Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

CÂU CHUYỆN TÂM LINH 111

(ĐC sưu tầm trên NET)
Chuyện ít biết về 'cột mốc tâm linh' ở Trường Sa
image
Chùa Trường Sa lớn trên quần đảo Trường Sa không chỉ là không gian tâm linh mà còn là dấu mốc thể hiện chủ quyền của Việt Nam với mảnh đất Trường Sa thiêng liêng đã có từ bao đời.
Đi chùa ở đảo Trường Sa Lớn

Ngày thứ hai chúng tôi ở trên đảo Trường Sa Lớn, theo lịch âm, đúng vào ngày đầu tháng. Bởi vậy, các hộ dân và chiến sỹ trên đảo đều đến chùa để thắp hương. Hình ảnh của những con người nơi đây khi bước vào cửa Phật bình an, thanh thản như bất kỳ hình ảnh ở ngôi chùa nào trong đất liền, khiến mọi cảm giác trong tôi về một ngôi chùa hoang vắng, đơn sơ nơi hải đảo xa xôi dường như bị xua tan hết. Tôi còn có những cảm giác thật sự khác lạ, mới mẻ, đầy dữ dội nhưng cũng yên bình, thanh thản ở chùa Trường Sa Lớn.

Chúng tôi thắp xong nén nhang cũng là lúc Đại đức Thích Giác Nghĩa - trụ trì chùa Trường Sa Lớn vừa hoàn tất tụng kinh, cúng lễ cho mọi người. Ngồi ở bộ bàn ghế đá, kê trong khuôn viên chùa mà bao quanh là những tán bàng vuông, tán phong ba cổ thụ, Đại đức Nghĩa bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về bộ kinh mà mỗi lần làm lễ xong, Đại đức đều có cảm giác, dường như ước nguyện một bộ áo cà sa vì phải lạy đủ 300 lạy, về đạo phật, và về cơ duyên của thầy với ngôi chùa nơi giữa biển khơi này. Theo Đại đức, đây là lần thứ ba Đại đức xin ra sống và hành đạo tại chùa Trường Sa Lớn.


Chùa Trường Sa Lớn là cột mốc tâm linh vững chãi cho toàn thể quân và dân trên thị trấn huyện đảo Trường Sa.

Chúng tôi được Đại đức cho biết, mỗi ngày, 3 thời khóa: Từ 5h - 7h, từ 9h - 11h và từ 15h - 17h, Đại đức đều phải lạy đủ 300 lạy trong bộ kinh Pháp Hoa. Theo cách nói của người tu hành, mỗi người đều có một nghiệp. Và có lẽ, nghiệp của Đại đức Thích Giác Nghĩa chính là nghiệp gắn bó với Trường Sa, với biển đảo. Hàng ngày, kiên nhẫn hành trì, cung kính trong từng động tác lạy, Đại đức đã làm đổi màu cả hòn đá xanh lát trước ban thờ Phật, nơi mà Đại đức quỳ, hành lễ cúi lạy. Đại đức Nghĩa tâm sự: "Thầy đã xin cho quốc gia 3 năm 3 bộ và thầy phải hoàn tất 3 bộ kinh này cho quốc gia". Đại đức phân tích, truyền thống của người Việt Nam từ xưa là đi đâu, sống ở đâu thì đều đem theo văn hóa đến đó. Và, một trong những văn hóa đó là văn hóa tâm linh thể hiện qua các công trình đình, chùa, miếu, mạo. Bởi vậy, một điều tất yếu rằng, ở đâu có người Việt Nam sinh sống thì ở đó có chùa chiền. Họ thờ Phật, thờ các bậc tiền bối có công khai ấp lập làng để tri ân, cầu an, cầu độ trì để được bình yên, sức khỏe... Và, nếu người thân của họ chết đi, họ đến chùa cầu độ cho linh hồn người thân được siêu thoát, được về với cõi Phật.

Trường tồn cùng năm tháng

Giữ lấy từng tấc đất, từng viên đá Toàn bộ câu chuyện với chúng tôi, Đại đức Thích Giác Nghĩa không hề nhắc đến những khó khăn, thiếu thốn của đời sống xa đất liền. Mặc dù tôi biết, đồ chay ở trên đảo rất ít và Đại đức vẫn đang phải nhờ vào những vườn rau nho nhỏ của các chiến sỹ. Và, chúng tôi càng bất ngờ hơn, trong đất liền, Đại đức trụ trì hai ngôi chùa lớn ở TP. Nha Trang (Khánh Hoà). Đó là chùa Vạn Đức và chùa Phúc Chí. Đại đức đã bàn giao lại cho các đệ tử và làm đơn xin tình nguyện ra chùa Trường Sa. Đại đức tâm sự: "Xác định ra đây là kham khổ, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt nhưng tôi ý thức được ra đây để bảo vệ di sản của cha ông mình. Nếu những ai ra đây mà không nhìn nhận được trách nhiệm đó để mất một tấc đất, một viên đá thì mang tội bất hiếu rất nặng đối với cha ông".    

Theo Đại đức Thích Giác Nghĩa, từ xa xưa trên các đảo giữa biển Đông của Việt Nam, đã có những am thờ do ngư dân người Việt dựng lên. Họ dựng lên từ những lần ra khơi, bám biển mưu sinh. Giữa muôn trùng nước, gió... họ cần một niềm tin để bám biển. Họ lập ra các am thờ để cầu Trời, khấn Phật phù hộ cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm cá. Trên cơ sở tín ngưỡng, tâm linh truyền thống này, chùa Trường Sa Lớn cùng hai ngôi chùa khác là chùa Song Tử Tây, chùa Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa ngày nay đều được tôn tạo lại từ các am thờ xưa của ngư dân. Đây là những minh chứng cho thấy chủ quyền của dân tộc Việt Nam với mảnh đất Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, đã có từ bao đời nay.

Chùa Trường Sa Lớn tọa lạc giữa trung tâm thị trấn huyện đảo Trường Sa, trên đảo Trường Sa Lớn. Chùa có khuôn viên khá rộng. Cổng được xây bề thế theo phong cách truyền thống với kiểu tam quan, phía trên có gác chuông lợp ngói đỏ. Bên trong có sân chùa, vườn chùa và ngôi Đại hùng Bảo điện. Đại hùng Bảo điện là ngôi nhà một gian hai chái, mái cong lợp ngói đỏ, có đầu đao. Hệ thống cửa bức bàn, cửa võng, hoành phi, câu đối đều được làm bằng các loại gỗ quý, chịu được độ mặn của nước biển. Hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng. Đầu năm 2010, chùa được trùng tu lại các hạng mục cổng tam quan, điện phật bà quan âm, nhà tổ. Kiến trúc của ngôi chùa theo phong cách truyền thống kiên cố, vững chãi mang cốt cách của những ngôi chùa quê Việt Nam. Cổng nằm ở một khoảng không rộng, sừng sững và hiện hữu trên nền trời trong xanh của những ngày hè Trường Sa. Chấm phá trên nền trời xanh đó là màu đỏ thắm của lá cờ Tổ quốc, màu ánh sáng hào quang của chư phật toát ra từ lá cờ 5 màu sắc ngũ căn ngũ lực của Phật giáo, khiến tôi cảm nhận con đường vào cổng chùa dường như sáng hơn, rộng mở hơn để tỏa ánh sáng từ bi cho những con người đang sống, bảo vệ từng tấc đất, từng hòn đá ở vùng đất thiêng liêng này của Tổ quốc.

Đại đức Thích Giác Nghĩa cho chúng tôi biết: "Chùa Trường Sa Lớn không chỉ là nơi thờ phụng linh hồn của những người con dân Việt, các chiến sỹ đã hy sinh ngoài biển Đông mà còn là nơi để các chiến sỹ, hộ gia đình và ngư dân đi biển tìm đến vào ngày rằm, mùng 1. Ở mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc như Trường Sa, Đại đức Nghĩa không chỉ cầu nguyện Quốc thái dân an, mà còn là nguồn động viên tinh thần vô cùng quan trọng cho quân và dân trên huyện Đảo Trường Sa.


Anh Dương Đức Hân, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa Lớn chụp ảnh lưu niệm cùng vợ trong chuyến thăm thân tháng 6/2013 tại cổng chùa Trường Sa Lớn.

"Cột mốc tinh thần" vững chãi

Giọng nói thanh thoát, nhẹ nhàng vốn có của người con xứ Huế, giọng Đại đức bỗng trầm hơn nhưng cũng ấm áp hơn khi tâm sự với chúng tôi về niềm tin và tình cảm của quân và dân trên đảo đối với ngôi chùa.

Đại đức Thích Giác Nghĩa kể, mỗi lần trong đất liền có người thân mất hay ngày giỗ bố, giỗ mẹ, giỗ ông, giỗ bà mà người dân trên đảo không về được, họ đều đến chùa thắp nén nhang và nhờ thầy làm lễ cầu an, cầu siêu cho người thân được siêu thoát.

Người lớn tuổi thì cũng đến đây để đàm đạo, chia sẻ, tầm nhìn, tầm hiểu biết cuộc đời để mở rộng kiến thức, để hiểu biết thêm.

Những chiến sỹ đang công tác trên hòn đảo này, họ đều bỏ lại đằng sau những lo toan của gia đình để hoàn thành trách nhiệm mà Tổ quốc giao phó.
Kết thúc câu chuyện với chúng tôi vì đến giờ thời khóa, Đại đức lại lặng lẽ đi vào trong lấy bộ áo cà sa để hành lễ 300 lạy. Hình ảnh một vị sư trụ trì đầy nhiệt huyết và thành tâm, khiến tôi không thể nào quên được, cũng như lời của một chiến sỹ trẻ tâm sự với tôi: "Có thầy ở đây, chúng em thấy ấm lòng và chắc tay súng hơn chị ạ!". 

Một Trường Sa tâm linh

Ở Trường Sa, có một hệ thống chùa chiền, nhà tưởng niệm, đài liệt sĩ, tượng đài và đời sống tâm linh rất phong phú, góp phần khẳng định và củng cố vững chắc chủ quyền của chúng ta với quần đảo.
Đã có Lễ khao lề thế, mộ gió cho những người lính thuộc Hải đội Trường Sa của Nhà Nguyễn xưa. Đã có những vòng hoa và nghi lễ thiêng liêng của những con tàu đi ngang gần qua vùng gần đảo Cô Lin, Gạc Ma, nơi những người lính hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam bỏ mình vì nước năm 1988.
Đời sống và nghi thức tâm linh của Trường Sa lại càng thiêng liêng và thẳm sâu khi những ngôi chùa lần lượt được tôn tạo, đài tưởng niêm liệt sĩ Trường Sa, nhà lưu niệm Bác Hồ và tượng Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được dựng lên.
Trường Sa, tâm linh, chùa, Song Tử Tây, chính điện, Phật giáo, chủ quyền, biển đảo, Trường Sa Lớn
Chùa Trường Sa

Những ngày cuối tháng 4/2013, tôi được đi trực thăng ra Trường Sa. Khi trực thăng hạ độ cao để đáp xuống Trường Sa Lớn, tôi thấy bên cạnh những tòa nhà lớn, khang trang, mái đỏ tươi mà sau đó được biết dùng làm trụ sở và doanh trại, còn rực lên trong nắng là hai công trình với mái cong đậm nét kiến trúc dân tộc nằm hai bên dải đường băng lớn chính giữa đảo: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chùa đảo Trường Sa Lớn.
Một trong những nghi thức đầu tiên sau khi đến đảo là thăm Nhà lưu niệm Bác. Công trình do tỉnh Nghệ An xây tặng huyện đảo Trường Sa được thiết kế theo lối một ngôi đền truyền thống, mái hai tầng cong vút.
Bên phải là một nhà bia ghi tiểu sử Bác Hồ, còn bên trái là một quả chuông khá lớn mà tiếng rất trong, thỉnh lên nghe vang vọng lạ thường trong không gian biển.
Chính điện, có tượng Bác bằng đồng, ngồi trên ghế, bên trên là hình búa liềm, ngôi sao và dòng chữ vàng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” có chữ ký của Người bên dưới.
Các đại tự, hoành phi, câu đối trong Nhà lưu niệm đều viết bằng chữ quốc ngữ.
Bức đại tự lớn nhất ghi: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”.
Hai câu đối lớn hai bên ghi câu dặn dò lịch sử của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Gần đối diện với nhà tưởng niệm là chùa Trường Sa Lớn. Một ngôi chùa rất đẹp đúng lối truyền thống, gian giữa, hai chái, mái cong có đao đình.
Tượng Phật trong chùa bằng đá màu trắng xanh, chúng tôi được giới thiệu đó là quà của Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại chùa (được biết Thủ tướng đã tặng tượng phật cho tất cả các chùa được khôi phục, tôn tạo ở Trường Sa).
Hôm chúng tôi đến, các vị sư trụ trì là Đại đức Thích Giác Nghĩa và Đại đức Thích Ngộ Thành đi đâu đó không có mặt tại chùa, nhưng trong chùa vẫn có các Phật tử khác chăm sóc và ngan ngát khói hương.
Đêm, tôi đứng trước cổng chùa, nhìn mái của nó vạch nét cong vút lên nền trời thẳm, thấy chả khác gì mình đang đứng trước cổng chùa một ngôi làng nào đó ở miền Bắc bộ.
Từ chùa, theo nguồn ánh sáng, tôi đi chếch sang bên kia đường băng để đến Đài Liệt sĩ Trường Sa, thấy thượng tá Chính trị viên đảo Phạm Quang Trung (thời điểm tháng 4/2013) đang chuẩn bị cho một sĩ quan thắp hương, đồ lễ đơn sơ vài thứ quả, chắc người sĩ quan mang từ đất liền ra.
Anh là Sư trưởng một sư đoàn không quân, máy bay SU 30 của đơn vị anh vẫn bay huấn luyện và tuần tiễu khi vực Trường Sa.
Hồi chiều, hai chiếc đã hạ thấp độ cao và bay chậm hết mức có thể (nghe đâu chừng 200 km/h) để nghiêng cánh chào cán bộ, chiến sĩ trên đảo cùng đoàn đại biểu vừa từ đất liền ra đảo.
Đài tưởng niệm lớn, uy nghi bằng đá xanh. Cổng đài có tấm bia ghi đây là công trình do ông Phạm Văn Sáu (là sĩ quan QĐND Việt Nam) đóng góp kinh phí (gần 10 tỉ đồng).
Đài tưởng niệm được khởi công ngày 2/10/2009, khánh thành ngày 2/10/2010. Vật liệu chính là đá xanh được lấy từ quê hương Thanh Hóa của ông Sáu.
Thượng tá Trung giới thiệu với tôi về quá trình xây dựng và người hiến kinh phí xây dựng Đài Liệt sĩ rồi thầm thì: “Thiêng lắm”.
Trường Sa, tâm linh, chùa, Song Tử Tây, chính điện, Phật giáo, chủ quyền, biển đảo, Trường Sa Lớn
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở đảo Trường Sa Lớn

Sư trưởng thắp hương xong, tôi cũng kính cẩn cắm vào bát hương dưới chân đài một nén, đứng lặng hồi lâu trong màn đêm Trường Sa tưởng nhớ những người đã bỏ mình trong vòng mấy trăm năm qua để hôm nay, cờ Tổ quốc vẫn tung bay trên đảo, để chúng tôi có được niềm tự hào ngắm nhìn và chụp ảnh bên cột mốc chủ quyền: Nước CHXHXN Việt Nam, Trường Sa Lớn, Vĩ độ: 08° 38’30’’, Kinh độ 111° 55’55’’.
Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất ở Trường Sa, nhưng ngôi chùa lớn nhất lại nằm bên Song Tử Tây, hòn đảo nằm xa nhất về phía đông mà ta đang giữ.
Và nếu Chùa Trường Sa Lớn nằm giữa đảo thì Chùa Song Tử Tây lại nằm sát mép biển. Vẫn là một kiến trúc truyền thống đậm bản sắc dân tộc, tam quan hai tầng tám mái, chính điện ba gian, hai chái…, vẫn là những gỗ quý được chọn để đựng lại chùa. Một ngôi chùa lớn ngay cả nếu nó được đặt trong đất liền.
Tôi gặp ở sân chùa Đại đức Thích Thánh Thành, một trong các vị sư trụ trì (còn có Thượng tọa Thích Tâm Hiện). Ông người gầy, xanh (tháng 9 vừa qua tôi đọc báo thấy viết ông bị bệnh đường ruột nặng, Quân chủng Hải quân phải điều trực thăng ra chở ông về đất liền cấp cứu).
Thời điểm tháng 4/2013, Đại đức Thích Thánh Thành đã tình nguyện ra đảo được một năm. Trước đó nhà sư 35 tuổi, xuất gia từ năm 1992 này ở chùa Hội Phước, Tp Nha Trang. Đến lúc đó, thầy Thành chưa vào lại bờ lần nào.
Qua câu chuyện với thầy Thích Thánh Thành vào đọc bài thầy trả lời phỏng vấn báo chí trước đó thấy ý thức và trách nhiệm công dân của người tu hành này rất cao.
Trên Song Tử Tây còn uy nghi tượng Trần Hưng Đạo ở phía đông của đảo.
Tượng tạc theo mẫu bức tượng Trần Hưng Đạo được dựng ở thành phố Nam Định (tác giả là họa sĩ Vương Duy Biên, hiện là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Trường Sa, tâm linh, chùa, Song Tử Tây, chính điện, Phật giáo, chủ quyền, biển đảo, Trường Sa Lớn
 Tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn
Bức tượng bằng đá xám, cao 11 m sừng sững trên bệ đá đen, là món quà của tỉnh Nam Định dựng tặng huyện đảo. Việc người anh hùng dân tộc ba lần đánh thắng quân xâm lược quân Nguyên-Mông, người trong tiềm thức con dân Việt là Đức Thánh Trần linh thiêng, uy nghi có mặt trên đảo có một ý nghĩa lịch sử và tâm linh sâu xa.
Người - Hồ Chí Minh – cũng được nhân dân tôn là bậc thánh nhân, một đức Ngọc Phật, hai người anh hùng dân tộc đang nắm giữ hồn thiêng của các thánh nhân, các anh hùng, liệt sĩ mấy nghìn năm của dòng giống Lạc Hồng phù trợ cho cháu con, bây giờ gìn giữ biển đảo, đất trời của Tổ quốc Việt Nam.
Trong chuyến đi, trực thăng của chúng tôi không đáp xuống mà chỉ bay ngang qua đảo Sinh Tồn. Nhưng tôi biết ở đó cũng có một ngôi chùa. Không lớn bằng các chùa Song Tử Tây và Trường Sa Lớn, nhưng theo lời kể của những người đã đến đó thì Chùa Sinh Tồn có khuôn viên trồng các loại cây bàng vuông, phong ba cổ thụ rất đẹp.
Các ngôi chùa ở Trường Sa đều được dựng để cửa hướng về phía Thủ đô Hà Nội.
Gỗ dùng để dựng đều là gỗ quý, chịu được gió mặn, hơi sóng biển; các tượng đều tạc bằng đá hoặc gỗ quý; các cửa võng, đại tự, hoành phi, câu đối đều sơn son thếp vàng và ở mỗi chùa được làm khác nhau chứ không dập khuôn; chữ dùng trong chùa thống nhất là Quốc ngữ.
Các bức đại tự lớn nhất trong các chùa Trường Sa chỉ viết giản dị tên các chùa: Chùa Trường Sa Lớn, Chùa Song Tử Tây, Chùa Sinh Tồn. Các chính điện đều có bức đại tự Đại hùng bảo điện.
Ở chùa Song Tử Tây còn có một số bức nhỏ hơn đề Từ nhân quảng đại, Vạn đức từ tôn…
Các câu đối ở các chùa trên ngoài nội dung Phật giáo, đều ca ngợi biển đảo tươi đẹp của Tổ quốc: Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam/ Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh; Cá đọc kệ được thành tiên/ Rồng nghe kinh mà mộ đạo, Uy thần biển đảo vẫn cổ truyền/ Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ; Mây lành che Đông Hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/ Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử…
Được biết, từ tháng 4/2013, các chùa trên các đảo Nam Yết, Sơn Ca và Phan Vinh tiếp tục được tôn tạo và nay hoàn tất.
Các công trình lịch sử, văn hoá, tôn giáo cùng đời sống tâm linh là một khía cạnh rất thẳm sâu của chủ quyền.
Đó là những cột mốc lịch sử, cột mốc văn hoá, cột mốc tôn giáo, cột mốc tâm linh khó gì có thể phá bỏ và xoá nhoà.
Khi các công trình tưởng niệm được dựng lên, các ngôi chùa được tôn tạo lại, chủ quyền của Tổ quốc đối với Trường Sa càng được khẳng định và củng cố chắc chắn.
Lê Xuân Sơn
Tiền Phong Xuân Giáp Ngọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét