Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 177

(ĐC sưu tầm trên NET)

Kỳ hai: KGB xỏ mũi CIA như thế nào?

Burton Gerber là đại diện thế hệ điệp viên mới. Sau khi tốt nghiệp Đại học Michigan, Gerber gia nhập quân đội trước khi làm việc cho CIA. Trong những năm đầu cắm tại Đông Âu, Gerber đã chứng kiến những nỗ lực vụng về của CIA trong cuộc đối mặt với KGB, đặc biệt thái độ nghi ngờ bệnh hoạn của trưởng bộ phận phản gián CIA James Jesus Angleton. Đầu thập niên 1970, Gerber được thăng chức và được bổ nhiệm vào vị trí phụ trách bộ phận gián điệp Liên Xô. Ông là một trong những người hiếm hoi có thể tiếp cận thông tin tuyệt mật liên quan các chiến dịch nhạy cảm nhất mà CIA thực hiện nhằm vào Moscow, trong đó có câu chuyện ít người biết về một nhân viên KGB đào tẩu sang Mỹ, bị biệt giam ba năm, với hơn hai năm sống trong xà lim địa ngục tại nhà tù riêng tuyệt mật của CIA.

Sự hoài nghi bệnh hoạn

Chưa bao giờ bị quy kết bất kỳ tội trạng nào, tay nhân viên KGB – Yuri Nosenko – bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, không được đọc cũng như viết và không bao giờ được phép ngủ thẳng giấc. Gặp CIA năm 1962, Nosenko đào tẩu sang Mỹ năm 1964, trở thành nguồn thông tin chính có thể giải đáp một thắc mắc lớn nhất mà CIA hoang mang thời điểm đó: Liệu Moscow có đứng sau vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy? Ủy ban Điều tra Warren kết luận rằng chỉ Lee Harvey Oswald dính trực tiếp vụ ám sát Kennedy nhưng CIA luôn nghi rằng có thể có bàn tay KGB. Oswald trốn sang Liên Xô sau khi phục vụ thủy quân lục chiến Mỹ và sau đó trở về Mỹ với người vợ Nga không lâu trước khi xảy ra sự kiện Kennedy bị bắn chết. Hoài nghi về sự dính líu KGB lởn vởn và bao trùm Langley (trụ sở CIA) và khi Nosenko xuất hiện, người ta vội vã nhảy bổ vào như vớ được chiếc phao. Nosenko đưa ra câu trả lời: KGB không can dự vụ Kennedy! Tuy nhiên, CIA tiếp tục không tin và cho rằng Nosenko là điệp viên nhị trùng. James Jesus Angleton ủng hộ giả thuyết trên, đặc biệt khi nghe điệp viên KGB Anatoly Golitsyn (phản bội) nhấn mạnh rằng tất cả điệp viên KGB chạy theo Mỹ sau trường hợp mình đều là gián điệp nhị trùng. Vụ Nosenko là trường hợp điển hình của sự hoài nghi bệnh hoạn thời James Jesus Angleton. Với thế hệ Burton Gerber, không phải tất cả điệp viên KGB đều là gián điệp nhị trùng, và nếu khéo léo, hoàn toàn có thể sử dụng họ được. Tay điệp viên KGB cuối cùng làm việc cho CIA mà không bị Angleton nghi ngờ là đại tá Oleg Penkovsky. Là một trong những điệp viên quan trọng nhất trong lịch sử CIA thời chiến tranh lạnh, Penkovsky đã giúp nội các Kennedy vượt qua cơn khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Tham vọng Gerber được Giám đốc CIA Richard Helms hậu thuẫn bằng cách tăng cường nhân lực bộ phận gián điệp Liên Xô. Một trong những người như vậy là David Blee, từng lưu dấu tay tại châu Á khi tổ chức cuộc đào thoát từ Ấn Độ sang phương Tây cho Svetlana (con gái Josef Stalin). Trước khi được Richard Helms yêu cầu làm việc trong bộ phận gián điệp Liên Xô, David Blee là Chỉ huy trưởng CIA bộ phận Cận Đông...

Chỉ huy sở CIA, Langley, bang Virginia, 8 giờ 45, ngày 14-6-1985. Paul Redmond vào phòng Gerber. Trên bàn, có bức điện vụ bắt Paul Stombaugh tại Moscow. Cạnh đó, Redmond thấy món quà tạm biệt của một nhân viên CIA từng làm việc tại Moscow gửi tặng Gerber. Đó là ống tuýp thép đen được uốn cong đặt trên bệ gỗ. Một đầu ống thép treo lủng lẳng quả cầu đen. Nhìn món quà lưu niệm của những người từng phục vụ chiến dịch nghe trộm tại Moscow, Redmond bất giác nhớ đến GTTAW – mật danh chương trình nghe lén của CIA tại Moscow - với thiết bị nghe trộm cài trong đường hầm nối Moscow và Krasnaya Pakhra, nơi có viện nghiên cứu vũ khí hạt nhân tại Tây-Nam thủ đô Liên Xô. Trong nhiều năm, Mỹ nghe tất tần tật liên lạc giữa các khoa học gia làm việc tại đây với sĩ quan quốc phòng Liên Xô, khi bắt tín hiệu truyền bằng sóng vi ba. Tuy nhiên, cuối thập niên 1970, Liên Xô lập đường hầm và chôn hệ thống cáp liên lạc. Khi không còn bắt được tín hiệu, vệ tinh do thám Mỹ dò tìm hệ thống liên lạc mới và phát hiện dấu hiệu xây dựng dọc theo trục lộ chính giữa khu nghiên cứu và Moscow.

Những cuộc băng trắng

 Ảnh vệ tinh cho thấy thêm có nhiều lỗ nhỏ dọc theo đường, hẳn nhiên là lỗ hầm để người ta có thể sửa chữa dây cáp nếu chúng hỏng. Cùng Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), CIA thực hiện kế hoạch gài thiết bị nghe trộm trong hệ thống cáp ngầm trên. Năm 1979, Jim Olson là nhân viên CIA đầu tiên chui vào lòng Moscow gài máy nghe lén. Sau đó, CIA và NSA chế tạo thành công chiếc “vòng cổ” có thể bắt được tín hiệu liên lạc mà không cần đấu trực tiếp thiết bị vào dây cáp. Từ đó, gián điệp Mỹ liên tục, trong thời gian định kỳ, đến một con đường làng vắng, nơi đặt thiết bị ghi âm để lấy băng về. Màn nghe lén tiến hành suôn sẻ 5 năm. Mùa xuân 1985, khi đến lấy băng, một trong những đồng nghiệp của Paul Stombaugh phát hiện dấu vết lạ và hoảng hốt bỏ đi. Sau thời gian khá dài cân nhắc và bàn tính giữa văn phòng CIA tại Moscow với Langley, CIA quyết định cử một điệp viên sắp hết hạn làm việc tại Moscow đến lấy băng. Tay điệp viên trở về an toàn, không mất một sợi tóc. Tuy nhiên, niềm vui trở thành cảm giác xấu hổ hụt hẫng. Toàn bộ băng đều “trắng”, làm như ai đó đã xóa sạch hoặc đơn giản là chúng được thay vào bằng băng trắng (đến nay, CIA vẫn còn mù tịt về vụ trên và không hiểu tại sao)...

Điệp viên nhị trùng tại CIA

Khi Gerber viết, Paul Redmond tiếp tục nghĩ mông lung. Đầu tiên là GTTAW và kế đó xảy ra vụ Sergei Bokhan, mới hai tuần trước. Bokhan – đại tá GRU (Cơ quan Quân báo Liên Xô) – làm việc cho CIA 10 năm, với mật danh GTBLITZZARD. Năm 1978, trong chuyến công tác đầu tiên đến Hy Lạp, Bokhan thông báo CIA rằng có một thanh niên Mỹ vào Tòa Đại sứ Liên Xô tại Athens, đề nghị bán cẩm nang tuyệt mật về vệ tinh do thám KH –11. Thông tin từ Bokhan đã giúp Mỹ bắt được cựu nhân viên CIA William Kampiles (bán tài liệu trên với giá 3.000 USD). Năm 1984, trong chuyến công tác Athens lần hai, Bokhan tiết lộ rằng một điệp viên Hy Lạp có quan hệ với giới thầu quốc phòng đã cung cấp GRU dữ liệu kỹ thuật về tên lửa Stinger. Thất thoát thông tin về Stinger sẽ là đòn đau điếng cho Lầu Năm Góc, do Stinger là vũ khí cầm tay bắn máy bay hiện đại nhất của quân đội Mỹ thời điểm đó. Đang làm việc đắc lực cho CIA, ngày 21-5-1985, Bokhan bất ngờ nhận được điện từ tổng hành dinh GRU, yêu cầu về Moscow trong vòng vài ngày thay vì đến kỳ nghỉ phép tháng 8 cùng năm. Bokhan được thông báo rằng cậu con trai 18 tuổi Alex đang gây rắc rối tại Học viện Quân sự Kiev. Trước đó vài hôm, Bokhan đã gọi điện cho anh vợ tại Kiev, biết rằng Alex không hề gây sự cố nào. Có gì bất ổn chăng? Moscow đánh hơi được hành động phản bội của Bokhan? Để bảo đảm an toàn, Bokhan được CIA bí mật đưa sang trốn tại Virginia (Mỹ).

GTTAW, Sergei Bokhan và bây giờ là sự cố Paul Stombaugh. Một, hai, rồi ba... Trùng hợp chăng? Chắc là không – Paul Redmond nghĩ. Từng nắm vị trí chỉ huy trưởng CIA bộ phận gián điệp đặc trách Liên Xô-Đông Âu, Redmond cũng lê mòn gót tại Zagreb, Kuala Lumpur, Athens và Cyprus... Trầm ngâm, Redmond tin rằng có thể James Jesus Angleton không điên khùng và lẩm cẩm như được tưởng, người luôn cho rằng chắc chắn ít nhất một tên điệp viên nhị trùng nào đó đang trà trộn vào hàng ngũ CIA. Có điều, Angleton chỉ sai khi phán đoán đó là ai, làm gì, lúc nào và ở đâu...
MẠNH KIM trích lược

Kỳ ba: Ba cuộc đào tẩu ngoạn mục

Cơn ác mộng của Oleg Antonovich Gordievsky.- Trung tuần tháng 5-1989, đại tá KGB Oleg Antonovich Gordievsky còn ở London. Bây giờ, ông có mặt tại Moscow. Mồ hôi nhỏ giọt trên mặt khi Gordievsky đứng co ro trong chiếc áo mưa xám trên vỉa hè đường Kutuzovsky Prospekt, trung tâm Moscow, nhìn dòng xe cộ trước mặt bằng cặp mắt vô hồn. Ông kinh hãi, bất giác nghĩ rằng có ai đó trong đám đông bất ngờ la toáng lên: “Hắn kìa, tên điệp viên Anh chạy trốn, bắt hắn ngay!”. Gordievsky cầu nguyện bọn nhân viên Cục Tình báo Anh (SIS) đến đón như đã hứa. Cơn ác mộng bắt đầu xuất hiện không lâu sau khi Gordievsky được lệnh KGB lên đường về Moscow.


Gordievsky ngờ rằng sự tráo trở của mình đã bị phát hiện. Từ khi tình nguyện làm việc cho tình báo Anh khi còn công tác tại Đan Mạch hơn một thập niên trước, Gordievsky đã cung cấp nhiều tài liệu quan trọng. Tình báo Anh giấu kín tông tích Gordievsky khỏi sự dò xét của Mỹ nhưng cuối cùng CIA cũng biết và chỉ định trưởng phòng phản gián đặc trách Liên Xô Aldrich Ames điều tra...
Trở về Moscow lần này, Gordievsky biết có chuyện không lành. Căn hộ ông tại Leninsky Prospekt ở Tây Nam Moscow có dấu vết lục soát của bàn tay chuyên nghiệp.  Gordievsky tiếp tục sống trong ác mộng trong hai ngày khi đáp tàu và xe buýt từ Moscow đến làng Viborg, không xa biên giới Phần Lan - Liên Xô, điểm hẹn mà nhân viên SIS chọn để giúp Gordievsky đào thoát. Liếc nhìn đồng hồ lần thứ 100 chỉ trong khoảng 40 phút, Gordievsky bồn chồn và cảm giác hoảng sợ mỗi lúc một tăng. Cuối cùng, ông thấy hai chiếc xe dừng ở hướng đối diện. Hai người bước ra, nhìn quanh. Gordievsky mừng rỡ. Một trong hai người lạ là nhân viên SIS từng gặp Gordievsky tại Moscow vài ngày trước để hướng dẫn kế hoạch đào tẩu. Người thứ hai là Raymond Lord Asquith, cháu ruột vị Thủ tướng Anh huyền thoại Herbert Henry Asquith và là chuyên gia số một về Liên Xô của SIS. Gordievsky lao vào xe, quấn mình vào tấm mền. Bên cạnh, có một chai rỗng để Gordievsky tiểu tiện khi cần. Gordievsky gần như nín thở và hy vọng chiếc mền nhiệt có thể giúp tránh bị máy dò phát hiện. Lúc xe dừng ở trạm kiểm soát thứ năm và cũng là chặng cuối tại biên giới, Gordievsky run bần bật khi nghe tiếng chó đánh hơi khụt khịt. Từ trong thùng xe, Gordievsky không thấy cảnh vợ một nhân viên SIS liên tục quẳng bánh khoai tây cho đám chó. Sau hai phút trôi qua như hàng thế kỷ, chiếc xe cuối cùng cũng được phép lên đường...
Aldrich Ames, điệp viên KGB tại CIA
Trưa 1-8-1985, tại bàn làm việc trong văn phòng CIA ở Rome, David Shorer - tay điệp viên CIA từng bị bắt tại Moscow và bị trục xuất - nhìn chằm chằm vào điện thoại. Một người nói tiếng Anh giọng Slavic đã gọi từ trước, úp úp mở mở rằng mình là viên chức KGB cấp cao “sẵn sàng làm việc với các ông”. Sau 10 phút chờ trong trạng thái sốt ruột, cuối cùng, chuông reng. “David Shorer, tôi là viên chức Liên Xô, đang quan tâm đến...” – “Ông ở đâu?” – Shorer cắt ngang. “Bên đường đối diện cổng tòa đại sứ của ông”. “Gác máy ngay và băng sang Tòa Đại sứ Mỹ. Tôi đón ông ở cổng”. “Ông có giấy tờ gì chứng minh không?” – Shorer vội vã hỏi khi vừa gặp. “Tôi là Vitaly Sergeyevich Yurchenko” – Yurchenko nói, chìa thông hành ngoại giao – “Tôi là đại tá KGB...”. Từng làm việc tại bộ phận Liên Xô - Đông Âu, Shorer nhận ra đây chắc chắn là một món hời hấp dẫn. Ngay hôm sau, Yurchenko được đưa sang Mỹ từ ngả Frankfurt (Đức). Đón Yurchenko tại căn cứ không quân Andrews là toán FBI và CIA, trong đó có hai viên chức cấp cao CIA Chuck Medanich và Aldrich Ames. “Đại tá Yurchenko. Tôi, nhân danh Tổng thống Hoa Kỳ, xin chúc mừng ông đến nước Mỹ” – Ames chào Yurchenko. Trong thâm tâm, Ames hoang mang không rõ Yurchenko biết mình là tay trong của KGB làm việc tại CIA hay không. Ames nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp Ban Giám đốc K, bộ phận phản gián thuộc Ban Giám đốc thứ nhất KGB. Yurchenko rời Ban Giám đốc K vào tháng 1-1985, ít nhất ba tháng trước khi Ames tình nguyện làm việc cho KGB. Có thể Yurchenko không biết hành tung mình – Ames nghĩ. Ngồi chung trong chiếc xe lăn bánh khỏi căn cứ không quân Andrews, Ames quyết định thăm dò bằng cách gợi chuyện. Ít nhất một lần, Yurchenko đã làm Ames giật thót khi kể về chuyến trở về Moscow bất thường hồi tháng 4 hay tháng 5-1985 của hai viên chức KGB làm việc tại Washington (Stanislov Androsov và Viktor Cherkashin). Liệu sự kiện này dính líu gì tới điệp vụ nhị trùng của mình? – Ames tự hỏi. Phần Yurchenko, một trong những thông tin đầu tiên mà ông cung cấp CIA là nhận dạng được một kẻ mang bí danh “Mr. Robert”. Đó không ai khác hơn là Edward Lee Howard, có thể chính là kẻ làm bể nát đường dây tình báo Adolf Tolkachev...
Màn giả khùng siêu đẳng của Edward Lee Howard
Lần đầu tiên khi nộp đơn xin làm việc ở vị trí điệp viên CIA hoạt động dưới lớp vỏ bọc năm 1980, Edward L. Howard dường như là ứng cử viên lý tưởng, có kinh nghiệm làm việc trong khu vực chính phủ lẫn tư nhân. Sau khi tham gia khóa ngôn ngữ và chương trình huấn luyện Các chiến dịch trong lòng địch với đầy đủ kỹ năng gián điệp lẫn giết người, đầu năm 1982, Howard chuẩn bị sang Moscow cùng vợ (cũng là nhân viên CIA) mang vỏ bọc một viên chức ngoại giao làm việc tại tòa Đại sứ Mỹ. Trong thời gian học tiếng Nga trước khi sang Liên Xô, Howard làm việc chung phòng với Michael Sellers, cũng là một nhân viên CIA  mang vỏ bọc ngoại giao sắp sang Moscow, và nhờ vậy tiếp cận được nhiều hồ sơ tuyệt mật. Hầu hết hồ sơ về lực lượng điệp viên Liên Xô làm việc cho Mỹ đều mang mật danh và tên tắt nhưng Howard đã phát hiện hồ sơ gốc với tên thật. Do đó, Howard biết được vụ gián điệp của khoa học gia Adolf Tolkachev. Tháng 4-1983, Howard trải qua cuộc kiểm tra cuối cùng trước khi lên đường. Tất cả đợt kiểm tra nói dối đều hỏng và lộ ra nhiều chi tiết quá khứ Howard chưa từng khai. Vào ngày Howard chính thức bị sa thải khỏi CIA, người ta phát hiện Howard nhiều lần vào trụ sở CIA, không biết làm gì. Bị quẳng ra đường, Howard lại trở thành kẻ nát rượu. Khi được thuê làm chuyên gia kinh tế cho bộ máy lập pháp bang New Mexico, Howard dường như vẫn còn hận và liên tục nhắc “sự ngược đãi vô lý” mà CIA đối xử với mình. Có lẽ Howard quá phẫn chí. Thế rồi ngày kia, xuất hiện vài dấu hiệu lạ: Howard thường xuyên gọi điện cho Tòa Đại sứ Mỹ tại Moscow, với nội dung điện đàm toàn chuyện tầm phào. Tháng 2-1984, Howard bị bắt tội cầm  súng bắn vãi đạn ngoài phố trong một cuộc cãi vã ở quán bar. Rõ ràng, Howard đã bị khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng và có dấu hiệu tâm thần...
Ngày 9-8-1985, Edward L. Howard đáp máy bay từ Albuquerque (bang New Mexico) đến Zurich (Thụy Sĩ) và sang Vienna vào hai ngày sau. Trước khi đi, Howard nói với ông chủ rằng bà nội (ngoại) mình bệnh nặng vừa từ trần. Sau này, người ta mới biết rằng Howard không có bà nội-ngoại nào bị bệnh chết và cũng không có cụ bà thân thích nào sống ở Áo hay Thụy Sĩ. Hơn nữa, đó cũng không là chuyến đến Vienna lần đầu. Howard từng ghé Vienna vào tháng 9-1984 và lần đầu tiên tiếp xúc trực tiếp nhân viên KGB! Khi hành tung bại lộ, Howard nhanh chân chuồn sang Liên Xô, để lại phía sau loạt cáo thị truy nã khẩn về mình của FBI và sự tức tối lộn ruột của các “đồng nghiệp” CIA!
MẠNH KIM lược dịch

Kỳ bốn: Cú đấm trời giáng của Vitaly Sergeyevich Yurchenko

Washington DC, tháng 8-1985. Ngồi trước viên chức CIA Burton Gerber, đại tá KGB Vitaly S. Yurchenko bắt đầu tiết lộ về đường dây gián điệp KGB tại Mỹ mà Oleg Danilovich Kalugin xây dựng. Năm 1958, Kalugin đến Mỹ với tư cách sinh viên học bổng Fulbright. Tuy nhiên, nhân vật sau này trở thành chánh văn phòng phản gián KGB và được phong trung tướng chính là người điều khiển đường dây John Walker (cài trong hải quân Mỹ). Tại Mỹ, Kalugin học khoa báo chí Đại học Columbia.


Đầu thập niên 1960, Kalugin hoạt động dưới lớp vỏ bọc thông tín viên đài phát thanh Moscow, đặc trách tường thuật các vấn đề liên quan Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Năm 1965, Kalugin được bổ nhiệm vị trí phó phòng tình báo chính trị KGB. Đầu thập niên 1970, Kalugin được phong chánh văn phòng phản gián hải ngoại và mang lon tướng vào năm 1974, khi 40 tuổi (trẻ nhất lịch sử KGB). Ngoài John Walker, Kalugin (**) cũng thiết lập quan hệ với hai điệp viên Anh phục vụ KGB (George Blake và Kim Philby)... Tuy nhiên, tiết lộ của Yurchenko về vụ Nikolai Artamonov mới thật sự gây sốc.

Kẻ cắp gặp bà già

Năm 1959, Nikolai Artamonov là chỉ huy trưởng trẻ nhất một tàu khu trục thuộc Hạm đội Baltic. Khi neo tàu gần cảng Gdansk (Ba Lan), Artamonov gặp một nữ sinh viên nha khoa Ba Lan tên Blanka Ewa Gora. Hai người quyết định trốn sang Mỹ để có thể ăn đời ở kiếp. Cùng tình nhân, Artamonov đến Thụy Điển, để lại vợ và con trai tại Leningrad. Tiếp đó, Artamonov móc nối CIA và được đặt tên mới Nicholas George Shadrin, phục vụ Cơ quan Quân báo Mỹ (DIA) thuộc Lầu Năm Góc. Năm 1966, điệp viên KGB phát hiện Shadrin trong một buổi thuyết trình khoa học quân sự tại Washington. Thay vì khử Shadrin, KGB quyết định thuyết phục Shadrin bí mật quay lại làm việc cho Liên Xô. Đại tá KGB Igor Kochnov chịu trách nhiệm đến gặp trực tiếp Shadrin, mang theo hai lá thư của người vợ cũ. Trước sự bất ngờ của Kochnov, Shadrin đồng ý làm tay trong cho KGB. Tuy nhiên, Kochnov không hề biết rằng Shadrin sau đó đã thuật lại toàn bộ câu chuyện “chiêu hồi”. Sự việc bắt đầu phức tạp khi chính Igor Kochnov bí mật móc nối CIA và trở mặt với KGB. Vấn đề nan giải đến mức cả CIA, FBI và DIA cùng vào cuộc. Giữa thập niên 1970, KGB bắt đầu hoài nghi lòng trung thực  của Shadrin và họ quyết định bắt cóc tay điệp viên nhị trùng. KGB chọn nơi hành động là Vienna, nhằm dễ dàng đưa Shadrin sang Tiệp Khắc. Ngày 18-12-1975, Shadrin được yêu cầu đến gặp chỉ huy KGB tại Vienna. Shadrin đồng ý hẹn gặp buổi thứ hai vào hai ngày sau. Tuy nhiên, từ lúc đó, không ai còn thấy Shadrin nữa. Lợi dụng sự rò rỉ báo chí, Washington sử dụng vụ Shadrin làm đòn ngoại giao. Ngoại trưởng Henry Kissinger đặt vấn đề Shadrin với Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin. Năm 1976, vài tháng sau vụ mất tích Shadrin, căng thẳng bắt đầu leo thang. Điện hỏi trực tiếp Tổng Bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev, Tổng thống Mỹ Gerald Ford được trả lời rằng nhân viên an ninh Liên Xô có gặp Shadrin tại Vienna vào ngày 18-12-1975 nhưng không hiểu tại sao Shadrin bỗng mất tích. Đến đời Tổng thống Jimmy Carter, Leonid Brezhnev cũng trả lời tương tự. Số phận Shadrin tiếp tục nằm trong vòng bí ẩn cho đến khi Yurchenko đào tẩu sang Mỹ. Theo Yurchenko, Shadrin đã chết khi bị bắt cóc. Nhóm nhân viên KGB đánh thuốc mê Shadrin đã giấu đối tượng trong thùng xe trên đường vượt biên giới Áo. Khi đến địa điểm quy định, người ta mở thùng xe và thấy Shadrin chết từ lúc nào. Nguyên nhân: Thuốc mê bị dùng quá liều... Khi kể câu chuyện Nicholas Shadrin, Yurchenko cảnh báo CIA phải tuyệt đối giữ kín và nhấn mạnh rằng KGB không bao giờ để yên một khi biết Yurchenko bôi nhọ họ. Tuy nhiên, Mỹ lập tức vớ vụ Shadrin – không cần kiểm chứng đúng hay sai – lấy làm cái cớ đắc ý tung ra chiến dịch tuyên truyền tấn công Liên Xô trên mặt trận ngoại giao. CIA kích động báo chí Mỹ vào cuộc. Đến lúc đó, Yurchenko mới nhận ra rằng mình bị CIA chơi xỏ lá.

Washington DC, 31-10-1985. Burton Gerber ra lệnh bảo vệ kỹ Yurchenko, đề phòng KGB thực hiện chiến dịch ám sát đối tượng. Ngày 2-11-1985, Yurchenko yêu cầu nhân viên CIA Tom Hannah (phụ trách bảo vệ mình) đưa đi mua sắm. Hai người đến cửa hàng quần áo Hecht’s tại Manassas (bang Virginia). Kế đó, Yurchenko đòi đi ăn tại nhà hàng Au Pied de Cochon. Trong bữa ăn, Yurchenko xin ra ngoài một lúc. Tay nhân viên CIA Hannah, trẻ và thiếu kinh nghiệm, đã không mảy may nghi ngờ và tỉnh bơ ngồi đợi (sau này, CIA mới phát hiện trong buồng thay quần áo tại cửa hàng Hecht’s có một máy điện thoại công cộng và người ta tin rằng Yurchenko đã dùng nó để liên lạc với KGB tại Sứ quán Liên Xô). Suốt đêm đó, FBI và CIA lùng sục khắp Virginia. Vẫn không thấy bóng dáng Yurchenko...

Cú đấm bồi

Chỉ huy trưởng phản gián KGB Viktor Cherkashin được yêu cầu có mặt tại Tòa Đại sứ Liên Xô vào tối 2-11-1985, một cách bất thường. Nhân viên KGB Stanislov Androsov chờ ông sẵn ở bãi đậu xe. Câu chuyện có lẽ nên bàn ở một bãi xe như thế này là an toàn nhất. Gần như thì thầm, Androsov thông báo về sự trở lại bất ngờ của Yurchenko. Cherkashin giật mình. Ông vội vã vào bên trong Tòa Đại sứ. Yurchenko đang bị canh giữ bởi một sĩ quan an ninh. Lấy hết bình tĩnh, Cherkashin nở nụ cười và ôm chầm Yurchenko. Tại chỉ huy sở CIA, người ta vẫn không nhận được tin gì và sự bí mật nặng nề chỉ được giải tỏa vào khoảng 3 giờ chiều 3-11-1985, khi giới báo chí Mỹ được mời dự cuộc họp báo tại Tòa Đại sứ Liên Xô. Bộ Ngoại giao Mỹ lúc đó vẫn không biết ất giáp gì khi nhận được bức thư chính thức từ Sứ quán Liên Xô, chỉ trích “hành động tội ác nhằm vào V. S. Yurchenko”. Tại buổi họp báo đầy phóng viên Mỹ, nhà báo nước ngoài cũng như viên chức ngoại giao Liên Xô, Yurchenko kể rằng “... tôi bị một nhóm lạ mặt đánh thuốc mê, bắt cóc tại Rome. Bất tỉnh, tôi được đưa về Mỹ. Tại đây, tôi bị cách ly và bị khước từ liên lạc với đại diện Liên Xô...”. Tại tổng hành dinh CIA, trong phòng Gerber, nhóm viên chức cấp cao thuộc bộ phận gián điệp Liên Xô-Đông Âu theo dõi buổi truyền hình trực tiếp cuộc họp báo. Hầu hết đều im lặng, cho đến khi Yurchenko kể đến đoạn mình bị CIA tra tấn. Paul Redmond thốt lên: “Hắn đang dùng chiêu Bitov!”. Redmond ám chỉ điệp viên Liên Xô Oleg Bitov, đào tẩu sang Anh năm 1983 nhưng một năm sau lại quay về KGB. Bitov cũng nói mình bị (tình báo Anh) bắt cóc và bị ép dùng thuốc kiểm soát thần kinh trong suốt một năm... Trên truyền hình, Yurchenko tiếp tục kể, về tờ hợp đồng mà CIA buộc mình ký, trong đó Yurchenko nhận 1 triệu USD tiền thưởng, trợ cấp 62.500 USD/năm (“có điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát”) và 48.000 USD dùng sắm vật dụng sinh hoạt.

Với CIA, không còn gì có thể tệ hơn. Vụ Yurchenko là cú đấm bồi gây choáng váng, xảy ra gần như cùng lúc với hai vụ tương tự. Tại Kabul (Afghanistan), một sĩ quan quân đội Liên Xô bất ngờ đến Tòa Đại sứ Mỹ xin tị nạn chính trị. Suốt nhiều tuần, Mỹ từ chối yêu cầu giao lại tay sĩ quan cho Liên Xô. Thế rồi, bỗng nhiên tay sĩ quan nằng nặc đòi trở lại hàng ngũ mình. Vụ thứ hai liên quan một thủy thủ Liên Xô nhảy sang một tàu Mỹ và rồi sau đó cũng xin trở về... Tóm lại, vụ Yurchenko đã đưa ra bằng chứng cuối cùng cho thấy có gì đó bất ổn trong cách Mỹ sử dụng thành phần đào tẩu từ Liên Xô. Tuy nhiên, ngày 5-11-1985, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn thuyết phục Yurchenko trở lại với CIA. Yurchenko từ chối. 16 giờ 15 ngày 6-11-1985, tại phi trường Dulles, trong chiếc áo mưa Burberry, Vitaly S. Yurchenko bước lên thang chiếc máy bay Aeroflot; ngập ngừng rồi quay lại, mỉm cười vẫy tay chào vài nhân viên FBI và CIA đứng bên dưới, trông như “quen quen”...

MẠNH KIM TRÍCH LƯỢC

(*) Xem Báo NLĐ từ số ra ngày 11-8-2003
(**) Nghỉ hưu năm 1990, Oleg Kalugin bị kết án 15 năm tù trong phiên xử vắng mặt vào tháng 6-2002, với tội danh tiết lộ bí mật an ninh quốc gia, đặc biệt những chi tiết trong quyển The First Directorate của ông. Sang Mỹ năm 1995, Kalugin được nhập tịch Mỹ vào thượng tuần tháng 8-2003. Vụ trên bị chỉ trích như là hành động phản bội tổ quốc không thể tha thứ. Tổng thống Nga Vladimir Putin (nguyên đại tá KGB) cũng lên án Kalugin tội phản bội đất nước.

Kỳ năm: Siêu điệp viên “B” Robert Hanssen

Lá thư bí mật.- Alexandria, bang Virginia, ngày 4-10-1985. Khi kiểm tra hộp thư tại nhà mình, nhân viên KGB Viktor M. Degtyar phát hiện một lá thư kỳ lạ, không đề người gửi, với dấu bưu điện “Ngày 1-10, hạt Prince George, Maryland”. Bên trong, có một phong bì thứ hai ghi “Xin đừng mở. Giao trực tiếp cho Viktor I. Cherkashin”.


Người gửi chắc chắn biết không ít về hoạt động KGB tại Mỹ, thậm chí nắm chính xác địa chỉ một nhân viên KGB (Viktor M. Degtyar) và biết cả Viktor Cherkashin (chỉ huy trưởng phản gián KGB, hoạt động trong vỏ bọc tại Sứ quán Liên Xô). Nội dung lá thư viết: “Kính gửi ngài Cherkashin. Không lâu nữa, tôi sẽ gửi một thùng tài liệu cho Degtyar. Đó là những thông tin tình báo nhạy cảm nhất cộng đồng tình báo Mỹ. Tất cả đều là bản gốc để có thể kiểm chứng. Hãy nhìn nhận lợi ích lâu dài của chúng ta... Tôi tin một sĩ quan kinh nghiệm như ông có thể xử lý tốt trường hợp này. Tôi tin rằng số tài liệu đủ giá trị để các ông trả cho tôi 100.000 USD. Tôi buộc phải nhấn mạnh về sự cảnh báo rủi ro cho an toàn của tôi mà ông có thể không nhận biết. Hoạt động của các ông gần đây đã bị thụt lùi. Tôi xin thông báo rằng Boris Yuzhin, Sergey Motorin và Valery Martynov đã được chúng tôi tuyển dụng... Chi tiết liên quan số tiền (mua tài liệu) và hợp đồng tương lai sẽ được gửi trực tiếp cho ông...”.

Nhân viên KGB Stanislov Androsov và Viktor Cherkashin biết ngay nhân vật bí mật này không bịp họ. Lá thư xuất hiện gần như cùng lúc với một số thông tin mà Cherkashin nhận từ Aldrich Ames (nhân viên CIA) vài tháng trước. Với một tay kinh nghiệm như Cherkashin, ông có thể đoán nhân vật trên làm việc ở đâu. Theo tiết lộ của Ames, hoạt động KGB tại Mỹ nằm dưới sự theo dõi của CIA và FBI với trách nhiệm cùng chức năng chỉ khác vài điểm. Trong khi CIA có quyền thông báo các kế hoạch KGB cho mạng điệp viên hải ngoại của mình, FBI lại không được phép. Tuy nhiên, bộ phận phản gián FBI có thể tiếp cận các chiến dịch và kịch bản tấn công hệ thống gián điệp Liên Xô hoạt động tại Mỹ. Do đó, Cherkashin nghĩ rằng gã bí mật hẳn là viên chức cấp cao thuộc bộ phận phản gián FBI. Nếu không, hắn không thể biết Viktor M. Degtyar, huống hồ Viktor Cherkashin. KGB đặt mật danh nhân vật bí mật trên là “B”. Ngày 15-10-1985, “B” gửi đến nhà Degtyar gói tài liệu. Androsov và Cherkashin gần như không tin vào mắt mình: Tất cả đều là tài liệu tuyệt mật. Chỉ 5 tháng sau khi Aldrich Ames tình nguyện bán đứng CIA cho Liên Xô, bây giờ KGB lại nắm trong tay một gã lợi hại không kém. 8 giờ 35 sáng 16-10, nhóm nhân viên FBI theo dõi Sứ quán Liên Xô phát hiện Degtyar đến cơ quan với chiếc túi đen to mà trước nay không thấy thường dùng. Nhóm FBI ghi vào sổ báo cáo chi tiết này. Trong nhiều năm, thông tin về cái túi đen của Degtyar bị đánh giá không quan trọng và không ai ngờ rằng đó chính là chiếc túi đựng hồ sơ mật mà “B” tuồn cho KGB.

Khi gửi thư cho Degtyar, “B” biết chắc rằng mình khó có thể bị phát hiện, bởi FBI trước nay ít khi mạo hiểm lục thư nhân viên KGB hoạt động tại Mỹ. Sợ bứt dây động rừng, FBI không muốn để lộ thông tin rằng họ đã phát hiện vỏ bọc nhân viên KGB. Hơn nữa, số viên chức FBI biết rõ mạng lưới KGB tại Mỹ không nhiều. 10 ngày trước, “B” được chuyển đến văn phòng FBI New York. Đây là chuyến công tác thứ hai của “B” tại New York và cũng là lần thứ hai “B” móc nối gián điệp Liên Xô. Năm 1979, “B” từng đến New York, vào văn phòng AMTORG (Tổ chức Mậu dịch Liên Xô đóng vai trò bình phong cho Cục Quân báo Liên Xô-GRU), tình nguyện cung cấp thông tin liên quan một viên tướng GRU phản bội, người mà CIA gọi là BOURBON và FBI gọi là TOP HAT. “B” tiếp tục làm gián điệp cho GRU cho đến khi bị vợ phát hiện năm 1980. Khi vào tầng hầm căn nhà tại Scarsdale (New York), cô vợ thấy “B” vội vã giấu lá thư đang đọc. Tưởng chồng ngoại tình, cô vợ khóc toáng. Hoảng hốt, “B” không còn cách nào khác là thú nhận mình đang làm gián điệp cho Liên Xô, nhưng “tất cả chỉ là màn bịp và anh chỉ cung cấp cho họ toàn thông tin vớ vẩn, cốt để lấy tiền”. Đang mang thai đứa con thứ tư, cô vợ tin lời chồng.  Gia đình họ lúc đó đúng là rất cần tiền...

Siêu điệp viên

Vào lúc bị bắt ngày 6-7-1985, Dmitri Fedorovich Polyakov nhận ra rằng cuộc hành trình dài của ông cuối cùng đã kết thúc. Vụ điều tra Polyakov bắt đầu từ tiết lộ của “B” năm 1979. Polyakov từng bị triệu hồi về nước đối chất trong nhiều vụ thẩm cung và bị yêu cầu từ chức nhưng một viên tướng phản gián KGB đã can thiệp, cho rằng Polyakov không thể phản bội đất nước và làm tình báo cho Mỹ. Đề nghị từ trung tướng KGB Sergeyevich Krassilnikov về việc tiến hành điều tra đến nơi đến chốn cáo buộc liên quan Polyakov đã bị khước từ. Vụ việc được xếp vào ngăn kéo. Tướng GRU Polyakov về hưu trong bình yên. Ông sống cuộc đời mới với đám cháu nhỏ và giết thời giờ bằng nghề mộc. Năm năm sau, móc xích thất lạc cuối cùng trong chuỗi dây xích cáo buộc Polyakov bỗng xuất hiện. KGB bây giờ có đủ bằng chứng kết luận Polyakov phản bội. Thông tin lần này được tiết lộ từ Langley (trụ sở CIA).

Ngày 4-7-1985, Polyakov nhận được thư mời dự lễ nghỉ hưu tại trụ sở GRU. Polyakov ngờ vực và hoang mang. Đây có thể là cái bẫy. Nỗi lo càng tăng khi được cậu con trai (Peter, lúc đó là sĩ quan GRU) kể về việc anh phát hiện một kẻ lạ nấp ở con đường hẹp theo dõi nhà họ liên tục vài ngày qua. Polyakov trấn an con trai. Ông không muốn làm hỏng không khí cuộc gặp gỡ gia đình cuối tuần để mừng sinh nhật 65 của mình. Vụ bắt Polyakov được tính toán chu đáo. Sáng 6-7-1985, trong bộ quân phục đầy huy chương, Polyakov bước vào trụ sở GRU. Bất ngờ, 5 người lao ra. Một người vòng tay khóa đầu trong khi bọn còn lại cởi áo ông, đề phòng Polyakov uống thuốc độc tự tử. Dmitri Fedorovich Polyakov không chút phản ứng. Sinh năm 1921 tại Ukraine, Polyakov tốt nghiệp Học viện Quân sự Liên Xô tại Frunze. Sau thế chiến thứ hai, Polyakov chuyển sang quân báo, được cài tại New York vào thập niên 1950. Sau thời gian làm việc tại trụ sở GRU ở Moscow, Polyakov trở lại New York năm 1961. Lần này, ông phản bội tổ quốc. Khi làm việc cho Mỹ, Polyakov mang nhiều mật danh: TOP HAT, BOURBON, ROAM và BEEP. CIA bắt đầu khai thác tối đa Polyakov khi ông làm việc tại Myanmar năm 1966. Năm 1974, Polyakov được GRU phong cấp tướng. Cho đến trước khi nghỉ hưu năm 1980, Polyakov đã tiết lộ cho Mỹ gần như toàn bộ bí mật quân sự-tình báo-quốc phòng Liên Xô mà ông có thể tiếp cận được. Vào thời điểm bị “B” phanh phui hành động phản bội của mình cho KGB, Polyakov công tác tại Ấn Độ. Năm 1980, Polyakov được triệu hồi về nước và mất liên lạc với CIA từ đó.

Tuy nhiên, bí mật động trời mà “B” cung cấp cho KGB không phải là vụ Polyakov mà là kế hoạch trong đó FBI cùng Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) xây đường hầm bên dưới trụ sở mới của Sứ quán Liên Xô tại Washington DC. Trong khi kiến trúc sứ quán chưa xong, đường hầm bí mật đã hoàn thành và sẵn sàng nghe trộm mọi cuộc nói chuyện giữa giới ngoại giao Liên Xô cũng như KGB. Không chỉ đường hầm, FBI còn cài điệp viên vào giới thầu xây dựng. Một loại sơn đặc biệt với chức năng truyền âm tốt đã được dùng để âm thanh truyền đi thông suốt vào những ống giấu kín trong tường, sao cho một cái hắt hơi cũng lọt đến lô thiết bị bắt tín hiệu lắp sẵn bên dưới tòa đại sứ... Năm 1983, “B” được chuyển sang đơn vị phân tích gián điệp Liên Xô của FBI và càng có nhiều điều kiện bán tin cho KGB. Không phải tự nhiên mà KGB từng đánh giá “B” cao hơn cả Aldrich Ames. “B” không ai khác hơn là siêu điệp viên Robert Hanssen, người từng trở thành đề tài báo chí hấp dẫn cách đây vài năm, khi cuối cùng hành tung cũng bị bại lộ.
MẠNH KIM lược dịch

Kỳ sáu : Cuộc đọ sức CIA-KGB tại Afghanistan

Islamabad, Pakistan, ngày 1-6-1986. Hai tuần sau khi được chỉ định điều hành chiến dịch hành động tuyệt mật của CIA tại Afghanistan, Milt Bearden vội vã đến Pakistan để gặp viên chức CIA Bill Piekney nhằm có cái nhìn toàn cục về mặt trận chính trị lẫn chiến trường tình báo. Piekney đang kẹt trong trò chơi thả mồi bắt bóng giữa những con diều hâu trong Quốc hội Mỹ, Chính phủ Pakistan và CIA. Thượng nghị sĩ Mỹ Orrin Hatch đã bay nửa vòng trái đất đến đây để đích thân nghe tuyên bố từ Mohammed Zia ul-Haq, Tổng thống Pakistan.


Nội dung chính: Tại sao Pakistan cho phép Mỹ tuồn tên lửa Stinger sang Afghanistan từ lãnh thổ mình?  Tại sao Pakistan đồng ý hợp tác Mỹ huấn luyện du kích Afghanistan trong cuộc chiến đánh Liên Xô. Tại sao Pakistan được lợi không bao nhiêu từ ván cờ chính trị mạo hiểm...?

Những tính toán ban đầu

Tại sao thế này và tại sao không thế kia là những gì Zia bàn với Hatch. Phần mình, sứ mạng của Hatch là chuyển tải thông điệp Nhà Trắng cho Islamabad. Sau một hồi nhìn bản đồ Nam Á, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter hiểu rằng nếu muốn tống quân đội Liên Xô ra khỏi Afghanistan, Mỹ buộc phải hợp tác với Zia. Và Carter hành động rất nhanh. Đầu năm 1980, Carter phái cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski đến Islamabad thương nghị. Với tín hiệu xanh từ Zia, CIA lập tức triển khai chương trình bí mật trong cuộc chiến tình báo Nam Á. Trong một chuyến công tác thực địa, khi băng từ đèo Khyber đến trạm kiểm soát Michni, Brzezinski đã được chụp cảnh ông quan sát đống súng trường AK-47. Từ thời khắc đó, Brzezinski bắt đầu trở thành hiện thân của sự sa lầy Mỹ trong lịch sử binh biến bất tận Afghanistan. Riêng Zia, ông tin rằng quân đội mình có thể làm việc với CIA mà không gặp trở ngại. Mối quan hệ CIA và quân đội Pakistan có từ thập niên 1950, khi Pakistan đồng ý cho Mỹ phóng máy bay do thám U-2 (trong chiến dịch rình mò Liên Xô) bay ngang bầu trời quốc gia họ. Dù vậy, Zia nhấn mạnh rằng tất cả phải được giữ bí mật...

Đến đời tổng thống kế nhiệm Ronald Reagan, cuộc chiến tình báo Mỹ tại Nam Á leo thang nhanh, đặc biệt khi Reagan ký Sắc lệnh an ninh quốc gia 166, với nội dung “tái định nghĩa” mục tiêu Mỹ tại đấu trường Afghanistan. Năm 1986, hầu hết thành viên Quốc hội Mỹ tin rằng Liên Xô không có ý rút khỏi Afghanistan. Trước đó không lâu, Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze nói với Ngoại trưởng Mỹ George Shultz rằng lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev có kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, nhưng trong thực tế, Moscow không có tín hiệu cụ thể. Trong khi đó, chương trình tuyệt mật CIA tại Nam Á

đã kéo dài 6 năm, từ vài chục triệu USD thời Jimmy Carter đến hàng trăm triệu USD đầu thập niên 1980. Năm 1980, Zbigniew Brzezinski ký thỏa ước với vua Ả Rập Saudi về việc Ả Rập Saudi chia đều mức hỗ trợ tài chính mà Mỹ dành cho cuộc chiến bí mật tại Afghanistan. Bây giờ, Giám đốc CIA William Casey tiếp tục thực hiện chiến dịch thọc gậy bánh xe, bằng khoản ngân sách dồi dào. Ngân sách năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1-10-1986 đã vọt lên 1 tỉ USD – nửa tỉ từ vương quốc dầu hỏa Ả Rập Saudi và nửa tỉ từ Mỹ. Hầu hết ngân sách được dùng mua vũ khí, từ súng trường Trung Quốc, tiểu liên Ai Cập, lựu đạn Pháp đến tên lửa Mỹ Stinger, chưa kể hàng ngàn xe vận tải Nhật và lừa Trung Quốc được sử dụng chuyển vũ khí vượt “lằn ranh zero” – biên giới Pakistan - Afghanistan. Với Milt Bearden, mọi thứ đã được bày trên sân khấu và ông chỉ có việc trình diễn. Vấn đề bây giờ là cần thêm một chút may mắn...

Bàn tay bí mật của CIA tại Kabul

Kremlin, tháng 8-1986. Anatoly Chernyaev đang thực hiện một trong những nhiệm vụ khó khăn cuộc đời mình. Với vị trí tùy viên chính sách đối ngoại của Tổng Bí thư Gorbachev, sứ mạng Chernyaev là đưa Gorbachev thoát hiểm khỏi bãi mìn chính trị Afghanistan. Trước đó, Chủ tịch KGB Yuri Andropov và Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitri Ustinov đã có hai kết luận quan trọng về tình hình Afghanistan. Thứ nhất, Mỹ chắc chắn nhảy vào Afghanistan để lấy lại thế quân bình khu vực sau khi bị hất khỏi Iran bởi cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran 1979. Thứ hai, Hafizullah Amin – Ngoại trưởng Afghanistan thời điểm đó – đang tung chiến dịch lật đổ Nur Muhammad Taraki, người do Moscow dựng lên hiện giữ ghế tổng thống sau cuộc chính biến xảy ra năm trước. KGB nghi rằng Hafizullah Amin là người của CIA và nếu Hafizullah Amin (tốt nghiệp Đại học Columbia, Mỹ) không là điệp viên CIA thì cũng là kẻ thân Washington. Một khi lật đổ thành công Nur Muhammad Taraki, Hafizullah Amin sẽ thay đổi chính sách ngoại giao, cắt lần quan hệ Kremlin và ngả dần sang Mỹ. Lúc đó, quân đội Mỹ hẳn sẽ thiết lập căn cứ quân sự tại Afghanistan. Liệu mất bao nhiêu thời gian để tên lửa tầm trung Pershing của Mỹ phóng từ Afghanistan bay vào lãnh thổ Liên Xô?

Cần nhắc lại, 1979 là năm xảy ra nhiều sự kiện quan trọng. Tháng 2-1979, Đại sứ Mỹ tại Kabul, Adolph Dubs, bị giết chết sau khi bị bắt cóc và bị giam tại khách sạn Kabul. Trong thời gian Adolph Dubs bị bắt cóc, Mỹ không biết làm gì hơn là dọa cắt viện trợ Chính phủ Afghanistan. Và rồi tháng 3-1979, một sự kiện kinh hoàng hơn lại xảy ra. Thủ lĩnh quân sự Afghanistan Ismail Khan ra lệnh chặt đầu một nhóm sĩ quan và lính Liên Xô cùng gia đình họ tại thành cổ Herat. Sau vụ Herat, Nur Muhammad Taraki yêu cầu Liên Xô đưa viện trợ quân nhằm tiễu trừ loạn phỉ. Trong cùng tháng, Hafizullah Amin tự phong thủ tướng. “Tên CIA ở Kabul” đã bắt đầu hành động. Tình hình càng rối loạn vài tháng kế tiếp. Sau khi bị ám sát hụt hai lần, Hafizullah Amin ra lệnh giết Nur Muhammad Taraki vào tháng 10. Cuối tháng 10, KGB phái nhóm chuyên viên đặc biệt sang Afghanistan thực hiện chiến dịch Thiên đỉnh (Zenith), thăm dò tình hình để có thể quyết định tung chiến dịch quân sự toàn diện vào Afghanistan hay không...

Kabul, Afghanistan, 17 giờ, ngày 26-8-1986. Chất axít từ cái thùng được đặc chế tại Phòng Kỹ thuật CIA bắt đầu ăn mòn sợi dây đồng. Trong tích tắc, ống xy lanh bắt đầu nhồi mạnh, tạo ra chuỗi xung điện phóng vào đống tên lửa tại kho khí cụ ở Kharga, ngoại ô Kabul. Mớ tên lửa 100 mm nhảy tưng rồi phát nổ và bay vọt lên không trung trước khi rớt xuống cách xa 6 km. Đám du kích Afghanistan gây ra vụ trên đã chuồn mất dạng. Vụ cháy tên lửa kích nổ đống hỏa tiễn SAM gần kho khí cụ và tiếp đó là loạt tiếng nổ đinh tai điếc óc của hàng chục ngàn lựu đạn. Suốt đêm đó, giới ngoại giao nước ngoài cũng như dân chúng Kabul đã chứng kiến màn pháo bông có một không hai. Một phóng viên truyền hình BBC kịp leo lên nóc Tòa Đại sứ Anh đã ghi lại cảnh tượng kinh hoàng. Từ truyền hình Islamabad, Milt Bearden – chánh văn phòng CIA tại Pakistan – bắt đầu hình dung bao nhiêu tay du kích Afghanistan (Mujahideen) đã tham gia vụ phá hoại nhằm vào quân đội Liên Xô. Như vậy, kế hoạch sử dụng Mujahideen đánh Liên Xô tại Afghanistan đã thật sự khai màn. Từ bây giờ, Afghanistan không chỉ là chiến trường giữa lực lượng Mujahideen và quân đội Liên Xô mà còn là cuộc quyết đấu sống mái giữa CIA và KGB...
 MẠNH KIM lược dịch

Kỳ bảy: Từ Mujahideen đến Taliban

Những viên đạn bạc của Milt Bearden.- Islamabad, Pakistan, tháng 3-1987. Giám đốc CIA William Casey chết một tháng trước khi tuyết bắt đầu tan tại những rặng núi Nam Á. Tuy nhiên, Casey đã kịp thấy những tín hiệu đầu tiên của cục diện thay đổi tại Afghanistan. Quá trình thương lượng với Moscow tại Geneva ngày càng căng thẳng. Tại Washington, hầu hết đều tin rằng hãy còn quá sớm để Mỹ rút khỏi Afghanistan.


Và như vậy, cuộc chiến vẫn tiếp tục. Không bị ảnh hưởng nhiều bởi không khí chính trị Washington, chánh văn phòng CIA tại Pakistan Milt Bearden dành hết thời gian cho cuộc chiến. Bearden tin rằng thành công của tên lửa cầm tay Stinger phải được tiếp nối bằng vũ khí mạnh, hiệu quả và nguy hiểm hơn để có thể duy trì tinh thần lực lượng mujahideen đồng thời hạn chế sức mạnh quân sự Liên Xô.

Từ đầu mùa xuân 1987, quân đội Liên Xô thay đổi chiến thuật. Mối nguy hiểm bây giờ không phải là chiến đấu cơ mà là xe tăng. CIA đã bỏ nhiều thời giờ nghiên cứu nhưng không biết nhiều về xe tăng Liên Xô và đặc biệt là làm sao tìm ra vũ khí thích hợp để có thể hạ nó từ xa. Vũ khí chống tăng được Mujahideen sử dụng lúc đó là RPG-7 hoặc súng không giật 75 mm và 82 mm, với tầm bắn hạn chế trong bán kính chừng 275 m – khoảng cách đủ để xạ thủ Liên Xô bắn chết Mujahideen trước khi hắn kịp bóp cò.  Lời giải cho bài toán của Bearden nằm trong kho vũ khí Pháp. Đó là tên lửa Milan do Pháp chế tạo. Khi được bắn vào mục tiêu, Milan kéo theo sợi đồng cực mỏng mà qua đó xạ thủ có thể đưa ra mệnh lệnh điện tử điều khiển hướng bay chính xác. Milan nâng bán kính hủy diệt của nó gấp 10 lần so với RPG-7.

Đèo Kunjerab, tháng 6-1987. Đèo Kunjerab giữa Pakistan và Trung Quốc dường như nằm sát nóc  nhà thế giới và không ai có thể lên đây bằng xe Toyota Land Cruiser – phương tiện dùng nhiều tại chiến trường đèo núi Afghanistan. Ở độ cao gần 5.000 m với không khí loãng và địa hình hiểm trở, Kunjerab trở thành địa điểm lý tưởng cho các chuyến buôn lậu la từ Trung Quốc sang Pakistan. Là sản phẩm giữa lừa đực và ngựa cái, la là giống vật có sức chịu đựng bền bỉ và di chuyển tốt trên địa hình dốc núi. Khi dấn sâu vào cuộc chiến Afghanistan, Milt Bearden bắt đầu khám phá một “triết lý” rằng Mỹ không chỉ trông cậy vào “viên đạn bạc” mà còn là những con la! Nhu cầu về la của CIA cho chiến trường Afghanistan nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Số trang thiết bị-vũ khí mà CIA cung cấp cho Mujahideen tăng đến 60.000 tấn/năm và tất cả đều được chuyển từ Pakistan vượt “lằn ranh zero” (biên giới Pakistan-Afghanistan) qua hơn 300 con đường bí mật khác nhau để lọt đến các căn cứ Mujahideen. Khối lượng hàng khổng lồ trên cần nhiều xe tải 5-10 tấn, xe hàng loại nhỏ và đặc biệt là đám la. Nhu cầu “bất tận” về la từng hiện diện trong các bức điện mật mà văn phòng CIA-Pakistan gửi về Langley (trụ sở CIA), đề nghị cung cấp “la Mỹ” cho chiến trường, do nguồn buôn lậu la từ Trung Quốc không ổn định. Một trong những bức điện như vậy ghi: “Lực lượng phản ứng nhanh CIA tại Afghanistan chỉ cần những con la đáp ứng tiêu chuẩn sau: A/ Không hơn ba tuổi. B/ Còn đầy đủ răng. C/ Được thú y kiểm định sức khỏe tốt (...).

“Cú đòn Ojhri” của Leonid Shebarshin

Tổng hành dinh Ban Giám đốc thứ nhất KGB, Yasenevo, ngày 10-4-1988. Leonid Vladimirovich Shebarshin đánh giá vụ nổ kinh hoàng tại trại Ojhri (Pakistan) là điển hình thành công của mạng tình báo và an ninh Khad (Afghanistan) do KGB xây dựng. Là phó giám đốc bộ phận phân tích thuộc Ban Giám đốc thứ nhất KGB, Shebarshin có nhiệm vụ điều chỉnh liều lượng thích hợp trong cuộc đọ sức tình báo với CIA tại mặt trận Nam Á. Trong KGB, Shebarshin là viên tướng kinh nghiệm nhất về Nam Á và Trung Á. Sau khi tốt nghiệp Khoa Đông phương học Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Moscow năm 1958, Shebarshin làm việc với vị trí viên chức ngoại giao tại Pakistan. Tiếp đó, ông chuyển sang KGB, phụ trách các chiến dịch tại Pakistan, Ấn Độ và Iran. Ông trở về Ban Giám đốc thứ nhất KGB đặc trách Afghanistan đầu thập niên 1980...

Trại Ojhri, ngày 12-4-1988. Chánh văn phòng CIA tại Pakistan Milt Bearden được thiếu tướng Janjua đón tại sân bay. Khói vẫn bốc đen kịt, nồng nặc mùi thuốc súng và hiện trường chỉ còn là đống gạch vụn khổng lồ. Chuyện xảy ra như thế nào? – Bearden hỏi. “Chúng tôi tiếp tục điều tra” – Janjua trả lời – “Nhưng có lẽ công nhân bốc xếp đã làm rơi một tên lửa Ai Cập, có thể là tên lửa phốt pho trắng. Có một tiếng nổ lớn và lửa bắt đầu cháy mạnh. Khi công nhân vội vã cứu người bị thương, ngọn lửa lan nhanh không thể kiểm soát. Trong vài phút, tất cả đều nổ tan tành”. “Lại là quân nhu Ai Cập sao?” – “Vâng, đúng là quân nhu Ai Cập”... Quân đội Mỹ chứng kiến nhiều lần sự tắc trách của nguồn cung cấp quân nhu Ai Cập. Trong những năm đầu cuộc chiến, Ai Cập đã tống đổ tống tháo vũ khí và đạn dược lỗi thời của họ cho các chiến binh Mujahideen Afghanistan. Một năm trước, từng có một vụ nổ nhỏ tại trại Ojhri, cũng bởi bom phốt pho Ai Cập. Tuy nhiên, quân nhu Ai Cập đã bị trách oan lần này... 

So với “viên đạn bạc” của Milt Bearden, vụ Ojhri của Leonid Shebarshin có tác động kinh khủng bội lần. Sự kiện Ojhri không chỉ làm CIA hoang mang mà còn gây hỗn loạn chính trường Pakistan. Thủ tướng Pakistan Mohammed Khan Junejo chỉ trích quân đội và Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI). Cùng lúc, quân đội lên án tướng- Giám đốc ISI Abdur Rahman Khan Akhtar. Rồi phần mình, Akhtar phê bình tướng Hamid Gul về việc cho phép chứa quá nhiều đạn dược tại Ojhri. Thời điểm xảy ra vụ nổ hàng chục ngàn tấn đạn dược-vũ khí tại Ojhri trùng với việc ký Hiệp định Geneva vào bốn ngày sau đã khiến CIA nghi rằng KGB có thể là kẻ chủ mưu. Tuy nhiên, vài người khác đoán rằng gián điệp Ấn Độ – dưới sự kích động KGB – đã trực tiếp gây ra thảm họa. Lại có kẻ kể rằng mình thấy chiến đấu cơ Mirage của quân đội Ấn Độ bay sà thấp tại khu vực trước khi xảy ra vụ nổ. “Nhân chứng” cho biết máy bay Ấn Độ đã “bắn ra một tia sáng” vào kho đạn! Chưa hết, một giả thuyết cho rằng CIA chứ không ai khác đã tạo ra vụ nổ Ojhri như một mặc cả bí mật với KGB nhằm đưa đến “thế cân bằng cục diện chiến trường” để có thể đạt được thương nghị thuận lợi cho cả hai bên tại bàn đàm phán Geneva. Sự kiện Ojhri tiếp đó kéo theo vài hậu quả. Tổng thống Pakistan Mohammed Zia ul-Haq bất ngờ cách chức Thủ tướng Mohammed Khan Junejo bởi tội danh “tham nhũng và bất lực”. Cuối cùng, cao điểm cuộc khủng hoảng chính trị Pakistan là vụ tai nạn máy bay gây tử nạn Tổng thống Zia.

Ngày 15-2-1989, các toán quân cuối cùng của 115.000 lính Liên Xô băng biên giới Afghanistan trở về Tajikistan. Sự triệt thoái quân đội Liên Xô đồng nghĩa việc Afghanistan sẵn sàng trở thành đồng minh Mỹ. Sự tan rã khối Liên Xô vào tháng 12-1991 khiến cơn lốc Mujahideen càng mạnh. Tháng 4-1992, Mujahideen tiến vào Kabul, theo sau sự sụp đổ chính thể của Tổng thống Muhammad Najibullah. Tháng 8-1994, từ thành phần Mujahideen, Taliban (có nghĩa “môn sinh Hồi giáo”) được giáo sĩ Mohammed Omar khai sinh, tại thị trấn Kandahar phía Nam Afghanistan. Chỉ hai năm sau, họ trở thành lực lượng chính trị - quân sự cực mạnh, làm chủ hoàn toàn Kabul, và tréo ngoe thay, họ lại trở thành kẻ thù không đội trời chung của Mỹ...
MẠNH KIM LƯỢC DỊCH

Kỳ cuối: Trận chiến chưa kết thúc

Xóa sạch dấu vết CIA ở Đông Âu.- Đông Berlin, 19 giờ, ngày 9-11-1989. David Rolph đã đi một chặng dài trong sự nghiệp 12 năm làm việc cho CIA. Bây giờ, 41 tuổi, Rolph trở lại mặt trận chiến tranh lạnh với chiến dịch tình báo nhằm vào Ministerium fur Staatssicherheit (Mfs), được biết dưới cái tên quen thuộc Stasi – Cơ quan Tình báo Đông Đức.


Khi Rolph đến Berlin phụ trách chỉ huy văn phòng CIA tại Đông Đức vào mùa hè 1988, CIA không có điệp viên nào cài trong bộ máy an ninh nội bộ Stasi, tức Hauptverwaltung Aufklarung (HVA, bộ phận tình báo hải ngoại Stasi) và gần như toàn bộ hoạt động tình báo CIA đều trông cậy vào thiết bị nghe trộm... Bộ máy phản gián Đông Đức đã làm việc tốt để ngăn CIA lọt vào tổ chức nhà nước họ và Mỹ cũng không mua được viên chức Đông Đức cấp cao nào làm điệp viên cho mình. Sau khi bức tường Berlin bị đập phá, ba nhiệm vụ chính mà chỉ huy sở CIA yêu cầu David Rolph thực hiện cấp thời: xóa sạch dấu vết; đánh cắp tài liệu từ các cơ quan Chính phủ Đông Đức cũng như Stasi  và tiếp cận điệp viên Stasi nhằm mua chuộc họ. Trong khi David Rolph chưa kịp triển khai, tình hình chuyển biến ngày càng nhanh. Ngày 15-1-1990, trụ sở Stasi tại khu phức hợp Normannenstrasse bị dân Đông Đức tấn công. Người ta quẳng ra đường vô số tài liệu. Sự kiện Normannenstrasse được tường thuật trực tiếp từ CNN và tại Mỹ, Tổng thống George H. Bush (nguyên giám đốc CIA) đã gọi Langley và chỉ trích nặng nề việc CIA không nhanh chân tiếp cận tài liệu. Không chỉ Đông Đức, tình hình tương tự cũng xảy ra tại Tiệp Khắc và Ba Lan...

Bang Virginia, ngày 12-4-1991. Aldrich Ames trở về trụ sở CIA vào mùa hè 1989 sau ba năm làm việc tại Rome (Ý) trong bối cảnh chính trị thế giới chuyển biến nghiêm trọng. Ames sắp làm bố lần đầu tiên, sau cuộc tình với cô gái Colombia Rosario. Gặp Aldrich Ames không lâu trước khi Ames sang Rome, Milt Bearden ngạc nhiên không ít về “con người mới” của Ames. Trước khi sang Rome, Ames có hàm răng gớm ghiếc và bây giờ thay vào đó là hàm răng mới trị giá 1.500 USD. Một nhân viên CIA cũng cho Bearden biết về căn nhà Ames mới mua tại Arlington trị giá 500.000 USD. Gặp Bearden, Aldrich Ames xin được chuyển sang bộ phận đặc trách Liên Xô-Đông Âu. Anh chính là điệp viên nhị trùng làm việc cho KGB. Yêu cầu KGB lúc đó là tìm hiểu xem CIA đóng vai trò như thế nào trong vụ tan rã khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng như những khả năng mà Mỹ lợi dụng tình hình hỗn loạn Đông Âu. Nếu nắm đủ thông tin cần thiết, KGB có thể ngăn Mikhail Gorbachev trước khi ông phá nát phần còn lại của cộng đồng Xô Viết. Từ cuối thập niên 1980, CIA đã cài người vào nhiều tổ chức “dân chủ” tại Đông Âu. Ở Ba Lan, CIA tài trợ cho phong trào chính trị cực mạnh mang tên Đoàn kết. Đồng thời, CIA cũng cung cấp tiền cho những ấn phẩm được thành phần Đông Âu lưu vong xuất bản. Chương trình tuyệt mật của chiến dịch tuồn ấn phẩm tuyên truyền vào Liên Xô cũng như Đông Âu là một trong những thành công nhất của CIA thời chiến tranh lạnh. Với trường hợp điển hình Ba Lan, cùng tổ chức Đoàn kết và Giáo hội Công giáo Ba Lan, CIA không chỉ tung vào nước này ấn phẩm mang nội dung “tố cáo” cộng sản mà còn tuồn băng hình, phim tài liệu và video ca nhạc... Gần như toàn bộ sản phẩm này đều được sản xuất từ Ban hành động chính trị và tuyên truyền của CIA. Đầu thập niên 1990, khi chính trị Đông Âu thay đổi, một trong những chiến dịch xóa sạch dấu vết của CIA là cắt liên hệ với các nhóm “dân chủ”, trong đó có Đoàn kết...

11-9, cú đấm nặng nề cho CIA

Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phòng Liên Xô-Đông Âu tại trụ sở CIA cũng biến mất và thay vào đó là Lực lượng phản ứng nhanh Á-Âu trung tâm. Trong khi CIA hiệu chỉnh và tái thiết kế bộ máy tình báo thời hậu chiến tranh lạnh, tháng 2-1994, một nhóm FBI áp chiếc Jaguar của Aldrich Ames vào lề đường và bắt Ames tội làm gián điệp. CIA luôn nói rằng vụ bắt Ames là kết quả của quá trình điều tra và phân tích; tuy nhiên, nếu không nhờ một điệp viên Liên Xô phản bội, có lẽ Ames không bao giờ bị lộ diện. Tương tự, vụ bắt Robert Hanssen vào tháng 2-2001 cũng nhờ tiết lộ một cựu điệp viên KGB. Vụ phản bội của Ames đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch hiệu chỉnh bộ máy tình báo Mỹ thời hậu chiến tranh lạnh. Hàng trăm nhân viên CIA bị trải qua cuộc kiểm tra máy phát hiện nói dối. Sức ép không chỉ bên trong mà còn từ bên ngoài tổng hành dinh CIA. Báo chí và quốc hội đặt loạt câu hỏi mới cho vai trò CIA trong bối cảnh chính trị mới. CIA cuối thập niên 1990 giống hệt như quân đội Mỹ thập niên 1930: Tại ngũ trong thời bình và nếu có giao chiến thì cũng chỉ là những màn đánh đấm bàn giấy mang tính nội bộ. Năm 1998, khi Osama Bin Laden tấn công hai tòa đại sứ Mỹ ở châu Phi, John Deutch – cựu bộ trưởng quốc phòng của Clinton – viết trên tờ New York Times: “Chúng ta phải cần một thứ tình báo siêu đẳng để có thể cảnh báo chính xác hoạt động khủng bố. Chúng ta phải có phản ứng nhanh và mạnh để đối mặt với hậu quả một khi khủng bố xảy ra. Các chuyên gia đã kết luận rằng quốc gia chúng ta chưa chuẩn bị để có thể hành động hiệu quả ở các vấn đề này”. Chính phủ Clinton không quan tâm đến cảnh báo trên. Ngoài thờ ơ và đánh giá sai thực lực kẻ thù (Bin Laden), nội các Clinton còn có vài nguyên nhân khác trong việc không chú ý Afghanistan và hoạt động “thánh chiến” của Bin Laden...

Giữa thập niên 1990 (khi Taliban chiếm Kabul và lật đổ chính phủ Muhammad Najibullah), Công ty dầu Unocal (trụ sở California) đang tìm cách xin giấy phép lập hệ thống đường ống dẫn dầu khổng lồ băng ngang Afghanistan, nối các mỏ dầu và khí đốt ở Turkmenistan đến một nhà máy và cụm cảng tại Pakistan. Bộ Ngoại giao Mỹ ủng hộ kế hoạch của Unocal – theo lời kể Robin L. Raphel, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Nam Á thời 1993-1997. Đích thân Raphel đã bay sang Kandahar (Afghanistan) gặp các thủ lĩnh Taliban để giúp Unocal giành hợp đồng từ các đối thủ châu Âu. Nếu kế hoạch thành công, Taliban có thể bỏ túi 100 triệu USD/năm tiền phí quá cảnh. Để tiến hành dự án, Unocal còn thuê các viên chức cấp cao từng làm việc trong Bộ Ngoại giao, trong đó có cựu ngoại trưởng Henry A. Kissinger, cựu đại sứ đặc biệt Mỹ John J. Maresca và cựu đại sứ Mỹ tại Pakistan Robert Oakley. Zalmay Khalilzad – người gốc Afghanistan từng làm cố vấn trong Bộ Ngoại giao thời Reagan – cũng trở thành tham vấn chính trị của Unocal (Khalilzad là một trong những cố vấn hàng đầu về Afghanistan của nội các George W. Bush trong cuộc chiến Afghanistan). Thương vụ Unocal và quan hệ nửa bạn nửa thù của Mỹ với Taliban chỉ thật sự chấm dứt khi Bin Laden tấn công hai tòa đại sứ Mỹ ở châu Phi (7-8-1998). 13 ngày sau, Bill Clinton ra lệnh phóng tên lửa tiêu diệt hang ổ Bin Laden tại Afghanistan và Sudan. Ngày 4-12-1998, Unocal tuyên bố hủy dự án tại Afghanistan. Năm 1999, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức đưa Al-Qaeda vào danh sách “các nhóm khủng bố nước ngoài”, phong tỏa các tài sản và tài khoản của Al-Qaeda tại Mỹ, cấm cấp visa cho thành viên Al-Qaeda... Tuy nhiên, tất cả đã quá muộn. Sự kiện 11-9 làm thay đổi toàn bộ. CIA bị quẳng lại vào vòng chiến. Không đầy một tháng sau khi Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ, CIA đã trở lại chiến địa cũ Afghanistan. Với CIA, 11-9 là cú đấm nặng nề nhất lịch sử tình báo Mỹ và bắt đầu từ lúc đó, họ lại lao vào trận chiến mới, với tính phức tạp hoàn toàn không giống những gì từng diễn ra trong cuộc so găng với KGB...
MẠNH KIM lược dịch

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét