Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

Phút giây cảnh giác 19

(ĐC sưu tầm trên NET)
   
Giả danh trí thức - Kính áp tròng

Cảnh giác trò lừa đảo 'Tri ân khách hàng Facebook'


Xuất hiện khoảng 2 tuần nay trên mạng xã hội, tin nhắn của nickname "Facebook Thông Báo" có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức trúng thưởng.
Sử dụng điện thoại có cài ứng dụng Facebook, chị Y. nhận được tin nhắn thông báo trúng thưởng giải nhất trong tuần lễ "Tri ân khách hàng Facebook" với tổng giá trị giải thưởng khá lớn, gồm 1 xe máy Piaggio và tiền mặt lên đến gần 150 triệu đồng.
Canh giac tro lua dao 'Tri an khach hang Facebook' hinh anh 1
Tin nhắn trúng thưởng hướng người nhận truy cập vào một trang web để hoàn tất hồ sơ nhận giải. 
Bán tín bán nghi, chị Y. gửi thông tin đến báo, nhờ báo xác minh thực hư về giải thưởng quá lớn, có giá trị bằng gần 2 năm lương.
Theo đó, nội dung tin nhắn không nêu lý do vì sao người dùng này trúng thưởng. Tin chỉ nêu nhà đồng tài trợ là thương hiệu lớn như tập đoàn Facebook, Piaggio. Tin nhắn cũng để lại thông tin đầu mối liên hệ làm thủ tục nhận thưởng là anh Minh, số điện thoại 0986.219.xxx.
Giải thưởng được
Giải thưởng được "tô vẽ" trên web, đính kèm logo của những thương hiệu lớn.
Liên lạc với anh Minh theo số điện thoại đã cho, phóng viên được hướng dẫn truy cập vào trang http://mangfacebookvn.com, đăng ký thông tin cá nhân để lĩnh thưởng. Tại trang web này, vô số hình ảnh xe máy, những cọc tiền mặt và các đồ gia dụng đắt tiền khác đập vào mắt người xem.
Kèm theo đó là những câu khẳng định như “Bộ Thông tin - truyền thông cam kết đảm bảo 100% khi làm thủ tục hồ sơ tại http://mangfacebookvn.com”. Thậm chí chủ trang web còn trưng cả hình ảnh chứng nhận hạ tầng thanh toán trực tuyến an toàn, phía dưới có cả hình quốc huy và logo Bộ TT&TT....
Những hình ảnh này được cho là cắt ghép, ngụy tạo nhằm đánh lừa người dùng mạng xã hội.
Những hình ảnh này được cho là cắt ghép, ngụy tạo nhằm đánh lừa người dùng mạng xã hội.
Đơn vị vận hành  website này mang tên: “Công ty cổ phần kỹ thuật số truyền thông Tương Tác (InterMedia)”, địa chỉ tại số 6 Trần Cao Vân, Q.Thanh Khê (Đà Nẵng). Đường dây nóng của công ty này cũng chính là số điện thoại "đầu mối liên hệ nhận thưởng" trong tin nhắn gửi đến người dùng Facbook nửa tháng qua.
Trao đổi với phóng viên, đại diện truyền thông của Công ty Piaggio Việt Nam cho biết, hãng hoàn toàn không có chương trình tài trợ nào như vậy. Công ty cũng khằng đỉnh, không cùng đối tác nào của Piaggio thực hiện chương trình này. Đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam cũng đưa ra câu trả lời tương tự.

Với chiêu thức này, hồi đầu tháng 2 đã có người dùng mạng xã hội bị lừa. Cụ thể, sau khi nhận tin trúng thưởng, vào trang web và khai báo thông tin cá nhân, sẽ có người gọi lại hướng dẫn phải làm 2-3 bộ hồ sơ gửi đến các nhà tài trợ, phần thưởng được gửi thẳng đến địa chỉ đã đăng ký.

Sau đó, liên tục có người gọi điện giục giã, nếu muốn nhận thưởng phải nạp bằng thẻ cào của các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone vào số điện thoại của chúng số tiền từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng.

Đỉnh điểm của sự việc thường là lúc nhóm lừa đảo yêu cầu phải nạp thêm số tiền từ 3-5 triệu đồng. Đây là phí vận chuyển xe đến địa chỉ nhà riêng mà người trúng thưởng đã đăng ký. Nếu quá ham giải thưởng, nạn nhân sẽ "cắn câu" ở thời điểm này và dốc túi đi mua cả triệu tiền thẻ về nạp cho bọn xấu.
http://vtc.vn/canh-giac-tro-lua-dao-tri-an-khach-hang-facebook.557.544360.htm
Theo Trần Anh/ VTC

Truyền thông cũng mắc lừa

Con số người bị hại được xác định lên tới trên 80.000 người, với số tiền bị chiếm đoạt ước tính vài chục triệu USD.

Liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á (DHT Đông Nam Á) mà Phòng PC46 Công an Hà Nội phối hợp Công an quận Long Biên vừa khám phá, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Lâm Phúc Hùng (SN 1959), Tổng Giám đốc DHT Đông Nam Á, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
80.000 người mắc bẫy
Cơ quan điều tra cũng đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở 2 đối tượng có vai trò chân rết, thu tiền cho Hùng là Nguyễn Thị Bắc, Trưởng hệ thống DHT Phương Bắc và Phạm Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) du khách. Con số người bị hại được xác định lên tới trên 80.000 người, với số tiền bị chiếm đoạt ước tính vài chục triệu USD.
Đầu mối của vụ án lừa đảo này bắt đầu từ vụ vỡ nợ hàng chục tỉ đồng của Nguyễn Thị Bắc (53 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và du lịch Thượng Hải, thuê trụ sở tại tầng 4 chợ Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, người mang danh hiệu "Vương miện đại sứ", đồng thời là Trưởng hệ thống DHT Phương Bắc.
Theo tường trình của bà Bắc, tháng 3/2010, bà được Lâm Phúc Hùng - khi đó là Chủ nhiệm CLB du khách DHT vận động tham gia mua gói đặt phòng du lịch 340 USD của Công ty Diamond Holiday ở Mỹ (DHT). Chính sách trả thưởng hậu hĩnh (1.000 USD tiền thưởng khi huy động được 15 người chơi và 15.000 USD nếu vận động được 64 người tham gia) mà ông Hùng chia sẻ chính là điều hấp dẫn bà Bắc khi bắt đầu gia nhập trò chơi này. Sau khi ký hợp đồng làm dịch vụ môi giới cho Công ty DHT Việt Nam, Nguyễn Thị Bắc đã thành lập CLB DHT Phương Bắc và trở thành Trưởng hệ thống này.
Với tham vọng đạt danh hiệu "Vương miện đại sứ" là cấp độ danh hiệu cao nhất trong chính sách trả thưởng của DHT có mức trả thưởng là hưởng 3% lợi nhuận của Tập đoàn DHT, bà Bắc đã huy động, lôi kéo rất nhiều người tham gia và còn vay thêm tiền thật để mua lại tiền thưởng trong ví điện tử của những người được thưởng (bật bàn), nâng cấp mã số ID của mình. Tuy nhiên, khi đạt đến cấp độ "Vương miện đại sứ", Nguyễn Thị Bắc chỉ được DHT trả vào ví điện tử số tiền ảo 2.100 USD, trong khi tiền thật mà Bắc đã trao cho Lâm Phúc Hùng và Ban lãnh đạo của Công ty DHT Đông Nam Á lên đến hàng tỉ đồng.
Sau khi bị bắt giữ, bộ mặt thật của Tổng giám đốc Lâm Phúc Hùng được phơi bày. Theo Cơ quan điều tra, Lâm Phúc Hùng trước khi dựng ra Công ty DHT Đông Nam Á, từng đi xuất khẩu lao động tại Đức. Về nước, không có việc làm ổn định, Hùng tham gia bán hàng đa cấp. Một số mạng bán hàng này vỡ trận, trước khi thành lập DHT Đông Nam Á, Lâm Phúc Hùng đã "gia nhập" một trang mạng kinh doanh lữ hành quốc tế có dấu hiệu lừa đảo với hình thức tương tự như DHT sau này.
Image
Lâm Phúc Hùng tại một buổi tọa đàm và khi bị Cơ quan Công an đọc lệnh bắt giữ (ảnh nhỏ).
Bản thân Lâm Phúc Hùng khai nhận, đầu tháng 2/2010, Hùng lên mạng Internet đọc được thông tin về Công ty DHT có trụ sở tại Mỹ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với gói dịch vụ du lịch 4 ngày 3 đêm cho 2 người với giá 325 USD. Những tài liệu về Tập đoàn DHT này đã được Lâm Phúc Hùng sao chép lại từ Internet để học tập và biến thành tài liệu đi tuyên truyền, thực hiện các hoạt động lừa đảo.
"Tiền thân" của DHT Đông Nam Á là CLB du khách DHT, được Lâm Phúc Hùng cùng Phạm Hồng Thanh (ở tổ 65 phường Trung Phụng, Đống Đa) và Phạm Thị Thủy thành lập vào tháng 2/2010 sau một chuyến du lịch Hồng Kông để tham khảo mô hình hoạt động của DHT. Hùng được bầu làm Chủ nhiệm CLB, Thanh là Phó chủ nhiệm với nhiệm vụ đào tạo, phát triển hệ thống; còn Phạm Thị Thủy là Phó chủ nhiệm với nhiệm vụ quản lý tài chính và tổ chức các tour du lịch. CLB hoạt động tự phát, không có giấy phép và cũng không ký hợp đồng môi giới dịch vụ với Tập đoàn DHT tại Mỹ cũng như DHT Hồng Kông.
Chỉ từ tháng 2 đến tháng 7/2010, CLB du khách DHT đã vận động được 3.000 người tham gia với số tiền thu của mỗi người là 340 USD. Trong số tiền thu được, riêng Lâm Phúc Hùng đã nhận 36.000 USD và 300 triệu đồng để trả tiền thuê văn phòng, tổ chức khai trương, hội thảo, mua sắm trang thiết bị… Thấy mạng lưới đã phát triển, tháng 9/2010, Lâm Phúc Hùng quyết định "nâng cấp" CLB thành Công ty CP thương mại Diamond Holiday (viết tắt là DHV) và đến đầu năm 2011 chuyển thành Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á (DHT Đông Nam Á). Địa điểm hoạt động cũng thay đổi liên tục, từ phố Lê Thanh Nghị tới khu Văn Quán - Hà Đông và tòa nhà Lilama10 trên đường Lê Văn Lương. Trụ sở nào cũng hoành tráng, nhưng cũng chỉ là thuê mượn trong một thời gian ngắn.
Sử dụng truyền thông để lừa đảo
Xây dựng một trang web có địa chỉ www.dhtdongnama.com, người xem sẽ bị choáng ngợp trước những hình ảnh khuếch trương của Tổng giám đốc Lâm Phúc Hùng. Nào khai trương, nào tọa đàm, nào hội thảo tại những địa điểm sang trọng. Những hoạt động xã hội từ thiện khắp mọi miền đất nước. Tưng bừng cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu, những khuôn mặt hồ hởi của các thành viên tham gia DHT.
Trong một bài viết được tung lên trang mạng này, DHT Đông Nam Á khẳng định với các thành viên rằng: "Sau những phản ánh của báo chí, các cơ quan chức năng đã có những đợt thanh kiểm tra pháp nhân và hoạt động của chúng ta. Sau đó, vàng thau đã rõ, chúng ta vẫn tồn tại và phát triển trong sự bảo hộ của pháp luật Nhà nước, đó là một sự thể rõ ràng mà không ai, kể cả những người có thiên kiến chưa tốt về DHT nói khác được.
Hơn tất thảy những điều trên, một năm qua các thành viên Việt Nam sáng tạo, năng động đã làm thay đổi tích cực cuộc sống của mình và gia đình bằng nhiều ngàn giải thưởng với tổng giá trị hàng chục tỉ đồng. Nhiều người đã có xe hơi, nhà lầu hoặc tài khoản lớn từ tiền thưởng của DHT. Hơn thế nữa, nhiều công dân Việt Nam qua DHT đã có được những niềm vui tưởng như huyền thoại: họ có mặt trong những chuyến du lịch kỳ thú khắp thế giới và trong nước, kể cả có mặt trên những con tàu du lịch thượng hạng mà trên thế giới chỉ hàng ngũ những nhà tư bản, những người nổi tiếng mới dám hưởng thụ".
Tại những buổi gặp mặt, Lâm Phú
c Hùng lôi kéo được một số người có khả năng diễn thuyết giỏi, những người từng có địa vị trong một số cơ quan Nhà nước… phát biểu ca ngợi mô hình hoạt động của DHT để gây niềm tin cho những người tham gia. Điều độc ác là hoạt động lừa đảo này lại nhằm vào những bà con vùng sâu, vùng xa, bà con người dân tộc vốn cuộc sống đã khó khăn. Như ở tỉnh Quảng Trị, hàng nghìn bà con dân tộc Vân Kiều, Pakô đã trở thành nạn nhân.
Image
Tổ chức khai trương rầm rộ văn phòng đại diện tại các địa phương, DHT Đông Nam Á đã lừa được nhiều người tham gia.
Một "chiêu" khác của Tổng giám đốc Lâm Phúc Hùng là kéo một số cơ quan truyền thông vào cuộc quảng cáo cho hoạt động của DHT Đông Nam Á dưới các hình thức như tư vấn, đưa tin các hoạt động từ thiện như ủng hộ đồng bào bị bão lụt, xây tặng nhà tình nghĩa… Vô tình, một vài cơ quan truyền thông nhẹ dạ đã mắc bẫy kẻ lừa đảo. Và Lâm Phúc Hùng chớp ngay thời cơ, sử dụng những thông tin, hình ảnh của DHT đã được đăng tải này để tung lên trang web của công ty cũng như các hội nghị khách hàng nhằm mục đích khuếch trương thanh thế, gây niềm tin cho khách hàng rằng DHT thực sự là một tập đoàn hoạt động theo mô hình thương mại điện tử chân chính. Tại buổi khám xét trụ sở của DHT Đông Nam Á, Cơ quan Công an còn thu giữ được trên bàn làm việc của Lâm Phúc Hùng một bản thảo câu hỏi và trả lời phỏng vấn truyền hình đã được soạn sẵn, xoay quanh hoạt động của DHT.
Nguồn kinh phí nào giúp Lâm Phúc Hùng khoa trương rầm rộ như vậy? Đó chính là từ khoản tiền đóng góp của các thành viên đã nhẹ dạ tham gia vào chuyến du lịch "kỳ nghỉ kim cương" mà DHT Đông Nam Á đã vẽ ra. Bị đánh trúng vào lòng tham hưởng lợi lớn từ một khoản tiền đóng góp nhỏ (375 USD tương đương 8 triệu đồng), những người chơi không khác nào thiêu thân, chỉ biết đóng tiền và lôi kéo người khác tham gia với mục đích duy nhất để nhận món tiền thưởng hấp dẫn mà những kẻ lừa đảo vẽ ra. Đóng tiền thật, nhưng cái mà người chơi nhận được lại là tiền thưởng "ảo" nằm trong ví điện tử (Ewallet) đều không rút ra thành tiền mặt được. Người chơi tiếp tục được giải thích rằng muốn lấy tiền mặt ra, họ phải lôi kéo thêm nhiều người khác nữa cùng chơi để "thoát bàn".
Có lỗi của các cơ quan quản lý?
Đăng ký tới 52 ngành nghề kinh doanh nhưng thực chất, DHT Đông Nam Á chỉ có hoạt động duy nhất là huy động vốn trái phép thông qua "trò chơi" vừa du lịch vừa kiếm tiền. Thượng tá Cao Văn Lộc, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao phân tích, hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế của DHT Đông Nam Á là trái phép bởi theo quy định của ngành du lịch, ngoài đăng ký kinh doanh của Sở Kế ho‘ạch - Đầu tư, những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải có giấy phép "con" của Tổng cục Du lịch. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành quốc tế phải có đủ các điều kiện như có từ 3 đến 5 hướng dẫn viên đạt tiêu chuẩn hướng dẫn viên du lịch quốc tế; doanh nghiệp phải ký quỹ 250 triệu đồng gửi tài khoản của Tổng cục Du lịch. Mặt khác, đối với hoạt động huy động vốn, công ty phải có giấy phép hoạt động ngoại hối niêm yết giá, chuyển tiền cũng như huy động vốn.
Thượng tá Đậu Văn Liên, Phó Trưởng phòng PC46 Công an Hà Nội đánh giá, đây là vụ án sử dụng công nghệ cao nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có quy mô và phạm vi rất lớn. Phương thức thủ đoạn của các đối tượng thực chất là việc huy động vốn được thực hiện thông qua các hình thức quảng bá, tuyên truyền, lôi kéo nhiều người tham gia với các giải thưởng có giá trị từ 1.000 USD đến 50.000 USD. Khi bắt đầu thực hiện, các đối tượng dùng tiền của người chơi sau trả cho người chơi trước. Nhưng đến giai đoạn nhất định không lôi kéo được người tham gia thì hệ thống đó sẽ đổ vỡ và người gánh thiệt hại chính là các thành viên của hệ thống.
Tuy nhiên điều lạ lùng là không có những giấy phép cần thiết này nhưng DHT Đông Nam Á vẫn tồn tại và tổ chức các hoạt động trái phép trên trong một thời gian dài. Cho đến khi bị bắt giữ, Tổng giám đốc Lâm Phúc Hùng đã phát triển một mạng lưới chân rết ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều văn phòng đại diện của DHT Đông Nam Á được thành lập từ Bắc vào Nam, thậm chí tại cả các tỉnh miền núi phía Bắc.
Lật lại hồ sơ của DHT Đông Nam Á cho thấy ngày 23/5/2011, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 21/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với Công ty CP Thương mại Diamond Holiday, với mức phạt tiền là 10 triệu đồng. Trong biên bản làm việc của đoàn thanh tra xác định từ tháng 1 đến tháng 4/2011, đã có 3.325 người tham gia gói dịch vụ do công ty tổ chức, và phía công ty đã thu về số tiền 1.243.905 USD. Cùng với việc xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra văn hóa cũng yêu cầu Công ty CP Thương mại Diamond Holiday chấm dứt ngay hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế khi chưa có giấy phép.
Nhưng thực tế, khâu hậu kiểm vẫn đang là điểm yếu của các cơ quan quản lý nên dù đã bị xử phạt hành chính như vậy, DHT vẫn tưng bừng hoạt động, phát triển mạng lưới trên khắp toàn quốc mà không bị "sờ gáy". Và hậu quả là từ con số hơn 3.000 thành viên đã đóng tiền vào trò du lịch ảo này, con số người bị hại đến nay đã tăng vọt lên trên 80.000 người với số tiền bị chiếm đoạt ước tính hàng chục triệu USD. Nếu như các cơ quan quản lý làm hết trách nhiệm, nghiêm túc, từ xử lý vi phạm đến hậu kiểm, thì con số thiệt hại có thể đã không lớn đến vậy?
Theo H.D - CAND

Kẻ lừa đảo tài ba nhất thế giới

Viktor Lustig được mệnh danh là kẻ lừa đảo tài ba nhất mọi thời đại. Không chỉ hai lần cả gan lừa bán tháp Eiffel làm sắt vụn, Viktor Lustig còn hàng chục lần lừa bán máy in tiền giả cho những kẻ hám lợi, trong đó có cả cảnh sát trưởng bang Texas (Mỹ).

Viktor Lustig.

Sinh ra ở đế quốc Áo - Hung năm 1890, Lustig thành thạo 5 ngoại ngữ: Séc, Anh, Pháp, Đức và Italia. Khi quyết định ra ngoài bươn chải với đời, hắn nghĩ: “Có nơi nào kiếm tiền dễ hơn trên những con tàu biển chở khách ra nước ngoài với những kẻ giàu có?”. Quyến rũ và đĩnh đạc, Lustig dành thời gian tán chuyện với những thương nhân thành đạt và tìm hiểu cơ hội “làm ăn”. Cuối cùng, nội dung của các cuộc nói chuyện đều hướng đến nguồn gốc của cải của người Áo. Và với dáng vẻ tự tin nhất, hắn “miễn cưỡng” tiết lộ mình đang sử dụng một “hòm tiền”. Hắn đồng ý cho từng người xem chiếc máy in tiền kỳ diệu mà hắn đang mang theo bên mình. Nó trông giống như một chiếc vali được làm từ gỗ gụ nhưng được gắn với một máy in trông hết sức tinh xảo.

Lustig chứng minh chiếc máy in tiền này sẽ giúp những người giàu có trở nên giàu có hơn nữa bằng cách nhét một tờ 100 USD thật vào chiếc máy đó và sau vài giờ “xử lý hóa học”, chiếc máy đã cho hắn hai tờ 100 USD giống y như thật. Không có gì là khó khăn khi Lustig truyền thông tin trên khắp con tàu về việc hắn đang sở hữu một máy in tiền. Chẳng bao lâu sau, đám người giàu có trên tàu đã lân la đến hỏi hắn cách mà bọn họ có thể kiếm được một hòm tiền như vậy.

“Bố già Capone” cũng là nạn nhân của Lustig.
Thêm một lần tỏ ra miễn cưỡng, tên Lustig cho biết sẽ cân nhắc việc bán chiếc máy này nếu được giá. Lustig là người có tính nhẫn nại và cảnh giác. Cuối cuộc hành trình hắn mới hoàn tất phi vụ bán chiếc máy đó với tổng số tiền là 10.000 USD. Để “con mồi” nghĩ rằng mình đã mua được món hời, hắn đã giấu sẵn vài tờ 100 USD thật ở trong máy. Sau vài lần “con mồi” thử in tiền thành công, Lustig lặn mất tăm.

Tuy nhiên, đến năm 1925, Viktor Lustig lại để mắt đến những phi vụ hoành tráng hơn. Sau khi đặt chân đến Pari (Pháp), hắn đọc được một câu chuyện trên báo về ngọn tháp Eiffel đang bị xuống cấp và chính phủ Pháp cần một khoản rất lớn cho việc sửa chữa và bảo dưỡng. Người dân Pari lúc đó lại có quan điểm chia rẽ về việc bảo dưỡng kỳ quan này. Tháp Eiffel được xây dựng vào năm 1889 để làm nơi triển lãm. Nhiều người cho rằng, ngọn tháp xấu xí này nên được dỡ xuống.

Lustig vạch ra một kế hoạch - kế hoạch đưa hắn trở thành một huyền thoại trong lịch sử của những kẻ lừa đảo - lừa bán tháp Eiffel làm sắt vụn. Hắn tìm hiểu kỹ lưỡng danh sách những nhà buôn sắt vụn lớn nhất ở Pari. Sau đó, hắn gửi thư đi các nơi, trong đó mạo danh mình là Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Pháp và đề nghị tổ chức cuộc gặp mặt kín bàn về việc bán tòa tháp này làm sắt vụn - thương vụ chắc chắn sẽ mang lại cho các nhà đầu tư một khoản lợi nhuận lớn. Đổi lại, hắn yêu cầu những người tham gia phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin về cuộc bàn thảo này.

Tháp Eiffel hai lần bị Lustig rao bán sắt vụn.

Hắn thuê một phòng tại khách sạn Hotel de Crillon, một trong những khách sạn hạng sang nhất của thành phố, làm nơi tiến hành các buổi gặp mặt với các nhà buôn sắt vụn. Hắn thông báo cho những người tham gia về quyết định đấu thầu quyền tháo dỡ ngọn tháp với khối lượng khoảng 7.000 tấn thép phế liệu. Lustig thuê xe limousine và tổ chức các chuyến thăm tháp. Tất cả những động thái này của hắn khiến cho các nhà đầu tư tin sái cổ mà không hề mảy may nghi ngờ một chút gì về thương vụ lạ lùng này.

Andre Poisson - một trong những nhà đầu tư tham gia vào phi vụ này - nhanh chóng trở thành “con mồi” của Lustig. Khi Poisson có dấu hiệu hoài nghi, Lustig liền tung ra ngón đòn quyết định. “Là một công chức nhà nước - hắn nói - tôi không kiếm được nhiều tiền và vì vậy việc lựa chọn người mua tháp Eiffel là một quyết định rất lớn”. Chỉ thế thôi là đủ để Poisson “cắn câu”. Poisson chuyển 70.000 USD cho vị thứ trưởng dởm để có thể đảm bảo chắc rằng nhà buôn này là người thắng thầu.

Chưa đầy một giờ sau khi đút túi 70.000 USD, Lustig đã trên đường quay trở lại nước Áo. Hắn chờ đợi thời điểm câu chuyện bị vỡ lở và bị nhà chức trách truy nã nhưng rốt cục điều đó đã không xảy ra. Poisson, do sợ bị cười vào mũi nếu vụ việc bị lộ, đã lựa chọn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà không thông báo cho nhà chức trách.

Nghe ngóng không thấy động thái gì, Lustig sớm quay trở lại Pari để tiến hành vụ rao bán tháp Eiffel lần nữa. Nhưng với lần rao bán này, Lustig nghi ngờ một trong những nhà buôn sắt vụn mới mà hắn tiếp xúc đã thông báo cho cảnh sát, vì vậy hắn vội vàng chuồn sang Mỹ.

Trên đất Mỹ, Lustig quay trở lại với trò lừa đảo máy in tiền. Hắn lấy hàng chục tên giả và nhiều lần bị bắt giữ. Trong hơn 40 vụ, hắn thoát được lưới pháp luật hoặc bỏ trốn trong quá trình chờ bị đưa ra xét xử (trong đó có nhà tù quận Lake, bang Indiana, nơi mà kẻ cướp nhà băng John Dillinger từng bị giam giữ). Hắn lừa một cảnh sát trưởng ở bang Texas và một nhân viên thu thuế tổng số tiền là 123.000 USD bằng trò bán khuôn đúc tiền. Và sau khi viên cảnh sát trưởng phát hiện ra hắn ở Chicago, Lustig liền trốn tránh trách nhiệm bằng cách đổ cho ông ta không có kinh nghiệm trong việc sử dụng chiếc máy này và trả lại một số tiền lớn. Điều này khiến viên cảnh sát trưởng tiếp tục bị ám ảnh về chiếc máy in tiền, thậm chí quay sang nghi ngờ về trình độ sử dụng máy của chính mình.

Ở Chicago, Lustig nói với Al Capone, một bố già khét tiếng, rằng hắn đang cần 50.000 USD để đầu tư cho một phi vụ làm ăn và hứa sẽ trả gấp đôi số tiền đó chỉ sau hai tháng nếu phi vụ này trót lọt. Capone có chút nghi ngờ nhưng vẫn trao tiền cho hắn. Lustig cất kỹ số tiền đó trong một cái tủ trong phòng hắn và hai tháng sau mang trả lại. “Phi vụ làm ăn không trót lọt” - hắn nói. Capone rất ấn tượng với thái độ “thật thà” của Lustig nên cho hắn 5.000 USD. Thực sự thì Lustig chưa từng có ý định sử dụng số tiền 50.000 USD mà hắn vay của Al Capone để làm bất cứ việc gì mà đơn giản chỉ để lấy lòng tin của bố già này.

Đình Vũ (tổng hợp)

Kẻ lừa đảo tài ba nhất thế giới - Kỳ cuối: Vào tù ra tội 

Chán việc lừa bán tháp Eiffel và lấy lòng “bố già” Al Capone, năm 1930, Lustig quay sang hợp tác với một nhà hóa học ở bang Nebraska tên là Tom Shaw để bắt đầu một chiến dịch làm tiền giả. Bọn chúng sử dụng các khuôn đúc, giấy in và mực để làm bạc giả. Chúng thiết lập một hệ thống phân phối tinh vi để tiêu thụ mỗi tháng 100.000 USD, sử dụng những người mà chính bản thân họ cũng không biết họ đang giao dịch bằng tiền giả.

Viktor Lustig (ngồi giữa) đang bị các đặc vụ liên bang thẩm vấn.

Cuối năm đó, nạn tiền giả lan tràn khắp nước Mỹ. Cơ quan mật vụ tóm cổ được cảnh sát trưởng Texas- người trước đó đã từng là nạn nhân của Lustig- với tội danh tiêu thụ tiền giả ở bang New Orleans. Viên sĩ quan cảnh sát quá tức giận vì Lustig đã đưa cho ông ta tiền giả nên thành khẩn khai báo mọi chuyện. Nhưng điều đó cũng không giúp cho ông thoát khỏi cảnh tù tội.

Thời gian trôi qua, thêm các đồng tiền giả với tổng trị giá hàng triệu USD xuất hiện ở các ngân hàng và trường đua. Cơ quan mật vụ cố gắng truy lùng dấu vết của Lustig. Họ xác định những tờ bạc giả này là “tiền của Lustig” và lo ngại rằng chúng có thể gây lũng đoạn hệ thống tiền tệ. Sau đó, bạn gái của Lustig, Billy May, phát hiện ra hắn đang đi lại với nhân tình của Tom Shaw. Vì ghen tuông, cô ta gọi điện thoại nặc danh đến cảnh sát và thông báo cho họ biết Lustig đang ở New York.

Tiền giả do Viktor Lustig sản xuất.
Vào một đêm chủ nhật tháng 5/1935, Viktor Lustig đi lang thang dọc theo đại lộ Broadway ở khu vực phía tây thành phố New York. Ban đầu, các nhân viên đặc vụ không dám quả quyết đó là hắn. Họ đã lần theo dấu vết của hắn trong suốt 7 tháng ròng, cố công tìm hiểu về kẻ gian manh và bí ẩn này, nhưng bộ ria mới mọc của hắn đã đánh lạc hướng họ trong giây lát. Ngay khi hắn dựng cái cổ nhung của chiếc áo khoác Chesterfield và rảo bước, các nhân viên đặc vụ ập đến.

Đứng giữa vòng vây, Lustig nhếch mép cười và bình tĩnh trao chiếc va li của hắn. “Lịch thiệp” là từ mà một trong các nhân viên đặc vụ dùng để miêu tả hắn. Các nhân viên đặc vụ tin rằng, chiếc va li của hắn đựng đầy những tờ giấy bạc vẫn còn mới toanh, hay có lẽ là những đồ nghề mà Lustig sử dụng trong việc in tiền giả. Nhưng tất cả những gì họ tìm thấy là những bộ quần áo đắt tiền. Sau cùng, họ rút chiếc ví ra khỏi áo khoác của hắn và tìm thấy một chiếc chìa khóa. Họ cố gắng tra hỏi để buộc Lustig phải khai ra chiếc chìa khóa đó dùng để làm gì, nhưng Bá tước chỉ nhún vai và lắc đầu. Chiếc chìa khóa dẫn các đặc vụ đến ga tàu điện ngầm ở quảng trường Thời đại, nơi nó được dùng để mở một cánh tủ bụi bặm. Bên trong cánh tủ, các nhân viên đặc vụ tìm thấy 51.000 USD tiền giả và cả những khuôn đúc tiền giả.

Nhà tù liên bang ở New York.
Bất chấp bị cáo buộc nhiều tội danh liên quan đến tàng trữ tiền giả và khuôn đúc tiền, Viktor Lustig chưa bao giờ bị cáo buộc tội lừa đảo. Hắn bị giam ở Nhà tù liên bang ở New York và dự kiến sẽ ra hầu tòa vào ngày 2/9/1935. Trong khi chờ đợi ngày ra tòa, Lustig khoác lác rằng không nhà tù nào có thể giữ được bước chân của hắn.

Vào hôm trước khi phiên tòa xét xử Lustig dự kiến bắt đầu, mặc trên người bộ quần áo tù nhân và đi đôi dép lê, hắn dùng khăn trải giường để tết thành một sợi dây và thoát ra ngoài nhà tù liên bang qua cửa sổ. Giả vờ là công nhân lau cửa sổ, hắn cẩn thận lau chùi các cửa sổ trong quá trình trượt xuống phía dưới chân tường của nhà tù. Hàng chục người đi qua trông thấy cảnh đó và hiển nhiên không một ai tỏ ý nghi ngờ rằng người treo lơ lửng và đang mải miết lau bụi bẩn cửa sổ trên kia lại là tên tù vượt ngục. Còn sau đó, các nhân viên trại giam hết sức sửng sốt khi cánh cửa buồng giam trên tầng ba được mở, căn phòng trống rỗng và Lustig đã biến mất tự lúc nào.

Lustig bị bắt giữ sau đó một tháng ở Pittsburgh. Rốt cuộc, hắn đã phải thú nhận mọi tội lỗi đã phạm phải trước đó. Hắn bị kết án 20 năm tù (15 năm tù vì tội làm tiền giả cộng thêm 5 năm vì tội trốn tù) và thụ án ở nhà tù Alcatraz. Ngày 31/8/1949, tờ Thời báo New York đưa tin Emil Lustig, em trai của Viktor Lustig, báo cho một quan tòa ở Camden, New jersey, rằng Lustig đã qua đời ở Alcatraz hai năm trước đó vì bệnh viêm phổi.

Lustig được mệnh danh là tên tội phạm “vĩ đại” nhất mọi thời đại, một bậc thầy về nghệ thuật lừa đảo sở hữu tới 45 cái tên giả. Chỉ riêng tại Mỹ, Viktor Lustig đã bị bắt 50 lần, nhưng lần nào y cũng được thả do nhà chức trách không có đủ bằng chứng để kết tội hắn. Vậy là cuộc đời của kẻ lừa đảo vĩ đại nhất hành tinh này là những chuỗi ngày ra vào tù như cơm bữa. Và cuối cùng, hắn đã biến mất khỏi thế gian mà không một ai hay biết.

Đình Vũ (tổng hợp)

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét