Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG 19

(ĐC sưu tầm trên NET)

​Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời

29/06/2015 11:05 GMT+7
    TTO - Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã qua đời vào 10g15 sáng nay (29-6) tại bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) sau ba ngày nhập viện.
    Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
    Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
    Nghe lại những ca khúc nổi tiếng của cố NS Phan Huỳnh Điểu
    Người nhà nhạc sĩ cho biết ông nhập viện vào sáng thứ 26-6, sau khi được bác sĩ đến khám tại nhà và đề nghị đưa ông nhập viện.
    Trước đó ngày 23-6, nhạc sĩ có dấu hiệu không khỏe, sốt nhẹ.
    Biên tập viên - MC Quỳnh Hương cho biết, khi hay tin nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ốm, gia đình Tiếng hát mãi xanh (nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn đang là giám khảo chuyên môn của cuộc thi Tiếng hát mãi xanh 2015) đã đến nhà thăm ông vào ngày 25-6. Lúc đó, ông vẫn tỉnh táo và còn trò chuyện, hát cho cả đoàn nghe.
    Hiện thi thể nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn đang để ở bệnh viện Thống Nhất và sẽ được quàn tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng (5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM)
    Các thông tin về lễ viếng sẽ được TTO cập nhật.
    Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
    Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
    Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh 1924 tại Đà Nẵng, nhưng nguyên quán gốc của ông ở Điện Bàn, Quảng Nam. Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật . Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1940 trong nhóm Tân nhạc, ca khúc đầu tay là Trầu cau. Sáng tác nổi tiếng nhất của ông là bài Đoàn giải phóng quân.
    Sau 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, quá nửa trong số đó là các bài hát phổ thơ.
    Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Đoàn vệ quốc quân, Quê tôi ở miền Nam, Nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội kèn tí hon, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Anh ở đầu sông em cuối sông, Những ánh sao đêm, Giải phóng quân, Thuyền và biển, Ở hai đầu nỗi nhớ...
    Q.N. - C.K

    Người nước ngoài đổ xô đến Việt Nam làm nông nghiệp
    Không chỉ người Nhật thích thú với làm nông nghiệp ở Việt Nam mà ngay cả người đang sống tại các quốc gia châu Âu cũng tìm về Việt Nam để làm giàu từ trồng trọt.
    Từng có lần du lịch Việt Nam, rồi gắn bó với nông dân gần 5 năm thông qua dự án từ thiện, Shiokawa Minoru, sinh năm 1983 đến từ Nhật Bản đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm của nhà nông.
    Anh Takaya Hanaoka ăn thử rau tại vườn. Ảnh QD
    Anh Takaya Hanaoka ăn thử rau tại vườn. Ảnh QD.
    Tháng 7/2010, với diện tích khoảng 1.000 m2 thuê của người dân Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk), Shiokawa tự mình cuốc đất, bắt đầu thử nghiệm mô hình trồng rau hữu cơ, nhưng sản lượng ban đầu rất thấp, trong khi việc tiêu thụ thị trường kém hiệu quả vì giá thành cao.
    Sau một thời gian tìm hiểu và quan sát thị trường, anh nhận thấy nhu cầu sử dụng rau hữu cơ trong cộng đồng người Nhật nói riêng tại TPHCM rất cao nên quyết định kêu gọi thêm những thực tập sinh từ Nhật cùng làm.
    Đến 2011, khi mọi thứ đã bắt đầu tiến triển tốt, Shiokawa nhận đặt hàng của từng hộ gia đình rồi tự mình đứng ra vận chuyển rau do công ty vận tải không biết tiếng Nhật.
    Thời gian đầu kinh doanh, anh hầu như không có lợi nhuận, doanh thu không đủ bù vào chi phí nhưng tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ khiến chàng trai người Nhật này vẫn kiên trì gắn bó với ước mơ và lựa chọn của mình. Tới nay, anh đã mở rộng diện tích ra 5.000 m2 đất sản xuất, mỗi ngày cung ứng khoảng 100 kg rau sạch các loại đến người tiêu dùng ở Việt Nam.
    Năm 2012, sau khi được một giám đốc quỹ đầu tư người Nhật làm việc tại Việt Nam vận động và chia sẻ về vùng đất đầy tiềm năng là Lâm Đồng, hai nông dân trẻ, chủ của Công ty Lacue tại ngôi làng chuyên làm nông nghiệp Kawakami Mura có mệnh danh "Làng thần kỳ" là anh Masahito (34 tuổi) và anh Takaya Hanaoka (35 tuổi) đã quyết định tới thăm dò tìm hiểu.
    Sau khi khảo sát, hai nông dân Nhật nhanh chóng hợp tác với một doanh nghiệp địa phương lập liên doanh An Phú Lacue để trồng rau xà lách tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).
    Với cách thức canh tác nghiêm ngặt theo đúng kỹ thuật của làng Kawakami Mura, công ty đã trồng thử nghiệm 13 giống rau trên diện tích 5.000 m2, trong đó chủ lực vẫn là giống xà lách Mỹ mà người làng Kawakami Mura thường canh tác.
    Sau 70 ngày thử nghiệm, 3.000 cây xà lách Mỹ đầu tiên của công ty đã cho thu hoạch và được đưa đi chào hàng tại các siêu thị TPHCM. Đến nay, công ty đã nâng diện tích lên 4ha và canh tác chính thức chỉ 4 loại rau.
    Tuy không tiết lộ doanh thu và lợi nhuận nhưng công ty này cho biết họ đang tiêu thụ khá tốt tại các hệ thống siêu thị ở TPHCM. Dù chưa tính tới việc hợp tác sản xuất rau xà lách với nông dân Đà Lạt, nhưng theo Takaya Hanaoca, công ty sẵn sàng chuyển giao tất cả kỹ thuật và quy trình canh tác. Trong tương lai sẽ có chương trình đưa nông dân Đà Lạt tới học tập sản xuất tại làng Kawakami Mura ở Nhật.
    Không chỉ người Nhật thích thú với làm nông nghiệp ở Việt Nam mà ngay cả người đang sống tại các quốc gia châu Âu cũng tìm về Việt Nam để làm giàu từ trồng trọt.
    Điển hình là ông Nghiêm Văn Minh (quê ở Hà Nội), Việt kiều sống ở Pháp hơn 40 năm đã quyết định trở về Việt Nam để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Chọn Đà Lạt, ông mời cả chuyên gia về giống cây trồng của Pháp sang giúp nghiên cứu và định hướng kỹ thuật. Ông Minh cho hay, đến cuối 2012, ông đã thành công trong việc canh tác dâu tây cho năng suất và chất lượng cao.
    Bên cạnh thành công của dâu tây, ông Minh còn trồng thêm dưa lưới trong nhà kính. Vì đất ở Đà Lạt còn nhiễm nhiều tạp chất, ông đã trồng dưa lưới bằng giá thể đựng trong chậu. Đây là phương pháp mới thay vì trồng trực tiếp trên đất. Những vụ gieo trồng đầu tiên dưa cho trái kém chất lượng, ông không nản mà tiếp tục khắc phục bằng cách bồi bổ thêm chất dinh dưỡng.
    Tới nay, vườn dưa lưới 3.000 m2 của ông đã đi vào thu hoạch ,trọng lượng mỗi quả từ 0,35 - 0,4 kg một quả, thu hoạch tới đâu bán hết tới đó với giá 20.000 - 150.000 đồng một kg. Với 3 sào đầu tiên cho năng suất 5 tấn, ông thu được khoảng 650 triệu đồng.
    Ông Minh cho biết sắp tới sẽ liên kết với một số hộ nông dân để chuyển giao kỹ thuật gieo trồng dưa lưới giống Pháp trong giá thể, nhằm đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các đầu mối tiêu thụ.
    Ngoài những cá nhân trên, hiện nay khá nhiều công ty nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hà Lan, Thuỵ Sĩ liên tục sang Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đà Lạt để đặt mối quan hệ hợp tác trong chăn nuôi, trồng trọt.
    Trước đó đã có một đoàn chuyên gia Nhật sang thăm các ruộng cà chua tại Đà Lạt và đặt quan hệ thuê đất để mở rộng diện tích trồng cà chua xuất khẩu. Tuy nhiên, tới nay, kế hoạch này vẫn chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng.
    Theo Hồng Châu  
    VnExpress  

    'Hai lúa' chế xuồng chạy pin mặt trời

    TP - Cuối tháng này, mẫu mới chiếc xuồng chạy bằng pin mặt trời hoàn thành, khu du lịch rừng Tràm Chim (Đồng Tháp) dự kiến đưa vào sử dụng 6 chiếc. Loại xuồng này được bốn nông dân thứ thiệt chế tạo.
    Nhóm “Hai lúa” với thành quả của mình. Ảnh: Bình Minh. Nhóm “Hai lúa” với thành quả của mình. Ảnh: Bình Minh.
    Thuyền chạy bằng pin mặt trời không phải là mới lạ, nhưng chuyện bốn ông “Hai lúa” ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp là ông Huỳnh Thiện Liêm (Tư Liêm), Nguyễn Văn Dũng (Hai Kỹ), Huỳnh Văn Trăng (Trăng “đầu cá”), Thái Văn Hoàng (Hoàng “lác”) chế tạo thành công xuồng chạy năng lượng mặt trời, được du lịch địa phương đặt hàng để đưa vào khai thác chưa thấy nơi nào có.
    Suýt bị vợ đuổi khỏi nhà
    Người “đẻ” ra ý tưởng chế tạo xuồng là ông Tư Liêm. Ông bảo khi đi du lịch ở rừng Tràm Chim, tiếng máy chạy ầm ầm, chim cò bay xao xác, ngồi nói chuyện phải hét thật to. “Bất tiện quá. Tôi về nhà tìm trên mạng. Vậy là có cái để bắt tay vào làm xuồng chạy bằng pin mặt trời”, ông Tư Liêm nhớ lại.
    Mất hàng tháng trời mang ý tưởng đi nói với người này người kia, rủ tham gia. Kết quả chỉ nhận được cái lắc đầu, bị gọi là “khùng”. “Chi phí không rẻ, chưa chắc đã thành công, mạo hiểm chơi ngông như mấy ông sáng chế ở phương Tây thì bán nhà nên ai cũng lắc đầu”, ông Liêm cười.
    Một hôm, ông Liêm chợt nhớ ra còn ông Hai Kỹ cũng là thợ cơ khí có tiếng của vùng. Ngay trong đêm, ông lọ mọ đến nhà ông Hai Kỹ. Nói chưa hết câu thì Hai Kỹ gật đầu.
    Hôm sau, cả hai bắt tay vào làm ngay. Vốn dĩ là thợ lắp ráp pin năng lượng mặt trời cho bà con vùng sâu chưa có điện nên các loại thiết bị từ tấm pin, bình ắc quy đối với ông Liêm tìm mua không khó. Không bản vẽ, không mẫu thiết kế, làm đến đâu thiếu thì bổ sung đến đó.
    Được vài hôm, hai ông thấy cần thêm một ông rành về máy móc, thiết bị chạy trên sông, một ông rành về chân vịt nên rủ thêm ông Trăng, ông Hoàng. Điện thì ông Tư Liêm lo, thiết kế khung sườn máy móc có ông Hai Kỹ. Ông Hoàng “lác” thiết kế chân vịt. Vận hành chạy ngon lành có ông Trăng “đầu cá”.
    “Sai thì làm lại, làm đến khi nào ngon thì thôi. Nhưng thực tình, khi thấy tụi tui hì hục làm hàng tháng trời, lúc trên bờ, lúc ở dưới sông, bà con qua lại trong xóm ai cũng bảo là khùng”, ông Tư Liêm nhớ lại.
    Theo làm với nhóm, ông Trăng bỏ luôn việc cắt đầu cá thuê bên chợ. “Xém mấy lần bị vợ đuổi ra khỏi nhà vì không lo làm kiếm tiền nuôi con. Bà vợ bảo lo làm cái chuyện trên trời, tốn cơm tốn gạo, còn bị thiên hạ cười”, ông Trăng cười.
    Phục vụ du lịch sinh thái
    Bốn ông loay hoay chỉnh sửa, lắp ráp các mạch điện, chân vịt cho mẫu xuồng mới. Thời gian đầu, không có kinh nghiệm nên nhóm dùng mô tơ máy bơm nước, gắn vào làm động cơ cho xuồng. Mô tơ chạy bằng điện xoay chiều, tốn điện nên chạy một lúc thì hết pin. “Cái mô tơ máy bơm nước ăn điện còn hơn người ta uống bia”, ông Dũng cười khà khà. Sau thời gian dài với đống hỗn độn, bốn ông đã hoàn tất chiếc xuồng năng lượng mặt trời. Giữa trưa nắng, bốn ông hí hửng đưa thuyền ra thử. Chạy được một đoạn, chân vịt lại gãy. Lại quay về cắt, mài, chỉnh sửa, đến khi chân vịt chạy ngon lành, đạt tốc độ 15km/h với sức chứa 7 người.
    Tuy còn sơ khai nhưng xuồng vẫn vi vu trên sông trước sự thán phục của bà con trong xóm. Lúc đầu chạy xuồng lên nhà ông bạn nhậu, đến tối, khi đã “tê tê”, bốn ông ra về. Chạy được chừng mười phút, pin dự trữ hết rồi tắt ngỏm. Nhớ ra lúc nhậu, mọi người tranh thủ lấy xuồng chạy thử. Bốn ông phải ngồi bệt xuống lấy tay bơi hơn chục cây số về nhà. Ông Trăng nói: “May mà trời tối không ai thấy, chứ không họ cười cho thối mũi”.
    Bốn ông tiếp tục cải tiến, nâng cấp. Khung sườn được gia công lại để đặt những tấm pin mặt trời lớn hơn. Mua động cơ điện mạnh hơn để tăng tốc độ di chuyển. “Thuyền mới có thể chở được 9 người tính cả người lái, tốc độ tối đa có thể 25-30km/h, khi không có ánh nắng mặt trời có thể chạy được 8 giờ, phần chân vịt cũng được chế thêm bộ phận bảo vệ nên không bị quấn rác làm gãy nữa”, ông Dũng nói.
    Thành công bước đầu của nhóm đã tạo tiếng vang, được chính quyền địa phương quan tâm, nhận được một số đơn đặt hàng. Ông Đinh Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cho biết, các cơ quan, ban ngành đang làm hồ sơ để đăng ký sáng chế giải pháp hữu ích về ứng dụng xuồng du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời.
    Ông Lê Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Du lịch và giáo dục môi trường (Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), cho biết, khu du lịch sẽ đặt hàng 6 chiếc để đưa vào khai thác. “Xuồng chạy không gây ồn, không ô nhiễm môi trường, phù hợp với loại hình du lịch sinh thái, nhất là nơi có nhiều chim cò sinh sống”, ông Long nói.
    Sau khi chế tạo chiếc xuồng thử nghiệm tốn gần 70 triệu đồng, bốn ông tiếp tục nâng cấp xuồng theo mẫu mới từ đơn vị đặt hàng. Mỗi chiếc xuồng mẫu mới sẽ có giá khoảng 150 triệu đồng. Như vậy là cao khoảng 20 triệu đồng nếu so với xuồng gắn động cơ thông thường, bởi chi cho pin mặt trời cũng đã trên 20 triệu đồng/xuồng.
     

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét