Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 97

-Mọi người đều mù quáng đi trên con đường đời của mình! Vì đố ai thấy chính xác con đường ấy!
-Đường đời riêng đã không thấy thì làm sao thấy được đường đời chung, tức định mệnh của nhân loại?
-Chỉ toàn suy đoán và tưởng tượng thôi! Vì vậy, hãy thận trọng trước những " tiên tri" về xã hội!
-Và đời ta, ta không thể đánh giá đúng được mà phải để đời sau đánh giá!
-Công và tội là hai giá trị tùy thuộc vào nhận thức nên rất dễ chuyển hóa thành nhau. Tuy nhiên chân lý tuyệt đối chỉ có một!

---------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)

Bức thư bí mật Stalin gửi thầy giáo của con trai

TP - Không những là một nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới, I.Stalin còn là một người cha, một người biết cầu thị khi đã trực tiếp viết một bức thư bí mật cho thầy giáo của con trai mình, chỉ rõ khuyết điểm của con và mong thầy giáo giúp con tiến bộ. Bức thư được giữ kín suốt 53 năm, khi được công bố đã làm lay động những người làm bố, làm mẹ.
I.Stalin và hai con Vasily và Svetlana. I.Stalin và hai con Vasily và Svetlana.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945) chống phát xít Đức, Iosif Stalin - nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô đã cho 2 người con ruột và cậu con nuôi của mình ra mặt trận, trực tiếp chiến đấu chống lại quân thù.
Người con trai đầu Yakov Dzhugashvili (con trai với bà vợ đầu tiên - Ekaterina Svanidze) sinh năm 1907, đã chiến đấu trong lực lượng Pháo binh, rồi bị bắt làm tù binh trong một trận đánh gần thành phố Smolensk cửa ngõ phía tây của nước Nga. Theo nhiều tài liệu, Stalin đã từ chối đề nghị đổi con trai mình lấy Thống chế Đức Friedrich Paulus bị Hồng quân Liên Xô bắt sống tại trận Stalingrad. Năm 1943, Yakov bị mất trong trại tập trung của quân Đức. Người con trai thứ hai là Vasily Iosifpovich Stalin là một phi công chiến đấu, đã lập nhiều chiến công hiển hách. Người con nuôi của ông là Artyom Fedorovich Sergeyev đã trở thành một sĩ quan pháo binh, chiến đấu dũng cảm, bị bắt làm tù binh và sau đó mưu trí vượt ngục để trở về đội ngũ.
Cậu con trai “trái tính trái nết”
Vasily Iosifpovich Stalin là con trai của Stalin với người vợ thứ hai, bà Nadezhda Alliluyeva. Vasily sinh ngày 24/3/1921 tại bệnh viện Kremli, thủ đô Moskva. Vasily có một người em gái là Svetlana Alliluyeva (sinh năm 1926). Sau khi vợ mất(1932), Stalin chuyển các con từ điện Kremli về nhà nghỉ ở Zubalov và do bận bịu công việc của người đứng đầu nhà nước Liên Xô, mọi việc chăm sóc con cái ông đều nhờ vú nuôi và các nhân viên an ninh, đứng đầu là tướng Nikolai Vlasik đảm nhiệm.
Nhờ các tư liệu giải mật sau này, chúng ta biết thời kỳ đó, Stalin và các con trao đổi với nhau chủ yếu qua đường thư tín. Ngoại trừ những cuộc gặp ít ỏi, do quá bận, Stalin biết tin về các con chủ yếu qua các báo cáo của lực lượng an ninh.
Ngày 5/5/1937, Chính phủ Liên Xô quyết định thành lập các Trường thiếu sinh quân đặc biệt. Đầu vào của trường là các em học sinh lớp 8,9, 10 được tuyển chọn kỹ càng và theo học chương trình phổ thông trung học cùng các môn học chuyên ngành.
Mỗi lớp học có khoảng 25-30 em. Theo nhiều tài liệu, Artyom Fedorovich Sergeyev, con nuôi của Stalin cùng con trai thứ của Stalin là Vasily (cùng sinh năm 1921) đã nhập học trường Thiếu sinh quân pháo binh đặc biệt số 2, ở Krasnaya Presnya (Moskva). Trường có nhiệm vụ đào tạo các thiếu sinh quân trở thành các chính ủy tương lai trong lực lượng pháo binh
Vào nửa cuối thập niên 30, để con cái trưởng thành trong quân ngũ là mơ ước của hàng triệu gia đình Liên Xô. Ai cũng hy vọng môi trường quân đội sẽ giúp con mình khỏe mạnh, sống có tổ chức, kỷ luật. Thời đó, trong dân gian đã lan truyền những câu ca: "Thông minh vào pháo binh, Bảnh bao vào kỵ binh, Lãng tử vào hải quân, Còn lại vào bộ binh”. Pháo binh, khi đó là số 1, như ở bên ta “nhất y, nhì dược” một thời.
Vasily Stalin, sau những cú sốc tinh thần (mẹ cậu là Nadezhda Alliluyeva tự tử năm 1932, khi cậu 11 tuổi) đã trở nên một con người khác. Cậu đã rời bỏ trường phổ thông số 175 dành cho con em lãnh đạo, xin vào trường Thiếu sinh quân. Ở ngôi trường này, được nuông chiều bởi là con trai của lãnh tụ tối cao, “ngựa quen đường cũ”, Vasily tiếp tục lười học và nghịch phá, bất tuân kỷ luật. Nhưng mọi thông tin về cậu con trai của mình, Stalin không biết, bởi các nhân viên an ninh và Ban giám hiệu nhà trường giữ kín như bưng.
Sau này, Vasily Stalin có viết lại về quãng đời đó của mình:
“Khi còn nhỏ, tôi đã không còn mẹ và không có điều kiện được bố kèm cặp, dạy bảo thường xuyên, tôi sống và lớn lên trong vòng bảo vệ của những người đàn ông là nhân viên an ninh, không được dạy bảo về luân lý và tính nhẫn nại.
Chính điều này đã để lại dấu ấn lên tính cách và quãng đời sau này của tôi”.
Một thầy giáo dạy môn Lịch sử của trường, sau khi chứng kiến “cậu ấm” của Stalin sa sút trầm trọng với sự nuông chiều vô lối của Ban giám hiệu, đã dũng cảm viết thư “tố cáo” với Stalin, một việc làm khá “tày trời” thời đó.
Đó là thầy giáo Vladimir Vasilevich Martyshkin.
Và một điều bất ngờ đã xảy ra: Dù bận trăm công nghìn việc, Stalin đã viết thư trả lời thầy giáo Martyshkin và yêu cầu được giữ kín nội dung.
Bức thư này tưởng như đã chìm sâu vào quên lãng.
Nhưng không. Báo “Giáo viên” (Uchitelskaya Gazeta) của Liên Xô, số 17 năm 1991 đã đăng bài báo của O.Martyshkin-con trai của thầy giáo Martyshkin cho biết gia đình ông vẫn giữ bức thư Stalin gửi ngày 8/6/1938 cho thầy giáo dạy môn lịch sử của con trai mình.

Bức thư bí mật Stalin gửi thầy giáo của con trai - ảnh 1 Vasily Stalin trên khoang lái máy bay Yak-9 trong thời kỳ chiến tranh.
Bức thư được yêu cầu giữ kín
O.Martyshin viết trong bài báo của mình:
“Bố tôi, Vladimir Vasilevich Martyshkin vào cuối thập niên 30 dạy môn lịch sử ở Trường (thiếu sinh quân pháo binh đặc biệt) số 2, và một trong những học trò của ông là Vasily Stalin. Bố tôi cho rằng cậu bé cũng có năng lực, nhưng cậu hay nghịch ngợm, thường tận dụng vị thế của mình để giải quyết các vấn đề trong trường. Cậu có thể im thin thít khi được hỏi, còn khi nhận điểm kém thường dọa là sẽ tự tử. Bố tôi không cho mình quyền đối xử với con trai Stalin khác với các học trò trong lớp, cho cậu điểm 2 vào cuối năm học. Tôi không rõ là Vasily có báo cho thầy Hiệu trưởng biết điều này hay là ông ấy tự biết do theo dõi. Ngay sau đó, Hiệu trưởng đã gọi bố tôi lên và yêu cầu ông tự tay sửa điểm, từ 2 thành 4 điểm (thang điểm học ở Liên Xô, điểm 5 là cao nhất-NV). Bố tôi thẳng thừng từ chối. Khi đó, trước mặt bố tôi, Hiệu trưởng đã cầm bút sửa điểm và ít lâu sau, bố tôi bị đuổi việc.
Khi đó, tìm được việc làm ở Moskva là điều không thể. Phải nuôi 2 con nhỏ, tình trạng của bố tôi khi đó cực kỳ tồi tệ. Không biết phải cầu cứu ai, ông liền quyết định viết thư cho Stalin.
Bức thư đó chúng tôi không được biết nội dung, hy vọng nó vẫn còn được lưu giữ đâu đó trong các kho lưu trữ. Tôi chỉ biết, trong thư, bố tôi kể hết về sự dối trá, sự quỵ lụy của mọi người trước Vasily trong trường học.
Mùa hè năm 1938, gia đình chúng tôi sống ở vùng Udelnaya dọc tuyến xe lửa Kazan. Một lần, có chiếc ô tô phóng đến. Hai người đàn ông bước xuống, vẻ quan trọng, nói họ muốn gặp thầy giáo Martyshkin. Mẹ tôi đáp ông đang vào thành phố, sắp về rồi và mời họ vào nhà ngồi đợi. Tuy nhiên, các vị khách từ chối và vào xe ngồi chờ. Có thể dễ hình dung là khi đó mẹ tôi lo lắng biết nhường nào trong suốt 2 tiếng chờ bố về. Tôi nghĩ, chắc mẹ đang lo bố sẽ bị bắt. Khi bố về, 2 người đàn ông mời luôn ông vào xe, chắc không muốn có ai nghe thấy nội dung cuộc nói chuyện. Nhưng thay vì chở ông đi mất tích, họ chuyển cho bố tôi bức thư của Stalin. Họ còn nói tác giả bức thư không muốn nội dung được công khai cho nhiều người biết. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, không còn ai chứng kiến sự việc này còn sống. Điều này cho phép tôi đã đến lúc công bố một tư liệu quý giá.
Bức thư của Stalin được ông viết tay, trên giấy chắc được xé ra từ một cuốn sổ cỡ vừa, khoảng một trang rưỡi. Còn đây là nội dung:
Gửi thầy giáo Martyshkin!
Tôi đã nhận được bức thư của thầy về những trò lố của cháu Vasily Stalin. Xin cảm ơn thầy đã gửi thư.
Sở dĩ tôi viết trả lời thầy muộn, là do công việc quá nhiều. Tôi xin lỗi thầy về điều đó.
Con trai tôi, Vasily là một thanh niên hư hỗn, có năng lực rất bình thường, là một đứa tự kỷ, thường nói dối, ưa dọa nạt những kẻ yếu, hay trơ tráo, với tư chất yếu đuối, nói đúng hơn, là vô tổ chức.
Chính những kẻ dung dưỡng, luôn tâm niệm đó là “con trai Stalin” đã làm hư cháu.
Tôi mừng, vì nhờ thầy mà tôi biết vẫn còn một giáo viên có lòng tự trọng, đối xử với cháu Vasily như với tất cả học trò khác, và yêu cầu đứa trò ngỗ ngược đó phải tuân theo quy chế chung của trường học.
Chính các hiệu trưởng, như thầy đã đề cập, là dạng người chẳng ra sao (nguyên văn: dạng giẻ rách-ND), đã làm hư cháu Vasily. Dạng người đó không xứng có mặt trong trường học, và nếu như cháu Vasily vẫn chưa kịp tự giết mình, là bởi ở đất nước chúng ta vẫn còn có những giáo viên không nỡ để cho đứa học trò “con ông cháu cha”, tính khí thất thường đó trượt dài thêm nữa.
Tôi có một lời yêu cầu: Đề nghị thầy cần nghiêm khắc hơn với Vasily và thầy đừng sợ bất cứ lời đe dọa “tự tử” nào của đứa học trò trái tính trái nết này.
Nếu làm vậy, thầy sẽ luôn được tôi ủng hộ.
Thật tiếc là chính tôi cũng không có điều kiện gần gũi với Vasily. Nhưng tôi hứa với thầy dần dần tôi sẽ đưa cháu vào khuôn khổ.
Xin chào thầy!
I.Stalin, ngày 8/6/1938
Điều kỳ diệu đã xảy ra. Nỗi sợ hãi và căng thẳng của bố mẹ tôi ngay lập tức được giải tỏa. Tất nhiên là bố mẹ tôi rất vui mừng vì sự công bằng đã được phục hồi, bằng một cách bất ngờ nhất.
Bố mẹ tôi không phải chờ lâu. Bố tôi ít lâu sau đã được nhận trở lại trường. Giữa ông và Vasily sau đó có quan hệ khá là tốt đẹp.
Bay lên, Vasily!
Đó cũng nhan đề của một bộ phim tài liệu về Vasily Stalin do kênh 1 của Nga sản xuất. Bộ phim nói về sự trưởng thành của người con trai thứ của Stalin, một thời đã từng là học sinh cá biệt.
Các tài liệu được giải mật sau này của Liên Xô cho biết, sau khi nhận được thư của Stalin, thầy giáo Martyshin còn viết thêm một bức thư khác nữa gửi nhà lãnh đạo đất nước (gửi sau ngày 5/7/1938). Qua nội dung, chúng ta có thể biết sau khi Stalin gửi thư vài ngày, thầy giáo Martyshin đã được nhận lại về trường. Bức thư có đoạn:
“Đã nhiều lần tôi nói với các đồng nghiệp là cần phải cho đồng chí biết sự thật về chuyện học hành của cháu Vasily, nhưng họ đáp “Nếu đồng chí Stalin biết, cũng chả có ích gì, nếu không còn nguy hiểm ấy chứ”, hoặc “Anh im đi. Sự im lặng tô điểm thêm cho tuổi trẻ của anh đấy”...
Xin lỗi đồng chí vì sự làm phiền, nhưng tôi không thể giấu đồng chí một quan sát của riêng tôi: Đó là Vasily luôn cảm thấy đau đớn, ân hận vì những điều đã làm phiền lòng người bố mà cháu yêu thương hết mực.
Có một lần, khi tâm sự với tôi, Vasily có nói là cháu sẵn sàng làm tất cả những gì để lấy lại sự tin tưởng của bố, để được gần gũi với bố hơn”.
Và Vasily Stalin đã không phụ lòng tin cậy của bố. Sau khi tốt nghiệp trường Thiếu sinh quân, Vasily vào học tại trường Không quân Kacha ở Crưm, tốt nghiệp xong anh phục vụ trong lực lượng không quân. Trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Vasily Stalin đã dũng cảm tham gia 26 trận không chiến và bắn rơi 2 máy bay địch, được tặng thưởng huân chương Suvorov hạng nhì, huân chương Cờ Đỏ và huân chương Aleksandr Nevsky. Sau chiến tranh, Vasily Stalin có thời kỳ là Tư lệnh Lực lượng Không quân phòng thủ Moskva. Vasily Stalin mất năm 1962, khi mới 41 tuổi.

Sự thật về cái chết con trai cả Xtalin

(ĐVO) - Để cứu nhân loại khỏi thảm họa Phát Xít, nhân dân Liên Xô đã chịu nhiều tổn thất vô cùng to lớn. Hơn 20 triệu người đã hy sinh, trong đó có con trai cả của Tổng tư lệnh tối cao Hồng quân Liên Xô- Đại nguyên soái I.V. Xtalin. Đã có nhiều lời đồn đại về số phận của anh. Nhân kỷ niệm 68 năm ngày chiến thắng Phát Xit, người viết muốn gửi tới bạn đọc một thông tin về thượng úy pháo binh Hồng Quân, con trai cả của I.V.Xtalin mà người viết thu thập được từ các nguồn báo chí Nga.

    Liệu Xtalin có thể cứu được con trai ra khỏi trại tù binh của Đức?
    70 năm trước đây, vào ngày 14/4/1943, con trai cả của I.V. Xtalin là Iakov Dgulashvili (họ thật của Xtalin-ND) đã hy sinh trong trại tập trung của Phát xít Đức. Như mọi người đã biết, trước đó không lâu lãnh tụ Xô Viết đã từ chối không đổi Thống chế Paolus để lấy lại “giọt máu” của mình.

    Câu nói đã đi vào huyền thoại của ông: “Tôi không đổi một nguyên soái lấy một người lính” đã lan truyền khắp thế giới khi đó và làm tất cả kinh ngạc vì sự thông thái chính trị nhưng đồng thời cũng là một sự tàn nhẫn nếu nhìn từ ở góc độ của một người cha.
    Tuy nhiên, sau chiến tranh trên các báo chí Phương Tây rộ lên tin đồn là cuối cùng Xtalin cũng đã đổi hàng trăm tù binh sỹ quan Đức để cứu Iakov ra khỏi trại tù binh, đưa sang Mỹ sống dưới một cái tên giả. Sự thật thì như thế nào?    


    [IMG]
    Ya. I. Dzhugashvili (18/3/1907 - 14/4/1943)

    Tù binh VIP
    Chàng sỹ quan trẻ Iakov Dzugashvili bị bắt làm tù binh ngay những ngày đầu chiến tranh, ngày 16/7/1941, khi các đơn vị Hồng quân đang buộc phải rút lui ở khu vực ngoại ô Vitebsk. Trước đó, Iakov là một thượng úy trẻ mới tốt nghiệp Học viện pháo binh và khi đến chào cha đã nhận được lời  dặn dò: “Hãy ra mặt trận và chiến đấu”, chưa từng được qua “thử lửa”.
    Đồng đội tại trung đoàn pháo 14 của sư đoàn tăng số 14, nơi Iakov chỉ huy một khẩu đội, đã không thấy anh này trở về sau khi đơn vị rơi vào vòng vây của quân Đức trong một trận đánh gần khu vực biên giới. Iakov, khác với một số đồng chí cùng trung đoàn, đã không tìm lại được đơn vị và được coi là đã mất tích.         
    Sau đó mấy ngày, phản gián Đức đã thả vào lãnh thổ Xô Viết các tờ truyền đơn, trên đó có ảnh con trai Xtalin chụp chung cùng các sỹ quan Phát Xít Đức.
    Trên các tờ truyền đơn ghi rõ rằng Iakov Dzugashvili “đã đầu hàng cùng hàng nghìn sỹ quan và binh lính khác” và vì thế vẫn “sống, khỏe mạnh, và cảm thấy rất thoải mái”. Đồng thời, quân Đức cũng khuyên tất cả hãy noi gương của Iakov: “Tại sao các bạn lại chọn một cái chết chắc chắn, trong khi con trai của tên đầu sỏ tối cao của các bạn đã đầu hàng..?”
    Người ta cũng thường nhắc đến một câu nói nổi tiếng khác của I.Xtalin “Tôi không có một đứa con trai như vậy”- sau khi đã đọc tờ truyền đơn nói trên I. Xtalin muốn nói gì? Người trong bức ảnh trên truyền đơn không phải là Iakov? Hay là Xtalin không muốn thừa nhận đứa con trai phản bội? Không ai có thể biết được.        
    Cho đến hiện nay vẫn còn lưu giữ được bản gốc các biên bản hỏi cung Iakov Dzugashvili trong các trại tập trung. Từ các biên bản gốc này thấy rõ một điều là Iakov đã xử sự hoàn toàn đường hoàng, không khai báo với người Đức bất kỳ một bí mật quân sự nào và từ chối hợp tác với quân Đức.
    Sau này nhà sử học X. Kudriashov đã viết: “Iakov nói chung là không có gì nhiều để kể với quân Đức, ngoài những cảm nhận cá nhân... Quân Đức đã hỏi Iakov về chiến tranh, nhưng với một thượng úy thì có gì nhiều để kể? Anh không biết những gì quá đặc biệt.
    Chỉ biết một điều chắc chắn rằng Ikov bị giam giữ 2 năm trong các trại tập trung ở một chế độ tù binh VIP-  đầu tiên ở Hammelburg, sau đó tại Lubeck, và sau cùng là Shchsenhausen. Và Iakov cũng được canh giữ cẩn thận để làm con bài mặc cả trong một trò chơi chính trị và phương tiện để gây sức ép đặc biệt lên I.Xtalin.
    Người Đức đã thử sử dụng con bài này vào mùa đông năm 1942-1943, sau thất bại tại Xtalingrad. Hitle đã nhờ bá tước Bernadot là người đại diện của hội “Chữ thập đỏ” Thụy Sỹ đề nghị Xtalin đổi Iakov lấy thống chế Paolus. Đề nghị trên đã bị bác bỏ.
    Con gái của Xtalin là Xvetlana Allillueva, nhiều năm sau đã viết trong quyển sách của mình là “20 bức thư gửi bạn” như sau: “Mùa đông năm 42-43 bố tôi (Xtalin) đã bất ngờ nói với tôi trong một cuộc gặp hiếm hoi giữa hai bố con: “Người Đức đề nghị cha đổi Iasha (tên gọi âu yếm của Iakov-ND) lấy một người nào đó của chúng. Lẽ nào cha lại mặc cả với chúng! Chiến tranh là chiến tranh!”. Vài tháng sau buổi nói chuyện đó Iakov hy sinh.     
    Những hồi ức của nguyên soái Zukov
    Có quan điểm cho rằng lãnh tụ không muốn cứu con trai cả vì không có một tình cảm cha con thực sự ấm áp với Iakov và cho rằng con trai mình là bị suy nhược thần kinh và không thành đạt.
    Cũng cần phải nói rằng, quả thực I.Xtalin không trực tiếp tự mình dạy dỗ con trai cả. Iakov sinh năm 1907 và khi mới 6 tháng tuổi đã mồ côi mẹ. Mẹ của anh, người vợ đầu của Xtalin là Kato Svanhidze qua đời bị bệnh thương hàn và Iakov được bà đem về nuôi dưỡng .
    Cậu bé hầu như không biết gì về người cha- một người cách mạng hoạt động bí mật và mãi đến năm 1921, khi Xtalin đã là một nhân vật quan trọng ở Liên Xô lúc bấy giờ, anh mới được đưa về sống tại Matxcơva. Lúc này, Xtalin đã có người vợ thứ hai và đã có 2 con- Xvetlana và Vasili.
    Cậu bé Iakov 14 tuổi, lớn lên ở vùng sâu vùng xa, nói tiếng Nga rất kém, tỏ ra không sẵn sàng cho cuộc sống ở Matxcova trong gia đình mới của cha. Người ta nói rằng I.Xtalin luôn không hài lòng với việc học hành của Iakov- đầu tiên ở trường phổ thông, sau đó ở Trường đại học công nghệ, và cuối cùng là ở Học viện quân sự.
    Ông cũng không hài lòng với cuộc sống riêng trắc trở của Iakov. Khi chàng trai mới 18 tuổi, người cha đã cấm không cho cưới một cô gái mới 16 tuổi với một câu ngắn gọn “quá sớm”. Vì quá thất vọng, Iakov đã dùng súng tự sát nhưng may mắn thoát chết vì đạn sượt qua đầu.   
    Lúc đó Xtalin đã gọi Iakov là đồ “du côn và kẻ dọa dẫm” và xa lánh Iakov: “Kệ cho nó sống ở đâu và với ai mà nó muốn!”. Ông cũng không ủng hộ mối quan hệ của con mình với Olga Golưsheva quê ở thành phố Uriupinsk: Iakov làm cô này có con nhưng lại không cưới.    
    Năm 1936, khi con trai cả Xtalin chính thức đăng ký kết hôn với một nữ diễn viên múa của thành phố Odessa là Iulia Melser, vợ cũ của một nhân viên NKVD (Bộ nội vụ). Sau khi đôi vợ chồng trẻ sinh một cô con gái là Galia, Xtalin mới nguôi giận và cấp cho họ một căn hộ khá tiện nghi tại phố Grannoski (Matxcova).
    Vào năm 1941, sau khi Iakov bị bắt làm tù binh, Galia cũng bị bắt vì nghi ngờ là có liên lạc với tình báo Đức.   
    “Vợ của Iakov, có vẻ không phải là một con người đáng tin cậy,- Xtalin nói với con gái Xvetlana (chi tiết này được kể lại trong “ 20 bức thư gửi bạn”), - cần phải làm rõ việc này…. Còn  con gái của Iakov (Galia) hãy cứ để cháu ở chỗ con (Xvetlana). Trong khi mọi việc được cơ quan an ninh điều tra thì Iulia bị giam 2 năm nhưng cuối cùng cô cũng  được trả tự do.
    Người thực sự hiểu rõ là I.Xtalin rất yêu con trai đến mức nào chính là nguyên soái Zukov (lúc đó là phó Tổng tư lệnh tối cao và thường xuyên làm việc với I.Xtalin), trong hồi ký của mình ông đã kể lại một buổi nói chuyện không chính thức với Tổng tư lệnh tối cao (I.Xtalin) như sau:
    “Thưa đồng chí Xtalin, từ lâu tôi đã muốn biết về số phận của con trai đồng chí. Có tin tức gì về Iakov không?”- Zukov hỏi Xtalin.  Sau một khoảng thời gian im lặng rất lâu I. Xtalin trả lời với giọng nghẹn lại: “Iakov không trốn thoát được khỏi trại tù binh. Bọn phát xít đã bắn chết nó. Theo các tin tức thu thập được, quân Đức đã giam cách ly Iakov với các tù binh khác và tuyên truyền để nó phản bội tổ quốc”. Theo lời Zukov thì ông cảm thấy I. Xtalin rất đau buồn trước cái chết của con trai.          
    Bí mật của Ibarruri
    Có nhiều bằng chứng cho thấy là trên  thực tế I.Xtalin đã không hề phó mặc con trai mình cho số phận và đã nhiều lần tìm cách cứu Iakov ra khỏi trại tù binh. Đã có nhiều nhóm biệt kích được thả xuống lãnh thổ Đức để tìm cách giải cứu tù binh Iakov Dzugashvili .
    Một nhân chứng đã trực tiếp tham gia vào một trong các chiến dịch như vậy và hiện còn sống tại Anapa là Ivan Kotenhev đã  kể lại cho báo “Độc lập” về chiến dịch đó như sau: Nhóm biệt kích được máy bay bay đêm đưa vào lãnh thổ Đức. Nhóm này đã nhảy dù thành công vào sâu trong hậu phương quân Đức. Sau đó họ giấu dù, xóa sạch các dấu viết, đến tảng sáng thì đã nối được liên lạc với nhau. Quãng đường đến trại tập trung còn khoảng chừng 20 km… Bắt đầu công việc trinh sát cực kỳ khó khăn.   
    Cũng theo lời kể của Kotenhev thì khi đến nơi họ mới biết rằng Iakov đã được chuyển đến trại tập trung khác ngay trước đó. Cả nhóm được lệnh quay về. “Việc quay về khó khăn hơn nhiều, - và rất tiếc, nhóm cũng phải chịu tổn thất..”
    Chiến dịch thứ 2 cũng thất bại, và chiến dịch này đã được một nữ đảng viên cộng sản nổi tiếng người Tây Ban Nha Dololes Ibarruri kể lại trong hồi ký của mình. Theo Ibarruri, tham gia chiến dịch có một người Tây Ban Nha mang giấy tờ tùy thân tên một sỹ quan của “Sư đoàn xanh” của Franko .  
    Nhóm này được tung vào hậu phương của Đức năm 1942 để cứu Iakov từ trại tập trung Zaksenhauzen. Tất cả những người tham gia đều hy sinh.
    Vĩ thanh
    Ngày 14/04/1943, tù binh Iakov Dzugasgvili chạy ra khỏi phòng giam chung với một số tù binh quan trọng khác, lao vào hàng rào dây thép gai và hét lên “Hãy bắn tao đi!”. Lính canh đã bắn vào đầu Iakov.
    Mãi nhiều năm sau, khi có điều kiện tiếp cận với các hồ sơ cần thiết của phát xít Đức, người ta mới biết sự thật về cái chết của anh. Có lẽ chính vì vậy mà ngay sau chiến tranh mới có tin đồn là con trai Xtalin dù sao cũng đã được cứu sống.
    I.Xtalin chăm sóc con dâu Iulia và cháu nội Galia chu đáo cho đến tận khi ông mất. Theo lời kể của Galina Dzygashvili thì ông nội đối xử rất dịu dàng với cô và lúc nào cũng nói với cô về người cha đã hy sinh: “Cháu giống bố quá, giống bố quá…”          
    Lê Hùng
    Số phận bi kịch của con trai Stalin bị Phát xít Đức bắt
    27/05/2011 1437

    Tháng 4 năm 1943, Iacop Djugasvili-cón trai cả của Stalin đã chết trong trại tập trung Dacxenhauden của Đức. Số phận của Iacop dường như gắn với câu nói nổi tiếng đầy nghiệt ngã của Stalin: “Tôi không đánh đổi một thống soái lấy một người lính”.


    Iacop quả là người không may mắn, bị bắt làm tù binh ngay từ những ngày đầu tiên của chiến tranh, ngày 16 tháng 7 năm 1941, gần Vitebxk, khi sư đoàn tăng số 14, trong đó thượng uý Djugasvili chỉ huy đại đội pháo binh, đã rơi vào vòng vây của phát xít Đức.

    Anh tỏ ra rất can đảm khi làm tù binh 1 năm chín tháng mà không yêu cầu sự khoan dung của người Đức (mà họ thì chờ đợi điều đó và sự thật cũng đã mở lượng khoan hồng nếu đạt được cái giá thoả thuận từ anh) và không yêu cầu sự trợ giúp của bố (chính anh cũng hiểu rõ rằng điều đó là vô ích).


    Iacop giữa vòng vây quân Đức


    Iacop - đứa con “bán hoang dại” trong mắt cha

    Iacop sinh ngày 30 tháng 3 năm 1907, ở Bacu, từ cuộc hôn nhân đầu tiên của Stalin với Ekaterina Svanidze. Ekaterina là chị gái của Aliosa Svanidze, bạn cùng hoạt động bí mật với Stalin. Stalin rất yêu Ekaterina. Song chẳng bao lâu sau ngày cưới (lúc ấy Iacop chưa đầy tuổi ) Ekaterina đã chết vì bệnh nặng. Khi chôn cất bà, Stalin đã khóc. Rồi sau đấy không bao giờ người ta thấy ông khóc nữa. Tuy vậy, tình yêu của ông với Ekaterina cũng không ngăn cản việc ông sau này huỷ hoại gần như cả dòng họ Svanidze.

    Stalin có bốn người con trai. Ngoài Iacop và Vaxili (con trai của Stalin với Nadegiơda Allilueva - cuộc hôn nhân thứ hai của ông), ông còn hai người con ngoài giá thú: một người là kết quả của mối tình khi ông bị đi đày ở Xenvưregodoxk năm 1911 và một người, ở Turukhanxk năm 1917.

    Khi mà những người bên ngoại đưa Iacop đến chỗ cha ở Matxcova, ông đón tiếp con trai chẳng chút mặn mà. Iacop gần như không nói bằng tiếng Nga, vì thế Stalin đã gọi anh là “bán hoang dại”. Và anh đã cảm thấy mình hoàn toàn không thoải mái khi ở trong nhà của cha, nếu như không có người mẹ kế là Nadegiơda Allilueva (hơn anh có 10 tuổi) đã đón tiếp anh như người ruột thịt. Bà là một phụ nữ nghiêm túc.

    Ngay từ năm 1925 Iacop đã dự định lấy vợ, dường như anh muốn nhanh chóng rời khỏi mái nhà của cha và bắt đầu cuộc sống tự lập. Stalin cấm anh lấy vợ và nói rằng anh cần phải tốt nghiệp đại học.

    Sự lạnh lùng và áp lực của cha đối với Iacop đã làm anh quá bức bối và tìm đến cái chết. Anh tự sát trong phòng bếp, nhưng viên đạn đã không trúng đích. Stalin nổi giận tuyên bố với Nadegiơda: “Mặc nó sống ở đâu nó muốn và ở với ai nó muốn.”

    Iacop cùng Dôia của mình đến Leningrad. Hai người sống ở đó, trong nhà người thân của Nadegiơda. Iacop đã tốt nghiệp khoá học sửa chữa điện tử. Năm 1929 Dôia sinh con gái, không lâu sau cô bé bị chết. Sau sự kiện bi thảm đó, cuộc hôn nhân của họ bị tan vỡ.

    Dường như đầu hàng, Iacop quay về Matxcova, thi đỗ vào đại học giao thông. Người cha vẫn không tham dự vào công việc của anh như trước kia. Sau cuộc hôn nhân dầu tiên có kết thúc buồn thảm, rất lâu sau Iacop không lấy vợ, dù như người ta vẫn nói anh rất có duyên với phụ nữ.

    Quả thật, anh là người rất thú vị trong phong cách thời bấy giờ vì anh có vẻ đẹp lãng mạn, đặc biệt là đôi mắt, trong đó có cả nét sâu thẳm, cả sự dịu hiền pha lẫn nỗi buồn man mác. Đôi mắt này anh được thừa hưởng từ mẹ. Có lẽ phụ nữ say đắm anh vì những phẩm chất thực của anh, chứ không phải vì anh là con trai của Stalin

    Năm 1934, Iacop làm quen với cô gái xinh đẹp tên là Onga. Số phận đưa đẩy cho họ được gặp nhau. Onga từ Uriupinxk về Matxcova để thi vào trường kỹ thuật hàng không. Tại Matxcova cô đã quen với Iacop. Lúc này Nadegiơđa không còn nữa. Bà đã quyên sinh năm 1932.

    Từ mối quan hệ không hôn thú này cậu con trai Epgheni đã ra đời. Onga bỏ học ở trường kỹ thuật hàng không, trở về quê để sinh con, cho con mang họ mình. Không lâu sau Iacop nhắn tin đề nghị đổi họ của con trai sang họ mình. Và Onga đã làm theo.

    Nếu như Iacop tới năm 14 tuổi mới được gặp cha, thì Epgheni được gặp cha sớm hơn nhiều. Năm lên hai tuổi cậu đã được mẹ đưa về Matxcova để gặp cha. Song kể từ đó Epgheni không bao giờ được gặp cha nữa. Lúc này Iacop đã cưới nữ diễn viên Iulia Mentsep và họ đã có một cô con gái. Như Epgheni kể lại, người vợ mới của Iacop đã yêu cầu mẹ ông, bà Onga, để con trai mình lại Matxcova với gia đình của họ. Nhưng mẹ ông không bao giờ làm thế.

    Stalin thì không bao giờ chấp nhận Onga bởi nguồn gốc Do Thái của cô. Và khi Iacop bị bắt làm tù binh, Stalin đã ra lệnh bắt Onga.

    Ngay trước chiến tranh Iacop Djugasvili đã tốt nghiệp Học viện pháo binh của Hồng quân công nông (RKKA ), trở thành quân nhân chuyên nghiệp và được đưa ra mặt trận hai ngày sau khi quân Đức bội ước, tấn công Liên Xô.


    Xác Iacop bên hàng rào



    Thượng uý Iacop Djugasvili bắt đầu cuộc chiến đấu của mình ngày 27 tháng 6 năm 1941 sau khi tiếp nhận chỉ huy đại đội pháo của trung đoàn lựu pháo số 14. Đại đội của anh tác chiến trong dải tấn công của tập đoàn quân xe tăng số 4 thuộc cụm tập đoàn quân “Trung tâm” của Đức.

    Ngày 4 tháng 7 đại đội bị bao vây ở khu vực Vitebxk. Ngày 16 tháng 7 Iacop bị bắt làm tù binh. Chiến tranh đối với anh đã kết thúc, song những thử thách nghiệt ngã nhất đang chờ anh ở phía trước.

    “Người lính” Iacop đã bị "ruồng bỏ" như thế nào?

    Đối với Stalin - tổng tư lệnh - thì đây là đòn khủng khiếp nhất : bắt đầu chiến tranh đã thất bại nặng nề, đã thế lại trao vào tay đối phương một con bài tuyên truyền nữa.

    Khi vòng vây của quân Đức đã thít chặt Vitebxk, đại tá chỉ huy sư đoàn tăng số 14 (đại đội của Iacop nằm trong biên chế của sư đoàn này), đã lệnh riêng cho trưởng phòng đặc biệt đưa Iacop lên xe của mình thoát ra khỏi vòng vây, nhưng Iacop từ chối. Vài giờ sau xe quay lại lần nữa, kết quả vẫn vậy. Đó là ngày 11 tháng 7, khi ấy Vitebxk đã thất thủ .

    Việc Iacop bị bắt làm tù binh đã gây nên phản ứng dữ dội từ cả hai phía. Ngày 20 tháng 7 năm 1941 đài phát thanh Beclin đã phát đi bản tin: “Báo cáo từ ban tham mưu của thống soái Kliuge cho biết ngày 16 tháng 7 ở Liozno, Đông - Nam Vitebxk, binh lính quân đoàn cơ giới của tướng Smidt đã bắt được con trai của Stalin - thượng uý Iacop Djugasvili, chỉ huy đại đội pháo thuộc quân đoàn bộ binh số 7 của tướng Vinogradop”.

    Cũng trong ngày hôm ấy từ Tổng hành dinh đã đánh đi một bức mật mã: “Giucop ra lệnh ngay lập tức làm rõ và báo cáo về Bộ tư lệnh mặt trận: chỉ huy đại đội pháo của trung đoàn lựu pháo 14 sư đoàn tăng 14 - thượng uý Djugasvili Iacop Ioxiphovich đang ở đâu”.

    Từ đó thấy rõ rằng các nhân viên đặc biệt đã mất hoàn toàn dấu vết của Iacop từ vài ngày trước khi anh bị bắt và các cuộc tìm kiếm anh chỉ được khôi phục sau thông tin mà đài địch đã đưa.

    Vào lúc đó thì Iacop đã bị bắt được 4 ngày. Ngày 18 tháng 7 năm 1941 anh đã bị hỏi cung ở ban tham mưu của tướng Giunter phon Kliuge, tư lệnh tập đoàn quân xe tăng số 4, cụm tập đoàn quân “Trung tâm“( vài tuần sau ông ta đã trở thành tư lệnh cụm tập đoàn quân này).

    Iacop vẫn bình thường. Anh hiểu rõ rằng anh không phải là một tù binh bình thường, mà là một con bài trong trò chơi của các “ông lớn”. Và anh cũng chẳng chờ đợi sự giúp đỡ từ đâu cả.

    Ngày 19 tháng 7 năm 1941 Iacop được gửi thư cho bố. Anh viết rất ngắn gọn: “Bố kính mến! Con bị bắt làm tù binh. Con vẫn khoẻ và sắp tới sẽ được đưa đến 1 trong số các trại sĩ quan ở Đức. Giao tiếp bình thường. Con chúc bố khoẻ. Con gửi lời chào đến mọi người. Iacop”.

    Stalin nhận được thư này rất muộn màng, mãi vào ngày 7 tháng 8 năm 1941. Không phải ông nhận được, mà là biết được sự kiện bức thư từ Zđanop (lúc bấy giờ là uỷ viên Hội đồng quân sự phương diện quân Tây Bắc) còn Zđanop thì nhận được tờ truyền đơn của Đức có in bức thư này.

    Ngày 16 tháng 8 mệnh lệnh đáng buồn nổi tiếng số 270 của Tổng hành dinh Bộ tổng tư lệnh tối cao của Hồng quân, đã được ký, theo đó “những chỉ huy và chính trị viên đầu hàng quân thù” đã bị tuyên bố là “những kẻ đào ngũ cố ý, gia đình của họ sẽ bị bắt như gia đình của những kẻ đã vi phạm lời thề và phản bội tổ quốc của mình”.

    Chẳng phải ngẫu nhiên mà gần như ngay lập tức sau mệnh lệnh này, tháng 9 năm 1941, Iulia - vợ của Iacop đã bị bắt. Mùa xuân năm 1943 Iulia được ra khỏi tù, đầu bạc trắng.

    Mùa thu năm 1942 Iacop bị đưa đến Beclin, ngành tuyên truyền của Gobbens đã làm việc với anh ở đó. Người Đức thu xếp cho anh ở khách sạn đầy đủ tiện nghi, nhưng không thể đạt thêm được điều gì từ anh, ngoài cái đã đạt được từ trước: chụp được vẻ mặt thất thần của anh hồi tháng 7 và ghi lại được nhận xét của anh về tình trạng hỗn loạn trong các đơn vị Hồng quân.

    Đầu năm 1942 Iacop bị đưa vào trại tập trung, đó là trại sĩ quan “Oflag XIII- Đ” ở Hammelburg. Mùa xuân năm đó bị chuyển đến trại tập trung ở Liubec. Tại đây anh được gặp gỡ với một người tên Cazbegi, cũng là tù binh chính trị, vốn là quận vương ở Grudia. Lãnh đạo trại muốn Cazbegi gần gũi Iacop để tìm ra được chìa khoá, nhằm khám phá con người luôn lặng lẽ và trong tình trạng trầm cảm như anh.

    Sau chiến tranh Cazbegi đã để lại vài trang hồi ký ngắn ngủi về chân dung con người của Iacop Djugasvili. Anh ta viết rằng, Iacop đã từng thú nhận với anh ta là đã “yêu thầm” mẹ kế của mình- Nadegiơda Allilueva. Một vài lần Iacop nói về Nadegiơda: “Đó là một thiên thần, người duy nhất ngọt ngào và dịu dàng với tôi, sau mẹ…”

    Có tin rằng cuối năm 1942 Iacop lại bị đưa đến Beclin theo lệnh của Himmler, chính ông ta cùng Rodenberg đã gặp gỡ anh. Tháng 2 năm 1943 Iacop bị đưa đến trại tập trung Dacxenhauden, tới lán gỗ đặc biệt cùng con trai cựu thủ tướng Pháp Leon Blium và cháu họ của Churchill. Lúc ấy người Đức đã có ý định đánh đổi Iacop lấy thống soái Paulius (ông ta đã trở thành hàng binh ngày 31 tháng 1 năm 1943). Lời đề nghị này đã được chuyển qua chủ tịch Hội chữ thập đỏ Thuỵ Điển là công tước Becnadot.

    Câu trả lời của Stalin đã trở nên nổi tiếng: “Tôi không đánh đổi một thống soái lấy một người lính”. Câu chuyện này đã bay khắp thế giới, Iacop chắc chắn đã biết về nó qua hệ thống truyền thanh trong trại.

    Ngày14 tháng 4 năm 1943 Iacop Djugasvili đã chết trong hoàn cảnh chưa được làm rõ. Hoặc là anh bị bắn trong khi “có ý định bỏ trốn”. Hoặc là trước khi bị bắn anh đã kịp chạy tới hàng rào và chết vì bị điện cao thế giật khi chạm vào nó.

    Phản ứng của người cha thật đặc biệt: gần như ngay sau đó Iulia - vợ goá của Iacop, được thả ra khỏi nhà tù ở Quibưsep.

    Cuộc đời bi kịch của Iacop đã kết thúc như vậy. Cái chết đã là sự giải thoát đối với chính Iacop, đối với người vợ goá và đứa con gái bé nhỏ của anh.

    (Theo VTC/Tuyệt mật) 

    Xtalin trong ký ức của người con nuôi

    11:00 04/12/2007

    Người cha đẻ của Archiom Sergeiev là nhà cách mạng Fedor Sergeiev - lúc đó được các chiến hữu gọi là "Đồng chí Archiom". Năm 1921, ông bị mất vì  một tai nạn bất ngờ. Cậu bé Archiom được gia đình Xtalin cưu mang nuôi dưỡng.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét