Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

BÍ ẨN LỊCH SỬ 67/17

(ĐC sưu tầm trên NET)
Các Chủ Tịch KGB Những Hồ Sơ Lộ Sáng
Tình báo là một mặt trận thầm lặng nhiều khi không có tiếng súng nhưng vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi người chiến sĩ tình báo phải gan dạ, mưu trí, dũng cảm. Trong thời gian tồn tại của mình, cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) đã có những đóng góp đáng kể vào sự vững mạnh của đất nước cũng như thế cân bằng chiến lược Đông Tây. Cuốn Các chủ tịch KGB - Những hồ sơ lộ sáng của nhà sử học lừng danh người Nga Leonid Mlechin viết về những nhà lãnh đạo của KGB trong suốt thời gian cơ quan này hoạt động. Với những phân tích, đánh giá sâu sắc, tinh tế của mình, Leonid Mlechin sẽ đem đến cho bạn đọc cái nhìn đúng đắn, thoả đáng về vai trò, vị trí của các vị thủ lĩnh và cơ quan KGB trong lịch sử tồn tại của Liên bang Xô Viết. Đó là những người mà số phận gắn liền với cả vinh quang chói lọi và những thất bại cay đắng.
------------------------------------------------------------------

Mục 1]LỜI GIỚI THIỆU

LỜI GIỚI THIỆU
Cuốn sách các bạn cầm trên tay của tác giả Nga Leonid Mlechin là một cuốn sách đặc biệt vì nó kể về những người lãnh đạo một công tác mà ở Liên Xô trước đây và Nga hiện nay gọi là "công tác đặc biệt"; và bản thân những người đó cũng có những số phận đặc biệt. Đó là các Chủ tịch KGB.
Cơ quan an ninh Liên Xô được thành lập từ những ngày đầu cách mạng tháng Mười với nhiệm vụ trấn áp các lực lượng phản cách mạng trong nước để bảo vệ chính quyền với tên gọi là Ủy ban đặc biệt, về sau đã trở thành một cơ quan kiểm soát toàn diện xã hội và một cơ quan tình báo quốc tế bậc nhất. Với tên gọi là KGB từ năm 1954, cơ quan quyền lực hùng mạnh này đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với số đông người và niềm kính nể đối với đồng nghiệp an ninh quốc tế.
KGB là một hiện tượng lịch sử trong thế kỷ 20, nó được xây dựng bằng công sức, trí tuệ và cả xương máu của nhiều thế hệ người Xô viết. Suốt 74 năm tồn tại Liên Xô (1917 - 1991); KGB sống song hành cùng Liên Xô.
Những chặng đường các Chủ tịch KGB đã đi là những chặng đường của lịch sử Liên Xô vinh quang và cay đắng. Và số phận cá nhân vừa oanh liệt vừa bi thảm của họ cũng không nằm ngoài lịch sử đó. Đây là lần đầu tiên, một cuốn sách kể về cuộc đời và sự nghiệp của tất cả các Chủ tịch KGB (mười bảy vị) từ thời Lênin cho đến khi Liên Xô tan rã.
Đọc cuốn sách này, người ta hiểu biết thêm nhiều về lịch sử chính trị và an ninh Liên Xô. Trong sách có đề cập đến những lãnh tụ và nhân vật lịch sử như Lênin, Stalin, Trotski và một số nhân vật còn có những đánh giá khác nhau như Beria, Tukhachevski và một số vụ việc còn nhiều bí ẩn như vụ ám sát Kirov, "Vụ án các bác sĩ", vụ "Đảng bộ Lêningrad "v.. v... Một số sự kiện lịch sử như việc Stalin bắt tay với Hitle để trì hoãn chiến tranh, sự biến ở Hung-ga-ri năm 1956 v.v... được đề cập và phân tích khá sâu trong mối quan hệ chính trị - ý thức hệ - an ninh.
Sách cũng cung cấp thêm tư liệu và lý giải về những diễn biến nhân sự ở hậu trường trong những bước ngoặt lớn chuyển giao lãnh đạo của Liên Xô. Hầu hết các nhà hoạt động nhà nước nổi tiếng của Liên Xô được nhắc đến trong sách này.
Đây không phải là cuốn sách về một ngành công tác. Đây là câu chuyện kể về những bước ngoặt lịch sử của đất nước Liên Xô, mà trên mỗi bước ngoặt đó đều có vai trò của KGB.
Do đó nó không chỉ bổ ích về nghiệp vụ mà còn có giá trị nghiên cứu, tham khảo rất quý đối với đông đảo bạn đọc.
L.Mlechin trong mấy năm gần đây là một tác giả ăn khách ở Nga, vì sách của ông thường viết về đề tài an ninh, trên cơ sở khai thác kho tư liệu lưu trữ phong phú của Liên Xô và KGB. Tuy nhiên, nằm trong trào lưu tư tưởng dân chủ cấp tiến của xã hội Nga hiện nay, tác giả có xu hướng phân tích một cách phê phán đối với lịch sử nước nhà, đối với Stalin.
Đó là điều phổ biến và khó tránh được hiện nay. Nhiều điều đã được biết hoặc trở thành bình thường đối với xã hội Nga có thể không được chấp nhận hoặc chia sẻ đối với chúng ta. Mặc dù vậy, giới thiệu cuốn sách này với độc giả kính mến, chúng tôi tin rằng cuốn sách có giá trị tái hiện lịch sử sinh động, lại được viết bằng giọng văn chính luận hấp dẫn, chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều điều bổ ích và phát hiện lý thú.
Dịch giả HÙNG SƠN


                                      THỜI KỲ TAN RÃ

                             Chủ tịch KGB (10/1988 - 8/1991)

V.A.Kriuchkov sinh năm 1924 ở Saritsyno trong một gia đình công nhân. Bản thân ông làm công nhân ở nhà máy, rồi làm công tác Đoàn. Năm 1946 làm Phó Bí thư Thành đoàn Stalingrad. Từ đó ông được Viện kiểm sát lấy sang làm điều tra viên, rồi Chánh công tố quận. Ông vào học hàm thụ Đại học Luật Saratov và tốt nghiệp năm 1949.
Năm 1951, Thành uỷ Stalingrad cử ông đi học ở Học viên Ngoại giao ở Matxcơva - là nơi đào tạo các cán bộ đã có kinh nghiệm và thâm niên công tác thành các cán bộ ngoại giao. Ở đây, bên cạnh các môn học khác, ông học một ngoại ngữ khó là tiếng Hung.
Năm 1954, tốt nghiệp Học viện, Kriuchkov về công tác ở Bộ Ngoại giao lúc đó do A.A.Gromyko đang lên làm Thứ trưởng thứ nhất. Không khí và ngày làm việc dần dần trở lại bình thường không còn căng thẳng như thời Molotov làm Bộ trưởng. Nhưng các cán bộ ngoại giao cũng vẫn chỉ là những công chức mẫn cán được giao thực hiện các công việc nhỏ nhặt.
Năm 1955, Kriuchkov được cử đi làm Bí thư thứ ba Đại sứ quán Liên Xô tại Hungari. Đại sứ là Iu.V.Andropov - một cán bộ Đảng hơn 40 tuổi giàu kinh nghiệm. Đây là một dịp may cho Kriuchkov. Ông sẽ cùng đi và phục vụ dưới trướng của Andropov, được Andropov giúp đỡ chỉ bảo cho đến tận cuối đời Andropov.
Kriuchkov nhớ mãi những ngày diễn ra cuộc bạo động ở Hungari, khi sứ quán Liên Xô bị bao vây, rồi những đêm mất ngủ, những cuộc gặp bí mật đầy nguy hiểm với các đồng chí Hungari. Kriuchkov cũng như Andropov, cho rằng nguyên nhân của mọi chuyện là sự mềm yếu của lãnh đạo Hungari. Mấy chục năm đã trôi qua, Kriuchkov vẫn tin rằng Liên Xô và Sứ quán Liên Xô lúc đó đã hành động đúng.
Do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong điều kiện chiến đấu, theo đề nghị của Đại sứ, Kriuchkov được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Cờ Đỏ.
Andropov hết nhiệm kỳ về nước năm 1957, Kriuchkov còn ở lại Hungari. Nhưng Andropov không quên người cán bộ dũng cảm và nhiều triển vọng. Khi đã là Bí thư kiêm Trưởng ban đối ngoại Trung ương Đảng, Andropov chuyển Kriuchkov về làm việc với mình. Một cán bộ được chuyển từ Bộ Ngoại giao về Trung ương Đảng là một sự tín nhiệm lớn. Nhưng còn chưa ai ngờ được rằng Kriuchkov sẽ tiến xa đến mức trở thành phó của Andropov.
Kriuchkov làm chuyên viên, vụ trưởng, rồi trợ lý của Bí thư Trung ương Đảng. Khi Andropov chuyển từ Trung ương Đảng sang làm Chủ tịch KGB, Kriuchkov lại làm trợ lý của Andropov, Trưởng ban thư ký của Chủ tịch KGB. Phòng làm việc của Kriuchkov đối diện với phòng làm việc của Andropov. Lúc nào Kriuchkov cũng có thể trợ giúp cho thủ trưởng, tận tình và đắc lực.
Năm 1971, Andropov chuyển Kriuchkov sang một công tác độc lập là làm Tổng cục phó thứ nhất Tổng cục 1 (Tổng cục tình báo). Đây là một bước bồi dưỡng để Kriuchkov đảm nhận những nhiệm vụ cao hơn. Song, trong bước đầu, như chính Kriuchkov thú nhận, ông cảm thấy thiếu vắng người thầy của mình.
Vả lại, bước đầu công tác tình báo của ông lại trùng vào một việc đáng buồn: tháng 9/1971, Oleg Lialin - sĩ quan tình báo Liên Xô đóng ở Luân Đôn chạy sang phía Anh. Anh vốn đã phàn nàn về biên chế sứ quán Liên Xô quá lớn so với sứ quán Anh ở Matxcơva và tình nghi nhiều cán bộ trong số đó hoạt động gián điệp, đã nhân cớ đó trục xuất hơn 100 người của các cơ quan Liên Xô đóng ở Luân Đôn. Lialin hoạt động dưới danh nghĩa kỹ sư trưởng ở Thương vụ Liên Xô tại Luân Đôn, bị giữ vì vi phạm luật lệ giao thông. Thông thường những sự vi phạm luật lệ giao thông của cán bộ, nhân viên sứ quan bị ghi lại và thả ngay. Nhưng trong trường hợp này có sự sắp đặt của an ninh Anh. Vốn biết rõ đời tư của Lialin, biết một số sai phạm của Lialin, kể cả việc anh ta "lòng thòng" với một nữ nhân viên trong cơ quan. An ninh Anh hù doạ Lialin và dụ anh ta cộng tác. Lialin không chịu, sau đó nói là để suy nghĩ. Đến sáng hôm sau, lãnh sự đến gặp và đón Lialin về sứ quán. Cũng không may là trưởng bộ phận an ninh - người mà Lialin rất kính trọng - lúc đó đi công tác vắng. Phó bộ phận, một đồng nghiệp trẻ vốn có thành kiến với Lialin bắt đầu nói chuyện với Lialin đại ý: anh đã nhiều khuyết điểm như thế, lại xảy ra như thế. . . thì chỉ có cách xách vali về nước. Lialin bèn quyết định chạy sang phía địch.
Kinh nghiệm trong công tác an ninh cho thấy rằng khi một người rơi vào trường hợp không may, bị dính, nếu đẩy người ta ra xa quá, có thể mất luôn cán bộ.
Trong vụ này Kriuchkov không có lỗi gì cả, nhưng ông nhớ mãi bài học đó.
Năm 1974, Andropov đề nghị Kriuchkov làm Phó Chủ tịch KGB kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, và được Brejnev đồng ý. Đồng nghiệp kể rằng Kriuchkov là một người thông minh, uyên bác, và cực kỳ chăm chỉ. Khi cần đi phát biểu ở đâu đó, lẽ dĩ nhiên người ta chuẩn bị bài vở cho ông - cơ quan có những bộ phận xử lý thông tin rất mạnh. Ông xem, có vẻ không có ý kiến gì lớn, cũng không bắt viết đi viết lại, sửa đi sửa lại như thường thấy. Nhưng đến khi nghe ông phát biểu thì thấy khác, nghe hay hơn. Có nghĩa là ông đã tự viết lại.
Tự bản thân ông nghiên cứu, thu thập tư liệu. Ông lập hồ sơ và các hộp "phích" riêng về các vấn đề, y như trong thư viện. Khi phát biểu hoặc bàn luận, ông có thể sử dụng tư liệu một cách thành thục như một nhà nghiên cứu.
Kriuchkov thuộc loại người lúc nào cũng chăm chăm chú chú vào công việc. Ra nhà nghỉ ngoại ô của ủy ban, người thì đánh bài, người thì chơi đôminô, bi-a, tuỳ thích, còn ông đi dạo một chút rồi lại lên phòng làm việc.
Ông tự hào về công tác tình báo, cũng như Andropov rất quý và coi trọng tình báo. Nhân tiện phải nói rằng ông là một trong số rất ít người dám có ý kiến riêng, cãi lại cả Andropov, mặc dù yêu kính vô hạn người thầy của mình. Ông đã từng dám nói thẳng với Andropov việc này việc nọ giải quyết như thế là không đúng. Andropov đã giận, không nói chuyện với ông cả một thời gian.
Nhưng sau chính Andropov lại phải làm lành: "Volodia, cậu đến đây ta bàn việc này một chút".
Sáng sáng, ông dậy tập thể dục ngoài trời một tiếng đồng hồ, và thường đi nghỉ phép vào mùa đông, vì ông yêu thích nhất là trượt tuyết và tắm hơi, mặc dù là sauna Phần Lan chứ không phải là tắm hơi kiểu Nga.
Khi xảy ra cuộc đảo chính tháng 8/1991, người ta khám nhà ông và tìm mãi quyển sổ địa chỉ và điện thoại của ông, không thấy. Lúc đó bà vợ ông mới bảo là ông không có quyển sổ đó, vì tất cả tên họ và số điện thoại cần thiết ông nhớ trong đầu cả, không cần phải dùng đến sổ.
*
Một ngày cuối tháng ba năm 1978, đại diện Liên Xô tại Liên hợp quốc, Oleg Troyanovski mời A.N.Shevchenko - Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc người Liên Xô - đến gặp để truyền đạt chỉ thị của Matxcơva yêu cầu Shevchenko về nước gấp có việc.
Shevchenko hoảng hốt, khi trở về trụ sở của mình ở Liên hợp quốc đã gọi điện cho CIA, rồi đi bộ xuống nhà theo cầu thang máy, sang đường: ở đó đã có xe ô tô của CIA chờ sẵn.
Đại sứ Liên Xô tại Mỹ Dobrynin và Đại diện Liên Xô tại Liên hợp quốc Troyanovski yêu cầu Mỹ cho gặp Shevchenko để xem có đúng là Shevchenko muốn ở lại không, hay ông ta bị bắt cóc. Cuộc gặp đã được thu xếp.
Hai đại sứ đã cố gắng thuyết phục Shevchenko thay đổi ý định, nhưng không có kết quả.
A.N.Shevchenko là một trong những quan chức cấp cao nhất của Liên Xô đào ngũ. Ông ta làm việc đó không phải vì chính trị. Quan điểm tư tưởng của ông không phải như thế. Đúng hơn là ông ta thích lối sống phương Tây, những ưu đãi, tiện nghi và danh giá mà chức vụ Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc đem lại cho ông ta. Ngoài ra, cũng có yếu tố gia đình, khi người đàn ông đã ngoài bốn mươi tuổi thường phải trải qua khủng hoảng trong đời sống vợ chồng. Người Mỹ đã tìm cho ông ta một phụ nữ điêu luyện. Shevchenko thích ứng được với xã hội, nhưng cuộc sống của ông ở Mỹ sau này không thể gọi là hạnh phúc được.
Năm 1979, một thiếu tá tình báo Liên Xô khác là S. A.Levchenko - phóng viên thường trú tuần báo "Thời mới" (tờ tuần báo chính trị - xã hội của Liên Xô) ở Nhật cũng xin cư trú chính trị ở Mỹ, vì biết là không thể cư trú chính trị ở Nhật được. Anh ta đã khai ra rằng Liên Xô có tới hai trăm điệp viên và cơ sở chân rết ở Nhật. Anh ta đã nêu tên một số chính khách và nhà báo cỡ lớn của Nhật làm việc cho Liên Xô. Những người này, trên cương vị của mình dẫn dắt công việc thuận lợi cho Liên Xô. Thực chất họ thuộc loại mà Chủ tịch KGB Kriuchkov gọi là "các điệp viên gây ảnh hưởng". Ngoài ra, Levchenko cũng cho biết rằng tình báo Nga đã vận động một nghị sĩ Nhật thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị với Xô viết tối cao Liên Xô và chi tiền cho hoạt động của nhóm này, và rằng KGB cũng tài trợ cho Đảng Xã hội Nhật bằng cách tính hoa hồng từ các hợp đồng có lợi mà các công ty bạn bè của Nhật ký với Liên Xô.
Sau vụ Levchenko chạy, Kriuchkov đã buộc phải thay toàn bộ mạng lưới điệp báo viên ở Tokyo và tổ Nhật của KGB. Nhiều cán bộ làm về Nhật đã bị mất việc, phải chuyển sang công tác khác ít thú vị hơn hoặc không được dùng đến tiếng Nhật, không được đi Nhật nữa. Họ căm thù Levchenko. Có người nói nếu gặp Levchenko sẽ tự tay giết chết hắn ta.
Những năm 1950, sau khi một sĩ quan an ninh chạy sang phương Tây, KGB có lệnh ám sát anh ta. Nhưng tìm kiếm và giết một người ở nước ngoài không phải đơn giản. Sau này, KGB không ban hành những lệnh như thế nữa.
Còn Kriuchkov thậm chí xử khoan hồng đối với những cán bộ hối cải và quay trở lại (như trường hợp V. Yurchenko). Ông thà tỏ ra độ lượng với những cán bộ coi như bị bắt cóc hoặc bị dụ dỗ, mua chuộc còn hơn là mang tiếng đào tạo ra những cán bộ phản bội tổ quốc.
THỜI KỲ HOÀNG KIM CỦA NGÀNH TÌNH BÁO
Thời gian Kriuchkov lãnh đạo Tổng cục 1, công tác tình báo, cũng như toàn bộ công tác an ninh dưới thời Andropov, có thể nói, ở vào giai đoạn phát triển rực rỡ nhất. KGB đã triển khai được một mạng lưới điệp báo viên đông đảo và rộng rãi chưa từng có trên toàn thế giới, cùng với ngân sách lớn, kỹ thuật hiện đại và đương nhiên là địa vị cao. Cán bộ và chiến sĩ tình báo luôn cảm thấy được cánh tay nâng đỡ và dìu dắt của Andropov.
Andropov có một phòng làm việc riêng ở tại trụ sở của Tổng cục I ở Yasenevo (Matxcơva) - thỉnh thoảng ông đến đây, gặp gỡ không chỉ với Kriuchkov mà với cả các tướng lĩnh khác. Andropov thậm chí còn sinh hoạt chi bộ ở đây.
Sau này, người ta cũng phê phán Kriuchkov là ham làm ăn lớn và triển khai theo chiều rộng. Nhưng quả thực tình báo Liên Xô cắm rễ được ở tất cả các khu vực, như một cái máy hút bụi khổng lồ thu hút thông tin an ninh trên toàn thế giới và tuyển mộ điệp viên, cộng tác viên kể cả ở Zimbabue và Malaisia, mà mục tiêu tuyển mộ trước hết là người Mỹ hoặc người làm cho Mỹ. Tình báo và phản gián Liên Xô quả thực có tầm vóc của một siêu cường.
Kriuchkov viết trong hồi ký, rằng những thông tin thu được cho thấy NATO có kế hoạch tấn công Liên Xô. Quả thực, vấn đề số một mà lãnh đạo Liên Xô trong những năm ấy quan tâm là vấn đề chiến tranh và hoà bình. Và tình báo phải tập trung vào nhiệm vụ đó.
Bản thân Kriuchkov không ngớt tự hào về công tác của ngành tình báo, và không phải vô cớ. Tháng tám năm 1974, diễn ra cuộc đảo chính quân sự ở đảo Síp kết thúc bằng việc chia cắt lãnh thổ Síp và quân Thổ Nhĩ Kỳ đổ bộ chiếm phía Bắc. Dinh tổng thống bị ném bom, và quân đảo chính đưa tin Tổng thống Macarios đã bị giết.
Nhưng KGB theo chỉ thị của Kriuchkov nhân danh Tổng thống đưa tin qua đài phát thanh rằng Makarios vẫn còn sống và kêu gọi đấu tranh. Cuộc đảo chính sau đó thất bại và điều ngạc nhiên đối với cả KGB là Tổng thống Macarios vẫn còn sống thật. Kriuchkov gọi đó là công tác "A" (active measures) - công tác tuyên truyền chặn trước của KGB.
Năm 1978, đích thân Kriuchkov lãnh đạo chiến dịch Afganisstan của KGB, đã báo cáo với lãnh đạo Liên Xô rằng Mỹ đang tìm cách thâm nhập vào Afganistan để biến Afganistan thành tiền đồn chống Liên Xô ở phía Nam, rằng H.Amin là gián điệp, tay sai của Mỹ.
BỘ MẶT "CHỐNG CẢI TỔ" VÀ
CUỘC ĐẢO CHÍNH THÁNG TÁM NĂM 1991
Sau khi cho Chebrikov thôi chức Chủ tịch KGB tháng 9/1988. Gorbachov đưa Kriuchkov lên thay.
Tại sao Gorbachov lại chọn Kriuchkov, mà không phải là F.D.Bobkov - một Phó Chủ tịch kỳ cựu của KGB, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục 5, chẳng hạn?
Đó là vì Gorbachov cho rằng Kriuchkov, con người có đầu óc sáng tạo, năng động nhất trong các cán bộ lãnh đạo nội vụ và có hiểu biết thế giới sẽ ít chống đối nhất với cải tổ. Vả lại Gorbachov biết Kriuchkov từng là trợ thủ trung thành và đắc lực như thế nào của Andropov. Ông cũng muốn có một trợ thủ như thế.
L.V.Shebarshin - người thay Kriuchkov lãnh đạo Tổng cục tình báo Xô viết bình luận: "Có thể rằng Gorbachov cảm thấy Kriuchkov là con người mềm dẻo, năng động và dễ làm việc... Nhưng theo tôi Tổng Bí thư đã nhầm to, không biết rằng đằng sau cung cách nhẹ nhàng, bề ngoài mềm dẻo và chấp hành của Kriuchkov là cả một ý chí sắt đá và sự cương nghị, khả năng đi vòng, đi lâu nhưng bao giờ cuối cùng cũng đi tới đích".
Cũng trong năm đó (1988), Kriuchkov được phong làm Đại tướng Quân đội, một năm sau, trở thành ủy viên Bộ Chính trị, nhưng ở đó không lâu vì sau đó Gorbachov thay đổi cơ cấu - nghĩ ra Hội đồng cố vấn của Tổng thống (năm 1990) rồi Hội đồng an ninh (năm 1991) mà Kriuchkov vẫn luôn luôn là một thành viên.
Là Chủ tịch KGB, Kriuchkov bước vào một thời kỳ khó khăn. Khuôn mặt nghiêm khắc, luôn luôn không hài lòng của ông mỗi lần xuất hiện trên vô tuyến đã trở thành biểu tượng của các lực lượng "chống cải tổ" như ngày ấy thường hay nói. Tiến trình cải tổ, lô-gích phát triển của các sự kiện không chỉ trái ngược hẳn lại với nhãn quan chính trị của ông, mà còn dẫn tới sự sụp đổ trông thấy được của đế chế an ninh.
Quyền lực của ủy ban bị suy yếu từng ngày.
Kriuchkov có sức được đến đâu thì cố gắng chèo chống đến đấy để duy trì quyền lực của ủy ban và thích nghi với thời thế mới. Ông cho soạn thảo đạo luật về cơ quan an ninh để Xô viết tối cao thông qua, tiến hành một số biện pháp để dư luận thấy rằng cải tổ và công khai hoá lan sang cả KGB, như tăng cường họp báo, mở hồ sơ lưu trữ về một số vụ việc.
Trong cơ quan, kể cả ở Tổng cục 1 và Tổng cục 5, người ta bắt đầu công khai thảo luận về việc cải tổ công tác và cải tổ cơ quan. Yêu cầu cải tổ đó được Trung ương Đảng phê duyệt. Tổng cục 5 được đổi thành Tổng cục bảo vệ chế độ hợp hiến, trong đó có bỏ đi một số Vụ phụ trách đấu tranh với các lực lượng xã hội, thí dụ như Vụ đấu tranh chống chủ nghĩa xi-ô-nít. Nhưng những thay đổi đó mang tính chất không cơ bản, nói chung Tổng cục vẫn giữ tính chất cũ.
Về thành phần và thái độ của đội ngũ cán bộ KGB trong những năm cải tổ, thì khoảng 10% là các nhà chuyên môn, tiếp tục công việc của mình trong mọi trường hợp, không phụ thuộc vào sự thay đổi hoặc ý muốn của lãnh đạo. Khoảng 15% là cán bộ Đảng và cán bộ cốt cán. Số đông còn lại tuỳ theo gió đổi chiều mà liên kết với phái này hoặc phái kia. Chính sự chia rẽ, không đồng nhất này là một trong những nguyên nhân không thành công của cuộc đảo chính tháng 8/1991. Tuy nhiên bầu không khí chung trong KGB là không tán thành hoàn toàn với cải tổ của Gorbachov. Trong một buổi sinh hoạt chính trị của cơ quan, khi các đại biểu Quốc hội V.Alksnis và E.Kogan (những người chống lại Mặt trận nhân dân đòi độc lập ở các nước cộng hoà Ban-tích) được mời đến cơ quan nói chuyện, toàn hội trường đã đứng dậy chào, và khi Alksnis lên tiếng phê phán đường lối của Gorbachov, cả hội trường đã vỗ tay rất lâu.
Tại một cuộc họp kín của Xô viết tối cao Liên Xô, Kriuchkov đã có một bài phát biểu dài không công bố mà tinh thần là phản đối những cải cách của Gorbachov. Kriuchkov nói rằng đang diễn ra một đường lối trên toàn tuyến nhằm thay đổi chế độ chính trị - xã hội của đất nước. Trong một số vùng của đất nước, bạo lực và khủng bố đã diễn ra. Các phương tiện thông tin đại chúng nằm trong tay các thế lực chống chế độ Xô viết. Cái gì cũng phải có giới hạn của nó. Đã đến lúc phải sử dụng quyền lực. Mà quyền lực nằm trong tay Tổng thống. Bây giờ là lúc không thể không áp dụng những hành động mang tính khẩn cấp, bất thường.
Vấn đề thiết lập tình trạng khẩn cấp đã được bàn trong suốt một năm trước khi diễn ra đảo chính. Suốt một năm, người ta yêu cầu Gorbachov ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhưng ông ta chần chứ, không đồng ý. Trong thâm tâm, ông hiểu rằng việc thiết lập tình trạng khẩn cấp sẽ quyết định số phận cuộc cải tổ của ông.
Gorbachov càng do dự, yếu đuối, thì Kriuchkov lại càng thêm quyết tâm hành động. Bộ Chính trị càng bị mất vai trò dưới thời Gorbachov, thì vai trò của Kriuchkov càng tăng. Bây giờ, trên ông không còn ai ngoài Gorbachov. Trước Kriuchkov, các Chủ tịch KGB đều hiểu rằng số phận và sự an toàn của lãnh đạo đất nước kể cả người thứ nhất nằm trong tay họ. Họ là người cung cấp thông tin, họ cũng là người đề ra các phương án hành động. Nhưng nếu trước kia, cả đến Andropov cũng còn phải xem ý Suslov và Kirilenko và phải thoả thuận với Bộ Chính trị, thì nay Kriuchkov chỉ còn vướng có Gorbachov. Mà Gorbachov thì yếu đuối như thế. Hơn nữa, trong tay Kriuchkov vẫn còn một bộ máy hùng hậu nửa triệu cán bộ và chiến sĩ.
Ngày 31/7/1991, Tổng thống Nga Yeltsin và Tổng thống Kazakhstan Nazarbaev gặp Tổng thống Liên Xô Gorbachov trước khi Gorbachov đi nghỉ ở Foros, và ba người đã thống nhất gạt Kriuchkov và Bộ trưởng Quốc phòng Yazov.
Ngày 17/8, tại một cơ sở bí mật của KGB, Kriuchkov gặp Bộ trưởng Quốc phòng Yazov và Bí thư Trung ương Đảng O.Shenin, thống nhất rằng cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp, phải buộc Gorbachov ký lệnh ban bố. Nếu Gorbachov không ký, thì buộc ông ta từ bỏ quyền hành.
Gorbachov không đồng ý. Họ bèn cách ly ông ta tại Foros, rút đội trưởng đội cảnh vệ, Thiếu tướng KGB V.Medvedev về Matxcơva. Ngay tối hôm đó ở Matxcơva, ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp ra "Tuyên bố của ban lãnh đạo Liên Xô", nói rằng vì tình trạng sức khoẻ, Gorbachov không thể thực thi quyền hạn của mình và chuyển giao quyền hành cho Phó Tổng thống G.I.Yanaev.
Ủy ban tình trạng khẩn cấp, như mọi người biết, đã bị thất bại. Nguyên nhân chính là sự bất tài về mặt tổ chức. Không hề có một kế hoạch chi tiết về âm mưu đảo chính, mà chỉ có những ý định và tính toán kéo Gorbachov vào cuộc. Ủy ban tình trạng khẩn cấp xét cả về bản chất cả về thành phần những người tham dự không thể đóng nổi vai trò một Pinochet.
Tướng Vorotnikov - nguyên Cục trưởng Cục bảo vệ chế độ hợp hiến (tức Tổng cục 5) KGB bình luận:
- Vladimir Alexandrovich (tức Kriuchkov - cách gọi kính trọng và thân mến) là con người của thời đại trước. Những người được ông giao bảo đảm về mặt tác chiến và an ninh cho ủy ban tình trạng khẩn cấp không hiểu một cách thực rõ ràng tình hình và nhiệm vụ và đã đề ra những biện pháp không phù hợp với tình hình. Tôi đã từng hoạt động trong điều kiện tình trạng khẩn cấp ở Erevan (Armenia) và biết đó là thế nào rồi, nhưng đấy mới chỉ là một thành phố. Chỉ có một người không có khái niệm thế nào là thiết quân luật hoặc tình trạng khẩn cấp mới có thể ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước.
Ý kiến của nguyên ủy viên Bộ Chính trị E. K. Ligachov :
- Tôi kính trọng Vladimir Alexandrovich về trí tuệ sắc sảo (đặc biệt là đầu óc phân tích) và ý thức chính trị. Nhưng ông thiếu sự kiên quyết.
- Có nghĩa là, theo đánh giá của ông thì ông ta quá mềm?
- Kể cũng lạ, nhưng đúng là như vậy. Kriuchkov không phải là người mềm lắm đâu, nhưng thiếu tính kiên quyết và độc lập trong hành động, có lẽ do một thời gian dài ông đứng sau Andropov, giúp Andropov.
Kriuchkov là một tài năng mật vụ. Trong công tác an ninh, ông như cá trong nước. Trong phân tích, đánh giá, dự báo tình hình và hoàn thành những nhiệm vụ đặc biệt thì ông là người tuyệt hảo từ tổ chức mạng lưới tình báo, tuyển mộ điệp viên, giết địch thủ, bảo đảm cho việc rút quân Liên Xô khỏi Afganistan, đến ổn định tình hình ở Kavkaz, ông đều hoàn thành xuất sắc. Đến một ngày, Kriuchkov đã chán vai trò làm người thừa hành cho một ông chủ yếu đuối. Trí nhớ tuyệt vời và sự hiểu biết thông tin đầy đủ chỉ càng làm bùng cháy tham vọng của ông. Ngày lại ngày, ông báo cáo tình hình và những điều bí mật mà ông nắm được cho Gorbachov, và càng ngày càng dầy thêm lòng khinh bỉ đối với ông chủ cái gì đưa cho cũng nuốt nhưng rồi cứ ngồi đấy như ông bụt chẳng chịu làm gì.
Cuộc đảo chính tháng 8/1991, trong đó Kriuchkov thử sức mình để xoay chuyển tình thế đã thất bại. Trên đường từ Foros về Matxcơva, Kriuchkov đã bị bắt. Khi chánh công tố Liên bang Nga Stepankov ở sân bay tuyên bố điều đó, Kriuchkov nói: "Giờ thì ủy ban (tức KGB) cũng tan rã nốt".
Cuộc đảo chính đã làm thay đổi tâm lý xã hội. Những người trước đây còn do dự thì nay đứng hẳn về phía chính quyền mới của B.Yeltsin để mong có một cuộc sống bình yên, không có đảo chính và xáo trộn. Các nước cộng hoà thì chạy khỏi Liên Xô, sợ rằng cuộc đảo chính như vậy không phải là cuối cùng.
Tháng 1/1993, Toà quân sự của Toà án tối cao thay đổi hình thức xử lý đối với các thành viên của Ủy ban tình trạng khẩn cấp: thả tất cả họ về nhà. Tháng 5/1993, Viện công tố đề nghị giam giữ trở lại Kriuchkov, Lukianov và Yanaev vì họ "lại bắt đầu hoạt động chính trị làm mất ổn định xã hội". Bằng cớ là cuộc tuần hành quần chúng ngày 1 tháng Năm ở Matxcơva mà họ tham gia đã kết thúc bằng một cuộc ẩu đả tại Quảng trường Đỏ. Nhưng tất cả họ vẫn tại ngoại.
Phiên toà xử vụ này năm 1993 cũng không dẫn đến kết quả gì. Chủ toạ phiên toà A.Ukolov cho rằng Chánh công tố V. Stepankov đã vi phạm luật và đề nghị Xô viết tối cao chỉ định các công tố độc lập. Nhưng Xô viết tối cao từ chối. Kriuchkov bị buộc tội "phản bội tổ quốc" (Điều 64) và "lạm dụng chức quyền" (Điều 260 Bộ luật Hình sự Nga).
Nhưng Kriuchkov tự bào chữa rằng tháng 8/1991, ông thi hành phận sự của mình với tư cách người lãnh đạo KGB Liên Xô trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh Tổ quốc; hơn nữa KGB đã nhận được những thông tin chính xác về một kế hoạch đang được chuẩn bị với sự hỗ trợ của nước ngoài nhằm làm tan rã Liên Xô.
Tháng 2/1994, Duma quốc gia (Hạ viện Nga) mới thông qua luật ân xá cho Kriuchkov và tất cả những người tham gia Ủy ban tình trạng khẩn cấp năm 1991.
Trên danh nghĩa, đồng ý nhận ân xá tức là công nhận tội lỗi. Song trên thực tế, Kriuchkov chưa bao giờ nhận mình có tội. Trái lại, thời gian càng trôi qua, ông càng tự coi mình là anh hùng.
Thời gian đầu sau khi được tự do, Kriuchkov tập trung đấu tranh với nguyên ủy viên Bộ Chính trị, viện sĩ A.N.Yakovlev, vạch trần ông ta là từ lâu đã làm gián điệp cho Mỹ. Kriuchkov còn nói thêm: "Tôi chưa một lần nào nghe thấy từ miệng Yakovlev một lời nào yêu mến tổ quốc, chưa bao giờ thấy ông ta tự hào về điều gì của nhân dân mình, dù là chiến thắng vĩ đại chống phát xít. Đối với Kriuchkov, A.Yakovlev là hiện thân của cái ác.
Kriuchkov có xuất bản một cuốn hồi ký 2 tập nhan đề "Hồ sơ cá nhân" khô và cứng như bản thân tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét