Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

BÍ ẨN LỊCH SỬ 137

(ĐC sưu tầm trên NẸT)

Những giai thoại huyền bí lạ lùng về hoàng đế Quang Trung

 

(Kiến Thức) - Cũng giống như các vị “thiên tử” khác, xung quanh vị hoàng đế Quang Trung có khá nhiều giai thoại huyền ảo, lạ lùng.

Khi nói về Hoàng đế Quang Trung, người ta thường nghĩ đến một vị vua bách chiến bách thắng, mưu trí dũng lược vô song với những chiến công oai hùng, với nghệ thuật quân sự thần tốc… Tuy nhiên, cũng giống như các vị “thiên tử” khác, xung quanh vị hoàng đế này có nhiều giai thoại huyền ảo, lạ lùng.
Chuyện lạ về rồng bơi theo trên sông
Vua Quang Trung là vị vua có nhiều tên gọi nhất, hồi nhỏ ông có tên là Hồ Thơm, khi trưởng thành đổi họ Hồ sang họ Nguyễn và lấy tên là Nguyễn Văn Thơm, sau đó được thầy học đổi tên là Nguyễn Huệ. Ngoài ra ông còn có tên khác là Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Quang Bình, Nguyễn Văn Bình; trong số các tên đó thì Nguyễn Huệ là tên được sử dụng phổ biến nhất và được mọi người biết đến nhiều nhất.
Nhung giai thoai huyen bi la lung ve hoang de Quang Trung
Tranh minh họa hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Internet.  
Vì theo cách gọi thứ bậc ở miền trong nên khi bé, vị hoàng đế nổi danh triều Tây Sơn này được gọi thân mật là Ba Thơm. Tương truyền Ba Thơm thông minh nhưng rất hiếu động, thường dẫn đầu đám trẻ con chăn trâu bày các trò tinh nghịch.
Chuyện kể rằng một lần cậu bé Thơm cùng các bạn trong thôn thả trâu ăn cỏ ven đường, sau đó kéo nhau lên rừng hái ổi, bắt chim rồi rủ nhau xuống Vực Muồng bơi lội, tắm táp.
Tương truyền rằng khi Hồ Thơm xuống nước, cả đám trẻ rất kinh ngạc thấy mỗi lần Thơm vẫy vùng trong làn nước và bơi ra xa thì có con rồng nước từ đáy vực nổi lên bơi theo như bảo vệ. Đến lúc Thơm bơi vào bờ thì con rồng nước lại lặn biến vào đáy vực sâu.
Được trời ban cho ấn vàng, gươm bạc
Theo truyền ngôn ở vùng An Khê (nay thuộc thị xã An Khê, tỉnh Bình Định), xưa kia ở thượng nguồn sông Côn thuộc địa bàn sinh sống của người Bana có một thanh gươm thần cắm sâu vào tảng đá lớn, đã nhiều đời nhưng không ai đủ sức mạnh để rút được thanh gươm đó. Người dân tin rằng thanh gươm đó được trời ban xuống nhưng phải là người hiền tài, oai dũng mới có thể lấy được thanh gươm ra.
Một hôm, Nguyễn Huệ trên đường đi tìm chiêu mộ hào kiệt để cùng mưu việc lớn tình cờ đi qua vùng này. Thấy người khách phương xa tướng mạo xuất chúng, ăn nói dễ chịu, có sức thu phục cuốn hút lạ kỳ nên ai cũng đem lòng kính mến. Khi được người dân dẫn đến chỗ thanh gươm, Nguyễn Huệ ướm bàn tay vạm vỡ vào chuôi gươm rồi rút mạnh, tảng đã bỗng chốc vỡ tan còn thanh gươm xuất hiện sáng lòa. Mọi người vô cùng kinh ngạc trước sức mạnh phi thường của người tráng sĩ, họ đồng lòng quỳ lạy tỏ ý tôn phục.
Sau đó Nguyễn Huệ được rước về buôn làng, người dân mở tiệc khoản đãi, họ quyết định bắt con gà trống lớn để làm thịt mừng khách quý. Theo người dân, con gà này có cái cổ lớn khác thường, nó sống đã trên trăm năm. Lúc mổ gà, người ta tìm thấy trong bụng nó một cái ấn lớn bằng vàng, cho rằng đây là điềm tốt bèn mang dâng lên cho Nguyễn Huệ. Trước buôn làng, cầm gươm ấn trong tay, Nguyễn Huệ nói rằng: “Nếu gươm, ấn là do trời ban thì ta quyết không phụ lượng cao dầy của trời đất và sự chờ mong của trăm họ”.
Rắn lớn đón đường dâng đao quý
Trong “Tây Sơn thập thần vũ khí” (tức mười vũ khí lợi hại của Tây Sơn) không thể không nhắc đến cây thần đao của Nguyễn Huệ. Cây đao này gọi là Ô Long đao, cùng với Huỳnh Long đao của tướng Trần Quang Diệu và Xích Long đao của tướng Lê Sĩ Hoàng được gọi là “Tây Sơn tam thần đao”.
Cây Ô Long đao của Quang Trung đã theo ông trên các trận chiến đánh Đông dẹp Bắc, diệt nội phản, đánh đuổi quân xâm lược Xiêm La và Mãn Thanh. Cây đao này có cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi đao được rèn bằng kim khí màu đen, sắc bén vô cùng; khi rút đao ra khỏi vỏ thì khí lạnh tỏa ra. Đao có trọng lượng rất nặng, phải 2 đến 3 người mới vác nổi.
Truyền rằng Nguyễn Huệ có được cây đao này rất kỳ lạ, một hôm ông đi đến khu vực đèo An Khê, bỗng trong rừng xuất hiện hai con rắn mun to lớn, mắt bằng quả dừa có màu xanh ngọc trườn ra đón đường dâng lên thanh đao quý, sau đó cúi đầu từ tạ trở lại rừng. Có thuyết nói mỗi con rắn ngậm một vật, đó là kiếm vàng và ấn ngọc dâng lên Nguyễn Huệ, ông tin rằng đó là hai sứ giả của Thiên đình vâng lệnh Ngọc hoàng thượng đế ban cho vật báu nên nâng cả hai bảo vật lên ngang trán cung kính cảm tạ trời đất.
Để ghi nhớ sự kiện ấy, sau đó Nguyễn Huệ cho lập một ngôi miếu thờ đôi rắn kia, người dân thường gọi là miếu Xà; còn con đường đôi rắn từ núi bò ra là một đoạn dốc giữa đèo An Khê được gọi là dốc Ông Dài (Ông Dài là từ địa phương chỉ con trăn hoặc rắn lớn).
Chữ hiện trên lá cây làm điềm báo
Thời anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mới khởi nghĩa, bỗng người dân khắp vùng đất Tây Sơn khi vào rừng kiếm củi, săn bắt thì thấy một chuyện lạ, trên các lá cây rừng lớn xuất hiện nhiều chữ. Những người có học đọc được thành câu: “Nguyễn Nhạc vi vương, Nguyễn Huệ vi tướng” (Nghĩa là: Nguyễn Nhạc làm vua, Nguyễn Huệ làm tướng), ai cũng cho là điềm lạ trời báo sự xuất hiện chân chúa cứu đời.
Chuyện lạ đó nhanh chóng được lan truyền, dân chúng khắp vùng Tây Sơn thượng đạo, Tây Sơn hạ đạo cho đến các nơi khác rủ nhau nô nức đi theo anh em họ Nguyễn.
Thực ra đây là một mẹo của Nguyễn Huệ, để thu hút quần chúng và lấy uy tín dựa trên những điềm báo thần kỳ mà người đương thời tin tưởng, ông đã lập kế học theo cách của vua Lê Thái Tổ khi xưa, bí mật sai người dùng mỡ viết chữ lên lá rừng, kiến ăn mỡ đục lá thành điềm trời báo để quần chúng kính phục. Chính vì thế ngày nay ở vùng Tây Sơn, Bình Định vẫn lưu truyền câu ca:
“Nguyễn Nhạc vi vương,
Nguyễn Huệ vi tướng”
Kiến trổ lá rừng
Trời trưng gươm báu…”.
Đây là một cách thu phục lòng dân rất đặc biệt, lá được kiến đục trổ thành chữ khi rụng xuống, theo dòng suối chảy về xuôi làm điềm trời báo cho dân. Nguyễn Huệ còn cho người thân tín dùng dao vạt các thân cây cổ thụ rồi khắc trên đó 8 chữ này cũng như để làm điềm trời báo về thiên mệnh đế vương của anh em nhà Tây Sơn vì thế cũng có câu rằng:
“Ai vô rừng cấm
Thấy tấm biển đề:
“Nguyễn Nhạc vi vương,
Nguyễn Huệ vi tướng”
Đồn đại bốn phương
Tây Sơn dấy nghĩa”.
Trên đây chỉ là một vài giai thoại về một vị vua triều Tây Sơn, những chuyện kỳ lạ này cũng giống như những câu chuyện ly kỳ khác về các vị vua trong lịch sử Việt Nam, nó tô điểm thêm những nét huyền bí về các bậc đế vương được tôn xưng là “thiên tử” (con trời), nhất là đối với Nguyễn Huệ, những sáng tác dân gian về ông chính là cách thể hiện tình cảm tin yêu, kính trọng người anh hùng áo vải cờ đào đã “giúp dân xây dựng xiết bao công trình” (Ai tư vãn).
Lê Thái Dũng

Tiết lộ động trời về cái chết bí ẩn của vua Quang Trung

 

Mùa Thu 1792, vua Quang Trung băng hà, triều thần Tây Sơn mới có thể khám phá ra được ý nghĩa của "7 đại tự" kim tuyến thêu trong "chiếc áo" tai ác kia!

Theo cách chiết tự và diễn nghĩa từ 7 chữ "Xa Tâm Chiết Trục Ða Ðiền Thử" đã có ý nói rõ: vua Quang Trung chết vào năm Tý.
Vì chữ "Xa" và chữ "Tâm" đem ghép lại là chữ "Huệ"; "Chiết Trục" là gẫy trục; "Thử" là chuột mà chuột là "Tý", hay năm Tý... Như thế, phải chăng từ năm 1790 trở về trước, Càn Long đã đoán được số mạng của vua Quang Trung sẽ mất vào năm Tý?
Tiet lo dong troi ve cai chet bi an cua vua Quang Trung
Mùa Thu 1792, vua Quang Trung băng hà. 
Chuyện "Chiếc áo ấm" mà Càn Long (vua Thanh) cẩn tặng vua Quang Trung để mặc lúc ngự hàn, là một nghi vấn nằm trong những nghi vấn khác mang tính: "khó tin nhưng có thật", vì chỉ có nó mới có thể nói lên cả một kế hoạch lâu dài của các nhà "lý số" Tàu dưới triều Càn Long quyết hại chết vua ta, để trừ mọi hậu hoạn nơi bờ cõi phương Nam của họ.
Sách "Ngụy Tây Liệt Truyện" của bộ sử ký "Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện", quyển 30 trang 42, các sử quan triều Nguyễn ghi như sau:
"...Một hôm về chiều, Quang Trung đang ngồi, bỗng xây xẩm tối tăm, thấy một ông già đầu bạc từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt mắng rằng: Ông cha ngươi sống ở đất của Chúa, đời đời làm dân của Chúa, Ngươi sao dám phạm đến lăng tẩm?
Rồi lấy gậy đánh vào trán, Quang Trung mê man ngã xuống, bất tỉnh nhân sự, lâu lắm. Lúc tỉnh dậy nhà vua đem việc ấy nói với quan trung thư Trần Văn Kỷ. Từ đó bịnh chuyển nặng mới triệu quan trấn thủ Nghệ An Trần Quang Diệu về bàn bạc để dời đô ra đó. Thương nghị chưa xong thì Thế Tổ ta đã lấy lại được Gia Ðịnh, chiếm Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh, thanh thế chấn động.
Quang Trung nghe được lo buồn, bịnh ngày càng kịch liệt...".
Ðọc sử Việt Nam, có rất nhiều cách giải thích khác về cái chết của vị anh hùng dân tộc của chúng ta, nhưng không mấy hấp dẫn. Do đó, người viết phải tìm thấy thêm trong "Ðại Thanh Thực Lục" và "Ðông Hoa Toàn Lục" (Sử Trung Quốc) ghi rằng: "Năm Càn Long thứ 58 (vào tháng 1 năm 1793), Quách Thế Huân khấu báo lên Càn Long là An Nam quốc vương Quang Trung đã chết vì bệnh".
Càn Long, hơi giật mình rồi như đang suy nghiệm một điều gì có thể đúng với dự tính trước đó của ông ta... Phải chăng, vua Thanh đã biết trước được một chuyện gì chăng về cái phải xảy ra với vua Quang Trung? Theo hắn ta phải sớm hơn... (vì khoảng sáu tháng sau ngày vua Quang Trung băng hà, Càn Long mới biết tin). Tại Bắc kinh, trước lúc đó, Vũ Văn Dũng được tin mật, vị trưởng đoàn sứ thần này xỉu đi... Khi tỉnh lại, liền gấp rút từ tạ vua Thanh mà trở về Phú Xuân ngay.
Vua Quang Trung mất vào mùa Thu 1792, nửa năm sau Mãn Thanh mới biết, và cho người sang báo tang. Sự chậm trễ này không phải do Quách Thế Trung, mà chính do sự sắp đặt của hoàng triều Phú Xuân muốn làm vậy. Trong "Ðông Hoa Toàn Lục", quyển 117, trang 5s, đã ghi lại ý trách móc của Càn Long:
"Quốc Vương Nguyễn Quang Bình đã mất ở Nghệ An vào tháng 9 năm ngoái. Vua Càn Long liền quở trách người đưa tin như thế là quá chậm, chắc bây giờ đã tống táng rồi".
Sự việc rõ ràng bên trong có dụng ý riêng, vì không phải báo về cái chết của Nguyễn Quang Bình chậm, mà còn sai chỗ nữa (Phú Xuân chứ không phải Nghệ An). Mặt khác, Phú Xuân còn cho làm mộ giả của vua bên Hồ Tây để đón sứ thần Mãn Thanh sang phúng điếu. Sứ Thanh đến, muốn vào thăm Phú Xuân, triều thần Tây Sơn nhất định không cho, còn tìm mọi cách đánh lạc hướng như dẫn họ lên tận Sơn Tây, khi sứ Thanh phát hiện, triều thần Tây Sơn mới chịu dẫn họ trở lại, nhưng chỉ dừng ở Thăng Long mà thôi.
Những việc nhà Thanh làm rất mâu thuẫn và bí mật, nhất là việc đòi phải vào đến tận Phú Xuân xem xét...
Năm 1789, chính Thành Lâm không chịu vào Phú Xuân để phong vương cho vua Quang Trung (lần đầu sau khi Phạm Công Trị đóng vua Quang Trung giả), mà chỉ tại Thăng Long, viện lý do không được trái lệ thường (Các triều đại trước mỗi khi Trung Hoa cho sứ sang nước ta làm lễ phong vương, đều thực hiện tại Thăng Long theo qui lệ của các vua Trung Hoa), nhưng lần này lại đòi vào tận Phú Xuân để điếu tang.
Tại sao triều thần Tây Sơn không cho Thành lâm vào Phú Xuân? Cũng như vua Quang Trung luôn cho người giả mình để tiếp xúc với nhà Thanh? Tất cả mọi nghi vấn như thế này chỉ có vua Quang Trung và các cận thần của ông ta mới biết! Ngày nay, chúng ta sao có thể suy đoán rằng: triều thần Tây sơn sợ các thầy địa lý Tàu ếm bùa ếm ngãi nơi mộ vua Quang Trung!(?). Giai đoạn xã hội lúc đó, chuyện xảy ra như thế này không phải là không có.
Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):
Theo VnTinnhanh

Bí ẩn lăng mộ vua Quang Trung: Cần tiến hành khảo cổ

Để làm rõ thêm những tranh luận về dấu tích lăng mộ vua Quang Trung, các nhà nghiên cứu đề nghị cần phải tiến hành khảo cổ học.

Để làm rõ thêm những tranh luận về dấu tích lăng mộ vua Quang Trung, các nhà nghiên cứu đề nghị cần phải tiến hành khảo cổ học, đồng thời có kế hoạch bảo vệ và đưa vào khai thác đối với những gì đã phát hiện.
Theo PGS-TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhìn chung những giả thuyết về cung điện Đan Dương là có cơ sở tư liệu nhưng để chứng minh cung điện này nằm ở đâu thì cần đầu tư nghiên cứu thêm.

Bi an lang mo vua Quang Trung: Can tien hanh khao co
 Đoàn các nhà nghiên cứu đi thực địa tại khu vực chùa Thiền Lâm (Thừa Thiên - Huế).
Nên khai quật khu vực gần chùa Thiền Lâm
“Những tài liệu thơ văn của tác giả Nguyễn Đắc Xuân thì không đủ cơ sở khoa học, các văn bản chữ Hán thì không chuẩn và bị nghi ngờ quá nhiều. Trong khi đó, các vật thể ở hiện trường được cho là có cung điện Đan Dương thì không có cái nào đích thực của triều Tây Sơn, của vua Quang Trung trong khi của chúa Nguyễn thì lại quá nhiều” - ông Đỗ Bang nêu ý kiến.
Cũng theo ông Bang, việc mở rộng nghiên cứu nhằm chứng minh tư liệu khảo cổ học với những di tích, di vật trực tiếp thời Tây Sơn có liên quan đến cung điện và lăng mộ Quang Trung; làm sáng tỏ số phận phủ Dương Xuân có tồn tại vào thời chúa Nguyễn đến lúc quân Trịnh chiếm đóng (từ năm 1775-1786) hay không và sau đó Tây Sơn đã sử dụng phủ này ra sao, vì sao bị xóa sổ...
Trong khi đó, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng việc kết luận có hay không cung điện Đan Dương là một vấn đề rất lớn, cần phải có thời gian và nhiều phương pháp nghiên cứu thêm mới có thể khẳng định được.
Theo chính sử triều Nguyễn, lăng mộ vua Quang Trung nằm ở phía Nam sông Hương (Hương Giang chi Nam).
GS Phan Huy Lê cho rằng vua Quang Trung chết do bệnh nhưng không phải đột ngột đến mức không kịp dặn dò gì. “Quang Trung biết chắc mình sẽ không qua khỏi và Quang Toản sẽ không thể nào đánh được Nguyễn Ánh nên đã chỉ dụ phải nhanh chóng dời đô ra Phượng Hoàng trung đô ở Nghệ An. Với đầu óc quân sự như Quang Trung thì chắc chắn ông lường trước được hậu họa rằng sẽ bị Nguyễn Ánh trả thù và quật mả. Vì vậy, cũng có thể lăng mộ mà triều Nguyễn mô tả và thi hài mà Nguyễn Ánh quật lên đó có thể không phải của vua Quang Trung” - GS Phan Huy Lê nêu giả thuyết, đồng thời đề xuất phải có cuộc khai quật khảo cổ học khu vực chùa Thiền Lâm mở rộng để xác định thêm cứ liệu lịch sử phục vụ cho việc nghiên cứu.
PGS-TS Đỗ Bang cũng đồng tình với phương án tiến hành khảo cổ học để có cứ liệu cho các bước nghiên cứu tiếp theo. Tuy nhiên, theo ông, cần cân nhắc lựa chọn vị trí khai quật bởi kết quả nghiên cứu của ông Nguyễn Đắc Xuân không nói rõ chỗ nào là cung điện Đan Dương. “Ở khu vực được cho là nơi cung điện Đan Dương tọa lạc hiện toàn là nhà cửa nên phải nghiên cứu, điều tra lại kỹ lưỡng nhằm khoanh vùng, chọn vị trí chính xác trước khi tiến hành khai quật. Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu không có cái này thì không thể nào khai quật. Chúng tôi đang chờ ý kiến kết luận của GS Phan Huy Lê để có những kế hoạch tiếp theo” - PGS Đỗ Bang thông tin.
Phải bảo tồn những gì đã có
Về việc này, GS Phan Huy Lê cho rằng có thể kết luận được một số vấn đề mấu chốt quan trọng, như đã xác định được vị trí chùa Thiền Lâm chính là nơi mà thái sư Bùi Đắc Tuyên thời Tây Sơn biến thành dinh cơ riêng của mình để ở và làm việc; đã có các tư liệu của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích hiện là những tài liệu quý giá bậc nhất trong việc nghiên cứu về cung điện Đan Dương và lăng mộ vua Quang Trung.
Về cảm nhận cá nhân, GS Phan Huy Lê nói ông tin có cung điện Đan Dương và lăng của vua Quang Trung được an táng tại đó. “Nơi làm việc của thái sư Bùi Đắc Tuyên đã xác định được thì cũng có thể trung tâm bộ máy triều đại Tây Sơn dưới thời vua Quang Trung phải được đặt gần đó, còn vị trí nào thì phải được nghiên cứu thêm” - GS Lê lý giải và khẳng định sẽ tổ chức thêm những cuộc hội thảo liên quan đến triều Tây Sơn, lăng mộ vua Quang Trung với quy mô lớn hơn, theo từng chủ đề không những ở Huế mà còn ở Hà Nội và có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về Hán Nôm, về sử học.
Người đứng đầu Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế phải có kế hoạch, chương trình đưa vào bảo tồn nhằm hạn chế, ngăn cấm phá hoại, mua bán đối với tất cả những gì đã phát hiện liên quan đến triều Tây Sơn và lăng mộ vua Quang Trung, dù đã nhất trí hay chưa. Đối với một số vấn đề mà các nhà nghiên cứu đã đi tới sự thống nhất tương đối hoặc thống nhất trong một số phạm vi nào đó thì địa phương có thể đưa vào khai thác dựa trên kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị giáo dục.
“Không nên chờ nghiên cứu xong rồi mới khai thác, phải làm song song với nhau, nghiên cứu tới đâu nên phát huy tới đó” - GS Phan Huy Lê kiến nghị.
Theo Người lao động

Hành trình tìm mộ Hoàng đế Quang Trung (1)

(Kiến Thức) - Có ý kiến cho rằng, vua Quang Trung là người sáng suốt nên ngay khi còn sống, ông đã lệnh cho xây dựng lăng mộ ở một nơi bí mật.

Nguyễn Huệ còn được biết đến là Quang Trung Hoàng đế, vua Quang Trung hay Bắc Bình Vương - là một anh hùng áo vải kiệt xuất của dân tộc. Cái chết đột ngột của ông vẫn còn là một bí ẩn với lịch sử. Nhưng hài cốt của vua Quang Trung thực sự được chôn cất ở đâu càng là một bí mật không dễ giải mật. Lịch sử cho rằng, để trả thù, Nguyễn Ánh sai đào mộ Nguyễn Huệ tán hài cốt thành bột nhồi thuốc súng bắn và bỏ xương sọ vào "vò" giam trong ngục tối. Lăng mộ của vua Quang Trung tại Phú Xuân cũng bị san phẳng, gia quyến thân thích bị giết sạch.

Tuy nhiên thời gian gần đây, không ít nhà khoa học và lãnh đạo TP Vinh (Nghệ An) đã liên hệ trao đổi với tòa soạn về phần mộ Hoàng đế Quang Trung. Phần lớn các ý kiến cho rằng, vua Quang Trung là một người sáng suốt lại hiểu rõ mình có nhiều kẻ thù nên ngay khi còn sống, ông đã lệnh cho hạ cấp trung thành xây dựng lăng mộ ở một nơi bí mật. Vì vậy, lăng mộ mà Nguyễn Ánh quật lên chỉ là mộ giả mà vua Quang Trung tạo ra. Đó là căn cứ để các nhà lịch sử đi tìm phần mộ của vua Quang Trung.

Lần theo những thông tin được các nhà khoa học cung cấp, chúng tôi đã liên lạc được với ông Nguyễn Hữu Bản, nguyên Bí thư Thành ủy Vinh - Nghệ An. Nhiều năm nay, ông Bản khởi xướng và đứng đầu nhóm tìm kiếm phần mộ Hoàng đế Quang Trung. Trong quá trình tìm kiếm, không ít chuyện lạ với những linh ứng thần kỳ đã xảy ra. Chúng tôi xin gửi tới các nhà khoa học, lịch sử và quý độc giả những cứ liệu sát thực và mong mỏi những góp ý để cuộc tìm kiếm được thuận lợi và có kết quả.
"Vua Quang Trung rất tin về mồ mả nên khi chiếm được thành Phú Xuân, ông đã cho quật mồ nhà Nguyễn để răn đe. Hơn nữa, Huế là đất cung phủ nhà Nguyễn, vua Quang Trung không bao giờ lại chôn cất mình ở đất ấy", ông Nguyễn Hữu Bản, nguyên Bí thư Thành ủy Vinh - Nghệ An cho hay.

Hội thảo về Hoàng đế Quang Trung tại Vinh năm 2011. 

Bức thư của nhà Huế học?

Ngày 31/5/2011, được sự đồng ý của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, TP Vinh đã tổ chức cuộc Hội thảo "Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô" thu hút nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam tham dự, đặc biệt hội thảo cũng có sự góp mặt của nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, người từng khẳng định hài cốt của Hoàng đế Quang Trung đã bị Nguyễn Ánh đốt thành tro bắn vào không trung và chính ông đã tìm được vị trí an táng Hoàng đế ở cung Đan Dương (Huế).

Tuy nhiên, ý kiến của Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân tại cuộc hội thảo bị nhiều người phản đối, trong đó có nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật. Ngày 1/6, ông Xuân lên tàu về Huế, đến ngày 4/6 thì Tỉnh ủy Nghệ An nhận được bức thư của ông Xuân với nội dung phản biện việc tìm hài cốt của nhóm tìm mộ vua Quang Trung tại tỉnh Nghệ An.

Đồng thời, bức thư cũng nói rõ: "Nguyễn Ánh Gia Long quật mồ anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ không thể nhầm. Thứ nhất: Quật mộ để cắt đứt sự trỗi dậy của dòng họ Nguyễn Tây Sơn, nếu sai thì vô cùng tai hại. Thứ hai: Quật mộ cho đúng để trả thù cho chín đời. Thứ ba: Huế là đất của nhà Nguyễn, lúc nào cũng có người của nhà Nguyễn ở lại Phú Xuân theo dõi mọi động tĩnh của phong trào Tây Sơn, vì thế họ biết chắc vua Quang Trung được táng nơi đâu để khi trở lại họ báo lại cho Nguyễn Ánh. Thứ tư: Các quan hàng đầu Nguyễn Ánh như Lê Chất, Ngô Văn Sở phải chỉ điểm đúng mộ của vua Quang Trung, nếu chỉ sai sẽ bị chặt đầu.

Vì thế, đừng bao giờ mơ tưởng hài cốt vua Quang Trung vẫn còn ở đâu đó trên đất nước Việt Nam... Vì thế, đi tìm huyệt mộ có hài cốt vua Quang Trung là chuyện không tưởng vô ích. Bao nhiêu năm nay, tôi nghiên cứu chỉ mong tìm được dấu tích, địa chỉ cụ thể nơi từng mai táng thi hài vua Quang Trung mà thôi. Nơi ấy tôi đã tìm được là cung điện Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm. Nếu muốn, Thừa Thiên - Huế cũng chỉ có thể dựng lại được Cung điện Đan Dương mà thôi".

Đền thờ vua Quang Trung tại núi Dũng Quyết. 

Việc tìm mộ mới chỉ bắt đầu

Là người khởi xướng cuộc tìm kiếm mộ phần Hoàng đế Quang Trung, lại là người tham mưu cho TP Vinh tổ chức cuộc hội thảo "Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô", ông Nguyễn Hữu Bản đã có thư phúc đáp tới Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, ông Bản cho rằng, việc tìm mộ mới chỉ bắt đầu, chưa chắc chắn được một điều gì.

Ông Bản cũng cho hay: "Trước khi hội thảo, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều nhà khoa học, trong đó có GS Phan Huy Lê. Còn thực sự hài cốt của vua Quang Trung có còn nữa hay không? Và nếu còn thì hiện nay ở đâu? Đây là vấn đề rất hệ trọng không chỉ lệ thuộc vào ý chí của chúng ta mà còn phụ thuộc vào phần âm (Ngài có cho phép hay không?) nên mọi việc đang ở phía trước".

Ông Bản đưa ra dẫn chứng chứng minh việc ông khởi xướng là có căn cứ thuyết phục. Ngoài những luận cứ có thể dễ dàng suy luận về việc xây dựng lăng mộ thật, thì dựa vào lời sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về thế thời lịch sử cũng là căn cứ để nhà Tây Sơn bí mật chọn cho mình một khu đất để xây mộ phần, tránh sự trả thù của nhà Nguyễn.

"Đoài cung một sớm đổi thay/Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn/Đầu cha lộn xuống chân con/Mười bốn năm tròn hết số thì thôi". Lời sấm truyền của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khiến vua Quang Trung ý thức được mệnh của mình không dài cho nên đã sớm nghĩ đến việc xây dựng lăng mộ. Và việc xây mộ không đơn thuần hoặc khuếch trương cho người khác biết, mà rất bí mật để tránh hậu họa bị quật mồ như lịch sử đã ghi.

(Còn tiếp...)

- Hội thảo khoa học "Hoàng đế Quang Trung" với Phượng Hoàng Trung Đô diễn ra vào ngày 31/5/2012 tại TP Vinh - Nghệ An. Hội thảo với mục đích tìm hiểu sự gắn bó giữa Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô. Ngày 1/10/1788, Nguyễn Huệ gửi thư cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp quyết định xây dựng thành Trung Đô tại khu vực núi Dũng Quyết (Vinh). Tuy nhiên, khi dự định lớn lao là dời đô về Nghệ An và việc xây dựng thành Phượng Hoàng Đô đang dang dở thì vua Quang Trung đột ngột qua đời.

- "Hội thảo khoa học "Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô" có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các ý kiến cơ bản thống nhất: Cần lập dự án phục hồi di tích lịch sử thành Phượng Hoàng Trung Đô và tiếp tục tìm kiếm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung tại Nghệ An".

Ông Nguyễn Xuân Đường (Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An)

Hành trình tìm mộ Hoàng đế Quang Trung (2)

(Kiến Thức) - Nhiều nhà khoa học khẳng định, thành Phượng Hoàng Trung Đô là nơi chôn cất mộ thật của Hoàng đế.

Vua Quang Trung muốn dời đô ra Nghệ An và cho xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô. Tuy nhiên, thành xây dở dang thì vua Quang Trung đột ngột qua đời. Sự gắn bó của ông với Phượng Hoàng Trung Đô là một trong những căn cứ để nhóm tìm mộ coi đây là "điểm huyệt" chôn cất hài cốt Hoàng đế Quang Trung.

Chọn quê xây thành
Theo các nhà sử học, Nguyễn Huệ vốn tên thật là Hồ Thơm. Tổ bốn đời của Nguyễn Huệ người làng Hương Cái, tổng Hải Đô (nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Đó là ông Hồ Phi Long vào lập nghiệp ở phủ Quy Nhơn, dinh Quảng Nam thời Thịnh Đức.

Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái ghi: Ở ấp Tây Sơn có người họ Nguyễn tên Văn Nhạc tổ tiên nguyên là người Nghệ An. Khoảng năm Thịnh Đức, quân Nhà Nguyễn đánh ra Nghệ An, chiếm cứ được 7 huyện phía Nam sông Cả rồi dồn bắt tất cả dân cư đưa vào Nam cho sống ở vùng Tây Sơn. Tổ bốn đời của Nguyễn Nhạc chuyến ấy cũng bị bắt vào trong đó.

Sách Tư liệu về Tây Sơn - Nguyễn Huệ trên đất Nghĩa Bình do Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Nghĩa Bình ấn hành năm 1998 viết: Tổ tiên bốn đời của các thủ lĩnh Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ vốn họ Hồ quê ở Nghệ An, khoảng giữa thế kỷ XVII bị quân Nguyễn bắt vào Đằng Trong.

Nhiều nhà khoa học khẳng định, thành Phượng Hoàng Trung Đô là nơi
chôn cất mộ thật của Hoàng đế. 

Theo di huấn của tổ tiên, Nguyễn Huệ dù xa quê vẫn một lòng nhớ về nơi đất Tổ. Vì vậy, theo các nhà khoa học việc vua Quang Trung chọn Nghệ An để xây thành Phượng Hoàng Trung Đô có một lý do lớn. Hơn nữa, trong thư gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ viết:

"... Nay Phú Xuân thì hình thế cách trở, ở xa trị Bắc Hà, sự thế rất khó khăn. Theo đình thần nghĩ rằng chỉ có đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện, tiện việc đi về".

Theo PGS.TS sử học Nguyễn Quang Hồng, ngoài lý do chọn đất Tổ Nghệ An xây thành, vua Quang Trung còn muốn "cân" độ dài đi lại để dễ bề trị nước. Vì ở Nghệ An, ngoài đường núi và đường sông dễ dàng ngược xuôi Nam Bắc, lại còn đường biển và đường núi ở giữa các vùng, nếu có biến sẽ dễ dàng di chuyển quân đội.

Khu vực bia Dẫn Tích trước đây là điện Thái Hoà đã được triều đình
Tây Sơn xây dựng hoàn chỉnh. 

Địa linh núi Quyết

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Hồng, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp biết không thể chối ý định dời đô từ Phú Xuân về Nghệ An của Hoàng đế Quang Trung nên ông đã xuống núi, vận dụng hết khả năng phong thuỷ và chọn được vùng đất ở núi Dũng Quyết (nay thuộc phường Trung Đô, TP Vinh) để xây dựng kinh đô.

Núi Dũng Quyết còn có tên là núi Phượng Hoàng bởi thế núi trông giống con chim Phượng đang vỗ cánh bay ra biển lớn. Phía Tây Nam của núi lại có đền Hoàng Mười mà người xưa gọi là "Mỏ Hạc linh từ". Đứng trên đỉnh Dũng Quyết nhìn ra phía Nam là dãy Thiên Nhẫn trùng điệp chạy dài tạo thế vững chãi cho dải đất thiêng dọc đôi bờ tả - hữu ngạn sông Lam.

Vùng đất xây dựng thành Phượng Hoàng để thực hiện ý định dời đô của Hoàng đế Quang Trung từ Phú Xuân về Nghệ An nằm ở phía Nam núi Dũng Quyết, trong khoảng giữa núi Quyết và "Miêu Nhi Phong" mà người địa phương gọi là "Rú Con Mèo" hội đủ khí trời tạo thành thế "vinh sơn thủy tụ".

Núi Quyết, nơi được chọn làm thành Phượng Hoàng và khu lăng mộ bí mật
của vua Quang Trung. 

Sự dang dở của thành Trung Đô

Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí thì triều đình Tây Sơn đã xây dựng ở Nghệ An được một số công trình như đắp hoàn chỉnh thành đất xung quanh, xây dựng xong Lầu Rồng ba tầng, điện Thái Hòa và hai dãy hành lang rộng lớn: "Quang Trung liền sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ đá, gạch ngói để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất xung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng tòa lầu ba tầng cùng hai dãy hành lang, để phòng dùng đến khi có lễ triều hạ".

Lịch sử cũng đã ghi nhận công cuộc xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô đang tiến hành thì vua Quang Trung đột ngột qua đời vào năm 1792. Trước khi nhắm mắt, vua Quang Trung còn cho triệu viên Trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về kinh dặn rằng: "Sau khi ta mất, nên trong một tháng táng cho xong. Việc táng làm qua loa mà thôi. Chúng ngươi nên giúp lập Thái tử sớm dời đô ra Nghệ An để khống chế thiên hạ. Nếu không thế thì quân Gia Định sẽ tới, chúng ngươi không có chỗ chôn thân".

Tuy nhiên, sau khi vua Quang Trung mất, việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô đã bị gác lại. Vua con kế nhiệm Nguyễn Quang Toản không hề nhắc đến việc dời đô ra Nghệ An như ý nguyện của vua cha trước khi mất. Năm 1801, sau khi Phú Xuân thất thủ, triều đình Quang Toản đã kéo nhau ra Bắc Hà và đóng đô ở Thăng Long. Chuyện lạ xảy ra, Lầu Rồng ba tầng tự nhiên sụp đổ là điềm báo trước về sự sụp đổ của triều đại Tây Sơn.

Việc Quang Toản không nhắc gì đến thành Phượng Hoàng, cũng được các sử gia và các nhà khoa học nhắc đến trong cuộc hội thảo tại TP Vinh ngày 31/5/2011. Có người cho rằng, việc không nhắc đến thành Phượng Hoàng là có lý do chính đáng. Vì thực chất việc xây thành tốn rất nhiều thời gian. Trong khi đó, khu lăng mộ bí mật của vua Quang Trung dưới sự giám sát của tướng Trần Quang Diệu đã hoàn thành. Ngừng xây thành Phượng Hoàng là cách đánh lạc hướng những ánh mắt trung thành với triều đình nhà Nguyễn.

Nhiều nhà sử học trong hội thảo tại TP Vinh đã cho rằng: Sau 2 - 3 tháng Quang Trung băng hà mới phát tang. Thành Phú Xuân "nội bất xuất, ngoại bất nhập", đường sông đường biển đều bị kiểm soát. Đây là thời gian để tâm phúc vua Quang Trung đưa thi hài vua ra Nghệ An mai táng. Và người đóng giả vua Quang Trung để chết và an táng tại Phú Xuân chính là tướng Phạm Công Trị (người từng đóng giả vua Quang Trung đi sứ nhà Thanh).

"Nếu quả thực thi hài Hoàng đế Quang Trung đã được đưa ra khỏi Phú Xuân thì chỉ có Nghệ An vừa là quê cha đất tổ, vừa là kinh đô của vương triều, thế đất hiểm yếu, có thể khống chế thiên hạ, giữ được lâu dài, đủ yên tâm cho Hoàng đế nằm lại vĩnh viễn".

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển)

Hành trình tìm mộ Hoàng đế Quang Trung (3)

(Kiến Thức) - Từ những cứ liệu lịch sử, nhóm tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung tại Nghệ An đã dần bóc tách những bí mật để tìm ra vị trí cuối cùng.

Nhiều thập kỷ qua, một số nhà khoa học đã dày công khảo sát trên thực tế, lần tìm dấu tích ở Huế và Bình Định, tập hợp các tài liệu trong các kho lưu trữ của quốc gia và địa phương có liên quan đến Hoàng đế Quang Trung. Trong đó có nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đã dành nửa đời mình vào công việc này và ông đã phát hiện vị trí mộ Hoàng đế Quang Trung ở cung Đan Dương. Tuy nhiên, phát hiện này đã bị không ít các nhà khoa học bác bỏ.

Lễ hội đền thờ Hoàng đế Quang Trung. 

Lịch sử mới chỉ nhìn một phía

Hoàng đế Quang Trung băng hà đến nay trên 220 năm. Theo sử sách đang lưu hành thì khi chiếm lại thành Phú Xuân (Huế), Nguyễn Ánh đã trả thù rất khốc liệt quân thần Tây Sơn bằng việc quật mộ vua Quang Trung lên chặt đầu bỏ vào vò đem nhốt vào ngục tối, thân thể xương cốt bị đốt thành than trộn thuốc súng bắn vào không trung.

Theo ông Nguyễn Hữu Bản, Trưởng nhóm tìm kiếm mộ vua Quang Trung tại Nghệ An: "Lịch sử có khi viết đúng, có khi viết sai bởi nhiều lúc mới chỉ nhìn một phía cho nên nhiều thập kỷ qua, một số nhà khoa học đã dày công khảo sát trên thực tế, lần tìm dấu tích ở Huế, tập hợp các tài liệu trong các kho lưu trữ của quốc gia và địa phương có liên quan đến Hoàng đế Quang Trung".

Trong đó có nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đã dành phần nửa đời mình vào công việc này và ông đã phát hiện được mộ Hoàng đế Quang Trung ở cung Đan Dương. Từ đó, ông khẳng định: Sau khi Hoàng đế Quang Trung băng hà 3 tháng mới phát tang.

Tại cung Đan Dương, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", đường bộ, đường biển đi ra Bắc đều kiểm tra nghiêm ngặt. Không thể đưa thi hài Hoàng đế Quang Trung ra khỏi Huế. Hơn nữa, sau khi Hoàng đế Quang Trung băng hà, một số tướng sĩ Tây Sơn đã đầu hàng Nguyễn Ánh.

Và đất Huế là đất của nhà Nguyễn, người nhà Nguyễn ắt sẽ giám sát chặt chẽ mọi động tĩnh của triều đình Tây Sơn. Từ những dẫn chứng đó ông Xuân khẳng định, mộ thật của vua Quang Trung là ở Huế và Quang Trung đã bị trả thù như sử lưu hành cũng là sự thật.

Các nhà khoa học cho rằng, thi thể vua Quang Trung bí mật theo đường biển
vào sông Lam, sông Vinh để an táng.

Những nghi vấn đáng ngờ

Không đồng tình với những lập luận của Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, người đứng đầu nhóm tìm kiếm mộ vua Quang Trung tại Nghệ An là ông Nguyễn Hữu Bản đã nghiên cứu những cứ liệu lịch sử và tham vấn ý kiến của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và phát hiện những lỗ hổng nên đặt ra những câu hỏi: Tại sao Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lại chọn vùng đất Yên Trường (núi Dũng Quyết) để xây thành Phượng Hoàng Trung Đô? Tại sao một con người mưu lược như Quang Trung Nguyễn Huệ lại cho xây lăng mộ mình ở Huế và những quân thần thân tín như Trần Quang Diệu lại chịu an táng Hoàng đế trên đất đối thủ. Để 10 năm sau khi chiếm lại thành Phú Xuân, Nguyễn Ánh dễ dàng quật mộ thủ lĩnh Tây Sơn lên trả thù?

Ông Nguyễn Hữu Bản cho hay: "Đọc lại lịch sử Việt Nam đang lưu hành và những trang viết của ông Nguyễn Đắc Xuân về Hoàng đế Quang Trung, chúng tôi thấy nhiều điều chưa thật thỏa đáng cả mặt lập luận và thực tiễn, bởi thời điểm xây mộ thật và mộ giả vào lúc nào?".

Theo giải thích của ông Bản, thông thường các triều đại phong kiến, mộ của vua được xây khi còn sống (một mộ thật, nhiều mộ giả). Đặc biệt, Hoàng đế Quang Trung là người có nhiều kẻ thù (Lê, Trịnh, Thanh, Xiêm...) nên không thể chỉ xây duy nhất một mộ ở Huế. Năm 1786, khi diệt tan quân Trịnh (phò Lê diệt Trịnh), vua Lê Hiển Tông đã ban thưởng cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ công chúa Ngọc Hân và vùng đất Nghệ An.

Hai năm sau, ngày 1/10/1788, vua Quang Trung quyết định cho xây thành Phượng Hoàng Trung Đô trên đất được vua Lê ban thưởng và xây miếu Tổ ở Thái Lão (tức quê gốc họ Hồ - PV). Phải chăng, khi xây thành Phượng Hoàng Trung Đô, vua Quang Trung đã cho xây lăng mộ của mình tại đây.

Nhà ngoại cảm tìm kiếm vua Quang Trung. 

Các nhà khoa học vào cuộc
Theo hướng lập luận này thì mộ Hoàng đế Quang Trung được quyết định xây tại Phượng Hoàng Trung Đô khi Nguyễn Huệ đang là Bắc Bình Vương. Hơn nữa Nguyễn Huệ cũng đủ sáng suốt để "đọc ý" qua lời tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm để nhận ra mệnh của mình không dài nên đã sớm quyết định việc xây lăng mộ tại Nghệ An. Còn lăng mộ được ông Xuân phát hiện ở Huế đã bị Nguyễn Ánh quật lên đều là giả.

Ông Bản đưa ra suy luận: Trong 3 tháng "bế quan toả cảng" ở thành Phú Xuân chính là thời điểm những người thân tín của Hoàng đế chuẩn bị thực hiện lễ an táng Quang Trung giả vào lăng mộ giả. Còn thi thể Hoàng đế Quang Trung được đưa theo đường biển, sau đó vòng theo đường sông an táng tại lăng mộ đã có sẵn ở Phượng Hoàng Trung Đô.

Ông Bản cho hay: "Qua lời căn dặn của Hoàng đế khi lâm bệnh nói với Quang Toản càng rõ thêm: "Nghệ An là đất của cha mẹ ta, đất ấy là nơi hiểm yếu có thể tin cậy được. Ta đắp thành dày để làm Trung Đô. Nếu có biến cố còn có thể giữ được...".

Hơn nữa, chính sử đã ghi rất rõ vua Quang Trung cho gọi Trấn sở Nghệ An Trần Quang Diệu vào và dặn rằng: "Những việc còn lại ở Vĩnh Đô (Phượng Hoàng Trung Đô), các ngươi phải lo làm xong sớm. Nếu để chậm sẽ không có đất mà chôn".

Ông Bản kết luận: "Từ các mối liên hệ của lịch sử và sự cảm nhận của các nhà ngoại cảm, nhà tâm linh về lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung ở thành Phượng Hoàng Trung Đô, chúng tôi thấy sự cần thiết phải nhờ các nhà khoa học vào cuộc và đã mời Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng - UIA, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người cùng một số nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau và có cả thiết bị thăm dò địa vật lý của Đại học Quốc gia Hà Nội vào cuộc".

"Tìm mộ Hoàng đế Quang Trung là việc lớn nên chúng tôi đã đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An mời các nhà khoa học, lịch sử có uy tín như GS Phan Huy Lê, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Thiếu tướng Ngô Tiến Quý... cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, thân nhân dòng họ Hồ có mối liên hệ với vua Quang Trung để có được những cứ liệu chính xác nhất trong việc chuẩn bị kế hoạch và thực hiện tìm hài cốt Quang Trung Hoàng đế được thuận lợi".

Ông Nguyễn Hữu Bản (nguyên Bí thư Thành ủy Vinh, Nghệ An) 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét