Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 30

 (ĐC sưu tầm trên NET)

Chuyện chưa kể về cuộc tử chiến với quân Trung Quốc ở 'Lò vôi thế kỷ' Hà Giang

(VTC News) - Nếu hồi đấy lính hai bên chỉ cần ban ngày ló mặt ra ngoài vài giây là đã trở thành… liệt sĩ.

Kỳ 1: Sự trở về của những cựu binh sau cuộc chiến tàn khốc
Cuộc chiến chống lại quân bành trướng Trung Quốc ở các tỉnh biên giới phía bắc, trong suy nghĩ của nhiều người, nó đã kết thúc từ năm 1979, sau khi Trung Quốc tuyên bố hoàn thành mục tiêu chiến tranh và rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, cuối năm 1983, đầu 1984, quân Trung Quốc sau một thời gian củng cố lực lượng, đã lại tràn sang địa phận tỉnh Hà Giang, khốc liệt nhất diễn ra ở địa phận biên giới huyện Vị Xuyên. Ở đó, bộ đội ta, đa số là lính trẻ, đã anh dũng chiến đấu ở trận tuyến khốc liệt sinh tử đến mức được nhiều người gọi là 'lò vôi thế kỷ'. Quân Trung Quốc phải chùn bước trước tinh thần chiến đấu quyết tử bảo vệ tổ quốc của các chiến sĩ.
Cho đến năm 1989, Trung Quốc chính thức rút quân ra khỏi các cao điểm tranh chấp ở biên giới Hà Giang.
32 năm, cuộc chiến phần nào bị lãng quên, còn có nhiều người chưa biết đến. Phóng viên VTC News đã gặp gỡ những nhân chứng lịch sử của cuộc chiến, ghi lại ký ức cả đời không bao giờ quên của họ. Đây là những tư liệu lần đầu được công bố rộng rãi.
Buổi sáng nắng hè oi ả cuối tháng 5, mấy cựu binh bày hoa quả, đồ ăn, thuốc lá… trên đài hương ở điểm cao 468. Những gương mặt già nua còn sống sót trở về trong cuộc tử chiến 30 năm trước. Người lính già ôm mặt bật khóc nức nở: “Đồng đội ơi, mọi người đâu hết cả rồi?”.
Phần lớn những người đã ngã xuống là lính trẻ, có người tuổi chưa quá 20, có người mới chỉ tham gia trận đánh đầu đời đã không trở về, có người chết trong bệnh xá tiền tuyến, có những người đã nằm lại rải rác trên các mỏm đồi, chóp núi, hay dưới khe sâu trước lúc bình minh lên…


IMG_5614

 Đài hương trên điểm cao 468, nhìn từ Lò vôi thế kỷ


Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc Vị Xuyên, Hà Giang đã trôi qua hơn 30 năm, nhưng với không ít người, nó vẫn còn đó, nguyên vẹn, day dứt, ám ảnh như vừa mới ngày nào. Một ngày cuối tháng 5/2016, những thương binh tóc hoa râm đã lên quyết tâm tìm về chiến trường xưa – cao điểm 685 (Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang), nơi từng được mệnh danh là Lò vôi thế kỷ.
Cả một ngọn núi sừng sững trở nên trắng xóa, đất đá bị nung nóng cả ngàn độ, có phiến đá mới động nhẹ vào đã vỡ ra như cám. Gọi nó là Lò vôi thế kỷ cũng không có gì là quá đáng.
Nó mang cái tên đó cũng bởi, hồi ấy chiến tranh ác liệt quá, cao điểm này hứng chịu hàng chục ngàn tấn đạn pháo. Đạn pháo khiến cao điểm bị hạ thấp độ cao, cây cối chỉ trong mấy ngày đã bị gọt trụi. Cả một ngọn núi sừng sững trở nên trắng xóa, đất đá bị nung nóng cả ngàn độ, có phiến đá mới động nhẹ vào đã vỡ ra như cám. Gọi nó là Lò vôi thế kỷ cũng không có gì là quá đáng.
Đồng đội của họ, đã cùng nằm lại miền đá tai mèo Hà Giang trong những trận quyết chiến với quân bành trướng Trung Quốc trên các cao điểm, vì nhiều lý do, mà nhất là việc trên ấy còn đầy rẫy bom mìn gài lại, địa hình quá cheo leo hiểm trở, nên vẫn hiu quạnh, chưa một người thăm viếng, chưa một nén nhang của người còn sống.
Chiếc xe Ford Everest khởi hành từ Hà Nội lúc trời còn tranh tối tranh sáng, xuyên Quốc lộ 2 thẳng lên Hà Giang. Trên xe có 3 người lính cũ của Trung đoàn 876, Sư đoàn 356: lính thông tin Phạm Xuân Thanh, lính cối Phạm Ngọc Quyền, lính công binh Lê Hồng Mai, và vô số đồ lễ đã chuẩn bị sẵn, cùng những người khác đang chờ họ trên Vị Xuyên. Đêm trước chẳng ai ngủ được, người nào cũng bồn chồn, nôn nóng được trở lại chiến trường cũ, được gặp lại đồng đội, cho dù giờ họ đã là người của hai thế giới khác nhau.


IMG_5543

 Các cựu binh trên điểm cao 685 - Lò vôi thế kỷ. 32 năm, họ mới được quay trở lại chiến trường xưa


Chuyến đi này xuất phát từ một lần PV VTC News chứng kiến cuộc gặp gỡ của những cựu binh sư đoàn 356, đơn vị chủ lực trong cuộc chiến ở điểm cao 772 và ở Lò vôi thế kỷ - điểm cao 685, 30 năm trước. Họ ôm chầm lấy nhau bật khóc nức nở.
Bên cạnh những kỷ niệm chiến trường, họ hỏi nhau về những người đồng đội của mình, ngã xuống như thế nào, đã được quy tập về chưa? Họ mong ước một lần được tìm về chiến địa cũ, nếu không kiếp này chắc họ không bao giờ được thanh thản.

Tử chiến ở 'Lò vôi thế kỷ': Dấu tích tàn khốc, đạn pháo la liệt trên núi

(VTC News) - Trên đỉnh một ngọn núi nhỏ, suốt mấy tháng trời, cả ngàn quân hai bên giành giật nhau từng mét đất, đấu pháo, đấu súng, thi gan đủ các kiểu.

Kỳ 2: Dấu tích tàn khốc  
Theo lời kể của cựu binh Đặng Việt Châu, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), khốc liệt nhất vẫn là các trận đánh ở các cao điểm 772 và 685. Tuy không phải cao nhất trong một loạt các đỉnh nằm trên dãy núi chạy dọc biên giới, nhưng đó là 2 đỉnh núi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có thể khống chế cả một vùng rộng lớn của tỉnh Hà Tuyên cũ. Chính vì vậy,  cuộc chiến ở đó diễn ra cực kỳ khốc liệt, ta và địch giằng co nhau từng mét đất.
Kể về những khó khăn, gian khổ, hy sinh của những người lính ở mặt trận Vị Xuyên, cựu binh Đặng Việt Châu nghẹn lời và phải lau nước mắt khi nhắc lại kỷ niệm về các đồng đội và những địa danh một thời khói lửa ấy.
Trận đánh ngày 12/7/1984 tại 772, tuy chúng ta chưa giành được thắng lợi với những mục tiêu đã đặt ra vì nhiều lý do khác nhau, nhưng đã cho lính Trung Quốc biết thế nào là tinh thần chiến đấu gan dạ, ý chí kiên cường bảo vệ từng tất đất Tổ quốc của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.


IMG_5683

Cựu binh Đặng Việt Châu 


Cuộc chiến trên 685 diễn ra ác liệt nhất là từ tháng cuối năm 1984 cho đến tháng 3/1985, chúng ta đã giành được những thắng lợi, mở ra cơ hội mới và giành thế chủ động trên toàn chiến trường.
Lúc đó, quân Trung Quốc đã có 1 tiểu đoàn đóng trên E1, mỏm cao nhất của cao điểm 685. Tháng 10/1984, ta bắt đầu tiến hành vây đánh lấn dũi, đào công sự, kết hợp tổ chức các đợt tiến công, vừa đánh vữa giữ để giành lại các vị trí đã bị Trung Quốc lấn chiếm. Trung đoàn 153 của Sư đoàn 356 được giao nhiệm vụ tiến công.


IMG_5701

 Sơ đồ điểm cao 685 trong ký ức của cựu binh Đặng Việt Châu


Ngày 23/10, ta và địch chọi súng đầu tiên ở mỏm E4. Các trinh sát của Trung đoàn 153 đi thực địa chiến trường đã phát hiện một tốp lính Trung Quốc trên E1 tràn xuống, liền nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng. Quá bất ngờ, quân Trung Quốc nhanh chóng vứt bỏ súng ống tháo chạy. Liền sau đó, ta đưa vào một trung đội do Trung đội trưởng Nguyễn Tứ Hải chỉ huy, tiến hành đào hầm, xây công sự, án ngữ ở đấy.
Các mỏm E2, E5 cũng lần lượt có người của ta lên chốt giữ. Trung đoàn 153 lên kế hoạch, chuẩn bị trận địa, quyết tâm lấy bằng được mỏm E1, đẩy địch ra khỏi cao điểm 685. Tuy nhiên, quân Trung Quốc nhanh chóng phát hiện ra kế hoạch của ta, tổ chức hàng loạt đợt tấn công để lấn chiếm lại.
Trên đỉnh một ngọn núi nhỏ, suốt mấy tháng trời, cả ngàn quân hai bên giành giật nhau từng mét đất, đấu pháo, đấu súng, thi gan đủ các kiểu. Có những lúc ta và địch cách nhau chỉ vài mét. Các công sự, bãi mìn, các ụ bắn tỉa san sát, đan xen lẫn nhau, và binh lính hai bên nếu ló mặt ra ngoài, vài giây đã thành…liệt sĩ.


DSC_1581
DSC_1593

Dấu tích tàn khốc của cuộc chiến năm xưa 


Trở lại với chuyến đi thăm lại chiến trường xưa sau 32 năm của các cựu binh Sư đoàn 356. Từ hang Làng Lò, cựu binh Phạm Xuân Thanh quyết định dẫn đoàn đi theo đường dây liên lạc hữu tuyến của ta hồi trước, men sườn đông của hang, vượt qua bãi Cửa Tử (trước quân Trung Quốc suốt ngày nã pháo vào địa điểm này để cắt đường tiếp tế lên cao điểm 685, nên nhiều người vẫn gọi là bãi Cửa Tử), sang sườn tây của 685 và men theo các lèn đá leo lên phía trên.
Ông Thanh bảo, đó gần như là con đường chủ đạo để chuyển người, vận chuyển lương thực, súng đạn tiếp tế cho các trận đánh trên 'Lò vôi thế kỷ', thời gian khốc liệt nhất từ cuối năm 1984 cho đến tháng 3 năm 1985. Lẽ ra còn có 2 con đường khác để lên 685, một đường từ đỉnh 772 đi vòng qua, nhưng địch đã khống chế, một đường từ cao điểm 468 đi lên, nhưng con đường này một phần bị pháo bắn đêm ngày, nằm trong tầm khống chế của các ụ súng bắn tỉa, lại phải leo những con dốc dựng đứng, nên ít khi sử dụng đến.


DSC_1568

Một quả đạn M72 còn găm nguyên trên vách đá 


32 năm, dù màu xanh đã phủ kín trên 'Lò vôi thế kỷ', nhưng chúng tôi vẫn nhìn thấy những phiến đá bạc phếch, những vết lồi lõm, nứt nẻ, vết tích chiến tranh vẫn còn hiện hữu.
Vuốt mồ hôi chảy nhễ nhại trên khuôn mặt, cựu binh Phạm Xuân Thanh chỉ vào một hang sâu hun hút, nằm gọn dưới vách đá, thấp thoáng giữa những tán cây. Dưới ánh đèn pin, cảnh vật trong hang dần hiện ra, phía dưới là đất mủn, vẫn còn những chiếc võng, mảnh ni lông, những vật dụng tùy thân của các chiến sĩ, cùng một số que hương cháy dở còn găm trên những vách đá. Hang này là nơi tập trung những chiến sĩ đã bị thương hoặc đã hi sinh trên cao điểm 685, chờ ngày chuyển về tuyến sau.
Cựu binh Phạm Ngọc Quyền chắp tay trước ngực gọi lớn: “Các anh em còn ở đây, xin hãy lên tiếng để chúng tôi đưa về, Hà Giang đã ngừng bắn từ lâu rồi các anh em ạ!”. Gọi mãi, chỉ là tiếng dội vào vách đá. Không gian yên tĩnh đến lặng người, ông Quyền khóc lớn: “Đồng đội tôi đã hòa vào đất đá, hòa quyện với núi non, không bao giờ trở về nữa…”.


IMG_5565
DSC_1531

Bên trong hang, nơi từng tập trung những chiến sĩ bị thương hoặc đã hy sinh 


Dọc đường lên đỉnh 'Lò vôi thế kỷ', mọi lối đi, mọi ngóc ngách không thiếu nhưng quả cối, đạn pháo nằm la liệt dưới chân, hay gắn chặt trên những vách đá, còn nguyên cả linh kiện, ngòi nổ, “trơ gan cùng tuế nguyệt” suốt 32 năm. Những người lính công binh đi cùng đã phải rất vất vả để mở đường cho chúng tôi tiến lên. Dẫu biết rằng cực kỳ nguy hiểm, nhưng các cựu binh Sư đoàn 356 vẫn quyết tâm bằng mọi giá phải đến được những chiến địa cũ của mình. Phải như vậy, họ mới có thể thanh thản.
Cựu binh Phạm Xuân Thanh cho biết, đó là còn chưa kể đến hàng ngàn quả mìn được chôn dưới lòng đất, hay trước những công sự, chiến hào.
Theo ông Thanh, quân Trung Quốc quyết tìm mọi cách triệt tiêu đường thông tin liên lạc và vận chuyển lương thực của ta lên 685. Suốt một dải từ hang Làng Lò lên 'Lò vôi thế kỷ', địch giã pháo suốt đêm ngày, không biết bao nhiêu chiến sĩ vận tải đã ngã xuống để có thể tiếp tế được những nắm cơm, những chai nước ít ỏi lên tuyến đầu.
Ở các trận địa trên 685, dù chênh lệch về lực lượng, lại phải chịu cảnh đói cơm, thiếu đạn, có khi cả tuần không có nổi một miếng cơm vào bụng, nhưng các chiến sĩ vẫn kiên gan bám trụ, quyết giữ trận địa, không để quân Trung Quốc lấn chiếm thêm dù chỉ một mét đất.
Còn tiếp…
Hải Minh – Lê Hồng

Tử chiến ở 'Lò vôi thế kỷ' Hà Giang: Xúc động lời thề sống bám đá, chết hóa đá

(VTC News) - Bị thương nặng, đồng đội bảo Nguyễn Viết Ninh lên cáng về tuyến sau nhưng anh vẫn ôm chặt lấy khẩu AK, quyết “bám đá” đúng như lời thề trên báng súng.

Kỳ 3: Những tấm gương bất tử
Đứng giữa căn hầm mà 32 năm trước mình cùng đồng đội chốt giữ trên cao điểm 685 (Vị Xuyên, Hà Giang) chống lại cuộc xâm lược của quân Trung Quốc, cựu binh Phạm Xuân Thanh ngậm ngùi: “Hồi ấy, khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng tất cả không là gì. Đối với người lính, chỉ có 2 điều tâm nguyện: Tổ quốc và chiến thắng”.
Theo ông Thanh, điều khiến quân Trung Quốc khiếp sợ nhất chính là sự kiên cường, sức chịu đựng, và tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam.
Những ngày cuối năm 1984, ông Thanh được giao nhiệm vụ phục vụ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, lúc đó đang chốt giữ trên các mỏm E2, E5 của “Lò vôi thế kỷ” 685.  Đây là 2 mỏm gần với vị trí Trung Quốc đóng quân nhất, tiếp giáp với đỉnh 772. Thời điểm ông lên, quân địch bắt đầu tràn sang lấn chiếm, ông cũng cầm súng tham gia chiến đấu.


DSC_1588

 Cựu binh Phạm Xuân Thanh bên căn hầm năm xưa mình chốt giữ


“Ngày 14/1/1985, hỏa lực của chúng bắn cấp tập lên 685 và các sườn xung quanh hòng cắt đứt đường vận tải, ngơ ngẩn điếc hết cả tai. Đến 15h cùng ngày thì chúng từ mỏm E1 tràn sang. Tiểu đoàn trưởng Hồ Xuân Tuân (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vừa mới ở hầm đi lên thì bị bộ binh địch ném nguyên 1 quả lựu đạn chày vào mặt. Lựu đạn nổ nhưng không hiểu sao anh Tuân may mắn thoát chết, chỉ bị 1 mảnh găm vào mắt, 1 mảnh xuyên má lên gần thái dương, ngất xỉu.
Tỉnh dậy, anh Tuân kiên quyết không lùi ra tuyến sau mà vẫn tiếp tục chỉ đạo đồng đội đánh trả. Bên phía mỏm E2, anh Hậu đại đội trưởng cũng bị trúng một mảnh vào bánh chè, sau khi băng bó lại tiếp tục chỉ huy đơn vị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cao điểm”, cựu binh Phạm Xuân Thanh chia sẻ.


ÁDGRFTYHJ

 Gùi nước lên trận địa (Ảnh tư liệu)


Ông Thanh kể, suốt mấy ngày chiến đấu ròng rã, tuyến vận tải bị gián đoạn, đồng nghĩa với việc các chiến sĩ chốt giữ phải nhịn đói, nhịn khát. Ở chiến địa, súng nổ liên thanh, bụi bay mù mịt, không ai nói ra lời, chỉ nhìn mồm mà đoán ý đồ của nhau hoặc bằng cử chỉ. Đường dây hữu tuyến cũng bị đạn pháo cắt đứt,  hoàn toàn mất liên lạc với Sở chỉ huy. Không ai biết tình hình chiến sự diễn ra như thế nào, chẳng có chi viện, nhưng các chiến sĩ vẫn nhất quyết không bỏ vị trí, tử thủ cho đến người cuối cùng trước sự tấn công của quân Trung Quốc.
Trong lần đi thực tế chiến trường xưa cùng các cựu binh mặt trận Vị Xuyên, tôi được gặp cựu binh Đặng Việt Châu (một sĩ quan cao cấp của Trung đoàn 876, Sư đoàn 356). Ông Châu năm nào cũng lặn lội tìm lên Thanh Thủy, để được sống lại với những ký ức hào hùng năm xưa. Gặp chúng tôi, ông vui vẻ ngồi tiếp chuyện, thỉnh thoảng lại rơm rớm nước mắt khi kể về những người đồng đội năm xưa của mình.
Ông kể, hồi ấy, tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ trẻ cao ngút trời, đó cũng là điều khiến ông tự hào nhất. Có đợt, một đơn vị chuẩn bị vào chiến đấu, lúc ông đến thăm và động viên anh em, thì bỗng thấy có nhiều binh lính đã cạo trọc đầu, cởi trần, lau chùi súng ống sáng quắc, khí thế ngùn ngụt, chỉ chờ xung trận. Chưa kịp có ý kiến, thì người đội trưởng đã vui vẻ: “Báo cáo, bọn em đã sẵn sàng, chỉ có nhất xanh cỏ, nhì đỏ lòng. Thủ trưởng cứ báo lên trên chuẩn bị huân chương cho anh em nhé, không thắng không về… ”.


IMG_5687

 Cựu binh Đặng Việt Châu xúc động khi kể lại chuyện đồng đội


Một dịp khác, ông Châu lên thăm chiến địa, tiện thể báo với một người bạn tên Cường đang trấn giữ ở chốt, rằng cấp trên đã có lệnh điều động anh ấy về. Tuy nhiên, anh Cường đã thẳng thắn trả lời: "Báo cáo, cơ hội lập công đã đến sao lại về? Tôi từ chối…". Nghe đâu, chỉ vài ngày sau, người chiến sĩ ấy đã hi sinh anh dũng bên một lèn đá.
Video về chiến tranh biên giới 1979
Ông Châu và các cựu binh Vị Xuyên không bao giờ quên được tấm gương y tá Lê Trần Mãn. Anh Mãn được tăng cường lên chiến đấu ở Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 153. Những ngày đầu năm 1985, Trung Quốc phát hiện ra ý định đánh lấn dũi của ta lên “Lò vôi thế kỷ”, tức khắc tổ chức đánh lại. Ở trận đánh trên mỏm E4, lính Tàu cậy đông, bố trí bắn yểm trợ, rồi tức khắc kéo người lên cắm cờ. Y tá Mãn đã bỏ vị trí, bất chấp các ổ bắn tỉa đang phục sẵn, chạy lên giằng lấy lá cờ Trung Quốc, tháo ra bỏ vào túi áo. Một loạt đạn bắn ra, anh Mãn gục xuống bên cán cờ trần trụi. Hình ảnh ấy đã trở thành niềm tự hào dân tộc trong tiềm thức của các chiến sĩ.


IMG_5581

 Cựu binh Lê Hồng Mai bên một căn hầm trú ẩn của chiến sĩ trên điểm cao 685


Câu chuyện về sự hi sinh của người chiến sĩ Nguyễn Viết Ninh (Phú Thọ) trên điểm cao 685 cũng luôn được các đồng đội nhắc đến, không chỉ vì lòng dũng cảm mà còn có lời thề khắc trên báng súng của anh. Lời thề đó đã trở thành kim chỉ nam cho các chiến sĩ trên mặt trận Vị Xuyên.
Một ngày giáp tết âm lịch 1985, lúc cánh lính trẻ trên chốt 685 ngồi kể cho nhau nghe về gia đình, về những lần đón tết, thì trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh cứ hì hụi khắc chữ lên báng súng, rồi bôi trắng dòng chữ "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử". Người chiến sĩ vỗ lên báng súng, tuyên bố với đồng đội: “Quân Trung Quốc dù đông, nhưng đất của ta, ta quyết tâm giữ”.
Liền ngay hôm sau, quân Trung Quốc tấn công dồn dập, pháo bắn như vãi đạn và bộ binh hò hét xung phong. Nguyễn Viết Ninh dù đã bị thương nhưng vẫn tiếp tục chỉ huy trung đội đánh địch, bẻ gãy hàng chục đợt phản kích của bộ binh Trung Quốc.
Trưa hôm sau, anh tiếp tục bị đạn bắn vào chân, thương nặng. Đại đội trưởng Thái Khắc Ba bảo Ninh lên cáng về tuyến sau nhưng anh vẫn ôm chặt lấy khẩu AK, quyết “bám đá” đúng như lời thề trên báng súng. Đến chiều 29 tết âm lịch, Nguyễn Viết Ninh bị thêm một vết thương vào đầu và hi sinh.
Khi đồng đội mang thi thể anh về, anh chết trong tư thế vẫn ôm chặt khẩu súng AK trước ngực, khẩu súng với lời thề khắc ghi: "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử". Thi thể chiến sĩ Nguyễn Viết Ninh được chuyển về tuyến sau và sau này đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang). Đến cuối năm 2014, theo nguyện vọng của gia đình, hài cốt của anh được đưa về an táng tại Phú Thọ, cạnh mộ phần của bố mẹ, giữa miền quê trung du bát ngát chè xanh ở quê nhà.
Còn tiếp…
Hải Minh – Lê Hồng

Tử chiến ở 'Lò vôi thế kỷ': Đấu súng, nã pháo giáp lá cà diệt lính Trung Quốc

(VTC News) - Lực lượng pháo binh đã đẩy lùi 2 đợt tấn công tổng lực của quân xâm lược Trung Quốc, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, giữ vững các trận địa.

Kỳ 6: Ký ức bi hùng
Nhắc lại thời điểm 27/12/1984 (âm lịch, giáp tết), trên đỉnh “Lò vôi thế kỷ” Hà Giang, bộ đội ta đồng loạt phản công, cựu binh Phạm Ngọc Quyền (Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356) xúc động kể lại:
“Đó là lần thứ 2 tôi rơi vào tình thế sinh tử, nhưng may mắn vẫn còn sống sót, để giờ đây kể lại mọi chuyện với các bạn. Lúc đấy, nhóm chiến đấu của tôi nhanh chóng tản ra, liều chết bám vào đường hào, tấn công ngược lên phía trước mỏm E2. Tôi phán đoán kiểu gì quân Trung Quốc sẽ còn ẩn nấp phía trước, cả nhóm liền bố trí chiến sĩ Bản nằm phục lại và kê súng, chỉ chờ chúng ló mặt ra là bắn, Danh và Kết luồn xuống dưới đánh thốc lên, còn tôi bò lên phía trên quan sát và chặn đường địch từ mỏm E3 rút sang .
Mới bò được một đoạn thì nghe thấy liên tiếp nhiều tiếng nổ đinh tai nhức óc ngay phía sau mình. Quay lại thì thấy Bản đã bị dính đạn, nằm thở dốc bên vách đá. Ở phía dưới, Danh cũng bị thương nhiều chỗ, trong đó có vết thương ngay sát cổ khá nặng, máu chảy đầm đìa thấm ướt hết cả áo. Tôi giật lấy cuốn băng từ tay anh Kết rồi quấn quanh vết thương nơi cổ Danh, nhưng không kịp nữa rồi, Danh đã tắt thở, không nói được câu nào, ánh mắt vẫn trừng trừng”.
Ngay lúc đó, lại một loạt đạn bắn tới tấp vào chỗ cả nhóm đang ẩn nấp, mọi người chỉ biết chúi vào khe đá tránh đạn mà không ngóc đầu lên quan sát nổi. Chỉ được một lúc, đạn ngừng, ông Quyền ngẩng đầu lên quan sát thì thấy ở gần đó, một nhóm chiến sĩ mới tiến lên đang bắn xối xả vào mấy ụ bắn tỉa.


IMG_0480

 Cựu binh Phạm Ngọc Quyền trên một vị trí mà mình đã chiến đấu trong cuộc chiến 32 năm trước


Sau khi hội ý, tất cả cùng dội B40 vào trận địa của địch phía trước E2. Bản thân ông Phạm Ngọc Quyền cùng một chiến sĩ nữa tên là Cảnh vác súng lao sang bám sát vào vách đá núi. Một lúc sau, 2 người nhanh chóng phát hiện một cửa hầm bắn tỉa được ngụy trang rất kỹ, không bị ảnh hưởng bởi hỏa lực bắn thằng của ta. Ông Quyền một tay cầm khẩu AK, tay còn lại cầm gói bộc phá lớn, len lỏi gần sát cửa hang, giật kíp rồi ném thẳng. Chỉ nghe một tiếng nổ ùm, rồi một cột khói bốc lên màu vàng chóe.
“Tôi xách khẩu AK nhảy vào giữa đám khói, ai ngờ lòng hang cũng khá sâu và thẳng đứng làm tôi ngã bổ chửng. Cái thang dây của địch cũng bị bộc phá làm đứt, xung quanh chả có gì ngoài 7 cái xác cháy đen thui nằm vương vãi. Định trèo lên nhưng lại thêm 1 quả đạn pháo nổ ngay mép hang, sức ép lại làm tôi rơi tụt xuống, choáng váng một lúc mới tỉnh lại, đá đổ rào rào”, cựu binh Phạm Ngọc Quyền hồi tưởng.


IMG_0535

 Những dấu tích tàn khốc của cuộc chiến năm xưa


Ở ngoài, đạn pháo vẫn nổ rầm rầm đinh tai nhức óc. Ông Quyền đoán rằng ở ngoài quân ta đang tấn công kịch liệt. Chứ nếu không, địch mà tràn xuống được thì kiểu gì chúng sẽ không quên thả xuống hang vài quả lựu đạn, khi chúng đã nhìn thấy mình ném bộc phá và nhảy vào hang. Suy nghĩ đó khiến ông Quyền cảm thấy phấn khích, liền nén đau khoác khẩu AK và lại bám đá tìm cách trèo lên cửa hang.
Trèo được một lúc, ông Quyền nhìn thấy ông Cảnh cùng mấy anh em nữa đang ở trước cửa hang. Mọi người ôm chầm lấy nhau ứa nước mắt. Vừa nghe tin quân mình đang hoàn toàn làm chủ trận địa, thì bỗng cả loạt đạn pháo của quân Trung Quốc lại thi nhau trút xuống, cả đỉnh núi rung chuyển.
Lúc đó đã quá trưa ngày 27 tháng chạp (âm lịch), Phạm Ngọc Quyền cùng các chiến sĩ chỉ biết nằm úp mặt xuống đất, núp sau những khe đá tránh mảnh pháo. Bên mỏm E5 chỗ đơn vị của ông Hồ Xuân Tuân chốt giữ cũng khói mù mịt đen ngòm, những cột lửa bốc lên, đất đá bay tứ tán. Bộ binh Trung Quốc ở một bên sườn núi lại thấy xuất hiện đông nghịt, thi nhau hò hét xung phong lên lấn chiếm.


IMG_0427

Đi tìm lại ký ức năm xưa trên những vách đá  'Lò vôi thế kỷ'


Đến lượt pháo binh Việt Nam bắn thẳng vào đội hình tấn công của địch, những tiếng nổ liên hồi, những thân xác bị hất tung lên cao cùng đất đá, rơi xuống nằm im bất động. Tuy nhiên, một số lính Trung Quốc đi đầu đã thoát khỏi loạt đạn pháo, tiến gần đến các vị trí chốt giữ. Mọi người nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu.
Phạm Ngọc Quyền kê khẩu M79 lên khe đá, chưa kịp nhả đạn thì đã nghe thấy một tiếng nổ “đoành” ngay phía sau lưng. Ông quay ngoắt lại thì chỉ thấy có vết máu dính trên vách đá. Một người lính thông tin tên Quyết nằm chiến đấu cạnh mình đã không còn thấy ở đâu nữa. “Anh ấy đã dính trọn quả B40 của giặc”, người cựu binh già bật khóc.
Các chiến sĩ chia nhau chốt các đoạn giao thông hào và bắn trả. Những loạt đạn súng bộ binh cùng tiếng lựu đạn nổ như pháo, kèm tiếng nổ của hỏa lực B40 cùng M79. Những bóng người liên tiếp đổ gục. Khoảng nửa tiếng, pháo của ta lại bắn dữ dội hơn nữa. Quân Trung Quốc đoán chừng không thể xông lên phía trước, đành hô hào rút lui khỏi chiến địa.


IMG_5587

 Cựu binh Phạm Xuân Thanh thấy một quả đạn M72 còn găm nguyên trên vách đá

átdyfhgyhvu

 Nhiều năm nay, nước mắt chưa bao giờ thôi rơi trên khuôn mặt các cựu binh trong những cuộc hành quân trở về chiến trường Vị Xuyên. Ảnh: Hoàng Phương


“Chúng tôi nhận được lệnh không đuổi theo, bảo toàn lực lượng, đề phòng địch phản kích. Từ 4h chiều cho đến hết nửa đêm, chúng không xua bộ binh lên lấn chiếm lần nào nữa. Tính ra, trong ngày 27 tháng chạp, các chiến sĩ phối hợp cùng lực lượng pháo binh đã đẩy lùi 2 đợt tấn công tổng lực của quân xâm lược Trung Quốc, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, giữ vững các trận địa”, cựu binh Phạm Ngọc Quyền thuật lại đầy vẻ tự hào.
Trời xẩm tối, anh em vận tải của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876  cũng vừa lên tới nơi, mang theo cơm nắm, lương khô, nước uống, bắt tay nhau “cố gắng nhé”. Những người lính chốt giữ ai cũng xúc động, ý chí dâng lên mãnh liệt. Đêm, Tham mưu trưởng Bùi Minh Đệ và Trung đoàn trưởng Cao Bá Hùng lại lên thăm hỏi động viên. Các thủ trưởng nhận định quân Trung Quốc sẽ lại tiếp tục tiến đánh.
Ông Phạm Ngọc Quyền tiếp tục nhận nhiệm vụ mới, dẫn theo 12 chiến sĩ trở lại dưới chân mỏm E4. 21h ngày 27 tết, cả nhóm lại gùi lựu đạn, bông băng thuốc men lầm lũi đi trong màn đêm đen ngòm về các vị trí đã được xác định, rồi nhanh chóng triển khai đào hào, công sự trận địa, sắp xếp đội hình chiến đấu phòng ngự.
Đến gần sáng mới xong mọi công việc. Ông Quyền cùng đồng đội vừa chợp mắt được một lát thì đã choảng tỉnh dậy vì tiếng vọng của pháo nổ, tiếng hỏa lực hòa lẫn với tiếng súng bộ binh, vang lên từ phía xa xa và càng lúc càng kéo đến gần.
Còn tiếp…
Hải Minh – Lê Hồng (Theo hồi ký Giữ đất đón xuân, và ký ức của cựu binh Phạm Ngọc Quyền cùng các đồng đội)

Tử chiến ở “Lò vôi thế kỷ” Hà Giang: Đấu súng giành giật từng mét đất

(VTC News) - Bộ binh Trung Quốc sau những loạt đạn bắn mở đường, đã thi nhau xung phong lấn chiếm những cứ điểm mà mình đang trấn giữ.

Kỳ 5:  Đấu súng như phim
Trong ký ức của cựu binh Đặng Việt Châu cùng một số đồng đội khác, trên 'Lò vôi thế kỷ 685', đã diễn ra hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, vô cùng khốc liệt. Khốc liệt nhất vẫn là cuộc đấu pháo 6 ngày, từ ngày 13 đến ngày 19/1/1985. 3 ngày cuối cùng của cuộc đấu pháo đó chính là thời điểm gian khổ nhất, khi bộ binh Trung Quốc sau những loạt đạn bắn mở đường, đã thi nhau xung phong lấn chiếm những cứ điểm mà mình đang trấn giữ.
“Chúng định lấy thịt đè người, xua quân từ mỏm E1 ồ ạt lấn chiếm, nhưng đến ngày 19, đôi bên dừng bắn bởi địch chết nhiều quá, phải thu dọn chiến trường. Lúc đó, vận chuyển đạn pháo khó khăn, bên mình cũng cạn kiệt đạn. Với một lực lượng đông hơn hẳn nhưng chúng không thắng nổi ý chí quyết tử của ta”, cựu binh Đặng Việt Châu cho biết.
Những cựu binh từng trực tiếp tham gia trận chiến kinh hoàng trên điểm cao 685 giờ cũng không còn được mấy người. Cựu binh Phạm Ngọc Quyền, Phạm Xuân Thanh là một trong số những nhân chứng sống ít ỏi đó.
Đó cũng là lý do mà những cựu binh này nhất quyết phải đưa bằng được chúng tôi lên 685 nhằm chứng thực lại những câu chuyện năm xưa.


DSC_1537

 Một quả đạn còn găm nguyên trên vách đá 

DSC_1593

 Một trong những dấu tích tàn khốc của cuộc chiến trên Lò vôi thế kỷ


Cựu binh Phạm Ngọc Quyền vốn là chiến sĩ thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, tham gia cuộc chiến Vị Xuyên 32 năm trước.
Theo ông Quyền, lúc đó sau khi Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 tổ chức đánh lấn dũi trên 685, thì khả năng quân Trung Quốc sẽ tổ chức phản công là rất cao. Đại đội 6 được giao nhiệm vụ lên “Lò vôi thế kỷ” đánh phản kích trên mỏm E2, sau đó nếu đủ thời cơ sẽ phát triển chống địch xâm lấn ở mỏm E4, và kết hợp với lực lượng của Trung đoàn 153 đánh lên mỏm E1.
“Công sự, hầm hào của ta nhiều chỗ đã bị hỏa lực địch tàn phá, chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên để thực hành tác chiến. Giáp tết, thay vì bánh chưng, thịt lợn dưa hành, thì quà lên điểm cao 685 cho chúng tôi là hàng ngàn quả lựu đạn các loại, đạn M79, B40, B41, cùng các loại đạn dược khác. Đó là những món quà quý giá nhất cho người lính trong trận tuyến này”, cựu binh Phạm Ngọc Quyền cho biết.


IMG_5594

 Cựu binh Lê Hồng Mai, Phạm Ngọc Quyền đi tìm lại  ký ức năm xưa trên đỉnh 685


Đêm 26 tháng chạp, pháo bắn liên hồi, mặt đất rung chuyển. Các chiến sĩ trên điểm chốt đều sôi sục ý chí quyết tử. Một số anh em làm nhiệm vụ vận tải cũng xin được trực tiếp cầm súng chiến đấu.
Nửa đêm, tiếng pháo không ngớt mà còn gia tăng tần suất. Hai bên đều bắn phong tỏa đường tiếp viện của nhau. Quân Trung Quốc khi tràn sang, bị pháo Việt Nam bắn chết như ngả rạ, chúng có ý rút về mỏm E1.
“Tôi đang nép mình bên vách núi, lăm lăm khẩu AK báng gập định nhả đạn thì một sĩ quan đại đội đến và giao nhiệm vụ cùng 2 đồng đội tên là Bản và Kết vòng xuống phía tây nam của mỏm E2 chặn địch.
Ba anh em lao nhanh về hướng chân của mỏm E2, vừa ép sát được một mô đá tai mèo thì một quả B40 bay vèo tới, sượt qua đầu táng thẳng vào vách đá phía sau, may mà không ai bị làm sao”, cựu binh Phạm Ngọc Quyền thuật lại.


linh-vi-xuyen-1455670396

 Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các chiến sĩ trên Mặt trận Vị Xuyên   (Ảnh tư liệu)


Trong đêm tối, lợi dụng ánh sáng của đạn pháo, nhìn thấy 2 lính Trung Quốc đang dìu một gã bị thương về trận địa, ông Quyền tức khắc kê khẩu AK, điểm xạ diệt gọn cả 3 tên. Vừa dứt tiếng súng thì địch ở mỏm E1 đã phát hiện, trút đạn như mưa về vị trí nhóm chiến sĩ đang ẩn nấp.
Đến giữa đêm, nhóm chiến đấu của ông Quyền được bổ sung thêm một chiến sĩ bộ binh tên Danh. Cả nhóm chia đội hình phối hợp, bắn trả lại những ụ bắn tỉa của quân Trung Quốc trên E1 bắn xuống. Đêm ấy, suốt mấy tiếng đồng hồ đấu súng kinh hoàng, nhưng phía tây nam mỏm E2, ông Quyền cùng những người đồng đội của mình vẫn giữ vững vị trí, đạn giã cả băng, lựu đạn quăng cật lực. Và càng về gần sáng, pháo của ta và địch lại càng bắn dữ dội hơn nữa.
Trong ánh sáng lờ mờ, ông Phạm Ngọc Quyền bỗng phát hiện hai, rồi ba, bốn toán địch đang lom khom trên đoạn giao thông hào giữa mỏm E2 và E1 trên “Lò vôi thế kỷ”, có vẻ chúng đang tìm cách rút về E1. Ngay tức khắc, các chiến sĩ ra hiệu, lặng lẽ trườn đi tìm các vị trí khóa đầu khóa đuôi, nằm phục sẵn.
Tưởng được an toàn, toán lính Trung Quốc nào ngờ ăn ngay quả lựu đạn cầu trúng giữa đội hình, nổ tan xác. Liền sau đó, ông Quyền cùng đồng đội lia cả băng đạn AK vào cái đám nhốn nháo phía trước. Bóng người liên tiếp đổ gục. Vài phút sau, nghe thấy tiếng hô gọi pháo, bốn anh em lại rút về ẩn nấp sau những vách đá dựng đứng, mặc cho hỏa lực của địch điên cuồng dội xuống trả đũa.
Tầm 6h 30 phút sáng ngày 27 tháng chạp (âm lịch), các chiến sĩ chốt giữ trên “Lò vôi thế kỷ” đồng loạt tiến hành phản kích. Phạm Ngọc Quyền cùng 3 đồng đội của mình cũng nhận nhiệm vụ mở một mũi tiến công địch đang nấp trong công sự trước mỏm E2 từ cánh trái, theo hướng tây nam.
Trên đỉnh ngọn núi nhỏ, tiếng hô “xung phong” vang lên ầm ầm từ những bóng người nhỏ bé thoắt ẩn thoắt hiện, chìm trong những cột khói mịt mù. Trên tất cả các hướng tiến công, bộ đội ta thi nhau trút đạn, pháo, hỏa lực sang các mục tiêu đã được xác định.
Những toán lính Trung Quốc mò sang xâm lấn hốt hoảng kháng cự yếu ớt, tìm mọi cách tháo chạy về mỏm núi E1, trên đỉnh “Lò vôi thế kỷ”.
Còn tiếp…
Hải Minh – Lê Hồng (Theo hồi ký Giữ đất đón xuân, và ký ức của cựu binh Phạm Ngọc Quyền cùng các đồng đội).

Tử chiến trên “Lò vôi thế kỷ” Hà Giang: Nã pháo diệt lính Trung Quốc như ngả rạ

(VTC News) - Trên đỉnh núi nhỏ, lính Tàu không tiếc quân, dùng số đông định lấy thịt đè người, nhưng pháo mình bắn chết như ngả rạ.

Kỳ 4: Đấu pháo kinh hoàng
Cao điểm 685 vốn là một ngọn núi nhỏ trong hàng loạt ngọn núi liên tiếp nhau ngay sát cửa khẩu Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang). Đỉnh núi này là một trong những chiến trường khốc liệt nhất của Mặt trận Vị Xuyên 32 năm trước. Suốt mấy tháng trời ròng rã cuối năm 1984, đầu 1985, trên núi diễn ra hàng chục trận đánh ác liệt. Với lực lượng ít hơn hẳn so với quân Trung Quốc, cả về con người lẫn phương tiện chiến tranh, nhưng với ý chí quyết tâm của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta đã giành chiến thắng.
Trong ký ức của nhiều cựu binh Mặt trận Vị Xuyên, bên cạnh những trận đánh giáp la cà quyết tử chống quân Trung Quốc tràn sang lấn chiếm, thì mọi người nhớ nhất là những cuộc đấu pháo và những lần phục kích bắn tỉa cả của ta và địch.
Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Chỉ huy Phó Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang tâm sự, hồi đấy khi chiếm được những điểm cao, quân Trung Quốc đã làm đường vào tận nơi, đưa một lực lượng pháo rất mạnh vào bảo vệ các vị trí chiếm đóng trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Trong chiến đấu, ta bắn một thì chúng bắn mười, pháo kích nhả đạn sáng rực trời đêm, cày xới từng mét đất, từng trận địa của ta. Chúng bắn kiểu nhà giàu không tiếc của.


IMG_5701

 Sơ đồ điểm cao 685 trong ký ức cựu binh Đặng Việt Châu


Cựu binh Phạm Xuân Thanh, từng chốt giữ trên điểm cao 685 những ngày khói lửa nhất chia sẻ: “Có những lúc, các chiến sĩ chỉ giao tiếp với nhau bằng cử chỉ, vì có gọi cũng không nghe nổi, ai cũng điếc đặc ngẩn ngơ vì tiếng pháo.
Mọi người đã quá quen với việc pháo bắn nhiều, bắn liên hồi đến nỗi, có những lúc hơi yên ắng một tý, thì các chiến sĩ lại lăn tăn nghi ngờ, không biết quân Trung Quốc ngừng pháo thì có tổ chức luồn sâu hay kéo sang lấn chiếm hay không?”.
Cựu binh Đặng Việt Châu (Nghĩa Đàn, Nghệ An) khi được hỏi đến, thì ông tần ngần một lúc mới trả lời: “Biết miêu tả thế nào nhỉ? Như pháo hoa đêm giao thừa chẳng hạn, hoặc các anh lấy thanh củi ném vào cái bếp lò đang cháy, xem cái tàn lửa nó bung lên ra sao, thì đó chính là cảnh tượng của việc đấu pháo trên đỉnh 685 trong cuộc chiến 32 năm trước”.
Trong cuộc chiến ở 'Lò vôi thế kỷ', mỗi bên đóng ở một phía, giằng co nhau quyết liệt, và cả một ngọn núi nhỏ trở nên trắng xóa vì đạn pháo, chỉ duy nhất tồn tại một gốc nghiến cổ thụ trên đỉnh 685, nhưng ngọn cũng bị cắt trụi.


DSC_1565
IMG_0464

 Cựu binh Phạm Ngọc Quyền xúc động bên dấu tích của cuộc chiến năm xưa


“Bên mình cũng trắng xóa và bên nó cũng trắng xóa, nhưng mình có lợi thế là vách đá dựng đứng che chở, pháo chúng nó câu sang bị sượt qua rồi nổ ở phía sau, cho nên quân mình vẫn ém được và chống trả những đợt xâm lấn của bộ binh Trung Quốc”, cựu binh Đặng Việt Châu kể lại.
Dù pháo binh Trung Quốc bắn sang trận địa mình với một lượng đạn pháo khổng lổ, nhưng hiệu quả thì không bằng pháo binh Việt Nam. Những trận địa pháo của ta đã trở thành nỗi khiếp đảm kinh hồn của giặc, bởi khả năng bắn cực kỳ chính xác và độ sát thương cao.
Theo lời ông Châu, bộ binh Trung Quốc dồn hết về phía một bên sườn của 685, lại là sườn dốc thoai thoải chứ không phải dốc đứng như phía trận địa chốt giữ của ta. Thế nên pháo của mình cứ thoải mái bắn vào, gần như phát nào trúng phát đấy.
Và cái danh xưng “Lò vôi thế kỷ” cũng xuất phát từ cuộc đấu pháo ác liệt từ ngày 13/1/1985 cho đến ngày 19/1/1985. Những ngày đó, quân Trung Quốc bắn pháo trước, bắn ròng rã để mở đường cho bộ binh từ mỏm E1 tràn sang các điểm E2, E5 do các chiến sĩ ta đang chốt giữ.


DSC_1583

 Cựu binh Lê Hồng Mai trên mỏm E1, mỏm cao nhất của 685,  năm xưa quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên mỏm này


“Trên đỉnh núi nhỏ, lính Tàu không tiếc quân, dùng số đông định lấy thịt đè người, nhưng pháo mình bắn chết như ngả rạ. Mấy ngày liên tục, cứ mỗi lần chúng định tổ chức tấn công với số lượng lớn, đều bị ta gọi pháo dập vào, chỉ mới vài quả đã tan rã hết đội hình. Đến ngày 19, đôi bên dừng bắn bởi chúng chết nhiều quá, phải thu dọn chiến trường. Lúc đó, vì vận chuyển đạn pháo khó khăn, bên mình cũng gần hết đạn. Và trận đấu pháo 6 ngày đó đã trở thành nỗi khiếp đảm của chúng. Và với đặc điểm thay quân liên tục, những tốp lính Trung Quốc lên thay thấy những cảnh tượng đó quá khiếp hãi, không dám liều mạng như trước nữa”, cựu binh Đặng Việt Châu cho biết.
Bên cạnh chuyện đấu pháo trên 'Lò vôi thế kỷ', thì một trong những ký ức không bao giờ quên của các cựu binh Mặt trận Vị Xuyên chính là câu chuyện bắn tỉa. Lúc dừng pháo thì hai bên lại bắn tỉa, bắn liên hồi. Quân Trung Quốc vốn có lợi thế hơn vì đóng ở mỏm cao nhất, bên cạnh đó lại có thêm các ổ bắn tỉa ở cao điểm 772 và những cao điểm khác dòm sang. Nhưng không vì thế mà mình lép vế. Với khả năng bắn cực kỳ chính xác và chiến thuật cực kỳ linh động của các chiến sĩ, lại toàn dùng B40, B41, nên quân Trung Quốc dù đông cũng không mấy gã dám chui ra khỏi hầm trú ẩn.


IMG_0545

 Dải đất hình yên ngựa, nối giữa mỏm E5 và E1, nơi đối đầu gần nhất giữa ta và quân Trung Quốc


Cựu binh Đặng Việt Châu nhớ nhất một kỷ niệm trong cuộc đấu pháo 6 ngày đầu năm 1985. Lần đó, ông thay mặt sở chỉ huy trung đoàn lên đỉnh 685 động viên thăm hỏi anh em. Ở mỏm E5, một chiến sĩ tên Lưu Trần Hà xúc động xin phép được ôm lấy thủ trưởng.
Ông Châu hỏi: "Tay thế nào mà sao thối thế?". Ông Hà bảo: "Báo cáo, em vừa bốc xác của thằng trinh sát pháo binh của địch chỗ gốc nghiến. Em chả sợ chết, chả sợ bắn tỉa, nhưng phải lấy được cái xác của Tàu có đầy đủ súng ống, làm bằng chứng cho cuộc xâm lăng của chúng". Ông Châu hỏi tiếp: "Vậy anh em trên này có gặp khó khăn gì không?". "Dạ, báo cáo, bọn em vừa phát hiện ra chúng có một ổ bắn tỉa không biết từ đâu, nhưng bắn rát lắm” - ông Hà thuật lại.
Theo lời kể của ông Hà, mỏm E5 vốn gần nhất với mỏm E1 trên đỉnh 685, nơi quân Trung Quốc đang đóng, ở giữa là một dải đất như hình yên ngựa, hầm bắn tỉa của quân Trung Quốc nằm đâu đó trên dải đất ấy, bắn liên hồi.
Ông Châu nhặt viên đá, cho vào balo buộc vào dây, rồi nằm trong hầm vứt mạnh ra xa và kéo về, chỉ nghe tiếng đạn veo véo, lúc kéo về chỉ còn cái balo xơ xác
Ông Lưu Trần Hà bảo một đồng đội đang nấp ở hầm cách đấy chừng 20 mét  lấy cái mũ sắt buộc vào mũi súng, nhô lên thập thò rồi thụt xuống, còn mình bò sang một chỗ khác, thủ sẵn khẩu B41. Cái mũ sắt vừa mới ngoi lên đã thấy súng nổ liên hồi. Phía bên này, ông Hà đã xác định được vị trí, tức khắc 1 quả B41 phóng thẳng vào ổ bắn tỉa. Cái ụ đá vỡ vụn, tốp lính Trung Quốc tan xác.
Kể từ lần đó, quân Trung Quốc không bao giờ dám lập ổ bắn tỉa chỗ dải đất hình yên ngựa đó nữa.
Còn tiếp…
Hải Minh – Lê Hồng (Theo lời kể của cựu binh Đặng Việt Châu cùng các đồng đội)
                                         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét