Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

CÁC BẬC NHÂN TÀI KHOA HỌC 12

(ĐC sưu tầm trên NET)
34-Alexander Graham Bell
Alexander_Graham_Bell_712.jpg
1847-1922
Vương Quốc
Phát Minh

Alexander Graham Bell và đường dây điện thoại đầu tiên trên thế giới

0 Cao Anh Lâm (Theo Hubpages)
ANTĐ Phát minh điện thoại của Alexander Graham Bell đã khơi nguồn cho một cuộc cách mạng viễn thông thay đổi thế giới. 
Trước đó, công nghệ hiện đại nhất chính là bảng mã điện báo Morse. Từ niềm đam mê công việc dạy cho người khiếm thính và sự am hiểu bảng mã Morse, Alex đã phát minh ra ‘máy điện báo âm thanh’ và sau này đổi tên thành ‘điện thoại’.

Gia đình nhà Bell

Alexander Graham Bell sinh ngày 3-3-1847 tại Edinburgh, Scotland. Cha của ông là Alexander Melville Bell và mẹ là Eliza Grace Symonds Bell. Cậu bé Aleck là con thứ hai trong gia đình và tên của cậu được đặt theo tên ông nội và bố theo truyền thống thời đó. Không may là hai người anh em của Alex đều mất vì dịch viêm phổi làm cho hàng loạt trẻ em chết yểu vào thời đó.

Edinburgh, thủ đô của Scotland thời đó được mệnh danh là “Athen phương Bắc” vì đây là một thành phố của văn hóa, giáo dục và học tập. Sống trong không gian đó, cậu bé Aleck bắt đầu hình thành niềm đam mê khám phá khoa học và nghệ thuật. Aleck cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ ông mình- một giáo sư khả kính dạy môn diễn thuyết trước công chúng.

ảnh 1
Alexander Graham Bell

Mẹ của ông là một người khiếm thính nhưng bà vẫn là một nhạc công dương cầm rất thành công. Chính Alexander đã lấy người mẹ của mình làm động lực vượt qua khó khăn cũng như tìm ra phương thức chữa bệnh khiếm thính cho mẹ bằng cách phát minh ra điện thoại.

Alexander Graham Bell không đi học mà được mẹ dạy dỗ tại nhà. Họ cùng nhau khám phá và tìm tòi bất cứ điều gì hấp dẫn họ. Vì thế, từ nhỏ cậu bé Aleck đã có kiên thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực cũng như niềm đam mê tìm hiểu thế giới không ngừng. Sau này, ông có đi học trường tư trong vòng 1 năm để chuẩn bị cho khóa học chính quy hai năm tại trường trung học hoàng gia.

Năm 12 tuổi khi đang theo học tại trường hoàng gia, ông có phá minh đầu tiên. Khi đó Alex và một người bạn đang quan sát hoạt động của một nhà máy xay bột và ông nhận thấy quá trình tách trấu khỏi bột rất khó khăn. Alex đã phát triển thành công một hệ thống các mái chèo và đinh ốc hoạt động tự động để tách trấu một cách hiệu quả.

Nghiên cứu về sự truyền âm

Năm 16 tuổi, Alex bắt đầu những nghiên cứu đầu tiên về "cơ chế truyền âm". Ông cũng có được một vị trí giảng viên tại học viện Weston với môn âm nhạc và nghệ thuật diễn thuyết.

Ông tiếp tục phát triển công nghệ “Lời nói khả kiến” giúp người khiếm thính có thể học được vị trí của các cơ quan liên quan tới lời nói như môi, lưỡi và ngạc để tạo âm thanh dù họ không thể nghe được những gì mình vừa nói.

ảnh 2
Bản thiết kế điện thoại

Năm 1870, Alex cùng gia đình vượt đại dương để bắt đầu cuộc sống mới tại Canada. Một năm sau đó, ông chuyển tới Mỹ dạy học và tận hưởng bầu không khí bác học tại thành phố Boston. Tới năm 1872, Alex tìm thấy một trường dạy cho người khiếm thính sử dụng những công nghệ ông đã phát triển trước đó cho các giáo viên dạy người khiếm thính. Trường đào tạo sau đó được hợp nhất với đại học Boston. Vào thời điểm đó, học vị giáo sư bắt đầu được công nhận và Alexander Graham Bell trở thành giáo sư đầu tiên của bộ môn Sinh lý học lời nói năm 1873. Đến năm 1882, ông trở thành công dân vĩnh viễn hợp pháp của Hoa Kỳ.

Từ điện báo tới viễn thông

Phát minh điện thoại của Alex đã khơi nguồn cho một cuộc cách mạng viễn thông thay đổi thế giới. Trước đó, công nghệ hiện đại nhất chính là bảng mã điện báo Morse. Từ niềm đam mê công việc dạy cho người khiếm thính và sự am hiểu bảng mã Morse, Alex đã phát minh ra ‘máy điện báo âm thanh’ và sau này đổi tên thành ‘điện thoại’.

Ý tưởng thực sự truyền tiếng nói điện tử trong một khoảng cách xa luôn luôn là một khái niệm cuốn hút Alex. Từ công nghệ điện báo, ông đã suy nghĩ rất nhiều để phát triển điện thoại.

Năm 1875 ông sản xuất máy thu đơn giản đầu tiên của mình có khả năng chuyển các xung điện thành âm thanh. Alex cuối cùng tạo ra một máy tính mà có thể cả truyền và nhận âm thanh. Phát minh đáng chú ý và thay đổi thế giới này đã được ông đăng ký bằng sáng chế vào năm 1876.

ảnh 3
Gia đình nhà Bell năm 1885

Không giống như nhiều phát minh mới khác, điện thoại đã được thông qua một cách nhanh chóng. Chỉ sau một năm trạm trao đổi điện thoại đầu tiên đã được xây dựng ở Connecticut và Công ty Bell Telephone được thành lập. Alexander Graham Bell nhanh chóng trở thành một người đàn ông rất giàu có. Ông đã được trao một số giải thưởng uy tín và tiếp tục phát triển hơn nữa các thí nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là công nghệ để giúp người khiếm thính.

Ông cũng thành lập The National Geographic Society và là một trong những chủ tịch và biên tập viên đầu tiên của tạp chí. Ông qua đời trong yên bình vào mùa xuân năm 1922.

Chiếc điện thoại đầu tiên

ảnh 4
Cuộc điện thoại đường dài đầu tiên được thực hiện.
Alex không bao giờ gọi được cho mẹ hay vợ ông vì họ đều là những người khiếm thính



Chiếc điện thoại đầu tiên do Alexander Graham Bell chế tạo gồm một nam châm điện đôi có màng căng phía trước như mặt trống. Giữa màng chắn là một dây làm bằng sắt. Có thêm một ống nghe hình như cái phễu tương tự như trong các máy hát thời xưa. Khi nói vào ống nghe, một chuỗi các rung động sẽ được tạo ra ở màng chắn, truyền tới dây sắt và tạo ra dòng điện dao động chạy qua dây dẫn. Thiết bị nhận ở đầu dây bên kia là một đĩa kim loại được nối với một đường ống và một nam châm điện khác. Các xung điện từ được truyền tới sẽ làm đĩa rung và tạo sóng âm tương ứng với những gì người gọi đã nói. Alexander đã gọi thiết bị của mình là “Máy điện báo âm thanh”.

Cuộc điện thoại đầu tiên cũng là do Alex tự tay thực hiện. Ông đã gọi cho trợ lý cơ điện của mình là Thomas Watson ở phòng bên cạnh và nói đơn giản “Anh Watson, sang đây đi, tôi muốn gặp anh!”. Nhiều năm sau, đường điện thoại đường dài đầu tiên được thiết lập giữa New York và Chicago.

[Nhân vật] Graham Bell: Nhà phát minh lỗi lạc, chủ nhân bằng sáng chế điện thoại (phần 1)

Phan Huy Thái Nguyên 30/06/15 7 bình luận

Qua bài viết về Antonio Meucci, chắc các bạn cũng đã biết ai là người phát minh ra điện thoại. Thế nhưng, không phải Meucci mà chính Graham Bell mới được công nhận là chủ nhân bằng sáng chế này. Chúng ta sẽ tìm hiểu về Graham Bell xem có phải ông chỉ "hữu danh vô thực" hay không?

Graham Bell - nhà phát minh lỗi lạc, chủ nhân bằng sáng chế điện thoại 1
Alexander Graham Bell (03/03/1847 – 02/08/1922) là nhà phát minh, nhà khoa học, nhà cải cách lỗi lạc người Scotland. Sinh ra và trưởng thành ở Edinburgh, Scotland, ông đã di cư đến Canada năm 1870 và sau đó đến Hoa Kỳ năm 1871, trở thành công dân Hoa Kỳ năm 1882.
Bell được cấp bằng sáng chế cho phát minh ra điện thoại vào năm 1876. Mặc dù các phát minh khác đã được công nhận nhưng bằng sáng chế của Bell đến nay vẫn còn hiệu lực. Về sau Bell còn có nhiều phát mình khác, có thể kể đến những đột phá trong công tác viễn thông quang học, tàu cánh ngầm và kĩ thuật hàng không. Năm 1888, ông trở thành một trong những thành viên sáng lập của Hiệp hội địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society).
Graham Bell - nhà phát minh lỗi lạc, chủ nhân bằng sáng chế điện thoại 2
Chân dung Graham Bell chụp khoảng năm 1914-1919
Thời thơ ấu
Alexander Bell sinh tại Edinburgh, Scotland ngày 03/03/1847. Ông là con thứ hai trong gia đình có ba người con trai. Hai người anh em trai của ông là Melville James Bell (1845-1870) và Edward Charles Bell (1848-1867), cả hai người đều qua đời vì bệnh lao. Cha ông là Giáo sư Alexander Melville Bell, mẹ ông là Eliza Grace (danh xưng Symonds).
Graham Bell - nhà phát minh lỗi lạc, chủ nhân bằng sáng chế điện thoại 3
Edinburgh, Scotland quê hương của Graham Bell
Mặc dù tên khai sinh của ông là Alexander nhưng khi ông 10 tuổi, ông đã yêu cầu cha mình để có tên đệm giống như hai anh em trai. Vào ngày sinh nhật thứ 11, cha ông đã đồng ý và cho phép ông lấy tên đệm là "Graham", do sự ngưỡng mộ Alexander Graham - một người Canada được cha ông điều trị và đã trở thành bạn của gia đình ông. Riêng những người thân và bạn bè, về sau vẫn gọi ông với tên thân mật là "Aleck".
Phát minh đầu tiên
Khi còn là một đứa trẻ, Bell đã biểu lộ sự tò mò với thế giới tự nhiên bằng việc thu thập mẫu thực vật cũng như thử nghiệm chúng. Bạn thân nhất của ông là Ben Herdman, một người hàng xóm có gia đình điều hành một cối xay bột, nơi mà diễn ra nhiều thí nghiệm đột phá. Cậu nhóc Bell đã hỏi bạn cậu rằng người ta làm những gì trong cối xay gió đó. Bạn ông nói rằng lúa mì phải được tách vỏ trấu qua một quá trình mất nhiều thời gian. Và rồi ở tuổi 12, Bell đã kết hợp cánh quạt với bàn chải móng để tạo ra chiếc máy tách vỏ trấu đơn giản và có thể sử dụng ổn định trong vài năm. Đổi lại, John Herdman đã đầu tư cho hai cậu bé một xưởng nhỏ để "phát minh".
Graham Bell - nhà phát minh lỗi lạc, chủ nhân bằng sáng chế điện thoại 4
Từ thời thơ ấu, Bell đã rất nhạy cảm và có tài nghệ thuật, thơ ca và âm nhạc, những thứ được mẹ ông khuyến khích. Không được đào tạo chính thức nhưng ông học thêm piano và trở thành "nghệ sĩ dương cầm" của gia đình. Ông thích bắt chước và dùng "thủ thuật giọng nói" na ná với tiếng bụng để làm trò vui cho khách đến thăm gia đình mình.
Bell bị ảnh hưởng sâu sắc bởi việc mẹ ông dần bị điếc, (bà bắt đầu mất thính giác từ khi mới 12 tuổi) nên ông học được một ngôn ngữ hình thể để có thể nói chuyện với mẹ mình chỉ bằng cách khua tay, việc này cũng dẫn ông tới con đường nghiên cứu âm học.
Gia đình ông có truyền thống dạy diễn thuyết: ông nội ông - Alexander Bell ở London, chú ông ở Dublin và cha ông ở Edinburgh đều là những người dạy diễn thuyết. Cha của Bell dạy ông và các anh em của ông không chỉ viết kí hiệu ngữ âm mà còn nhận diện ký hiệu và âm thanh đi kèm với chúng. Bell đã trở nên thành thạo, ông tham gia những buổi diễn thuyết công cộng của cha mình và làm kinh ngạc khán giả với khả năng đó. Ông có thể giải mã ký hiệu ngữ âm của hầu hết mọi ngôn ngữ. Từ tiếng Latin đến tiếng Gaelic Scotland và thậm chí cả tiếng Phạn, đọc một cách chính xác những đoạn văn bản mà không cần bất cứ kiến thức gì về cách phát âm của ngôn ngữ đó.
Học vấn
Lúc còn thơ ấu, cũng giống như các anh em mình, Bell được cha dạy học ở nhà. Đến tuổi đi học, ông theo học tại trường Trung học Hoàng gia Edinburgh, Scotland. Ông bỏ học ở tuổi 15 khi mới chỉ hoàn thành một phần tư chương trình. Hồ sơ ghi lại ông không có gì nổi bật, thường xuyên vắng mặt và lờ đờ trên lớp. Niềm đam mê của ông là khoa học, đặc biệt là sinh học. Với các môn học khác ông thể hiện sự thờ ơ, làm cho người cha khó tính của ông buồn rầu.
Graham Bell - nhà phát minh lỗi lạc, chủ nhân bằng sáng chế điện thoại 5
Trung học Hoàng gia Edinburgh, nơi Graham Bell từng theo học
Sau khi bỏ học, Bell đến London sống với ông nội là Alexander Bell. Trong những năm tháng sống với ông nội mình, tình yêu với việc học đã được bồi đắp trong ông, với hàng giờ thảo luận và học tập nghiêm túc. Cụ Bell già đã nỗ lực tuyệt vời để giúp cậu học trò trẻ học cách nói chuyện rõ ràng và thuyết phục, những tố chất mà cậu Bell trẻ sẽ cần có. Ở tuổi 16, Bell vừa là một học sinh vừa là một giảng viên diễn thuyết và âm nhạc tại Học viện Weston House, Elgin, Moray, Scotland. Mặc dù đăng ký học tiếng Latin và tiếng Hy Lạp, ông lại tự mình hướng dẫn lớp như một giảng viên và nhận 10£ mỗi buổi.
Vài năm sau, ông đăng ký vào Đại học Edinburgh cùng anh trai Melville, người đã vào học một năm trước đó. Năm 1868, không lâu trước khi tới Canada cùng gia đình, Bell đã hoàn thành kỳ thi tú tài và được nhận vào học tại Đại học London.
Bi kịch gia đình
Năm 1865, khi gia đình Bell chuyển tới London, ông trở lại Weston House với chức vụ trợ giảng. Tận dụng thời gian rảnh rỗi, ông lại tiếp tục những thí nghiệm về âm thanh của mình bằng một vài dụng cụ ở phòng thí nghiệm. Bell tập trung vào thí nghiệm truyền âm thanh bằng dòng điện và sau đó đã thiết lập được một đường dây điện tín từ phòng của ông ở Cao đẳng Somerset tới chỗ một người bạn.
Tới cuối năm 1867, ông mắc bệnh và tình trạng sức khỏe trở nên xấu đi. Em trai ông, Edward "Ted", nằm liệt giường vì bệnh lao phổi. Trong khi Bell phục hồi và quay trở lại làm giảng viên tại Cao đẳng Somerset, Bath, Vương Quốc Anh một năm sau đó thì tình trạng của em trai ông lại trở nên xấu đi. Edward đã không qua khỏi, sau cái chết của em trai mình, Bell đã trở về nhà vào năm 1867. Còn anh trai ông Melville đã kết hôn và chuyển ra ngoài. Với tham vọng có được một tấm bằng tại Viện Đại học London (University College London), Bell đã dành những năm sau đó để tự học tại nhà chuẩn bị cho kỳ thi cấp bằng.
Graham Bell - nhà phát minh lỗi lạc, chủ nhân bằng sáng chế điện thoại 6
Khi anh trai Bell đạt được thành công trên nhiều lĩnh vực như mở trường dạy diễn thuyết, đăng ký bằng sáng chế phát minh và lập gia đình thì ông vẫn tiếp tục là một giáo viên. Tuy nhiên, tháng 5/1870, Melville chết vì biến chứng do bệnh lao, gia đình ông trở nên lao đao. Cha ông cũng trở nên suy nhược và chỉ dần hồi phục sau đợt nghỉ dưỡng ở Newfoundland. Cha mẹ ông đã lên kế hoạch chuyển đi khi nhận ra đứa con duy nhất còn lại của họ cũng đang ốm yếu. Nói là làm, Alexander Melville Bell hỏi ông về việc bán tất cả tài sản của gia đình và cùng cha mẹ đi tới "Tân thế giới". Bất đắc dĩ, Bell phải chia tay Marie Eccleston, người không sẵn sàng rời khỏi nước Anh với ông.
Chuyển tới Canada…
Năm 1870, ở tuổi 23, Bell cùng chị dâu góa bụa Caroline (Margaret Ottaway) và cha mẹ bắt đầu chuyến đi Canada trên con tàu SS Nestorian. Khi cập cảng tại Quebec, nhà Bell chuyển tuyến để tới Montreal và đáp tàu hỏa tới Paris Ontario sống cùng Reverend Thomas Henderson, một người bạn của gia đình ông. Sau một thời gian sống cùng nhà Henderson, nhà Bell mua một nông trại rộng 10,5 acre (42.000 mét vuông) tại Tutelo Heights (giờ là Tutela Heights) gần Brantford, Ontario. Tài sản lúc đó gồm một vườn cây, căn nhà lớn, chuồng ngựa, chuồng lợn, chuồng gà, và một nhà xe giáp sông Lớn (Grand River).
Graham Bell - nhà phát minh lỗi lạc, chủ nhân bằng sáng chế điện thoại 7
Căn nhà đầu tiên của gia đình Bell ở Bắc Mỹ
Tại nơi đây, Bell lập xưởng riêng chuyển đổi từ nhà để xe gần nơi mà ông gọi là "nơi mơ ước", một hố lớn phía trong rặng cây phía sau đất nhà ông phía trên dòng nước. Trong xưởng mới,  Bell tiếp tục thí nghiệm của mình dựa theo công trình của Helmholtz với dòng điện và âm thanh.
Mặc dù mệt mỏi khi vừa tới Canada, ông thích thú với khí hậu và môi trường ở đây. Sức khỏe của ông nhanh chóng được cải thiện. Bell tiếp tục đam mê nghiên cứu giọng nói con người và khi ông phát hiện ra khu bảo tồn Six Nations dọc dòng sông tại Onondaga, ông đã học được ngôn ngữ Mohawk và chuyển chúng thành ký hiệu ngữ âm. Với công lao đó, Bell được tặng thưởng danh hiệu Thủ lĩnh danh dự. 
Qua phần đầu này, chúng ta đã hiểu phần nào về cuộc đời của Graham Bell, trong phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về cách ông tạo ra điện thoại. Hãy tiếp tục theo dõi trong loạt bài 18h hàng ngày nhé!

[Nhân vật] Graham Bell: Chủ nhân bằng sáng chế điện thoại, đúng hay sai? (phần 2)

Phan Huy Thái Nguyên 04/07/15 5 bình luận

Trong phần đầu, chúng ta đã tìm hiểu về tiểu sử cuộc đời Graham Bell, và phần hai này sẽ cho biết quá trình phát minh ra điện thoại của ông. Từ đó, chúng ta sẽ thấy việc cấp bằng sáng chế cho Graham Bell có chính xác hay còn uẩn khúc gì trong đó? Hãy cùng xem tiếp...

Graham Bell Nhà phát minh lỗi lạc, chủ nhân bằng sáng chế điện thoại 1
Ý tưởng và phác thảo
Năm 1874, việc nghiên cứu ban đầu về đồng bộ điện tín của Bell đã cơ bản thành hình, công việc tiến hành ở cả “phòng thí nghiệm” mới ở Boston và cả tại nhà ông ở Canada đã có bước tiến lớn. Mùa hè hăm ấy khi làm việc tại Brantford, Bell đã thử nghiệm “phonautograph”, một thiết bị trông giống một chiếc bút máy có thể vẽ dạng sóng âm thanh trên tấm kính mờ bằng cách truy theo các rung động âm thanh đó. Ông đã nghĩ đến việc tạo ra dòng điện tương ứng với dạng sóng âm thanh cùng với thanh kim loại điều chỉnh tần số để chuyển đổi dòng đó thành âm thanh. Nhưng ông không có mô hình hoạt động để chứng minh tính khả thi của ý tưởng này.
Cũng trong thời gian này, lượng tin báo điện tín đã tăng nhanh chóng mà theo lời của William Orton, chủ tịch của Weston Union, đã trở thành “hệ thống thần kinh của nền thương mại”. Orton đã ký hợp đồng với các nhà phát minh Thomas Edison và Elisha Gray để tìm cách gửi nhiều tin báo điện tín trên mỗi đường dây nhằm giảm chi phí xây dựng đường dây mới. Bell nói với Gardiner Hubbard và Thomas Sandrers rằng ông đang nghiên cứu một phương pháp gửi nhiều tín hiệu âm thanh trên một đường dây điện tín nhờ một thiết bị với nhiều bộ tạo dao động (reed), hai nhân vật giàu có này đã bắt đầu hỗ trợ về tài chính cho các thí nghiệm của ông.
Graham Bell Nhà phát minh lỗi lạc, chủ nhân bằng sáng chế điện thoại 2
Một trong những bản phác thảo điện thoại đầu tiên
Tháng 3/1875, Bell và Pollork, luật sư về sáng chế của Hubbard tới thăm nhà khoa học nổi tiếng Joseph Henry (người sau này là giám đốc của Viện nghiên cứu Smithsonian) để xin lời khuyên của Henry về thiết bị điện với nhiều bộ tạo dao động. Henry đã nói với với Bell rằng ông đã có “mầm mống của một phát minh vĩ đại”. Khi Bell còn e ngại nói ông không đủ hiểu biết để thực hiện điều này, Henry đã nói “Cứ làm đi!”. Lời nói đó đã khích lệ Bell rất nhiều để tiếp tục nghiên cứu, mặc dù ông không có những thiết bị cần thiết để tiếp tục thí nghiệm, cũng như không đủ khả năng để tạo ra mô hình hoạt động cho ý tưởng của mình. Tuy nhiên, cơ hội đã đến với ông, cuộc gặp gỡ giữa Bell và Thomas A. Watson, người có kinh nghiệm về thiết kế mạch điện và cơ khí đã thay đổi tất cả.
Với sự hỗ trợ tài chính từ Sanders và Hubbard, Bell đã thuê Thomas Watson làm trợ lý và hai người đã thực hiện các thí nghiệm về điện báo âm thanh. Ngày 2/6/1875, Watson vô tình gảy vào một trong những thanh tạo dao động và Bell, tại đầu thu của dây, nghe thấy những âm bội của thanh tạo dao động đó. Điều này cho Bell thấy rằng chỉ cần một thanh tạo dao động hay phần ứng (armature), chứ không cần tới nhiều thanh tạo dao động. Nhờ đó, ông đã tạo ra chiếc điện thoại kiểu giá treo, thứ có thể truyền âm thanh nhưng không rõ ràng.
Cuộc đua tới Phòng sáng chế Hoa Kỳ
Năm 1875, Bell đã phát triển thiết bị điện báo âm thanh và phác thảo nên bằng sáng chế ứng dụng cho nó. Vì ông đã đồng ý chia sẻ lợi nhuận cho những người đầu tư là Gardiner Hubbard và Thomas Sanders nên Bell dùng các mối quan hệ ở Ontario, George Brown, cố gắng lấy bằng sáng chế ở Anh. Bell yêu cầu luật sư chỉ được nộp đơn cấp bằng sáng chế ở Mỹ sau khi có thông báo từ Anh (nước Anh chỉ cấp bằng sáng chế cho những phát minh chưa từng được công bố ở nơi khác).
Trong khí đó, Elisha Gray cũng đang tiến hành thí nghiệm về điện báo âm thanh và nghĩ ra cách truyền giọng nói hoạt động bằng nước. Ngày 14/2/1876, Gray đã nộp bản mô tả thiết kế điện thoại hoạt động bằng nước tới Phòng sáng chế Hoa Kỳ. Cùng trong sáng hôm đó, luật sư của Bell cũng đã nộp bằng sáng chế. Một cuộc tranh luận gay gắt nổi lên về việc ai đã đến trước và Gray sau đó đã thách thức tính ưu việt của bằng sáng chế cấp cho Bell. Hôm đó, Bell đang ở Boston và đã không tới Washington cho tới tận ngày 26/2.
Graham Bell Nhà phát minh lỗi lạc, chủ nhân bằng sáng chế điện thoại 3
Bản vẽ bằng sáng chế điện thoại của Graham Bell ngày 07/03/1876
Bằng sáng chế số 174.465 đã được cấp cho Bell vào ngày 7/3/1876 bởi Phòng sáng chế Hoa Kỳ. Nội dung bằng sáng chế có đoạn “phương pháp, thiết bị, truyền giọng nói và những âm thanh khác dưới dạng điện tín... bằng cách tạo giao động điện, tương tự sự rung động của không khí có giọng nói hay âm thanh khác”. Cùng ngày, Bell trở về Boston và trong ngày làm việc tiếp theo, đã vẽ một sơ đồ tương tự bản mô tả sáng chế của Gray vào sổ tay của mình.
Ngày 10/03/1876, ba ngày sau khi được cấp bằng sáng chế, Bell đã thành công trong việc đưa chiếc điện thoại của mình vào hoạt động, sử dụng bộ truyền chất lỏng tương tự bản thiết kế của Gray. Rung động ở màng ngăn làm rung động nước và làm thay đổi điện trở trong mạch. Khi Bell nói câu nổi tiếng “Anh Watson – tới đây đi – tôi muốn gặp anh” vào bộ truyền chất lỏng thì Watson, đang ở đầu thu tại căn phòng bên cạnh, nghe được rất rõ ràng.
Mặc dầu vậy, Bell đã và vẫn bị cáo buộc ăn cắp bản thiết kế điện thoại từ Gray. Ông đã sử dụng thiết kế bộ truyền nước của Gray sau khi được cấp bằng sáng chế, chỉ để tiến hành thực chứng khoa học, để chứng minh giọng nói cũng có thể truyền qua dòng điện một cách rõ ràng. Bell đã tập trung vào cải thiện điện thoại điện từ và không bao giờ sử dụng thiết bị truyền bằng chất lỏng của Gray trong những buổi giới thiệu công khai hay mục đích thương mại.
Graham Bell Nhà phát minh lỗi lạc, chủ nhân bằng sáng chế điện thoại 4
Tranh cãi về việc giữa Graham Bell và Elisha Grayai đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế trước
Phát triển về sau
Để tiếp tục thí nghiệm của mình ở Brantford, Bell đã mang về nhà một mô hình hoạt động của chiếc điện thoại. Ngày 3/08/1876, từ văn phòng điện tín Mount Pleasant cách Brantford 5 dặm (8 km), ông đã gửi một bức điện dự kiến khoảng thời gian ông sẵn sàng. Người xem tò mò tràn vào trở thành nhân chứng cho việc tiếng nói từ chiếc điện thoại đã được đáp lại.
Bell và đối tác của mình, Hubbard cùng Sanders, chào bán toàn bộ bằng sáng chế của mình cho Weston Union với giá 100.000 USD. Chủ tịch Weston Union đã từ chối và cho rằng điện thoại chẳng khác nào một thứ đồ chơi. Hai năm sau, ông chủ tịch này mới cân nhắc việc mua bằng sáng chế đó với giá 25 triệu USD, nhưng lúc đó công ty Bell không còn muốn bán bằng sáng chế nữa. Những người đầu tư cho Bell trở thành những triệu phú, còn Bell thì dư dả, có thời điểm tài sản của ông lên tới gần 1 triệu USD.
Graham Bell Nhà phát minh lỗi lạc, chủ nhân bằng sáng chế điện thoại 5
Bell tại lễ khai trương tuyến dây điện thoại đường dài từ New York tới Chicago năm 1892
Công ty điện thoại Bell thành lập vào năm 1877, và tới năm 1886, hơn 150.000 người Mỹ đã sở hữu điện thoại. Các kĩ sư ở công ty Bell đã thực hiện nhiều cải tiến trên chiếc điện thoại, giúp nó trở thành một trong những sản phẩm thành công nhất tại thời điểm đó. Năm 1879, công ty Bell mua lại bằng sáng chế của Edison về micro carbon (carbon microphone) từ Weston Union. Điều này giúp điện thoại có thể làm việc ở khoảng cách xa hơn và bạn cũng chẳng cần hét lên để người bên đầu dây kia nghe thấy.
Tháng 1/1915, Graham Bell thực hiện cuộc điện thoại xuyên lục địa đầu tiên. Ông gọi điện từ trụ sở chính của AT&T tại Số 15 Dey Street tại New York tới chỗ trợ lý Watson tại 333 Grant Avanue ở San Francisco. Tờ New York Times đưa tin:
"Ngày 09/10/1876, Alexander Graham Bell và Thomas A. Watson đã nói chuyện điện thoại với nhau trên đường dây điện thoại trải dài từ Cambridge tới Boston. Đó là cuộc nói chuyện qua dây dẫn đầu tiên được tiến hành. Chiều qua [25/01/1915], hai người đó đã nói chuyện qua điện thoại ở khảng cách 3400 dặm (gần 5500 km) giữa New York và San Francisco. Tiến sỹ Bell, nhà sáng chế điện thoại kỳ cựu, ở New York và Watson, trợ lý cũ của ông, ở bờ bên kia lục địa. Tiếng nói rõ ràng hơn nhiều so với lần đầu họ thực hiện 38 năm về trước.”.
Qua loạt bài này, chắc hẳn bạn đọc chúng ta đã có thêm nhiều kiến thức về những người có công sáng tạo, phát minh ra điện thoại. Nhiều uẩn khúc do đó cũng tạm được làm sáng tỏ. Phần 2 này của bài viết về Alexander Graham Bell cũng là phần kết của loạt bài người phát minh ra điện thoại. Tiếp sau loạt bài này sẽ là các bài viết về những nhà sáng chế, phát minh, những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và vẫn trong khung giờ 18 giờ hàng ngày. Hãy đón xem nhé!
Xem lại các bài cùng chủ đề >>> Tại đây

Graham Bell không phải người phát minh ra điện thoại?


Các tài liệu cổ mới được phát hiện cho thấy nhà khoa học người Đức Philipp Reis đã phát minh ra điện thoại 15 năm trước Alexander Graham Bell.
Graham Bell khong phai nguoi phat minh ra dien thoai
Ai phát minh ra điện thoại trước tiên?
Graham Bell - nhà khoa học người Mỹ sinh tại Scotland - thường được cho là người đầu tiên sử dụng thiết bị điện để truyền giọng nói từ một điểm tới một điểm khác vào năm 1876. Các cuộc thử nghiệm thành công về telephon - thiết bị có thể truyền và nhận lời nói do Philipp Reis chế tạo vào năm 1863 - đã bị che đậy nhằm giữ uy tín cho Graham Bell. Người ta cho rằng thủ phạm là thương gia người Anh Frank Gill.

Bằng chứng nằm trong kho lưu trữ của Viện bảo tàng London và được John Liffen, Giám đốc thông tin, phát hiện vào tháng 10 năm nay. Gill là Chủ tịch của Standard Telephones and Cables (STC) - công ty tiến hành thử nghiệm thiết bị của Reis. Vào thời điểm đó, STC đang tiến hành đấu thầu một hợp đồng từ Công ty American Telephone and Telegraph của Mỹ, tiền thân của nó là Bell Company.
Gill nghĩ nếu kết quả thử nghiệm thành công được công bố, STC sẽ mất cơ hội giành được hợp đồng. Một bức thư đề ngày 19/3/1947 từ Gerald Garratt, người tiền nhiệm của Liffen, cho thấy STC trao cho ông các bản báo cáo về thiết bị của Reis với những điều khoản chặt chẽ tới mức không thể đề cập hoặc công bố chúng nếu không được sự cho phép của STC.

Sau đó, STC lo ngại và muốn lấy lại những tài liệu trên. Trong một bức thư tiếp theo, Garratt viết: ""Tôi nghĩ rằng có một điều gì đó bí mật liên quan tới những tài liệu này. Phải chăng Bell đã phát minh ra điện thoại? Ở đây tôi giữ bản thảo chưa được công bố dày trên 400 trang chắc chắn chứng minh ông ta không phát minh ra điện thoại"".

Liffen cho biết: ""Nếu điện thoại là một thiết bị có thể liên lạc qua bất kỳ khoảng cách nào thì chính Reis là người đã phát minh ra nó"".
(Minh Sơn - Theo BBC)
Việt Báo (Theo_VietNamNet )
35- Michael Faraday
Michael_Faraday_770.jpg 
1791-1867
Vương Quốc
Vật Lý, Hóa Học

Michael Faraday - cả thế giới mãi nhớ tên ông

Michael Faraday được cả thế giới biết đến bởi ông là người có công lớn nhất trong việc biến “từ” thành “điện”- nguồn năng lượng sạch và phổ biến nhất ngày nay. Với phát minh của mình ông đã trở thành nhà khoa học bất tử trong lòng nhân loại.
Michael Faraday - cả thế giới mãi nhớ tên ông - Ảnh 1
Nhà khoa học Michael Faraday. Ảnh: thefamouspeople.com
Từ cậu bé đóng sách nghèo ham học
Michael Faraday sinh ngày 22/9/1791 ở Newington Butts (ngoại ô Luân Đôn), trong một gia đình nghèo có bố làm nghề thợ rèn. Từ nhỏ, cậu bé Faraday đã tỏ ra thông minh và hiếu học nhưng phải sớm nghỉ học để phụ giúp gia đình.
Năm 1804, do cuộc sống của gia đình ngày càng khó khăn, Faraday đến xin làm việc tại “Hiệu bán sách và đóng sách Rito” ở London khi mới 13 tuổi. Faraday vừa học nghề đóng sách, vừa tự học qua việc đọc sách. Cậu bé Faraday đặc biệt quam tâm các cuốn sách về khoa học và còn tự làm thí nghiệm đơn giản để kiểm nghiệm lại những điều khẳng định trong sách. Cứ thế trong thời gian rảnh rỗi, Faraday lại say mê cùng những điều lý thú của khoa học, nhất là lĩnh vực điện năng.
Cho đến một ngày năm 1812, anh thợ đóng sách trẻ 20 tuổi Faraday háo hức tham dự các buổi thuyết giảng của nhà hoác học nổi tiếng người Anh Humphry Davy (thuộc Học viện Hoàng Gia và Hội hoàng gia London) và của John Tatum (người sáng lập Hội triết học Thành phố) nhằm trau dồi kiến thức, bù lại khoảng thời gian không được cắp sách đến trường.
Là người ham học, đêm nào Faraday cũng đọc sách tới khuya khiến nhiều lần ngủ gật trong giờ làm việc. Sau đó, Faraday gửi cho giáo sư Davy cuốn sách với tựa đề “Ghi chép về buổi diễn thuyết của giáo sư Humphry Davy” và một bức thư tự tiến cử gửi tới vị giáo sư này. Nội dung ghi chép cùng những kiến giải riêng của Faraday thể hiện trong quyển sách đã khiến giáo sư Davy hết sức ấn tượng.
Tháng 10/1812, cuộc đời Faraday đã bước sang một trang mới khi được nhận làm giúp việc tại phòng thí nghiệm của giáo sư Davy. Dù chỉ nhận được số lương ít ỏi nhưng Faraday vẫn hăng hái với công việc. Faraday không những ghi chép rất chính xác các ý tưởng khoa học của Davy mà còn tham gia đóng góp ý kiến, phân tích các số liệu thực nghiệm, nhận xét các kết luận khái quát của nhà bác học.
Ngày 1/3/1813, Faraday đã được bổ nhiệm làm trợ lý khoa học. Từ đó, trong các chuyến đi đến Pháp, Ý của giáo sư Davy, Faraday đều được đi cùng và có cơ hội gặp gỡ, học hỏi từ nhiều nhà bác học như Ampère, De la Rive... Faraday đã rất chịu khó ghi chép và tích lũy kiến thức trong suốt hành trình.
Đến nhà bác học thiên tài không bằng cấp
Năm 1816, lần đầu tiên Faraday viết một luận văn khoa học dưới sự chỉ đạo của giáo sư Davy. Chỉ trong 2 năm sau đó, ông tiếp tục có tới 17 bài luận văn phân tích Hóa học. Từ năm 1818 đến năm 1823, trong quá trình nghiên cứu để phục chế thép, Faraday đã sáng tạo ra phương pháp phân tích kim loại.
Năm 1821, Faraday cưới Sarah Barnard. Mặc dù đã lập gia đình, người phụ tá của giáo sư Davy vẫn cần cù ngày hai buổi tới chuẩn bị bài giảng cho các giáo sư của Hội khoa học Hoàng gia, và nhiều buổi trưa, buổi tối anh vẫn cặm cụi ở lại phòng thí nghiệm đọc nốt một chương sách hay làm nốt một thí nghiệm dở dang.
Năm 1824, Faraday được bầu làm hội viên Hội Khoa học Hoàng gia London và bắt đầu giảng dạy tại Học viện Hoàng gia Anh.
Năm 1825, Faraday bắt tay vào việc nghiên cứu loại khí dùng để chiếu sáng cho thành phố London. Loại khí này được đặt tên là khí Clo. Cũng trong năm này, Faraday được giao trách nhiệm chỉ đạo phòng thí nghiệm.
Giai đoạn năm 1830-1839 là thời kỳ mà Faraday đạt được nhiều thành quả khoa học nhất. Ông bắt đầu nghiên cứu vật lý mà cơ bản là phần
điện học hiện đại.
Vào năm 1831, ông phát hiện ra rằng nếu một nam châm chuyển động ngang qua một vòng dây điện khép kín thì một dòng điện sẽ chạy trong dây trong thời gian nam châm chuyển động qua. Hiệu ứng này gọi là cảm ứng điện từ. Và sự khám phá ra định luật tạo ra hiệu ứng này (định luật Faraday) được công nhận là thành tựu cá nhân vĩ đại nhất của Faraday.
Ông còn khám phá ra rằng, nếu ánh sáng phân cực đi qua một từ trường, độ phân cực của nó sẽ thay đổi. Đây là sự định hướng đầu tiên chỉ ra rằng có mối quan hệ giữa ánh sáng và điện từ. Ông vinh dự được mời giữ chức chủ tịch Hội Khoa học Hoàng gia nhưng đã từ chối để chuyên tâm theo đuổi các nghiên cứu khoa học.
Năm 1833, Faraday được cử làm giáo sư hóa học ở Học viện Hoàng gia thay thế giáo sư Davy. Cũng chính năm này Faraday đưa ra lý thuyết và hiện tượng điện phân, đặt cơ sở lý luận cho các ngành công nghiệp điện - hóa. Ông phát biểu về các định luật định tính, định lượng. Chính các từ: "điện phân", "điện cực", "Ion" là do ông đặt ra.
Năm 1838, Faraday tiếp tục nêu ra hai khái niệm: từ trường điện, đường sức.
Năm 1843, Faraday đưa ra lý thuyết về sự nhiễm điện bằng cảm ứng.
Năm 1844, Faraday được viện Hàn lâm Khoa học Paris công nhận là người kế tục Dalton trong số 8 thành viên nước ngoài của Viện.
Năm 1846, ông khám phá ra rằng năng lượng tĩnh điện được định vị trong các chất điện môi. Khám phá này là tiền đề cho sự xuất hiện lý thyết điện tử của Maxwell sau này. Cùng với khám phá đó, Faraday đã tìm ra "hằng số điện môi". Để thưởng công lao cho ông, nữ hoàng Victoria đã tặng ông ngôi nhà ở Hampton Court và phong cho chức Hầu tước, tuy nhiên ông chỉ nhận nhà với sự biết ơn, và từ chối tước vị.
Ngoài thời gian dành cho khoa học, Faraday còn là người thầy xuất sắc. Ông có trách nhiệm cao và rất quan tâm đến phương pháp giảng dạy phải thực nghiệm để xây dựng hình tượng trực quan. Ngày nay, Học viện Hoàng gia Anh vẫn duy trì những nguyên tắc giảng dạy mà Faraday đã đề ra bằng kinh nghiệm và lòng tận tâm với công việc của ông.
Những năm cuối cuộc đời
Ngày 20/3/1862 là ngày cuối cùng đánh dấu công việc nghiên cứu của Faraday. Trong cuốn sổ ghi kết quả nghiên cứu của ông người ta đọc được con số thí nghiệm cuối cùng của ông: 16041.
Mùa hè năm 1867, Faraday ốm nặng, ông bị điếc và mất trí nhớ, nhưng nhìn ông, người ta vẫn cảm thấy ông đang suy tưởng như cả đời ông chưa bao giờ ngừng suy tưởng. Trong những dòng nhật kí cuối cùng của ông, có những lời sau: “…Tôi thật sự thấy luyến tiếc những năm sống đầy hạnh phúc, trong niềm say mê làm việc và trong ước mơ tìm đến những phát minh. Thật đáng buồn khi tôi biết mình sắp từ giã cõi đời, và sẽ không bao giờ được trở lại những ngày sôi nổi… Đối với các bạn trẻ, tôi chỉ có một lời khuyên để lại, rút ra từ kinh nghiệm cuộc sống: hãy làm việc và suy nghĩ đi ngay cả khi chưa nhìn thấy một tia sáng nhỏ bé, vì dù sao, như vậy vẫn còn hơn là ngồi không!…”.
Ngày 25-8-1867 là ngày nhà bác học vĩ đại Faraday từ giã cõi đời. Ông ra đi để lại cho toàn nhân loại một phát minh bất tử, một phát minh mang tính bản lề cho mọi phát minh của loài người sau này. Như lời nhà khoa học Helmholtz ngưòi Đức đã nói: “Chừng nào loài người còn sử dụng đến điện, thì chừng đó mọi người còn ghi nhớ công lao của Michael Faraday”.
Hồng Anh (TTXVN)

Ngày 22/9: Ngày sinh nhà khoa học Michael Faraday, ông tổ của công nghệ sạc không dây

Trần Nam Sơn , Theo Trí Thức Trẻ 2 năm trước
Bình luận 0

Ông là nhà khoa học người Anh có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực điện từ trường và điện hóa học.

Michael Faraday, sinh ngày 22/9/1791, mất ngày 25/8/1867, là nhà khoa học người Anh có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực điện từ trường và điện hóa học. Những khám phá tiên phong của ông có thể kể đến cảm ứng điện từ, tính phản từ và điện phân.
Mặc dù được hưởng rất ít nền giáo dục chính thống, Faraday vẫn là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử giới khoa học. Chính nghiên cứu của về từ trường xung quanh vật dẫn điện chứa dòng điện một chiều đã giúp Faraday lập nên nền tảng cho lý thuyết về điện từ trường trong vật lý học. Faraday cũng là người đầu tiên phát hiện ra rằng từ trường có thể ảnh hưởng tới các phổ ánh sáng, từ đó cho thấy có sự liên hệ giữa hai hiện tượng này.
Cũng theo cách tương tự như thế, ông đã khám phá ra các nguyên lý của hiện tượng cảm ứng điện từ, tính phản từ và các quy luật của hiện tượng điện phân. Phát minh về các thiết bị rotor điện từ trường của ông đã lập nên nền tảng cho các động cơ điện hiện đại, và cũng nhờ vào những nỗ lực của ông, giờ đây điện năng đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Với tư cách là một nhà hóa học, Faraday đã khám phá ra hợp chất benzene, dạng mắt lưới hydrate của chlorine, tạo ra dạng nguyên thủy của hợp chất Bunsen burner, và hệ thống chỉ số oxi hóa, từ đó, các thuật ngữ anode, cathode, electrode và ion trở nên cực kỳ phổ biến. Với những đóng góp của mình, Faraday trở thành vị Giáo sư hóa học đầu tiên và lỗi lạc nhất tại Học viện Hoàng gia Anh Quốc.

Ông là người tìm ra định luật cảm ứng điện từ.
Ông là người tìm ra định luật cảm ứng điện từ.
Faraday là một nhà thực nghiệm xuất sắc, người đã chuyển hóa các ý tưởng của mình thành một thứ ngôn ngữ rõ ràng và đơn giản, tuy nhiên, khả năng toán học của ông lại bị giới hạn ở lĩnh vực số học thuần túy. James Clerk Maxwell đã thừa kế các công trình của Faraday và một số nhà khoa học khác, cô đọng nó trong một loạt các đẳng thức cho đến nay được xem là nền tảng của tất cả các lý thuyết hiện đại về điện từ trường.
Nhận xét về sự ứng dụng lý thuyết đường lực từ của Faraday, Maxwell cho biết, “chúng cho thấy Faraday trên thực tế là một nhà toán học có tính tổ chức cực kỳ cao, một nhà toán học trong tương lai có thể tạo ra những giá trị và các phương pháp đột phá”. Đơn vị điện dung trong hệ đo lường SI được đặt theo tên ông: Farad.
Albert Einstein từng lưu giữ bức ảnh của Faraday trên bức tường phòng nghiên cứu của ông, cùng với chân dung của những khoa học gia nổi tiếng khác là Isaac Newton và James Clerk Maxwell. Nhà vật lý học Ernest Rutherford khẳng định rằng: “Khi chúng ta nhắc đến từ trường và các học thuyết mở rộng các khám phá của Faraday và ảnh hưởng của chúng đến sự phát triển của khoa học và công nghiệp, không có vinh dự nào là đủ để tưởng nhớ tới Faraday, một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại.”

Michael Faraday - Sự bình thường vĩ đại

  • 1 2 3 4 5
  • 2.423
Cống hiến to lớn trong điện tử học của Faraday đã làm cho cả thế giới phải kính nể, ông được phong tặng 97 phẩm hàm, rất nhiều huy chương vàng và bằng chứng nhận các loại.
Khi Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Anh chọn bầu chủ tịch viện, rất nhiều người cùng nghĩ đến Faraday. Mọi người đều cho rằng với sự cống hiến và uy tín của mình Faraday rất xứng đáng với chức vụ đó và là ứng cử viên lý tưởng nhất. Khi Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia cử một số người đến gặp trưng cầu ý kiến của Faraday, ông nói: "Xin cho tôi được suy nghĩ kỹ đã".
Sáng sớm hôm sau họ lại đến nhà Faraday, mọi người rất hồi hộp đợi câu trả lời của ông, họ rất sợ ông từ chối lời mời của Viện. Một vị trong họ nói: "Thưa giáo sư Faraday, tôi hy vọng ngài nhận lời".
Faraday mìm cười nói: "Nói thế hóa ra, ngài muốn bức tôi phải nhận chức vụ đó à?"
"Vâng, đây là trách nhiệm không nên từ chối của ngài ạ!"
Lúc đó Faraday nói ra suy nghĩ của mình: "Lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Anh không phải là chuyện đơn giản. Tôi là người ít giao tiếp, không quen nói, nếu làm chủ tịch e rằng rất không thích hợp."
Lúc này vợ Faraday bước tới nói: "Các ngài xem đấy, ông ấy đơn giản tới mức giống như một đứa trẻ lớn, có thể làm quân đoàn trưởng của một quân đoàn trẻ nhỏ, còn làm chủ tịch Viện e rằng khó làm được".
Cuối cùng Faraday quyết định: "Xem ra hãy cứ để cho tôi được làm một Faraday bình thường, nếu tôi nhận chức vụ chủ tịch Viện Hàn lâm có lẽ một năm sau tôi sợ không còn giữ được những tri thức thuần khiết của mình nữa".
Cho dù mọi người cố gắng khuyên giải nhưng Faraday vẫn không nhận lời, ông kiên quyết làm một Faraday bình thường. Suốt đời ông mang trong mình một trái tim trẻ thơ, với mọi người ông chân tình, hòa nhã, ông thường quấn một chiếc tạp dề cũ, dùng hai ống tay áo để làm thí nghiệm, thậm chí người đến tham quan còn hiểu nhầm ông là người làm tạp vụ.
Khi Faraday nhận làm giáo sư ở Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia, mỗi kỳ nghỉ hàng năm ông đều tổ chức giảng phổ cập khoa học cho thiếu niên nhi đồng. Mỗi lần ông tổ chức cứ nhộn nhịp như tết vậy, mọi người đều hết sức vui vẻ. Cha mẹ đưa các em tới hội trường chật cứng, cả ngoài hành lang các em cũng chen chúc đứng nghe. Chủ đề ông giới thiệu không thiếu lĩnh vực cơ bản nào, từ hóa học, thiên văn học, đến điện... cái gì cần nói ông đều nói. Mọi lý lẽ dù cao siêu đến đâu khi qua ông giảng giải đều trở nên đơn giản và cũng hết sức thú vị.
Hình thức giảng về khoa học như vậy ông đã thực hiện hiện được 19 năm. Các em nhỏ và các bậc phụ huynh đều rất thích, ngay cả 2 hoàng tử con của Nữ hoàng rất hâm mộ ông và cũng đến nghe. Bọn trẻ rất thích ông, mỗi khi cùng vợ đi nhà thờ về, bọn trẻ thường tụ tập ở bên đường để chào ông, hỏi thăm ông, có đứa sau khi cúi người chào ông rồi lại chạy qua đường tắt đón đầu đến trước mặt ông để chào lại lần nữa. Faraday thấy vật rất vui, vợ ông cũng âu yếm gọi là Quân đoàn trưởng quân đoàn trẻ con.
Bạn bè Faraday đã thay ông xuất bản khoa học phổ cập tên gọi là "Câu chuyện cây nến", trong sách nói tại sao cây nến lại cháy được, cháy xong thì đi đâu mất... nội dung sinh động, hấp dẫn. Trong cuốn sách Faraday viết: Hy vọng thế hệ trẻ cũng giống như cây nến, có một chút ánh sáng, một chút nhiệt lượng, cống hiến sức mình cho sự nghiệp chung của nhân loại.
Cuộc đời Faraday là như vậy, ông đốt cháy mình, mang ánh sáng tặng cho mọi người. Ông hiến trọn đời mình cho công việc đi tìm chân lý, ông đã để lại rất nhiều di sản tri thức cho chúng ta. Ông là một nhà khoa học vĩ đại.
"Không thể nói rằng tôi không trân trọng những vinh dự này, hơn nữa thừa nhận nó rất có giá trị, nhưng chỉ có điều tôi chưa từng làm việc vì mục tiêu nhằm đạt được những vinh dự đó".
-- Faraday -
-----------------------------
Trở lại: "Michael Faraday và gian phòng thí nghiệm nhỏ"
Trở lại: "Michael Faraday - Cánh chim tự do"
Cập nhật: 02/01/2006 H.T sưu tầm

Thiên tài không bằng cấp Michael Faraday


Michael Faraday là nhà bác học được cả thế giới biết đến bởi ông chính là người có công lớn nhất trong việc biến từ thành điện - nguồn năng lượng sạch và phổ biến nhất ngày nay.
Michael Faraday sinh ngày 22/9/1791 ở Newington Butts, ngoại ô Luân Đôn, trong một gia đình nghèo có bố làm nghề thợ rèn. Từ nhỏ, Faraday đã tỏ ra thông minh và hiếu học, nhưng phải sớm nghỉ học để phụ giúp gia đình.
Khi đời sống của gia đình càng khó khăn, năm 1804, khi mới 13 tuổi, Faraday đến xin việc tại “Hiệu bán sách và đóng sách Ritô” ở Luân Đôn. Faraday vừa học nghề đóng sách, vừa tự học qua việc đọc sách. Ông đặc biệt chú ý đến các quyển sách về khoa học và còn tự làm thí nghiệm đơn giản để kiểm nghiệm lại những điều khẳng định trong sách. Cứ thế trong thời gian rảnh rỗi, Faraday lại say mê cùng những điều lý thú của khoa học, nhất là lĩnh vực điện năng. Cho đến một ngày, anh thợ đóng sách trẻ Faraday háo hức dự các lớp học buổi tối do Hội Triết học tổ chức để trau dồi kiến thức, bù lại khoảng thời gian không được cắp sách đến trường. Faraday ham học đến nỗi đêm nào cũng đọc sách tới khuya khiến cho nhiều lần ngủ gật trong giờ làm việc.
Năm 1812, Faraday được người chủ hiệu sách tặng cho một tấm vé tham dự buổi thuyết giảng của giáo sư Hóa học Humphry Davy, hội viên Hội Khoa học Hoàng gia Luân Đôn. Faraday sau đó đóng một quyển sách có tên “Ghi chép về buổi diễn thuyết của tước sĩ Humphry Davy” và một bức thư tự tiến cử gửi tới giáo sư Davy. Nội dung ghi chép cùng những kiến giải riêng của Faraday thể hiện trong quyển sách đã khiến giáo sư Davy hết sức ấn tượng.


Bức tranh vẽ của James Gillray về buổi giảng Hóa học tại Học viện hoàng gia của giáo sư Humphry Davy - Ảnh: famousscientists.org
Tháng 10/1812, cuộc đời Faraday đã bước hẳn sang một trang mới khi được nhận làm phụ tá ở phòng thí nghiệm của giáo sư Davy. Dù chỉ nhận được số lương ít ỏi, Faraday vẫn hăng hái với công việc. Faraday không những ghi chép rất chính xác các ý tưởng khoa học của Davy mà còn tham gia đóng góp ý kiến, phân tích các số liệu thực nghiệm, nhận xét các kết luận khái quát của nhà bác học. Faraday được thăng chức trợ lý khoa học vào tháng 3/1813.
Từ năm 1813-1815, trong các chuyến đi đến Pháp, Ý của giáo sư Davy, Faraday đều được đi cùng và có cơ hội gặp gỡ, học hỏi từ nhiều nhà bác học như Ampère, De la Rive... Faraday đã rất chịu khó ghi chép và tích lũy kiến thức trong suốt hành trình.
Lần đầu tiên Faraday viết một luận văn khoa học là vào năm 1816 dưới sự chỉ đạo của giáo sư Davy. Chỉ trong 2 năm sau đó, ông tiếp tục có tới 17 bài luận văn phân tích Hóa học.
Từ năm 1818 đến năm 1823, trong quá trình nghiên cứu để phục chế thép Faraday đã sáng tạo ra phương pháp phân tích kim loại.
Năm 1821, Faraday cưới Sarah Barnard. Mặc dù đã lập gia đình, người phụ tá của giáo sư Davy vẫn cần cù ngày hai buổi tới chuẩn bị bài giảng cho các giáo sư của Hội khoa học Hoàng gia, và nhiều buổi trưa, buổi tối anh vẫn cặm cụi ở lại phòng thí nghiệm đọc nốt một chương sách hay làm nốt một thí nghiệm dở dang.
Năm 1824, Faraday được bầu làm hội viên Hội Khoa học Hoàng gia Luân Đôn và bắt đầu giảng dạy tại Học viện Hoàng gia Anh.
Năm 1825, Faraday bắt tay vào việc nghiên cứu loại khí thể dùng để chiếu sáng cho thành phố Luân Đôn. Loại khí này được đặt tên là khí Clo. Cũng trong năm này, Faraday được giao trách nhiệm chỉ đạo phòng thí nghiệm.
Giai đoạn năm 1830-1839 là thời kỳ mà Faraday đạt được nhiều thành quả khoa học nhất. Ông bắt tay vào việc nghiên cứu vật lý mà cơ bản là phần điện học hiện đại.
Ngày 24/11/1831, Faraday báo cáo trước Học viện Hoàng gia về vấn đề phát hiện cảm ứng của điện từ. Ông vinh dự được mời giữ chức chủ tịch Hội Khoa học Hoàng gia nhưng đã từ chối để chuyên tâm theo đuổi các nghiên cứu khoa học.


Thí nghiệm của Faraday về cảm ứng điện từ năm 1931 - Ảnh: en.wikipedia.org
Năm 1833, Faraday được cử làm giáo sư hóa học ở Học viện Hoàng gia thay thế giáo sư Davy, cũng chính năm này Faraday đưa ra lý thuyết và hiện tượng điện phân, đặt cơ sở lý luận cho các ngành công nghiệp điện - hóa. Ông phát biểu về các định luật định tính, định lượng. Chính các từ: "điện phân", "điện cực", "Ion" là do ông đặt ra.
Năm 1838, Faraday tiếp tục nêu ra hai khái niệm: từ trường điện, đường sức.
Năm 1843, Faraday đưa ra lý thuyết về sự nhiễm điện bằng cảm ứng.
Năm 1844, Faraday được viện Hàn lâm Khoa học Paris công nhận là người kế tục Dalton trong số 8 thành viên nước ngoài của Viện.
Năm 1846, ông khám phá ra rằng năng lượng tĩnh điện được định vị trong các chất điện môi, khám phá này chuẩn bị cho sự xuất hiện lý thyết điện tử của Maxwell sau này. Cùng với khám phá đó, Faraday tìm ra "hằng số điện môi".
Để thưởng công lao cho ông, nữ hoàng Victoria đã tặng ông ngôi nhà ở Hampton Court và phong cho chức Hầu tước, ông chỉ nhận nhà với sự biết ơn, và từ chối tước vị.
Ngoài thời gian dành cho khoa học, Faraday còn là người thầy xuất sắc. Ông có trách nhiệm cao và rất quan tâm đến phương pháp giảng dạy phải thực nghiệm để xây dựng hình tượng trực quan. Cho tới tận ngày nay, Học viện Hoàng gia Anh vẫn duy trì những nguyên tắc giảng dạy mà Faraday đã đề ra bằng kinh nghiệm và lòng tận tâm với công việc của ông.


Faraday giảng dạy tại Học viện Hoàng gia 1856 - Ảnh: en.wikipedia.org
Ngày 20/3/1862 là ngày cuối cùng đánh dấu công việc nghiên cứu của Michael Faraday. Trong cuốn sổ ghi kết quả nghiên cứu của ông người ta đọc được con số thí nghiệm cuối cùng của ông: 16041.
Mùa hè 1867, ông bị điếc và mất trí nhớ, ông qua đời ngày 25/8/1867 thọ 76 tuổi tại Hampton Court. Faraday đã để lại cho nhân loại những phát minh vĩ đại.
Hương Thùy
(Tổng hợp)

Michael Faraday Phát Minh ra Máy Phát Điện và Bộ Biến Điện

faraday02
Michael Faraday chào đời vào ngày 22 tháng 9 năm 1791 trong làng Newington, Surrey, ngày nay thuộc phía nam của thành phố London. Cha của Faraday là một người thợ rèn, đã di chuyển tới miền bắc của nước Anh vào đầu năm 1791 để kiếm sống còn bà mẹ là một người miền quê kiên nhẫn và khôn ngoan, đã giúp đỡ và an ủi các con trong các hoàn cảnh khó khăn. Faraday là một trong bốn người con, thuộc gia đình nghèo khó, không đủ ăn bởi vì người cha thường xuyên đau bệnh, không làm việc liên tục. Về sau này, Faraday đã có lần nhớ lại rằng vào thuở thiếu thời, có khi phải ăn một ổ bánh mì dần dần trong một tuần lễ.
Michael Faraday chỉ được học hành sơ sài, gồm có tập đọc và tập viết tại lớp học của nhà thờ vào ngày chủ nhật. Từ khi còn nhỏ, Michael đi giao báo cho một hiệu sách rồi vào tuổi 14, học nghề đóng sách. Thật là may mắn cho Michael bởi vì nhờ nghề nghiệp này mà cậu được làm quen với các sách vở. Không giống các người thợ trẻ khác, Michael Faraday đã lợi dụng cơ hội này để đọc thêm các cuốn sách mà khách hàng mang tới đóng. Các bài viết về điện học in trong ấn bản thứ ba của bộ từ điển Bách Khoa Britannica đã đặc biệt hấp dẫn cậu Michael. Cậu đã dùng các chai lọ cũ để thực hành các thí nghiệm đơn giản về pin điện và về hóa học điện giải.
Michael Faraday lại gặp một điều may mắn thứ hai. Ông chủ tiệm đóng sách đã khuyến khích cậu đi dự các buổi thuyết trình về khoa học. Tại giảng đường, cậu thanh niên hiếu học này đã ghi chép từng chi tiết rồi về nhà viết thành bài học và còn thêm vào đó các giản đồ để làm sáng tỏ vấn đề.
Faraday đặc biệt ưa thích các buổi diễn thuyết của Humphrey Davy. Vào thời đó, Davy là một nhà hóa học danh tiếng thuộc Viện Khoa Học Hoàng Gia (the Royal Institution). Faraday đã tìm gặp Davy và đưa cho nhà hóa học một tập bài ghi chép trong các buổi diễn thuyết để xin một chân phụ việc. Khi đọc các bài viết này, nhà hóa học Davy cảm thấy rất vui lòng và cũng không khỏi sửng sốt. Khi có chỗ làm việc trống, Faraday bắt đầu được làm công việc phụ tá phòng thí nghiệm tại Viện Hoàng Gia vào năm 22 tuổi với số lương bổng nhỏ hơn lương của người thợ đóng sách, đây là một điều may mắn nhờ vậy Michael Faraday có được cơ hội học hỏi môn hóa học với một trong các nhà thực nghiệm tài giỏi nhất của thời bấy giờ.
Humphrey Davy là nhà hóa học đã tìm ra được nhiều hóa chất mới, kể cả 8 đơn chất. Ông đã phát minh ra chiếc đèn an toàn dùng dưới hầm mỏ và đèn hồ quang nhưng có lẽ khám phá lớn lao nhất của ông Davy là sự tìm thấy Faraday!
Faraday đã làm việc cần cù trong phòng thí nghiệm và tỏ ra xứng đáng với sự tin tưởng của Thầy Davy về mọi mặt. Trong thập niên 1820, Faraday đã có quá nhiều cơ hội để thực hành các phân tích hóa học, hiểu rõ các kỹ thuật phòng thí nghiệm và đã làm phát triển các lý thuyết cần thiết cho công việc nghiên cứu. Faraday đã sớm trở nên một nhà hóa học danh tiếng. Ông đã tạo được hai hợp chất của carbon và chlorine, điều chế được benzene, khảo cứu các hợp kim thép (steel alloys) và đặt nền móng cho ngành luyện kim (metallurgy) và ngành kim loại học (metallography).
Cũng từ năm 1921, Michael Faraday bắt đầu một loạt các công trình nghiên cứu về điện học và từ học (magnetism). Nhờ đầu óc sáng tạo và tài thí nghiệm khéo léo, Faraday đã tạo nên được một bộ máy chuyển điện năng thành cơ năng, đây là thứ động cơ điện đầu tiên. Sau khi ông Davy qua đời vào năm 1829, Faraday tiếp tục các công cuộc nghiên cứu danh tiếng của Davy rồi từ năm 1831, ông được chỉ định làm Giáo Sư Hóa Học.
Davy đã phân tích các hợp chất bằng dòng điện và lấy ra các đơn chất. Faraday khám phá thấy rằng khi muốn phóng thích một hóa trị gram của một đơn chất, người ta cần dùng một số điện lượng, nghĩa là cùng một số lượng điện đã phóng thích cùng một số nguyên tử. Các việc khảo cứu của Faraday đã dẫn tới các quan niệm mới về điện tử (electron).
Nhưng Faraday lại bị ám ảnh bởi từ trường. Ông rắc các vụn sắt lên một tờ giấy đặt trên các cực của một nam châm rồi quan sát các lực tuyến (ligne de force). Vào năm 1820, Hans Christian Oersted đã khám phá thấy rằng một đường dây dẫn điện có từ tính. Sự việc này khiến cho Faraday lý luận: nếu dòng điện sinh ra từ trường thì tại sao từ trường lại không thể sinh ra dòng điện? Ông bèn làm các thí nghiệm để kiểm chứng câu hỏi này rồi tìm ra sự cảm ứng điện (electrical induction). Sau đó, Faraday tiến thêm một bước nữa, ông đã dùng nam châm để chế tạo một dòng điện liên tục. Faraday là nhà khoa học đầu tiên đã phát minh ra chiếc máy phát điện và bộ biến điện (transformer).
Faraday qua đời vào ngày 25 tháng 8 năm 1867, để lại nhiều tác phẩm khoa học, danh tiếng nhất là bộ sách gồm 3 cuốn có nhan đề là “Các Khảo Cứu Thực Nghiệm” (Experimental Researches). Ông đã đóng góp rất nhiều công lao cho Khoa Học và sự khám phá lớn lao nhất của ông là về dòng điện cảm ứng và các máy điện liên quan.
Michael Faraday là nhà bác học đã để lại nhiều công trình khám phá, các phương pháp thực nghiệm hữu ích và các lý thuyết tân tiến về hóa học và điện học./.
Theo (Vietsciences)
MICHAEL FARADAY (1791 - 1867)


Chú thợ đóng sách nghèo ham học

Michael Faraday sinh ra trong một gia đình nghèo, bố làm nghề thợ rèn. Ngay từ nhỏ cậu bé Faraday đã tỏ ra thông minh và ham học. Một hôm thầy giáo rất ngạc nhiên khi thấy Faraday đến lớp muộn, tay không mang cặp sách, vẻ mặt rầu rầu. Ông vội hỏi: "Có chuyện gì vậy, Faraday?". Faraday nghẹn ngào, nói không rõ tiếng: "Thưa thầy, con đến xin phép thầy thôi học để ở nhà trông em, vì dạo này bố con không có việc làm, mẹ con phải đi giặt thuê, kiếm thêm tiền nuôi gia đình". Và cậu bé òa lên khóc nức nở. Thầy giáo đặt tay lên đôi vai gầy gò của Faraday và nói: "Hãy dũng cảm lên Farday! Phải bỏ học nửa chừng như em là một điều đáng tiếc, nhưng em phải giữ vững lòng tin vào cuộc sống và luôn ghi nhớ những tấm gương hiếu học của người xưa. Cái khó là mài giũa ý chí cho bền...."

Đời sống gia đình ngày càng khó khăn, Faraday được bố dẫn đến xin việc tại "Hiệu bán sách và đóng sách Ribô" ở Luân Đôn. Ông chủ hiệu sách cho chú bé ở hẳn trong xưởng với điều kiện phải giúp ông ta mọi việc vặt trong nhà. Còn chú bé chỉ có một nguyện vọng duy nhất là, buổi tối xong xuôi công việc, được phép đọc sách. Và, theo lời khuyên của Ribô, Faraday làm quen với các cuốn sách về khoa học. Cậu bé bắt đầu đọc cuốn "Những mẩu chuyện về hóa học" của Macxê. Vừa đọc được mấy trang đầu, cậu đã ngạc nhiên: "Thì ra không khí mà mọi người đang hít thở lại là một hỗn hợp nhiều thứ khác nhau!". Và Faraday nhỏm dậy, cầm cây nến đi soi tìm một cái chậu đựng nước và một cái cốc. Cậu thấy nghi hoặc những điều tác giả cuốn sách đã nói, vì vậy cậu quyết định tự tay làm lại một thí nghiệm đơn giản có hướng dẫn trong sách. Cậu gắn một mẩu nến lên cái nút bấc thả nổi trên mặt chậu nước, rồi đánh diêm đốt nến cháy úp cái cốc đậy kín cả nút bấc lẫn nến. Ngọn lửa lụi dần rồi tắt ngấm! Cậu loay hoay đo mực nước trong cái cốc úp sau khi nến tắt. Cậu thấy rằng đúng là phần khí còn lại trong cốc chiếm khoảng 4/5 thể tích. Cậu vui sướng, reo lên khe khẽ. Dưới ánh nến đỏ quạch tỏa khói khét lẹt và đôi lúc bị gió thổi tạt đi, cậu bé say mê đi tìm những lời giải đáp cho những thắc mắc của mình. Nếu không có ông Ribô thức giấc lúc nửa đêm giục cậu đi ngủ thì có lẽ Faraday đã thức suốt sáng để đọc cho xong quyển sách. Cậu tắt nến đi ngủ, trong lòng vẫn còn nao nức lạ thường: "Kì này phải cố để dành tiền mua ống thí nghiệm và một ít axit".
..........
Được sự động viên giúp đỡ của gia đình, ông Ribô và bè bạn, Faraday tranh thủ dự các lớp học buổi tối do Hội triết học tổ chức. Anh thợ trẻ - chưa học hết lớp 2 tiểu học - chăm chú nghe giảng, ghi chép rất đầy đủ và sau đó đóng xén cẩn thận quyển vở ghi của mình. Anh hối hả trau dồi kiến thức để bù lại thời gian đã mất không được cắp sách đến trường. Lòng ham học của anh được giáo sư hóa học Humphrey Davy, hội viên Hội Khoa học Hoàng gia Luân Đôn chú ý. Dù chỉ được số lương ít ỏi, Faraday hăng hái nhận làm thư kí ghi chép cho nhà bác học Davy. Không những ghi chép rất chính xác các tư tưởng khoa học của Davy mà anh còn tham gia ý kiến vào việc phân tích các số liệu thực nghiệm, nhận xét các kết luận khái quát của nhà bác học. GS ngày càng mến và tin Faraday. Ông đã ra sức vận động cho Faraday được nhận vào làm việc chính thức ở Hội Hoàng gia. Cuối cùng, ngày 1-3-1813 anh thợ trẻ Faraday được chính thức nhận làm phụ tá ở phòng thí nghiệm của giáo sư Davy. Cuộc đời của Faraday đã bước hẳn sang một trang mới.

Con đường đi đến phát minh

Sau nhiều lần thí nghiệm và kiểm tra, ngày 24/11/1831, Faraday đã công bố trước Hội Hoàng gia Luân Đôn phát hiện của mình về hiện tượng cảm ứng điện từ, đồng thời trình bày thí nghiệm xuất sắc nhất về cách tạo ra dòng điện cảm ứng: khi cho một đĩa đồng quay ngang qua một nam châm vĩnh cửu hình móng ngựa, có thể thu được dòng điện ổn định lâu dài hơn hẳn dòng điện cho bởi pin Volta. Báo cáo đã làm chấn động dư luận cả nước. Mọi người đều nhất trí đánh giá rằng phát kiến vĩ đại của Faraday đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử điện từ học và cả trong lịch sử kỹ thuật.

Chiếc đĩa đồng quay của Faraday thực sự là một máy phát điện dựa trên hiện tượng cảm ứng điện từ, nhưng dòng điện do nó phát ra còn quá yếu, chỉ có thể được phát hiện bằng những điện kế cực nhạy. Chính vì thế mà một hôm viên bộ trưởng của Chính phủ Hoàng gia Anh Menbuốc tới thăm phòng thí nghiệm của Hội Hoàng gia đã hỏi đùa nhà bác học 40 tuổi: "Liệu bao giờ thì ngài có thể cho tôi "đánh thuế" chiếc máy điện của ngài?". Câu hỏi xoáy đúng vào điều mà Faraday đang thắc mắc: bao giờ thì điện có thể mang lại những lợi ích thiết thực cho con người? Nhà bác học trở về nhà, mang theo niềm tâm sự bực dọc đó.

Trong khi bà vợ loay hoay làm món bánh gatô mà ông thích, Faraday thần người suy nghĩ. Về nguyên tắc thì đã rõ: hoặc chuyển dịch thanh nam châm trong cuộn dây đồng, hoặc chuyển dịch cuộn dây đồng đối với thanh nam châm, đều tạo ra được dòng điện. Nhưng không thể tạo ra một cuộn dây đồng dài vô tận để cho dòng điện phát sinh một cách liên tục và mạnh được. Điều mắc mứu chính là ở chỗ đó. Nếu không giải quyết được thì những thí nghiệm điện từ của ông chỉ là một trò chơi không hơn không kém .... Faraday cúi xuống nhìn đĩa bánh ngọt vợ ông vừa đưa ra, nếm thử một miếng. Chợt ông ngừng nhai, trân trân nhìn đĩa bánh ngọt "Này em .. hình như anh đã tìm ra lời giải rồi thì phải?""Lời giải gì? Anh nói chuyện gì mà lạ vậy?" Faraday như bừng tỉnh. Ông mỉm cười "Anh đang suy nghĩ về nguyên tắc của một chiếc máy phát điện bằng cảm ứng điện từ có thể sử dụng trong thực tế mà chưa tìm được. Nhưng chính em vừa gợi cho anh một ý rất tài tình! Em hãy tưởng tượng nếu như những miếng bánh ngọt em cắt là những thanh nam châm đặt theo đường bán kính của đĩa tròn, lần lượt hướng các cực khác tên nhau ra ngoài ... bên ngoài đĩa là những cuộn dây đồng gắn trên một vành tròn ... Khi ta quay đĩa có nam châm, sẽ xuất hiện dòng điện trong các cuộn dây. Chỉ việc tăng giảm số lượng các thanh nam châm và tốc độ quay của đĩa, là ta có thể thu được các dòng điện mạnh đến bao nhiêu cũng được ..."* Rồi ông ngay lập tức quay trở lại phòng thí nghiệm, cặm cụi suốt đêm đến sáng để cho ra đời chiếc máy phát điện đầu tiên theo mẫu ông nghĩ. Faraday hân hoan nói với người phụ tá "Anh hãy xem! Ông bộ trưởng Menbuốc của chúng ta đã có thêm đối tượng để đánh thuế. Thế mà, vừa hôm qua đây, ông ta đã không ngờ việc này lại xảy ra sớm thế!..."

Những năm cuối đời

Ngày 12 tháng 3 năm 1862 đánh dấu ngày làm việc nghiên cứu cuối cùng của nhà bác học, sau khi tiến hành 16401 thí nghiệm. Mùa hè năm 1867 nhà bác học Faraday ốm nặng. Ông bị điếc và mất trí nhớ. Nhiều lúc ông quên bẵng người đến thăm và chăm chú nhìn một chiếc lò xo nhỏ trong tay. Nằm trên giường bệnh, những lúc khỏe khoắn và tỉnh táo ông ghi chép vào nhật ký của mình. Trong những trang nhật ký cuối cùng của ông người ta đọc thấy những lời sau đây: "Tôi thật sự luyến tiếc những năm sống đầy hạnh phúc, trong niềm say mê làm việc và trong ước mơ tìm đến những phát minh.... Với các bạn trẻ, tôi chỉ có một lời khuyên để lại, rút ra từ kinh nghiệm cuộc sống: Hãy làm việc và suy nghĩ đi ngay cả khi chưa hề thấy một tia sáng nhỏ bé, vì dù sao, như thế cũng còn tốt hơn là ngồi không!...."

Ngày 25 tháng 8 năm 1867 nhà bác học vĩnh viễn từ giã cõi đời. Nhà bác học vĩ đại ra đi để lại cho nhân loại những phát minh bất tử. Đúng như lời nhà bác học Hemhônxơ người Đức đã nói:
"Chừng nào loài người còn cần sử dụng điện, thì chừng đó mọi người còn ghi nhớ công lao của Michael Faraday".

Chúc các bạn luôn tìm được những niềm vui trong cuộc sống!
duongdikho_mtdkh is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn

Michael Faraday (1791–1867) – Từ phụ tá rửa ống nghiệm đến Thiên tài thực nghiệm!

1. Thời thơ ấu. Sinh ngày 22/9/ 1791, trong một gia đình nghèo ở ngoại ô Luân đôn (gia đình 6 người, mẹ bán bánh mì, bố là thợ rèn thường xuyên ốm đau) ông có thời học sinh hết sức ngắn ngủi và đau đớn: Có một câu chuyện như sau:
            ….Lớp học trường làng nơi thầy giáo Uyn-lơ dạy học hôm nay vắng mặt một cậu học trò gầy yếu xanh xao. Đã năm, bảy lần cậu học trò Mai-ca đến xin phép thầy cho nghỉ học vì điều kiện gia đình quá đỗi khó khăn và cũng từng ấy lần thầy Uyn-lơ đã động viên cậu học trò thông minh với đôi mắt trầm buồn nỗ lực vượt khó để tiếp tục theo học. Nhưng hôm nay, đã vào lớp từ lâu rồi mà chẳng thấy bóng dáng cậu học trò Mai-ca!?
            “Hết thật rồi, ta vĩnh viễn mất trò rồi” – Thầy Uyn-lơ thốt lên trong lòng khi thấy dáng người liêu xiêu, thất thểu của Mai-ca từ xa tiến lại.
            “Có chuyện gì thế con?”
            “Thưa thầy, con đến xin thầy thôi học…”. Cậu òa khóc nức nở, như không thể nào giữ được nỗi đau khổ mà bấy lâu cố nén chặt trong lòng. Cậu vùng chạy, vĩnh viễn bỏ lại sau lưng lớp học, ngôi trường bạn bè và người thầy đáng kính từ đó!
2. Đóng sách để tự học.
            Khi mới14 tuổi, Faraday xin đi làm công việc phụ đóng sách tại một tiệm sách trong hơn 7 năm trời. Trong thời gian tại đây, cậu  đã được chủ cửa hàng rất quý và tạo điều kiện cho cậu đọc những cuốn sách mà cậu say mê thích thú “Sẽ chẳng có tội lỗi gì nếu như cháu biết nội dung những cuốn sách mà cháu đang đóng” – Lời ông chủ hiệu sách. Trong thời gian đó cậu thường xuyên tham dự các buổi thuyết trình về khoa học của GS Humphrey Davy (Nhà Hóa học người Anh có tiếng nói bậc nhất thời bấy giờ), cậu ghi chép cẩn thận, tỷ mỷ và xem đó là cơ hội bằng vàng cho những nỗ lực tự học của mình. Cũng từ đó mà những thí nghiệm đầu tiên về thành phần không khí (Thí nghiệm: Đốt nến trên một cái đĩa đặt trên chậu nước vôi có úp một cái cốc thủy tinh) đã được cậu say sưa nghiền ngẫm và thực hiện.
3. Quyết định táo bạo  - Thay đổi cuộc đời tự học.
            “Sẽ ra sao đây? Nhận hay không nhận? Nên hay không nên?” Đó là hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu Faraday. Gần đây cậu có quyết định táo bạo là dấn thân cho Con đường khoa học mà cậu từng đam mê, ấp ủ. Để thực hiện quyết tâm đó, cậu đi tới quyết định xin làm trợ lý cho GS Humphrey Davy (Công tác tại Viện hàn lâm khoa học Anh). Một quyết định trên giời?
            GS Humphrey Davy băn khoăn nhìn ngắm cậu thanh niên có đôi mắt u buồn nhưng ánh mắt lại chất chứa những khát khao.
            “Cậu đã học qua những trường gì rồi?” – Ý nói các trường chuyên nghiệp.
            “Dạ, cháu chưa qua một trường nào cả”.
            GS thở dài, lắc đầu “Thế thì sẽ khó lắm đây”.
            “Nhưng cháu đã rất nỗ lực tự học và theo dõi đầy đủ các buổi thuyết trình của Ngài, thưa Giáo sư”vừa nói cậu vừa lấy ra quyển sổ đã cũ mà cậu dùng ghi chép các bài giảng của GS Humphrey Davy.
            “Trời đất! cậu ghi chép cẩn thận thể này sao? Lại có cả bình luận phân tích nữa chứ?”
            GS Humphrey Davy nhìn M. Faraday xúc động, nhưng trong lòng ông thì ngập tràn những băn khoăn mà khiến ông không thể đưa ra quyết định ngay được. “Để ta về bàn bạc và rồi thông báo với cậu sau nhé!”.
            Những gì tiếp theo xảy ra..., nhân loại cần phải gửi một lời cảm ơn sâu sắc tới Humphrey Davy. Ông đã không hứa xuông với một thanh niên bần hàn. Có lẽ ánh mắt tự tin và khao khát của cậu thanh niên đã khiến GS Humphrey Davy luôn day dứt. Một lần GS đã đem câu chuyện về cậu thanh niên cứ năn nỉ mình cho theo làm phụ tá kể cho một người bạn nghe. Nghe xong người bạn đó bật cười và nói “Làm phụ tá không được thì cứ cho cậu ta rửa ống nghiệm xem sao???”.  Và cơ hội dấn thân vào Con đường khoa học đã mở ra với chàng thanh niên Michael Faraday.
4. Những nỗ lực hết mình vì khoa học.
            Michael Faraday làm việc một cách miệt mài, chăm chỉ, không một lời phàn nàn (tính cậu vốn ít nói và thường không quan tâm tới những lời đàm tiếu xung quanh). Tất cả cho mục tiêu hoàn thiện hệ thống kiến thức còn giang dở, làm thật tốt những công việc mà GS giao cho, cậu coi đó là cơ hội không gì tốt hơn để tiếp cận khoa học. Ban ngày làm việc trong phòng thí nghiệm, tối về phân tích tỉ mỉ và tiếp tục kiểm chứng các lý thuyết bằng thực nghiệm. Về sau này khi đã được cả thế giới tôn vinh, Michael Faraday vẫn không thay đổi thói quen ăn cơm tối (do người vợ nấu ở nhà và mang tới) ở phòng thí nghiệm để làm việc đến khuya.
5. "Chừng nào loài người còn sử dụng điện thì chừng đó loài người còn nhớ tới Michael Faraday".
            Đó là phát biểu “động viên” của một nhà khoa học Đức khi Michael Faraday thuyết trình về thí nghiệm phát minh cho thấy sự thay đổi từ trường tạo ra dòng điện (Ngày nay chúng ta vẫn làm lại thí nghiệm này khi dạy môn Vật Lý). Lúc đó hội trường đã có nhiều tiếng cười mỉa mai: “Bao giờ người ta mới tạo ra tiền từ cái thí nghiệm trẻ con ấy???”.
            Cho đến ngày nay loài người được hưởng lợi quá nhiều từ các phát minh trên các lĩnh vực Vật lý, Hóa học của ông, đi kèm với đó là các ngành khoa học, các định luật, các thuật ngữ gắn liền với tên tuổi ông: Cha đẻ của Điện hóa họcĐịnh luật Faraday, Định luật cảm ứng Faraday, lồng Faraday, khái niệm ngịch từ, Hiệu ứng Faraday, các nghiên cứu về Clo, hợp chất đầu tiên của Cacbon và Clo, Benzen, đèn Bunsen,… Những phát minh của ông là cảm hứng, là nguồn dữ liệu khoa học quan trọng, khởi nguồn cho hàng loạt các hướng nghiên cứu mới cho các nhà khoa học đạt giải Noben sau này.
            Có một ký giả đã hỏi GS Humphrey Davy rằng: “Phát minh lớn nhất, quan trọng nhất trong cuộc đời khoa học của Ngài là gì?”- Ý vị ký giả này muốn nói đến các công trình nghiên cứu về điện phân để tách các nguyên tố K, Na, Ba, Ca, Sr,Mg, đèn Davy hay việc tổng hợp thành công khí cười N2O,... của GS Humphrey Davy.
            Câu trả lời: “Phát minh vĩ đại nhất trong cuộc đời tôi là phát minh ra Faraday!”

(Điện trường bên ngoài tạo ra dòng điện trong lồng Faraday, làm cho bên trong lồng không có điện trường).
6. Làm khoa học thì mãi là khoa học.
            Như đã biết cuộc đời của M. Faraday luôn gắn liền với phòng thí ngiệm, ngoài ra không gì là  quan trọng với ông (phẩm tước, bổng lộc).
           Thời gian đầu làm việc phụ tá cho GS Humphrey Davy, ông đã bị giới thượng lưu, quý tộc hết sức ghét bỏ vì xuất thân nghèo hèn, “ít học” của ông. Có một câu chuyện kể về lần đầu tiên xuất ngoại theo GS Humphrey Davy sang nước Pháp (Lần đi này 2 thầy trò ngoài việc đi thuyết trình khoa học còn làm thí nghiệm nổi tiếng: Chứng minh kim cương cũng chỉ là than – Cacbon mà thôi). Trong chuyến đi ấy ông vẫn bị người vợ của GS Humphrey Davy đối xử phân biệt khi không cho phép Faraday của chúng ta ngồi cùng bàn ăn (Ông phải ăn một mình một bàn hoặc ăn cùng đám người hầu hộ tống).
            Có thể vì lý do đó mà sau này Ông cũng không bao giờ “ngồi” cùng đẳng cấp với giới quý tộc. Ông đã thẳng thừng từ chối danh hiệu quý tộc mà Hoàng Gia Anh định ban phước cho Ông – Vì không muốn mất thời gian vô ích.
            Lần thứ hai Ông cũng từ chối luôn cái chức Chủ tịch viện hàn lâm khoa học Anh (Danh hiệu cực kỳ cao quý – Nơi mà trước đó Niwton cũng chỉ là một thành viên).

(Michael Faraday đang cầm thanh thủy tinh mà ông sử dụng vào năm 1845 để chứng minh rằng từ trường có thể tác động đến ánh sáng trong điện môi).
7. Lời kết.
            Với xuất phát điểm cực kỳ thấp nhưng bằng nỗ lực ham học hỏi và cố gắng tự học suốt đời, Ông đã thể hiện khả năng xuất sắc của mình với hàng loạt những phát minh mà loài người mãi nghi ơn, Ông tạo nên một cuộc cách mạng trong khoa học lâu dài cho các thế hệ mai sau và Khoa học đã ghi danh Ông như là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử. Còn đối với các thế hệ học sinh, sinh viên trên toàn thế giới thì Ông vĩ đại theo cách như một Thần tượng bất đổi cả về cuộc đời và nhân cách sống. Ông mất ngày 25/8/1867 khi trong sổ ghi chép ghi con số thí nghiệm cuối cùng mà Ông đã tiến hành: Thí nghiệm số 10041.

(1/20/2014 3:15:38 PM)

36- Joseph Fourier
Joseph_Fourier_794.jpg
1768-1830
Pháp
Vật Lý, Toán Học

Nhà khoa học Joseph Fourier

Joseph Fourier

Nơi sống/ làm việc: Pháp
Ngày tháng năm sinh: 21-3-1768
XH chung: #72030
Email: Đang cập nhật
Số điện thoại: Đang cập nhật
Người nổi tiếng theo ngày sinh:
/

Tóm tắt lý lịch Joseph Fourier

Nhà khoa học Joseph Fourier sinh ngày 21-3-1768 tại Nước Pháp. Là Nhà khoa học sinh thuộc cung Bạch Dương, cầm tinh con (giáp) chuột (Mậu Tý 1768). Joseph Fourier xếp hạng nổi tiếng thứ 72030 trên thế giới và thứ 594 trong danh sách Nhà khoa học nổi tiếng.

Tiểu sử Nhà khoa học Joseph Fourier

Toán học người Pháp và nhà vật lý người bắt đầu cuộc điều tra của Fourier series và các ứng dụng của họ để vấn đề truyền nhiệt và độ rung. Ông cũng phát hiện ra hiệu ứng nhà kính.
Ông được bầu là thành viên nước ngoài của Hoàng gia Thụy Điển Viện khoa học năm 1830.

Joseph Fourier thời trẻ

Ông phục vụ trong Ủy ban cách mạng địa phương trong cuộc Cách mạng Pháp và bị bỏ tù một thời gian ngắn trong Reign of Terror.

Cuộc sống gia đình Joseph Fourier

Cha ông là một thợ may làm việc tại Auxerre. Ông có ba người con với người vợ đầu tiên của ông.

Nhà khoa học Joseph Fourier trong quan hệ với những người nổi tiếng khác

Ông đã đi với Napoleon Bonaparte trong chuyến thám hiểm Ai Cập của ông vào năm 1798, và đã được thực hiện thống đốc của Hạ Ai Cập.

Joseph Fourier

Jean Baptiste Joseph Fourier (21 tháng 3 năm 1768 – 16 tháng 5 năm 1830) là một nhà toán học và nhà vật lý người Pháp. Ông được biết đến với việc thiết lập chuỗi Fourier và những ứng dụng trong nhiệt học. Sau đó, biến đổi Fourier cũng được đặt tên để tưởng nhớ tới những đóng góp của ông.

Tiểu sử
Sinh ra trong một gia đình thợ may ở Auxerre, (Pháp), và sớm trở nên mồ côi khi lên 8, ông được gửi vào nhà thờ ở Auxerre. Ở đó, Fourier được dạy dỗ bởi các tu sĩ dòng Benedict trong tu viện St. Mark. Sau đó Fourier nhận làm trợ giảng môn toán trong quân đội, nhưng không đủ tư cách vào hội đồng khoa học vì nơi đó chỉ dành cho những người trong gia đình danh giá. Trong một kì thăng nhiệm, Fourier đã thể hiện sự vượt trội của mình và được bổ nhiệm vào École Normale Supérieure năm 1795, ngay sau đó là một vị trí tạiTrường Bách khoa Paris (École Polytechnique).

Chuồi Fourier

Trong toán họcchuỗi Fourier (được dặt tên theo nhà toán học Joseph Fourier) của một hàm tuần hoàn là một cách biểu diễn hàm đó dưới dạng tổngcủa các hàm tuần hoàn có dạng ejnx, trong đó, e là số Euler và j là đơn vị số ảo.Theo công thức Euler, các chuỗi này có thể được biểu diễn một cách tương đương theo các hàm sin và hàm cos.
Một cách tổng quát, một chuỗi hữu hạn của các hàm lũy thừa của số ảo được gọi là một chuỗi lượng giác. Fourier là người đầu tiên nghiên cứu chuỗi lượng giác theo các công trình trước đó của Eulerd'Alembert và Daniel Bernoulli. Fourier đã áp dụng chuỗi Fourier để giải phương trình truyền nhiệt, các công trình đầu tiên của ông được công bố vào năm 1807 và 1811, cuốn Théorie analytique de la chaleur của ông được công bố vào năm 1822. Theo quan điểm của toán học hiện đại, các kết quả của Fourier có phần không chính thức liên quan đến sự không hoàn chỉnh trong khái niệm hàm số và tích phân vào đầu thế kỉ XIX. Sau đó, Dirichlet và Riemann đã diễn đạt lại các công trình của Fourier một cách chính xác hơn và hoàn chỉnh hơn.
Khái niệm
Cho một hàm số f với giá trị phức và biến thực tfR → C, mà f(t) là liên tục và khả vi gián đoạntuần hoàn với chu kì T, và bình phương khả tích trên đoạn t1 đến t2 với chiều dài T, nghĩa là,
 \int_{t_1}^{t_2} |f(t)|^2\, dt<+\infty
với
  • T = t2 − t1 là chu kì,
  • t1 và t2 là cận tích phân.
Chuỗi Fourier của f là
  •   \frac{1}{2} a_0 + \sum_{n=1}^{\infty}[a_n \cos(\omega_n t) + b_n \sin(\omega_n t)]
mà trong đó, với các số nguyên không âm n,
  •  \omega_n = n\frac{2\pi}{T}     là tần số góc thứ n (theo radian) của hàm số f,
  • a_n = \frac{2}{T}\int_{t_1}^{t_2} f(t) \cos(\omega_n t)\, dt     là các hệ số Fourier chẵn của f, và
  • b_n = \frac{2}{T}\int_{t_1}^{t_2} f(t) \sin(\omega_n t)\, dt      là các hệ số Fourier lẻ của f.
Một cách tương đương, dưới dạng mũ hàm phức,
  • \sum_{n=-\infty}^{+\infty} c_n e^{i \omega_n t}
với:

[sửa]Chuỗi Fourier cho các hàm số tuần hoàn có chu kì 2π

Với một hàm tuần hoàn khả tích ƒ(x) trên đoạn [−ππ], các số
a_n = \frac{1}{\pi}\int_{-\pi}^\pi f(x) \cos(nx)\, dx, \quad n \ge 0
b_n = \frac{1}{\pi}\int_{-\pi}^\pi f(x) \sin(nx)\, dx, \quad n \ge 1
được gọi là các hệ số Fourier của ƒTổng một phần của chuỗi Fourier của ƒ, được kí hiệu bởi
(S_N f)(x) = \frac{a_0}{2} + \sum_{n=1}^N \, [a_n \cos(nx) + b_n \sin(nx)], \quad N \ge 0.
Tổng một phần của ƒ là các đa thức lượng giác. Tổng một phần SN ƒ xấp xỉ hàm số ƒ, và sự xấp xỉ tốt dần lên khi N tiến ra vô hạn. Chuỗi vô hạn
\frac{a_0}{2} + \sum_{n=1}^\infty \, [a_n \cos(nx) + b_n \sin(nx)]
được gọi là chuỗi Fourier của ƒ.
Tính hội tụ của chuỗi Fourier
Chuỗi Fourier không phải lúc nào cũng hội tụ, và ngay cả khi nó hội tụ tại một điểm x0 trên trục x, giá trị tổng của chuỗi tại x0 có thể khác giá trị của ƒ(x0). Nếu một hàm số bình phương khả tích trên đoạn [−ππ], thì chuỗi Fourier hội tụ đến hàm số đó tại hầu hết tất cả các điểm.

Biến đổi Fourier

Biến đổi Fourier rời rạc

Biến đổi Fourier liên tục

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét