Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

NỖI NIỀM OAN KHUẤT 7

-“Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài”,
Lời nói người xưa đâu có sai;
Sống khác loài người vừa bốn tháng,
Tiều tuỵ còn hơn mười nǎm trời.
 (Trích bài thơ; "Tứ cá nguyệt liễu – Bốn tháng rồi" của Hồ chí Minh)
-Trong xã hội pháp trị hướng tới công bằng, xử tội và trị tội con người, dù có biện minh cỡ nào, thì rõ ràng cũng là hành vi mang tính ác của Đức Huyền Diệu. Hệ thống lao tù của bất cứ nhà nước nào cũng thể hiện ít nhiều sự vô nhân đạo, sự hạn chế nhân quyền của nó (là sự vô nhân đạo trong nhân đạo, và để đảm bảo tự do, dân chủ thì bắt buộc phải hạn chế nhân quyền!).
-Đó là công việc chẳng đặng đừng để duy trì một xã hội lương thiện nên có tính thiêng liêng!
-Cũng vì như vậy nên người xử án vừa rất dễ được mến phục vừa rất dễ (có khi là vô tình) gây điều tội lỗi, độc ác.
-Muốn không phạm phải tội ác, người thực thi xét xử phải có lòng vừa trong sáng, công tâm, vừa thực sự yêu thương con người, không cậy quyền lực, đồng thời có nhận thức đúng đắn về thiện-ác (vận dụng tối ưu pháp luật, thậm chí vượt tầm ý thức hệ!).
-Hành động độc ác nhất: đày đọa tư duy!

-------------------------------------------- 
(ĐC sưu tầm trên NET)

Văn hóa pháp đình nhìn từ vụ án oan ở Bù Đốp

7:24
02/11/2015

BP - Từ những thanh niên chất phác, tu chí làm ăn, bỗng tai họa ập xuống phải vào tù. Gia đình cầm cố hết tài sản để thăm nuôi, lại còn bị lừa đảo đến khuynh gia bại sản. Khi con của họ được trả tự do, những tưởng đồng tiền bồi thường oan sẽ phần nào giúp gia đình vơi bớt khó khăn nhưng sự mong chờ ngày một mờ mịt. Những thanh niên bị oan sai năm đó, người đã từ giã cõi đời, người thì bỏ đi biệt xứ, gia đình ly tán… Đó là những hoàn cảnh đáng thương, số phận cay đắng từ hệ lụy của một bản án oan trong vụ án hiếp dâm trẻ em ở Bù Đốp.

Gia đình ông Thời, bà Lý, ông Dũng mỏi mòn chờ bồi thường oan sai cho các con
Ách giữa đàng
Trong ngôi nhà dột nát ven đường Lộc Tấn - Bù Đốp, nơi tá túc của gia đình ông Nguyễn Hữu Thời (1960) trú ấp Tân Lập, xã Tân Thành đang chuẩn bị phát mãi vì những khoản tiền vay ngân hàng khi con trai vào tù. Căn nhà này, 10 năm về trước là một đại lý vé số lớn nhất huyện Bù Đốp, nay xập xệ và thành điểm rửa xe máy để vợ chồng ông Thời sống qua ngày.
Ông Thời kể, ngày 11-6 tức (tết Đoan Ngọ năm 2005), con trai ông là Nguyễn Hữu Nghĩa (1987) xin phép đi chơi cùng bạn trong thôn. Nhóm bạn của Nghĩa có 8 trai và 4 gái trạc tuổi nhau. Trong đó có Phạm Văn Hoàng (1988), Vũ Ngọc Văn (1990), Thái Hoàng Trọng (1990) và Nguyễn Thị Yến Nhi (1992). “Bốn tháng sau, cháu Yến Nhi bị bệnh, gia đình đưa đến trạm y tế khám. Tại đây, bác sĩ cho biết Nhi bị xâm hại tình dục. Nhi khai với gia đình là bị các bạn Nghĩa, Hoàng, Văn và Trọng cưỡng hiếp trong dịp tết Đoan Ngọ và đòi nhảy xuống giếng tự tử. Thế là con tôi cùng ba đứa bạn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh bắt giữ ngày 2-10-2005...”.
Sau nhiều lần tuyên hủy trả hồ sơ để điều tra lại, ngày 5-8-2011, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã đưa vụ án hiếp dâm trẻ em ra xét xử. Tại phiên tòa, dù các bị cáo một mực kêu oan nhưng hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn tuyên phạt Nguyễn Hữu Nghĩa và Phạm Văn Hoàng cùng 12 năm tù; Vũ Ngọc Văn 8 năm tù và Thái Hoàng Trọng 9 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho Nguyễn Thị Yến Nhi số tiền 19,662 triệu đồng và toàn bộ án phí. Ông Thời cho biết: “Khi vào thăm, tôi động viên con có tội hãy nhận để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Nhưng Nghĩa khẳng định mình không hề hiếp dâm Yến và yêu cầu tôi phải nhờ luật sư bào chữa”. Ông Thái Hoàng Dũng, cha của Thái Hoàng Trọng cũng nói về con mình bị oan như ông Thời, vậy là 4 gia đình đồng loạt làm đơn gõ cửa các cơ quan bảo vệ pháp luật ở tỉnh để kêu oan.
Ngày 17-11-2011, TAND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa hình sự phúc thẩm để xét xử. Tại đây, HĐXX nhận thấy trong quá trình điều tra cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như cử người giám hộ, hồ sơ không có người bào chữa hay tham gia tố tụng. Biên bản hiện trường không đầy đủ các đối tượng liên quan, thiếu người làm chứng, không có thời gian thực hiện hành vi hiếp dâm và lời khai của các bị can mâu thuẫn... Từ những phân tích trên, HĐXX đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ về Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh điều tra lại vụ án theo thủ tục chung.
 Ngày 15-11-2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra Quyết định số 1446 về việc đình chỉ điều tra vụ án vì “hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện phạm tội”.
Chờ chưa được vạ má đã sưng
Ông Thời nói: “Sau lần ra tòa, Quyết định số 1446 của Công an tỉnh đã chứng minh con chúng tôi bị oan sai. Con tôi và cháu Phạm Văn Hoàng bị giam 793 ngày. Thái Hoàng Trọng bị bệnh nặng phải trả về cho gia đình điều trị”.
Thời gian này, nhà của ông Thời đang bị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Lộc Hiệp chuẩn bị kê biên phát mãi, vì số tiền vay hơn 353 triệu đồng không trả nổi. Ông Thời nói: “Khi con tôi bị quy kết tội hiếp dâm trẻ em và bị bắt, nhà tôi liên tục xuất hiện nhiều vị tự giới thiệu là vợ, là con nuôi, mẹ nuôi... của sếp lớn chạy chọt được. Tôi bảo con mình bị oan không cần chạy thì họ nói, oan cũng chết, bị bắt rồi khó thả nên lo lót để bớt bị bạn tù đánh đập. Tôi nhờ họ xin gặp con vì hơn 8 tháng từ ngày cháu bị bắt tôi không được gặp. Họ giúp tôi toại nguyện nên tôi tin. Có người tự xưng là mẹ nuôi của Yến Nhi yêu cầu phải bồi thường vài chục triệu đồng để bãi nại, tôi cũng nghe theo. Họ viết đơn giùm cũng đòi mấy triệu đồng. Tiền bạc cứ thế đội nón ra đi nên mới khuynh gia bại sản...”. Còn cháu Nguyễn Hữu Nghĩa sau khi ra tù không chịu nổi điều tiếng của xóm giềng đã phải bỏ đi biệt xứ. Nghe tin cháu lang thang ở Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, ông Thời tạm gác công việc đi tìm nhưng vô vọng. Ông Thời nói: “Hiện tôi đã mất con, gia đình gặp đại nạn, không biết những người làm cho con tôi vào tù nghĩ gì, đúng là họa vô đơn chí”.
Còn Thái Hoàng Trọng, con ông Dũng từ một thanh niên chí thú làm ăn cũng bỏ đi nơi nào không rõ vì án oan hiếp dâm trẻ em. Ông Dũng kể, trước đây Trọng là trụ cột của gia đình, nhưng bị người ta “khoác” cho cái tội hiếp dâm trẻ em nên cháu xấu hổ trốn đi nơi khác. Riêng Vũ Văn Ngọc, trước khi vào tù đang học nghề sửa xe, nay phải về Bình Dương lập nghiệp để tránh điều tiếng. Gia đình bà Trần Thị Lan cũng khóa cửa về với con.
Đáng thương nhất là hoàn cảnh của gia đình bà Lê Thị Lý. “Tai bay vạ gió” đã làm cho con trai bà là Phạm Văn Hoàng gánh chịu hậu quả và bà Lý già sọm đi rất nhiều so với tuổi 58. Ngày Hoàng bị bắt, chồng bà Lý đổ bệnh nằm liệt giường cho đến nay. Khoản tiền vay hơn 150 triệu đồng vừa để thăm nuôi con vừa giao cho các “anh, chị, em, mẹ nuôi của sếp lớn” lo việc đã thành một gánh nặng không thể trả. Trong nước mắt, bà Lý cho hay, sau khi ra tù, Hoàng sang xã khác làm thuê tại một xưởng chế biến hạt điều. Dù tu chí làm ăn nhưng Hoàng vẫn không thể bình yên trước những lời châm chọc, đàm tiếu. Đỉnh điểm là việc Hoàng phân bua về vụ việc nhưng chưa  nói dứt lời Hoàng đã bị đâm chết.
Nói về những uẩn khúc của vụ án, ông Nguyễn Hữu Thời nói: “Tôi không hiểu vì sao cháu Yến Nhi và cha nuôi đổ tội cho con của chúng tôi. Cháu Yến Nhi bị ai xâm hại thì cháu có quyền tố cáo người đó, đằng này bắt người khác phải chịu tiếng nhơ. Chúng tôi đang nghĩ đến việc phải kiện ngược Nhi về tội vu khống làm tan nát 4 gia đình”. Qua tìm hiểu tại xã, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Điền không có con nên nhận Yến Nhi làm con nuôi từ nhỏ. Sau khi vụ án hiếp dâm trẻ em được khởi tố, Yến Nhi phụ việc tại một cây xăng ở xã Tân Thành. Hiện Nhi đã lấy chồng, sinh con và chưa một lần thăm hỏi, động viên các “nạn nhân” hay gia đình họ. Người dân ở thôn Tân Lập đặt nhiều nghi vấn về Yến Nhi khi vụ việc xảy ra?
Dài cổ chờ tiền bồi thường
Ông Nguyễn Hữu Thời cho biết, sau khi có Quyết định số 1446 của Công an tỉnh, TAND tỉnh đã mời 4 gia đình đến thương lượng để bồi thường thiệt hại. Trong đó, Thái Hoàng Trọng được bồi thường gần 188 triệu đồng; Nguyễn Hữu Nghĩa khoảng 310 triệu đồng, Phạm Văn Hoàng (đã chết) khoảng 289 triệu đồng và Vũ Ngọc Văn 217 triệu đồng, gồm thiệt hại do tổn thất tinh thần và mất thu nhập. Thỏa thuận bồi thường thiệt hại được Chánh án TAND tỉnh ký Quyết định số 1783/CA-TA ngày 10-11-2014. Tuy nhiên, đến nay các hộ vẫn chưa nhận được đồng nào.
Bà Lý, ông Thời, ông Dũng cùng cho hay: “Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với TAND tỉnh thì họ trả lời “TAND tối cao đã duyệt, sắp có tiền rồi”. Không rõ từ sắp của họ đến bao giờ?”.
Trong khi đó, tại Khoản 3, Điều 4 Nghị quyết số 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường oan sai quy định: “Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị oan, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai...”. Thế nhưng, đã gần 1 năm trôi qua, TAND tỉnh vẫn chưa bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai và ngay cả một lời xin lỗi cũng chưa có. Từ vụ việc nêu trên, dư luận cho rằng, ngày nay việc giáo dục văn hóa không chỉ là vấn đề bức xúc ở công sở, doanh nghiệp hay trong lĩnh vực giao thông... mà ngay cả đối với pháp đình. Tức những người “cầm cân nảy mực” cũng cần được giáo dục đạo đức, văn hóa nghề nghiệp. Vì bỏ tù oan sai người khác mà đến một lời xin lỗi cũng không có thì quả thực, văn hóa pháp đình đã đến mức báo động.
 PV Nội Chính

Đời vỉa hè của Vua Lốp một thời

Ông “vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn (1926-2013) là người nổi tiếng kể từ một bài phóng sự về ông được đăng trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988. Những thăng trầm của đời ông từng gây chấn động dư luận cả ngoài Bắc lẫn trong Nam, bây giờ nếu ai muốn biết rõ hơn thì cứ nhờ Google tìm giùm.

Đại khái, năm 1955 ông rời vùng quê Thanh Hóa ra Hà Nội xin phụ việc cho một tiệm làm dép cao su - thứ dép được sáng tạo trong thời kháng chiến chống Pháp, cắt ra từ nguyên liệu là những chiếc lốp ô tô (vỏ xe hơi) hỏng bỏ đi. Lần hồi, ông thành thục bí quyết, bèn lập cơ sở sản xuất riêng. Mặt hàng dép cao su bán chạy, ông bị quy là “tư sản mới nổi”, bị tịch thu tài sản, bắt đi cải tạo. Mãn hạn, ông mày mò sản xuất bút máy từ nhựa phế thải tái sinh, khởi đầu từ một lý do tình cờ khi đứa con ông đi học về kêu bị hỏng bút. Bằng phương thức tư doanh và phương pháp thủ công, bút máy ông làm ra có chất lượng không thua gì bút máy hiệu Trường Sơn do xí nghiệp quốc doanh sản xuất. Chưa kịp vui với thành quả mới, ông lại bị tịch thu toàn bộ đồ nghề và nguyên liệu sản xuất, rồi bị bắt vì tội tàng trữ và đầu cơ, sản xuất trái phép, bị xử 30 tháng tù giam. Ra tù, ông “chừa” làm bút máy, chuyển sang làm nhựa vá săm (ruột xe), thêm nghề đắp lại lốp xe thồ, xe đạp. Khách hàng lại tín nhiệm kéo đến ùn ùn, nhà ông lại bị tịch thu...
Đến năm 1980, Nguyễn Văn Chẩn được người tiêu dùng tặng cho biệt danh “vua lốp” khi ông sản xuất ra loại lốp xe đạp rất bền, xe thồ còn dùng được ba năm. Sản phẩm được ban Khoa học - Kỹ thuật thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận chất lượng, được trao huy chương tại triển lãm Thành tựu kinh tế - kỹ thuật Việt Nam năm 1983. Một hãng sản xuất tầm cỡ quốc tế đặt trụ sở bên Pháp cử người tìm ông Chẩn tính chuyện hợp tác làm ăn... Thế nhưng họ chưa kịp gặp thì “vua lốp” đã lại bị khởi tố, tịch biên toàn bộ tài sản cùng công cụ, nguyên liệu sản xuất. Vợ con phải ra vỉa hè, còn ông tìm đường lẩn trốn và bắt đầu cuộc hành trình khiếu nại đòi lại tài sản cùng danh dự.
thăng-trầm, vỉa-hè, vua-lốp, Nguyễn-Văn-Chẩn, cuộc-đời, giàu-nhất, Hà-Nội, hà-Thành
Ông Nguyễn Văn Chẩn (Ảnh: HNM)
Chuyện đời long đong vì hoạt động tư doanh của ông Nguyễn Văn Chẩn chợt gợi nhớ về các mặt hàng công nghiệp, công nghệ phẩm trên miền Bắc trước năm 1975. Đó là thời cực thịnh (chính xác hơn, độc tôn) của nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp. Các cơ sở sản xuất quốc doanh dù lớn hay nhỏ đều không phải lo chi phí đầu vào, lại càng không phải lo cạnh tranh về giá cả hay chất lượng, mẫu mã hàng hóa đầu ra, cũng không cần quan tâm thu hút sức mua cho sản phẩm của mình; bởi toàn bộ khâu lưu thông đã có Nhà nước đảm nhận, thông qua chế độ độc quyền phân phối của ngành thương nghiệp. Hiểu cách khác, với thị trường quốc doanh thì hàng hóa làm ra chỉ cần mang nhãn mác chứ không cần đến khái niệm thương hiệu. Điều có thật này hiển nhiên đến nỗi, mục từ “thương hiệu”- dù chỉ với nghĩa đen: tên của hiệu buôn - mãi vào khoảng giữa thập niên 2000 vẫn chưa xuất hiện trong mấy bộ Từ điển tiếng Việt được
Viện Ngôn ngữ học ở Hà Nội cho chỉnh lý hàng năm để tái bản đều đều.
thăng-trầm, vỉa-hè, vua-lốp, Nguyễn-Văn-Chẩn, cuộc-đời, giàu-nhất, Hà-Nội, hà-Thành 
Hình như cái sự lo của nhà sản xuất hồi trước chỉ là tìm đặt một cái tên sản phẩm cho có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa động viên, khích lệ tinh thần và tình cảm mọi người trong sự nghiệp chung của nước nhà! Còn gì tuyệt vời hơn là bút máy hiệu Trường Sơn hay Ba Vì bơm mực Cửu Long, viết những dòng chữ trên trang giấy Hồng Hà; hoặc rong ruổi trên đường công tác bằng chiếc xe đạp mang nhãn Thống Nhất hay Hữu Nghị, mà bánh xe dùng lốp cao su Sao Vàng; lúc giải lao giải khát có thể mơ đến cốc bia Trúc Bạch, tách trà Ba Đình, quẹt que diêm Thống Nhất để phì phà hơi thuốc lá Điện Biên, Hoàn Kiếm... Những người từ miền Bắc vào (hay trở về) miền Nam trước hoặc sau ngày 30-4-1975, chắc hẳn nếu không có trong tay thì cũng trong trí nhớ một vài sản phẩm đã trở thành kỷ vật như thế - kỷ vật của một thời “Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ” như câu thơ mang tính tự kiểm của nhà thơ Việt Phương. Và không ít người sẽ ngạc nhiên lắm, khi thấy các mặt hàng sản xuất trong Nam bấy giờ tuy có chất lượng ngang ngửa hay lấn lướt hàng ngoại nhập, nhưng lại mang những cái tên thật giản dị, gần gũi đời thường: nào xà bông Cô Ba, nào trà Củ Măng, mì Ba Con Tôm (về sau “chết tên” thành mì tôm, chỉ mặt hàng mì ăn liền), hoặc nghe ngồ ngộ lạ tai như tập vở Cogido, thực phẩm Vissan, kem đánh răng Hynos...
Mặc dù đất nước hòa bình thống nhất lúc ấy đã được năm năm rồi, ông Nguyễn Văn Chẩn ở thủ đô vẫn chọn tên cho sản phẩm mới của mình là “lốp Quyết Thắng” - một cái tên giàu ý chí quyết tâm chẳng kém gì các mặt hàng quốc doanh thời chiến đã nhắc ở trên. Có phải do lần này ông tự tin về chất lượng sản phẩm làm ra và tin vào nhu cầu có thật trong xã hội đang khan hiếm hàng hóa tiêu dùng? Một bài đăng trên báo Hà Nội Mới ra ngày 24-5-2013 (tức bốn ngày sau khi ông Chẩn qua đời) có nhắc lại: Thời ấy người nào mua được đôi lốp Quyết Thắng là mừng lắm... Vậy mà tai họa ập xuống, rồi đằng đẵng đến mười năm sau, ông Chẩn mới được trả lại một phần tài sản đã bị tịch thu. Nghĩa là xét chung cuộc, phần thua vẫn thuộc về ông “vua” đã làm nên sản phẩm vẻ vang mang tên Quyết Thắng!
“Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn đã như một mẫu hình quyết chí thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, qua đó đem tài năng và tâm huyết đóng góp cho lợi ích của xã hội, của cộng đồng... Nếu ra đời và khởi nghiệp chậm đi vài ba thập niên, chắc chắn ông sẽ hơn một lần được nhận lãnh các phần thưởng cao quý, cùng các danh hiệu cỡ như Sao Vàng Đất Việt hôm nay chẳng hạn.
Thế nhưng, như người ta thường nói, lịch sử không có chữ nếu. Hoạt động của các doanh nhân và doanh nghiệp cũng là như vậy chăng?
(Theo TBKTSG) 

Giải mã kỳ án doanh nhân kiện đòi bồi thường oan sai 64 tỷ đồng

Trong lịch sử pháp đình Việt Nam, kỳ án oan sau “vua Lốp” Nguyễn Văn Chẩn đã quá nhiều người biết. Từng là doanh nhân thành đạt, đổi mới với phát kiến của mình nhưng rồi ba lần vào tù, ba lần làm lại từ vạch xuất phát.
Chỉ mất chục năm gây dựng một tài sản kếch sù nhưng phải bỏ ra gần gấp đôi quãng thời gian đó cho hành trình khó nhọc tìm lại công lý. Tưởng rằng, thời nay sẽ không có những việc như thế. Nhưng, ngày nay, kỳ án của ông Lương Ngọc Phi lại thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, nhưng may mắn hơn ông Chẩn, ông Phi đã được bồi thường 23,5 tỷ đồng bù đắp cho những mất mát mà ông, doanh nghiệp và gia đình phải gánh chịu.

“Vua Lốp” thứ hai ở Thái Bình

Ngày 10/8/2015 là ngày trọng đại trong đời doanh nhân Lương Ngọc Phi (Giám đốc công ty Khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình, trụ sở số 463 Lý Thái Tổ, phường Quang Trung, TP.Thái Bình), bởi đó là ngày TAND TP.Thái Bình chính thức tuyên án đối với vụ án oan gây chấn động dư luận không chỉ ở quê lúa, mà với doanh nhân cả nước. Theo đó, nạn nhân trong vụ án oan kinh tế, ông Lương Ngọc Phi, đã được bồi thường 22,9 tỷ đồng bù đắp cho những mất mát mà ông, doanh nghiệp và gia đình phải gánh chịu.
Mấy năm trước, cũng trong một phiên tòa khác, ông đã được bồi thường hơn 600 triệu đồng tổn thất tinh thần, sức khỏe, cho 3 năm ngồi tù oan sai. Tổng cộng, ông Phi được bồi thường 23,5 tỷ đồng. Mặc dù ông Phi đòi bồi thường 64 tỷ đồng, nhưng khi tòa tuyên mức đền bù gần 23 tỷ đồng, ông Phi đã chấp nhận con số đó. Đó là con số khổng lồ trong suy nghĩ của mọi người. Nhưng ít ai biết rằng, để đòi được mức bồi thường đó, ông Phi đã phải hết sức kiên cường và tổn thất về vật chất, tinh thần là không thể đo đếm được.
Hình ảnh Giải mã kỳ án doanh nhân kiện đòi bồi thường oan sai 64 tỷ đồng số 1
Thành lập năm 1992, công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất nhập khẩu Hòa Bình (sau đây viết tắt là Cty Hòa Bình), do ông Lương Ngọc Phi làm giám đốc đã trở thành một trong số ít công ty lớn nhất Thái Bình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Là người sinh ra ở vùng quê nghèo thuộc huyện Kiến Xương, ông Phi luôn nung nấu làm được một việc gì đó thật lớn, thật có ý nghĩa cho quê hương, do vậy ông đã tập hợp được thêm 10 cổ đông nữa cùng góp vốn để thành lập nên công ty và mục đích hoạt động là kích thích ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển.
Để làm được điều đó, ông Lương Ngọc Phi đã thay mặt công ty viết dự án có tên "Sản xuất nông sản xuất khẩu kê hạt - vừng đen 1996 - 2001". Với những nghiên cứu khoa học về điều kiện tự nhiên, khí hậu, đầu ra sản phẩm... cùng những ý định rất tốt đẹp, rất tâm huyết với quê hương thể hiện trong dự án, cá nhân ông Phi cùng công ty được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các lãnh đạo trong tỉnh Thái Bình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Duy Tảo khi đó đã làm công văn gửi đến các huyện, ngành trong tỉnh, yêu cầu giúp đỡ để Cty Hòa Bình triển khai dự án trên. Nhận thấy dự án của ông Phi có hiệu quả và đúng chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh nên Ngân hàng Công thương Thái Bình đã cho Cty Hoà Bình vay tổng số tiền gần 5,5 tỉ đồng.
Có tiền, Cty ký hàng loạt hợp đồng xuất khẩu mặt hàng hạt kê vàng, vừng đen sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Để triển khai dự án và có hàng cung ứng cho đối tác, Cty đã đầu tư vốn cho hàng ngàn hộ nông dân của 27 HTX trong địa bàn 4 huyện để trồng hai sản phẩm nông sản nói trên. Bước đầu dự án rất hiệu quả nên đến năm 1998, Cty đã triển khai được cả một vùng đất trồng nguyên liệu rộng hơn 700ha.
Tham vọng của ông giám đốc Phi cũng như các cổ đông trong Cty là biến phần lớn diện tích trồng lúa, hoa màu kém năng suất trên địa bàn tỉnh thành các vùng trọng điểm trồng vừng đen, kê vàng, là thứ hàng xuất khẩu rất có giá trị. Làm được điều đó, không những Cty sẽ lớn mạnh nhanh chóng mà người nông dân của vùng quê lúa chân lấm tay bùn cũng có thu nhập, thậm chí giàu lên.
Trong quá trình chờ các vùng nguyên liệu đến ngày thu hoạch, để đồng vốn vay ngân hàng không bị ứ đọng, cũng là để có thêm nguồn hàng xuất khẩu, ông Phi vào các tỉnh phía Nam thu mua hạt ý dĩ và ông đã xuất khẩu được 105 tấn hàng. Còn 370 tấn hạt ý dĩ đủ tiêu chuẩn đang nằm chờ trong kho để tiếp tục xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết với phía Nhật Bản.
Trong quá trình kinh doanh, do bị một số đối tác chậm thanh toán nên Cty Hoà Bình gặp khó khăn và đã phát sinh nợ quá hạn đối với Ngân hàng Công thương Thái Bình số tiền 5,5 tỉ đồng. Là một doanh nhân làm ăn chân chính, không hề có ý đồ quỵt nợ, hơn nữa ông Phi xác định chắc chắn sẽ trả được nợ ngân hàng khi thanh lý các hợp đồng, nên ông đã thay mặt Cty làm văn bản cam kết sẽ trả hết nợ cho ngân hàng sau khi thu hoạch vụ kê vàng, vừng đen trong năm 1998 và xuất nốt lô hàng trong kho. Ngân hàng đã cử cán bộ đi xác minh và xác định số tài sản của Cty Hòa Bình lớn hơn nhiều so với số nợ ngân hàng, vả lại Cty vẫn đang hoạt động bình thường, chưa mất khả năng thanh toán, việc Cty cam kết trả nợ vào thời điểm cuối năm 1998 là hoàn toàn có thể.
Việc làm ăn của Cty Hòa Bình đang suôn sẻ thì cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Giám đốc Lương Ngọc Phi về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Ngày 1/5/1998, ông Phi bị bắt khẩn cấp và đến ngày 6/7/1998, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục khởi tố ông Phi thêm tội Trốn thuế.
Trắng tay
Mặc dù vụ án còn đang điều tra, nhưng cơ quan chức năng đã phát mại hàng loạt tài sản bị kê biên của Cty gồm 20 tấn kê giống, 1 tấn vừng, 10 tấn kê xuất khẩu trị giá 1,4 tỉ đồng, nhưng chỉ được hội đồng định giá bán hơn 28 triệu đồng; lô hàng ý dĩ 290 tấn trị giá hơn 2 tỷ đồng, nhưng chỉ phát mại được 300 triệu đồng; chiếc xe ô tô vừa mua xong của ông Phi trị giá 25.000 USD bị bán với giá rất vô lý là 120 triệu đồng.
Với những tội danh trên, ông Phi đã bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt 14 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và 3 năm tù tội Trốn thuế. Tổng mức hình phạt mà ông Phi phải chấp hành là 17 năm tù và buộc ông phải bồi hoàn số tiền 475 triệu đồng tiền "trốn thuế".
Thế là từ một doanh nhân thành đạt, đang điều hành một công ty có nhiều triển vọng phát triển mạnh mẽ, là chỗ dựa tin cậy của hàng ngàn nông dân, ông Phi đã trở thành tù nhân và bị trắng tay. Điều đau xót hơn nữa là các cơ quan công quyền đã vô căn cứ thu hồi con dấu và các giấy tờ pháp nhân của Cty Hòa Bình do vậy Cty không hoạt động được và lâm vào cảnh bị phá sản hoàn toàn.
Khi ông Phi đang chấp hành hình phạt tù thì ngày 26/4/2000, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã xử phúc thẩm vụ án nói trên. Sau khi xem xét, nghiên cứu hồ sơ, Hội đồng xét xử đã kết luận: "Việc ông Phi chưa trả tiền cho Nhà nước là do các nguyên nhân khách quan, các nguyên nhân này là có thật và chính đáng. Do đó, hành vi của ông Phi không cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Số tiền ông Phi còn nợ ngân hàng, trách nhiệm của ông Phi với Cty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình phải thanh toán, nhưng đó chỉ là trách nhiệm dân sự".
Còn với tội trốn thuế, TAND Tối cao trả hồ sơ về Tòa án tỉnh Thái Bình để "giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra".
Với hai lần TAND Tối cao trả lại hồ sơ, Công an Thái Bình đã phải vào cuộc và ra bản kết luận chính xác: "Cty Hòa Bình chỉ thiếu 4,8 triệu đồng tiền thuế". Điều đặc biệt là công an cũng làm rõ được hành vi biển thủ tờ hóa đơn thuế số 001692 của kiểm sát viên Viện Kiểm sát tỉnh Thái Bình Đặng Đình Liêm nhằm ép ông Phi có tội để truy tố bằng được. Do đó, ngày 12/12/2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Thái Bình đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Phi về tội Trốn thuế. Như vậy, ông Phi đã được minh oan sau 1.066 ngày ngồi tù và trong tình trạng mất sạch tài sản.  
Còn tiếp...
Phong Nguyệt/Đời sống và Pháp luật

Nông dân bốn tỉnh kiện đòi thuỷ điện bồi thường

author Thứ Năm, ngày 18/11/2010 06:08 AM (GMT+7)

(Dân Việt) (Dân Việt) - Người dân các tỉnh: Khánh Hoà, Phú Yên, Đăk Nông và mới nhất là Hà Tĩnh đã đòi thuỷ điện bồi thường vì xả lũ gây hại cho họ, nếu không sẽ khởi kiện ra tòa.


   
Những trận lũ kinh hoàng vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân nhiều tỉnh miền Trung. Những thiệt hại này có phần nguyên nhân từ việc các thuỷ điện xả lũ.
Vườn sắn của bà Trần Thị Cảnh (xã Hương Liên) bị ngập nước gây hư hỏng
“Giữ thủy điện phải di dời dân”
Sau gần 3 giờ vượt rừng trưa 17-11, PV NTNN đã về xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh địa phương chịu thiệt hại nặng nề do thuỷ điện Hố Hô gặp sự cố kẹt cửa xả. Sau trận lũ dữ đầu tháng 10 vừa qua, Hương Liên vẫn còn tiêu điều với nhiều ngôi nhà xiêu vẹo, ruộng đồng, cây cối xác xơ...
Ông Đậu Hồng Kỳ (64 tuổi) ở xóm 6 thất thểu nói: “Tôi sống từ nhỏ tới nay chưa thấy trận lũ nào lớn thế. Lũ dâng cao ngập quá nhà 2m làm lúa trong rương, hoa màu bị hư hại hết. Tới đây chưa biết lấy gì để sống bởi 3 sào ruộng cũng đã bị đất cát vùi lấp.”
Ông Kỳ cho biết thêm, mặc dù Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã đóng cống tích nước từ lâu, nhưng thiệt tại của gia đình ông vẫn không được đền bù. “Nếu giữ lại thủy điện Hố Hô thì phải di dời dân ra khỏi đây chứ để thế này chúng tôi chết đói mất”, ông Kỳ nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Hương Liên- Nguyễn Tiến Lành, toàn xã có 2.500 nhân khẩu, với 580 hộ sản xuất nông nghiệp. Trận lũ vừa qua đã khiến 150 ngôi nhà ngập chìm, 12ha ruộng bị vùi lấp và sạt lở, thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng. “Trận lũ có nguyên nhân từ việc thủy điện Hố Hô gặp sự cố cống xả lũ bị kẹt. Do không xả nước được nên toàn bộ vùng lòng hồ thủy điện Hố Hô nước dâng cao đã làm ngập nhà dân”.
Theo chỉ dẫn của Chủ tịch UBND xã, chúng tôi đến thăm gia đình anh Trịnh Văn Thú - người bị nước cuốn trôi chết. Thấy chúng tôi đến thăm chị Trần Thị Mến - vợ anh Thú mếu máo: “Mai nữa là 50 ngày anh rồi, chồng tui chết thảm lắm. Khi chưa xây thủy điện Hố Hô thì chưa có trận lũ nào khiến nước dâng cao rứa. Sáng hôm đó chồng tui ra thăm ruộng thì nước từ thượng nguồn đổ về nhanh trong khi đó cống xả lũ của nhà máy thủy điện không xả được đã dâng cao cuốn chồng tui chết”.
Dân yêu cầu thủy điện bồi thường
Sau lũ, người dân Hương Liên đã viết đơn kiến nghị chính quyền địa phương phải yêu cầu lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Hố Hô phải bồi thường thiệt hại. Anh Nguyễn Văn Sinh ở xóm 6, cho biết: “Trận lũ vừa rồi do thủy điện Hố Hô tắc trách để xảy ra sự cố kỹ thuật không mở được cống thoát lũ. Vì vậy lỗi này nhà máy phải bồi thường cho người dân chúng tôi. Nếu không chúng tôi sẽ khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho bà con nông dân”.
Làm việc với NTNN, ông Nguyễn Tiến Lành - Chủ tịch UBND xã Hương Liên cũng đồng tình việc khởi kiện. Ông Lành cho biết, Đảng uỷ và UBND xã đã đồng ý quan điểm, nếu Nhà máy Thủy điện Hố Hô không bồi thường cho dân xã sẽ nhờ luật sư hoàn tất hồ sơ khởi kiện.
Ông Lành nói: “Hôm nước lũ dâng cao tôi đã trực tiếp báo cáo tình hình với lãnh đạo nhà máy thủy điện và yêu cầu họ xả lũ nếu không dân nguy mất. Họ trả lời là cống đã xả, nhưng thực chất cống xả lũ gặp sự cố không thể xả được. Dân chúng tôi bị thiệt hại nặng nề, nhưng không được một câu hỏi thăm của Nhà máy Thủy điện Hố Hô. Do đó, việc kiện đòi bồi thường là hoàn toàn hợp lý.”
Ông Nguyễn Khắc Tuấn thuộc Văn phòng Luật sư An Phát (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh) cho biết: “Sự tắc trách của Nhà máy Thủy điện Hố Hô gây thiệt hại cho người dân Hương Liên hôm 3-10 là rất rõ ràng. Do vậy, người dân có quyền và có cơ sở để khởi kiện ra tòa án buộc nhà máy này phải bồi thường”.
Luật sư Trần Vũ Hải - Công ty Luật Hà Nội: Công khai trả lời người dân

Về mặt pháp lý người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện, có quyền yêu cầu giải thích chính thức, đàng hoàng từ các nhà máy thủy điện về vấn đề mà họ cho rằng thủy điện xả lũ gây thiệt hại. Tuy nhiên, để có cơ sở, lúc này rất cần có các chuyên gia độc lập để xác định thiệt hại của dân và sự liên quan đối với việc các nhà máy thủy điện xả lũ.
Theo tôi, hoạt động của các nhà máy thủy điện đang liên quan trực tiếp đến người dân và buộc phải có trách nhiệm trước dân. Nào là việc sử dụng, quản lý tài nguyên nước, rồi việc bán điện, và nhất là việc thực hiện chức năng điều tiết, xả lũ. Chính vì càng liên quan đến nhiều người dân, lại càng phải công khai, minh bạch thông tin, càng phải có trách nhiệm trả lời trước dân chứ không thể lờ trách nhiệm đi được". Anh Đào (ghi) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét