Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

BÍ ẨN LỊCH SỬ 67/18

(ĐC sưu tầm trên NET)
Các Chủ Tịch KGB Những Hồ Sơ Lộ Sáng
Tình báo là một mặt trận thầm lặng nhiều khi không có tiếng súng nhưng vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi người chiến sĩ tình báo phải gan dạ, mưu trí, dũng cảm. Trong thời gian tồn tại của mình, cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) đã có những đóng góp đáng kể vào sự vững mạnh của đất nước cũng như thế cân bằng chiến lược Đông Tây. Cuốn Các chủ tịch KGB - Những hồ sơ lộ sáng của nhà sử học lừng danh người Nga Leonid Mlechin viết về những nhà lãnh đạo của KGB trong suốt thời gian cơ quan này hoạt động. Với những phân tích, đánh giá sâu sắc, tinh tế của mình, Leonid Mlechin sẽ đem đến cho bạn đọc cái nhìn đúng đắn, thoả đáng về vai trò, vị trí của các vị thủ lĩnh và cơ quan KGB trong lịch sử tồn tại của Liên bang Xô Viết. Đó là những người mà số phận gắn liền với cả vinh quang chói lọi và những thất bại cay đắng.
------------------------------------------------------------------

LỜI GIỚI THIỆU

LỜI GIỚI THIỆU
Cuốn sách các bạn cầm trên tay của tác giả Nga Leonid Mlechin là một cuốn sách đặc biệt vì nó kể về những người lãnh đạo một công tác mà ở Liên Xô trước đây và Nga hiện nay gọi là "công tác đặc biệt"; và bản thân những người đó cũng có những số phận đặc biệt. Đó là các Chủ tịch KGB.
Cơ quan an ninh Liên Xô được thành lập từ những ngày đầu cách mạng tháng Mười với nhiệm vụ trấn áp các lực lượng phản cách mạng trong nước để bảo vệ chính quyền với tên gọi là Ủy ban đặc biệt, về sau đã trở thành một cơ quan kiểm soát toàn diện xã hội và một cơ quan tình báo quốc tế bậc nhất. Với tên gọi là KGB từ năm 1954, cơ quan quyền lực hùng mạnh này đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với số đông người và niềm kính nể đối với đồng nghiệp an ninh quốc tế.
KGB là một hiện tượng lịch sử trong thế kỷ 20, nó được xây dựng bằng công sức, trí tuệ và cả xương máu của nhiều thế hệ người Xô viết. Suốt 74 năm tồn tại Liên Xô (1917 - 1991); KGB sống song hành cùng Liên Xô.
Những chặng đường các Chủ tịch KGB đã đi là những chặng đường của lịch sử Liên Xô vinh quang và cay đắng. Và số phận cá nhân vừa oanh liệt vừa bi thảm của họ cũng không nằm ngoài lịch sử đó. Đây là lần đầu tiên, một cuốn sách kể về cuộc đời và sự nghiệp của tất cả các Chủ tịch KGB (mười bảy vị) từ thời Lênin cho đến khi Liên Xô tan rã.
Đọc cuốn sách này, người ta hiểu biết thêm nhiều về lịch sử chính trị và an ninh Liên Xô. Trong sách có đề cập đến những lãnh tụ và nhân vật lịch sử như Lênin, Stalin, Trotski và một số nhân vật còn có những đánh giá khác nhau như Beria, Tukhachevski và một số vụ việc còn nhiều bí ẩn như vụ ám sát Kirov, "Vụ án các bác sĩ", vụ "Đảng bộ Lêningrad "v.. v... Một số sự kiện lịch sử như việc Stalin bắt tay với Hitle để trì hoãn chiến tranh, sự biến ở Hung-ga-ri năm 1956 v.v... được đề cập và phân tích khá sâu trong mối quan hệ chính trị - ý thức hệ - an ninh.
Sách cũng cung cấp thêm tư liệu và lý giải về những diễn biến nhân sự ở hậu trường trong những bước ngoặt lớn chuyển giao lãnh đạo của Liên Xô. Hầu hết các nhà hoạt động nhà nước nổi tiếng của Liên Xô được nhắc đến trong sách này.
Đây không phải là cuốn sách về một ngành công tác. Đây là câu chuyện kể về những bước ngoặt lịch sử của đất nước Liên Xô, mà trên mỗi bước ngoặt đó đều có vai trò của KGB.
Do đó nó không chỉ bổ ích về nghiệp vụ mà còn có giá trị nghiên cứu, tham khảo rất quý đối với đông đảo bạn đọc.
L.Mlechin trong mấy năm gần đây là một tác giả ăn khách ở Nga, vì sách của ông thường viết về đề tài an ninh, trên cơ sở khai thác kho tư liệu lưu trữ phong phú của Liên Xô và KGB. Tuy nhiên, nằm trong trào lưu tư tưởng dân chủ cấp tiến của xã hội Nga hiện nay, tác giả có xu hướng phân tích một cách phê phán đối với lịch sử nước nhà, đối với Stalin.
Đó là điều phổ biến và khó tránh được hiện nay. Nhiều điều đã được biết hoặc trở thành bình thường đối với xã hội Nga có thể không được chấp nhận hoặc chia sẻ đối với chúng ta. Mặc dù vậy, giới thiệu cuốn sách này với độc giả kính mến, chúng tôi tin rằng cuốn sách có giá trị tái hiện lịch sử sinh động, lại được viết bằng giọng văn chính luận hấp dẫn, chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều điều bổ ích và phát hiện lý thú.
Dịch giả HÙNG SƠN


CHƯƠNG 18: VADIM VICTOROVICH BAKATIN 

Вадим Викторович Бакатин.jpg 
Chủ tịch KGB (tháng 8 - tháng 11/1991)
Giám đốc Cơ quan An ninh liên nưóc Cộng hòa
(tháng 11 - tháng 12/1991)

Sau khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch KGB, việc đầu tiên của Bakatin là cho con trai đang phục vụ trong cơ quan thôi việc để chuyển sang ngành khác. Nhưng điều mà ông sợ bị mang tiếng là nâng đỡ con cháu trong ngành lại chẳng thấm vào đâu so với lời buộc tội khác nặng hơn nhiều là kẻ phản bội. Vadim Bakatin có lẽ là ông thủ trưởng bị căm ghét nhất, mặc dù có thể là người thú vị nhất trong các ông chủ ở Lubianka.
Vadim Victorovich Bakatin sinh năm 1937 tại một thành phố vùng mỏ ở Kemerovo (Sibir). Từ nhỏ ông có năng khiếu vẽ, và đã định theo học hội hoạ. Nhưng vào trường mỹ thuật phải thi, trong khi Bakatin tốt nghiệp phổ thông được huy chương bạc có thể vào các trường khác mà không cần phải thi. Và thế là ông chọn trường Đại học Xây dựng.
Ông đã làm việc 13 năm trên các công trường xây dựng ở Kemerovo, từ làm kỹ sư, đội trưởng đến kỹ sư trưởng - trung bình cứ hai năm ông lại được nâng bậc một lần vì tỏ rõ là một kỹ sư có năng lực và nhà tổ chức tháo vát. Do những ưu điểm nổi bật đó, người ta lấy ông sang làm công tác Đảng. Bakatin trở thành Phó Bí thư Thành ủy, rồi Trưởng Ban xây dựng Tỉnh ủy, và hai năm sau làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Kemerovo. Những người từng biết Bakatin ở địa phương nói rằng khi Bakatin lãnh đạo ở đó, nhân dân không kêu ca gì về ông cả.
Ngoài giờ công tác, chủ nhật ông đi đánh quần vợt, đá bóng, lúc rảnh rỗi vẽ tranh phong cảnh bằng sơn dầu để tặng bạn bè.
Năm 1983, Bakatin được lọt vào mắt xanh của E.K.Ligachov. Nhà tổ chức cán bộ chủ yếu của Đảng đi tìm trong nước các Bí thư Tỉnh và cán bộ Đảng xông xáo, có năng lực, có triển vọng, đưa về làm ở một nhóm cán bộ thanh tra của Trung ương Đảng để bồi dưỡng và đưa lên tiếp. Thời gian này, Bakatin tranh thủ tốt nghiệp Viện hàn lâm Khoa học Xã hội của Trung ương Đảng (AON).
Tháng 3/1985, Bakatin được Trung ương cử làm Bí thư Tỉnh ủy Kirov, hai năm sau trở về quê hương làm Bí thư Tỉnh ủy Kemerovo. Những vấn đề của vùng mỏ Kuzbas đến cuối những năm 80 trở nên gay gắt. Vốn hiểu biết rất rõ các mặt của đời sống tỉnh nhà, và nắm được chiều hướng mới, Bakatin có kế hoạch đổi mới phương thức hoạt động của vùng than. Nhưng giữa năm 1988 thì Bakatin lại bị lấy về Matxcơva. Sang năm 1989 thì nổ ra cuộc đình công gây tai tiếng của công nhân mỏ Kemerovo, đáng lẽ ảnh hưởng xấu đối với Bakatin, nhưng lúc đó ông đã không còn là Bí thư Tỉnh ủy nữa, mà đang là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô.
Thời gian này, thêm vào việc đấu tranh chống tội phạm, Bộ Nội vụ còn phải đối phó với các cuộc xung đột sắc tộc và các cuộc biểu tình gây rối nổ ra khi thì ở nơi này, khi thì ở nơi khác của đất nước. Thấy rằng đội ngũ công an nghèo túng và biến chất khó lòng đấu tranh nổi với tình trạng tội phạm mới và những cuộc biểu tình của quần chúng, Bakatin đã lập ra các đơn vị cảnh sát đặc nhiệm (gọi tắt tiếng Nga là OMON). OMON là lực lượng chuyên nghiệp được đào tạo để đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và để giải tán các đám biểu tình của quần chúng và dẹp loạn. Đó như thể là lực lượng cảnh sát trong cảnh sát.
Bakatin không ủng hộ và cũng không được lòng phái bảo thủ trong ban lãnh đạo. Do đó họ thường xuyên gây sức ép với Gorbachov để thay Bakatin. Trước ngày lễ cách mạng tháng Mười năm 1990, Gorbachov yêu cầu Bakatin cấm tổ chức cuộc tuần hành song song của các lực lượng dân chủ tại Quảng trường Đỏ. Nhưng Bakatin không chịu, làm cho Gorbachov rất tức bực. Cuối tháng 11 Gorbachov gọi Bakatin đến báo cho biết là đã quyết định cho Bakatin thôi chức Bộ trưởng Nội vụ. Ngày 3/12, Bakatin đến Bộ Nội vụ lần cuối, sắp xếp đồ đạc và chia tay mọi người. Thủ tướng Ryjkov dẫn Bộ trưởng mới là Pugo - nguyên Chủ tịch KGB Latvia - đến giới thiệu.
Nhưng Gorbachov không muốn mất Bakatin, nên đưa ông vào làm thành viên Hội đồng an ninh. Bản thân Bakatin cũng không biết sẽ làm gì ở Hội đồng này.
Gothachov thấy Bakatin buồn vì ít việc, nên đề xuất với ông ta chức Phó Thủ tướng thứ nhất. Nhưng Hội đồng liên bang (thượng viện-ND) không đồng ý. Đề xuất cho ông chức Phó Thủ tướng thứ nhất phụ trách các ngành thì ông không nhận, cáo là không nắm vững các ngành, nhưng thực ra là chê chức thấp.
Bakatin còn đương sung sức, muốn hoạt động và tự coi mình xứng ở vị trí hàng đầu. Do đó, mùa hè năm 1991, ông tự ứng cử tại cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên của Nga. Bằng việc làm này, ông trở thành đối thủ cạnh tranh của Boris Yeltsin lúc đó đang tranh cử. Nhưng Bakatin không hề có hoạt động tranh cử gì đặc biệt, hoặc có nhưng rất yếu ớt. Một vài phát biểu của ông trên vô tuyến, trước cử tri thì vừa dài vừa mang tính chất kinh viện. Cử tri - một số thì cho ông là quan chức truyền thống của bộ máy Đảng (thực ra không phải như vậy) một số khác nghe các phát biểu của ông thì có cảm giác là ông thiếu kiên quyết và chương trình tranh cử hời hợt. Kết quả thăm dò một thời gian sau cho thấy Bakatin chỉ thu được 3,42% số phiếu tín nhiệm, trong khi Yeltsin thu được đa số.
LIÊN XÔ TAN RÃ
Trong những ngày diễn ra cuộc đảo chính tháng 8 năm 1991, Bakatin giữ lập trường trung thành với Gorbachov, không tham gia và không hợp tác với Ủy ban tình trạng khẩn cấp.
Ông viết đơn tự nguyện từ bỏ quyền hạn và chức vụ của mình trên cương vị thành viên Hội đồng An ninh và sau đó, cùng với một thành viên khác của Hội đồng An ninh là E.Primakov viết thư lên tiếng phản đối Ủy ban tình trạng khẩn cấp. Sau khi Ủy ban tình trạng khẩn cấp thất bại và Kriuchkov bị bắt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo là L.Shebarshin được bổ nhiệm làm quyền Chủ tịch KGB. Kriuchkov thấy Shebarshin có năng lực đã bồi dưỡng ông thành Tổng Cục phó, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo và Phó Chủ tịch KGB thay mình. Nhưng Kriuchkov không đưa Shebarshin tham gia vào vụ đảo chính, vì có những người khác gần gũi và tin cậy hơn.
Nhưng Shebarhin làm quyền Chủ tịch KGB không được lâu vì sau vụ đảo chính, nhiệm vụ đặt ra là phải hủy bỏ KGB, cải tổ nó để nó không trở thành mối nguy hiểm cho lãnh đạo trong những trường hợp đột biến.
Shebarshin chưa đủ tín nhiệm và độ chín để đảm đương nhiệm vụ đó. Ngoài ra, sau đảo chính, các nước cộng hòa cũng đòi chia ra để họ thành lập hệ thống an ninh riêng.
Ngày 23/8/1991, Bakatin được quyết định làm Chủ tịch KGB. Gorbachov và sau đó là Yeltsin đều đặt ra cho Bakatin nhiệm vụ là không để KGB tồn tại dưới dạng như hiện nay.
Ba giờ chiều cùng ngày, Bakatin đến trụ sở KGB để nhận nhiệm vụ, thì đám đông tụ tập ở Quảng trường Lubianka trước mặt trụ sở KGB để phản đối và đòi giải thể KGB, đã giật đổ tượng Dzerjinski, nhưng không dám tràn vào trụ sở KGB để đuổi các cán bộ KGB ra ngoài, như họ đã làm với cán bộ Trung ương Đảng ở Quảng trường Cũ, và với Bộ An ninh quốc gia Cộng hòa dân chủ Đức ở Berlin năm 1990.
Vào lúc Bakatin nhận chức Chủ tịch KGB, các kế hoạch khác nhau về việc cải tổ KGB đã được thảo luận: từ kế hoạch giải thể KGB và thành lập một cơ quan an ninh có chức năng hạn chế đến kế hoạch thay đổi nhỏ một số chức năng, nhiệm vụ của KGB. Bakatin chọn một phương án nằm giữa hai cái đó. Phương án của ông hoá ra hiệu nghiệm. Ông giải thích:
- Cơ quan an ninh là rất cần thiết. Chúng ta đang một nửa ở chủ nghĩa xã hội, một nửa ở chủ nghĩa tư bản. Cho thôi việc các cán bộ cũ tức là xóa bỏ công tác tình báo. Chỉ có những ai mà thấy hệ tư tưởng cản trở mình phục vụ Tổ quốc thì nên thôi sớm.
Bakatin đã chuyển một số đơn vị của KGB cho Bộ Quốc phòng quản lý. Đấy chính là những sư đoàn mà trước đó Kriuchkov đã lấy ở Bộ Quốc phòng nhằm mục tiêu xa là để sử dụng cho trường hợp bạo loạn. Các lực lượng biên phòng cũng tách ra khỏi KGB thành một cơ quan riêng.
KGB bị mất Cục 9 - chuyên bảo vệ lãnh tụ và các ủy viên Bộ Chính trị, vì nó chuyển sang trực thuộc Tổng thống. Chủ tịch KGB từ nay không có quyền và lực lượng trong tay để bắt Tổng thống nữa.
Bakatin cũng giải tán Cục 5 là Cục bảo vệ chính trị chuyên theo dõi trí thức, giáo giới và các phong trào dân tộc. Ông tuyên bố: "Cục bảo vệ chính trị, nói cách khác là Cục theo dõi, bắt bớ vì lý do chính trị từ nay phải bị bãi bỏ". Nhân tiện phải nói rằng người ta đã tìm được trong kho lưu trữ của KGB hồ sơ của ông nội Bakatin làm thợ lái máy xúc bị kết tội là có ý đồ phá hoại bằng cách làm hỏng máy xúc, bị bắt và bị xử tử năm 1937.
Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là E.Shaposhnikov đề nghị chuyển Tổng Cục 3 (tình báo quân sự) về Bộ Quốc phòng. Nhưng điện Kremli không đồng ý, vì muốn quản lý tình báo quân sự.
Đối với xã hội lúc đó, Bakatin là một nhân vật chính trị khá nổi. Nhưng đối với cơ quan, ông như một người lạ mới từ nơi khác về. Cán bộ an ninh cho rằng ông sẽ không lãnh đạo cơ quan lâu, nên không muốn hé mở tất cả cho ông. Và nói chung cánh an ninh không thích công an. Mà khi đến KGB, Bakatin là Bộ trưởng Nội vụ.
Thêm vào đó, Bakatin tác phong thô bạo, hay quát tháo cấp dưới. Thật ra những thủ trưởng thô bạo, hách dịch thì chiến sĩ an ninh đã gặp không ít. Vấn đề là Bakatin tuyên chiến với "truyền thống Ủy ban đặc biệt" (tchekism - tiếng Nga) như một hệ tư tưởng.
Nhưng đặc biệt, Bakatin đã bị giới an ninh hoàn toàn ghét bỏ sau vụ tai tiếng liên quan đến sứ quán Mỹ.
Thỏa thuận giữa Liên Xô Và Mỹ về việc xây dựng Sứ quán mới ở mỗi nước đã đạt được từ thời Tổng thống Mỹ R.Nixon - người đã hai lần đi thăm chính thức Liên Xô và cùng với Brejnev xây dựng chính sách hoà dịu quốc tế.
Phía Mỹ dự trù cho việc xây dựng Sứ quán 72 triệu đôla ở Matxcơva, và bắt đầu xây dựng từ năm 1979. Còn KGB thì bắt tay vào chuẩn bị cho việc trang bị các thiết bị nghe trộm cho Sứ quán mới của Mỹ ba năm sớm hơn - tức là từ năm 1976. Theo kế hoạch thoả thuận giữa hai bên, các vật liệu xây dựng được lấy từ địa phương, còn ốp lát nội thất, cửa sổ và đồ điện, thang máy thì mang từ Mỹ sang. Công nhân xây dựng là người Nga. Mỹ cử một số sĩ quan an ninh đứng ra kiểm tra nguyên vật liệu và giám sát công nhân. Các quan chức an ninh Mỹ đầy tự tin rằng họ có đủ khả năng phát hiện và gạt ra ngoài bất kỳ thiết bị cài đặt nào của Liên Xô. Nhưng họ đã đánh giá thấp trình độ khoa học - kỹ thuật của các đồng nghiệp Liên Xô.
Đến năm 1985, khi toà nhà Sứ quán sắp xây xong thì Mỹ phát hiện ra rằng người Nga đã cài thiết bị vào tất cả các bức tường từ khi gạch còn chưa ra lò. Độ nhạy của các thiết bị cao đến mức ghi được cả tiếng thì thầm trong nhà. Thiết bị còn được cài đặt vào cả máy chữ để đo ghi, và giải mã từng tiếng gõ, qua đó mà tái hiện
văn bản. Người Mỹ buộc phải công nhận người Nga đã đi trước họ và Tây Âu: "Về kỹ thuật nghe trộm, họ đã vượt tất cả thế giới".
Sau khi nghiên cứu hiện trường, người Mỹ đi đến kết luận rằng không thể nào giải phóng được một cách triệt để toà Sứ quán mới khỏi các thiết bị nghe trộm của Liên Xô. Tổng thống R.Reagan đề nghị phá để xây mới. Nhưng Quốc hội không đồng ý vì quá tốn kém.
Đến lúc đó, Vadim Bakatin đã làm một việc điên rồ, là trao cho Mỹ sơ đồ lắp đặt các thiết bị nghe trộm, mục đích là để cho người Mỹ thấy rằng hầu như toàn bộ những vị trí lắp đặt thiết bị đã được tìm ra rồi.
Trước khi làm việc này, Bakatin đã viết một tờ trình cho Tổng thống Gorbachov. Gorbachov phê: "Phối hợp giải quyết việc này với Pankin" (Pankin lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao). Các Bộ trưởng Ngoại giao sau đó là Shevardnadze và Kozyrev cũng đều đồng ý, vì Liên Xô lúc đó đang tranh thủ Mỹ. Để cho chắc, Bakatin gọi điện thoại cả cho Yeltsin. Yeltsin trả lời: "Cứ làm đi!" Có sự đồng ý của hai Tổng thống (Tổng thống Liên Xô và Tổng thống Nga - ND) như thế rồi, mà sau đó Bakatin vẫn bị gọi ra tòa nhiều lần để chất vấn về hành động phản bội này.
Nhưng thú vị hơn nữa là như thế mà người Mỹ vẫn không tin Bakatin, cho rằng dù sao người Nga cũng không nói thật hết. Mười năm trời Quốc hội Mỹ họp nghe điều trần, xem xét các giám định kỹ thuật, họp các Bộ các ngành, tốn hàng chục triệu đô la. Ngần ấy tiền nữa tiêu cho việc điều tra, khảo sát toà nhà xây dở dang. Cuối cùng, tính đến cả lý do an ninh và lý do tài chính, Mỹ quyết định xây tiếp nốt toà nhà, để dùng làm phòng làm việc cho nhân viên người Nga và vào những mục đích không mang tính chất mật, tốn hết 240 triệu đô la - tức là gấp bốn lần dự trù chi phí ban đầu như một đài kỷ niệm cho óc sáng kiến của cơ quan An ninh Liên Xô và sự kiêu ngạo chủ quan của người Mỹ.
*
Tháng 5/1991 Yeltsin (Tổng thống Cộng hoà Liên bang Nga) ký với Chủ tịch KGB Liên Xô Kriuchkov biên bản thành lập Ủy ban An ninh của Liên bang Nga.
Kriuchkov giải thích rằng việc đó là "phù hợp với cơ cấu liên bang của nhà nước ta". Chủ tịch đầu tiên của KGB Nga được đề bạt là V.Ivanenko lúc đó đang là Cục phó cục Thanh tra của KGB Liên Xô. Bằng việc xin thành lập được KGB Nga, Yeltsin cắm được một "con ngựa thành Tơ-roa" trong KGB, còn Kriuchov muốn mở cuộc chơi với Yeltsin để thu thập thông tin từ ê-kíp ông ta.
Chứ trên thực tế, bộ máy KGB nước Cộng hòa Nga chỉ có vẻn vẹn vài chục người, chả có quyền lực gì, các cơ quan an ninh tỉnh, thành vẫn chỉ phục tùng KGB Liên Xô. Đến tháng 9, Bakatin mới ra một công lệnh chuyển tất cả các đơn vị quản lý địa phương Nga của KGB Liên Xô cho KGB Nga, chỉ giữ lại cho bản thân chức năng phối hợp hoạt động của KGB các nước Cộng hòa.
Ngày 28/11/1991, Tổng thống Liên Xô M.Gorbachov ký một trong những sắc lệnh cuối cùng của ông ta: lệnh "Về quy chế tạm thời của Cơ quan An ninh liên nước Cộng hòa" do Bakatin làm Chủ tịch. Ban cán sự của cơ quan này bao gồm các Chủ tịch cơ quan An ninh nước Cộng hòa. Các hiệp định hợp tác được ký với KGB từng nước Cộng hòa. Còn cơ quan an ninh liên nước Cộng hòa của Bakatin có nhiệm vụ phối hợp an ninh của tất cả các nước cộng hòa và đấu tranh chống những hoạt động tội phạm kinh tế nguy hiểm nhất.
Vài ngày sau, 3/12/1991, Xô viết tối cao thông qua, và Gorbachov ký ban hành "Luật về việc tổ chức lại các cơ quan An ninh Liên Xô".
Nhưng các luật của Liên bang và các sắc lệnh của Gorbachov đã không còn ý nghĩa thực tế gì nữa, còn sau cuộc gặp ở rừng Belovej đã chẳng còn cả ý nghĩa pháp lý. Ngày 8/12/1991, tại rừng Belovej (gần Thủ đô Minsk của Belarus), ba Tổng thống Nga, Ucraina và Belarus là Yeltsin, Kravchuk và Shushkevich đã ký Hiệp định thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập. Cơ quan An ninh liên nước Cộng hòa trở thành vô nghĩa. Mỗi nước Cộng hòa thành lập cơ quan An ninh riêng của mình.
V.Bakatin lãnh đạo KGB vẻn vẹn có 107 ngày: từ 28/8 đến 3/1/1991, khi KGB kết thúc sự tồn tại.
Ngày 23/12, Yeltsin mời Bakatin đến gặp lần cuối cùng, bảo Bakatin thích đi làm Đại sứ ở nước nào thì tuỳ chọn, trừ Mỹ. Nhưng Bakatin đã không trả lời, cũng không xin Yeltsin bố trí công việc cho ông ta. Bakatin là con người quá tự trọng để làm điều đó. Còn chính quyền mới của Yeltsin cũng đâu có cần ông nữa. Bakatin đến trụ sở trên Quảng trường Lublanka lần cuối cùng, thu dọn đồ đạc, giấy tờ cá nhân và ra đi.
Ngày hôm sau, Gorbachov từ chức.
Đó là ngày 25 tháng 12 năm 1991. Không còn Liên Xô Cũng không còn KGB.
Phụ Lục
1. Felix Edmundovich Dzerjinski
Chủ tịch Ủy ban đặc biệt toàn Nga (từ tháng 12/1917
đến tháng 2/1922)
Cục trưởng Cục chính trị quốc gia (từ 2/1992 - 7/1926).
2. Viacheslav Rudolfovich Menjinski
Cục trưởng Cục chính trị quốc gia (7/1926 - 5/1934)
3. Henrich Grigorievich Yagoda
Dân uỷ Nội vụ (7/1934 - 11/1936)
4. Nicolai Ivanovich Ejov
Dân uỷ Nội vụ (9/1936 - 11/1938)
5. Lavrenti Pavlovich Beria
Dân uỷ Nội vụ (11/1938 - 12/1945)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ (5/3 - 26/6/1954)
6. Vsevolod Nicolaevich Merculov
Dân ủy An ninh quốc gia (2/1941 - 4/1943)
Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia (3/1943 - 4/1946)
7. Victor Semenovich Abacumov
Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia (5/1946 - 7/1951)
8. Sergei Nikiforovich Kruglov
Dân uỷ Nội vụ (12/1945 - 3/1946)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ (3/1946 - 3 /1953) và (6/1953 - 1/1956)
9. Semion Denisovich Ignatiev
Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia (8/1951 - 3/1953)
10. Serov Ivan Alexandrovich
Chủ tịch KGB trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng
(3/1954 - 12/1958)
11. Shelepin Alaxandr Nikolaevich
Chủ tịch KGB (12/1958 - 11/1961)
12. Vladimir Efimovich Semichastnyi
Chủ tịch KGB ( 11/1961 - 5/1967)
13. Yuri Vladimirovich Andropov
Chủ tịch KGB 5/1967 - 5/1982)
14. Vitali Vassilievich Fedorchuk
Chủ tịch KGB ( tháng 5 - tháng 11/1982)
15. Victor Mikhailovich Chebrikov
Chủ tịch KGB (12/1982 - 10/1988)
l6. Vladimir Alexandrovich Kriuchkov
Chủ tịch KGB (10/1988 - 8/1991)
17. Vadim Victorovich Bakatin
Chủ tịch KGB (tháng 8 - tháng 11/1991)
Giám đốc Cơ quan An ninh liên nưóc Cộng hòa
(tháng 11 - tháng 12/1991)
[1] Ca-det: sĩ quan quý tộc (ND).
[2] Đây là một cách chuyển ngữ của người dịch


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét