Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 36

(ĐC sưu tầm trên NET)

Trận đánh vĩ đại của 600 đặc nhiệm Anh vào cảng biển Đức

Thứ Bảy, ngày 17/09/2016 11:00 AM (GMT+7)

Cuộc cuộc tấn công cảng St. Nazaire luôn được biết đến như chiến dịch tập kích vĩ đại nhất trong Thế chiến II của đặc nhiệm Anh, bởi mục tiêu phá hủy cảng biển quan trọng của phát xít Đức chỉ với lực lượng hạn chế.

Trận đánh vĩ đại của 600 đặc nhiệm Anh vào cảng biển Đức - 1
HMS Cambeltown khi lao vào ụ nổi tại cảng St. Nazaire.
Những trận đột kích với số lượng ít ỏi lính đặc nhiệm hay lực lượng không quân tinh nhuệ thường diễn ra điều kiện gần như bất khả thi, với xác suất rủi ro cực cao, thường khiến nhiều người phải trả giá bằng  mạng sống. Mời bạn đọc theo dõi loạt bài về những trận đột kích lớn như vậy trên thế giới.
Kể từ khi bắt đầu Thế Chiến II, Hải quân phát xít Đức đã gây ra ác mộng với các tàu thuyền thương mại đi qua Đại Tây Dương. Sau khi nước Pháp sụp đổ, phát xít Đức nắm trong tay hàng loạt cảng biển ở Đại Tây Dương để phục vụ mục đích quân sự, chống lại lực lượng đồng minh, trong đó có cảng chiến lược St. Nazaire.
Người Anh muốn phá hủy cảng hậu cần quan trọng này bằng cách tổ chức cuộc tập kích đường biển hết sức tạo bạo năm 1942. Hơn 600 biệt kích và binh sĩ Hải quân Anh phải đối đầu với lực lượng phòng vệ hùng hậu, bao gồm 5.000 lính phát xít Đức ở cảng St. Nazaire.
Theo kế hoạch, 265 lính đặc nhiệm Anh thuộc Tiểu đoàn đặc nhiệm số 2 cùng 346 lính hải quân chất đầy thuốc nổ lên tàu khu trục hoán cải Campbeltown. HMS Campbeltown có nhiệm vụ lao thẳng vào ụ nổi ở St. Nazaire và kích nổ. Biệt kích Anh lợi dụng tình hình hỗn loạn, đổ bộ và phá hủy các mục tiêu còn lại tại cảng một cách chớp nhoáng trước khi rút quân bằng các xuồng máy vũ trang và 4 tàu ngư lôi.
Trận đánh vĩ đại của 600 đặc nhiệm Anh vào cảng biển Đức - 2
HMS Campbeltown đang được hoán cải để phục vụ mục đích tấn công.
Ngày 26.3.1942, nhóm đặc nhiệm rời Anh và tiếp cận mục tiêu vào đêm ngày 28.3. HMS Campbeltown lặng lẽ giương cờ hải quân Đức tiến vào cảng St. Nazaire. Tuy nhiên, kế hoạch đánh bom của Hải quân Hoàng gia Anh bại lộ khi chỉ còn cách mục tiêu 8 phút di chuyển, do bị lính Đức chiếu đèn pha kiểm tra.
Giao tranh diễn ra ngay lập tức giữa đặc nhiệm Anh trên tàu Campbeltown và lính phòng thủ bờ biển Đức. Thủy thủ trên tàu Campbeltown thay cờ Hải quân Anh trong khi lái tàu trúng đạn hy sinh, người thay thế bị thương nặng còn những người khác bị lóa mắt. Mãi đến 1h34 phút sáng, tàu khu trục mới xác định được vị trí của ụ tàu Normandie và lao thẳng vào mục tiêu.
Ngay khi đổ bộ lên bờ, đặc nhiệm Anh vấp phải hỏa lực bắn xối xả của phát xít Đức. Dù chịu nhiều thương vong, nhưng những người lính anh dũng này này cuối cũng hoàn thành nhiệm vụ khi phá hủy cơ sở hạ tầng và trang thiết bị máy móc tại cảng.
Nhóm đặc nhiệm điều khiển 14 xuồng máy vũ trang và 4 tàu ngư lôi lại không may mắn như vậy. Trong khi tìm cách tiếp cận bờ, đa số đã bị tiêu diệt bởi đạn pháo phát xít Đức. 12 chiếc bị chìm khi chưa kịp đến cảng. Những người chết cháy ngay trên biển tạo nên cảnh tượng đầy bi tráng.
Trận đánh vĩ đại của 600 đặc nhiệm Anh vào cảng biển Đức - 3
Binh sĩ Anh bị bắt làm tù binh.
Trung tá Newman, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm trên bờ và chỉ huy Ryder của hải quân Anh nhận thấy việc rút quân bằng đường biển đã hoàn toàn phá sản. Ryder ra lệnh các tàu còn lại rời cảng, hướng ra biển. Trong khi Newman ra mệnh lệnh: Tìm mọi cách để trở về Anh, chiến đấu đến cùng cho đến khi hết sạch đạn và không được đầu hàng.
Như vậy, họ buộc phải tiến sâu vào thành phố và tìm cách thoát thân từ đất liền. Đáng tiếc rằng, những người lính đặc nhiệm Anh nhanh chóng bị phát xít Đức bao vây. Họ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước khi buộc phải đầu hàng vì không còn lựa chọn nào khác. Chỉ có 5 biệt kích thoát khỏi vòng vây và chạy trốn xuyên nước Pháp, qua Tây Ban Nha, đến vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh và từ đây mới có thể trở về Anh.
Phát xít Đức nhanh chóng giành lai quyền kiểm soát cảng St. Nazaire, bắt giữ 215 lính biệt kích và binh sĩ Hải quân Hoàng gia Anh. Không hề biết rằng tàu Campbeltown được chất đầy thuốc nổ, sĩ quan Đức còn giễu cợt Trung tá Sam Beattie, chỉ huy tàu Cambeltown, cho rằng thiệt hại do cú đâm chỉ mất một tuần là khắc phục xong.
Trận đánh vĩ đại của 600 đặc nhiệm Anh vào cảng biển Đức - 4
Cảng St. Nazaire đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn trong suốt quãng thời gian còn lại của Thế Chiến II.
Viên sĩ quan Đức vừa dứt lời thì tàu Campbeltown phát nổ, khiến 360 người thiệt mạng và phá hủy nặng nề cảng St. Nazaire, khiến nó không còn có thể hoạt động trở lại được trong thời gian còn lại của cuộc chiến.
Phía Anh trả giá đắt cho chiến thắng này. Trong số 600 người tham gia chiến dịch, chỉ có 227 người trở về Anh. Bên cạnh những người bị bắt làm tù binh, 169 biệt kích và binh sí Hải quân Anh đã thiệt mạng.
Cuộc đột kích đã khiến Hitler hết sức tức giận, cùng với các cuộc tấn công khác đã khiến phát xít Đức buộc phải dàn trải quân dọc theo bờ biển để tăng cường phòng thủ trước các cuộc tấn công hoặc xâm lược trong tương lai.
Cảng St. Nazaire bị phá hủy khiến Đức bị mất một địa điểm sửa chữa quan trọng cho các tàu chiến lớn ở Đại Tây Dương. Do bản chất táo bạo của chiến dịch và cái giá phải trả là rất lớn, đây được coi là chiến dịch tập kích vĩ đại nhất trong Thế chiến II của đặc nhiệm Anh.
_____________
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)

Vì sao Hitler không tàn sát ngay 400.000 quân đồng minh ở Dunkirk?

Thứ Năm, ngày 27/07/2017 19:00 PM (GMT+7)

Kết cục chiến tranh nhiều khi chỉ quyết định trong vài giờ đồng hồ, nhưng trùm phát xít Hitler mắc sai lầm và chần chừ tới 2 ngày để hơn 300.000 quân Anh có cơ hội vượt biển chạy về nước.

Vì sao Hitler không tàn sát ngay 400.000 quân đồng minh ở Dunkirk? - 1
338.000 quân Đức và Pháp rút khỏi Dunkirk chỉ sau vài ngày (ảnh từ phim Cuộc di tản Dunkirk)
Theo Daily Beast, bộ phim Cuộc di tản Dunkirk công chiếu hồi tuần trước kể lại câu chuyện có thật trong trận Dunkirk ở phía bắc nước Pháp năm 1940. Khi đó, khoảng 400.000 quân đồng minh mất hết nhuệ khí chiến đấu, bị dồn vào chân tường trước 800.000 quân phát xít Đức.
Cho đến ngày nay, tranh luận về việc trùm phát xít Adolf Hitler bất ngờ ra lệnh ngừng chiến dịch tấn công trong hai ngày 22-23.5.1940 vẫn chưa có hồi kết trong giới học giả phương Tây.
Điều không cần phải tranh cãi là nếu xe tăng panzer Đức và phi đội không quân được phép sớm tấn công Dunkirk thì quân đồng minh đã phải nhảy hết xuống biển “làm mồi cho cá”.
Trái lại, sự chần chừ của Hitler đã giúp quân đồng minh có thời gian để sơ tán lực lượng từ bãi biển Dunkirk trở về Anh.
12 ngày trước khi sư đoàn Panzer được lệnh án binh bất động, Winston Churchill trở thành Thủ tướng Anh. Churchil đứng trước tình thế khó khăn bởi nếu không giữ được những gì còn lại của Lực lượng Viễn chinh Anh ở châu Âu (BEF), tân Thủ tướng Anh có thể sẽ phải ngả theo phương án đầu hàng Hitler.
Vì sao Hitler không tàn sát ngay 400.000 quân đồng minh ở Dunkirk? - 2
Xe tăng Panzer của Đức hoàn toàn vượt trội hơn thiết giáp của quân đồng minh.
Trước trận Dunkirk vài ngày, vào ngày 21.5.1940, quân viễn chinh Anh bất ngờ mở đợt phản công, sử dụng xe tăng và bộ binh chiến đấu chống quân phát xít Đức ở phía bắc thành phố Arras của Pháp.
Đợt phản công này đã khiến cho tướng chỉ huy quân đoàn Panzer, “cáo sa mạc” Erwin Rommel bất ngờ. Rommel thông báo với Thống chế Gerd von Rundstedt rằng quân đoàn Panzer số 7 của ông bị tấn công bởi “hàng trăm xe tăng địch”.
Trên thực tế, quân Anh chỉ huy động 74 xe tăng phản công, trong đó chỉ có 16 xe tăng thế hệ mới nhất có thể đấu lại Panzer.
Yếu tố tâm lý về một cuộc phản kháng bất ngờ của quân Anh đã khiến các tướng lĩnh Đức và cả Hitler chần chừ. Thống chế Von Rundstedt, được sự ủng hộ của Hitler, ra lệnh cho các sư đoàn Panzer dừng lại ở cửa ngõ Dunkirk. Von Rundstedt cho rằng nên bịt kín phòng tuyến ở Arras trước.
8 giờ tối ngày 23.5, một chỉ huy khác của Đức nói sư đoàn Panzer di chuyển quá nhanh qua Bỉ và Pháp, khiến bộ binh không theo kịp. Chỉ huy này đề nghị sư đoàn xe tăng tạm dừng chân để bộ binh có thời gian đuổi kịp.
Vì sao Hitler không tàn sát ngay 400.000 quân đồng minh ở Dunkirk? - 3
Quân đồng minh ở Dunkirk bị Đức vây chặt từ 3 hướng.
Sau khi tham vấn Hitler, Von Rundstedt một lần nữa đồng ý ngừng chiến dịch tấn công Dunkirk trong 36 giờ, cho đến ngày 25.5.
Chính mệnh lệnh thứ hai này đã cứu sống hơn 300.000 quân đồng minh, đa phần trong số đó là lực lượng viễn chinh Anh. Điều này cũng cho thấy các tướng lĩnh Đức đã đánh giá sai tình hình thực tế trên chiến trường.
Bên cạnh đó, quân Anh cũng gặp may khi bắt được một nhóm tuần tra Đức ở vùng ngoại ô hẻo lánh. Trên chiếc xe mà quân Đức bỏ lại có ghi kế hoạch chi tiết cách vượt phòng tuyến của quân Anh để đánh thẳng vào Dunkirk.
Quân Anh cùng Pháp vô hiệu hóa kế hoạch tấn công của phát xít Đức một cách hiệu quả.
Một lý do nữa khiến quân Anh phải gấp rút sơ tán khỏi Dunkirk là bởi không quân Hoàng gia nước này gần như tê liệt hoàn toàn. 261 máy bay chiến đấu Hurricane và Spitfire được điều đến tham chiến ở châu Âu, chỉ có 65 chiếc trở về nguyên vẹn.
Cho đến cuối tháng 5, cả nước Anh chỉ còn 480 máy bay. Nhưng cũng vào lúc khó khăn nhất, một lượng lớn các tàu thương mại, tàu nhỏ đi qua hải cảng Anh đều tình nguyện giúp đưa quân đồng minh vượt biển.
Vì sao Hitler không tàn sát ngay 400.000 quân đồng minh ở Dunkirk? - 4
Quân đồng minh xếp hàng chờ sơ tán khỏi Dunkirk.
Chỉ riêng trong ngày 29.5, 47.000 người rời khỏi Dunkirk thành công. Con số này tăng dần từng ngày và đến 4.6, 338.000 quân đồng minh đã rút về Anh, bao gồm cả 125.000 quân Pháp.
Cuộc sơ tán không trọn vẹn khi có khoảng 48.000 quân Pháp bị Đức bắt giữ. Lực lượng viễn chinh Anh rút lui thành công, nhưng mọi trang bị như xe tăng, xe tải và vũ khí bộ binh đều bị bỏ lại.
Người Anh vẫn coi trận Dunkirk là một thành công. Bởi chiến dịch sơ tán quân đội giúp họ bảo tồn lực lượng để tiếp tục chiến đấu. Nếu không, quân đội Anh có nguy cơ bị xóa sổ chỉ sau một trận đánh.
"Trận Dunkirk là ví dụ điển hình cho việc duy trì tính kỷ luật và cái đầu lạnh của người Anh trong Thế chiến II, khi phải đối mặt với thất bại rõ ràng", chuyên gia quân sự Robert Farley bình luận.
Hitler có thể đánh bại đồng minh nếu sớm có vũ khí này
Ít người biết rằng, mẫu máy bay tàng hình đầu tiên của Mỹ, F-117A Nighthawk và sau này là máy bay ném bom chiến lược B-2,...
Theo Đăng Nguyễn - Daily Beast (Dân Việt)

Trận chiến biên giới 1967: Ấn Độ đánh bật Trung Quốc

Chủ Nhật, ngày 23/07/2017 19:00 PM (GMT+7)

Sau 5 năm kể từ chiến tranh biên giới Trung-Ấn 1962, hai quốc gia láng giềng một lần nữa lại bị kéo vào cuộc xung đột đẫm máu khác, và lần này phía Ấn Độ nói rằng họ đã đánh cho địch thủ "chảy máu mũi".

Trận chiến biên giới 1967: Ấn Độ đánh bật Trung Quốc - 1
Ảnh minh họa.
Vương quốc Sikkim hình thành từ năm 1642 trải qua yên bình trong hơn 1 thế kỷ thì bị Vương quốc Gorkha (Nepal) ngày nay xâm chiếm. Điều này đã dẫn đến cuộc chiến tranh giữa Công ty Đông  và Nepal. Công ty Đông Ấn là lực lượng quân sự chiến đấu vì lợi ích của thực dân Anh và vơ vét của cải ở Ấn Độ.
Kết thúc chiến tranh, Sikkim trở thành vùng đất được Anh bảo hộ và sau đó là Ấn Độ năm 1950.
Căng thẳng Trung-Ấn về vấn đề phân định vùng biên giới Sikkim âm ỉ từ lâu và bùng phát thành hai cuộc xung đột ngắn ở Nathu La và Cho La.
Bài học từ cuộc chiến năm 1962
Thất bại trong chiến tranh biên giới Trung-Ấn 1962 đã giúp New Delhi nhận ra mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc. Ấn Độ tăng gấp đôi số binh sĩ thường trực, đưa 7 sư đoàn chuyên tác chiến vùng núi để bảo vệ biên giới rộng lớn giáp Trung Quốc.
Khu vực Nathu La là một trong những nơi quân Ấn Độ chốt chặn gần Trung Quốc nhất. Lực lượng hai bên đứng canh gác cách nhau chỉ 20-30 mét.
Lá thư của Bộ ngoại giao Trung Quốc gửi Đại sứ quán Ấn Độ tại Bắc Kinh ngày 11.4.1967 có đoạn, "Các vị phải rút ra bài học từ kinh nghiệm quá khứ, chấm dứt các hành động khiêu khích dọc biên giới Trung Quốc-Sikkim và ngưng các phát biểu xúc phạm chống lại Trung Quốc, nếu không quý vị sẽ phải nếm trái đắng”.
Từ ngày 13.8.1967, quân Trung Quốc bắt đầu đào hào ở Nathu La, tiến sâu vào Vương quốc Sikkim. Trung Quốc rút đi khi đào xong hào và đặt thêm 8 chiếc loa tuyên truyền công suất lớn. Đáp trả, Ấn Độ kéo dây thép gai xung quanh nhằm phân định biên giới.
Trận chiến biên giới 1967: Ấn Độ đánh bật Trung Quốc - 2
Binh sĩ quân đội Ấn Độ.
“Người Trung Quốc không thoải mái vì Sikkim do Ấn Độ bảo hộ và quân đội Ấn Độ hiện diện gần biên giới Sikkim-Trung Quốc”, Thiếu tướng quân đội Sheru Thapliyal, người từng chỉ huy một lữ đoàn ở Nathu La kể lại trên India Today.
Mỗi khi Ấn Độ lập hàng rào dây thép gai, quân Trung Quốc lại kéo đến khiêu khích, gửi thông điệp “cảnh báo nghiêm trọng” đến chỉ huy Ấn Độ, tướng Thapliyal nói. Cuộc xô xát không vũ trang xảy ra khiến binh sĩ hai bên đều bị thương.
Đến ngày 11.9.1967, Ấn Độ tiếp tục lập hàng rào dây thép gai trên đường từ Nathu La đến Sebu La để khẳng định chủ quyền thì quân Trung Quốc “đã hết chịu nổi” và quyết định tấn công (phía Trung Quốc nói Ấn Độ nổ súng trước).
Bình luận về 2 cuộc xung đột ở Nathu La và Cho La, tờ Hindustan Times của Ấn Độ viết, nếu cuộc chiến năm 1962 là một thất bại ê chề thì quân Ấn Độ đã đáp trả Trung Quốc xứng đáng.
Thắng lợi lịch sử
Theo nguồn tin quân đội Ấn Độ, sáng ngày 11.9, một chính ủy Trung Quốc tiến đến đại tá quân đội Ấn Độ, người được giao nhiệm vụ chỉ huy toán lính lập hàng rào thép gai.
Phía Ấn Độ từ chối ngừng lập hàng rào, nói đây là mệnh lệnh từ sở chỉ huy. Quân Trung Quốc sau đó quay trở lại lô cốt và nổ súng vào những người lính Ấn Độ.
Trận chiến biên giới 1967: Ấn Độ đánh bật Trung Quốc - 3
Quân Trung Quốc quan sát hoạt động quân sự của Ấn Độ trên tuyến đường Nathu La.
Vì quá bất ngờ và không có chỗ ẩn nấp nên hầu hết những binh sĩ Ấn Độ đều bị trúng đạn.
Quân Trung Quốc sau đó nã pháo và Ấn Độ đáp trả tương ứng. Giao tranh kéo dài suốt 3 ngày đêm với súng máy, súng cối và pháo binh thì quân Ấn Độ đã chiếm ưu thế rõ rệt và phá hủy lô cốt, buộc phía Trung Quốc phải rút xa hàng km.
Đến ngày 1.10.1967, một cuộc giao tranh khác nổ ra ở Cho La, tuyến đường nối giữa Sikkim và Tây Tạng, cách Nathu La vài km về phía bắc.
Nguồn tin Ấn Độ nói quân Trung Quốc đột nhập qua biên giới, tuyên bố chủ quyền Cho La và yêu cầu Ấn Độ rời khỏi khu vực. Phía Trung Quốc cho rằng quân Ấn Độ vượt qua biên giới và nổ súng về phía lính biên phòng nước này.
Giao tranh kéo dài trong một ngày thì kết thúc với việc quân Trung Quốc phải rút về cứ điểm phòng thủ cách Cho La 3km.
Trung Quốc ngày nay rất ít khi nhắc đến sự kiện giao tranh ở Sikkim và chỉ xác nhận 100 lính thiệt mạng. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố, 88 binh sĩ nước này thiệt mạng còn tổn thất phía Trung Quốc là 450 người.
"Chúng ta đã đánh họ chảy máu mũi," một cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ nói trên Hindustan Times khi được hỏi về xung đột biên giới năm 1967.
Trận chiến biên giới 1967: Ấn Độ đánh bật Trung Quốc - 4
Binh sĩ Ấn Độ canh gác ở khu vực biên giới với Trung Quốc ngày nay.
Sự kiện ở Sikkim năm 1967 được giới phân tích đánh giá là bước ngoặt trong cán cân sức mạnh Trung-Ấn. Trung Quốc đã không còn có thể dễ dàng tràn sâu vào trong biên giới Ấn Độ như cách đó 5 năm.
Năm 1975, người dân Sikkim bỏ phiếu với tỷ lệ 97% người ủng hộ sáp nhập vùng đất này thành một bang của Ấn Độ. Trung Quốc sau đó tuyên bố chấp nhận Sikkim là một phần của Ấn Độ đổi lại việc Ấn Độ ghi nhận Tây Tạng là một phần Trung Quốc.
Trên thực tế, Ấn Độ đã không can dự vào Tây Tạng từ những năm 1953. Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia bảo từng nói Sikkim không còn là vấn đề giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Căng thẳng Trung-Ấn một lần nữa quay trở lại vào tháng 6.2017 ở khu vực tranh chấp Doklam giáp với Sikkim. New Delhi tố Bắc Kinh đưa quân xâm nhập để xây đường tại khu vực mang ý nghĩa chiến lược giáp 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.
Trận tử thủ bi tráng của 123 lính Ấn Độ trước 5000 quân TQ
Chiến tranh biên giới Ấn-Trung 1962 được coi là sự kiện đáng quên của Ấn Độ, nhưng trong trận chiến không cân sức ấy,...
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt)

Trận tử thủ bi tráng của 123 lính Ấn Độ trước 5000 quân TQ

Thứ Bảy, ngày 22/07/2017 19:01 PM (GMT+7)

Chiến tranh biên giới Ấn-Trung 1962 được coi là sự kiện đáng quên của Ấn Độ, nhưng trong trận chiến không cân sức ấy, những người lính Ấn Độ đã làm nên điều thần kỳ.

Trận tử thủ bi tráng của 123 lính Ấn Độ trước 5000 quân TQ - 1
Thất bại trong cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962 là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Ấn Độ hiện đại hóa quân đội.
Chiến tranh biên giới Trung-Ấn nổ ra ngày 20.10.1962 đánh dấu đợt tiến quân ồ ạt của Trung Quốc trên khắp các khu vực tranh chấp với Ấn Độ.
Cuộc chiến không cân sức
Quân Trung Quốc tiến qua cao nguyên Aksai Chin hướng đến khu vực Ladakh, nơi có cao điểm chiến lược Rezang La. Nếu sân bay quân sự Chunsul đặt ở khu vực này thất thủ, Ấn Độ hoàn toàn có thể để mất cả Ladakh vào tay người Trung Quốc
Trách nhiệm phòng thủ cứ điểm quan trọng nhất ở Ladakh đặt lên vai 123 người lính Ấn Độ thuộc 2 tiểu đoàn bộ binh do thiếu tá Shaitan Singh chỉ huy.
Nhóm binh sĩ Ấn Độ đóng quân từ tháng 9 và đến ngày 18.12.1962, họ phải chiến đấu chống quân Trung Quốc trong một trận đánh không cân sức.
Đó là một ngày Chủ nhật lạnh cóng và nhiệt độ có lúc xuống đến âm 40 độ C. Một vết nhỏ ở bàn tay trong điều kiện thời tiết như vậy cũng sẽ khiến cả bàn tay bị buộc phải cắt bỏ.
Trận tử thủ bi tráng của 123 lính Ấn Độ trước 5000 quân TQ - 2
Địa hình đồi núi khiến cho Ấn Độ rất khó khăn trong việc điều quân tiếp viện.
Con người thông thường không thể tồn tại trong điều kiện nhiệt độ như vậy trong thời gian dài nhưng các binh sĩ Ấn Độ vẫn phải chiến đấu bảo vệ lãnh thổ.
Để mất cao điểm Rezang La, nơi cao hơn mực nước biển tới 4.800 mét, đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ không thể tiếp cận Ladakh từ phía đông bắc.
3 giờ 30 phút sáng, 5.000-6.000 quân Trung Quốc tấn công Rezang La dưới sự yểm trợ của pháo binh. Lực lượng Trung Quốc được trang bị hỏa lực cực mạnh bao gồm súng máy, súng cối, rocket 120mm, súng không giật 75mm và 57mm chuyên dùng để tấn công lô cốt quân sự.
Khi thiếu tá Shaitan Singh nhận ra đợt tấn công của quân Trung Quốc, ông đã gọi điện cho trung tâm chỉ huy và yêu cầu chi viện. Shaitan nói qua radio rằng ông và người của mình sẽ cố thủ cho đến khi quân tiếp viện đến.
Tuy nhiên, yêu cầu chi viện bị bác bỏ bởi Ấn Độ không sẵn sàng dùng máy bay vận tải đem vũ khí và nhân lực đến Rezang La. Sở chỉ huy còn yêu cầu Shaitan rút người của mình khỏi khu vực để tránh thương vong.
Thiếu tá Shaitan Singh trả lời rằng ông sẽ không rời Rezang La và quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Trong thông điệp cuối cùng với binh sĩ dưới quyền, Shaitan nói: “Rezang La nuôi sống chúng ta nhiều năm qua, đến lúc chúng ta phải bảo vệ nơi này. Tôi yêu cầu mọi người giữ vững vị trí và chiến đấu bảo vệ Rezang La”.
Trận tử thủ vĩ đại của người Ấn Độ
Trong bối cảnh hàng ngàn quân Trung Quốc áp sát cứ điểm phòng thủ của 123 lính Ấn Độ, thiếu tá Shaitan Singh ra lệnh cho mọi người bình tĩnh và không phung phí đạn dược.
Chỉ đến khi quân Trung Quốc đến gần, binh sĩ Ấn Độ mới đồng loạt nã súng khiến đối phương bất ngờ.
Trận tử thủ bi tráng của 123 lính Ấn Độ trước 5000 quân TQ - 3
Ram Kumar là một trong số ít người lính Ấn Độ sống sót sau trận Rezang La.
Nguồn tin của quân đội Ấn Độ kể lại rằng, binh sĩ Trung Quốc đã gọi điện về trung tâm chỉ huy, thông báo “về tin tình báo sai lệch và chúng tôi chỉ còn cách Rezang La vài mét. Dường như có tới 3.000 quân Ấn Độ cố thủ ở đây”.
Quân Trung Quốc mặc dù chịu thương vong lớn nhưng được hỗ trợ đạn dược và tăng cường binh lực nên tiếp tục tấn công không ngừng nghỉ trong suốt 5 giờ đồng hồ.
Đại úy Ramchander Yadav, một trong 6 người sống sót bên phía Ấn Độ kể lại rằng quân Trung Quốc dường như không hề biết sợ. “Họ tấn liên tục tấn công dù bị đẩy lùi 2 lần”.
Đến khi cạn kiệt đạn dược, những người lính Ấn Độ phải chiến đấu bằng dao và lưỡi lê.
Yadav nói người lính tên Naik Ram Singh từng là một đô vật. Anh ta dùng dao giết tất cả những kẻ địch lao đến gần cho đến khi bị bắn vào đầu.
Bản thân thiếu tá Shaitan Singh là một trong những người chiến đấu anh dũng nhất. Ông cướp được khẩu súng máy tự động của quân Trung Quốc và nã đạn không ngừng nghỉ cho đến khi gục ngã.
Yadav kể lại rằng thi thể Shaitan đầy những vết đạn. Tay vị thiếu tá này vẫn giữ vững cò súng đến giây phút cuối cùng.
Yadav nói ông là người được Thiếu tá Shaitan Singh ra lệnh trở về sở chỉ huy để kể lại về những gì đã xảy ra ở Rezang La và cách những người lính Ấn Độ chiến đấu anh dũng đến chết như thế nào.
Trong số 123 người cố thủ ở Rezang La, 114 người chết, 8 người bị bắt làm tù binh còn ông Yadav về được đến sở chỉ huy vào 1 giờ chiều ngày hôm sau (19.11.1962).
Trận tử thủ bi tráng của 123 lính Ấn Độ trước 5000 quân TQ - 4
Nơi tưởng niệm những người lính Ấn Độ ngã xuống trong trận Rezang La.
Điều thần kỳ là những tù binh này đều trốn thoát trở về Ấn Độ không lâu sau chiến tranh.
Ở Rezang La ngày nay có đặt một tấm bia tưởng niệm nhỏ, ghi nhớ công lao của những người lính chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ lãnh thổ. Tấm bia viết rõ thương vong của phía Trung Quốc vào khoảng 1.300 người.
Trả lời phỏng vấn trên India Express, Yadav từng nói: “Không ai tin chúng tôi đã tiêu diệt nhiều quân địch đến vậy. Nhưng đó là sự thật”.
Yadav nói xác quân Trung Quốc nằm la liệt khắp nơi và đơn vị của ông chỉ chịu thua vì cạn kiệt đạn dược.
Trận tử thủ lịch sử này từng được Bollywood dựng thành phim năm 1964 và ca khúc Kar Chale Hum Fida trong phim khiến nhiều người Ấn Độ rơi nước mắt.
Đến ngày 21.11.1962, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố đạt được mục đích trong cuộc chiến tranh biên giới và rút quân.
Ladakh ngày nay trở thành điểm du lịch nổi tiếng của những người ưa mạo hiểm. Khách du lịch cũng được phép đến tham quan nơi 123 người lính Ấn Độ từng tử chiến năm xưa.
_____________
Sau thất bại trong chiến tranh biên giới Ấn-Trung năm 1962, Ấn Độ từng đáp trả khiến Trung Quốc không dám gây hấn ở khu vực tranh chấp. Bài viết xuất bản ngày 23.7 sẽ tập trung khai thác sự kiện này.
80.000 quân TQ từng tràn qua biên giới, đánh sâu vào Ấn Độ
Mâu thuẫn biên giới lên tới đỉnh điểm khi 80.000 quân Trung Quốc tràn vào Ấn Độ, mở đầu chiến tranh biên giới Trung-Ấn...
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét