Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

BÍ ẨN LỊCH SỬ 67/6

(ĐC sưu tầm trên NET)
[​IMG]
Tình báo là một mặt trận thầm lặng nhiều khi không có tiếng súng nhưng vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi người chiến sĩ tình báo phải gan dạ, mưu trí, dũng cảm. Trong thời gian tồn tại của mình, cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) đã có những đóng góp đáng kể vào sự vững mạnh của đất nước cũng như thế cân bằng chiến lược Đông Tây. Cuốn Các chủ tịch KGB - Những hồ sơ lộ sáng của nhà sử học lừng danh người Nga Leonid Mlechin viết về những nhà lãnh đạo của KGB trong suốt thời gian cơ quan này hoạt động. Với những phân tích, đánh giá sâu sắc, tinh tế của mình, Leonid Mlechin sẽ đem đến cho bạn đọc cái nhìn đúng đắn, thoả đáng về vai trò, vị trí của các vị thủ lĩnh và cơ quan KGB trong lịch sử tồn tại của Liên bang Xô Viết. Đó là những người mà số phận gắn liền với cả vinh quang chói lọi và những thất bại cay đắng.
------------------------------------------------------------------

LỜI GIỚI THIỆU

LỜI GIỚI THIỆU
Cuốn sách các bạn cầm trên tay của tác giả Nga Leonid Mlechin là một cuốn sách đặc biệt vì nó kể về những người lãnh đạo một công tác mà ở Liên Xô trước đây và Nga hiện nay gọi là "công tác đặc biệt"; và bản thân những người đó cũng có những số phận đặc biệt. Đó là các Chủ tịch KGB.
Cơ quan an ninh Liên Xô được thành lập từ những ngày đầu cách mạng tháng Mười với nhiệm vụ trấn áp các lực lượng phản cách mạng trong nước để bảo vệ chính quyền với tên gọi là Ủy ban đặc biệt, về sau đã trở thành một cơ quan kiểm soát toàn diện xã hội và một cơ quan tình báo quốc tế bậc nhất. Với tên gọi là KGB từ năm 1954, cơ quan quyền lực hùng mạnh này đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với số đông người và niềm kính nể đối với đồng nghiệp an ninh quốc tế.
KGB là một hiện tượng lịch sử trong thế kỷ 20, nó được xây dựng bằng công sức, trí tuệ và cả xương máu của nhiều thế hệ người Xô viết. Suốt 74 năm tồn tại Liên Xô (1917 - 1991); KGB sống song hành cùng Liên Xô.
Những chặng đường các Chủ tịch KGB đã đi là những chặng đường của lịch sử Liên Xô vinh quang và cay đắng. Và số phận cá nhân vừa oanh liệt vừa bi thảm của họ cũng không nằm ngoài lịch sử đó. Đây là lần đầu tiên, một cuốn sách kể về cuộc đời và sự nghiệp của tất cả các Chủ tịch KGB (mười bảy vị) từ thời Lênin cho đến khi Liên Xô tan rã.
Đọc cuốn sách này, người ta hiểu biết thêm nhiều về lịch sử chính trị và an ninh Liên Xô. Trong sách có đề cập đến những lãnh tụ và nhân vật lịch sử như Lênin, Stalin, Trotski và một số nhân vật còn có những đánh giá khác nhau như Beria, Tukhachevski và một số vụ việc còn nhiều bí ẩn như vụ ám sát Kirov, "Vụ án các bác sĩ", vụ "Đảng bộ Lêningrad "v.. v... Một số sự kiện lịch sử như việc Stalin bắt tay với Hitle để trì hoãn chiến tranh, sự biến ở Hung-ga-ri năm 1956 v.v... được đề cập và phân tích khá sâu trong mối quan hệ chính trị - ý thức hệ - an ninh.
Sách cũng cung cấp thêm tư liệu và lý giải về những diễn biến nhân sự ở hậu trường trong những bước ngoặt lớn chuyển giao lãnh đạo của Liên Xô. Hầu hết các nhà hoạt động nhà nước nổi tiếng của Liên Xô được nhắc đến trong sách này.
Đây không phải là cuốn sách về một ngành công tác. Đây là câu chuyện kể về những bước ngoặt lịch sử của đất nước Liên Xô, mà trên mỗi bước ngoặt đó đều có vai trò của KGB.
Do đó nó không chỉ bổ ích về nghiệp vụ mà còn có giá trị nghiên cứu, tham khảo rất quý đối với đông đảo bạn đọc.
L.Mlechin trong mấy năm gần đây là một tác giả ăn khách ở Nga, vì sách của ông thường viết về đề tài an ninh, trên cơ sở khai thác kho tư liệu lưu trữ phong phú của Liên Xô và KGB. Tuy nhiên, nằm trong trào lưu tư tưởng dân chủ cấp tiến của xã hội Nga hiện nay, tác giả có xu hướng phân tích một cách phê phán đối với lịch sử nước nhà, đối với Stalin.
Đó là điều phổ biến và khó tránh được hiện nay. Nhiều điều đã được biết hoặc trở thành bình thường đối với xã hội Nga có thể không được chấp nhận hoặc chia sẻ đối với chúng ta. Mặc dù vậy, giới thiệu cuốn sách này với độc giả kính mến, chúng tôi tin rằng cuốn sách có giá trị tái hiện lịch sử sinh động, lại được viết bằng giọng văn chính luận hấp dẫn, chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều điều bổ ích và phát hiện lý thú.
Dịch giả HÙNG SƠN


CHƯƠNG 6: VSEVOLOD NICOLAEVICH MERCULOV

Vsevolod N. Merkulov Dân ủy An ninh quốc gia (2/1941 - 4/1943)
Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia (3/1943 - 4/1946) 

N.K.Baibakov - nguyên Chủ nhiệm ủy ban kế hoạch nhà nước, thời gian đầu chiến tranh làm đặc phái viên của Hội đồng quốc phòng về các vấn đề công nghiệp dầu ở vùng Kavkaz kể lại việc Stalin giao cho ông nhiệm vụ phá hủy các cơ sở lọc dầu ở vùng Kavkaz như sau:
- Đồng chí Baibakov! Quân Đức đang tiến về Kavkaz. Nếu đồng chí để lại cho quân Đức dù chỉ một tấn dầu, chúng tôi sẽ xử bắn đồng chí.
Stalin chậm rãi đi đi lại lại cạnh bàn, im lặng một lát rồi nói thêm:
- Nhưng nếu đồng chí phá huỷ các cơ sở sớm trước mà quân Đức không đến, chúng ta không có nhiên liệu dùng, thì đồng chí cũng sẽ bị xử bắn.
Điều lạ kỳ là sau gần nửa thế kỷ, Baibakov vẫn kể lại những lời hăm doạ của Stalin với lòng khâm phục.
Giúp Baibakov là Merculov. Ông dẫn các chuyên gia người Anh đến để giới thiệu với Baibakov kinh nghiệm phá các nhà máy lọc dầu của họ để khỏi bị lọt vào tay Nhật. Nhưng Baibakov không theo kinh nghiệm của Anh. Các chuyên gia Liên Xô nghĩ ra một phương pháp riêng. Không phải ông sợ sự phá hoại của gián điệp nước ngoài. Mà Merculov lúc đó đã là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ. Ông sợ là sợ không hoàn thành đúng lúc nhiệm vụ mà Stalin đã giao. Cuối cùng, họ đã làm nổ các dàn khoan và nhà máy lọc dầu khi quân Đức đã tiến đến gần sát, nghe thấy cả tiếng súng nổ bên tai.
Merculov hơn Beria bốn tuổi, nhưng trong quan hệ với nhau Beria luôn luôn là anh. Không phải chỉ vì chức vụ. Merculov kém Beria về tính kiên quyết, sự lạnh lùng và cả về năng lực tổ chức.
V.N. Merculov sinh năm 1895 tại thành phố nhỏ Zacatala ở Azerbaijan. Ông học trường cao đẳng kỹ thuật Baku cùng với Beria và các cán bộ an ninh kỳ cựu như Goglidze, Cobulov, Diafar Bagirov. Merculov học cao hơn các đồng chí của mình: sau đó ông lên Thủ đô (Peterburg) và năm 1913 vào học khoa toán - lý Đại học tổng hợp Peterburg. Như vậy Merculov là người có học vấn cao nhất trong ê-kíp của Beria và có thể trong số lãnh đạo cơ quan an ninh nói chung (kế nhiệm ông sau này là Abakumov mới học hết lớp 4).
Nhưng (hoặc có thể do đó), Merculov vào Đảng muộn hơn: mãi năm 1925. Ông đã kịp phục vụ trong quân đội Sa hoàng, rồi trong Hồng quân. Làm công tác giảng dạy ba năm. Năm 1921 ông được lấy vào ủy ban An ninh Gruzia và làm ở đó 10 năm. Đến năm 1931, khi Beria trở thành Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Gruzia thì lấy Merculov về làm công tác Đảng. Beria thích Merculov ở học thức và tính chấp hành. Ngoài ra, Merculov có viết tập sách mỏng "Người con trung thành của Đảng Lênin và Stalin" nói về Beria.
Năm 1937, Beria đưa Merculov về Matxcơva cùng mình. Bản thân Beria nhận chức Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ (để chuẩn bị thay Ejov) kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh quốc gia, bèn cử Merculov làm phó của mình, phong hàm Chính ủy An ninh quốc gia hạng ba (tương đương với Trung tướng trong quân đội).
Khi Beria trở thành Bộ trưởng năm 1938, Merculov làm Phó thứ nhất và Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh quốc gia, phụ trách cả tình báo, phản gián và bảo vệ các ủy viên Bộ Chính trị.
Năm 1939, sau khi Tây Ucraina tách khỏi Ba Lan nhập vào Liên Xô, Merculov đã đi Lvov để chỉ đạo chiến dịch phát hiện và xử lý các phần tử nguy hiểm ở khu vực mới sáp nhập vào Liên Xô này. Năm 1940, ông đã trực tiếp phụ trách việc xử bắn các sĩ quan tù binh Ba Lan ở Khatưn.
Khi chiến tranh nổ ra, các trại lại tràn ngập làn sóng tù nhân mới: đó là những người không thực hiện quy định của chính phủ về việc đem nộp máy thu thanh cá nhân cho ủy ban quận, huyện, những người "loan tin thất thiệt" về việc quân Đức sắp tấn công và loan tin thắng trận của địch hoặc "ca ngợi vũ khí Đức". Hội đồng quốc phòng quyết định cho Ủy ban đặc biệt của Bộ Nội vụ được quyền quy định mức hình phạt cho các tội, kể cả tử hình.
Trong cơn lốc ấy công bằng mà nói, Merculov không phải là kẻ tệ nhất. Ông nhã nhặn, nói năng từ tốn, không quát tháo, và cố gắng làm theo lương tri nếu điều đó không đi ngược lại bổn phận công tác của ông. Beria sai cấp dưới tự tay đánh đập tù nhân. Chỉ có một mình Merculov không chịu làm. Beria cười giễu: trí thức có khác?
Merculov là người mà với ông còn có thể trình bày, thuyết phục được. Khi nhà vật lý Lev Davidovich Landao bị bắt, Viện sĩ Piotr Kapitsa chạy đến Merculov xin cho Landao. Merculov đưa cho viện sĩ xem hồ sơ điều tra, trong đó Landao bị buộc đủ thứ tội chống chế độ. 
Lev Davidovich Landau
Sinh 22 tháng 1, 1908
Baku, Đế quốc Nga
Mất 1 tháng 4, 1968 (60 tuổi)
Moskva, Liên Xô
Ngành Vật lý
Alma mater Đại học Saint Petersburg

Nổi tiếng vì Siêu hóa lỏng, Siêu dẫn
Giải thưởng Giải Nobel vật lý (1962)

Kapitsa nói với Merculov:
- Tôi xin cam đoan với đồng chí rằng Landao không phải là người chống chế độ, anh ấy sẽ không bao giờ tham gia hoạt động phản cách mạng.
- Landao là nhà vật lý giỏi lắm có phải không? - Merculov hỏi.
- Một nhà bác học thiên tài, tầm cỡ quốc tế - Kapitsa đáp.
Landao được tha. Sau này ông trở thành viện sĩ, được giải thưởng Nobel.
Tháng hai năm 1941, khi Bộ Nội vụ được chia thành hai bộ, Merculov được cử làm Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia, phụ trách tình báo, phản gián, công tác chính trị - mật vụ và điều tra. Beria làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, phụ trách công an, cứu hoả, biên phòng, hệ thống nhà tù và trại cải tạo và công nghiệp.
Nửa năm sau khi chiến tranh nổ ra, hai bộ lại nhập làm một. Beria lại làm Bộ trưởng, Merculov lại làm Phó thứ nhất của Beria. Tháng hai năm 1943, ông được phong hàm Chính ủy An ninh quốc gia hạng nhất (tương đương Đại tướng quân đội).
Tháng tư năm 1943, Bộ nội vụ lại tách ra. Và Merculov lại lãnh đạo Bộ An ninh quốc gia.
"MƯỜI BẢY KHOẢNH KHẮC CỦA MÙA XUÂN"
Việc Stirlits - sĩ quan tình báo Liên Xô hoạt động trong bộ máy an ninh Đức - là người của Merculov có thể chỉ là một huyền thoại, một sự tích ly kỳ. Nhưng nhiều người, trong đó có cả những người rất thông thạo cũng tin rằng chuyện đó có thật.
V D.Ejov - Giáo sư, Tiến sĩ sử học, một nhà Đức học lâu năm, kể với tôi rằng ở Iurmala gần vịnh Riga trên biển Ban-tích đã từng có một nhà tình báo Liên Xô sống ẩn dật, xa lánh không chỉ người lạ, mà cả người quen, vì không muốn để mọi người biết về mình. Câu chuyện về cuộc đời con người này là cơ sở để Yulian Semenov viết tiểu thuyết "Mười bảy khoảnh khắc của mùa xuân" đã được dựng thành phim truyền hình.
Trong danh sách những người tham gia xây dựng phim có cố vấn chính của bộ phim là Trung tướng S.K.Mishin. Đó chính là bí danh của Phó Chủ tịch thứ nhất KGB S.K.Tsvigun, một người thân cận của Brejnev.
Vậy sự tích về Stirlits có thật hay không?
Nhà văn Semenov đã quá cố - người mà tôi quen thân và rất yêu mến - là tác giả một loạt tiểu thuyết hay về nhà tình báo Liên Xô Isaev Stirlits. Semenov viết hay và thuyết phục đến nỗi người đọc tiếp nhận Stirlits như một nhân vật lịch sử có thật.
Cuối những năm 20 - đầu những năm 30, Liên Xô có ở Đức một mạng lưới tình báo và phản gián rất mạnh với số lượng điệp viên đông đảo. Nhưng năm 1936 chiến dịch thanh lọc quy mô lớn đã động đến cả quân đội và an ninh. Nhiều cán bộ an ninh đang hoạt động ở nước ngoài bị gọi về, bị bắt hoặc bị bắn. Năm 1938, lãnh đạo Cục tình báo quân sự báo cáo với Bộ trưởng Quốc phòng rằng Hồng quân Liên Xô thực tế không còn tình báo nữa, mạng lưới hoạt động bí mật làm cơ sở cho ngành quân báo đã hầu như bị phá huỷ. Các cuộc khủng bố diễn ra sau vụ án "Tukhachevski" đã giáng một đòn tổn thất lớn cho quân đội. Bộ máy quân báo không còn lại một cán bộ dày dạn kinh nghiệm nào. Khi một sĩ quan cao cấp trong bộ máy Trung ương bị bắt, thì tất cả các chiến sĩ tình báo có quan hệ công tác với sĩ quan đó, cả công khai và bí mật, đều tức khắc bị tình nghi. Đầu tiên là Matxcơva không tin những báo cáo của họ nữa, sau đó họ bị gọi về Matxcơva thậm chí không kịp bàn giao công việc cho người thay. Như vậy là tình báo Liên Xô bị làm suy yếu không phải bởi kẻ địch, mà bằng chính lãnh đạo nước mình.
Thượng tướng V.Nikolski thời gian ngay trước chiến tranh làm ở Cục tình báo quân đội kể: "Chúng tôi nắm được kế hoạch hoạt động của các nước châu Âu rõ hơn là ý định của chính phủ nước mình. Việc ký hiệp ước với Đức, việc quân đội Liên Xô tiến vào lãnh thổ Ba Lan là những điều hoàn toàn bất ngờ đối với tình báo Liên Xô.
Khi Hồng quân tiến vào chiếm các vùng phía Đông Ba Lan, chúng tôi đã không kịp chuyển các cơ sở và mạng lưới sang phía tây, và các điệp viên của chúng tôi đã bị bắt làm tù binh của Liên Xô.
Cuộc rút lui trong năm đầu của chiến tranh cũng đã buộc phải bỏ các điểm trinh sát, bị mất cán bộ. Trang thiết bị của tình báo cũng rất nghèo nàn: không có các trạm điện đài, vũ khí tự động và dù, cho các đơn vị biệt động, trinh sát. Trong những tháng đầu chiến tranh, các chiến sĩ được cử vào vùng địch hậu chỉ có súng lục, vì không có tiểu liên.
Tôi hỏi tướng Nikolski đánh giá thế nào về hoạt động của quân báo trong giai đoạn đầu chiến tranh, và những tin tức tình báo thu được có đáng với hy sinh tổn thất to lớn phải bỏ ra không?
- Đáng chứ. - Thượng tướng Nikolski trả lời - Nếu không thế, chúng ta không thể chiến đấu được. Đôi khi cái giá để đạt được mục đích lớn kinh khủng, nhưng chiến dịch bảo vệ Matxcơva không có trinh sát, tình báo thì không thể thắng được. Trong khi đó, lãnh đạo liên tục cải tổ cơ cấu các cơ quan an ninh: Bộ Nội vụ khi thì chia làm hai, khi nhập làm một, quân báo khi thì thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng, khi thì của Bộ Nội vụ, khi lại Bộ Quốc phòng.
Năm 1942, có lệnh cải tổ quân báo, bởi cho rằng có nhiều kẻ hoạt động "hai mặt" trà trộn vào, do đó các cán bộ quân báo bị chuyển hết về Bộ An ninh quốc gia, còn các chiến sĩ trinh sát cấp thấp thì đưa về bổ sung cho các đơn vị.
Sau này, theo đề nghị liên tục của các chỉ huy các phương diện quân, mới khôi phục đơn vị trinh sát và thành lập Cục trinh sát trong Bộ Tổng tham mưu. Nhưng hậu quả của đòn đánh vào quân báo năm 1942 vẫn còn tác động lâu. Nhiều cán bộ và chiến sĩ trinh sát có kinh nghiệm và chuyên môn đã hy sinh trong chiến đấu. Stalin rất yêu quý công tác tình báo. Nhưng cuộc thanh lọc quy mô lớn do ông chủ trương và thực hiện bằng tay Ejov đã làm suy kiệt lực lượng tình báo. Năm 1938, cơ sở tình báo của Liên Xô ở Berlin chỉ còn ba cán bộ, trong đó một người không biết tiếng Đức. Khi Merculov lên lãnh đạo Tổng cục An ninh quốc gia, có phục hồi lại được quy mô cũ của cơ sở này, nhưng kết quả kém xa ngày xưa. Bởi các cán bộ chỉ nắm được tình hình ở nơi mà anh ta được cài vào, chứ không nắm được tình hình rộng, không thăm dò được ý tứ của những người trong giới cầm quyền của Đức nhất là những người trong giới thân cận với Hitler - mà điều này mới có giá trị. Matxcơva không hiểu được lãnh đạo Đức suy tính gì, nên phải xây dựng giả thuyết, mà nhiều giả thuyết bị sai.
Thêm vào đấy, được cử làm trưởng cơ sở tình báo ở Berlin là Kabulov, em trai của Thứ trưởng thứ nhất (Phó của Merculov), một người vừa không có kinh nghiệm tình báo, vừa không biết tiếng Đức. Tình báo Đức nắm được điều đó, đã tung các điệp viên hoạt động hai mang biết nói tiếng Nga để tiếp cận. Và Kabulov dễ dàng tiêu hoá số thông tin giả mà những người này bơm cho ông ta. Chính Hitler đích thân xem trước các thông tin được an ninh Đức làm ra để đưa cho Kabulov.
Chính thông qua con đường đó mà Đức tung hoả mù cho Liên Xô là Đức chưa định tấn công Liên Xô. Tất cả được Merculov báo cáo cho Stalin. Ngoài ra, nhiều người cộng tác với An ninh Liên Xô là những người chống phát xít, cánh tả, có những người khác làm việc vì tiền - có thông tin là có tiền. Cho nên nhiều khi chúng ta đã phải trả tiền để nhận thông tin giả.
Vấn đề nữa là phân tích thông tin. Stalin không tin vào năng lực phân tích và tổng hợp của cán bộ, thường yêu cầu Merculov cung cấp nguyên văn các báo cáo và tin tức tình báo để tự mình rút ra kết luận. Do đó mà Merculov cũng không phải nhọc công thành lập bộ phận phân tích đánh giá thông tin. Điều ảnh hưởng đến đánh giá của lãnh đạo Liên Xô là trước ngày 22/6/1941 Stalin và những đồng chí thân cận nhất của ông vẫn tin vào khả năng hợp tác lâu dài với Đức, do đó trong các báo cáo chỉ nhìn thấy và nhận ra những gì mà họ muốn nhìn thấy...
Cho tận đến khi kết thúc chiến tranh, Stalin vẫn sợ rằng quân Đức thoả thuận được với Mỹ và Anh để đầu hàng ở mặt trận phía Tây và tung quân sang mặt trận phía Đông để chống lại Liên Xô. Những cuộc đàm phán riêng rẽ giữa Đức với Anh và Mỹ quả thật đã diễn ra.
Tháng 3 năm 1945, Anh và Mỹ cử tình báo Allen Dulles đi Thụy Sỹ để đàm phán với bộ chỉ huy quân Đức về việc đầu hàng của lực lượng quân đội Đức ở Italia.
Allen Dulles, Giám đốc tương lai của C.I.A, theo nghề nghiệp là một luật sư, trong chiến tranh thế giới thứ nhất đã là gián điệp Mỹ ở Thụy Sỹ. Được tin Mỹ tiến hành đàm phán riêng rẽ với Đức sau lưng Liên Xô, Stalin nổi giận. Mặc dù người Mỹ thanh minh là Mỹ làm thế để giảm bớt tổn thất cho Mỹ trong chiến dịch giải phóng nước Ý, song sau khi nhận được bức thư trách móc của Stalin, Tổng thống mới của Mỹ lúc đó là H.Truman đã ra lệnh dẹp bỏ hết tất cả các cuộc đàm phán với Đức để không chọc tức người Nga. 
Allen Dulles
Allen w dulles.jpg

Giám đốc Trung tâm Tình báo CIA

Nhưng sau đó hai bên đã tính được một giải pháp hợp lý: ngày 28/4/1945 đã ký văn bản tiếp nhận sự đầu hàng của quân Đức ở Bắc Ý với sự có mặt của đại diện Liên Xô.
Khi Yulian Semenov viết truyện và kịch bản phim "Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân", ông không được vào kho xem các tài liệu mật của Liên Xô và của Đức Quốc xã, mặc dù có được đọc hai tập thư từ qua lại giữa Stalin với Churchill và Roosevelt trong những năm chiến tranh. Nhưng ông là một nhà văn tài năng. Hình tượng Stirlits được tổng hợp từ nhiều mẫu người tình báo và chắt lọc trong cuộc đời. Một số tình tiết khác được ông nghĩ thêm ra, chí lý chí tình. Thực tình, Stirlits như trong truyện và phim không có thật trong đời một trăm phần trăm, mà là hình tượng tổng hợp có pha trộn của người tình báo Xô viết. Chính Semenov nói rằng trong hình tượng Stirlits có một phần của nhà tình báo Norman Borodin con trai ông M.M.Borodin - Cố vấn chính trị của Liên Xô tại Trung Quốc trong những năm 20. Còn Thiếu tướng An ninh S.A.Kondrashov cho rằng nguyên mẫu của Stirlits là Alexandr Mikhailovich Korotkov - trùm phản gián hoạt động dưới thời của Merculov.
Thành công của "Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân" gắn liền với hình ảnh người chiến sĩ tình báo Liên Xô được nhân dân yêu thương và mến phục. Tình yêu lớn đó của nhân dân, ngành an ninh được thừa hưởng.
TƯỚNG VLASSOV
Khi Merculov trở thành Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia lần thứ hai, ông được giao một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: thủ tiêu A.A.Vlassov - Trung tướng Hồng quân chạy sang phía quân Đức.
Tướng Vlassov - chỉ huy tập đoàn quân tiên phong số 2 - bị bắt làm tù binh ngày 13/7/1942. Tin này do đài Đức thông báo không gây ấn tượng gì đặc biệt cả, bởi vì ông không phải là viên tướng duy nhất bị bắt làm tù binh. Matxcơva chỉ lo lắng sau khi quân Đức rải truyền đơn có lời kêu gọi của Vlassov và thấy rằng Vlassov đã chạy sang phía quân Đức. Tin về việc Vlassov quay súng chống lại chính quyền Xô viết và lập một đội quân riêng từ các tù binh Liên Xô đã lan khắp các mặt trận, và Vlassov trở thành một kẻ thù nguy hiểm. Hơn nữa trong quân đội, Vlassov được biết đến như một vị tướng dũng cảm và bình tĩnh. Trong những ngày bi kịch năm 1942, khi mọi thứ cảm thấy như sắp đổ sụp, Vlassov đã khích lệ niềm tin trong binh sĩ. Khruschov - ủy viên Hội đồng quân sự phương diện quân phía Nam và Trung tướng M.P.Kirpanos - Tư lệnh phương diện quân Tây - Nam đã giao cho Vlassov chỉ huy tập đoàn quân bảo vệ Kiev. Kiev đã không bảo vệ được, lỗi cũng chẳng phải của Vlassov. Nhưng ông lại đã xuất sắc trong trận đánh bảo vệ Matxcơva. Đại tướng P.Grigorenko viết trong hồi ký: "Năm 1940, không có ngày nào báo "Sao Đỏ" không viết về sư đoàn 99 do Vlassov chỉ huy. Việc đào tạo và luyện tập xạ kích trong sư đoàn ông là kiểu mẫu. Các chuyên gia về xạ kích từ các đơn vị về sư đoàn ông học tập. Lần thứ hai tôi nghe nói nhiều về Vlassov như một nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc vào tháng 11 năm 1941". 
Tặng thưởng tướng Vlasov năm 1942 . Ảnh : Commons.wikimedia.org
A.Valsov là một trong những anh hùng của trận chiến Matxcova . Ảnh: Commons.wikimedia.org
 
Vlasov trong trại tù binh . Ảnh: Commons.wikimedia.org
 
Vlasov và Himmler . Ảnh : Commons.wikimedia.org
 
Các chiến sĩ an ninh tìm cách tiếp cận với các bạn chiến đấu của Vlassov xem ai đó có thể giúp tiêu diệt vị chỉ huy cũ. Một trong những người gần gũi với Vlassov là G.N.Jelenkov - Chính uỷ, ủy viên Hội đồng quân sự tập đoàn quân 32, tháng 10/1941 bị mất tích, hoá ra bị bắt làm tù binh. Trước chiến tranh, Jelenkov là Bí thư huyện ủy Rostokin, ngoại ô Matxcơva.
Bộ An ninh quốc gia quyết định tuyển mộ Jelenkov để thực hiện việc giết Vlassov. Kế hoạch chiến dịch do chính Bộ trưởng Merculov phê duyệt.
Báo "Tuyệt mật" năm 1996 đăng những tài liệu lưu trữ quốc gia liên quan đến việc tổ chức tiếp cận Vlassov.
Các chiến sĩ an ninh đã gặp vợ Jelenkov và bảo bà viết một bức thư cho chồng. Trong thư có nói cho Jelenkov biết tình hình là gia đình vẫn yên ổn không bị bắt bớ, nhưng mọi sự sẽ phụ thuộc vào ông ta. Nếu ông ta giúp tiêu diệt Vlassov thì ông ta và gia đình sẽ được bảo vệ.
Merculov ra lệnh sử dụng mọi khả năng của cơ quan an ninh trong các vùng bị chiếm đóng, tìm những người có thể cộng tác để nắm được bộ xậu gần gũi Vlassov, những chỗ yếu của hệ thống bảo vệ Vlassov và tuyến đường đi lại của ông ta.
Nhưng An ninh Liên Xô đã không giết được Vlassov.
Vả lại, Merculov và Bộ An ninh quốc gia cũng không dám và không thể phân tích được nguyên nhân thật sự của hiện tượng Vlassov và các tù binh chạy sang hàng ngũ Đức.
Trong chiến tranh, 5.240.000 người lính Hồng quân đã bị Đức bắt làm tù binh, trong đó có 3,8 triệu người bị bắt ngay trong mấy tháng đầu chiến tranh. Liên Xô không công nhận khái niệm "bị bắt làm tù binh", mà chỉ có những kẻ "đào ngũ, phản bội Tổ quốc" và "kẻ thù của nhân dân". Lệnh số 270 ngày 16/8/1941 do Stalin ký yêu cầu các chiến sĩ Hồng quân trong mọi tình huống phải chiến đấu đến cùng, không được để bắt làm tù binh. Các sĩ quan chỉ huy có quyền bắn chết những ai chọn bị bắt làm tù binh hơn là chết. Điều 58 Bộ Luật hình sự Cộng hoà liên bang Nga cho phép đưa ra toà thân nhân của những chiến sĩ Hồng quân bị bắt làm tù binh và đưa họ đi đày ở Sibir.
Những qui định nghiêm khắc đó mục đích là để ngăn việc bị bắt làm tù binh, nhưng đã dẫn đến những kết quả ngược lại. Những người đã bị bắt làm tù binh sợ trở về Tổ quốc, nơi họ bị coi là những kẻ phản bội. Như thực tế đã chứng minh, năm 1945, những tù binh Liên Xô được thả ra khỏi nhà tù của phát xít Đức để lại bị đưa vào trại cải tạo Liên Xô. Do đó, nỗi sợ của họ không phải là không có cơ sở.
Nhân loại không quên sự dã man, tàn bạo của chủ nghĩa phát xít Hitler. Hai triệu rưỡi người Liên Xô đã chết trong các nhà tù của Đức. Trong điều kiện tù đầy man rợ của phát xít Đức, nhiều tù binh Liên Xô đã đồng ý cộng tác với Đức để đổi lấy mạng sống. Họ được lái xe hoặc làm thợ cơ giới trong nhà tù cho Đức.
Một bộ phận các tù binh Nga đầu hàng Đức đã tập hợp lại trong cái gọi là "Quân đội giải phóng Nga" dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh cũ của Liên Xô như Vlassov, Krasnov, Buniachenko và đã chiến đấu với Hồng quân Liên Xô. Năm 1945, khi quân Đức liên tiếp thua Hồng quân và phải rút chạy về phía Tây, các Tướng chỉ huy "Quân đội giải phóng Nga" thấy đổ máu tiếp không còn ý nghĩa nữa, đã quay sang tranh thủ phe đồng minh bằng chủ nghĩa chống Bônsêvích của mình.
Có một chi tiết thú vị là chính sư đoàn Một "Quân đội giải phóng Nga" của Buniachenko chứ không phải Nguyên soái Liên Xô Konev đã giải phóng Praha. "Quân đội giải phóng Nga" có mặt ở Tiệp Khắc vào lúc diễn ra cuộc khởi nghĩa của các sĩ quan Tiệp, được các sĩ quan Tiệp yêu cầu giúp đỡ. Buniachenko đã thuyết phục Vlassov nhận giúp đỡ, với lý do là như vậy thì chính phủ tương lai của Tiệp sẽ mang ơn họ và cho họ cư trú chính trị.
Vlassov và Buniachenko chiến đấu tốt, và đã giải phóng được Praha, nhưng sự nghiệp của họ cũng đến hồi kết thúc, vì quân đồng minh do Tướng Mỹ D.Eisenhower chỉ huy và quân Liên Xô do Nguyên soái Konev chỉ huy cũng đã tiến sát đến Praha. Buniachenko ra lệnh rút quân khỏi Praha ngày 8/5. Ngày 9/5 Nguyên soái Konev tiến vào Praha.
Ngày 11/2/1945, Roosevelt, Churchill và Stalin đã ký tại Yalta hiệp định về việc trao trả cho Liên Xô các công dân Liên Xô ở vùng giải phóng của Anh và Mỹ, đặc biệt là các tù binh bị Đức bắt. Quân Vlassov đầu hàng đồng minh, đã bị Mỹ, Anh đưa về Liên Xô. Những kẻ đầu sỏ của "Quân đội giải phóng Nga" đứng đầu là Vlassov đã bị treo cổ. Những người khác bị tống vào trại.
Trong quá trình xem xét lại lịch sử, có người muốn đánh giá vấn đề theo hướng ngược lại: thay vì Vlassov - phản bội Tổ quốc, người ta muốn đánh giá Vlassov là người yêu nước, bởi theo họ, Stalin với Hiler không tốt hơn nhau là mấy.
Nhưng liệu họ có nghĩ rằng: năm 1941, đâu có phải Stalin đấu tranh với Hiler, mà là nhân dân các dân tộc Liên Xô đứng lên chiến đấu chống bạo tàn để bảo vệ Tổ quốc, đất đai, làng mạc và gia đình họ. Và do vậy mà họ đã chiến thắng Hitler và Vlassov.
TEHERAN - 43
Cuộc gặp gỡ giữa những người lãnh đạo ba nước lớn Xô - Mỹ - Anh đã diễn ra tại Teheran cuối năm 1943.
Vào thời gian này, tại Teheran có số lượng lớn người Đức sinh sống. Ngoài ra, rất đông người Iran đứng về phía Đức, vì ảnh hưởng của Đức ở đây vốn lớn, và khi bắt đầu chiến tranh thế giới II, từ hai phía, Liên Xô và Anh đã đưa quân vào Iran để kết thúc và bảo đảm an toàn cho việc chuyên chở vũ khí cho Liên Xô. Điều này đánh vào lòng tự ái dân tộc của người Iran, đặc biệt giới sĩ quan. Do đó, nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng cho ba lãnh tụ và cho việc tiến hành hội nghị là cực kỳ cấp thiết và khó khăn. 


Hội nghị Tehran là một cuộc hội đàm giữa 3 nhà lãnh đạo Iosif Vissarionovich Stalin, Franklin D. Roosevelt và Winston Churchill từ ngày 28 tháng 11 đến 1 tháng 12 năm 1943 tại Tehran, Iran. Đây là hội nghị bàn về Chiến tranh thế giới thứ hai đầu tiên giữa Tam cường (Liên bang Xô Viết, Mỹ và Anh) có sự góp mặt của Stalin, Roosevelt và Churchill. 
 Có giả thuyết rằng để phá hoại hội nghị Teheran, Hiler đã cử đội trưởng đội biệt kích của lực lượng SS là Otto Scorzesi - một người gốc Ý - lãnh đạo "chiến dịch Teheran". Scorzesi nổi tiếng với việc cứu Mussolini năm 1943. Khi vua Ý ra lệnh bắt Mussolini để sớm kết thúc chiến tranh, Hiler đã giao cho Scorzesi nhiệm vụ cứu Mussolini. Và lực lượng An ninh Liên Xô - quân của Merculov đã phá vỡ âm mưu phá hoại đó của Đức.
Nhưng lại có giả thuyết khác rằng Liên Xô đã thổi phồng nguy cơ phá hoại từ phía Đức để doạ Tổng thống Mỹ. Sự thực là trong suốt thời gian hội nghị, Stalin đã đón Tổng thống Mỹ Roosevelt về ở trong Sứ quán Liên Xô. Nhân chứng trong Sứ quán Liên Xô ở Teheran kể rằng các bức điện đến và đi của Roosevelt đều bị Liên Xô giải mã. Đó là điều đương nhiên nhưng cũng không phải là chủ yếu. Cái chính là Stalin muốn tách Roosevelt xa Churchill.
Chúng ta chỉ nhìn thấy những bức ảnh Stalin, Churchill và Roosevelt đang cười và nói chuyện thân mật với nhau. Họ gửi điện mừng và trao đổi thư hữu nghị với nhau, gặp nhau, bàn chiến lược chung. Nhưng thực tế họ là ba con người khác nhau và theo đuổi những mục tiêu riêng. Tuy nhiên cả ba đều có một kẻ thù chung là chủ nghĩa phát xít, là Hitler.
Trong ba lãnh tụ đó, Winston Churchill là người bảo thủ nhất. Mặc dù vốn tính khinh bạc, nhưng ông không phải không có tình cảm cao thượng. Churchill cũng dễ nảy sinh tình cảm gắn bó với những ai mà ông hợp tác, kể cả Stalin. Churchill không ưa Liên Xô. Nhưng sau khi ông đi Matxcơva trình bày với Stalin những ý tưởng về việc tổ chức châu Âu sau chiến tranh trở về, ông như được chắp cánh, và tuyên bố nước Nga Xô viết "chưa bao giờ gần gũi, chặt chẽ và thân thiết như hiện nay".
Frankhin Roosevelt thì khó hiểu hơn. Ở ông, những tiểu xảo và những nguyên tắc cao cả kết hợp với nhau một cách kỳ lạ.
Liên Xô có cảm tình với Roosevelt hơn với Churchill nhiều. Do Churchill gắn với cuộc can thiệp của mười bốn nước nhằm bóp chết cách mạng tháng Mười, và không ưa Liên Xô. Còn Roosevelt có cảm tình với Liên Xô hơn, và đặc biệt là - khác với Churchill - rất tin Stalin.
BÍ MẬT NGUYÊN TỬ
Tháng 8 năm 1945, ngay sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, Matxcơva điện cho Sứ quán ở Nhật cử ngay người ra thực địa xem. Sứ quán cử hai cán bộ trẻ đi. Họ đã nhìn thấy cái mà chúng ta sau này cũng nhìn thấy trên phim: cảnh đổ nát, và người chết, một thành phố bị san phẳng. Họ mang theo một bao tải đựng đất và tro về Matxcơva cho các nhà khoa học Liên Xô lúc đó cũng đang nghiên cứu việc chế tạo bom nguyên tử.
Đấy chỉ là một phần của công tác tình báo rộng lớn mà Liên Xô đã tiến hành nhằm đánh cắp các bí mật nguyên tử. Tình báo Liên Xô đã làm việc này cả ở Canada, ở Anh và nhiều nước khác nhưng chủ yếu nhất vẫn là ở Mỹ.
Trong thời gian chiến tranh và có thể đến hết năm 1945, tình báo Liên Xô hoạt động ở Mỹ tương đối dễ dàng, thoải mái. Bộ trưởng Merculov có thể báo cáo với Stalin hết thành tích này đến thành tích khác. Bởi Cục tình báo liên bang Mỹ còn chưa quan tâm theo dõi người Nga.
Tháng 9 năm 1945, sau khi I.Guzenko - nhân viên tình báo công tác ở Sứ quán Liên Xô ở nước ngoài chạy trốn, phương Tây mới sửng sốt là An ninh Liên Xô làm gián điệp ở các nước họ tích cực như thế nào. Các trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm nguyên tử của họ mới bắt đầu tăng cường các biện pháp bảo vệ.
Nhưng phản gián Mỹ cũng phải mất mấy năm mới sờ nắn được đến mạng lưới gián điệp của Liên Xô ở Mỹ. Và cho đến tận ngày hôm nay, họ cũng không tin chắc được rằng đã tìm thấy hết nhân viên hoặc cộng tác viên của Liên Xô hay chưa.
Cả tình báo chính trị và tình báo quân sự Liên Xô cũng tham gia vào khai thác các bí mật nguyên tử.
Nhưng vai trò chính vẫn là Tổng cục I của Bộ An ninh quốc gia.
Cuộc tranh luận về việc tình báo đóng vai trò đến đâu trong việc chế tạo bom nguyên tử của Liên Xô vẫn còn chưa kết thúc. Viện sĩ Yu.Khariton, người nhiều năm lãnh đạo công tác này khẳng định rằng việc chế tạo bom nguyên tử của Liên Xô từ đầu đến cuối dựa trên những ý tưởng và suy nghĩ của các nhà vật lý Liên Xô và trên số liệu tính toán của họ cùng với các nhà toán học.
Còn Viện sĩ I.V.Kurchatov thì nói rằng các nhà khoa học và các nhà tình báo chia nhau thành công trong việc chế tạo bom nguyên tử.
Các nhà tình báo thì khiêm tốn nói rằng họ chỉ "giúp" cho các nhà khoa học. Nhưng quả là họ đã "giúp" rất đắc lực. Họ đã gửi cho Kurchatov những báo cáo mật hàng trăm trang đầy những công thức, ký hiệu về tiến trình nghiên cứu, sáng chế của Mỹ. Kurchatov chuyển cho các đồng nghiệp xem. Họ nói muốn biết thêm điểm này, điểm kia. Sau một thời gian, họ lại nhận được thêm thông tin trả lời các yêu cầu của họ. Kể cả nếu các nhà vật lý của chúng ta không nhận được thông tin gì mới so với những gì họ đang làm, thì ít nhất họ cũng được củng cố lòng tin vào hướng họ đang đi.
Một trong những người cung cấp thông tin chủ yếu cho tình báo Liên Xô là nhà vật lý người Đức Claus Fuks. ông vào Đảng Cộng sản Đức năm 1921, năm 1933 chạy sang Anh để tránh chủ nghĩa phát xít. Cuối năm 1941, ông đề xuất sự cộng tác với tình báo Liên Xô.
Hai năm sau ông từ Anh sang Mỹ, tham gia nghiên cứu trong phòng thí nghiệm quan trọng nhất và bí mật nhất về nguyên tử của Mỹ ở Los-Alamos. Đại tá tình báo A.S.Feklisov nói đã gặp ông sáu lần trong thời gian đó.
Ông làm việc theo đơn đặt hàng của Kuschatov. Năm 1950, Claus Fuks bị phát hiện và bị bắt, bị kết án 14 năm tù, nhưng đến năm 1959 đã được thả vì tư cách gương mẫu. Ông rời Mỹ về Cộng hoà dân chủ Đức làm ở một viện khoa học. Cách đây mấy năm, đại tá Feklisov khi đi Đức đã đến nghĩa trang, quỳ xuống bên mộ ông.
Đồng thời với C.Fuks còn có nhiều nhà khoa học khác làm việc cho An ninh Liên Xô, như ông bà Moris Coen người Mỹ chuyển tài liệu về nguyên tử cho Liên Xô, cũng bị kết án tù nhiều năm, sau được Liên Xô đổi gián điệp phương Tây để giải phóng ra. Moris Coen gần đây được Nga tặng danh hiệu Anh hùng.
Nói chung chỉ một số rất ít người còn sống đến ngày nay được nhận danh hiệu Anh hùng. Còn trước đây, các chiến sĩ tình báo không được phong tặng một cách hào phóng, ít người được phong Anh hùng, và không một ai trong những người đã tìm kiếm bí mật để giúp chế tạo bom nguyên tử được phong đến hàm tướng. Thời Merculov, nhà tình báo tài giỏi nhất cũng chỉ được lên đến chức đại tá. Tình báo được coi là binh chủng hậu phương! Còn bây giờ, riêng Cơ quan tình báo đối ngoại đã có nhiều Tướng hơn toàn bộ KGB ngày trước.
CHỊU CHUNG SỐ PHẬN
Merculov lãnh đạo cơ quan an ninh vào những năm được mùa của ngành tình báo. Nhưng thành tích của công tác tình báo không phải là điều chủ yếu Stalin quan tâm. Quan trọng hơn đối với Stalin là kiểm soát đất nước mình. Mà đối với các vấn đề trong nước, Stalin cho rằng không có những nhiệm vụ không thể giải quyết được, chỉ có những con người không đủ kiên quyết và không biết cách giải quyết những nhiệm vụ đó.
Ngày 4/5/1946, Merculov thôi chức Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia. Ông đã giữ chức vụ này ba năm - thế là nhiều lắm rồi. Hơn nữa ông lại không bị bắt, mà rời khỏi Lubianka bằng đôi chân của mình chứ không bị ai áp tải - thế cũng là may lắm rồi. Không ai đặt câu hỏi: " Tại sao Merculov lại bị cách chức. Nghe nói Stalin không ưng kế hoạch cải tổ hệ thống An ninh quốc gia sau chiến tranh của Merculov. Ban đầu Stalin định cử S.I.Ogolsov - Thứ trưởng thứ nhất Bộ An ninh quốc gia làm Bộ trưởng, nhưng Ogolsov từ chối khéo, lấy lý do không đủ kiến thức và kinh nghiệm cho chức vụ đó. Lúc đó Stalin mới nêu tên Abacumov - lãnh đạo công tác phản gián quân sự trong thời gian chiến tranh.
Abacumov được mời đến cuộc họp Bộ Chính trị, cũng bắt đầu trình bày rằng mình còn ít kinh nghiệm công tác v. v.. Việc tỏ ra khiêm tốn như thế là điều bình thường đối với một người được đề cử vào chức vụ quan trọng. Nhưng không hiểu sao điều đó làm Stalin bực mình cắt ngang:
- Đồng chí Abacumov? Chúng ta đang có nhiều ghế Giám đốc nhà ăn còn trống đấy. Nếu đồng chí thấy không tin lắm vào bản thân mình, hay là chúng tôi đề bạt đồng chí làm Giám đốc nhà ăn nhé?
Và Abacumov trở thành Bộ trưởng.
Vài ngày sau, dưới sự chủ trì của A.A.Kuznetsov - Bí thư Trung ương Đảng mới phụ trách an ninh, một ủy ban đã họp để xem xét những khuyết điểm của ban lãnh đạo cũ của Bộ. Merculov bị chỉ trích là đã buông lơi việc theo dõi các phần tử trốtkit trong thời gian chiến tranh.
Bị khổ sở mất gần một năm, nhưng Merculov vẫn được nhận công tác với hàm Bộ trưởng: tháng 4/1947 ông được đề bạt làm Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý tài sản Liên Xô ở nước ngoài. Năm 1950, ông làm Bộ trưởng thanh tra Nhà nước.
Năm 1953, khi Beria bị bắt, Merculov với tư cách là ủy viên Trung ương còn tham dự hội nghị Trung ương, ở đó sếp cũ của ông bị kết đủ thứ tội. Sau hội nghị Trung ương, Merculov được Khruschov mời đến.
Khruschov viết trong hồi ký: "Phải công nhận rằng tôi đã từng kính trọng Merculov. Ông là người có văn hoá, không phải là người xấu trong Ban chấp hành Trung ương, chúng tôi có nói: bản thân việc Merculov đã từng là phó cho Beria còn chưa nói lên rằng ông ta là tòng phạm của Beria. Vì Beria giữ cương vị cao và tự mình sắp đặt mọi người vào vị trí dưới quyền mình, chứ không phải là ngược lại. Chúng tôi gọi Merculov đến nói chuyện: báo với ông ta rằng Beria đã bị bắt, đề nghị ông ta là người đã nhiều năm làm việc với Beria, hợp tác với chúng tôi. Merculov nói "sẵn sàng". Nhưng khi chúng tôi gửi bức thư tường trình và những tài liệu của Merculov cho Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Rudenko, thì Rudenko nói ngay rằng phải bắt Merculov, vì vụ án Beria mà không có Merculov thì không thể tiến hành được.
Trước toà, Merculov nguyền rủa cái ngày mà ông ta đã gặp Beria. Merculov đã cộng tác với Beria và phải chịu chung số phận với Beria. Ông cùng những đồng sự khác của Beria đã bị tử hình ngày 23/12/1953.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét