Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 32


Kỳ I: Bi tráng cuộc khởi nghĩa Yên Bái
Cập nhật: Thứ ba, 10/2/2015 | 9:57:24 AM
YBĐT - Khởi nghĩa Yên Bái cách nay 85 năm (10/2/1930 - 10/2/2015) do Việt Nam Quốc dân Đảng lãnh đạo không chỉ đánh thức lòng yêu nước của toàn dân tộc mà còn làm rung chuyển nước Pháp...
Di tích lịch sử khu mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 tại Công viên Yên Hòa, thành phố Yên Bái, di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon đã viết: "Yên Bái/ Đây là điều nhắc nhở chúng ta rằng/ Không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ...". Đó là một dân tộc không chịu sống quỳ…
Nguyễn Thái Học sinh ngày 1/12/1902 tại Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là người yêu nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế của nhà trường thực dân, ông đã gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, kêu gọi tiến hành cải cách xã hội ở Việt Nam. Vị Toàn quyền Đông Dương ấy không thèm quan tâm tới những điều mà Nguyễn Thái Học đề nghị.

Nguyễn Thái Học - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930.
Ngày 25/12/1927, Nguyễn Thái Học và các đồng sự tổ chức thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng, ông được bầu làm Chủ tịch. Theo chương trình hành động vạch ra phải trải qua ba thời kỳ: thời kỳ thứ nhất là thời phôi thai, tập trung tổ chức chi bộ, phát triển đảng viên, xây dựng các cơ sở Đảng; thời kỳ thứ hai, tổ chức các hội quần chúng xung quanh Đảng, thành lập các cơ quan tuyên truyền bán công khai, cử người ra nước ngoài học về quân sự để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa và xây dựng lực lượng vũ trang sau khi giành được chính quyền; thời kỳ thứ ba, công khai hoạt động, tổ chức khởi nghĩa, phối hợp với những đảng viên trong quân đội Pháp nổi dậy đánh chiếm các đồn bốt tiến tới giải phóng dân tộc, "khôi phục giang sơn"... Sau vụ trùm mộ phu đồn điền Bazin ngày 9/2/1929 bị ám sát, Việt Nam Quốc dân Đảng bị nhà cầm quyền lùng sục, bắt bớ. Trước nguy cơ Việt Nam Quốc dân Đảng bị tan vỡ, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính đã quyết định tiến hành cuộc "tổng khởi nghĩa vũ trang". Nếu thất bại cũng là tấm gương cho đời sau tiếp bước, "Không thành công cũng thành nhân".
Lực lượng khởi nghĩa gồm khoảng 60 người từ dưới Phú Thọ đi tàu hỏa lên Yên Bái từ ngày hôm trước. Tại Yên Bái, lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng có khoảng 40 người, chủ yếu là lính khố đỏ thuộc đại đội 5, 6, 7 Tiểu đoàn 2, Trung đoàn lính khố đỏ số 4 Bắc Kỳ. Lính khố xanh không tham dự khởi nghĩa. Đêm 9 rạng ngày 10/2/1930, khởi nghĩa Yên Bái bùng nổ, nghĩa quân đã hạ sát được hầu hết bọn sĩ quan, hạ sĩ quan chỉ huy ở các nhà riêng, phối hợp với nghĩa quân hai cơ lính khố đỏ đồn 5 và 6 đồn Dưới nổi dậy. Trước sân trại lính, một đại biểu của Việt Nam Quốc dân Đảng đọc bài "Hịch khởi nghĩa" với những khẩu hiệu: "Đuổi giặc Pháp về nước Pháp/ Đem nước Nam trả người Nam/ Cho trăm họ khỏi lầm than/ Được thêm phần hạnh phúc". Từng toán quân khởi nghĩa chia nhau đi chiếm nhà ga, bến xe và các cơ quan chính quyền của Pháp, tuyên truyền nhân dân hưởng ứng và ủng hộ nghĩa quân khởi nghĩa. Cờ của Việt Nam Quốc dân Đảng tung bay trên trại lính và các công sở. Do không lôi kéo được toàn bộ lính khố xanh cơ số 7 và số 8 ở trên đồn cao, trung tá Tacon củng cố lực lượng phản công lại. Nghĩa quân bị đánh bật khỏi các vị trí đã chiếm, cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu.

Lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng Nguyễn Khắc Nhu.
Phối hợp với khởi nghĩa Yên Bái, đêm 10/2/1930, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng Nguyễn Khắc Nhu đã lãnh đạo nghĩa quân khởi nghĩa đánh đồn Hưng Hóa, chiếm phủ Lâm Thao. Theo kế hoạch khi giành thắng lợi ở Yên Bái và Hưng Hóa, hai nghĩa quân này sẽ hội quân tại Hưng Hóa, vượt bến Trung Hà tiến đánh đồn Thông ở Sơn Tây, hợp với quân của Phó Đức Chính chiến đấu tại đây. Nghĩa quân đánh đồn Hưng Hóa, do không có nội ứng và vũ khí kém nên không đánh chiếm được đồn, nghĩa quân phải rút về Lâm Thao. Tại đây, quân nghĩa khởi do Phạm Nhận chỉ huy đã đánh chiếm được phủ Lâm Thao. Được sự chi viện của quân Pháp từ Phú Thọ, chúng tổ chức phản công dữ dội, do thiếu vũ khí lại thiếu người chỉ huy sau khi Nguyễn Khắc Nhu bị thương và bị bắt, nghĩa quân tan vỡ.
Con cháu của ông Nguyễn Khắc Nhu tại khu di tích Nguyễn Thái Học.
Cùng tiếng súng khởi nghĩa Yên Bái, nhiều đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng đã tổ chức cài bom nổ khắp thành phố Hà Nội, như: Sở Mật thám, bóp Cảnh sát Hàng Trống... để uy hiếp tinh thần và gây hoang mang cho quân Pháp khiến chúng phải đề phòng và nâng cao cảnh giác. Chúng ráo riết truy lùng những đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng và những người yêu nước.
Sau khởi nghĩa Yên Bái 5 ngày, Nguyễn Thái Học tổ chức khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo, Phụ Dực, chủ trương tiến tới chiếm toàn bộ Hải Phòng. Nghĩa quân đã đánh chiếm được huyện lỵ Vĩnh Bảo, giết chết tên tri huyện Hoàng Gia Mô, một tên quan lại tham tàn độc ác. Với sự phản công quyết liệt của quân Pháp với vũ khí hiện đại, quân khởi nghĩa bị tiêu diệt.
Nguyễn Thái Học trốn thoát do được sự che chở của nhân dân. Cùng một số đảng viên tiêu biểu còn lại của Việt Nam Quốc dân Đảng, Nguyễn Thái Học bàn bạc và dự định cải tổ lại Đảng và thay đổi phương hướng chiến lược và hoạt động của Đảng. Chủ trương này vừa khởi động thì ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương). Ngày 23/3/1930, ông bị kết án tử hình. Ngày 17/6/1930, Pháp đưa Nguyễn Thái Học cùng 12 chiến sĩ khác của Việt Nam Quốc dân Đảng tại Yên Bái lên máy chém. Bước lên đoạn đầu đài, trước khi đưa đầu vào máy chém, Nguyễn Thái Học hô vang: "Việt Nam vạn tuế!".
Pháp phải thừa nhận khởi nghĩa Yên Bái đã giáng một đòn chí mạng vào chính quyền thuộc địa. Báo cáo của mật thám Đông Dương gửi Toàn quyền Đông Dương và Bộ Thuộc địa số 2037, phông RST/NF đã viết: "Việt Nam Quốc dân Đảng đã thành công trong việc tổ chức và đánh ngay vào quân đội mà đội quân ấy được thành lập dành cho mục đích thực hiện chức năng đàn áp và sự kiện lịch sử này đã giáng một đòn đặc biệt nghiêm trọng vào chính quyền thuộc địa...".
Nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon xúc động trước cuộc khởi nghĩa Yên Bái với những tấm gương yêu nước và tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam đã viết:
"Yên Bái,
 Đây là điều nhắc nhở ta rằng,
 không thể bịt miệng một dân tộc
mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ".
"Yên Bái,
Xin gửi tới những người anh em da vàng lời nguyền này,
để mỗi giọt cuộc sống các bạn đều tràn máu của một tên Varenne".


Kỳ II: Khí phách của những người yêu nước
Cập nhật: Thứ tư, 11/2/2015 | 10:31:48 AM
YBĐT - Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại và bị dìm trong bể máu, nhiều chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ)bị kết án tử hình. Tại Yên Bái, thực dân Pháp đã tổ chức hai đợt hành hình các chiến sĩ VNQDĐ. Không run sợ trước cái chết, nhiều người bước lên máy chém còn hô vang “Việt Nam vạn tuế”… Kỳ I: Bi tráng cuộc khởi nghĩa Yên Bái
Lễ kỷ niệm hai liệt sĩ Nguyễn Thái Học (Việt Quốc) và Phạm Hồng Thái (Việt Minh) được tổ chức tại Nhà Đấu Xảo Hà Nội (Nay là Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nộ), ngày 18/6/1946. Bức ảnh hiếm hoi thể hiện tình đoàn kết vì lợi ích quốc gia của hai tổ chức chính trị lớn nhất Việt Nam buổi đầu độc lập.
Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, VNQDĐ bị tan vỡ từng mảng, nhiều người bị bắt bớ. Trong cuộc họp với các lãnh tụ VNQDĐ ngày 26/1/1930 tại làng Mỹ Xá, Nam Sách, Hải Dương, Nguyễn Thái Học phát biểu với các đồng chí của mình: “Một khi lòng sợ sệt đã chen vào đầu óc quần chúng khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi người của Đảng cũng sẽ liên tiếp bị bắt dần, vô tình xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các phòng ngục trại giam. Âu là chết đi để thành cái gương phấn đấu cho người sau nối bước. Không thành công thì cũng thành nhân...”.
Lãnh tụ VNQDĐ Nguyễn Khắc Nhu bị bắt ngày 10/2/1930 khi ông bị giặc bắn bị thương. Đồng đội cõng ông ra, ông bảo: “Hãy để tôi cùng chiến đấu, nếu phải hy sinh thì hy sinh cùng anh em!”. Ông từ chối để anh em khiêng đi. Trước sự truy đuổi của giặc, ông nằm sấp dưới hai quả lựu đạn tự tạo giật chốt. Lựu đạn nổ phá vỡ mảng bụng nhìn thấy cả ruột gan, vì thế ông bị sa vào tay giặc. Chúng băng bó cho ông, khi qua sông, ông nhảy xuống sông tự tử, chúng lại vớt lên đưa về đồn, dùng mọi điều ngon ngọt dụ dỗ. Chúng hỏi: “Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính ở đâu, Cô Giang (Nguyễn Thị Giang) hiện đang làm gì?”. Ông đều lắc đầu: “Những người đồng chí của tôi hiện đang làm gì, ở đâu, tôi không thể nói cho các ông được. Những người yêu nước chúng tôi không thể quì gối xin đặc ân của những kẻ cướp nước. Các ông hãy bắn hay xử chém tôi ngay, chứ đừng hy vọng tôi khai tên tuổi những đồng chí của tôi cho các ông bắt bớ, giam cầm...”.
Đêm ấy, ông đã đập đầu vào tường đá tự tử thể hiện khí phách lẫm liệt của một chí sĩ yêu nước. Để người thân và nhân dân không tìm được hài cốt, ngay đêm 11/2/1930, giặc Pháp vội đem ông chôn trên một bãi đất rộng, sau đó chúng dùng bừa san phẳng để xóa nấm mộ.
Trong danh sách 4 người bị giặc Pháp hành hình tại Yên Bái ngày 8/5/1930, người đứng đầu danh sách lên máy chém là Ngô Hải Hoàng. Ông là người tham gia chỉ huy khởi nghĩa Yên Bái. Ông bị bắt khi cuộc khởi nghĩa thất bại. Trước tòa án đại hình, ông chẳng ngần ngại trả lời tên chánh tòa:
Hỏi: Tại sao anh đánh Yên Bái?
Đáp: Không phải tôi đánh mà là Trung ương Đảng bộ hạ lệnh tôi đánh...
Hỏi: Ông quan ba Jourdain là quan thầy tử tế với anh như vậy mà đêm ấy anh đã bắn chết ông ta trước nhất!
Đáp: Ông Jourdain tử tế với tôi thật nhưng đó là tình riêng. Còn tôi giết ông ấy là bổn phận của tôi đối với Đảng, với nước. Người Việt Nam chúng tôi bao giờ cũng đặt nghĩa công lên tình riêng.
Hỏi: Anh thật là hạng người tàn ác. Một mình anh đêm ấy giết chết 6 người Tây.
Đáp: Tôi làm gì giết được nhiều như thế! Anh em tôi giết nữa chứ! Nhưng cả Đảng chúng tôi chỉ là một người, anh em tôi giết cũng chính là tôi giết. Tôi sẵn lòng chịu hoàn toàn trách nhiệm...
Cô Giang tự sát để lại hai bức thư tuyệt mệnh đầy chí khí cách mạng. Cô Bắc (Nguyễn Thị Bắc, chị ruột cô Giang) thét lớn trong phiên xử án của Pháp: “Chúng mày về nước Pháp mà kéo đổ tượng Jeanne dAre xuống đi thôi!”.
Lãnh tụ VNQDĐ Nguyễn Thái Học bị giặc Pháp hành hình lúc 5h30’ ngày 17/6/1930 tại thị xã Yên Bái cùng với Phó Đức Chính và 11 người khác. Tất cả 13 người trước cái chết đều hiên ngang, bình thản, chấp nhận sự hy sinh của những nghĩa sĩ yêu nước. Bùi Văn Chuẩn khi bước lên đoạn đầu đài hô lớn “Việt Nam” thì bị một tên lính Pháp bịt miệng không hô được nữa. Phó Đức Chính, người thứ 12 bước lên máy chém, đòi đặt nằm ngửa để xem lưỡi máy chém như thế nào.
Nguyễn Thái Học - người cuối cùng bước lên máy chém, ông mỉm cười nhìn công chúng và binh lính. Sắc mặt thản nhiên đọc thơ bằng tiếng Pháp:
“Chết vì Tổ quốc chết vinh quang
Lòng ta sung sướng, chí ta nhẹ nhàng...”.

“Mặc dầu thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã để lại nhiều bài học đấu tranh cách mạng quý giá. Hơn nữa, với tinh thần hy sinh anh dũng của các chiến sỹ, cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã có tác dụng cổ vũ lòng yêu nước và chí căm thù giặc của nhân dân ta. Những tấm gương hy sinh quả cảm của các chiến sĩ Yên Bái đã góp phần tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc” (“Lịch sử Việt Nam tập II”, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1985).
 Sau khi đọc xong bài thơ bằng tiếng Pháp, ông hô lớn: “Việt Nam vạn tuế”, thản nhiên hút mấy hơi thuốc lá rồi ung dung bước lên máy chém. Lưỡi dao máy chém chặt đầu ông đứt văng ra pháp trường, dòng máu vọt lên trời như suối đỏ, mắt ông vẫn mở trừng trừng, quắc sáng nhìn lũ giặc...
Khởi nghĩa Yên Bái thất bại và bị dìm trong biển máu, những lãnh tụ của VNQDĐ bị hành quyết. Sự hy sinh của họ thể hiện chí khí cách mạng và lòng yêu nước, quyết không chịu khom lưng quỳ gối trước giặc. Như Nguyễn Thái Học đã nói: “Không thành công cũng thành nhân”.
Tượng đài Nguyễn Thái Học và các cộng sự tại Công viên Yên Hòa, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Ngọc Đồng)
Để ghi nhớ công lao và sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ VNQDĐ, tỉnh Yên Bái đã xây dựng một Khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học nằm trong Công viên Yên Hòa rộng 30ha. Ngày 5/3/1990, Bộ Văn hóa -Thể thao & Du lịch đã côngnhận đây là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày khởi nghĩa Yên Bái, ngày 17/6/2000, tỉnh Yên Bái và Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã khởi công xây dựng tượng đài, lăng mộ cùng nhiều hạng mục khác của Khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học với 17 cột tượng trưng cho 17 liệt sĩ bị hành hình tại đây, kết nối 17 cột là vòng tròn khuyết với dòng chữ “Không thành công cũng thành nhân”.
Trước mặt khu tưởng niệm là hồ Cô Giang, trên bờ là những lớp sóng vô tận như tấm lòng yêu nước của các chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng...
Thái Sinh

Kỷ niệm Ngày các liệt sĩ khởi nghĩa Yên Bái hy sinh 17.6.1930:
Không thành công cũng thành nhân

Cập nhật ngày: 17/06/2014 07:04
(BTN) - Lời nói khảng khái trên là của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học, phát biểu trong cuộc họp chuẩn bị cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Tuy nhiên đây cũng là một lời nói bi hùng, báo trước sự thất bại của một cuộc “khởi nghĩa bất đắc dĩ”, một cuộc “khởi nghĩa non” do nó được khởi xướng trong một hoàn cảnh bế tắc của những người yêu nước nhưng thiếu một đường lối cách mạng đúng đắn.
Khu mộ các liệt sĩ Khởi nghĩa Yên Bái.
Về cuộc khởi nghĩa Yên Bái, trong Chương IX: Phong trào dân tộc ở Việt Nam từ 1925-1930, sách Đại cương Lịch sử Việt Nam của nhà xuất bản Giáo Dục, cho biết: “Từ năm 1929, thực dân Pháp ra sức truy lùng, bắt bớ những người yêu nước và phá vỡ hàng loạt các cơ sở cách mạng của Việt Nam quốc dân đảng (VNQDĐ) ở Hà Nội và các tỉnh. Trước tình thế nguy cấp, những người lãnh đạo VNQDĐ cho rằng không thể ngồi yên chịu chết, mà phải đứng lên sống mái với quân thù. Từ cách nhìn nhận đó, Nguyễn Thái Học đã quyết định triệu tập hội nghị để bàn bạc và thống nhất kế hoạch khởi sự. Thời gian khởi nghĩa ấn định vào ngày 9.2.1930.
Tại hội nghị này, Nguyễn Thái Học nhận xét: “Đảng chúng ta (tức VNQDĐ) có thể tiêu ma hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã chen vào đầu óc quần chúng khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi người của Đảng cũng sẽ liên tiếp bị bắt dần, vô tình đã xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các phòng ngục trại giam, âu là chết đi để thành cái gương phấn đấu cho người sau nối bước. Không thành công cũng thành nhân”.
Phóng viên Báo Tây Ninh thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ Yên Bái.
Đúng như kế hoạch đã định, đêm ngày 9 rạng ngày 10.2.1930, cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở Yên Bái. Quân khởi nghĩa đã chiếm được trại lính cơ số 5 và 6, giết được một số sĩ quan và hạ sĩ quan người Pháp. Nhưng họ không lôi kéo được toàn bộ lính khố xanh, và không làm chủ được tình hình chiến sự ở Yên Bái.
Sáng ngày 10.2, Pháp tập trung lực lượng (có máy bay yểm trợ) tổ chức phản công chiếm lại các căn cứ bị mất, đẩy nghĩa quân vào tình trạng tan rã…
Chỉ trong vòng một tuần lễ, cuộc khởi nghĩa vũ trang do VNQDĐ phát động đã bùng nổ ở nhiều nơi khác và cũng mau chóng đi tới thất bại. Cuộc khởi nghĩa tuy không đạt được kết quả, do công tác tổ chức thiếu chu đáo, kế hoạch rất chủ quan, còn Pháp thì đang mạnh, nhưng vẫn có tiếng vang cả trong và ngoài nước. Tại Thủ đô Paris (Pháp), sinh viên và Việt kiều đã tổ chức biểu tình ủng hộ khởi nghĩa Yên Bái và chống việc khủng bố những người yêu nước.
Khởi nghĩa Yên Bái với những hành động quả cảm của nghĩa quân đã thể hiện tinh thần yêu nước, chí khí quật cường của dân tộc ta, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Từ đó, thấy rõ mâu thuẫn giữa nhân dân ta với đế quốc Pháp đã trở nên vô cùng gay gắt.
Tuy nhiên, thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái cũng chứng tỏ sự bồng bột, hăng hái nhất thời của tầng lớp tiểu tư sản. Đồng chí Lê Duẩn- nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Khởi nghĩa Yên Bái chỉ là một cuộc bạo động bất đắc dĩ, một cuộc bạo động non, để rồi chết luôn không bao giờ ngóc lên nổi. Khẩu hiệu “Không thành công cũng thành nhân” biểu lộ tính chất hấp tấp tiểu tư sản, tính chất hăng hái nhất thời và đồng thời cũng biểu lộ tính chất không vững chắc, non yếu của phong trào tư sản”.
Từ sau cuộc bạo động Yên Bái, VNQDĐ hoàn toàn tan rã, khuynh hướng cách mạng dân tộc hoàn toàn thất bại, hệ tư tưởng tư sản cũng hoàn toàn bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ngọn cờ cách mạng đã chuyển hẳn sang tay giai cấp vô sản. Từ đây trở đi, trên dải đất Việt Nam, phong trào chống đế quốc, giành độc lập dân tộc chỉ còn những phong trào do giai cấp vô sản lãnh đạo”.
Bia đá khắc một đoạn trong bài thơ Yên Bái của nhà thơ Pháp.
Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ngày 17.6.1930 thực dân Pháp đã hành quyết những người yêu nước và vùi lấp họ trong hố chôn tập thể tại một khu nghĩa địa hoang tàn ở tỉnh lỵ Yên Bái. Hầu hết các tài liệu lịch sử còn lưu lại đến ngày nay đều ghi nhận có 13 nghĩa sĩ Yên Bái đã bị thực dân Pháp xử tử bằng máy chém. Nhưng khi đoàn Báo Tây Ninh đến tận nơi để thắp hương tưởng niệm, chúng tôi mới biết ở đây có tới 17 người yêu nước hy sinh dưới máy chém của đao phủ thực dân Pháp. 13 người bị chém ngày 17.6.1930 chôn chung một ngôi mộ là Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tư Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hồ Văn Lạo, Đào Văn Nhít, Nguyễn Văn Du, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Tứ, Bùi Văn Cửu và Nguyễn Như Liên. 4 người bị chém ngày 8.5.1930 chôn chung một ngôi mộ là Ngô Hải Hoằng, Nguyễn Thanh Thuyết, Đặng Văn Lương và Đặng Văn Tiệp. Điều đặc biệt của 4 người yêu nước bị chém trước là họ chính là những “thầy cai, thầy đội” trong quân đội thực dân Pháp đã tham gia làm binh biến trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
Khu nghĩa địa hoang tàn lưu giữ hài cốt các liệt sĩ ngày trước, nay đã được cải tạo, xây dựng thành một công viên có tên là công viên Yên Hoà, nằm bên con đường mang tên Nguyễn Thái Học, thuộc một phường trung tâm của thành phố Yên Bái, cũng có tên là phường Nguyễn Thái Học. Còn khu vực có hai ngôi mộ tập thể của 17 liệt sĩ cũng đã được trùng tu, xây dựng thành khu di tích lịch sử Khởi nghĩa Yên Bái. Đánh giá đúng tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của khu di tích, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) đã công nhận đây là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 177/QĐ-VHTT, ngày 5.3.1990.
Ảnh xử tử các liệt sĩ Yên Bái đăng trên các báo Pháp tháng 6.1930 (trong vòng tròn là đầu của Nguyễn Thái Học).
 Khu di tích được thiết kế mang dáng dấp kiến trúc hiện đại hoà quyện với kiến trúc truyền thống của dân tộc, gồm nhiều hạng mục công trình. Phần chính là khu mộ có diện tích 300m2 bao quanh là 17 cột trụ mỗi cột có chiều cao 5 mét. Các cột trụ được nối bằng một vòng tròn khuyết tượng trưng cho 17 liệt sĩ bị thực dân Pháp xử chém trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Vòng tròn khuyết tượng trưng cho sự nghiệp dang dở của cuộc khởi nghĩa với câu nói bi hùng của Nguyễn Thái Học: “Không thành công cũng thành nhân”. 2 ngôi mộ ốp đá hoa cương nằm trong 2 toà tháp (ảnh trên) là nơi yên nghỉ của các liệt sĩ. Nhà bia tưởng niệm được làm từ đá cẩm thạch khắc tên 17 liệt sĩ, phủ kim nhũ huy hoàng nhằm lưu danh muôn thuở. Mái nhà bia được gắn ngói “mũi hài” trên mái bê tông triền cong tăng thêm độ bền và ý tưởng kiến trúc nhà cổ Việt Nam là một điểm nhấn, hài hoà trong khu vực trung tâm của di tích. Phần tượng đài có diện tích bệ tượng 56m2, nhóm tượng gồm 5 nhân vật: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Nguyễn Thị Giang và Ngô Hải Hoằng có chiều cao trung bình các nhân vật là 6m với chất liệu bằng bê tông phủ kẽm. Trong nhóm tượng có hai người không bị xử chém là Nguyễn Khắc Nhu, tuẫn tiết trong nhà giam khi bị thực dân Pháp bắt, và Nguyễn Thị Giang, thường gọi là Cô Giang, vợ của Nguyễn Thái Học, không bị Pháp bắt, bà cải trang thành đàn ông đi đến pháp trường chứng kiến sự hy sinh của các liệt sĩ, sau đó bà lẳng lặng quay về dùng khẩu súng ngắn của chồng tặng để tuẫn tiết theo chồng.
Khu di tích lịch sử Khởi nghĩa Yên Bái còn có các hạng mục phụ như nhà đón tiếp, sân tượng đài, đường lát đá, hoa cỏ, cây cảnh, hồ nước tạo nên một vẻ đẹp trang nghiêm của khu di tích. Trong đó có một hạng mục gây ấn tượng mạnh đối với những người làm báo từ Tây Ninh ra Yên Bái viếng thăm khu di tích, đó là tấm bia đá có khắc một đoạn trong bài thơ “Yên Bái” của một nhà thơ người Pháp tiến bộ - Luis Aragon đăng tải trên một tờ báo lớn tại Paris, tháng 6.1930:
“Yên Bái
Đây là điều nhắc nhở ta rằng
Không thể bịt miệng một dân tộc
Mà người ta không thể khuất phục
Bằng lưỡi kiếm của đao phủ”.
NGUYỄN TẤN HÙNG
 

Mối tình bi tráng Nguyễn Thái Học – Cô Giang

Ít ai biết được rằng trong một ngôi nhà hai tầng nằm khép mình trên con phố của làng Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), có một thầy lang khá mát tay, nói giọng Việt lơ lớ. “Ông lang Tàu” ấy chính là Nguyễn Thái Nỉ, người em út của lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930.

Ở tuổi 86, cụ Nguyễn Thái Nỉ tuy phải đeo máy trợ thính nhưng vẫn khá minh mẫn và hóm hỉnh, tiếp tôi tại buồng riêng trên tầng hai của ngôi nhà nồng thơm mùi thuốc bắc.
Người anh phi thường
Sau tuần trà nước do người nhà bưng lên, đà đưa câu chuyện, cụ Nỉ xúc động khi nói đến người anh cả Nguyễn Thái Học và người chị dâu Nguyễn Thị Giang (Cô Giang).
Cụ bảo giá tôi đến sớm hơn tháng, thì cùng gia đình làm giỗ tưởng nhớ đến anh chị Học. “Đã thành thông lệ, cứ đến ngày 16-6 là gia đình tôi làm giỗ cho anh Học, chị Giang!”
Bàn thờ hai anh chị Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang tại gia đình người em út Nguyễn Thái Nỉ.

Gia đình cụ Hách – Quỳnh, thân sinh ra cụ Nỉ sinh được sáu người con. Nguyễn Thái Học là con trai trưởng, tiếp đến chị gái hai là Nguyễn Thị Bình, chị gái ba Nguyễn Thị Ưu, anh trai tư Nguyễn Văn Nho, anh trai năm Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Thái Nỉ là con trai út.
Anh cả Nguyễn Thái Học thực tên trong sổ đinh của làng Thổ Tang trước năm 1930 là Nguyễn Văn Học, sở dĩ có tên đệm là Thái là do người cậu ruột đặt cho từ năm ông Học 9 – 10 tuổi.
Khi ông Học đến học chữ Nho ở nhà người cậu ruột, ông rất sáng dạ nên chỉ hai năm là hết chữ của ông cậu, nên ông mới thay chữ đệm là Thái vào chữ Văn khi ông cậu đưa ông Học ra theo học trường tiểu học Pháp – Việt ở phủ Vĩnh Tường.
Sau đó ông Học về Hà Nội học cao đẳng Sư phạm, tốt nghiệp xong, ông học tiếp trường cao đẳng Thương mại.
“Khi tôi năm tuổi, anh tôi thỉnh thoảng đi cùng chị Giang về nhà, chị đẹp lắm, chị mặc quần áo tân thời”, cụ Nguyễn Thái Nỉ hồi tưởng.
Chị Giang lần nào về thăm cũng mua quà cho bé Nỉ vì cậu là em út. Còn anh Học hay hút thuốc lào và ăn trầu. Dáng anh Học ngủ cũng buồn cười lắm, anh luôn nằm sấp và hai chân quặp lên mông.
“Gia đình tôi ai cũng mến chị Giang, tuy ban đầu chỉ có bà cụ là không ưa vì trước đó anh Học đã lấy vợ, tên chị là Cửu do bà cụ sắp xếp. Sau anh Học xin ly hôn và được chị Cửu đồng ý, rồi chị cũng đi lấy chồng khác. Bà cụ tôi sau đó nguôi ngoai và coi chị Giang, tuy lúc ấy là bạn gái của anh Học như con dâu”, cụ Nỉ nói.
Anh Học thì giỏi về diễn thuyết, chị Giang thì dịu dàng, thông minh. Anh chị ngâm thơ, xướng hoạ cùng các bạn trước sân đình làng. Những thanh niên trí thức kể cả trai tráng trong làng đi lính khố xanh, khố đỏ cũng thích đến nghe anh chị nói chuyện thời sự, về nỗi khổ của dân mình.
“Anh đi, chị cũng đi cùng”
Thời đó gia đình Nguyễn Thái Học có hai ngôi nhà nằm cạnh nhau, một ngôi nhà lợp rạ và một ngôi nhà lợp lá cọ. Nguyễn Thái Học về nhà thường hay bàn việc với các bạn ở Sơn Tây sang, Việt Trì xuống ở ngôi nhà lá cọ.
“Lần cuối cùng tôi được gặp anh đó là lần anh cùng một người bạn về chơi vào mùa thu năm 1929. Trước khi đi, anh Học xin tiền mẹ tôi nhiều hơn mọi khi khiến bà phân vân.
Bạn anh Học đứng bên cạnh đỡ lời: “Anh Học sắp làm quan rồi, mẹ có thuận không?” Mẹ tôi trả lời: “Tao không cần nó làm quan, mà chỉ cần nó làm điều chính đáng!” Rồi anh Học đi và không trở về nhà lần nào nữa.
“Một buổi chiều đầu hạ năm 1930, nhiều tiếng khóc oà như đổ sụp mái gianh của gia đình tôi. Cha tôi trầm tính hẳn đi còn mẹ tôi đau đớn nói với mọi người trong nhà: “Con tôi bị lũ chó săn vồ rồi…!”. Cả nhà tôi bị quân lính Pháp, hương lý đổ dồn đến bao vây, lục soát và canh giữ suốt ngày đêm. Ngày anh tôi lên đoạn đầu đài cũng là ngày mẹ tôi không ăn, không ngủ, không trò chuyện với ai. Cụ lặng lẽ đi ra trại Đồng Ca, nhà tôi có một trang trại ở đó, nơi ấy có một túp lều tranh và mẹ tôi đã qua đời trong đó”.
Cụ Nỉ rưng rưng nước mắt: “Còn chị Giang, sau khi anh Học bị hành hình, chị đã về Thổ Tang quê chồng ngay đêm ấy, qua nhà dì ruột của tôi mà không ghé qua gia đình tôi vì lúc đó đang bị mật thám cùng tuần đinh lảng vảng suốt ngày. Chị có gửi lại một chiếc đồng hồ quả quít được gắn vào sợi dây chuyền vàng và nhắn cho gia đình tôi biết là chị đã quyết đi cùng anh. Chiếc đồng hồ ấy sau này không giữ được bởi lẽ gia đình trong những ngày cải cách ruộng đất khó khăn đã phải bán đi, hay tiêu huỷ hoặc thất lạc tôi cũng không được rõ”. Cụ Nỉ lấy khăn chấm nước mắt.
Cụ Nỉ bỗng nức lên: “Khi tôi đang mân mê ngắm chiếc đồng hồ thì ai đó chạy vào kêu lên, chị Giang đã tự vẫn ở ngoài đầu làng rồi!”…
Theo Hữu Lực (Sài Gòn Tiếp Thị)



Đăng bởi Vanachi vào 06/08/2008 00:50, số lượt xem: 717
Sống nhục sao bằng sự thác vinh?
Nước non cho vẹn chữ chung tình
Lưỡi dao xử tử chàng không ngại
Tiếng súng quyên sinh thiếp cũng dành.
Một tấm can tràng trời đất thảm
Ngàn thu tiết tháo quỷ thần kinh
Cuộc đời xá kể chi thành bại
Trai đã trung thì gái hẳn trinh!


Cô Giang tức cô Nguyễn Thị Giang, là hôn thê của Nguyễn Thái Học. Sau khi Nguyễn Thái Học bị lên đoạn đầu đài, cô đã bắt tàu về quê hương của ông và lấy súng tự vẫn. Đây là một bài thơ của một chiến sĩ vô danh khóc Cô Giang.
 



Đăng bởi Vanachi vào 06/08/2008 00:52, số lượt xem: 646
Tình chồng, nợ đảng, gánh giang san!
Thác xuống tuyền đài hận chửa tan.
Xương trắng nêu cao gương hiếu nghĩa,
Máu hồng in thắm chữ trung can.
Ngàn năm tồ quốc ơn ghi mãi,
Một thác tình chung nghĩa trả toàn.
Thành bại mặc ai người nghị luận,
Muôn ngàn năm để tiếng Cô Giang.

(Khuyết danh)



Đăng bởi Vanachi vào 06/08/2008 00:30, số lượt xem: 754
Thình lình một tiếng sét ngang lưng,
Nuốt nghẹn tình tơ xiết nói năng.
Mây mịt mờ xanh trời vẫn hắc,
Giọt chan chứa đổ, bể khôn bằng.
Thân vàng đành cậu liều theo cái,
Dạ tuyết thôi em gởi với trăng.
May nữa duyên sau còn gặp gỡ,
Suối vàng cười nụ có ngày chăng ?


Từ năm 1927 đến 1930, phong trào thanh niên "Việt Nam quốc dân đảng" nổi lên rầm rộ, đánh thức lòng hoạt động yêu nước của các tầng lớp xã hội và làm sôi nổi xứ Bắc, với những cuộc tổ chức bí mật, những vụ ám sát, bãi công, những cuộc khởi nghĩa máu sắt ở Yên Bái, ở Lâm Thao, ở Vĩnh Bảo. Phong trào lúc ấy có nhiều phụ nữ tham gia, đóng góp tài sức vào mọi việc hoạt động của đảng rất đắc lực. Cô Nguyễn Thị Giang, sau khi việc đảng vở lỡ và vụ đổ máu Yên Bái, vẫn mạo hiểm làm trọn nhiệm vụ liên lạc giữa đảng trưởng Nguyễn Thái Học và các anh em đồng chí ẩn núp khắp nơi. Cô khéo giữ tung tích, đến nỗi mật thám Pháp lùng bắt cô ráo riết mà không sao bắt được. Trong khi ấy, cô vẫn ở quanh Hà Nội, vẫn làm việc đảng như thường.

Cho tới ngày 16 tháng sáu 1930, Thái Học lên đoạn đầu đài ở Yên Bái với 12 bạn đồng chí, cô Giang trà trộn chung quanh, lấy tâm hồn tiễn đưa đảng trưởng, rồi đáp xe lửa xuống Vĩnh Yên, rút súng lục tự tử giữa cánh đồng làng Thổ Lang, chính là quê hương Thái Học.

Cách đó không lâu, cụ Phan gởi đăng ở một tuần báo trong Sài Gòn, mấy bài thơ này. Cụ thác ra chuyện một đôi nhân tình gắn bó, nhưng chẳng may cậu trai bị nạn chết, cô gái đặt bàn thờ khóc tế bằng một bài thơ. Hồn cậu trai cũng làm thơ đáp lại, giãi bày tâm sự. Sau cô gái thác theo ý trung nhân. Người chị thương em, khóc than cảm khái. Lúc bấy giờ, ai cũng thấy rõ cụ Phan ký thác vào chuyện Thái Học và chị em cô Giang cô Bắc mà làm ra mấy bài thơ này.

bài 2 - Hồn cậu trả lời 1

Gặp mình, mình lại thẹn cùng mình,
Ai khiến em mà vội gặp anh ?
Vẫn nghĩ hữu chung ví hữu thuỷ,
Thôi thề đồng tử chẳng đồng sinh.
Trăm năm cuộc bụi, dâu hay bể,
Một tấm lòng son, sắt với đinh.
Gió dữ mưa cuồng thây kệ nó,
Dắt nhau ta tới tận thiên đình.

bài 3 - Hồn cậu trả lời 2

Dắt nhau ta tới tận thiên đình
Quyết dẹp cho yên sóng bất bình
Mặt nước em còn hồng giọt máu
Nợ đời anh chửa trắng tay tanh
Trăm năm thề với trời riêng đội
Bảy thước âu là mẹ chẳng sinh
Mình hỡi! Mình đừng buồn bã quá
Hồn còn mạnh khoẻ, phách còn linh


bài 4 - Chị khóc em khi em chết theo người yêu 1

Đăng bởi Vanachi vào 06/08/2008 00:32, số lượt xem: 519
Em ơi! Em vậy, chị thời sao ?
Ghê gớm mà cùng tiếc biết bao!
Chung nợ cha sinh và mẹ dưỡng
Rẽ đường vực thẳm với bờ cao
Ngại ngùng gió yếu, mây trơ mực
Tức tối trời say, máu úa đào
Hồn có thiêng liêng, dúm tính nhỉ
Mẹ già em bé nghĩ dường nao!

bài 5 - Chị khóc em khi em chết theo người yêu 2

Đăng bởi Vanachi vào 06/08/2008 00:33, số lượt xem: 550
Mẹ già em bé nghĩ dường nao!
Và nợ chồng con nặng biết bao
Nổ đất thình lình tay vỗ kép
Nhuộm trời ghê gớm máu phun đào
Giữa trường tân khổ no cay đắng
Trước trận phong ba nổi gió trào
Chị có ngờ đâu em đặng thế
Biển ngần ấy rộng, núi ngần cao!

(Phan Bội Châu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét