Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Tư liệu về tín ngưỡng 3

 

Phật Di Lặc - biểu tượng tuyệt đối của hạnh phúc

Bạn hãy bày tượng Phật ở cung Đông Nam của phòng khách, phòng lễ tân hoặc của toàn bộ ngôi nhà để gia tăng vận may tài lộc.

Bồ Tát Di Lặc được coi là vị Phật thứ 5, vị Phật cuối cùng sẽ xuất hiện trên trái đất sau khoảng 30.000 năm nữa, thay thế Phật Thích ca Mâu Ni. Trong Phật giáo Tây Tạng, Di Lặc được thờ cúng rất rộng rãi. Ở thế giới hiện đại, hình ảnh vị Phật này hiện hữu khắp mọi nơi: cửa hàng, khách sạn, nhà riêng, chùa chiền.
Trong tranh tượng, Phật Di Lặc thường ngồi trên ngai vàng, chân bắt chéo hoặc đặt xuống sàn, với hàm ý sẵn sàng đứng dậy đi giáo hóa chúng sinh. Ở những hình ảnh ban đầu, Di Lặc được mô tả như một vị hoàng tử thanh mảnh, tuấn tú, thường mặc trang phục hoàng gia Ấn Độ.
Hình ảnh ban đầu của Phật Di Lặc.
Tại Trung Quốc, Bồ Tát Di Lặc hay được trình bày với dáng vẻ mập mạp, hiền hòa, tự tại, miệng tươi cười, bụng phơi ra, trẻ con đeo xung quanh.
Người ta tin rằng đó chính là hình ảnh của Bố Đại (tức là Hòa thượng Túi Vải), một Thiền Sư Trung Quốc ở thế kỷ thứ 10. Tương truyền, nhà sư có tướng người mập mạp, trán hẹp, bụng lớn, nói năng vô định, ngủ nghỉ tùy chỗ, thường dùng một cây gậy, quẩy một túi vải để đựng những vật người cúng dường. Ông được khâm phục vì có tài tiên tri thời tiết nắng mưa. Trước khi viên tịch, Hòa Thượng nói bài kệ:
"Di Lặc, chân Di Lặc
Phân thân trăm nghìn ức
Thường hiện cho người đời
Người đời không ai biết"
Di Lặc và trẻ em.
Di Lặc và trẻ em.
Sau khi viên tịch, người dân vẫn thấy Bố Đại mang túi vải xuất hiện ở châu khác. Tin rằng ông chính là hóa thân của Di Lặc, người đời sau thường thể hiện hình ảnh Phật Di Lặc dưới dạng một Bố Đại mập tròn vui vẻ.

Phật Di Lặc trong Phong thủy

Còn gọi là "Phật Cười", Di Lặc là biểu tượng tuyệt đối của hạnh phúc trong phong thủy. Theo truyền thuyết, niềm vui lớn nhất của vị Bồ Tát này là biến những buồn phiền, giận dữ, áp lực hay căng thẳng của con người thành hạnh phúc. Người ta tin rằng nụ cười nội tâm của Di Lặc mạnh tới mức nó luôn tỏa sáng trên khuôn mặt hiền từ và, Phật tới đâu ở đó có hạnh phúc.
Di Lặc cũng được coi là biểu tượng của sự hài hòa, niềm vui vô tư lự. Chỉ cần nhìn ngắm khuôn mặt Phật, người buồn phiền cũng có thể thấy vui lên. Xoa bụng Phật được cho là mang lại vận may và sự tốt lành.
Bụng Phật càng to, may mắn càng nhiều.
Tượng trưng cho thịnh vượng, Di Lặc thường được gắn với các biểu tượng giàu sang như đồng tiền, thỏi vàng và chiếc túi được cho là chứa rất nhiều châu báu. Đôi khi Phật cũng mang theo quả Hồ lô, biểu tượng của sức khỏe và trường thọ hoặc chiếc Gậy như ý, biểu tượng của quyền lực. Người ta thích chọn tượng Phật có khuôn mặt cười hả hê, với mong muốn nhận được nhiều niềm vui và mọi sự như ý.

Cách bài trí tranh và tượng Phật Di Lặc

Bày tượng Phật đối diện với cửa chính: nhiều nhà phong thủy khuyên nên đặt tượng Phật Di Lặc ở độ cao khoảng 1m, nhìn thẳng ra cửa nhà. Vị trí này được cho là giúp Phật biến toàn bộ khí vào nhà thành năng lượng tốt. Nếu không có được vị trí lý tưởng nói trên, hãy bày tượng ở một chiếc bàn cạnh tường hoặc ở góc xa nhất của phòng, đối mặt với cửa chính.
Đặt tranh hoặc tượng Phật ở cung Đông của ngôi nhà hay phòng khách để tạo sự hài hòa cho cả gia đình và hóa giải mọi rắc rối, cãi cọ.
Bày tượng Phật ở cung Sinh Khí của bạn để tăng vận may tài lộc, sức khỏe và thành công.

Bày tượng Phật ở cung Đông Nam của phòng khách, phòng lễ tân hoặc của toàn bộ ngôi nhà để gia tăng vận may tài lộc.
Với những người làm việc trong môi trường cạnh tranh, ví dụ người nắm giữ những vị trí chủ chốt của công ty, các chính trị gia… đặt Phật Di Lặc ở nơi làm việc hoặc tại nhà giúp mang lại may mắn và loại bớt sự thù địch. Hình ảnh của Phật cũng giúp tâm trí minh mẫn và giảm bớt căng thẳng.
Đặt tượng Phật trong xe ô tô giúp giảm bớt lo âu, tránh tai nạn và mang lại tin vui.
Bày tượng Phật ở bàn làm việc để giảm bớt căng thẳng và tranh cãi với đồng nghiệp, đồng thời giúp bạn hoàn thành công việc tốt hơn.
Học sinh muốn đạt thành tích cao có thể đặt tượng Di Lặc trên bàn học để tăng cảm hứng học tập.
Tượng Phật Di Lặc là một vật phẩm hết sức hữu hiệu giúp hóa giải Tam Bích (số 3 - sao cãi cọ). Màu vàng của tượng (đại diện cho hành Kim) sẽ tiêu diệt năng lượng Mộc của Tam Bích. Trong năm 2012, ngôi sao cãi cọ này nằm ở cung Tây Nam ngôi nhà của bạn.
Phật Di Lặc có thể là món quà lý tưởng cho bất cứ dịp vui nào. Với người đang gặp nhiều rủi ro, đây cũng là món quà hết sức ý nghĩa.
Chú ý: Không bày tượng Phật trong phòng tắm, nhà bếp, phòng ngủ hay đặt trực tiếp trên sàn nhà.
Theo Ngôi sao

Vị thần 'cai quản 2013'

Theo tín ngưỡng dân gian, mỗi năm có một vị thần minh cai quản, chăm sóc mọi sự việc của trần gian. Vị thần cai trị năm đó được gọi là Thái Tuế, ghi nhận hết những việc tốt xấu của mọi người.

> Phong thủy hiện đại


Năm âm lịch hình thành do sự phối hợp của 10 Thiên Can và 12 Địa Chi, tạo nên chu kỳ 60 năm, và do đó cũng có 60 vị Thiên Tướng thay phiên nắm giữ vị trí Thái Tuế. Vì đại đa số họ xuất thân là võ tướng nên cả 60 vị đều được gọi là Đại Tướng Quân. Phong cách và vũ khí của mỗi vị phản ánh vận trình của năm. Chẳng hạn nếu Thái Tuế cầm bút thì năm đó có những biến cố về chính trị. Thái Tuế cầm gươm hay giáo có nghĩa là cần làm việc cật lực và vượt trội trong năm đó.
Hạnh phúc, sức khỏe và may mắn của mỗi người được coi là thuộc thẩm quyền của vị Thái Tuế cai quản trong năm. Thái Tuế sẽ ghi nhận những việc làm tốt và việc làm xấu của mọi người. Niềm tin này có ý nghĩa như điều nhắc nhở con người tránh mắc sai lầm, chú ý chăm sóc sức khỏe và chuyên tâm làm việc thiện để không phải gánh chịu các nỗi bất hạnh.
Ngoài vai trò ban phước lành và là quan giám hộ cho con người, mỗi Thái Tuế được dùng để đánh dấu một năm âm lịch. Trong năm 2013, Từ Thiện Đại Tướng Quân sẽ nhận nhiệm vụ thay thế Bành Thế Đại Tướng Quân, người cai quản năm 2012.
Từ Thiện Đại Tướng Quân sinh tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, dưới triều Hán (206 TCN- 220). Ông luyện võ nghệ từ nhỏ và nổi tiếng là người dũng cảm, hào phóng, yêu nước. Khi Ban Siêu, người đã mở rộng bờ cõi Trung Quốc tới dãy núi Pamir, nhận lệnh dẫn quân lên biên ải phía Tây, Từ Thiện đã ngay lập tức tình nguyện tham gia đội quân, phò trợ vị tướng này. Cuối cùng, trận chiến thắng lợi, quân của Ban Siêu đánh bại kẻ thù và tiêu diệt hơn 1.000 quân Hung Nô.
Triều đình sau đó phong cho Từ Thiện vị trí chỉ huy quân đội. Cùng với Ban Siêu, ông đã đánh bại nhiều kẻ thù và thu phục thêm đất đai cho nhà Hán. Lòng quả cảm, đức quên mình và kinh nghiệm chiến đấu đã mang lại cho ông vị trí một trong 60 vị Thái Tuế.

Thái Tuế và Mộc tinh

Một trường phái khác, mang tính khoa học hơn, lại gắn Thái Tuế với chuyển động của sao Mộc và ảnh hưởng của nó tới trường khí của mỗi con giáp. Từ xa xưa, sao Mộc đã được các nhà chiêm tinh nghiên cứu và gọi là Tuế tinh. Do chu kỳ của Tuế tinh là gần 12 năm (11,86 năm) nên người ta đã lấy tên 12 con giáp đặt cho 12 cung của Tuế tinh. Tuế tinh rơi vào cung nào thì năm của con giáp đó bị coi là xấu do chịu ảnh hưởng mạnh của trường khí .
Do chu kỳ của Tuế tinh không đúng 12 năm nên việc tính toán Địa Chi dựa trên chuyển động của Mộc tinh tỏ ra không thuận tiện. Vì vậy người ta đã nghĩ ra một ngôi sao tưởng tượng, chuyển động theo đúng chu kỳ 12 năm, ở phương vị xung chiếu với Tuế thực, và gọi nó là Thái Tuế. Thời gian trôi đi, sao Thái Tuế biến từ một ngôi sao tưởng tượng thành một ngôi sao thực, một vị thần có quyền tối thượng, nắm trong tay Họa Phúc, Cát Hung, Thọ Yểu của nhân gian. Năm nào có Thái Tuế xuất hiện trong tính toán, hướng đối xứng với nó có Tuế thực, là hướng bị ảnh hưởng.

Phương vị của Thái Tuế trong những năm gần đây

Việc nắm bắt vị trí của Thái Tuế là rất quan trọng, giúp ta biết để tránh vô tình phạm điều kỵ là quấy rầy khu vực trị vị của vị thần này mà chuốc lấy tai họa.
Phong thủy phân biệt 8 hướng (Bắc, Nam, Đông, Tây, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam). Để tăng độ chính xác, người ta chia mỗi hướng của la bàn thành 3 sơn (mỗi sơn chiếm 15 độ), chẳng hạn Đông Bắc được chia thành 3 phần tạm gọi là Đông Bắc 1, Đông Bắc 2 và Đông Bắc 3; Nam chia thành Nam 1, Nam 2, Nam 3…


- Năm Nhâm Thìn 2012, Thái Tuế ở phương Đông Nam 1
- Năm Quý Tỵ 2013, Thái Tuệ tới Đông Nam 3
- Năm Giáp Ngọ 2014 Thái Tuế tới phương Nam
- Năm Ất Mùi 2015 Thái Tuế tới phương Tây Nam 1 và cứ tiếp tục di chuyển như vậy.
Cần lưu ý, năm ở đây được tính theo Hạ lịch (lịch nhà nông) của Trung Quốc, nghĩa là từ ngày 4/2 dương lịch của năm này tới ngày 3/2 dương lịch của năm tiếp theo.
                                                                                                                
                                                                                                                          Theo Ngôi sao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét