Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

GIAI THOẠI 2


    

             

LB: - Cũng như lòng can đảm, đức tính khiêm tốn là thứ không thể bắt chước được. Nhưng nếu lòng can đảm có thể có được nhờ bẩm sinh thì đức tính khiêm tốn (đích thực!) chỉ có thể có được nhờ thấu tỏ thân phận của kiếp sống con người và thấm thía sâu sắcđến tận duyên cớ về tình nhân ái. Không nên lầm tưởng sự khiêm tốn với những sự như tự ti, nhu nhược, nhẫn nhịn, buông xuôi..., cũng không nên lầm tưởng sự khiêm tốn là tương phản với những biểu hiện như ngạo nghễ, hãnh diện, hiên ngang, tự hào...
       - Vậy khiêm tốn là gì? Theo một từ điển: thái độ khiêm tốn là biết đánh giá cái hay của mình một cách vừa phải và dè dặt, theo từ điển khác: khiêm tốn là không tự cho mình là hơn người. Có lẽ cả hai định nghĩa ấy đều chưa "thoát". Phải thế này chăng: khiêm tốn là dù biết mình có tài năng đến mấy thì cũng vẫn tự thấy bình thường, người có đức tính khiêm tốn là người có lối sống hòa hợp với đại chúng, gần gũi, ân cần với tầng lớp bình dân, tôn trọng con người, giàu lòng vị tha nên cũng biết nhún nhường (nhưng không phải vì thế mà mất đi sự trác việt,quắc thước, sáng láng để bị tầm thường hóa đi!)?
       -Chắc rằng không có khoảng cách giữa khiêm tốn và bình dị, cho nên không thể có sự khiêm tốn không bình dị! Như vậy, sự khiêm tốn chân chính bao giờ cũng ở ngoài vòng giả tạo và hơn nữa cũng ở ngoài vòng dụ dỗ, lôi kéo của danh lợi vị kỷ. Những kẻ còn ưa đố kỵ, ganh đua, háo thắng, hám danh, tham lợi thái quá mà nói đến khiêm tốn và tỏ ra khiêm tốn thì đều là đạo đức giả!
       -Người viết ra những dòng này có khiêm tốn không? Có, nhưng... chưa đủ đâu vào với đâu cả! Quả thật, có được đức tính khiêm tốn đúng nghĩa là chuyện rất... không dễ dàng chút nào! Dân tộc Việt có một tấm gương sáng ngời về đức tính khiêm tốn, đó là lãnh tụ Hồ Chí Minh!
       - Sau đây là vài mẩu chuyện vui có hơi hướng liên quan đến sự khiêm tốn.

                                                                                                                                   TC



1- NGHỀ BUÔN NGÒI BÚT
 Một lần, đại văn hào Pháp, Victor Hugo (1802-1885) đi thăm nước Phổ. Khi đến biên giới Pháp - Phổ, một nhân viên hải quan Phổ hỏi :
- Xin cho biết ngài làm nghề gì?
- Tôi viết.
-Không, tôi muốn hỏi ngài sinh sống bằng nghề gì cơ?
Victor Hugo đáp gọn lỏn:
-Bằng ngòi bút!
Nhân viên hài quan nọ gật gù ghi vào tờ thị thực nhập cảnh: "Hugo, nhà kinh doanh ngòi bút".

2- THƯ GỬI CHO AI?
Người ta mang đến cho Victor Hugo một phong thư đề địa chỉ: "Gửi nhà thơ vĩ đại của nước Pháp".
Victor Hugo vội đánh xe ngựa đến nhà Alphonse de Lamartine (1790-1869), một nhà thơ đại tài, nhà văn và đồng thời là chính khách của nước Pháp, đưa ra bức thư và nói:
-Thưa ngài, thư này chỉ có thể là gửi cho ngài...
Lamartine không nhận và cho rằng trên phong thư đề như thế chỉ có thể là gửi cho Victor Hugo. Lịch sự "đôi co" một hồi rồi hai người cũng đi đến quyết định cùng mở phong thư xem của ai.
Bức thư bắt đầu bằng dòng chữ: "Bạn Alfred thân mến!".
Té ra đó là bức thư gửi cho Alfred Musset (1810-1857), một nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch cũng rất nổi tiếng người Pháp.

3- BÍ MẬT NHÀ NGHỀ
Có người đến hỏi Saliapin, ca sĩ nổi tiếng thế giới người Nga:
-Ngài hát quá hay! Đó là do Chúa phú cho ngài có được giọng hát hay, hay ngài có bí mật nhà nghề gì?
Saliapin mỉm cười trả lời:
-Có bí mật ấy, thưa ngài! Tôi sẽ nói, nhưng ngài đừng tiết lộ cho ai biết nữa nhé!
-Ồ, thưa ngài, đời nào tôi lại làm thế!
-Đây này: mỗi ngày tôi bỏ ra 10 tiếng đồng hồ để tập hát, tập luyến láy, lên giọng, xuống giọng, rồi sau đó còn đọc sách và đi xem người khác hát... Nói chung là phải quần quật như thế mới có được giọng hát để người nghe hài lòng.

4- ĐÁNH GIÁ TÁC PHẨM
Lep Tonxtoi (1828-1910), đại văn hào người Nga có lần gửi một truyện ngắn mà ông mới viết đến tòa soạn một tạp chí, với một bút danh khác. Sau hai tuần, Tonxtoi đến tòa soạn để hỏi về số phận truyện ngắn của mình. Một biên tập viên trẻ tiếp Tonxtoi, với một thái độ hơi thiếu lịch sự, thông báo rằng truyện ngắn của ông sẽ không được đăng.
-Vì sao, thưa ông? - Tonxtoi hỏi lại.
-Xin thưa thật với ông, khi đọc truyện ngắn của ông, tôi tin chắc người viết còn non nớt về tay nghề. Tôi chân thành khuyên ông hãy bỏ cái thích thú viết lách đi. Vào độ tuổi của ông mới bắt đầu viết văn thì đã muộn rồi...Xin lỗi, trước đây ông đã viết gì chưa?
Tonxtoi trả lời chậm rãi, giọng trầm lắng:
-Thưa ông, tôi có viết một vài tác phẩm mà người đọc đánh giá là cũng được. Chẳng hạn như "Chiến tranh và hòa bình", hay "Anna Karênina"...
Người biên tập trẻ đứng chết lặng!

5- CHỨ CÒN AI NỮA
Mac Tuên (1835-1910), nhà văn đồng thời là nhà báo nổi tiếng người Mỹ, cùng bạn ra một ga gần New- York. Hai người muốn mua vé tàu loại giường nằm nhưng hôm đó hành khách đông nghịt nên rất khó lòng. Mac Tuên cố tiếp cận người bán vé đề nghị linh động bán cho ông hai vé. "Không!", người bán vé trả lời cộc lốc.
Vốn có tính hãnh tiến nên Mac Tuên rất tức giận với lối trả lời đó. Ông phân trần với bạn:
-Tại vì anh ta chưa biết tôi là ai thôi...Nếu anh ta biết thì...
Người bạn xen ngang:
-Chắc là mua được vé rồi, đúng không?
Vừa lúc, Mac Tuên thấy người gác cổng bèn bước đến, rất lịch sự giới thiệu tên tuổi mình rồi nhờ giúp dùm cho hai vé nằm. Người gác cổng lắc đầu, bỏ đi nốt!
Đang sượng sùng trước bạn mình thì Mac Tuên chợt thấy một anh công nhân nhìn ông rất chăm chú, rồi quay sang thì thầm gì đó với người soát vé đứng cạnh, song, hai người lập tức rảo bước về phía ông... Thế là Mac Tuên và bạn được lên toa tàu có giường nằm. Khi họ đã an tọa, người soát vé nói giọng kính cẩn:
-Thưa ngài, bây giờ ngài có cần gì nữa không, chúng tôi xin sẵn sàng phục vụ ạ?
-Thôi ổn rồi, cảm ơn nhé! - Mac Tuên trả lời xong quay sang nhoẻn cười tươi rói với bạn mình.
Ngay lúc đó, anh chàng công nhân "cứu tinh" ban nãy thò mặt vào ô cửa sổ toa tàu, nói thầm thì đủ nghe:
-Thưa ngài, tôi đã nhận ngay ra ngài khi vừa mới nhìn thấy...
-Thế à? Thế tôi là ai nào? - Mac Tuên vừa vui vẻ hỏi vừa ý nhị nháy mắt với người bạn đang tỏ ra thích thú lắng nghe.
-Ngài là ngài Maclelan, thị trưởng New York chứ còn ai nữa!

(Trích trong "Tiếng cười thế giới", NXB Khoa Học Xã Hội, 1994)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét