Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

DƯ LUẬN XÃ HỘI 24


- Lý Thường Kiệt:
"Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư."

-Vua Lê Thánh Tông từng nói với triều thần đã được ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”.

----------------------------------------------------------

(ĐC sưu tầm trên NET)

Một tuyên bố bất ngờ, chứa đầy mưu mô xảo quyệt của Trung Quốc

Những hoạt động tiếp theo mà Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến hành trên các hòn đảo nhân tạo được xây dựng bất hợp pháp này là củng cố, triển khai vũ khí, trang bị.

Tin tức từ Tân Hoa xã ngày 16/6 cho hay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng thông báo dự án bồi đắp phi pháp của nước này trên một số bãi đá (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) sẽ được hoàn tất “trong vài ngày tới”.
  Một tuyên bố bất ngờ, chứa đầy mưu mô xảo quyệt của Trung Quốc - Ảnh 1 Hoạt động bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ông Lục còn ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc sẽ bắt đầu xây dựng các cơ sở để đáp ứng những “nhu cầu phòng thủ quân sự cần thiết” và nhu cầu dân sự, sau khi kết thúc hoạt động bồi đắp. Ông Lục không nói rõ những dự án nào sẽ được hoàn tất, trong khi nước này đang thực hiện bồi đắp tại 7 bãi đá thuộc Trường Sa.
Dù hoạt động bồi đắp và xây dựng phi pháp gây quan ngại toàn cầu, ông Lục vẫn thản nhiên khẳng định Trung Quốc cam kết theo con đường phát triển hòa bình, chính sách ngoại giao là tăng cường tình hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng.
Bình luận về tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chuyên gia quan hệ quốc tế Triệu Khả Kim thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cho rằng đó là một “hình thức quản lý khủng hoảng” nhằm hạ nhiệt căng thẳng, theo AP.
Tương tự, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định tuyên bố này cho thấy Trung Quốc muốn giảm nhẹ hoạt động bồi đắp ở Trường Sa trước chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Mặt khác, ông Thayer cho rằng Trung Quốc “đã đạt được phần lớn những thứ họ muốn”. “Trung Quốc thực hiện những chu trình trong đó họ tăng tốc rồi dịu lại mà chẳng từ bỏ thứ gì cả”, ông Thayer nói với tờ The Australian Financial Review.
Mỹ lo ngại kế hoạch xây cơ sở quân sự của Trung Quốc
Ngay sau tuyên bố trên của Trung Quốc, Mỹ đã bày tỏ những lo ngại. Tin tức từ Reuters ngày 16/6 cho hay, Washington lo ngại về kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ mục tiêu phòng thủ quân sự của Trung Quốc.
"Kế hoạch của Trung Quốc không góp phần giảm căng thẳng hay hỗ trợ cho sự ra đời các giải pháp ngoại giao và hòa bình mà chỉ củng cố yêu sách tranh chấp (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Về tuyên bố rằng TQ sắp xây cơ sở quân sự ở Trường Sa, có nhận định cho rằng đây chẳng qua là thủ đoạn đánh lừa, gây nhiễu loạn có chủ đích của Trung Quốc.
Cụ thể, về bản chất, việc ngừng các hoạt động san lấp, cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh ở Trường Sa không có nghĩa là Trung Quốc từ bỏ tham vọng bành trướng ở Biển Đông. Hành động của TQ có thể chỉ là chiêu làm yên lòng các đồng minh và đối tác của Mỹ có yêu sách ở Biển Đông trong khi chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa bị xâm hại ở cấp độ nghiêm trọng và hiện trạng khu vực này đã thay đổi theo đúng mưu đồ của Bắc Kinh

  Một tuyên bố bất ngờ, chứa đầy mưu mô xảo quyệt của Trung Quốc - Ảnh 2
Lục Khảng, người phát ngôn mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tuyên bố của Bộ ngoại giao TQ về vấn đề này được phát đi nhằm đánh lừa các bên liên quan thừa nhận các đảo nhân tạo Trung Quốc đã bồi lấp trái phép. Nó cũng có tác dụng tung hoả mù, đánh lừa dư luận bằng việc tạo ra cảm giác không thực rằng Bắc Kinh đang xuống thang hạ nhiệt căng thẳng.

Những hoạt động tiếp theo mà Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến hành trên các hòn đảo nhân tạo được xây dựng bất hợp pháp này là củng cố, triển khai vũ khí, trang bị, quân sự hoá chúng thành các căn cứ, trạm kiểm soát quân sự trên vùng biển phía Nam ở Biển Đông. Và, một ngày nào đó, một tuyến bố (bất hợp pháp) về Vùng nhận dạng phòng không có thể sẽ ra đời tại khu vực này. - PV
Tình hình Biển Đông mới nhất sẽ được báo điện tử Người đưa tin liên tục cập nhật.
Thanh Ngọc

Tướng Hương phản bác sự xuyên tạc, miệt thị của Thời Báo Hoàn Cầu

“Chúng ta im lặng đồng nghĩa với tạo cơ hội cho Trung Quốc thực hiện chiến thuật việc đã rồi và chuyện trái nhưng nói lâu năm thành chuyện phải”, Tướng Huỳnh Đắc Hương nói.

Mặc dù đã bước sang tuổi 95, nhưng Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị Trưởng Tổng cục chính trị vẫn dành 8 tiếng trong ngày để làm việc cũng như nghiên cứu về diễn biến, tình hình mới nhất về Biển Đông.
Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, vị tướng từng nhiều lần vào sinh ra tử trên khắp các chiến trận bày tỏ sự căm phẫn trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Đặc biệt là mới đây, tàu Trung Quốc đã tấn công và cướp nhiều tài sản của tàu Việt Nam.
  Tướng Hương phản bác sự xuyên tạc, miệt thị của Thời Báo Hoàn Cầu - Ảnh 1

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Cục tổ chức, Tổng cục chính trị. (Ảnh: Cao Tuân)

Tướng Hương cho rằng: Rõ ràng, Trung Quốc đang muốn mở rộng bờ cõi bất hợp pháp và thâu tóm Biển Đông. Đó là quyết tâm lâu dài mà Trung Quốc sẽ thực hiện chứ không phải nhất thời.
“Chính sách của Trung Quốc kiểu như "tằm ăn lá dâu”, nghĩa là cứ gặm dần từ miếng này sang miếng khác. Điều đó thể hiện qua rất nhiều hành động phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông", ông nói.
Tướng Hương phân tích: Trung Quốc vẫn một mặt đồng ý hợp tác với các nước láng giếng, thúc đẩy hòa bình nhưng một mặt lại có những động thái coi thường luật pháp. Từ va chạm tàu của ngư dân Việt Nam cho đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam rồi việc Trung Quốc ráo riết xây dựng những hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông chứng tỏ Trung Quốc quyết tâm thực hiện chiến lược bành trướng của mình.

“Việc phá tàu cá là một trong nhiều việc làm sai trái của Trung Quốc chứ không phải là nhất thời. Nếu chúng ta không ngăn chặn, họ sẽ làm nhiều việc ngang ngược hơn thế”, ông nhận định.
Tướng Hương cũng cho rằng, đường lối Đảng và Nhà nước chọn phương pháp đấu tranh bằng pháp lý tôi thấy rất đúng đắn. Tuy nhiên chúng ta phải thật tích cực hơn bằng nội lực của mình chứ không thể chờ đợi hòa khí của Trung Quốc cũng như sự ủng hộ của thế giới.
Bởi theo ông, Trung Quốc rất khôn khéo khi luồn lách nhằm giữ quan hệ song phương và thực hiện chiến thuật “việc đã rồi” và “chuyện trái nhưng nói lâu năm thì nó thành chuyện phải”.
“Trong Luật của Quốc tế cũng có quy định mọi việc đôi co với nhau trong 50 năm giải quyết không được thì người bị kiện vẫn giữ được quyền lợi của mình. Bây giờ Việt Nam là bên nguyên, đang có thể kiện Trung Quốc. Chúng ta còn hơn 40 năm nữa liệu rằng nếu không quyết liệt thì có giữ vững được toàn vẹn lãnh thổ không?”, nguyên Cục trưởng Tổng cục Chính trị đặt vấn đề.
  Tướng Hương phản bác sự xuyên tạc, miệt thị của Thời Báo Hoàn Cầu - Ảnh 2

Bãi đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo bất hợp pháp và xây sân bay, cầu cảng tại đây phục vụ mưu đồ lâu dài độc chiếm Biển Đông thành ao nhà và đang bị thế giới lên án. (Ảnh: Tư liệu)

Qua cập nhật tình hình ngoại giao, Tướng Huỳnh Đắc Hương đánh giá cao về chuyến thăm của người đứng đầu Lầu Năm Góc Ash Carter đến Việt Nam, trong chuyến công du này Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng ký một tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng triển vọng trong 20 năm tới.
Theo ông, vấn đề Biển Đông không phải việc của riêng Việt Nam với Trung Quốc mà còn ảnh hướng đến giao thương của thế giới. Mỹ đã có những hành động tích cực để Trung Quốc thấy rằng: Không phải thích làm gì cũng được!
Vai trò của báo chí trong công cuộc tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo
Vị tướng đã bước sang tuổi 95 cũng bày tỏ sự bức xúc trước việc tờ Thời báo Hoàn Cầu – phiên bản điện tử của Nhân Dân Nhật Báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc gần đây liên tục cho đăng tải các bài viết đả kích, xỏ xiên, miệt thị người Việt khi chứng kiến quan hệ Việt – Mỹ đang có những bước tiến mới theo thời gian, tình hình mới.
“Tôi nói thế này để mọi người hiểu. Khi tờ báo của Trung Quốc nói gì sai là ta phải phản bác, ngăn chặn ngay. Bây giờ, có thể nó là một bài viết mang tính kích động nhất thời, nhưng trong cuộc chiến lâu dài để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì nó lại được coi là chứng liệu của lịch sử để thế giới nhìn nhận lại.

Ngược lại, nếu báo chí Việt Nam đưa ra những thông tin đúng và phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc sẽ khiến thế giới thấy được sự quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Tướng Hương nói.
  Tướng Hương phản bác sự xuyên tạc, miệt thị của Thời Báo Hoàn Cầu - Ảnh 3
Quan hệ Việt - Mỹ có những biến chuyển tích cực dựa trên tinh thần cùng hợp tác, cùng phát triển, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc lại tỏ ra ghen ghét, đố kị, nỗ lực để chia rẽ
Tướng Hương nói thêm: Như liên quan đến Biển Đông, Trung Quốc đang cố tình nói nhiều, nói lắm để khẳng định đây là vùng đất của họ, họ cho dân đến ở và họ xây dựng các hệ thống quân sự. Trung Quốc đang khiến thế giới tưởng họ làm đúng và từ đó hợp thức hóa hành động phi pháp của mình.
Tướng Hương cũng đề cao vai trò của báo chí trong công cuộc tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo ông, Việt Nam không chỉ đấu tranh bằng pháp lý, bằng ngoại giao mà cần mạnh mẽ về mặt tuyên truyền để người dân Việt Nam cũng như bạn bè thế giới lên tiếng phản đối về hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông.
“Gần đây mình làm tuyên truyền tốt hơn chứ trước đây mình không coi trọng việc này. Bản thân thế giới không rõ thực hư thế nào, không rõ tranh chấp trên biển Đông của Trung Quốc và Việt Nam ra sao. Bây giờ mình có cái lợi là cả thế giới đều phản ứng chuyện này, cả nhiều nước lớn cũng có ý kiến, kể cả Mỹ cũng cương quyết phản ứng”, ông nói.
Theo lời tướng Hương, khi thế giới chưa hiểu hết bản chất tình hình Biển Đông thì chúng ta phải nói. Nói để thế giới hiểu và chia sẻ. Việt Nam phải chứng minh rằng đây là cuộc đấu tranh liên tục và lâu dài để bảo vệ lẽ phải. Việt Nam không dùng súng đạn mà cần dùng lời nói, sự căm phẫn để thể hiện cuộc đấu tranh trong hòa bình.
“Chúng ta nên khuyến khích người dân tiếp cận thông tin chính thức qua báo chí. Bởi Việt Nam cần phải đấu tranh bằng pháp lý, bằng con đường ngoại giao và qua báo chí để tăng cường tuyên truyền cho người dân trong nước nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất và lên án hành động sai trái của Trung Quốc”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nhấn mạnh. 

'Việt Nam phải tỉnh táo hơn nữa để không bị Trung Quốc ru ngủ'

“Với Việt Nam, Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng, vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa chỉ là tiểu cục. Phải coi trọng đại cục mối quan hệ chứ đừng vì tiểu cục mà coi nhẹ đại cục”. Điều này không thể chấp nhận.

Tin tức từ Tân Hoa xã ngày 16/6 cho hay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng thông báo dự án bồi đắp phi pháp của nước này trên một số bãi đá (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) sẽ được hoàn tất “trong vài ngày tới”. Điều này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Nhiều học giả cho rằng, đây là hành động làm “hạ nhiệt” căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông trước những chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế khi mà chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tới Mỹ trong tháng 9 đang tới gần. Nhiều ý kiến khác lại nhận định, tuyên bố này của Trung Quốc sẽ báo hiệu những bước đi nguy hiểm hơn trên Biển Đông.
Để giúp bạn đọc có được cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn về vấn đề này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Tư lệnh Quân khu IV, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa 8, 9, 10 nhằm tìm ra những nhận định, tham mưu đúng đắn cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
Những hành động “vượt quá xa tầm kiểm soát”
Trước việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sắp hoàn thành việc bồi đắp cải tạo đảo trên Biển Đông và sau đó còn công bố danh mục các công trình sẽ xây dựng trên các đảo nhân tạo đó, Trung tướng có đánh giá như thế nào về những động thái này của phía Trung Quốc?
  'Việt Nam phải tỉnh táo hơn nữa để không bị Trung Quốc ru ngủ' - Ảnh 1

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Tư lệnh Quân khu IV

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Sâu chuỗi các hành động của Trung Quốc tôi cho rằng, mỗi hành vi của nước này trên Biển Đông đều ẩn đằng sau những toan tính hết sức khó đoán và thâm hiểm. Dã tâm muốn độc chiếm Biển Đông bằng “yêu sách 9 đoạn” phi lý đã và đang được Trung Quốc hiện thực hóa qua một chuỗi các hành động gây hấn, vi phạm, xâm lấn vùng biển chủ quyền của nước khác.
Một khi Trung Quốc nói rằng sẽ ngừng một hành động vi phạm nào đó trên Biển Đông thì chỉ ít thời gian sau, họ lại tiếp tục có những hành động gây hấn ngang ngược hơn trước.
Ngay từ các năm 2011, 2012 Trung Quốc đã nhiều lần có hành vi cản trở và cắt cáp thăm dò khi tàu Viking 2Bình Minh 02 của Việt Nam đang tiến hành khảo sát trên Biển Đông; cho tới việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014. Đó là chưa kể tàu cá, tàu ngư chính nước này nhiều lần gây sự, đâm va và cướp phá tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa
Nguy hiểm hơn cả là từ hơn một năm nay, Trung Quốc ráo riết cho cơi nới, mở rộng 7 đảo đá ngầm trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà họ đánh chiếm từ năm 1988; 1995 và còn tuyên bố sắp xây dựng trên đó những công trình liên quan.
Luồng ý kiến cho rằng Trung Quốc đang “xuống thang” trước những chỉ trích của Mỹ và cộng đồng quốc tế về vấn đề Biển Đông, tôi nghĩ là điều không tưởng. Trừ khi, họ tuyên bố chấm dứt vĩnh viễn hành động cải tạo và xây dựng trái phép trên các đảo đó.
Hôm 17/6, hình ảnh vệ tinh cho thấy 1 tàu chiến của hải quân Trung Quốc đã neo đậu trái phép gần bãi đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa. Phải chăng, đá Chữ Thập có một vị trí đặc biệt nào đó tại nơi này mà phía Trung Quốc còn cho xây cả đường băng quân sự dài tới hơn 2000m tại đây, thưa Trung tướng? (xem thêm về Đá Chữ Thập)
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Ngoài mặt họ nói dùng vào mục đích dân sự như tìm kiếm cứu nạn và nghiên cứu khoa học hàng hải nhưng sâu xa chính là nhằm mục đích quân sự. 7 hòn đảo nổi đó sẽ thành những tiền đồn quân sự của Trung Quốc nhằm khống chế toàn bộ vùng quần đảo Trường Sa nói riêng và Biển Đông nói chung.
Nói về đá Chữ Thập, đây là một đảo đá ngầm nằm ở phía tây bắc của quần đảo Trường Sa và có vị trí chiến lược, then chốt trong toàn bộ quần đảo này. Nếu từ đất liền của ta mà muốn ra khu vực Trường Sa thôi, chứ chưa nói ra Biển Đông thì đều phải qua bãi đá Chữ Thập.
Cùng với Gạc Ma, Trung Quốc còn cho xây dựng thêm một đường băng quân sự dài hàng ngàn mét ở bãi đá Chữ Thập. Đây được coi là động thái rõ ràng rằng, họ muốn dần biến 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự có đủ sức mạnh cả về hải quân, không quân có đủ chỗ đáp cho những loại máy bay chiến lược mới của họ. Đe dọa bất cứ nước nào có ý định di chuyển vào khu vực này.
Trong chuyến công tác kéo dài 28 ngày đêm ra đảo Nam YếtSinh Tồn vào năm 1992 để nghiên cứu phương án phòng thủ, đoàn chúng tôi còn phải đi vòng tránh qua đá Chữ Thập để tránh sự theo dõi của Trung Quốc – khi ấy vẫn chỉ là một bãi đá ngầm bị nước này chiếm giữ trái phép.
Có thể khẳng định, những hành động ngang ngược mới đây của phía Trung Quốc đã “vượt quá xa tầm kiểm soát” theo tinh thần thỏa thuận chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
  'Việt Nam phải tỉnh táo hơn nữa để không bị Trung Quốc ru ngủ' - Ảnh 2

Các công trình Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên nền đảo nhân tạo ở Đá Châu Viên thuộc Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Asahi Shimbun

Ta phải “tỉnh” để không bị Trung Quốc “ru ngủ, đánh lừa”
Theo dự đoán của Trung tướng, những hành động tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ đi theo hướng như thế nào? Liệu họ có chịu sự chi phối và tác động của chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới đây?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi cho rằng, Trung Quốc là một quốc gia đã có những hành động “nói một đằng, làm một nẻo” về vấn đề Biển Đông.
Những tuyên bố mới đây từ Bộ Ngoại giao nước này cần được cộng đồng quốc tế nhìn nhận với thái độ thận trọng. Việt Nam càng phải tỉnh táo hơn nữa để không bị Trung Quốc “ru ngủ”.
Trong các điều khoản của DOC cũng như thỏa thuận chung của lãnh đạo cấp cao hai nước đã ký kết thì, Trung Quốc luôn là “kẻ bội ước” và luôn làm phức tạp thêm tình hình trước khi các tranh chấp được giải quyết.
“Với Việt Nam, Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng, vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa chỉ là tiểu cục. Phải coi trọng đại cục mối quan hệ chứ đừng vì tiểu cục mà coi nhẹ đại cục”. Luận điểm này của phía Trung Quốc theo tôi là không thực tế.
Biển Đông là không gian sinh tồn quyết định sinh tử của một quốc gia biển như Việt Nam. Vậy tại sao lại coi vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa là tiểu cục được? Đó là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Trung Quốc đã xâm phạm trắng trợn bất chấp luật pháp quốc tế. Họ làm gì có quyền cho rằng đó là “tiểu cục” của Việt Nam được!
Bản chất của Trung Quốc vẫn không đổi và những hành động tiếp theo trên Biển Đông chắc chắn sẽ còn leo thang và nguy hiểm hơn nhiều những việc làm vừa qua. Vì vậy, dù sắp tới ông Tập Cận Bình có thăm Mỹ đi nữa thì, chiến thuật “gặm nhấm, không đánh mà thắng” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của nước này.
Tất nhiên, hình thái và mức độ của nó cũng sẽ khiến Trung Quốc tính đến. Đặc biệt, là tác động của chiến lược “xoay trục” của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương cũng như phản ứng của cộng đồng quốc tế.
Vậy Trung tướng “hiến kế” gì trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trước hết, tôi rất mừng vì vấn đề này đã được các vị ĐBQH tham gia kỳ họp này quan tâm sâu sắc.
Quốc hội – Cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước cần có tuyên bố chính thức về vấn đề Biển Đông nhằm thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân cả nước.
Trung Quốc đã vi phạm bằng các hành động trắng trợn thì ta cũng phải có các hành động cụ thể. Nhưng tôi nhấn mạnh không phải sử dụng vũ lực mà bằng nhiều các hình thức khác trên thực địa.
Thứ nhất, Chính phủ cần đẩy nhanh và mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ và động viên ngư dân vươn khơi bám biển. Góp phần khẳng định chủ quyền trên biển cho Tổ quốc.
Nếu như hàng ngày, trên ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa của ta luôn có sự hiện diện của khoảng 1 – 2 triệu ngư dân Việt Nam cùng với lực lượng thực thi pháp luật như Cảnh sát biển, Kiểm ngư hay Hải quân thì các tàu Trung Quốc sẽ phải dè chừng và không dám gây sự với ta.
Thứ hai, ta cần từng bước đầu tư trên các đảo để hình thành các căn cứ hậu cần như cung ứng nguyên vật liệu, hỗ trợ thu mua thủy hải sản, hướng dẫn ngư dân tránh trú bão…
Thứ ba, phải tự chủ trong vấn đề đấu tranh và không hoàn toàn phụ thuộc vào bất kỳ nước nào. Tận dụng sức mạnh ngoại giao và pháp lý để khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình trên Biển Đông.
Một yếu tố rất quan trọng nữa là về công tác thông tin tuyên truyền. Báo chí phải định hướng dư luận bằng những thông tin khách quan, chân thực, đại diện cho tiếng nói chính nghĩa vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
Xin cảm ơn Trung tướng về cuộc trao đổi!
Tình hình Biển Đông mới nhất sẽ được báo điện tử Người đưa tin liên tục cập nhật.
Cao Tuân – Đình Tuệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét