Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

CÒN ĐÓ TÌNH THƯƠNG 4

-Vì sao con người còn muốn sống? Vì còn công lý!
-Vì sao xã hội còn tồn tại? Vì còn tình yêu thương!

----------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)

Hãy học cách bố thí

Một người nghèo hỏi Đức Phật “Tại sao con nghèo như thế?”. Phật nói “Vì con chưa học được cách bố thí cho người khác”. Người kia thưa “Con không có thứ gì cả, thì lấy gì con bố thí”.

Đức Phật dạy : “Cho dù con hoàn toàn không có cái gì, con vẫn có thể thực hiện bố thí 7 điều này :
1. Nhan thí - Bố thí nụ cười.
2. Ngôn thí - Bố thí ái ngữ, nói lời hay.
3. Tâm thí - Bố thí tâm hòa ái, lòng biết ơn.
4. Nhãn thí - Bố thí ánh mắt nhìn thẳng hiền từ.
5. Thân thí - Bố thí hành động nhân ái.
6. Tọa thí - Bố thí nhường chỗ cho người cần.
7. Phòng thí - Bố thí lòng bao dung
Đức Phật nhắc nhở về hai việc nhằm đem đến nguồn hạnh phúc mang tính khéo léo là làm giàu bằng cách làm ăn chân chính và bảo vệ tài sản được tạo ra. Tuy nhiên, Đức Phật khuyến cáo làm giàu không phải là mục đích cuối cùng. Sự giàu có được tán dương đối với mọi người khi nó được dùng vào đúng mục đích. Đức Phật đã từng so sánh một người chỉ biết hưởng thụ sự giàu có của mình mà không chia sẻ cho kẻ khác như là một người đang tự đào hố để chôn chính mình.
Ngoài ra, Đức Phật cũng ví dụ về một người làm giàu chân chính và biết chia sẻ cho người nghèo khó như một con người có đầy đủ hai mắt. Ngược lại, người keo kiệt bủn xỉn được ví như người chỉ có một con mắt.
  Hãy học cách bố thí - Ảnh 1
Cho đi để nhận về (Ảnh minh họa).
Đức Phật biết rằng bố thí sẽ là nguồn phước báo lớn lao tạo ra những lợi ích miên viễn cả trong đời sống hiện tại và tương lai. Trong lúc những lời dạy của Đức Thế Tôn về phước báo không có nhiều ý nghĩa đối với nhiều người thực hành pháp Phật ở phương Tây, nhưng những lời dạy này gợi mở ra nhiều nẻo đường vô hình với những kết quả từ hành động của chúng ta sẽ hoàn trả lại cho chính mình.
Có một cách mà người hành bố thí có thể thấy đó là sự báo ứng trong nghiệp báo nhãn tiền. Nghiệp báo nhãn tiền, trong Phật giáo, là bạn nhận kết quả trực tiếp được tác động trên thân và tâm của bạn khi bạn hành xử. Những kết quả của sự bố thí thật tuyệt vời trong giây phút hiện tại. Nếu thật sự có mặt với chúng, chúng ta có thể tiếp nhận những kết quả tốt đẹp đó trong lúc thực hành bố thí. Đức Phật nhấn mạnh về niềm hạnh phúc của sự bố thí. Bố thí không có nghĩa là phải bị bắt buộc làm hay làm một cách bất đắc dĩ, mà hơn thế nữa khi bố thí người bố thí cần phải vui vẻ trước khi bố thí, trong khi bố thí và sau khi bố thí.
Ở cấp độ cơ bản nhất, bố thí trong truyền thống của đạo Phật có nghĩa là cho đi mà không mong chờ một sự hồi đáp nào trở lại. Hành động bố thí chỉ thuần nhất được sinh khởi từ tấm lòng từ hay ý niệm thiện, hoặc vì lợi ích của một ai đó. Có lẽ bố thí nhấn mạnh về cách cho hơn là của cho. Thông qua bố thí, chúng ta gieo trồng một tâm hồn rộng mở. Tâm hồn rộng mở này sẽ luôn dẫn đến hành động bố thí, nhưng để trở thành người có tấm lòng rộng mở là quan trọng hơn bất cứ hành động bố thí nào. Và sau cùng, nó sẽ dẫn đến hành thí ba la mật.
Mặc dù bố thí với mục đích giúp đỡ người khác là một động cơ quan trọng và có được niềm vui khi bố thí, Đức Phật luôn nhấn mạnh rằng mục đích của bố thí là để đạt được Niết Bàn, đây chính là động cơ quan trọng nhất. Vì mục đích này, “người thực hành bố thí nhằm trang điểm và làm đẹp cho tâm hồn”. Trong tất cả những sự trang điểm ấy chính là tinh thần không chấp thủ, lòng từ bi và sự quan tâm nhằm đem đến sự tốt đẹp cho kẻ khác.
Trần Hoa (Tổng hợp)

Thương nhau để làm gì?

Nếu một ngày tình thương vắng mặt? Có bao giờ bạn giả định điều đó và thử cho một vài gạch đầu dòng cho giả định ấy? Thì “từ nay người hết thương người”, và xơ cứng, đóng băng, vô cảm.

Thử giả định để trái tim rung lên, đệ trình: không, phải nuôi lớn tình thương nơi mỗi người, đừng để tình thương lụi tàn, đừng để hết thương nhau!

Đôi khi, mình sống trong bầu thương yêu nên mình không nhận ra sự quan trọng của tình thương, thậm chí mình còn bắt đầu nuôi lớn những ý thức, thực hành những điều trái ngược với thương yêu như là ích kỷ, ghét ganh, đạp đổ…

Khi càng đi về hướng thiếu tình thương thì mình sẽ trở thành một kẻ cô độc, bởi ai cũng cần có tình thương để sống nên quy luật loại trừ ấy tự động thực hiện. Tình thương như thực dưỡng của tâm hồn, chính vì thế mà từ xưa đến giờ ai sống vì con người, sống cho con người cũng thường kêu gọi: hãy thương nhau đi.
  Thương nhau để làm gì? - Ảnh 1
Thương nhau là có thể sống cho nhau, nhận diện sự tương tác tích cực của tình thương cho sự phát triển của hạnh phúc chứ không phải để bó hẹp mình và người trong một vài mối quan hệ được gọi thành tên - chính danh như người yêu, bạn bè, thân bằng quyến thuộc. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến mỗi tình thương trong vài mối quan hệ như thế thì chúng ta có thể sẽ khổ và sẽ trở nên ích kỷ. Vì vậy mà Bụt dạy mình tình thương lớn, tất nhiên cũng phải bắt đầu từ những mối quan hệ thực tế trong đời sống như thương cha, thương mẹ, thương vợ thương chồng, thương con cái, yêu đồng bào, đồng loại rồi đến vạn loại chúng sinh…

Phật dạy về tình thương không phân biệt. Và cũng giống như mọi thứ khác trong đời sống, phải tập dần dần, như một đứa trẻ để trở thành vận động viên của môn chạy thì từ nhỏ phải tập bò, tập đi, lớn lên tập chạy, tập cho có sự dẻo dai, bền bỉ… Đó là một quá trình, nên tình thương trong từng người, từng nhóm phải được hun đúc từ bài học yêu thương những đối tượng gần gũi, thân thuộc. Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy về tình thương đó bắt đầu bằng tình mẹ, theo Ngài thì “tình mẹ là gốc của mọi tình thương”.

Hãy thương mẹ! Đó không phải là lời khuyên mà là mệnh lệnh từ trái tim những ai muốn làm người. Chữ người viết hoa có ý nghĩa trong trường hợp này. Bởi vậy, thi thoảng có vài bạn trẻ hỏi tôi về tình yêu, về lòng hiếu thuận và kể cho tôi nghe về vô số những việc làm rất ga-lăng của những người con trai dành cho mình. Nghe xong, ngoài việc mừng cho bạn, tôi còn hay nhắc: em cũng cần quan sát cách anh chàng ấy đối xử với mẹ, với cha, với ông bà, tổ tiên như thế nào nữa. Đừng có choáng ngợp trong những việc làm tốt, những món quà mà người ta tặng mình rồi quên hết, rồi cho đó là tuyệt vời, ngất ngây với nó!

Một người con trai, hoặc một người con gái nếu chưa tốt với cha mẹ mình nghĩa là tình thương của người ấy không có gốc rễ thì thực chất đó là sự thỏa mãn cảm xúc chinh phục cũng như thỏa mãn cảm xúc được yêu của mình mà thôi. Thông qua sự chăm sóc tận tụy cho mình, người đó muốn đạt được cái khác: đó là tình yêu thương của mình và đằng sau đó là vô số những “đặc ân” khác mang tên tình yêu (thương) mà mình sẽ dành cho họ.

Phải nhận diện và kiểm tra cái điều giản đơn ấy rồi tiếp tục làm những bài test khác cho người thương của mình, đó cũng là cách bạn thể hiện tình yêu thương đúng đắn của mình.

Đừng để tình thương vắng mặt cũng chính là châm ngôn cho việc thương yêu đúng đắn. Bởi nếu thương yêu mà ích kỷ, mà không nghĩ đến những giềng mối quan hệ quanh mình và người thương, cũng như không thèm để ý tới bất kỳ ai có nghĩa là mình đang nhồi nặn cho tình thương biến tướng thành lòng ích kỷ, chiếm hữu, phía sau đó là ghen tuông mù quáng, là những hệ lụy ngập tràn!

Vậy là sự “cần nhau” của con người với con người chính là sự có mặt của tình thương, của gốc rễ hạnh phúc, chứ không phải đơn thuần là sự hút nhau về mặt giới tính, hấp lực của những nhu cầu mang tính chất bản năng. Đó mới chính là sự cần nhau thực sự mang ý nghĩa của “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, của triết lý về tình thương, thứ chất liệu cho hạnh phúc vững bền.
Lưu Đình Long

Chuyện cổ Phật gia: Chỉ nhận bố thí của người nghèo


Rate This
Khi Phật Thích Ca còn sống, ngài dạy đệ tử đi khất thực mỗi ngày. Theo lời chỉ dẫn các đệ tử phải đi đến từng nhà một không cần biết gia chủ có bố thí hay không.
Đức Phật có nhiều đệ tử. Subhuti và Dajiaye là hai người trong nhóm đệ tử. Hai người có quan điểm khác nhau khi xin đồ ăn của người ta. Dajiaye chỉ xin bố thí từ những người nghèo trong khi đó Subhuti thì chỉ xin bố thí của những người giàu có. Dajiaye tin rằng những người nghèo cần giúp đỡ để được cứu độ từ trong những kiếp sống đau khổ và được đến bờ cứu rỗi, và xin đồ ăn của họ thì họ được tích đức. Riêng Subhuti thì tin rằng người nghèo đời sống khó khăn và sẽ thêm gánh nặng cho họ khi các nhà sư  xin bớt phần ăn của họ, nhưng người giàu việc bố thí cho các nhà sư thì dễ dàng.
Nói về Dajiaye. Một hôm đến thành phố Wangshe gặp một lão bà rất nghèo. Bà không nhà cửa, không có thân nhân và con cái. Bà đi lang thang trên các đường phố lúc ban ngày và ban đêm thì ngủ ở góc hẻm nhỏ. Bà mặc vải rách làm bằnglá tre. Một ngày kia bà bị bệnh không ngồi dậy được. Bà đang chờ chết. Chỗ bà nằm có nhiều mảnh ngói bể. Một người đầy tớ của nhà giàu cảm thấy thương xót bà nên đổ nước vo gạo trên miếng gói bể. Lảo bà sẽ uống nước đó khi bà khát hay đói.
Dajaiye đến thăm bà khi biết bà như vậy. Chưa có người nào đến thăm từ khi bà mắc bệnh. Khi Dajiaye xuất hiện trước mặt bà, bà cố ngồi dậy và nhìn thấy nhà sư trang nghiêm đang đến xin thức ăn.
Bà liền hỏi: “Ông nghèo hơn tôi sao? Tôi rất yếu, vì tôi không có thức ăn trong bụng và không có vải để che thân tôi. Tôi đang sống trong cát bụi và đang chờ chết. Không có một người nào trên thế gian nầy có thể nghèo hơn tôi. Ông là người có thể trợ giúp tôi, tại sao lại xin tôi thức ăn?”
Dajiaye ôn tồn nói với bà: “Đức Phật là đấng tôn kính và từ bi nhất trên thế gian nầy. Những ai sống trong sự dạy dỗ nhân từ của Ngài là những người hạnh phúc nhất trên thế gian nầy. Lý do mà ngày hôm nay tôi xin thức ăn của bà là để giúp bà. Tôi nghĩ đến giúp bà về tài chánh, nhưng sau đó nó sẽ làm cho bà nghèo hơn nữa. Nếu bà cho tôi cái gì bà sẽ tích đức, bà sẽ tái sanh vào gia đình giàu có hoặc được lên thiên đàng để hưởng hạnh phúc lâu dài hơn.
Lảo bà xúc động vì lời nói của Dajiaye. Nhưng bà không thể tìm được cả một món đồ nhỏ để cho Dajiaye. Bà buồn bả nức nở nói, “Tôi nhớ lời ân cần dạy dỗ của ông, nhưng tôi không có thức ăn hay quần áo để cho ông. ”
Dajiaye nói: “ Người nghèo nhất là những người giàu có mà không muốn cho. ”
Khi nghe lời dạy, lảo bà trở nên sung sướng và rất hy vọng. Hai tay bà nâng lên những miếng ngói bể có nước vo gạo cho Dajiaye. Dajiaye kính cẩn tiếp nhận và uống nước trước mặt bà.
Sau đó không lâu bà lảo chết và được lên thiên đàng. Bà trở thành tiên nữ vì hành động đạo đức cho nhà sư nước vo gạo. Khi bà nghĩ đến lòng nhân từ của Dajiaye, bà luôn đến thế giới loài người để truyền bá sự ban ơn của bề trên và đức hạnh của Dajiaye.
Dịch từ: http://www.pureinsight.org/pi/index.php?news=4155
Theo chanhkien

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét