|
 |
|
|
Công tác đảm bảo hậu cần cho chiến dịch1
được Trung ương Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Theo tính toán,
khối lượng vật chất đảm bảo cho chiến dịch đánh theo phương châm, đánh
chắc, tiến chắc tăng vọt lên gấp hai, ba lần. Riêng về lương thực, tổng
số gạo cần huy động không phải là trên bảy nghìn tấn như trước mà là
trên 20 nghìn tấn. Trung ương Đảng và Chính phủ đã động viên toàn Đảng,
toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến, đảm bảo cho chiến
dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Hệ thống đường vận chuyển cơ giới, đường
thuỷ và đường bộ được tổ chức chặt chẽ để đảm bảo cho chiến dịch.
Tổng
cục Cung cấp tiền phương được tăng cường thêm lực lượng (tổng quân số
gồm 3.168 cán bộ chiến sĩ và hơn ba mươi nghìn dân công) để tổ chức lại
một bộ máy hậu cần chiến dịch gồm sở chỉ huy hậu phương, các kho, các
tuyến vận tải, các đội điều trị... Ta đã tổ chức ba tuyến hậu cần chiến
dịch2, mỗi tuyến đều
có một ban chỉ huy riêng, không những chỉ đảm nhiệm công tác vận tải
quân sự mà còn làm cả nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, thống nhất chỉ huy các
ngành hậu cần trên toàn tuyến.
Vào cuối thượng tuần tháng 3, sau
một thời gian cố gắng liên tục, công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến
công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn thành, thế trận chiến dịch
đã triển khai xong, các đơn vị đã sẵn sàng nổ súng vào đúng ngày quy
định. Trong thực tế, chiến dịch được tiến hành theo ba đợt:
Đợt 1 (từ 13 đến 17 tháng 3 năm 1954): Tiêu diệt hai cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo.
Nhiệm
vụ của đợt tiến công thứ nhất là tiêu diệt cả ba trung tâm đề kháng Him
Lam, Độc Lập và Bản Kéo, phá vỡ thế trận phòng ngự từ tây bắc sang đông
bắc tập đoàn cứ điểm, đánh chiếm các vị trí vành ngoài, tạo điều kiện
để ta thắt chặt vòng vây và tiến công vào khu trung tâm.
Nhiệm
vụ cụ thể các đơn vị được phân công như sau: Đại đoàn 312 (thiếu trung
đoàn 165) tiến công trung tâm đề kháng Him Lam; trung đoàn 165 Đại đoàn
312 và trung đoàn 88 Đại đoàn 308 tiến công trung tâm đề kháng Độc Lập;
trung đoàn 36 Đại đoàn 308 tiến công trung tâm đề kháng Bản Kéo; Đại
đoàn 316 (thiếu trung đoàn 176) tổ chức nghi binh và bí mật xây dựng
trận địa tiến công ở phía đông phân khu trung tâm; trung đoàn 57 Đại
đoàn 304 tổ chức hoả lực kiềm chế pháo binh địch phân khu Hồng Cúm; Đại
đoàn công pháo 351 bắn phá hoại công sự địch trong các trung tâm đề
kháng chi viện cho bộ binh tiến công, kiềm chế pháo binh địch, tập kích
hoả lực vào sân bay, sở chỉ huy, kho tàng của chúng.
Lúc đầu, ta
định đồng thời đánh cả Him Lam, Độc Lập và bao vây Bản Kéo. Nhưng khi
trinh sát lần cuối, phát hiện địch bố trí nhiều hoả điểm tiền duyên ở
Him Lam và Độc Lập, Bộ chỉ huy chiến địch quyết định tập trung pháo ngắm
bắn trực tiếp đánh Him Lam trước, rồi nhanh chóng cơ động pháo sang
đánh Độc Lập sau.
Trung tâm đề kháng Him Lam có năm điểm cao
được tổ chức thành ba cứ điểm vững chắc do tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn
lê dương số 13 (3/13 DBLE) phòng giữ. Cứ điểm 1 (102) ở phía tây, gồm
hai cao điểm 515 và 507, là điểm tựa chủ yếu có sở chỉ huy tiểu đoàn. Cứ
điểm 2 (101A) ở đông bắc gồm hai cao điểm 517,5 và 505. Cứ điểm 3
(101B) ở phía nam, là đồi trọc, thấp hơn hẳn cứ điểm 1 và 2. Ở từng cứ
điểm trận địa phòng ngự được xây dựng vững chắc, có nhiều lô cốt và
chiến hào, vòng ngoài có bốn đến sáu hàng rào dây thép gai và nhiều bãi
mìn rộng từ 100 đến 200m.
Xác định đây là trận then chốt mở màn
chiến dịch, Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ đánh Him Lam cho Đại đoàn
312 và tăng cường cho đại đoàn hai đại đội sơn pháo 75mm (6k), hai đại
đội cối 120mm (8k), hai đại đội cối 82mm (8k). Trong quá trình chiến
đấu, đại đoàn còn được hai đại đội lựu pháo 105mm chi viện trực tiếp.
Theo
kế hoạch, 16 giờ pháo binh sẽ bắn chuẩn bị 15 phút, sau đó chi viện
trực tiếp cho Đại đoàn 312 tấn công. Phát hiện ta xây dựng trận địa tiến
công, khoảng 12 giờ ngày 13, địch cho một đại đội bộ binh cùng hai xe
tăng từ Mường Thanh ra đánh phá. Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho đại đội
806 (lựu pháo 105mm) bắn 20 quả vào trung tâm đề kháng Him Lam. 18 quả
đạn của ta bắn trúng mục tiêu, tên thiếu tá Pê-giô tiểu đoàn trưởng cùng
ba sĩ quan khác bị chết trong loạt đạn này, bọn địch đi lùng sục hoảng
sợ bỏ chạy về Mường Thanh.
Đúng 17 giờ, pháo 105mm của ta bắn
cấp tập, mãnh liệt vào các trận địa pháo của địch ở 307A, 307B, chân đồi
A và D, sau đó chuyển sang bắn phá hoại sân bay và cứ điểm 1, cứ điểm
3. Tranh thủ thời cơ địch bị chế áp, hỏa lực các cỡ của Đại đoàn 312 vào
chiếm lĩnh trận địa, tham gia bắn phá hoại, chi viện trực tiếp cho bộ
binh chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong. Kết quả hoả lực bắn chuẩn
bị rất tốt, đã làm tê liệt các trận địa pháo, sân bay, phá hủy nhiều
mục tiêu, công sự trận địa hoả lực của địch, chi viện có hiệu quả cho
các tiểu đoàn bộ binh hoàn thành việc chiếm lĩnh trận địa tiến công.
Từ
18 giờ 30, bộ binh ta bắt đầu mở cửa, trung đoàn 141 (ba tiểu đoàn) sử
dụng tiểu đoàn 11 làm nhiệm vụ chủ công, tiến công trên hướng bắc tiêu
diệt cứ điểm 102; tiểu đoàn 428 làm nhiệm vụ trợ công, tiến công trên
hướng đông bắc tiêu diệt cứ điểm 101A. Trung đoàn 209 sử dụng tiểu đoàn
130 tiến công trên hướng đông nam tiêu diệt cứ điểm 101B.
Cuộc
chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt, nhất là trên hướng chủ yếu khi tiến
công cứ điểm 102. Đây là cứ điểm rắn nhất của trung tâm Him Lam, đại
đoàn phải tung lực lượng dự bị (tiểu đoàn 166 thuộc trung đoàn 209) vào
tham gia chiến đấu, đồng thời có một mũi của tiểu đoàn 128 đánh từ 101A
sang phối hợp mới chiếm được cứ điểm cuối cùng này.
Khoảng 23
giờ 30 phút, trận đánh kết thúc: trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn bị
tiêu diệt. Hơn 200 tên bị chết, 270 tên bị bắt sống, tiểu đoàn lê dương
số 3 bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Mất Him Lam, Bộ chỉ huy Pháp
bàng hoàng và liên tục thúc dục Đờ Cát tung quân ra phản kích chiếm lại.
Nhưng trong suốt ngày 14, Đờ Cát không có cơ hội làm điều đó vì phải lo
chỉ huy cấp dưới củng cố lại trận địa và đối phó với các cuộc tập kích
hỏa lực chính xác của pháo binh ta. Đặc biệt, khu vực sân bay Mường
Thanh đã bị pháo binh ta khống chế chặt chẽ. Chiều ngày 14 tháng 3, địch
cho tiểu đoàn dù ngụy số 5 (5[supe[/sup] BPV) nhảy dù xuống tăng viện
cho Điện Biên Phủ.
Đêm 14 tháng 3, ta mở cuộc tiến công vào
trung tâm đề kháng đồi Độc Lập, một cụm cứ điểm có chiều dài khoảng
500m, rộng 200m cách trung tâm Mường Thanh bốn ki-lô-mét về phía bắc.
Đây được coi là cụm cứ điểm phòng ngự kiên cố nhất của Điện Biên Phủ,
trận địa phòng ngự được xây dựng vững chắc, có hệ thống công sự phụ khá
mạnh, xung quanh có nhiều lớp hàng rào vật cản nhất là ở phía bắc và
phía nam. Trung tâm do tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn An-giê-ri thứ 7 (5/7
RTA) và một đại đội ngụy Thái chiếm giữ.
Nhiệm vụ tiến công đồi
Độc Lập được giao cho trung đoàn 165 Đại đoàn 312 và trung đoàn 88 Đại
đoàn 308, được tăng cường hai đại đội sơn pháo 75mm cùng hai đại đội cối
120mm vừa đánh Him Lam xong. Chỉ huy trận đánh là đồng chí Vương Thừa
Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308.
Trung đoàn 165 đảm nhiệm
hướng tiến công chủ yếu đột phá từ hướng đông nam vào, trung đoàn 88 đảm
nhiệm hướng tiến công thứ yếu đột phá từ hướng đông bắc vào. Trận đánh
dự định vào 16 giờ 45 phút ngày 14, nhưng do trời mưa, sơn pháo 75mm và
cối 120mm từ Him Lam chưa sang kịp, đồng chí Chỉ huy trưởng trận đánh
quyết định để lựu pháo 105mm bắn chuẩn bị vào 17 giờ theo kế hoạch, còn
bộ binh chờ pháo ở Him Lam tới, chuẩn bị thật chu đáo mới nổ súng.
2
giờ sáng ngày 15, sơn pháo 75mm và cối 120mm có mặt đầy đủ và nhanh
chóng bắt tay vào xây dựng trận địa bắn. Đúng 3 giờ 30 phút, đồng chí
Chỉ huy trưởng hạ lệnh nổ súng tiến công đồi Độc Lập. Trên hướng chủ
yếu, trung đoàn 165 đột phá thuận lợi. Một mũi thọc sâu để tạo điều kiện
cho trung đoàn nhanh chóng đánh sâu vào cứ điểm, diệt khu thông tin,
trận địa cối, uy hiếp sở chỉ huy. Trên hướng thứ yếu, trung đoàn 88 lúc
đầu mở cửa chưa đúng hướng, phải định hướng lại do đó vào chiến đấu bên
trong chậm hơn. Cuộc chiến đấu bên trong khá quyết liệt, song do tinh
thần chiến đấu dũng cảm và sức tiến công áp đảo, 6 giờ 30 phút ngày 15
ta hoàn toàn làm chủ trung tâm đề kháng đồi Độc Lập, diệt 483 tên, bắt
200 tên, trong đó có hai tên tiểu đoàn trưởng.
Trong lúc trận
đánh đang diễn ra trên đồi Độc Lập, địch đã điều một tiểu đoàn bộ binh
cùng năm xe tăng ra tăng viện. Lực lượng này bị pháo binh của ta bắn
chặn, cháy một xe tăng, thương vong một số tên, chúng phải chạy về Bản
Kéo.
Hai trung tâm đề kháng Him Lam và Độc Lập thất thủ, tinh
thần binh lính địch ở trung tâm đề kháng Bản Kéo suy sụp. Theo kế hoạch,
trung đoàn 36 Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ triển khai tiến công tiêu
diệt Bản Kéo. 15 giờ ngày 11 tháng 3, sau khi ta bắn 20 quả lựu pháo
105mm uy hiếp và tiến hành binh vận gọi hàng, mặc dù bị bọn chỉ huy
khống chế, binh lính tiểu đoàn ngụy Thái số 3 (3e BTA) đóng ở
Bản Kéo đã kéo cờ trắng chạy vào rừng đầu hàng quân ta. Trung đoàn 36
chưa cần nổ súng đã chiếm được cụm cứ điểm Bản Kéo, tiếp nhận 232 hàng
binh.
Đến đây, ta kết thúc đợt một chiến dịch. Trong năm ngày
với hai trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng lớn ta đã đập tan hệ thống
phòng ngự tiền tiêu của địch trên hướng bắc và đông bắc, mở thông cửa
xuống vùng lòng chảo, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng chiến
dịch áp sát khu trung tâm. Đây là thắng lợi mở đầu rất quan trọng không
chỉ về quân sự mà còn đánh mạnh vào tinh thần, tâm lý của địch, làm cho
chúng vô cùng hoảng sợ, đối phó lúng túng.
Đợt 2
(từ 30 tháng 3 đến 30 tháng 4 năm 1954): Đánh chiếm các ngọn đồi phía
đông và sân bay Mường Thanh, siết chặt vòng vây, tạo thế trận cho tổng
công kích.
Sau khi ta chiếm được các cụm cứ điểm Him Lam, Độc
Lập, Bản Kéo, cánh cửa phía bắc xuống lòng chảo đã mở thông. Nhưng phân
khu trung tâm của địch vẫn còn bốn trung tâm đề kháng gồm trên 30 cứ
điểm liên kết chặt chẽ với nhau nằm giữa cánh đồng bằng phẳng trên hai
bờ sông Nậm Rốm. Địch ở đây tập trung khoảng một vạn quân, có sở chỉ
huy, các căn cứ hoả lực, các đơn vị xe tăng và sân bay. Ngày 16 tháng 3,
địch lại tăng viện cho Điện Biên Phủ tiểu đoàn 6 dù thuộc địa (6 e
BPC) cùng một khối lượng khá lớn vũ khí phương tiện chiến tranh và ra
sức củng cố trận địa phòng ngự ở phân khu trung tâm. Những vị trí có giá
trị đặc biệt về chiến thuật ở phân khu trung tâm là các cứ điểm, các
điểm cao phía đông (A1, C1, D1, và E). Đây là khu vực phòng ngự then
chốt, hiểm yếu của địch, nếu chiếm được ta sẽ có lợi thế tràn xuống
Mường Thanh tiến công vào trung tâm chỉ huy của tập đoàn cứ điểm.
Nhiệm
vụ chủ yếu nhất của ta trong đợt 2 chiến dịch là đánh chiếm khu vực
phòng ngự then chốt trên các điểm cao phía đông, mở cửa thọc sâu vào tập
đoàn cứ điểm.
Để có thể tiếp cận mục tiêu, đánh theo phương
châm “đánh chắc, tiến chắc” từ sau Hội nghị cán bộ chiến dịch ngày 17
tháng 3, ta đã dồn sức xây dựng một hệ thống trận địa tiến công và bao
vây quanh tập đoàn cứ điểm. Hệ thống này gồm các đường hào trục, đường
hào nhánh để vận chuyển và cơ động lực lượng, hệ thống trận địa tiến
công và xuất phát xung phong của các trung đoàn cùng rất nhiều hầm trú
ẩn, hầm chỉ huy.
Sau 10 ngày vừa lao động cật lực, vừa phải đối
phó với bom đạn và đánh trả các đợt phản kích của địch, bộ đội ta đã đào
được trên một trăm km giao thông hào, hàng vạn công sự ụ súng, hình
thành một hệ thống trận địa tiến công và bao vây liên hoàn từ đại đoàn
xuống các đơn vị.
Ngày 27 tháng 3, Bộ chỉ huy chiến dịch tập
trung cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên để giao nhiệm vụ. Chủ trương
chung của ta trong đợt 2 là: Tập trung tuyệt đối ưu thế binh hỏa lực,
tiêu diệt cùng một lúc các vị trí phía đông Điện Biên Phủ, chiếm các
điểm cao uy hiếp Mường Thanh, tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích.
Nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị như sau:
Đại đoàn 312, được phối
thuộc hai đại đội sơn pháo 75mm, hai đại đội cối 120mm, một đại đội cối
82mm, có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt các cứ điểm đồi E(102), D1(200),
D2(201A) thuộc trung tâm đề kháng Đô-mi-nich, vị trí pháo binh địch ở
210 và quân cơ động thuộc tiểu đoàn dù ngụy số 5 hoặc bộ phận của tiểu
đoàn dù ngụy số 6.
Đại đoàn 316 (thiếu trung đoàn 176), được
phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75mm, hai đại đội súng cối 120mm, có
nhiệm vụ tiến công các cứ điểm A1 (310), C1 (302), C2 (304) thuộc trung
tâm đề kháng E-li-an và phối hợp với Đại đoàn 308 tiêu diệt tiểu đoàn 6
dù thuộc địa.
Đại đoàn 308, có nhiệm vụ tiêu diệt khu trung tâm phía tây gồm tiểu đoàn ngụy Thái số 2 (2 e
BAT), trận địa pháo binh ở phía đông trung tâm và phối hợp với Đại đoàn
316 tiêu diệt tiểu đoàn 6 dù thuộc địa, dùng hỏa lực kiềm chế địch ở
Mường Thanh và chặn viện từ Hồng Cúm lên.
Trung đoàn 57 Đại đoàn
304, được phối thuộc tiểu đoàn 888 Đại đoàn 316, một đại đội lựu pháo
105mm, một số đơn vị hoả lực khác có nhiệm vụ chặn viện từ Hồng Cúm lên
và đánh quân nhảy dù xung quanh Hồng Cúm.
Đại đoàn 351 sử dụng
trung đoàn lựu pháo 105mm chi viện trực tiếp cho bộ binh tiến công các
cứ điểm E1, D1, D2, C1, C2, A1, đồng thời kiềm chế pháo binh địch ở
Mường Thanh, Hồng Cúm. Riêng trung đoàn pháo cao xạ 367 được tăng cường
phải giáng cho địch những đòn bất ngờ, yểm hộ cho pháo binh, bộ binh
chiến đấu cả, ngày lẫn đêm.
Thời gian bắt đầu tiến công đợt 2
vào chiều ngày 30 tháng 3 năm 1954. Ngày 30, sau mấy ngày mưa, trời đã
tạnh nhưng mây đen vẫn bao phủ bầu trời, máy bay địch ít hoạt động, bộ
đội ta chiếm lĩnh trận địa tiến công từ sớm. 17 giờ 30 phút, pháo binh
chiến dịch bắn chuẩn bị, cuộc tiến công lớn vào các cứ điểm phía đông
bắt đầu.
Trên hướng đông bắc, trung đoàn 141 sử dụng tiểu đoàn
16 và 428 tiến công cứ điểm đồi E. Sau 1 giờ 30 phút chiến đấu, trung
đoàn đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn An-giê-ri số 3, chiếm lĩnh đồi E. Cùng
thời gian, Trung đoàn 209 cũng sử dụng hai tiểu đoàn 166 và 154 tiêu
diệt gọn một tiểu đoàn địch và chiếm lĩnh cứ điểm đồi D1. Như vậy, Đại
đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm đồi E, D1. Đại đoàn tiếp tục
điều tiểu đoàn 130 tiến công sang D2, các đơn vị vừa chiếm được đồi E
phát triển vào các ngọn đồi ở phía trong. Cuộc chiến đấu của đại đoàn
kéo dài cho đến khi trời sáng.
Trên hướng đông, trung đoàn 98
Đại đoàn 316 tiến công cứ điểm C1, sau 45 phút, trung đoàn làm chủ cứ
điểm, diệt và bắt sống 140 tên. Thừa thắng, trung đoàn điều tiểu đoàn
215 tiến công sang C2 nhưng không thành công. Cùng thời gian trên, tiểu
đoàn 54 trung đoàn 102 luồn vào giữa D3 và C1 để tiêu diệt tiểu đoàn
ngụy Thái số 2, nhưng do chuẩn bị không tốt, địch chống trả mạnh, bộ đội
không mở được cửa, đội hình ùn tắc ở C1.
Trung đoàn 174 tiến
công cứ điểm A1, một cứ điểm quan trọng nhất trong cụm điểm cao phía
đông. Do đường dây điện thoại bị đứt, đại đoàn vào chiến đấu chậm hơn
quy định 35 phút. Trung đoàn tổ chức đột phá hai mũi, 21 giờ 30 phút các
mũi mở cửa xong, bộ binh xung phong đánh vào cứ điểm. Địch dựa vào hầm
ngầm trên đỉnh đồi chống trả rất quyết liệt, cuộc chiến đấu của trung
đoàn 174 hết sức ác liệt. Trung đoàn đã tung hết lực lượng dự bị, nhưng
đến sáng 31 cũng chỉ chiếm được một phần A1.
|
|
Buổi chiều và đêm 30 tháng 3, ngoài lực
lượng tiến công vào các ngọn đồi ở phía đông, Bộ chỉ huy chiến dịch còn
sử dụng các tiểu đoàn 11 trung đoàn 141, tiểu đoàn 115 trung đoàn 165,
tiểu đoàn 54 làm nhiệm vụ thọc sâu, diệt trận địa pháo địch ở cứ điểm
210 và tiểu đoàn dù ngụy số 5 đóng ở vòng trong. Các tiểu đoàn 115 và 54
đã vượt qua được khoảng trống tiếp giáp giữa các vị trí C1 và D2, E và
D1 tiến vào bên trong nhưng không mở được cửa mở qua hệ thống vật cản
bên trong nên không thực hiện được nhiệm vụ. Riêng mũi của tiểu đoàn 11
đánh vào được một số vị trí, gây cho địch nhiều thiệt hại. Đội dũng sĩ
243 phát triển ra tới bờ sông Nậm Rốm và gan góc trụ lại trong lòng địch
suốt ngày hôm sau.
Ngày 31 tháng 3, địch tung lực lượng ra phản
kích cố chiếm lại các vị trí đã mất. Ở khu vực đồi D1, đồi E, địch phản
kích thất bại, buổi chiều chúng rút khỏi cả 210 và D2. Riêng ở cứ điểm
A1, địch cho nhiều đại đội bộ binh có xe tăng, pháo binh, không quân yểm
hộ, tìm mọi cách thu hẹp khu vực chiếm lĩnh của trung đoàn 174. Về phía
ta. Bộ chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm tăng cường trung đoàn 102 từ
hướng tây chuyển sang hướng đông tiếp tục tiến công A1, đồng thời lệnh
cho Đại đoàn 308 đẩy mạnh hoạt động ở phía tây và bắc Mường Thanh, buộc
địch phải phân tán đối phó.
Đêm 31 tháng 3, trung đoàn 102 và
một bộ phận của trung đoàn 174 tiến công A1 lần thứ hai. Cuộc chiến đấu
kéo dài đến sáng ngày 1 tháng 4, ta chiếm được 2 phần 3 vị trí. Ban ngày
địch tổ chức phản kích chiếm lại phần lớn trận địa. Đêm 1 tháng 4, ta
tổ chức tiến công lần ba cũng không thành công. Trận đánh ở khu vực này
kéo dài đến ngày 4 tháng 4, ta chỉ chiếm được 1 phần 3 đồi A1, Bộ chỉ
huy chiến dịch cho trung đoàn 102 rút về củng cố và giao cho trung đoàn
174 phòng ngự giữ phần đồi đã chiếm được.
Ở hướng tây bắc sân
bay, đêm 1 tháng 4, trung đoàn 36 tiến công tiêu diệt gọn cứ điểm 106,
tiến vào uy hiếp sân bay. Đêm 2 tháng 4, trung đoàn lại bao vây uy hiếp
cứ điểm 311. Khoảng 120 tên thuộc tiểu đoàn ngụy Thái số 3 ra hàng, ta
làm chủ cứ điểm này. Cũng đêm 2 tháng 4, hai đội dũng sĩ của hai Đại
đoàn 308 và 312 đột nhập vào sân bay, diệt một số địch, bắt sống 10 tù
binh.
Đêm 3 tháng 4, ở phía bắc sân bay, trung đoàn 165 tiến
công cứ điểm 105. Cuộc chiến đấu kéo dài đến sáng 4 tháng 4, ta chiếm
được 2 phần 3 cứ điểm, trời sáng địch tổ chức phản kích chiếm lại toàn
bộ.
Ngày 4 tháng 4, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tạm ngừng
cuộc tiến công để củng cố lực lượng, giữ vững trận địa và tiếp tục chuẩn
bị cho đợt tiến công mới.
Sau năm ngày chiến đấu trong đợt 2
của chiến dịch, ta đã thu được những kết quả quan trọng. Ở phía đông, ta
chiếm được bốn ngọn đồi hiểm yếu (E, D1, D2, C1), riêng điểm cao A1
địch vẫn chiếm giữ. Ở phía tây, ta chiếm thêm được điểm cao 106 và 311.
Phạm vi chiếm đóng của địch bị thu hẹp, lực lượng bị tổn thất lớn, ba
tiểu đoàn thiện chiến của chúng bị tiêu diệt.
Ngày 8 tháng 4,
địch tăng viện cho Điện Biên Phủ tiểu đoàn dù thứ tư. Ngày 9 tháng 4,
chúng tổ chức phản kích hòng chiếm lại C1. Lực lượng phòng ngự của trung
đoàn 98 bẻ gẫy nhiều đợt xung phong của địch, nhưng do địch đông và có
các cứ điểm lân cận hỗ trợ nên đến trưa ngày 10, chúng chiếm được một
nửa đồi phía tây, ta chỉ giữ được nửa đồi phía đông.
Sau khi tạm
ngừng đợt tiến công, Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức rút kinh nghiệm,
đồng thời hạ quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đề ra cho đợt 2, tiêu
diệt thêm một bộ phận sinh lực, chiếm thêm một số vị trí có lợi, đưa
trận địa tiến công và bao vây vào gần địch hơn nữa, thất chặt thêm vòng
vây, đánh chiếm sân bay, quyết tâm triệt hẳn tiếp tế và tăng viện của
địch, uy hiếp chúng mạnh hơn nữa.
Thực hiện chủ trương đó, ngày 10 tháng 4, Bộ chỉ huy giao nhiệm vụ cho các đơn vị như sau:
Đại
đoàn 308 bố trí ở phía tây, từ sông Nậm Rốm đến Bản Kéo, có nhiệm vụ
làm trận địa tiến công các cứ điểm 206, 311A, 311B, 310, bố trí lực
lượng chặn viện giữa các cứ điểm 105, 206, 208, phối hợp với Đại đoàn
312 đào giao thông hào cắt ngang sân bay ở đoạn nam cứ điểm 206.
Đại
đoàn 312 bố trí ở phía bắc, từ Bản Kéo đến đoạn đông sân bay Mường
Thanh, có nhiệm vụ củng cố trận địa phòng ngự ở các cứ điểm 201, 202;
xây dựng trận địa tiến công các cứ điểm 105, 203 và khu tiểu đoàn ngụy
Thái số 2; phối hợp với Đại đoàn 308 đào giao thông hào cắt ngang sân
bay.
Đại đoàn 316 làm trận địa tiến công ở đông Mường Thanh, bên
trái tiếp giáp với Đại đoàn 312, bên phải tiếp giáp với Đại đoàn 308,
xây dựng trận địa tiến công các cứ điểm A1, C2; củng cố trận địa phòng
ngự ở đồi C1, A1.
Trung đoàn 57 Đại đoàn 304 tiếp tục hoạt động bao vây chặn viện ở phân khu Hồng Cúm.
Đại
đoàn 351 xây dựng thêm trận địa pháo ở tây bắc Mường Thanh, đưa pháo
sát vùng lòng chảo, tổ chức phòng không, hiệp đồng chặt chẽ các loại
pháo chi viện cho bộ binh và kiềm chế pháo binh địch.
Từ cuối
thượng tuần tháng 4 năm 1954, các đơn vị bắt tay vào xây dựng trận địa
tiến công. Các khu vực đã chiếm được như đồi E, D1 đã trở thành các cứ
điểm phòng ngự vững chắc của ta. Ngày 16, chiến hào của Đại đoàn 312 và
Đại đoàn 308 nối liền với nhau, cắt đôi sân bay Mường Thanh. Đêm 18
tháng 4, sau nhiều ngày vây lấn, trung đoàn 165 tiến công dứt điểm cứ
điểm 105. Sáng 19, địch cho quân ra phản kích bị Đại đoàn 308 chặn đánh
phải quay lại. Cứ điểm 105 bảo vệ phía bắc sân bay bị xoá sổ. Đêm 22,
trung đoàn 36 sau ba ngày vây lấn cũng đã tiến công chiếm gọn cứ điểm
206. Ngày 24, địch tung tiểu đoàn dù lê dương số 2 cùng năm xe tăng, có
pháo binh, không quân yểm hộ mở đợt phản kích quyết liệt hòng đánh bật
ta ra khỏi 206 và khu vực sân bay. Được pháo binh chi viện đắc lực, bộ
đội ta đã đánh bại nhiều đợt xung phong của địch, thực hiện trọn vẹn
nhiệm vụ cắt đôi sân bay Mường Thanh, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của
địch.
Tại khu vực đồi A1, ngoài việc trung đoàn 174 kiên cường
trụ vững tại trận địa đã chiếm được, ta còn tổ chức đào một đường hầm
xuyên sâu vào lòng đồi A1, dưới hầm ngầm của địch để đặt khối thuốc nổ
lớn chuẩn bị tiến công A1.
Từ trung tuần tháng 4, kết hợp với
vây hãm, đánh lấn, các đơn vị còn tích cực tham gia bắn tỉa, tổ chức các
đội dũng sĩ luồn sâu, các tổ đoạt dù... gây cho địch nhiều tổn thất về
sinh lực, phương tiện, căng thẳng về tinh thần.
Cùng với hoạt
động vây ép của bộ binh, pháo cao xạ và súng máy phòng không của các đại
đoàn tiến sâu vào thung lũng, tạo một lưới lửa phòng không khống chế
không cho địch dùng máy bay tiếp tế cho quân địch bị vây trong lòng chảo
Điện Biên Phủ. Đến giữa tháng 4 ta đã hạ 50 máy bay địch, buộc chúng
phải thả dù ở độ cao trên ba ki-lô-mét, do đó trên một phần ba số dù
tiếp tế rơi vào trận địa của ta.
Đợt 2 chiến dịch đã kéo dài gần
một tháng, các đơn vị của ta đều bị thương vong khá lớn, thời tiết lúc
này bắt đầu vào mùa mưa, bộ đội ta sống dưới chiến hào gặp rất nhiều khó
khăn, tư tưởng bộ đội đã xuất hiện các biểu hiện ngại hy sinh gian khổ,
chấp hành mệnh lệnh không nghiêm. Trước tình hình này, Tổng Quân uỷ đã
mở hội nghị các bí thư đại đoàn uỷ để kiểm điểm và mở đợt giáo dục chính
trị tư tưởng, tập trung đẩy mạnh công tác bảo đảm hậu cần cải thiện một
phần sinh hoạt cho bộ đội, nhằm củng cố thêm ý chí quyết chiến, quyết
thắng cho cán bộ chiến sĩ các cấp.
|
|
|
|
|
 |
|
|
Đợt 3 (từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 5
năm 1954): Đánh những điểm cao cuối cùng ở phía đông, thực hành tổng
công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.
Cho đến
cuối tháng 4 năm 1954, vòng vây của ta đã siết chặt, phạm vi chiếm đóng
của địch mỗi bề còn lại chỉ từ 1,3 đến 1,7 ki-lô-mét, lực lượng không
vượt quá 37 đại đội. Việc thả dù tiếp tế cho Điện Biên Phủ hết sức khó
khăn, lương thực, thực phẩm khan hiếm, binh lính địch thực sự lâm vào
tình trạng bị “bóp nghẹt”.
Trong lúc bộ chỉ huy quân viễn chinh
Pháp và quan thầy Mỹ của chúng đang lúng túng chưa tìm được lối thoát
cho Điện Biên Phủ, thì ta quyết định tiến hành đợt tiến công thứ ba vào
đầu tháng 5 năm 1954. Nhiệm vụ các đại đoàn được giao như sau:
Đại
đoàn 316 tiêu diệt C1 và giữ vững trận địa ở đó; đồng thời đánh lấn
sang C2 để phối hợp với trận đánh ở A1. Nếu điều kiện thuận lợi thì phát
triển tiêu diệt toàn bộ C2; tổ chức đánh chiếm những lô cốt quan trọng ở
A1.
Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm 505 và 505A, dùng một bộ
phận lực lượng bộ binh và hoả lực chặn viện khi Đại đoàn 316 tiến công
C1. Ngày 5 tháng 5, phải tiêu diệt cứ điểm 204.
Đại đoàn 308 có nhiệm vụ diệt các cứ điểm 310, 311A, 311B.
Trung
đoàn 57 Đại đoàn 304 có nhiệm vụ kiềm chế pháo binh địch và đánh lấn
vào phân khu Hồng Cúm, chuẩn bị một tiểu đoàn vận động tác chiến ở hướng
Thượng Lào khi có lệnh.
Ngày 1 tháng 5 năm 1954, đợt tiến công
thứ 3 bắt đầu. Ngay từ trưa, pháo các cỡ của ta bắt đầu bắn mãnh liệt
khu vực trận địa địch. Trong đợt bắn phá này, hoả tiễn 122 của ta lần
đầu tiên xuất hiện làm cho binh lính địch càng thêm hoảng sợ. Cụm pháo
địch ở Hồng Cúm bị tê liệt hoàn toàn, một kho đạn pháo với trên ba nghìn
viên đạn bị nổ tung, một kho lương thực, thực phẩm bốc cháy. Sau đợt
pháo kích kéo dài, bộ đội ta đồng loạt tổ chức tiến đánh nhiều vị trí.
Trên
dãy đồi phía đông, trung đoàn 98 Đại đoàn 316 diệt gọn C1, thừa thắng,
đẩy mạnh vây lấn và chuẩn bị tiêu diệt C2. Trên bờ phía đông sông Nậm
Rốm, trung đoàn 209 Đại đoàn 312 tiến công các cứ điểm 505 và 505A. Đến 4
giờ sáng ngày 2 tháng 5, trung đoàn hoàn toàn làm chủ hai cứ điểm này. Ở
phía tây, trung đoàn 88 cũng diệt gọn cứ điểm 311A trong vòng 30 phút. Ở
phân khu Hồng Cúm, trung đoàn 57 tăng cường vây ép, tiến công diệt
nhiều sinh lực địch. Cũng ngày 2 tháng 5, trung đoàn 36 tiến công tiêu
diệt gọn tiếp cứ điểm 311B.
Thấy nguy cơ Điện Biên Phủ bị tiêu
diệt, ngày 3 tháng 5, Cô-nhi - Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, cho phép Đờ
Cát rút chạy về Thượng Lào.
Nhưng kế hoạch rút chạy chưa kịp triển khai thì ngày 6 tháng 5, quân ta lại tiếp tục tiến công.
Ở
hướng đông nam, trung đoàn 174 sau thời gian đánh lấn để phối hợp, đúng
17 giờ ngày 6 tháng 5, cho nổ khối bộc phá gần 1.000 kg đặt dưới đường
hầm đào sâu vào cứ điểm địch, đồng thời bộ đội từ ba hướng đồng loạt
xung phong. Trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt, đến 4 giờ 30 phút ngày 7
tháng 5, ta làm chủ hoàn toàn A1.
Cùng thời gian này, trung
đoàn 98 tiến công C2, trung đoàn 165 tiến công cứ điểm 506. Ở phía tây,
trung đoàn 102 tiến công cứ điểm 310.
Đến 9 giờ ngày 7 tháng 5, các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và sẵn sàng chuyển sang tổng công kích.
Khoảng
từ 10 giờ ngày 7 tháng 5, trong khi các đại đoàn đang xúc tiến việc
chuẩn bị bảo đảm cho tổng công kích thì cơ quan quân báo phát hiện địch
có dấu hiệu rối loạn và có khả năng đầu hàng. Hồi 15 giờ ngày 7 tháng 5,
Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích trước giờ quy định: “Phải
đánh thẳng vào sở chỉ huy, phải đánh mạnh, bao vây chặt không cho Đờ Cát
hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát”.
Chấp hành mệnh lệnh, từ
hướng đông trung đoàn 209 tiến thẳng vào Mường Thanh. Tiếp sau là các
trung đoàn 98 và 174. Bên phía tây, trung đoàn 36 tiến thẳng vào cứ điểm
cuối cùng che chở cho sở chỉ huy của Đờ Cát. Trung đoàn 88 cũng mở
đường qua sân bay tiến vào sào huyệt cuối cùng của địch. Bộ đội ta tiến
tới đâu quân địch đầu hàng tới đó. 17 giờ 15, một cánh quân của Đại đoàn
312 tiến sát sở chỉ huy địch, tại cửa hầm của Đờ Cát xuất hiện cờ trắng
xin hàng. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng hai chiến sĩ Vinh và Nhỏ
tiến vào hầm bắt sống tướng Đờ Cát cùng toàn bộ bộ tham mưu của tập đoàn
cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ 30 phút ngày 7 tháng 5 năm 1954, Chiến
dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Trên hướng Hồng Cúm, lúc này địch
vẫn chống cự. Đêm 7 tháng 5, lợi dụng đêm tối địch ở đây rút chạy về
hướng Thượng Lào. Bộ chỉ huy chiến dịch đã lệnh cho Đại đoàn 304 phải
tích cực truy lùng đồng thời lệnh cho trung đoàn 102 đi gấp sang Tây
Trang chặn đường rút của địch. Hồi 22 giờ ngày 7 tháng 5, Đại đoàn 304
đã bao vây và bắt gọn toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm thoát ra.
Sau
55 ngày đêm chiến đấu liên tục, các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã
tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tổng số quân địch bị
diệt và bị bắt sống là 16.200 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù,
ba tiểu đoàn pháo binh, 10 đại đội ngụy vừa bổ sung và các đơn vị công
binh, vận tải, xe tăng... Tổng số sĩ quan và hạ sĩ quan bị diệt và bị
bắt là 1.706 tên, gồm một thiếu tướng, 16 đại tá và trung tá, 353 sĩ
quan từ thiếu úy đến thiếu tá. Số máy bay bị bắn rơi tại mặt trận là 57
chiếc. Ta đã thu toàn bộ vũ khí kho tàng của địch ở Điện Biên Phủ, trong
đó có 28 khẩu pháo lớn, 64 xe, 5.915 súng các loại, 20.000 lít xăng dầu
cùng rất nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng khác.
Chiến dịch
Điện Biên Phủ đã loại khỏi vòng chiến đấu một số lượng lớn sinh lực và
phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng vùng đất đai có ý nghĩa
chiến lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn quyết định vào ý chí
xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều
kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao của ta đi tới kết thúc thắng
lợi. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành niềm tự hào của dân tộc của
nhân dân ta và phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân thế giới lúc
bấy giờ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là đòn quyết chiến
chiến lược, là chiến dịch tiến công trận địa có quy mô lớn nhất của ta
trong kháng chiến chống Pháp. Lần đầu tiên ta tập trung một lực lượng
lớn chủ lực tiêu diệt chủ lực địch phòng ngự trong một tập đoàn cứ điểm
mạnh nhất lúc bấy giờ.
Nghệ thuật chiến dịch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được biểu hiện cụ thể trong các nội dung sau:
Sớm
hình thành thế bao vây, xây dựng trận địa tiến công và bao vây, ngày
càng siết chặt từng cụm cứ điểm và tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế liên
hoàn của chúng. Quá trình chuẩn bị chiến dịch theo phương châm “đánh
nhanh, giải quyết nhanh” lúc đầu, là quá trình quân ta hình thành thế
bao vây quân địch. Đại đoàn 308 ở phía bắc và tây bắc; Đại đoàn 312 ở
phía đông bắc; hai trung đoàn của Đại đoàn 316 ở phía đông; trung đoàn
57 ở phía nam. Đặc biệt là từ hạ tuần tháng 1, khi ta đổi sang phương
châm “đánh chắc, tiến chắc”, cho đến ngày quân ta giành toàn thắng, hệ
thống chiến hào hàng trăm ki-lô-mét ngày càng ken dày và siết chặt từng
phân khu, từng cụm cứ điểm. Bằng hệ thống trận địa tiến công và bao vây,
quân ta đã “trói chặt”, chia cắt thế liên hoàn của địch để lần lượt
tiêu diệt từng bộ phận và đập tan mọi kế hoạch tháo chạy của chúng.
Tập
trung ưu thế binh lực, hoả lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận
sinh lực địch, từng bước uy hiếp tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu
nhất của địch giành thắng lợi quyết định.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm trải trên một diện tích khoảng 40km 2.
Trên các điểm cao từ tây bắc sang đông bắc và đông hình thành những cụm
cứ điểm ngoại vi bảo vệ cho phân khu trung tâm. Khu vực giao chiến
rộng, so sánh trang bị kỹ thuật chênh lệch, kinh nghiệm đánh công kiên
của ta còn hạn chế, không cho phép ta tổ chức nhiều hướng tiến công đồng
thời vào phân khu trung tâm của địch. Ta đã chọn cách “đánh chắc, tiến
chắc”, tập trung ưu thế binh hoả lực 1
đánh từng trận hay một số trận gối đầu liên tiếp, diệt từng cứ điểm,
cụm cứ điểm ngoại vi, trước hết là trên các điểm cao khống chế phía bắc
rồi phía đông, “bóc vỏ” từ ngoài vào, mở đường tiến xuống cánh đồng
Mường Thanh, tiếp cận và từng bước uy hiếp tiến tới tiêu diệt phân khu
trung tâm, trọng điểm là sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm.
Chọn cách đánh hiểm, phát huy uy lực mọi thứ vũ khí của ta, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch.
Sau
thắng lợi bước đầu của ta ở đợt 2, địch vẫn còn trên một vạn quân chiếm
giữ trên các điểm cao khống chế và hỏa lực phi pháo còn rất mạnh. Trước
tình hình đó, ta chủ trương dùng lực lượng nhỏ, hoạt động rộng rãi dưới
các hình thức đánh lấn, phá hủy từng ụ đề kháng, tiêu diệt thêm một số
vị trí địch; bắn tỉa tiêu hao địch rộng rãi làm cho binh lính địch luôn ở
trong trạng thái căng thẳng; đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây,
thu hẹp không phận, khống chế máy bay, đoạt dù tiếp tế, hạn chế tiến tới
triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện của địch.
Trên thực tế, từ
trung tuần tháng 4, quân ta đã từng bước làm thay đổi cục diện chiến
trường. Sân bay địch đã bị chiến hào ta cắt đôi, hai vị trí sát sân bay
là 105 và 206 bị các đơn vị của ta vây lấn rồi tiêu diệt. Máy bay địch
không thể lên xuống hoặc thả dù tiếp tế xuống khu vực sân bay. Hai trận
địa pháo địch ở 307A và 307B bị lựu pháo của ta loại khỏi vòng chiến
đấu. Các tổ bắn tỉa được tổ chức rộng khắp và hoạt động thường xuyên đã
gây nên nỗi kinh hoàng đối với binh lính địch. Pháo cao xạ của ta tiến
sâu xuống cánh đồng Mường Thanh, khống chế không phận, trong khi hoả lực
pháo cối thu hẹp phạm vi thả dù, buộc máy bay địch phải thả dù ở độ cao
lớn. Gần một nửa số dù của địch rơi sang phía trận địa ta hoặc rơi vào
khoảng trống giữa ta và địch. Đến cuối tháng 4, quân số của địch ở Điện
Biên Phủ tuy còn khoảng một vạn, nhưng chỉ có 42 phần trăm quân số đủ
sức chiến đấu, tinh thần binh lính suy sụp, nguồn tiếp tế bị bóp nghẹt,
vũ khí trang bị thiếu thốn nghiêm trọng.
Chọn cách đánh thích
hợp, ta đã làm cho địch quân còn đông mà hoá ít, trang bị còn nhiều mà
hoá yếu, tinh thần, vật chất và thế trận hoàn toàn rơi vào thế bất lợi.
Chính bằng cách đánh hiểm và sáng tạo, đến cuối tháng 4, mặc dù quân ta
chưa hoàn toàn làm chủ các dãy điểm cao phía đông, nhưng đã uy hiếp mạnh
phân khu trung tâm và chuẩn bị đầy đủ điều kiện chắc thắng để chuyển
sang đợt tiến công cuối cùng.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thực sự
là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ
thuật chiến dịch Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Hết
_______________________________________
1. Trong
đợt 1, ta đã tập trung ưu thế binh hoả lực tiêu diệt ba cứ điểm ngoại
vi phía bắc. Tỷ lệ binh lực trong trận Him Lam: địch 1/ta 3; trận đồi
Độc Lập: địch 1/ta 4,5; trận Bản Kéo (theo kế hoạch) địch 1/ta 3. Trong
trận then chốt mở đầu chiến dịch (Him Lam), so sánh pháo cối trực tiếp
chi viện đánh vào mục tiêu, ta hơn địch gấp 10 lần. Nếu tính cả nhiệm vụ
chế áp các mục tiêu khác ta cũng hơn địch 2,6 lần.
|
|
|
|
_____________________________________
1. Chiến
dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất trong kháng chiến chống Pháp.
Lực lượng huy động cho chiến dịch lên tới 53.830 người, cộng với 33.000
thanh niên xung phong và dân công thường xuyên phục vụ. Hậu cần chiến
dịch đã đảm bảo cho bộ đội 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu. 14.950 tấn
gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 565 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất
khác; đã cứu chữa 10.130 thương binh, 4.429 bệnh binh. Để có lượng lương
thực, thực phẩm trên cung cấp cho chiến dịch, Hội đồng cung cấp Mặt
trận đã huy động 25.056 tấn gạo và 1.824 tấn thực phẩm. Về nhân lực đã
huy động 261.453 lượt người, phục vụ gần 12 triệu ngày công, 20.991 xe
đạp thồ, 736 xe thô sơ khác... 2. Ba
tuyến hậu cần chiến dịch là: Tuyến Sơn La - Tuần Giáo gồm các lực lượng
vận tải, kho tàng, đội điều trị 6 (sau chuyển thành bệnh viện Mặt trận
Sơn La); tuyến Tuần Giáo - Km 62 đường vào Điện Biên Phủ cũng gồm các
lực lượng vận tải, kho tàng, đội điều trị 7 (sau chuyển thành bệnh viện
Mặt trận); tuyến Hậu cần hỏa tuyến ngoài lực lượng vận tải, kho tàng còn
hai đội điều trị 1 và 4.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét