Chuyển đến nội dung chính

Phút giây cảnh giác 17

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                              Đánh tráo - Cái tủ lạnh - Cú lừa ngoạn mục

Các chiêu trò lừa đảo khó tin

(PLO)- Nhiều kẻ biết lợi dụng lòng tin để lừa đảo hoặc tự nhận là người quen để né tránh sự chú ý.
 
“Nhà mình cho thuê nhà, một bạn nữ giả làm khách thuê đến ngồi gọi ship ứng 700.000 rồi ra đưa đồ cho ship như đây là nhà bạn ấy. Thế là bạn nữ đó đã lừa được 700.000 của bạn ship...
Bạn ship đó quay lại nhà mình vì nghĩ người nhà mình lừa đảo, rất mang tiếng. Trong túi đồ chỉ có vài bộ quần áo và thỏi son cũ. Bạn ý là sinh viên đi làm mà bị lừa mất 700.000 thật sự là rất khổ thân”, T chia sẻ câu chuyện trên mạng xã hội.
Câu chuyện được chia sẻ liên tục trên các diễn đàn mạng xã hội nhằm truy tìm người phụ nữ lừa đảo đồng thời cũng là bài học cảnh báo cho mọi người.
Em thấy chị kia bước ra từ ngôi nhà đó nên nghĩ….
Liên hệ trực tiếp với cậu sinh viên tên C.,  là nhân viên giao hàng bị lừa, C uất nghẹn vì muốn có tiền phụ ba mẹ trang trải học phí, nên thay vì nghỉ hè như bạn bè, T quyết định ở lại làm nhân viên giao hàng tại Hà Nội.
Các chiêu trò lừa đảo khó tin - ảnh 1
Câu chuyện được chia sẻ trên diễn đàn mạng xã hội
“Em làm từ hồi đầu tháng, thường mỗi đơn hàng thành công, thường em được trả 30.000 đồng. Hôm đó, người kia hẹn em ở quán nước, bảo giao hàng đến địa chỉ này. Em đến thấy người kia bước ra từ căn nhà đối diện nên không nghi ngờ gì, nhận hàng rồi đi giao, ứng trước cho người ta 700.000 là tiền đơn hàng, đến chỗ người kia nhận lại cùng tiền ship.
Nhưng tới nơi, gọi người kia không bốc máy, người bảo đi giao hàng lúc đầu có nghe máy bảo chắc đang bận, mai giao nhưng mai tới cũng không thấy ai, số điện thoại cũng không liên lạc được nữa. Lúc đó mới biết mình bị lừa, mở bọc kia ra chỉ có vài bộ quần áo và thỏi son cũ.”
700.000 đồng với nhiều người là số tiền nhỏ nhưng với những sinh viên xa nhà tự lập như C đó là cả gia tài, là tiền ăn hơn tháng trời ở thủ đô.
Em vào nhà đi anh đóng cửa cho
Ngay sau khi câu chuyện trên được chia sẻ, nhiều bạn đọc liên tục bình luận về những câu chuyện lừa đảo với thủ đoạn tương tự: Giả bạn cùng phòng, khách thuê trọ để lấy tài sản.
N.T.Lan (Hà Nội) kể chuyện, đang ở nhà thấy có cô bạn gõ cửa bảo laptop hỏng muốn mượn máy tính để gửi nhờ mail, nghĩ cùng trọ với nhau gửi cũng chẳng mất mấy thời gian nên Lan gật đầu đồng ý. Ai dè, người bạn kia đã biến mất cùng chiếc laptop.
Các chiêu trò lừa đảo khó tin - ảnh 2
Chiếc xe suýt bị mất cắp
Một vụ khác cách đây chưa lâu, nhà trọ của Tuyền ở Nguyễn Xí, Bình Thạnh, nhà có hơn 10 người cùng trọ nhưng là dạng nhà nguyên căn, cửa tận 3 lớp khóa nên cũng yên tâm. Khoảng gần 8h tối, khi đi làm về một người trong nhà trọ bỗng thấy hai người đàn ông lạ xuất hiện trước cửa nhà. Trong đó, một người ngồi trên xe xe Air blade còn một người đang dắt chiếc xe máy ra ngoài.
Thấy có người về, người đàn ông chào hỏi thân thiện “Em đi làm về rồi hả. Em vào nhà đi, anh đóng cửa cho. "Vì nghĩ là người thân của bạn cùng trọ trong nhà tới chơi nên người kia cũng không nghi ngờ gì. Tuy nhiên, sau khi dắt chiếc xe kia ra ngoài, người đàn ông quay lại trộm chiếc xe mới coóng
Công an chỉ mẹo nhận biết kẻ lừa đảo thuê nhà
Chia sẻ hai câu chuyện trên với Trung tá Lê Minh Lê, Đội trưởng đội tổng hợp Công an Quận 3, ông cho biết thủ đoạn lừa đảo trên không mới, từng được cảnh báo rất nhiều trên các chương trình truyền hình như “Câu chuyện cảnh giác”…
Trung tá Lê Minh Lê khẳng định điều mà giới trẻ hôm nay thiếu là sự tương tác xã hội. “Tôi không nói cuộc sống lúc nào cũng phải nghi ngờ nhau nhưng sống ở khu trọ, phải biết hàng xóm xung quanh mình là ai mới cho mượn đồ. Anh nhân viên giao hàng tiếc gì không chạy lại căn nhà hỏi: có phải chị này là người thuê nhà ở đây không, trọ lâu chưa, phòng nào, chủ nhà là ai… Cuộc sống thành thị bận rộn hơn, anh không thể biết hết nhưng ít nhất hàng xóm xung quanh mình là ai anh cần phải biết, tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực… anh cần phải biết, đó là những người anh cần sự hỗ trợ sau này.”
Khi được hỏi, cuộc sống ở thành phố phức tạp, giờ giấc làm việc khác nhau, gặp mặt nhau còn khó làm sao để tương tác, trung tá Lê Minh Lê chia sẻ sự quan tâm tương tác là kĩ năng mềm, cần được hình thành từ trong gia đình, trường học và chính người trẻ phải tự học.
“Tương tác bắt đầu từ những điều nhỏ hằng ngày: về gặp mặt thì chào nhau, thấy hàng xóm đi chân cà nhắc thì hỏi thăm, có người tới tìm hàng xóm mình, mình biết thì truyền lời lại dùm, thấy nhà ai có đám tang, đám cưới thì tới chia buồn, phúng viếng, hay chia vui cùng người ta, hỏi thăm nhau tiếng. Anh muốn được người ta đối xử như thế nào thì anh cần phải đối xử lại với người ta như thế. Còn sống cùng nhà mà chẳng bao giờ nói chuyện thì có sống với nhau cả năm trời, chạm mặt chắc gì đã nhận ra nhau mà biết đâu là kẻ lừa đảo…”
“Hôm nào người đàn ông đó cũng đi uống café, ăn mặc lịch sự, bắt chuyện với mấy người lái xe ôm gần đó. Lần đầu thuê xe ôm chở qua công trình xây dựng bên Q2, hắn bảo làm ở đấy, tiền công hết 50.000 nhưng hắn bo luôn 100.000.
Ngày thứ 2, rồi ngày thứ 3 cũng thế, thậm chí người lái xe còn chạy thẳng vào công trình, có khách sộp nên mừng lắm, cũng tin hắn làm ở đấy thật. Lần cuối gặp mặt, cũng như thường lệ, ông ta bảo người xe ôm chạy vào công trình, nhưng tới nơi vị khách sộp đột nhiên nhớ ra đến giờ mà chưa kịp mua cơm thợ nên mượn xe chạy ù ra, lát về ngay.
Tin tưởng nên cho mượn, kẻ lừa đảo cùng chiếc xe biến mất luôn”- Trung tá Lê Minh Lê, Đội trưởng đội tổng hợp Công an Quận 3, kể lại câu chuyện ông từng chứng kiến.


NGUYỄN TRÀ

Chiêu lừa mới: Giả bác sĩ moi tiền người bệnh

(PL)- Hết đóng vai bệnh nhân đến giả bác sĩ là chiêu mới của những kẻ lừa đảo để moi tiền trong bệnh viện.
 
Không ít kẻ lợi dụng sự dễ tin, lòng thương người của thân nhân người bệnh để tìm cách moi tiền đã bị phát hiện. Khi đã nhẵn mặt đối với bảo vệ, nhân viên y tế ở bệnh viện (BV) này thì họ chuyển địa bàn kiếm ăn ở BV khác.
Giả bệnh nhân “chạy sô”
“Tôi đã từng chứng kiến hình ảnh một ông bàn chân băng trắng, tay ôm giỏ quần áo cũ, tay cầm sổ khám bệnh mon men tới thân nhân người bệnh kể khổ, kể nghèo để xin tiền” - ông Huỳnh Ngọc Thành, Đội trưởng Đội bảo vệ BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, nói.
Ông Thành kể người này độ 46 tuổi, dong dỏng cao, thường xuất hiện tại khu vực khám bệnh buổi sáng. Ông ta luôn biểu lộ gương mặt đau khổ khi kể lể hoàn cảnh gia đình với người nhà bệnh nhân. Khi thấy “đối tượng” chịu nghe và đã mềm lòng, ông ta mở miệng xin ít tiền xe về quê.
Lúc đầu tưởng đây là bệnh nhân thật nhưng thấy ông ta xuất hiện thường xuyên nên ông Thành lặng lẽ quan sát. Biết ông ta giả dạng bệnh nhân để xin tiền, bảo vệ mời làm việc nhưng ông ta thẳng thừng từ chối. Khi bảo vệ cương quyết đòi xem vết thương ở chân, người đàn ông mới chịu tháo băng và lộ rõ bàn chân lành lặn. Biết chiêu thức bị lộ, ông này biến mất khỏi BV.
“Một tháng sau, khi đến thăm người quen đang điều trị tại một BV đa khoa ở quận 10, tôi bất ngờ “đụng độ” người đàn ông nói trên. Ông ta cũng ôm giỏ quần áo cũ, cũng cầm sổ khám bệnh rồi kể khổ, kể nghèo với mọi người. Gặp lại cố nhân (ông Thành - PV), ông ta lẳng lặng bỏ đi, không dám ngoái lại” - ông Thành kể tiếp.
Chiêu lừa mới: Giả bác sĩ moi tiền người bệnh - ảnh 1
Nhân viên y tế khi làm việc đều mặc áo blouse có logo bệnh viện và mang bảng tên. Ảnh: TRẦN NGỌC
Chị Mai, công tác tại cơ quan truyền thông ở TP.HCM, cho biết từng gặp một ông độ 50 tuổi, dáng tiều tụy, tay cầm sổ khám bệnh và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) lê lết từ khoa này sang phòng nọ tại một BV ở Tân Bình. Gặp ai ông ta cũng kể khổ, chìa cuốn sổ khám bệnh và thẻ BHYT rồi ngửa tay xin tiền trị bệnh. “Hầu hết đối tượng của ông ta là những người trẻ giàu lòng trắc ẩn nên dễ móc hầu bao. Cá nhân tôi cũng động lòng nên đã cho 20.000 đồng” - chị Mai kể.
Ngạc nhiên là vài tuần sau, khi đưa người nhà đi khám ở BV Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), chị Mai bỗng gặp lại “bệnh nhân nghèo” này tiếp tục xin tiền. “Ông ta hơi biến sắc khi cũng nhận ra tôi. Chẳng nói chẳng rằng, ông ta lầm bầm vài câu rồi lủi mất” - chị Mai lắc đầu.
Đóng vai bác sĩ tốt bụng
Đề cập đến câu chuyện giả dạng trên, TS-bác sĩ (BS) Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115
(TP.HCM), cho biết BV của ông từng phát hiện những trường hợp người xấu giả dạng BS để lừa tiền người bệnh.
“Người nhà bệnh nhân kể vị BS đó độ 40 tuổi, đến tận giường ân cần hỏi han tình hình bệnh tật. Sau đó vị này hứa sẽ giúp người bệnh được mổ sớm để mau xuất viện. Vị BS cũng yêu cầu bà này đưa trước ít tiền để lo trên khoa. Cầm tiền trong tay, vị BS này biến mất” - BS Phú kể.
Theo BS Phú, nắm bắt tâm lý bệnh nhân muốn được phẫu thuật hoặc điều trị sớm để mau về nhà nên một số đối tượng xấu thường giả dạng BS hoặc nhân viên y tế lân la đến gặp. Những đối tượng này cũng mặc áo blouse, đeo ống nghe để bệnh nhân và người nhà nghĩ là nhân viên của BV. Họ giả vờ hỏi thăm, hướng dẫn thủ tục điều trị hoặc phẫu thuật, sau đó gợi ý bệnh nhân muốn được mổ sớm thì sẽ giúp đỡ và đề nghị đưa trước khoản tiền “lót tay”. Sau khi cầm tiền, BS giả cao chạy xa bay, mặc bệnh nhân khốn đốn. “Điều đáng nói, những đối tượng này chỉ xuất hiện ngoài giờ làm việc vì khi đó đa phần nhân viên y tế về nhà nên nguy cơ bị phát hiện rất thấp” - BS Phú nói.
BS Phú cho biết thêm một chiêu bịp khác cũng khiến nhiều bệnh nhân sập bẫy. Cũng mặc áo blouse không logo, các BS giả mon men đến gần bệnh nhân làm bộ hỏi han ân cần, hướng dẫn cách uống thuốc. Cầm thuốc bệnh nhân đang uống, họ tỏ vẻ lo lắng vì tác dụng không cao và gợi ý giúp mua thuốc tốt hơn. Muốn mau hết bệnh, lại gặp BS tốt bụng nên người bệnh chẳng ngần ngại đưa tiền nhờ mua thuốc khác. Khi đã đút tiền vô túi, “BS” hí hửng chuồn thẳng.
Đánh vào tâm lý thương người
Một số đối tượng xấu còn giả dạng bị bệnh rất nặng, xòe tay xin tiền chữa trị hoặc mua vé xe về quê do “BS chê”. Các đối tượng này thường cầm theo sổ khám bệnh và thẻ BHYT để lòe mọi người. Tuy nhiên, không loại trừ sổ khám bệnh và thẻ BHYT do họ nhặt được.
Muốn xác định nhân thân người xin tiền, có thể xem tên ghi trong sổ khám bệnh và thẻ BHYT trùng nhau không. Cũng có thể hỏi người xin tiền tên, tuổi, địa chỉ… Sau đó đối chiếu với thông tin ghi trong sổ khám bệnh và thẻ BHYT là biết thật, giả ngay. Hiện nay, hầu hết các BV ở TP.HCM đều có phòng công tác xã hội. Do vậy, khi gặp những người xin tiền trong BV thì thân nhân và người bệnh nói họ đến phòng công tác xã hội trình bày hoàn cảnh.
Ông VÕ DUY THỨC, Trưởng phòng Hành chính quản trị BV Ung bướu TP.HCM
___________________________
Nhân viên y tế khi làm việc đều mặc áo blouse có logo của BV và đeo bảng tên, kể cả sinh viên thực tập. Bệnh nhân thuộc diện phải mổ đều đã lên lịch và có ngày giờ cụ thể, không thể muốn mổ sớm là được. Tại mỗi phòng bệnh đều ghi tên BS điều trị và điều dưỡng. Do vậy, nếu thấy nghi ngờ giả dạng nhân viên y tế thì người bệnh và thân nhân báo cho điều dưỡng hoặc bảo vệ BV ngay.
TS-BS NGUYỄN ĐÌNH PHÚ,
Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM)
TRẦN NGỌC

Thất nghiệp, giả làm... bác sĩ chữa bệnh kiếm tiền

(PLO)- Liên tự nhận mình là bác sĩ bệnh viện ung bướu, tiêm nước cất, vitamin cho bệnh nhân để lấy tiền. May công an bắt quả tang Liên chứ không thì bệnh nhân tiền mất mà tật vẫn mang.
 
Chiều 13-5, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) xử sơ thẩm đã tuyên phạt Lê Bích Liên (56 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) hai năm sáu tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, vào năm 2010, Liên từng bị TAND quận Cái Răng phạt hai năm tù treo về cùng tội danh trên chưa được xóa án tích. Tòa tổng hợp chung hình phạt bị cáo phải chấp hành là bốn năm sáu tháng tù. Ngoài ra, bị cáo phải bồi thường cho bị hại 2,6 triệu đồng.
Thất nghiệp, giả làm... bác sĩ chữa bệnh kiếm tiền - ảnh 1
Bị cáo Liên tại TAND quận Ninh Kiều trong lúc chờ tòa nghị án. Ảnh: N.NAM
Theo hồ sơ, bị cáo Liên không có nghề nghiệp, để có tiền tiêu xài, Liên cấu kết với các đối tượng khác thực hiện hành vi giả danh bác sĩ khám chữa bệnh cho người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tiền.
Ngày 28-9-2015, bà NTT đến BV Đa khoa TP Cần Thơ để xét nghiệm và khám bệnh cường hóa tuyến giáp. Trong khi bà T. đang chờ khám thì có người tên Hoanh đến làm quen và giới thiệu có quen bác sĩ bên ngoài có thể chữa được bệnh của bà.
Tin lời, bà T. đồng ý đến chữa bệnh nên Hoanh gọi cho Hạnh đưa bà T. đến gặp Liên. Khi gặp bà T., Liên giới thiệu mình là bác sĩ Trúc Loan làm ở BV Ung bướu TP Cần Thơ.
Sau đó, Liên giả vờ khám bệnh cho bà T. và kêu Hạnh đi mua một số bơm kim tiêm, nước cất và thuốc tây về. Liên tiêm cho bà T. sáu mũi thuốc gồm một mũi Vitamin C và năm mũi nước cất.
Tiêm thuốc xong, Liên bán cho bà T. một số thuốc Tây và lấy của bà T. 2,6 triệu đồng. Liên hẹn bà T. ngày 8-10-2015 quay lại tái khám và chuẩn bị 7 triệu đồng để chi phí lần điều trị sau.
Đến hẹn, 9 giờ sáng 8-10-2015, bà T. đến địa chỉ cũ gặp Liên thì Liên cũng giả vờ khám bệnh và tiêm cho bà T. hai mũi (mỗi mũi 1cc nước cất). Cùng lúc này, Công an phường An Hòa đến kiểm tra thì bắt quả tang Liên cùng tang vật.
Nơi Liên tổ chức khám bệnh là phòng ngủ của gia đình nơi Liên thường tới giúp việc nhà nên được gia chủ cho ở không lấy tiền. Do chủ nhà không biết hành vi của Liên nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hai người tên Hoanh và Hạnh mà Liên khai là đồng bọn, cơ quan công an xác định được Hoanh là Nguyễn Thị Mỹ Lệ (53 tuổi). Tuy nhiên, hiện Lệ không có mặt tại địa phương nên chưa làm rõ được. Cơ quan công an tiếp tục xác minh xử lý sau. Còn Hạnh chưa rõ lai lịch nên tiếp tục xác minh.
Trước đó, vào năm 2010, Liên cũng bị TAND quận Cái Răng xử phạt hai năm tù treo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng với hành vi và thủ đoạn như trên.
NHẪN NAM

Giả bác sĩ, lừa gần 150 triệu đồng

(PLO) - Qua mạng xã hội, Nam giới thiệu mình là bác sĩ hứa xin việc làm để lừa nạn nhân gần 150 triệu đồng.
 
Ngày 7-7, công an thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) cho biết, vừa bắt giữ Hồ Phi Nam (32 tuổi, trú xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giả bác sĩ, lừa gần 150 triệu đồng - ảnh 1
Nam tại cơ quan công an.Ảnh:Đông A.
Trước đó, giữa tháng 5, qua mạng xã hội, Nam quen chị M. ở thị xã Ba Đồn. Khi biết được chị vừa tốt trung cấp y tế, Nam giới thiệu mình là bác sĩ, đang làm tại một bệnh viện lớn, có thể xin việc làm cho chị với chi phí khoảng 120.000.000 đồng.
Tin lời, chị M. đã nhiều lần giao số tiền trên cho Nam nhưng việc làm không thấy nên đã tố giác với công an. Ngoài ra Nam còn chiếm đoạt của chị một xe máy.
Tai cơ quan điều tra, Nam thừa nhận hành vi lừa đảo và cho biết đã sử dụng toàn bộ số tiền nói trên để cá độ bóng đá.
Đông A

"Bẫy"gái quê tìm việc làm trên mạng

Thứ Năm, ngày 10/08/2017 21:00 PM (GMT+7)

Gần đây, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, cần việc làm của một số cô gái trẻ từ các tỉnh lên TP Hồ Chí Minh tìm kiếm việc làm, nhiều chủ quán cà phê, nhà hàng, karaoke "ôm" ở địa bàn Bình Dương, Đồng Nai đã liên kết với nhiều đối tượng chuyên "săn hàng" để trục lợi.

Đặc biệt, bọn chúng nhắm vào các cô gái trẻ từ quê lên thành phố tìm việc để lừa đưa về ép phải ngồi tiếp khách, kích dục, thậm chí bán dâm...
Nhiều cô gái bị đẩy vào tệ nạn
Mới đây, các thành viên của Câu lạc bộ Phòng, chống tội phạm SBC Long Thành liên tục nhận thông tin của các cô gái nhờ giải cứu vì bị lừa "bán" vào các quán cà phê tệ nạn trên địa bàn Đồng Nai. Theo lời các cô gái thì họ là nạn nhân của các đối tượng thông tin tuyển nhân viên trên mạng xã hội.
Cô gái D.T.P. (17 tuổi) ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai đã được Công an xã Lộc An, huyện Long Thành (Đồng Nai) phối hợp với các thành viên của Câu lạc bộ Phòng, chống tội phạm SBC Long Thành giải cứu khỏi quán cà phê "tươi mát" ở xã Lộc An.
Sau khi được giải cứu, ngày 30-7, Công an xã Lộc An đã hoàn tất thủ tục và cho người thân bảo lãnh em P. về với gia đình. Hoàn cảnh gia đình P. đầy éo le và khó khăn. Mẹ em vừa mất cách đây 4 tháng, cha em là người tật nguyền không đủ điều kiện nuôi hai em nhỏ đang đi học.
Do đó, P. có ý định tìm việc làm để kiếm tiền đỡ đần cha, nuôi hai em ăn học. Lân la trên mạng, P. tìm được nơi tuyển dụng tại quận 12, TP Hồ Chí Minh.
"Bẫy"gái quê tìm việc làm trên mạng - 1
Em D.T.P được Công an xã Lộc An giải cứu ngày 29-7.
Sau khi liên lạc để hẹn gặp, P. bất ngờ được nơi tuyển dụng đưa thẳng xuống nhận việc ở quán cà phê với mức lương hứa hẹn 30 triệu đồng/tháng, trong đó công việc chỉ là bưng đồ uống và ngồi tiếp chuyện với khách.
Sau khi đồng ý vào làm, em P. mới hay đây là quán cà phê "đèn mờ", chủ không trả lương, thu nhập là tiền bo của khách. Và hơn nữa em phải chấp nhận cho những vị khách nam thỏa mãn nhu cầu…
Không chịu đựng được, em P. xin nghỉ việc, nhưng lúc này chủ quán nói, nếu muốn nghỉ em phải nộp đủ 4 triệu đồng vì đã trả phí môi giới cho người giới thiệu. Đồng thời, chủ quán này cũng giữ luôn điện thoại của em.
Không thể liên lạc ra ngoài, em P. đã tìm cách lợi dụng lúc gặp khách để nhờ họ liên lạc với gia đình; sau đó thông tin này được trình báo với cơ quan Công an và Câu lạc bộ Phòng, chống tội phạm SBC Long Thành để nhờ giải cứu…
Có thể nói, em P. chỉ là một trong nhiều cô gái bị các đối tượng đưa thông tin tuyển dụng trên mạng đánh lừa. Bởi hiện nay, chuyện tìm việc làm qua mạng ngày càng trở nên phổ biến và đa dạng.
Người muốn tìm việc làm chỉ cần vài cái "click chuột" là có thể tìm được những thông tin tuyển dụng từ các công ty, doanh nghiệp mà mình cần. Hơn thế, người tìm việc có thể nộp hồ sơ trực tiếp qua email một cách dễ dàng. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích đem lại thì còn ẩn chứa những cạm bẫy từ việc tìm kiếm việc làm qua mạng.
Chỉ với những lời đường mật, công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, nhiều cô gái "miệt vườn" đã rơi vào "bẫy" của những đối tượng xấu, bị đưa vào các quán cà phê kích dục hay các khách sạn, nhà nghỉ buộc phải phục vụ mại dâm cho khách. Nếu không đồng ý, các cô gái có thể bị đánh đập tàn nhẫn, hay được yêu cầu phải trả số tiền lớn để tự chuộc mình ra khỏi nơi đó…
Em Bùi Thị N. (22 tuổi, quê An Giang) cũng bị lừa đưa vào một quán cà phê kích dục thuộc phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Sau khi nhận được thông tin, Đội Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã giải cứu khỏi quán cà phê kích dục này vào trưa 5-7.
Theo N., trong quá trình đi xin việc tại TP Hồ Chí Minh, em được một người đàn ông tên Trung (không rõ lai lịch) hứa sẽ xin cho công việc ổn định, lương cao ở Bình Dương.
Tưởng thật, N. đã đi theo người đàn ông này và bị lừa đưa vào quán cà phê Chiều Xuân (phường An Phú). Tại đây, N. bị chủ quán ép phải làm việc kích dục cho khách. Khi tỏ ý không chấp thuận, N. đã bị đe dọa đánh và ra điều kiện nếu rời quán phải nộp 5 triệu đồng…
Trước đó, ngày 30-6-2017, Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) phối hợp với các "hiệp sĩ" Đội Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa đã giải cứu thành công hai cô gái bị lừa đưa vào cơ sở massage trá hình ở phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (Bình Dương). Nạn nhân là P.T.H (26 tuổi, ngụ Tây Ninh) và L.T.H (33 tuổi, ngụ Quảng Nam).
Trước đó, các "hiệp sĩ" nhận được điện thoại cầu cứu của gia đình L.T.H thông tin H. bị lừa vào làm massage trá hình, do phản kháng nên H. đã bị chủ cơ sở quản thúc hai ngày.
Gia đình nạn nhân muốn giải cứu con em mình thì bị người của cơ sở này yêu cầu phải đem 5 triệu đồng đến chuộc mới thả ra, và dọa nếu không có tiền chuộc sẽ bắt H. phải tiếp khách. Do bị quản thúc nghiêm ngặt nên H. không thể thoát ra ngoài được.
Điều đáng nói là khi cầu cứu, người nhà của H. lại không rõ địa chỉ cơ sở massage ở đâu. Do đó, việc tìm kiếm cơ sở này vô cùng khó khăn bởi diện tích phường Tân Đông Hiệp khá rộng, địa chỉ lại không rõ ràng. Tuy vậy, với mong muốn tìm bằng được cô gái, các "hiệp sĩ" đã lên phương án tìm hiểu tất cả những cơ sở massage trên địa bàn phường bằng cách giả làm khách đến quán…
Trước khi thực hiện kế hoạch, đội "hiệp sĩ" đã liên hệ với Công an địa phương để nhờ sự trợ giúp và được cơ quan Công an chấp thuận. Khi đang chuẩn bị thực hiện thì bất ngờ "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải được một người đàn ông chủ động liên lạc để báo rằng có một cô gái tên H. trong một cơ sở massage trá hình không tên ở khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp nhờ cầu cứu.
Ngay sau đó, cuộc giải cứu đã diễn ra thành công từ sự chỉ đạo, phối hợp của Công an phường Tân Đông Hiệp và các "hiệp sĩ".
Đặc biệt, ngay khi giải thoát được L.T.H, lực lượng giải cứu còn phát hiện thêm một trường hợp khác cũng bị lừa vào cơ sở này là P.T.H. và được thả tự do.
"Bẫy"gái quê tìm việc làm trên mạng - 2
Hai cô gái P.T.H và L.T.H được giải cứu khỏi cơ sở massage.
Lời cảnh tỉnh cho các cô gái 
Theo "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải, trước đây nhiều cô gái ở tỉnh xa lên TP Hồ Chí Minh tìm việc đã từng bị những đối tượng xe ôm kiêm "cò mồi" lừa giới thiệu việc làm rồi bán lại cho chủ cơ sở theo kiểu nêu trên.
Hiện tại, nhiều cô gái quê tìm việc làm qua mạng, cũng tin lời những đối tượng không quen biết, dễ bị lừa bán vào nhiều cơ sở massage kích dục trá hình hoặc quán cà phê kích dục… Các cô phải phục vụ khách và bị quản thúc. Nếu cô nào muốn được giải thoát thì người thân, gia đình phải mang tiền đến chuộc.
Theo tìm hiểu thực tế trên nhiều địa bàn như Bình Dương, huyện Long Thành, Nhơn Trạch và vùng ven Biên Hòa (Đồng Nai)… hiện vẫn đang tồn tại một số quán cà phê, cơ sở massage có hình thức kích dục.
Những nơi này đã liên kết với nhiều đối tượng là xe ôm, kẻ vô công rỗi nghề cố ý lên mạng đăng tin tuyển dụng lao động với nội dung không rõ ràng nhằm giăng bẫy dụ dỗ các cô gái muốn tìm việc, sau đó lừa bán cho các quán với giá 4-7 triệu đồng.
Tại đây, các chủ quán cà phê, cơ sở massage sẽ bắt các cô gái phải ký giấy nợ với điều kiện làm ba tháng nợ sẽ được xóa. Nhưng thực tế rất khó để xóa nợ và cô nào muốn được giải thoát đều phải đóng số tiền 'hụi chết" đó.
"Bẫy"gái quê tìm việc làm trên mạng - 3
Cơ sở massage, nơi chị P.T.H và chị L.T.H bị ép kích dục cho khách.
Khi đã rơi vào tay của những đối tượng này nếu không làm đúng với những quy định của chủ chiều khách "từ A đến Z" hoặc bỏ trốn, những cô gái này đều bị đánh đập, bị nhốt và bỏ đói. Những dịch vụ trá hình bình dân này chủ yếu hoạt động tại các khu vực vùng ven ngoại thành mà trong đó, các cô gái bị bán vào "động" đều phải chịu cảnh vùi dập, ê chề.
Những vụ việc trên một lần nữa là lời cảnh tỉnh những cô gái quê khi xin việc làm qua mạng cần cảnh giác để tránh thành "mồi" cho kẻ xấu. Khi muốn tìm việc làm chính đáng, chị em cần phải tỉnh táo, nêu cao cảnh giác, trang bị kỹ năng sống để tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy được giăng sẵn; đồng thời tìm hiểu kỹ thông tin việc làm, cần đến những văn phòng tuyển dụng cụ thể, tránh nghe theo những lời dụ ngọt của các đối tượng không rõ nguồn gốc, cò mồi để tự mình rơi vào cạm bẫy của các đối tượng.
Đặc biệt, không nên tìm hiểu hay hỏi xe ôm ở các bến xe để tìm việc vì những đối tượng này rất dễ sử dụng đủ mọi chiêu trò để đưa những cô gái quê này "vào tròng" để kiếm tiền "hoa hồng". Về phía nạn nhân, khi biết bị lừa, cần bình tĩnh tìm cách liên hệ với các cơ quan chính quyền, lực lượng chức năng để được giúp đỡ nhanh nhất có thể…
Theo Công an tỉnh Bình Dương, trước khi đưa thông tin cá nhân trong quá trình tìm việc qua mạng, người tìm việc phải cân nhắc mức độ bảo mật thông tin cá nhân và tình trạng thật của doanh nghiệp tuyển dụng.
Phía cơ quan chức năng cũng khẩn trương vào cuộc điều tra bóc gỡ các đường dây, nhóm người lừa đảo, để kịp thời giải cứu nạn nhân, loại bỏ các cơ sở kinh doanh bất hợp pháp, bảo vệ người lao động, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Những chiêu lừa gái trẻ của “thợ săn tình” qua radio
Thông qua sóng radio, Tân dùng tên giả làm quen, tán tỉnh các cô gái trẻ. Đến khi được những cô gái này tin tưởng giao tài...
Theo Phú Lữ (Cảnh sát toàn cầu)

Bắt khẩn cấp người phụ nữ lừa đảo gần 4 tỉ đồng

Chủ Nhật, ngày 30/07/2017 09:47 AM (GMT+7)

Sau khi vay tiền của 6 người dân gần 4 tỷ đồng tiêu xài cá nhân rồi không có khả năng chi trả, Trâm bị lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế bắt giữ.

Bắt khẩn cấp người phụ nữ lừa đảo gần 4 tỉ đồng - 1

Lực lượng Công an đọc lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Trâm.
Ngày 29/7, tin từ cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị vừa thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Trịnh Thị Bích Trâm (SN 1977, trú đường Phạm Thị Liên, phường Kim Long, TP.Huế) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, để vay mượn được số tiền gần 4 tỷ đồng của 6 nạn nhân từ tháng 11/2014 đến 8/2016, đối tượng Trịnh Thị Bích Trâm đã nói dối rằng mình vay tiền để cho người khác vay lại nhằm hưởng chênh lệch.
Để tạo lòng tin cho các nạn nhân, Trâm đã trả lãi xuất cao gấp nhiều lần so với lãi xuất của ngân hàng.
Tuy nhiên, sau khi vay mượn được tiền, Trâm lại dùng chính số tiền đó để trả lãi cho nạn nhân và dùng tiêu xài cá nhân nên không có khả năng chi trả.
Nhận được đơn tố cáo của người dân, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhanh chóng điều tra làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của đối tượng Trịnh Thị Bích Trâm.
Bắt khẩn cấp người phụ nữ lừa đảo gần 4 tỉ đồng - 2
Đối tượng Trịnh Thị Bích Trâm.
Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Lừa bạn gái mới quen đi làm tóc để 'cuỗm' tài sản
Khánh rủ chị V. về nhà chơi nhưng lại lừa chị đi làm tóc để thừa cơ "ôm" hết tài sản của nạn nhân và biến...
Theo Hà Oai (Infonet)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MIỀN TÂY HOANG DẠI

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/153

VẪN THẾ MÀ!