MẶT RẰM
Ánh trăng rằm
Trăng là nguồn cảm hứng vô tận của người Việt trong kho tàng văn học bình dân cũng như của biết bao văn nhân, thi sĩ trong nền văn chương bác học.
Ngoài
danh từ thông thường là “trăng”, trăng còn được người Việt gọi bằng
nhiều tên khác, rất thi vị: gương nga, bóng nga, bóng nguyệt, nguyệt
thiềm…; huy hoàng đài các thì có: cung Quảng, cung Thiềm, cung Hằng,
cung Quế… Chúng ta còn tưởng tượng ra các nhân vật cư ngụ trên mặt trăng
như Hằng Nga (hay chị Hằng), chú Cuội, thỏ ngọc…, cùng các giai thoại
lý thú về các vị này như: Hằng Nga cùng các tiên nữ múa hát điệu Nghê
Thường vào đêm rằm tháng Tám, chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa nhớ nhà chú ở
địa cầu…
Tùy từng địa phương, tùy từng dân tộc, mà thưởng thức ánh trăng có phần khác nhau đôi chút:
Người Tày Nùng có câu tục ngữ:
Rủng tồng hai síp hả (Sáng như trăng mười lăm). Nghĩa là ánh trăng rằm (đêm 15) là một cụm từ được người Tày Nùng dùng để ca ngợi những con người có tính tình tốt, hay đạo đức chói sáng được mọi người noi theo, hay việc làm ăn thành đạt, được nhiều người ca ngợi, tiếng tăm tỏa sáng như ánh trăng rằm.
Sáng như ánh trăng rằm là câu chúc về cuộc đời hạnh phúc, giàu sang phú quý: Mừa nả hất kin rủng bặng hai síp hả (Ra đi cuộc đời sáng tựa ánh trăng rằm).
Con người sống trên trái đất luôn có ánh sáng rọi soi: Ngày có ánh mặt trời rực ánh hào quang, đêm có ánh trăng dịu mát, nghĩa là: Tha vằn lồng hai khửn rủng quang. (Mặt trời lặn, trăng lên sáng quang).
Mặt trăng đồng hành cùng con người, con người luôn quan tâm, theo dõi mặt trăng từng ngày một, được thể hiện qua những câu tục ngữ (Phuối rọi):
Xo hả, hăn nả hai/Xo xốc khả mẻ Nổc/Xo chất khả mẻ pất. (Mùng 5 thấy mặt trăng/Mùng sáu thịt mẹ chim/Mùng bảy thịt mẹ vịt. Nghĩa là, ngày mùng 5 hằng tháng bắt đầu có ánh trăng, trên nền trời phía tây, nhưng chỉ một lát thôi, trăng lặn ngay. Ngày mùng 6 trăng lặn muộn hơn, đủ chiếu sáng cho con người mổ một con chim, làm sạch sẽ, trăng mới lặn. Còn đêm mùng 7 trăng lặn muộn hơn đêm trước, đủ chiếu sáng cho con người mổ và làm sạch một con vịt.
Ngoài ra, người Tày, Nùng còn theo dõi ánh trăng để biết được thời gian: Síp hả hai tốc/Síp xốc hai khoen/Síp chất kin mẻ pất/Síp pét, pẻ lét nòn/Síp cẩu lẩu viảc/Nhỉ síp hai mừa Hác nàn mà. (Mười lăm trăng rơi (lặn, náu)/Mười sáu trăng treo/Mười bảy ăn con vịt/Mười tám rón rén nằm/Mười chín cưới tàn/Hai mươi trăng đi Hác (Tàu) lâu mới về. Nghĩa là, đêm 15 (hay đêm rằm) trăng sáng chưa hết đêm đã lặn, vì lúc còn ánh sánh mặt trời thì trăng đã mọc; đêm 16 thì khi mặt trời lặn trăng liền lên, khi mặt trăng vừa khuất thì có ánh bình minh sáng tỏ đằng đông; đêm 17 chập tối mổ con vịt làm sạch, xào nấu ăn xong, đâu đấy thì trăng mới lên; đêm 18 khi người lên giường đi ngủ thì trăng mới mọc; đêm 19, đám cưới tàn thì trăng mới lên; đêm 20 thì trăng đến đất Hác (đất Tàu ) lâu mới về, nghĩa là mọc muộn.
Trăng đối với trẻ thơ, đêm tối trẻ ngắm trăng mải mê, gọi bằng cái tên rất đỗi thân quen: Nàng Trăng (Nàng Hai); Chú Cuội ngồi gốc cây đa là thằng Cuội (Ý Vịa), có lời mời vừa thân tình vừa thân quen, qua bài hát đồng giao của trẻ dân tộc Tày, Nùng:
Hai đây hai rủng/Hai dú nưa vạ/Hại lồng mà vọa câu/Ý Vịa co lùng/Hại lồng mà hỉn. (Trăng đẹp, trăng tỏ/Trăng ở trên trời/Mời xuống với tôi/Thằng Cuội cây đa/Xuống chơi với ta.
Hình ảnh, ánh trăng luôn là biểu tượng đẹp trong tâm khảm của mọi người, trong đó có dân tộc Tày, Nùng từ già đến trẻ. Họ luôn hy vọng cuộc đời đẹp như mặt trăng, sáng sủa tươi mát như ánh trăng rằm. Trăng mãi mãi trường tồn, mọi người luôn luôn ao ước có cuộc đời được hòa bình hạnh phúc.
Nhận xét
Đăng nhận xét