Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

DU LỊCH QUÁ KHỨ 8/a (Bắc Kỳ)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Thời kì Lê – Mạc và cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều

(1543 - 1592)




1

2

Sau khi Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê sơ, lập lên nhà Mạc. Năm 1533 một võ quan nhà Lê tên là Nguyễn Kim chạy vào Thanh Hóa, lập một người dòng dõi nhà Lê lên làm vua, lấy danh nghĩa là "phù Lê diệt mạc". Sử cũ gọi là Nam triều để phân biệt với Bắc triều (nhà Mạc ở phía bắc).
Hai nhà Lê - Mạc đánh nhau liên miên, dai dẳng hơn 50 năm. Suốt một vùng từ Thanh - Nghệ ra bắc đều là chiến trường. Làng mạc điêu tàn, xơ xác. Mãi đến năm 1592, Nam triều chiếm được Thăng Long, họ Mạc chạy lên cao Bằng, chiến tranh Nam - Bắc triều mới chấm dứt.

Đã có vua Lê sao lại còn có chúa Trịnh?

22/02/2010 · 
Hà Nội, mùa hoa lộc vừng nở
Trong lịch sử Việt Nam, họ Lê đã lên ngôi vua trong 3 thời kỳ khác nhau :
  • Thời Tiền Lê : Mở đầu là vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn)
  • Thời Hậu Lê :
    • Nhà Lê Sơ : Mở đầu là vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi)
    • Nhà Lê Trung Hưng : Mở đầu là vua Lê Trang Tông (tức Lê Duy Ninh)
Vua Lê chúa Trịnh là nhắc tới thời nhà Lê Trung Hưng với việc đưa chúa Chổm trở lại thành vua. Như đã biết, sau khi đánh tan Mạc Đăng Dung, Nguyễn Kim đã đưa Lê Duy Ninh trở lại làm vua. Trịnh Kiểm xuất thân trong gia đình nghèo nhưng có chí, gia nhập đội quân của Nguyễn Kim. Sau quá trình đi theo Nguyễn Kim lập được nhiều công lao, Trịnh Kiểm đã được Nguyễn Kim gả con gái Ngọc Bảo cho. Tương truyền Nguyễn Kim và các con của mình sau đó lần lượt đã bị Trịnh Kiểm ám hại (duy chỉ có một người con thứ là Nguyễn Hoàng xin vào Nam giữa đất Thuận Hóa sau này trở thành chúa Nguyễn). Tới khi Lê Trang Tông mất, Trịnh Kiểm lập con của Trang Tông lên lấy hiệu là Trung Tông. Trung Tông lên ngôi không lâu cũng mất, Trịnh Kiểm muốn tiếm quyền nhà Lê nhưng không dám bèn đi hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình không tiếp sứ giả mà chỉ nói vọng ra ngoài “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản“. Trịnh Kiểm hiểu ý bèn bỏ ý định chiếm ngôi, đi tìm người trong dòng dõi nhà Lê để tôn tiếp lên làm vua nhưng bên trong thì mình nắm hết quyền hành. Do vậy thời này mới có cả vua Lê lẫn chúa Trịnh.
Ngoài việc tiếm quyền của Nguyễn Kim và các con, Trịnh Kiểm được sử gia đánh giá là một người giỏi giang. Một chi tiết cũng khá thú vị trong giai đoạn này là chính Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là người mách nước cho Nguyễn Hoàng bằng câu “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân“. Do đó ông này mới xin được chuyển vào phía Nam, tránh được họa diệt thân từ Trịnh Kiểm và làm nên nhà Nguyễn sau này.

Nhà Hậu Lê

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nhà Hậu Lê (Hán-Nôm: 家後黎・後黎朝, nhà Hậu LêHậu Lê triều; 1427-1789) là một triều đại phong kiến Việt Nam, tồn tại sau thời Bắc thuộc lần 4 và đồng thời với nhà Mạc, nhà Tây Sơn trong một thời gian, trước nhà Nguyễn.
Nhà Hậu Lê do Lê Thái Tổ lập ra, được phân biệt với nhà Tiền Lê (980-1009) do Lê Đại Hành lập ra cuối thế kỷ 10. Nhà Hậu Lê gồm có 2 giai đoạn:
Cách gọi nhà Hậu Lê bao gồm cả 2 giai đoạn Lê sơLê trung hưng. Đặc biệt, thời Lê Trung Hưng tuy kéo dài nhưng các Hoàng đế nhà Lê mất thực quyền, chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Thời kỳ đầu gọi là Nam Bắc triều, nhà Lê và nhà Mạc chia đôi nước Đại Việt.
Khi nhà Mạc bị đánh bại phải chạy lên Cao Bằng (1592, tới năm 1677) thì công thần có công đánh Mạc là họ Trịnh đã nắm hết quyền hành. Công thần họ Nguyễn không thần phục họ Trịnh, ly khai ở phía nam, do đó phần lớn hậu kỳ thời Lê trung hưng, nước Đại Việt lại bị chia cắt bởi chúa Trịnhchúa Nguyễn, gọi là Trịnh Nguyễn phân tranh.
Lịch sử nhà Hậu Lê được đề cập chi tiết tại 2 bài nhà Lê sơ, nhà Lê Trung hưng


    TNĐT- Đồn Úc Kỳ thuộc xã Nhã Lộng, Phú Bình là nơi Nguyễn Danh Phương tụ quân khởi nghĩa chống lại triều đình phong kiến Lê-Trịnh. Cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng Đồn Úc kỳ đã trở thành nhân chứng của một thời oanh liệt, là niềm tự hào của nguời dân Phú Bình.

    Đầu thế kỷ XVIII, triều đình phong kiến Lê - Trịnh suy tàn, vua chúa ăn chơi sa đọa, quan lại tham nhũng quan liêu, chính quyền phong kiến không quan tâm đến đời sống nhân dân, thiên tai dịch bệnh xảy ra, đó chính là nguyên nhân các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi. Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh phương là cuộc khởi nghĩa kéo dài làm cho triều đình điêu đứng, lún sâu vào bước đường suy vong.

    Nguyễn Danh Phương biệt danh là Quận Hẻo, quê ở Vĩnh Phúc. Cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo kéo dài 10 năm (1740 -1750). Ông đã dựa vào địa thế hiểm trở của vùng đất Thái Nguyên để lãnh đạo nhân dân chống lại triều đình. Ngoài  đại bản doanh ở núi Độc Tôn, Phổ Yên, Thái Nguyên ông lấy đồn Úc Kỳ, Phú Bình làm căn cứ tập trung lực lượng, tích trữ lương thảo chống lại triều đình.

    Đồn Úc Kỳ được xây dựng trên một quả đồi thấp, nằm án ngữ con đường từ Thái Nguyên xuống Hà Châu, đồn tiếp giáp với nhiều cánh đồng màu mỡ của huyện Đại Từ do đó có thể cung cấp sức người, sức của cho nghĩa quân. Trong đồn có sân rộng để nghĩa quân luyện tập, có một dãy nhà ở và một số giếng nước. Phía Bắc đồn có một con suối lớn, khi nước đầy trở thành hào bảo vệ đồn, phía đông nam có một khúc sông sâu làm tăng thêm sự kiên cố của đồn. Với kiến trúc như vậy đồn Úc Kỳ trở thành một thành lũy kiên cố của nghĩa quân Nguyễn Danh Phương.

    Năm1749, sau khi đã dẹp xong các cuộc khởi nghia khác trong nước, triều đình Lê - Trịnh quyết định tập trung lực lượng công phá đồn Úc Kỳ và đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương.

    Năm 1750, triều đình cử nhiều tướng giỏi có kinh nghiệm đàn áp cuộc khởi nghĩa. Quân triều đình chia làm 4 đạo tiến đánh đồn Úc Kỳ, nghĩa quân đã chống trả quyết liệt. Đích thân chúa Trịnh Doanh cưỡi trên mình voi trao kiếm cho  Nguyễn Phan, một tướng dày dạn kinh nghiệm của triều đình hạ lệnh phải tiêu diệt bằng được đồn Úc Kỳ.

    Đồn Úc Kỳ bị công phá, cơ sở cung cấp súc người, sức của cho nghĩa quân không còn, thủ lĩnh Nguyễn Danh Phương bị bắt, cuộc khởi nghĩa bị tan rã.

    Ngày nay ở Phú Bình vẫn còn dấu vết của đồn Úc Kỳ với những phế tích của một thời oanh liệt.
    TNĐT (G.T) 

    QUẬN HE NGUYỄN HỮU CẦU VỚI HỎA NGƯU TRẬN ĐỘC ĐÁO

    Hỏa Ngưu Trận
    Hỏa Ngưu Trận

    Nguyễn Hữu Cầu (?–1751) xuất thân trong gia đình nông dân nghèo huyện ở huyện Thanh Hà, Hải Dương. Ông có tài cả văn lẫn võ, lại bơi lội rất giỏi nên còn được gọi là quận He (He là tên một loài cá biển). Khi tập hợp nông dân khởi nghĩa chống tập đoàn Lê – Trịnh, ông đã lấy vùng Đồ Sơn làm căn cứ từ năm 1741 – 1751. Nghĩa quân có lúc đông tới hàng vạn người, chúa Trịnh nhiều lần cử quân đến đánh dẹp nhưng đều bị quân Nguyễn Hữu Cầu đánh cho tan tác. Tuy vậy, những nỗ lực của chúa Trịnh cũng đạt được thành quả nhất định. Trong một trận đánh không không cân sức, nghĩa quân đã bị bao vây bốn phía, gần như không còn đường thoát. Quận Trịnh tin chắc sẽ bắt được Nguyễn Hữu Cầu nên đã bắc loa dụ hàng nghĩa quân.

    Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Hữu Cầu đã huy động toàn bộ số trâu của nông dân trong vùng để thực hiện Hỏa ngưu trận. Ông cho buộc những mũi lao nhọn vào sừng và hai bên sườn từng con trâu. Sau đó, đuôi trâu được buộc giẻ tẩm nhựa thông và châm lửa đốt đồng loạt.
    Đàn “trâu lửa” điên cuồng vì nóng lao thẳng vào nơi tợp hợp của quân Trịnh, húc và dẫm đạp dữ dội làm đội quân này rối loạn. Nhân đó, Nguyễn Hữu Cầu tung quân chủ lực ra đánh khiến quân Trịnh tan vỡ…
    Sách Binh Thư Yếu Lược viết về chiến thuật này như sau: “Dùng con trâu già bỏ đi, buộc dao sắc vào sừng, hai bên mình cặp tre sát vào chân cho không thể quay được, trên lưng đội một ống pháo sắt lớn chứa một đấu thuốc, thuốc để quanh co ở trong pháo; pháo chứa những thuốc liệt hỏa, thần sa, thần hỏa. Phàm khi quân giặc rất nhiều quân ta rất ít, dùng trâu ấy xông vào người ngựa gặp phải tức thì tan nát. Khi xông vào trận giặc thì lửa phát pháo nổ, thế như sấm động, ầm một tiếng không kịp bịt tai. Dù khó nhọc mấy ở trong mấy trùng vây của giặc cũng phá tan được”.

    HOÀNG CÔNG CHẤT VỚI CÔNG CUỘC
    TIỄU TRỪ GIẶC PHẺ GIẢI PHÓNG TÂY BẮC (1751-1769)

                                                                        TS. Phạm Văn Lực
                                                                                Khoa Sử - Địa, Trường Đại học Tây Bắc
      
    Abstract: The writing mentions the chaotic situation of the Northwest in the period of the ninth – eighteenth century and the role of Hoang Cong Chat in the eradication of Phe Invader in order to liberate the Northwest, contribute to the protection of the nation’s special strategic frontier.
    Tóm tắt 
    Bài viết đề cập đến tình hình loạn lạc của Tây Bắc trong thời kỳ từ IX đến XVIII và vai trò của Hoàng Công Chất trong việc tiễu trừ giặc Phẻ giải phóng Tây Bắc, góp phần bảo vệ vùng biên ải có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của Tổ quốc.
    1. Đặt vấn đề
    Tây Bắc một phần của lãnh thổ Việt Nam, một bộ phận của Tổ quốc Việt Nam là địa bàn sinh sống lâu đời của trên 20 dân tộc anh em : Thái, Mông, Lự, Hoa, Kinh, Mường, Tày, Nùng, Dao, La Ha, Khơ Mú, Kháng, Mảng, Lào, La Hủ… 
    Trong lịch sử cũng như trong giai đoạn hiện nay, Tây Băc có tầm chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng và trong quan hệ giao lưu quốc tế. Xuất phát từ tầm quan trọng đó nên trong lịch sử Tây Bắc đã trở thành đối tượng nhòm ngó, xâm lược của nhiều thế lực ngoại bang, nhất là trong các thế kỷ IX đến thể kỷ XVIII, do đó công cuộc đấu tranh bảo vệ vùng biên ải Tây Bắc thiêng liêng của Tổ quốc được đặt ra hết sức bức thiết. Trong phạm vi của một bài viết, tôi xin đề cập đến vấn đề này như sau:
    2. Tình hình Tây Bắc trong các  thế kỷ IX-XVIII. 
    Từ đầu công nguyên, ở Tây Bắc đã có nhiều dân tộc: Khơ Mú, Kháng, Mảng, La Ha, Xinh Mun...(thuộc nhóm tiếng Nam á) và một số tụ điểm của cư dân thuộc nhóm tiếng Tày-Thái (Thái, Lào, Lự) sinh sống. Thời đó họ sống với nhau rất bình đẳng. Truyền thuyết quả bầu của dân tộc Thái có nói đến “333 giống Thái, 555 giống Xá; Xá ở địa vị làm anh, Thái ở địa vị làm em”. Đồng thời, ta cũng thấy nói giữa các nhóm dân tộc thuộc ngôn ngữ khác nhau này, quan hệ chủ yếu là đoàn kết hữu nghị. Văn hóa Thái ảnh hưởng đến văn hóa của các dân tộc khác và ngược lại. Cuốn sách mo của người Lự ở vùng Mường Thanh ghi lại: “Đó là thời kỳ thanh bình, người Lự, người Thái, người Xá ăn chung ở đụng, suốt ngày nghe tiếng cười dưới đồng, thâu đêm nghe tiếng trai gái tỏ tình bên đồi, bên nương…Lự chài ven sông được cá, Thái gặt lúa dưới đồng, Xá giã gạo bên sân nhà bình bong” [2, tr.57]
    Thế nhưng, từ thế kỷ IX do sự thiên di của nhóm cư dân Tày – Thái (Lự, Thái, Lào, San…) ở vùng Xíp xoong pănna thuộc miền nam Trung Quốc xuống phía nam và vào vùng Tây Bắc đã tạo nên những cuộc tranh chấp đất đai quyết liệt kéo dài giữa nhóm cư dân bản địa Nam á với các nhóm Thái vừa mới thiên di đến. Rồi sau đó giữa các chúa Thái, chúa Lự lại xung đột với nhau để khẳng định quyền bá chủ trong khu vực; kết quả người Lự vào chiếm cứ cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên) và phát triển thế lực lên đến Lai Châu, Mường Lay, Sìn Hồ. Để chiếm cứ lâu dài và chống lại các chúa Thái, tại Mường Thanh, chúa Lự cho xây thành Tam Vạn rộng 1/5 cánh đồng bên trong chứa được 3 vạn cối giã gạo bằng guồng nước và 3 vạn quân nên tiếng Thái gọi là “Sam Mứn”, còn người Thái thất thế phải theo đường Tuần Giáo rút về chiếm cứ từ vùng Mường Muổi (Thuận Châu) trở xuống. Trong thế kỷ XI đến thế kỷ XVII các chúa Thái ở Mường Sang (Mộc Châu) lại lục đục với các chúa Thái ở Mường Muổi (Thuận Châu) và các chúa Thái vùng Mường Lay (Lai Châu)… Cứ như thế vùng đất Tây Bắc cho đến thế kỷ XVIII hầu như không lúc nào được bình yên. Các vương triều phong kiến dưới xuôi (Triều Lý, Trần, Lê) đã nhiều lần mang quân lên đánh dẹp nhưng do đường xá xa xôi, địa hình hiểm trở nên không mấy hiệu quả.
    Tình trạng loạn lạc ở Tây Bắc thời kỳ này, cộng với sự “nghiêng ngả” của các chúa Lự, lúc theo Việt chống Lào, lúc lại dựa vào Lào chống Việt, nhiều khi họ còn dung túng cho các chúa Thái bất mãn chống đối triều đình Trung ương dưới xuôi, mưu đồ cát cứ…Thực tế đó càng làm cho tình hình Tây Bắc thêm phức tạp “bản mường không yên vui”, dân tình đói khổ nên đã tạo cơ hội cho các đám giặc cỏ ở Lào và miền Nam Trung Quốc tràn sang cướp phá. 
    Khảng giữa thế kỷ XVIII, gữa lúc xung đột giữa các chúa Thái, chúa Lự ngày càng trở nên quyết liệt; triều đình phong kiến Trung ương lại suy yếu không còn đủ sức khống chế đến vùng Tây Bắc, lũ giặc Pẻ (hay còn gọi là Phọng, Nhuồn) - một tộc người trong nhóm cư dân Tày – Thái ở Thượng Lào và miền Vân Nam Trung Quốc do tên tướng tự xưng là Phạ chẩu Tin Tòng tràn sang cướp phá miền biên giới giữa nước ta với Lào, sau đó kéo vào chiếm cứ đất Điện Biên; các chúa Lự không chống nổi phải chạy lên vùng Mường Lự (Bình Lư), Sìn Hồ, kết thúc 19 đời chúa Lự ngự trị ở đất Mường Thanh [2, tr.67]. 
    Đúng lúc giặc Pẻ đang tìm cách để kéo xuống cướp phá Sơn La, thì phìa Khuyên muốn dựa vào chúng để tranh giành ngôi Chúa của chú ruột mình là Cầm Tom ở Mường Muổi (Thuận Châu- Sơn La) nên y đã đưa đường cho bọn giặc tràn xuống cướp phá Sơn La gây bao cảnh tang tóc cho bản, mường…Trước sự cướp phá của giặc Pẻ, các chúa Thái phải cầu cứu triều đình phong kiến dưới xuôi mang quân lên đánh dẹp và phải vất vả lắm quân triều đình mới đuổi được chúng về Mường Thanh. Thế nhưng, tại đây giặc Pẻ lại ngày càng trở nên hung hãn, thả sức cướp phá, gay bao tội ác với bản mường; chúng thẳng tay tàn sát nhân dân, hãm hiếp đàn bà, con gái; man dợ hơn chúng còn bắt tất cả trẻ em trong vùng dồn vào một cánh đồng trũng, sau đó tháo nước vào giết hết, đến khi nước cạn cả cánh đồng phơi trắng đầu lâu và xương người. Vì thế đồng bào Thái ở Điện Biên gọi cánh đồng này là “Tòng Khao” nhằm ghi lại tội ác tày trời của lũ giặc Pẻ; hoặc như cánh đồng Hong Cúm (gọi nhầm là Hồng Cúm) mang tên đó là vì xưa nhân dân chạy giặc không kịp, vứt lại đó các “cúm” là các hòm đan bằng tre hay mây đựng các vật báu; hoặc như khe Hong Ma Nao (tức khe chó rét) mang tên đó vì do đồng bào quá khiếp sợ giặc Pẻ phải chạy trong đêm, quá vội vớ nhầm chó tưởng là con địu đi, đến khe trên sờ đến địu mới biết là chó, bèn vứt bỏ lại đó, lũ chó bị rét chết hàng loạt …[2, tr.70] 
    Giặc dã đã làm cho dân chúng Mường Thanh phải phiêu dạt khắp nơi, căn thù giặc Pẻ nhiều thủ lĩnh Thái và các dân tộc khác đã tập hợp lực lượng đánh lại, nhưng nhiều lần đều bị thất bại…Tất cả những người chống đối (cả gia đình, người thân của họ) đều bị chúng dùng cực hình tàn sát dã man, như cho voi dày, tẩm dầu vào đốt đến chết, đầu lâu bị mang ra bêu dưới chân thành Tam Vạn. Để tránh bị truy nã, một số người  phải chạy sang Mường Puồn (nay là tỉnh Sầm Nưa của Lào) và họ đã gặp nghĩa quân của Hoàng Công Chất mới từ dưới xuôi kéo lên đang trú tại đó; tất cả đều tự nguyện theo Ông để đi đánh giặc Pẻ giải phóng quê hương. 
    3. Nghĩa quân Hoàng Công Chất tiễu trừ giặc Pẻ, giải phóng Tây Bắc 
    Hoàng Công Chất (1706-1769), Ông còn có tên gọi là  Hoàng Công Thư, quê ở làng Đại Lan, huyện Đông An (Đại Quan, Châu Giang, Hưng Yên), cũng có tài liệu nói rằng Ông ở Phú Xuyên – Hà Tây, hoặc ở Vũ Thư -Thái Bình [3, tr.53]. Ông là một lãnh tụ nông dân kiệt xuất, dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình Lê -Trịnh cứu dân nghèo vì nghĩa lớn “Bảo Quốc an dân” diệt cường hào ác bá, lấy của giàu chia cho dân nghèo, với hoài bão xoá bỏ bất công, lập lại kỷ cương, phục hưng đất nước thống nhất giang sơn, thái bình muôn thưở. 
    Từ năm 1739, Hoàng Công Chất - người anh hùng áo nâu đã tập hợp nông dân nghèo nổi dậy hoạt động ở vùng Sơn Nam. Nghĩa quân có sở trường về thuật đánh du kích “Khi tan, khi hợp”. Để tăng cường lực lượng chống lại triều đình họ Trịnh thời Lê mạt, từ năm 1739 đến 1741, Hoàng Công Chất luôn liên kết với các lãnh tụ khởi nghĩa nông dân khác như: Vũ Đình Dung, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ hoạt động chiến thuyền khắp vùng hạ lưu sông Hồng. Năm 1739, viên đốc lãnh Sơn Nam Hoàng Kim Tào tiến đánh nghĩa quân nhiều lần không được. Năm 1740, Trịnh Doanh chia quân ra làm 3 đạo và cử Cao Quận công Trịnh Kinh tiến đánh theo đường bộ, Trịnh quận công Hoàng Công Kỳ và Nhạc thọ hầu Phạm Trần Công cầm đầu đánh hai cánh thuỷ binh, tiến dọc hai bờ sông Hồng; về sau họ Trịnh lại cử Nguyễn Trọng Cảnh thống lĩnh cả đạo quân đóng đồn ở huyện Thượng Nguyên (nay thuộc tỉnh Nam Định) để chế ngự các mặt. Cùng năm ấy, Trịnh Doanh lại phái đốc trán Vũ Tà Liên và Đõ Doãn Thành hợp binh đánh vào Đông An, huyện Khoái Châu (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) nhưng không thắng nổi nghĩa quân.
    Đến năm 1743, Trịnh Doanh sai thống lĩnh Trương Nhiêu tập trung quân đánh vào nghĩa quân, nhưng không thành. Cuối năm 1743, Hoàng Công Chất trá hàng, tạo thời cơ chấn chỉnh lực lượng. Trịnh Doanh bằng lòng ban quân tước cho Hoàng Công Chất quản lĩnh một khu vực Sơn Nam nhưng với điều kiện Chất phải giải binh và về triều yết bái. Tuy nhiên, Hoàng Công Chất không nghe và chiếm lấy Khoái Châu, tiếp tục chống chúa Trịnh.
    Hoàng Công Chất vẫn chiếm giữ Khoái Châu suốt hai năm 1744 – 1745. Cuối năm 1745, Hoàng Công Chất cho quân tập kích bắt sống Hoàng Công Kỳ. Chiến thắng này cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chống chúa Trịnh của nông dân Sơn Nam. Từ năm 1746- 1748, Hoàng Công Chất phối hợp với Nguyễn Hữu Cầu (tức quận He) hoạt động ở vùng Sơn Nam, có lần đã bao vây chiếm phủ Ngự Thiên (tức huyện Hưng Nhân sau này, thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Đến cuối năm 1748, sau khi tấn công vào thành Thăng Long bị thất bại, Nguyễn Hữu Cầu về Sơn Nam hợp lực với nghĩa quân Hoàng Công Chất cùng chiến đấu. Chúa Trịnh tập trung quân đánh vào Sơn Nam. Trước sự tấn công mạnh mẽ của triều đình, nghĩa quân bị thất bại. Hoàng Công Chất phải chạy vào Thanh Hoá, liên kết với Lê Duy Mật (một hoàng thân của nhà lê bất mãn với chúa Trịnh chống lại Triều đình), còn Nguyễn Hữu Cầu thì vào Nghệ An. Đến năm 1751, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương bị quân triều đình bắt được và bị tử hình, phong trào nông dân tạm lắng xuống. Cuộc khởi nghĩa Lê Duy Mật ở vào thế khó khăn, buộc phải chuyển địa bàn lên miền Trung du và Thượng Du. Hoàng Công Chất từ miền Thượng Du Thanh Hoá tiến sang Mường Puồn (nay là tỉnh Sầm Nưa của Lào) và lên hoạt động ở Tây Bắc. 
    Khi vào Tây Bắc, nghĩa quân Hoàng Công Chất đã phối hợp với quân của thủ lĩnh người Thái là tướng Ngải, tướng Khanh (Cương mục có chép Chất liên kết với thủ lĩnh Thành) đánh giặc Pẻ cứu dân, bảo vệ miền biên giới tổ quốc.
    Được sự ủng hộ của chúa Thái và các dân tộc giúp đỡ, nghĩa quân Hoàng Công Chất theo hai con đường từ Sông Mã tiến lên bao vây thành Tam Vạn. Trận đánh diễn ra hết sức quyết liệt. Giặc Phẻ không sao chống cự được, cuối cùng phải bỏ thành Tam Vạn chạy đến Pú Vằng (Khu đồi Độc Lập) hiện nay. Đến đây, giặc Pẻ đã huy động toàn bộ lực lượng  và dùng các loại vũ khí lợi hại nhất lúc bấy giờ như: súng to châm mồi thuốc súng, bắn đạn chì gém tầm gần, nghĩa binh của Hoàng Công Chất bị thương vong rất nhiều, không sao tiến lên được. Trong lúc khó khăn, một số nghĩa binh của Hoàng Công Chất là người Lự, người Lào tham mưu và hai tướng Ngải, Khanh hiến kế cho một bộ phận người Lào, người Lự tới trước cửa thành của phạ chẩu Tin Tòng (tướng giặc Pẻ) xin hàng, chúng tin là thật nên nhận. Đêm đến, quân Hoàng Công Chất tiến đánh, được bộ phận trá hàng làm nội gián đánh ra nên quân của Công Chất thắng lớn, chém được Tin Tòng. Tàn quân giặc Pẻ phải ngược sông Nậm Nú và Nậm Rốm chạy sang Lào.
    Đuổi được giặc Pẻ, Hoàng Công Chất một mặt ra sức củng cố lực lượng, tu sửa thành lũy để ổn định lâu dài ở Tây Bắc và chống lại triều đình phong kiến dưới xuôi; một mặt cũng hành binh lên phía Sìn Hồ, Bình Lư quy phục một số chúa Lự trước đây chạy trốn giặc Pẻ; đồng thời ông cũng tìm cách mở rộng thế lực xuống tận miền Tuần Giáo, Sơn La, phía Bắc Hòa Bình và sang đến miền “sông Thao nước đỏ”. Lúc đầu Hoàng Công Chất chọn thành Tam Vạn làm nơi đóng đại bản doanh. Sau đó, nhận thấy thành tuy rộng nhưng bố phòng sơ lược, không hợp với các loại vũ khí mới xuất hiện thời kỳ này như súng thần công, súng hỏa mai… lại không hợp với  việc phòng thủ từ mặt Lào sang cũng như từ dưới xuôi đánh lên, ông đã quyết định cho xây thành ở Chiềng Lè (nay thường gọi là thành Bản Phủ, thuộc xã Noong Hẹt, huyện Điện biên). Thành Bản Phủ rộng 80 mẫu, có vị trí lợi hại, dựa lưng vào sông Nậm Rốm, tiến thoái đều tiện lợi, có đường thành đắp bằng đất  ngoài trồng tre gai mang từ xuôi lên (tre ngà), bên ngoài có hào sâu 10 mét, rộng 4-5 mét voi ngựa có thể đi trên mặt thành. Thành có 4 cửa: đông, tây, nam, băc; ở mỗi cửa có đắp đồn cao, có vọng tiêu và lính gác. Trong thành có khu ngoại vi là nơi lính đóng. Trong thành Hoàng Công Chất còn cho quân lính đào 133 giếng và ao thuộc nhiều hình dạng khác nhau, mục đích để trữ nước cho nghĩa quân vào mùa khô. Hiện nay ở Điện Biên còn tìm thấy nhiều di tích của nơi nhà ở của quân lính, nơi làm xưởng sản xuất vũ khí, kho lương, nơi chăn ngựa, giữ voi. Gữa thành là phủ của thủ lĩnh Hoàng Công Chất và bộ tham mưu.
    Cho đến nay ở Điện Biên còn lưu truyền bài hát ca ngợi thành Bản Phủ:

    “Thành to, thành đẹp
    Thành vững đứng giữa cánh đồng
    Giặc nào chẳng khiếp víaHào vây quanh thành sâu hơn mười sải
    Mặt thành rộng hai chục sải tay
    Ngựa phi, voi chạy,lính đứng gươm trần sáng loáng
    Chúa cưỡi ngựa đứng trên mặt thành uy nghiêm
    Nào ta hãy lấy tre về trồng cho khắp
    Tre Mường Thanh chúa bảo đừng lấy
    Hãy lấy tre có gai vàng như ngà
    Tận miền xuôi về trồng mới tốt
    Lấy hơn 40 ngàn khóm
    Bao quanh thành, thành vững, chúa yên lòng” [2, tr.74]

    Trong khoảng thời gian từ 1754-1769, từ Mường Thanh, Hoàng Công Chất mang quân đi đánh chiếm lại miền Thập Châu thuộc An Tây xưa đã bị bọn quan lại Trung Quốc, tỉnh Vân Nam cướp đoạt từ trước, tức các châu: Chiêu tấn (vùng Sìn Hồ hiện nay): châu Quỳnh Nhai; Châu Lai (Mường Lay, Mường Tè, Mường Xo tức Phong Thổ hiện nay). Luân Châu (một phần huyện Tuần Giáo hiện nay và khu vực Mường Mùn) thuộc tỉnh Lai Châu (nay thuộc tỉnh Điện Biên) và các đất Quảng Lãnh, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Toàn, Tuy Phụ, Khiếm Châu nay thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nghĩa quân còn liên kết với nghĩa quân của Lê Duy Mật lúc đó lập căn cứ ở núi Trình Quang, thuộc tỉnh Trấn Ninh. Sử sách cũ chép có nhiều lần hai toán nghĩa quân này liên kết với nhau khống chế suốt một dải miền thượng Thanh Hoá, Nghệ An đến miền Hưng Hoá tức miền Tây Bắc ngày nay, Hoàng Công Chất và Lê Duy Mật lại uy hiếp triều đình bằng những cuộc tập kích vào vùng sông Thao, mạn Sơn Tây. Hoàng Công Chất chiếm toàn bộ 12 Châu Thái, tức miền Sơn La, Nghĩa Lộ và Bắc Hoà Bình. Các tù trưởng Thái như: Bun Phanh, Hà Công Ứng và tù trưởng Mường như Đinh Công Hồ chống lại nhưng đều bị thua.
    Như vậy, Hoàng Công Chất đã hoàn toàn làm chủ Tây Bắc, các chúa đất người Mường, người Thái cả một dải sông Đà, sông Thao, sông Mã đều thuần phục Ông và không chịu cống nạp về triều đình nữa. Mường Thanh trở thành khu trung tâm văn hoá, chính trị của đất Tây Bắc.
    Cho đến nay dân tộc Thái ở Tây Bắc còn lưu truyền một bài hát ca ngợi người anh hùng Hoàng Công Chất, trong đó có câu

    Dưới xuôi có vua
    Trên này có chúa…
    Chúa thật lòng yên dân
    Chúa dựng bản mường
    Mọi người mới được yên ổn làm ăn…
    Nghe chăng tiếng hát của quân Keo Chất trong phủ
    Ngân vang khắp cánh đồng Mường Thanh bao la

    Tưởng nhớ công ơn người anh hùng áo nâu Hoàng Công Chất và Tướng Lò Ngải, Lò Khanh, nhân dân trong vùng đã xây đền đúc tượng để tôn thờ và hàng năm đều mở hội cúng tế, tưởng nhớ đến người anh hùng đã có công dẹp loạn..
    Kết luận

    Trong bối cảnh các chúa Thái, chúa Lự lục đục tranh giành quyền bá chủ trong khu vực, giặc dã lại thường xuyên cướp phá gây bao cảnh tang tóc cho nhân dân; phong kiến Miến Điện, Xiêm La sau khi đã chinh phục được vương quốc Luông Phara bang (1753-1765) và một số quốc gia trong khu vực, đang tìm cách thôn tính Tây Bắc thì Hoàng Công Chất đã kịp thời kéo quân vào đánh đuổi giặc Pẻ, củng cố được sự thống nhất quốc gia, giành lại những phần đất bị phong kiến Trung Quốc lấn chiếm trước đây, vỗ an được dân chúng... có thể nói đây là đóng góp lớn nhất của Ông đối với việc bảo vệ vùng biên ải Tây Bắc thiêng liêng của Tổ quốc.
    Ngoài việc giải phóng Tây Bắc, Hoàng Công Chất còn liên kết với nghĩa quân của Lê Duy Mật chống lại triều đình Lê – Trịnh ở miền Thanh Hoá, Mộc Châu, Sơn Tây, Mai Châu... làm cho tập đoàn phong kiến đương thời phải lo chống đỡ hết sức vất vả. Việc làm này đã góp phần đẩy chế độ phong kiến Lê – Trịnh vốn đã tàn tệ nhanh chóng đi đến sụp đổ…Tuy nhiên, trong lúc sự nghiệp còn rang rở thì cuối năm 1769, Hoàng Công Chất qua đời, con là Hoàng Công Toản lên thay, nhưng không đủ sức chống lại triều đình Lê – Trịnh và bị đàn áp. 

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. (1987) Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam, NXB Khoa học xã hội Hà Nội, tr 392
    2. Đinh Xuân Lâm (1979), Điện Biên trong lịch sử, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
    3. Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (2000), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.
    4. Nguyễn Quang Ngọc (2006). Tiến trình Lịch sử Việt Nam. NXB Giáo Dục Hà Nội.
    5. Nguyễn Phan Quang (1996): Phong trào nông dân và các dân tộc miền núi dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX: Tóm tắt  luận án Phó tiến sỹ Lịch sử; Chuyên ngành Lịch sử  Việt Nam. Tài liệu lưu tại Thư viện Đại học sư phạm Hà Nội.
    6. Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (2001). Đại cương lịch sử Việt Nam. Toàn tập. NXB GD. HN.
    7. Tài liệu lịch sử địa phương của các dân tộc, như: Kể truyện bản mường của người Thái, Sách Mo của người Lự, Sách Mo của người Mường…

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét