Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

KIẾP GIANG HỒ 186 (Ba Dương)

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                    Ba Dương – Thủ Lĩnh Bình Xuyên khét tiếng Nam Kỳ


Sự thật "giang hồ" khét tiếng trở thành vị tướng tài năng

GĐ&XH

GiadinhNet - Ba Dương, tên thật là Dương Văn Dương, sinh năm 1900, tử trận 22/02/1946. Ông sinh ra ở Bến Tre trong một gia đình lưu dân vùng Ngũ Quảng.
Thuở nhỏ, ông học một ít võ thuật từ cha và bắt đầu bôn tẩu giang hồ khi vừa 14 tuổi. Ba Dương là người trượng nghĩa hiệp, thích sống tự do thoải mái, sau khi lên Sài Gòn, mảnh đất mà ông dừng lại trú chân là Bình Xuyên.
Bình Xuyên xưa kia là một ấp thuộc làng Chánh Hưng, quận Nhà Bè. Với địa hình chi chít sông rạch, cây cỏ mọc um tùm, là vùng đất gần trung tâm Sài Gòn nhưng lại hết sức hoang sơ… Đó chính là điều kiện rất thuận lợi để trốn nã, bắt bớ của các giang hồ hảo hán thời Pháp thuộc. Vì quy tụ nhiều hảo hán giang hồ và không ít những tên tội phạm khét tiếng nên thực dân Pháp gọi vùng đất này là "ổ cướp".
Ông Dương Văn Dương.
Từ vùng đất này, một hảo hán với võ nghệ cao cường tuyệt đỉnh và cách cư xử như các thủ lĩnh Lương Sơn Bạc đã xuất hiện và liên kết thống nhất giang hồ khắp nơi, hướng họ vào công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Đó chính là Ba Dương - một thủ lĩnh đích thực, cánh chim đầu đàn của vùng đất hoang sơ Bình Xuyên. Dùng tài nghệ của mình, Ba Dương đã quy tụ và thu phục những "cọp dữ" thuộc giới giang hồ Nam Kỳ thuộc địa để tạo thành một lực lượng hùng hậu chống thực dân. Chuyện kể về hảo hán Ba Dương không nhiều, nhưng hầu hết đáng tin cậy.
Chân dung giang hồ khét tiếng
Trước khi thành thủ lĩnh, Ba Dương đã lưu lạc nhiều nơi, làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Trong một lần khi đi vác lúa thuê về, ông chứng kiến 5 gã côn đồ tự xưng là người Kèo Vàng (Nghĩa Hòa Đoàn- Triều Châu) vây một ông già đi mua lúa. Nổi máu trượng nghĩa mặc dù còn nhỏ và võ vẽ chẳng được bao nhiêu, Ba Dương xông vào can thiệp. Tất nhiên, Ba Dương bị 5 gã kia đánh cho một trận tơi bời. Đến lúc này, ông già mới ra tay và chưa tàn nén nhang đã cho bọn côn đồ khiếp sợ hò nhau bỏ chạy. Ông già đưa Ba Dương về dạy võ và nhận làm con nuôi. Nhưng chưa đầy 2 năm sau Ba Dương lại bơ vơ do cao thủ người Hoa này bị tai nạn và chết mất xác. Ba Dương đi chăn vịt thuê, chạy đồng khắp nơi suốt 3 năm trời. Rồi Ba Dương lưu lạc lên khu bến Bình Đông, quận 8 và quận 6 bây giờ làm thuê kiếm sống qua ngày.
Lúc bấy giờ phong trào hội kín lan tỏa khắp cõi. Ở Sài Gòn mạnh nhất là hội Vạn Xe (hội của những người cùng ngành nghề). Năm 1888, Vạn Xe chính thức hoạt động với trụ sở là một ngôi miếu nhỏ vùng Tân Hưng. Phạm vi hoạt động ban đầu là khu Bình Đông, Phú Lâm, Minh Phụng ra đến An Bình Chợ Lớn. Hội Vạn Xe khống chế tất cả sinh hoạt ngầm như cờ bạc, mại dâm, bảo kê, tống tiền... Khi bành trướng hoạt động, Vạn Xe va chạm đến quyền lợi nhiều người. Nhẫn tâm thu cả tiền thẻ của phu bốc vác nghèo khổ ở các chành gạo khiến Ba Dương phản ứng và xảy ra đụng độ. Cùng với những người trượng nghĩa, Ba Dương đã đánh cho những tên được hội Vạn Xe sai đến thu tiền phải cúi đầu ra về tay không hết lần này đến lần khác. Chính điều này đã tạo nên mâu thuẫn lớn giữa ông và hội Vạn Xe vốn đang rất lộng hành.
Mới chỉ 20 tuổi, Ba Dương đã dám đối đầu trực tiếp với hội Vạn Xe, khi một thân một mình đến thẳng hội sở thách đấu theo kiểu một chọi một. Tất nhiên, Ba Dương dễ dàng thắng trận trước một cao thủ trốn từ Quảng Đông sang và cũng chẳng thèm gia nhập hay nhận chức tước của Vạn Xe. Sau trận đấu sinh tử đó, tiếng tăm ông nổi như cồn và được nhiều đại ca trong giới giang hồ nể phục.
Năm 1939, Ba Dương về ngụ ở cầu Rạch Đĩa làng Tân Quy, Nhà Bè (bây giờ thuộc quận 7, TP. HCM) và mở lớp dạy võ vì nhiều bạn bè nài nỉ. Lúc này lại xảy ra chuyện giang hồ các nơi đè cổ các chủ ghe thương thuyền đòi tiền bảo kê, Ba Dương lại một mình một ngựa xuống tận khu vực ghe thuyền neo đậu ở kênh Cây Khô giải quyết. Hàng loạt vụ chạm trán xảy ra và phải mất nhiều tháng ông mới thu phục được những giang hồ bến bãi. Người ta kể lại rằng, mỗi khi "me" thu phục một nhóm nào đó, Ba Dương không truy đuổi đến cùng mà luôn mở cho họ con đường để chọn lựa. Điều này đã làm cho nhiều kẻ có máu mặt nể trọng và đi theo ông, không ít những người trong số đó sau này là cán bộ chỉ huy nòng cốt trong liên quân Bình Xuyên.
Trở thành vị tướng tài ba
Thời điểm này, thực dân Pháp tuy đã yếu do Paris đầu hàng Đức quốc xã nhưng lại bóc lột nhân dân thậm tệ. Từ đó đã làm cho khuynh hướng chống Pháp của hảo hán Ba Dương lộ rõ. Để có phương tiện, tiền bạc, võ khí chống Pháp, Ba Dương cùng Năm Hà xin vào làm công nhân hãng đóng tàu Nichinan của Nhật. Ông lao vào việc vũ trang để có một đội quân đúng nghĩa bằng việc thành lập Thanh niên Cảm tử đoàn (hải quân Bình Xuyên) cùng với hàng loạt lãnh tụ Bình Xuyên như Bảy Viễn, Mười Trí, Hai Vĩnh, Bảy Môn, Năm Hà... tạo thành một lực lượng thống nhất và hùng mạnh. Có binh, có tướng, có vũ khí, có chiến khu... vấn đề được đặt ra và ưu tiên hàng đầu là lương nuôi quân.
Thuở ấy, bến xe bến tàu, thương thuyền, kho hàng, chành, vựa...là nơi dễ kiếm tiền nhất. Bến xe An Đông được cho là ăn nên làm ra lại thuộc quyền cai quản của thần cước tung hoành lục tỉnh khét tiếng Sáu Cường. Để có tiền xây dựng căn cứ và bảo đảm lương thực nuôi quân, Ba Dương đã thảo thư gửi Sáu Cường với lời lẽ trong thư hết sức khiêm tốn. Nhưng Sáu Cường đâu dễ chịu "chia cơm", hắn giận giữ và sai người đưa thư về báo với Ba Dương rằng: "Bình Xuyên có Ba Dương, An Đông có Sáu Cường, mỗi người hùng cứ một cõi, nếu có giỏi thì đến gặp ta... chuyện góp gạo nuôi quân, lúc đó tính". Ba Dương lại thân chinh một mình đến gặp Sáu Cường, thoạt nhìn, Sáu Cường không thể tin nổi chàng thanh niên nho nhã mặc bộ bà ba lụa lèo, tay phe phẩy quạt giấy trước mặt mình, lại là thủ lĩnh huyền thoại của Bình Xuyên. Hắn tuyên bố: "Nếu đỡ được cú đá của hắn thì chuyện nuôi quân là chuyện nhỏ".
Quả nhiên, chỉ sau vài cú thần cước kinh hoàng, Sáu Cường bất giác đình thủ vòng tay xá Ba Dương và đồng ý góp một khoản phí nuôi quân hàng tháng. Khi Ba Dương đã đi xa, Sáu Cường gật gù nói với thủ hạ: "Quả xứng đáng là hảo hán". Dù không bên nào giải thích nhưng bí mật của cuộc đấu vẫn hé lộ. Hóa ra khi lòn thấp người để tránh cú đá thần sầu của Sáu Cường, thủ lĩnh Bình Xuyên không quên dùng quạt chạm nhẹ vào hạ bộ đối thủ với dụng ý ngầm cảnh cáo: Muốn lấy mạng Sáu Cường dễ như trở bàn tay. Sáu Cường hiểu được dụng ý đó là đồng ý với yêu cầu của thủ lĩnh Bình Xuyên. Sau khi vụ đụng độ với thần cước Sáu Cường lan tỏa trong giới lục lâm thảo khấu khắp cõi Nam Kỳ, toàn bộ anh hùng ở bến xe cử người đến mời. Thế là, Ba Dương trở thành "ông trùm" của bến xe này, dù chẳng bao giờ phải lộ diện. Và tất nhiên, lương thực nuôi quân luôn được bảo đảm.
Cả nước đang sôi sục chuẩn bị cho Cách mạng tháng 8, đội quân Bình Xuyên cũng tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền. Ba Dương tổ chức lại bộ đội Ba Dương cùng các lực lượng khác thành bộ đội Bình Xuyên và đưa vào mặt trận kháng chiến chống liên quân Anh- Pháp đang lăm le trở lại cướp nước. Tài chỉ huy và đức độ của ông đã khiến cho các lực lượng kháng chiến tự phát khác tuân phục. Tháng 11/1945, ông được cử làm chỉ huy trưởng lực lượng Nhà Bè, Tân Thuận, Bình Đông... ở mặt trận số 4, bao vây mặt Nam Sài Gòn đang do liên quân Anh- Pháp chiếm giữ. Tháng 12/1945, Ba Dương được cử làm Khu bộ phó khu 7, và phân thành các chi đội. Toàn bộ được gọi là liên quân Bình Xuyên đều đặt dưới sự chỉ huy của Ba Dương. Như vậy là, từ một hảo hán giang hồ khét tiếng giới lục lâm, Ba Dương đã trở thành một chỉ huy quân sự tài năng và đức độ.
Tưởng rằng đất nước sẽ có một vị chỉ huy quân sự tài ba để lãnh đạo liên quân Bình Xuyên, nào ngờ khi liên quân Anh-Pháp đẩy mạnh tấn công ra mặt trận An Hóa-Giao Hòa hầu phá vỡ thế bao vây của Việt Minh. Do vũ khí kém và chỉ huy có hạn chế về khả năng, nguy cơ vỡ trận là chắc chắn. Nhận được tin, Ba Dương liều đưa quân đội Bình Xuyên của mình vượt sông Soài Rạp viện binh cho mặt trận An Hóa-Giao Hòa. Khi trú quân ở một ngôi nhà nhỏ tại ấp Bình Phương xã Châu Bình, bộ chỉ huy của liên quân Bình Xuyên bị chiếc máy bay Spitre của Pháp phát hiện. Ba Dương trúng một loạt đạn canon 20 ly và qua đời ngày 22/2/1946. Để ghi nhớ công ơn của ông, Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã truy phong Dương Văn Dương, tức Ba Dương lên thiếu tướng, và ông cũng là vị tướng được truy phong đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam.
Công Thư

Long tranh hổ đấu và trận thua bí ẩn của 'thần cước'

14:38 01/04/2013

Vốn là hai cao thủ trong chốn võ lâm, từng quy tụ dưới trướng cả ngàn đệ tử, tung hoành ngang dọc một thời, uy danh của "thần cước" Sáu Cường và cao thủ Ba Dương ở Sài Gòn những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, nhớ lại, vẫn khiến nhiều kẻ yếu bóng vía sởn da gà, nổi gai ốc.

Liên hoàn cước quỷ khốc thần sầu
Từ những năm loạn ly, Sài Gòn đã là một thành phố đô hội, nơi hấp dẫn mọi thành phần xã hội. Đặc biệt là các băng phái giang hồ mã thượng. Thế giới giang hồ những năm 30 - 40 là nơi dành cho những tay yêng hùng hảo hán theo đúng nghĩa.
Nổi lên trong số đó là Sáu Cường, người về sau được biết đến như một cao thủ huyền thoại của Nam Kỳ những năm 30, 40. Về thân thế của nhân vật này có nhiều tài liệu với nhiều ý kiến trái chiều. Có tài liệu cho rằng ông vốn là người Bạc Liêu. Tuy nhiên, những ghi chép của nhà văn Đặng Tấn Đức cho biết, Sáu Cường vốn tên là Nguyễn Phước Cường quê ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.
Khẳng định thông tin trên, ông Tư Trinh (ấp Chợ, Tân An, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), một trong những đệ tử cuối cùng của Sáu Cường cho biết: "Sinh thời ông sống tại Tiểu Cần nhưng sau này, khi con đường võ nghiệp đã thành danh, ông lên ở Sài Gòn nhiều năm". Cũng theo ông Trinh, huyền thoại giang hồ Sáu Cường có tuổi thơ không mấy êm ả. Ông sớm mồ côi cha mẹ và lăn lóc mưu sinh.
Số phận đen bạc khiến tuổi thơ của Sáu Cường rất nghiệt ngã, nhưng bù lại cho cậu khả năng thiên bẩm về võ học. Ông Tư Trinh kể lại: "Nhiều bậc tiền bối nói rằng, ông có một trí nhớ khác người và một sự đam mê võ học ít ai có được. Ông thường lén xem các tay võ sư mãi võ rồi tập theo.
Sau này, ông gặp được một tay cao thủ võ học người Tàu đang ẩn danh tại đây nhận làm đồ đệ". Nhiều ý kiến cho rằng, Sáu Cường chỉ học được với người võ sư trên những đòn đá kinh người. Ngoài ra, ông còn những tuyệt kỹ khác được học với nhiều bậc danh sư ẩn dật.
Cũng như "thần cước" Sáu Cường, Ba Dương sớm mất cha. Sinh ra trong một gia đình nghèo tại Bến Tre, sau ngày mất cha, ông theo mẹ tha hương khắp nơi và trụ lại Sài Gòn. Không như Sáu Cường một thân trăm nghề, lúc trẻ, Ba Dương chăn vịt chạy đồng khắp miền đồng ruộng Nhà Bè, Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công.
Tuy nhiên, tại đây, ông có dịp được mục kích những màn biểu diễn, thi thố võ thuật của những bậc võ sư thượng hạng. Vốn cũng là người có khiếu võ nghệ từ nhỏ, nhờ được cha dượng chỉ dạy, lớn lên Ba Dương đam mê võ nghệ hơn bất cứ điều gì. Đi đến đâu, Ba Dương cũng lân la tìm kiếm các bậc danh sư võ học để tìm hiểu. Gặp thầy hay, Dương xin học cho kỳ được. Nhờ đó, nghề võ của Dương sớm hơn người. 

Xã hội - Long tranh hổ đấu và trận thua bí ẩn của 'thần cước'

Chân dung huyền thoại Sáu Cường và thủ lĩnh Bình Xuyên Ba Dương.
Ngay khi còn là một thiếu niên gầy yếu, Ba Dương đã được đánh giá là một cao thủ võ học. Ông tinh thông nhiều độc chiêu của những thầy võ nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ như: Thầy Ba Thi ở Chợ Lớn, thầy Sáu Lầu ở Bình Chánh, thầy Bộ Dực ở Bến Tre... Rất nhanh chóng, ông trở thành thầy dạy võ gần cầu Rạch Đỉa, làng Tân Quy, Nhà Bè, kiêm nghề bảo hiểm bình dân cho các chủ ghe thương hồ trên kinh Cây Khô, ngay cửa ngõ Sài Gòn từ khi còn là một "thằng trai nhỏ xác".
Long tranh hổ đấu và trận thua bí ẩn của "thần cước" 
Một trong lãnh địa kiếm cơm lý tưởng nhất thuộc quyền sở hữu của Sáu Cường là bến xe An Đông (khu vực đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM bây giờ). Trước khi thâu tóm bến xe này vào tay và trở thành ông trùm bảo kê hàng hóa, dàn xếp tất cả các cuộc tranh giành khách tại đây, Sáu Cường đã không ít lần đích thân ra mặt thách đấu mọi đối thủ. Với danh tiếng và uy lực của đòn liên hoàn cước, khiến quỷ khốc, thần sầu, Sáu Cường nhanh chóng dẹp yên bờ cõi, thâu tóm toàn bộ bến xe.
Trong lúc này, Ba Dương vẫn sống đời "ngọa hổ tàng long". Ông mở lớp dạy võ rồi về Nhà Bè sống cảnh phiêu bạt giang hồ. Với nghĩa khí của bậc quân tử, không ít lần Ba Dương ra mặt giải quyết những vụ đụng độ giữa đám đệ tử với các bang phái giang hồ Sài Gòn. Sự xuất hiện của tên thư sinh tay cầm quạt, tưởng chừng trói gà không chặt nhưng có thể áp đảo quần hùng khiến nhiều đàn anh, đàn chị đứng ngồi không yên. Tuy nhiên, trong các trận tử chiến với tên "thư sinh" nhiều tay anh chị bị hạ gục đều tâm phục khẩu phục. Ba Dương cũng nhanh chóng thu phục hàng loạt đàn em vốn là những tay đâm thuê chém mướn.
Được biết, lúc bấy giờ, Ba Dương đã có ý định nuôi quân, thu thập vũ khí chờ làm việc lớn. Nguồn thu từ việc bảo kê hàng hóa lương thực không đủ đảm bảo cho một số lượng lớn các anh hùng hảo hán. Thủ lĩnh Bình Xuyên có ý muốn được Thần cước Sáu Cường giúp đỡ từ nguồn thu kếch xù trong việc bảo kê bến xe An Đông. Sau chuyến về Tiểu Cần lên Sài Gòn, Sáu Cường nhận được một lá thư tay có nội dung ngắn gọn: Xin ít tiền nuôi quân. Ký tên: Ba Dương, một trong những thủ lĩnh Bình Xuyên.
Sáu Cường không mảy may suy tính, ông nhận lời hội kiến. Địa điểm là quán cà phê Hải Nam trên góc đường Vĩnh Viễn. Không phải đợi quá lâu, sau ít phút, Sáu Cường thấy một chiếc xe lôi đỗ lại trước mặt. Từ trên xe, một thanh niên bận bà ba trắng, tay cầm quạt nom có vẻ thư sinh, yếu ớt. Thoáng chút bất ngờ, Sáu Cường không tin đó là thủ lĩnh Bình Xuyên lại càng không tin hắn có thể chịu nổi thần cước vang danh của mình. Sáu Cường đứng dậy nói thẳng: "Chịu nổi thần cước của Sáu Cường rồi nói chuyện... không thì Bình Xuyên cứ tung hoành ở đất của mình, chừa đất cho anh em An Đông sống, chớ để mất hòa khí".
Ba Dương lặng lẽ gật đầu. Không cần thăm dò thực hư, như mọi lần, Sáu Cường vung chân xuất cước liên hoàn về phía Ba Dương. Người xem chỉ nghe tiếng gió vùn vụt mỗi khi "thần cước" tung chân. Trong rừng chân bủa vây, người ta chỉ thấy anh thanh niên lách người né tránh nhanh như chớp với thân thủ linh hoạt xuất thần. Sau một loạt liên hoàn cước chết người, bất thần Sáu Cường tái mặt ngừng đánh. Bất ngờ chấp nhận quyên tiền nuôi quân Bình Xuyên. Ba Dương chắp tay tỏ ý cảm tạ rồi lên xe ra về bỏ lại Sáu Cường bị vây kín trong sự tò mò của đám đàn em. Trước những câu hỏi liên tục của đám dưới trướng, Sáu Cường chỉ xua tay không trả lời, lên xe về thẳng Tiểu Cần mang theo những câu hỏi không lời giải.
Lời giải cho ảo chiêu của Ba Dương
Những bí mật về trận thua khó hiểu của ông mãi về sau khi thế giới giang hồ nghĩa hiệp bị xóa sổ mới được tiết lộ vài phần. Theo đó, khi Sáu Cường mải mê tung thần cước hòng hạ gục Ba Dương trong chớp nhoáng, thì chỉ thấy Ba Dương khi lách người, khi cúi thấp né tránh, thân pháp biến ảo khôn lường, thần cước Sáu Cường như hổ vồ, thì Ba Dương như rồng lượn. Tuy nhiên, trong khi đang say đòn đầy khí thế trước đám đàn em hô vang, ủng hộ, Sáu Cường bất thần cảm nhận được đầu quạt giấy của Ba Dương khẽ chạm hạ bộ của mình.
Không còn nghi ngờ, việc đoạt mạng "thần cước" đối với Ba Dương chỉ như trở bàn tay. Ông không ra tay là vì tôn trọng đối thủ cũng như giữ thể diện cho một bậc cao thủ võ học nghĩa hiệp.
Cho dù lý giải thế nào, thì đến nay, việc đại cao thủ Ba Dương thực chất xuất chiêu gì và thuộc môn phái nào vẫn là một ẩn số mãi mãi không có lời giải.


Anh hùng nhất khoảnh Ngay sau khi khuất phục những bậc cao thủ võ  học cùng thời, Sáu Cường nổi lên như một tay hảo hán. Ông trở thành niềm tin của những người yếu thế. Danh tiếng của thần cước càng nổi sau khi đánh bại tay đấm Hồng Sơn bảo vệ hãng xà bông thuần Việt của Trương Văn Bền. Sau trận này, "thần cước" Sáu Cường nhanh chóng quy tụ hàng ngàn đàn em, bảo kê một vùng rộng lớn các bến xe, rạp hát, khách điếm, sòng bạc...
Sau khi thu phục những tay giang hồ có tiếng, Ba Dương chuyển mình thành một tay bảo kê chuyên bảo kê cho dân buôn vận chuyển lương thực, hàng hoá từ Nam Kỳ lục tỉnh về Sài thành. Từ đây, trong giới giang hồ nghĩa hiệp, Ba Dương trở thành đối trọng với cánh của Sáu Cường, cho dù cả hai chưa hề đụng mặt nhau.

Được cách mạng cảm hóa Cuộc đời và sự nghiệp của hai tay giang hồ mã thượng Sáu Cường, Ba Dương tưởng chừng không có điểm chung nhưng lại gặp nhau trên con đường cách mạng. Sáu Cường sau những lần chứng kiến cảnh sống tủi nhục của kẻ nước mất nhà tan đã nghe theo tiếng gọi của cách mạng. Ba Dương từ rất sớm đã có ý định nuôi quân làm việc lớn và trở thành một trong những thủ lĩnh của lực lượng Bình Xuyên huyền thoại. Đáng tiếc, khi sự nghiệp chưa viên mãn, cả hai đều thúc thủ trước tội ác của giặc Pháp.
Hà Nguyễn

Dương Văn Dương, vị Tướng đầu tiên của chiến trường Tây Nam Bộ (I)

ĐS&PL

(Phunutoday) - Ở giữa ruột vùng Đồng Tháp Mười có một con kênh lớn, dài gần 50 cây số. Trước đây, người Pháp cho đào con kênh này để làm tuyến vận tải huyết mạch của vùng Đồng Tháp Mười với tên Lagrange. Từ năm 1947, nó được Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ đặt tên Dương Văn Dương, tên của một vị tướng quê Bến Tre. Tuy cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi nhưng ông được nhiều tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam tôn xưng là bậc đàn anh của các tướng lĩnh Nam bộ.
Người khai sinh Bộ đội Bình Xuyên
Vị Tướng đầu tiên của chiến trường Tây Nam Bộ- Tướng Dương Văn Dương
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị, một trong 24 vị tướng của đất cù lao Bến Tre kể rằng thiếu tướng Dương Văn Dương (thường gọi là Ba Dương) sinh năm 1900 ra trong một gia đình nghèo ở cù lao Minh, tỉnh Bến Tre. Ông là con của ông Ngô Văn Mà và bà Dương Thị Biểu, nhưng do thời cuộc và mồ côi cha từ nhỏ nên Dương Văn Dương mang họ mẹ rồi theo mẹ bỏ xứ tha phương cầu thực khắp nơi.
Lúc mẹ ông tái giá, người cha dượng không rẻ rúng hắt hủi Ba Dương mà thương ông như con ruột và nuôi dưỡng, đùm bọc ông suốt thời niên thiếu ở khu vực cầu Rạch Đỉa, làng Tân Quy, huyện Nhà Bè (nay là quận 7, T.P. Hồ Chí Minh).
Sinh thời, ông Ba Dương có tính tự lập rất cao và thích ngao du khắp các vùng miền. Do nhà nghèo nên Ba Dương chỉ được học hết bậc tiểu học thì nghỉ. Thôi học, Ba Dương rời gia đình đi ngao du khắp nơi, quyết chí tìm học thêm những kinh nghiệm sống, những cách đối nhân xử thế ở trường đời và sẵn sàng làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Trong những năm sống lăn lộn ở khắp đồng ruộng từ Nhà Bè qua Cần Giuộc, Cần Đước xuống đến Gò Công, Bến Tre, làm nghề chăn vịt chạy đồng, Ba Dương không hề ngại gian khổ, lúc nào cũng lạc quan vui sống, dù cuộc đời người chăn vịt chạy đồng đầy khổ cực.
Trên bước đường ngao du cùng bầy vịt chạy đồng, đến đâu, hễ nghe có ông thầy võ nào có miếng võ gia truyền “độc chiêu” là Ba Dương liền tìm tới làm quen, rồi xin làm đệ tử để học cho bằng được ngón võ nổi tiếng của thầy. Nhờ thế, Ba Dương giỏi võ nghệ, tinh thông nhiều môn quyền cước và giỏi sử dụng roi. Chính vì vậy, khi quay về Sài Gòn, sống cuộc đời giang hồ hảo hán mã thượng, nghề võ của Ba Dương nổi trội hơn nhiều tay anh chị ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ba Dương còn được họ nể phục vì đối xử rất quân tử. Có miếng nghề nào hay, độc đáo là ông sẵn lòng truyền lại cho các thanh niên trong vùng, không hề giấu giếm. Vì thế,hàng trăm người mến vì tài, nể vì đức mà quy phục dưới trướng của Ba Dương, dù ở Nam Bộ lúc bấy giờ có rất nhiều tay “anh chị” chọc trời, khuấy nước ngang dọc . Vậy nên, những tay anh chị này rất kính phục ông.
Vào năm 1936, Ba Dương trở về khu vực cầu Rạch Đỉa, làng Tân Quy đóng đô, mở lò dạy võ giúp những người dân lương thiện sức yếu, thế cô có được vài miếng võ phòng thân, tự vệ và ngày càng nổi tiếng trong giới giang hồ Sài Gòn - Chợ Lớn vì luôn bênh vực, giúp đỡ người nghèo, nhiều lần tung quân đi lấy của cải của những nhà giàu bất chính đem chia lại cho dân nghèo quanh vùng.
Năm 1940, Nam Kỳ khởi nghĩa, dù cuộc khởi nghĩa này thất bại và bị giặc đàn áp dã man nhưng những dư âm của cuộc khởi nghĩa đẫm máu và nước mắt đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ của Ba Dương và là một bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời ông. Chỉ trong năm 1941, Ba Dương bị Pháp bắt 2 lần và bị tra trấn dã man trong nhà tù của thực dân. Nhưng trong những ngày lao tù, Ba Dương đã gặp gỡ, làm quen với nhiều tù chính trị và được họ cảm hóa, giác ngộ cách mạng.
Mãn hạn tù, Ba Dương tạm lánh mặt ở một vùng quê hẻo lánh trên biên giới Việt Nam - Campuchia, đến năm 1943 mới quay trở lại vùng Tân Quy, tiếp tục cuộc sống giang hồ hảo hán nhưng trong lòng đã quyết chí hướng theo cách mạng. Để có bình phong hoạt động, Ba Dương nhận thầu bảo vệ bãi chứa gỗ của hãng đóng tàu Nichinan (Nhật Bản) để xây dựng nơi này thành điểm tập hợp, cảm hóa các nhóm giang hồ và thu thập vũ khí chờ thời cơ. Nhưng một lần nữa, Ba Dương lại bị bắt.
Đầu tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Tại Nhà Bè, được sự hướng dẫn của các Đảng viên Cộng sản, Ba Dương nhanh chóng vận động, tập hợp và thống nhất nhiều băng nhóm giang hồ hoạt động thu thập vũ khí để tự trang bị bằng cách lập tiệm cơm, quán nhậu, lôi kéo lính Pháp, lính Nhật đến ăn uống và chủ động gạ mua súng ống. Nếu mua không được, Ba Dương cho đàn em dùng mưu và sức mạnh đón đường, tước vũ khí của giặc.
Từ tháng 5/1945 đến tháng 8/1945, bọn giặc khi nghe nhắc đến tên Ba Dương là tên nào, tên nấy sợ xanh mặt vì chỉ trong một thời gian ngắn, người của ông đã phối hợp với lực lượng Thanh niên tiền phong và các nhóm giang hồ hảo hán khống chế, tiêu diệt hàng trăm mật thám, chỉ điểm, cảnh sát ác ôn, có nợ máu với nhân dân. Lúc này lực lượng của Ba Dương là nhóm giang hồ hảo hán được vũ trang mạnh nhất vùng Sài Gòn - Chợ Lớn với 70 anh em giỏi võ nghệ, thiện chiến và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, được trang bị 50 súng, có cả trọng liên 13,2 li và đại bác nòng đôi 20 li. Cái tên Ba Dương trở thành nỗi khiếp sợ triền miên của bọn giặc.
Khi Cách mạng tháng Tám diễn ra, được lệnh của Xứ Ủy Nam Kỳ về Tổng khởi nghĩa, Ba Dương tập họp toàn bộ thủ lĩnh các băng nhóm giang hồ ở Nhà Bè, phổ biến kế hoạch và phân công phối hợp chiếm lĩnh toàn bộ các mục tiêu được phân công như Tòa án, Khám lớn Sài Gòn, Bót số 6… giải thoát được hàng trăm tù nhân bị Pháp, Nhật giam giữ. Sau đó, Ba Dương thành lập Thanh niên cảm tử đoàn bao gồm toàn dân anh chị giang hồ mã thượng tại Tân Quy (Nhà Bè).
Với tư cách là một đàn anh có uy tín, tiếng tăm trong vùng, Ba Dương tiếp xúc với các nhóm vũ trang giang hồ tứ chiếng lân cận và nhanh chóng thống nhất lực lượng lại thành một khối hùng mạnh. Lúc bấy giờ, mọi người bàn nhau lấy tên gọi cho đội quân hùng hậu này là “bộ đội Xóm Cỏ”, đồng thời thống nhất tôn Ba Dương làm thủ lĩnh. Nhưng Ba Dương chọn tên ấp Bình Xuyên thuộc làng Chánh Hưng làm tên chính thức của lực lượng mới.
Theo lý giải của mọi người, “Bình là dẹp bằng, Xuyên là ngang dọc”, rất phù hợp với tôn chỉ của dân giang hồ hảo hán và nghe có uy danh hơn tên “bộ đội Xóm Cỏ”. Danh xưng “bộ đội Bình Xuyên” ra đời từ ngày đó và xóm cầu Rạch Đỉa trở thành Tổng hành dinh của bộ đội Bình Xuyên do Ba Dương làm thủ lĩnh. Ngay sau khi thành lập, bộ đội Bình Xuyên của Ba Dương đã chủ động liên kết với bộ đội Thủ Thiêm của Mười Lực, liên quân với bộ đội Hai Vĩnh đánh nhiều trận thắng lợi giòn giã, gây được tiếng vang. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo của các cán bộ cách mạng, lực lượng Bình Xuyên của Ba Dương đã phát triển thành nhiều đơn vị Vệ quốc đoàn.
Nhiều thủ lĩnh Bình Xuyên như Dương Văn Dương (Ba Dương), Huỳnh Văn Trí (Mười Trí), Mai Văn Vĩnh (Hai Vĩnh), Dương Văn Hà (Năm Hà, em ruột của Ba Dương)… là những người có uy tín, chân thành học hỏi các chiến sĩ cách mạng và quyết tâm phục vụ đất nước. Đã là bộ đội cách mạng thì hoạt động phải theo quy củ nghiêm ngặt, không còn giang hồ ngang dọc như ngày xưa, nên Ba Dương kêu gọi binh sĩ Bình Xuyên: “Hãy luôn luôn tỏ rõ mình là người chiến sĩ cách mạng trong mắt nhân dân, kẻ thù”, sau đó tước khí giới của những nhóm giang hồ nào chưa chịu vào khuôn phép, thực hiện nhiều hình phạt nặng nề đối với những người rượu chè, bê tha, ức hiếp quần chúng.
Ngày 23/9/1945, quân Pháp nổ súng tái đánh chiếm Sài Gòn. Toàn Nam bộ vùng lên kháng chiến. Phối hợp với hoạt động của các lực lượng vũ trang trong nội thành, xung quanh Sài Gòn hình thành 4 mặt trận bao vây quân địch. Cuối tháng 9/1945, mặt trận phía nam Sài Gòn - Chợ Lớn (Mặt trận số 4) được thành lập do Đảng viên kỳ cựu Nguyễn Văn Trân làm Ủy trưởng quân sự. Ba Dương trực tiếp chỉ huy bộ đội Nhà Bè, Tân Thuận, Bình Đông và kiêm trưởng ban do thám của mặt trận.
Đến tháng 11/1945, Ba Dương được cử làm chỉ huy trưởng mặt trận số 4, nhưng do binh lực quá chênh lệch so với quân đội Pháp nên Mặt trận số 4 bị vỡ trận, các lực lượng như Đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ sư đoàn kéo nhau chạy dài. Trong lúc nguy cấp đó, Ba Dương chỉ huy bộ đội Bình Xuyên tạm thời rút về Phước An, Long Thành để chấn chỉnh lực lượng. Sau đó, Ba Dương thống nhất các đơn vị bộ đội Thủ Thiêm, Tân Thuận, Nhà Bè, Phú Nhuận… về Rừng Sác (Cần Giờ) lập căn cứ kháng chiến chống Pháp.
Giữa lúc đó, tướng Nguyễn Bình từ chiến khu Đông Triều - Hải Phòng được lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp tốc hành quân ngày đêm không nghỉ vào Nam thống nhất các lực lượng vũ trang. Vào đến chiến trường Nam Bộ, tướng Nguyễn Bình rất vui mừng khi nghe tin bộ đội Bình Xuyên là một lực lượng rất mạnh trong số các lực lượng vũ trang ở miền Đông Nam Bộ. Tướng Nguyễn Bình đã nghe tiếng tăm của thủ lĩnh bộ đội Bình Xuyên Ba Dương từ lâu và lập tức tìm cách liên kết với Ba Dương để củng cố lực lượng.
Sau khi liên kết và nhận được chỉ thị từ tướng Nguyễn Bình, Ba Dương đã vạch kế hoạch và chỉ huy bộ đội thực hiện chiến thuật đột kích đánh nhanh, rút nhanh chớp nhoáng vào nhiều vị trí quan trọng của địch trong nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn khiến bọn giặc điên đảo không biết đường nào mà lần. Đến tháng 10/1945, thực hiện chủ trương của Đảng bộ, Ba Dương dùng uy tín của mình thuyết phục các nhóm vũ trang thống nhất lại thành lực lượng vũ trang Nhà Bè do đích thân ông làm chỉ huy trưởng, Đinh Văn Nhị làm ủy viên chính trị, Từ Văn Ri tham mưu trưởng, quân số lên đến 2.000 người, trang bị 1.300 súng, có 2 đại bác, 7 trọng liên 13,2 li, 15 trung liên.
Sau khi thành lập, dưới sự chỉ huy của Ba Dương, bộ đội Nhà Bè chủ động đánh nhiều trận, trong đó nổi tiếng nhất là trận Ba Dương trực tiếp chỉ huy phối hợp với bộ đội Tám Mạnh phục kích đánh địch trên kênh Cây Khô, tiêu diệt gọn đoàn tàu của giặc, diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, thu một tàu kéo, một xà lan và 4 ghe chài chở đầy ắp lương thực, thực phẩm.
Trận đánh này đã được Khu bộ trưởng Nguyễn Bình gởi thư khen bộ đội Bình Xuyên xứng đáng với tên Giải phóng quân Nam Bộ và được tặng số tiền 3.000 đồng. Đến giữa tháng 12/1945, Tướng Nguyễn Bình, Khu bộ trưởng Khu 7 đến thăm sở chỉ huy bộ đội Bình Xuyên tại Phước An và quyết định bổ nhiệm Dương Văn Dương làm Khu bộ phó Khu 7.
Thường Dân

Dương Văn Dương, vị Tướng đầu tiên của chiến trường Tây Nam Bộ (II)

ĐS&PL

(Phunutoday) - Anh hùng hảo hán đến lúc hy sinh- Những tài liệu xưa và nhiều bậc bô lão vùng Nhà Bè kể rằng, Dương Văn Dương có vóc người tầm thước, tính tình nghiêm nghị, ít nói, nhưng luôn có thái độ lễ phép, hòa nhã với mọi người, kính trên nhường dưới, chuyện phải trái rất phân minh. Chính điều đó làm cho những người từng biết ông và những tay anh chị giang hồ chọc trời, khuấy nước phải kính nể khi nghe nhắc đến tên thủ lĩnh Ba Dương.
Người ta còn truyền tụng rằng, ông hay nhắc nhở anh em giang hồ dưới trướng và những tay giang hồ bè bạn, rằng muốn làm anh chị không nhất thiết phải “hét ra khói, nói ra lửa” như những tay dao búa bến xe, bến đò. Điều căn bản để được mọi người nể phục là tài và đức phải đi đôi, không ngụy quân tử. Gặp Dương Văn Dương, ai cũng đều công nhận ông hội đủ cả tài và đức. Chính vì vậy mà lúc bấy giờ, nhiều người khẳng định, trong giới giang hồ Sài Gòn - Chợ Lớn, Ba Dương là người quân tử hiếm có. Trong những câu chuyện về con người quân tử của Ba Dương, cho đến nay vẫn còn truyền tụng nhiều câu chuyện đáng cảm kích.
Con kênh mang tên Thiếu tướng Dương Văn Dương xẻ dọc giữa ruột Đồng Tháp Mười là tuyến giao thông huyết mạch cả trong thời chiến lẫn thời bình.
Đầu năm 1945, trong lúc Ba Dương đang chỉ huy đàn em trấn giữ bến xe Pháp Ninh - Nam Vang thì quân Pháp đột ngột ban hành tình trạng khẩn cấp, tung quân gom bắt hết các phần tử mà giặc cho là nguy hiểm như Cộng sản, Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh Độ Cư Sĩ và không tha đám dân giang hồ tứ chiếng. Trong lúc tình hình nguy cấp, Dương Văn Dương phải chạy về Cần Giuộc ẩn thân, nhưng vẫn không thoát khỏi mạng lưới chỉ điểm, nên ông bị bắt giải về quận.
Nghe tên ông đã lâu nhưng chỉ xem ông là một tay giang hồ vặt vãnh, tên chủ quận độc ác nghĩ ra cách buộc Ba Dương phải chết từ từ trong đau đớn, khổ sở. Tên chủ quận Cần Giuộc buộc Ba Dương phải nuốt cả một chùm tóc được cắt nhỏ vào bụng để thể hiện khí phách không sợ chết của một trùm anh chị giang hồ. Khi nghe tên chủ quận nói, Ba Dương biết ngay âm mưu thâm độc của kẻ thù, bởi tóc cắt nhỏ khi nuốt vào bụng sẽ dần phá nát bộ máy tiêu hóa, gây cái chết từ từ nhưng hết sức đau đớn, khổ sở.
Không còn đường thoái lui, hơn nữa nếu từ chối, Ba Dương sẽ bị tên chủ quận cho là hèn nhát và sẽ tung tin ra khắp giới giang hồ Nam kỳ lục tỉnh, nên ông chấp nhận nghiến răng thi hành bản án, dẫu biết nuốt xong mớ tóc kia thì cuộc đời ông ngắn chẳng tày gang. Trong thời gian chờ chết, thật may mắn là một học trò nghề võ trung thành của Ba Dương xin bảo lãnh ông về nhà. Nhờ những phương thuốc gia truyền của người học trò này, mớ tóc quái ác kia xổ ra hết và Ba Dương thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Sau khi mạnh khỏe, Ba Dương tiếp tục tham gia các hoạt động cách mạng và khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945. Khi chính quyền cách mạng được thành lập, trong số những quan lại viên chức ra trình diện, có viên chủ quận ngày xưa cố tình ép chết Ba Dương bằng mớ tóc cắt nhỏ. Vừa giáp mặt Ba Dương, biết ông nay là Chỉ huy trưởng bộ đội, viên chủ quận mặt xanh như tàu lá, quỳ sụp xuống đất lạy Ba Dương không ngớt.
Ba Dương nhìn viên chủ quận ngày xưa một hồi, Rồi bảo viên chủ quận đứng lên và thong thả nói: “Tội của ông lẽ ra tôi phải chặt 10 cái đầu mới hả dạ. Nhưng bây giờ đổi đời rồi. Ông mất hết chức hết quyền, trả thù là khi ông còn ngon lành kia, còn bây giờ tôi trả thù ông để làm gì? Tôi tha chết cho ông đó…”.Thái độ quân tử của Ba Dương làm cho viên chủ quận thức tỉnh, khi Pháp quay lại tái chiếm Nam Bộ, ông này không những không hợp tác với giặc mà còn động viên nhiều con cháu tham gia cách mạng.
Chuyện thứ hai là việc Ba Dương thực hiện nghiêm lệnh “quân pháp bất vị thân. Trong một lần, quân Pháp bất ngờ đánh úp đơn vị bộ đội do Năm Hà (em cùng mẹ khác cha của Ba Dương), thay vì chỉ huy bộ đội chống trả, Năm Hà chưa đánh đã vội vã ra lệnh cho quân rút lui. Khi biết tin này, gặp lại em, Ba Dương nổi trận lôi đình, lớn tiếng quở trách rồi kết luận: “Bộ đội là do nhân dân che chở đùm bọc, ơn đó chưa trả được. Nay giặc Pháp kéo tới, người chỉ huy lẽ ra phải đôn đốc bộ đội quyết chiến chống giặc, bảo vệ tính mạng, tài sản của dân, nhưng chưa đánh mà đã bỏ dân để rút chạy bảo toàn mạng sống là tội đáng chết”.
Nói xong, trước sự chứng kiến của đoàn quân, ông rút súng ngắn bắn Năm Hà ngay tức khắc, không một ai kịp can ngăn. Rất may là Năm Hà nhanh nhẹn tránh kịp cho nên mới giữ toàn mạng sống.
Cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, Ba Dương vẫn giữ trọn tinh thần quân tử và khí phách anh hùng . Nhiều người còn nhớ rằng, cuối năm 1945, Ba Dương nhận lệnh của tướng Nguyễn Bình chỉ huy lực lượng Bình Xuyên xuống chi viện cho chiến trường Khu 8 ở đồng bằng sông Cửu Long theo yêu cầu chi viện của Khu bộ phó Khu 8 Trương Văn Giàu.
Đầu năm 1946, Ba Dương đưa quân xuống tăng cường chiến khu Bến Tre, ứng cứu mặt trận An Hóa - Giao Hòa đang bị Pháp uy hiếp dữ dội. Ba Dương chọn các đơn vị Bình Xuyên thiện chiến lập liên quân gồm 5 đại đội đi Bến Tre, do đích thân ông chỉ huy. Ông cho liên quân tổ chức ăn Tết trước 3 ngày và trong đêm giao thừa cho quân vượt sông Soài Rạp, xuyên qua vùng Bình Phục Nhất, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), sau đó vượt sông Tiền để qua An Hóa.
Trên đường hành quân, Ba Dương chỉ đạo các cánh quân vừa đi vừa đánh địch ở Cần Giuộc, Cần Đước, Chợ Trạm, sau đó hợp quân tại Chợ Gạo trước khi vượt sông vào Bến Tre. Nhưng khi đến bờ sông phía Bến Tre thì được tin mặt trận An Hóa - Giao Hòa đã mất, nên Ba Dương quyết định tổ chức đánh đoàn tàu vận chuyển lương thực thực phẩm của địch, sau đó kéo quân về xã Châu Bình (Giồng Trôm) cùng hội quân với lực lượng Cộng hòa Vệ binh, Quốc gia Tự vệ cuộc của Trương Văn Giàu và Nguyễn Văn Quạn, bàn kế hoạch mở mặt trận đánh Pháp và phối hợp giải tán Đệ Tam Sư đoàn.
Sáng sớm ngày 16/1/1946, chỉ huy Ba Dương đang họp với các chỉ huy khác thì có tin quân Pháp tấn công. Đơn vị của Ba Dương đóng ở ấp Bình Khương (xã Châu Bình) chưa kịp triển khai phòng tuyến thì đã bị bao vây tứ phía. Trước tình thế nguy ngập, cấp bách, cán bộ tham mưu đưa cho Ba Dương một xấp giấy thuế thân để ông và một số cán bộ chỉ huy khác giả dạng thường dân lánh ra vùng an toàn.
Nhưng Ba Dương cương quyết xé nát xấp giấy thuế thân, dõng dạc nói: “Cảm ơn anh đã lo cho tôi, nhưng kẻ làm tướng khi lâm trận mà bỏ quân chạy trước là tướng hèn. Tôi quyết ở lại chiến đấu cùng anh em chứ không nghe theo lời anh”. Để dọn đường cho bộ binh tiến vào, quân Pháp cho hai chiếc máy bay quần thảo trên bầu trời nơi đơn vị của Ba Dương đóng quân, bắn phá ác liệt. Ba Dương xoay quanh cây rơm ở nơi đóng quân, vừa tránh đạn của máy bay vừa chỉ huy đơn vị triển khai chiến đấu.
Khoảng 8 giờ 30 phút, trong khói lửa mịt mù, Ba Dương trúng đạn hy sinh. Thi hài của ông sau đó được an táng tại Châu Bình suốt mấy chục năm, sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, hài cốt của ông mới được cải táng đưa về nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh yên nghỉ. Sau khi Khu bộ phó Khu 7 Dương Văn Dương hy sinh, tướng Nguyễn Bình và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ đã đề nghị Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh truy phong cấp bậc Thiếu tướng cho ông. Ngày 5/8/1946 người sáng lập bộ đội Bình Xuyên lừng danh đã được truy phong quân hàm Thiếu tướng.
Trong những tài liệu ít ỏi về thân thế và cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi của Thiếu tướng Dương Văn Dương, hầu hết những người ghi chép đều nhận định ông là nhân vật tiêu biểu cho giới hảo hán trọng nghĩa khí, hết lòng vì quốc gia đại cuộc. Trong giới “giang hồ hảo hán” đi làm cách mạng, Ba Dương là người tiêu biểu cho sự tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên và cũng là người có nhiều đóng góp cho sự thành công của sự nghiệp cách mạng, mà mọi người vẫn gọi là sự nghiệp của quần chúng. Khi Dương Văn Dương trở thành người chỉ huy quân đội, ông là vị chỉ huy gương mẫu, dũng cảm, được anh em tin yêu, kính phục.
Nhưng cuộc đời binh nghiệp của ông quá ngắn ngủi, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với cán bộ chiến sĩ Bình Xuyên cách mạng và nhiều người ngưỡng mộ ông. Lúc sinh thời các vị tướng nổi tiếng một thời của Nam Bộ như Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đồng Văn Cống, Thiếu tướng Tô Ký, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định… đều xem thiếu tướng Dương Văn Dương là bậc đàn anh của các tướng lĩnh Nam bộ.
Thường Dân

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét