Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

TÌNH YÊU CUỘC SỐNG 18

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                                               Anh Về Miền Tây

Bài văn cảm nghĩ của em về quê hương

Thứ ba , 10/03/2015, 08:52 GMT+7
Đề bài: Quê hương là nơi em gắn bó, sinh ra và lớn lên... Em hãy viết một bài văn cảm nghĩ của em về quê hương?
Quê hương là chùm khế ngọt... Cho ta trèo hái mỗi ngày... Quê hương với những tình cảm thiêng liêng và gắn bó.
Dù đi đâu ta vẫn nhớ mãi về quê hương, nơi ta đã được sinh ra và khôn lớn. Nơi ta vẫn đau đáu nhớ về...
Dưới đây là những bài văn cảm nghĩ của em về quê hương hay đã được chúng tôi sưu tầm để các em tham khảo.
Bài 1. Bài văn cảm nghĩ của em về quê hương Hải Phòng của em Nguyễn Ngọc Hạnh:

Hải Phòng – một thành phố cảng trung dũng, quyết thắng, một thành phố có nhiều cảnh đẹp, một nơi có những con người hiền lành, chất phác, dịu dàng – là nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Hải Phòng là đô thị loại một nằm ở phía đông bắc Việt Nam giáp với biển Đông. Vì vậy ở đây có rất nhiều cảng, cũng chính vì thế mà người ta gọi đây là thành phố cảng. Thời tiết ờ đây mang một thứ gì đó rất riêng biệt của miền Bắc mà chỉ miền Bắc mới có. Nếu bạn đã từng đến thăm Hải Phòng thì tôi đoán chắc rằng bạn sẽ tận hưởng được thời tiết đó. Cái nắng gay gắt, chói chang của mùa hè, những cơn mưa rào chợt đến rồi lại chợt đi, bầu trời trong xanh không một gợn mây. Trái với thời tiết của mùa hè là mùa đông. Mùa đông có lá rụng, có cái rét căm căm đến cắt da cắt thịt, cái nắng yếu ớt trên bầu trời phủ đầy sương.

Bài văn cảm nghĩ của em về quê hương
Bài văn cảm nghĩ của em về quê hương - Ảnh minh họa
Ở trên đất này, mọi người đều thân thiện, hiền lành, chất phác. Nếu bạn siêng năng, chịu khó thì những người nơi đây luôn dang rộng đôi tay đón chào và bạn sẽ trở thành một công dân của thành phố cảng.

Cảnh vật nơi đây thật đẹp với những ngọn đuốc khổng lồ thắp sáng cả thành phố. Mùa hè, nếu dạo theo hai bên đường bạn còn được nghe thấy tiếng ve râm ran, tiếng chim líu lo trong vòm lá và đặc biệt mắt bạn sẽ ngợp trong màu đỏ của hoa phượng. Chính vì vậy Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ. Nếu trong những ngày hè chói chang, nóng nực mà được đi du lịch ở đảo Cát Bà thì quả là tuyệt, ở đấy có những hàng cây xanh, có đường uốn theo sườn núi, có rừng quốc gia với nhiều động vật quý hiếm, có làn nước biển trong xanh với bãi cát vàng óng lấp lánh trong nắng.
Hải Phòng không chỉ nổi tiếng bởi Cát Bà mà còn có khu du lịch Đồ Sơn. Đồ Sơn nổi tiếng về rừng thông reo vi vu trong gió, những tòa nhà biệt thự cao tầng, hàng dừa tán rộng… Hàng năm Đồ Sơn còn tổ chức lễ hội chọi trâu thu hút nhiều người từ mọi miền Tổ quốc

Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu mà về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu


Tôi yêu thành phố Hải Phòng, yêu màu hoa phượng vĩ trong nắng sớm. Tôi sẽ học tập tốt để xây dựng thành phố quê hương.

----------------------------------
Bài 2. Bài văn cảm nghĩ của em về quê hương được sưu tầm:

Quê hương..!

Trong trái tim mỗi người Việt Nam, tình yêu quê hương có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Mỗi người sinh ra, ai mà không có cội nguồn gốc gác, ai mà không có quê hương. Quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi chôn rau cắt rốn của ta. Quê hương cho ta những kỷ niệm ngọt ngào, cho ta tuổi thơ tươi đẹp. Quê hương dạy ta những bài học làm người đầy ý nghĩa, để cho ta lớn khôn và trưởng thành. Với tôi, quê hương có một vị trí vô cùng đặc biệt, chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim tôi.

 

Bài văn cảm nghĩ của em về quê hương
Bài văn cảm nghĩ của em về quê hương - Ảnh minh họa

Vùng quê tôi nghèo lắm. Con người sống chủ yếu bằng nghề nông, ngày ngày làm việc trên cánh đồng, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cuộc sống cơ cực, vất vả, đầy khó khăn, thiếu thốn, có những lúc còn không đủ ăn, đủ no. Mặc dù sống trong cảnh bần hàn, khó khăn là thế, nhưng con người nơi đây sống có tình có nghĩa. Xóm làng yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Họ sống với một tình cảm chân thành, chất phác, trong sáng, một thứ tình cảm chỉ có ở những người nông dân nghèo. Quê hương Hưng Yên chính là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, đó cũng là nơi đã cho tôi tuổi thơ tươi đẹp, ngọt ngào. Có thể nói, tôi sinh ra trong sự yêu thương của gia đình và lớn lên trong sự đùm bọc, ấm áp tình làng nghĩa xóm.

Xa quê hương từ bé. Cho nên, nhiều kỷ niệm thời thơ ấu, tôi đã khóa chặt trong ký ức. Những lần từ HN trở lại quê hương thường gắn liền với những mất mát vô cùng to lớn đối với tôi và gia đình. Vì vậy, có nhiều ký ức vẫn nằm sâu trong ngăn kéo trái tim. Giờ đây mới có dịp trở về thăm quê hương, ký ức bỗng nhiên tràn về. Những cảm xúc khó diễn ta tràn ngập trong cõi lòng. Tôi sanh ra vào một ngày hè oi bức trên quê hương. Ngày ấy, gia đình tôi cũng nghèo lắm. Tuổi thơ tôi 4 năm sống trên quê hương. Quãng thời gian ấy đủ cho tôi có những ký ức, kỷ niệm ngọt ngào. Khi mới sanh ra đời, tôi bụ bẫm, đáng yêu lắm (Chứ không đáng ghét như bây giờ đâu). Xóm làng, ai cũng yêu quí và thích bế tôi. Dòng sữa ngọt ngào, mát lành đã nuôi tôi lớn suốt thời thơ ấu không chỉ của mẹ tôi. Tôi ở quê với mẹ và anh trai. Cha tôi một mình trên HN cực nhọc kiếm từng đồng tiền gửi về quê, không có điều kiện về thăm mẹ con thường xuyên. Một mình mẹ tôi với hai anh em nơi quê nghèo xoay sở hết sức khó khăn. Chính những lúc khó khăn ấy, sự cưu mang, đùm bọc của làng xóm đã cho mẹ con tôi động lực để vượt qua tất cả, cho tôi những kỷ niệm ngọt ngào. Tôi nhớ thời bé thơ được mọi người bồng bé, âu yếm, hát cho tôi nghe những lời hát ru đưa tôi vào giấc ngủ, nhớ những dòng sữa mát lành nuôi tôi lớn khôn. Tôi nhớ cả những lần ngôi trên thúng được mẹ gồng gồng gánh gánh theo ra đồng; nhớ mùi thơm béo ngậy của những con muôm muỗm, mẹ bắt ngoài đồng, dùng đóm nướng cho ăn. ( Đóm là những cây que rất mỏng, vót từ cây tre, rồi phơi khô, dùng để hút điếu cầy và thắp đèn ngày xưa). Tôi nhớ cả những lần lễ tết, xóm làng mổ lợn đêm, mình thức trắng đêm xem mổ lợn chỉ để xin cái đuôi. Tôi nhớ mùi thơm của hương lúa, rơm rạ, mùi hương dịu nhẹ của hoa nhài, hoa bưởi; nhớ những cánh đồng mênh mông, bát ngát; nhớ ao nước bầy vịt; nhớ cây gạo đầu đình; nhớ bụi tre xanh; nhớ mỗi tối hàng xóm quây quần ngồi hát, mình ngủ trong lòng mẹ lúc nào không hay; nhớ cây kẹo kéo, kẹo mút, nhớ hạt bỏng ngô; nhớ hòn bi ve; nhớ cả những hàng vải um tùm, chi chít quả; nhớ trẻ dắt trâu ăn cỏ ngoài đồng, dắt bò về nhà mỗi tối, nhớ bãi phân trâu; nhớ những mái nhà lợp ngói, câu cau hoa rụng sân nhà, con chó con mèo nằm sưởi nắng; nhớ tiếng ếch nhái kêu ồm ộp… Giờ đây đứng trên đất quê hương, nhìn trên bầu trời đêm sao sáng, tôi lại nhớ những đêm cùng nhau đùa rỡn dưới trăng, rồi khi mệt nhoài, nằm lăn ra sân ngắm sao trời lung linh. Tôi nhớ cảnh thanh bình nơi quê hương. Tôi nhớ ông nội tôi. Tôi là đứa cháu được ông cưng chiều nhất. Ông nội là người thường cõng tôi đi chợ và mua cho tôi rất nhiều quà bánh. Ông nội thường xuyên dắt tôi đi chơi, thăm làng thăm xóm. Tên của tôi do chính ông đặt. Và ông nội cũng chính là người dạy tôi học ăn, học nói, dạy cho tôi những bài học đạo đức đầu tiên. Nhiều ký ức đẹp tôi có được từ ông. Tuổi thơ tôi ấm áp tình cảm ông nội dành cho tôi. Mặc dù ông nội đã mất từ khi tôi còn rất nhỏ, nhưng tình cảm ông nội dành cho tôi suốt đời không quên. Có thể nói, tình làng nghĩa xóm, cảnh vật thanh bình nơi quê hương đã in dấu trong tôi những ký ức thật đẹp đẽ, ngọt ngào, khiến cho tình yêu quê hương đối với tôi trở lên thiêng liêng.

Người dân quê tôi tôn thờ đạo Phật lắm. Ai cũng có Phật ở trong tâm. Vì thế, dù rất nghèo nhưng mọi người luôn tâm niệm: “ Đói cho sạch, rách cho thơm”. Họ sống trong sáng, giản dị. Làng xóm yêu thương, đùm bọc lẫn nhau: “ Lá lành đùm lá rách”, hay “ Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Cho nên, dù cho cuộc sống thiếu thốn, nhưng con người nơi đây vẫn luôn vui vẻ, lạc quan. Và nét đẹp tôi thấy được từ người dân quê, cũng như ở mẹ tôi, đó là sự chân thật. Mọi tình cảm mà người dân nơi đây dành cho nhau đều rất chân thành, trong sáng. Tôi nhìn những cụ già và trẻ nhỏ nơi quê nhà, ở họ toát lên một nét gì đó thật an bình. Nhưng người dân quê tôi tôn thờ đạo Phật không chỉ vì đạo Phật dạy cho con người ta cách sống lạc quan trước những khó khăn. Mà điều quan trọng, đạo Phật dạy con người sống phải có hiếu. Có lẽ vì thế, một nét đẹp mà tôi thấy được ở người dân quê, đó là: “ Họ sống có thứ tự trên dưới, kính trên nhường dưới. Mỗi khi có của ngon vật lạ, trước tiên phải mời tổ tiên ông bà trước, sau đó mới nhường con cháu. Mọi người sống trong cùng một gia đình, dòng họ sống đoàn kết, gắn bó, không bao giờ cãi vã hay to tiếng”. Người dân nơi đây sống luôn nhớ về cội nguồn, gốc gác. Vì thế, quê hương tôi có rất nhiều đình chùa, miếu thờ đâu cũng thấy. Mỗi nhà đều có một bàn thờ tổ tiên, quanh năm thắp hương khấn bái. Mỗi dịp cuối năm, tết đến xuân về. Dù cho có bận việc đồng áng đến thế nào, mọi người ai cũng đến mộ tổ tiên, ông bà thắp hương, cho tròn đạo hiếu, tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Tất cả đều là những nét văn hóa thật đẹp vẫn còn đọng lại trong ký ức tôi.

Nhân ngày tết ông công ông táo năm nay, tôi có dịp trở về quê nhà cùng với mẹ đi tảo mộ. Tôi trở về quê hương để nhớ về cội nguồn; trở về quê hương để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, ông bà; trở về quê hương để làm sống dậy những ký ức một thời thơ ấu; trở về quê hương để thấy mình khôn lớn và trưởng thành; trở về quê hương để thấy nơi đây đã giàu mạnh và ngày càng đổi mới… Tôi vui lắm khi thấy ông bà ngoại tôi, dù đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh; vui vì thấy làng xóm, ai cũng nhớ thằng kết bé nhỏ này nào, ai cũng nhận ra mình, tay bắt mặt mừng; vui vì được nhìn thấy cảnh đồng quê, cánh đồng, sống nước ngày xưa; vui vì thấy quê hương đổi mới, mọi người đã có cuộc sống no đủ, nhà cửa khang trang hơn, điện nước đầy đủ, nhà ai cũng có tivi, xe máy…
Nhưng điều làm tôi vui mừng hơn cả, đó là: Tình cảm của làng xóm dành cho tôi vẫn như xưa, không hề thay đổi. Cảnh thanh bình của làng quê mà ngày xưa tôi đã thấy, trong mắt tôi giờ đây vẫn còn đấy. Thật đáng tiếc! Vì tôi không có máy ảnh để chia sẻ cho các bạn những cảnh thanh bình đó. Nhưng nếu bạn muốn, sẽ có một ngày, tôi cùng bạn về quê hương, để thấy được cảnh thanh bình tuyệt vời nơi đây. Thật là hạnh phúc! Quê hương tôi…!

Nguồn:

Đăng nhập

Bình Phước Yêu Thương

Bình Phước trong tôi
Từ nhỏ qua những gì được học, hai từ Quê Hương đối với tôi là một cái gì đó rất thiêng liêng, rất đẹp .... Nhưng thật sự ngày đó khi ai hỏi tôi quê tôi ở đâu thì tôi cũng không biết phải trả lời sao nữa, tôi không biết quê là nơi tôi sinh ra hay là quê của ba, quê của mẹ....

Và rồi sau này, khi lớn hơn một chút, tôi thường trả lời quê tôi ở Huế, quê của ba tôi. Tôi cũng không biết câu trả lời có đúng không nữa nhưng vì Huế đẹp, thơ mộng như những gì tôi vẫn nghĩ về quê hương. Nhưng bây giờ, sau hơn hai năm học đại học, nếu ai đó lại hỏi tôi “ Quê bạn ở đâu?” thì tôi sẽ trả lời là “Bình Phước”.
Bình Phước – nơi tôi sinh ra và lớn lên trong suốt mười mấy năm trời. Bình Phước trước đây mà tôi biết và Bình Phước bây giờ trong lòng tôi khác nhau rất nhiều. Trước đây, ngày còn chưa xuống Sài Gòn để học đại học, Bình Phước trong tôi là một tỉnh nghèo mới được thành lập sau khi tách ra từ tỉnh Sông Bé năm 1997. Bình Phước xấu xí và chỉ toàn là đất đỏ thôi. Tôi ở Đồng Xoài, thị xã của tỉnh mà nếu mấy đứa bạn bảo tôi dẫn đi tham quan thì tôi chẳng biết dẫn đi đâu hết. Thật ra thì cũng nghe mọi người nói Bình Phước cũng có nhiều nơi đẹp lắm, nhưng mà từ nhỏ chỉ biết ở nhà, đi học rồi qua nhà mấy đứa bạn thôi nên có biết gì đâu. Học xong lớp mười hai, thi đậu đại học rồi xuống Sài Gòn luôn, kết quả Bình Phước trong tôi xấu xí vậy đó.
Những ngày đầu của năm nhất, khi làm quen với các bạn trong giảng đường, tụi nó hỏi quê tôi ở đâu, tôi trả lời là Bình Phước mà chẳng có đứa nào biết Bình Phước là đâu hết, được đứa nói: “À, tao biết Bình Phước đó!”, chưa kịp mừng thì nó nói tiếp: “ Là ngã tư Bình Phước ở gần Thủ Đức chứ gì.” Thiệt là buồn và hụt hẫng hết sức. Cuối cùng cũng tìm được mấy đứa ở Bình Phước trong giảng đường, không hiểu sao gặp người Bình Phước lại có cảm giác vui lắm. Rồi mấy đứa bạn hỏi: “Bình Phước ở đâu? có gì vậy mày? đẹp không?”. Lúc này tự nhiên tôi lại trả lời một cách lưu loát và đầy tự hào: “Dĩ nhiên là đẹp rồi, Bình Phước gần Bình Dương đó, từ Sài Gòn về nhà tao khoảng 100km. Quê tao không phải là khu du lịch nổi tiếng, không có nhiều người biết đến, nhưng tụi mày cứ thử về quê tao đi, mê luôn cho mà coi.” Tụi nó nói: “Xí, có gì mà mê chứ!”. Tôi nói tiếp “ Bữa nào tao dẫn tụi mày về, đi bằng xe máy hơi mệt nhưng vui hơn...trên đường là những rừng cao su cao vút và thẳng tắp, đẹp lắm...nếu mệt tụi mình ghé vô mấy rừng cao su đó, có quán nước cho mình nghĩ, nằm trên mấy cái võng giăng ngang qua mấy cây cao su đó mát cực kỳ, thích lắm...”. Nghe tới đó thì tụi nó khoái rồi, ngồi trố mắt lên mà nghe. “Còn gì nữa không mày, kể tụi tao nghe luôn đi”. Tôi lại nói tiếp “ Hì, thiệt ra tao cũng không biết nhiều chỗ đi chơi lắm, nhưng mà yên tâm tao sẽ dẫn tụi mày đi vòng quanh Đồng Xoài cho biết, nói trước là đất đỏ không thôi, hơi bị bụi đó. Rồi vô rẫy nhà tao, cách nhà khoảng 12km, vô đó thì khỏi chê, nhiều trái cây lắm, bưởi, chôm chôm, nhãn, cam, quýt, mít nữa...không khí thì yên tĩnh, mát mẻ, thỉnh thoảng lại còn nghe tiếng chim hót hay mấy con thỏ, con sóc chạy ngang qua nữa...Hì, còn nữa tao sẽ bắt gà đãi tụi bây ha...”. “ Thiệt hả mày, mà ở Bình Phước nhiều vườn trái cây không?”. “ Thiệt mà, về đi rồi biết. Mà chính xác thì không phải đặc sản của Bình Phước là trái cây đâu, nổi tiếng nhất ở đây là điều, cao su và cà phê, đất đỏ mà....còn trái cây thì người ta chỉ trồng thêm thôi...”. “ Vậy khi nào rảnh phải dẫn tụi tao về Bình Phước đó nha”.
Tôi cũng không hiểu từ bao giờ tôi lại nói về Bình Phước nhiều vậy nữa, và tôi chợt nhận thấy “ Ừ ha, Bình Phước của mình cũng đẹp quá chứ!”. Thế rồi tôi lên mạng tìm hiểu thêm về Bình Phước, quê hương của mình để khi nào có dịp tôi lại kể cho mấy đứa bạn nghe nữa chứ. Bây giờ Bình Phước trong tôi đẹp lắm, không chỉ đẹp về phong cảnh mà còn vì Bình Phước là nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, là nơi tôi được sống cùng bà ngoại, ba mẹ, bé nhỏ, những người hàng xóm tốt bụng và những đứa bạn dễ thương...nơi đã nuôi tôi khôn lớn, dạy tôi biết bao điều hay, nơi tôi có biết bao kỷ niệm vui buồn...
Giờ đây những lúc mệt mỏi vì học hành căng thẳng hay vì không khí ồn ào náo nhiệt của Sài Gòn, thì chỉ cần về đến Bình Phước thì tôi lại có một cảm giác vui lạ thường, cảm giác ấm cúng và thân quen lắm. Bình Phước không đẹp như Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu...Bình Phước không phát triển như Sài Gòn, Bình Dương, Đà Nẵng...Bình Phước không được nhiều người biết đến...nhưng trong tôi bây giờ thì “ Bình Phước là số một!”.
@copyright ...
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, đám mây và ngoài trời

                                                                       Giăng câu

Cho tôi về với quê hương

Quê mẹ lúc nào cũng in dấu trong tôi với biết bao kỷ niệm thân thương. Dù tôi đã bị cuốn đi với cuộc sống tấp nập, đô hội nơi thị thành, nhưng quê hương luôn thường trực trong trái tim tôi như một tiềm thức mãnh liệt.

Tôi - một người con đã rời xa quê hương 13 năm tròn. Trong suốt 13 năm ấy, cuộc sống đã xô tôi đi với học tập, làm việc để mưu sinh. Mọi năm, tôi chỉ được một lần về thăm quê vào dịp Tết. Quê tôi là một thôn nhỏ yên bình, nghèo đói, nơi người dân quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất - bán lưng cho trời”, cuộc sống gói gọn trong lũy tre làng, tuy nghèo khổ mà vẫn ấm áp tình người. Tôi vẫn thân thương gọi là quê mẹ.
Đó là mảnh đất mà tôi đã sinh ra và lớn lên với biết bao kỷ niệm buồn vui. Là nơi tôi đã mấy lần chết hụt vì tập bơi dưới con sông có bến đò mang tên Ông Bổng - người đàn ông ngày ngày chở đò đưa khách qua sông. Con sông thân thương ấy đã mang nguồn phù sa tươi tốt, bồi đắp cho quê tôi những mảnh ruộng màu mỡ. Và cũng chính nó đã lấy đi biết bao sinh mạng của người dân nghèo khổ trong công cuộc mưu sinh. Chú Quý - một người nông dân hiền lành chăm chỉ đã bị chết đuối khi đi đánh cá đêm, thằng An - con cô Thúy bị nước cuốn khi trốn đi tắm sông cùng các bạn… Nhưng chúng tôi ai cũng yêu con sông ấy, nhất là những buổi trưa hè rủ nhau ra sông tắm mát.
Quê mẹ là nơi tôi và các bạn tụ tập dưới gốc dừa chơi “ô ăn quan”, chơi trò “đi chợ” hay thậm chí là rủ nhau về nhà hái trộm trái cây, rồi mang ra góp chung để ăn. Dưới gốc cây dừa ấy là cả nghìn kỷ niệm của tuổi thơ mà có lẽ đến bây giờ mỗi chúng tôi không ai có thể quên được. Cái Ninh - bạn thân nhất của tôi đã nói: "Nếu có chuyện gì, gốc dừa này sẽ là nơi chúng mình gặp để nói cho nhau biết nhé". Chẳng hiểu sao từ đó nó lại trở thành nơi tâm sự của chúng tôi mỗi khi đi chơi.
Và cũng hiển nhiên mà nhà tôi, nơi có gốc dừa ấy đã trở thành trung tâm của cả xóm. Có chuyện gì, tôi cũng là người được biết trước, rồi ngồi đợi những đứa khác đến để tán gẫu. Gốc dừa ấy cũng là nơi chứng kiến cảnh chúng tôi ly tán. Cái Tư - đứa bạn thân trong xóm tôi là đứa giã từ tuổi thơ sớm nhất. Nó học kém, lớn nhanh nên sớm có bạn trai và bỏ cuộc chơi khi mới 16 tuổi. Trước khi nó thông báo đám cưới, chúng tôi đã biết vì ngày nào chúng tôi chẳng đi rình tụi nó nói chuyện. Chuyện tình cảm của nó cũng là đề tài bàn luận của chúng tôi hai tháng gần đây. Nhưng tôi không ngờ, nó lại lấy chồng sớm thế. Nghe nó nói mà mấy đứa tôi ai cũng buồn, nhất là tôi và cái Ninh. Ba đứa là bạn thân của nhau từ nhỏ. Sau khi cái Tư lấy chồng, lũ bạn tôi cũng từ từ tan rã, đứa nghỉ học đi làm, đứa lên cấp 3, đứa cưới... Hiếm hoi lắm, tôi mới gặp được mấy đứa đi học còn sót lại để cùng nhau ngồi tâm sự.
Mấy năm cấp ba là quãng thời gian mà tôi bắt đầu phải rời xa quê hương. Tôi là người duy nhất ở trong thôn đỗ được một trường có tiếng ở thị xã. Sáng 6 giờ tôi phải đạp xe 6 km tới trường, trưa 12 giờ về tới nhà, 13 giờ chiều lại lóc cóc đạp xe đi. Quê hương lúc ấy trong tôi là những trưa hè nóng rát, hay những sớm đông lạnh căm mà vẫn nhầy nhụa mồ hôi vì đạp xe thần tốc đến trường. Chỉ có những chiều thứ bảy rảnh rỗi, tôi mới được một mình lên sân thượng, chìm đắm trong làn gió mát rượi dưới bóng râm của tán dừa ngắm nhìn những đồng lạc xanh mơn mởn, hay cánh đồng lúa mượt mà, dài tít tắp. Chỉ có thế là bao nhiêu căng thẳng, áp lực học hành của tôi biến mất.
Ngày tôi xa quê đi đại học, bạn bè tôi chỉ còn vài đứa đến chơi. Đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi ngồi dưới gốc dừa tâm sự. Sau bốn năm trở về, tôi chẳng còn gặp ai, đứa lập nghiệp phương xa, đứa theo chồng… Tôi cũng không tránh khỏi vòng cuốn của cuộc sống, cũng đến ngày tôi theo chồng, rời xa quê mẹ. Từ đó, tôi ít khi có dịp trở về thăm quê vì tôi và chồng phải vào Sài Gòn lập nghiệp.
Thế nhưng, quê mẹ lúc nào cũng in dấu trong tôi với biết bao kỷ niệm thân thương. Mặc dù tôi đã bị cuốn đi với cuộc sống tấp nập, đô hội nơi thị thành. Nhưng quê hương luôn thường trực trong trái tim tôi như một tiềm thức mãnh liệt. Mỗi khi gặp khó khăn, căng thẳng muốn từ giã, buông xuôi, tiềm thức ấy lại bừng tỉnh trong tôi. Nó nói với tôi rằng: “Hãy mạnh mẽ lên, dũng cảm lên, con. Ở quê còn biết bao người gặp khó khăn, vất vả, biết bao nhà tan, cửa nát vì thiên tai, dịch họa. Mà họ vẫn cười, vẫn dũng cảm đương đầu. Vậy tại sao con không thể?”. Ôi quê hương. Cho con xin được cám ơn người. Người đã giữ lại tuổi thơ, giữ lại niềm tin của cuộc đời con, để con có sức mạnh bước tiếp. Vì trong con luôn có những hình ảnh của quê mẹ - nơi con được sinh ra, lớn lên và hạnh phúc bên những người thân yêu của mình.
Đỗ Thị Phương Mai

                                                            CÔ THẮM VỀ LÀNG

CẢM NHẬN VỀ QUÊ HƯƠNG ĐÀ NẴNG CỦA TÔI
Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho quê hương tôi bờ biển dài với nét quyến rũ tuyệt vời. Rung động, xao xuyến bao trái tim của khách phương xa khi một lần được chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình đẹp tựa tranh. Gợi nhớ, gợi thương, trăn trở bao đêm trường về nơi chôn nhau cắt rốn của những người con xa xứ.
Nơi tôi sinh ra là một vùng biển nghèo, tiếng võng kẻo kẹt vọng lời ru của mẹ :
-“Se sẻ mà đẻ cột đình, bà ngoại đẻ má, má đẻ mình, em biết không em?”
Lời ru khắc sâu trong từng thớ thịt, thấm tận từng mạch máu như nhắc nhủ : “cây có cội, nước có nguồn”. Người dân quê tôi chịu thương, chịu khó, đa phần lớn lên từ vùng biển. Lập gia đình, sinh con đẻ cái từ đời này sang đời khác. Vì thế mà câu hát ru con của những thiếu phụ vùng gió cát hầu như đều mang nỗi khắc khỏai, đợi chờ giống nhau :
“Hò ơi… nghèo mà nghề ruộng em theo…
Lấy chồng đi biển …à…chứ lấy chồng đi biển…à…hồn treo cột buồm… hò ơi…”.
Những đêm trăng thơ mộng ở vùng biển cũng đã từng chứng kiến bao cuộc hẹn hò của những đôi nam thanh nữ tú, vì vậy biển và trăng cũng được lồng tả vào cảnh yêu đương của những đôi nam nữ thật chân quê, mộc mạc, nhằm ngụ ý nhắc nhở khuôn phép, lề thói của người dân quê ở đây.
“Trăng lên nước lớn anh tề ,
Nói chi thì nói em về kẻo mẹ la”
Từ ngàn xưa khi chưa có dự báo thời tiết bằng thông tin đại chúng trên truyền thanh truyền hình, người dân quê chỉ biết ngửa mặt lên trời nhìn mây, nhìn gió, nhìn con nước ròng, con nước lớn để đoán thời tiết. Và chính vì vậy mà nó đã trở thành những câu ca dao lưu truyền từ đời này sang đời khác:
“Ngó lên đỉnh núi Sơn Trà,
Mây phủ la đà không gió thì mưa.”
Đà Nẵng quê tôi ngày nay thật tươi đẹp, nhờ bàn tay con người góp phần tái tạo nên cảnh đẹp trữ tình ,lãng mạn càng trở nên lộng lẫy, sang trọng, long lanh như những vì tinh tú giữa đêm đen huyền hoặc.
Đến với quê tôi đi dọc bãi biển bằng đôi chân trần, bạn sẽ nghe lời thì thầm của cát. Vài con sóng nhỏ rượt đuổi, xô vào bờ làm ướt đẫm bàn chân nghe lành lạnh. Hãy cứ đi, đi mãi lên hướng núi Sơn Trà, quanh quanh sườn núi nhìn xa xa ra biển, Cù Lao Chàm ẩn hiện sau lớp sương mù đẹp tựa cảnh tiên!
Dọc bãi biển : bãi bụt, bãi rạng, bãi nam, bãi nờm, bãi bấc… những khu du lịch sinh thái sang trọng mọc nhiều lắm, ấy vậy mà không làm mất đi cảnh thanh thoát của ngôi chùa Linh Ứng vừa mới xây dựng trên lưng chừng sườn núi. Tượng phật Quan Âm sừng sững nhìn ra biển thật vĩ đại, bao dung và hiền hòa. Đúng là cảnh đời thoát tục!
Đi ngược lại bạn sẽ gặp núi Non Nước(Ngũ Hành Sơn). Một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng. Những ngọn núi được thiên nhiên tạo thành địa thế trông giống như bàn tay của Phật Tổ Như Lai úp chụp xuống Tôn Hành Giả( trong Tề Thiên Đại Thánh truyện)hàng vạn vạn năm về trước.
Đỉnh núi Bà Nà là cả một huyền thoại của quê tôi. Bà Nà ngoài vẻ đẹp tựa trong tranh còn có thời tiết thật kì lạ. Vì nếu được ở một ngày tại Bà Nà bạn có thể tận hưởng được bốn mùa : xuân-hạ-thu-đông.
Đà Lạt đẹp huyền ảo trong sương thì Bà Nà mang vẻ đẹp kì ảo trong mây, thường những buổi chiều mây là đà, lạc vào vùng mây ấy, người đi trước cách người sau vài mét thôi , nhưng chỉ thấy phần trên di động, bên dưới là mây trắng xóa, giống như các vị Tiên đang lướt mây đi dự hội Bàn Đào do Vương Mẫu Nương Nương mở hội. Đó là vài địa danh tiêu biểu của Đà Nẵng!
Đến Đà Nẵng vào buổi tối, con đường Bạch Đằng hai bên bờ sông lộng lẫy ánh đèn màu, mà ngày xưa tôi đi học, chỉ có những chuyến phà lặng lẽ đón đưa, những con thuyền nhỏ với những mái dầm chèo kẻo kịt đưa đón khách qua sông mỗi lúc trễ phà, dưới ánh trăng vàng nay không còn nữa mà thay vào đó những chiếc cầu qua sông thật hùng vĩ và hoành tráng. Ánh điện màu nhấp nháy như những nốt nhạc nhảy trên sông mang một giai điệu, một giáng vẻ thật quý phái đẫy lùi thời gian ngày xa xưa ấy dần vào quên lãng .
Đà Nẵng quê tôi đẹp như thế đó!
Đến với Đà Nẵng không những bạn được ăn bằng mắt mà còn được ăn bằng miệng nữa. Nói về những món ăn quê tôi thì chỉ nghe thôi chắc hẵn bạn sẽ muốn ăn ngay. Đà Nẵng nổi tiếng với món bánh tráng thịt heo Khuê Trung, thịt heo thường thôi nhưng ở quê tôi món thịt heo bánh tráng lại đậm đà bởi kèm theo món mắm nêm được làm từ cá cơm mang từ biển về tươi rói. Thịt heo xắt lát dài hơn gang tay( nghệ thuật xắt thịt heo chỉ có tại vùng Khuê Trung quê mình ) bởi vì chỉ có một tý mỡ và da ở hai đầu mà thôi. Đặt bên cạnh là đĩa rau sống xanh mướt, tươi như vừa mới hái từ sau vườn gồm : xà lách, diếp cá, cần ngò, dưa leo, chuối chát…
Trải bánh tráng ra, đặt lên một lá mì mỏng, sắp thịt heo và rau sống lên, cuốn lại chấm với mắm nêm cay cay, cắn vào bạn sẽ nghe mùi vị quê hương Đà Nẵng thấm vào tận chân răng. Ngoài ra còn mì Quảng nữa, mì quảng Bà Vị. Một thương hiệu nổi tiếng truyền nhiều năm và nhiều đời con cháu. Nhìn tô mì quảng gồm vài con tôm đỏ tươi bên cạnh những lát thịt heo kho đậm đà, thêm một quả trứng vịt nữa chứ. Sau đó được rải lên một nắm đậu rang và hành lá kèm theo cái bánh tráng nướng. Eo ơi! Mì quảng Bà Vị ngon lắm !có lẽ là ngọt do những con tôm đỏ au, vớt từ hạ lưu dòng sông Vu Gia đổ ra biển hay ngọt do những chú heo nuôi bằng lá rau khoai vùng cát biển.
Bún chả cá Nguyễn Chí Thanh có mùi vị rất độc đáo. Những quán bún ở đây nổi tiếng từ thời tôi đi học cấp 2. Nói là quán chứ thực ra chỉ là những tấm vải bạt xanh che dọc đường thôi, gần 40 năm rồi còn gì…! Những quán ấy bây giờ rất khang trang, ấy vậy mà lần nào khi đến ăn bún chả cá tôi đều có cảm giác như mình mới chỉ ăn hôm qua thôi.
Đà Nẵng mùa đông đẹp lắm, đi dọc bờ sông để nhìn mưa rơi trên sông như lọn tơ trời thả xuống óng ả mượt mà. Và đó cũng là mùa ăn quà vặt. Món ăn vặt vào mùa mưa rất thú vị như : bánh tráng đập, bánh bèo, bánh bột lọc, bánh tráng tương, mực nướng, xoài, cốc , ổi , dầm chua chua, ngọt ngọt, mặn mặn , cay cay…
Ngồi nhìn ra mưa, thời tiết se se lạnh, nhâm nhi vị cay nồng của ớt, ngọt ngào của mực, chua chua của cốc ổi, giòn tan của bánh tráng tương, hít hít…hà hà …bạn sẽ thấy thật độc đáo!
Với tôi :
“Đi đâu loanh quanh cho đời mõi mệt…”
Vì thời gian luôn dừng lại khi tôi nhắm mắt nghĩ về vẻ đẹp quê mình và tưởng tượng những món ăn tuyệt chiêu trên mảnh đất yêu thương.

Đà Nẵng, ngày 05 tháng 8 năm 2009
Huỳnh Thị Thuỳ K10 ĐG-HHT

Món bánh tráng cuốn thịt heo.


Thành phố Đà Nẵng

Buổi chiều trên đỉnh núi Bà Nà

Bà Nà mây bay
 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét