Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

CÂU CHUYỆN LICH SỬ b-113

(ĐC sưu tầm trên NET)

Việt Nam qua tư liệu của người phương Tây (phần 4): Sức mạnh thủy quân Đàng Ngoài



thuy quan 20

Tóm tắt bài viết

Cuối thế kỷ 16, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và các nước phương Tây bắt đầu phát triển. Thuận theo đó, các giáo sĩ, thương nhân cũng vượt biển đến nước ta truyền đạo, buôn bán, làm ăn. Trong quá trình truyền đạo, để lưu dấu những ngày tháng sống ở đất khách quê người, họ đã chép lại rất tỉ mỉ phong tục, văn hóa, sinh hoạt của người bản địa. Đại Kỷ Nguyên xin phép được trích đăng lại những tư liệu quý giá đó, thông qua bản dịch của học giả Nguyễn Trọng Phấn (1910 – 1996) đăng trên tạp chí Thanh Nghị.
Marini (1608 – 1682), sinh ra ở Taggia (Ý), từng có 14 năm ở Bắc kỳ, ông có những ghi chép rất tỉ mỉ về cuộc sống ở đây, khi đó vẫn còn gọi Đàng Ngoài. Thủy quân Đàng Ngoài thế kỷ 17 đã được ông tả lại rất sinh động trong những ghi chép sống động của mình và mối quan hệ so sánh với thủy quân châu Âu.
Thi chèo 
Bọn thuyền thủ bơi thường không có ghế ngồi, tay cầm chèo, mỗi bên mạn thuyền là hai mươi nhăm đến ba mươi người. Khác với thủy thủ Âu châu, họ quay mặt về phía mũi thuyền. Theo hiệu của người hoa tiêu, họ bơi có nhịp, rất đều, lúc nhanh, lúc chậm, theo tiếng gõ vào thanh gỗ đặt chéo trên một bệ cao đằng cuối thuyền là chỗ người hoa tiêu lên ngồi để hướng dẫn và điều khiển. 


(Ảnh minh hoạ: Internet)
(Ảnh minh hoạ: Internet)

Vui nhất là khi ta thấy một chiếc thuyền bị đuối lại và bị các thuyền khác bỏ xa. Thôi thì tiếng kêu gào, lời chế nhạo, sự xấu hổ làm kích thích bọn trai bạn. Bọn này bỏ lối chèo lúc trước, nghiến răng, mắm môi, giậm chân xuống sàn thuyền thỉnh thoảng lại cổ vũ nhau, gập cong lưng, cúi mình có khi đầu chạm bàn tay cầm mái chèo; thu toàn lực, họ vội vàng đến nỗi người như sút đi chỉ còn lại một nửa, đầu mái chèo chỉ chạm sơ xuống nước, thuyền bay hơn là trôi đến gần những người khác rồi, họ đứng thẳng người lên, không bơi dữ dội như thế nữa, thở một chút để phòng lúc gần đến đích đã chọn họ còn hơi dấn lên trước nhất. 
Mà khi đã trông thấy, nhận thấy đích từ đằng xa rồi, thì hình như ngủ say sực tỉnh, họ đứng thẳng mắt trông đích, tay cầm chèo. Họ đặt tất cả hy vọng vào hai cánh tay, làm rung chuyển mái chèo thiếu chút nữa thì chèo gãy; chân tay rã rời, đầu nghẹo đi, cằm tựa lên một bên vai; giá mái chèo không làm bằng một thứ gỗ mềm và sai khiến được thì nhiều chiếc đã gãy rồi. Thuyền nào về đích đầu tiên, được thưởng và hoan hô vang giời. 

Đức vua còn đến quán dịch có hai tầng này với các triều thần mỗi khi nước lụt, xem nước lên biến những cánh đồng rộng thành bể cả tai hại đến thế nào, ngài cho là một sự vui thích dị kỳ khi đứng trên lầu các này xem bao nhiêu dân đã sống bì bõm trong đồng nước… 
Chèo chống giỏi, chinh chiến quen
Đức vua có 2000 chiến thuyền không kể vô số những thuyền con nữa. Tuy vậy thủy quân của ngài cũng không được bằng các hạm đội tàu bên Âu châu về súng ống. Và cái nào cũng phải sửa soạn ra khơi để phụng sự đức vua. Như thế ngài có thể lập được nhiều thủy đội mà không tốn kém lắm…
Trong một cuộc đi thăm, đức vua lên hành hương trên một ngôi đền (hay chùa) của một viên thái giám thân tín của ngài mới lập lên, tôi thấy suốt dọc sông chạy bên đường, trên một quãng dài trông như một rừng (cột buồm), một số thuyền đi hộ giá ngài nhiều đến nỗi đếm không xuể. Tôi đâm chán và mải ngắm một quang cảnh thích ý và vui mắt. Tôi giao việc đếm thuyền cho người khác.


(Ảnh minh hoạ: Internet)
(Ảnh minh hoạ: Internet)

Những chiến thuyền này dài chừng ba mươi đến ba mươi nhăm thước và rộng chừng mười bốn, mười lăm thước. Không có gì trở ra hai bên sườn như thuyền chiến Âu châu, ở đằng đầu cũng không có mũi nhọn (để đâm thủng tàu bên địch). Bánh lái giống như bánh lái đò chở trên sông, ở cuối thuyền chớ không ở một bên mạn.
Những thuyền to như thuyền rồng, mỗi bên mạn có hai mươi nhăm mái chèo; thuyền bè có mười tám hoặc hai mươi chiếc thôi. Mỗi mái một người chèo; thành ra thuyền thủ chỉ có từ năm đến sáu chục người vừa chèo chống giỏi lại vừa chinh chiến quen; đến dịp thì buông tay chèo, họ vớ súng lúc nào cũng để gần cạnh và họ biết cách dùng rất thắng lợi.
Nhiều thuyền không dùng còi. Những viên thuyền trưởng ngồi trên trong cái phòng hay một cái đài cao đặt ở đằng lái, một tay cầm một thanh gỗ gõ vào một thanh khác cầm ở tay kia lúc mau, lúc chậm để sai khiến sức nhanh chậm của thuyền, bọn thủy thủ bơi rất đúng với mệnh lệnh của thuyền tướng. Họ phải là bọn đồng tuổi đồng sức vóc, khéo léo và thạo việc; họ đi chân đất đóng một chiếc khố nhưng mặc áo may cùng một thứ vải với mũ.

Trên thuyền, chỗ sang trọng nhất ở đằng lái: đấy có một khoang thuyền rất xinh xắn và cân xứng với thuyền, bên ngoài có nét chạm trổ rất đẹp mạ vàng; bên trong có dát vàng, quét sơn tinh tế và phủ những bức thêu bằng lụa; dưới sàn giải chiếu cói mảnh; chung quanh khoang có bao lơn và nhiều cột nhỏ đặt như chung quanh một dãy hành lang; có một hai khẩu thần công đặt trên giá chứa được tám cân đạn.
Mũi thuyền và lái thuyền đều tròn, cất cao khỏi mặt nước chừng bốn năm thước có trạm nhiều hình, lá nổi, thếp vàng, sơn màu rất thanh nhã, đẹp mắt. Mạn thuyền là chỗ đặt bơi chèo cũng được trang điểm bằng những hình chạy thành hàng chung quanh thành.
Họ không dùng nhựa thông hoặc mỡ bò phết thuyền, nhưng dùng một thứ sơn thường pha giống như sáp Tây Ban Nha, khi nào ánh nắng vào, thuyền sáng nhoáng làm mắt bị chói. Những thuyền ngự có nhiều vàng dát, bên trong khoang có ít nhiều chỗ mạ vàng; tất cả các mái chèo của những chiếc thuyền này đều sơn vàng. Thuyền nào cũng có mui che, vỉ phủ lên trên để che ánh nắng gay gắt; có những thứ chiếu cói to đan rất khéo, chống lên nhiều con sào và buộc vào những sào ấy bằng dây tơ.


(Ảnh minh hoạ: Internet)
(Ảnh minh hoạ: Internet)

Những thuyền của các vương thân đại thần, thái giám cũng được trang hoàng ít nhiều tùy theo sự chủ nhân những chiếc thuyền này tiêu vào đấy nhiều hay ít. Thuyền cũng có cột và buồm nhưng tôi chỉ thấy họ dùng chèo thôi. Chính vậy bọn chân sào vì lòng tự ái không bao giờ bỏ tay chèo, tuy nhiều khi gió thuận, thổi từ đằng lái lên; họ không muốn đức vua và các thuyền rồng chịu nguy hiểm vì sức gió, chỉ khi nào họ thi bơi, họ mới giương buồm lên mà thôi.
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)

Việt Nam qua tư liệu của người phương Tây (phần 5): Lối chữa bệnh lạ lùng của người Trung kỳ



chua benh 21

Tóm tắt bài viết

Cuối thế kỷ 16, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và các nước phương Tây (Bồ Đào Nha, Anh, Pháp...) bắt đầu phát triển. Thuận theo đó, các giáo sĩ, thương nhân cũng lũ lượt vượt biển đến nước ta truyền đạo, buôn bán, làm ăn. Trong quá trình truyền đạo, để lưu dấu những ngày tháng sống ở đất khách quê người, các giáo sĩ, thương nhân đã ghi chép rất tỉ mỉ về phong tục, văn hóa, sinh hoạt của người bản địa. Đại Kỷ Nguyên xin phép được trích đăng lại những tư liệu quý giá đó, thông qua bản dịch của học giả Nguyễn Trọng Phấn (1910 – 1996) đăng trên tạp chí Thanh Nghị.
Cristoforo Borri (1585 – 1632) là một cố đạo người Ý sang Trung kỳ vào khoảng 1618. Ông từng lưu lại ở Hội An trong khoảng 4 năm *1618 – 1622). Năm 1631, khi trở về Roma, ông cho xuất bản quyển sách in đầu tiên của châu Âu nói về Trung kỳ của Việt Nam có tên: “Tường thuật về sứ mạng mới của các cha Dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong”. Dưới đây là những dòng viết về thuật chữa bệnh của người Trung kỳ. 
Về các ông lương y và phép chữa bệnh, tôi phải nói rằng ở Trung kỳ có rất nhiều lương y người Bồ Đào Nha và bản xứ; thường có những bệnh rất lạ, không có thuốc chữa đối với y sĩ Âu châu, thì ở đây các ông lang đã biết rõ căn chứng rồi và chữa được rất dễ dàng. Đã nhiều lần các y sĩ Bồ Đào Nha đã bỏ mặc người bệnh rồi tưởng thế là đi đứt, thì khi với đến ông lang An Nam bệnh khỏi rất nhanh.
Những y sĩ bản xứ


(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)

Phương pháp của các y sĩ An Nam là khi bước vào buồng con bệnh, họ đứng lại một lúc để cho hết sự xúc động trong khi đi đường. Đoạn họ bắt mạch rất chủ ý và cẩn thận; xong rồi họ nói rõ căn bệnh cho người ốm biết; nếu bệnh không còn chữa được, cứu được nữa thì họ nói thật; tôi không có thuốc để chữa, tỏ cho con bệnh rõ là không thể nào qua khỏi được; nếu họ đoán rằng nhờ thuốc họ mà người ốm lành mạnh được, họ sẽ bảo cho ta biết là họ có thuốc chữa ta và bao nhiêu lâu thì ta đi đứng được.
Xong rồi thì họ tính tiền công, tùy theo bệnh nặng hay nhẹ. Cũng có khi, họ làm giấy cam kết với gia chủ. Đoạn họ kê đơn và bốc thuốc lấy, không nhờ đến bọn chế thuốc, một là để giữ kín, hết sức kín các đơn thuốc của họ, hai là họ không dám tin và nhờ người khác bốc thuốc thay họ. Nếu đúng hạn khỏi, bệnh nhân phải giả công cho thầy; nếu không khỏi thì thầy uổng công và mất tiền thuốc.
Không như thuốc ta làm cho người uống ghê tởm, “bụng mềm và dãn ra”, thuốc nam dễ uống như nước cháo và rất bổ, uống vào không cần phải ăn cơm (?). Nên một ngày người ốm uống mấy lần như ta uống nước xuýt. Đã không trái với lẽ tự nhiên, thuốc lại còn bồi bổ những bộ phận trong người, làm tiêu các khí độc, mà không hành người ốm.


(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)

Vào chỗ này có một chuyện đáng kể: Một người Bồ Đào Nha ốm, nhờ các lương y Âu châu chữa mãi không khỏi; người ta đành bỏ mặc anh ta chết đấy không đến thăm nom nữa; sau vời một ông lang bản xứ đến; ông này cam đoan chữa khỏi cho anh ta trong một kỳ hạn nhất định, nhưng căn dặn anh ta là trong lúc để ông chữa, anh ta phải kiêng khem, sự đi lại với đàn bà cấm ngặt; nếu anh ta trái lời thì không có thuốc nào chữa nữa; phải cữ đàn bà mới sống được. Hai bên đồng ý làm giao kèo và ông lang nói chắc ba mươi ngày thì khỏi.
Bệnh nhân uống thuốc, vài ngày thấy khỏe khoắn và không còn sợ cái việc mà ông lang đã cấm ngặt anh ta. Chuyện đến đấy thì ông lang lại thăm anh ta, thấy mạch khác, bảo anh ta sửa soạn việc ma chay đi vì ông không còn hy vọng gì nữa và hết phương để cứu sống rồi; bảo anh ta đừng quên giả tiền công đã hẹn trong giao kèo vì anh ta chết không phải lỗi tự ông ta. Việc đem đến cửa quan, án ra bắt người bệnh cùng ông lang; và án tuyên rồi thì anh Bồ Đào Nha kia hấp hối.
Lá cỏ thần kỳ
Người Trung kỳ còn biết chích huyết nữa; nhưng họ hà tiện máu người ốm hơn ta và họ không dùng những dao chích thông thường đâu: họ có những lông ngỗng trong có lắm “kim” bằng sứ rất sắc có cái to cái nhỏ, hình răng cưa.


(Ảnh minh hoạ: Internet)
(Ảnh minh hoạ: Internet)

Khi phải mở một ống hồi huyết quản nào, họ đặt lên trên ống ấy một chiếc lông ngỗng lớn vừa bằng bề ngang huyết quản, chiếc “kim” vào nông hay sâu đúng với ý muốn. Phải phục họ là sau khi lấy đủ máu rồi, họ chẳng cần đến băng bó, vải thấm và dây buộc gì cả, chỉ đem nước bọt nhấm đầu ngón tay cái rồi đem ấn lên chỗ lỗ thủng, họ làm cho thịt giở lại nguyên chỗ, máu ngừng chảy và vết thương chóng lành. Tôi cho vì họ dùng chiếc “kim” sứ có răng nên mạch máu chóng hàn miệng và đập được ngay.
Người Trung kỳ không thiếu những tay giải phẫu. Tôi chỉ muốn đem cách họ đã chữa tôi và một người bạn ra làm thí dụ.
Từ một chỗ rất cao, tôi bị ngã xuống, dạ dày đập vào một khối đá; tôi thổ huyết và ngực bị tổn thương. Uống thuốc tây chẳng đỡ chút nào. Lúc đó có một ông lang chuyên nghề giải phẫu đến cho tôi một ít cỏ, giống như cỏ mercuriale của ta (hỏa diễm thái), một phần ông ta đem giã và đắp lên dạ dày tôi; một phần đem sắc lấy nước cho tôi uống; và một phần bảo tôi ăn sống.


(Ảnh: Internet)
(Ảnh minh hoạ: Internet)

Vài ngày sau, tôi hoàn toàn khỏi. Muốn tự thí nghiệm lấy, tôi bắt một con gà con đem bẻ chân nó gãy thành nhiều đoạn rồi đem cỏ ấy đắp lên những chỗ gãy vài bữa thì con gà nguyên lành.
Một thầy dòng bạn tôi bị bọ cạp đốt – nọc bọ cạp có thể làm chết người ở xứ này – cổ họng sưng bạnh ra và chúng tôi đã nghĩ đến phép sức dầu thánh cho thầy ta thì bỗng có một ông lang ngoại khoa đến, thổi một hồ cơm với nước lã thường.
(Ảnh: Internet)
Xong rồi ông ta đặt nồi cơm xuống dưới hai chân thầy dòng, lấy chăn chùm kín thầy ta để hơi cơm và khói nóng không mất đi đâu được. Hơi bốc lên đến chỗ bị thương, thì thầy dòng thấy bớt đau, cổ hết sưng và người khỏe mạnh như không bao giờ bị bệnh cả.
Còn có nhiều việc tương tự như thế, nhưng thuốc dùng ngay tại xứ ấy công hiệu hơn là đem về đây. Riêng tôi, tôi đem về một thùng nhỏ đại hoàng (rhubarbe), lúc xuống tàu còn tốt vào bực nhất nhưng sau hai năm đi đường lúc về đến Âu châu thì đại hoàng biến thể đến nỗi tôi không nhận ra được nữa.
Thế mới biết các thảo dược đem từ bên ấy về đây mất hết cả linh nghiệm.
Bùi Trọng Phấn (dịch)

Việt Nam qua tư liệu của người phương Tây (phần 6): Chúa Trịnh Tráng trọng đãi người Âu châu



trong dai 17

Tóm tắt bài viết

Cuối thế kỷ 16, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và các nước phương Tây (Bồ Đào Nha, Anh, Pháp...) bắt đầu phát triển. Thuận theo đó, các giáo sĩ, thương nhân cũng lũ lượt vượt biển đến nước ta truyền đạo, buôn bán, làm ăn. Trong quá trình truyền đạo, để lưu dấu những ngày tháng sống ở đất khách quê người, các giáo sĩ, thương nhân đã ghi chép rất tỉ mỉ về phong tục, văn hóa, sinh hoạt của người bản địa. Đại Kỷ Nguyên xin phép được trích đăng lại những tư liệu quý giá đó, thông qua bản dịch của học giả Nguyễn Trọng Phấn (1910 – 1996) đăng trên tạp chí Thanh Nghị.
Giuliano Baldinotti (1591 – 1631), người Ý, sang Viễn Đông truyền giáo năm 1621. Ông là người Âu châu đến Bắc kỳ đầu tiên, được chúa Trịnh Tráng trọng đãi. 
Trước khi mất, Baldinotti làm tờ trình và nhân đấy Alexandre de Rhodes được cử sang trông nom địa phận Bắc kỳ.
Nhân dịp mấy thương khách Bồ Đào Nha trù tính sang xứ Đông Kinh (Hà Nội) – hành trình mà chưa ai đi cả – các bề trên xét rằng nên phái tôi đi với thầy Giulio Piani, sang trông nom việc rửa tội và nhân thể xem dân xứ này có sẵn sàng chịu lời Chúa hay không?


(Ảnh minh hoạ: Internet)
Alexandre de Rhodes được các bề trên cử sang trông nom địa phận Bắc kỳ. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Từ Ma Cao đến Hà Nội
Chúng tôi ở Áo Môn (Ma Cao) đi ngày 2.2.1626; mất 36 hôm, một vì dò hỏi đã không được kỹ càng, hai là vì bão… Ngày 7.3, chúng tôi mới đến Đông Kinh. Được tin Chúa Trịnh cử bốn thuyền chiến ra bể đón và hộ vệ chúng tôi suốt dọc sông để bọn Tàu Ô đã rình sẵn khỏi cướp bóc.
Đến nơi, tôi đi cùng thầy Giulio và tất cả các người Bồ Đào Nha vào bệ kiến, Chúa hoan hỉ tiếp chúng tôi, khoản đãi chúng tôi, cho ăn nhiều món khác nhau và hứa giúp mỗi khi chúng tôi cần việc gì. Khi chúng tôi kiếu từ, ngài ban cho viên thuyền trưởng và tôi nhiều y phục bản xứ rất quý giá rồi truyền lệnh cho chúng tôi được ở những nhà tốt nhất tại kinh đô.


(Ảnh minh hoạ: Internet)
Chúa Trịnh sai các quan ban thưởng cho những người Bồ Đào Nha rất nhiều đồ quý giá. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Trong thời kỳ chúng tôi lưu tại Đông Kinh ngài hậu đãi chúng tôi, sai mang các thứ giải khát cho viên thuyền trưởng và tôi hoặc ban cho chúng tôi đủ thứ tặng phẩm mỗi khi chúng tôi vào triều kiến. Ngài thường cho đòi chúng tôi vào xem các cuộc vui như đấu voi, thí ngựa hoặc đua thuyền.
Chúng tôi còn được mời xem tuồng hát và nhiều hội hè nhưng có vài nơi cần giữ phẩm cách, tôi không đến. Ngài ưu đãi chúng tôi như vậy, hình như vì muốn thông thương với người Bồ Đào Nha đã được tiếng đồn là đem nhiều nguồn lợi bằng tàu thuyền đến xứ này.


(Ảnh minh hoạ: Internet)
Có vẻ như Chúa Trịnh đã có ý muốn thông thương với người Bồ Đào Nha ngay từ thế kỷ 16, nếu quả thật là như vậy, thì tầm nhìn xa trông rộng của Chúa có những nét rất giống với Thiên Hoàng Minh Trị của Nhật Bản sau đó. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Trong khi ở Đông Kinh, tôi hết sức khuyên bảo người Bồ Đào Nha nên làm gương tốt cho dân trong xứ. Họ nghe theo tôi, nên Chúa đẹp lòng và sẵn có ý tốt với đạo chúng ta, muốn lưu tôi lại. Một vị “nội giám” và một pháp sư đã tâu ngài biết rằng tôi hiểu toán học, nên ngài sai một quan thị gọi tôi vào để giảng cho ngài rõ những gì thuộc về thiên văn.
Khi quan thị đến, tôi thưa rằng: “Bề trên sai tôi đi theo người Bồ Đào Nha lượt đi cũng như lượt về, tôi phải cai quản họ và hướng dẫn họ về việc đạo, tôi không có phép ở lại đây; nhưng khi về đến Ma Cao, tôi sẽ xin phép trở lại đây và sẽ ở đây vĩnh viễn. Được như thế tôi thỏa mãn lắm vì phận sự tôi ở Đông phương không phải là để thâu nhặt bạc vàng nhưng là để dạy cho họ cần đến những việc trời và nói cho họ hiểu đâu là vị Thượng đế chân chính đã tạo ra trời đất”.


(Ảnh: Falundafa)
Vị Thượng Đế tối cao tạo ra trời đất, vũ trụ, vạn sự vạn vật. Và cũng chính là “Chúa cứu thế” (cứu thế chủ) hay Phật Di Lặc (theo cách gọi của nhà Phật) mà các tôn giáo đều nói đến. (Ảnh: Falunart)

Chúa rất hài lòng về những lời trình bày của tôi nên mấy hôm sau cho vị pháp sư trên kia vào chầu. Chúa ban yến cho tôi, hỏi tôi những câu hỏi về khối tròn, yêu cầu tôi sang năm lại sang, ban cho tôi một chỉ bài để được vào và ngụ khắp xứ, không phải chịu một điều khoản nào cả. Thái tử là người sẽ lên kế vị ngài cũng ban cho tôi một chỉ bài giống như thế và nhiều quà cáp của vương phủ…
Bị kẻ xấu hãm hại
Việc lập giáo đường đang tiến hành thì một tên Maure có đạo Hồi đi nói xấu người Bồ Đào Nha và rêu rao lên rằng người Bồ Đào Nha làm do thám cho vua Đàng Trong là thù địch của vua Đàng Ngoài và viên thuyền trưởng Bồ Đào Nha đã nhận được một món tiền to về việc ấy. Bịa đặt ra như thế, tên Maure muốn trả thù mấy người Bồ Đào Nha có hiềm khích với hắn và muốn chiếm lấy của cải chúng tôi khi chúng tôi bị trục ra khỏi xứ như quân do thám hay như quân bất lương.
Chúng tôi có dâng biểu trần tình; lại được thêm một vị hoàng thân đã hiểu biết người Bồ Đào Nha ở nhiều nơi nói cho Chúa rõ, nên ngài không tin những điều đồn bậy. Nhưng không yên tâm, Chúa buộc chúng tôi thề sẽ không vào Đàng Trong và bao giờ cũng một lòng với ngài. Ngài cho đòi chúng tôi đến một ngôi chùa (pagode). Dân gian theo chúng tôi đông lắm.


(Ảnh minh hoạ: Internet)
Những người Bồ Đào Nha phải phát lời thề thì Chúa Trịnh mới tin. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Người ta đặt lên trên một chiếc hương án một bình đầy rượu và nước, lần lượt người ta lấy một chiếc xẻng và mũi một thanh mã tấu gõ vào bình. Đoạn người ta cắt tiết một con gà mái, rồi lấy mấy giọt huyết gà dập tắt lửa từ một tờ giấy có viết lời thề đem đốt trên hương án. Con gà mái bị chặt làm nhiều khúc. Lễ phát thệ ở trong chùa chỉ có thế, mọi người đứng vòng quanh hương án và không làm gì khác nữa. Song rồi họ chỉ vào chùa, chỉ vào bàn thờ và các cây nho thếp vàng dựng ở trên bàn thờ bảo chúng tôi thề sẽ theo đúng lời đã nguyện và uống rượu cúng…
Đoán biết trước việc sẽ xảy ra như thế nào, tôi lấy một bức tranh to vẽ Chúa, trải ra, tôi quỳ trước tranh nói không muốn gọi một vị Chúa nào khác ngoài Chúa cứu thế mà thề cả… Quan nội giám, đến dự lễ thay Chúa, không nghe theo lời tôi. Sau cùng tôi phải yêu cầu quan nội giám cho người về tâu Chúa rõ ý định của chúng tôi.
Chúa minh mẫn nên hiểu chuyện và truyền cho chúng tôi cứ thề như người có đạo Cơ Đốc. Tôi nhìn vào hình Chúa mà thề rằng, nếu tôi sai lời trong sớ thì Chúa sẽ bắt tôi chết bằng nước, bằng lửa, bằng đao gươm và các thứ khổ hình khác. Thầy Giulio, viên thuyền trưởng và tất cả các người Bồ Đào Nha cùng thề như vậy.


Sau khi phát lời thề trước hình ảnh vị Chúa Cứu Thế mà họ mang theo, thì lúc này, mọi nghi ngờ và khúc mắc đã được giải quyết. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Sau khi phát lời thề trước hình ảnh vị Chúa Cứu Thế mà họ mang theo, thì lúc này, mọi nghi ngờ và khúc mắc đã được giải quyết. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Lời thề của chúng tôi làm Chúa hết nghi ngờ, ban cho chúng tôi nhiều phẩm vật cùng đồ giải khát và cho phép chúng tôi nhổ neo. Ngài đã giữ chúng tôi lại thêm vài tháng chỉ vì ngài đã sợ chúng tôi vào nam.
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét