Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

BẠN BIẾT CHƯA? 51

(ĐC sưu tầm trên NET)

Ai là vị hoàng đế 'máu lạnh' nhất Trung Hoa?

09:33, Thứ Ba, 02/07/2013 (GMT+7)
Để lên ngôi vua và cai trị 2 vị hoàng đế này đều trả giá bằng máu của rất nhiều người vô tội.

Tần Thủy Hoàng - coi mạng người như "cỏ rác"
Nhắc đến tính cách hung bạo và tàn ác chẳng mấy ai quên được Tần Thủy Hoàng, vị vua đầu tiên của Trung Quốc. Vào năm 221 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng đã thống nhất đất nước, thành lập chế độ tập quyền về mặt chính trị thống nhất từ trung ương, xây dựng nền quân chủ chuyên chế.

Ông đã có công tiêu diệt các nước chư hầu Thời Chiến Quốc, thống nhất Trung Hoa lập nên một đế quốc rộng lớn. Tuy nhiên, ông cũng được xem là bạo chúa vì chính sách cai trị hà khắc và tàn bạo của mình.
Một điều mà không nhà lịch sử nào phản bác chính là chính sách cai trị độc ác và tàn bạo của Tần Thủy Hoàng. Mặc dù, cuộc cách mạng tàn độc này đã giúp thống nhất Trung Hoa nhưng đây vẫn là một dấu lặng đau lòng trong lịch sử Trung Hoa.
Suốt chiều dài lịch sử cai trị của Tần Thủy Hoảng chính sách độc tôn duy trì chính là sự tàn bạo, đa nghi, xem mạng người như cỏ rác. Tần Thủy Hoàng cai trị một cách độc tài, không chú trọng đến nhân đức, ân nghĩa, trong một thời gian dài không tha tội cho ai, không để ý đến giáo hóa hoặc tuyên truyền cho dân thấu hiểu.
Đội quân đất nung trong hầm mộ của Tần Thủy Hoàng.
Đội quân đất nung trong hầm mộ của Tần Thủy Hoàng.
Vốn nghĩ mình là con trời nên Tần Thủy Hoàng luôn thể hiện tính tình gàn dở tự đắc, muốn gì được nấy, tự cho rằng từ xưa đến nay không ai bằng mình. Một trong những quyết định của Tần Thủy Hoàng khiến nhiều văn sĩ đầu rơi máu đổ là chính sáchđốt kinh thi, kinh thư, sách vở trong vòng 30 ngày, truy lùng các học sĩ.
Ông từng ra lệnh chôn sống 460 người ở Hàm Dương vì không cùng quan điểm chính trị. Ngoài ra, một trong những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử là Lã Bất Vi (người được cho là cha ruột của Tần Thủy Hoàng) đã bị chính vị hôn quân này giết chết.
Vì muốn trường sinh bất tử, vị vua này còn sai biết bao người đi tìm thuốc tiên, thần dược. Tần Thủy Hoàng có lẽ là vị vua duy nhất sợ cái chết đến mức điên dại.Quá trình này đã khiến biết bao người dân vô tội bị chết để thỏa mãn cho sở thích quái đản của vị vua này. Lúc còn sống cho xây lăng mộ gồm 3 tầng, trên cùng là ngoại cung, tiếp theo là nội cung và sau cùng là tẩm cung, nằm ở phía Bắc núi Ly Sơn thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây.

Rất nhiều binh sĩ, thợ thuyền được điều động đến để xây lăng mộ cho vị hoàng đế này. Dã man hơn, sau khi thợ chôn cất châu báu, để tránh bị lộ ra ngoài, vị vua này đã sai đóng đường hầm, chôn sống những người thợ ở đây với mục đích biến họ trở thành thần giữ của cho Tần Thủy Hoàng.
Võ Tắc Thiên - Nữ hoàng dâm ô trụy lạc và tàn nhẫn
Võ Tắc Thiên- nữ hoàng trụy lạc và tàn bạo. Ảnh minh họa
Võ Tắc Thiên- nữ hoàng trụy lạc và tàn bạo. (Ảnh minh họa)
Được biết đến với vai trò là nữ hoàng duy nhất của Trung Quốc, Võ Tắc Thiên có 15 năm trị vì trên ngôi vua.
Vào cung cấm với vị trí Tài Nhân, là một trong 9 người thiếp xếp hàng thứ 5 của Lý Thế Dân. "Vợ "vua theo thứ tự từ trên xuống dưới là : Hoàng Hậu, Hoàng phi, Thần Phi, Chiêu nghi và Tài nhân. Tuy nhiên, Võ Tắc Thiên lại có tư tình riêng với Lý Trị, con trai của Lý Thế Dân. Sau khi thoát khỏi quy định chết theo chồng, Võ Tắc Thiên từ chùa trở lại cung vua và trở thành Chiêu Nghi của Lý Trị. Mặc kệ mọi lời dèm pha, từ vị trí vợ của vua cha, Võ Tắc Thiên trở thành vợ của vua con.
Theo nhiều tài liệu lịch sử ghi lại thì Năm 654, Võ Tắc Thiên sinh con gái đầu lòng, Hoàng Hậu họ Vương đến thăm, sau khi Vương Hoàng Hậu ra về, thì Võ Tắc Thiên bóp mũi cho chết con của mình để vu oan giá hoạ, khiến cho hoàng hậu bị phế bỏ. Võ Tắc Thiên được phong lên làm Thần Phi rồi Hoàng Hậu, Võ Hậu.
Võ Hậu lại giết Vương Hoàng Hậu và con gái của bà một cách dã man để trừ hậu hoạn. Sau khi Lý Trị bị đột quỵ, thân thể yếu ớt, Võ Tắc Thiên ngay lập tức yêu cầu Lý Trị cho cùng tham gia triều chính. Sau đó, để tiện đường cho việc con trai là Lý Hoằng lên ngôi vua, Võ Tắc Thiên đã giết hết người cản đường như Thượng Quan Nghi, Lý Trung (con của Lý Trị với cung phi khác). Tuy nhiên, sau đó, Võ Tắc Thiên lại phế Lý Hoằng, đưa con thứ hai là Lý Hiền lên làm Thái Tử, rồi lại giáng Lý Hiền, đưa con thứ 3 là Lý Hiển lên làm Thái Tử.
Sau khi Lý Trị qua đời,  Lý Hiển lên ngôi, là Đường Trung Tông. Nhưng một tháng sau, Võ Hậu lại phế Lý Hiển, đưa Lý Đán lên làm vua, là Đường Duệ Tông.
Những năm tiếp theo, bà lần lượt loại trừ những con cháu họ Lý ra khỏi quyền lực và đưa các người cháu họ Võ của mình vào nắm quyền. Tháng 09/690, Võ Tắc Thiên lên ngôi Hoàng Đế, đổi quốc hiệu là Nhà Chu. Vì có rất nhiều người chống đối việc có một phụ nữ lên cầm triều chính nên Võ Tắc Thiên đã lập lên một đội chuyên đi "ám sát" những kẻ chống đối. Rất nhiều người đã chết dưới tay nữ hoàng đầu tiên của Trung Quốc.
Theo Trí Thức Trẻ

4 hoàng đế tàn bạo trong lịch sử châu Á

10:41, Thứ Hai, 27/08/2012 (GMT+7)
Bên cạnh công sức trị vì đất nước, những vị vua này lại có chính sách cai trị độc ác.
Có rất nhiều vị hoàng đế được biết đến là những ông vua tốt, yêu dân như con, nhưng bên cạnh đó, trong lịch sử có không ít các vị vua tàn bạo, sát hại gia đình và người dân không thương tiếc.

1. Tần Thủy Hoàng

Tần Thủy Hoàng là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc từ năm 221 - 210 TCN, có công thống nhất đất nước nhờ chính sách xâm lược và cai trị tàn bạo. Nhiều sử sách ghi nhận rằng, ông là người độc ác, hay nổi nóng và tàn sát người dân của mình.
Trong năm đầu tiên nắm quyền, hơn 120.000 gia đình đã buộc phải di dời khỏi nhà của họ. Ông đốt gần như tất cả sách và văn thơ của Trung Quốc và đã có hàng trăm học giả bị chặt đầu, chôn sống.

Ông là người đặt nền móng cho việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành nhưng cũng vì công trình này mà có hàng trăm ngàn người đã bị bắt ép làm việc, bị chết đói và bị giết.
Tần Thủy Hoàng là người bị ám ảnh nhiều nhất về phương thuốc trường sinh bất lão. Ông đã chôn sống 480 thái y và các học giả khi họ không tìm ra cách để bào chế thuốc trường sinh bất lão.

Ngay cả khi sắp chết, ông cũng lo sợ rằng mình sẽ bị tấn công, do đó, ông ra lệnh cho xây dựng một lăng mộ rộng 4,8km với 700.000 người dân tham gia xây dựng. Hầu hết trong số họ đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng lăng mộ. Tần Thủy Hoàng chết vào tháng 9 năm 210 TCN.

2. Nữ vương Võ Tắc Thiên

Võ Tắc Thiên là hoàng hậu của Trung Quốc từ tháng 10 năm 690 đến tháng 2 năm 705. Bà là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Trung Quốc cai trị đất nước bằng uy quyền của mình.

Bà rất tàn nhẫn, độc ác, tàn bạo, trụy lạc và đã khiến cuộc sống của người dân rơi vào cảnh hỗn loạn. Hàng ngày, bà đều ban xuống các lệnh tra tấn, hành quyết và buộc người khác phải tự tử.
Bà cũng áp dụng các hình phạt này với cả thành viên trong gia đình bao gồm cháu gái, cháu trai và thậm chí là con gái mới sinh của bà. Ngay cả những người con trai của mình, bà cũng ra lệnh đưa đi lưu đày, và ép buộc một trong số những con trai mình tự tử.

Võ Tắc Thiên đã ra lệnh đầu độc, thắt cổ hàng ngàn người và thiêu họ ngay cả khi họ còn sống. Bà qua đời vào tháng 12 năm 705 ở tuổi 81.

3. Thành Cát Tư Hãn
Ông ta là người đứng đầu đế quốc Mông Cổ từ 1206 - 1227, xâm chiếm một vùng đất trải dài từ Á sang Âu. Ông và quân đội của ông phá hủy vô số các thành phố, giết chóc binh lính, thường dân và trẻ em. Nhiều người chết vì bị đổ kim loại nóng chảy vào mắt và tai. Trong một vụ thảm sát, 700.000 người đã thiệt mạng.
Tại một nơi khác, người nghèo bị chặt đầu và những người giàu bị tra tấn để tìm ra kho báu của họ. Phụ nữ đôi khi bị hãm hiếp trước mặt gia đình, hàng trăm ngàn người trở thành nô lệ. Ước tính, Thành Cát Tư Hãn và quân đội của ông đã giết chết 20 - 60 triệu người. Ông cũng đã giết chết anh trai của mình khi mới 13 tuổi vì tội đánh cắp một con cá.

4. Tamerlane đại đế

Tamerlane là người thống lĩnh Tây Á, Trung Á và Nam Á vào thế kỷ 14 và là người sáng lập ra Đế quốc Timurid và Triều đại Timurid. Ông tin rằng, mình chính là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn.
Ông là một vị vua độc ác, tàn nhẫn, vô tâm và khát máu. Dưới sự cai trị của Tamerlane, nhiều người đã bị chặt đầu, đốt cháy, bị đâm chết và bị chôn sống. 200.000 người lính và thường dân đã thiệt mạng ở Ấn Độ. Khoảng 20.000 người dân ở Aleppo, 70.000 người Ifshan, 70.000 người Tikrit và 90.000 người ở Baghdad đã bị chặt đầu.
Vào một số dịp, ông đã ra lệnh treo cổ hàng ngàn người. Một chiếc tháp khổng lồ được làm từ đầu của kẻ thù đã được ông cho xây dựng. Ước tính, ông đã giết chết 15 đến 20 triệu người.
Theo MASK
.

‘Tình một đêm’ của hoàng đế nhà Minh và cung nữ

09:11, Thứ Tư, 28/03/2012 (GMT+7)
Cuộc gặp gỡ tình cờ của Vạn Lịch hoàng đế và cung nữ họ Vương chỉ thoảng qua như “tình một đêm”. Đó là mối lương duyên của một vị vua phong lưu, thiếu trách nhiệm và người con gái mang phận thấp hèn.

Minh Thần Tông (4/9/1563 – 18/8/1620), niên hiệu Vạn Lịch, tên khi sinh là Chu Dực Quân là vị hoàng đế có thời gian trị vì lâu nhất – 48 năm trong lịch sử triều Minh. Lên ngôi từ năm chưa đầy 10 tuổi, Minh Thần Tông chưa thông thuộc triều chính, nên đành phó thác nhiều việc cho Trương Cư Chính. Dưới sự phò tá minh mẫn của vị quan thanh liêm này, triều Vạn Lịch có được giai đoạn phát triển cực thịnh từ năm 1572 – 1582. Tuy nhiên, sau khi Trương Cư Chính lâm trọng bệnh qua đời, Minh Thần Tông một mình xoay sở việc triều chính lại tỏ rõ là một hôn quân, ăn chơi sa đọa, bỏ bê triều chính.

Để xả nỗi bức xúc vì phải sống khép nép, khuôn phép dưới sự chỉ bảo nghiêm khắc của Trương Cư Chính, sau khi người thầy qua đời, Vạn Lịch bèn ra lệnh bắt giết họ hàng thân thích của gia tộc họ Trương, đồng thời khôi phục hàng loạt chức quan mà Trương Cư Chính đã bãi miễn rồi tiếp tục sủng ái, trọng dụng lũ hoạn quan trong triều.
Minh Thần Tông hoàng đế.
Minh Thần Tông hoàng đế.
Trong vài năm, Vạn Lịch cảm nhận được thú vui khi ngự trên ngai vàng, cảm nhận được quyền uy khi đường đường chính chính đứng đầu thiên hạ. Nhưng “hảo cảnh bất trường”, sau những tháng ngày thảnh thơi ấy, Vạn Lịch phát hiện mình đang chìm nghỉm trong nỗi ưu tư, phiền não mới. Nếu Trương Cư Chính còn sống chắc hẳn sẽ giúp hoàng đế tiêu bớt sầu lo. Nhưng giờ, Vạn Lịch thấy bơ vơ. Ông cần một người để gánh vác, hóa giải giùm mình những phiền muộn.

Năm Vạn Lịch thứ 6, khi hoàng đế tròn 16 tuổi, dưới sự cầm trịch của Lý thái hậu, triều đình đã cử hành hôn lễ trọng đại lập tiểu thư họ Vương làm hoàng hậu. Vương hoàng hậu cử chỉ đoan chính, hầu hạ Lý Thái hậu hết mực ân cần, nên được bà vô cùng sủng ái. Chính vì tính cách ấy, dù nhà vua không mấy mặn mà với Vương hoàng hậu, nhưng vẫn dành sự kính trọng đặc biệt cho bà. Điều đáng tiếc nhất là vị hoàng hậu này không thể sinh con. Đó chính là nỗi ưu phiền của Vạn Lịch sau khi dẹp yên những mối họa bên mình. Dù vậy, vị vua này vẫn con cái đề huề với những người phụ nữ khác. Nếu tính riêng quý tử, Vạn Lịch hoàng đế có tới 8 con trai.

Trưởng nam của nhà vua là Chu Thường Lạc sinh tháng 8 năm thứ 10 Vạn Lịch. Khi ấy, Trương Cư Chính đã mất được hai tháng. Mẫu thân của vị thái tử này cùng họ Vương với hoàng hậu, nhưng về thân phận thì lại kém xa. Nàng chỉ là một cung nữ trong cung Từ Ninh của Lý Thái hậu.

Theo ghi chép trong “Minh sử hậu phi truyện”, mối quan hệ giữa hoàng đế và cung nữ họ Vương nảy sinh thật tình cờ. Đó là câu chuyện giữa một chàng thanh niên phong lưu, thiếu trách nhiệm và người con gái thân phận thấp hèn.

Vào một ngày cuối năm Vạn Lịch thứ 9, theo lệ thường, nhà vua tới cung Từ Ninh thỉnh an mẫu hậu và tình cờ trông thấy cung nữ này. Sự việc sau này cho thấy, hoàng đế không hề có tình cảm với Vương Thị, nhưng ngày hôm đó như có “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” khiến ông quyết định lâm hạnh cùng nàng. Và kết quả của buổi chung đụng giữa hai người chính là thái tử Chu Thường Lạc, mà sau này hoàng đế Minh Quang Tông – vị vua có thời gian trị vì ngắn nhất trong lịch sử triều Minh, hay còn gọi là “hoàng đế một tháng” của phong kiến Trung Quốc.

Theo quy định nhà Minh, nhất ngôn nhất hành của hoàng đế đều được ghi chép cẩn thận trong “Khởi cư chú”. Quy định này đã sớm xuất hiện từ thời nhà Hán và tiếp tục duy trì tới triều Minh. Hoàng thất bấy giờ cũng quy định, bất luận hoàng đế từng chung đụng giường chiếu với người phụ nữ nào, người ấy đều có hồng phúc đón nhận tặng phẩm vua ban. Thời gian, địa điểm, đích danh cụ thể lẫn số vật phẩm đều được ghi chép cẩn thận và coi đó làm bằng chứng để đối chiếu khi “long tử” chào đời. Việc này cũng phải trình tấu với thái hậu. Về lý, nguyên tắc này giúp đảm bảo huyết thống chính xác của các “long chủng”.

Khi ấy, Vạn Lịch chưa tròn 20 tuổi. Vì lỡ “tư hạnh” với Vương Thị, nhưng không muốn thiên hạ tỏ tường, nên sự việc dù được ghi chép trong “Khởi cư chú”, nhưng nhà vua giấu biệt, không bẩm báo với thái hậu. Cho tới khi chuyện Vương Thị mang thai bị bại lộ, Lý Thái hậu mới hiểu rõ chân tướng sự việc. Trong lòng bà khấp khởi mừng vui. Xét về gia sự, hỷ tín này báo hiệu thái hậu sắp lên chức bà, xét về quốc sự, nếu giọt máu mà Vương Thị đang mang là nam thai, thì hoàng vị chắc chắn có người nối dõi. Vương hoàng hậu tiến cung đã ngót 5 năm vẫn không động tĩnh chuyện thai nghén, khiến bà phiền muộn bấy lâu, nay Vương cung nữ bỗng dưng có tin mừng, điều ấy khẳng định, con trai bà không hề lâm bệnh về đường sinh sản.

Nhưng khi thái hậu dò hỏi chuyện này, Vạn Lịch lại thoái thác chối quanh. Thái độ của nhà vua khiến bà không hài lòng. Cực chẳng đã, Lý Thái hậu bèn giở “Khởi cư chú” ra xem. Chứng cứ rành rành khiến Vạn Lịch đành phải thú nhận mọi chuyện.

Trông cách biểu hiện của con trai, Lý Thái hậu mười mươi biết rõ tình cảm mà Vạn Lịch dành cho Vương Thị chỉ là “tình một đêm”. Dưới sự can dự của bà, cung nữ Vương Thị đã được sắc phong là Cống Phi vào tháng 4 năm Vạn Lịch thứ 10. Bốn tháng sau, quả nhiên, Vương Cống Phi hạ sinh được một quý tử, đặt tên là Thường Lạc.
Theo Minh Hạnh
Đất Việt

Hoàng đế hoạn quan duy nhất trong lịch sử Trung Quốc

10:12, Thứ Hai, 19/03/2012 (GMT+7)
Hoạn quan vốn là những người đàn ông được đưa vào hậu cung làm nô bộc cho Hoàng đế, vì vậy dù có nhiều hoạn quan quyền lực khuynh đảo triều chính, song không có ai dám nhòm ngó ngôi thiên tử.

Thế nhưng, trong lịch sử 3.000 năm của hoạn quan Trung Quốc vẫn có một người đường đường chính chính trở thành một Hoàng đế…

Hoạn quan may mắn có được thành tích “không tiền khoáng hậu” này chính là Tào Đằng, ông nội của đại gian hùng Tào Tháo, một nhân vật nổi tiếng thời Tam Quốc. Trên thực tế, lúc còn sinh thời, cả Tào Tháo, Tào Tung, cha Tháo cho tới Tào Đằng đều chưa từng lên ngôi Hoàng đế, cũng chưa bao giờ tự xưng mình là Hoàng đế.

Cho tới năm 220, Tào Tháo chết ở Lạc Dương, con trai là Tào Phi lên thay cha đã lật đổ nhà Hán, tự lên ngôi Hoàng đế mới truy tôn cho Tào Tháo là Thái tổ Vũ Hoàng đế. Rồi mãi tới khi Tào Duệ, cháu của Tào Tháo kế vị cha lên ngôi mới truy tôn cho Tào Đằng làm Cao Hoàng đế, Tào Tung làm Thái Hoàng đế.

Tới năm 264, Tư Mã Chiêu, con trai của Tư Mã Ý qua đời, con cả Chiêu là Tư Mã Viêm lên thay. Viêm phế truất Tào Hoán, cháu đời thứ 5 của Tào Tháo, xóa bỏ nhà Ngụy, xưng đế lập ra nhà Tấn, tức là Tấn Vũ đế.
Tào Đặng
Tào Đằng
Dù nhà Ngụy đã bị tiêu diệt nhưng danh hiệu của Tào Tung, Tào Đằng, Tào Tháo đều được nhà Tấn giữ nguyên. Chính vì lý do này, Tào Đằng trở thành một trong số 6 vị Hoàng đế của nhà Tào Ngụy và cũng là hoạn quan duy nhất trong lịch sử được phong làm Hoàng đế.

Nhiều người nói rằng Tào Đằng trở thành Hoàng đế chẳng qua là nhờ được con cháu truy phong chứ thực tế chẳng có tài chút tài cán lẫn công lao gì.

Thực tế không hẳn như vậy. Xuất thân là một hoạn quan nhưng bằng sự khôn khéo của mình Tào Đằng đã trở thành một quyền thần với thế lực không hề nhỏ trong triều Hán.

Nếu nói rằng, Tào Tháo tuy chưa từng xưng đế nhưng là người đã đặt nền móng cho nhà Tào Ngụy thì cũng có thể nói rằng, Tào Đằng và thế lực của hoạn quan này đã đặt những viên gạch đầu tiên cho cái nền móng ấy của nhà Tào Ngụy.

Nói cách khác, chẳng phải ngẫu nhiên, một hoạn quan lại được truy tôn là Cao Hoàng đế, ông vua đầu tiên của một vương triều.

Tào Đằng tự là Quý Hưng là một hoạn quan nổi tiếng thời Đông Hán. Tào Đằng là con thứ 3 của Tào Tiết, từ nhỏ đã bị đưa vào cung làm hoạn quan.

Sách “Tục Hán thư” của Tư Mã Bưu có ghi lại một câu chuyện nhỏ về Tào Tiết rằng: Nhà hàng xóm của Tào Tiết bị mất một con lợn mới sang nhà Tào Tiết để tìm.

Người hàng xóm này chạy tới chuồng lợn nhà Tào Tiết chỉ vào một con lợn và kiên quyết nói rằng con lợn đó là lợn nhà ông ta.

Tào Tiết không muốn tranh chấp với người hàng xóm, để ông ta mang con lợn đó về nhà. Sau đó, con lợn bị mất của nhà hàng xóm tự tìm về nhà, người hàng xóm cảm thấy xấu hổ, vội vàng sang nhà Tào Tiết để xin lỗi, đồng thời trả lợn lại cho Tào Tiết.

Tào Tiết cũng không để bụng, tươi cười nhận lại con lợn. Chính vì thế, người trong làng đều hết mực ca ngợi Tào Tiết, coi ông ta là con người nhân hậu, khoan dung.

Từ câu chuyện này có thể thấy rằng, Tào Tiết là một nông dân bình thường, thuần phác, nhân hậu, do vậy, việc đưa con trai là Tào Đằng vào cung để làm thái giám có thể là do hoàn cảnh túng quẫn.

Tào Đằng vào cung thời kỳ An đế nhà Hán. Đặng Thái hậu, mẹ An đế thấy Đằng người tuổi còn trẻ lại trung thực, thì chọn làm người hầu cho thái tử đọc sách. Tào Đằng làm việc cẩn thận chu đáo nên rất được thái tử yêu quý, sau đó cùng kết đôi với con gái nhà họ Ngô và nhận con nhà Hạ Hầu làm con nuôi – tức là Tào Tung, cha của Tào Tháo.

Sau khi Thuận đế lên ngôi, Tào Đằng được nhận chức Trung thường thị. Làm việc hơn 30 năm đều rất cẩn thận, được hoàng đế rất ưu ái. Những người trong họ tộc của Tào Đằng ở quê cũng không vì quan chức của Đằng trong triều đình mà hoành hành bá đạo như những người khác.

Ngoài ra, Tào Đằng cũng thường xuyên tiến cử với Hoàng đế những danh sĩ nổi tiếng như Trần Lưu, Ngu Phóng, Biên Thiệu, Trương Ôn, Hoằng Nông, Trương Hoán,…

Khi đó, có một thái thú ở quận Thục gửi cho Tào Đằng một món lễ vật. Sau này bị quan Thứ sử Ích châu là Chủng Cảo phát hiện ra. Chủng Cảo dâng sớ tố cáo Thái thú quận Thục đồng thời vạch tội Tào Đằng đề nghị triều đình hạch tội cả hai người.

Hoàng đế xem xong sớ của Chủng Cảo nói rằng: “Quà là do người ta đưa đến, không phải tội của Đằng”, do vậy vứt bỏ bức sớ không xem tới nữa. Tào Đằng cũng không vì bức sớ vạch tội của Chủng Cảo mà oán hận.

Sau này, trước mặt Hoàng đế, Tào Đằng thường xuyên ca ngợi Chủng Cảo, nói rằng Cảo là một vị quan có tài, có thể nắm giữ chức vụ quan trọng trong triều đình. Nhờ có lời nói của Tào Đằng, quan chức của Chủng Cảo ngày một lên cao, sau này làm tới chức Tư Đồ.

Sau này, Chủng Cảo có cảm khái nói rằng: “Tôi có thể làm quan tới chức Tư Đồ, tất cả đều là nhờ sự giúp đỡ của Tào Thường thị!” Tào Đằng cai quản gia đình, họ tộc rất tốt, lại thường xuyên kết thân với các danh sĩ, tiến cử những người có tài, vì vậy, mặc dù là hoạn quan nhưng được xã hội rất ca ngợi và khâm phục.

Sau khi Hán Thuận đế băng hà, con trai mới vừa đầy 2 tuổi là Hán Xung Đế kế vị, chưa đầy một năm sau đã bị chết.

Sau những cuộc tranh giành ngai vị trong hoàng tộc, các đại thần đều muốn lập người thuộc tông thất lớn tuổi và có đức hạnh là Thanh Hà Vương Lưu Toán lên ngôi.

Tuy nhiên, Đại tướng quân là Lương Ký vì muốn tiếp tục nắm quyền nên không chấp nhận và lập con của Bột Hải Hiếu Vương là Lưu Tán lên ngôi, tức Hán Chất đế.

Hoàng đế tuy nhỏ tuổi nhưng thông minh, nhiều việc đã làm cho Lương Ký lo sợ, nên cuối cùng y tìm cách đầu độc chết vị Hoàng đế lên ngôi chưa đầy một năm này.

Tới lúc này các đại thần càng tăng áp lực để đưa Thanh Hà vương Lưu Toán lên ngôi, Lương Ký thì muốn lập em rể của mình là Lưu Trí, nhưng do thái độ của các đại thần nên vẫn loay hoay chưa biết nên làm thế nào.

Thanh Hà Vương Lưu Toán tuy là người cẩn trọng, đại thần trong triều đều ủng hộ thế nhưng khi Tào Đằng và một số hoạn quan khác đến gặp Lưu Toán thì lại bị coi thường là lũ hoạn quan ái nam ái nữ. Điều này làm cho bọn Tào Đằng vừa uất hận vừa sợ hãi nên không muốn Lưu Toán lên ngôi.

Tào Đằng liền cùng các hoạn quan khác tới nhà Lương Ký để khuyên nhủ rằng: “Tướng quân lâu nay vẫn làm hoàng thân quốc thích quản lý triều chính, quan hệ trong triều phức tạp, không thiếu những sai sót.

Thanh Hà vương lại là người nghiêm minh, nếu như lên ngôi thì việc tướng quân gặp nạn chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi. Chẳng bằng lập Lưu Trí lên ngôi, như thế có thể bảo vệ được vinh hoa phú quý”. Lương Ký quả đã nghe theo lời kiến nghị của Tào Đằng.
Tào Tháo trên phim
Tào Tháo trên phim
Lập Lưu Trí lên ngôi – tức Hán Hoàn đế. Tào Đằng nhờ thế mà chức vị được thăng tới Đại trường thu chức vị cao nhất của hoạn quan, lại còn được phong thêm Phí đình hầu. Một hoạn quan mà có thể được phong hầu, bổng lộc tới 2.000 thạch có lẽ là trường hợp xưa nay hiếm.

Sau khi Tào Đằng chết, con nuôi là Tào Tung (tức là cha của Tào Tháo) kế thừa tước vị. Những năm cuối thời Hoàn đế Tào Tung được phong làm Tư lệ hiệu úy, đến khi Linh đế lên ngôi, lại thăng chức Đại tư nông, Đại hồng lô, quản lý các việc lễ nghi và tài chính trong nước, chức thuộc hàng cửu khanh.

Cuối thời Đông Hán còn có chế độ dùng tiền để mua chức, Tào Tung không vừa ý với chức Đại hồng lô của mình, bỏ ra tiền vạn để mua cho mình chức Thái Úy – đứng đầu Tam công.

Có thể nói Tào Tung đã đạt đến đỉnh điểm trong con đường chính trị của mình. Sau khi thấy thế cuộc hỗn loạn, Tào Tung từ quan mà trở về Lạc Dương.

Sau khi Đổng Trác tiếm quyền, Lạc Dương trở thành một nơi hỗn loạn, Tào Tung đem gia quyến về huyện Hoa ở Thái Sơn tránh nạn. Về sau lại đưa con là Tào Đức cùng vợ trở về đại bản doanh của Tào Tháo ở Duyễn Châu.

Nhưng mới đi tới Từ Châu thì Trương Khải, người được giao nhiệm vụ hộ tống Tào Tung, không cưỡng nổi sự quyến rũ của vàng bạc châu báu của họ Tào nên đã sai binh lính giết chết y, cướp đi tài sản và chạy về Hoài Nam. Tào Tháo sau đó đã hai lần phát động binh mã đánh Từ Châu để trả thù cho cha của mình.

Dưới sự chỉ huy của Tào Tháo, thế lực của Ngụy càng ngày càng hùng mạnh. Ban đầu, Tào Tháo được Hán Hiến Đế phong làm Vũ Bình hầu, ăn lộc 1 vạn hộ ở huyện Vũ Bình.

Sau khi thua trận Xích Bích, Tào Tháo chú trọng xây dựng Nghiệp Thành là thủ phủ cũ của Viên Thiệu, thường đóng đại quân tại đây, ít coi trọng Hứa Xương như thời kỳ đầu.

Do tự mình chuyên quyết việc triều đình, Tào Tháo đã gặp phải sự chống đối ngấm ngầm từ các lực lượng ủng hộ Hán Hiến Đế.

Tuy nhiên, các lực lượng này không đủ mạnh và bị Tào Tháo đàn áp thẳng tay, kể cả những người thân thích của Hiến đế cũng bị giết như: Phục Hoàng hậu, Đổng Quý phi, Đổng Thừa, Phục Hoàn.

Năm 213, Tào Tháo ép Hiến Đế phong mình làm Ngụy Công, ban cho Cửu tích gồm: xe ngựa, y phục, nhà son, đội nhạc, nạp bệ, cung tên, hổ bôn, việt vàng. Tào Tháo cắt Ngụy quận và 9 quận khác ở Ký châu vào lãnh thổ nước Ngụy làm đất ăn lộc.

Nước Ngụy của Tào Tháo với tư cách là một nước chư hầu nằm trong lãnh thổ nhà Hán bắt đầu hình thành. Tháng 11 năm 213, Tào Tháo thiết lập một bộ máy triều đình nước Ngụy riêng biệt, có Thượng thư lệnh, Thị trung và 6 viên khanh.

Năm 216, sau khi đánh bại Trương Lỗ trở về, Tào Tháo sai Hoa Hâm chuẩn bị và ép Hán Hiến Đế ra chiếu phong mình làm Ngụy Vương, lập con thứ hai là Tào Phi làm thế tử. Năm 220, Tào Tháo chết Tào Phi lên ngôi quyết định lật đổ nhà Hán, chính thức lên ngôi Hoàng đế, lập nên nhà Ngụy.
Theo Đại Nam
Phunutoday

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét