Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

BÍ ẨN LỊCH SỬ 67/9



(ĐC sưu tầm trên NET)
Các Chủ Tịch KGB Những Hồ Sơ Lộ Sáng
Tình báo là một mặt trận thầm lặng nhiều khi không có tiếng súng nhưng vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi người chiến sĩ tình báo phải gan dạ, mưu trí, dũng cảm. Trong thời gian tồn tại của mình, cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) đã có những đóng góp đáng kể vào sự vững mạnh của đất nước cũng như thế cân bằng chiến lược Đông Tây. Cuốn Các chủ tịch KGB - Những hồ sơ lộ sáng của nhà sử học lừng danh người Nga Leonid Mlechin viết về những nhà lãnh đạo của KGB trong suốt thời gian cơ quan này hoạt động. Với những phân tích, đánh giá sâu sắc, tinh tế của mình, Leonid Mlechin sẽ đem đến cho bạn đọc cái nhìn đúng đắn, thoả đáng về vai trò, vị trí của các vị thủ lĩnh và cơ quan KGB trong lịch sử tồn tại của Liên bang Xô Viết. Đó là những người mà số phận gắn liền với cả vinh quang chói lọi và những thất bại cay đắng.
------------------------------------------------------------------

LỜI GIỚI THIỆU

LỜI GIỚI THIỆU
Cuốn sách các bạn cầm trên tay của tác giả Nga Leonid Mlechin là một cuốn sách đặc biệt vì nó kể về những người lãnh đạo một công tác mà ở Liên Xô trước đây và Nga hiện nay gọi là "công tác đặc biệt"; và bản thân những người đó cũng có những số phận đặc biệt. Đó là các Chủ tịch KGB.
Cơ quan an ninh Liên Xô được thành lập từ những ngày đầu cách mạng tháng Mười với nhiệm vụ trấn áp các lực lượng phản cách mạng trong nước để bảo vệ chính quyền với tên gọi là Ủy ban đặc biệt, về sau đã trở thành một cơ quan kiểm soát toàn diện xã hội và một cơ quan tình báo quốc tế bậc nhất. Với tên gọi là KGB từ năm 1954, cơ quan quyền lực hùng mạnh này đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với số đông người và niềm kính nể đối với đồng nghiệp an ninh quốc tế.
KGB là một hiện tượng lịch sử trong thế kỷ 20, nó được xây dựng bằng công sức, trí tuệ và cả xương máu của nhiều thế hệ người Xô viết. Suốt 74 năm tồn tại Liên Xô (1917 - 1991); KGB sống song hành cùng Liên Xô.
Những chặng đường các Chủ tịch KGB đã đi là những chặng đường của lịch sử Liên Xô vinh quang và cay đắng. Và số phận cá nhân vừa oanh liệt vừa bi thảm của họ cũng không nằm ngoài lịch sử đó. Đây là lần đầu tiên, một cuốn sách kể về cuộc đời và sự nghiệp của tất cả các Chủ tịch KGB (mười bảy vị) từ thời Lênin cho đến khi Liên Xô tan rã.
Đọc cuốn sách này, người ta hiểu biết thêm nhiều về lịch sử chính trị và an ninh Liên Xô. Trong sách có đề cập đến những lãnh tụ và nhân vật lịch sử như Lênin, Stalin, Trotski và một số nhân vật còn có những đánh giá khác nhau như Beria, Tukhachevski và một số vụ việc còn nhiều bí ẩn như vụ ám sát Kirov, "Vụ án các bác sĩ", vụ "Đảng bộ Lêningrad "v.. v... Một số sự kiện lịch sử như việc Stalin bắt tay với Hitle để trì hoãn chiến tranh, sự biến ở Hung-ga-ri năm 1956 v.v... được đề cập và phân tích khá sâu trong mối quan hệ chính trị - ý thức hệ - an ninh.
Sách cũng cung cấp thêm tư liệu và lý giải về những diễn biến nhân sự ở hậu trường trong những bước ngoặt lớn chuyển giao lãnh đạo của Liên Xô. Hầu hết các nhà hoạt động nhà nước nổi tiếng của Liên Xô được nhắc đến trong sách này.
Đây không phải là cuốn sách về một ngành công tác. Đây là câu chuyện kể về những bước ngoặt lịch sử của đất nước Liên Xô, mà trên mỗi bước ngoặt đó đều có vai trò của KGB.
Do đó nó không chỉ bổ ích về nghiệp vụ mà còn có giá trị nghiên cứu, tham khảo rất quý đối với đông đảo bạn đọc.
L.Mlechin trong mấy năm gần đây là một tác giả ăn khách ở Nga, vì sách của ông thường viết về đề tài an ninh, trên cơ sở khai thác kho tư liệu lưu trữ phong phú của Liên Xô và KGB. Tuy nhiên, nằm trong trào lưu tư tưởng dân chủ cấp tiến của xã hội Nga hiện nay, tác giả có xu hướng phân tích một cách phê phán đối với lịch sử nước nhà, đối với Stalin.
Đó là điều phổ biến và khó tránh được hiện nay. Nhiều điều đã được biết hoặc trở thành bình thường đối với xã hội Nga có thể không được chấp nhận hoặc chia sẻ đối với chúng ta. Mặc dù vậy, giới thiệu cuốn sách này với độc giả kính mến, chúng tôi tin rằng cuốn sách có giá trị tái hiện lịch sử sinh động, lại được viết bằng giọng văn chính luận hấp dẫn, chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều điều bổ ích và phát hiện lý thú.
Dịch giả HÙNG SƠN


CHƯƠNG 9: LAVRENTI PAVLOVICH BERIA (2)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Lavrentiy Pavlovich Beria (29-3-1899 – 23-12-1953) là là đại tướng 4 sao, trùm mật vụ KGB 
 
Con người này có ảnh hưởng lớn đến số phận nước ta.
Đánh giá về ông ta rất khác nhau. Đa số coi ông ta là ác quỷ của địa ngục. Một số người lại cho ông ta là nhà tổ chức lỗi lạc không có điều kiện thực hiện các kế hoạch của mình.
Lịch sử đã có thể phát triển theo hướng khác. Nếu Nikita Sergeevich Khruschov vào năm 1953 không hoá ra là nhà chính trị nhạy bén và sắc sảo thì cuộc "tan băng" của đất nước chúng ta sau Stalin đã gắn với tên tuổi của Lavrenti Beria, chứ không phải của Nikita Khruschov.
Trong không đầy bốn tháng mà ông ta có được từ khi Stalin mất đến khi bị xử bắn, Beria đã nổi lên là người đề xướng những cải cách căn bản.
Tất cả những gì mà khi đó Beria đã bị cáo buộc, nay có thể được coi là công lao của ông ta: đấu tranh chống tệ sùng bái cá nhân Stalin và sự lộng quyền của bộ máy Đảng, ân xá tù nhân, đào tạo các cán bộ dân tộc, khôi phục quan hệ với Nam Tư và không cản trở việc thống nhất nước Đức.
Trong ngày 5/3/1953 (ngày Stalin chết - ND), Nguyên soái Beria trở thành một trong những người lãnh đạo đất nước: ông là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Đảng (tương đương Bộ Chính trị sau này - ND), Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Đến ngày 26/6 ông đã bị bắt. Như vậy ông cầm quyền được 114 ngày.
Trong khoảng thời gian ngắn đó, ông đã bắt tay vào công cuộc hồi sinh đất nước bị tàn phế. Một số việc đã được làm, như: thả một số tù chính trị, khép lại một số vụ việc nhơ bẩn do Bộ An ninh quốc gia tạo dựng và trừng trị những kẻ tổ chức và tiến hành các vụ đó, làm dịu bầu không khí căng thẳng, sợ hãi trong nước; về đối ngoại đã le lói những tia sáng đầu tiên của hoà hoãn, Liên Xô cùng với các nước lớn bắt đầu thương lượng về đình chiến ở Triều Tiên sau ba năm chiến tranh.
Sau khi Stalin mất, chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của Stalin được giao cho G.Malenkov. Khi Stalin còn sống, Malenkov là người thứ hai. Do đó theo lô-gích của sự việc, Malenkov giờ phải là người thứ nhất. Sự thật, Stalin còn kiêm chức Tổng Bí thư Đảng. Nhưng Malenkov chỉ nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Ban Chấp hành Trung ương bầu ra Ban Bí thư gồm năm người, trong đó Khruschov là chính, nhưng chính thức đến tháng 9/1953 Khruschov mới được bầu là Bí thư thứ nhất. Beria và Malenkov coi Chính phủ quan trọng hơn Ban Bí thư. Dưới thời Lê nin đã như vậy, với Stalin những năm sau này cũng như vậy. Hơn nữa, bốn thành viên của Ban Bí thư mới, trừ Khruschov, đều là những cán bộ lãnh đạo bộ máy mờ nhạt, không dám tranh chòi với những nhà chính trị sừng sỏ như Malenkov và Beria. Một người nữa là Ignatiev thì một thời gian sau đã nhanh chóng bị đưa ra khỏi Ban Bí thư vì trách nhiệm đầy tai tiếng trong ngành an ninh. 

 
Từ phải sang: Stalin, Khrushchev, Beria, Malenkov (hàng sau), Shkiriyatov và Zhdanov
 
Sau này, Khruschov sẽ kể lại với hội nghị Trung ương về việc Tổng Bí thư Đảng kiêm Thủ tướng Hungary Matiash Rakoshi đến Matxcơva hỏi kinh nghiệm Liên Xô xem Hội đồng Bộ trưởng giải quyết những vấn đề gì và Trung ương Đảng giải quyết những vấn đề gì, thì được Beria trả lời: "Trung ương gì! Mọi việc cứ để Hội đồng Bộ trưởng giải quyết, còn Trung ương Đảng lo công tác cán bộ và tuyên huấn".
Ngày 5/3, Bộ An ninh quốc gia và Bộ Nội vụ sáp nhập lại thành Bộ Nội vụ. Beria là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ba Thứ trưởng thứ nhất là S.N Kruglov. B.Z.Kobulov, I.A.Serov.
Beria ra lệnh thả đến một nửa số cán bộ của Bộ An ninh đã bị bắt thời Ignatiev, và tập hợp lại lực lượng an ninh có từ trước. Ông ta ấp ủ những kế hoạch lớn và rất muốn làm việc.
Khi Stalin còn sống, Beria, cũng như các cán bộ cao cấp khác, đặc biệt lại là Bộ trưởng An ninh, bất cứ lúc nào cũng có thể ra đi. Beria sợ Stalin. Ông chứng kiến Stalin gạt bỏ tất cả những người mà ông đã đưa lên, và biết rằng các cuộc nói chuyện của ông đều bị nghe trộm và ghi lại.
Từ năm 1941, thực tế là Stalin đã gạt Beria ra khỏi công tác của Bộ An ninh quốc gia. Việc Stalin thường xuyên thay đổi cơ cấu và người lãnh đạo cơ quan an ninh chứng tỏ rằng ông đang tìm kiếm phương án thay thế Beria.
Việc Stalin không công nhận cho Beria truyền đạt các chỉ thị của mình và giao nhiệm vụ lại cho Bộ trưởng An ninh làm cho một số nhà nghiên cứu lầm tưởng. Thật ra thì Ignatiev đã biết trước Beria sẽ nói gì, vì Stalin gặp và bàn việc với ông thường xuyên hơn là với các ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng Stalin quy định như thế, nên cứ thế mà làm. Ignatiev cẩn thận ghi lại: ngày này, giờ này đồng chí Beria gọi điện truyền đạt chỉ thị của đồng chí Stalin về vấn đề này thế này v.v... Các cuộc đàm thoại giữa Beria và Ignatiev được ghi lại để Stalin kiểm tra xem Beria truyền đạt có chính xác không và Ignatiev sau này có thực hiện đúng không, nhưng quan trọng hơn là để nắm được tình trạng quan hệ giữa hai người.
Stalin đưa Beria ra khỏi Lubianka (Quảng trường Lubianka - nơi đặt trụ sở của cơ quan An ninh - ND), nhưng vẫn dùng ông như biểu tượng của bộ máy thanh trừng để răn đe mọi người. Beria hiểu rằng sự tàn ác của ông ta được Stalin tán thưởng. Stalin không hề đánh giá cao các đồng nghiệp của mình trong Bộ Chính trị về độ cứng rắn, chỉ trừ Beria. Stalin đã giao cho Beria thực hiện các công việc đẫm máu, biết rằng Beria sẽ không run tay. Đồng thời Stalin cũng sợ Beria, và tìm cách thay thế Beria. Người ta đã có thể tổ chức được việc giết Trotski ở tận Mehico thì tại sao lại không có thể tổ chức việc giết Stalin?
- Và Stalin nghĩ rằng Beria có thể dám hành động? - Tôi hỏi giáo sư Naumov.
- Stalin biết ông ta là một con người mạo hiểm, dám làm tất cả. Beria thì cảm thấy cái vòng kim cô bao chung quanh ông ta ngày càng siết chặt lại. Ignatiev kể lại rằng khi nói chuyện điện thoại với ông ta, Beria chỉ trả lời ngắn gọn bằng những câu "vâng" hoặc "không" - ông ta sợ cả nói chuyện. Điều đó xảy ra sau khi cuộc nói chuyện của ông ta với Abacumov bị ghi âm và vài tuần sau Abacumov bị bắt.
- Beria có biết được điều gì chờ đợi ông hay không?
- Tất nhiên là có, cũng như mọi ủy viên Bộ Chính trị khác. Nhưng mỗi người đều nuôi hy vọng là lãnh tụ còn chừa mình ra. Còn Beria thì hy vọng rằng Stalin sẽ qua đời trước khi kịp bỏ tù ông. Thông tin về tình trạng sức khoẻ lãnh tụ của Beria là chính xác nhất, vì ở cấp nào, chỗ nào cũng có tai mắt tay chân của ông. Kaganovich sau này kể rằng Beria nói với ông ta rằng nếu Stalin bắt ông ta, thì lực lượng an ninh sẽ nổi loạn để phản kháng. (Chính vì vậy mà các đồng chí của Beria trong Bộ Chính trị sau này sẽ không dám cách chức, mà phải tìm cách bắt giữ ông ta).
Malenkov đứng ở vị trí lãnh đạo số một của đất nước.
Nhưng ông ta không đủ ý chí, thế và lực để làm người đứng đầu. Do đó ông ta liên minh với Beria để giữ quyền lực. Khruschov còn chưa được họ tiếp nhận một cách nghiêm túc và coi là đối thủ. Vậy là Malenkov - Beria cùng với Khruschov là bộ ba lãnh đạo. Nhưng riêng Beria không tính đến ai cả và thường hành động một cách độc lập.
Sự khác nhau giữa họ và cả những người lãnh đạo khác với Beria là ở chỗ: trong khi họ còn đang phân vân liệu có quản lý nổi đất nước to lớn này không? (họ đã quen quá lâu làm theo lệnh của Stalin đến nỗi ý chí bị tê liệt đi rồi), thì Beria không chút phân vân: ông ta tin rằng sẽ giải quyết được bất kỳ nhiệm vụ nào. Trong khi những người lãnh đạo khác còn đang nhập vai mới một cách khó khăn, thì Beria đã bắt đầu hành động, độc lập và tự tin. Ông ta có trong tay mọi đòn bẩy quyền lực, có bộ máy an ninh hùng hậu, và không ai dám chất vấn ông ta khi ông ta làm việc này việc kia. Sau khi trở thành Bộ trưởng Nội vụ, Beria thành lập bốn nhóm kiểm tra các vụ việc cũ: "vụ các bác sĩ", vụ bắt các cán bộ của Bộ An ninh quốc gia và vụ bắt các cán bộ Tổng cục pháo binh, và một ủy ban xem xét lại các cáo buộc đối với ban lãnh đạo quân đội. Dựa trên kết quả làm việc của bốn nhóm kiểm tra, Beria ra quyết định huỷ bỏ các kết luận về các vụ việc này, và bắt đầu phục hồi danh dự cho các quân nhân bị bắt sau chiến tranh.
Ngày 3/4, theo đề nghị của Beria, Đoàn Chủ tịch Trung ương Đảng ra quyết định phục hồi phục danh dự cho những người bị bắt và bị xử trong "vụ các bác sĩ" và truy cứu trách nhiệm hình sự các cán bộ của Bộ An ninh quốc gia đóng vai trò tích cực nhất trong việc tạo dựng các vụ án này.
Ngày 4/4, Beria ký lệnh cho Bộ Nội vụ "cấm áp dụng bất kỳ hình thức cưỡng bức và tác động về mặt thân thể nào đối với những người bị bắt".
Tuy nhiên chỉ những vụ án thời gian gần đây mà Beria không dính líu đến được xem xét lại. Còn những vụ án trước và vô số những nạn nhân khác thì bị im lặng.
Song, phải nói rằng khi báo "Sự Thật" đưa tin về việc phục hồi các nạn nhân trong "vụ các bác sĩ", thì điều đó đã gây một ấn tượng mạnh mẽ đối với toàn dân. Đây là sự thú nhận công khai đầu tiên về việc cơ quan an ninh quốc gia cũng thực hiện những việc làm tội lỗi. Bầu không khí ngột ngạt như đám mây đen trong thời gian Stalin còn sống tan bớt đi. Đấy là những biểu hiện đầu tiên của thời kỳ mà sau này người ta, dùng lời của nhà văn I.Erenburg, gọi là thời kỳ "tan băng".
Sau này, Trung ương Đảng sẽ phê phán Beria là xem xét lại các vụ án thì đồng ý, nhưng tại sao lại đem ra công bố công khai, làm ảnh hưởng uy tín của Đảng trong nước và trên quốc tế. Còn hiện giờ, mọi việc diễn ra dồn dập. Beria mạnh mẽ, năng động và kiên trì. Các đồng chí trong ban lãnh đạo chỉ còn biết im lặng giơ tay ủng hộ những sáng kiến do Beria đề xướng.
Ngày 10/4 Đoàn Chủ tịch Trung ương Đảng ra nghị quyết "tán thành những biện pháp do đồng chí Beria tiến hành nhằm vạch trần những hoạt động tội lỗi trong nhiều năm của Bộ An ninh quốc gia . . . ". Theo đề nghị của Beria, Trung ương Đảng ra nghị quyết cấm mang ảnh lãnh tụ - kể cả còn sống hay đã chết - trong các cuộc tuần hành quần chúng. Hai tháng sau ( lúc đó Beria đã bị bắt), Trung ương Đảng lại huỷ bỏ Nghị quyết đó, bởi vì quần chúng đi tuần hành mà không mang cờ và ảnh các vị lãnh đạo thì mang gì? Trong mấy tháng năm 1953, Beria đã biến Bộ Nội vụ thành một trung tâm quyền lực. Nhưng đồng thời cũng giải phóng Bộ Nội vụ khỏi hoạt động kinh tế - sản xuất, phân phát cho các bộ ngành toàn bộ cơ ngơi xây dựng và công nghiệp của Bộ Nội vụ đã từng sử dụng lao động tù nhân. Ông giao cho Bộ Tư pháp toàn bộ tù nhân trong các trại cải tạo lao động (viết tắt tiếng Nga là GULAG), chỉ giữ lại cho Bộ Nội vụ những trại và nhà tù đặc biệt giam giữ các tội phạm quốc gia đặc biệt nguy hiểm và tội phạm chiến tranh trong số các tù binh Đức và Nhật.
Riêng số tù nhân trong các trại tù của Bộ Nội vụ là 220 nghìn người. Số này sau này sẽ được Khruschov thả.
Ngày 26/3/1953, Beria báo cáo với Đoàn Chủ tịch Trung ương Đảng rằng các nhà tù và trại cải tạo lao động hiện đang giam giữ hai triệu rưỡi người. Một số đông những người đó không phải là mối nguy hiểm gì đối với xã hội: họ là phụ nữ, thiếu niên, người già yếu. Những người này bị bắt từ thời gian trước chiến tranh nhiều khi chỉ vì tự tiện bỏ việc, buôn bán đầu cơ, trộm cắp và những lỗi trong công tác hoặc trong sản xuất.
Beria đề nghị thả gần một triệu người. Những người bị kết án trên 5 năm tù, bị kết án vì các tội phản cách mạng, cướp bóc giết người có chủ định và biển thủ lớn không được ân xá. Đồng thời Beria đề nghị xem xét lại ngay các đạo luật để giảm nhẹ hình phạt đối với các tội không nặng, còn đối với các sai phạm sản xuất, công tác và sinh hoạt chỉ cần phạt hành chính.
Mỗi năm các toà án xem xét các vụ việc liên quan đến khoảng một triệu rưỡi người - Beria viết tiếp. Trong số đó, 650 nghìn người bị kết án tù, mà một nửa là vì các tội không nguy hiểm đối với xã hội. Nếu không sửa đổi luật pháp, thì chỉ một , hai năm nữa các trại cải tạo của chúng ta sẽ lại phải chứa ba triệu người.
Ngày 26/3/1953, Beria viết một tờ trình lên Đoàn Chủ tịch Trung ương Đảng kèm dự thảo sắc lệnh cùng với Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát tối cao. Tờ trình lập tức được thông qua. Hai ngày sau, sắc lệnh được ban hành, 1,2 triệu người đã được tha, và các vụ việc đối với 400 nghìn người xét thấy không có tội đã được đình chỉ.
Mùa xuân năm 1953, A.Kobulov - Phó thứ nhất của Beria nói với một cán bộ cấp dưới: "Không thể tưởng tượng được hết những dự kiến của Lavrenti Pavlovich (cách gọi kính trọng đối với Beria - ND). Ông sẽ phá vỡ rất kiên quyết trật tự hiện nay không chỉ ở nước ta, mà cả trong các nước dân chủ nhân dân".
Beria không cho tăng chi phí quốc phòng và đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cắt giảm nhiều công trình lớn, tốn kém, ngốn rất nhiều ngân sách. Riêng đối với các dự án công trình cho Bộ Nội vụ quản mà tốn nhiều tiền của và lực lượng như: kênh đào Turkmenia, kênh đào Volga - Ural, đường sông nối Volga và Baltic, thuỷ điện sông Đông, các đường sắt phía Bắc, Beria ra lệnh đình chỉ.
Malenkov và Beria đã có những bước đi theo hướng phi tập trung hoá việc quản lý kinh tế, thi hành một chính sách kinh tế tự do hoá hơn, rõ ràng nhằm giảm bớt gánh nặng cho người nông dân, như tăng giá thu mua nông phẩm, chú trọng sản xuất hàng tiêu dùng - điều mà Malenkov sau này - khi đến lượt ông bị đưa "lên thớt" - sẽ bị phê bình.
Beria hoạt động tích cực cả trong các vấn đề quốc tế.
Sau ba năm chiến tranh, các cuộc đàm phán về đình chiến ở bán đảo Triều Tiên đã được bắt đầu. Còn ở Hungari, kỷ nguyên của chủ nghĩa Stalin kết thúc với việc Imre Nagy trở thành Thủ tướng - người mà sau này sẽ lãnh đạo đất nước vào năm 1956.
Beria tìm cách khôi phục lại quan hệ với Nam Tư mà dưới thời Stalin đã bị cắt đứt. Ông đã giao nhiệm vụ cho tình báo của mình tổ chức cuộc gặp mặt giữa ông với A.Rankovich - người giữ chức vụ tương đương như ông trong ban lãnh đạo Nam Tư (ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ).
Mùa hè năm 1953, xảy ra cuộc khủng hoảng ở Đông Đức. Chính sách yếu kém của lãnh đạo, đời sống khó khăn, nhất là so với Tây Berlin mà lúc đó còn mở cửa đã dẫn đến cuộc nổi dậy phản kháng của quần chúng ở tất cả các thành phố lớn của Cộng hoà dân chủ Đức. Cuộc nổi dậy bị đè bẹp bởi xe tăng Liên Xô, nhưng đã buộc người ta phải suy nghĩ về việc liệu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Đông Đức có phải là đúng hay không?
Ý kiến của Matxcơva về vấn đề này là chia rẽ. Beria thì cho rằng "không việc gì phải xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Đông Đức cả, cứ để Đông Đức và Tây Đức thống nhất lại thành một nhà nước tư sản, yêu hoà bình ở châu Âu". Molotov - lúc đó đã lại trở thành Bộ trưởng Ngoại giao - thì cực lực phản đối. Ý kiến của Molotov được thực hiện, vì Beria sau đó bị bắt. Nhưng về mặt lịch sử, ý kiến của Beria đã đi trước thời gian.
Không lâu trước khi bị bắt, Beria gọi các sĩ quan tình báo đến gặp, và giao cho họ những nhiệm vụ mới. Ông cũng bắt các đại diện tình báo ở nước ngoài phải thi ngoại ngữ. Ai đạt thì tiếp tục bố trí công tác, ai không đạt thì về nước công tác, và cử nhiều cán bộ trẻ đi công tác ở các nước dân chủ nhân dân. Riêng ở Đông Đức, bộ phận an ninh gồm 2.200 người - Beria cho là quá nhiều và giảm xuống còn 300 người. Ông cũng đổi mới lực lượng và phương thức hoạt động của cố vấn Liên Xô tại các nước dân chủ nhân dân, yêu cầu họ dứt khoát phải biết tiếng và quan hệ sâu sát với nhân dân nước sở tại.
Đồng thời, xuất phát từ chỗ quan hệ của Liên Xô với các nước đồng minh cần phải thân mật trọng thị hơn, ông yêu cầu các cố vấn Liên Xô tránh can thiệp vào công việc nội bộ của nước sở tại, tránh đưa ra những lời khuyên về những vấn đề tế nhị nhất là những vấn đề nội bộ lãnh đạo để người khác có thể vin vào đó mà cho rằng có "bàn tay Liên Xô".
V G.Cherniavski - năm 1953 lãnh đạo một vụ trong Tổng cục 2 (Tổng cục tình báo Đối ngoại) và được cử đi làm trưởng đoàn cố vấn Liên Xô bên cạnh Bộ trưởng An ninh và Nội vụ Rumani. Cherniavski vừa mới làm quen với tình hình thì xảy ra vụ nổi dậy ở Cộng hoà dân chủ Đức và bị Liên Xô dẹp. Beria gọi điện cho anh và nói: "Đồng chí hãy lấy đầu mình mà bảo đảm để tình hình như vậy không xảy ra ở Bucarest", và ra lệnh hàng ngày phải gọi điện về báo cáo tình hình cho ông hoặc phó thứ nhất của ông là Kobulov (phụ trách tình báo và phản gián).
*
Nghĩ rằng ai cũng căm ghét Beria là không đúng.
Sau khi Trung ương Đảng quyết định thả những người bị bắt trong "vụ án các bác sĩ" và trừng trị những kẻ tổ chức vụ đó, viện sĩ Iakov Zeldovich, ba lần Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa nói với Viện sĩ Andrei Sakharov:
- Cái này chính là Lavrenti Pavlovich của chúng ta làm đấy!
Đối với một số người, Beria được coi là chỗ dựa và người bảo vệ.
Alexei Adjiubei (con rể của Khruschov, Tổng biên tập báo "Tin tức") mô tả lại hình ảnh Beria đọc diễn văn tại buổi lễ kỷ niệm cách mạng Tháng Mười: "Người béo đậm, khuôn mặt bầu bầu, áo quần xoàng xĩnh, nom ông giống một anh cán bộ bình thường. Nhưng khi ông cất tiếng phát biểu, thì ông nói hay, dõng dạc, rành mạch và đầy uy lực, thỉnh thoảng ngắt mạch, ngẩng đầu lên để mọi người vỗ tay. Bài phát biểu của ông là một bài phát biểu không tẻ nhạt".
Beria khao khát quyền lực, đồng thời muốn làm việc để cải tổ đất nước, và biết rằng muốn thế phải dựa vào Đảng, phải tranh thủ sự ủng hộ của các Bí thư Tỉnh ủy.
Trong vấn đề này Khruschov có thuận lợi hơn Beria, vì ông được các Bí thư Tỉnh ủy biết, và mặc dù họ nhìn Khruschov bằng con mắt có phần giễu cợt, nhưng dù sao họ cũng coi Khruschov là người của mình. Còn Beria chỉ có thể bắt họ phải sợ mình. Nhưng không thể nào quản lý và giữ đất nước chỉ bằng nỗi sợ. 
Nikita Sergeyevich Khrushchyov Ники́та Серге́евич Хрущёв
Nikita Khruchchev Colour.jpg
Nikita Sergeyevich Khrushchyov
Chức vụ
Nhiệm kỳ 1953 – 1964Trong số tất cả các lãnh đạo cao cấp của Liên bang Xô Viết, chỉ có một mình Nikita Khrushov (đọc là Khơ-rút-xốp) không được chôn cất tại Quảng trường Đỏ, nơi an táng tất cả các lãnh đạo cao cấp của nước Nga Xô Viết. Khi còn sống, Khrushov từng nói rằng, ông không muốn nằm chung ở Quảng trường Đỏ với Stalin.


Leonid Brezhnev - người kế nhiệm Khrushov bằng một cuộc chính biến chính trị trong thời gian Khrushov đang đi nghỉ - cũng không đồng ý để người ta dựng tấm bia mộ của Khrushov tại nơi đây. Vì vậy, khi qua đời vì bệnh tim vào năm 1971, Khrushov đã được chôn cất ở một nơi vốn không thuộc về ông: Nghĩa trang Novodevichy…
 
1. Nghĩa trang Novodevichy nằm ở phía Tây Nam của Moscow, từ xưa đã là nơi an nghỉ của những người danh lưu, quý tộc. Vào thời kỳ sau Cách mạng tháng 10, vị trí của nghĩa trang Novodevichy chỉ xếp thứ hai sau bức tường Điện Kremlin.

Stalin và Khrushchyov trong đoàn chủ tịch kì họp Ủy ban Chấp hành Trung ương Liên Xô[2] 
 (tháng 1 năm 1936)
Năm 1953, khi Stalin mất, đã xuất hiện một khoảng chân không chính trị. Ban lãnh đạo không biết đưa ai lên làm người đứng đầu. Đất nước lần đầu tiên không có lãnh tụ. Nhân dân không biết các nhà lãnh đạo của mình ai làm cái gì. Chỉ có một mình Molotov là Bộ trưởng Ngoại giao được báo chí đưa tin đi dự các cuộc chiêu đãi quốc khánh, nhận và trả lời các công hàm và điện chúc mừng hoặc chia buồn của nước ngoài. Và Voroshilov với danh nghĩa là Chủ tịch Xô viết tối cao trao huân chương hoặc huy chương cho các tập thể và cá nhân xuất sắc. Các Bí thư Tỉnh uỷ không biết báo cáo ai, xin ý kiến ai, và dựa vào ai. Sự sắp xếp nội bộ phức tạp trong điện Kremli làm họ bực bội và lúng túng.
Trong bối cảnh đó, Beria tranh thủ các nước cộng hoà. Ông chủ trương phải trao cho họ nhiều quyền chủ động hơn trong việc sắp xếp và đề cử các cán bộ dân tộc (đối với các nước cộng hoà) và địa phương (đối với các khu tự trị). Các nước cộng hoà lâu nay vẫn ngầm tức bực vì Trung ương cử những cán bộ từ đâu tới lãnh đạo, những người này tiếng dân tộc thì không hiểu, điều kiện địa phương thì không tường, mà xử sự thì như ông chủ.
Nếu trước kia cảnh giác đấu tranh với chủ nghĩa dân tộc như thế nào (chẳng hạn nhà điện ảnh lỗi lạc A.Dovienko vì bộ phim rất hay về Ucraina mà bị "treo bút"), thì nay Beria đề nghị phát triển các nền văn hoá dân tộc, dạy học bằng tiếng dân tộc song song với tiếng Nga, và các Bí thư thứ hai Tỉnh ủy có thể được đề bạt từ địa phương chứ không nhất thiết cứ phải từ Trung ương cử xuống. Những điều đó làm ấm lòng lãnh đạo Đảng các địa phương.
Tháng 6/1953, sau khi đi công tác Belarussia về, Beria báo cáo Trung ương là lãnh đạo Bộ Nội vụ Belarussia không có một ai là người Belarus cả. Tình hình cũng như vậy trong các cơ quan khác của Đảng, Xô viết và chính quyền của Belarussia. Beria đã bằng thế lực của mình làm thay đổi Bộ trưởng Nội vụ của Belarussia. Còn bộ máy Đảng của nước cộng hoà thì Beria không làm được, vì điều đó thuộc thẩm quyền của Đoàn Chủ tịch Trung ương Đảng.
Cũng theo tinh thần những kiến nghị của Beria, Ucraina đã phải tiến hành hội nghị Trung ương, phê phán công tác lãnh đạo của Bộ Chính trị Đảng Ucraina đối với các vùng phía tây và cách chức Bí thư thứ nhất L.Melnikov là một người Nga, thay bằng A.Kirichenko người Ucraina. Cũng theo sơ đồ như vậy Beria đề nghị thay Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Belarussia N.O.Patolichev bằng người Belarus M.V.Zimianin.
Bộ trưởng Nội vụ Belarussia M.Baskakov đi Matxcơva về ghé tai báo cho Patolichev cái "tin chết người" đó. Ông ta lập tức lên Matxcơva, thì gặp người bạn đồng cảnh của mình ở Ucraina là Melnikov vừa bị cách chức thật, đang làm thủ tục đi đại sứ ở Rumani.
Potolichev xin gặp các vị cao cấp có thế lực kể từ Khruschov trở xuống, nhưng không thấy ai nói là Patolichev sắp sửa bị cách chức. Một vài người "thạo đời" , khuyên Patolichev gặp Beria thì mới biết đích xác.
Nhưng Beria không tiếp, nói là quá bận. Patolichev đành về.
Vài ngày sau, Khruschov gọi điện xuống Minsk cho Patolichev thông báo rằng Trung ương Đảng quyết định cho ông ta thôi chức Bí thư thứ nhất Belarus vì "đã vi phạm chính sách dân tộc lê-nin-nít".
Nhưng Patolichev vẫn số đỏ. Trong khi hội nghị Trung ương Belarussia đang phân tích các khuyết điểm của Bí thư thứ nhất, thì ở Matxcơva Beria bị bắt. Lần này, Malenkov và Khruschov gọi điện cho Patolichev thông báo rằng Beria bị bắt, và nói nếu Hội nghị Trung ương Belarussia quyết định vẫn giữ chức cho Patolichev thì Trung ương sẽ không phản đối. Thế là những người vừa mới phê phán Patolichev lại biểu quyết tán thành ông ta.
Nhưng Khruschov cũng chỉ giữ Patolichev thêm được ba năm, sau đó chuyển ông ta sang làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao rồi cho về hưu.
Người ta cho rằng việc bắt Beria là cái mốc đánh dấu việc mở đầu cuộc đấu tranh chống tệ sùng bái cá nhân Stalin. Đấy là sau này Khruschov tuyên bố như thế.
Còn lúc đó, vào năm 1953, đơn giản chỉ là cuộc đấu tranh giành quyền lực. Các đồng chí trong Đảng tìm cách loại bỏ một nhân vật sừng sỏ và một đối thủ đáng gờm.
Stalin gạt bỏ các ủy viên Bộ Chính trị một cách bài bản, từng bước: tập hợp chứng cứ và lời khai đối với từng người, cho xem hồ sơ, tư liệu về các ủy viên Bộ Chính trị khác và hỏi ý kiến. Sau đó vấn đề được đưa ra hội nghị Trung ương. Đối tượng bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị, bị cách mọi chức vụ, cuối cùng bị điều tra và bị bắt.
Với Beria thì họ không làm thế được. Họ không có gì để tố cáo Beria cả. Đúng hơn, họ có thể cáo buộc Beria về mọi chuyện, nhưng là những chuyện mà chính họ cũng dính vào.
Không có bằng chứng nào nói rằng Beria có ý định lật đổ ban lãnh đạo Đảng, bắt tất cả các ủy viên Bộ Chính trị. Khruschov chỉ nói thế này:
- "Với một kẻ gian giảo như thế thì chỉ có thể hành động như vậy được thôi các đồng chí ạ. Nếu chúng tôi bảo thẳng vào mặt hắn rằng hắn là con người như thế nào, thì chắc chắn hắn đã nghiền nát chúng tôi. Hắn biết làm điều đó lắm. Chúng tôi đã tính toán kỹ: nếu hắn mà biết được Trung ương sẽ họp để bàn về hắn, thì có thể xảy ra là chúng ta đến phòng họp, mà lực lượng của hắn đã bao vây khắp xung quanh rồi".
Khruschov, Malenkov và những người khác năm 1953 đó đã hành động như dưới thời Stalin đã hành động: họ tóm luôn Beria, chẳng cần đầy đủ chứng cứ, chẳng có lệnh bắt.
Trong năm năm cải tổ, các sĩ quan của Bộ Nội vụ có kể lại rằng năm 1953, một sư đoàn của Bộ Nội vụ đã được dồn về gần Matxcơva để chờ hễ có lệnh của Beria là nhảy vào giúp Beria giành chính quyền.
Ý kiến của giáo sư Naumov:
- Sư đoàn ấy bây giờ vẫn đóng ở Matxcơva. Đó là sư đoàn quân cận vệ mang tên Dzerjinski. Người ta không tìm được bằng chứng nào nói rằng Beria chuẩn bị một cuộc đảo chính cướp chính quyền. Theo tôi, ông ta không cần như vậy. Ông ta nắm tất cả mọi người trong tay bằng các hồ sơ mật của mình. Bất cứ lúc nào, nếu muốn, ông ta cũng có thể buộc tội bất kỳ ai về một tội gì đó Nhưng ông ta không vội, cho rằng thời điểm còn chưa chín.
- Thế nếu Beria chưa có ý định gạt bỏ các đồng nghiệp trong Bộ Chính trị, thì tại sao họ lại quyết định bắt ông ta?
Giáo sư Naumov:
- Uy tín của Beria trong nước ngày càng lớn. Bên cạnh ông ta, Malenkov, Khruschov, Molotov, Bulganin chỉ là những nhà lãnh đạo yếu ớt. Bằng sức mạnh của tính cách mình, ông ta áp đảo tất cả. Trong các cuộc họp Bộ Chính trị, ông tự mình nêu vấn đề tranh luận, tự mình kết luận, cắt ngang người khác một cách thô bạo khi họ đang nói. Tất cả đều sợ ông và đều ấm ức với ông nhưng không dám nói lại. Tất cả các ủy viên Bộ Chính trị đều có những bất đồng với nhau, và tự họ với nhau đã cãi lộn, và chính họ cũng biết thế. Nhưng có một cái chung liên kết họ lại với nhau: đó là sự sợ hãi Beria. Và họ đã đi một bước quyết định . . .
Kế hoạch đã chín muồi vào đầu tháng 6 năm 1953.
Và Khruschov đặt cược tính mạng vào kế hoạch đó.
Malenkov, Jukov cũng vậy. Họ bắt đầu vận động từng người một trong đoàn Chủ tịch Trung ương Đảng một cách hết sức cẩn mật. Tất cả các cuộc nói chuyện đều ở ngoài phố,vì sợ bị nghe trộm (việc này Cục 9 của Bộ Nội vụ làm, với lý do bảo vệ cán bộ lãnh đạo).
Các đồng chí của Beria trong ban lãnh đạo Đảng lật Beria không chỉ vì Beria có tham vọng lên làm người đứng đầu, mà còn vì sợ ông ta phanh phui các tài liệu về sự dính líu và trách nhiệm của họ trong các vụ thanh trừng. Beria biết rõ hơn ai hết : ai đã từng tham gia cái gì. Mà ai cũng đều có "phốt", có tội. Và Beria nắm tất cả những cái đó của họ trong tay.
Những người lãnh đạo Đảng cũng ý thức được sự cần thiết phải có những thay đổi. Chỉ có điều họ lúng túng và chậm trễ.
Malenkov đề nghị triệu tập trong tháng 4/1953 một Hội nghị Trung ương để phê phán tệ sùng bái cá nhân Stalin. Nhưng Hội nghị Trung ương không triệu tập được. Matxcơva không dám nêu tên Stalin ra, còn Beria thì nói thẳng về tệ sùng bái cá nhân Stalin, về những sai lầm của Stalin, và gửi cho các ủy viên Trung ương xem bản phân tích của mình về "vụ các bác sĩ".Tài liệu này dày mấy chục trang, như một quả bom nổ đối với tất cả các ủy viên Trung ương .
Beria làm như thế tức là giũ bỏ trách nhiệm khỏi bản thân về các cuộc khủng bố. Thế còn trách nhiệm của những người khác thì sao? Điều đó làm cho bộ máy Đảng lo sợ. Beria ra lệnh bắt Riumin (nguyên Thứ trưởng Nội vụ) và định bắt Ignatiev (nguyên Bộ trưởng Nội vụ). Và nếu vậy thì hai người này sẽ khai ra khối điều Đến lúc đó thì Khruschov và Malenkov đã chủ động bắt Beria.
Làm sao mà một người dày dạn kinh nghiệm, một chuyên gia về các vụ âm mưu như thế, đã sống qua được cả Stalin, mà lại để cho Khruschov bắt?
Có lẽ Beria đã chủ quan, mất cảnh giác, đánh giá thấp đối thủ, đặc biệt là Khruschov. Chính Khruschov - kiên trì và táo bạo - đã quyết định số phận Beria. Sau khi lật đổ Beria, Khruschov nổi lên vị trí số một và đã được bầu làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng.
Thật ra ban đầu mọi người không định xử tử Beria.
Vẫn còn giữ lại một bài phát biểu viết tay của Merculov, trong đó đề xuất cách mọi chức vụ đang có của Beria và đề bạt làm Bộ trưởng dầu khí. Mikoian và Voroshilov cũng đồng ý như thế, hoặc là bố trí một công tác nào đó khác. Nhưng Khruschov và Molotov chủ trương loại bỏ hoàn toàn Beria, và ý kiến của họ thắng thế.
Khi mọi người xông vào phòng làm việc của Beria, Malenkov tuyên bố Beria bị bắt. Tiếp đó nhóm quân nhân đứng đầu là Nguyên soái Jukov và Đại tướng Moskalenko tiến đến gần Beria. Bằng một động tác nhanh mạnh, Jukov gạt cái cặp trên bàn trước mặt Beria đề phòng nhỡ trong đó có vũ khí. Chiếc cặp bay sang một bên. Beria bị giải đi.
Một cuộc họp Đoàn Chủ tịch Trung ương Đảng được triệu tập khẩn cấp vào ngày 2/7/1953. Nhưng không phải mọi ủy viên Trung ương, thậm chí nhiều ủy viên Đoàn Chủ tịch không được báo. Mikoian thì được Khruschev báo vì hai người cùng đi một xe. Một số người khác thì chỉ biết trước khi cuộc họp được bắt đầu.
Nhiều người có mặt tại cuộc họp kể tội Beria là đã đặt Bộ Nội vụ lên trên Đảng và Chính phủ, ngạo mạn và thô bạo với các đồng chí.
Những người ta không bị xử tử vì những chuyện đó - Beria nghĩ như vậy. Cho nên khi người ta dẫn ông ta ra khỏi phòng họp, ông ta vẫn không tin là sẽ bị xử tử.
Nhưng Beria quên rằng bản thân ông ta đã từng xử bắn bao nhiêu người khác vì những tội còn bé hơn nhiều.
Các ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Đảng ngồi chờ ở Kremli đến tận khuya, cho đến khi được thông báo là đã đưa Beria vào phòng giam.
Người đảm nhận trách nhiệm bắt Beria là Bộ trưởng Quốc phòng N.A.Bulganin. Trực tiếp chỉ đạo công việc này là Thứ trưởng thứ nhất Nguyên soái Jukov bởi vì ban đầu, khi được giao bắt Beria, có người đã ngất xỉu.
Sau khi tuyển xong người, Jukov chở các sĩ quan mang theo súng ngắn lên xe của Bulganin không bị kiểm soát đi thẳng vào Kremli, nói là để báo cáo với Bulganin về hệ thống phòng không.
Khi đến nơi rồi, người ta mới nói với các sĩ quan đó kế hoạch và trình tự tiến hành công việc.
Beria bị bắt vào thứ sáu. Các báo được chỉ thị gạt bỏ mọi tin tức liên quan đến Beria, còn các địa phương thì dỡ bỏ tất cả các ảnh của ông ta. Vài ngày sau hội nghị Trung ương, trên các báo trung ương xuất hiện một tin có vài dòng, nói rằng Trung ương Đảng đã khai trừ Beria khỏi Đảng như một kẻ thù của Đảng và nhân dân Liên Xô, và đề nghị đưa vụ việc của Beria sang Toà án tối cao xét xử.
Mọi người trong nước đều lập tức cho rằng Beria là một kẻ tội phạm: một khi bị bắt tức là có tội. Một số người còn tin rằng Beria làm gián điệp.
Các cán bộ của bộ máy Đảng trong cả nước thì thở phào. Họ sợ Beria và sợ bộ máy của ông ta từ trên xuống dưới theo dõi các cấp lãnh đạo Đảng và không công nhận quyền lực của Đảng ở trên bản thân mình.
Không một ai từ Bí thư Đảng bộ cấp bất kỳ đến Bí thư Trung ương Đảng nước cộng hoà được bảo đảm khỏi việc bị bắt bất cứ lúc nào. Họ sợ anh Giám đốc Sở Nội vụ hoặc trưởng ty an ninh hơn bất kỳ ai, vì sinh mạng chính trị của họ phụ thuộc vào những gì mà anh ta báo cáo về Trung ương. Ngày 29/6, trên báo "Sự thật" đã xuất hiện bài về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp, rằng bất cứ cơ quan nào, cán bộ nào cũng không được năm ngoài sự kiểm soát của Đảng. Trung ương Đảng ra nghị quyết "Về việc tổ chức tiến hành điều tra, xét xử những hoạt động tội phạm, chống Đảng, chống Nhà nước của Beria".
Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao cũng bị thay thế bằng R.A.Rudelko đang làm Viện trưởng Viện Kiểm soát Ucraina, được Khruschov tin cậy.
Những người đặt mua cuốn "Đại từ điển bách khoa toàn thư Liên Xô" mùa hè năm 1953 nhận được những trang sách mới in để thay thế trang 22 và trang 23 cũ, có phần về tiểu sử và sự nghiệp của Beria.
Tháng 10/1953, Trung ương Đảng duyệt văn bản luận tội Beria. Trước đó, Đoàn Chủ tịch Trung ương Đảng suốt một tuần không biết làm thế nào để định tội danh cho Beria. Viết là tội "hoạt động chống Đảng". Nhưng Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Rudenko bảo rằng trong Bộ luật hình sự không có tội danh đó. Khi ấy, người ta bèn viết là "hoạt động chống nhà nước". Nhưng cụ thể là gì?
Phiên toà xét xử Beria diễn ra từ ngày 18 đến ngày 23/12/1953, đã kết tội Beria "phản bội Tổ quốc, tổ chức hoạt động chống Liên Xô nhằm mục đích cướp chính quyền và tiến hành các hoạt động khủng bố chung các nhà hoạt động trung thành với Đảng Cộng sản và nhân dân; trong thời gian công tác ở Bắc Kavkas đã tìm cách phá hoại tình hữu nghị giữa nhân dân Azerbajan với nhân dân Nga vĩ đại v.v..." Cùng bị xử với Beria có Merculov (nguyên Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia hiện là Bộ trưởng Thanh tra Nhà nước), Kobulov (nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ), Dekanozov (nguyên Cục trưởng Bộ Nội vụ, hiện là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Gruzia), Gogliedze (Cục trưởng Bộ Nội vụ).
Phiên toà xử Beria và những người khác chỉ là hình thức. Ai cũng đã rõ từ trước phiên toà: điều gì sẽ đợi Beria.
Án tử hình Beria được thi hành vài tiếng đồng hồ sau khi kết thúc phiên toà, ngày 23/12/1953.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét