CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 216

(ĐC sưu tầm trên NET)

Marilyn Monroe là điệp viên Liên Xô?

VietnamDefence - Marilyn Monroe có mật danh là “Masha”, một cựu điệp viên KGB cho hay

Marilyn Monroe (Global Look Press)
Cựu tình báo viên Liên Xô Lyudmila Temnova (cinema-rp.com)
Bộ phim tài liệu “Monroe ở đất nước của Dostoyevsky” của cựu tình báo viên KGB Lyudmila Temnova được chiếu ở Nga cuối năm ngoái (cinema-rp.com) 

Trong bộ phim tài liệu “Monroe ở đất nước của Dostoyevsky” của cựu tình báo viên KGB, bà Lyudmila Temnova được trình chiếu lần đầu tiên ở Nga vào cuối năm ngoái và nay là ở phương Tây, có khẳng định rằng, nữ minh tinh điện ảnh lừng danh Marilyn Monroe từng có liên hệ với tình báo Liên Xô và thậm chí có quan hệ thân thiết với một cán bộ tình báo Liên Xô, nhà báo Antonella Colonna Vilasi tiết lộ trên blog của tuần báo Italia Panorama.
Bài viết cho hay: “Theo lời cựu nữ cán bộ KGB Lyudmila Temnova, Marilyn Monroe đã có quan hệ với các cơ quan mật vụ Soviet. Cô ấy thậm chí còn có mật danh là Masha”.

Theo bài báo, một điệp viên Liên Xô hoạt động dưới vỏ bọc tại cơ quan đại diện Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng, ông ta tình cờ gặp nữ diễn viên này tại bữa tiệc tại Đại sứ quán Liên Xô nhân dịp Nikita Khrushchev thăm Mỹ. Rất nhanh chóng, tình bạn của họ lớn lên thành “cảm xúc nhất định”. Bà Temnova khẳng định rằng, KGB rất quan tâm đến Marilyn”.

Sắp tới, sẽ ra mắt bộ phim tài liệu “Monroe ở đất nước của Dostoyevsky” nói về thời gian ngắn ngủi mà Marilyn có mặt ở Liên Xô.

Trong phim không có những bằng chứng trực tiếp mà chỉ là những câu chuyện kể. Chẳng hạn, một người đàn ông không muốn tiết lộ tên tuổi khăng khăng nói rằng, ông đã có quan hệ đặc biệt với Marilyn. Ông ấy đã mời Monroe đến Moskva thăm mình, đã đón cô ở sân bay, đưa đến khách sạn nhìn ra Điện Kremlin, sau đó họ cũng nhau đến nhà nghỉ ngoại ô.

“Đó là hai ngày không thể nào quên. Nhưng trong quan hệ của chúng tôi cảm thấy có sự căng thẳng nhất định, chúng tôi hiểu rằng, việc chúng tôi chỉ có hai người ở riêng với nhau không có nghĩa là không có ai nhìn thấy hay nghe thấy gì”, cựu điệp viên Liên Xô này, lúc đó 27 tuổi, nói ám chỉ đến các con rệp nghe lén. Sau cuộc gặp này, họ không bao giờ gặp lại, quan hệ của họ bị đứt đoạn hoàn toàn.

Mấy ông người Nga không phải lần đầu kể với các nhà báo nước ngoài về các chuyện tình bí mật của họ với các phụ nữ nước ngoài nổi tiếng. Nhưng nổi bật nhất là Aleksandr Gavrilov từ thành phố Cheboksary. Năm ngoái, ông ta khẳng định mình là cha đẻ của con gái của nữ siêu mẫu nổi tiếng thế giới Claudia Schiffer.

Theo ông Gavrilov, tháng 6/2009, ông đã làm quen trên mạng xã hội với một phụ nữ nước ngoài xinh đẹp. Sau một thời gian, cô ta đến Moskva 5 ngày. Gavrilov đã thuê một căn hộ để tiện gặp gỡ cô nàng. Họ ở cùng nhau 4 ngày. Sau đó, cô nàng bay về nhà và không bao giờ liên lạc lại. Nhưng khi báo chí đưa tin Schiffer có bầu, Gavrilov đinh ninh người phụ nữ đã đến Moskva với anh ta và siêu mẫu Schiffer chính là một người.

Gavrilov đã đệ đơn đến tòa án quận Kalinin ở thành phố Cheboksary yêu cầu giám định gen. Tòa khuyên ông ta gửi đơn sang Anh, nơi siêu mẫu đang sinh sống.

Tình báo quân sự Nga thay soái

VietnamDefence - Tướng I. Sergun thay thế tướng A. Shlyakhturov trên cương vị chỉ huy GRU. Theo cựu Cục trưởng Cục Phân tích KGB V. Rubanov, chỉ huy mới của GRU cần phải nói sự thật, vì chính việc bóp méo tin tức tình báo về tình hình thế giới phần nhiều đã góp phần làm sụp đổ Liên Xô năm 1991.


Hôm 26.12.2011, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Thượng tướng Aleksandr Shlyakhturov, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo - Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga (GRU) được về hưu, chuyển sang ngạch dự bị. Quyết định này đã được đưa ra hồi tháng 9.2011 sau khi hoàn thành những cắt giảm lớn trong GRU. Thiếu tướng Igor Sergun được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng GRU, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga.

Tờ Izvestia dẫn lời một nguồn tin trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cho biết, ông Shlyakhturov chính thức nghỉ hôm 22.12 và ông Igor Sergun được bổ nhiệm làm quyền Tổng cục trưởng GRU. Trước khi được bổ nhiệm quyền Tổng cục trưởng, Thiếu tướng Igor Sergun, 52 tuổi, là cục trưởng một cục của GRU, tên của cục này và nhiệm vụ của nó không được tiết lộ.

Thượng tướng Aleksandr Shlyakhturov từ phụ trách tình báo
sang chế tạo tên lửa chiến lược
Đại diện Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, ông Shlyakhturov về nghỉ do hết giới hạn tuổi phục vụ quân đội. Ông Aleksandr Shlyakhturov tháng 2 vừa qua trong 64 tuổi, đứng đầu GRU trong 2,5 năm (từ tháng 4.2009), thay cho Đại tướng Valentin Korabelnikov. Ông Shlyakhturov bị chỉ trích rất nhiều vì ủng hộ và thực hiện những cắt giảm lớn GRU, trong đó 3 lữ đoàn đặc nhiệm bị cắt giảm, các lữ còn lại chuyển thuộc các tư lệnh quân khu.
Tháng 9.2011, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Đại tướng Nikolai Makarov bác bỏ tin đồn xuất hiện khi đó nói rằng, chỉ huy GRU đã về hưu.

Trước đó, ông Shlyakhturov giữ chức Phó Tổng cục trưởng phụ trách tình báo chiến lược.

MIT chuyên phát triển các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động mặt đất trang bị tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) dùng nhiên liệu rắn, ISBM phóng từ tàu ngầm, ISBM phóng từ giếng phóng mặt đất, tên lửa đẩy hạng nhẹ (dựa trên công nghệ ICBM), cũng như tham gia các chương trình chinh phục vũ trụ và phát triển sản phẩm lưỡng dụng và dân dụng. 
Tháng 7.2011, ông Shlyakhturov cũng trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Oboronservis.
Trong tuần qua, một số báo chí đưa tin, ông Shlyakhturov sắp được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty “Tập đoàn MIT”, hãng phát triển các hệ thống tên lửa chiến lược, trong đó có tên lửa Bulava. Thông tin này hiện chưa được xác nhận chính thức.

Cán bộ tình báo lão thành, cựu Cục trưởng Cục Phân tích KGB Liên Xô Vladimir Rubanov cho rằng, nhiệm vụ chính bây giờ của tình báo quân sự Nga là không tô vẽ thực tế. Đất nước cần biết rõ những mối đe dọa, chứ không phải là việc săn lùng phù thủy. Bởi vậy, lãnh đạo đất nước cần thông tin khách quan, không uốn lựa theo ý kiến của nhà lãnh đạo nào, và nó sẽ đưa ra bức tranh khách quan về những gì đang diễn ra. Và vị chỉ huy mới của GRU cần phải nói sự thật dù nó có cay đắng đến đâu.

Theo ông Rubanov, chính việc bóp méo các tin tức tình báo về tình hình trên thế giới phần nhiều đã góp phần làm sụp đổ Liên Xô năm 1991.

Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự Anatoly Tsyganok cho rằng, việc thay đổi cán bộ xoành xoạch trong GRU gây tổn hại nghiêm trọng cho tình báo quân sự Nga. Trước hết, vị Tổng cục trưởng mới phải hiểu rõ tình hình trên tất cả các hướng hoạt động, cả về Mỹ, cả về Mỹ Latinh, cả về Cận Đông. Hai là phải biết các tổ tình báo nằm ở đâu, các mặt mạnh, yếu của chúng là gì. Bởi vậy, việc thay đổi chỉ huy GRU luôn là một sự kiện khó chịu. Nhất là lúc này, sau tất cả những cải cách này.
Theo ông Tsyganok, vị tân chỉ huy GRU phải bảo vệ cơ quan của mình chống lại “việc luân chuyển thiếu suy nghĩ đội ngũ sĩ quan” mà ông Tsyganok cho là không được phép áp dụng với các sĩ quan tình báo quân sự.

Điệp viên siêu đẳng A-201

VietnamDefence - Ông là điệp viên duy nhất của tình báo Liên Xô trong Gestapo và là người duy nhất báo tin chính xác ngày giờ Đức xâm lược Liên Xô.


Điệp viên Wihelm Lehmann 12 năm dài đơn độc đối mặt với phản gián Đức

Tháng 6/2009, Cục Tình báo đối ngoại Liên bang Nga SVR giải mật hồ sơ, lần đầu tiên công bố tên tuổi điệp viên A-201/Breitenbach - Willi Lehmann, một trong những nguồn tin quý giá nhất của Liên Xô thời Thế chiến II ở Đức.
Trong suốt 12 năm, Lehmann đã mạo hiểm tính mạng báo cáo về Moskva những tin tức đặc biệt giá trị về sự phát triển và củng cố chế độ phát xít, quy mô chuẩn bị chiến tranh nhằm nô dịch thế giới, tăng cường tiềm lực quân sự và các công trình nghiên cứu kỹ thuật tối tân của nước Đức phát xít.
Nhờ có Lehmann, tình báo Liên Xô đã nắm được những thông tin quan trọng về cơ cấu tổ chức, nhân sự, phương thức hoạt động của các cơ quan đặc vụ Đức.
Tình nguyện hợp tác
Siêu điệp viên A-201, mật danh Breitenbach của tình báo Liên Xô tên thật là Wilhelm (Willy) Lehmann. Ông sinh năm 1884 trong gia đình nhà giáo nghèo ở ngoại ô Leipzig.
Năm 17 tuổi, ông tình nguyện gia nhập và phục vụ trong Hải quân Đức 12 năm. Năm 1913, Willy giải ngũ, quay về Berlin và với sự giúp đỡ của người bạn cũ Ernst Kour làm việc trong cảnh sát chính trị mật, ông vào làm việc cho cảnh sát Berlin. Năm 1914, ông chuyển sang phòng phản gián cho đến khi cách mạng nổ ra ở Đức năm 1918.
Tháng 4/1920, Đức tái lập cảnh sát chính trị mật, Lehmann được đề bạt làm phó phòng, thực chất là người lãnh đạo phòng phản gián của sở cảnh sát Berlin.
Năm 1927, Lehmann sang làm ở bộ phận hồ sơ, nơi tập trung toàn bộ tin tức về các nhân viên sứ quán nước ngoài lọt vào tầm mắt của sở cảnh sát Berlin.
Năm 1929, Lehmann tình nguyện hợp tác với tình báo Liên Xô vì động cơ vật chất (ông cần tiền chu cấp cho vợ Margaret, cô bồ Florentina trẻ hơn vài chục tuổi và mê đánh cá ngựa, bản thân Lehmann bị bệnh đái đường nặng), vì ông có thiện cảm với người Nga và sau này là vì động cơ chính trị. Ông bắt đầu hoạt động với bí số А-201 và mật danh Breitenbach
Những tin tức vô giá
Từ năm 1930, một trong các nhiệm vụ của Breitenbach tại phòng phản gián Berlin là điều tra các nhân viên của cơ quan đại diện Liên Xô và chống tình báo kinh tế Liên Xô tại Đức. Tin tức do Breitenbach cung cấp đã cho phép tình báo Liên Xô nắm được các kế hoạch của phản gián Đức và áp dụng các biện pháp phòng ngừa bảo vệ các tình báo viên Liên Xô và các nguồn tin của họ.
Khi tình hình ngày càng phức tạp, bọn quốc xã chuẩn bị lên nắm quyền ở Đức, Breitenbach đã bắt quen với những tên đầu sỏ của đảng quốc xã, trong đó có Ernst Julius Röhm, chỉ huy các đơn vị xung kích quốc xã SA.
Sau khi Hitler lên nắm quyền vào tháng 2/1933, Breitenbach theo giới thiệu nhân vật số 2 của chế độ quốc xã trùm phát xít Hermann Goering, khi đó là thủ tướng Phổ, được chuyển sang Gestapo làm việc ngay từ khi cơ quan này được thành lập vào tháng 4/1933.
Tháng 5/1934, ông tình nguyện gia nhập SS và trở thành đảng viên quốc xã năm 1937. Ngày 30/6/1934, ông giúp Goering tổ chức thực hiện chiến dịch đẫm máu “Đêm của những con dao dài” thủ tiêu Ernst Röhm, các thủ lĩnh khác của SA vì thế ông được bọn quốc xã đầu sỏ rất tín nhiệm.
Thậm chí, nhân dịp năm mới 1937, ông cùng với 3 nhân viên Gestapo khác được tặng thưởng bức chân dung Adolf Hitler đóng khung bằng bạc có chữ ký của trùm phát xít.
Breitenbach đã trở thành lá chắn bảo vệ an toàn cho tình báo Liên Xô ở Đức. Ông đã kịp thời báo trước về tất cả các hành động của Gestapo, các vụ bắt giữ và khiêu khích có thể thực hiện đối với các đại diện, các tình báo viên vỏ bọc công khai và bất hợp pháp Liên Xô nên tình báo Liên Xô trong suốt thời gian này không hề biết đến đổ vỡ là gì.
Ông thường xuyên báo cho tình báo viên Liên Xô trực tiếp chỉ đạo ông là Vasily Zarubin về tất cả những thay đổi tình hình an ninh nội địa Đức, các hành động chính trị dự kiến, cuộc đấu tranh ngầm trong nhóm đầu sỏ phát xít.
Qua quan hệ với các nhân vật hàng đầu Gestapo, Breitenbach đã thu thập và báo cáo hồ sơ cá nhân chi tiết của các nhân vật phát xít đầu sỏ như Heinrich Muller, Walter Schellenberg, Heinrich Himmler, Reinhard Heydrich và các chỉ huy tình báo Đức khác.
A-201 đã cung cấp những tin tức đặc biệt giá trị về cơ cấu tổ chức, nhân sự của Gestapo (Cục IV, Tổng cục An ninh đế chế RSHA), hoạt động của Gestapo và tình báo quân sự Abwehr, hoạt động xây dựng quân đội Đức, các kế hoạch và ý đồ của Hitler đối với các nước láng giềng, khóa mã các mật điện liên lạc trong nội địa và hải ngoại của Gestapo. Nhờ vậy, tình báo Liên Xô có thể đọc được nội dung liên lạc nội bộ của Gestapo.
Hoạt động tình báo của Lehmann chuyển sang giai đoạn mới khi ông được chuyển sang phòng phản gián Gestapo phụ trách phản gián cho công nghiệp quốc phòng và xây dựng quân đội Đức.
Thời gian này, Đức đã chế tạo và bắt đầu thử nghiệm các loại tên lửa của nhà khoa học lừng danh Werner von Braun vào năm 1934 ở gần Berlin. Nhờ có Lehmann, Liên Xô đã nắm được thông tin về các tên lửa Max và Moritz, sau này dựa vào đó Đức chế tạo các tên lửa lừng danh FAW-1 và FAW-2.
Cuối năm 1935, Breitenbach đích thân tham dự thử nghiệm tên lửa đầu tiên của Đức sử dụng nhiên liệu lỏng FAW-1 tại trường thử ở Penemunde.
Năm 1940, các tên lửa này đã oanh tạc nước Anh. Breitenbach đã báo cáo chi tiết về các vụ thử tên lửa và thông tin mật về tên lửa này. Trên cơ sở đó, tình báo Liên Xô ngày 17/12/1935 đã soạn và gửi Stalin và ủy viên dân ủy quốc phòng Voroshilov báo cáo phân tích tình trạng ngành chế tạo tên lửa của Đức.
Trong giai đoạn này, Breitenbach còn cung cấp thông tin về các chương trình đóng tàu ngầm, chế tạo xe ô tô bọc thép, sản xuất các mặt nạ phòng độc mới, các nghiên cứu về xăng tổng hợp, cao su nhân tạo.
Hè năm 1936, Breitenbach được giao phụ trách phản gián cho nhiều hướng công nghiệp quốc phòng mới. Điệp viên bắt đầu cung cấp những tin tức quan trọng về sự phát triển công nghiệp quốc phòng Đức như việc bắt đầu đóng cùng lúc hơn 70 tàu ngầm và xây dựng nhà máy bí mật sản xuất chất độc quân sự thế hệ mới.
Điệp viên đã giao cho Zarubin bản sao chỉ thị mật liệt kê 14 loại vũ khí tối tân đang sản xuất hoặc thiết kế. Ông cũng lấy được bản sao báo cáo mật “Về tổ chức quốc phòng Đức năm 1937”. Tất cả các tài liệu này đã cho phép lãnh đạo Liên Xô đánh giá khách quan sức mạnh tấn công của quân đội Đức.
Ông cũng cung cấp tin về hoạt động của bọn quốc xã ở Áo, dự thảo hiệp ước hợp tác quân sự Đức-Nhật; mùa xuân 1941, ông báo tin Đức sắp xâm chiếm Nam Tư.
"Chiến tranh bắt đầu lúc 3 giờ sáng"
Cuối những năm 1930, tình hình ngày một căng thẳng khi Hitler đang chuẩn bị thôn tính các nước châu Âu và chuẩn bị chiến tranh thế giới mới. Thời gian này, ông hợp tác với Liên Xô chủ yếu vì động cơ lý tưởng, chứ ít quan tâm đến khía cạnh vật chất, dù với tính cách Đức, ông không từ chối các khoản thù lao.
Trong giai đoạn lịch sử khẩn thiết như vậy, ông hầu như mất liên lạc với tình báo Liên Xô. Năm 1937, Zarubin, sĩ quan tình báo đến Đức từ tháng 12/1933 để chỉ đạo ông, phải ngừng liên lạc với Breitenbach vì bị triệu hồi về nước.
Chiến dịch thanh trừng đối với tình báo Liên Xô đã bắt đầu. Tổ tình báo Berlin lúc đó chỉ còn lại duy nhất một cán bộ là Aleksandr Agayants.
Cuối tháng 11/1938, Agayants liên lạc lần cuối cùng với Breitenbach. Đầu tháng 12, Agayants phải nằm viện và không lâu sau thì qua đời. Ông mất liên lạc cho đến tháng 9/1940 khi ông gặp được Aleksandr Korotkov mới đến Berlin làm phó chỉ huy tình báo NKVD.
Sáng sớm 22.6.1941, Đức bắt đầu chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô

Ngày 9/9/1940, tổ tình báo nhận được chỉ thị từ đích thân Ủy viên dân ủy Beria, trong đó nhấn mạnh: “Không được giao bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cho Breitenbach. Tạm thời phải lấy hết những gì nằm trong khả năng trực tiếp của anh ta và ngoài ra là tất cả những gì anh ta viết về hoạt động chống Liên Xô của các cơ quan tình báo, ở dạng tài liệu và báo cáo riêng của nguồn tin”.
Người chỉ đạo trực tiếp A-201 là Boris Nikolayevich Zhuravlev, một cán bộ tình báo trẻ vừa mới đến Berlin sau khi tốt nghiệp trường tình báo.
Breitenbach bắt đầu cung cấp một số lượng lớn tài liệu cho thấy Đức đang chuẩn bị cho cuộc chiến chống Liên Xô. Tháng 3/1941, ông báo cáo rằng, “Tổng đội III - Berlin”, đơn vị phụ trách hoạt động tình báo chống Liên Xô của tình báo quân sự Đức Abwehr đã được mở rộng khẩn cấp.
Trong phiên liên lạc ngày 28/5, A-201 báo cáo với Zhuravlev rằng, ông được lệnh khẩn cấp lên lịch trực suốt ngày đêm cho đơn vị mình.
Ngày 19/6, Lehmann gọi gặp khẩn cấp Zhuravlev và báo cáo: “Chiến tranh rồi. Tất cả đã được quyết định, không thể thay đổi được nữa. Chủ nhật, ngày 22. Ngay từ sáng sớm, lúc 3 giờ sáng. Trên toàn tuyến biên giới, từ nam lên bắc. Tuyên chiến sẽ chỉ là hình thức, cùng với quả bom đầu tiên”, sau đó xiết chặt tay Zhuravlev nói: “Vĩnh biệt đồng chí” rồi bước đi.
Ông Zhuravlev kể lại phiên liên lạc cuối cùng với Lehmann: “Tôi đã gặp Lehmann ở Berlin ngày 19/6/1941. Lần này, anh ấy rất lo lắng và ngay sau khi chào hỏi đã nói ngay là Gestapo đã nhận được mệnh lệnh nói rằng, ngày 22/6, lúc 3 giờ sáng, Đức sẽ khai chiến chống Liên Xô. Tôi cũng rất lo lắng khi tiếp nhận tin này, hai chân tôi thậm chí khuỵu xuống. Sau đó, chúng tôi chia tay, tôi lao về sứ quán, sau khi xử lý, tin này được gửi về Moskva”.
Đáng tiếc là khi nhận được bức điện này, Stalin đã viết bằng mực xanh lên báo cáo tình báo của Lehmann mấy chữ “thông tin giả”.
Sáng 22/6/1941, tòa nhà đại sứ quán Liên Xô trên phố Unter den Linden ở trung tâm Berlin đã bị nhân viên Gestapo vây kín. Tình báo Liên Xô mãi mãi mất liên lạc với Wilhelm Lehmann.
Cái chết bi tráng
Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, chỉ huy tổ tình báo NKVD ở Đức Aleksandr Korotkov được giao nhiệm vụ tìm hiểu số phận của các điệp viên giá trị của NKVD bị mất liên lạc trong thời gian chiến tranh ác liệt, trong số đó có Breitenbach và các thành viên của “Dàn hợp xướng đỏ”.
Giữa tháng 6/1945, khi Berlin hoang tàn vẫn còn nghi ngút khói lửa, Korotkov tìm đến căn hộ của Margaret Lehmann và được bà cho biết, Willy Lehmann chồng bà đã mất tháng 12/1942, chỉ còn lại bình tro cốt và vật dụng cá nhân của ông. Bà không biết chi tiết gì về cái chết của chồng.
Tình báo Liên Xô, khi sục tìm các tài liệu trong trụ sở đổ nát của Gestapo tại số 8, phố Prinz Albrechtstrasse, đã phát hiện một phiếu hồ sơ cháy xém đề tên Wilhelm Lehmann, trên có ghi chú ông đã bị Gestapo bắt vào tháng 12/1942, nhưng không nêu nguyên nhân bắt giữ.
Dựa vào phiếu hồ sơ này cùng với các tài liệu thu được khác, Trung ương tình báo ở Moskva nhanh chóng xác định được nhân viên Gestapo bị xử tử chính là điệp viên Breitenbach.
Qua điều tra, tình báo đối ngoại Liên Xô đã biết được hoàn cảnh cái chết của A-201. Tháng 5/1942, điệp viên Beck (đảng viên cộng sản Đức Robert Bart, tự đầu hàng Hồng quân) của tình báo Liên Xô được tung vào Berlin để nối lại liên lạc và tiếp tục làm việc với Breitenbach. Nhưng Gestapo nhanh chóng lần ra tung tích và bắt giữ Beck. Không chịu nổi đòn tra, Beck đã khai ra quy ước liên lạc và những thông tin nhận diện điệp viên Breitenbach.
Gestapo lập tức báo cáo việc phát hiện điệp viên Liên Xô cho Heinrich Muller. Nhưng cả Himmler và Muller đã không dám báo cáo với Hitler việc một thanh tra hình sự kỳ cựu, đại úy SS chui sâu hoạt động cho Liên Xô hàng chục năm trời ngay trong lòng Gestapo.
Bìa cuốn sách “Điệp viên siêu đẳng”
của Teodor Gladkov
Ngay trước lễ Giáng sinh năm 1942, Breitenbach bị triệu khẩn cấp tới cơ quan và mãi mãi không trở về. Ông đã bị Gestapo bí mật bắt giữ và thủ tiêu để tránh gây ra scandal ầm ĩ.
Trong bản tin nội bộ của Gestapo ngày 29/1/1943 có đăng thông báo “thanh tra hình sự Wilhelm Lehmann đã cống hiến đời mình cho quốc trưởng và đế chế vào tháng 12/1942”.
Một trong những điệp viên xuất sắc nhất của tình báo Liên Xô đã hy sinh bi thảm như thế. Wilhelm Lehmann không phải là người cộng sản, nhưng ông có cảm tình với nước Nga và nhân dân Nga. Cuộc đời, công lao đóng góp của ông vào chiến thắng chung trước chủ nghĩa phát xít xứng đáng sự thừa nhận và tưởng nhớ biết ơn.
Năm 1969, bà Margaret Lehmann, vợ của điệp viên A-201 đã được trao tặng tại Moskva chiếc đồng hồ vàng với dòng chữ “Kỷ niệm từ những người bạn Xô-viết”.
Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Chiến thắng Vĩ đại, ở Nga đã xuất bản cuốn sách “Điệp viên siêu đẳng” của sử gia tình báo Teodor Gladkov viết về điệp viên A-201/Breitenbach.
Và năm nay, đúng ngày Chiến thắng 9/5/2011, truyền hình Nga đã phát bộ phim truyền hình “Điệp viên A-201 - người của chúng ta trong Gestapo”. (Theo NVO).

Điệp viên giá trị bằng cả tập đoàn quân

VietnamDefence - Nhà tình báo vĩ đại Richard Sorge đi vào lịch sử tình báo thế giới với những chiến công bất tử. Vì những éo le lịch sử, công lao của ông được nhìn nhận trên thế giới trước khi được nhân dân Liên Xô biết đến và ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vào năm 1964, 20 năm sau khi bị treo cổ (7.11.1944).

Richard Sorge (spy-stories.com)

Tên tuổi ông gắn với hai sự kiện phi thường là: cảnh báo cuộc xâm lược của Đức chống Liên Xô và đặc biệt là báo tin Nhật không tấn công Liên Xô trong năm 1941. 
Báo động cuộc xâm lược của Hitler
Báo cáo đầu tiên về việc Đức bắt đầu chuẩn bị tấn công Liên Xô Richard Sorge gửi về Moskva ngày 28.12.1940, chỉ 10 ngày sau khi Hitler ký kế hoạch chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô. Nhưng lãnh đạo Liên Xô không tin vào tin tình báo này vì chỉ mới một tháng trước Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Molotov còn đến Berlin hội đàm với phía Đức.

Ngày 2.5.1941, dựa trên trao đổi với đại sứ Đức tại Tokyo Eugen Ott, Sorge đã báo về Moskva: nguy cơ Đức tấn công đã trở thành hiện thực.
Cuối cùng, bằng 2 điện mã ngày 30.5 và 1.6.1941, Richard Sorge đã khám phá hoàn toàn kế hoạch tấn công Liên Xô của Đức. Trong bức điện đầu, ông báo cuộc tấn công sẽ diễn ra “vào nửa cuối tháng 6”, còn trong bức điện thứ hai, ông cảnh báo, “đòn đánh mạnh nhất sẽ do cánh trái quân đội Đức thực hiện” (tức là theo hướng Leningrad, sau đó vòng về Moskva) và bộ chỉ huy Đức đã quyết định lợi dụng “sai lầm trầm trọng nhất” của ban lãnh đạo Liên Xô khi đưa quân áp sát biên giới phía Tây, nhưng không bảo đảm chiều sâu cần thiết cho đội hình triển khai các lực lượng này.
Một số bức mật điện của Ramsay/Sorge

Sorge đã lấy được thông tin này từ 2 sĩ quan Đức mới từ Berlin đến Tokyo trong tháng 5.1941. Một là nhà tình báo Đức nổi tiếng, tướng Oskar Ritter von Niedermayer, sĩ quan đặc phái của Thống chế Wilhelm Keitel, Tổng tư lệnh Bộ Tư lệnh tối cao quân đội Đức. Niedermayer được cử sang Nhật để tìm hiểu khả năng Nhật cùng với Đức tấn công Liên Xô. Người thứ hai là trung tá Friedrich von Schol, cựu tùy viên quân sự Đức ở Tokyo, vừa được bổ nhiệm làm tùy viên quân sự tại Bangkok.
Cố vấn Thủ tướng Nhật Hotsumi Ozaki,
nguồn tin chính của tổ tình báo Sorge (Ảnh” SS)

Tuy nhiên, 2 mật điện này lại được Cục Tình báo Hồng quân Liên Xô xem là thông tin giả của Đức nên không gửi cho ban lãnh đạo Liên Xô. Cục Tình báo Hồng quân đặc biệt tức giận với bức điện thứ hai, trong đó có nói về những sai lầm trong triển khai quân đội. Kết quả, bức điện thứ hai phải chịu phán quyết: “Đưa vào danh sách các báo cáo đáng ngờ và thông tin giả của Ramsay”.
Ban lãnh đạo tình báo quân sự Liên Xô có thái độ như thế đối với thông tin từ Sorge một phần không nhỏ là do Stalin biết người hoạt động ở Nhật với mật danh Ramsay chính là Sorge, người mà ông rất thù ghét.

Như vậy, Richard Sorge là một trong những nguồn tin tình báo đầu tiên cảnh báo lãnh đạo Liên Xô về việc nước Đức phát xít chuẩn bị cuộc xâm lược chống Liên Xô. Tuy ông không phải là người đã báo tin chính xác ngày giờ Đức tấn công Liên Xô như khẳng định ban đầu của các nhà nghiên cứu Liên Xô vào năm 1964, khi công bố tên tuổi, thành tích và truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho Sorge.

Trên thực tế, trong các điện mã của Sorge được giải mật không có tin đó. Mật điện của ông ngày 15.6.1941 cũng không có tin này, mặc dù một số nhà nghiên cứu đã dẫn nguồn này trước khi nó được công bố. Ngoài ra, cả Sorge và điện báo viên của tổ Ramsay là Max Gottfried Friedrich Clausen đều không nhắc đến việc này khi bị hỏi cung trong quá trình điều tra.

Cứu thoát Moskva
Richard Sorge (SS)

Richard Sorge cũng được khẳng định gần như là cứu tinh duy nhất của thủ đô Moskva vào mùa thu năm 1941. Thông tin của Sorge nói rằng, Nhật Bản từ bỏ kế hoạch tấn công Liên Xô trước mùa xuân năm 1942 là chính xác và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Tháng 9.1939, Liên Xô đã ký hiệp ước bất tương xâm với Đức và tháng 4.1941, ký hiệp ước trung lập với Nhật. Nhưng năm 1940, hai nước này cùng với Italia đã ký hiệp ước ba bên về phối hợp nỗ lực quân sự nhằm thiết lập “trật tự mới” ở châu Âu và Đông Á, khiến Liên Xô lâm vào nguy cơ “lưỡng đầu thọ địch”, bị tấn công cả từ hai hướng Tây và Đông. Sau khi Hitler tấn công Liên Xô, câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có thực hiện cam kết đồng minh của mình với Đức để mở “mặt trận thứ hai” chống Liên Xô ở Viễn Đông hay không?
Việc tìm ra câu trả lời gặp khó khăn vì trong nội bộ giới cầm quyền vào nửa cuối năm 1941 diễn ra cuộc tranh cãi về hướng xâm lược tương lai của Nhật là gì. Họ đã thảo luận khả năng cho đạo quân Quan Đông từ Mãn Châu Lý tấn công lên phía Bắc hoặc là tiến xuống phía Nam vào các thuộc địa của Pháp và Hà Lan. Cuộc chiến cò cưa ở Trung Quốc cầm chân cả triệu quân chiếm đóng Nhật cũng làm cho tình hình rất rối ren.

Quyết định đầu tiên, có tính tạm thời về vấn đề này được đưa ra ở cấp cao nhất vào ngày 2.7.1941 tại cuộc họp có sự tham dự Hoàng đế Nhật. Họ phê chuẩn chiến thuật cho “các chiến dịch quân sự thống nhất ở phía Nam và phía Bắc”. Có nghĩa là Nhật tiếp tục chuẩn bị cho các cuộc tấn công cả lên hướng Bắc và xuống phía Nam. Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc điều kiện ở đâu thuận lợi hơn. Đây là chủ trương nhằm tranh thủ thêm thời gian để xem các sự kiện trên mặt trận Xô-Đức diễn biến ra sao. Cuộc tấn công vào vùng Viễn Đông của Liên Xô bị trì hoãn chứ không được loại bỏ hẳn khỏi nghị trình.

“Điệp viên ảnh hưởng” của Liên Xô trong giới quan chức chính phủ Nhật là Hotsumi Ozaki, bạn thân và đồng sự của Sorge. Hotsumi Ozaki không thuộc về một gia đình trâm anh thế phiệt, nhưng học tại một trường trung học danh tiếng ở Tokyo, nhiều học sinh tốt nghiệp trường này đã giữ các chức vụ cao trong ban lãnh đạo Nhật Bản. Các quan hệ bạn bè của Ozaki đã giúp ông đắc lực trong hoạt động tình báo. Sorge đã nhận được thông tin về cuộc họp ngày 2.7.1941 ngay từ giới quan chức chính phủ Nhật (qua Ozaki), cũng như từ đại sứ quán Đức ở Tokyo. Trong điện mã ngày 10.7.1941, ông báo: “Nguồn tin Invest (Ozaki) nói rằng, tại cuộc họp với Hoàng đế, đã quyết định không thay đổi kế hoạch hành động chống Sài Gòn (Đông Dương), nhưng đồng thời cũng quyết định chuẩn bị các hành động chống Liên Xô một khi Hồng quân thất bại. Đại sứ Đức cũng nói như thế, rằng Nhật Bản sẽ bắt đầu tham chiến nếu quân Đức đến được Sverdlovsk”. Trên điện mã này, người chỉ huy GRU lần đầu tiên ghi nhận xét: “Căn cứ vào những khả năng lớn của nguồn tin và tính xác thực của một phần đáng kể những báo cáo trước đó, những tin tức này là đáng tin cậy”. Đây gần như là sự thừa nhận đầu tiên công lao của Sorge từ phía lãnh đạo tình báo quân sự Liên Xô.

Nhưng cuối cùng thì quân Nhật có thể tấn công theo hướng nào? Quyết định cuối cùng của Nhật về vấn đề này được thông qua tại phiên họp với Hoàng đế Nhật ngày 6.9.1941. Trước thời điểm này, chiến dịch chớp nhoáng mùa hè năm 1941 Đức đã phá sản nên Nhật Bản quyết định thử vận may ở hướng Nam. Sorge đã báo cáo về quyết định có tính định mệnh đối với Liên Xô này trong một loạt các điện mã gửi ngày 14.9.1941. Hai ví dụ điển hình: “Theo thông tin của nguồn tin Invest, chính phủ Nhật đã quyết định trong năm nay không khai chiến chống Liên Xô, nhưng các lực lượng vũ trang vẫn được để lại Mã Châu quốc phòng trường hợp tham chiến vào mùa xuân năm tới một khi Liên Xô thua trận trước thời điểm này… Invest nói rằng, sau ngày 15.9, Liên Xô có thể hoàn toàn rảnh tay”. “Nếu đàm phán với Mỹ kết thúc không thành công, Nhật Bản sẽ khai chiến ở hướng Nam rất nhanh”.
Tượng đài nhà tình báo vĩ đại Richard Sorge ở Moskva

Vấn đề quân Nhật tiến về phía Nam được nêu cụ thể hơn tại một trong những bức điện mã cuối cùng của Sorge ngày 3.10.1941: “Trong trường hợp Mỹ không thực sự thỏa hiệp trước giữa tháng 10, Nhật Bản sẽ khai chiến trước hết chống Thái, sau đó là Singaporer, Malayu và Sumatra”. Bí mật của việc nước Nhật quân phiệt chuẩn bị tham gia Thế chiến II bên phía khối trục, nhưng không phải chống Liên Xô mà chống Anh và Mỹ, đã bị khám phá.
Hoàn toàn an tâm là sau 15.9, “Liên Xô có thể hoàn toàn rảnh tay” do không phải lo Nhật khai chiến ở Viễn Đông cho đến “mùa xuân năm sau” thực tế đã tạo cơ hội cho bộ chỉ huy Liên Xô yên tâm thực hiện một hành động cơ động chiến lược cực kỳ quan trọng là tạm thời điều các binh đoàn từ Viễn Đông sang mặt trận phía Tây mà không phải lo Nhật tấn công. Các sư đoàn còn sung sức và được huấn luyện tốt này đã tạo bước ngoặt trong trận đánh bảo vệ Moskva thu-đông năm 1941, giữ vững thủ đô Moskva và giành thắng lợi quan trọng đầu tiên cả về chiến lược và quân sự-chính trị trước quân đội Đức.

Việc điều động quy mô lớn nhất các đơn vị Hồng quân từ Viễn Đông sang phía Tây đã được thực hiện trên cơ sở sắc lệnh của Tổng hành dinh Bộ Tổng tư lệnh tối cao ngày 12.10.1941. Trong ngày ký sắc lệnh này, tại Kremlin đã diễn ra cuộc họp kéo dài gần một giờ rưỡi do Stalin chủ trì có sự tham dự của Molotov, Malenkov và nhiều tướng lĩnh, quan chức cao cấp. Trên bàn của Stalin trong cuộc họp này có thể có các bức điện mã ngày 14.9.1941 của Sorge.

Không phải ngẫu nhiên mà theo lời kể của nhà tình báo Liên Xô kỳ cựu, Thiếu tướng M. Ivanov, trong khi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đang diễn ra, Stalin khi có mặt Nguyên soái A. Vasilevsky đã nói rằng, “tại Nhật Bản, tình báo quân sự (Liên Xô) đang có một tình báo viên mà giá trị bằng với một quân đoàn và thậm chí một tập đoàn quân”. Theo Tướng M. Ivanov, tuyên bố đó cho thấy, cùng với việc chiến tranh bùng nổ, thái độ nghi kỵ trước đây của Stalin đối với Sorge đã thay đổi.

Nhân cách phi thường và số phận nghiệt ngã

Richard Sorge có cha là người Đức, mẹ người Nga. Ông là một trí thức lớn, một đảng viên cộng sản nhiệt thành, một nhà báo giỏi, và trên hết ông là tình báo viên lỗi lạc của Cục Tình báo Hồng Quân công nông (tiền thân của Tổng cục Tình báo quân sự - Bộ Tổng tham mưu GRU sau này), nhà tình báo nổi tiếng nhất thời Thế chiến II.
Ishii Hanako (SS)

Trong đời thường, Richard Sorge nổi tiếng là người mê sách, phụ nữ, rượu và tốc độ, một tay chơi, thích phiêu lưu, người cực kỳ sành ăn, một nhà thông thái lớn về món ăn phương Đông. Là người ham mê phụ nữ và lão luyện tình trường, và theo các nhà nghiên cứu tiểu sử phương Tây, Richard Sorge “duy trì quan hệ lâu dài” với 52 phụ nữ, ông còn bạo gan “cắm sừng” cả đại sứ Đức tại Tokyo.
Mối tình cuối cùng và bất tử của ông là Ishii Hanako, người đã chăm nom phần mộ của ông cho đến khi bà qua đời ngày 4.7.2000 ở tuổi 89.

Tuy nhiên, với những con người phi thường làm công việc khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập và đầy áp lực là tình báo, chúng ta không thể lấy lẽ thường để phán xét họ.

Số phận Sorge đầy những cay đắng, nghiệt ngã. Ông bị nhà lãnh đạo Liên Xô I. Stalin ngờ vực, thù ghét, tin tức do ông cung cấp bị cấp trên nghi ngờ, vợ ông bị truy bức ở Liên Xô trong khi ông hoạt động ở nước ngoài, bị bỏ rơi khi trong tù và bị lãng quên trong 20 năm sau khi hy sinh. Ông đã cả gan “kháng chỉ”, không chấp hành lệnh gọi về nước của Stalin và Trung ương tình báo vì ông biết nếu về nước, ông sẽ mất mạng hoặc ngồi tù bởi chiến dịch thanh trừng tình báo quân sự đang hồi khốc liệt. May nhờ có việc nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev xem bộ phim “Ông Sorge, ông là ai?” nói về ông của đạo diễn Pháp Yves Ciampi, tên tuổi và công lao của ông mới được biết đến và ghi nhận.

Sau Thế chiến II, tình báo Mỹ cáo buộc Richard Sorge không chỉ khám phá bí mật Nhật Bản sẽ xâm lược về hướng Nam, mà còn biết thời gian Nhật tấn công Mỹ và địa điểm tấn công là Trân Châu Cảng. Họ buộc tội Sorge đã “xúi giục” Nhật khai chiến với Mỹ khi ông tìm cách hướng mối đe dọa tấn công của Nhật khỏi Liên Xô, mặc dù các bằng chứng cho thấy, Sorge và các đồng chí của ông đã cố gắng cảnh báo nước Mỹ về việc Nhật Bản đang chuẩn bị tấn công quân sự. Ngoài ra, Sorge còn bị nghi là điệp viên hai mang làm việc cho cả tình báo Liên Xô và Đức, thậm chí cả tình báo Anh.

Với đánh giá “Đây là người anh hùng chân chính!” đối với ông của nhà lãnh đạo Khrushchev Richard Sorge đã đi vào lịch sử với tư cách nhà tình báo vĩ đại của thế kỷ XX. (Theo SS).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH