Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

GIAI THOẠI THIỀN 15

(ĐC sưu tầm trên NET)

Giai thoại Thiền: HÃY MỞ KHO TÀNG CỦA RIÊNG ANH
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Daigu viếng đại sư Baso ở Trung Hoa. Baso hỏi:

“Anh tìm gì ?”

Daigu đáp: “Giác ngộ”

Baso hỏi: “Anh có một kho tàng của riêng anh. Tại sao anh đi tìm bên ngoài ?”

Daigu lại hỏi: “Kho tàng của tôi ở đâu ?”

Baso đáp: “Cái gì anh đang nói là kho tàng của anh” – Daigu giác ngộ ! Từ đó về sau Daigu luôn luôn thúc giục bạn bè:

“Hãy mở kho tàng của riêng anh mà dùng”.
Giai thoại Thiền: KHÔNG NƯỚC, KHÔNG TRĂNG
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Ni cô Chiyono theo học Thiền với Bukko của Engaku trong một thời gian dài, nhưng Chiyono không thể đạt được kết quả.

Sau cùng, một đêm trăng sáng, Chiyono gánh nước, một cái xô cũ có bao nan tre đan bọc bên ngoài. Bao nan tre hỏng, đáy xô rơi, và ngay giây phút đó, Chiyono giác ngộ!

Để kỷ niệm, Chiyono viết một bài thơ:

“Bằng cách này ta cố gắng cứu chiếc xô cũ
Bởi vì bao nan đã yếu và gần hỏng
Cho đến lúc cuối cùng đáy vỡ rơi xuống.
Không còn nước trong xô!
Không còn trăng trong nước!”
Giai thoại Thiền: DANH THIẾP
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Keichu, đại Thiền sư thời Minh Trị, là một sư trưởng đền Tofuku – tu viện ở Kyoto. Một hôm, Thống đốc Kyoto viếng Keichu lần đầu tiên.

Một đệ tử đưa lên Keichu một danh thiếp của nhà cầm quyền, thiếp viết:

“Kitagaki, Thống đốc Kyoto”.

Keichu bảo với người đệ tử: “Ta không có việc gì với một con người như thế. Hãy bảo hắn ra khỏi nơi này”.

Người đệ tử hoàn lại tấm thiếp với lời xin lỗi. Viên Thống đốc nói: “Đây là lỗi của tôi” và với cây bút chì trong tay, ông xóa mấy chữ “Thống đốc Kyoto”. Rồi bảo người đệ tử: “Hãy hỏi lại thầy anh”.

Lần này thấy tấm thiếp, Keichu kêu lên:

“Ồ, Kitagaki đấy à ? Ta muốn gặp người đó”.
Giai thoại Thiền: MƯA HOA


Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Subhuti là một đệ tử của Phật. Ông có khả năng hiểu sâu xa tiềm thể của tánh không, lập trường này cho rằng không có gì hiện hữu trừ sự tương quan giữa chủ thể và khách thể.

Một hôm Subhuti đang ngồi dưới một gốc cây hoa, trong một tâm tánh không cao độ. Hoa bắt đầu rơi quang ông.

Có tiếng thì thầm của các thần bên tai:

“Chúng tôi đang ca ngợi ngài về bài thuyết pháp tánh không của ngài”.

Subhuti đáp:

“Nhưng tôi không nói về tánh không”.

Tiếng thì thầm của các thần lại vang lên:

“Ngài không nói tánh không, chúng tôi cũng không nghe tánh không. Đây là tánh không chân thật”.

Và hoa tiếp tục rơi xuống Subhuti như mưa.
Giai thoại Thiền: XUẤT BẢN KINH
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Tutsugen, một người hiến mình cho Thiền ở Nhật, quyết định xuất bản một bộ kinh mà thời bấy giờ chỉ được thông dụng bằng chữ Nho.

Những quyển sách được in bằng những tấm bảng gỗ trong một lượt xuất bản bảy ngàn bản, thật là một việc làm kinh khiếp.

Tutsugen bắt đầu du hành làm một cuộc lạc quyên để thực hiện việc in kinh. Một vài người có nhiều thiện cảm cho Tutsugen một trăm đồng tiền vàng, nhưng phần nhiều Tutsugen chỉ nhận được vài xu nhỏ của những kẻ khác. Tutsugen tạ ơn những người có hảo tâm bằng một tấm lòng biết ơn bằng nhau. Sau mười năm, Tutsugen đã đủ tiền và bắt đầu công việc.

Nhằm mùa nước lớn của sông Uji tràn ngập. Nạn đói xảy ra. Tutsugen đem tất cả vốn liếng đã góp để in kinh, cứu những người khác khỏi chết đói. Rồi Tutsugen bắt đầu đi quyên lại.

Bảy năm sau đó, bệnh dịch lan tràn khắp nước Nhật. Tutsugen lại đem những gì đã góp được ra giúp mọi người.

Vì thế, Tutsugen lại bắt đầu lần thứ ba và sau hai mươi năm ý nguyện của Tutsugen đã được thực hiện hoàn toàn. Những bản in gỗ ra đời lần thứ nhất là những bộ kinh mà ngày nay người ta thấy trong tu viện Obaku ở Kyoto.

Người dân Nhật bảo với con cái họ rằng Tutsugen đã làm được ba bộ kinh, và hai bộ đầu vô hình nhưng vượt hẳn bộ sau cùng.
Giai thoại Thiền: THIỀN TRONG CUỘC SỐNG ĂN MÀY
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Tosui là một Thiền sư nổi tiếng. Tosui đã ở nhiều ngôi đền và dạy nhiều nơi khác nhau. Ngôi đền Tosui viếng cuối cùng quy tụ rất nhiều đệ tử. Tosui bảo họ là ông sắp bỏ hẳn việc giảng dạy. Tosui khuyên họ giải tán và hãy đi đến nơi nào họ thích. Sau đó không ai thấy dấu vết của Tosui đâu cả.

Ba năm sau, một đệ tử khám phá thấy Tosui đang sống với một số người ăn mày dưới một gầm cầu ở Kyoto. Lập tức anh ta khẩn cầu Tosui chỉ dạy.

Tosui bảo: “Nếu anh có thể sống được như ta độ một đôi ngày thì ta dạy cho”.

Vì thế, người đệ tử mặc quần áo ăn mày và sống với Tosui được một ngày. Ngày hôm sau, một tên ăn mày ngã ra chết. Tosui và người đệ tử nửa đêm mang xác chết chôn trên sườn núi. Chôn xong, hai thầy trò trở lại gầm cầu.

Phần đêm còn lại, Tosui ngủ rất ngon giấc, nhưng người đệ tử không thể chợp mắt được. Sáng hôm sau. Tosui nói:

“Hôm nay chúng ta không phải đi xin đồ ăn. Người bạn đã chết để lại một ít kìa”.

Nhưng người đệ tử không ăn được một miếng nào. Tosui: “Ta đã bảo anh không thể sống như ta được. Hãy cút đi khỏi nơi này. Đừng làm phiền ta nữa”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét