Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 217

(ĐC sưu tầm trên NET)

Pascal Beno - Bậc thầy hoá trang của tình báo Pháp

VietnamDefence - Năm nay 68 tuổi, nhưng Pascal Beno vẫn còn minh mẫn và tài hoa khi vẽ những bức tranh sinh động tại xưởng vẽ của mình ở thành phố Strasbourg, miền Bắc nước Pháp.

Pascal Beno

Nhiều người vẫn tưởng rằng ông là một họa sĩ thực thụ, nhưng mấy ai biết rằng ông từng là bậc thầy hóa trang của Cơ quan Tình báo hải ngoại Pháp (DGSE).
Ông chính là người đã từng dùng dao, kéo, cao su nhân tạo, tóc giả... để hóa trang cho các điệp viên DGSE khi thi hành nhiệm vụ.
Ông ra đời tại miền Nam Bordeaux ngày 21/10/1940, vào đúng thời gian mà nước Pháp bị Đức Quốc xã xâm chiếm. Năm 14 tuổi, Beno cùng gia đình chuyển đến sinh sống tại thành phố Toulouse là nơi mà sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Paris, ông được nhận vào làm việc tại Phòng Thiết kế máy bay chiến đấu và vũ khí của Hãng chế tạo máy bay Dassault. Đôi tay tài hoa của ông không chỉ tạo dáng kỹ thuật cho các kiểu máy bay chiến đấu, những tên lửa của Hãng Dassault mà còn khiến Cơ quan Tình báo SDECE (tiền thân của DGSE) phải chú ý.
Năm 1965, ông chính thức được SDECE tuyển dụng và được phân công làm việc tại Ban Kỹ thuật. Đây là một bộ phận đặc biệt của SDECE có nhiệm vụ thay đổi nhân dạng cho điệp viên. Không chỉ có hóa trang mà Ban Kỹ thuật còn có nhiệm vụ làm giấy tờ, tài liệu giả các loại để trang bị cho điệp viên một lý lịch thật phù hợp với nhiệm vụ phải thi hành của mình. Chính đôi tay tài hoa cộng với trí sáng tạo phong phú của Beno đã tạo ra những doanh nhân, nhà nghiên cứu, những tay ăn chơi, những nghệ sĩ, cả người Pháp và người bản địa là những điệp viên SDECE đội lốt khi thi hành nhiệm vụ.
Vào những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, do muốn tranh giành ảnh hưởng với Mỹ, Anh và Liên Xô tại hai khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Pháp đã triển khai nhiều điệp vụ để đặt nền tảng cho các hoạt động ngoại giao sau đó. Beno được lệnh đến các quốc gia tại hai khu vực này như Liban, Iraq, Iran, Syrie, Jordanie, Israel, Ai Cập, Tunisie, Maroc và Algérie để điều nghiên tình hình chính trị, xã hội làm cơ sở không chỉ để làm giấy tờ, tài liệu giả mà còn sắm vai, thay đổi nhân dạng, hóa trang cho các điệp viên SDECE được giao nhiệm vụ đến hoạt động tại các nơi này. Beno còn được toàn quyền chọn những phương án thích hợp để giải cứu cho các điệp viên gặp nguy hiểm khi thi hành nhiệm vụ trên lãnh thổ đối phương.
TT Georges Pompidou, với gương mặt đã được hoá trang
bởi Beno, cùng TT Richard Nixon tại sân bay Reykjavik
vào tháng 6/1973.
Vào tháng 5/1972, một điệp viên SDECE khi thi hành nhiệm vụ  tại Trung Đông dưới lốt một lái buôn người Bédouin đã bị nhà chức trách địa phương bắt giữ tại một khu vực sát biên giới Syrie-Liban. Để giải cứu điệp viên này, Beno được lệnh dẫn một toán nhân viên của Ban Kỹ thuật đến thủ đô Beirut của Liban, hóa trang và cải trang thành những người đứng đầu một bộ tộc người Bédouin. Nhóm điệp viên cải trang của SDECE do Beno chỉ huy đã gây áp lực và cả dùng tiền để hối lộ cho các viên chức cảnh sát có liên quan đến vụ bắt giữ để điệp viên SDECE được trả tự do. Điệp vụ hoàn thành, không chỉ Beno mà cả Ban Kỹ thuật đã được đích thân Tổng thống Pháp Georges Pompidou khen thưởng tại Điện Élysées.
Một thành tích đáng nể khác của Beno là được yêu cầu hóa trang cho Tổng thống Georges Pompidou để chuẩn bị tham dự cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Richard Nixon tại thủ đô Reykjavik của Iceland vào tháng 6/1973. Tổng thống Pompidou vào thời kỳ đó đang mắc một chứng bệnh liên quan đến máu có tên gọi bệnh Kahler mà việc sử dụng dược phẩm có chứa chất corticoid đã khiến gương mặt ông có phần hơi biến dạng. Chính phủ Pháp quyết định phải hóa trang gương mặt của Tổng thống Pompidou thành gương mặt của một người bình thường, khỏe mạnh khi ông tham gia cuộc họp thượng đỉnh tại thủ đô Reykjavik vào hai ngày 1 và 2/6/1973.
Nhiệm vụ khó khăn này được chính Thủ tướng Pháp lúc đó là Pierre Messmer giao cho Beno. Với sự khéo léo và đôi tay tài hoa, Beno đã biến gương mặt biến dạng vì bệnh tật của Tổng thống Pompidou thành gương mặt của một người bình thường tràn đầy sức sống. Việc hóa trang gương mặt của Tổng thống Pompidou còn đánh lừa cả nhận định trước đó của tình báo Mỹ về tình hình bệnh tật của Tổng thống Pháp và là cơ sở để Tổng thống Nixon đưa ra những đề nghị có tính cách gây sức ép đối với Pháp trong một số vấn đề thế giới nhất là mối quan hệ giữa Pháp và Liên Xô... Với thành công này, một lần nữa, Beno đã được đích thân Tổng thống Pompidou khen ngợi và tặng thưởng huân chương Danh dự Bội tinh và sau đó vào năm 1975 được bổ nhiệm vào chức vụ Phó chỉ huy Ban Kỹ thuật.
Năm 1982 khi SDECE giải thể và thay vào đó là DGSE, tại Liban cũng bùng nổ nội chiến. DGSE được lệnh đưa các điệp viên đến hoạt động tại Liban nhằm chuẩn bị cho một sự can thiệp bằng quân sự của Pháp. Dưới bàn tay khéo léo của Beno, các điệp viên DGSE đã sắm vai doanh nhân, giáo sĩ và cả nhân viên cứu trợ nhân đạo thâm nhập vào lãnh thổ Liban để hoạt động nằm vùng.
Khi Chiến tranh lạnh kết thúc vào năm 1990, Beno cũng thôi làm việc cho DGSE, lúc đó ông đã mang hàm tương đương với quân hàm tướng hai sao của quân đội. Để trân trọng tay nghề điêu luyện và kinh nghiệm của một cựu chỉ huy của ngành tình báo Pháp nên Chính phủ Pháp vẫn mời ông tham gia  ban cố vấn của Hội đồng Tình báo quốc gia, nhiệm vụ mà ông thi hành cho đến năm 2000. Ngoài ra Beno còn được mời tham gia giảng dạy cho các khóa đào tạo điệp viên của các cơ quan tình báo Pháp trong lĩnh vực hóa trang, ngụy trang, ẩn mình khi thi hành nhiệm vụ trên lãnh thổ đối phương.
Cho đến nay Beno vẫn được xem là bậc thầy về nghệ thuật hóa trang mà các hãng phim, diễn viên luôn tham vấn, mời làm cố vấn cho việc thực hiện các bộ phim về đề tài điệp báo

Iosif Grigulevich: Từ tình báo viên trở thành viện sĩ thông tấn

VietnamDefence - Tháng 5/2008, ngành tình báo đối ngoại Liên Bang Nga kỷ niệm 95 năm ngày sinh tình báo viên huyền thoại, nhà văn đồng thời là viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Iosif Grigulevich.

Iosif Romualdovich Grigulevich (5.5.1913-2.6.1988), tình báo viên, nhà khoa học, nhà văn

Suốt gần nửa thế kỷ, tên tuổi và hoạt động của ông ở 13 quốc gia được giữ kín, còn hồ sơ cá nhân của ông được bảo vệ hết sức cẩn mật trong két sắt.
Ông Grigulevich sinh ngày 5/5/1913 tại thành phố Trakai (Litva). Vì tham gia hoạt động cách mạng ở Litva và Tây Belarusia (thời gian này chưa thuộc Liên Xô) nên ông bị bắt hai lần.

Ra tù, ông sang Ba Lan hoạt động. Tại đây, ông may mắn được gặp gỡ và làm quen nhiều nhà cách mạng Xôviết. Không lâu sau, ông được cử sang Pháp để bí mật truyền bá tư tưởng cách mạng.
Khi xảy ra cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, ông đã tình nguyện đến nước này để tham gia chiến đấu bảo vệ chính quyền non trẻ của đảng Mặt trận nhân dân Tây Ban Nha.
Ông được cố vấn trưởng về an ninh kiêm tổ trưởng tổ điệp báo của Tình báo đối ngoại Liên Xô Alekxandr Orlov chính thức tuyển vào làm việc trong ngành tình báo.

Trong một thời gian ngắn, ông đã trở thành nhân vật quan trọng của tình báo chính trị vì đã thu thập được nhiều thông tin rất có giá trị về Mỹ, Brazil, Argentina, Mexico, Italia, Vatican và nhiều nước khác.
Một số đồng nghiệp cho rằng, Grigulevich gặp nhiều may mắn cho nên suốt 17 năm hoạt động tình báo ở rất nhiều nước khác nhau ông chưa bao giờ bị đối phương mảy may nghi ngờ.
Song, nếu cho rằng ông thành công chỉ nhờ may mắn và số phận thì không hoàn toàn đúng. Grigulevich rất cẩn trọng trong mọi hành động, cử chỉ của mình, luôn tính toán kỹ lưỡng từng đường đi nước bước, ông đã học được cách đưa ra những quyết định độc đáo trong các tình huống hiểm nguy. Hơn nữa, Grigulevich là một người rất thông minh và có trí nhớ lạ thường.
Thủ tướng Italia Alchide Gasper (bên trái) tiếp đại sứ Costa Rica
(tức nhà tình báo Liên Xô Grigulevich) tại Rome

Grigulevich rất dễ thích nghi với cuộc sống và hoạt động ở nhiều nước khác nhau, khả năng nói được nhiều ngoại ngữ và nhiều giọng nói khác nhau cho phép ông, tùy vào hoàn cảnh cụ thể mạo nhận là người Argentina, Brazil, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan, Mexico và nhiều nước khác mà bao giờ ông cũng thành công.
Hình dáng bên ngoài của ông không có nét gì đặc biệt làm người ngoài chú ý. Đối với ông, phương pháp hóa trang hoàn hảo nhất không phải là sử dụng tóc giả, râu giả hay thay đổi quần áo thường xuyên mà là phải có dáng điệu và cử chỉ tự nhiên. Grigulevich còn có một phẩm chất vô giá đối với mỗi tình báo viên là dám mạo hiểm.
Khi làm việc tại châu Mỹ Latinh, Grigulevich đã kết hôn với một phụ nữ Mexico tên là Laure Arauho, người trợ thủ đáng tin cậy của ông, bà vừa là nhân viên mật mã vừa là giao thông viên.
Đại sứ Costa Rica (tức tình báo viên XôViết Grigulevich) đang nói chuyện với TT Italia Einaudi (ngoài cùng bên trái)
Năm 1949, Grigulevich được phái sang Italia hoạt động, vào thời gian đó các cơ quan đặc vụ Mỹ đang hoành hành tại đây, còn Vatican đang tích cực tiến hành cuộc đấu tranh tư tưởng chống lại Liên Xô. Lúc đó, có một số nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Costa Rica đang đi tham quan du lịch Italia đã đề nghị nhà thương gia Teodoro Kastro (bí danh của Grigulevich) ký hợp đồng cung cấp một số lượng lớn cà phê sang châu Âu, Italia và Vatican. Cuộc đời của tình báo viên có một bước ngoặt: ông trở thành người đứng đầu phái Bộ Ngoại giao của Vatican ở Roma.
Con đường công danh của Grigulevich thăng tiến đến chóng mặt, sau một thời gian ông được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Costa Rica tại Italia, sau đó kiêm cả Nam Tư và Vatican. Đây là một điều rất kỳ lạ! Trước đây và cho đến nay, trong lịch sử tình báo thế giới chưa từng có trường hợp nào một tình báo viên lại trở thành đại sứ, không phải là đại sứ của nước mình mà là của nước ngoài! Và không phải là của một nước mà là cùng một lúc cả ba nước.
Có thể nói, Grigulevich là một tình báo viên độc nhất vô nhị, ông đã tuyển mộ được khoảng 200 điệp viên người nước ngoài và đạt được những kết quả đặc biệt trong ngành tình báo. Cuối năm 1953, ông từ Italia về nước và đầu năm 1954 thôi làm việc trong cơ quan tình báo đối ngoại.
Chuyển ngành, nhưng nhờ tài năng hiếm có ông đã trở thành một nhà khoa học tầm cỡ - Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đồng thời là Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Liên Xô-Mexico, Liên Xô-Cuba, Liên Xô-Venezuela. Grigulevich còn là tác giả của 30 đầu sách, ông cũng từng là tổng biên tập và ủy viên ban biên tập các tạp chí lịch sử, dân tộc, bộ bách khoa toàn thư, niên giám khoa học...
Rất khó nói ông là tình báo viên hay bác học, nhà văn hay biên tập viên. Có lẽ là tất cả vì ở trong bất kỳ lĩnh vực nào, từ tình báo đến khoa học, sáng tác văn học hay văn chính luận thì danh tiếng của ông đều sống mãi với thời gian.
  • Nguồn: ANTG, 2:45, 02/01/2009  (theo báo Nghị viện, Nga).

Rameshwar Nath Kao: Nhân vật huyền thoại của tình báo Ấn Độ

VietnamDefence - Rameshwar Nath Kao là một nhà tình báo lỗi lạc và là chỉ huy đầu tiên của Cơ quan Tình báo hải ngoại Ấn Độ (R&AW) kể từ khi tổ chức tình báo này được thành lập vào tháng 9-1968. Cuộc sống riêng tư của ông được hoàn toàn giữ bí mật và cho đến khi qua đời vào năm 2002, ông chỉ xuất hiện đúng hai lần trước công chúng.

Rameshwar Nath Kao
trên trang bìa cuốn sách "THE KAOBOYS OF R&AW".

Rameshwar Nath Kao sinh ngày 10/8/1918 tại thành phố Varanasi, bang Uttar Pradesh. Năm 1940, Kao trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát Hoàng gia Ấn Độ và sau khi tốt nghiệp loại giỏi được bổ nhiệm làm trợ lý chỉ huy một đồn cảnh sát tại quận Kanpur, thủ đô Dehli. Chỉ trong vòng 3 năm, Kao đã giúp lực lượng cảnh sát địa phương phá được nhiều vụ án quan trọng và nhất là dẹp yên nạn cướp giật và bắt cóc tống tiền.
Năm 1945, Kao trở thành người phụ trách công tác tình báo của Sở Cảnh sát thủ đô Dehli. Năm 1947, khi Ấn Độ tuyên bố độc lập, Kao được bổ nhiệm vào chức vụ Phó giám đốc Cục Tình báo quốc gia (IIB) phụ trách bảo vệ an ninh cho các nhân vật quan trọng của quốc gia và là người chỉ huy trực tiếp công tác bảo vệ an ninh cho Thủ tướng Jawaharlal Nehru.
Một trong những chiến công đáng kể của Kao vào thời kỳ này là điều tra vụ phá hoại chiếc chuyên cơ Lockheed L-749A có tên gọi “Công chúa Kashmir” có nhiệm vụ  chuyên chở phái đoàn cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ tham dự Hội nghị quốc tế tổ chức tại thành phố Bandung của Indonesia vào tháng 4/1955. May mắn ngẫu nhiên là vào phút cuối, vì một lý do đặc biệt, cả hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ là Chu Ân Lai và Jawaharlal Nehru đều không có mặt trên chiếc máy bay “Công chúa Kashmir”. Chiếc máy bay bị đặt bom hẹn giờ khi đáp xuống Hồng Công và phát nổ khi đang bay trên Thái Bình Dương vào ngày 12/4/1955 làm chết 15 người có mặt trên máy bay.
Sau gần 6 tháng điều tra miệt mài, lực lượng tình báo Ấn Độ do Kao chỉ huy đã phát hiện đây là một âm mưu khủng bố của Quốc dân đảng nhằm giết hại nhà lãnh đạo Trung Quốc Chu Ân Lai. Vì thành tích này, Kao đã được đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai khen tặng.
Rameshwar Nath Kao (bên trái) và Thủ tướng Indira Gandhi
trong chuyến thị sát địa điểm xây dựng căn cứ huấn luyện
của R&AW vào năm 1970.
Năm 1960, Kao được bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Cơ quan Tình báo không quân (ARC) với nhiệm vụ củng cố và phát triển cơ quan tình báo mới thành lập này. Vào thập niên 60, ngành tình báo Ấn Độ bộc lộ nhiều yếu điểm, nhất là hoạt động của tình báo hải ngoại, như trong thời gian xảy ra cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan vào năm 1968. Cục Tình báo quốc gia không đảm đương nổi nhiệm vụ tình báo hải ngoại và phản gián. Vì vậy, Thủ tướng Indira Gandhi quyết định tái cấu trúc lại ngành tình báo Ấn Độ và giao nhiệm vụ quan trọng này cho Kao.
Theo đề xuất của Kao, Chính phủ Ấn Độ quyết định tách Cục Tình báo quốc gia thành hai tổ chức tình báo là Văn phòng Tình báo (IB) làm nhiệm vụ phản gián và Nhánh Nghiên cứu và Phân tích (R&AW) làm nhiệm vụ tình báo hải ngoại. R&AW chính thức được thành lập vào tháng 9/1968 với chỉ huy đầu tiên là Rameshwar Nath Kao.
Cuối thập niên 60, khi tình hình Đông Pakistan (Bangladesh ngày nay) trở nên nóng bỏng và có nguy cơ biến thành một cuộc đối đầu quân sự  lần thứ hai giữa Ấn Độ và Pakistan, Kao đã tung các điệp viên của mình đến hoạt động tại Đông Pakistan với mục tiêu hỗ trợ cho tổ chức Mukti Bahini phát động đấu tranh đòi độc lập cho Bangladesh.
Các điệp viên của R&AW còn gọi là "Những chàng trai của Kao" (Kaoboys) đã cung cấp hậu cần, vũ khí và huấn luyện chiến đấu cho kháng chiến quân của tổ chức Mukti Bahini và khi bùng nổ cuộc chiến tranh giải phóng Bangladesh, còn chỉ điểm chính xác cho không quân Ấn Độ triệt hạ nhiều mục tiêu quan trọng của quân đội Pakistan tại Đông Pakistan. Vào tháng 5/1975, nhờ hoạt động tình báo tích cực mà "Các chàng trai của Kao" đã phá vỡ được âm mưu sát hại Thủ tướng Bangladesh Mujibur Rahman của một số sĩ quan quân đội thân Pakistan.
Ngoài ra, Kao còn có công lớn trong việc thu phục  bộ tộc người Sikkim chấp thuận sáp nhập vào Ấn Độ năm 1973 và trở thành bang thứ 22 của Ấn Độ.
Ông là người trung thành tuyệt đối với dòng họ Gandhi, cả khi đảm nhiệm công việc bảo vệ an ninh cá nhân cho Thủ tướng Nehru, làm cố vấn tình báo cho Thủ tướng Indira Gandhi và làm cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Rajiv Gandhi. Sách lược của ông là kiên trì đổi mới và hiện đại hóa hoạt động của Cơ quan Tình báo hải ngoại Ấn Độ, từ đó biến R&AW thành  một tổ chức tình báo hoạt động hiệu quả.
Huyền thoại của ngành tình báo Ấn Độ qua đời một cách lặng lẽ tại ngôi nhà nhỏ của gia đình ở khu Vasant Vihar ở thủ đô Dehli vào ngày 21/4/2002. Kể từ đó, hàng năm cứ đến ngày này, tất cả "Các chàng trai của Kao" làm việc tại các văn phòng của R&AW hay đang bí mật thi hành nhiệm vụ tại bất cứ nơi nào trên thế giới đều dành một phút để mặc niệm Rameshwar Nath Rao

Gevork Vartanian: Người anh hùng thầm lặng của tình báo Xôviết

VietnamDefence - Tháng 2/2009, điệp viên kỳ cựu từng được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô Gevork Andreevich Vartanian vừa chính thức bước sang tuổi 85. Trong lịch sử tình báo Xôviết, hiếm có những điệp viên nào như vợ chồng nhà Gevork lại được giữ bí mật về hoạt động tình báo trong quá khứ của họ lâu đến như vậy.

Gevork Andreevich Vartanian

Mãi tới những ngày cuối cùng của thế kỷ XX - ngày 20/12/2000, cũng là dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống - Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) mới chính thức tiết lộ hồ sơ về gia đình điệp viên lão thành này.
Nhờ đó, người dân Nga mới biết được, Gevork cùng nhóm tình báo có mật danh "Đội kị binh nhẹ" của ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn thành công âm mưu ám sát Stalin, Churchill và Roosevelt trong Hội nghị của quân Đồng minh tại Tehran vào năm 1943…
Cha truyền con nối
Gevork sinh ngày 17/2/1924 tại thành phố Rostov trong gia đình có cha là Andrey Vartanian, một công dân Armenia gốc Iran, giám đốc một nhà máy ép dầu. Khi cả gia đình Vartanian chuyển tới sống tại Iran vào năm 1930, Gevork mới tròn 6 tuổi. Trên thực tế, cha của Gevork là một điệp viên của tình báo đối ngoại Xôviết, chuyển tới sống tại Iran theo yêu cầu của cấp trên. Ông nhanh chóng trở thành một thương gia thành đạt và nổi tiếng (chủ nhân một nhà máy sản xuất bánh kẹo) tại Iran.
Tận dụng vỏ bọc rất tốt này, Andrey đã triển khai các hoạt động tình báo hết sức tích cực: tự mình tuyển mộ, duy trì liên lạc với các nguồn tin để thu thập từ họ những tài liệu mật quan trọng. Ông gần như không bao giờ sử dụng nguồn tài chính do cấp trên cung cấp mà chỉ sử dụng tiền mình kiếm được từ kinh doanh để hoạt động tình báo. Thậm chí trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, Andrey còn thu thập một khoản tiền không nhỏ gửi về trung tâm để chi phí chế tạo thêm xe tăng.
Năm 1953, Andrey Vartanian rời Tehran quay trở lại Erevan, sau khi hoạt động cho tình báo Xôviết trong suốt 23 năm tại Iran. Cả cuộc đời của ông có thể coi là một điệp viên xuất sắc, một tấm gương yêu nước thực sự. Andrey đã giáo dục tất cả những người con của mình theo tinh thần đó. Gevork đã trở thành một điệp viên thực thụ dưới những ảnh hưởng như vậy từ người cha của mình.
Cuộc chiến vì bàn đạp chiến lược
Trên thực tế, Gevork Vartanian đã gắn kết số phận của mình với tình báo Xôviết ngay từ năm 16 tuổi, khi cậu tình nguyện tham gia vào các hoạt động liên lạc trong bộ phận tình báo tại Tehran từ tháng 2/1940. Ngoài người cha đáng kính của mình, điệp viên tài năng và đầy kinh nghiệm Ivan Agaians cũng là người có vai trò quan trọng trong việc dìu dắt Gevork trở thành một chiến sĩ tình báo thực thụ.
Gevork chính thức bước vào sự nghiệp của một điệp viên vào đúng thời điểm tại Iran đang trong bối cảnh hết sức phức tạp. Ngay trước Chiến tranh thế giới thứ hai, quốc gia này đóng một vai trò rất quan trọng trong các kế hoạch của Hitler. Ngoài đặc điểm là nguồn cung cấp dầu mỏ vô tận, Iran còn là một nút giao thông chiến lược - nằm trên lộ trình tới Afghanistan và sau đó là Ấn Độ, là nơi Hitler dự định sẽ xua quân đánh chiếm sau khi "thanh toán" xong Liên Xô.
Càng gần sát tới thời điểm bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai, nhà vua Iran Reza Shah Pahlavi càng tỏ rõ xu hướng xích lại gần hơn với nước Đức phát xít, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Ngay thời điểm bắt đầu chiến tranh, tại Iran đã có gần 20 ngàn công dân Đức: từ các chuyên gia quân sự, điệp viên công khai lẫn bí mật, thương gia, kỹ sư,...
Thông qua mạng lưới điệp viên sâu rộng của mình, Hitler đã có được một ảnh hưởng rất lớn lên các quan chức chính trị, quân đội và cảnh sát nước này. Dù vậy, sau khi Đức chính thức yêu cầu Iran phải gia nhập liên minh phát xít, Hội đồng quân sự tối cao của nước này vẫn kiên quyết từ chối với lý do theo đuổi chính sách trung lập, bất chấp sự do dự của Vua Pahlavi. Trong bối cảnh như vậy, chỉ huy Cơ quan Tình báo quân sự  Đức phát xít - đô đốc Canaris - đã bí mật tới Iran để trực tiếp chuẩn bị một vụ đảo chính.
Cần nói thêm là bản thân Iran cũng có một vị trí địa lý hết sức quan trọng đối với Liên Xô. Việc phát xít Đức chiếm được Nauy và quần đảo Spitzbergen đã phong tỏa đáng kể mọi tuyến đường biển tới các cảng phía bắc Liên Xô. Iran với vị thế cánh cửa mở ra vịnh Pecxich cùng với hệ thống đường sắt rộng khắp sẽ là tuyến đường chiến lược để cung cấp hàng hóa tiếp tế phục vụ cho chiến tranh đối với Liên Xô.
Moskva tất nhiên không thể ngồi yên nhìn Iran rơi vào tay phát xít Đức. Đến tháng 9/1941, Liên Xô và Anh đã phối hợp đưa quân vào quốc gia này. Chiến dịch quân sự của quân Đồng minh không gây tổn hại đáng kể nào cho mạng lưới gián điệp của Đức tại Iran. Chúng thậm chí còn tiếp tục lợi dụng lãnh thổ nước này để làm bàn đạp cho các hoạt động phá hoại ngay trên đất Liên Xô.
Bộ phận tình báo Xôviết tại Iran - đứng đầu chính là điệp viên Ivan Agaians - đã được lệnh tập trung cho nhiệm vụ ưu tiên là xây dựng một mạng lưới tình báo đủ mạnh để có thể phát hiện làm rõ điệp viên của các cơ quan tình báo nước ngoài, các tổ chức thù địch với Liên Xô, ngăn ngừa những hành động phá hoại nhằm vào các hoạt động của Liên Xô tại Iran.
Bắt đầu sự nghiệp tình báo
Nhiệm vụ chính thức đầu tiên được giao phó cho Gevork (có mật danh là Amir) là chọn lọc và xây dựng một nhóm bạn đồng lứa tin cậy để giúp đỡ các đồng nghiệp trong hoạt động tình báo, cũng như theo dõi tay chân của phát xít Đức tại Iran. Ban đầu, cậu đã tuyển mộ được 7 người bạn trẻ trong quá khứ cũng xuất thân từ Liên Xô, có tinh thần yêu nước, sẵn sàng đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.
Nhóm điệp viên trẻ của Amir được thành lập mà hầu như không được qua đào tạo một chút nào về nghiệp vụ, tất cả chỉ được tự học hỏi và rút kinh nghiệm dần trong quá trình hoạt động. Trong giai đoạn đầu, nhóm được các điệp viên Xôviết kỳ cựu tại Iran gọi đùa là "Kị binh nhẹ", cái tên về sau đã gắn liền với họ trong suốt nhiều năm hoạt động sau đó.
Khó có thể kể hết những chiến công mà nhóm "Kị binh nhẹ" đã đóng góp cho tình báo Xôviết tại Iran. Đáng chú ý có vụ điều tra về một gián điệp của Đức được mệnh danh là "Dược sĩ". Theo các nguồn tin tình báo, tên này thường xuyên có nhiều cuộc gặp quan trọng với các đại diện quan chức quân sự cao cấp của Iran để thu thập nhiều thông tin quan trọng. Việc theo dõi ban đầu không thể giúp tìm ra bất cứ bằng chứng nào - tên này hàng giờ chỉ lang thang khắp Tehran, nếu không dạo chơi ngoài chợ thì lại ngồi uống trà một mình. Trọng trách điều tra được giao cho nhóm của Amir với nhiệm vụ không được rời mắt khỏi "Dược sĩ".
Hai vợ chồng điệp viên Goar và Gevork (ảnh chụp những năm 40)
Theo nhận định của Amir, nhóm cần tập trung vào việc làm rõ, tên gián điệp của Đức thường làm gì tại nhà, đặc biệt vào các buổi sáng, trước khi rời khỏi nhà đi lang thang khắp thành phố. Một lần tình cờ từ gác mái của ngôi nhà bên cạnh, các điệp viên trẻ quan sát thấy hai nhân vật giống nhau như hai giọt nước cùng ngồi uống trà bên chiếc bàn trong nhà. Hóa ra bọn Đức đã sử dụng hai anh em sinh đôi để che giấu hoạt động của mình - một tên công khai đi ra ngoài trước để thu hút sự theo dõi, trong khi tên thứ hai chính là "Dược sĩ" có thể bình thản ra ngoài gặp gỡ với các nguồn tin của hắn.
Mọi chuyện còn lại tiếp sau chỉ là vấn đề kỹ thuật, giúp cho nhóm "Kị binh nhẹ" nhanh chóng lần ra toàn bộ đường dây của hắn. Có thể thấy tính hiệu quả của nhóm tình báo do Amir đứng đầu nếu biết rằng, chỉ trong 2 năm đầu tiên hoạt động, nhóm đã giúp xác định rõ không dưới 400 người có quan hệ với các cơ quan mật vụ phát xít hay không.
Học viên trường tình báo của Anh
Vào năm 1942, Amir lại được giao một nhiệm vụ tình báo đặc biệt khác. Vấn đề là ngay trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Anh dù là đồng minh của Liên Xô nhưng vẫn không từ bỏ mọi cơ hội hoạt động tình báo phá hoại đối với Moskva. Bộ phận của tình báo Xôviết tại Iran biết được, người Anh đã bí mật xây dựng tại Tehran một trường đào tạo tình báo, tuyển mộ những thanh niên trẻ biết tiếng Nga, sau đó tung sang hoạt động tại các nước cộng hòa vùng Trung Á và Zakavkaz thuộc Liên Xô.
Theo chỉ thị của trên, Amir cùng nhiều thành viên nhóm "Kị binh nhẹ" đã tìm cách được tuyển mộ làm học viên của trường này, thu thập mọi thông tin chi tiết về nó cũng như tất cả các học viên tại đây. Nhờ đó, hầu hết những học viên của trường này sau khi được tung vào Liên Xô đều bị vô hiệu hóa hay tuyển mộ lại để hoạt động dưới sự chỉ đạo của Cơ quan Phản gián Xôviết.
Một thời gian sau, ngôi trường trên bị giải thể do phía Liên Xô phản đối trò chơi không đẹp của Anh. Cần nói thêm là trong vòng nửa năm là học viên của người Anh, Amir đã được đào tạo khá căn bản về các kỹ năng hoạt động tình báo: hoạt động tuyển mộ, tổ chức hộp thư mật, mật mã, cách duy trì liên lạc, cách phòng tránh và phát hiện theo dõi,... - tất cả đều hết sức có ích cho quãng đời hoạt động tình báo sau này của ông.
Người bạn đời - Người đồng chí
Một trong những thành viên tích cực của nhóm Amir ngay từ những ngày đầu hoạt động chính là Oganes, cũng là người bạn thân của ông. Thông qua Oganes, Amir đã quen biết và yêu cô em gái Goar của bạn mình. Đến năm 1942, Amir chính thức tuyển mộ Goar vào hoạt động cho nhóm "Kị binh nhẹ". Thực tế cho thấy, ông đã không nhìn nhầm người. Sự nhạy cảm, sáng suốt, thông minh và nhiều năng khiếu bẩm sinh đã giúp cho cô gái trở thành một cố vấn thực sự đối với các chiến sĩ tình báo trẻ về các vấn đề an ninh và những biện pháp phòng ngừa.
Có lần, Amir bị cảnh sát mật Iran bắt giữ vì có liên quan tới hoạt động của một vài đồng đội trong nhóm. Goar chính là người đã thường xuyên vào tù thăm nom, động viên và cung cấp cho ông nhiều thông tin quan trọng để giúp ông có thể đối phó hiệu quả với những đòn tra của cảnh sát. Cũng nhờ sự vận động đặc biệt của cha mình (đã trở thành một thương gia nổi tiếng tại Iran), Amir đã được trả tự do sau 3 tháng bị giam giữ. Với tình yêu được nảy nở và thử thách qua những tháng năm hoạt động, Goar và Gevork chính thức tổ chức hôn lễ vào ngày 30/6/1946 tại Tehran, và còn cùng nhau hoạt động tại Iran thêm 6 năm nữa.
Vai trò trong chiến dịch "cú nhảy dài"
Công chúng giờ đây đều đã biết về âm mưu của Hitler nhằm tiêu diệt ba nguyên thủ của phe đồng minh tại Hội nghị Thượng đỉnh Tehran năm 1943 trong khuôn khổ chiến dịch có tên "Cú nhảy dài". Hitler đã trực tiếp giao nhiệm vụ này cho tay chân thân tín Otto Scorceni. Theo kế hoạch, một nhóm tiên phong gồm 6 biệt kích sẽ nhảy dù xuống thành phố Kum (cách Tehran 70 km), trước khi xâm nhập vào Tehran, chuẩn bị các điều kiện cho nhóm biệt kích chính sẽ do chính Scorceni dẫn đầu đổ bộ xuống.
Trong suốt 2 tuần, nhóm biệt kích này đã vận chuyển được một số lượng lớn vũ khí và đạn dược tới Tehran, giấu trong một biệt thự bí mật của tình báo Đức. "Kị binh nhẹ" chính là bộ phận đầu tiên đã khai thác được thông tin về vụ nhảy dù và xác định được nơi ẩn náu của nhóm biệt kích trên, nhờ đó cả 6 tên đã nhanh chóng bị bắt. Khi biết được thất bại của nhóm tiền trạm, Berlin đã quyết định từ bỏ ngay lập tức kế hoạch "Cú nhảy xa". Theo bà Goar sau này kể lại, cả nhóm "Kị binh nhẹ" đã phải lang thang khắp Tehran từ 14-16 tiếng mỗi ngày để tìm ra những tên điện đài viên liên lạc trong nhóm biệt kích.
Những năm tháng hoạt động không mệt mỏi
Nhóm "Kị binh nhẹ" tiếp tục hoạt động hiệu quả tại Iran cho đến tháng 4/1949. Năm 1951, vợ chồng Gevork đề nghị trung tâm tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ. Cả hai tu nghiệp tại khoa ngoại ngữ Trường đại học Tổng hợp Erevan. Sau thời điểm này, hai vợ chồng Gevork lại tiếp tục sát cánh trong những chuyến công tác nước ngoài liên tục hơn 30 năm nữa. Họ quay trở về quê hương sau chuyến công tác cuối cùng vào mùa thu năm 1986. Vài tháng sau, Goar nghỉ hưu, còn Gevork tiếp tục phục vụ cho đến năm 1992.
Ngay cả khi đã nghỉ hưu, Gevork vẫn tích cực hợp tác với SVR - gặp gỡ và tham gia đào tạo các nhân viên tình báo trẻ tuổi để truyền đạt cho họ những kinh nghiệm quý báu của mình. Gevork Vartanian còn là điệp viên Xôviết đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì những hoạt động trong thời bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét