Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

BÍ ẨN LỊCH SỬ 67/14

(ĐC sưu tầm trên NET)
Các Chủ Tịch KGB Những Hồ Sơ Lộ Sáng
Tình báo là một mặt trận thầm lặng nhiều khi không có tiếng súng nhưng vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi người chiến sĩ tình báo phải gan dạ, mưu trí, dũng cảm. Trong thời gian tồn tại của mình, cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) đã có những đóng góp đáng kể vào sự vững mạnh của đất nước cũng như thế cân bằng chiến lược Đông Tây. Cuốn Các chủ tịch KGB - Những hồ sơ lộ sáng của nhà sử học lừng danh người Nga Leonid Mlechin viết về những nhà lãnh đạo của KGB trong suốt thời gian cơ quan này hoạt động. Với những phân tích, đánh giá sâu sắc, tinh tế của mình, Leonid Mlechin sẽ đem đến cho bạn đọc cái nhìn đúng đắn, thoả đáng về vai trò, vị trí của các vị thủ lĩnh và cơ quan KGB trong lịch sử tồn tại của Liên bang Xô Viết. Đó là những người mà số phận gắn liền với cả vinh quang chói lọi và những thất bại cay đắng.
------------------------------------------------------------------

LỜI GIỚI THIỆU

LỜI GIỚI THIỆU
Cuốn sách các bạn cầm trên tay của tác giả Nga Leonid Mlechin là một cuốn sách đặc biệt vì nó kể về những người lãnh đạo một công tác mà ở Liên Xô trước đây và Nga hiện nay gọi là "công tác đặc biệt"; và bản thân những người đó cũng có những số phận đặc biệt. Đó là các Chủ tịch KGB.
Cơ quan an ninh Liên Xô được thành lập từ những ngày đầu cách mạng tháng Mười với nhiệm vụ trấn áp các lực lượng phản cách mạng trong nước để bảo vệ chính quyền với tên gọi là Ủy ban đặc biệt, về sau đã trở thành một cơ quan kiểm soát toàn diện xã hội và một cơ quan tình báo quốc tế bậc nhất. Với tên gọi là KGB từ năm 1954, cơ quan quyền lực hùng mạnh này đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với số đông người và niềm kính nể đối với đồng nghiệp an ninh quốc tế.
KGB là một hiện tượng lịch sử trong thế kỷ 20, nó được xây dựng bằng công sức, trí tuệ và cả xương máu của nhiều thế hệ người Xô viết. Suốt 74 năm tồn tại Liên Xô (1917 - 1991); KGB sống song hành cùng Liên Xô.
Những chặng đường các Chủ tịch KGB đã đi là những chặng đường của lịch sử Liên Xô vinh quang và cay đắng. Và số phận cá nhân vừa oanh liệt vừa bi thảm của họ cũng không nằm ngoài lịch sử đó. Đây là lần đầu tiên, một cuốn sách kể về cuộc đời và sự nghiệp của tất cả các Chủ tịch KGB (mười bảy vị) từ thời Lênin cho đến khi Liên Xô tan rã.
Đọc cuốn sách này, người ta hiểu biết thêm nhiều về lịch sử chính trị và an ninh Liên Xô. Trong sách có đề cập đến những lãnh tụ và nhân vật lịch sử như Lênin, Stalin, Trotski và một số nhân vật còn có những đánh giá khác nhau như Beria, Tukhachevski và một số vụ việc còn nhiều bí ẩn như vụ ám sát Kirov, "Vụ án các bác sĩ", vụ "Đảng bộ Lêningrad "v.. v... Một số sự kiện lịch sử như việc Stalin bắt tay với Hitle để trì hoãn chiến tranh, sự biến ở Hung-ga-ri năm 1956 v.v... được đề cập và phân tích khá sâu trong mối quan hệ chính trị - ý thức hệ - an ninh.
Sách cũng cung cấp thêm tư liệu và lý giải về những diễn biến nhân sự ở hậu trường trong những bước ngoặt lớn chuyển giao lãnh đạo của Liên Xô. Hầu hết các nhà hoạt động nhà nước nổi tiếng của Liên Xô được nhắc đến trong sách này.
Đây không phải là cuốn sách về một ngành công tác. Đây là câu chuyện kể về những bước ngoặt lịch sử của đất nước Liên Xô, mà trên mỗi bước ngoặt đó đều có vai trò của KGB.
Do đó nó không chỉ bổ ích về nghiệp vụ mà còn có giá trị nghiên cứu, tham khảo rất quý đối với đông đảo bạn đọc.
L.Mlechin trong mấy năm gần đây là một tác giả ăn khách ở Nga, vì sách của ông thường viết về đề tài an ninh, trên cơ sở khai thác kho tư liệu lưu trữ phong phú của Liên Xô và KGB. Tuy nhiên, nằm trong trào lưu tư tưởng dân chủ cấp tiến của xã hội Nga hiện nay, tác giả có xu hướng phân tích một cách phê phán đối với lịch sử nước nhà, đối với Stalin.
Đó là điều phổ biến và khó tránh được hiện nay. Nhiều điều đã được biết hoặc trở thành bình thường đối với xã hội Nga có thể không được chấp nhận hoặc chia sẻ đối với chúng ta. Mặc dù vậy, giới thiệu cuốn sách này với độc giả kính mến, chúng tôi tin rằng cuốn sách có giá trị tái hiện lịch sử sinh động, lại được viết bằng giọng văn chính luận hấp dẫn, chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều điều bổ ích và phát hiện lý thú.
Dịch giả HÙNG SƠN

                                    THỜI BREJNEV

 CHƯƠNG 14: YURI VLADIMIROVICH ANDROPOV
RIAN archive 101740 Yury Andropov, Chairman of KGB.jpg 
                                                     Chủ tịch KGB 5/1967 - 5/1982)

Yu.V. Andropov sinh ngày 15/6/1914 tại Nagutskaia, tỉnh Stavropol. Cha ông là điện báo viên đường sắt, mất sớm khi ông mới lên năm. Mẹ ông là Evginia Fainstein gốc Do Thái, một giáo viên âm nhạc, cũng qua đời sớm năm 1927, lúc ông mới 13 tuổi. Cho nên Iuri Andropov đã sớm phải tự lập và vươn lên trong cuộc sống.
Andropov tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật giao thông đường sông ở Rưbinsk (thành phố miền Bắc nước Nga).
Sau này, khi đã là Trưởng ban đối ngoại Trung ương Đảng, Andropov học trường Đảng cao cấp - đấy là hình thức để bổ khuyết việc thiếu bằng đại học đối với cán bộ cấp cao. Khi đã là Chủ tịch KGB, ông bắt đầu học tiếng Anh. Ngoài ra, công tác ở nước ngoài, tiếp xúc nhiều với giới trí thức, văn nghệ sĩ và tài liệu, sách vở cũng là nguồn bổ sung cho việc chưa được học đại học chính quy thời trẻ của ông. Nói chung, tiếp xúc và làm việc với ông, người ta thấy ông là một người có tri thức cao.
Sau khi ra trường, Andropov làm điện báo viên và thợ máy trên chiếc tàu mang tên Volodarski chạy dọc sông Volga. Giai đoạn sông nước này sẽ để lại mãi trong Iuri Andropov hình ảnh người cầm lái đưa cả chiếc tàu cùng đoàn thủy thủ vượt qua sóng gió đi tới bến bờ.
Từ 22 tuổi, Andropov làm công tác Đoàn, sau đó làm công tác Đảng và KGB. Đường đi của ông giống với Shelepin. Ưu điểm của con đường đó là: nắm được nhiều thông tin, toàn những thông tin chắt lọc và chất lượng cao, hiểu bộ máy cơ chế và biết vận hành các đòn bẩy quyền lực. Nhưng mặt hạn chế của con đường công danh đó là ít kinh nghiệm lãnh đạo thực tế, địa phương và con người với muôn mặt đa dạng đời thường. Hàng trăm trang tài liệu mật đặt lên bàn làm việc thường ngày như cung cấp cho các thủ trưởng một bức tranh đầy đủ nhất, thật ra là không đầy đủ vì là sản phẩm của bộ máy.
Công tác Đoàn là trường đào tạo tốt đối với các cán bộ trẻ, có thể đưa người ta lên rất nhanh, miễn là sống sót được. Andropov đã sống sót được qua những năm thanh trừng 1936 - 1937, và trở thành Bí thư Tỉnh đoàn Iarosslav và năm 1940 được cử về Petrozavodsk (phía bắc nước Nga, giáp Phần Lan - ND) làm Bí thư thứ nhất Đoàn thanh niên nước Cộng hoà Karelia - Phần Lan.
Trong những năm 1929 - 1930, đây là nước Cộng hoà tự trị Karelia. Nhưng khi bắt đầu chiến tranh với Phần Lan, Stalin có những ý đồ sâu xa nên đã đặt tên là nước Cộng hoà Karelia - Phần Lan. Trong trường hợp Liên Xô thắng, thì chắc chắn lãnh thổ "nước Cộng hoà Karelia - Phần Lan" đã được mở rộng thêm rất nhiều.
Bí thư Trung ương Đảng nước Cộng hòa là Otto Kuusinen - một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Phần Lan nguyên cán bộ của Quốc tế Cộng sản. Ông sẽ là người đỡ đầu của Andropov.
Năm 193S, Andropov lấy vợ - vợ ông là Nina Engaluycheva học cùng trường giao thông đường sông, và sinh hai con - một trai, một gái. Sau đứa con thứ hai, hai người bỏ nhau. Ở Petrozavodsk, Andropov lất vợ lần thứ hai và cũng sinh được một trai, một gái.
Năm 1944, 30 tuổi, Andropov trở thành Bí thư Thành ủy Petrozavodsk, sau chiến tranh là Bí thư thứ hai Đảng Cộng sản nước Cộng hòa Karelia.
Năm 1952, Kuusinen được bầu vào Đoàn Chủ tịch Trung ương Đảng, liền đưa Andropov lên Matxcơva.
Năm 1953, Andropov làm Vụ trưởng Vụ châu Âu 4 - Bộ ngoại giao. Sau khi Stalin mất, Liên Xô chủ trương cử các cán bộ Đảng có kinh nghiệm tăng cường cho Bộ Ngoại giao để đi làm Đại sứ ở các nước xã hội chủ nghĩa.
Năm 1954 Andropov được cử đi làm Đại sứ ở Hungari.
BÀI HỌC HUNG-GA-RI
Ba năm làm Đại sứ đã rất có ích cho Andropov, trước hết là về mặt mở rộng tầm mắt và tiếp nhận cái mới - 40 tuổi chưa phải là nhiều.
Andropov đến Hungari khi mà tình hình kinh tế nước này xấu đi do chính sách đẩy mạnh công nghiệp hoá và tập thể hoá nông thôn. Người dân Hungari không thấy có chuyển biến gì như ở Liên Xô sau Đại hội 20, muốn nhìn thấy sự đổi mới lãnh đạo, đặc biệt là thay thế Matiash Rakoshi già cỗi và phục hồi cho những người đã bị thanh trừng thời gian trước. Đại sứ Andropov chăm chú theo dõi sự trở lại chính trường của Yanosh Kadar - người đã từng bị bắt vì quan điểm chính trị, và coi việc ông ta được trở lại Bộ Chính trị là một sự nhượng bộ về lập trường.
Sứ quán cũng rất chú ý theo dõi và lo lắng trước sự phục hồi của Imre Nagy - một người có tư tưởng cải cách, và không thể phủ nhận được sự thật ông ta là chính khách được lòng dân nhất. Là Thủ tướng Hungari sau 1945, Imre Nagy bị kết tội "hữu khuynh" và bị khai trừ Đảng. Các nhà lãnh đạo Hungari, đặc biệt là thuộc phái "thủ cựu " liên tục thông tin cho Andropov biết nội dung các cuộc họp Trung ương và cả các câu chuyện riêng giữa các ủy viên Bộ Chính trị Hungari. Và Andropov thường xuyên báo cáo về Matxcơva tình hình nội bộ ban lãnh đạo Hungari kèm theo đánh giá nguyên nhân tình hình là sự thiếu kiên quyết của lãnh đạo Hungari.
Tháng 10/1956 Imre Nagy được phục hồi Đảng tịch.
Trước đó ít lâu, ở Ba Lan, Gomulka, người mà năm 1949 cũng bị khai trừ Đảng vì quan điểm dân tộc hữu khuynh, cũng được phục hồi Đảng tịch và được bầu làm Bí thư thứ nhất Đảng công nhân thống nhất bất chấp ý kiến của Matxcơva. Nguyên soái Liên Xô Rokossovki - người mà năm 1949 được Stalin cử sang Ba Lan và trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan bị ra khỏi Bộ Chính trị Ba Lan, mất chức Bộ trưởng Quốc phòng, và trở về Nga với lời than vãn chua chát: "Khi ở Nga tôi luôn là người Ba Lan, còn về Ba Lan tôi lại bị xem là người Nga".
Ở Budapest, những người tuần hành giật đổ bức tượng Stalin. Cuộc tuần hành sinh viên ngày 23/10 ban đầu bị cấm, sau được phép, đã biến thành một cuộc biểu dương lực lượng chống chính quyền. Andropov đề nghị chỉ huy Quân đoàn Liên Xô đóng ở Hungari đưa quân vào thủ đô Budapest, nhưng Tư lệnh Quân đoàn trả lời là việc này phải có lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng.
Andropov bèn liên lạc với Matxcơva. Tổng tham mưu trưởng quân đội là V.D.Sokolovsski gọi điện cho chỉ huy quân đoàn ở Hungari và ra lệnh đưa quân vào.
Tưởng rằng Liên Xô đưa quân vào là xong mọi chuyện, như ở Đức năm 1953. Nhưng người Hungari đánh trả bằng cách bắn vào lính Liên Xô, ném chai có chất cháy vào xe tăng Liên Xô. Quân đội Hungari thì không giúp quân đội Liên Xô.
Imre Nagy lên làm Thủ tướng và yêu cầu quân Liên Xô rút ra khỏi thủ đô. Ý kiến ở Matxcơva cũng không phải là đồng nhất. Nhưng Khruschov quyết định thu quân về, vì hiểu rằng quan hệ giữa Liên Xô với các nước xã hội chủ nghĩa đã bước vào một giai đoạn khủng hoảng.
Nhưng quân và xe tăng Liên Xô vừa rút khỏi Budapest thì lại xảy ra đổ máu: quần chúng biểu tình trừng trị các cán bộ Thành ủy và An ninh quốc gia, treo ngược họ lên cành cây.
Matxcơva quyết định lại đưa quân vào, lần này 60 nghìn quân, và hành động kiên quyết hơn, đồng thời chủ trương thành lập một chính phủ mới, "biết điều" hơn. Ba mươi xe tăng ngày đêm tề tựu xung quanh để bảo vệ an ninh cho Sứ quán. Hai ứng cử viên được xem xét là Ia.Kadar và F.Miunich. Họ được bí mật đưa sang ra mắt Matxcơva. Kết quả, Matxcơva ưng Kadar hơn.
Ngày 11/1, Thủ tướng Imre Nagy hủy bỏ Hiệp ước Varsava và tuyên bố Hungari trung lập, và thông báo trên đài phát thanh cho toàn dân về "cuộc can thiệp của Liên Xô nhằm lật đổ chính phủ dân chủ hợp pháp của Hungari".
Các ổ đề kháng của Imre Nagy lần lượt bị pháo binh và xe tăng Liên Xô dập tắt. Imre Nagy, Bộ trưởng Quốc phòng Maleter cùng vài người khác bị tử hình, những người còn lại bị kết án tù với thời hạn khác nhau.
Tổn thất của Hồng quân Liên Xô qua sự kiện Hungari là 640 người chết, 1.251 người bị thương. Tổn thất của Hungari là 2.652 người chết và 19.226 người bị thương. 


clip_image001
Xe tăng Liên Xô tại Budapest, Hungary hôm 12/11/1956. AFP/INTERCONTINENTALE

Cuộc khởi nghĩa ở Hungarie năm 1956


Sau đại hội 20 ĐCSLX, trong ĐCS Hungarie (tên chính thức là Đảng công nhân xã hội chủ nghĩa Hungarie) cũng đã diễn ra đấu tranh nội bộ cực kỳ căng thẳng. Cuối cùng, các lực lượng tiến bộ đã hạ bệ Rakoshi, người đứng đầu đảng có nhiều tội ác và là tay sai đắc lực của Liên Xô. Ngày 6.10.1956, có cuộc cải táng các nạn nhân bị giết oan dưới chế độ cộng sản, nhân dân căm phẫn biểu tình đông đảo với 200 ngàn người tham gia ngay giữa thủ đô Hungarie.


Cuộc khởi nghĩa ở Hungarie năm 1956

Trích Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào Cộng Sản Quốc Tế.

Tác giả: Nguyễn Minh Cần


Quang cảnh đường phố Budapest khi người dân nổi lên, 1956

Như đã nói, tiếng vang của đại hội 20 ĐCSLX truyền khắp thế giới. “Trời trở ấm” lan đến nhiều nước “xã hội chủ nghĩa”, nhất là các nước Đông Âu, kích thích ý thức dân chủ và tự do của người dân, từ trí thức cho đến công nhân. Người ta cảm thấy có cơ hội đứng lên để ít nhất nới bớt gông xiềng xô-viết. Ba Lan là nước đầu tiên đứng thẳng người lên. Thoạt đầu là công nhân nhà máy ô tô ở Poznan nổi dậy (28.6.1956), tiếp đến công nhân nhiều nhà máy khác hưởng ứng, họ biểu tình hòa bình với khẩu hiệu “Bánh mì!” và “Quân đội Liên Xô rút khỏi Ba Lan!”. Đã xảy ra những cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát, có nhiều người chết và bị thương. Một cuộc đấu tranh rất ác liệt đã diễn ra trong nội bộ ĐCS Ba Lan (tên gọi chính thức là Đảng công nhân thống nhất Ba Lan). Ban lãnh đạo mới của ĐCS Ba Lan đứng đầu là Gomulka đã đưa ra chương trình hoạt động mới giảm nhẹ gánh nặng cho nông dân và bình thường hóa quan hệ với Liên Xô. Chính nhờ sự mềm dẻo của Gomulka mà Ba Lan tránh được sự can thiệp quân sự của Liên Xô.

Người dân Ba Lan biểu tình ở Poznan, 1956

Kết cục của các sự biến ở Hungarie lại khác hẳn với Ba Lan. Sau đại hội 20 ĐCSLX, trong ĐCS Hungarie (tên chính thức là Đảng công nhân xã hội chủ nghĩa Hungarie) cũng đã diễn ra đấu tranh nội bộ cực kỳ căng thẳng. Cuối cùng, các lực lượng tiến bộ đã hạ bệ Rakoshi, người đứng đầu đảng có nhiều tội ác và là tay sai đắc lực của Liên Xô. Ngày 6.10.1956, có cuộc cải táng các nạn nhân bị giết oan dưới chế độ cộng sản, nhân dân căm phẫn biểu tình đông đảo với 200 ngàn người tham gia ngay giữa thủ đô Hungarie.

Budapest 1956: lính lái xe tăng cũng theo phe biểu tình

Imre Nagy

Để làm dịu bớt tình hình, ban lãnh đạo ĐCSLX kêu gọi Imre Nagy ra nắm quyền. Cuộc đấu tranh quần chúng dần dần chuyển thành cuộc khởi nghĩa, nó cuốn hút không những trí thức, công nhân, nông dân, mà cả nhiều tầng lớp khác. Những nhà máy lớn nhất ở Budapest đều trở thành “cứ điểm” cho cuộc nổi dậy. Khác với Ba Lan, ĐCS Hungarie không lãnh đạo nổi phong trào. Ngày 22 tháng 10, diễn ra một cuộc biểu tình lớn nữa ở Budapest, quần chúng đòi Imre Nagy phải đứng đầu ban lãnh đạo mới.

Hàng trăm ngày người dân xuống đường biểu tình

Ngày 23 tháng 10, Imre Nagy lên làm thủ tướng, ông kêu gọi dân chúng buông võ khí. Nhưng lúc đó xe tăng xô-viết đã có mặt ở Budapest nên dân chúng càng thêm sục sôi. Lại nổ ra một cuộc biểu tình khổng lồ nữa của thanh niên, sinh viên, học sinh, công nhân trẻ. Trước tòa nhà quốc hội tập hợp đến 200 ngàn người, họ hạ tượng Stalin xuống, thành lập đội võ trang và bắt đầu chiếm giữ các khu trong thành phố Budapest.

Người dân tự vũ trang để chống lại quân đội Liên Xô

Tượng Stalin bị kéo đổ và cắt đầu

Ngày 24.10, Mikoyan và Suslov bay đến Budapest đề nghị đưa Janos Kadar lên làm bí thư thứ nhất. Ngày 25.10, xảy ra cuộc đụng độ với bộ đội xô-viết ở gần tòa nhà quốc hội. Imre Nagy một mặt ra lệnh ngừng bắn, mặt khác yêu cầu Liên Xô rút quân. Nhưng đụng độ vẫn tiếp diễn. Dân chúng nổi dậy đòi bộ đội xô-viết phải triệt thoái ngay và thành lập chính phủ thống nhất dân tộc mới, trong đó có những đại diện các đảng khác. Ngày 28.10, các trận đánh vẫn tiếp diễn, chính phủ Hungarie ra lệnh ngừng bắn.

Janos Kadar

Ngày 30.10, chính phủ tuyên bố xóa bỏ chế độ bắt buộc nông dân nộp nông phẩm cho nhà nước. Các tỉnh nhiệt liệt ủng hộ thủ đô, còn công nhân thì vẫn bỏ việc chờ đến khi ngừng hẳn các trận chiến đấu và quân xô-viết rút khỏi Budapest.
Ba điều làm ban lãnh đạo Liên Xô đặc biệt lo sợ là dân chúng công khai đòi Liên Xô rút quân  ra khỏi Budapest và toàn lãnh thổ Hungarie, Đảng xã hội dân chủ Hungarie đã được khôi phục lại và một chính phủ đa đảng đã thành lập. Họ sợ tấm gương Hungarie sẽ truyền lây sang các nước khác ở Đông Âu. Vì thế, CTĐ TƯ ĐCSLX họp ngày 26.10 đã quyết định can thiệp võ trang để đàn áp cuộc nổi dậy của nhân dân. Nghị quyết đó, mãi về sau mới được công bố, trong đó đầy rẫy những lời lẽ giả nhân giả nghĩa, như “thật là không thể tha thứ được cho Liên Xô, nếu vẫn cứ giữ thái độ trung lập mà không giúp đỡ cho giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống lại phản cách mạng”.
Nhưng CTĐ TƯ ĐCSLX  lại muốn làm cho cuộc can thiệp võ trang của họ dường như là của cả phe xã hội chủ nghĩa, nên họ phải tìm cách đánh lừa dư luận, tranh thủ thời gian để chuẩn bị cuộc đàn áp, đồng thời tranh thủ sự đồng tình của các nước thành viên Hiệp ước Varsava, cũng như của Trung Quốc và Nam Tư . ĐCSLX mời phái đoàn ĐCSTQ do Lưu Thiếu Kỳ dẫn đầu đến Moskva. Đàm phán khó khăn lắm ban lãnh đạo Liên Xô mới được Lưu Thiếu Kỳ chấp thuận tại sân bay Vnukovo ngay trước khi ông lên máy bay về nước (31.10). Tiếp đó, được sự đồng ý của Ba Lan, Rumanie và Nam Tư thì ngày 1.11, Liên Xô bắt đầu tiến quân. Imre Nagy cực lực phản đối, nhưng 3000 xe tăng xô-viết từ miền Zakarpat Ukraina và Rumanie cứ ào ạt vượt qua biên giới Hungarie. Tối hôm đó, Hungarie chính thức tuyên bố rút ra khỏi Hiệp ước Varsava vì Liên Xô đã vi phạm Hiệp ước đó trước, đồng thời tuyên bố theo chính sách trung lập và kêu gọi Liên hiệp quốc phản đối quân đội xô-viết võ trang can thiệp Hungarie. Liên Xô dối trá tuyên truyền như tuồng tình hình phức tạp ở Hungarie là do âm mưu của bọn đế quốc chống lại “phe hòa bình và dân chủ”, như tuồng “bọn phản cách mạng” Hungarie nổi dậy giết những người cộng sản để mưu đồ khôi phục lại chủ nghĩa tư bản.
Đến ngày 3.11, 11 sư đoàn quân Liên Xô đã có mặt trên lãnh thổ Hungarie. Trong ngày đó, CTĐ TƯ ĐCSLX đã chuẩn bị một chính phủ Hungarie mới được thành lập trên đất Liên Xô do Janos Kadar, bí thư thứ nhất ĐCS Hungarie, làm thủ tướng để thay thế chính phủ Imre Nagy “phản cách mạng”.

Xe tăng Liên Xô trên đường phố Budapest, 1956

Ngày 4.11 chính phủ mới của Hungarie được công bố chính thức, khi đại pháo xô-viết khai hỏa và xe tăng Liên Xô ào ào xông vào thủ đô Budapest. Hôm trước, ngày 3.11, chính phủ liên hiệp của Hungarie đã thành lập do Imre Nagy đứng đầu, gồm có ba đại biểu cộng sản, ba thuộc đảng tiểu chủ, ba thuộc đảng xã hội dân chủ, hai thuộc đảng Petefi và một người không đảng phái là tướng Pal Maleter. Cuộc chiến đấu của nhân dân Hungarie vô cùng dũng cảm, nhưng lực lượng hai bên quá chênh lệch, nên ở Budapest sau ba ngày thì lực lượng nhân dân bị đè bẹp, còn ở vùng nông thôn, cuộc chiến đấu tiếp diễn đến ngày 14.11.

Giao tranh dữ dội diễn ra trên đường phố Budapest

Thế là cuộc cách mạng dân chủ giải phóng dân tộc Hungarie bị dìm trong máu lửa. Quân đội và công an mật vụ Liên Xô liền lùng bắt và khủng bố dân chúng nổi dậy. Imre Nagy và những người đồng sự chạy vào sứ quán Nam Tư. Sau hai tuần lễ đàm phán, thủ tướng mới của Hungarie Janos Kadar cam kết là Imre Nagy và những người đồng sự của ông ta sẽ không bị trừng phạt mà sẽ được cùng gia đình đưa về nhà thì sứ quán Nam Tư mới chịu đồng ý cho họ lên xe buýt ra đi có cả hai nhân viên của sứ quán đi theo. Nhưng giữa đường, xe buýt đó bị mấy sĩ quan xô-viết chiếm, bắt Imre Nagy và những người đồng sự của ông ta. Về sau, Imre Nagy bị xử bắn cùng với tướng Pal Maleter (1958).

Imre Nagy đứng nghe mình bị tuyên án tử hình

Những sự kiện đầy kịch tính ở Hungarie năm 1956 là một cú sốc mạnh đối với giới cầm quyền chẳng những ở Liên Xô mà còn ở nhiều nước “xã hội chủ nghĩa” khác: nỗi khiếp sợ mất nền thống trị đã kìm hãm ý hướng muốn cải cách của họ. Còn 15 năm sau, khi đã bị hạ bệ rồi, nhắc đến những sự kiện ở Hungarie năm 1956, Khrutshev không hề có một chút cắn rứt lương tâm, không hề nghĩ rằng chính ông ta và ban lãnh đạo Liên Xô đã xử sự một cách phản bội đối với cuộc cách mạng giải phóng của cả một dân tộc. Nhưng một ý niệm như thế làm sao có thể có được ở một con người theo chủ nghĩa Lenin?!

Bài học mà Andropov rút ra được từ sự kiện ở Hungari rất giản dị: không có khó khăn kinh tế hay sự phá hoại của gián điệp và phản động nào có thể làm sụp đổ chính quyền. Nhưng chỉ cần lơi lỏng mặt trận tư tưởng là Đảng cầm quyền có thể dễ dàng mất sự kiểm soát đối với đất nước.
Tính khắc nghiệt của bài học nói trên còn được bổ sung bởi việc Andropov đã chính mắt mình nhìn thấy người dân căm ghét và hành quyết các cán bộ an ninh như thế nào. Người ta còn nói rằng những ngày bi thảm ở Budapest đã ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và đặc biệt là tâm lý - tinh thần của bà vợ Andropov và hạnh phúc gia đình ông.
BAN ĐỐI NGOẠI
Andropov trở về Matxcơva năm 1957 trong hình ảnh của vị cứu tinh chủ nghĩa xã hội ở Hungari. Trung ương Đảng giao cho ông phụ trách Ban Đối ngoại - tức là cơ quan phụ trách quan hệ với các đảng cầm quyền của các nước Xã hội chủ nghĩa. Vấn đề trong lĩnh vực này cũng tích tụ khá nhiều: Quan hệ với Nam Tư, Albanie và nhất là với Trung Quốc ngày càng xấu đi. Với tính cách của Khruschov, thì ông sẵn sàng hoà hoãn với Mỹ chứ nhất quyết không chịu nhượng bộ về lập trường với Trung Quốc.
Andropov dành nhiều thời gian nghiên cứu và triển khai hoạt động trên cương vị công tác mới. Ông tuyển chọn được khá nhiều người có đầu óc về để cộng tác với mình. Nhiều người trong số đó sau này trở thành các Viện sĩ, như Georghi Arbatov (Viện Mỹ - Canada). Oleg Bogomolov (Viện kinh tế Xã hội chủ nghĩa), nhà báo và nhà chính luận A. Bovin v.v. . . , tạo cho ông hình ảnh của một nhà chính trị có tư duy đổi mới. Những người đã từng làm việc với ông thời gian này đều vui sướng nhớ lại bầu không khí tự do tư tưởng và cởi mở về tinh thần mà ông đã tạo ra để phân tích và bàn thảo giải pháp trên những đề tài mà người ta thường không dám đụng đến ở cơ quan của Đảng. Andropov kiên nhẫn lắng nghe cả những ý kiến và quan điểm mà ông không thể thích được, nhưng kiềm chế bình luận chụp mũ. Ông coi đó là nguồn thông tin từ đời sống sinh động, là sự bổ sung vào đánh giá chính thống, lặng lẽ nghe và suy ngẫm.
Andropov không uống rượu và không hút thuốc, không quát tháo, yêu nhạc, hát được, và làm thơ. Vốn bản chất khiêm tốn, giản dị, không thích khoe mẽ, người cao lớn, nhưng Andropov đi đứng không bao giờ ưỡn ngực, ngẩng cao đầu - đến cả trong dáng đi ông cũng như sợ chiều cao của mình lấn át người khác.
Thời Khruschov và sau đó Brejnev, người ta rất trọng dụng những người viết diễn văn cho lãnh đạo - những cây bút. Để làm việc này, người ta sử dụng những công chức có kiến thức uyên bác, có tài năng văn chương.
Chung quanh Andropov cũng không thiếu những người như thế. Chỉ có điều, xét trên bình diện toàn xã hội, các diễn văn thì ngày càng hay, trong khi thực tế thì cứ ngày càng chán.
Sau khi Brejnev trở thành Tổng Bí thư, hai người ở vị trí thứ hai trong Ban Bí thư là Suslov và Kirilenko. Họ đấu đá nhau để giành vị trí kế cận Brejnev. Điều đó khiến cho Andropov khổ sở khi phải xin ý kiến cả hai người. Xin được ý kiến người này thì người kia cho ý kiến ngược lại. Khi người này vắng mặt, người kia ở nhà chủ trì Ban Bí thư thì bác cách giải quyết trước đó.
V.M.Falin - nguyên Bí thư Trung ương Đảng phụ trách đối ngoại, nguyên Đại sứ Liên Xô ở Đức viết: "Về tri thức, Andropov hơn hẳn các thành viên khác trong ban lãnh đạo. Nhưng trong khi ông còn đang ở vị trí hạng hai, hạng ba, điều đó chỉ càng làm cho ông thêm khổ. Những kiến giải hồ đồ, bộp chộp của một số vị lãnh đạo làm cho ông bị tổn thương, co lại trong cái vỏ kín đáo của mình". Ngoài việc không tìm được tiếng nói chung với nhà tư tưởng Suslov, Andropov cũng không được cảm tình của Kosygin - nhà cải cách kinh tế, không vào nhóm với Shelepin, còn Kuusinen - người đỡ đầu của ông thì mất năm 1964. Andropov hầu như đơn thương độc mã.
"KGB...KHÔNG PHẢI AI CŨNG LÀM ĐƯỢC"
(L.I.Brejnev)
Ngày 19/5/1967, Andropov được cử làm Chủ tịch KGB thay Semichastnyi. Andropov chỉ được biết về quyết định này vào ngày hôm đó. Người đề xuất và quyết định việc này là Brejnev, vì chức Chủ tịch KGB vốn được coi là vị trí quan trọng, thuộc thẩm quyền quyết định riêng và cuối cùng của Tổng Bí thư. Người ta cho rằng Brejnev cử Andropov nhận công tác đó để đưa Andropov ra khỏi bộ máy Ban Bí thư để đỡ "gai" cho Kosygin.
Quan hệ giữa Andropov với Kosygin cũng thật lạ lùng: ngoài sự không ưa nhau về cá tính, cá nhân thế nào đó, sâu trong tư tưởng, Andropov cho rằng những kế hoạch cải cách kinh tế của Kosygin (sau này không được thực hiện) là đi quá xa so với khuôn khổ chính trị tư tưởng.
Nhưng sự thực, Brejnev đưa Andropov về KGB không phải để làm hài lòng Kosygin, mà là làm hài lòng chính mình: hơn ai hết, Brejnev hiểu con người.
Hội nghị Trung ương diễn ra một tháng sau đó, Andropov được bầu làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Sau Beria, đây là lần đầu tiên Chủ tịch cơ quan an ninh lại được giữ cương vị Đảng cao như thế. Đấy là món quà tặng của Brejnev để bù đắp cho việc nhận chức vụ mà Andropov không muốn, đồng thời là sự đặt trước lòng tin.
Andropov nhất quán thể hiện lòng trung thành và sự ủng hộ đối với Tổng Bí thư, coi đó là "vấn đề ổn định của Đảng và Nhà nước, đồng thời là vấn đề ổn định quốc tế (hồi ký của M.Gorbachov). Cũng theo Gorbachov kể lại, khi ông trở thành ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Trung ương (tức là ngôi sao đang lên trong Đảng), được phân một ngôi nhà nghỉ ngoại ô cạnh nhà nghỉ của Andropov, vợ chồng ông có mời ông bà Andropov sang chơi ăn cơm, Andropov từ chối và ôn tồn giải thích cho Gorbachov: "Nếu chúng tôi sang anh ăn cơm, thì ngày mai người ta sẽ thắc mắc là chúng ta bàn chuyện gì, rồi thì sẽ có báo cáo gửi tới Leonid Ilich" (tức Brejnev).
Nói chung Andropov là người thận trọng và nguyên tắc, không bao giờ nhận thừa trách nhiệm về mình, để không tạo cảm tưởng là vượt quá quyền hạn. Về mọi vấn đề lớn nhỏ có tính nguyên tắc cần phải có ý kiến lãnh đạo, ông đều viết công văn gửi Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 12/1967, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập KGB, lại nhân dịp Andropov mới về làm Chủ tịch, Cục cán bộ có chuyển một thùng rượu cô-nhắc kèm thiếp của Phó Chủ tịch thứ nhất ủy ban mừng Andropov. Vợ Andropov bảo người mang rượu nói lại với Phó Chủ tịch thứ nhất ủy ban là rất cám ơn, nhưng rượu thì không nhận. Sau ngày lễ, toàn cơ quan biết chuyện đó, và từ đấy về sau không bao giờ ai dám gửi quà cho Chủ tịch ủy ban nữa.
Andropov về lãnh đạo KGB đã tăng thêm rất nhiều quyền lực cho cơ quan này, trả lại cho nó tính bao trùm toàn bộ xã hội và cuộc sống của người Xô viết mà nó vốn có và đã bị cắt giảm đi mất nhiều bởi Khruschov - một người vốn rất ngại vai trò của KGB dưới thời Beria.
Trước Andropov, KGB là ủy ban ngang Bộ trực thuộc Chính phủ. Khi Andropov về làm Chủ tịch, KGB thôi trực thuộc chính phủ và được gọi đơn giản mà đầy ý nghĩa là KGB Liên Xô. Là thủ trưởng, Andropov quan tâm đến công tác và đời sống của cán bộ, chiến sĩ, và họ đáp lại Andropov bằng lòng trung thành và tận tâm phục vụ. Cán bộ nhân viên cơ quan được hưởng nhiều ưu đãi về nhà ở, hàng phân phối, cơ quan còn có hệ thống phòng khám, bệnh viện, nhà nghỉ cho cán bộ nhân viên không mất tiền. Công tác trong cơ quan an ninh trở thành một ngành nghề danh giá và được nể trọng. Uy tín của cơ quan an ninh tăng lên. Những nỗi kinh hoàng mỗi khi nhắc đến những gì mà KGB đã làm dưới thời Stalin lùi dần vào dĩ vãng.
Là người có tầm nhìn chiến lược và làm việc có phương pháp, Andropov đã thành lập thêm một số bộ phận mới trong cơ cấu tổ chức của cơ quan nhằm theo dõi bao quát và đầy đủ hơn mọi mặt của đời sống xã hội.
Nhưng đồng thời, Andropov tập trung đầu tư nhiều nhất cho khâu then chốt là lĩnh vực tư tưởng mà kinh nghiệm thời gian công tác ở Hungari đã mách bảo ông.
Khi người đứng đầu cơ quan an ninh Cộng hoà dân chủ Đức là Wolf bàn việc đánh đổi Sharansky (nhân vật bất đồng chính kiến người Do Thái của Liên Xô - ND) lấy một sĩ quan phản gián Cộng hoà dân chủ Đức bị Tây Đức bắt, Andropov giải thích:
"Đồng chí Wolf ạ, mong đồng chí hãy thông cảm cho: Sharansky là gián điệp. Nhưng quan trọng hơn, anh ta là một người Do Thái. Nếu chúng ta thả anh ta, thì rồi các dân tộc khác cũng sẽ theo gương: người Đức ở vùng Volga, người Tacta ở Crưm, rồi người Chechnya... Nếu chúng ta mở các van ra, người ta sẽ thi đua nêu yêu sách. Chúng ta sẽ ngập trong cơn lũ đó và không tài nào giữ được họ nữa". Những lời của Andropov trở thành những lời tiên tri!
Một tháng sau khi nhận chức, Andropov viết một bản báo cáo gửi Ban chấp hành Trung ương về tình hình hoạt động của các lực lượng phá hoại ngầm, các xu hướng dân tộc chủ nghĩa và tôn giáo phản động, ảnh hưởng của văn hoá phương Tây đối với thanh niên, và sau đó được Bộ Chính trị nhất trí, Andropov cho thành lập trong KGB một đơn vị mới gọi là Tổng cục 5, bao gồm một số vụ như Vụ phụ trách công tác với giới trí thức, với thanh niên sinh viên, Vụ phụ trách quan hệ dân tộc, tôn giáo, vấn đề chủ nghĩa sionit (tức Do Thái), vụ phụ trách công tác với những nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất (như Soljenitsyn, Sakharov).
KGB dưới thời Andropov đã tìm được những cách tiếp nhận cương quyết nhưng mềm dẻo và có hiệu quả đối với những thành phần tế nhị trong xã hội.
Người ta cho rằng nếu không phải Andropov mà một người khác đứng đầu KGB, quy mô bắt bớ và khủng bố có thể đã lớn hơn nhiều. Đúng là như vậy. Những năm Brejnev làm Tổng Bí thư và Andropov làm Chủ tịch KGB là thời kỳ ổn định nhất về chính trị - xã hội của Liên Xô. Điều này một phần cũng do ở tư chất của các nhà lãnh đạo đó. Một lần Brejnev nói chuyện với nhà văn K.Simonov:
- "Chừng nào tôi còn sống - và sửa lại - có nghĩa là chừng nào tôi còn ngồi ở đây, sẽ không có đổ máu".
Phải là một nhà lãnh đạo khoan hoà như Brejnev để mà giữ xã hội Liên Xô bình ổn trong hai chục năm. Và cũng phải có một trí tuệ sắc sảo và tư chất tinh tế, điềm đạm như Andropov thì mới nghĩ ra được một hệ thống kiểm soát xã hội về mặt tư tưởng - tinh thần một cách tổng thể và toàn bộ như thế.
Song le, thời Andropov cũng là thời mà số người mắc bệnh tâm thần hơi nhiều so với các giai đoạn khác.
Những công dân bị buộc tội theo điều 70 (tội "tuyên truyền chống chế độ") và theo điều 190 (được đưa vào dưới thời Brejnev, chỉ tội nhẹ hơn: tội "phổ biến những thông tin thất thiệt có hại cho chế độ Xô viết") phần lớn bị đưa đi các cơ sở điều trị bệnh tâm thần. Đó là hình thức cải tạo người bất đồng chính kiến nhân đạo hơn so với thời Stalin.
Tại Hội nghị Trung ương tháng 4/1973, khi đánh giá về công tác an ninh, Brejnev đã bỏ giấy ra nói "vo" như sau:
"Ủy ban An ninh quốc gia dưới sự lãnh đạo của đồng chí Andropov đã giúp cho công tác của Trung ương đắc lực, cả về đối nội và đối ngoại. Thường người ta nghĩ rằng KGB là phải bắt bớ, bỏ tù. Họ nhầm. KGB - đó trước hết là công tác to lớn và đầy trách nhiệm. Cần phải có năng lực và tính cách, không phải ai cũng làm được ở đây cần phải có lòng dũng cảm và lòng trung thành to lớn".
Những lời đó là sự đánh giá cao đối với KGB, cũng là sự đánh giá cao đối với Andropov.
TỔNG BÍ THƯ
Cuối năm 1967, Brejnev thăm hữu nghị chính thức Tiệp Khắc, nhưng rút ngắn chương trình và về sớm so với kế hoạch. Khi ông ở đó, các ủy viên Bộ Chính trị đều níu áo nói nhỏ để mỗi người trình bày chuyện của mình.
Brejnev bực, nói với thành viên trong đoàn: "Lại còn thế nữa, họ còn muốn kéo chúng ta vào những chuyện lôi thôi của họ nữa", và bảo chuẩn bị máy bay ngay ngày hôm sau về.
Chín tháng sau, Bộ Chính trị Liên Xô cho đưa quân vào Tiệp Khắc.
Đối với Andropov, "mùa xuân Praha" là sự xét lại chủ nghĩa xã hội, là sự lặp lại những sự kiện ở Hungari. Cần phải phản ứng một cách nhanh chóng và cứng rắn.
Khác với Hungari, ở Tiệp quân đội Liên Xô không gặp phải sự kháng cự vũ trang.
Bản thân chức vụ công tác của Andropov buộc ông phải là "diều hâu" trong chính sách đối ngoại, trước hết là trong quan hệ với Mỹ và phương Tây. Trong khi Brejnev còn sống, quan hệ với Mỹ được duy trì một cách cân bằng trong khuôn khổ của chính sách hoà hoãn, hoà dịu. Khi Brejnev ốm nặng, không còn nắm được toàn bộ việc trong tay, thì mọi quyết sách lớn nằm trong tay bộ ba trong Bộ Chính trị: Andropov - Chủ tịch KGB, Ustinov - Bộ trưởng Quốc phòng và Gromyko - Bộ trưởng Ngoại giao. Đặc biệt Andropov và Ustinov rất gần gũi nhau trong đánh giá đối phương và xác định chiến lược nghiêng về quân sự và an ninh.
Việc Liên Xô đưa quân vào Afganistan năm 1979 do bộ ba quyết định chính là trong bối cảnh đó.
Tháng 1/1982, Mikhail Suslov, người giữ trọng trách Bí thư Trung ương suốt 35 năm, từng đóng vai trò quan trọng trong việc hạ bệ Khruschov và đưa Brejnev lên làm Tổng Bí thư, người thứ hai trong Đảng - qua đời.
Mọi người hồi hộp chờ đợi: Ai sẽ thay vị trí của Suslov?
Vì đây thực tế sẽ là người lãnh đạo tương lai của Liên xô. Vì Brejnev lúc đó đã rất ốm yếu. Tại Hội nghị Trung ương tháng 4/1982, Andropov được bầu làm Bí thư Trung ương Đảng. Được phân công đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm Ngày sinh Lênin 22/4, Andropov có một bài phát biểu đặc sắc. Cái mới toát ra từ bài diễn văn súc tích, không có những câu tung hô rỗng tuếch như thường lệ, lại có cả những câu như: "Chúng ta còn chưa hiểu một cách thực sự xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng". Andropov được hoan hô rất lâu, đến nỗi chính ông chột dạ (vì sợ "lấn chúa"). Nhưng Breinev quá hiểu và tin Andropov. Vả lại, ông cũng hiểu rằng đã đến lúc phải xây dựng uy tín cho người kế tục. Ngày 10/11 năm đó (1982), Brejnev qua đời. Hội nghị Trung ương chính thức hoá việc Andropov thay thế Brejnev lãnh đạo Liên Xô.
Việc chuẩn bị người thừa kế Brejnev đã được bàn từ lâu trong những năm cuối của Brejnev. Bản thân Brejnev có ý định "nhắm" K.Chernenko hoặc Sherbitsski. Trên đoàn Chủ tịch, Chernenko cũng thường ngồi cạnh Brejnev, còn bên kia là Thủ tướng Tikhonov. Nhưng tháng 4/1983, khi Andropov thôi chức Chủ tịch KGB lên làm Bí thư Trung ương Đảng, thì người ta đã dự đoán về khả năng Andropov là người kế vị.
Hai chiến hữu còn lại trong "bộ ba" hùng mạnh là Ustinov và Gromyko, cùng với Thủ tướng Tikhonov đã thống nhất rằng Tổng Bí thư phải là Andropov. Lúc đó ông đã 68 tuổi - một cái tuổi đã kha khá mà ít người giữ được sức lực và sự nhanh nhạy để bắt đầu một công cuộc mới.
Tuy thế Andropov vẫn đã bắt đầu.
G.Shakhnazarov - nguyên Trợ lý của Tổng Bí thư có lần nói chuyện với Andropov về việc chi phí quân sự của Liên Xô quá lớn, trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế Andropov trả lời:
- Anh nói đúng. Đúng là gánh nặng rất lớn. Nhưng chúng ta thực sự vẫn chỉ mới khai thác được một phần rất nhỏ những nguồn tiềm lực của chế độ xã hội chủ nghĩa. Xã hội ta còn nhiều lộn xộn, nhiều tiêu cực, còn nghiện rượu, còn tham nhũng, bòn rút của công. Khi nào chúng ta chấn chỉnh lại một cách thực sự, tôi bảo đảm với anh rằng khi đó sức lực chúng ta sẽ đủ.
Hơn ai hết, Andropov hiểu rõ thực trạng xã hội và những mối đe dọa bên trong và bên ngoài đối với đất nước. Ông bắt đầu bằng việc giải quyết một số tồn đọng để quá lâu, siết chặt lại kỷ luật, trật tự, sắp xếp lại nhân sự mà trước hết là giải phóng bộ máy khỏi những cán bộ cấp cao sâu mọt, chú trọng hiệu quả việc làm hơn lời nói.
Egor Kuzmich Ligachov - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng kể lại trong hồi ký về lần gặp cuối cùng của ông với Andropov trong bệnh viện:
"Tôi không dám tin đó là Andropov. Cơn bệnh đã làm ông thay đổi hoàn toàn đến nỗi không thể nhận ra được nữa. Vẫn cái giọng rất nhẹ nhàng thân mật. Bằng cái giọng đó ông mời tôi vào "Hãy vào đi Egor Kuzmich - đồng chí ngồi xuống đây". Andropov đã nhận thấy sự hồi hộp của tôi và thật là lạ ông lại bắt đầu trấn tĩnh tôi:
- Hãy bình tĩnh, hãy kể cho tôi nghe về công việc của đồng chí đi - được một lúc Andropov nói - Tôi mời đồng chí đến đây để nói với đồng chí rằng tại hội nghị Trung ương lần tới, Bộ Chính trị sẽ thảo luận vấn đề bầu đồng chí làm Bí thư Trung ương Đảng.
Nước chè được mang tới cho chúng tôi và chúng tôi bình tĩnh nói chuyện trong 15 phút nữa về những vấn đề trong nước. Chia tay nhau, tim tôi thấy quặn lại với sự thương cảm dành cho ông. Tôi hiểu rằng sức lực của ông đã cạn kiệt. Tôi không còn dịp nào được thấy Andropov sống nữa".
Andropov qua đời ngày 9/2/1984. Lễ mai táng trọng thể diễn ra ngày 14/2 tại Quảng trường Đỏ.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét