Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 63/c (Samurai)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Chiến binh Samurai và thời kỳ huy hoàng*Phần 3
Người Nhật có nhiều nghi lễ khác biệt với các quốc gia khác, nhiều nghi lễ của họ vượt quá sức tưởng tượng của con người. Có thể nói ở Nhật Bản có một thế giới trái ngược với Châu Âu. Đối với những người phương Tây đầu tiên đặt chân đến Nhật Bản, đất nước này là một thế giới bí ẩn. Khi người Bồ Đào Nha đến nhật năm 1543, họ chứng kiến một đất nước đang chìm trong nội chiến. Trong giai đoạn hỗn loạn ấy, một chiến binh samurai xuất chúng đã xuất hiện. Lập nên một đế chế vững mạnh, kéo dài hơn 250 năm. Đây là những ký ức về một đế chế huyền bí của Nhật Bản. 

Phương pháp huấn luyện khắc nghiệt của các samurai cổ xưa

Các chiến binh của xã hội phong kiến Nhật Bản, samurai đã trở thành huyền thoại với danh tiếng về sự dũng cảm và dẻo dai trên chiến trường.
Bộ áo giáp Samurai và bí mật sức mạnh mang tên Nhật BảnNhững vũ khí độc đáo của võ sĩ Samurai
Mặc dù một số samurai là những người theo chủ nghĩa tinh hoa ưu tú, những người khác lại sống một cuộc sống khắc nghiệt với việc huấn luyện tàn bạo và điều kiện huấn luyện khắc nghiệt. Có nhiều phương pháp đào tạo samurai khác nhau, nhưng có một số nguyên lý đào tạo vẫn không đổi qua nhiều tầng lớp xã hội.
Chuẩn bị tinh thần
Phần lớn các kỷ luật của samurai bắt nguồn từ Bushido, một bộ quy tắc ứng xử tương tự với các quy tắc dành cho các đấu sĩ ở châu Âu. Mối quan tâm chính của Bushido là các nhiệm vụ: nhiệm vụ với gia đình, chủ nhân và đồng đội. Mối quan tâm thứ hai là chuẩn bị cho cái chết. Các samurai được huấn luyện có thể chết bất cứ lúc nào, do đó phải đảm bảo rằng việc làm của họ hiện tại sẽ không để lại bất kỳ tiếc nuối gì. Samurai cũng được khuyến khích ngồi thiền thường xuyên để chuẩn bị tinh thần cho sự khó khăn trong các nhiệm vụ và trong chiến tranh.

Điều kiện cơ thể
Samurai tự điều chỉnh và tập luyện sự dẻo dai về thể chất bằng cách chiến đấu với nhiều yếu tố. Thực tiễn như đứng khỏa thân trong tuyết sâu hoặc ngồi bên dưới thác nước lạnh là hai ví dụ phổ biến về thực hành tập luyện samurai. Nhiều người cũng thực hành tự nguyện đi bộ liên tục mà không ăn, uống nước hay ngủ. Ở một phạm vi cực đoan khác, uống rượu mạnh cũng là một trò tiêu khiển được yêu thích để tăng sức sống.

Tập luyện chiến đấu không vũ trang
Nhiều samurai được huấn luyện về kỹ năng chiến đấu không vũ trang, hầu hết là phong cách bujutsu và phong cách karate, judo và aikido. Samurai học chiến đấu không vũ trang để nâng cao thể chất cho bản thân và để hiểu rõ hơn về chiến đấu vũ trang. Họ cũng sử dụng các bài tập thực hành của kata kết hợp với việc ngồi thiền.

Huấn luyện vũ khí
Theo truyền thống, samurai được huấn luyện sử dụng kiếm, cung và vũ khí giống như giáo được gọi là naginata. Trong giai đoạn đỉnh cao của phong kiến, các võ sư nổi tiếng đã mở các trường học. Trong khi đào tạo, samurai sẽ sử dụng vũ khí bằng gỗ để luyện tập với nhau, sau đó là dùng những thanh kiếm sắc bén đánh vào người gỗ hoặc người rơm. Samurai cũng thường luyện tập kỹ thuật sử dụng vũ khí của họ với các nô lệ và tù nhân.
Anh Thư

5 chiến binh Samurai đại tài của Nhật Bản

Các Samurai là những chiến binh gan dạ, tài năng, dũng mãnh, có lòng quả cảm và chiến đấu hết mình vì gia tộc hay phụng sự chủ nhân. Tại Nhật Bản, Samurai chính là hình ảnh lý tưởng đại diện cho tất cả các phẩm chất mà một chiến binh cần có và hướng tới. Dưới đây là top 5 samurai nổi tiếng nhất lịch sử.
Top 10 chiến binh thiện chiến nhất thế giớiĐọ sức mạnh cắt đạn của dao cắt bơ và kiếm Samurai
1. Hojo Ujitsuna (1487-1541)
Hojo Ujitsuna là con trai của Hojo Soun, người sáng lập gia tộc Hojo kiểm soát phần lớn vùng Kanto – đảo đông dân nhất của Nhật Bản thời kỳ Sengoku (1467 – 1603). Thời kỳ này nổi bật với cuộc chiến tranh triền miên giữa các gia tộc quân sự lớn. Số mệnh Hojo Ujitsuna phải gắn liền với thời kì chiến loạn. Khi nắm được quyền kiểm soát lâu đài Edo năm 1524, một vị thế quyền lực thời trung cổ Nhật Bản, ông đã dấy lên cuộc tranh đấu lâu dài với gia tộc Uesugi.

Ông mở rộng ảnh hưởng của gia tộc mình rộng khắp cả vùng Kanto. Đến thời điểm ông qua đời vào năm 1541, gia tộc Hojo đã trở thành một trong những gia đình thống trị ở Nhật Bản.
2. Uesugi Kenshin (1530-1578)
Uesugi Kenshin là một lãnh chúa mạnh mẽ, người lãnh đạo của gia tộc Nagao trong thời kỳ chiến tranh các gia tộc. Ông được ghi nhận là một vị tướng đặc biệt với tài năng quân sự nổi trội trong các chiến dịch trên chiến trường. Mối thù của ông với lãnh chúa Takeda Shingen là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất của thời kỳ Sengoku.

Hai bên đã tiến hành chiến tranh trong hơn 14 năm, quyết đấu tay đôi nhiều lần. Kenshin chết không rõ nguyên nhân vào năm 1578, nhưng một số nhà sử học hiện nay tin rằng đó là bệnh ung thư dạ dày.
3. Shimazu Yoshihisa (1533 – 1611)
Shimazu Yoshihisa cũng là một lãnh chúa khác sống trong suốt thời kỳ Sengoku đẫm máu. Sinh năm 1533, từ khi còn trẻ, ông đã tự khẳng định mình là một vị tướng giỏi qua việc chinh phục nhiều nơi ở vùng Kyushu cùng với các anh em của mình. Thành công của ông trên chiến trường đã khiến ông nhận được lòng trung thành bền chắc tuyệt đối từ các samurai thuộc hạ, những người đã chiến đấu quyết tử cho ông trên chiến trường.
Yoshihisa lẽ ra đã là người đầu tiên đã thống nhất toàn bộ khu vực Kyushu nếu không bị phá tan sau đó bởi đội quân xâm lược lên 200.000 người của Toyotomi Hideyoshi.
4. Hattori Hanzo (1542 – 1596)
Hiện vẫn chưa có thông tin rõ ràng về xuất thân của ông, nhưng các nhà sử học tin rằng ông sinh ra vào năm 1542. Bắt đầu từ lúc 16 tuổi, cuộc sống của ông đã được chỉ định là tìm cách sống sót và chiến thắng trong các trận chiến. Hanzo là một thuộc hạ trung thành với lãnh chúa Tokugawa Ieyasu, chịu trách nhiệm bảo vệ người sau này sẽ sáng lập ra chế độ Mạc Phủ (Shogunate) cai trị Nhật Bản thời Edo trong hơn 250 năm, từ năm 1603 đến năm 1868.

Hình tượng chiến binh Samurai mạnh mẽ và trung thành của ông trở thành huyền thoại của Nhật Bản, tên của ông được khắc ở lối vào của Cung điện Hoàng Gia hiện nay.
5. Mori Motonari (1497-1571)
Mori Motonari nổi tiếng một cách ly kì sau việc kiểm soát được một số gia tộc lớn nhất Nhật Bản thời bấy giờ để trở thành một trong những lãnh chúa mạnh và đáng sợ đáng sợ nhất thời kỳ Sengoku. Ông xuất hiện bất ngờ trên chính trường và gần như ngay lập tức giành được sự tín nhiệm cao trong quân đội nhờ vào các chiến thắng đáng chú ý.

Cuối cùng quân đội của ông đã kiểm soát 10 trong số 11 tỉnh vùng Chugoku. Rất nhiều chiến thắng huyền thoại của Motonari, với đội quân lớn hơn hẳn về số lượng, khiến các chiến công của ông càng trở nên ấn tượng.
V.Đ

Bộ áo giáp Samurai và bí mật sức mạnh mang tên Nhật Bản

Thời đại Samurai ở Nhật Bản đã chính thức đi vào hồi kết từ hơn 150 năm trước. Tuy nhiên, những bộ giáp tinh vi, phức tạp của họ vẫn đang được cả thế giới chiêm ngưỡng như là biểu trưng mẫu mực của sức mạnh quân sự và phẩm chất Nhật Bản. 
Samurai là nhóm những chiến binh tinh anh được đào tạo nghiêm ngặt và có vũ trang rất tốt. Ngay cả ngựa của họ cũng có trang bị bảo hộ. Bộ giáp Samurai có vẻ đẹp bắt nguồn từ văn hóa thị giác tinh tế của người Nhật. Nó là sự hòa trộn độc nhất giữa sự hung dữ và tinh xảo, các tấm kim loại bện lẫn những dải lụa mềm.
Người chiến binh hung dữ cũng đồng thời là một quý ông lịch thiệp. Mỗi thành phần của bộ giáp đều được cá nhân hóa cho từng Samurai. Và người ta cần hàng tháng để làm xong. Tuy nhiên, sau mấy thế kỷ, chỉ còn lại một vài bộ còn được lưu giữ lại. Có thể chiêm ngưỡng chúng nguyên vẹn như hàng trăm năm trước đây, chẳng khác nào một điều kỳ diệu.

Samurai Nhật Bản trong bộ áo giáp những năm 1860.
Sự nổi lên của các Samurai 
Những yếu tố làm nên sự khác biệt của bộ áo giáp Nhật bắt đầu xuất hiện từ thế kỉ thứ 4. Nhưng nhìn chung chúng vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn từ các thiết kế của Trung Quốc và Triều Tiên.
Bộ áo giáp Nhật mà chúng ta biết ngày nay chỉ thực sự xuất hiện cùng với sự trỗi dậy của tầng lớp Samurai, khoảng thế kỉ thứ 8. Lúc đó quân đội hoàng gia Nhật Bản chỉ có nguồn gốc từ các nông dân bị bắt đi lính.
Cách làm này không tạo ra được một đội quân có sức mạnh. Các phái ly khai, các lãnh địa độc lập và cả những nhóm trung lập, đều có thể đe dọa đến sự ổn định của đế quốc, cũng như sự an toàn của dân thường.
Không thể trông cậy vào sự bảo vệ của đội quân như vậy, các lãnh chúa và chủ đất đều tự tuyển mộ các chiến binh của mình, nếu có đủ khả năng.

Ảnh minh họa
Lực lượng này được tổ chức bởi các thị tộc địa phương, về cơ bản là lực lượng bảo vệ tư nhân, quy mô nhỏ, sở hữu kỹ năng cưỡi ngựa và bắn cung cực tốt. Mặc dù vẫn có sự cạnh tranh, nhưng họ nhanh nhóng nhìn thấy sức mạnh nếu được liên kết lại.
Từ “Samurai” có nguồn gốc từ một tiếng Nhật cổ mang ý nghĩa “phục vụ, phụng sự”. Cùng với thời gian, quyền lực của nhà vua yếu dần và sức mạnh của tầng lớp võ sĩ quý tộc tăng lên. Từ thế kỉ 12, những Samurai làm việc cho các Shogun chính là tầng lớp thống trị ở Nhật Bản.
Bộ giáp của Samurai 
Samurai không có một cuộc sống dễ dàng. Các cuộc chiến khốc liệt trải dài hầu như toàn bộ lịch sử 700 năm của chế độ quân sự Nhật Bản. Tính chất của các cuộc chiến cũng thay đổi không ngừng.
Các cung thủ trên lưng ngựa dần nhường chỗ cho các kiểm thủ, rồi đến lượt các kiếm thủ bị thay thế bởi các chiến binh dùng súng, được nhập khẩu từ Châu Âu hoặc Trung Quốc. Có rất nhiều biến thể khác nhau của các chiến dịch quân sự, đòi hỏi bộ giáp phải đủ linh hoạt và chắc chắn.
Những cố gắng chế tạo ra một bộ giáp đa năng hoàn hảo dẫn đến sự phát triển của lớp giáp đặc trưng kiểu Nhật. Samurai được bọc từ đầu đến chân bằng rất nhiều tầng bảo vệ làm từ sắt, da, các kim loại quý và cả lụa.

Samurai và bộ trang bị áo giáp, vũ khí với đầy đủ vật dụng những năm 1880.
Một bộ đồ Samurai điển hình bao gồm: Bảo vệ vai, cẳng chân, bao tay, tấm bảo vệ đùi, ngực, hông, cùng với mũ, bao tay, mặt nạ, giày, và trong cùng là lớp lót lụa.
Cùng với đó là rất nhiều phụ kiện thiết yếu như là 2 thanh kiếm, 1 cây cung dài cùng bao đựng tên, một bộ mũ, gậy, áo choàng chống lửa, một cái quạt gấp lớn vẽ biểu tượng mặt trời mọc. Mặc dù vậy, tất cả chúng chỉ nặng khoảng 18 kg, so với bộ đồ nặng 27 kg của các kỵ sĩ Châu Âu.
Bushido – Tinh thần võ sĩ đạo
Sự trỗi dậy của tầng lớp Samurai đã hình thành một bộ quy tắc đạo đức được gọi là “Tinh hần võ sĩ đạo”, gần tương tự như quy tắc Hiệp sĩ ở Châu Âu. Bushido chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi Nho Giáo và Phật Giáo, nó chỉ cho các chiến binh các nguyên tắc sống và cả cách thức để chết.
Khi sống, Samurai phải biểu lộ sự trung thành, kỉ luật, nghiêm khắc, có nhận thức về tính mong manh hư ảo của cuộc sống. Bởi vậy, tầng lớp quân sự tinh hoa này được đào tạo không chỉ về võ thuật, mà cả về văn hóa và nghệ thuật, như trà đạo, kịch Noh, vẽ…
Chỗ ở của các Samurai cao cấp được trang trí bằng các hình vẽ chim ưng, sư tử và hổ. Họ sưu tầm và trưng bày các đồ đạc có giá trị như đồ gốm, sơn mài và vật dụng kim loại, quần áo của họ làm bằng những loại lụa hảo hạng nhất.
Các chiến binh Samurai mang theo những cảm xúc tinh tế này vào các trận chiến. Đó chính là sự giao thoa của bản chất dũng mãnh và tinh mĩ của “tinh thần võ sĩ đạo”, là cơ sở hình thành thiết kế độc đáo của bộ giáp Samurai.
Mục đích đầu tiên của thiết kế để biểu đạt về lòng trung thành. Tiếp đó phải tạo gây ra sự sợ hãi từ trong tâm của kẻ thù. Cuối cùng thiết kế phải đẹp và ấn tượng.

Chi tiết của loại áo giáp Yokohagido vào khoảng giữa thời Edo. Samurai mặc chiếc áo giáp này thuộc về gia tộc Ikeda.
Theo nguyên tắc võ sĩ đạo, người chiến binh chỉ có một cách chết xứng đáng, đó là chết trong chiến đấu. Họ coi tự sát tốt hơn là mất danh dự. Vì lẽ đó, rất nhiều Samurai mong muốn được khi chết sẽ được thiêu cùng với bộ giáp họ mặc khi chiến đấu. Vì vậy chúng nhất thiết cần có vẻ đẹp tráng lệ ấn tượng.
Trong bài viết đánh giá về cuộc triển lãm số lượng lớn các bộ giáp từ thời kì Edo, Tác giả Meher MacArthur đã giải thích về các lựa chọn thường dùng để thiết kế giáp cho Samurai:
Phần lớn cơ thể Samurai được bao phủ bởi hàng trăm miếng vảy sắt được liên kết bằng da và dây lụa, phỏng theo da của rắn hoặc rồng. Thông thường các miếng sắt chỉ giới hạn trong màu xanh tối và nâu, nhưng các lãnh chúa có nhiều tài nguyên và thiên hướng yêu thích kịch thường thích màu đỏ máu hoặc có thể dát vàng. 
Giáp che ngực, đầu và mặt phải đủ chắc chắn để chống lại kiếm, tên hay thậm chí chống được đạn từ súng hỏa mai Châu Âu. Chúng có thể được sắp xếp để có vẻ đẹp lộng lẫy trong hình dáng kì quái, dữ tợn của quỷ hoặc của thần bảo hộ. Chúng có màu nền trung tính tạo cơ sở để khảm vàng như hình Rồng và các thiết kế khác. (McArthur, 2014)”.
Phần quan trọng nhất trong bộ giáp Samurai

Triển lãm giáp mũ Samurai ở bảo tàng Stockholm (Thuỵ Điển)
Đó chính là mũ bảo vệ và mặt nạ, bởi đó là cách đe dọa kẻ thù nhanh chóng và hiệu quả. Hơn nữa, binh sĩ chết trận có thể bị kẻ thù lấy cắt lấy đầu để dùng như là một biểu tượng của chiến thắng.
Mặt nạ được tạo hình dữ tợn như mặt quỷ hoặc thần núi. Nó thường được làm từ sắt, trang trí thêm bằng lông thú, sừng tê giác và sơn mài. Mũ là phần trung tâm của thiết kế bộ giáp, được hợp thành từ nhiều phần, làm từ kim loại, trang trí bằng gạc, sừng, lông thú, lông vũ, vàng, sơn mài và thậm chí cả giấy gấp.
Trang sức của bộ giáp được chọn đôi khi chỉ đơn giản là biểu tượng của gia đình hay thị tộc, như hoa cúc hay hình trăng lưỡi liềm. Một số khác dùng các hình ảnh dữ tợn như hình rồng, sư tử hoặc chim săn mồi. Hoặc có bộ giáp gắn với các biểu tượng tôn giáo, như hình Bồ tát hay nữ thần bảo trợ.
Đến thế kỉ thứ 18, các tướng quân Shogun đã có thể mang lại hòa bình cho Nhật Bản. Không còn nhiều công việc cho các Samurai, họ có thể trở thành viên chức chính phủ, hoặc được thuê theo yêu cầu (như trong bộ phim “7 võ sĩ đạo”).
Tuy nhiên các bộ giáp vẫn được chế tạo để dùng trong các lễ hội hay biểu thị cho sự giàu có của gia đình. Chúng được giữ đến ngày nay, nhiều hơn so với các bộ được làm từ thế kỉ 12. Dù vậy, những bộ áo giáp cổ vẫn xứng đáng là những kiệt tác đáng để hậu thế chiêm ngưỡng.
Theo Daikynguyen

Chuyện về nữ tướng samurai xinh đẹp

Sở hữu một vẻ ngoài xinh đẹp, tha thướt song Tomoe lại là một trong số ít những phụ nữ của Nhật Bản xưa trở thành samurai.

Samurai có gốc từ chữ “saburau” - nghĩa là người coi sóc, bảo vệ, phục vụ nhưng mang tính chất quyền quý. Các nhà sử học tin rằng hình ảnh samurai nguyên bản bắt nguồn từ các kỵ binh, bộ binh và cung binh ở Nhật vào thế kỷ thứ VI.
Sau những thất bại quân sự trước liên minh Đại Đường và Tân La, Nhật Bản phải thực thi hàng loạt các cuộc cải cách có tính chất và quy mô rộng rãi. Một trong các cuộc cải cách quan trọng là cuộc cải cách Taika của Thiên hoàng Thiên Trí vào năm 646.
Cuộc cải cách này đã đưa văn hóa tập tục của người Trung Quốc vào tầng lớp quý tộc Nhật và áp dụng chế độ chính quyền của Trung Quốc vào bộ máy quan liêu của Nhật. Một điều khoản trong bộ luật Yōrō và sau đó là bộ luật Taihō vào năm 702 yêu cầu dân chúng phải đều đặn đi tường trình nhằm phục vụ cho việc điều tra dân số.
Đây là điềm báo trước sẽ diễn ra một cuộc cưỡng bách tòng quân trên khắp đất nước. Thiên hoàng Mommu đã ban hành một điều luật mà theo đó, cứ ba đến bốn người đàn ông trưởng thành thì có một người bị sung vào quân đội quốc gia. Quân đội yêu cầu mỗi người lính tự chế tạo hay mua lấy vũ khí cho riêng họ, nhưng bù lại họ sẽ được miễn thuế và trách nhiệm công dân.
Đầu thời Heian vào khoảng cuối thế kỷ thứ VIII, đầu thế kỷ thứ IX, với tham vọng bành trướng lãnh thổ về phía bắc Honshū để củng cố quyền lực, Thiên hoàng Kammu đã cho quân đến đàn áp phiến quân Emishi. Tuy nhiên, đội quân của thiên hoàng đã thất thủ do thiếu kỷ luật và ý chí chiến đấu.
Do đó, Thiên hoàng Kammu bắt đầu dựa dẫm vào các thế lực địa phương, chiêu dụ họ, phong cho chức Seiitaishogun hay còn gọi tắt là shogun (tướng quân). Với đội quân tinh thông về cưỡi ngựa và bắn cung, các thế lực này trở thành công cụ đắc lực để đàn áp quân nổi loạn cho thiên hoàng.
Dù các võ sĩ này ít nhiều đều được học hành nhưng vào thời điểm lúc bấy giờ trong mắt triều đình Thiên hoàng họ chỉ là những võ phu thô lỗ thất học không hơn không kém. Cuối cùng, Thiên hoàng Kammu đã giải tán quân đội triều đình. Cũng từ đó thế lực của Thiên hoàng từng bước một suy sụp.
Trong khi Thiên hoàng vẫn còn cai trị, các thị tộc ở Kyoto đã nắm trong tay một số chức vụ quan trọng như bộ trưởng còn những người thân của họ dùng tiền mua lấy các chức quan trong tòa án. Để vơ vét của cải làm giàu và trả nợ cho mình, các quan tòa này thường xuyên đánh thuế nặng nề, khiến cho nhiều nhà nông mất hết ruộng đất.
Trước sự đe dọa của nạn trộm cướp ngày càng tăng, các thị tộc bắt đầu tuyển mộ những người tha hương trên vùng đồng bằng Kanto, huấn luyện họ kỹ càng về võ thuật và đào tạo họ trở thành đội ngũ lính canh rất thiện chiến. Một số người có nhiệm vụ hộ tống các quan thu thuế.
Sự hiện diện của họ thôi cũng đủ cho vị quan thu thuế này an toàn trước bọn trộm cướp. Những người này bắt đầu được gọi là những “Samurai” hay những thị vệ có vũ trang. Sau đó, lực lượng đầy tớ này nhanh chóng trở thành một thế lực vũ trang độc quyền. Thông qua những hợp đồng bảo vệ và các cuộc hôn nhân vì mục đích chính trị, họ dần dần giành được thế lực trong giới chính trị. Cuối cùng, lực lượng này còn qua mặt cả giai cấp quý tộc truyền thống.
Tranh vẽ nữ tướng Tomoe Gozen.
Sau thế kỷ XI, người ta kính trọng các samurai là người có học thức, giáo dục và “văn võ song toàn” hay “bút và kiếm là một”. Tên gọi ban đầu của các chiến binh là “Uruwashii” - nghĩa là một chữ kanji bao gồm ý nghĩa “văn chương” và “nghệ thuật quân sự”. Điều này đã được nhắc đến trong tác phẩm Heike Monogatari xuất hiện vào cuối thế kỷ XII.
Heike Monogatari kể về cái chết của Taira no Tadanori, vị kiếm khách và nhà thơ kiệt xuất trong truyền thuyết như thế này: “Dù là bạn hay kẻ thù, ai cũng phải nhỏ lệ nơi tay áo tiếc thương cho ông mà thốt lên rằng: 'Tiếc thay! Tadanori là một vị tướng vĩ đại, tinh thông cả kiếm thuật và văn thơ, có thể nói là văn võ song toàn”.
Một nhà văn sau này đã nhận định rằng: “Mỗi người lính trong tác phẩm Heike Monogatari đều là chân dung tiêu biểu của các chiến binh có học thức của thế hệ sau này và hình tượng lý tưởng của họ không phải là quá xa để vươn tới.
Vì vậy, đây là cái đích mà các chiến binh cấp cao trong xã hội luôn đeo đuổi, được xem là hình ảnh đặc trưng của tầng lớp quân nhân Nhật Bản. Với Heike Monogatari, hình ảnh người chiến binh Nhật Bản trong văn học đã được phát triển đến mức hoàn thiện”.
Từ việc chỉ là tay sai của các lãnh chúa và các dòng họ quý tộc, các chiến binh này dần dần từng bước giành lấy quyền lực để lật đổ tầng lớp thống trị và lập ra chính quyền thống trị Samurai đầu tiên trong lịch sử. Khi các quý tộc địa phương đã chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, lương thực, khí giới, họ liên minh với nhau với một tổ chức có phân cấp bậc, địa vị rõ ràng, đứng đầu là toryo (thủ lĩnh).
Người thủ lĩnh này đặc biệt phải là họ hàng xa của Thiên hoàng hay ít nhất cũng thuộc một trong ba dòng họ quý tộc là Fujiwara, Minamoto và Taira. Ban đầu các thủ lĩnh được triều đình phong làm quan phủ ở các tỉnh lỵ trong thời hạn bốn năm.
Nhưng sau khi mãn nhiệm kỳ các thủ lĩnh chẳng những không quay về kinh đô mà còn đem chức quan đó ra làm một thứ tài sản thừa kế cho thế hệ sau (theo kiểu cha truyền con nối) để tiếp tục lãnh đạo quý tộc địa phương đàn áp các cuộc nổi loạn trên khắp nước Nhật vào khoảng giữa và cuối thời Heian.
Nhờ binh lực hùng mạnh và tài lực vững chắc, đội quân của các quý tộc sau cùng đã trở thành một thế lực quân đội mới của triều đình. Quyền lực của họ đã được củng cố vững chắc sau cuộc nổi loạn Hōgen vào cuối thời Heian. Và cũng từ đó mà dẫn đến hậu quả là sự đối đầu của hai gia tộc thù địch nhau Minamoto và Taira trong cuộc nổi dậy Heiji vào năm 1160.
Sau nhiều chiến thắng vang dội, tướng Taira no Kiyomori trở thành chiến binh đầu tiên vươn tới chức thiên hoàng quân sư, thậm chí nắm trong tay chính quyền trung ương. Ông đã lập ra chính quyền thống trị samurai đầu tiên và biến Thiên hoàng thành một đấng quân vương bù nhìn.
Dù vậy, dòng họ Taira vẫn tỏ ra khoan hòa, thận trọng trong quan hệ với dòng họ Minamoto. Thay vì mở rộng và củng cố quân đội của mình, dòng họ Taira đã áp dụng chiêu “mỹ nhân kế”, tức là đưa những phụ nữ trong gia tộc tiến cung và lợi dụng họ giành lấy quyền hành từ tay thiên hoàng. Hai dòng họ Taira và Minamoto lại tiếp tục đối đầu nhau vào năm 1180 với chiến tranh Genpei và kéo dài đến năm 1185.
Chiến thắng của Minamoto no Yoritomo đã cho thấy sự thất bại của quý tộc trước các chiến binh samurai. Năm 1190, Yoritomo đến Kyoto và đến năm 1192 thì trở thành Seii Taishogun. Ông thành lập chế độ Mạc phủ Kamakura. Mạc phủ Kamakura dời đô từ Kyoto về Kamakura, gần căn cứ quân đội của ông.
Bakufu có nghĩa là “chính quyền lều trại”, bởi hiện thời chính quyền mang tính chất là chính quyền quân sự và quân đội đều sống trong các khu lều trại. Thời gian qua đi, dòng dõi samurai trở thành các chiến binh quý tộc (buke), trên danh nghĩa chỉ thuộc quyền cai quản của quý tộc triều đình.
Khi các samurai bắt đầu học các thú tiêu khiển theo kiểu quý tộc như thư đạo, thi ca... thì các nhà quý tộc, ngược lại, bắt đầu sống theo kiểu samurai. Trải qua hàng loạt mưu đồ và những thời đại trị vì ngắn ngủi của các vị hoàng đế khác nhau, quyền lực thật sự giờ đây nằm trong tay các shogun và các samurai.
Phần lớn Samurai (trong thời kỳ Edo) gắn liền với quy tắc danh dự gọi là võ sĩ đạo và luôn là những người làm gương cho cấp dưới. Một phần đáng chú ý của quy tắc võ sĩ đạo là luật tự mổ bụng hay còn gọi là hara-kiri. Quy tắc này cho phép một samurai bị hạ nhục phục hồi danh dự cho mình bằng cái chết.
Tuy nhiên, quy tắc Võ sĩ đạo được viết ra trong thời bình và đã không phản ánh trung thực tính chất chiến binh của một Samurai. Trong khi vẫn tồn tại những cách hành xử của samurai mang tính chất huyền thoại, những nghiên cứu về Võ gậy Nhật Bản và Võ đạo Nhật Bản đã cho thấy trên chiến trường, samurai cũng là những chiến binh như bao chiến binh khác.
Mặc dù được gắn với quy tắc Võ sĩ đạo, trên thực tế, samurai vẫn có những người không trung thành, phản bội hèn nhát hoặc dũng cảm, quá trung thành. Samurai thường trung thành đối với cấp trên trực tiếp của họ, những người sẽ gắn liền lòng trung thành với những lãnh chúa cao hơn.
Sự trung thành với lãnh chúa cao hơn thường thay đổi. Ví dụ như, những lãnh chúa cấp cao dưới quyền Toyotomi Hideyoshi được phục vụ bởi những samurai trung thành. Nhưng một số lãnh chúa phong kiến có thể chuyển sự ủng hộ qua Tokugawa, mang theo những samurai trung thành với họ.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp samurai sẽ bất trung với lãnh chúa hoặc đại lãnh chúa, khi lòng trung thành đối với Thiên Hoàng cao cả hơn. Một khả năng huyền thoại của samurai là song đấu tâm lý - một kỹ thuật tâm lý để kiểm tra sức mạnh tinh thần của kẻ địch mà không phải đánh nhau.
Hai người tham chiến (phải cùng là samurai, hoặc ở đẳng cấp ngang nhau) nhìn chằm vào nhau, không chớp mắt trong yên lặng, không cử động cơ thể, cho đến khi một trong hai phải thất bại (mặc dù cũng có những câu chuyện, tuy rất hiếm là cả hai cùng thất bại một lúc).
Nữ samurai hiếm hoi thành nữ tướng oai hùng
Samurai vốn được dùng để nói đến những nam võ sĩ. Tuy nhiên, trong lịch sử Nhật Bản cũng đã xuất hiện nữ samurai nữ và đặc biệt, tên tuổi của họ đã được lưu danh sử sách với những chiến công lớn. Trong những nữ samurai ở xứ sở mặt trời mọc phải kết đến nữ tướng Tomoe Gozen - vợ của tướng quân Minamoto No Yoshinaka thuộc triều đại Heian, thế kỷ XII. Từ Gozen luôn đính kèm sau tên bà không phải là họ mà là một cách dùng kính ngữ, một từ dùng để tôn xưng những người phụ nữ có vị thế cao trong xã hội.
Theo sách sử, Tomoe Gozen là một người phụ nữ có vẻ đẹp thanh tú với làn da trắng và suối tóc đen dày, sống vào khoảng cuối thế kỉ XII, đầu thế kỉ XIII. Sở hữu một vẻ ngoài xinh đẹp, tha thướt song Tomoe lại là một trong số ít những phụ nữ của Nhật Bản xưa trở thành Samurai. Truyện kể Heike cho biết, Gozen là một nữ cung thủ với tay gươm đầy sức mạnh và có phần vượt trội so với nam giới.
Ngoài ra, bà còn là một kỵ sĩ gan dạ mà không có một con ngựa chứng nào hay một địa hình gồ ghề nào có thể làm bà chùn bước và kỹ năng kiếm thuật cùng cung thuật của bà cũng rất cao siêu.
Nhiều lần bà xông pha chiến trận, tả xung hữu đột, đánh bại nhiều danh tướng dày dạn trận mạt, do đó trong trận chiến cuối cùng, khi tất cả những chiến binh khác đã bị giết hoặc bỏ chạy, Tomoe trên chiến mã của mình vẫn còn trụ lại trận địa cùng sáu người khác.
Sách sử ghi lại rằng, bà luôn xuất hiện với dáng vẻ thật gan dạ phi thường và võ thuật tinh anh, là cánh tay phải đắc lực để hỗ trợ bên cạnh các trận chiến của chồng mình: “Tomoe đặc biệt xinh đẹp,với làn da trắng, mái tóc dài vô cùng quyến rũ. Cô cũng là một cung thủ vô cùng mạnh mẽ, là kiếm sĩ giỏi và là một chiến binh sẵn sàng đối đầu với những con quỷ.
Cô xử lý ngựa không chùn tay với các kỹ năng tuyệt vời. Bất cứ khi nào có một trận chiến sắp xảy ra, thì Yoshinaka (chồng của Tomoe) đều cử cô là đội trưởng đầu tiên của mình. Cô ấy khoác lên mình bộ áo giáp mạnh mẽ, thanh kiếm lớn và một cây cung hùng mạnh.
Cô đã có những hành động dũng cảm hơn bất kỳ các chiến binh nào khác…”. Tomoe Gozen đã trải qua chiến tranh Genpei, cuộc chiến đầu tiên nổ ra giữa các dòng họ samurai. Trong một trận đánh, bà chặt đầu một samurai đối thủ - kì tích mà ít người làm được.
Sử sách chép lại câu chuyện về trận chiến oai hùng của Tomoe rằng: “Bây giờ họ đã tổn thất nặng nề nhưng trong số những người sống sót, Tomoe vẫn giữ vững trận địa của mình. Kiso (em họ của chồng Tomoe cũng là kẻ thù của chồng Tomoe) cảm phục trước sự dũng cảm của vị nữ tướng xinh đẹp, ông đã muốn tha mạng cho cô.
Vì ngươi là phụ nữ, tốt hơn bây giờ ngươi hãy tìm đường trốn thoát. Ta đã sẵn sàng để chết bởi tay kẻ thù hay do chính tay ta, nhưng Kiso Yoshinaka sẽ nhục nhã đến thế nào nếu trong trận chiến cuối cùng, ta chết cùng một phụ nữ?
Tuy nhiên, mặc cho những lời mạnh mẽ đó, Tomoe vẫn không từ bỏ, với một tinh thần chiến đấu ngoan cường, cô trả lời: “A, với những chiến binh dũng cảm chiến đấu cùng ta, ngài Kiso có lẽ sẽ thấy cái chết của ta vinh quang đến thế nào!”. Tomoe thu hút kẻ thù sang một phía và chờ đợi.
Lúc đó, Onda no Hachiro Moroshige của Mushashi, một samurai dũng cảm và khỏe mạnh, cưỡi ngựa tiến về phía cô cùng ba mươi cận vệ. Không chút do dự, Tomoe lập tức lao thẳng vào đội hình kẻ thù, nhảy bổ lên người của Onda và vật lộn với hắn, kéo hắn xuống ngựa. Sau đó cô giữ chắc đầu Onda bên yên ngựa và cắt đầu hắn. Sau khi lấy được thủ cấp Onda, Tomoe cới bỏ áo giáp và cưỡi ngựa về các thị trấn phía đông”.
Có những phiên bản khác nhau về cuộc đời của Tomoe sau trận đánh cuối cùng của mình. Có chuyện kể lại rằng, sau trận đánh Awazu vào năm 1184, Tomoe đã giết chết Uchida Ieyoshi rồi từ bỏ thanh kiếm của mình. Nhưng cũng có câu chuyện lể rằng Tomoe đã bị đánh bại bởi Wada Yoshimori và phải trở thành vợ của samurai này. Sau khi Wada qua đời, Tomoe đã trở thành một nữ tu ở Echizen. Chính những câu chuyện khác nhau này khiến cho sự thật về Tomoe càng trở nên bí hiểm hơn.
Ngày nay, người dân ở Kyoto vẫn lưu truyền các điển tích qua những vở kịch về Tomoe tại các lễ hội truyền thống ở địa phương. Độc đáo ở chỗ, người đóng vai vị chiến binh nữ quả cảm này lại thường là các geisha danh tiếng tại vùng đất Kyoto, vốn nổi danh nhất đất Phù Tang bởi truyền thống phát triển và lưu truyền nghiệp Geisha của mình.
Hình ảnh của nữ tướng Tomoe cũng trở thành nguyên mẫu cho rất nhiều các tác phẩm thuộc các bộ môn nghệ thuật khác nhau. Trong các tác phẩm văn học, thơ, kịch cũng như truyện tranh của Nhật Bản, hình ảnh của nữ tướng Tomoe luôn xuất hiện với dáng vẻ cuốn hút đặc biệt.
Đó là bởi Tomoe đã kết hợp được vẻ duyên dáng của phụ nữ với sự anh dũng phi thường của một samurai nữ mang trong mình sứ mệnh bảo vệ, vốn chỉ thuộc về phái nam. Cũng chính bởi vậy, khi đứng bên cạnh những chiến binh Samurai oai dũng, Tomoe và những Samurai hiếm hoi nữ của xứ sở mặt trời mọc vẫn tiếp tục là những huyền thoại bí ẩn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét