Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

AN CHI GIẢI ĐÁP 39

 (ĐC sưu tầm trên NET)

Ngữ học của Bình Nguyên Lộc

Bạn đọc: Xin ông An Chi vui lòng nhận xét về phần “Ngôn ngữ” trong quyển “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” của Bình Nguyên Lộc (Bách Bộc xuất bản, 1971). Xin cảm ơn ông. Nguyễn Công Bình (Cầu Giấy, Hà Nội)
 

Học giả An Chi: Trong công trình này của Bình Nguyên Lộc (BNL) thì trực tiếp liên quan đến ngôn ngữ là phần E (“Ngôn ngữ tỷ hiệu”, tr.455-658) của Chương 5. Tại chương này, ta có thể có cảm tưởng như BNL tài tử hơn là nghiêm túc. Chẳng hạn ông đã viết:
“Có trường hợp ngôn ngữ đơn âm biến thành ngôn ngữ đa âm. Trường hợp này rất thường xảy ra và nếu ta muốn, tiếng Việt đã là tiếng đa âm từ lâu rồi (…….). Trong vòng 10 năm nay, ta thấy xuất hiện trên báo chí những tiếng như là lành - mạnh - hóa chẳng hạn mà có người nói là từ ngữ, có người cho là động từ ghép, chỉ vì có hai gạch nối liền, chứ bỏ hai gạch đó, viết dính nó lại thì đó là một tiếng đa âm chứ không có gì lạ” (Sđd, tr.465-66).
Lập luận của BNL cực kỳ giản dị và kỳ dị: Có gạch nối thì “lành mạnh hóa” (lành-mạnh-hóa) là từ ngừ, là động từ ghép; Không có gạch nối mà viết dính liền (lànhmạnhhóa) thì “lành mạnh hóa” là một tiếng đa-âm. Nhưng đây chỉ là chuyện hình thức thuần túy chứ không phải là bản chất của hiện tượng: Dù ta có viết dính liền hay dùng hai gạch nối thì bản chất của “lành mạnh hóa” cũng không thay đổi. Thực chất thì “lành mạnh hóa” là  ba tiếng (âm tiết) trong  đó “lành”, “mạnh” và “hóa” đều là từ nên nếu có viết liền (thành lànhmạnhhóa) thì đó vẫn là ba từ chứ không phải là một “tiếng đa-âm”. Ngay cái từ “tiếng” cũng không được BNL dùng một cách rõ ràng dứt khoát. Trong ngữ học, từ này có hai nghĩa: 1. âm tiết (syllable); 2. từ (word). Cứ theo cách diễn đạt của BNL, ta cũng khó biết ông muốn dùng nghĩa nào của nó trong ngữ đoạn “những tiếng như là lành-mạnh-hóa” và nghĩa nào trong “là một tiếng đa-âm”.
Phải nói rằng trong sách của mình, có những chỗ BNL cho thấy kiến thức ngữ học của ông rất mơ hồ, chẳng hạn trong đoạn sau đây:
“Người Mỹ mới tới sau, không biết gì hết về chủng tộc học và ngôn ngữ học xứ này, cũng bắt chước Pháp mà cho rằng người Thượng là người Cao Miên, khi họ đưa những nghĩa quân Thượng luyện tập trong lãnh thổ của ta cho Cao Miên.
“Cái hội bác học của Mỹ, hội Summer Institute of Linguistic (sic) ở Saigon, cũng chỉ nhai lại các sách xuyên tạc của Pháp khi họ xuất bản quyển “A Study of Middle Vietnamese Phonology” tại Saigon” (Sđd, tr.470).
Trích đoạn trên đây chứng tỏ BNL chưa hề biết đến thiên nghiên cứu “A Study of Middle Vietnamese Phonology” của Kenneth J. Gregerson, in lần đầu tiên trong Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises (Nouvelle série, Tome XLIV, No. 2, pp. 135-193), sau đó đã được in lại tại Dallas (Texas, USA) năm 1981. Trong công trình này, Gregerson phân tích về các âm vị của tiếng Việt thời Trung đại (Middle Vietnamese) chứ liên quan gì đến tiếng nói của người Thượng? BNL đã hiểu sai “Middle” ở đây là “Trung Phần (Việt Nam)”. Nhưng cứ cho rằng “Middle Vietnamese” là “tiếng Việt miền Trung”, tức phương ngữ Trung Bộ thì nó cũng đâu có dính dáng gì đến tiếng nói của người Thượng. Cách hiểu từ ngữ của BNL rất lơ mơ; nói về chữ “Cái” (vẫn được giải nghĩa là “mẹ”) trong tôn hiệu “Bố Cái Đại Vương”, ông viết:
“Con của ông Phùng Hưng chỉ xây đền thờ cho cha, mẹ ông ấy không có làm gì cả ngoài việc nội trợ, thì không có lý nào mà ông ấy gộp mẹ vào chức Đại Vương được hết” (Sđd, tr.477).
Nhưng con của Phùng Hưng nào có đưa mẹ của mình vào tôn hiệu “Bố Cái Đại Vương” vì “cái” ( = mẹ) ở đây chỉ là ẩn dụ chứ đâu phải được hiểu theo nghĩa đen. Cũng như khi dân chúng thời xưa nói rằng “quan là cha mẹ của dân” (dân chi phụ mẫu) thì họ cũng đâu có đưa cha, đưa mẹ của họ vào cái ngữ đoạn đó.
Cũng với cái cách hiểu sai từ ngữ trên đây, BNL đã hiểu sai từ “bông” trong hai câu ca dao:
Bao giờ đến tháng giêng hai
Trồng bông, trồng đậu, trồng khoai kịp thì
BNL cho rằng “bông” ở đây là “hoa” (Sđd, tr.516) còn chúng tôi thì xin thưa rằng đây là “bông vải”. BNL còn “bóp méo” chữ nghĩa để chứng minh cho luận điểm của mình nữa. Ông viết:
“Tên Đồng Nai không phải là tên Việt Nam đâu. Đó là tên của Mạ, họ gọi con sông đó là Đạ Đờng (…..). Vậy sông Đồng Nai chỉ là sông Đờng mà lưu vực có nhiều nai, chớ không phải đồng bằng có nhiều nai, như ta hiểu theo nghĩa ngày nay” (Sđd, tr.532-33).
Nhưng rất thú vị là chính BNL cũng “hiểu theo nghĩa ngày nay” nên mới lấy bút hiệu là “Bình Nguyên [ = đồng] Lộc [ = nai]”.
BNL cũng rất sai khi chê Georges Coedès. Ông viết: “Mặc dù là Viện trưởng của Viện Viễn Đông bác cổ, ông G. Coedès còn dốt ngữ học hơn đàn em của ông nhiều lắm trong cái Viện đó”. Chúng tôi đành mạn phép hỗn xược với BNL - ông là cậu của một người bạn thân của chúng tôi - mà nói rằng có lẽ G. Coedes không dốt hơn BNL về mặt ngữ học đâu.
Nói chung, hơn 200 trang “Ngôn ngữ tỷ hiệu” trong sách của BNL có nhiều chỗ cần thảo luận mà trên đây chúng tôi chỉ nêu một số chỗ. Riêng về mặt từ nguyên, có những trường hợp là từ Việt gốc Hán hiển nhiên nhưng BNL cũng gán vào nguồn gốc Mã Lai. Sau đây là một số thí dụ:
- “Ngoài” (tr.568) là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [�] mà âm Hán Việt hiện hành là “ngoại”, có nghĩa là… “ngoài”.
- “Kiềng” (tr.571) là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [檠] mà âm Hán Việt hiện hành là “kình”, có nghĩa là “chân để kê đèn”.
- “Tê” (tr.573) trong “tê liệt” là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [痹], có nghĩa là… “liệt”, “không cử động được”.
- “Bố” (tr.573) là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [�], mà âm Hán Việt hiện hành là “phụ”, có nghĩa là… “bố”. Lý do hiển nhiên là chữ “phụ” [�] này vốn là một chữ mà thanh phù là “bố” [�].
- “Bạn” (tr.577) là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [�], có nghĩa là “người chơi với mình”.
- “Khố” (tr.591) là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [褲], có nghĩa là “quần”.
- “Mùi” là âm xưa của hai chữ “vị” [�], [�] mà chúng tôi đã từng chứng minh.
V.v… và v.v...
Tóm lại, theo chúng tôi, phần “Ngôn ngữ tỷ hiệu” thuộc Chương 5 trong Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam không thể được xem là có tính chất khoa học nghiêm túc và chặt chẽ.

Nguồn:

HÁN - VIỆT là gì?

Bạn đọc: Xin nhờ ông An Chi giải thích về khái niệm “Hán - Việt”. Tại sao lại gọi như thế? Xin cảm ơn ông.
TĐQ (Trường ĐH KHXH & NV - TPHCM)
 

Học giả An Chi: Nguyễn Tài Cẩn có viết: “Hiện nay, nếu không kể những cách đọc khác nhau ở trong các địa phương Trung Quốc, thì ít nhất cũng phải tính đến mấy cách đọc chữ Hán có tầm quan trọng sau đây: Cách đọc chính thức theo âm Bạch thoại ở Trung Quốc, cách đọc ở Triều Tiên, hai cách đọc Go-on (Ngô âm), Kan-on (Hán âm) ở Nhật Bản, và cuối cùng là cách đọc thường được gọi là Hán - Việt ở những vùng thuộc địa bàn văn hóa của người Việt.
“Cách đọc Hán - Việt thường được giải thích một cách khá đơn giản là cách đọc chữ Hán ở Việt Nam, theo lối đọc riêng của người Việt. Kể ra với một nội dung hiểu như thế mà đặt ra thuật ngữ “cách đọc Hán - Việt” thì quả cũng có điều chưa thực ổn. Nhưng vì thuật ngữ đã quá quen thuộc nên ta vẫn tạm dùng”    (Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tr.12-13).
Ở đây, chúng tôi chưa bàn kỹ về nội dung của thuật ngữ được nói đến, mà bàn về chính cái tên của nó và xin nói ngay rằng đây là một cách đặt tên không hợp lý mặc dù, cho đến nay, như mọi người, chính chúng tôi cũng “vẫn tạm dùng” nó. Cách đặt tên này ra đời với mấy ông Tây từ thời còn mồ ma của thực dân Pháp ở Đông Dương. Đó là “sino-annamite” (Hán-An Nam), rồi sau đổi thành “sino-vietnamien” (Hán-Việt[Nam]), mà ta đã nói theo thành “Hán-Việt” (Một số tác giả không dùng gạch nối) cho đến hiện nay.
Thực ra, sự tồn tại của “sino-annamite” là điều hợp lý cho nhiều trường hợp vì sự cần thiết của nó, chẳng hạn trong tên quyển sách dịch của Jean-Gabriel Devéria, ra đời cách đây gần 130 năm, nhan đề La frontière sino-annamite - Description géographique et ethnographique d’après des documents officiels chinois traduits pour la première fois (Ernest Leroux, Paris, 1886), hoặc trong cú đoạn “Unions between such immigrants and Indo-Chinese, especially between Chinese or French, have produced various hybrid groups, such as the Minh-Huong, a Sino-Annamite cross […]” tại tr.133 của Indo-China - Geographical Handbook Series. B.R. 510 (Naval Intelligence Division, 1943).
Tên quyển sách của Devéria là “Biên giới Tàu-An Nam - Miêu tả về địa lý và dân tộc học dựa theo [những] tài liệu chính thức của Tàu, biên dịch lần đầu tiên”. Còn nghĩa của đoạn văn trong Indo-China là “Hôn phối giữa những người nhập cư đó, đặc biệt là của người Tàu hoặc người Pháp, với người Đông Dương, đã sản sinh ra những nhóm lai khác nhau, chẳng hạn [nhóm] Minh Hương, một [kiểu] lai [giữa] Tàu [và] An Nam […]”. Cứ như trên thì việc sử dụng tính từ “sino-annamite” (trong tiếng Pháp) hoặc “Sino-Annamite” (trong tiếng Anh) ở đây là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Lý do: Ở đây, về mặt ngữ pháp, thì “sino/Sino” và “annamite/Annamite” đều đẳng lập, nghĩa là ngang hàng với nhau về mặt cú pháp và trên thực tế thì “sino/Sino” và “annamite/Annamite” là hai thành phần quốc gia hay dân tộc đều có vai trò ngang nhau (về biên giới hay về kết quả hôn phối) trong khái niệm được tạo thành.
Nhưng một vài tên tuổi lớn, người Pháp, trong giới Việt ngữ học đã bắt đầu  làm hỏng nó khi họ dùng nó để chỉ các yếu tố gốc Hán trong tiếng Việt, chẳng hạn Léopold Cadière trong “Monographie de a, voyelle finale non-accentuée, en annamite et en sino-annamite” (BEFEO, Année 1904, Vol. 4,  No 1,  pp. 1065-1081) hoặc Henri Maspéro trong Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite - Les initiales (Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi, 1912). Hai tác giả này đã xài “sino-annamite” một cách vô tư mà quên mất rằng cái cách dùng kiểu “cặp đôi” này chỉ có thể “hoàn hảo” khi nó dùng để chỉ hai thành tố đồng đẳng, chẳng hạn “indo-européen” (Ấn-Âu), (ban đầu là “indo-germanique” [Ấn - Nhật Nhĩ Man]) mà ta có thể thấy trong công trình hầu như đã trở thành kinh điển của Antoine Meillet, nhan đề Introduction à l’étude comparative des langues indo-européennes (Dẫn nhập [vào việc] nghiên cứu [mang tính] so sánh [về] các ngôn ngữ Ấn - Âu). Ở đây, “Ấn” (indo) và “Âu” (européen[nes]) là hai thành phần đồng đẳng nên đã được Meillet định nghĩa như sau:
“Một số ngôn ngữ bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 2000 tr. CN, từ xứ Ấn Độ (Hindoustan) ở phía đông cho đến bờ biển Đại Tây Dương ở phía tây, và từ vùng Scandinavia ở phía bắc cho đến vùng Địa Trung Hải ở phía nam [……..]: Ấn - Iran, Baltic, Slave, Albania, Armenia, Hy Lạp, Germanic, Celtic, Italic (La Tinh)” (Ấn bản của University of Alabama Press, in lần thứ 4, 1969, tr.35).
“Ấn” (indo) là đại diện của nhánh Ấn - Iran (indo-iranien) còn “Âu” là đại diện cho các nhánh còn lại thuộc châu Âu. Sở dĩ chúng tôi nêu công trình của ông Tây Meillet là để phản bác Cadière và Maspéro, cũng là Tây, mà lại là hai ông Tây thuộc hàng tiên phong trong cách xài chữ bất hợp lý chứ chẳng cần đến tiếng Tây thì tiếng ta cũng có khối thí dụ để minh họa, mà trường hợp sát sườn là chính cấu trúc đẳng lập “Hán-Việt” trong các tên sách như Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán-Việt tự điển của Thiều Chửu, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng, v.v... Ở đây, Hán và Việt là hai thành phần đồng đẳng vì cả tiếng Hán lẫn tiếng Việt đều có mặt trong những quyển từ điển đó. Chứ trong các cấu trúc như “yếu tố Hán Việt”, “hình vị Hán Việt” hoặc “từ Hán Việt” thì ta chỉ có tiếng Việt trơ trọi mà thôi (chẳng có tiếng Tàu nào trong đó).
Hẳn sẽ có người bắt bẻ chúng tôi rằng trong ba quyển từ điển kể trên cũng có tiếng Tàu nào đâu. Xin thưa là có chứ: đó là những chữ Hán đứng làm đầu mục từ mà ta cần tra để biết âm Hán Việt (lại “Hán Việt”!) và nghĩa của nó. Chính vì thế nên Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh mới được dịch thành Dictionnaire sino-vietnamien, với tính cách là từ điển gồm hai thành phần ngôn ngữ (lưỡng ngữ : bilingue), chẳng hạn trong Références bibliographiques d’histoire du Việt Nam (Ébauche de février 2004) của Quach Thanh Tâm và Langlet Philippe, trong đó ta có thể thấy:
“Ðào Duy Anh (…). Hán Việt từ điển giản yếu (Dictionnaire sino-vietnamien abrégé). Hà Nội, 1932, 2 vol. 592 et 605 p., réédition en 1 vol., Sài Gòn, Trương Thi, 1957; (…)”.
Cứ như trên thì hiển nhiên hai tiếng “Hán Việt” trong “âm Hán Việt”, “hình vị Hán Việt”, “từ Hán Việt” là một cách mệnh danh hoàn toàn không thỏa đáng. Tiếc rằng nó lại còn được “phát huy” thêm với thiên “Hán Việt ngữ nghiên cứu” của Vương Lực, viết năm 1948, sau đó được in trong Hán ngữ sử luận văn tập (Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.290-406). Trong thiên nghiên cứu này, Vương Lực đã đề ra mấy khái niệm: Hán Việt, Cổ Hán Việt và Hán Việt Việt hóa, mà Nguyễn Tài Cẩn cũng mặc nhận: “Ít nhất ở ta cũng có một khối lượng đáng kể những chữ hoặc vừa có cách đọc Hán - Việt, vừa có cách đọc Cổ Hán - Việt, hoặc vừa có cách đọc Hán - Việt, vừa có cách đọc Hán - Việt Việt hóa (cách này tương đương với cách đọc gọi là Quán âm ở Nhật Bản” (Sđd, tr.13).
Bản thân cách gọi “Hán Việt” đã là phi lý mà cách phân loại của Vương Lực thành ba thứ trên đây thì lại càng kỳ dị. Trong cả ba khái niệm mà ông ta đưa ra thì chẳng có cái nào là không Việt hóa; thế mà lại còn có thứ “Hán Việt Việt hóa” thì chẳng phải là chuyên tếu táo hay sao? Ấy vậy mà giới Việt ngữ học Việt Nam - An Chi chỉ là kẻ ngoại giới - cũng cứ bình thản nói theo, từ mấy ông Tây cho đến anh Tàu. Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc các nhà Việt ngữ học người Việt Nam nên xét lại những cách gọi phi lý trên đây để đặt cho chúng những cái tên mới, thích hợp hơn và xác đáng hơn.

Nguồn:

Cần đổi tên các loại “Hán Việt”

Bạn đọc: Trong bài “Hán Việt là gì?” trên Năng lượng Mới số 466 (16-10-2015), ông An Chi có cho biết rằng, Vương Lực đã đề ra mấy khái niệm: Hán Việt, Cổ Hán Việt và Hán Việt Việt hóa, mà GS Nguyễn Tài Cẩn cũng mặc nhận. Rồi ông kết luận:
“Bản thân cách gọi “Hán Việt” đã là phi lý mà cách phân loại của Vương Lực thành ba thứ trên đây thì lại càng kỳ dị. Trong cả ba khái niệm mà ông ta đưa ra thì chẳng có cái nào là không Việt hóa; thế mà lại còn có thứ “Hán Việt Việt hóa” thì chẳng phải là chuyên tếu táo hay sao? (...) Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc các nhà Việt ngữ học người Việt Nam nên xét lại những cách gọi phi lý trên đây để đặt cho chúng những cái tên mới, thích hợp hơn và xác đáng hơn”.
Vậy riêng ông thì ông định đặt tên như thế nào? Xin cảm ơn ông. TĐQ (Trường ĐH KH-XH&NV - TP HCM)

Học giả An Chi: Trong phần kết luận của mình, chúng tôi đã xác định An Chi là người ngoại giới nhưng bạn đã “chất vấn” thì chúng tôi cũng xin thẳng thắn trả lời như sau.
Trước nhất, như đã nói trên Năng lượng Mới số 466, không có cái thứ gì gọi là “Hán Việt” cả mà chỉ có các thứ “Việt gốc Hán”. Cả ba khái niệm “Hán Việt”, “Cổ Hán Việt” và “Hán Việt Việt hóa” tuy là do Vương Lực đề ra trong thiên “Hán Việt ngữ nghiên cứu” (Hán ngữ sử luận văn tập, Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.290-406) nhưng tên gọi của cái thứ ba là do các nhà Việt ngữ học người Việt Nam “diễn Nôm” chứ Vương Lực thì đặt khác. Nhà tiên phong của ngành Hán Nôm Việt Nam là Nguyễn Tài Cẩn đã chấp nhận cách “diễn Nôm” này như có thể thấy xuất hiện nhiều lần trong “Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt” của ông (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979).
Nhưng cái tên cúng cơm của khái niệm thứ ba mà Vương Lực đã đặt ra thì lại là “Hán ngữ Việt hóa”. Có vẻ như, ở đây, anh Tàu được các ông Tây đào tạo này (Vương Lực tốt nghiệp ở Pháp và là học trò của Joseph Vendryes) có cái quán tính là nói theo các ông thầy về mấy tiếng “sino-annamite/vietnamien” và cái ẩn ý là cứ phải gắn thật chặt tiếng Ta vào tiếng Tàu, khiến cho tiếng Việt phải có phần ngang hàng hoặc lấn lướt của tiếng Hán ở trong nó. Xin nhớ rằng“sino-annamite/vietnamien” là một tính từ kép gồm có hai thành phần (Xin xem lại bài của AC trên Năng lượng Mới số 466) và xin các nhà “Hàn Việt” học vui lòng giác ngộ rằng “Hán ngữ Việt hóa” thì đích thị là “tiếng Hán bị/được Việt hóa”, hiểu ngầm rằng tiếng Việt chẳng qua là tiếng Hán địa phương hóa mà thôi.
Nếu Vương Lực quả tình không có cái dụng ý đó thì ta chỉ còn có thể nói rằng ông ta dốt tiếng mẹ đẻ (Tàu không biết tiếng Tàu) vì “Hán ngữ” mà dịch sang tiếng Pháp thì chỉ có thể là “langue chinoise” (còn tiếng Anh là “Chinese language”) chứ không thể là gì khác. “Ngữ” trong cấu trúc “Hán ngữ Việt hóa” không phải là một bộ phận nào của ngôn ngữ, mà là chính nó (ngôn ngữ) với ba hệ thống: Ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng (ngôn ngữ là một hệ thống của những hệ thống).
Còn cái gọi là “Hán ngữ Việt hóa” của Vương Lực thực chất chỉ liên quan đến mặt ngữ âm của một số chữ Tàu (Hán tự) mà người Việt đã bắt đầu đọc vào một thời điểm và vì một nguyên nhân không/chưa xác định được nên nó không thể “xứng tầm” với danh hiệu (“Hán ngữ”) mà Vương Lực đã ban cho với một sự hào phóng đại phi lý hoặc vì một dụng ý đen tối phù hợp với mộng xâm lược đáng phỉ nhổ của Mao Trạch Đông.
Ngoài ra, cách phân loại của Vương Lực còn phản luận lý ở chỗ cả “Hán Việt”, “Cổ Hán Việt” và “Hán Việt Việt hóa” đều là “Hán Việt” nhưng “Hán Việt” (của Vương Lực) lại giành lấy cái tên chung trong khi nó phải là một thứ “Hán Việt X” để cho ông ta có thể nói một cách thuận miệng rằng “Hán Việt” gồm có 3 loại: - 1. Hán Việt X, - 2. Cổ Hán Việt, - 3. Hán Việt Việt hóa. Tiếc rằng, những nhà tiên phong trong lĩnh vực “Hán Việt” của Việt Nam cứ để như thế mà nói theo chứ không chịu/dám phê phán cái cách phân chia đại phi lý đó để cách cái mạng của nó.
Còn về phần mình thì chúng tôi xin trình bày như sau. Cái gọi là “Hán Việt” thì chúng tôi gọi là “(hình vị/từ/yếu tố) Việt gốc Hán”. “Việt gốc Hán” thì chia làm:
1. “Gốc Hán trước [đời] Đường”, tức là cái mà Vương Lực gọi là “Cổ Hán Việt”;
2. “Gốc Hán đời Đường”, tức là cái mà Vương Lực gọi là “Hán Việt”;
3. “Gốc Hán từ cuối đời Nguyên trở đi”, không nhiều nhưng khó phủ nhận (xin xem Nguyễn Tài Cẩn,  Sđd, Chương thứ ba);
4. “Gốc Hán không/chưa xác định thời điểm/nguyên nhân”, tức cái mà Vương Lực gọi là “Hán ngữ Việt hóa” còn ta thì gọi là “Hán Việt Việt hóa”.
Dĩ nhiên là ta có thể hoặc cần tìm cách gọi gọn hơn nhưng cách phân chia của chúng tôi thì dứt khoát là như thế. Nhân tiện, xin nhấn mạnh rằng những “lục tầu xá”, “phá xáng”, “xì dầu”, v.v… (của tiếng Quảng Đông) hoặc “hia”, “tía”, “toa [đơn thuốc]”, v.v... (của tiếng Triều Châu) tuyệt đối chẳng có vai trò gì ở đây vì chúng tuyệt đối không dính dáng gì đến cách đọc chữ Hán của người Việt.


Nguồn:

Correspondant chỉ là thông tín viên

Bạn đọc: Mới đây, Tạp chí Xưa & Nay số 472 (Tháng 6-2016) có bài “Tổng kết hội thảo Bình Định với chữ quốc ngữ” của tác giả Phan Huy Lê (tr.7-12). Không thấy ông Phan Huy Lê tự xưng mình là gì nhưng trong lời giới thiệu bài viết thì Ban Biên tập đã dùng cụm từ viết tắt GS.VS.NGND để xưng tụng ông Phan Huy Lê. Nếu viết đầy đủ thì những chữ tắt này hẳn phải là “Giáo sư - Viện sĩ - Nhà giáo Nhân dân”. Xin ông An Chi cho biết ông Phan Huy Lê là viện sĩ của viện gì, ở trong nước hay ở nước ngoài? Xin cảm ơn. Năm Tò Mò (Bình Thạnh, TP HCM)
 

Học giả An Chi: Tháng 5-2011, GS Phan Huy Lê được bầu làm “correspondant étranger” của AIBL (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres), tức Viện Hàn lâm Minh văn và Văn chương của Pháp. Về vấn đề này, chúng tôi cũng có nhận xét sơ qua trên Báo Năng lượng Mới số 208 (29-3-2013). Nay xin nói rõ thêm như sau.
Thực ra thì, ngay từ đầu, trên số 383, tờ Xưa & Nay cũng chỉ gọi GS Phan Huy Lê là “thông tín viên” - một cách dịch hoàn toàn chính xác để chuyển ngữ danh từ “correspondant” từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Rồi, đùng một cái và ngay sau đó, trên số 384 thì tờ tạp chí này đã đổi tông mà gọi ông ấy là “viện sĩ thông tấn” (Bìa và tr.16-17), với lời phân trần nơi cước chú:
“Membre correspondant étranger de l’Académie: Trên Xưa & Nay số 383, chúng tôi sử dụng cách dịch cũ từ những năm 1930 là “thông tín viên nước ngoài”, khi thuật ngữ “Viện sĩ thông tấn” chưa phổ biến trong tiếng Việt. Nay xin được sửa lại cho chính xác là: Viện sĩ thông tấn nước ngoài”.
Nếu Ban Biên tập Xưa và Nay thật lòng muốn chính xác, nhất là muốn trung thực, thì các vị phải thấy rằng AIBL của Pháp không có chức danh “Viện sĩ thông tấn”; nó chỉ có “thông tín viên” mà thôi. Viện này đã ghi rõ ràng:
“L’Académie des Inscriptions et Belles-Lettres se compose de cinquante-cinq académiciens de nationalité française et de quarante associés étrangers. Elle comprend également cinquante correspondants français et cinquante correspondants étrangers”. Nghĩa là:
“Viện Hàn lâm Minh văn và Văn chương bao gồm 55 viện sĩ thuộc quốc tịch Pháp và 40 phối hợp viên người nước ngoài. Viện cũng gồm có 50 thông tín viên người Pháp và năm mươi thông tín viên người nước ngoài”.
Tin tức về công tác của AIBL cũng được ghi rõ là “Activités des membres et correspondants”, nghĩa là “Hoạt động của các thành viên (theo nghĩa hẹp của “membre” để chỉ “viện sĩ”) và thông tín viên”, tại đây các thành viên (tức viện sĩ), các phối hợp viên và các thông tín viên đều được ghi rõ để phân biệt. Thí dụ:
1. “Le 20 juin, M. Denis Knoepfler, associé étranger de l’AIBL […]” (Ngày 20-6, Ô. Denis Knoepfler, phối hợp viên người nước ngoài của AIBL […]”.
2. “M. Jean-Paul Morel, correspondant de l’Académie […]” (Ô. Jean-Paul Morel, thông tín viên của Viện Hàn lâm […]).
3. “Le 2 décembre, M. Dominique Briquel, correspondant de l’AIBL […]” (Ngày 2 tháng Mười hai, ông Dominique Briquel, thông tín viên của AIBL […]).
4. “M. Franciscus Verellen, membre de l’AIBL et directeur de l’École française d’Extrême-Orient […]” (ông Franciscus Verellen, thành viên (= viện sĩ - AC) của AIBL và giám đốc Trường Viễn Đông [Bác cổ] của Pháp […]).
5. “[…] M. Jean-Pierre Babelon, membre de l’AIBL […]” (Ô. Jean-Pierre Babelon, thành viên ( = viện sĩ - AC) của AIBL).
6. “[…] M. Emilio Marin, ambassadeur de Croatie près le Saint-Siège et membre associé de l’Académie […]” (ông Emilio Marin, đại sứ Croatia bên cạnh Toà Thánh [La Mã] và thành viên ( = viện sĩ - AC) phối hợp của Viện Hàn lâm […]).
7. “M. Jean-Pierre Mahé, membre de l’Académie […]” (ông Jean-Pierre Mahé, thành viên ( = viện sĩ - AC) của Viện Hàn lâm […]).
8. “M. Henri Lavagne, correspondant français de l’Académie […]” (ông Henri Lavagne, thông tín viên người Pháp của Viện Hàn lâm […]).
9. “Mme Colette Caillat, membre de l’Académie, et M. Oskar von Hinüber, correspondant étranger […]” (Bà Colette Caillat, thành viên (= viện sĩ - AC) của Viện Hàn lâm và ông Oskar von Hinüber, thông tín viên người nước ngoài […]).
Đặc biệt:
10. “Le vendredi 30 septembre 2011, M. Phan Huy Lê, historien du Vietnam et correspondant de l’AIBL, a présenté, sous le patronage de M. Franciscus Verellen une communication lors de sa séance […]” (Ngày thứ Sáu 30-9-2011, với sự bảo trợ của ông Franciscus Verellen, ông Phan Huy Lê, sử gia của Việt Nam và thông tín viên của AIBL, đã trình bày […]).
Nguồn:

Correspondant chỉ là thông tín viên (Kỳ 2)

Cứ theo 10 dẫn chứng trên đây thì “viện sĩ” (académicien) và “thông tín viên” là hai khái niệm riêng biệt , không thể trộn lẫn trong ngôn từ và cơ cấu của AIBL.

Cứ theo 10 dẫn chứng trên đây thì “viện sĩ” (académicien) và “thông tín viên” là hai khái niệm riêng biệt , không thể trộn lẫn trong ngôn từ và cơ cấu của AIBL. “Membre”, hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ dùng khi nói về viện sĩ (académicien). AIBL đã quy định rõ như sau:
“Quant aux correspondants, ils assurent un rôle de relais de l’information scientifique auprès de l’Académie et participent à sa vie et à ses travaux; choisis par les académiciens, ils constituent un vivier de personnalités de premier plan parmi lesquelles l’Académie a pris l’habitude de recruter souvent ses nouveaux membres”. Nghĩa là:
“Còn về các thông tín viên, họ bảo đảm một vai trò chuyển tiếp thông tin khoa học bên cạnh Viện Hàn lâm và tham dự sinh hoạt và các công việc của nó; được các viện sĩ lựa chọn, họ làm thành một nguồn cung cấp các nhân vật hàng đầu trong đó Viện Hàn lâm thường có thói quen tuyển trạch những thành viên (= viện sĩ) mới cho Viện”.
Quy định trên đây cho thấy khoảng cách cụ thể và rõ ràng giữa viện sĩ và thông tín viên của AIBL, không thể lẫn lộn được. Lời cước chú trên kia của Xưa & Nay, với mấy chữ “membre correspondant étranger de l’Académie” khiến chúng tôi thắc mắc vì thư thông báo đề ngày 27-5-2011 của ông Jean Laclant gửi GS Phan Huy Lê chỉ có mấy chữ “correspondant étranger” chứ không có chữ “membre” đằng trước. Sau đây là đoạn hữu quan:
“J’ai l’honneur de porter à votre connaissance que l’Académie des Inscriptions et Belles-Lettres dans sa séance de vendredi 27 mai 2011 vous a nommé Correspondant étranger au fauteuil précédemment occupé par Francisco Rico.” (Tôi hân hạnh báo để ông được biết là trong phiên họp ngày 27-5-2011, Viện Hàn lâm Minh văn và Văn chương đã bổ nhiệm ông làm Thông tín viên người nước ngoài vào vị trí trước đây do Francisco Rico nắm giữ).
“Membre correspondant étranger” (thành viên thông tấn người nước ngoài) có thể có ở những viện khác, chẳng hạn như Académie de Médecine (của Pháp), để phân biệt với “membre correspondant national” (thành viên thông tấn người trong nước), chứ với AIBL thì không thấy. Với Viện Hàn lâm này, chỉ có “correspondant étranger” và đây dứt khoát không phải chỉ là chuyện từ ngữ thuần túy.
Không chỉ có Ban Biên tập Xưa & Nay mới thêm từ “membre” trước hai từ “correspondant étranger”, mà một văn bản của EFEO (Ecole française d’Extrême-Orient) cũng làm như vậy. Đó là trang Imagerie populaire du Vietnam - Triptyque / Tranh dân gian Việt Nam - Tranh bộ ba với bài “Petite histoire d’un manuscrit enluminé - Câu chuyện nhỏ về một bản thảo được tô màu (http://tuvietfr.com/wp-content/uploads/2015/01/Luc-Van-Tien-Extrait-expo-2_13-14.pdf). Sau đây là câu hữu quan: “C’est à l’occasion de l’allocution du professeur Phan Huy Lê, élu membre correspondant étranger (Chúng tôi nhấn mạnh - AC) à l’AIBL, que l’œuvre est redécouverte le 30 septembre 2011”.
EFEO là một cơ quan văn hóa có uy tín từ hơn 100 năm nay, không chỉ tại Việt Nam. Việc cơ quan này sử dụng danh ngữ “membre correspondant étranger” để nói về nhân sự của AIBL mâu thuẫn với cách dùng từ để chỉ các chức danh của chính cơ quan này. Tình trạng này thực sự bất lợi cho việc giao lưu văn hóa đa phương (giữa EFEO với AIBL, giữa EFEO [có văn phòng ở Hà Nội và TP HCM] và AIBL với Việt Nam), nhất là trong việc khẳng định vai trò của một vị sử gia, giáo sư và nhà giáo nhân dân của Việt Nam, xem ông có đích thực là Viện sĩ của AIBL hay chỉ là Thông tín viên của viện này mà thôi.
Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét