Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

VÕ THUẬT TINH HOA 28

(ĐC sưu tầm trên NET)


Võ cổ truyền Việt Nam. (1)

Trích “Nghiên cứu võ thuật” tháng 2/90.

Nước Việt Nam, theo nhiều sử gia trên thế giới, lập quốc cách đây ngót 5.000 năm. Địa bàn thời cổ của dân tộc ta là một trong những cái nôi văn hóa của loài người. Văn hóa không chỉ có nghĩa là văn minh hay văn chương chữ nghĩa, mà bao gồm tất cả những gì nhằm giáo dục, đào tạo con người trở nên tốt đẹp hơn cả về thể xác lẫn tinh thần. Võ thuật là một phần của văn hóa , hay nói cụ thể hơn, võ thuật thuộc về “nền văn hóa thể chất” – theo chữ dùng của Tổng cục Thể dục thể thao. Nước Việt Nam thời cổ vì vậy cũng có một nền võ học riêng của mình.

Trước khi bị người Trung Hoa xâm lược và chịu ảnh hưởng của họ, dân tộc ta đã sáng tạo nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ và độc đáo. Những di vật khảo cổ chứng minh rằng tổ tiên ta rất giỏi và rất ham chuộng võ thuật. Điều này cũng dễ hiểu: đứng trước một kẻ thù to lớn luôn nuôi mộng nuốt chửng ta, không giỏi võ và mưu trí làm sao chống cự nổi?

Điểm qua các truyền thuyết về buổi Bình Minh của đất nước, ta thấy bóng dáng những món binh khí nói lên trình độ võ thuật của thời ấy:
             

 
1. Lạc Long Quân chém con Ngư Tinh làm 3 khúc. Đây là một con cá sống lâu đời thành tinh, rất dữ tợn và xảo quyệt, thân dài 50 trượng, đưoi như cánh buồm, miệng có thể nuốt chửng 10 người một lúc.

2. Vua Hùng mở nước, một trăm con voi từ khắp nơi trong nước vui mừng kéo nhau về triều yết tỏ lòng quy phục. Nhưng trong đàn có một con quay lưng lại vua, đầu ngoảnh về phương Bắc. Vua Hùng nổi giận, gọi con gái là nàng Bàu, trao cho kiếm báu hạ lệnh chém đầu con voi bất nghĩa.

3. Ở ngã ba sông trước thành Văn Lang có một cây chiên đàn rất lớn. Một con hạc trắng đã thành tinh thường bắt người tha về cây đó để ăn thịt. Một hôm, từ dưới sông hiện lên một chàng trai tuấn tú, cầm một chiếc câu liêm ngoắc vào cổ con quái điểu, nó lăn ra chết.

4. Huyện Lâm Thao cũ có truyện Nguyễn Cận giúp thần Long Uyên giết con thuồng luồng: nửa đêm, Cân mài dao thật sắc, tới sàng nhảy xuống nước, cùng thần Long Uyên giao chiến với thuồng luồng, giêt được quái vật, quăng đầu nó lên bờ. Long Uyên bảo Cận lột da thuồng luồng làm áo giáp sẽ chống được tên nỏgươm giáo. Giặc Ân sang đánh, nhờ có áo giáp da thuồng luồng, chàng xông xáo giữa hàng ngàn quân giặc như vào chỗ không người.


5. Đời Hùng Vương thứ 6, chàng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) đã dùng roi sắt, ngựa, giáp sắt, vung roi giết giặc.
              

 
6. Đời Hùng Vương thứ 18, Sơn Tinh đánh nhau với Thủy Tinh, quân lính của Sơn Tinh đứng trên cao bắn xuống, bộ hạ Thủy Tinh chết xác nổi đầy sông …

Căn cứ trên những thành tựu của môn khảo cổ, vô số đồ đồng gồm công cụ sản xuất, binh khí, vật dụng trong nhà có khắc họa nhiều hình ảnh khỏe đẹp làm nổi bật sinh hoạt võ nghệ sôi nổi.
*
Những hoa văn, họa tiết trên các đồ đồng thời Hùng Vương dựng nước cho ta thấy vào thời đại đó, toàn dân ta đều tập võ và đấu võ. Trên một chiếc rìu lưỡi xéo (đồ đồng Đông Sơn, cách đây 2.500 đến 3.000 năm) chạm nổi cảnh hai võ sĩ đang giao đấu, đông đảo người xem đứng chung quanh. Đa số các họa tiết trên đồ đồng khắc họa những động tác chân, cho thấy tổ tiên ta ưa dùng cước pháp. Nhóm người bên phải đá, nhóm bên trái dùng tay đỡ. Ở cuối hàng, người bên phải tung lên cao, chân phải quặt ngang vào mạn sườn đối thủ. Còn đối thủ thì đang chống tay, đảo thân để né ngọn đá. Ở nhiều chỗ khác nhau cũng có khắc họa nhiều cảnh đấu võ tay không, hoặc đấu với thú dữ bằng tay không hay gậy gộc. Trên trống đồng cũng khắc họa những đòn tay và những thế đá.

Buổi đầu dựng nước, binh khí được chế tạo bằng đá, đồng thau, tre, gỗ. Các loại cung nỏ dùng tên nứa, tên tre vót nhọn hoặc mũi tên bịt đồng mà bắn. Binh lính, mãnh tướng thời Văn Lang, Âu Lạc được trang bị các loại lao, giáo, rìu, dao găm, kiếm, qua, v.v.. cùng các món che thân như hộ tâm phiếu, khiên, mộc bằng cây hoặc gỗ …
Mũi tên đồng Cổ Loa
An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được thần Kim Quy cho chiếc móng làm lẫy nỏ thần (Linh Quang thần nỏ), bắn ra hàng loạt mũi tên, nhờ đó mà thắng được giặc.

Đó là truyền thuyết, còn theo sử sách, tướng tài của An Dương Vương tên là Cao Lỗ đã sáng chế ra loại nỏ có khả năng một phát bắn ra hàng chục mũi tên. Thời đó, nghề đúc đồng đã phát triển, sản xuất hàng loạt mũi tên đồng để trang bị cho đạo quân cung nỏ. Mũi tên có ba cạnh sắc nhọn. Ngày nay, khoa khảo cổ đã tìm thấy ở Cổ Loa kho mũi tên đồng hàng vạn chiếc. Với loại mũi tên đó, thì tên phải dài 60-70cm, cánh nỏ cũng phải dài mới bắn xa được.

Loại nỏ Liên châu trên đây được thần thoại hóa thành “nỏ thần”. Sử sách Trung Quốc đã ca ngợi nỏ Liên châu của Âu Lạc như sau: “Mỗi phát giết được 300 người” và “mỗi phát xuyên qua hàng chục người”.

Nhân dân Vĩnh Phú còn kể nhiều chi tiết khác chung quanh câu chuyện này: Hương Canh là một làng có nghề gốm truyền thống từ thời Hùng Vương. Làng có một người rất khỏe là Cao Lỗ, dân gọi là Đô Lỗ vì Lỗ là một đô vật. Đô Lỗ năn nồi đã khéo lại vật cũng giỏi. Dô Lỗ vào triều vật với các vệ sĩ của An Dương Vương không ai thắng nổi nên được phong Đô Úy cấm quân rồi dần thăng tới tước Hầu, nhân dân vẫn gọi là “Nồi Hầu” tức ông Hầu làng nồi.
(Còn tiếp)

Võ cổ truyền Việt Nam. (2)

Trích “Nghiên cứu võ thuật” tháng 2/90.
Hai Bà Trưng
 

Kỳ thi võ sớm nhất mà sử sách còn ghi lại là kỳ thi vào năm 40 sau Công nguyên, vào thời Hai Bà Trưng. “… Nữ tướng Lê Chân thường tổ chức các cuộc thi võ và diễn võ, trong đó môn vật là hay hơn và trọng dụng hơn … Nữ tướng thường tổ chức về môn võ ấy 2-3 ngày để tuyển lựa võ sĩ”.


Qua đoạn sử này, ta cũng thấy rằng ngoài các môn võ đấm đá và binh khí, còn có môn vật cũng xuất hiện rất sớm, ít ra cũng trước thời Hai Bà Trưng.

Hai Bà Trưng đã giành lại độc lập cho đất nước, nhưng chẳng bao lâu sau, hai Bà lại thất trận, đất nước lại rơi vào ách đô hộ của nhà Hán. Từ trước và sau Hai Bà Trưng, đất

nước ta đã nhiều lần bị Trung Quốc đô hộ, rồi chiến tranh, rồi lại giành độc lập, rồi chiến tranh, rồi bị chiếm … cứ thế, biết bao lần. Mỗi lần trải qua một cuộc chiến tranh, tổ tiên ta lại học hỏi nhiều đòn thế chiến đấu mới lạ của địch. Và trong các thời kỳ đô hộ, tổ tiên ta thừa thông minh để thấy rằng ta phải học hỏi thêm những môn võ Trung Hoa trong ý hướng: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Môn võ riêng của dân tộc ta vì vậy ít nhiều chịu ảnh hưởng của võ Trung Hoa.


Đến đời nhà Thanh bên Trung Quốc, các tổ chức chính trị mưu lật đổ vương triều như Thiên Địa Hội, Bạch Liên Giáo, Nghĩa Hòa Đoàn … đã giong thuyền chạy sang tỵ nạn ở nước ta, phần đông cập bến ở Nam Bộ. Họ là những tướng tá, võ sư tài giỏi, nên đã đem các môn phái võ thuật Trung Hoa truyền sang phần đất mới phía Nam của nước ta. Đông nhất là người Triều Châu. Điển hình là Mạc Cửu, ông chở binh qua chiếm đảo Phú Quốc, rồi thừa dịp xứ Chân Lạp đang loạn lạc, đổ bộ chiếm vùng Duyên Hải từ Hà Tiên đến Mũi Cà Mau. Năm 1708, ông đem dâng phần đất này lên Chúa Nguyễn. Triều đình bèn lập thêm trấn mới là Hà Tiên và phong Mạc Cửu làm Tổng Binh. Từ đó, họ Mạc truyền nhau cai trị Hà Tiên đến mấy đời.

Về sau, một số người Hoa tụ tập về Chợ Lớn (một khu của Sài Gòn cũ) để làm ăn buôn bán, nhiều người rất giỏi võ, truyền dạy cho cả người Việt Nam.


Ở Trung bộ cũng có những hội viên trong nhóm phản Thanh phục Minh sang lánh nạn, chẳng hạn võ sư Trinh Tống Quân (thuộc Hồng Môn Thiếu Lâm Bắc phái) qua Hội An năm 1920, sinh sống bằng nghề bán thuốc Sơn Đông Mãi võ, thu nhiều học trò cả Hoa lẫn Việt.

Sau Thế chiến thứ II, rất nhiều võ sư Trung Hoa theo chân đoàn quân của tướng Lư Hán vào Việt Nam giải giới quân Nhật. Nhiều người đã ở lại Việt Nam để dạy võ, trong đó có ông Tế Công, dạy môn Vịnh Xuân ở miền Bắc nước ta, và từ năm 1955 vào dạy ở miền Nam.

Cũng có một số người Việt Nam qua Trung Hoa học võ rồi trở về truyền bá, như trường hợp ông Hàn Bái (1889-1928) và võ sư Đoàn Tâm Ảnh (năm nay 90 tuổi, vẫn dạy võ và viết sách).
            

 
(Còn tiếp) 
Võ cổ truyền Việt Nam (3).

Trích “Nghiên cứu võ thuật” tháng 2/90.

Phật giáo cũng là một chiếc xe chở các môn võ nước ngoài du nhập vào Việt Nam. Theo lịch sử Phật giáo, đạo này vào Việt Nam theo ba chiều: Trên xuống (qua biên giới Việt – Trung), dưới lên (qua đường biển phía Nam), và băng ngang (từ đường bộ phía Tây). Sử sách ghi năm 159 là năm đầu tiên người nước Thiên Trúc (Ấn Độ cổ đại) đến miền Trung nước ta bây giờ. Nhưng cụ thể hơn cả là nhà sư Ấn Độ tên Khưu Đà La đến tại Dâu (tỉnh Hà Bắc bây giờ) lập nên sơn môn vào khoảng năm 187 đến 189. Đồng thời, Phật giáo Trung Hoa cũng đến nước ta, phát triển trong giới trí thức từ đời Đinh (968-980), đào tạo một số cao tăng, thành lập những tông riêng biệt như tông Thảo đường đời Lý, tông Trúc Lâm đời Trần …


Thời cổ xưa, đường xá chưa có, núi rừng hiểm trở đầy thú dữ và giặc cướp, những nhà sư này lại đơn thân độc mã lặn lội qua đây, cho nên họ phải là những người võ nghệ tuyệt luân, ý chí cương cường mới đến được nước ta. Theo truyền thống của nhà chùa, võ thuật là một môn trong chương trình tu học, bởi vậy, Phật giáo đã mang vào nước ta ảnh hưởng của võ Trung Hoa, võ Ấn Độ và võ Tây Tạng.
           

 
Thời đại chịu ảnh hưởng Phật giáo nặng nhất trong lịch sử nước ta là triều đại nhà Lý. Từ vua đến quan lại và tướng lãnh đều là những Thiền sư hay Phật tử uyên thâm Phật pháp, võ công cao cường, binh thư đồ trận tuyệt luân. Họ là những người đầu tiên mở mang bờ cõi về phía Nam.
*
Tại Trung bộ nước ta, võ Bình Định là tiêu biểu hơn cả. Đoạn dưới đây thử tìm hiểu võ Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của các dòng võ nào để tạo ra nền võ học “Tây Sơn gia phái” còn rực rỡ cho đến ngày nay.


Vào thế kỷ 17, trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, 5 lần quân Nguyễn tiến quân ra Bắc, rồi lại rút về Nam, bắt mang về nhiều tù binh và của cải. Trong số tù binh đó có Hồ Thế Viêm ở Nghệ An, bị bắt đưa vào miền bìa rừng Tây Nguyên. Đó là ông tổ 4 đời của Nguyễn Huệ.

Thủa nhỏ, Nguyễn Huệ (Nguyễn là họ mẹ) tên là Hồ Thơm. Ba anh em học ông Chảng (tên thật là Đinh Văn Nhưng) ở Đập Đá, An Nhơn.
      

 
Tổ tiên của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã góp công khai phá ấp Tây Sơn, đây là đất nước cũ của người Chiêm Thành, một giống dân có một quá khứ oai hùng và rất giỏi võ, đã từng gây nhiều cuộc chiến tranh với nước ta vào đời Lý, Trần. Tiếng tăm của Chế Bồng Nga, Chế Củ đã một thời vang lừng, thành Đồ Bàn (ở giữa hai huyện An Nhơn – Phù Cát, tỉnh Bình Định) và những ngôi tháp Chàm là những di tích còn sót lại của một vương quốc hùng mạnh.

Vào thời Nguyễn Huệ, vùng này đã là nơi quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt có trình độ võ công cao, các hình thái võ thuật đa dạng. Trước hết, đó là những người đã đi khai phá đất hoang, rừng rậm, tất nhiên phải là những tay giỏi võ mới sinh cơ lập nghiệp được ở nơi đầy thú dữ và giặc cướp này. Thứ hai, là các anh hùng hào kiệt trốn tránh Triều đình, về đây ẩn thân, chờ thời cơ an bang tế thế. Thứ ba, các tay giang hồ tìm nơi sơn dã để ẩn mình. Thứ tư, các thổ hào đại phú, có nhiều trang trại, phải giỏi võ và giỏi phòng bị mới chống lại được trộm cướp. Thứ năm, các lái buôn người Hoa. Thứ sáu, nghĩa sĩ của các tổ chức phản Thanh phục Minh như Thiên Địa hội, Bạch Liên giáo, Trung Nghĩa đoàn, Nghĩa Hòa đoàn … (viên tướng Trung Hoa, Lý Tài làm phó cho Nguyễn Huệ trong trận đại phá 2 vạn quân Nguyễn do Tống Phúc Hiệp chỉ huy). Thứ bảy, Các tù trưởng và các toán quân thiện chiến của các dân tộc Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, … Thứ tám, trong quá khứ, đất Quy Nhơn là trung tâm võ thuật của Chiêm Thành. Những đặc sản và hàng hóa quý của vùng này muốn đem bán ra phía Bắc và phía Tây đều phải vượt qua những núi đèo hiểm trở đầy thú dữ và trộm cướp, cho nên muốn mang hàng đi bán đều phải tinh thông võ nghệ.
*
Bình Định vốn là đất có truyền thống dụng võ. Anh em Tây Sơn đã chắt lọc tinh hoa của tất cả các dòng võ do bao nhiêu thành phần trên đóng góp, gạn lọc tinh hoa, đúc kết, hệ thống hóa và phát triển thành một võ phái mới cực kỳ hiệu quả trong chiến đấu, đó là võ phái Tây Sơn. Về sau, võ phái Tây Sơn là thành tựu tổng hợp của ba dòng gia truyền: Hồ (dòng chính của Tây Sơn), Trần (dòng Trần Quang Diệu) và Bùi (dòng Bùi Thị Xuân).

Nền võ học Tây Sơn sau này lại phát sinh thêm một dòng võ mới ở Nam Bộ, đó là Võ Lâm Tân Khánh – Bà Trà (nay là xã Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên và xã Bình Chuẩn, huyện Thuận An, tỉnh Sông Bé).


Ngược dòng lịch sử, năm 1698, chúa Nguyễn ở Thuận Hóa sai Nguyễn Hữu Cảnh đem binh vào giúp vua Chân Lạp dẹp loạn, lập ra hai trấn tại Biên Hòa và Gia Định, rồi di dân Thuận Quảng vào lập làng xã, khai thác ruộng vườn. Đây là vùng đất hoang vu, rừng rậm, đầy thú dữ và trộm cướp. Môn võ của tổ tiên người Việt đã bao đời dùng để dựng nước và giữ nước nay lại theo chân những con người can trường, mạo hiểm đi mở mang bờ cõi. Môn võ Việt Nam từ phần đất phía Bắc lại được dịp hòa lẫn vào những môn võ của nhóm người Trung Quốc phản Thanh phục Minh và của người dân Chân Lạp bản địa để tạo thành một môn tổng hợp cho người dân đi khai phá.

Đến đầu Thế kỷ 19, sau khi lên ngôi, Gia Long ra sức trả thù vua tôi nhà Tây Sơn. Gia đình một bộ tướng Tây Sơn đã chạy vào Tân Khánh để lánh nạn. Con cháu của gia đình đó có một cô con gái tên là Trà chiêu mộ nghĩa binh chống lại Triều đình (Tự Đức) năm 1850 tại Truông Mây, một vùng rừng rậm cạnh làng Tân Khánh. Võ Tây Sơn đã đóng góp vốn liếng của mình cho môn võ của vùng đất mới Tân Khánh, làm cho môn võ mới này thêm phong phú và hiệu quả. Từ đó, môn võ mới được gọi là “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà”.

Bàn tay của những người can trường, mạo hiểm đã phá rừng rậm, đồng hoang, làm ruộng, lập vườn, tạo nên những làng xóm, gia trang trù phú. Các nhân vật giỏi võ hành hiệp đó đây để trừ gian diệt bạo, các thầy võ được các nhà giàu rước về dạy võ cho con cháu, tá điền để phòng chống trộm cướp. Vì việc truyền dạy hoàn toàn diễn ra ở thôn quê, trong các trang ấp, nên ngành võ thuật này được gọi là “võ vườn”, thường được gọi bằng một tên đất, như Tân Khánh, Thất Sơn chẳng hạn …


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét