Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

BÍ ẨN LỊCH SỬ 67/16

(ĐC sưu tầm trên NET)
Các Chủ Tịch KGB Những Hồ Sơ Lộ Sáng
Tình báo là một mặt trận thầm lặng nhiều khi không có tiếng súng nhưng vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi người chiến sĩ tình báo phải gan dạ, mưu trí, dũng cảm. Trong thời gian tồn tại của mình, cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) đã có những đóng góp đáng kể vào sự vững mạnh của đất nước cũng như thế cân bằng chiến lược Đông Tây. Cuốn Các chủ tịch KGB - Những hồ sơ lộ sáng của nhà sử học lừng danh người Nga Leonid Mlechin viết về những nhà lãnh đạo của KGB trong suốt thời gian cơ quan này hoạt động. Với những phân tích, đánh giá sâu sắc, tinh tế của mình, Leonid Mlechin sẽ đem đến cho bạn đọc cái nhìn đúng đắn, thoả đáng về vai trò, vị trí của các vị thủ lĩnh và cơ quan KGB trong lịch sử tồn tại của Liên bang Xô Viết. Đó là những người mà số phận gắn liền với cả vinh quang chói lọi và những thất bại cay đắng.
------------------------------------------------------------------

LỜI GIỚI THIỆU

LỜI GIỚI THIỆU
Cuốn sách các bạn cầm trên tay của tác giả Nga Leonid Mlechin là một cuốn sách đặc biệt vì nó kể về những người lãnh đạo một công tác mà ở Liên Xô trước đây và Nga hiện nay gọi là "công tác đặc biệt"; và bản thân những người đó cũng có những số phận đặc biệt. Đó là các Chủ tịch KGB.
Cơ quan an ninh Liên Xô được thành lập từ những ngày đầu cách mạng tháng Mười với nhiệm vụ trấn áp các lực lượng phản cách mạng trong nước để bảo vệ chính quyền với tên gọi là Ủy ban đặc biệt, về sau đã trở thành một cơ quan kiểm soát toàn diện xã hội và một cơ quan tình báo quốc tế bậc nhất. Với tên gọi là KGB từ năm 1954, cơ quan quyền lực hùng mạnh này đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với số đông người và niềm kính nể đối với đồng nghiệp an ninh quốc tế.
KGB là một hiện tượng lịch sử trong thế kỷ 20, nó được xây dựng bằng công sức, trí tuệ và cả xương máu của nhiều thế hệ người Xô viết. Suốt 74 năm tồn tại Liên Xô (1917 - 1991); KGB sống song hành cùng Liên Xô.
Những chặng đường các Chủ tịch KGB đã đi là những chặng đường của lịch sử Liên Xô vinh quang và cay đắng. Và số phận cá nhân vừa oanh liệt vừa bi thảm của họ cũng không nằm ngoài lịch sử đó. Đây là lần đầu tiên, một cuốn sách kể về cuộc đời và sự nghiệp của tất cả các Chủ tịch KGB (mười bảy vị) từ thời Lênin cho đến khi Liên Xô tan rã.
Đọc cuốn sách này, người ta hiểu biết thêm nhiều về lịch sử chính trị và an ninh Liên Xô. Trong sách có đề cập đến những lãnh tụ và nhân vật lịch sử như Lênin, Stalin, Trotski và một số nhân vật còn có những đánh giá khác nhau như Beria, Tukhachevski và một số vụ việc còn nhiều bí ẩn như vụ ám sát Kirov, "Vụ án các bác sĩ", vụ "Đảng bộ Lêningrad "v.. v... Một số sự kiện lịch sử như việc Stalin bắt tay với Hitle để trì hoãn chiến tranh, sự biến ở Hung-ga-ri năm 1956 v.v... được đề cập và phân tích khá sâu trong mối quan hệ chính trị - ý thức hệ - an ninh.
Sách cũng cung cấp thêm tư liệu và lý giải về những diễn biến nhân sự ở hậu trường trong những bước ngoặt lớn chuyển giao lãnh đạo của Liên Xô. Hầu hết các nhà hoạt động nhà nước nổi tiếng của Liên Xô được nhắc đến trong sách này.
Đây không phải là cuốn sách về một ngành công tác. Đây là câu chuyện kể về những bước ngoặt lịch sử của đất nước Liên Xô, mà trên mỗi bước ngoặt đó đều có vai trò của KGB.
Do đó nó không chỉ bổ ích về nghiệp vụ mà còn có giá trị nghiên cứu, tham khảo rất quý đối với đông đảo bạn đọc.
L.Mlechin trong mấy năm gần đây là một tác giả ăn khách ở Nga, vì sách của ông thường viết về đề tài an ninh, trên cơ sở khai thác kho tư liệu lưu trữ phong phú của Liên Xô và KGB. Tuy nhiên, nằm trong trào lưu tư tưởng dân chủ cấp tiến của xã hội Nga hiện nay, tác giả có xu hướng phân tích một cách phê phán đối với lịch sử nước nhà, đối với Stalin.
Đó là điều phổ biến và khó tránh được hiện nay. Nhiều điều đã được biết hoặc trở thành bình thường đối với xã hội Nga có thể không được chấp nhận hoặc chia sẻ đối với chúng ta. Mặc dù vậy, giới thiệu cuốn sách này với độc giả kính mến, chúng tôi tin rằng cuốn sách có giá trị tái hiện lịch sử sinh động, lại được viết bằng giọng văn chính luận hấp dẫn, chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều điều bổ ích và phát hiện lý thú.
Dịch giả HÙNG SƠN


CHƯƠNG 16: VICTOR MIKHAILOVICH CHEBRIKOV 
Viktor Chebrikov.jpg 
                          Chủ tịch KGB (12/1982 - 10/1988)

Mùa hè năm 1967, Phó Bí thư Tỉnh ủy Dnepropetrovsk là Victor Mikhailovich Chebrikov bị gọi lên Matxcơva một cách đột ngột, không giải thích lý do.
Khi Chebrikov lên đến Matxcơva, I.V.Kapitonov - Bí thư Trung ương Đảng phụ trách tổ chức, thay mặt Trung ương dẫn Chebrikov đến gặp chính Brejnev. Brejnev hỏi thăm tình hình tỉnh nhà, nói chuyện một lúc (trước đó Brejnev đã xem hồ sơ lý lịch của Chebrikov) rồi nói:
- Chúng tôi cử đồng chí Andropov sang KGB. Cho nên cần một vài người để giúp đồng chí ấy và củng cố cơ quan.
Ngày hôm sau Chebrikov có quyết định về làm Cục trưởng Cục cán bộ của KGB. Cấp cục của ủy ban, nhưng đây lại là vị trí vô cùng quan trọng. Chả thế mà đích thân Brejnev phải lựa chọn trong mấy ứng cử viên được đưa lên từ các chức vụ khác nhau và địa phương khác nhau. Cuối cùng chỉ có Chebrikov được chọn.
V.M. Chebrikov sinh năm 1923 ở Dnepropetrovsk trong một gia đình công nhân. Thi vào trường Đại học luyện kim Dnepropetrovsk (ê-kíp của Brejnev rất nhiều người tốt nghiệp trường này ra) . Chiến tranh bùng nổ.
Chebrikov đi bộ đội làm binh nhất, đã trải qua các mặt trận Tây-nam, Stalingrad, Voronej, Ucraina, bị thương, bị lạnh cóng suýt chết, năm 1944 vào Đảng, và đón ngày chiến thắng ở Tiệp Khắc trong quân hàm thiếu tá.
Năm 1946, được phục viên, ông học tiếp đại học, tốt nghiệp năm 1950 và làm việc ở nhà máy luyện kim được một năm thì được lấy sang làm công tác Đảng: làm trưởng ban công nghiệp của một quận ủy, rồi trở thành Bí thư Quận ủy. Năm 1955 ông được cử về lãnh đạo Đảng ủy Nhà máy luyện kim, năm 1958 được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy. Cứ thế Chebrikov tiến dần từng bước trong công tác Đảng, đến năm 1967 đã là Phó Bí thư Tỉnh ủy Dnepropetrovsk. Chebrikov là một cán bộ nghiêm khắc, cứng rắn, tuân thủ điều lệ Đảng, rất nâng đỡ các vận động viên và nhờ thế họ đã làm rạng danh tỉnh nhà, trong đó V.Lobanovski đã trở thành ngôi sao bóng đá quốc gia.
Tướng V.Ivanenko kể về ông như một thủ trưởng nghiêm khắc, lúc nào cũng nguyên tắc, một con người khô khan, buồn tẻ. Và ông từ Dnepropetrovsk nên người ta cho rằng ông là người của Brejnev. Nhưng kỳ thực bằng cả tâm hồn và công tác, ông gắn bó với Andropov.
Hai phó của Andropov là Tvigun và Siniov là tay chân của Brejnev (hai người này cũng đã làm tốn khá nhiều nơ-ron thần kinh của Andropov), còn F.D.Bobkov là nhân vật kỳ cựu của KGB từ trước cả Andropov. Riêng Chebrikov không bao giờ mơ chức Chủ tịch ủy ban và trước sau trung thành với Andropov.
Năm 1971, Chebrikov trở thành Phó Chủ tịch ủy ban, và vào Trung ương. Chebrikov đã đóng góp vào việc xây dựng tổ hợp kỹ thuật tác chiến của KGB, được phong Anh hùng Lao động và nhận giải thưởng quốc gia.
Nhưng cả hai quyết định này đều không được công bố, vì những công trình mà Chebrikov lãnh đạo là những công trình điều khiển bí mật để sử dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. *
Vài ngày sau khi Brejnev mất, việc đầu tiên trong sắp xếp nhân sự của Andropov là cách chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ Shelokov, và điều Fedorchuk sang thay. Chức Chủ tịch KGB, Andropov đề nghị Chebrikov. Tại sao lại không phải là Phó Chủ tịch phụ trách tình báo V.A.Kriuchkov - người cộng sự đắc lực của Andropov từ thời ở Hungari, người đã lãnh đạo chiến dịch Afganistan của KGB, đồng thời là người mà ông luôn luôn nâng đỡ và bồi dưỡng? Đó là vì Chebrikov là một cán bộ Đảng chuyên nghiệp, giao phó cho ông lãnh đạo một cơ quan là hoàn toàn phù hợp với những yêu cầu và tiêu chuẩn của chính sách cán bộ thời ấy.
Một năm sau, Andropov đề cử Chebrikov vào ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và tại Hội nghị Trung ương tháng 12/1983, hội nghị mà Andropov không dự được vì đang nằm bệnh viện và chỉ còn sống thêm được một thời gian ngắn nữa, Chebrikov được đưa vào Bộ Chính trị.
Sau khi Andropov mất, Chernenko già yếu, đại biểu cho đội cận vệ già lên thay được hơn một năm. Khi Chernenko lại sắp mất, Thủ tướng Tikhonov thuyết phục Chủ tịch KGB về sự cần thiết không để Gorbachov lên làm Tổng Bí thư. Nhưng Chebrikov, cùng với Ligachov đứng về phía Gorbachov. Kết quả là tại Hội nghị Trung ương tháng 3/1985, M.S.Gorbachov được bầu làm Tổng Bí thư thay Chernenko.
Chebrikov lãnh đạo KGB được sáu năm, trong đó bốn năm đầu ông hoàn toàn làm chủ bộ máy hùng mạnh từ tay Andropov, bộ máy đã từng quản lý toàn bộ tình hình trong nước. Với hệ thống đại diện ở tất cả các địa phương, KGB thông báo cho lãnh đạo đất nước những gì xảy ra ở trong nước, từ đó lãnh đạo mới yêu cầu các Bí thư Tỉnh ủy báo cáo, hoặc Bộ Chính trị hướng dẫn, chỉ đạo việc xử lý vấn đề. KGB theo dõi và có thể "làm việc" với các nhận vật có chức vụ cao ở các cấp , chỉ từ cán bộ lãnh đạo cao cấp thì phải được phép của Trung ương Đảng. Nếu KGB không làm như thế, thì đã không thể thu thập được tài liệu để kỷ luật và cách chức Shelokov (Bộ trưởng Bộ Nội vụ) và Medunov (Bí thư khu ủy Krasnodar). Chỉ đến khi Andropov lên làm Tổng Bí thư, năm 1983 họ mới bị ra khỏi Trung ương.
Dựa trên những tài liệu tác chiến của KGB do Chebrikov làm Chủ tịch, Andropov đã tuyên chiến với nạn tham nhũng trong bộ máy Đảng và Nhà nước.
Andropov mới kịp làm có ít, nhưng những cái đó cũng đủ khiến nhân dân và cán bộ biết ơn ông.
E.K.Ligachov - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương kể một lần Andropov gọi ông đến và bảo ông theo dõi thấy ở Uzbekistan có nhiều điều mờ ám, cần phải tìm hiểu và làm rõ tình hình. Ligachov nhất trí và trả lời rằng ông sẵn sàng bắt tay vào việc ngay.
Andropov nói:
- Đồng chí có biết bắt đầu từ đâu không? Theo tôi, đồng chí mời Rashidov đến gặp trước đã.
"Tôi phân vân - Ligachov kể - S.Rashidov đường đường là Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản một nước Cộng hòa, lại là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, mà một anh Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng lại mời đến gặp??
- Đừng ngại gì cả. - Andropov nói - Cứ bảo là tôi ủy nhiệm".
Rashidov lên Matxcơva, được báo là rẽ vào phòng làm việc gặp Ligachov. Rashidov bước vào như một ông chủ.
Nhưng rồi Rashidov nguôi dần. Khi Ligachov rút trong tủ ra một chồng dăm chục đơn, thư khiếu kiện và tố cáo để lên bàn, thì Rashidov tái mặt. Ligachov kết luận là Trung ương Đảng sẽ buộc phải lập một ủy ban kiểm tra.
Rashidov xin để qua vụ thu hoạch bông. Ligachov đồng ý. Qua kiểm tra đã phát hiện ra cả một hệ thống ma- phia ở bộ máy đảng và Nhà nước ở Urbekistan. Rashidov dựa vào sự che chắn của nhóm Gdlian-Ivanov ở địa phương nên không bị kỷ luật ngay. Nhưng rồi cuối cùng cũng bị kỷ luật và cách chức.
Tôi hỏi Ligachov: ấn tượng của các ủy viên Bộ Chính trị khác về Chebrikov thế nào? Có phải ông là người khó tính, cau có như người ta thường kể không?
Ligachov:
- Làm thế nào được, mỗi người một tính. Chebrikov đúng là kín đáo, hơi khắc nghiệt, nhưng bình tĩnh, đáng tin cậy. Ông không phải là người a dua, nói theo Gorbachov, là một trong số ít người có ý kiến độc lập và dám trình bày lại ý kiến đó với Tổng Bí thư một cách nhã nhặn, đúng mực.
Công việc cải tổ bắt đầu được khởi động hết công suất. Các giáo điều ý thức hệ bắt đầu bị sụp đổ. Và chính lúc đó (tháng 9/1987) tại cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm 110 năm Ngày sinh F.Dzerjinski, Chebrikov đã đọc một bài diễn văn. Ông đã nói gì trong bài diễn văn đó? Chúng ta nghe một đoạn:
"Một trong những mục tiêu chủ yếu của các cơ quan an ninh đế quốc vẫn là sức mạnh chính trị - tinh thần của xã hội ta, thế giới quan của người Xô viết. . . Chúng tìm những kẽ hở để len lỏi vào xã hội ta, tác động một cách có mục đích và có phân loại đối tượng đối với các tầng lớp nhân dân nhằm gieo rắc cách hiểu tư sản về nền dân chủ, tách tính tích cực chính trị của nhân dân lao động khỏi sự ảnh hưởng của Đảng, chia rẽ Đảng và nhân dân, thúc đẩy việc hình thành đa nguyên chính trị và tư tưởng".
Chebrikov dường như bê y nguyên những điều ông đã phát biểu từ thời Andropov còn sống, được tổ thư ký cập nhật và hiệu đính lại. Con đường của ông và con đường của Gorbachov rõ ràng đã đi về hai ngả.
Khi được tin A.Sakharov được bầu vào Đoàn Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học, Chebrikov gọi điện báo tin cho Gorbachov và bình luận với vẻ không tán thành. Gorbachov sau này cười nhạo Chebrikov coi đó là vấn đề lớn.
Tháng 10/1988, Chebrikov thôi chức Chủ tịch KGB để chuyển sang chức vụ yên tĩnh hơn là Bí thư Trung ương phụ trách khối hành chính và bảo vệ luật pháp.
Chebrikov là con người chính tắc, ít biểu lộ tình cảm hơn cả Andropov. Ông đúng là một cán bộ truyền thống của Đảng. Với chiếc mũ phớt có bộ và nét mặt nghiêm túc, ông là hình ảnh điển hình của người cán bộ của bộ máy Trung ương Đảng.
Càng ngày, Gorbachov càng thấy rằng Chebrikov không chỉ trong thâm tâm chống lại cải tổ mà, trên cương vị quan trọng và đầu sóng ngọn gió của mình, còn cản trở những sự thay đổi. Gorbachov cần một Chủ tịch cơ quan an ninh có nhãn quan rộng hơn, tháo vát hơn và mềm dẻo hơn để giúp ông ta. Tại hội nghị Trung ương tháng 9/1988. Gorbachov thay nhân sự hàng loạt: cho Gromyko, Solomentsev, Demichev, Dobrynin về hưu, giao công tác đối ngoại cho Iakovlev, tư tưởng cho Medvedev, và thay Chebrikov bằng V.A.Kriuchkov - một người cũng thuộc thê đội Andropov.
Chebrikov qua đời năm 1999, thọ 76 tuổi.
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét