Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

CÒN ĐÓ TÌNH THƯƠNG 2

-Vì sao con người còn muốn sống? Vì còn công lý!
-Vì sao xã hội còn tồn tại? Vì còn tình yêu thương!

-----------------------------------

(ĐC sưu tầm trên NET)

Người Hà Nội châm cứu giúp ông Tây bị ngất giữa đường

Xe cấp cứu chưa đến kịp, người dân dùng kim châm cứu, rồi quạt, rồi dùng giấy ăn để lau máu cho nạn nhân.
    Thấy ông Tây đột nhiên bị ngất xỉu giữa đường, nhiều người dân đã dừng lại để giúp đỡ. Khi xe cấp cứu chưa đến kịp, một số người dân đã mượn kim khâu, châm cứu lên 10 đầu ngón tay, ngón chân để sơ cứu cho ông Tây. Một lát sau, ông Tây tỉnh lại và xin phép không đến bệnh viện nữa khi xe cứu thương tới.
    Vụ việc xảy ra vào khoảng 10h sáng nay tại chợ Hàng Bè (Hà Nội). > Xem chi tiết
    nguoi-ha-noi-cham-cuu-giup-ong-tay-bi-ngat-giua-duong
    Người dân sơ cứu cho ông Tây.
    nguoi-ha-noi-cham-cuu-giup-ong-tay-bi-ngat-giua-duong-1
    Xe cấp cứu đến sau đó.
    Hình ảnh người dân Hà Nội cứu sống ông Tây đang được lan truyền nhanh trên mạng xã hội. Theo nhiều người chia sẻ, ông Tây có thể bị đột quỵ. Nhiều ý kiến cho rằng cứu giúp người là tốt và cần thiết, nhưng không nên dùng cách châm cứu và nặn máu lên 10 đầu ngón tay này vì phương pháp này vẫn chưa được công nhận.
    Nguồn: Facebook

    Chàng trai tự nguyện vá xe miễn phí giúp người đi đường lúc đêm tối

    07:43 12/11/2015

    (Ấn tượng) - Trong suốt 2 năm qua, cứ vào mỗi tối, anh Duy lại tự nguyện đến vá xe miễn phí giúp người đi đường chẳng may bị thủng xe.

      Không màng công xá
      Anh Đặng Khánh Duy (31 tuổi, ngụ tại đường Trần Quốc Toản, phường B’Lao, TP Bảo Lộc) sinh ra và lớn lên tại TP Bảo Lộc. Trong gần 10 năm làm thuê, anh đã học được nghề sửa xe máy rồi. Khi có chút vốn cộng với kinh nghiệm, anh Duy quyết định mở cửa hàng sửa chữa xe máy.
      Chang trai tu nguyen va xe mien phi giup nguoi di duong luc dem toi
      Anh Duy đang vá xe lưu động miễn phí giúp người đi đường
      Chỉ tay lên tấm biển có ghi dòng chữ: “Vá xe từ thiện và lưu động miễn phí từ 19 đến 23 giờ”, anh Duy cho biết, cách đây hơn 2 năm, trong một lần đi TP Hồ Chí Minh có công việc, khi đi qua Xa lộ Hà Nội (đoạn qua quận Thủ Đức) thì không may xe máy của anh bị xẹp lốp. Sau một đoạn dắt bộ tìm tiệm vá xe, anh may mắn được một thanh niên tình nguyện ở đây vá giúp xe để tiếp tục chuyến hành trình. Sau khi về Bảo Lộc, anh Duy nghĩ mình là thợ sửa xe máy tại sao không làm được như người thanh niên kia. Nghĩ là làm, ít ngày sau, anh Duy đã quyết định đi vá xe miễn phí để giúp những ai không may bị thủng xe giữa đường vào ban đêm.
      Mới đầu không ít người cho rằng, đây có thể là chiêu “chặt chém” của anh thợ sửa xe tinh quái. Một người từng được anh Duy sửa xe miễn phí cho biết: “Lúc đầu, khi được một người bạn cho số điện thoại của anh Duy vá xe từ thiện miễn phí, tôi thấy nghi ngờ. Nhưng, khi được anh Duy giúp đỡ, tôi mới thấy mình đã hiểu sai về anh”.
      Không ngại hiểm nguy
      Anh Phạm Hồng Cường, một người đi đường có xe bị thủng được anh Duy giúp đỡ (ngụ tại phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) cho biết: “Lúc đó khoảng 21 giờ đêm, khi tôi đang đi công việc thì xe bị xẹp vỏ ngay tại đường Nguyễn Văn Trỗi (phường II). Sau khoảng 30 phút dắt xe đi lòng vòng tìm tiệm vá nhưng không có, chợt nhớ đến anh Duy, dù có chút đắn đo nhưng tôi vẫn quyết gọi điện “cầu cứu” anh. Mặc dù đêm khuya, trời lại mưa to nhưng khoảng hơn 10 phút sau anh đã có mặt giúp tôi. Khi anh Duy vá xong xe, tôi đưa 50 nghìn đồng để cảm ơn nhưng anh nhất quyết không lấy. Anh Duy còn nói với tôi: “Có số điện thoại rồi, lần sau đi đâu vào buổi tối lỡ xe bị thủng săm thì cứ gọi cho tôi. Anh đừng ngại!”.
      Còn anh Ngô Thế Sang (ngụ tại xã Đại Lào) cho biết: “Tôi làm nghề bốc vác ở tận Di Linh, nên hay đi về muộn. Đây là lần thứ 3 xe tôi bị thủng săm khi đi ngang qua TP Bảo Lộc và lần nào cũng được anh Duy đến vá giúp. Nhưng, điều làm tôi cảm thấy áy náy là chẳng lần nào anh ấy chịu nhận tiền công”.
      Khi hỏi: “Tại sao anh không nhận tiền công sửa xe?”, anh Duy cười xòa bảo: “Nghề sửa xe máy giúp tôi mưu sinh vào ban ngày, nên tôi muốn cũng bằng cái nghề này tôi có thể làm một việc thiện vào thời điểm đêm tối. Bởi sau mỗi lần vá xong xe giúp được một ai đó là tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi”.
      Cứ thế suốt 2 năm qua, trong khoảng thời gian (từ 19 - 23 giờ) ngày nào cũng có người dân gọi điện nhờ anh Duy đến vá xe giúp. Trung bình mỗi ngày, anh giúp được 2 - 4 người và thậm chí có những đêm anh giúp cho 8 - 10 người có xe bị thủng.
      Không kể trời mưa hay nắng, hễ có điện thoại gọi tới là anh lại tất bật chạy chiếc xe máy tới để kiểm tra và vá xe cho khách. Nhiều lúc 3, 4 giờ sáng đang ngủ ngon giấc nhưng nhận được điện thoại, nghĩ người bị hỏng xe phải dắt bộ vất vả, lọ mọ trong đêm, anh Duy lại bật dậy xách đồ nghề tức tốc đến hiện trường để vá xe cho người ta. Anh bảo: “Những lúc như thế là lúc người ta cần mình hơn bao giờ hết. Nếu mình làm được điều đó thì người ta mới tin tưởng và quý mến mình. Thật tình mà nói, vào những lúc như thế mình không nghe điện thoại họ cũng không trách mình được, nhưng lương tâm không cho phép mình làm điều đó.
      Hơn nữa, nếu đặt trường hợp mình đang gặp phải sự cố như thế nhưng gọi điện nhờ người ta giúp đỡ mà bị từ chối thì thất vọng biết nhường nào. Khi người ta gọi điện đến mình là họ đã tin tưởng ở mình, vì thế nếu mình từ chối coi như đã làm mất lòng tin của họ. Mà lòng tin đã mất rồi thì coi như mất tất cả. Lần sau nếu có gặp sự cố tương tự làm sao họ dám gọi điện nhờ mình nữa chứ. Vá xe xong, họ mừng và cảm ơn nhiều lắm. Mình về nhà ngủ cũng thấy yên lòng”, anh Duy vui vẻ cho hay.
      Hà Anh

      Sài Gòn: 20 năm bơm vá xe miễn phí cho người nghèo

      09:46 11/10/2015

      (Hồ sơ cuộc sống) - 20 năm gắn bó với hộp đồ nghề sửa xe là cả một chặng đường dài đối với anh. Tại đây, người khuyết tật được sửa xe miễn phí.

      Tiền bạc sao quý bằng tình người
      Sai Gon: 20 nam bom va xe mien phi cho nguoi ngheo
      anh Lương và tiệm sửa xe miễn phí cho người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.
      Một buổi trưa oi bức, trên con đường ngược xuôi xe cộ, có một người đàn ông cụt mất một chân chậm rãi đánh chiếc xe lắc lốp đã xẹp lép đến trước “tiệm” sửa xe của anh Phạm Văn Lương nằm trên vỉa hè ngã tư đường Cống Quỳnh – Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM) . Khi chiếc xe đã được sửa xong, anh Lương đẩy chiếc xe trở lại lòng đường rồi lại bế người khách trở lại xe. Người khách hỏi bao nhiêu tiền để trả thì người thợ xe cười hiền nói: “Ở đây phục vụ miễn phí anh ạ. Chúc anh lên đường bình an”. Người khách lấy làm ngạc nhiên những cũng không quên lời cảm ơn đối với người vá xe tốt bụng.
      Nói về cái duyên đến với công việc làm khá “lạ đời” này. Anh Lương tâm sự: “Tôi nhớ có một lần, có người đàn ông đã lớn tuổi bị liệt cả hai chân đến tìm tôi để sửa chiếc xe lăn. Anh nói đi mấy nơi mà chẳng ai chịu sửa cho vì xe của người khuyết tật vốn rườm ra, tiền sửa cũng chẳng đáng là bao. Thế là khi sửa xong, tôi quyết định không lấy tiền khách”. Lúc đó, có nhiều người ở bên cạnh cứ bảo là Lương “khùng” vì đã nghèo rồi còn làm việc không đâu, thiệt thân. Thế nhưng, bỏ hết những lời châm chọc của nhiều người. Bắt đàu từ đó, anh chẳng hề lấy tiền công đối với những khách là người khuyết tật nữa. Sau này, để cho nhiều người biết thì anh viết một tấm bảng với nội dung “Người khuyết tật - bơm vá miễn phí” đặt ngay chỗ mình làm.
      Vá xe, “vá” cả cuộc đời mình
      Anh Phạm Thành Lương sinh năm 1964, quê gốc ở Quảng Ninh. Năm 1991, anh khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp, bén duyên với nghề mộc được 2 năm nhưng cảm thấy không phù hợp nên chuyển sang nghề sửa xe ở vỉa hè. Cứ khoảng 6 giờ sáng, anh lại lỉnh kỉnh đồ nghề để làm việc. Ngày nào đông khách thì cũng được kiếm được hơn 100.000 đồng, cũng tạm đủ tiền cho chi phí phòng trọ với nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học.
      Tuy ngoài xã hội, anh tốt bụng là vậy nhưng trong chuyện gia đình anh Lương lại không thật sự được hưởng hạnh phúc trọn vẹn khi phải chịu cảnh “gà trống nuôi con”.
      Anh cho biết, vì nhà có đông anh em nên anh luôn lần lựa trong việc lập gia đình. Mãi đến khi bước sang tuổi 40, khi các anh em đã yên bề gia thất thì anh mới tính đến chuyện lấy vợ. Khi đó, anh bị “say nắng” một cô gái trẻ đẹp quê gốc ở Long An. Sau một thời gian quen biết thì hai người về sống chung dưới một mái nhà. Chỉ sống với nhau được chừng gần 3 năm thì hai người chia tay, bỏ lại hai đứa con nhỏ cho anh nuôi nấng.
      Những tháng ngày sau đó quả là quãng thời gian dài đằng đẵng khi một mình anh phải nuôi hai con nhỏ đang khát sữa mẹ.
      Hai đứa trẻ, anh cả tên Phạm Quý Tài (SN 2005) và em út tên Phạm Quý Đức (SN 2006) lớn lên giống cha như tạc. Hiện nay, cả ba cha con đang ở trong một căn nhà trọ tồi tàn nằm trên địa bàn xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM), cách nơi anh làm việc khá xa. Thiếu vắng hơi ấm của mẹ nhưng bù lại, hai đứa trẻ được sự yêu thương, quan tâm hết mực của cha. Những chuyện như giặt giũ, nấu nướng, may vá đều một tay anh làm hết. Anh vừa làm tròn bổn phận của một người cha, vừa là một người mẹ trong gia đình.
      Anh Lương chia sẻ: “Lo là khi mình thêm vài tuổi nữa thì có đủ sức làm việc để nuôi con nữa không? Chỉ sợ mình không có đủ điều kiện để nuôi chúng ăn học đến nơi đến chốn”. Và dường như không muốn để cho điều đó xảy ra nên hàng ngày anh dành phần lớn thời gian của mình cho công việc. Ngoài việc vá xe, anh còn làm thêm cả công việc lái xe ôm để tăng thêm thu nhập. Thế nhưng, khi gặp những vị khách nghèo khó thì anh cũng sẵn sàng chạy miễn phí, bởi bản tính của anh nó vậy mất rồi.
      Và cứ thế, trên dòng xe cộ tấp nập hàng ngày, người ta lại chứng kiến người đàn ông đã đứng tuổi với tấm bảng có dòng chủ quen thuộc “Người khuyết tật - bơm vá miễn phí”. Có lẽ, chẳng có được mấy người biết được hoàn cảnh éo le của chủ nhân của dòng chữ ấy. Thế ít ra thì mọi người cũng biết rằng, trong xã hội còn lắm nhiễu nhương này vẫn còn những tấm lòng nhân ái đến như vậy. Dù rằng, việc làm của anh Lương chỉ là hết sức nhỏ bé thôi nhưng nó đang làm ấm con tim của không biết bao nhiêu người, góp phần cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
      NAM GIANG

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét