Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

BÍ ẨN LỊCH SỬ 67/15

(ĐC sưu tầm trên NET)
Các Chủ Tịch KGB Những Hồ Sơ Lộ Sáng
Tình báo là một mặt trận thầm lặng nhiều khi không có tiếng súng nhưng vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi người chiến sĩ tình báo phải gan dạ, mưu trí, dũng cảm. Trong thời gian tồn tại của mình, cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) đã có những đóng góp đáng kể vào sự vững mạnh của đất nước cũng như thế cân bằng chiến lược Đông Tây. Cuốn Các chủ tịch KGB - Những hồ sơ lộ sáng của nhà sử học lừng danh người Nga Leonid Mlechin viết về những nhà lãnh đạo của KGB trong suốt thời gian cơ quan này hoạt động. Với những phân tích, đánh giá sâu sắc, tinh tế của mình, Leonid Mlechin sẽ đem đến cho bạn đọc cái nhìn đúng đắn, thoả đáng về vai trò, vị trí của các vị thủ lĩnh và cơ quan KGB trong lịch sử tồn tại của Liên bang Xô Viết. Đó là những người mà số phận gắn liền với cả vinh quang chói lọi và những thất bại cay đắng.
------------------------------------------------------------------

LỜI GIỚI THIỆU

LỜI GIỚI THIỆU
Cuốn sách các bạn cầm trên tay của tác giả Nga Leonid Mlechin là một cuốn sách đặc biệt vì nó kể về những người lãnh đạo một công tác mà ở Liên Xô trước đây và Nga hiện nay gọi là "công tác đặc biệt"; và bản thân những người đó cũng có những số phận đặc biệt. Đó là các Chủ tịch KGB.
Cơ quan an ninh Liên Xô được thành lập từ những ngày đầu cách mạng tháng Mười với nhiệm vụ trấn áp các lực lượng phản cách mạng trong nước để bảo vệ chính quyền với tên gọi là Ủy ban đặc biệt, về sau đã trở thành một cơ quan kiểm soát toàn diện xã hội và một cơ quan tình báo quốc tế bậc nhất. Với tên gọi là KGB từ năm 1954, cơ quan quyền lực hùng mạnh này đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với số đông người và niềm kính nể đối với đồng nghiệp an ninh quốc tế.
KGB là một hiện tượng lịch sử trong thế kỷ 20, nó được xây dựng bằng công sức, trí tuệ và cả xương máu của nhiều thế hệ người Xô viết. Suốt 74 năm tồn tại Liên Xô (1917 - 1991); KGB sống song hành cùng Liên Xô.
Những chặng đường các Chủ tịch KGB đã đi là những chặng đường của lịch sử Liên Xô vinh quang và cay đắng. Và số phận cá nhân vừa oanh liệt vừa bi thảm của họ cũng không nằm ngoài lịch sử đó. Đây là lần đầu tiên, một cuốn sách kể về cuộc đời và sự nghiệp của tất cả các Chủ tịch KGB (mười bảy vị) từ thời Lênin cho đến khi Liên Xô tan rã.
Đọc cuốn sách này, người ta hiểu biết thêm nhiều về lịch sử chính trị và an ninh Liên Xô. Trong sách có đề cập đến những lãnh tụ và nhân vật lịch sử như Lênin, Stalin, Trotski và một số nhân vật còn có những đánh giá khác nhau như Beria, Tukhachevski và một số vụ việc còn nhiều bí ẩn như vụ ám sát Kirov, "Vụ án các bác sĩ", vụ "Đảng bộ Lêningrad "v.. v... Một số sự kiện lịch sử như việc Stalin bắt tay với Hitle để trì hoãn chiến tranh, sự biến ở Hung-ga-ri năm 1956 v.v... được đề cập và phân tích khá sâu trong mối quan hệ chính trị - ý thức hệ - an ninh.
Sách cũng cung cấp thêm tư liệu và lý giải về những diễn biến nhân sự ở hậu trường trong những bước ngoặt lớn chuyển giao lãnh đạo của Liên Xô. Hầu hết các nhà hoạt động nhà nước nổi tiếng của Liên Xô được nhắc đến trong sách này.
Đây không phải là cuốn sách về một ngành công tác. Đây là câu chuyện kể về những bước ngoặt lịch sử của đất nước Liên Xô, mà trên mỗi bước ngoặt đó đều có vai trò của KGB.
Do đó nó không chỉ bổ ích về nghiệp vụ mà còn có giá trị nghiên cứu, tham khảo rất quý đối với đông đảo bạn đọc.
L.Mlechin trong mấy năm gần đây là một tác giả ăn khách ở Nga, vì sách của ông thường viết về đề tài an ninh, trên cơ sở khai thác kho tư liệu lưu trữ phong phú của Liên Xô và KGB. Tuy nhiên, nằm trong trào lưu tư tưởng dân chủ cấp tiến của xã hội Nga hiện nay, tác giả có xu hướng phân tích một cách phê phán đối với lịch sử nước nhà, đối với Stalin.
Đó là điều phổ biến và khó tránh được hiện nay. Nhiều điều đã được biết hoặc trở thành bình thường đối với xã hội Nga có thể không được chấp nhận hoặc chia sẻ đối với chúng ta. Mặc dù vậy, giới thiệu cuốn sách này với độc giả kính mến, chúng tôi tin rằng cuốn sách có giá trị tái hiện lịch sử sinh động, lại được viết bằng giọng văn chính luận hấp dẫn, chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều điều bổ ích và phát hiện lý thú.
Dịch giả HÙNG SƠN


CHƯƠNG 15: VITALI VASSILIEVICH FEDORCHUK 
Vitaly Fedorchuk.jpg 
                        Chủ tịch KGB ( tháng 5 - tháng 11/1982)

Tháng 5 năm 1982, sau khi Andropov thôi lãnh đạo KGB sau 15 năm xây dựng cơ quan này thành một cơ quan an ninh lành mạnh bậc nhất thế giới, chuyển sang làm Bí thư Trung ương Đảng, bộ máy khổng lồ của cơ quan này được giao cho một người ít được biết đến là V.V. Fedorchuk, lúc đó đang làm Chủ tịch Ủy ban an ninh quốc gia Ucraina. Quyết định này khá bất ngờ và gây ngạc nhiên trong đội ngũ làm công tác an ninh Liên Xô. Bởi vì lúc đó có mấy người phó kỳ cựu của Andropov, trong đó Phó Chủ tịch thứ nhất KGB Liên Xô.
V. M.Chebrikov, cánh tay phải của Andropov, được coi là người có triển vọng nhất thay thế Andropov. Còn nếu vì lý do chính trị hoặc nhân sự theo suy xét của Tổng Bí thư, nếu không phải là người trong ngành thì đó thường sẽ là một nhà hoạt động chính trị lão luyện ở nơi khác về (như trường hợp của Shelepin và Semichastnyi).
Đằng này một ông Chủ tịch KGB Ucraina không mấy tên tuổi lại được đưa lên lãnh đạo KGB Liên Xô?
*
Vitali Vassilievich Fedorchuk sinh năm 1918 trong một gia đình nông dân ở Jitomir (Ucraina). Học xong phổ thông, Fedorchuk mơ ước trở thành nhà báo và đi làm việc ở một số toà soạn báo tỉnh, năm 1938 học cao đẳng bưu điện quân đội, học xong đi vào quân báo, đã từng tham gia mặt trận ở Khalkhin Gol (nơi Liên Xô chiến đấu với Nhật trong chiến tranh thế giới II). Fedorchuk đã từng làm phó chỉ huy quân báo trong các đơn vị quân đội Liên Xô đóng ở Áo.
Fedorchuk tuần tự tiến theo nghề cho đến khi ông chơi thân với một sĩ quan tình báo lão luyện khác là G.K.Tsiniov.
Tsiniov tốt nghiệp đại học luyện kim ở thành phố Dnepropetrovsk, Thủ tướng tương lai của Liên Xô cuối thời Brejnev là N.A.Tikhonov cũng tốt nghiệp trường này. Còn thành phố thì là nơi mà trước chiến tranh L.I.Brejnev đã từng công tác Đảng - làm trưởng ban, Bí thư thành ủy rồi Bí thư tỉnh ủy. Tikhonov, cùng với phó thủ tướng I.I.Novikov, chánh văn phòng Trung ương Đảng G.S.Pavlov và Bộ trưởng nội vụ N.A.Ahelokhov và G.E.Tsukanov trợ lý của Tổng Bí thư làm thành "nhóm đồng hương Dnepropetrovsk" là ê-kíp trung thành của Brejnev. Hai phó Chủ tịch KGB là Tsiniov và Tvigun cũng thuộc nhóm đồng hương này.
Sau khi đưa Andropov thay Semichastnyi làm Chủ tịch KGB, Brejnev đề xuất với Andropov đưa Tsvigun đang ở Azerbaijan về làm Phó Chủ tịch thứ nhất KGB, còn Tsiniov làm Phó Chủ tịch KGB. Svigun công tác ở Bộ An ninh quốc gia Moldavia khi Brejnev làm Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Moldavia từ năm 1950 đến 1952. Khi làm công tác ở Matxcơva, ngoài công tác ông còn viết văn với bút danh S.Dneprov, và là cố vấn chính cho bộ phim truyền hình nhiều tập "Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân".
Tsiniov phụ trách Cục 9 (Cục bảo vệ các ủy viên Bộ Chính trị và nghe nói bên cạnh việc bảo vệ còn kiêm luôn cả việc theo dõi các mối quan hệ và các cuộc nói chuyện điện thoại của các cán bộ cấp cao. Với hai phó của mình là Tsiniov và Tvigun là người của Brejnev, Andropov rất khó xử, thường phải dè chừng, nhiều khi phải làm ngoại giao nhiều hơn là làm thực chất công việc. Mọi việc đều được hai người báo cáo lại cho Brejnev. Nhưng Tvigun qua đời sớm (vì tự sát), cho nên Tsiniov trở thành Phó Chủ tịch thứ nhất KGB. Brejnev không ký cáo phó của Ban Chấp hành Trung ương, mà chỉ có Suslov là người cao nhất ký. Về cái chết của Tvigun cũng có tin đồn là ông lập hồ sơ theo dõi những việc làm và quan hệ của Galina (con gái Brejnev), khi đưa lên báo cáo Suslov thì bị Suslov đuổi về. Tvigun sợ quá về nhà rút súng lục tự sát. Còn Suslov thì bị đau tim, phải đi bệnh viện cấp cứu, rồi mất.
Nhưng đó chỉ là một câu chuyện trinh thám được sáng tác ra. Galina Brejnev là một phụ nữ có duyên, hơi dễ dãi và phóng túng, nhưng làm gì có hồ sơ vụ việc gì về bà. Về mọi vấn đề quan hệ của người trong gia đình Tổng Bí thư, KGB đều phải thảo luận với Tổng bí thư, chứ Suslov không nhảy vào giải quyết. Mà cũng chẳng có ai mang hồ sơ đến thảo luận với Suslov những vấn đề đó cả. Sự thực Tvigun tự sát, nhưng là vì bệnh ung thư phổi của ông đã nặng, mổ cũng không cứu được.
Thấy bệnh tình của mình trở thành gánh nặng cho người thân, vào lúc tĩnh trí, ông đã quyết định kết liễu cuộc đời. G.K.Tsiniov trở thành Phó Chủ tịch thứ nhất KGB, bàn giao nhiệm vụ phụ trách tình báo quân sự lại cho V.V.Fedorchuk.
Fedorchuk làm công tác quân báo cho đến năm 1970, khi ông được cử về Ucraina làm Chủ tịch KGB. Khi Brejnev đi châu Âu trên đường về ghé qua Kiev, cả Bộ Chính trị Ucraina ra đón. Nhưng Brejnev chào hỏi, nói chuyện với mọi người một lúc thì kéo Nikitchenko - Chủ tịch KGB Ucraina riêng ra đi cùng nói chuyện đến hai mươi phút. Brejnev đề xuất với Nikitchenko về Matxcơva công tác. Nikitchenko rất không muốn, nhưng cuối cùng Tổng Bí thư cũng thuyết phục được ông.
Người ta cho rằng Brejnev cử Fedorchuk làm chức này để phục vụ cho việc gạt Shelest khỏi chức Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Ucraina để đưa Sherbitsky thân tín lên.
Fedorchuk làm Chủ tịch KGB Ucraina 12 năm, cho đến một ngày có điện của Sherbitski gọi đến, nói gọn lỏn một câu: "Cậu đừng đi đâu nhé, chuẩn bị nghe điện thoại". Lát sau một hồi chuông vang lên - ở đầu dây bên kia là Brejnev gọi điện, đề xuất Fedorchuk làm Chủ tịch KGB thay Andropov. "Tôi chỉ kịp bật ra - Fedorchuk kể - "Tôi sợ mình không đảm đương được...". Breinev nói:
"Đảm đương được. Ngày mai tôi sẽ cho máy bay xuống đón" .
Khi ra đi, trong thâm tâm Andropov muốn đưa Chebrikov thay mình. Nhưng Andropov là con người khiếm tốn và thận trọng, không muốn Brejnev nghĩ rằng ông đưa người của mình vào. Vì vậy, khi Brejnev hỏi ông có kiến nghị ai không, ông chỉ trả lời: "Việc này do Tổng Bí thư quyết". Và Brejnev quyết định Fedorchuk.
Gorbachov kể lại: "Tôi có hỏi Andropov về tình hình công việc của Fedorchuk ở KGB hồi này thế nào, Andropov đáp: "Anh biết không, tôi chỉ trao đổi với Fedorchuk khi nào anh ấy gọi điện cho tôi - mà điều đó rất ít. Nghe nói anh ấy có điều chỉnh lại một số cải tổ bộ máy mà thời gian trước tôi đã làm. Nhưng thôi, tôi cũng không đi sâu, để tùy lãnh đạo mới của ủy ban quyết định".
Fedorchuk lãnh đạo KGB có bảy tháng, nhưng ông cũng đem lại cho cán bộ, chiến sĩ cơ quan vô số phiền toái.
Fedorchuk là một con người trung thực, nghiêm chỉnh và tuân thủ luật pháp, nhưng những quan niệm của ông về công tác an ninh và cơ quan an ninh được hình thành từ những năm trước chiến tranh. Ông lại chủ yếu làm quân báo, nên sự chỉ đạo công tác tình báo của ông nhiều khi phiến diện. Ông quy định mọi người đến cơ quan phải mặc quân phục, ông đích thân kiểm tra xem các cục trưởng cục phó các đơn vị có đi làm đúng giờ hay không. Sau vụ một số cán bộ chạy trốn sang phương Tây, ông nói rằng sĩ quan tình báo không nhất thiết phải biết ngoại ngữ, dùng phiên dịch cũng được - như thế càng ngăn được cán bộ đào ngũ.
Khi Brejnev sắp mất, người ta thấy Sherbitski hoạt động rất tích cực và thường xuyên liên lạc với Fedorchuk để chạy đua chức Tổng Bí thư.
*
Ngay sau khi trở thành Tổng Bí thư (Tháng 11/1982), Andropov cử Fedorchuk làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bằng cách đó, ông sa thải N.Sholokov - Bộ trưởng Nội vụ được Brejnev bao che đã gây nhiều tai tiếng, đồng thời giải phóng chức Chủ tịch KGB khỏi một nhân vật không được ưa thích mà không gây căng thẳng với Sherbitski.
Andropov còn phong hàm Đại tướng cho Fedorchuk để bù đắp cho việc bị chuyển đi.
Từ sau khi Brejnev mất và Gorbachov lên làm Tổng Bí thư, Liên Xô còn phải làm tang lễ cho hai Tổng Bí thư nữa là Andropov và Chernenko. Thời gian Fedorchuk làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đã xảy ra cái chết của Chernenko. Trợ lý của Chernenko là Victor Pribytkov kể lại quá trình suy yếu sức khoẻ của Chernenko như sau:
"Mùa hè năm 1983 Tổng Bí thư Chernenko đi nghỉ ở Crưm. Tại nhà an dưỡng cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ Fedorchuk cũng đang nghỉ, thường hay câu cá sòng và tự nướng ăn. Và một hôm mang sang mời Chernenko nếm thử.
Bản thân sự việc không có gì đặc biệt - Pribytkov kể - Chernenko và Fedorchuk biết nhau từ lâu. Cá thì béo, ngon, ăn với khoai tây luộc thật tuyệt. Và cả gia đình ăn ngon lành. Thế nhưng đến đêm thì Chernenko bị đau bụng dữ dội, miệng nôn mửa, người rất khó chịu.
Người ta phải đưa máy bay chở ông về Matxcơva.
Những người khác trong gia đình không bị sao. Còn Chernenko thì phải nằm trong phòng hồi sức - bị nặng đến như thế.
Chuyện gì đã xảy ra? Cục cảnh vệ đã không tuân thủ quy định nghiêm ngặt là mọi đồ ăn mang cho các ủy viên Bộ Chính trị đều phải được kiểm tra, hay đơn giản chỉ là Chernenko đã ăn phải một miếng cá "không tươi", người lại vốn yếu nên dẫn đến như thế. Chỉ biết rằng sau khi Gorbachov lên làm Tổng Bí thư một thời gian thì cũng cho cả Fedorchuk và Pribytkov về hưu luôn (có lẽ để bịt nhân chứng).
Nhưng E.K.Ligachov - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng thì không lấy làm tiếc mà tán thành việc làm đó của Gorbachov, vì theo ông, "Fedorchuk là một nhân vật khô khốc và mờ nhạt, đã đến và đi không để lại một dấu ấn gì đậm nét cả".
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét