo dựng là để duy trì tồn tại mà cũng là chấm dứt tồn tại.
Cách phát biểu này có gọn hơn nhưng cũng chẳng sáng sủa gì, thậm chí còn mù mịt hơn và...khô khan quá! Hay là nói theo “kiểu” Lão Tử:
Cái gì phù hợp với tự nhiên thì tồn tại, không phù hợp thì không tồn tại.
Cũng chẳng sáng tỏ gì, còn tối thui hơn, thậm chí còn không xác đáng! 
Hình như trước đây (lâu lắm rồi!) chúng ta đã từng một lần phát biểu nguyên lý tuyệt đối này thì phải? Thôi, kệ, mai này, khi nào gặp Tạo Hóa chúng ta sẽ hỏi xem chính xác nội dung nguyên lý là như thế nào!
 
***

Trước đây chúng ta, tin vào triết học duy vật, còn nói đến vật chất, coi vật chất là tất cả những gì có trong Vũ Trụ. Vậy mà bây giờ chúng ta đột ngột phủi tay, quay ngoắt đi, chỉ nói đến tồn tại, chỉ cho rằng Vũ Trụ này không gì khác ngoài những tồn tại vận động. Chúng ta đã tự mâu thuẫn với mình chăng? Không, ở đây phải hiểu vật chất ''thấp hơn'' TồnTại, chỉ là ''một phần'', là bộ phận của Tồn Tại!
Từ thời xa xưa, ở những bước đầu tiên của nhận thức thực tại, do “chưa đủ kinh nghiệm”, tổ tiên chúng ta đã đưa ra khái niệm vật chất chỉ để gọi bao gồm tất cả các sự vật - hiện tượng thấy được, cảm nhận được, sờ mó được, cân đong đo đếm được,… nghĩa là tất cả những cái có hình dạng kích thước nhất định, “chứa đầy” nội dung có thể cảm nhận được ở bên trong, cái thực thể, cái hiện hữu cụ thể… Khái niệm vật chất được hiểu chỉ có thế, mà có khi còn hẹp hơn thế, Những cái gì không thuộc về vật chất thì được họ gọi là phi vật chất. Đến thời Ănghen, triết học duy vật cho rằng thế giới này, Vũ Trụ này không có gì khác ngoài vật chất. Nhưng khái niệm vật chất ở đây đã được mở rộng thành một khái niệm triết học, một danh từ chung để chỉ bao gồm tất cả vật chất thông thường chứ không chỉ riêng loại vật chất cụ thể nào. Vật chất, theo Lênin định nghĩa: "Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của con người chép lại, chụp lại, phản ánh và nó tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác". Như vậy, khái niệm vật chất như Lênin định nghĩa đã rất gần với khái niệm Tồn Tại của chúng ta. Rất gần thôi, chứ chưa phải là khái niệm Tồn Tại!
Vật chất được hiểu nôm na là có một cái gì đó cụ thể, cách hiểu như vậy cũng coi như tạm ổn và vật chất được hình dung dễ dàng. Nhưng phi vật chất lại khó hiểu hơn nhiều. Trước tiên, phi vật chất được hiểu như không có gì, chẳng hạn như khoảng rỗng tuếch của Vũ Trụ giữa các thiên thể là không có gì, do đó nó là phi vật chất. Rồi phi vật chất được hiểu thêm như là có một cái gì đó hiển hiện mà không có cấu trúc, không thể nắm bắt được, chẳng hạn như không gian với khả năng chứa đựng vật chất của nó và thời gian với khả năng làm cho vật chất biến đổi của nó…
Có thể lúc đầu, khái niệm vật chất và khái niệm phi vật chất chỉ mang những ý nghĩa hạn hẹp hợp lý và dễ hiểu vì phù hợp với nhận thức thời bấy giờ. Nhưng nhận thức của con người luôn có xu hướng ngày càng sâu rộng trước một hiện thực biến hóa “uyển chuyển” khôn lường, cho nên hai khái niệm ấy ngày càng được mở rộng ý nghĩa đến mức không còn gì phù hợp với nhận thức thực tại nữa và trở nên sai lạc, “ai muốn hiểu sao thì hiểu” và tha hồ mà ''luyến thoắng triết học'', nhưng chẳng ai...hiểu đúng về nó cả. Thế mới lạ!
Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó sự phát triển của nhận thức cùng với tính “ì ạch”, “không theo kịp”, bảo thủ của khái niệm là nguyên nhân hết sức quan trọng làm cho nhận thức triết học của con người về hiện thực ở mọi thời đều mang nặng trăn trở hoang mang dẫn đến đòi hỏi phải nhận thức lại, thậm chí là từ đầu.
Tính hợp lý và đúng đắn, phù hợp với những buổi đầu tiên của khái niệm vật chất đã giúp cho con người nhận chân được rất nhiều điều từ hiện thực. Nhưng vô tình nó cũng chìa ra cái “lỗ hổng” phi vật chất đủ lớn cho cái gọi là “tinh thần”, không biết từ đâu đến (từ nhận thức chăng?!) chiếm lấy, trị vì. (Chúng ta cho rằng hiện lên trong nhận thức đầu tiên của con người là thế giới vạn vật, chỉ sau đó mới xuất hiện thêm thế giới thần linh, vì thần linh hay thượng đế không phải là những biểu tượng dễ dàng từ trực giác để mà nhận thức ngay được! Và nền văn minh đầu tiên của nhân loại có thể là ở đâu đó trong quá khứ, sâu xa hơn nhiều so với nhận định ngày nay).
Cũng từ đó mà hình thành và phát triển song song hai lối nhận thức tương phản nhau, hai trường phái chủ đạo trong triết học là duy vật và duy tâm. Triết học duy tâm cho rằng tinh thần là thứ có trước, làm xuất hiện và qui định thế giới vạn vật - hiện tượng. Triết học duy vật cho rằng thế giới này không có gì khác ngoài vật chất và vận động, thể hiện ra theo những qui luật vốn có của nó. Tinh thần có được là nhờ vật chất, là sự thể hiện của vật chất.
Hai trường phái triết học đó vừa học hỏi nhau vừa bài bác nhau, vừa cố tự biện minh đến… “sùi bọt mép” vừa đều thiếu thực chứng, cho nên cả hai đều có đúng có sai, vừa là cả hai mà cũng không phải cả hai và vì thế mà làm nảy sinh ra biết bao nhiêu quan niệm có khi thật đúng đắn, có khi thật kỳ dị; biết bao nhiêu phe phái triết học khoác cái vỏ trung dung mà thực ra là ngụy tạo, lắp ghép “đầu Ngô mình Sở”, làm cho xã hội đầy phè “đủ mọi thứ” triết học mà như chúng ta nói tếu là “triết học mắc bệnh béo phì”.
Chúng ta, rõ rồi, về mặt nhận thức tự nhiên, đứng về phía bất cứ học thuyết nào chủ trương duy nhiên, còn về mặt nhận thức xã hội, chúng ta ủng hộ tất cả những học thuyết hướng tới duy sinh, kể cả duy tâm lẫn duy vật, kể cả tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, miễn những học thuyết đó tôn trọng đại chúng, tỏ rõ được tình yêu thương con người và biết hành động một cách thiết thực để làm dịu đi những đau thương, khốn khổ trong xã hội loài người…
Ngày nay, khái niệm vật chất đã không thể mang vác nổi cái nội dung “nặng” như Vũ Trụ và “rộng đến cùng cực” (từ của Lê Nin) mà người ta đã cố tình chất chồng lên nó nữa. Có lẽ nên cho nó ra khỏi đời sống khoa học, gắn cho nó tấm huân chương ghi công rồi cho nó “về hưu” nghỉ ngơi, còn không thì cũng nên giải phóng nó khỏi những ý nghĩa “to tát” đi, phân nó ra thành hai cá thể là “vật”, “chất” và hiểu theo cái nghĩa thông thường nhất. Không những khái niệm vật chất mà nhiều khái niệm khác nữa cũng cần phải xem xét lại, cái nào sau thời gian dài phục vụ, đã quá “rệu rã” còn sử dụng được thì nên sửa chữa, tân trang “mông má” lại cho phù hợp với “thời cuộc”. Chẳng hạn như khái niệm vận động, trái với khái niệm vật chất, vẫn còn giữ nguyên cái nghĩa thời “trung cổ”, quá lạc hậu rồi, muốn sử dụng nữa, phải gán cho nó cái nghĩa là chuyển hóa (chuyển động, biến hóa, cảm ứng…). Ý kiến của chúng ta là thế, nhưng nếu mọi người không đồng ý thì… thôi. Nhận thức vẫn đi theo đúng đường của nó, không lựa chọn và Tự Nhiên Tồn Tại thì cứ vốn dĩ thế, không cần đến nhận thức. Ha, ha...ha!...
Phê phán khái niệm vật chất một cách mạnh miệng như thế ắt phải có lý do chứ? Tất nhiên, nhiều nữa là khác!
Triết học duy vật nói rằng trong Vũ Trụ, không có gì khác ngoài vật chất và vận động vật chất. Thế thì quan niệm như thế nào về một khoảng thể tích rỗng tuếch trong cái rỗng tuếch của không gian? Nếu cho nó là vật chất thì nó phải vận động, và theo Lênin là phải cảm giác được. Có quan sát và cảm giác được khoảng rỗng tuếch đó không? Đến nay con người dù có thể vẫn chưa cảm giác được, nhưng hình như đã quan sát được sự vận động “ở đó” cái gọi là "thăng giáng lượng tử".
Trong tác phẩm "Cuộc chiến lỗ đen" (The black hole war) Của tác giả Leonard Susskind (NXB Trẻ - 2010) có viết: "Khi một hệ bị thất thoát năng lượng nhiều nhất có thể (tức là khi có nhiệt độ là O độ tuyệt đối), thì các nhà vật lý nói rằng hệ "ở trạng thái cơ bản". Chuyển động thăng giáng còn dư trong trạng thái cơ bản thường được gọi là "chuyển động điểm zêrô", song nhà vật lý Brian Greene đã đặt cho nó cái tên bình dân và gợi tả hơn nhiều. Ông gọi đó là "những thăng giáng lượng tử".
Vị trí của các hạt không phải là thứ thăng giáng duy nhất. Theo cơ học lượng tử, mọi thứ có thể thăng giáng đều thăng giáng cả. Một ví dụ khác là điện trường và từ trường trong không gian trống rỗng. Điện trường và từ trường dao động xung quanh chúng ta, choán đầy không gian dưới dạng sóng ánh sáng. Ngay cả trong một phòng tối, trường điện từ cũng dao động dưới dạng sóng hồng ngoại, vi sóng và sóng vô tuyến. Nhưng tình hình sẽ như thế nào nếu ta làm tối căn phòng đến mức tối đa mà khoa học cho phép, tức là bằng cách loại bỏ tất cả các photon (hạt ánh sáng - NV)? khi đó điện trường và từ trường vẫn tạo ra những thăng giáng lượng tử. Như vậy, không gian "trống rỗng" vẫn là một môi trường dao động và thăng giáng dữ dội mà không bao giờ yên tĩnh cả."
 Tóm lại, theo vật lý học, vì không gian vận động nên chúng ta tạm cho nó là vật chất. Nhưng trong thực tiễn, khó lòng mà cho nó là vật chất được, vì hầu như(!) không cảm giác được. Vậy thì hoặc nó là phi vật chất, hoặc định nghĩa của Lênin về vật chất chưa xác đáng. Mà phi vật chất thì có vận động không? Chắc là không vì không thể quan niệm được không có gì, Hư Vô lại vận động lung tung (!?). Nếu thế thì có thể gọi thể tích không gian đó là hư vô được không, vì theo chúng ta quan niệm, một hư vô thì vẫn là một cái gì đó, vẫn có một cái gì đó, chứ hoàn toàn không phải Hư Vô? Đây chính là điểm nhạy cảm của triết học Duy Vật và cũng là của triết lý Phật Giáo. Và cả hai học thuyết, không hẹn mà đồng thanh: Không gian trống rỗng là...trống rỗng nhưng không phải Hư Vô! Thế nó là gì? Triết học Duy Vật coi không gian là đặc tính cơ bản của vật chất (đặc tính vật chất nằm ngoài vật chất?!), gán cho nó cái chức năng có yếu tố vật chất để tránh Hư Vô. Phật giáo thì đồng ý không gian là trống rỗng nhưng… không phải là không có gì và để tránh Hư Vô, Phật Giáo cho rằng không thể bàn luận được vấn đề này vì nó đã vượt qua mọi khái niệm, chỉ có tu tập mới “giác ngộ” được mà thôi(!!!). Nói chung là bế tắc. Nhưng thà bế tắc còn hơn là sụp đổ! Và may thay, nhờ vật lý học mà triết học Duy Vật đã vượt thoát được điểm yếu ấy và quan niệm trên của Phật Giáo cũng được chứng thực rực rỡ. Không gian theo vật lý học là có thể co giãn được và vì không gian cũng vận động nên có thể coi nó là một dạng vật chất đặc biệt. Cũng theo vật lý học thì không gian trống rỗng không phải là thực sự trống rỗng mà cũng đầy lượng tử thăng giáng liên tục. Nhưng vật chất “lồng” vào cái không gian vật chất ấy bằng cách nào? Rốt cuộc, chúng ta cho rằng, không thể quan niệm thế giới này theo duy vật hoặc theo duy tâm, mà phải quan niệm theo duy tồn tại. Có thế mới đủ khả năng giải thích mọi chuyện về mặt triết học.
Chưa hết, còn rất nhiều cái phi vật chất đe dọa triết học Duy Vật. Chẳng hạn tiếng chó tru, lời người nói có phải phi vật chất không? Tâm trạng buồn vui, hạnh phúc, khổ đau của con người có phải phi vật chất không? Thể xác chắc chắn là vật chất, nhưng linh hồn có phải là vật chất không?
Dựa trên quan niệm của triết học Duy Vật về Tự Nhiên và theo khái niệm vật chất mà nó đưa ra như đã nói ở trên để trả lời những câu hỏi đó là không dễ dàng gì, thậm chí là bất khả. Còn nếu cho rằng trong Vũ Trụ có cả những ''thứ khác'' ngoài vật chất nữa thì lại phải hướng tới sự ''có mặt'' của...thần thánh!
Nếu thừa nhận có phi vật chất tồn tại bên cạnh vật chất thì triết học Duy Vật, vì không bao giờ chấp nhận có Thượng Đế, phải gộp phi vật chất vào vật chất để đưa ra một khái niệm mới tổng quát hơn, thực chất hơn thay cho khái niệm vật chất.
Suy ra từ khái niệm vật chất thì con voi là một bộ phận của vật chất, hay gọi giản đơn là vật chất. Nếu con voi là vật chất thì cái bên trong nó, cái lục phủ, ngũ tạng, xương máu của nó có phải là vật chất không? Không thể không đồng ý chúng cũng là vật chất. Mà đã là vật chất thì phải vận động, như vậy nội tại con voi là “các loại” vật chất và vận động. Vì con voi là vật chất nên chúng ta có thể nói vật chất được tạo bởi vật chất và vận động vật chất. Nói như thế thì “khó xử” quá! Hay cần phải cho rằng các vật chất trong nội tại con voi vì không phải là con voi nên để phân biệt, có thể gọi chúng là những tiền vật chất con voi của vật chất con voi. Nhưng tiền vật chất con voi thì vẫn cứ phải là vật chất chứ là cái gì, không lẽ là phi vật chất? Cũng tương tự, không thể quan niệm được tiền vật chất của cái tiền vật chất lại không phải là vật chất.
Cấu tạo  hợp thành nên vật chất là vật chất và vận động là câu nói “phi phàm” nhất làm chúng ta phải bật cười… ngao ngán, và chợt nhớ đến một câu chuyện của ngàn xưa (từ thế kỷ II tr CN):
“Bấy giờ, Vua Dĩ Lan Da (Menandre) hỏi Na Tiên (Nagasena):
- Bạch thượng tọa, tên Ngài là chi?
Na Tiên đáp:
- Người ta gọi bần tăng là Na Tiên, cha mẹ đã cho bần tăng cái tên Na Tiên. Có khi cha mẹ đặt tên cho tôi là Na Tiên, hay là Duy Tiên, hay là Thư La Tiên, hay là Duy Gia Tiên. Cứ như thể là mọi người biết tôi. Đấy chẳng qua chỉ là những “tên tự” các người mang ở thế gian này.
Nhà vua hỏi Na Tiên:
- Na Tiên là ai? Cái đầu có phải Na Tiên không?
- Không phải cái đầu là Na Tiên.
- Mắt, tai, mũi, mồm có phải là Na Tiên không? Cái cổ, cằm, gáy, vai, cánh tay, chân, bàn tay có phải là Na Tiên?
- Không phải là Na Tiên.
- Dạ dày có phải là Na Tiên?
- Không phải là Na Tiên
- Nhan sắc có phải là Na Tiên?
- Không phải.
- Khổ và lạc, thiện và ác, thân, tâm, ngũ uẩn, hợp lại có phải là Na Tiên không?
- Chúng không phải là Na Tiên.
- Giả sử không có nhan sắc ngoại diện; không có khổ và lạc, thiện và ác, thân tâm thì cũng không có ngũ uẩn, vậy có phải là Na Tiên không?
- Không phải Na Tiên.
- Na Tiên là cái gì?
Na Tiên bèn hỏi lại nhà vua rằng:
- Nay có cái người gọi là cái xe. Cái xe là gì? Gọng có phải là xe không?
- Không phải.
- Cây cốt có phải là xe không?
- Không phải.
- Vành bánh có phải là xe không?
- Không phải.
- Tay hoa (nan hoa) có phải là xe không?
- Không phải.
- Càng xe có phải là xe không?
- Không phải.
- Bệ gác chân có phải là xe không?
- Không phải.
- Trụ tán xe có phải là xe không?
- Không phải.
- Những bộ phận ấy có phải là xe không?
- Không phải.
- Giả sử người ta không lắp lại những bộ phận ấy có phải là xe không?
- Không phải.
- Tiếng khua động có phải là xe không?
- Không phải.
- Vậy thì cái gì là xe?
Nhà vua im lặng không trả lời được. Na Tiên bèn nói:
- Trong Kinh Phật giảng rằng:
Cũng như hợp các món kia lại đặng làm thành một cái mà người ta có được cái xe; thì sự hợp lại một cái đầu, một cái mặt, hai mắt, hai tai, một mũi, một mồm, một cổ, một gáy, hai vai, hai cánh tay, sườn, thịt, tay, chân, gan, phổi, tim, lá lách, mạch máu, ruột, dạ dày, ngoại diện, tiếng nói, hơi thở, khổ lạc, thiện ác, đấy là cái người ta gọi là một người, một hữu thể”.
Na Tiên không thể được tạo nên từ những Na Tiên, cái xe không thể được tạo nên từ những cái xe. Đó cũng là điều mà chúng ta muốn nói: vật chất không thể được tạo nên từ vật chất và vận động được. Nhưng nếu chúng ta bỏ chữ “vật” đi, chỉ còn chữ “chất” thôi thì vấn đề trở nên dễ hiểu và tự nhiên hơn nhiều. Chất A “hòa trộn” hay phản ứng với chất B sẽ tạo nên chất C, trong hóa học thường thấy như vậy.
Các chất A, B, C có cội nguồn là vật chất nhưng không phải vật chất; mọi tồn tại đều có gốc gác từ Tồn Tại, nhưng không phải là Tồn Tại. Hiểu như vậy có hợp lý không? Thật là điên cái đầu!
Ôi, sự lầm lạc vô bờ và sự đại ngộ sao “gần gũi” nhau đến thế nhỉ?!
Thôi chúng ta hãy để cho các nhà vật lý, những người “trực diện” với vật chất nhiều hơn chúng ta, nói về nó:

Eddington nói:
“Khái niệm của chúng ta về vật chất chỉ sống động chừng nào chúng ta chưa đối mặt với nó. Khái niệm này bị mất đi khi chúng ta phân tích nó. Chúng ta có thể vứt bỏ đi rất nhiều thuộc tính được giả thiết kia – chúng hiển nhiên là phóng tác của các cảm nhận của tri giác về thế giới bên ngoài”.

A. Einstein nói:
“Chúng ta dự đoán vật chất như là cái gì đó không thể được tạo ra, cũng không thể bị hủy diệt”.
“Vậy là chúng ta có thể nhìn nhận vật chất được tạo thành bởi các vùng trong không gian, trong đó trường cực kỳ mạnh… Trong thể loại vật lý mới này, không thể có sự tồn tại cùng một lúc cho trường và vật chất, bởi vì trường là thực tại duy nhất”
.

W. Heisenberg nói:
“Các hạt cơ bản… tự chúng không được hình thành từ vật chất, tuy nhiên, chúng là dạng duy nhất có thể có của vật chất. Năng lượng trở thành vật chất dưới dạng hạt cơ bản và biểu hiện dưới dạng này”.

S. Aurobino nói:
“Vật chất thì không thật và không tồn tại… Khi khoa học khám phá ra rằng vật chất nằm dưới các dạng năng lượng thì khoa học đã nắm được một chân lý phổ biến và cơ bản”.

Sự tồn tại của khái niệm vật chất đã ở vào “tình thế hiểm nghèo” như thế đấy. Một điều nhận thấy rõ ràng là Cơ Học Lượng Tử đã từ lâu, loại bỏ khái niệm vật chất ra khỏi những lập luận lý thuyết của nó. Hình như ở thế giới vi mô, khái niệm vật chất bỗng trở nên hơi bị thừa…
***


Chúng ta đã ngấu nghiến sách vở, soi mói tư liệu, nghe ngóng ý kiến của mọi phương chiều và thấy rằng chỉ có một sự nhất trí cao độ là không có hư vô, còn thì… không biết nói sao cho phải. Chúng ta càng cố tò mò muốn biết được mọi điều để cho lòng trở thành hồn nhiên như Hoàng Tử Bé thì lại càng rối như tơ vò. Nhìn cái khoảng không bao la và tĩnh lặng, “chỉ có nghiêm nghị và nghiêm nghị mà thôi” kia, trong chúng ta đầy ắp những hoang mang gào thét, rên rỉ, thốt ra những lời toàn là “chỉ có hoài nghi và hoài nghi mà thôi”
Cần phải làm một chuyến du hành đến tận khoảng không gian rỗng rang đó để “tai nghe mắt thấy”, để "tắm mình” trong đó, may ra mới dịu đi nỗi hoài nghi đang hình thành dữ dội trong tâm can.
Chúng ta sẽ tới đó một mình, không rủ ai theo, không cần bất cứ phương tiện gì để tránh đi những ảnh hưởng không cần thiết mà còn tai hại của “bụi trần” lên sự quan sát “tại thực địa” của mình. Việc du hành thực ra không khó khăn gì mấy vì chúng ta đã có đôi cánh kỳ diệu (hay kỳ quặc?) của sự hoang tưởng. Đó là thiết bị bay tối tân nhất, tinh xảo nhất với vận tốc lớn đến độ vận tốc ánh sáng chẳng nhằm nhò gì, mà các nhà vật lý thiên văn có “thèm khát” đến mấy cũng không thể có được vì loài người vĩnh viễn không bao giờ chế tạo được. Xin nói thêm cho rõ để khỏi bị mấy tay ăn trộm dòm ngó: đôi cánh ấy có chất liệu từ tinh thần nên không thấy nó được; chỉ có vài kẻ trong số những kẻ hoang tưởng mới cảm được nó nhưng cũng chỉ sử dụng được nó vài lần trong đời khi sự hoang tưởng kịch phát đến trạng thái cỡ… tột độ! Chúng ta là những kẻ may mắn ở trong số ấy, nhưng vì chỉ có thể là như vừa nói nên hầu hết các chặng hành trình, chúng ta vẫn cứ phải cuốc bộ!
Bây giờ thì chúng ta đã đến nơi rồi, ở ngay trung tâm của cái rỗng tuếch, không có bất cứ một hiện hữu nào (quên chúng ta đi!), không có ánh sáng, không có trường điện từ, không có trường hấp dẫn, im ắng tuyệt đối, đen tối tuyệt đối; tất cả là sự bất động tuyệt đối (quên sự biến đổi nội tại của chúng ta đi!). Chúng ta “biết” gì về cái rỗng tuếch ấy?
Từ những “kinh nghiệm” đã tích lũy được trước khi du hành, chúng ta biết rằng nó là một tồn tại chứ không phải Hư Vô. Nó là tồn tại vì có chúng ta và thể hiện trước chúng ta. Nó thể hiện ra bằng sự im lặng tuyệt đối, bằng sự đen tối tuyệt đối, bằng sự bất động tuyệt đối. Sự thể hiện đặc thù ấy làm chúng ta ngạc nhiên và thích thú (hoảng sợ đến "vãi đái" thì đúng hơn!) vì trước đó chưa từng được ở trong một cảnh giới nào giống thế. Và nếu chúng ta đung đưa nhè nhẹ cánh tay thì ngay lập tức chúng ta cảm nhận ra ngay hai thứ nữa vô cùng quen thuộc là không gian và thời gian. Đến ngay cả sự rỗng tuếch cũng là một sự thể hiện! Rõ ràng là chúng ta đã phân biệt được nó với thế giới thường nhật mà chúng ta vừa rời bỏ để thực hiện cuộc hành trình.
Đồng ý là có những sự thể hiện, nhưng chưa đủ điều kiện để gọi nó là Tồn Tại vì như chúng ta đã “phán” rằng Tồn Tại là phải vận động, hay chíng xác hơn: Tồn Tại chính là vận động, và chỉ có vận động, chuyển hóa mới có khả năng làm nên sự thể hiện. Ở đây sự thể hiện là có nhưng sự vận động thì chẳng “thấy” đâu cả! Có lẽ tại chúng ta là "người trần mắt thịt"!
Vì là người theo "phe" duy tồn nhưng trên thế giới triết học duy tồn (mới manh nha!) chưa được sinh ra, nhưng quan niệm về thế giới của nó rất gần với triết học duy vật, nên chúng ta tạm theo “phe” duy vật. Do đó, chúng ta vắt óc suy nghĩ để bênh vực bằng được cho phe duy vật, và rồi chúng ta “phán” (lại phán!): tồn tại mà không vận động chỉ có thể là Hư Vô, nhưng một Hư Vô mà lại thể hiện được thì đó là thứ hư vô thể hiện sự tồn tại, “có tính tồn tại”, và chúng ta đặt tên cho nó là “hư vô tương đối” để phân biệt với Hư Vô (tuyệt đối vì tuyệt đối không thể hiện bất cứ điều gì, cả sự im lặng, cả sự rỗng tuếch, cả sự… nghiêm nghị).
Chúng ta xoa tay vì đã thỏa được một “đống tò mò”, nhẹ cả người. Chúng ta vui mừng quay trở về và có phần hơi “kênh kênh”vì nghĩ rằng đã có công lao bảo vệ được phe duy vật.
Sự mừng vui và kiêu ngạo tồn tại trong chúng ta không lâu. Khi về đến “trần tục”, chúng ta bỗng chột dạ: Có chúng ta ở đó thì nó thể hiện ra như thế nhưng khi không có chúng ta ở đó thì nó có là như thế nữa không, cái rỗng tuếch ấy?
Với đầy ấm ức, chúng ta lại ngỏng cổ lên, “đay nghiến” nhìn chằm chặp về phía nó. Khoảng rỗng rang vẫn còn ngự trị ở đó, vẫn hiện hữu một cách đen ngòm trước mắt chúng ta. Nhưng chí ít, đã thể hiện được sự đen ngòm ấy, thì cái khoảng rỗng tuếch ấy vẫn phải là Tồn Tại, tồn tại như một… hư vô. Nhưng thời gian có còn ở đó không? Khi chúng ta ở đó và lúc lắc cánh tay thì chúng ta cảm nhận có thời gian. Khi chúng ta đi rồi thì cũng chẳng còn cánh tay lúc lắc nữa, thời gian có bỏ “xứ đó” mà đi theo chúng ta không? Nếu chúng ta đi rồi mà ở đó bất động hoàn toàn thì không thể còn thời gian được. Hay vẫn còn thời gian dù bất động? Mà sự bất động hoàn toàn thì cần đến thời gian làm gì nhỉ?
Chúng ta lại chằm chằm nhìn về nó như thôi miên và… tất cả bỗng bừng sáng!
Cái đen kịt tuyệt đối của khoảng không gian rỗng tuếch mà chúng ta gọi là hư vô tương đối ấy bừng sáng trước mắt chúng ta. Khi chúng ta mở rộng tầm nhìn ra để vừa thấy nó vừa bao quát được xung quanh. Hơn cả mặt trời khi nhật thực toàn phần, nó bừng lên đậm đặc, chắc nịch, phô diễn cái màu đen tuyệt đối đến bóng loáng và không một chút tỳ vết. Không biết nên tả thế nào cho đúng nữa. Sau này, có lần chúng ta kể cho một nhà vật lý thiên văn nghe về cái khối đen tuyệt đối mà bóng loáng hơn cả mặt trời lúc không bị mặt trăng che khuất ấy, ông ta đã phá lên cười sặc sụa:
- Lũ các ông không phải là điên rồ thì cũng là những kẻ bịa đặt trắng trợn. Đối với ai thôi chứ với tôi thì đừng có giở trò bịp bợm… Đen tuyệt đối may ra chỉ có thể là Lỗ Đen và vì quá đen nên khó mà thấy được; bóng loáng thì ít ra là phải như mặt trời và cứ phải sáng mãi như thế cho đến khi nó hóa thành “thằng Lùn Nâu” (sao Lùn Nâu là một loại sao trong thiên văn học). Làm gì có một thiên thể nào vừa đen kịt lại vừa sáng ngời?
Sau đó chúng ta gặp Hoàng Tử Bé (ở đâu nhỉ?) một cách tình cờ và có hỏi về điều này. Chàng ta cười tươi như một đóa hoa hồng:
- Ôi, các chú cũng thấy được điều đó à? Thật là tuyệt diệu khi cũng có người thấy được như cháu!... Cũng bình thường thôi mà. Vì bên trong nó không có gì cả nên chúng ta sẽ nhìn thấy nó đen nhất trong những cái đen. Bên trong không có gì cả là vì nó chẳng cho cái thế giới vận động một cách sôi nổi quanh nó xâm nhập vào. Mọi thứ, bức xạ điện từ, bức xạ hấp dẫn, các dòng ánh sáng, sao băng, sao chổi… “đổ dồn” đến gần nó để rồi lại bị “bật” ra, làm thành một lớp bên ngoài nó bóng loáng hơn mọi cái bóng loáng… Những ngôi sao sáng nhất đều lấp lánh!
- À, ra thế! Những người lớn bao giờ cũng chỉ nhìn thấy cái mũ phớt… Xin cảm ơn Hoàng Tử Bé!

***

Giật mình, ngó quanh! Hóa ra là một giấc mộng! Chúng ta đã chợp mắt, ngủ mơ một lúc mà không biết. Giấc mơ thật kỳ lạ và gây nhiều tiếc nuối.
Cứ giả sử rằng đó là hiện thực… Không! Không cần phải giả sử! Cảnh giới ấy chính là một hiện thực, hiện thực của giấc mộng và đòi hỏi chúng ta phải lý giải nghiêm túc. Một học thuyết triết học được cho là tuyệt đích khi và chỉ khi về mặt lý luận, nó giải quyết được tất cả, từ A tới Z những vấn đề Tự Nhiên Tồn Tại và ngay chính Tự Nhiên Tồn Tại một cách hồn nhiên nhất, giản dị nhất và… nên thơ nhất.
Hàng ngày, chúng ta vẫn thường thấy những bong bóng khí hiện hữu trong nước. Chúng ta quan niệm khí “chả là cái gì cả” so với nước, hoặc vì chính chúng ta cũng chẳng nhìn thấy không khí nếu nó không thể hiện như một bong bóng khí trong nước, nên có thể gọi nó là một hư vô, chính xác là hư vô tương đối. Bong bóng khí là một khối hư vô tương đối, chẳng “kiếm chác” được gì trong nội tại nó cả dù rằng "có"! Ấy vậy mà nước không thể xâm nhập vào nó được, ấy vậy mà nó long lanh. Cảnh giới này chẳng khác mấy so với cảnh giới trong giấc mộng vừa qua của chúng ta.
“Khảo sát” hiện tượng bong bóng khí trong nước, các nhà bác học (chứ không phải chúng ta!) khẳng định rằng cái hư vô trong nội tại bong bóng là hư vô vì chúng ta không quan sát thấy chứ thực ra là không Hư Vô (tuyệt đối). Trong đó vẫn tồn tại “đủ thứ” trường và hạt vận động, chuyển hóa nhau không ngừng, nghĩa là trong đó tồn tại một “lực lượng” đủ sức chống trả sự “xâm lược” của nước. Cái hư vô mà không phải Hư Vô ấy, hỏi ai cũng biết, đó là không khí. Không khí và nước nhìn bằng “mắt thịt” là hai chất khác nhau, nhưng nhìn kiểu “cơ học cổ điển” (quên trường đi!) thì cả hai chất đều gồm các điện tử và các nuclon, và không biết chừng nếu các điện tử cũng như pozitron là hai trạng thái tương phản của một hạt trung tính nào đó và các nuclon cũng do những hạt này tạo nên thì nước và không khí đều có cùng một “tổ tông” nhưng nước vẫn là nước và không khí vẫn là không khí, qua bao nhiêu đời rồi nên chúng chẳng bao giờ là họ hàng bà con với nhau cả. 
Tương tự, giới hữu sinh trên Trái Đất đều có cùng “tổ tông” nhưng không nhất thiết phải là bà con họ hàng gần với nhau. Người là người, khỉ là khỉ chứ không thể “thấy kẻ sang bắt quàng làm họ” được, có thể cùng tổ tông nhưng phải...bắn "tên lửa xuyên lục địa", may ra mới tới được!
Theo hướng giải quyết vấn đề nêu trên, cần phải khẳng định rằng cái khối hư vô mà chúng ta thấy trong giấc mộng phải là một lực lượng. Chỉ có điều lực lượng đó là gì thì cho đến nay chưa một người nào “thấy” được mà vẫn toàn là đoán già đoán non.
Dù chưa thể biết lực lượng ấy là gì nhưng chắc chắn là nó nhiều vô kể. Khi nhìn lên bầu trời đêm, nếu loại bỏ sự chiếm chỗ không đáng kể của vạn vật (các thiên thể) và giả sử bắt được chúng tạm ngừng bức xạ hấp dẫn, điện từ… (một giả thiết còn ngông cuồng hơn cả những cái đầu phiêu lưu nhất!) thì cái còn lại chính là lực lượng mà chúng ta đang nói tới. Cái còn lại ấy, dù là “còn lại” nhưng vô cùng lớn lao. Những thiên hà kỳ vĩ nhất mà con người đã quan sát được chỉ đáng như con cá nhỏ xíu so với đại dương. Nó đóng vai trò môi trường, nền tảng của Vũ Trụ, là mầm mống của tất cả các vật, các chất, là tổ tông của mọi tổ tông, vừa là “đực”, vừa là “cái”, vừa “đồng giới tính”, vừa không phải, vừa siêu thực và vừa… tầm phào!
Một lực lượng mà không thể hình dung ra được bất cứ cấu trúc nào của nó, không biết được xây dựng nên từ cái gì thì “món đó” rất hợp khẩu vị của triết học duy tâm và là “trái đắng” của triết học duy vật. Dùng vũ khí “vật chất” đã lỗi thời của triết học Duy Vật để bênh vực triết học Duy Vật quả là việc làm bất khả. Nội tại của một khúc gỗ là gỗ; gỗ là vật chất nên phải vận động. Nhưng gỗ vận động để làm nên gỗ hay vật chất vận động để làm nên vật chất thì… phí phạm quá! Tạo hóa không đến nỗi “ngu ngốc” như vậy. Tuy nhiên triết học duy tâm cũng không “gặm” được cái lực lượng hợp khẩu vị ấy. Lực lượng ấy nếu không phải là vật chất thì chỉ có thể là tinh thần (nếu không muốn nó là Hư Vô!), không thể hiểu được một tinh thần thiếu… thể xác trú ngụ, thụ động đề kháng và thường bất lực trước sự tấn công liên tục, ồ ạt của “lũ” vật chất vừa vô tri vừa “xấc xược”.
Đành “thú nhận trước bình minh” rằng lập trường duy vật của chúng ta trong “tình hình mới” này đã bắt đầu lung lay. Cần xem xét lại!
Triết học, với vai trò là lý luận nhận thức của con người về Tự Nhiên Tồn Tại, là một thể thống nhất, không tách rời được. Nó tồn tại và vận động tuân theo nguyên lý Tự Nhiên, nghĩa là tự phân định nội tại thành hai rồi từ đó thành nhiều mặt, bộ phận tương phản với nhau, làm tiền đề hiện hữu của nhau, chuyển hóa nhau và cùng nhau làm cho triết học đến một lúc nào đó trở nên… béo phì, đạt đến mức hoang mang tột độ của nó, để rồi lại tự giải quyết, tự chữa trị; trở về với cái dáng vẻ “thon thả”, “dễ nhìn” ban đầu của nó. Từ giản đơn đến phức tạp rồi trở thành hết mực trong sáng bình dị, đó là quá trình tiến triển không chỉ của riêng triết học. Dù sao đi nữa, đã tồn tại thì phải thống nhất, đã vận động thì phải phân định thành tương phản để chuyển hóa. Triết học không thể là ngoại lệ, nó luôn là một “thực thể” thống nhất của sự tương phản. Dù có lúc bị… béo phì; nhưng triết học luôn là vì sao long lanh của trí tuệ con người; là huyền thoại hay nhất của mọi huyền thoại; là “thiên cổ kỳ thư” của mọi “thiên cổ kỳ thư”.
Từ nay, chúng ta không “bênh vực” triết học duy vật một cách cực đoan nữa. Chúng ta theo duy vật nhưng không khước từ duy tâm. Hay để cho rõ ràng hơn, chúng ta “lớn tiếng”: chúng ta theo triết học Duy… Tồn Tại đến hết đời và khi sang “thế giới bên kia”, chúng ta sẽ vĩnh viễn theo triết học duy… hư vô!
Thế thì triết học duy tồn tại nói thế nào về lực lượng tưởng chừng như hư vô trên kia? Nó nói rằng: lực lượng đó là một tồn tại, cũng vận động và thể hiện “bình thường” như bất cứ một tồn tại nào khác. Chỉ vì năng lực quan sát quá kém cỏi mà con người chỉ “thấy được” mặt liên tục và “không có gì” của nó. Thực ra ở tầng sâu thẳm, sâu nhất của mọi cái sâu (tầng điện tử vẫn còn rất “nông”!) nó còn thể hiện ra như một thực thể có cấu trúc, mang tính gián đoạn. Để tránh từ “hư vô” gây ngộ nhận không cần thiết, triết học Duy Tồn (bớt chữ “Tại” đi cho... “nhẹ”!) gọi toàn thể lực lượng ấy là Không Gian (ký hiệu KG); gọi bộ phận của nó là Thể tích Không Gian hay Thể Tích (ký hiệu là V, không có thứ nguyên, để phân biệt với các chất khác, có thứ nguyên) và gọi đơn vị làm nên “chất” Không Gian và cũng làm nên cấu trúc của Không Gian, đơn vị được coi là nhỏ nhất của mọi đơn vị, đơn vị tuyệt đối của Vũ trụ, là Điểm Không Gian (ký hiệu là ). Không có bất cứ một lực lượng nào phân chia Điểm Không Gian được, ngoài chính Nó. Xét về mặt lực lượng, nếu toàn thể Vũ Trụ là I thì Nó là 101 (?), và:
I = 101 . 101 … 101 = 10N
(N là số tự nhiên lớn nhất trong mọi số tự nhiên, là số tự nhiên lớn tuyệt đối! Tuy nhiên N vẫn không thể vô hạn!!!)
Xét theo nghĩa đơn vị thì:
I = 101 . 101 … 101 = 10N = 11 . 11 … 11 = 1N = 1
(N không tồn tại, hay là N = 0: Tự Nhiên Tồn Tại không cần nhận thức, hay “ngoài” nhận thức! Không có nhận thức thì 1 + 1 + … +1 = N cũng chỉ là… vô nghĩa. Nhưng không có nhận thức, hay nhận thức đã “sang thế giới bên kia” thì Tự Nhiên Tồn Tại vẫn còn đó, duy nhất; vẫn là Cái Có không chẵn, không lẻ, không nguyên tố, không âm không dương, không biết là cái gì nhưng là tất cả, vừa chẳng có hồn vía gì vừa lung linh huyền diệu!).
Điều đó cũng nói lên rằng toán học là một tồn tại ảo vĩ đại của con người, do con người, bằng quan sát hiện thực khách quan và bằng tư duy trừu tượng vượt tầm của mình đã bắt chước và sáng tạo ra một thế giới đượm màu sắc huyền ảo chủ quan theo ngôn ngữ đặc thù của riêng mình. Bức tranh mô tả thực tại khách quan ấy đầy huyễn hoặc bởi vì nó được trộn lẫn giữa chân lý và sự hoang tưởng, giữa sự mách bảo chí lý thiên sứ và sự ngộ nhận linh ứng thiên tài!
***


Theo triết học duy tồn thì điểm KG lấp đầy Vũ Trụ. Các điểm KG liên kết chặt chẽ với nhau (đến nỗi Hư Vô phải “chào thua”, không “chen chân” vào được), làm nên lực lượng KG hữu hạn nhưng vô biên, liên tục mà gián đoạn, bền chặt đồng thời cũng lỏng lẻo. Lực lượng KG là đại dương dung túng vạn vật - chất - hiện tượng; ở tầng sâu vi mô, không gian là khối cấu trúc cứng hơn mọi khối kim cương (cứng tuyệt đối), vì vậy có thể gọi Nó là Mạng KG, hay cũng có thể gọi theo cách của Lão Tử: Lưới trời lồng lộng, tuy thưa (vạn vật tha hồ “bay nhảy” trong đó) nhưng không lọt (Hư Vô “đừng hòng” mà xuất hiện). Chất KG là chất gốc, chất nguyên thủy, chất làm nên mọi chất, mọi vật trong Vũ Trụ. Bằng cách nào đó, theo một cách chuyển hóa nào đó mà từ chất KG sẽ hình thành nên chất (hoặc những chất) mới khác nó. Từ sự kết hợp nào đó mà từ các đơn vị KG hình thành nên đơn vị (hay những đơn vị) có nội dung chất lớn hơn nó. Từ những chất mới, đơn vị mới lại hình thành nên những chất, đơn vị mới khác nữa và lớn hơn nữa. Và cứ thế mà cũng nhờ thế nên ở tầm quan sát của chúng ta mới xuất hiện vạn vật - chất - hiện tượng, mới có được những thiên thể khổng lồ, những vì sao lấp lánh tình tứ và những thiên hà lộng lẫy đến mức choáng ngợp. Như vậy, trong Vũ Trụ có rất nhiều chất khác nhau, mỗi chất là sự tập hợp, liên kết của nhiều đơn vị đặc trưng cho chất ấy mà chất KG và điểm KG được coi là nguồn cội, tổ tông (kiểu tổ tông tồn tại đồng thời với con cháu, hậu duệ xa lắc của mình?) của tất cả các chất khác, đơn vị khác.
Trên cơ sở nhận định đó, triết học duy tồn tiếp tục đưa ra những nhận định mới.
Do tính hữu hạn của số lượng điểm KG (nhưng ''khó'' đếm được, thậm chí là...không thể đếm!) mà sự hình thành nên đa dạng chất và dạng đơn vị chất cũng hữu hạn. Do đặc tính đó và với lý do đầy đủ mà quá trình hình thành nên các chất, đơn vị chất có tính mới, tính kế thừa, tính tương tự và từ đó mà cũng bộc lộ ra tính chu kỳ, có lớp có lang, phân biệt tương đối được…
Do tính vô biên của lực lượng KG mà đồng thời với những biểu hiện trên, việc hình thành nên các chất và đơn vị chất lại mang tính liên tục, phong phú, đa dạng và không thể phân biệt dứt khoát được giữa các chất với nhau và các đơn vị chất với nhau.
Ngược lại với quá trình hình thành là quá trình phân rã. Tất cả các chất và đơn vị chất được hình thành nên từ sự tích hợp của chất KG và điểm KG, do đó bất cứ chất nào và đơn vị chất nào, khi bị phân rã liên tục đến tận cùng cũng trở lại thành một bộ phận lực lượng KG và một tập hợp các điểm KG.
Tích hợp và phân rã là hai quá trình tương phản nhau, là tiền đề tồn tại của nhau nhưng đồng thời lại cũng không phân biệt được. Một quá trình đối với đối tượng này là tích hợp thì đối với đối tượng khác lại là phân rã. Để chính xác hơn, chúng ta nói rằng: tích hợp và phân rã là hai mặt của một quá trình thống nhất, cơ bản có tính “sống còn” đối với Vũ Trụ. Vũ Trụ không thể tồn tại được nêú không có quá trình này. Tự Nhiên Tồn Tại là Có, yêu cầu của Có tuyệt đối là phải thể hiện đến “chân tơ kẽ tóc”. Muốn thể hiện đến “chân tơ kẽ tóc” từ sự đồng nhất và bị khống chế bởi khả năng lặp lại của biến cố xác suất (tính hữu hạn của khả năng tích hợp) thì lực lượng KG phải chuyển hóa cũng đến tận “chân tơ kẽ tóc”, đến từng điểm KG. Quá trình chuyển hóa ấy chính là cái quá trình vĩ đại tích hợp và phân rã.
Có thể cho rằng quá trình vĩ đại nêu trên đã làm nên thêm cách phát biểu về nội dung nguyên lý Tự Nhiên Tồn Tại của nhận thức. Chúng ta thử phát biểu nó như sau:
Không Gian là vốn dĩ thế, không tự nhiên được sinh ra thêm và cũng không tự nhiên mà mất bớt đi, Nó chỉ có thể chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Mọi sự vật - hiện tượng (theo một nghĩa nào đó thì kể cả Vũ Trụ) đều là nguyên nhân và kết quả đối với nhau trong quá trình tạo dựng và phá hủy, chúng luôn luôn bị biến đổi và làm biến đổi lẫn nhau làm nên cái quá trình phải theo, vừa tương đối vừa tuyệt đối, vừa ép buộc vừa tự nhiên, của mọi tồn tại, mọi hiện thực, mọi hiện hữu: sinh ra, phát triển, suy tàn và tiêu vong; hay: xuất hiện, biến hóa (tăng - giảm), mất đi; (đối với con người là sinh, lớn, già, chết, và có lẽ đó là điều nên suy nghĩ tới nhiều nhất trên con đường mưu cầu danh lợi cho đời sống?!)
Đó là lời phát biểu mới về nguyên lý Tự Nhiên Tồn Tại. Vì phát biểu vụng về nên lại “na ná” như cách phát biểu thứ nhất mà có lần chúng ta đã từng. Cũng có thể không phải là vì vụng về mà vì điều này: chỉ có một nguyên lý tuyệt đối, một chân lý “bất di bất dịch” mà thôi, con người nhận thức muốn “đẻ ra” bao nhiêu nguyên lý cơ bản để gán cho Tự Nhiên Tồn Tại cũng được, tùy thích. Hay là đến một nguyên lý cũng không có nốt? Không thể! Vì Vũ Trụ là thống nhất. Thôi kệ, chúng ta theo triết học duy tồn. Triết học duy tồn, đến đây, cho rằng có hai nguyên lý cơ bản: trong thực tại khách quan, mọi thứ đều tồn tại và biến hóa tuân theo nguyên lý thứ nhất gọi là nguyên lý Tự Nhiên. Nội dung ngắn gọn và giản dị của nguyên lý này: Tồn Tại là thứ duy nhất có trên thế giới này và nó luôn được bảo toàn.
Thực ra chất cũng là một khái niệm tương đối để có cơ may, nhận thức được xác thực nhất đối với thế giới khách quan. Ở vật lý vi mô, khái niệm chất dần trở nên phù phiếm. Ở đó không ai gọi điện tử, và proton… là chất cả. Chúng ta đừng lệ thuộc quá nhiều vào khái niệm chất kẻo sẽ xảy ra nhiều bất cập không đáng có. Đối với khái niệm đơn vị chất cũng vậy. Một chất có thể được xây dựng nên từ nhiều đơn vị chất mà mỗi đơn vị chất lại có thể được coi như một chất khác. Chẳng hạn như khí oxy, trong “hoàn cảnh” nào đó, được gọi là một chất, nhưng ở hoàn cảnh khác, do tính “rời rạc” của các nguyên tố oxy mà cũng có thể gọi nó là một tập hợp của nguyên tố oxy, và còn có thể gọi là một môi trường, một thực thể và thậm chí là một vật. Khí quyển là hỗn hợp của nhiều chất khí như nitơ, hidrô, ôxy… Chúng ta gọi nó là một vật cũng được, môi trường cũng được (bầu khí quyển) nhưng cũng có thể gọi nó là một chất (chất khí). Nhưng đơn vị làm nên khí quyển cũng chính là những đơn vị của các chất khí nêu trên, những nguyên tố khí (phân tử khí), nhưng cũng có thể coi các thành phần khí (về mặt lượng) là những đơn vị làm nên nó.
Tương tự như vậy, nếu được coi là một chất mà đơn vị của nó là sự kết hợp của hai chất khác nhau là hidrô và ôxy (H2O), nhưng cũng có thể gọi nó là một thực thể, một môi trường. Ở nhiệt độ thấp nhất định, nước đóng thành băng. Thành phần của băng rõ ràng cũng là thành phần của nước nên người ta gọi băng là một trạng thái của nước nhưng cũng có thể gọi là một chất khác nước (vì thực ra băng cũng có những tính chất khác nước và thành phần của chúng không hoàn toàn giống nhau mà có sự khác nhau về thành phần gọi là nhiệt lượng). Băng rõ ràng còn có thể gọi là vật.
Nước đường là một hỗn hợp của chất nước và chất đường. Nó là một thực thể, một tập hợp chất và đồng thời cũng là chất lỏng.
Ngoài ra còn có những khái niệm nói về chất như đơn chất, hợp chất, tạp chất… Ôi thôi, chọc vào khái niệm là chọc vào tổ ong vò vẽ. Phải hết sức cảnh giác và tốt hơn cả là chỉ nên “ngắm” nó ở cự ly không quá “gần”.
Từ những lập luận “không thể cãi lại được” ấy, chúng ta giật mình thấy rằng sự phân chia vật chất đến tận cùng mà chúng ta từng tiến hành một cách “thuận lợi” trước đây quả thực là tùy tiện và giản đơn đến nực cười. Có lẽ nên nói thêm chút ít nữa về sự phân chia cho… vui.
Vật chất, vì nằm trong quá trình Chuyển hóa vĩ đại nên luôn luôn biến đổi. Sự biến đổi là kết quả của quá trình tương tác lẫn nhau giữa chúng ở tầng qui mô “thấy được” của chúng ta, đồng thời là kết quả của quá trình tích tụ và phân tán, hấp thụ và bức xạ ở tầng vi mô mà chúng ta không quan sát được. Mức độ biến đổi của vật chất tùy thuộc vào những nguyên nhân nhất định có thể nhanh, có thể chậm. Do đó trong thế giới cảm nhận đã được “trời ban cho”, của chúng ta, có một số vật, chất được cho là có tính ổn định, tồn tại tương đối lâu dài, đôi khi tưởng là vĩnh cửu. Tuy nhiên cần phải khẳng định rằng không có vật nào, chất nào lại không “già” đi theo thời gian, dù có thể là “rất thọ”.
Như thế, có thể nói rằng bản thân Vũ Trụ luôn có quá trình tự phân chia. Nhưng đồng thời với quá trình tự phân chia là quá trình tích hợp. Cho nên quá trình phân chia tự nhiên của Vũ Trụ là không triệt để vì không thể tách biệt được với quá trình tích hợp. Không thể làm ngưng được một cách tuyệt đối, một trong hai quá trình tự nhiên ấy của sự Chuyển hóa.
Nhưng một cách tương đối, mang tính qui ước và trong một phạm vi hạn chế, chúng ta nói rằng vật chất là có thể phân chia (chỉ có thể phân chia triệt để Vũ Trụ đã qua nhận thức, Vũ Trụ ảo hay còn có thể gọi là Vũ Trụ nhân tạo!!!). Việc phân chia ấy đương nhiên là phải “tùy cơ ứng biến” và phải “lượng sức”.
Giả sử có một đống sỏi. Chúng ta muốn phân chia nó ra thì làm cách nào? Dễ nhất là làm một phép toán! Nếu chúng ta muốn chia đều thì chỉ việc lấy đống sỏi ấy chia cho một số n bất kỳ nào đó (tùy vào sự lựa chọn ngông cuồng của chúng ta!). Chia như thế có thể hết hoặc không hết tùy qui ước của chúng ta đối với đống sỏi. Mặt khác khi “đem” đống sỏi ấy “vào” phép toán, chúng ta đã biến nó thành một tồn tại ảo. Chúng ta không “thích” cách chia này vì nó không phù hợp với “thực tiễn” và vì sau khi chia nó vẫn lù lù ở đó mà không bị chia ra tí nào. Chúng ta dùng cách chia vật lý hay đúng hơn là cách chia cơ giới: cân, đong, đo, đếm để khi chia xong thì đống sỏi đó sẽ không còn tồn tại nữa chứ đừng nói đến hiện hữu. Nhưng trước hết, thử hỏi nó là một vật hay một chất? Nó là một vật vì nó là một… đống. Nói như thế là đúng nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Phải nói rằng nó là một thực thể, một vật, một tập hợp các vật thể và cũng là một… chất. Ủa, tại sao lại cho đống sỏi là một chất được? Nếu có thể gọi khối khí nào đó là khối chất khí thì cũng có thể gọi được đống sỏi là một đống chất sỏi với những phần tử đơn vị tạo thành là viên sỏi. Ở một cảnh giới đặc thù nào đó, nhờ có tương tác hấp dẫn mà các viên sỏi sẽ liên kết được chặt chẽ với nhau và lúc đó tính “vật” của nó thể hiện rõ rệt. Những phân tử nước, không phải là nước nhưng làm nên nước; viên sỏi không phải là chất sỏi nhưng làm nên chất sỏi. Y như chuyện tiếu lâm, đáng cười quá, thật đấy!
Khi chia đống sỏi theo cách cơ giới, chúng ta “múc” ra từng phần định lượng tương đối, đổ gần đâu đó và chúng ta được các phần chia, tuy có thể không bằng nhau lắm nhưng số lượng viên sỏi trong mỗi lần bao giờ cũng nguyên. Nếu chúng ta tiếp tục chia các phần đó thành những phần nhỏ hơn nữa và cứ thế, chúng ta sẽ chia được đến tận cùng mà mỗi phần là đúng một viên sỏi. Đến đây việc phân chia đống sỏi được cho là hoàn thành nếu không muốn làm mất chất sỏi. Đống sỏi chấm dứt tồn tại, bị biến đổi thành “bãi sỏi”. Sự “suy tàn” và mất đi của đống sỏi cùng với sự tiêu hao và mất đi của “công chia” đã là nguyên nhân sinh ra sự tồn tại của bãi sỏi.
Việc chia đống sỏi thành những phần là những viên sỏi đã làm biến đổi vật nhưng chất vẫn chưa bị biến đổi. Có thể đập méo mó một thỏi sắt, dát mỏng nó thì vật sắt bị biến đổi chứ chất sắt thì vẫn còn đó, không biến đổi (tương đối thôi!).
Chúng ta có thể chia tiếp bãi sỏi đó bằng cách nghiền nát các viên sỏi. Giai đoạn phân chia này làm cho sỏi của bãi sỏi biến đổi thành chất khác tạm gọi là cát và bãi sỏi sẽ “hóa” thành bãi cát. Đến lượt sự suy tàn và mất đi của bãi sỏi cùng với sự tiêu hao và mất đi của “ công nghiền” đã làm phát sinh, phát triển và sự tồn tại của bãi cát cùng với một chất mới ra đời là cát mà những đơn vị làm nên cát là hạt cát.
Tiếp tục phân chia nữa cũng được thôi nhưng vì biết “lượng sức” mình, chúng ta không phân chia nữa!
Thí dụ trên cho chúng ta thấy rằng trong khi sự phân chia thuần túy toán học (mang đầy tính chủ quan tùy tiện) không làm cho vật và chất biến đổi thì sự phân chia vật lý luôn làm thay đổi vật và chất. Tuy vậy cả hai cách phân chia đều “tốn công sức” mà cách thứ hai tốn nhiều hơn.
Nếu có thể thực hiện được sự phân chia thì cũng có thể thực hiện được sự tập hợp. Về mặt toán học thuần túy thì chẳng khó khăn gì, chỉ cần làm phép toán ngược lại là xong. Nhưng về mặt vật lý thì việc thực hiện sẽ gặp khó khăn hơn, đôi khi là rất nhiều và thậm chí là bất khả.
Một cách tương đối, chúng ta có thể gom bãi sỏi lại thành đống sỏi, nhưng đó là đống sỏi mới, không phải đống sỏi ban đầu dù “rất giống” đi nữa. (một trong những trạng thái xác suất có thể có của đống sỏi). Chúng ta cứ cho rằng đã gặp may và đã gom được thành đống sỏi “y hệt” như ban đầu, nhưng chắc chắn, chúng ta không tài nào gom bãi cát thành đống sỏi được mà chỉ có thể là đống cát, trước tiên chúng ta phải phục hồi chất sỏi từ chất cát, tích hợp lại những phần tử có được từ sự nghiền các viên sỏi thành lại những viên cát. Có thể tạo dựng lại bình sứ cũ bằng cách gắn kết những mảnh vỡ của nó một cách đơn thuần được không? Vĩnh viễn không bao giờ! (Chúng ta có thể có được một cuộc đời thứ hai nữa không? Điều này chắc phải hỏi… Thượng Đế!)
Sự tổng hợp nếu có thể xảy ra “suông sẻ” thì không những không “thu hồi” được công sức bị tốn khi phân chia mà trái lại còn tốn thêm một công sức mới.
Thí dụ trên đã giúp chúng ta rút ra được một nhận định “cực kỳ”: phân chia và tổng hợp là hai quá trình trái ngược nhau, muốn thực hiện chúng đều phải tốn công sức và nếu coi chúng là những bộ phận của một chu trình thì chu trình đó là không thuận nghịch. Cho dù chu trình đó được thực hiện một cách toán học thuần túy thì cũng phải tốn công sức tính toán, suy nghĩ và… tưởng tượng.
Một nhận định rất có “hơi hám” của nguyên lý thứ hai nhiệt động học!
Nếu ai đó gàn bướng cố duy trì cái chu trình từ đống sỏi rải ra thành bãi sỏi rồi gom lại thành đống sỏi… cứ thế đến suốt đời một cách vô tích sự như vậy sẽ phải tốn rất nhiều công sức đến mức có thể “tán gia bại sản” thành “thân tàn ma dại”. Chúng ta bị hoang tưởng nhưng không phải là quá khờ khạo để làm chuyện ấy!
Phân chia và tổng hợp, xét ra cũng là phân rã và tích hợp. Phân rã và tích hợp là hai mặt của quá trình chuyển hóa vĩ đại và theo nhận thức thì là không ngừng đến vĩnh viễn (trong thời gian!). Như thế, một ý kiến “chọc gậy bánh xe” bật ra: quá trình vĩ đại ấy sẽ tiêu tốn một “lượng công sức” còn vĩ đại hơn đến vô tận. Lượng công sức ấy ở đâu ra mà “nhiều” đến thế và ai phải tốn công sức phi phàm ấy nếu không phải là Thượng Đế? Không, Thượng Đế không đủ sức. Phải là Tạo Hóa mới làm được điều đó và như vậy Tạo Hóa, xin lỗi đã phạm thượng, trở thành “anh chàng khờ khạo”. Chỉ có điều hoàn toàn bí hiểm là Tạo Hóa ở đâu và công sức của Tạo Hóa “tốn đi đâu” khi Vũ Trụ là không có ngoài?!
Triết học duy tồn trả lời ra sao trường hợp “hi hữu” này? Triết học duy tồn trả lời rằng: Vũ Trụ là vốn dĩ thế cho nên một cách tổng thể, Nó tự thân vận động. Vì vậy quá trình chuyển hóa (tích hợp và phân rã) cũng là quá trình tự thân. Quá trình tự thân vĩ đại đó là đồng thời của hai hành động tích hợp và phân rã. Tích hợp và phân rã tuy đều phải tiêu tốn công sức nhưng đồng thời cũng tích tụ và phân tán công sức. Tích tụ và phân tán công sức xét trên bình diện tổng thể là cân bằng với tiêu tốn công sức và lượng công sức toàn phần luôn luôn ổn định tuyệt đối, không thêm ra mà cũng không bớt đi. Nhìn ở góc độ khác, có thể nói quá trình chuyển hóa vĩ đại là một cuộc xoay vần vô tiền khoán hậu, gồm vô vàn những chu trình vừa tiêu tốn công sức vừa sản sinh ra công sức; xét về toàn bộ thì sự sản sinh công sức và tiêu tốn công sức luôn cân bằng nhau, không thêm không bớt làm cho cuộc xoay vần vô tiền khoán hậu ấy, xét về mặt nhiệt động học, luôn luôn thuận nghịch và “a lê hấp”, entrôpi của nó luôn bằng không (chỉ người ta dạy là nó không bằng không!).
Trong trường hợp ở phạm vi hẹp của chúng ta, quá trình phân chia và tổng hợp, vì là bộ phận của tổng thể cho nên dù có biểu hiện cá biệt nhưng tất yếu cũng phải tuân theo tổng thể, chỉ có điều chúng ta không nhận ra (chẳng hạn, bảo toàn Tồn Tại là nguyên lý phổ quát của Tự Nhiên, nhưng không phải trong bất cứ hiện thực nào cũng dễ dàng ''thấy'' nó, hoặc theo bất cứ nhận thức nào cũng suy ra được nó). Có thể cho rằng việc tiêu tốn công sức của chúng ta khi thực hiện phân chia đã được bãi sỏi “giữ” cho mặt đất (cho môi trường) và việc tiêu tốn công sức để thực hiện việc tổng hợp lại thành đống sỏi có một phần giữ cho mặt đất và một phần tích tụ trong đống sỏi (thế năng?). Tất cả những công sức tiêu tốn của chúng ta lại được môi trường bù đắp bằng sự ăn uống. Về mặt công sức, chúng ta mất rồi lại có, do đó không đi đâu mà… mất. Nhưng của đáng tội, ăn uống thì phải có… tiền. Nếu chúng ta làm điều vô ích, không ra tiền mà cứ ăn tiền thì như đã nói lúc nãy, chúng ta sẽ bị “khuynh gia bại sản” trở thành “thân tàn ma dại”; danh lợi không thành mà còn bị người đời chê là khờ khạo. Nhớ lấy điều này nhé, hỡi những người anh em!.
Nhưng công sức là gì, hả triết học duy tồn? Công sức là một chất, là một vật, là một loại đơn vị, là một lượng, muốn gọi thế nào cũng được, nhưng phải luôn nhớ rằng nó có gốc rễ từ Không Gian, Không Gian là tổ tông của nó, không thể khác được; và muốn hiểu cụ thể hơn, đi mà hỏi vật lý học! Có điều chúng ta biết chắc là công sức không phải là vật chất, tuy nhiên vì cũng thể hiện và được bảo toàn, nên nó là một tồn tại. Hỏi triết học duy tồn thì nó trả lời rằng cũng quan niệm như thế và vội vã bỏ đi mất dạng như bị ma đuổi. Có chuyện gì mà bỏ đi vội vội vàng vàng đến thế nhỉ?!
 
***


Nếu không có một nguyên nhân hoặc “vớ vẩn”, hoặc cao cả nào thì một sinh linh, nếu không bị điên rồ, thì chẳng bao giờ chịu hy sinh thân mình, vì hành động đó là dù có hợp Đạo Lý thì cũng trái với Đức Huyền Diệu.
Không thể có một tồn tại nào, một hiện hữu nào tự chấm dứt “cuộc đời” mình nếu không có nguyên nhân tác động từ bên ngoài. Sự phân rã phóng xạ tự nhiên cũng không thể nằm ngoài nhận định đó, dù rằng chúng ta tưởng đó là quá trình tự phát, có nguyên nhân từ bên trong. Có thể cho rằng phân rã phóng xạ là căn bệnh “ung thư” của các chất phóng xạ, là sự “trả giá” vì sự “ăn chơi vô độ” trong quá khứ của chúng không? Hay chúng chỉ là những “thành quả” của suốt một “thai kỳ” xa xưa, “thừa mứa” về áp suất, nhiệt độ và gì gì đó nữa, nhưng đến những thời kỳ tiếp theo, chúng đã không thể phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới, đành phải thích nghi bằng cách “hào phóng cho đi” và “uể oải nhận về”?
Cuối năm 1895, nhà bác học người Đức, W.Rơngen (W. Roentgen) đã phát hiện ra một tia kỳ lạ. Tia này tuy không nhìn thấy được nhưng có khả năng xuyên thấu mạnh. Nó có khả năng xuyên qua giấy, gỗ, cơ thể người và cả những tấm kim loại mỏng. Nó cũng có tác dụng như ánh sáng Mặt trời là khi chiếu các tấm kính ảnh thì làm cho các tấm này hóa đen.
 
Wilhelm Röntgen

Wilhelm Conrad Röntgen
Sinh 27 tháng 3 năm 1845
Lennep, Phổ
Mất 10 tháng 2, 1923 (77 tuổi)
Wilhelm Conrad Röntgen (27 tháng 3 năm 1845 – 10 tháng 2 năm 1923),
 sinh ra tại Lennep, Đức, là một nhà vật lý, giám đốc Viện vật lý ở Đại học
 Würzburg. Năm 1869, khi mới 25 tuổi, ông nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Zurich.
 Suốt các năm tiếp theo ông công tác tại nhiều trường đại học khác nhau và trở
 thành nhà khoa học xuất sắc. Năm 1888, ông được bổ nhiệm làm giáo sư vật lý 
và là giám đốc Viện Vật lý của Đại học Würzburg. Vào ngày 8 tháng 11 năm 1895,
 ông đã khám phá ra sự bức xạ điện từ, loại bức xạ không nhìn thấy có bước sóng 
dài mà ngày nay chúng ta được biết đến với cái tên tia x-quang hay tia Röntgen. 
Nhờ khám phá này ông trở nên rất nổi tiếng. Năm 1901 ông được nhận giải Nobel
 Vật lý lần đầu tiên trong lịch sử.
 
Tia kỳ lạ đó, lúc đầu vì chưa biết bản chất của nó nên người ta gọi là Tia X; sau này, người ta còn gọi nó là tia rơnghen, để kỷ niệm tên nhà bác học đã có công phát hiện ra.
Từ một vị trí nhất định trong chiếc ống thí nghiệm do Rơnghen chế tạo, đã phát hiện ra loại tia huyền bí, có tính xuyên thấu mạnh nói trên. Tuy nhiên, khi ống hoạt động, trên thành thủy tinh ở phía đối diện với vị trí đó còn xuất hiện một vệt sáng màu xanh nhạt. Cả Rơnghen và các nhà bác học khác đều chưa thể lý giải được nguyên nhân xuất hiện của hiện tượng này.
Đã từ lâu, các nhà bác học đã biết đến hiện tượng hùynh quang. Đó là hiện tượng phát sáng của một số chất khi bị ánh sáng Mặt trời chiếu vào. Nhà vật lý học người Pháp, H.Becơren (Henri  Becquerel) là một trong những người để tâm nghiên cứu hiện tượng đó.
Quan tâm tới thí nghiệm của Rơnghen, Becơren nhận định rằng hiện tượng xuất hiện vệt sáng màu xanh nhạt nói trên chắc chắn phải do một loại tia mới nào đó gây ra; và nếu đúng như vậy thì tất cả mọi chất phát sáng khác đều phải phát ra loại tia này, dù có thể là yếu, mạnh khác nhau.
Để xác minh tính đúng đắn của nhận định, Becơren đã đặt một chất huỳnh quang phát sáng rất mạnh dưới tác dụng của ánh sáng Mặt Trời, rồi đặt lên trên tấm kính ảnh đã bọc cẩn thận trong vài lớp giấy màu đen. Ý đồ của ông trong thí nghiệm này là muốn chứng minh rằng khi chất huỳnh quang được ánh sáng mạnh của Mặt trời chiếu vào thì không những nó phát ra ánh sáng nhìn thấy, mà còn phải phát ra tia rơnghen, xuyên qua các lớp giấy đen, tác dụng lên (hóa đen) kính ảnh; còn nếu không xuất hiện tia đó, vì ánh sáng nhìn thấy không thể thâm nhập được qua những lớp giấy đen bảo vệ và kính ảnh sẽ chẳng có dấu vết gì.
Chất huỳnh quang được Becơren chọn ngẫu nhiên (hú họa) là muối sunphát urani và kali.
Sau vài giờ thí nghiệm, Becơren tráng phim và thấy trên kính ảnh dấu vết của cục muối urani hiện lên rất rõ ràng. Giả thuyết của ông đã được chứng thực!.
Becơren làm lại thí nghiệm nhiều lần và hầu như chắc chắn điều mà ông dự đoán và đã chuẩn bị cho công bố phát kiến của mình. Nhưng vốn tính cẩn thận (thật là quí báu!), Becơren đã quyết định lập lại các chi tiết thí nghiệm lần cuối cùng.
 
Antoine Henri Becquerel

Antoine Becquerel, nhà vật lý người Pháp
Sinh 15 tháng 12 năm 1852
Paris, Pháp
Mất 25 tháng 8 năm 1908
Antoine Henri Becquerel là một nhà vật lý người Pháp,
 từng được giải Nobel và là một trong những người phát
 hiện ra hiện tượng phóng xạ
 
Thời tiết bỗng trở nên u ám, mây mù làm Mặt trời bị khuất ẩn liên tục mấy ngày liền. Gói giấy đen đựng kính ảnh với cục muối urani đặt bên trên, đành cứ nằm lại trong ngăn bàn, chờ đợi. Rốt cuộc, không đừng được nữa, Becơren thấy rằng dù sao thì cũng phải tráng tấm kính ảnh này.
Becơren đã hành động theo tiên tri hay do sự thúc giục của Thượng đế? Đến ngày nay đó vẫn là một bí ẩn! Có thế tin rằng việc làm đó của ông cũng là định mệnh của vật lý học; tạo điều kiện cho vật lý học tiến nhanh hơn đến cái đích cuối cùng của chứng nghiệm: nếu có Thượng đế thì Thượng đế chính là Tự Nhiên Tồn Tại!
Trên tấm kính ảnh đã được tráng, trước sự ngạc nhiên đến sững sờ của Becơren, hình cục muối urani hiện lên rất rõ nét, rõ nét còn hơn so với những lần thí nghiệm trước, mặc dầu không thể có bất cứ một sự phát huỳnh quang nào của muối urani trong ngăn bàn tối om, giữa những ngày ảm đạm ánh sáng ấy. Điều đó nói lên rằng muối sunphát urani, dù hoàn toàn ở trong bóng tối, không có bất cứ một chút ánh sáng Mặt Trời nào chiếu vào, vẫn phát ra những tia mắt thường không thấy được, có tính xuyên thấu mạnh, tương tự như tia rơnghen.
Hiện tượng mới mẻ đó, sau này được gọi là hiện tượng phóng xạ của tự nhiên được khám phá ngày 26 tháng 2 năm 1896. Như vậy ngày đó cũng có thể được coi như ngày khai sinh của vật lý học phóng xạ và là một trong những thời điểm xuất phát của vật lý học hiện đại.
Khám phá của Becơren đã lôi cuốn sự chú ý của các nhà khoa học toàn thế giới. Trong số những nhà bác học vật lý đi tiên phong trong việc nghiên cứu hiện tượng mới lạ chứa đầy bí ẩn này là cặp vợ chồng bác học Pie Quiri (Pierre Curie) và Mari Quiri (Marie Currie), Ecnet Rudơpho (Ernest Rutherford) …
Ngày nay, chúng ta hiểu rằng hiện tượng phóng xạ là hiện tượng hạt nhân tự phóng ra các hạt: anpha , bêta các bức xạ: gamma (v), rơnghen (X), bắt điện tử quĩ đạo, tự phân chia thành hai hạt nhân nhẹ hơn. Sau khi phân rã phóng xạ, hạt nhân biến thành một nhân khác, có các tính chất hóa học và vật lý khác với hạt nhân ban đầu. Các hạt nhân phóng xạ có thể là hạt nhân của các chất phóng xạ tự nhiên. Các hạt nhân phóng xạ nhân tạo được tạo thành nhờ các phản ứng hạt nhân. Các tia phóng xạ khi đi qua môi trường vật chất, có tác dụng ion hóa môi trường và bị hấp thụ bởi môi trường. Đối với thế giới hữu sinh, các tia đó ít nhất gây ra hiệu ứng sinh học mà ở một mức độ vượt quá cho phép, sự nhiễm xạ sẽ là cực kỳ nguy hiểm, gây nên đột biến dẫn đến quái thai, bệnh tật vô phương cứu chữa và cái chết đau thương tức tưởi cho con người.
Từ việc tìm hiểu và nghiên cứu hiện tượng phóng xạ, vật lý học phóng xạ đã có những phát hiện về thế giới vi mô, có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn đối với toàn thể loài người.
Khi chúng ta hỏi “công sức là gì?”, thì hầu như ai cũng cho rằng mình biết cái công sức ấy, rằng nó là nguồn động lực của vận động vật chất. Ấy vậy mà khi ngẫm nghĩ kỹ, thì thấy nó, tuy thể hiện như một lực lượng nhưng lại không phải là vật chất, không có bất cứ hìng dạng hay kích thước nào. Cứ như "ma"vậy, thật khó hiểu! Trong vật lý gọi nó là “công cơ học” và nếu “qui ra” thì được một lượng gọi là “năng lượng”. Như vậy chúng ta có thể nói khi làm cái việc phân chia vật, chất một cách “vô bổ” như đã làm, chúng ta lấy năng lượng đó ở đâu, nếu không phải là từ vật chất trong tự nhiên? Điều vô cùng kỳ lạ là nó có tính bảo toàn, tính tồn tại vốn dĩ, có vẻ được sinh ra từ vận động, nhưng lại là nguyên nhân tạo ra vận động. Ao ước ngàn đời của con người là khai thác được càng nhiều càng tốt năng lượng to lớn tàng chứa trong thiên nhiên để phục vụ cho mục đích của mình (chứ không phải cho cái việc phân chia vớ vẩn của chúng ta!)
Chính vật lý học phóng xạ đã chỉ ra: năng lượng tiềm ẩn trong tự nhiên là vô cùng to lớn, to lớn hơn rất nhiều so với những tưởng tượng trước đây; và con người có đủ khả năng, có đủ công sức vốn có của mình để khai thác, tàng trữ nó, dùng nó tạo dựng nên những điều phi thường.
Nhưng phi thường bao giờ cũng có hai hướng: một là cảnh giới vô cùng huy hoàng, sáng lạn, hai là sự tự hủy diệt một cách triệt để chính mình. Số phận loài người là theo hướng nào?
Chúng ta định “mượn” hiện tượng phóng xạ để nói đến vấn đề phân chia đang còn dang dở nhưng lại “chệch” sang những viễn cảnh “đau thương”. Hình như sự lo âu đã gắn kết một cách thâm căn cố đế từ những “kinh nghiệm tổ tông” ở mỗi con người chứ không riêng gì chúng ta!
Dù sao, chúng ta không nên nói thêm nữa về những điều buồn bã ở đây để cố sao “thoát được” chặng hành trình rất “khó xơi” này.
Để phục vụ cho việc tiếp tục “khảo cứu” sự phân chia, chúng ta không cần đến bom nhiệt hạch (còn gọi là bom khinh khí, bom H, nhiệt hạch là quá trình tổng hợp hạt nhân trong “vùng” những hạt nhân nhẹ) mà chỉ cần đến bom phân hạch (còn gọi là bom hạt nhân, bom nguyên tử, khi nổ xảy ra phản ứng dây chuyền trong thời gian cực ngắn) cũng đủ.
Việc “xoay sở” được một quả bom phân hạch không khó. Thứ bom này hiện nay có nhiều lắm rồi, hầu như đâu đâu trên Trái Đất này cũng tàng trữ; vì nhiều nên cũng khá "rẻ", thậm chí nếu khéo xin, người ta “biếu không” luôn!
Chúng ta mang quả bom phân hạch “dễ thương” đến một khoảng không gian xa xôi và cho nó nổ theo kiểu phân chia vật lý đến tận cùng (nghĩa là phân chia vật chất đến tận không thể phân chia được nữa thì thôi!). Bom phân hạch lúc này có lẽ nên gọi là bom… Không Gian! Nhưng chúng ta thấy gì?
Từ một sự tiêu tốn năng lượng ngoại lai không đáng kể lúc kích hoạt, bom phát nổ đến lũ chúng ta, bọn mưu đồ, cũng phải giật bắn mình, phân chia ra tứ phía các hạt không thể “nổ” hơn được nữa. Nổ không thể nổ hơn được nữa là như thế nào? Là phân chia vật chất đến tận cùng khả năng, đến các hạt đơn vị tuyệt đối của vật chất! Năng lượng khổng lồ mà nó giải phóng ra sẽ được các hạt đó mang theo. Nếu tại vị trí quả bom đứng ban đầu “không còn gì cả” thì phải cho rằng cả cái năng lượng ngoại lai ít ỏi cũng được các hạt mang đi nốt.
Các hạt không thể “nổ” được tiếp nữa ấy phải là các hạt (có thể gọi là điểm) KG, vì nếu không, nội tại của nó sau khi nổ phải là một tập hợp “hạt”, đơn vị tương đối nào đó "lớn hơn" hạt KG, vẫn còn khả năng phân chia và như thế nó phải tiếp tục nổ cho đến không có gì mà “nổ” nữa. Làm sao mà tưởng tượng một điểm KG mang năng lượng đây, khi mà Vũ Trụ được chúng ta cho rằng chỉ duy nhất là KG. Hơn nữa điểm KG là không thể di chuyển được vì bất cứ sự di chuyển dù không đáng kể của nó cũng có nguy cơ làm xuất hiện Hư Vô. Mà nó chuyển đi đâu được nếu nó là một nút của mạng KG bền chặt, ngoài ra không có gì khác? Theo như “quan sát” của chúng ta thì vụ nổ chí ít cũng lan truyền chấn động từ gần đến xa, ra tứ phía vì “xác” quả bom sau vụ nổ đã mất đi. Hay chúng ta đã ảo tưởng?
Chúng ta cần phải nhìn lại một cách chi tiết! Bom phân hạch nổ là hiện tượng phóng xạ mang tính dây chuyền, số lượng sự phân hạch tăng cực nhanh theo hàm mũ và không thể kìm chế. Đó là hành động tự phân chia, tự hủy hoại mình một cách mù quáng nhất của quả bom, từ sự tác động ngoại lai ban đầu “không đến nỗi nào” (gộp hai phần chất của quả bom thành một khối lượng vượt giới hạn).
Vì phải nổ theo “ý chí” của chúng ta nên trong trường hợp đang xét, quả bom sẽ phải nổ và bị phân chia đến tận những hạt KG hoặc bức xạ. Bức xạ là một thứ mà vật lý học đã xác định: “nửa nạc nửa mỡ”, vừa là sóng vừa là hạt (thể hiện bản tính nước đôi của Tổ Tông?). Để “dễ thấy”, nhìn ở mặt gián đoạn của thế giới, chúng ta cho nó là một hạt. Vật lý hiện đại gọi một bức xạ nào đó là một lượng tử. Lượng tử, vì không có khối lượng nghỉ đồng thời “hình như” không có cấu trúc bên trong nên “hình như” không thể coi nó là một vật, một chất mà tạm gọi là hạt vì cũng “hình như” nó có chứa một lượng năng lượng là h.ν (h là hằng số Planck, ν là tần số bức xạ lớn nhất). Sẽ phải có một loại lượng tử “nhỏ nhất” tuyệt đối không thể phân chia.
Đối với các hạt cơ bản, vì “còn” khối lượng nghỉ, vẫn còn “tính” vật chất nên chúng phải được phân chia tiếp tục. Chúng ta đoán rằng vì giới hạn phân chia của chúng chỉ có thể là đến điểm KG như đã trình bày, nên chắc rằng khả năng là sự phân chia cuối cùng của các hạt cơ bản sẽ dừng bước ở hạt đơn vị tuyệt đối của vật chất hoặc lượng tử nhỏ nhất. Nghĩa là khi cho nổ "triệt để" một quả bom phân hạch, thì "thứ còn lại" có thể là "xác" vật chất theo nguyên lý bảo toàn vật chất của vật lý học: Mc²=n.mc² (với M là khối lượng ban đầu của quả bom, m là khối lượng hạt KG, n là số hạt KG, c là vận tốc ánh sáng), hoặc là số lượng tử năng lượng theo nguyên lý bảo toàn năng lượng: Mc²=n.h.ν (với h là hằng số Planck, ν là tần số bức xạ lớn nhất, n là số hạt lượng tử).
Như thế, quả bom chúng ta phát nổ, tự phân chia, phân rã thành các “hạt” lượng tử. Có thể nói sự phân chia (phân rã) của quả bom triệt để đến hạt lượng tử “nhỏ nhất” là hết, không thể triệt để hơn được nữa.
Triết học duy tồn quan niệm sự phân chia Vũ Trụ (trong tưởng tượng) là có thể và đến tận điểm KG. Trong khi đó, “thí nghiệm nổ” cho thấy, cố gắng lắm thì cũng chỉ phân rã được đến lượng tử “nhỏ nhất” (khái niệm này, như sau này chúng ta thấy, rất chi là lạ lùng!).
Vì lượng tử “nhỏ nhất” là không thể phân chia được nữa nên đương nhiên nó phải là đơn vị năng lượng, tương tự như điểm KG là đơn vị của chất KG. Vì để kết quả của thí nghiệm nổ không “phản đối” quan niệm của triết học duy tồn về sự phân chia thì phải nhận định rằng đơn vị năng lượng cũng chính là điểm KG. nhận định như thế tưởng là “chính nghĩa” nhưng hóa ra lại rất “phản động”. Đơn vị năng lượng ở góc quan sát khác, được thấy như một bức xạ, mà bức xạ thì theo như vật lý học cũng như hiện tượng phát tán của vụ nổ mà chúng ta “vừa chứng giám” phải luôn “bay” điên cuồng với vận tốc cực đại trong Vũ Trụ (vận tốc ánh sáng). Trong khi đó, điểm KG lại bị triết học duy tồn “bắt” phải đứng yên tuyệt đối vì nếu không thế, chắc chắn sẽ xuất hiện Hư Vô.
Vậy, thực hư là sao nhỉ?! Phải chăng tất cả những hiện tượng di dời vị trí trong Vũ Trụ của vạt vật mà chúng ta đang thấy (từ sự xoáy, chuyển động của các thiên thể cho đến con người), kể cả sự tồn tại của chúng nữa, chỉ là sự giả hợp như Phật nói, thực chất chỉ là sự truyền dao động, truyền chuyển hóa trạng thái các hạt KG trong không gian, tương tự như truyền âm thanh trong vật chất?
 
Có một điều rất đáng chú ý : quả bom là một vật. Khi nói đến khái niệm vật thì chúng ta buộc phải hình dung ra vật đó phải do một lượng chất hoặc nhiều chất hợp thành. Nhưng khi quả bom nổ, phân rã đến tận cùng thì không những “vật” bom không còn gì mà các chất trong nó cũng biến đâu mất, chỉ “còn lại” là các đơn vị lượng tử bắn ra tứ phía. Có phải chất đã hóa thành những đơn vị lượng tử bức xạ không? Không thể không khẳng định được vì chẳng còn cách nào khác. Tuy vậy, việc “gom lại” những đơn vị năng lượng ấy để định tích hợp làm thành quả bom đứng yên như cũ là không thể vì dù có dùng bất cứ cách nào để thực hiện ý đồ đó đều làm cho các đơn vị năng lượng đó bằng 0 (do chúng không có khối lượng nghỉ!).

Điều đáng chú ý thứ hai là vạn vật đều do các chất tạo nên và đều có cái gọi là khối lượng. Khi vạn vật đứng yên thì khối lượng của chúng được gọi là khối lượng nghỉ. Nhưng sự đứng yên của vạn vật chỉ là tương đối nên khối lượng nghỉ cũng chỉ là tương đối. Một vật có thể là đang chuyển động đối với hệ quan sát này như đồng thời lại có thể là đứng yên so với hệ quan sát khác. Vậy thì vật đó đứng yên hay không đứng yên, khối lượng của nó là “nghỉ” hay không “nghỉ”? Có khối lượng nghỉ tuyệt đối không, hay nói cách khác: điểm KG có khối lượng không? Chỉ cần không có cái gọi là khối lượng nghỉ thôi thì nó đã phải “chạy” với vận tốc C rồi, nếu muốn tồn tại. Phải cho rằng nó có khối lượng. Nếu thế, theo công thức tính năng lượng toàn phần của Anhstanh (mc2) thì nó phải hàm chứa năng lượng! Điều này có đáng tin không, khi mà xác quyết của chúng ta là Vũ Trụ lấp đầy Không Gian và chỉ Không Gian thôi?
Đều đáng chú ý thứ ba là trong thế giới thường nhật của chúng ta, không thể có một vật, hay chất nào lại không hàm chứa năng lượng và không thấy năng lượng nào lại “tự do” ở ngoài vật và chất được. Thế nhưng trong thế giới vi mô lượng tử, vật lý hiện đại đã mô tả những điều rất khác lạ: tính “vật” của thực thể trở nên hết sức mờ nhạt, tính “chất” thì không hiện hữu (bị lãng quên?) và năng lượng tồn tại như những lượng độc lập tương đối, không bị “ràng buộc” bởi vật hay chất…
Điều đáng chú ý thứ tư là nếu có nhiều loại, nhiều dạng chất hoàn toàn độc lập nhau thì năng lượng cũng có nhiều loại, dạng năng lượng như: điện lượng, nhiệt lượng, cơ năng, động năng, thế năng…hoàn toàn độc lập nhau. Có thể gọi bầu khí quyển là trường chất ''chứa'' năng lượng, còn trường điện từ, trường hấp dẫn là trường gì; có thể cho là trường năng lượng ''chứa'' chất được không, hay chỉ là trường năng lượng?
Thật là vô cùng rối rắm, rối hơn cả mớ bòng bong và lòng ruột của chúng ta vì thế, cũng rối hơn cả tơ vò!
Như một cỗ xe tăng mù quáng nhất, chúng ta cứ xông tới, bỏ mặc chiến địa chưa ngã ngũ thắng thua ở sau lưng; như một tàu phá băng bạt mạng nhất, chúng ta cứ tiến lên không cần thấy băng tan; như những kẻ cưỡi ngựa xem hoa ơ thờ nhất, chúng ta ngao du mà không bận tâm đến cỏ vướng, gai chen vó ngựa và như những nhà thông thái viển vông nhưng lạc quan nhất, chúng ta vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào Không Gian, coi tất cả những bí ẩn, dù vĩ đại đến mấy cũng là sự biểu hiện này nọ của Không Gian mà chúng ta còn “mù tịt”, để “nhắm mắt” lướt qua, hướng về phía trước.
 ***
Chúng ta luôn “nằng nặc” cho rằng Vũ Trụ được lấp đầy bởi một chất, gọi là Không Gian. Nói như thế cũng có nghĩa KG là duy nhất ngự trị Vũ Trụ hay chính là Vũ Trụ, và cũng có thể nói: Vũ Trụ là một thực thể KG. Để ''tăng cường cảm giác'' cho rõ tính thực tại và sinh động của Không Gian, chúng ta mường tượng Không Gian là một lực lượng. Lực lượng Không Gian vừa liên tục vừa có cấu trúc gián đoạn gọi là mạng KG, mà mỗi nút mạng chính là hạt KG (hay điểm KG).
Vật chất KG là gì? Là... KG chứ là gì nữa! Quá dễ! Từ xưa tới giờ chưa ai gọi KG là một chất. Người ta gọi cái trống rỗng là KG. Giờ đây chúng ta quan niệm rằng cái trống rỗng cũng là một chất nên gọi luôn là chất KG.
Xét về mặt định lượng, một thực thể KG được tính như thể tích không gian trống rỗng. (Trước đây, ít ai biết được rằng trống rỗng không phải là Hư Vô vì ngay cả sự trống rỗng, Hư Vô cũng không thể thể hiện được), đó là:

                      
Thực vậy, nếu khối không gian là hình lập phương có cạnh là D, ta có một lực lượng KG là:
V = K . D3                   với K = 1  Với hình cầu,   ta có:
Với hình nón cụt, ta có:
         
với: là … (biết rồi!), h là chiều cao, R là bán kính đường tròn lớn, r là bán kính đường tròn nhỏ.
Nếu ta đặt : R2 = x2h2   ; r2 = y2h2 thì:
R2 + r2 + Rr = x2h2 + y2h2 + xyh2 = h2(x2 + y2 + xy)
            Và  

                                 
Qua việc tính toán lực lượng KG, chúng ta thấy rằng thành tố làm nên chất KG chính là khoảng cách.
Nhờ có Anhxtanh mà ngày nay chúng ta biết rằng vạn vật, xét về mặt lực lượng, chúng đều được biểu thị bởi một đại lượng gọi là năng lượng toàn phần. Năng lượng toàn phần được coi như “cột trụ kiên cường” của vạn vật, luôn tồn tại trong vạn vật. Nếu không có đại lượng này thì vạn vật không thể tồn tại được và không hiện hữu trước chúng ta đa dạng và phong phú được. Có thể nói, đây chính là biểu diễn vật lý của tồn tại!
Từ những điều đáng chú ý đã trình bày ở phần trên, chúng ta thấy: giữa vật hay chất và năng lượng có mối quan hệ rất đặc biệt. Vật hay chất luôn có vẻ như phụ thuộc vào năng lượng, còn năng lượng thì như một cô nàng đỏng đảnh, chẳng bao giờ thèm để ý đến vật hay chất. Vật, chất có xuất hiện hay không xuất hiện đối với nó, không có một chút mảy may quan trọng nào. Hơn thế nữa, ở tầng sâu vi mô, sự khác biệt giữa vật, chất với năng lượng là rất khó nhận ra. Một cái cây, nhìn ở tầng ấy, có thể sẽ rất giống với đám mây trắng giữa bầu trời xanh; hoặc như “đám mây Magienlăng” trong khoảng không bao la của Vũ Trụ. Nghĩa là vạn vật, chất, nhìn ở tầng ấy, sẽ chỉ như những vùng đặc - loãng, đậm - nhạt, khác nhau; hay nói rõ hơn là những vùng có “mật độ năng lượng” khác nhau.
Large.mc.arp.750pix.jpg Đám mây Magellan lớn (viết tắt tên tiếng Anh: LMC) là một
 thiên hà vô định hình lùn trong nhóm láng giềng (đôi khi được
coi là thiên hà vệ tinh) của Ngân Hà, là thiên hà lớn hơn trong
 nhóm hai thiên hà được đặt theo tên nhà thám hiểm hàng hải người
 Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan (1480-1521). Với khoảng cách
 chưa đến 160 nghìn năm ánh sáng, LMC là thiên hà thứ ba tính từ
 trung tâm Ngân Hà, sau Sag DEG và Canis Major; với khối lượng
gấp 10 tỷ lần khối lượng Mặt Trời của chúng ta và bán kính 7.000
 năm ánh sáng, LMC chỉ bằng 1/100 Ngân Hà về khối lượng nhưng
 bằng 1/8 nếu so về kích thước, đứng thứ tư trong nhóm địa phương.
Với cấp sao biểu kiến 0,9, LMC có thể quan sát thấy như một đám
mây mờ nhạt trên bầu trời đêm của thiên cầu nam, tối hơn một chút
 so với sao Ngưu Lang (0,77).
Chúng ta còn thấy là vạn vật và chất, dù có thể rất khác nhau về hình dạng, kích thước, màu sắc, trạng thái…; dù là đồng, sắt, chì, kẽm, đất đai, vàng bạc, châu báu, cái cây, con chó, con mèo, con người, đều có thể qui đổi thành năng lượng một cách giản đơn nếu biết khối lượng của chúng, theo một trong những biểu thức đẹp nhất của vật lý học:
E = M . C2
với: E là năng lượng tòan phần của một vật
       M là khối lượng của vật đó
       C là vận tốc cực đại trong Vũ Trụ (Bất biến)
Nhưng từ một lượng năng lượng xác định, thật là vô cùng khó khăn nếu không nói là không thể trong việc qui đổi ra một vật, với thành phần là đơn hay đa chất nào. Cùng có một giá trị về năng lượng toàn phần nhưng một vật có thể là rất lớn hoặc rất nhỏ, có thể có hình dạng này hay hình dạng khác, có thể ở trạng thái này hay trạng thái khác, có thể là (những) chất này hay (những) chất khác…
Vì vậy, có nhiều khả năng là năng lượng đóng vai trò tương tự như không gian, là một thứ gì đó mang tính chung, tính nguồn gốc, tính nền tảng cơ bản của tất cả các vật và chất. Nói cách khác, vật, chất chỉ là những thể hiện tương đối trong phạm vi quan sát nào đó của năng lượng và tất cả các dạng năng lượng cũng chỉ là những thể hiện tương đối của dạng năng lượng cơ sở duy nhất nào đó, được qui ước gọi tên là năng lượng cơ học và được xây dựng nên từ các lượng tử năng lượng.
Quan niệm của chúng ta là Vũ Trụ chỉ có Không Gian thôi; vạn vật hiện tượng chỉ là những thể hiện phong phú của Không Gian. Do đó nhận định vừa rút ra được ở trên buộc chúng ta phải đi đến ý niệm là giữa Không Gian và năng lượng có một mối tương đồng sâu sắc đến mức thứ này có thể qui đổi thành thứ kia hoặc năng lượng là một biểu hiện đặc thù, đầu tiên của Không Gian, một trạng thái của không gian, tương tự như băng là một trạng thái của nước, từ nước mà sinh ra và trở về với nước.
Chúng ta đã từng nói đến khái niệm “mật độ năng lượng”. Trong không gian Vũ Trụ mênh mông nếu có hai thiên thể có năng lượng toàn phần như nhau, thì chúng ta nói rằng thiên thể nào “nhỏ” hơn sẽ có mật độ năng lượng cao hơn, với quan niệm không gian Vũ Trụ là trống rỗng thì rõ ràng mật độ năng lượng của khoảng trống rỗng ấy phải bằng không. Nhưng theo quan niệm chúng ta thì khoảng trống rỗng ấy là một lực lượng thực sự, được cấu thành nên từ sự liên kết của nhiều điểm Không Gian, mà như chúng ta suy luận thì điểm KG phải hàm chứa một lượng năng lượng xác định (nó phải có khối lượng!). Nếu thế, mật độ năng lượng của một khoảng KG là bao nhiêu? Cụ thể hơn: mật độ năng lượng của điểm KG là bao nhiêu? Bằng một! Chính xác là như thế, vì thể tích của điểm KG là đơn vị thể tích nhỏ nhất (nếu quên chất KG đi thì đó là thể tích của một đơn vị hư vô tương đối) và năng lượng của nó không thể nhỏ hơn đơn vị được; chúng đều bằng một. Một năng lượng trên một thể tích, nghe tưởng cực tiểu hóa ra là cực đại!
Tương tự như cách tính mật độ năng lượng thì mật độ chất KG của điểm KG cũng phải cực đại. Mà đã cực đại thì phải phân chia được! Dù có thể bị “khai trừ” khỏi triết học duy tồn thì nhất quyết chúng ta cũng không tin điều này!
Mặt khác lượng tử xuất hiện từ sự “nổ bom” bị chúng ta qui định là nhỏ nhất nên nó phải bằng với lượng năng lượng của điểm KG. Lượng tử đó làm sao mà “bay” được trong lòng KG “đầy nhóc” lượng tử? Vấn đề nữa là chúng ta thấy được sự vật, những cái có mật độ năng lượng loãng hơn, thì sao chúng ta không thấy được điểm KG, được cho là có mật độ năng lượng “đặc” tuyệt đối?
Không tài nào hiểu nổi!… A, ha! Không tài nào hiểu nổi là phải rồi. Vì làm sao mà xác định nổi mật độ KG hay NL (viết tắt của năng lượng) trong một hư vô. Chúng ta đã cho rằng hư vô tương đối có nghĩa là không có gì (không quan sát được) là số 0, do đó:








Khi nói đến một thể tích thì nên hiểu là thể tích của cái gì đó chứ không phải là Hư Vô. Khi thể tích đó không có thứ nguyên thì có nghĩa đã qui ước rằng đó là một lượng KG. Vậy thì mật độ năng lượng phải được hiểu như năng lượng có trong một lượng KG nào đó. Ta có thể viết mật độ năng lượng của điểm KG là:





Đó là cách biểu diễn có thể chấp nhận được. Nó có vẻ rất phù hợp với quan sát và nhận thức của chúng ta về thực tại. Nhưng ở tầng cuối cùng của sự phân chia, nó cũng thể hiện ra những mâu thuẫn hết sức gay gắt, buộc chúng ta phải biện minh (dù là ngụy biện!) bằng được để bảo vệ những “thành quả”, mà phải tốn biết bao nhiêu lượng “hoang tưởng” mới “dựng đứng” nên được.
Giả sử rằng có một vật đứng yên tuyệt đối so với chúng ta trong khoảng không Vũ Trụ và chúng ta cũng thấy nó không tương tác với bất cứ cái gì khác. Khi đó, chúng ta có quyền nói rằng nó không có năng lượng cơ học. Không có vật nào hiện hữu được trước quan sát mà không thể hiện tính không gian, mà không có nội dung gọi là bên trong. Nội dung bên trong ấy của bất cứ vật nào, xét cho cùng là một lượng năng lượng gọi là năng lượng nội tại mà trong trường hợp chúng ta là năng lượng toàn phần, và có thể biểu diễn như một năng lượng cơ học (cơ năng). Tất nhiên, một cách dễ hiểu, có thể tính được mật độ năng lượng của nó nếu biết khối lượng và thể tích của nó.
Trong hoang tưởng, chúng ta tự nhận rằng mình có phép thuật hơn cả thần thoại, buộc vật thể nói trên phải co lại. Nó sẽ co lại mãi (thực ra là “nhả bớt” điểm KG ra !?) cho đến khi không thể co được nữa vì ở mỗi điểm KG đều hiện diện một lượng tử năng lượng - Mật độ năng lượng đạt đến cựa đại; nghĩa là bằng một NL chia cho một KG.
Phép thần thông biến hóa làm xuất hiện cảnh giới phi thường đó chỉ trong chớp mắt mà chỉ tốn một “lượng tưởng tượng” không đáng kể thì rõ ràng là đã đạt đến “tuyệt đỉnh võ công”. Nhưng nếu không tồn tại (hiện hữu) cái gọi là mật độ năng lượng thì “tuyệt đỉnh võ công” cũng đành “chào thua”. Vậy, điều kiện để thực hiện phép thuật thành công là, thứ nhất, lượng tử và điểm KG phải phân biệt được với nhau; thứ hai, phải có hai loại điểm KG, một loại chứa lượng tử đơn vị và một loại không chứa lượng tử đơn vị; thứ ba, loại điểm KG chứa lượng tử đơn vị (hay cũng có thể nói “chứa” điểm NL) không bao giờ có thể nhiều hơn điểm không “chứa” điểm NL trong một vật và do đó, trong toàn Vũ Trụ, thứ tư, có thể “định vị” được điểm NL tại một điểm KG.
Như vậy “tuyệt đỉnh võ công” làm mật độ năng lượng của một vật trở thành cực đại, thực chất, là “hô biến” tất cả các điểm KG không “mang” điểm NL ra khỏi nội tại vật và muốn “hô biến” được như thế thì phải tồn tại bốn điều kiện như đã nêu.
Để tồn tại được bốn điều kiện đó mà không xung khắc với quan niệm “truyền thống” của triết học duy tồn (và cũng là quan niệm của chúng ta), thì một loạt điều kiện “thỏa hiệp” nữa phải xuất hiện.
Trước hết, điểm NL không tồn tại ngoài KG được, không thể tồn tại điểm NL tách biệt khỏi điểm KG, cho nên, phải hình dung điểm KG mang điểm NL cũng chỉ là điểm KG nhưng ở một trạng thái khác với điểm KG không mang điểm NL, hay có thể nói đó là một điểm KG đã được “năng lượng hóa” (là trái táo trong đống táo, nhưng là trái táo chín chẳng hạn).
Mặt khác, không thể ngoại lệ, điểm KG thông thường (chưa bị “năng lượng hóa”) là không thể phân chia được nếu không muốn mất đi chất KG nhưng nó lại buộc phải có nội tại và nội tại đó cũng phải “qui” được ra năng lượng. Lượng năng lượng nội tại đó không thể lớn hơn mà cũng không thể nhỏ hơn điểm NL được, chúng phải bằng nhau tuyệt đối. Nếu lấy cái nội tại chất ấy trừ đi nội dung năng lượng của nó thì sẽ phải có kết quả là Hư Vô (hư vô tuyệt đối), nghĩa là sự qui đổi giữa chất KG và năng lượng ở tầng giới hạn cuối cùng ấy là thuận nghịch, nghĩa là chúng là hai mặt thể hiện của một cái gì đó mà không biết là cái gì (chỉ biết đó là một tồn tại cùng vô vàn tồn tại làm nên Tự Nhiên Tồn Tại rực rỡ, lung linh và huyền bí hiện ra trước quan sát và nhận thức của một… tồn tại!!!). Xét về mặt chất thì không thể trừ trái táo chín cho trái táo xanh nhưng xét về mặt lượng thì có thể được và kết quả thu hoạch sẽ là một lượng nào đó của năng lượng (calo). Lấy điểm KG đã được “năng lượng hóa” trừ đi điểm KG thông thường, tất nhiên (ở trường hợp cực tiểu) là bằng một điểm NL.
Chúng ta gọi điểm KG “năng lượng hóa” bằng một cái tên thứ hai là: điểm KG bị kích thích, hay gọn hơn: điểm KG kích thích. Điểm KG kích thích được dẫn giải như trên, vô hình dung, phải chứa đựng một lượng chất KG bằng hai lần lượng KG của điểm KG không bị kích thích. Để “lấp liếm” đi sự mâu thuẫn này, chúng ta phải linh động cho phép điểm KG khi bị kich thích là có thể nở ra. Để nở ra được thì nội tại của điểm KG phải sinh động, có một sự “thông thương” đặc biệt nào đó với môi trường bên ngoài, tức là những điểm KG quanh nó, làm nên “lớp vỏ” của nó và nếu như vậy thì điểm KG chưa phải là tận cùng của sự phân chia.
Đến đây, chúng ta đành xin lỗi tất cả và nói lại thế này: nếu vẫn muốn không gian Vũ Trụ còn tồn tại thì điểm KG, đơn vị cuối cùng làm nên chất KG là không thể bị phân chia được nữa. Còn như “bất chấp tất cả” thì điểm KG với một nội tại sống động là vẫn có thể bị phân chia, Nếu muốn bãi sỏi tồn tại thì đừng đập vỡ viên sỏi nhưng nếu không muốn thì vẫn có thể đập vỡ những viên sỏi để “nghiên cứu” và lúc đó phải chấp nhận sự ngừng tồn tại của bãi sỏi. Sự phân chia nội tại của điểm KG sẽ làm xuất hiện những đơn vị gọi là khoảng cách (độ dài), những yếu tố tiền không gian và nếu phân chia khoảng cách, chúng ta sẽ “thu được những yếu tố làm nên khoảng cách (hay còn gọi là những yếu tố tiền khoảng cách), còn gọi là các điểm (không phải chất điểm). Điểm là yếu tố cuối cùng của sự phân chia. Một điểm nếu còn có thể bị phân chia thì sau khi chia sẽ phải xuất hiện ít nhất là hai điểm, điều mà đến Tạo Hóa cũng lắc đầu lè lưỡi chịu, không thể nhận thức được. Thôi, chúng ta cũng nên quên nó đi? Nhưng trước khi quên, chúng ta cố gắng cho nó một định nghĩa vì cái công lao tuyệt đối của nó. Có thể định nghĩa: Điểm không là cái gì cả mà là yếu tố làm nên tất cả, giống hệt như Vũ Trụ: nó hữu hạn nhưng vô biên, vừa tồn tại vừa không tồn tại. Đố ai biết nó là gì?
Vì Không Gian là không thừa, không thiếu, không sinh ra thêm mà cũng không mất bớt đi, do đó nếu có điểm KG kích thích nở ra thì đồng thời cũng phải có điểm KG kích thích co vào, sao cho tổng lượng KG toàn Vũ Trụ luôn không đổi. Như vậy phải quan niệm rằng điểm KG có hai trạng thái kích thích tương phản nhau, làm tiền đề cho nhau tồn tại. Vì trạng thái kích thích là căng thẳng, không chịu đựng nổi và có nguy cơ bùng nổ làm “rách” mạng KG, do đó những điểm KG kích thích phải chuyển hóa ngay trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể, gọi là đơn vị thời gian tuyệt đối, cho điểm KG khác, làm xảy ra hiện tượng lan truyền kích thích. Nếu hai lượng kích thích tương phản gặp nhau thì hoặc là toàn bộ sự kích thích mất đi, hai điểm KG kích thích sẽ trở về trạng thái thông thường, hoặc chúng sẽ kết hợp nhau, tích hợp nhau thông qua một điểm KG thông thường làm trung gian, hình thành nên một đơn vị mới.
Sự xuất hiện đơn vị mới đó bắt chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề năng lượng. Rõ ràng hai điểm KG kích thích khó có thể đóng vai trò lượng tử năng lượng như vật lý học đã quan niệm được vì chúng không “trung hòa”, dễ “mất” đi nếu “đựng phải” điểm tương phản với chúng. Có lẽ nên coi chúng là những thành phần tiền lượng tử. Điểm KG thông thường ở góc độ nào đó, chính xác cũng là một điểm năng lượng, nhưng vì nó bị định vị tuyệt đối trong Vũ Trụ, đóng vai trò nút mạng KG nên nó không có cái tính “hiếu động” của một lượng tử. Vậy phải cho rằng đơn vị mới xuất hiện mới chính là hạt lượng tử bức xạ nhỏ nhất, đầu tiên của Vũ Trụ. Có thể gọi đơn vị mới ấy là đơn vị tuyệt đối của gia đình các lượng tử bức xạ. Nó cũng chính là hạt cuối cùng mà quả bom phát nổ không thể phân chia. Không lực lượng nào trong Vũ Trụ có thể phân chia được nó, trừ tự nó phân chia do sự tác động của các điểm KG kích thích.
Đơn vị lượng tử bức xạ ấy khi lan truyền, thể hiện như một “dây sóng” với vận tốc cực đại của Vũ Trụ, khi bị định vị, nó thể hiện như một hạt xoáy “kinh hồn” mà nếu có thể qui ra được thì phải có một vận tốc chu vi bằng với vận tốc cực đại. Sự xoáy kiểu gì đó tạm gọi là “xoáy không gian” mà trong vật lý vi mô gọi là Spin? Spin của đơn vị lượng tử bức xạ là bằng một?…
Mê man lặn hụp đến rã rời trong cái mù mờ mênh mông tưởng như không thể vượt thoát được Hư Vô mà về với Tồn Tại, đến đây chúng ta coi như đã đến được bờ. Dù bến bờ là một bãi sình lầy ken dày lau sậy, nhưng xa xa đã là thành phố. Lội bì bõm về thành phố dù sao cũng “an toàn” hơn là lặn hụp giữa trùng khơi mà không biết về đâu. Chắc chắn sau quãng hành trình này, chúng ta sẽ trở lại thành phố quen thuộc. Nó là thành phố bên kia bãi lầy. Chính nó đấy! Lần này chúng ta không ghé quán “Kiều Mi” nữa mà sẽ ghé quán “Hương Cau”, một quán mà chúng ta cũng thường lui tới và cũng có những “em dễ thương” đáo để.
Tuy nhiên, trước hết, chúng ta phải đi qua bãi lầy cái đã!
 ***
Như vậy là ở thế giới siêu vi mô, ở tận nền tảng, Vũ Trụ đã thể hiện sự sống động vô cùng của Nó. Sự sống động ấy là rộng khắp, mãnh liệt hơn rất nhiều so với sự sống động mà chúng ta thấy ở tầng vĩ mô.
Không thể chối cãi được, vạn vật cùng với sự vận động, biến đổi phong phú, đa dạng của chúng mà chúng ta quan sát được trong tầm quan sát của mình có nguyên nhân sâu xa từ tầng nền tảng ấy và ngược lại, những hành vi, tạo dựng ở tầng quan sát của chúng ta ở mức độ tương đối, nhất định nào đó, cũng là nguyên nhân biến động sôi nổi ở tầng nền tảng. Tuy nhiên hai tầng đó được phân biệt chỉ tương đối, theo quan sát đặc thù và nhận thức vì thế mà cũng đặc thù của chúng thôi, chứ thực ra, Vũ Trụ là thống nhất, liền lạc, xuyên suốt.
Đối với chúng ta, Vũ Trụ là bao gồm vạn vật - hiện tượng và không gian. Sự vận động của vạn vật - hiện tượng làm nảy sinh ra ý niệm thời gian. Giờ đây chúng ta biết thêm rằng giữa vạn vật và không gian luôn có mối quan hệ “thông thương” đi về. Đóng vai trò nhịp cầu của mối quan hệ ấy là vô vàn những lượng tử bức xạ. Và cũng chính chúng chứ không phải là gì khác, đã giúp con người xây dựng được mô hình trường điện từ và trường hấp dẫn.
Chúng ta vẫn dùng lại từ “vật chất” nhưng theo cách hiểu mà chúng ta đã trình bày. Có thể nói vật chất và vận động, hay chất KG và năng lượng, theo quan niệm riêng tư của chúng ta thôi, chỉ là hai mặt thể hiện của Tự Nhiên Tồn Tại cũng như của những tồn tại tương đối. Vật chất là thể hiện tính ''có thực'' của một tồn tại và vận động là thể hiện tính ''không thực'' của nó. Chất Không Gian là thể hiện tính tồn tại của Tự Nhiên Tồn Tại và năng lượng là thể hiện tính không tồn tại của Nó. Tồn tại hay không tồn tại thì vẫn cứ là Tự Nhiên Tồn Tại trước một nhận thức tồn tại và vẫn cứ là Hư Vô trước một nhận thức hư vô. Tự Nhiên Tồn Tại vừa tồn tại vừa không tồn tại là vì thế!
Nói kiểu khác: vật chất là tồn tại được “nhìn thấy ngoài thời gian” và vận động là tồn tại được nhìn thấy “trong thời gian”; tương tự, chất KG là tồn tại được nhìn thấy “ngoài thời gian” và năng lượng là tồn tại được nhìn thấy “trong thời gian”.
Giả sử có một lượng KG là V, tương ứng với lượng KG ấy là một lượng năng lượng là E. Theo “truyền thống” của vật lý học, E được tính là khối lượng nhân với bình phương khoảng cách và chia cho bình phương thời gian. Để đưa E “ra ngoài thời gian” chúng ta phải nhân nó với bình phương thời gian. Như thế ta sẽ có một đẳng thức là:
              
 Thật là tuyệt cú mèo và... vui vẻ!

Sự hoang tưởng đã đạt đến mức… phi phàm! Một thể tích KG mà khi chia cho bình phương thời gian lại ra năng lượng thì chẳng có kỳ quái nào kỳ quái hơn; thì chẳng có một “uyên bác” nào có thể “nuốt” nổi. Thời gian (ký hiệu TG) được coi như là ý niệm chủ quan lại xuất hiện ngang nhiên như một lực lượng thực tại và hơn nữa không biết lực lượng TG tới từ “phương trời” nào.

Thời gian đúng là ý niệm của nhận thức nhưng ý niệm ấy chắc chắn là phải được rút ra từ kinh nghiệm quan sát thực tại, từ việc quan sát và so sánh độ lâu mau của những quá trình xảy ra trong tự nhiên. Do đó, chỉ có thể cho rằng khái niệm thời gian là một qui ước chủ quan, nhưng thời gian rõ ràng là chỉ một cái gì đó có thực; là một thành tố làm nên năng lượng.
Như vậy là nếu không có TG thì không bao giờ xác định được NL. Từ các biểu thức trên, ta thấy: NL đóng vai trò như gia tốc biến đổi của một thể tích không gian, hay là của một lượng chất KG. Suy rộng ra, ta có thể cho rằng NL là gia tốc biến đổi của một lượng chất nào đó mà qui ra KG thì bằng V. Vạn vật biến đổi là điều tự nhiên nhưng tốc độ biến đổi mới “sinh chuyện”. Một vật chuyển động trước một hệ quan sát nào đó thì đối với hệ quan sát đó, vật có một năng lượng cơ học (động năng). Nhưng cùng lúc đó, nếu thấy nó đứng yên trước chúng ta, thì đối với chúng ta, nó không có năng lượng cơ học (hay năng lượng cơ học bằng 0); trừ trường hợp nó đứng yên trong trường lực (có một thế năng).
Dù đứng yên hay chuyển động thì vật đó vẫn có nội tại và do đó nó luôn có một nội năng. Tổng nội năng và “ngoại năng” (gọi vui đối với cơ năng!) của vật chính là năng lượng toàn phần của nó. Năng lượng toàn phần của một vật là khả năng “lỳ lợm” tồn tại của nó trước những tác động bên ngoài và cũng là khả năng làm biến đổi bên ngoài nó. Năng lượng toàn phần của một vật là bất biến đối với suốt quá trình tồn tại của một vật nếu nó không bị thêm bớt chất (nếu qui về chất KG là thêm bớt chất KG).
Một thể tích nào đó của chân không Vũ Trụ, khi quan niệm đó là hư vô tương đối vì quan sát không thấy bất cứ sự biến đổi nào, không thấy bất cứ cái gì, thì năng lượng toàn phần của nó bằng 0. Nhưng khi chúng ta coi đó là một lượng chất KG thì nó phải có một năng lượng toàn phần và nếu như vậy thì nó phải có khối lượng. 
  ***

Trong thực tại khách quan, mỗi thực thể đều được xác định bằng một đại lượng đặc trưng gọi là năng lượng toàn phần với công thức biểu diễn:
E = m.c^2  (g.cm^2/s^2)
Với m là khối lượng, c là hằng số chỉ vận tốc ánh sáng và bằng 10^10 (cm/s).
Như đã biết, năng lượng là đại lượng đặc trưng cho mức độ vận động của vật chất. Như vậy, có thể coi năng lượng toàn phần biểu thị khả năng vận động "tối đa" của một thực thể.
Rõ ràng muốn xác định được E, phải xác định được m. Đó là công việc tưởng đơn giản, nhưng thật ra không dễ một chút nào! Ở Trái Đất, nếu không nhờ trọng lượng và không sờ vào vật, thì chúng ta không tài nào xác định được khối lượng của nó!
Vậy, khối lượng là gì?
Vào thế kỷ XVII, khi xây dựng học thuyết cơ học của mình, nhà bác học thiên tài Niutơn (Newton) đã đưa ra hàng loạt những khái niệm mới; đồng thời “điều chỉnh” ý nghĩa của những khái niệm vật lý đã có trước đó cho phù hợp với quan niệm của ông. Mở đầu cuốn “Các nguyên lý”, Niutơn đã định nghĩa những khái niệm cơ bản của cơ học. Định nghĩa đầu tiên là về khái niệm “lượng vật chất”: “lượng vật chất là số đo vật chất, nó tỷ lệ với mật độ và thể tích của vật chất”. Sau này, ông gọi lượng vật chất là “khối lượng”.
Khái niệm lượng vật chất có nội dung khác nhau ở Đềcác (Descartes) và Niutơn. Đềcác cho rằng Vũ Trụ chứa đầy vật chất (không có chỗ nào trống rỗng), và như vậy thể tích của các vật xác định khối lượng vật chất chứa trong vật. Niutơn cho rằng Vũ Trụ gồm có các nguyên tử chuyển động trong không gian trống rỗng. Vì vậy lượng vật chất chính là số lượng nguyên tử, và thể tích càng lớn, mật độ phân bố các nguyên tử trong thể tích đó càng lớn, thì lượng vật chất càng lớn.
Ngày nay chúng ta đã quá quen thuộc với khái niệm khối lượng, đến độ coi nó như một sự hiển nhiên, vốn dĩ như thế. Cầm một hòn đá trên tay, chúng ta “ước lượng” được ngay sự nặng, nhẹ của nó và nếu ai đó “cắc cớ” hỏi sự nặng, nhẹ đó là gì thì chúng ta chẳng cần phải nghĩ ngợi gì để trả lời: là khối lượng của hòn đá (mà thực ra là trọng lượng của nó).
Nhưng từ khái niệm lượng vật chất mơ hồ để đi đến khái niệm khối lượng như ngày nay chúng ta hiểu một cách cụ thể, "tưởng chừng như" trực giác như thế không phải là dễ dàng.
Thừa kế những phát kiến mang tính cơ học của Galilê (Galilée) (chuyển động quán tính, sự bình đẳng về vận tốc của các vật rơi tự do…), Niutơn đã tiến hành nhiều thí nghiệm, đã xác nhận tính đúng đắn của những điều mà Galilê đã phát hiện, và đã đi đến những kết luận quan trọng. Ông nêu ra rằng: gia tốc trọng trường không phụ thuộc vào khối lượng; khối lượng tỷ lệ với trọng lượng vật một cách chặt chẽ, và như vậy có thể dùng cân để đo lượng vật chất - khối lượng. Mặt khác, cũng từ những thí nghiệm và quan sát tinh tế của mình, Niutơn đã đi đến khái niệm “lực” và hiểu chính xác về nó. Lực là sự tác động của một vật lên một vật khác, làm thay đổi trạng thái chuyển động của nó. Tác dụng gọi là lực đó có thể là trực tiếp, thể hiện bằng va chạm, hoặc là từ xa bởi một tâm lực gọi là lực hướng tâm. Một giai thoại kể đại ý rằng Niutơn trong một lần thấy trái táo rơi đã lóe lên trong đầu một ý niệm sau này đưa ông đến việc phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn. Không biết sự thực đã xảy ra như thế nào, nhưng định luật vạn vật hấp dẫn mãi mãi là chiến công vĩ đại của Niutơn, một trong những nhà vật lý thiên tài bậc nhất của mọi thời đại. Qua định luật đó, Niutơn cho thấy rằng trọng lượng của một vật thực chất là một loại lực; gọi là lực hấp dẫn tác động lên vật đó. Do đó trọng lượng là một đại lượng biến đổi theo khoảng cách và lượng vật chất của vật bị tác dụng (đúng ra là của cả hai vật làm nên hiện tượng hấp dẫn). Từ đây, Niutơn đã phát hiện ra một đặc trưng cực kỳ quan trọng của nội tại vạn vật mà ông gọi là “quán tính”.
Thực ra trước Niutơn, bằng quan sát trực giác, Galilê đã là người đầu tiên đề cập đến vấn đề mà sau này Niutơn gọi là “lực” và “quán tính”. Galilê thấy rằng tác động càng mạnh thì vận tốc càng lớn, như vậy vận tốc là đại lượng cho biết có hay không có tác động bên ngoài lên vật. Ông nói: “Nếu một vật thể không bị đẩy, không bị kéo, không chịu bất kỳ một tác động nào thì nó chuyển động đều”. Kết luận xuất sắc này của Galilê được Niutơn hoàn chỉnh và phát biểu thành qui luật đầu tiên trong học thuyết của ông và được gọi là “qui luật quán tính”.
Niutơn còn xác định được một cách chính xác hai yếu tố có tính quyết định, liên quan đến chuyển động, với tên gọi là “quán tính” và “lực”. Quán tính là khả năng vốn có của vật chất chống lại sự thay đổi trạng thái chuyển động. Đại lượng vật lý đặc trưng cho nó chính là khối lượng (thường ký hiệu là M hoặc m). Lực là đại lượng đặc trưng cho tương tác giữa các vật và là nguyên nhân gây ra sự thay đổi trạng thái chuyển động của chúng.
Nhân tiện đây, chúng ta nói thêm một vấn đề khác. Sự thay đổi trạng thái chuyển động của một vật, nói dễ hiểu hơn, là sự thay đổi giá trị vận tốc của vật đó trong một khoảng thời gian xác định. Nếu ta lấy giá trị biến đổi vận tốc (vận tốc cuối trừ đi vận tốc đầu) chia cho khoảng thời gian đã nói thì chúng ta được một giá trị gọi là gia tốc (thường được ký hiệu là a). Gia tốc là đại lượng đặc trưng cho mức độ thay đổi trạng thái chuyển động của vật mà nguyên nhân gây ra nó là lực (thường là ký hiệu là F hay f).
Niutơn đã phát biểu định luật thứ hai trên cơ sở nhận thức ấy. Biểu thức toán học của định luật II Niutơn là:
                                      
Nếu ta nhân hai vế của biểu thức với quãng đường (khoảng cách ký hiệu là s) mà vật bị biến đổi trạng thái chuyển động thì ta sẽ làm xuất hiện hai đại lượng mới:

                  
        
Vế trái được gọi là “công”, thường ký hiệu là A. Đó chưa hẳn là cái công sức tiêu tốn mà chúng ta đã nói đến khi “làm việc” với đống sỏi!!! Nếu cho vận tốc ban đầu của vật là 0, vận tốc cuối là vt thì:
                     
Do đó vế phải sẽ là:   
                    
Eđ được gọi là năng lượng của chuyển động hay động năng. Nhưng Eđ ở đây chưa biểu diễn được "động năng toàn phần" của một trạng thái chuyển động của một vật. "Động năng toàn phần" của một trạng thái chuyển động của một vật là động năng của vật đó khi nó có trạng thái chuyển động đều với vận tốc v. Khi vật chuyển động đều thì: v0 = vt = constan, do đó sau t thời gian, quãng đường đi được s = vt.t. Nghĩa là Eđ = mvt2.
Đại lượng Eđ = mvt2 được gọi là động năng toàn phần của vật đang chuyển động với vận tốc vt. Khi vt = c (vận tốc cực đại của Vũ Trụ), chúng ta sẽ có một đại lượng gọi là năng lượng toàn phần của vật đang xét và chính bằng mc2.
Động năng nói riêng và cơ năng nói chung thể hiện ra như là khả năng sinh công của vạn vật. Nhưng sự thể hiện ấy chỉ mang một ý nghĩa tương đối. Khi một vật chuyển động, chúng ta nói nó có thể sinh công, vì nó sẽ tác động vào bất cứ vật nào khác “cản trở” chuyển động của nó. Nhưng một vật đứng yên không phải không có khả năng sinh công. Một vật đứng yên so với hệ quan sát này, có thể là chuyển động so với hệ quan sát khác và ngược lại một vật đứng yên ở hệ quan sát khác lại là chuyển động so với hệ quan sát này. Nếu hai vật đó va chạm nhau, tùy theo quan niệm của mỗi hệ quan sát mà qui định vật nào sinh công. Do đó, đối với một vật, nó có thể “mang” năng lượng cơ học trước quan sát này nhưng trước một quan sát khác, năng lượng cơ học của nó bằng 0. Tuy vậy, một vật dù chuyển động hay không chuyển động thì đối với mọi hệ quan sát, năng lượng toàn phần của nó (nếu không thêm bớt chất) là không thay đổi, hay chúng ta nói là bất biến vì không thể quan niệm được, cùng một tồn tại mà lại thêm bớt lượng chất KG bởi những cách quan sát khác nhau. Đại lượng mc2 của một vật là bất biến khi vật đó còn tồn tại! Vì vận tốc cực đại của Vũ Trụ là một hằng số cho nên khối lượng của một vật không thay đổi. Khi khối lượng thay đổi, thì vật đó không còn là nó nữa mà đã trở thành vật khác với một giá trị năng lượng toàn phần xác định.
Có thể nào tính tóan được khối lượng của một vật đứng yên (tương đối) không? Khối lượng, thật là ngạc nhiên, chỉ có thể được xác định thông qua chuyển động và tương tác. Nếu có một quả cầu đặt trên đỉnh núi Evơrest mà kinh nghiệm không mách bảo nó làm từ chất gì thì có thể xác định được khối lượng của nó không? Dù biết rằng có lực hấp dẫn tác động lên nó, nhưng thế năng (cũng là một đại lượng có khả năng sinh công, tương tự như động năng!) của nó là không xác định (tùy khoảng cách độ cao nào mà mới phán được cho nó một giá trị thế năng cụ thể!) và khối lượng của nó là một câu đố hóc búa bậc nhất đối với người nào muốn xác định giá trị. Vật lý học ngày nay vẫn đang “chịu thua” trước bài toán tìm khối lượng của một vật đứng yên hoặc chuyển động đều, không bị tác động bởi ngoại lực.
Sự hiện hữu “bấp bênh” của cơ năng cũng như của khối lượng, và như thế; của nhiều khái niệm cơ bản trong cơ học Niutơn, đáng phải bận tâm suy nghĩ và băn khoăn.
Năng lượng toàn phần của một vật, như biểu thức tính toán cho thấy, mang “bản chất cơ học”; là một đại lượng quan trọng có tính quyết định sống còn đối với vật lý học hiện đại. Muốn xác định được nó “chỉ cần” biết giá trị khối lượng của vật. Nhưng như đã nói, không thể nào tính toán được, cân đo được khối lượng của một vật nếu nó ở ngoài tác dụng lực, trường lực. Trước một vật đứng yên, một quan sát có thể cảm nhận được nhiều thứ từ vật đó nhưng khối lượng thì không thể!
Quan sát ở tầng vi mô, việc xác định khối lượng của vật chất trở nên khó khăn hơn nhiều, dù vật chất ở tầng ấy (các hạt cơ bản) luôn biến đổi và vận động không ngừng. Bản chất lưỡng tính sóng hạt của vật chất đã làm cho khái niệm cổ điển của khối lượng bị lung lay. Chẳng hạn như vấn đề khối lượng nghỉ bằng 0 của hạt nơtrinô. Người ta nói rằng nếu nơtrinô đứng yên, nó không có khối lượng và như thế thì cũng không có năng lượng toàn phần. Giả sử rằng chúng ta có cùng trạng thái chuyển động với một nơtrinô nào đó, thì vì nó đứng yên so với chúng ta nên phải cho rằng khối lượng của nó bằng 0 và năng lượng toàn phần của nó cũng vì thế mà bằng 0. Một hạt mà không “thấy” nội dung thì là hạt gì? Trên đời này có hạt “ma” không? Hay là nó hóa thành sóng? Sóng mà không có năng lượng thì gọi là sóng gì, sóng “quỉ” chăng? Vả lại làm sao quan niệm được sóng đó đứng yên, hay là cái gọi là sóng “dừng”? Hay chỉ khi đứng yên tuyệt đối, hạt nơtrinô mới không có khối lượng, và không bao giờ nó có thể đứng yên tuyệt đối? Nhưng nếu không có trạng thái đứng im tuyệt đối thì làm sao nó chuyển động được? Có thể nhận thức được “vĩnh hằng” nhưng không thể nhận thức được chỉ có “quá khứ”, “tương lai” mà không có “hiện tại”. Một quãng “thiên di” của nơtrinô phải tốn một khoảng thời gian nào đó. Khoảng thời gian đó là tổng số nào đó của đơn vị thời gian tuyệt đối, cái không thể phân chia. Tương ứng với đơn vị thời gian ấy là đơn vị khoảng cách tuyệt đối. Ở khoảng cách đơn vị ấy và trong khoảng thời gian đơn vị ấy, nơtrinô phải là đứng yên tuyệt đối, và do đó năng lượng toàn phần của nó bằng 0. Một lượng năng lượng xác định là sự thể hiện của những cái 0 thì không bao giờ có thể tin được! Tổng những tồn tại là tồn tại và tổng những hư vô là hư vô: điều này đáng tin hơn không? Mặt khác, nếu nơtrinô phải luôn “thiên di” thì rõ ràng nó “không được phép” va chạm vào bất cứ hạt nào khác, bất cứ cái gì khác. Vì nếu xảy ra va chạm, ít ra là có một lần trong đời, nó phải đứng im tuyệt đối, nghĩa là nó phải “hi sinh”, rồi lại xuất hiện, “thiên di” theo hướng ngược lại. Phải giải thích sự “sinh - diệt – sinh” này như thế nào? Hạt phôtôn cũng “vấp phải” những vấn đề như thế. Hơn nữa trong thời điểm được bức xạ ra, ngay tức thời nó không thể đạt một vận tốc cực đại mà phải cho rằng có một gia tốc mà vận tốc ban đầu là bằng 0. Vận tốc ban đầu bằng 0 có nghĩa ở thuở ban đầu ấy phôtôn không có khối lượng, không có lượng năng lượng toàn phần nào. Thế thì một “không có gì” được tăng tốc lên và thành một phôtôn, “thiên di” ngạo nghễ trong Vũ Trụ cần được hiểu như thế nào?
Nhà bác học người Anh, Pôn Đirắc đã xây dựng được phương trình nghiên cứu về các hạt trong thế giới vi mô. Phương trình này được công nhận giống như các công thức của Niutơn mô tả các quá trình của thế giới vĩ mô. Trong phương trình hiện diện thành phần khối lượng và thành phần này được coi là một hằng số cho trước, nghĩa là không thể dùng toán học để phân tích được. Thế là thế nào?
Đáng chú ý là phương trình Đirắc nêu trên chỉ đúng cho các hạt có spin bằng ½, và đối với các tương tác có thể phát sinh ra các hạt mới thì phương trình đó không còn ứng dụng được.
Chắc sẽ nhiều người tò mò muốn thấy phương trình Đirắc. Đó là điều chính đáng. Chúng ta ngày xưa cũng thế, cố lùng sục để “diện kiến” bằng được phương trình đó, nhưng khi thấy nó rồi thì bỗng đâm ra… chán đời: nhìn nó mà bất lực trong việc nhận thức nó, không hiểu nó là cái gì. Lần đó đã làm chúng ta buồn tủi ghê gớm. Vì cái tri thức quá ư “lùn tịt” của mình. Người không “đi tu” vật lý học thì khó mà hiểu được phương trình đó. Nếu đưa nó ra đây, rất có thể sẽ làm nhiều kẻ tò mò trở thành khốn khổ, bi quan như chúng ta. Nhưng nếu không đưa ra, biết đâu chừng lại bị cho là cố tình giấu diếm cái hay đẹp của nhân loại.
Đàng nào thì cũng mang tiếng cả! Chiều chuộng làm sao cho hết được người đời? Thôi thì cứ theo lẽ tự nhiên là hơn, đây:
                                   
Vế trái có hai số hạng. Số hạng thứ nhất “nói về” hiện tượng được mô tả hay biến cố, với điểm cụ thể của không gian và thời gian. Số hạng thứ hai gồm có đại lượng biến thiên gọi là hàm sóng Ψ (“pxi”) và các hằng số: π (số pi), m (khối lượng), c (vận tốc cực đại), h (hằng số Planck).
Để mô tả sự diễn biến của vật chất được giả thiết là đầu tiên, phải xét đến khả năng tương tác của các hạt với nhau và như thế phải xét đến khả năng biến hóa của các hạt này thành các hạt khác. Năm 1938, nhà vật lý học Đ. Đ. Ivanencô đưa thêm vào vế trái số hạng thứ ba gọi là “số hạng phi tuyến”. Phương trình Đirắc được chuyển thành:
                            
Đáng tiếc, phương trình này… không có nghiệm!
Người sáng tác bài ca “nguyên lý bất định”, nhà vật lý tài năng Heisenberg đề nghị bỏ số hạng mang yếu tố khối lượng đi, và phương trình có dạng:
                                                            
Ông đã lập luận về vấn đề này, đại ý: chúng ta không biết khối lượng của hạt bằng bao nhiêu khi chúng ta bắt đầu giải phương trình cơ sở vì rằng khối lượng là hệ quả của tương tác này hay tương tác khác của trường thống nhất với chính bản thân nó. Do đó, ta không thể cho trước khối lượng, mà phải xác định khối lượng bằng cách giải phương trình.
Phương trình đó đến ngày hôm nay đã gánh vác được nhiệm vụ thiêng liêng mà loài người giao phó cho nó chưa? Không ai biết!
Khái niệm khối lượng hiểu theo “phong cách” cổ điển (sự bất biến của khối lượng) còn bị một đòn giáng mạnh từ thuyết tương đối hẹp của Anhxtanh. Thuyết đó ra đời đã cho là khối lượng của một vật không còn bất biến nữa mà phải tăng lên một cách nào đó theo vận tốc của vật đó và đồng thời là độ đo năng lượng chứa trong vật đó.
Việc khối lượng biến đổi theo vận tốc của vật; việc vận tốc càng lớn thì khối lượng càng tăng theo nhận định của Anhxtanh, đã “bắt” năng lượng toàn phần phải biến đổi theo. Như thế lượng năng lượng toàn phần của một vật không thể đại diện cho một vật tồn tại, trái hoàn toàn với quan niệm của chúng ta. Vì chúng ta từng cho rằng: năng lượng toàn phần là bất biến đối với một vật, một khi nó còn tồn tại, không “sứt mẻ”. Một vật, khi chuyển đổi trạng thái vận động, có bị “sứt mẻ” gì không, đó là điều cần phải nhận thức cho đúng. Một người ngồi nhà, lên máy bay, du lịch “tá lả bồn binh” rồi lại về ngồi nhà, với trọng lượng chẳng thay đổi gì so với trước cuộc đi chơi, thì phải hiểu (về mặt năng lượng toàn phần của người đó) như thế nào? Thật là khó mường tượng! Vậy thì tốt nhất, chúng ta nên làm một thực nghiệm. Thực nghiệm trong hoang tưởng bao giờ cũng rất hay (vì loại trừ được những yếu tố ảnh hưởng không cần thiết), nhưng cũng rất nguy hiểm (vì cái tôi chủ quan luôn xen vào!). Tuy vậy, những thực nghiệm đơn giản bao giờ cũng thành công mỹ mãn (đối với chúng ta thôi).
Giả sử có hai hệ quan sát là H1 và H2. So với H2, H1 chuyển động đều với vận tốc v. Trong H1 có một vật chuyển động đều so với quan sát của H1 với vận tốc là v1 và có phương chiếu trùng với v. Quan sát ở H1 sẽ thiết lập được biểu thức tính động năng của vật là:
E1 = m1 . v12
Nhưng đối với quan sát ở H2 thì biểu thức trên không đúng, vì vật đồng thời vừa chuyển động với vận tốc v1 vừa chuyển động vận tốc v. Do đó vận tốc tổng hợp của nó theo Niutơn phải là v1 + v2; và động năng của nó vì thế mà cũng lớn hơn E1:
E2 = m2(v1+v)2 = m2v2 > E1
Nếu có thêm vài hệ quan sát H5, H4… thì cũng sẽ có thêm E3, E4… Nghĩa là có vô vàn hệ quan sát thì một vật duy nhất cũng có vô vàn giá trị động năng một cách đồng thời và giá trị đó cũng có thể bằng 0. Vậy thì đâu là chân lý đích thực? Chính hiện tượng đó là chân lý đích thực chứ còn đâu nữa! Mỗi một hệ quan sát đều tính ra một giá trị động năng chính xác, phù hợp với thực nghiệm và đều cho rằng đó là sự thực khách quan. Phải thừa nhận rằng tất cả các giá trị động năng đều đúng, đều là sự thực khách quan nhưng chỉ đúng và là sự thực khách quan đối với hệ quan sát đã “đẻ” ra chúng mà thôi.
Một cách tổng quan, chúng ta thấy động năng là một đại lượng không ổn định, phù phiếm như một “giấc mộng”. Nó là hiện tượng khách quan của thế giới chủ quan (và ở một hệ quan sát bên ngoài nào đó thì hiện tượng khách quan của thế giới chủ quan lại cũng chính là một hiện tượng khách quan nào đó của một thế giới chủ quan mới!). Nó có thể hiện hữu đối với hệ quan sát này nhưng đồng thời có thể không hiện hữu đối với hệ quan sát khác.
Chúng ta đã quan niệm hiện hữu là biểu hiện của tồn tại, do đó phải coi động năng là một tồn tại, là bộ phận của Tự Nhiên Tồn Tại, nó có thể hiện hữu kiểu này, kiểu khác hoặc “không thèm” hiện hữu.
Nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng quan niệm về sự bất biến của khối lượng đối với chuyển động của Niutơn là vẫn đúng đắn thì giá trị khối lượng của vật thí nghiệm đối với tất cả quan sát đều như nhau, nghĩa là:
m1 = m2 = … = m
Vì vận tốc cực đại c là một hằng số Vũ Trụ nên năng lượng toàn phần của vật đang xét sẽ phải là một giá trị duy nhất, tuyệt đối dù được tính ra ở bất cứ hệ quan sát nào. Chúng ta nói đó là một bất biến một khi vật đang xét còn tồn tại, dù “nhìn” ở bất cứ góc độ nào, từ bất cứ hệ quan sát nào. Nếu giá trị động năng là một chân lý tương đối thì giá trị năng lượng toàn phần của một vật hay chất là một chân lý tuyệt đối.
Chúng ta tin chắc vào điều đó vì phải như thế mới phù hợp với Tự Nhiên; mới không xâm phạm tới nguyên lý bảo toàn không gian.
Nhưng Anhxtanh đã không đồng ý! Thuyết tương đối hẹp của ông chỉ ra rằng: 
                           
                          
 
Nghĩa là: khối lượng của vật tăng tỉ lệ theo giá trị vận tốc. Khi vật đứng yên nó có một khối lượng cực tiểu là mo.
Thực nghiệm vật lý đã xác nhận phát kiến đó của Anhxtanh!
Chúng ta khó lòng mà “cãi” được nữa nhé!
Nhưng nếu chúng ta không cãi thì phải từ bỏ niềm tin “chắc như đinh đóng cột” trên kia để vĩnh chào sự hoang tưởng, cúi đầu quay về với thực tại. Một hành động mà đối với chúng ta là vô cùng “bi thảm”, không “cột trụ kiên cường” tý nào!
Vì yêu tha thiết sự hoang tưởng và vì đang thích thú đắm mình trong đó nên chúng ta sẽ ở lại, không “cúi đầu” đi đâu nữa cả, chúng ta biện hộ rằng thế giới khách quan vật lý và thế giới khách quan hoang tưởng là hai cách nhìn khác nhau về một hiện thực và đều “tuyệt vời”. Cách thứ nhất là nền tảng, xuất phát từ thực tiễn và là niềm tin yêu gởi gắm của thực tiễn . Cách thứ hai xuất phát từ cái nền tảng, thăng hoa như một khoảng trời huyền ảo của nền tảng và biến thành một thực tiễn trong cõi siêu thực. Nếu cách này là bản tuyên ngôn đanh thép về quyền được nhận thức đúng đắn của con người thì cách kia là bài thơ “sướt mướt”, ngợi ca tính mộng mơ vô bờ của nhận thức ấy…
Thôi nào, chúng ta suy tưởng tiếp về cuộc thực nghiệm còn dở dang!
Theo Anhxtanh thì vật nào cũng có khối lượng nghỉ (mo). Nhưng phải hiểu từ “nghỉ” ở đây như thế nào, tuyệt đối hay tương đối? Làm sao mà xác định được một mo tuyệt đối khi ngay cả một chuyển động trước một quan sát có thể là một đứng im tuyệt đối? Làm thế nào mà sự quan sát “bấp bênh” đầy tính chủ quan và tương đối lại có thể xác nhận một vật đâu đó là đứng im tuyệt đối?
Nếu theo quan niệm của Anhxtanh về khối lượng thì:
m1 ¹ m2 ¹   khi        v1 ¹ v2 ¹ …;
m2 > m1            khi        v2 > v1
Và tại mọi hệ quan sát đều tính được ra khối lượng nghỉ mo của vật thí nghiệm với mọi khối lượng và vận tốc được xác định ở tại những hệ quan sát ấy.
Đến đây, chúng ta thấy bộc lộ ra một sự kỳ quái không sao tưởng tượng nổi. Vì giá trị vận tốc của vật có thể được chọn tùy ý (có thể thiết lập được những hệ quan sát đảm bảo thấy vật chuyển động với những vận tốc bất kỳ nào đó) miễn là nó không được lớn hơn vận tốc cực đại c, do đó sẽ phải có giá trị vận tốc bằng 0 và khối lượng của vật tương ứng với nó chính là mo; khối lượng nghỉ của vật. Hệ quan sát thấy được điều đó là thấy được sự đứng yên tuyệt đối của vật. Sự đứng yên tuyệt đối ấy là chuyển động so với những hệ quan sát không thấy điều đó (thấy vật đâu có đứng yên!!!) và họ sẽ chẳng bao giờ tin nếu có giảng giải sùi bọt mép về sự đứng yên tuyệt đối của cái đang chuyển động. Do đó không có “nghỉ” tuyệt đối mà chỉ có nghỉ tương đối thôi. Suy rộng ra, với bất kỳ một giá trị mo cho trước nào, theo biểu thức nói trên của Anhxtanh, sẽ phải có vô vàn vật thể có chung giá trị khối lượng nghỉ này. Và từ đó phải cho rằng sẽ có một khối lượng nghỉ nhỏ nhất đóng vai trò khối lượng nghỉ của những khối lượng nghỉ lớn hơn và nói chung là của vạn vật trong Vũ Trụ. Một sự đứng im tuyệt đối “nhỏ nhất” (hay ít nhất) là sự đứng im tuyệt đối của những sự đứng im tuyệt đối khác “lớn hơn nó” (hay nhiều hơn nó!)???
Điều kỳ quái cuối cùng: giả sử có hai vật với hai mo khác nhau (nguyên tử và thiên hà chẳng hạn), khi tăng vận tốc chúng lên xấp xỉ vận tốc c, chúng ta sẽ thấy được hai khối lượng cũng như hai lượng năng lượng toàn phần vô cùng vĩ đại (nếu vận tốc bằng c thì sẽ xảy ra vô hạn, đó là điều rất chi là… khủng khiếp!) mà nếu nhích vận tốc của vật nhỏ hơn (nguyên tử) lên lớn hơn “chút ít” so với vận tốc của vật lớn hơn (thiên hà) thì hai lực lượng vô tiền khoáng hậu ấy sẽ có thể bằng nhau. Ghê chưa?!
Có lẽ nào cái thế giới quan vật lý của Anhxtanh lại hoang tưởng hơn cái thế giới quan hoang tưởng của chúng ta được? Không, vì đã được thực nghiệm xác nhận nên biểu thức nêu trên của Anhxtanh vẫn có lý. Nhưng cần quan niệm lại vấn đề khối lượng nghỉ và sự biến đổi khối lượng theo vận tốc.
Phải chăng, khối lượng là một tồn tại vốn dĩ của tự nhiên, nó thể hiện như là khả năng bảo toàn trạng thái chuyển động của vật chất?

 ***
Có cách nào nhận thức được khối lượng vừa bất biến cho Niutơn vui lòng, vừa đồng thời biến đổi tùy theo vận tốc chuyển động để Anhxtanh không nổi giận không? Có chứ, có một cách! Nhưng chúng ta không vội gì mà nói ra ở đây, vì làm thế là...vội quá, vì sợ thiên hạ không hiểu lại cho chúng ta là lũ háo danh trắng trợn. Háo danh trắng trợn là háo danh quá quắt chứ không phải háo danh bình thường. Háo danh bình thường không xấu!!!
Chúng ta không ghét danh; cũng yêu danh nhưng không yêu say đắm bằng yêu lợi. Nếu suy cho cùng thì mục đích cuối cùng của mưu cầu danh lợi là lợi. Chất mà không có lợi thì chỉ là ảo huyền, vô giá trị; danh mà chẳng có quyền lực, lợi lộc gì thì chỉ là hư danh. Thà hữu lợi mà vô danh còn hơn là hữu danh mà vô lợi; thà không có tên mà có được miếng đất cắm dùi còn hơn được gọi là ''kim cương'' mà vô gia cư, sống vất va vất vưởng không ra con người!
Chính vì lẽ đó mà thú thực, chúng ta cắm đầu cắm cổ viết như điên, chủ yếu là để kiếm lợi. Lợi ở đây là vừa được vui đùa, thỏa mãn nỗi đam mê cháy bỏng của bản thân chúng ta, vừa phục vụ cho những ai đó một bữa tiệc với nhiều món ăn tinh thần, ngon thì chưa biết nhưng chắc chắn là lạ miệng (nghĩa là ít ra thì cũng thích thú), theo luật kinh doanh tự nhiên nhất: thuận mua vừa bán, để “hốt” được một mớ bạc. Đã gọi là một bữa tiệc lạ miệng mà phơi bày “tòe loe” ra hết một lần thì còn gì là lạ nữa và rất có thể một phần của bữa tiệc đó sẽ bị “ế”. Làm ra một bữa tiệc mà chỉ bán được một phần của bữa tiệc thôi, thì “sự nghiệp hốt bạc” của chúng ta là không đạt, thậm chí nó còn biến thái thành “sự nghiệp” làm tán gia bại sản, không phải của khách hàng, không phải của chúng ta (chúng ta làm gì có cắc bạc nào!) mà là của… mụ vợ, người mà chúng ta thực lòng yêu thương. Mai này, khi chúng ta đã “ra đi” (lũ đàn ông thường “thích” đi trước), mụ vợ của chúng ta sẽ còn ở lại một mình, cô đơn và yếu đuối. Đến lúc đó nếu vì sự “phá gia” hôm nay của chúng ta mà mụ ta bị đói khổ thì dù đã hư vô, chúng ta cũng vô cùng đau đớn!
Trên đời này có rất nhiều “tấm gương sáng” về cách mưu cầu danh lợi “toàn thể đều vui vẻ”. Chẳng hạn các ngôi sao ca nhạc, các danh thủ bóng đá. Họ vừa được thỏa thích vui chơi, theo đuổi được nỗi đam mê của mình, vừa làm mãn nhãn, mãn nhĩ cho rất nhiều người; vừa nổi danh, vừa kiếm lợi vô kể. (Nếu có gặp chút gian lao nào trên bước đường gặt hái danh lợi, thì đó chỉ là sự khổ luyện trong đam mê. Ấy thế mà họ lúc nào cũng xoen xoét về sự nhọc nhằn, cực khổ. Thật lạ!).
Chúng ta đang cố gắng noi gương, bắt chước họ. Nếu trời không cho chúng ta toại nguyện cả hai, danh và lợi mà chỉ được một thôi thì nhớ đừng quên là phải chọn lợi. Dứt khoát là như thế nhé hỡi anh em!
Nếu chọn giữa “ăn” và “mặc”, chúng ta sẽ chọn “ăn”. Dù cởi truồng mà no còn hơn quần là áo lượt mà chết đói. Khi chúng ta đã dư miếng ăn rồi thì chúng ta sẽ bán bớt thứ mà ai cũng cần ấy đi để mua quần áo mặc cho đàng hoàng hơn. Nhưng trong việc kiếm lợi lại khác. Lợi kiếm ra được không biết bao nhiêu là đủ. Người biết hay không biết dùng lợi lúc nào cũng đều thấy thiếu. Người không biết dùng lợi thì dù có ngồi trên núi vàng vẫn thấy mình nghèo, vẫn thèm lợi. Người biết dùng lợi thì vì kiếm lợi cho mình ổn rồi, còn muốn chia cho thiên hạ nữa nên lúc nào cũng mong giàu có để làm việc nghĩa, vẫn cần lợi. Khi cầu lợi thì danh tự đến, trú ngụ, hoặc đang ở đó nhưng “nổi giận” tự bỏ đi. Ai không hiểu điều đó thì lấy lợi ra mua danh. Ai hiểu điều đó thì chẳng bao giờ chịu “tốn” lợi để làm cái việc ngu ngốc ấy. Ông bà chúng ta đã rất chí lý khi dạy rằng: "mua danh đến ba vạn nhưng bán danh có ba đồng"!
Danh là mang tính lực, lợi là mang tính năng lượng. Không có năng lượng thì cũng không có lực. Đã là nhà vật lý chân chính thì phải “quí” cả hai nhưng phải biết ưu tiên chọn cái nào trước. Họ chọn cái nào trước? Vì ở một thế giới khác nên chúng ta không có lấy một người bạn nào là nhà vật lý cả để mà hỏi cho ra lẽ!
Còn bản thân chúng ta chọn cái gì trước? Để cho câu chuyện mà chúng ta đang kể, được nhất quán, hợp lý (dễ bán kiếm lợi hơn), chúng ta chọn năng lượng. Nhưng ở chỗ khác, lúc bụng đang đói meo trước “mâm cao, cỗ đầy” thì dứt khoát chúng ta chọn vật chất để được thỏa mãn vừa “no” vừa “ngon” (ăn đất thì cũng “no” năng lượng đấy nhưng làm sao mà “tiêu hóa” thành năng lượng “người” được; còn truyền năng lượng qua tĩnh mạch hay qua lỗ mũi thì chỉ có bác sĩ mới chọn thôi, nhưng là chọn cho bệnh nhân!).
Bây giờ đây, đã vượt qua đầm lầy và “lọt” vào thành phố rồi thì chúng ta chọn cái gì trước? Chẳng chọn cái gì trước trong hai cái đó cả và tạm thời quẳng cả hai đi cho đỡ mệt! Chúng ta chọn… quán Hương Cau. Chúng ta sẽ vừa đi đến đó vừa kể vài ba câu chuyện cho vui.
 ***
BÍ ẨN
Thằng bé bán báo rao:
- Báo đây, báo đ…â…y! Một bí ẩn khó tin được phanh phui! Đã có bốn mươi nạn nhân cùng chung số phận! Báo đây, báo đ…â…y…
Một người qua đường kêu:
- Ê, nhỏ, bán cho tao một tờ coi!
Trả tiền xong, ông ta đọc lướt nhanh từng trang rồi lật qua lật lại một hồi, rồi rảo bước theo thằng bán báo:
- Thằng kia! Bí ẩn được phanh phui nằm ở đâu mà tao tìm mỏi mắt không thấy, hả?
- Dạ, đó là điều bí ẩn đấy ạ! - Thằng bé bán báo trả lời và quay đi, rao tiếp – Báo đây, báo đ…â…y…! Một bí ẩn khó tin được phanh phui! Đến nay, đã có bốn mươi mốt nạn nhân cùng chịu chung số phận! Báo đây, báo đ…â…y!

Đó là một sáng kiến trong kiếm lợi(!?). Dưới đây là một sáng kiến kiếm lợi nữa:

VAY NỢ
Một ông đến một công ty chuyên cho vay nợ, hỏi:
- Tôi muốn vay 50 đôla trong sáu tháng, phải trả tổng cộng lãi là bao nhiêu?
- Ba đôla - Nhân viên công ty trả lời.
- Được rồi. Cho tôi vay 50 đôla. Tôi xin thế chấp chiếc ôtô đời mới của tôi ở đây. Mai mốt khi trả lãi vay xong, tôi sẽ lấy lại.
Ngày hôm sau ông ta kể lại sự việc đó cho bạn nghe. Bạn ông ta trợn mắt:
- Ông điên à? đời thuở nhà ai vay có 50 đôla mà lại đem chiếc ôtô đời mới đi thế chấp bao giờ!
Ông ta thản nhiên nói:
- Thì cứ để người ta cho tớ là thằng điên cũng được. Ngày mai tớ sẽ phải sang Châu Âu trong sáu tháng. Tớ có thể gửi xe ở đâu được trong khoảng thời gian lâu như thế mà chỉ tốn có 3 đôla?

KHÔN NGOAN
Một nhà buôn già, sắp chết, dặn con:
- Con của ta! Vốn dĩ cha thành đạt được như hôm nay là nhờ hai điều: trung tín và khôn ngoan. Trung tín là nếu con đã hứa giao thứ gì cho khách hàng thì bất kể trường hợp nào, dù có phá sản đi nữa, con cũng cứ giao…
- Con xin nhớ điều đó, thưa cha - Người con đáp - Còn khôn ngoan là thế nào ạ?
- Khôn ngoan thì đơn giản thôi - Người cha phều phào - Con đừng bao giờ hứa bất cứ điều gì hết!...

Việc kiếm lợi thường đòi hỏi rất nhiều mưu chước, sáng kiến nhưng đôi khi lại rất dễ dàng, lợi cứ như từ trên trời rơi xuống vậy. Sau đây là hai chuyện:

Ở TEXAS
Sau khi nốc rượu thoải mái trong vũ trường, một cô gái xinh đẹp lảo đảo chạy ra ngoài tìm chỗ ói mửa và chẳng may, té xỉu vào thùng rác. Một anh chàng đi qua nhìn thấy bèn kéo cô ta ra, mang lên phòng của anh ta ở khách sạn gần đó, rồi vội gọi điện thọai cho bạn mình:
- Tớ vừa đến Texas. Cậu nên mau mau bán tất cả nhà cửa đồ đạc đi, đến Texas mà sống. Mức sống khá lắm. Ở đây, họ quẳng vào thùng rác nhiều thứ còn tốt hơn những thứ cậu chỉ có thể mua được với giá cao ở New York.

ĐUỔI VIỆC
Người chủ cửa hàng đi ngang qua phòng đóng gói, trông thấy một cậu bé đứng ngó ngang ngó ngửa và huýt sáo vui vẻ:
- Mày làm bao nhiêu tiền một tuần? - Ông ta hỏi.
- Dạ thưa, 50 đôla
- Đây, tao trả một tuần lương cho mày - Ông ta đếm tiền đưa cho cậu bé - Cút luôn đi, đồ làm biếng!
Một lát sau, gặp người quản lý nhân công, ông chủ cửa hàng hỏi:
- Anh thuê thằng bé đó ở đâu vậy?
- Chúng ta có thuê nó bao giờ đâu; nó là đứa giao hàng, làm cho công ty khác.

Lợi thì ai cũng thích rồi. Cũng vì sự thích ấy mà nhiều khi lợi đã gây ra những oái oăm, tai hại rất “hỉ, nộ, ái, ố”. Vài chuyện tiếp theo chứng minh điều đó.

LỢI HẠI
Cặp vợ chồng trẻ mới cưới, hưởng đêm đầu tiên của tuần trăng mật tại một thị trấn cổ kính thời Trung cổ. Để thêm hương vị cho đêm tân hôn, cô gái rụt rè đề nghị là cứ mỗi lần tiếng chuông báo giờ ngân lên thì họ lại làm tình với nhau. Chàng trai cười khoái chí đồng ý.
Sau bốn lần chuông ngân, chàng trai kiếm cớ ra phố mua thuốc lá, rồi loạng choạng đến gặp lão gác chuông:
- Bác ơi! – Chàng trai thều thào nói – Xin giúp tôi một việc: từ giờ đến hết đêm, bác rung hai lần chuông nữa thôi, được không ạ? Đây, tôi gửi bác ít tiền …
- Không được đâu! Tôi không thể làm được điều đó vì …
- Tại sao không được ạ? Bác cố giúp tôi với! Tôi xin gửi thêm cho bác ít tiền nữa đây.
- Cậu biết không, hồi đầu hôm, có một cô gái xinh đẹp cho tôi tiền và dặn rằng cứ nửa tiếng thì rung chuông một lần. Tôi đã nhận lời và không thể làm khác được.

TAI NẠN
Một ông già trúng xổ số 100.000 đôla. Ông vốn bị yếu tim, gia đình sợ tin kia đến đột ngột làm ông xúc động, chết mất. Vì vậy họ nhờ mục sư ướm lời, nói chuyện trước với ông già.
Vị mục sư nhận lời, tìm dịp hỏi ông già:
- Giả sử ông trúng xổ số được 100.000 đôla thì ông sẽ làm gì?
Ông già đáp:
- Tôi sẽ biếu mục sư và nhà thờ một nửa số tiền đó.
Vị mục sư lăn ra chết!.

THẰNG KHÙNG
Có một anh chàng, chỉ tay về phía một đứa bé đứng xớ rớ ở đằng xa, nói với người bạn:
- Thằng đó trông mặt mày tưởng sáng láng mà khùng lắm. Đưa hai đồng tiền 5 đồng và 2 đồng ra, bao giờ nó cũng lấy đồng 2 đồng. Tôi đã thử nó hàng trăm lần rồi. Nhiều người qua đường thấy vậy, xúm lại giải thích thế nào nó cũng không nghe, lúc nào nó cũng chọn đồng tiền có giá trị nhỏ hơn. Đây này, anh xem nhé…
Anh chàng gọi đứa bé lại, xòe bàn tay có hai đồng tiền 5 đồng và 2 đồng trên đó. Đứa bé nhặt đồng tiền 2 đồng, cảm ơn rồi chạy ù về chỗ cũ.
- Anh thấy chưa? - Anh chàng cười hể hả - Thật khùng ơi là khùng!
Đứa bé đó hóa ra là con nhà hàng xóm của người bạn anh chàng kia. Hôm sau, vô tình gặp nó ở gần nhà, người bạn hỏi:
- Sao em dại thế, không lấy đồng tiền lớn hơn?
Đứa bé cười tít mắt:
- Dại gì mà làm thế! Làm thế chỉ lấy được một lần. Làm như em sẽ “hốt” được dài dài… Mà anh đừng nói lại với cái gã khùng đó nhé, để em còn hốt nữa!

KÉN RỂ
Một quan lớn có cô con gái đã đến tuổi cặp kê. Ông muốn tìm một tấm chồng tài trí cho nàng nên treo bảng kén rể.
Cô nàng không được xinh cho lắm, nhưng của nả nhà quan lớn thì thật là đáng kể, nên lũ lượt trai tráng trong vùng đến ra mắt. Tuy nhiên chưa ai đạt yêu cầu quan đưa ra và đều thất bại ra về.
Một hôm có ba anh chàng thư sinh cùng ngẫu nhiên tới. Quan lớn thấy cả ba chàng đều khôi ngô tuấn tú thì mừng lắm, nghĩ thầm rằng cả ba người đều xứng đáng. Nhưng làm rể thì chỉ có thể là một người thôi, bèn đưa ra cuộc thi thố.
Quan lớn tuyên bố:
- Ta có một con ngựa quí, phi rất nhanh. Mỗi anh sẽ phải làm một bài thơ mô tả cái sự phi nhanh ấy của con ngựa. Trong ba anh, anh nào làm được bài thơ thể hiện con ngựa của ta phi nhanh nhất thì sẽ được ta gả con gái cho.
Cuộc thi bắt đầu. Ba anh chàng ngó quanh ngó quẩn, ngó trời ngó đất để tìm vần.
Một anh chàng chợt thấy chiếc lá đang rơi ngoài sân, nảy ý, đọc luôn:


Ngoài trời chiếc lá rơi
Ngựa ông phi mù khơi
Phi đi rồi phi lại
Chiếc lá vẫn còn rơi.
Quan khen:
- Thơ có vần có điệu, khá hay, ngựa phi như thế quả là rất nhanh. Nhưng còn chờ xem đã…
Cô con gái của quan ngồi cạnh mẹ, đang xỏ chỉ vào kim giúp mẹ, nhưng vì chăm chú lắng nghe câu chuyện nên làm rơi cái kim vào bể cảnh. Anh chàng thứ hai “chớp” được, liền ứng khẩu:
Nàng đánh rơi cái kim
Ngựa ông phi như chim
Phi đi rồi phi lại
Cái kim vẫn chưa chìm.
Quan nhận xét:
- Thật không ngờ ngựa của ta lại phi nhanh đến thế, nhanh hơn cách mô tả của anh đầu tiên. Chỉ có điều so sánh ngựa phi với chim thì có vẻ hơi bị ép. Nhưng không sao, vẫn đạt yêu cầu của cuộc thi và nếu anh còn lại chịu thua thì anh là người thắng cuộc.
Anh chàng thứ ba vội lên tiếng:
- Quan lớn hượm hượm cho con tý đã nào! Ngày thường con vẫn ứng khẩu thành thơ nhanh như chớp, được bạn bè khen là “thần khẩu” mà sao hôm nay khớp quá, hàm cứ đánh cầm cập. Đúng là “thần khẩu hại xác phàm”!…
- Vợ quan lớn nãy giờ, nghe hai bài thơ của hai anh chàng kia đã buồn cười lắm rồi, nhưng cố nhịn, chỉ tủm tỉm. Đến khi nghe anh chàng thứ ba nói “trơn tuột” như thế thì hết chịu đựng nổi, cười rũ rượi.
Quan lớn thấy thế, quát:
- Bà đừng có mất nết như thế chứ! Chuyện nghiêm túc, hệ trọng đến trăm năm của con trẻ mà cứ tưởng đùa, mà cười ngặt nghẽo được thì thật chả ra cái thể thống gì cả… Nào, anh kia, có làm được thơ thì làm đi, còn không thì đừng có nói lôi thôi nữa. Ông không đợi được nữa đâu đấy!
Vợ quan lớn lại cố nín một cách khó khăn. Có lẽ sự nín đã vượt giới hạn nên trong cái im ắng của gian nhà, từ bà quan lớn phát ra một tiếng “kít” nhỏ và rất ngắn nhưng vang lừng!
Anh chàng thứ ba trố mắt, trân trân nhìn vợ quan lớn, trong đầu bỗng sực “vỡ” ra tứ thơ, liền đọc luôn:
Bà vừa đánh cái “kít”
Ngựa ông phi mù tít
Phi đi rồi phi lại
Lỗ đít vẫn… chưa khít.

Lúc này, trừ anh chàng vừa đọc thơ là ngẩn tò te vì ngạc nhiên, còn tất cả đều rũ rượi, lăn lộn ra mà cười, cả gian nhà cũng cười bần bật. Quan lớn cười to nhất, nhiều nhất, tay vỗ đùi đen đét, mắt mũi giàn giụa. Lúc lâu quan mới hồi tỉnh lại được và nói:
- Ta chịu anh, ta chịu anh! Anh đã tả được cái thần khí của một cuộc đua ngựa và ngựa của ta là ngựa phi nhanh nhất, nhanh một cách diệu kỳ, nhanh hơn cả chớp giật - hiện tượng được ví như sự đóng mở của Thần Cốc - mẹ Huyền Tẫn. Ha, ha…ha! - và quan lớn lại bắt đầu đợt cười mới...

                                                ***
Vừa đi trên hè phố, vừa thầm thì kể chuyện vui, đôi khi đứng lại nhe răng cười một mình, chắc là làm cho người qua lại để ý lắm. Vừa từ hoang dã bước ra, tóc tai bù xù, mặt mày hốc hàc, còn nhe răng nhìn trời như đười ươi thì không là “quái nhân”, không bị mọi người soi mói mới là chuyện lạ. Hèn gì cứ ngẩng lên là thấy mọi cặp mắt đổ dồn lên chúng ta; hèn gì mà thấy đâu đâu cũng bị kẹt xe!...
May thay, trời đã ngả về chiều và ngày một tối nên sự lem luốc của chúng ta đã không còn bị ánh sáng làm cho "rực rỡ" nữa. Ơn Trời!

 

Xem tiếp...