Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

CHUYỆN VỤ ÁN 57

 (ĐC sưu tầm trên NET)
                                    

Vụ án tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung và những bí mật lần đầu công bố (1)

Vụ án xuất phát từ ghen tuông dẫn tới hủy hoại nhan sắc của một vũ nữ thuộc hàng hoa khôi của Sài Gòn đã diễn ra 53 năm. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc lại vụ án ấy thì nhiều người vẫn còn rợn người.

Và có thể nói, đây là một vụ đánh ghen ác hiểm, tàn độc vào loại bậc nhất hơn nửa thế kỷ trước. Tuy nhiên, thời gian qua, xuất hiện quá nhiều thông tin sai lệch, không đúng sự thật về vụ án này và kể cả vũ nữ Cẩm Nhung. Kể từ số báo này, nhà văn H.T.Đ, người từng làm báo, viết văn tại thời điểm xảy ra vụ án sẽ vào cuộc tìm kiếm sự thật và đưa ra những thông tin chính xác nhất và toàn cảnh nhất.
Trước khi giở lại từng chi tiết của vụ thảm án về cô vũ nữ Cẩm Nhung 53 năm trước, chúng tôi thấy cần phải nói rõ hơn những điều mà cho đến ngày nay những ai chỉ nghe nói về cô vũ nữ Cẩm Nhung đã bị những ghi chép, thêm bớt của nhiều người, đã làm sai lệch câu chuyện cuộc đời về cô vũ nữ này…
Nhiều sự thật bị chôn vùi
Có lẽ chuyện đã quá lâu và người viết lại sau này về chuyện của Cẩm Nhung đã không nắm rõ, hoặc với ý đồ nào đó đã làm sai lệch hoàn toàn về câu chuyện. Có một sự thật khác do chính một người sống cùng thời với vũ nữ Cẩm Nhung, đã từng say mê nhan sắc của cô gái được mệnh danh là hoa khôi của vũ trường Sài Gòn thời ấy kể lại. Thêm nữa, người viết lại có may mắn sống cách nơi cư ngụ, cũng là nơi nạn nhân gặp nạn của Cẩm Nhung chỉ chưa đầy 300m.
  Vụ án tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung và những bí mật lần đầu công bố (1) - Ảnh 1
Chân dung vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axit đăng tải trên báo chí Sài Gòn xưa.
Và do có điều kiện gần gũi và nắm hết mọi sự việc, kể cả có quen biết với kẻ trực tiếp cầm axít để hạ độc, do kẻ đó sống cùng quê với tác giả. Cho nên, bấy lâu nay, khi đọc được những bài viết đăng rải rác trên các mạng internet trong cũng như ngoài nước, đến lúc này, tôi thấy cần phải giở lại tình tiết của vụ án để nói một lần cho rõ. Từ đó, mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn về một nạn nhân, một cô gái bé bỏng, đáng thương đã gục ngã trước bàn tay của những kẻ cậy đồng tiền và quyền lực mà tan nát cả cuộc đời…
Thời ấy, Sài Gòn có nhiều dancing (vũ trường) nhưng không đến nỗi có hàng trăm hay mọc lên hằng hà sa số, như trong nội dung các bài viết đăng tải trên mạng. Trong đó, vũ trường Kim Sơn mà Cẩm Nhung đã nhảy hằng đêm với khách cũng chỉ có một và chính xác là ở địa chỉ 02 đường Galliéni (tức đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP. HCM bây giờ), chớ không hề nằm ở đường Catinat (rồi sau đó đổi thành đường Tự Do và ngày nay đổi thành đường Đồng Khởi, quận 1 như một số thông tin đã đưa). Thời đó, vùng quận 1 bây giờ mà ngày xưa dân Sài Gòn quen gọi là quận Nhì, là nơi tập trung khoảng bảy, tám vũ trường thuộc loại nổi tiếng. Trong đó, vũ trường Kim Sơn được liệt vào hàng đầu.
Kim Sơn tọa lạc tại số 2 đường Trần Hưng Đạo ngày nay, mà thời đó dãy nhà khoảng gần chục căn của bên số chẵn, tức từ bắt đầu từ số 2 đến số 10 là phố trệt, sau đó đã bị giải tỏa hoàn toàn. Ngày nay, bạn đọc có thể hình dung được nó nằm gần cái bảng điện tử quảng cáo màn hình Samsung đối diện với công viên 23 tháng 9, tức chỗ mũi tàu đường Phạm Ngũ Lão và đường Trần Hưng Đạo.
Trong giới chơi vũ trường thời ấy, sở dĩ người ta hay chuộng Kim Sơn là bởi nơi đó quy tụ nhiều đào đẹp, mà hầu hết các cô đều ở tuổi 18, đôi mươi, chớ lớn tuổi hơn thì không được Kim Sơn thuê mướn. Đặc biệt, nơi này còn là vũ trường có sự hiện diện của hai người đẹp xuất sắc, vừa nổi tiếng bởi dung mạo, lại vừa nổi tiếng ở một cái danh khác, mà đáng kể là cô con gái của nhà văn thời thượng lúc ấy là Lê Văn Trương (cô Thu) và vũ nữ Cẩm Nhung.
Con gái nhà văn Lê Văn Trương vừa đẹp lại vừa là con của một nhà văn nổi tiếng thời ấy, cho nên khách tìm đến Kim Sơn và đeo bám không buông cô này. Tuy nhiên, vào đầu năm 1958, cô con gái con nhà văn Lê Văn Trương đã gặp phải một đối thủ cực mạnh. Trong buổi đầu tiên, cô cũng không ngờ chốn sơn lâm mà cô là chúa tể từ bấy lâu nay lại có sự xuất hiện của một nữ chúa khác cực kỳ lợi hại. Đó là cô gái có tên rất mỹ miều Cẩm Nhung!
Thu, con nhà văn Lê Văn Trương gốc Bắc, ăn nói nhỏ nhẹ, duyên dáng. Từ khi làm vũ nữ, Thu được nhiều tay chơi Sài Gòn mến mộ. Thế nhưng, từ khi xuất hiện Cẩm Nhung, nhan sắc của Thu bớt rực rỡ hơn. Bởi, Cẩm Nhung quá đẹp.
“Nữ chúa” chốn vũ trường
Sự vụt sáng của “tiểu hành tinh” Cẩm Nhung đã làm lu mờ ngay vì tinh tú đã sáng mấy năm trước đó chính là Thu. Đặc biệt, sự vụt sáng của Cẩm Nhung cũng khiến cho nhiều người thắc mắc tìm hiểu xem “con bé Bắc Kỳ” này từ đâu tới, và có thuộc vào hàng “vọng tộc” hay không? Tuy nhiên, sau khi hỏi ra thì người ta mới rõ cô gái có cái tên Cẩm Nhung ấy là người di cư từ miền Bắc vào Sài Gòn từ những tháng đầu năm 1955.
Đúng ra, cô nàng thân cô, thế cô không hề được một ai dẫn dắt mà là người tự thân bước vào thế giới đèn màu. Thật ra, khi mới vào Sài Gòn, Cẩm Nhung vào làm ở vũ trường Grand Monde (Đại Thế Giới, vũ trường này có cùng một lượt với sòng bài Đại Thế Giới cùng tên). Nhưng kể từ khi chế độ Ngô Đình Diệm xóa sổ sòng bạc lớn nhất Sài Gòn Chợ Lớn, chỉ để lại cái vũ trường Grand Monde đơn độc, và là nơi chiêu mộ các ngôi sao khiêu vũ từ đất Bắc vào Nam.
Tuy Grand Monde có vẻ bề thế và hào nhoáng hơn, nhưng so với sức quyến rũ và phần đặc sắc thì không sánh bằng hai vũ trường Sài Gòn thời ấy là Kim Sơn và Mỹ Phụng. Cho nên, qua sự gợi ý của một tài-pán (người quản lý vũ nữ) khá nổi tiếng thời ấy là cô Marie Sang, thì Cẩm Nhung đã chuyển về Kim Sơn với sự gợi ý cụ thể của người tài pán lão luyện này: “Kim Sơn đang là nơi hàng đêm các vương tôn công tử, các tay đại gia… Đặc biệt, là các tay sĩ quan thừa tiền lắm của và lắm thế lực thường lui tới ăn chơi. Cho nên, Cẩm Nhung cần chọn Kim Sơn, chọn nơi để mà ngoi lên thành danh với đời!”.
Bởi vậy, tháng 7/1959, cô vũ nữ trẻ đẹp được giới chơi vũ trường đặt cho biệt danh là “bông hoa đất Bắc” đã chuyển hẳn về Kim Sơn. Vào cuối năm 1962 (tức sau biến cố thảm án của Cẩm Nhung gần cả năm) thì tác giả đã gặp tài-pán Marie Sang tại vũ trường Mỹ Phụng, nơi tài-pán này đóng vai “quản lý vũ nữ” và cô Sang đã kể lại đầu đuôi tấn bi kịch của cô “đệ tử” dễ thương của mình: “Tội nghiệp con Cẩm Nhung lắm. Nó là đứa nhỏ nhất trong đám đệ tử của em ngày ấy. Nhưng nó rất biết điều, sống có tình và tha thiết với một mong ước là ngày nào đó sẽ rời ánh đèn mờ vũ trường để kiếm một tấm chồng giản đơn. Tiếp đó, nó sẽ sống như bà mẹ hiền hậu của mình…”.
Trong một đêm vắng khách ở vũ trường Mỹ Phụng vào cuối năm 1962, tài-pán Marie Sang đã một lần nữa vừa khóc vừa kể lại chuyện về Cẩm Nhung với tôi. Tài-pán Marie Sang kể: “Cẩm Nhung di cư từ miền Bắc vào Sài Gòn khi mới 15 tuồi, nhưng đã trổ mã con gái. Mặc dù gia đình nghèo túng, nhưng bà mẹ hiền hòa của cô đã lặn lội, làm lụng để cho con cắp sách đến trường. Tuy nhiên, chính cái nhan sắc phát tiết quá sớm ấy đã khiến cuộc đời của cô gái ngây thơ rẽ sang một con đường hào nhoáng, nhưng lắm chông gai phía trước”.
Chính vũ nữ Thu, con nhà văn Lê Văn Trương có lần đã nói với Cẩm Nhung trước mặt tài-pán Marie Sang rằng: “Khi xấu và già đi, các vũ nữ sẽ không có khách gọi. Do đó, việc không có tiền để tiêu xài là điều chắc chắn. Thế nhưng, cũng phải nói, nếu như vũ nữ mà quá đẹp, quá ăn khách thì điều đó là con dao hai lưỡi, không khéo nó sẽ giết chết mình…”.
(Còn tiếp)
Nhà văn H.T.Đ
                                    

Bí mật lần đầu công bố vụ tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung (2)

 

Sau đó, Cẩm Nhung được vài người xúi biểu là chỉ có cách đi làm vũ nữ thì may ra mới có cơ hội báo hiếu cho mẹ. 
Nghe lời khuyên, khi mới được 17 tuổi, Cẩm Nhung đã lén mẹ đi học nhảy ở một vũ sư mở lớp dạy nhảy tư nổi tiếng nhất thời ấy là Nguyễn Tình, Nguyễn Thống. Thời ấy, hai vũ sư vừa là nhạc công nổi tiếng với ngón đàn Hạ uy cầm (Hawaian) tuyệt luân, kiêm vũ sư chuyên đào tạo hàng trăm gái nhảy cho các vũ trường Sài Gòn thời ấy. Cẩm Nhung vừa đẹp, thân hình chuẩn, nảy nở sớm lại có năng khiếu về khiêu vũ cho nên chỉ sau một tháng học, tức chưa tới nửa khóa thì nhìn những bước nhảy của cô, vũ sư Nguyễn Tình đã phán ngay một câu mà tài pán (người quản lý vũ nữ tại vũ trường - PV) Marie Sang vẫn còn nhớ như in: “Đôi chân này, thân hình gợi cảm này thì rồi đây có khối thằng đàn ông ngã rạp dưới chân mà chết cho coi!”.
Bi mat lan dau cong bo vu tat axit vu nu Cam Nhung (2)
 Tài pán Marie Sang nói: “Đôi chân này, thân hình gợi cảm này thì rồi đây có khối thằng đàn ông ngã rạp dưới chân mà chết cho coi!”. (Ảnh minh họa)
Tài pán Marie Sang kết luận vào đêm vắng khách năm 1962 rằng: “Đàn ông chết đâu chưa thấy, nhưng cái bông hoa hương sắc vừa chưa kịp tỏa hương cho đời đã lụi tàn một cách thảm khốc, bi thương!”. Vào thời ấy, người thực hiện bài viết này là một ký giả trẻ của tờ nhật báo Thời Cuộc, vốn ít khi khóc về những chuyện không liên quan tới mình. Vậy mà khi nghe câu kết luận của tài pán Marie Sang thì hôm đó tôi đã khóc cùng với chị “cai gà” nổi tiếng này! Tôi khóc vì Cẩm Nhung và còn cho một phận má hồng bạc số…
Tôi nhớ, thời ấy, các vũ nữ phải đủ 18 tuổi thì mới được chính thức cấp thẻ hành nghề. Tuy nhiên, nhờ sự quen biết với tài pán Marie Sang, tuy mới hơn 17 tuổi nhưng Cẩm Nhung đã được cấp thẻ. Cũng chính nhờ sự đỡ đầu này, Cẩm Nhung đặt chân vào vũ trường nổi tiếng nhất – Kim Sơn. Tuy nhiên, Cẩm Nhung đã không thể ngờ được, khi cô mới bước vào Kim Sơn thì nhanh chóng trở thành cái gai trong mắt đồng nghiệp.
Trong lúc khó khăn, Cẩm Nhung may mắn có được sự giúp đỡ của con gái Lê Văn Trương nên được yên ổn làm ăn. Sau này, cô Thu (đã nói đến trong kỳ 1 – PV) này đã tiếp tôi trong một ngôi nhà nhỏ, ở xóm Sáu Lèo. Khi ấy, nhà văn Lê Văn Trương (bố Thu) đang tịnh dưỡng ở nhà với bệnh tật triền miên và dựa vào đồng tiền đi nhảy hằng đêm của cô con gái để sống. Khi ấy, Thu tâm sự rằng: “Con Cẩm Nhung tội lắm ! Nó có lợi thế hơn người, bởi nó vừa trẻ lại vừa đẹp và nhảy hay. Mặc dù về Kim Sơn chưa đầy một năm, vậy mà ticket (vé) của con nhỏ đã tăng lên vùn vụt”.
Theo lời Thu, hình như Cẩm Nhung ý thức được mối hiểm nguy từ sự “ăn khách” quá nhanh của mình. Do đó, có lần nó đã nói thiệt với em là: hay là chị chia lửa với em. Mỗi khi có khách nhất quyết đòi em ra nhảy, thì chị thay em với lập luận rằng, lúc ấy em đang bị đau bụng hay đau cái gì đó. Hoặc là chị có thể gọi cô nào đó tiếp sức với em một chút. Chớ em không kham nổi sự cuồng nhiệt thái quá của cánh đàn ông…”.
Lúc ấy, có nhiều lời đồn thổi ác ý rằng: sở dĩ Cẩm Nhung “ăn khách” quá nhiều như vậy là do con nhỏ đó “chơi bùa”, “chơi ngải” gì đó nên đàn ông vừa nhìn thấy là mê ngay! Thật ra với một cô bé chưa tròn 18 tuổi thì cần gì “bùa ngải”. Em cũng là gái nhảy như nó, nhưng nhìn dáng nó nhảy, nhìn cơ thể nó lướt nhẹ trên mặt sàn mà mình cũng phát mê, nhất là cái mông đẫy đà tròn lẳn, bộ ngực căng chắc đã khiến cho tất cả đàn ông đều mê đắm…
Con sóng cuồng mê
Thu còn kể thêm với tôi: thời ấy, hai chục đồng một ticket và gái nhảy thuộc loại ăn khách cỡ như Thu nhưng đêm nào được năm vé thì đã mừng lắm rồi. Thế nhưng, Cẩm Nhung không đêm nào dưới 15 ticket. Bởi, những ông khách “sộp” vừa vào vũ trường đã mua ngày 10 ticket rồi nhét vào tay của Cẩm Nhung. Chưa hết, không phải một người như vậy thôi đâu, mà đêm nào cũng có gần cả chục gã đàn ông si tình sẵn sàng bỏ tiền ra mua cả chục ticket rồi nhảy một bài với Cẩm Nhung.
Bi mat lan dau cong bo vu tat axit vu nu Cam Nhung (2)-Hinh-2
Xung quanh Cẩm Nhung có nhiều đàn ông là “đại gia”, quan chức theo đuổi. (Ảnh minh họa) 
Theo lời Thu, sự “ăn khách” của Cẩm Nhung không chỉ dừng lại tại đó, mà còn tạo ra cơn sóng ngầm trào dâng mãnh liệt. Thế nhưng, trước sự “cuồng mê” ấy, Cẩm Nhung khá dửng dưng. Cho nên, đối với người đàn ông nào ưu ái, giàu ticket hoặc là tặng tiền boa hậu hỉ cho, cô đều đối xử bình đẳng như nhau. Vẫn theo lời con gái nhà văn Lê Văn Trương kể lại thì trong suốt nhiều tháng, Cẩm Nhung chưa bao giờ nhận lời đi ăn khuya hay chung xe ra về với bất cứ người đàn ông nào. Nhiều đêm, Cẩm Nhung phải nhờ Thu và đôi khi cả tài pán Marie Sang gọi taxi để về chung để thoát cảnh không phải đi chơi khuya.
Thu cho hay: “Có một lần, khi về nhà trễ một chút, Cẩm Nhung nhìn thấy mẹ bắc ghế đẩu ngồi trước cửa đợi. Khi vừa thấy bóng con về tới thì bà đã ôm chầm lấy con rồi khóc! Cẩm Nhung không hiểu sao mẹ mình khóc như vậy liền hỏi thì bà nhẹ lắc đầu rồi bảo: “Mẹ sợ lắm con à. Mẹ cứ tưởng là con sẽ đi tới gần sáng mới về như một số đứa ở gần nhà mình. Nghe nói tụi nó làm ở dancing Mỹ Phụng, ở Đại Nam, ở Tabarin hay Grand Mond và ở vũ trường nào nữa đó. Mẹ thấy nó đi hầu như không còn biết nhà cửa là gì… Thôi con ạ, hay là con nghỉ mà đi học tiếp, rồi mẹ thổi xôi để nuôi con vậy mà mẹ an tâm hơn…”.
Đó là lần đầu tiên Cẩm Nhung lo sợ. Bởi từ lâu nay, cô giấu mẹ chuyện mình đi làm vũ nữ, mà chỉ nói là đi phục vụ bàn ở một nhà hàng ăn. Cho nên, vừa nghe mẹ nói thì Cẩm Nhung đã xanh mặt, lúng túng định chối. Tuy nhiên, mẹ cô đã òa lên khóc vừa kéo cô vào nhà rồi nói: “Mẹ biết rồi con à. Hôm qua mẹ giặt đồ cho con mẹ thấy sót lại mấy cái vé gì đó có in chữ ticket của dancing Kim Sơn, mẹ dò hỏi vài người thì mới biết dancing Kim Sơn là một khiêu vũ trường loại lớn nhất nhì ở Sài Gòn. Cho nên, mẹ đoán ra con đi làm ở đó…”.
Vào thời điểm ấy, Sài Gòn còn rất ít điểm ăn chơi khuya sau giờ vũ trường đóng cửa. Cho nên, dân có xe hơi riêng thường rước các gái nhảy rồi đưa lên tận chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP.HCM bây giờ) ăn nem hoặc ăn bánh canh bột lọc. Thời ấy, do chưa có đường lộ lớn nên để từ trung tâm xuống Thủ Đức, dân có xe hơi phải đi đường chật hẹp, đầy đá sỏi. Thế nhưng, không “đại gia” nào nề hà, cứ phải đón cho bằng được những “con gà móng đỏ” để đưa đi ăn và du hí thâu đêm suốt sáng. Trái ngược lại, Cẩm Nhung luôn từ chối những cuộc hẹn hò thâu đêm suốt sáng kiểu ấy.
Theo Người Đưa Tin
                                  

Bí mật lần đầu công bố vụ tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung (3)

ung và vũ nữ Thu hé lộ điềm dữ báo trước đối với cuộc đời của cô gái mang danh hiệu “hoa khôi Bắc Kỳ” này.
Chuyển vũ trường tránh kẻ si tình
Vẫn theo lời vũ nữ Thu (người viết đã nhắc đến trong các kỳ trước – PV), cô con gái nhà văn Lê Văn Trương kể lại, thì chính ngày hôm sau, Cẩm Nhung tâm sự với Thu rằng: "Em nghe mẹ nói mà nghẹn ngào. Em chỉ muốn ôm lấy mẹ và không rời bà nữa. Em biết mẹ thương em lắm. Mẹ không muốn cho em dấn thân vào chốn này. Nhất là khi nghe người ta kể đi làm cave (tức gái nhảy) thì phải ôm đàn ông hàng đêm, để cho họ mặc sức mà đưa, mà dìu, và thậm chí còn làm nhiều thứ nữa cho nên mẹ rất sợ...
Bi mat lan dau cong bo vu tat axit vu nu Cam Nhung (3)
Vẻ đẹp mê đắm của Cẩm Nhung lọt vào mắt xanh của trung tá nắm trong tay ngành quân vận của chế độ Ngô Đình Diệm. 
"Mẹ còn kể cho em nghe rằng, mẹ có một người quen cũng di cư từ Bắc vào rồi đêm đêm thổi nồi xôi, làm nhiều loại xôi truyền thống đất Bắc rất ngon, để sáng ngày gánh ra đặt ở góc đường gần trung tâm Sài Gòn mà bán. Với chỉ một gánh xôi đó thôi cũng đã đủ để nuôi cả nhà, chớ đừng nói là như chỉ với hai mẹ con em.
Và mẹ có quả quyết rằng, mẹ sẽ làm được hơn như thế nữa. Do đó, mẹ nhất quyết bảo em đến gần tết này thì phải nghỉ. Nếu không thì hằng đêm mẹ sẽ tới ngồi trước vũ trường chờ đón em về. Thu thấy như vậy có phải chết em không!".
Và cuộc trò chuyện tiếp theo giữa Cẩm Nhung và vũ nữ Thu đã hé lộ những điềm dữ báo trước đối với cuộc đời của cô gái mang danh hiệu “hoa khôi Bắc Kỳ” này. Trong một lần gặp gỡ, Thu kể câu chuyện này với người viết.
Vũ nữ Thu kể tiếp: Vào một đêm cuối tuần, bên trong cánh gà vũ trường, Cẩm Nhung vừa nói, vừa chỉ một người đàn ông tuổi trên dưới năm mươi, đang ngồi nhìn Cẩm Nhung say đắm từ chiếc bàn trong góc của vũ trường và nói: “Lão ta đó. Lão ta cỡ tuổi bố em nếu bố em còn sống. Và nghe nói là một sĩ quan cấp tá. Lão ta cứ nhất quyết đòi em ngày mai phải nghỉ làm để đi chơi với lão lên Đà Lạt một tuần, rồi khi về lão sẽ cho tiền em mua một căn nhà!”.
Khi ấy vũ nữ Thu lên tiếng: “Ai còn lạ gì viên trung tá làm chỉ huy phó ở ngành quân vận đó nữa! Lão ta từng si tình chị cách đây không lâu. Do chị không thích “sưu tầm đồ cổ” nên lão ta buông tha cho chị. Đặc biệt, là từ khi có sự xuất hiện của em.
Bây giờ, em đã nói thì chị cũng không giấu nữa. Chính lão ta hứa cho chị một cây vàng để chị gài bẫy dẫn em cùng đi Vũng Tàu hai ngày. Tất nhiên là khi ra tới ngoài đó rồi thì chị được cho tách ra để đi về còn em thì ở lại với lão!”.
Vũ nữ Thu đã nhớ lại từng chi tiết và kể cho tôi nghe: “Khi ấy, em có nói rõ hơn để cho Cẩm Nhung biết rõ về tay đàn ông cấp hàm trung tá đó. Lão ta là trung tá Thức mà tên đầy đủ là Trần Ngọc Thức. Lão ta chơi rất đẹp, chịu chi và sẵn sàng bao bất cứ bồ nhí nào chấp nhận làm của riêng cho lão. Chỉ có điều…”.
Những “bóng ma” chập chờn
Vũ nữ Thu bảo khi ấy, cô kể tới đó rồi thôi không nói tiếp. Thế nhưng, hoa khôi Bắc kỳ Cẩm Nhung cố hỏi thêm nên Thu đành phải nói ra: “Lão ta chơi thì rất được, rất sòng phẳng và hào hoa. Tuy nhiên, chỉ ngặt một nỗi, lão ta có một bà vợ thuộc hàng chị em của hoạn thư. Cho nên, gái nhảy ở các vũ trường tuy có mê tiền của lão, nhưng tất cả đều rùng mình khi nghĩ tới mụ vợ như chằn tinh, gấu ngựa của lão ta”.
Liên quan đến câu chuyện này, tài pán (người quản lý vũ nữ hay còn gọi cai gà - PV) Marie Sang có nói riêng với người viết: “Đúng là khi ấy viên trung tá Thức đã giương cung nhắm con mồi là Cẩm Nhung. Do đó, vừa hay tin ấy, tôi vội tìm cách nhắn riêng với Cẩm Nhung là nên tránh xa con người đó! Chính một lần Cẩm Nhung ngồi ăn phở ở đường hẻm bên hông Cinéma Casino Sài Gòn, thì Cẩm Nhung cũng tâm sự với tôi rằng nó sợ lão trung tá ấy vô cùng. Cho nên, Cẩm Nhung xin với tôi là cho nó qua làm ở Mỹ Phụng, nơi tôi đang làm cai gà để tránh mặt lão ta”.
Tài pán Marie Sang kể tiếp rằng: “Tuy nhiên, tôi bảo với nó rằng đã làm gái nhảy thì dẫu cho có đi bất cứ vũ trường nào thì cũng không làm sao tránh được những người như lão trung tá ấy. Đặc biệt, một khi trung tá Thức đã nhắm vào ai rồi thì dai như đỉa, đố con mồi nào thoát khỏi tay lão. Do đó, tốt nhất là em đừng tránh mà phải can đảm đối đầu. Em moi được lão ta bao nhiêu thì cứ moi. Bởi, lão ta có tiếng là hào phóng với gái. Đặc biệt là gái cỡ như em…
Khi ấy Cẩm Nhung đã rơm rớm nước mắt nói với tôi rằng nó đang muốn nghe theo lời mẹ và có dự tính sẽ chỉ làm thêm chừng một tháng nữa thôi, gần tết thì nó nghỉ việc luôn. Nó nói tiền nó dành dụm được cũng gần đủ mua một căn nhà nhỏ trong hẻm rồi”.
Tài pán Marie Sang còn chia sẻ riêng với người viết rằng: “Cả đời tôi đi làm vũ nữ, từ gái nhảy đơn thuần leo lên cai gà, lăn lóc bao nhiêu sương gió. Vậy mà tôi vẫn chưa có được một số tiền để mua căn chòi lá. Do đó, khi nghe Cẩm Nhung khoe là sắp đủ tiền để mua căn nhà nho nhỏ nên tôi rất mừng. Đồng thời, tôi có nhắn nhủ Cẩm Nhung là đã muốn nghỉ thì nên nghỉ liền, chớ đừng nấn ná nữa. Tuy nhiên, câu nói ấy tôi chưa kịp nói ra…”.
Tuy nhiên, sóng gió của Cẩm Nhung với lão trung tá Thức chưa dừng lại đó. Một thời gian sau, tại vũ trường Kim Sơn lại xuất hiện thêm một “đại gia” mới. Sự xuất hiện của “đại gia” mới này báo hiệu những sóng gió mới kéo đến với Cẩm Nhung.
Qua lời kể của tài pán Marie Sang, người viết được biết, vị “đại gia” mới xuất hiện thực chất là một doanh nhân tầm cỡ, rất có thế lực. Vị “đại gia” này nắm trong tay một khối tài sản kết xù. Số tài sản này được tạo dựng nhờ sản xuất dây kẽm gai. Đây là thứ vật liệu mà chính phủ thời ấy dùng để phục vụ cho chiến tranh.
Vị “đại gia” mà người viết vừa đề cập tới được gọi là lão Đại Lợi. Bề ngoài lão ta chỉ là một lái buôn giàu có, nhưng bên trong lại là một “đại gia” ăn chơi chính hiệu. Dư luận thời ấy kháo nhau rằng, mỗi khi đặt chân lên Sài Gòn và xuất hiện tại các vũ trường thì lão Đại Lợi là một “ngôi sao” sáng nhất.
Đáng chú ý, vì được ví là “đại gia” nên lão Đại Lợi chơi rất sộp và dữ dằn. So với trung tá nắm trong tay ngành quân vận của chế độ Ngô Đình Diệm là Trần Ngọc Thức thì vẫn còn thua xa.
Là một kẻ đang muốn “chiếm lấy” Cẩm Nhung nên khi thấy lão Đại Lợi xuất hiện tại vũ trường Kim Sơn, trung tá Thức đã đánh hơi được mối hiểm nguy tiềm tàng đối với mình. Đó là, lão Đại Lợi sẽ “hớt tay trên” Cẩm Nhung của trung tá Thức. Do đó, trung tá Thức tìm mọi cách để ngăn chặn hiểm họa ấy. Từ đây, một kế hoạch được vạch ra…
(Còn nữa...)
Theo Người Đưa Tin
                                  

Vụ tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung: Cuộc chiến tìm... 'nữ chúa' (4)

Sự vắng mặt đột ngột của vũ nữ Cẩm Nhung không chỉ khiến cho đám dân chơi hụt hẫng, mà chính chủ nhân vũ trường Kim Sơn và những người phụ trách các dịch vụ khác cũng lo sốt vó.

Bởi, Cẩm Nhung thời đó chính là “nhân vật quan trọng nhất” của các đêm nhảy. Khách tới dẫu không nàng hoa khôi nhảy cùng bài nào, nhưng cũng thích nhìn thấy cô bé “Bắc kỳ xinh xắn” đó có mặt, lướt như “tiên nữ” trên sàn nhảy.
  Vụ tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung: Cuộc chiến tìm... 'nữ chúa' (4) - Ảnh 1
Bên ngoài vũ trường luôn có hai người phụ nữ lớn tuổi đứng “canh me” trung tá Thức. (Ảnh minh họa)
Vung tiền tìm người đẹp mất tích
Tất nhiên, sự vắng mặt này của Cẩm Nhung đã khiến cho một trong hai nhân vật chóp bu là trung tá Trần Ngọc Thức và lão Đại Lợi (đã nhắc đến trong các kỳ báo trước) lồng lộn lên. Nhưng tại sao chỉ một một? Điều này có lẽ trung tá Thức đã có câu trả lời ngay trong nửa giờ đầu, lúc vũ trường bắt đầu “tuộc nê” (tua nhạc để nhảy, đây là từ chuyên môn dành cho dân chơi vũ trường và các vũ nữ).
Trong thời gian tuộc nê, lão trung tá Thức ngồi chậm rãi uống rượu. Đối thủ của lão ta là lão Đại Lợi cũng trong tình trạng như vậy. Hai người ngồi ở hai bàn khác nhau, nhưng đều có một mục đích chung, là chờ để được ôm tấm thân nõn nà, đầy quyến rũ của Cẩm Nhung, lướt theo điệu nhạc và “boa” cho người đẹp.
Tuộc nê được khoảng 25 phút, bỗng dưng trung tá Thức đứng bật dậy, bước ra khỏi cửa vũ trường trước sự ngạc nhiên của lão Đại Lợi.
Đặc biệt là trước khi đi, lão trung tá Thức đã kịp gọi tài pán vũ trường (người quản lý vũ nữ) tên Vân tới, nhét cho một cọc tiền và dặn nhỏ cô nàng là đem tiền này chia đều cho các vũ nữ đang nhảy ở vũ trường đêm ấy, mỗi người một phần, coi như món quà đặc biệt của ngài “quan năm” (cầu vai trung tá Thức có năm hoa mai bạc).
Việc vắng mặt đột ngột của hoa khôi vũ trường Cẩm Nhung đêm hôm đó, và sự rút lui sớm của lão trung tá Thức mặc dù rất kỳ lạ nhưng chỉ làm cho lão Đại Lợi khó hiểu chút ít.
Thế nhưng, phải đến 10 phút sau, khi lão trung tá Thức không còn trong vũ trường, lão Đại Lợi mới giật mình, buộc miệng kêu lên: “Nguy to rồi”. Điều mà lão gọi là nguy to này có nghĩa là lão đã hiểu lúc này lão trung tá Thức đi đâu?. “Thì ra… lão trung tá Thức biết con nhỏ Cẩm Nhung đang ở đâu”. Đó là ý nghĩ vừa lóe lên trong đầu của lão Đại Lợi. Lúc này, lão Đại Lợi tự trách mình để thua lão trung tá Thức một cách quá dễ dàng.
Sự vắng mặt của Cẩm Nhung đêm nay, biết đâu không phải là âm mưu của trung tá Thức. Thì ra tay võ biền này (ý nói trung tá Thức) coi vậy mà cao cơ, đã chơi khăm lão Đại Lợi một cú quá mạng. Nghĩ rằng lão trung tá Thức đang ở bên người đẹp, lão Đại Lợi liền cho gọi tài pán tới, rồi vừa nhét một xấp tiền, vừa hỏi như ra lệnh: “Em biết nhà Cẩm Nhung ở đâu không? Cho người này đưa tôi đến đó ngay!”.
Cuộc chiến bất phân thắng bại
Cô tài pán cầm xấp tiền dày cộm thì rất ham. Tuy nhiên, nhớ lại lần cầm tiền của lão trung tá Thức, cô tài pán liền đáp: “Dạ ! Nhà mới của Cẩm Nhung thì em không biết”. Chưa để cô tài pán nói hết câu, lão Đại Lợi nói như hét lên: “Vậy nhà cũ ở đâu? Cô chỉ cho tôi ngay hay cô muốn tôi phá cái vũ trường này!”.
Lần này cô tài pán sợ hãi nên nói ngay: “Em thề với anh mà. Nhã cũ nó thì em biết. Thế nhưng, em biết chắc là giờ này nó không có ở đó nữa. Bởi, cách đây gần một tuần, nó báo là mẹ con nó trả ngôi nhà nhỏ thuê ở Xóm Chiếu, quận 4, TP.HCM rồi chuyển tới một ngôi nhà khác mà em chưa được kể lại”.
Lão Đại Lợi không còn lạ gì ngôi nhà nhỏ bên Xóm Chiếu nữa. Bởi, đích thân lão đã hai lần dò theo xe xích lô của Cẩm Nhung, khi cô đi làm về. Tuy nhiên, lão Đại Lợi thất vọng cả hai lần khi gõ cửa ngôi nhà của Cẩm Nhung bước vào thì bị những người trong nhà xua đuổi. Họ quả quyết rằng trong nhà không có ai tên Cẩm Nhung cả.
Sau đó, chính lão Đại Lợi đã kiểm tra lại thì biết khu dân cư này không có hoa khôi nào mang tên Cẩm Nhung, làm vũ nữ tại vũ trường Kim Sơn cả. Do đó, khi nghe cô tài pán kể lại thông tin trên thì lão Đại Lợi càng thêm thất vọng.
  Vụ tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung: Cuộc chiến tìm... 'nữ chúa' (4) - Ảnh 2
Lão Đại Lợi đã hai lần dò theo xe xích lô của Cẩm Nhung để tìm địa chỉ. (Ảnh minh họa)
Sau đó, lão Đại Lợi quay sang hỏi thêm vài cô vũ nữ đồng nghiệp của Cẩm Nhung, cũng với xấp tiền nhét vào tay họ như lo lót, hối lộ. Lão Đại Lợi hỏi: “Em nào biết chỗ của Cẩm Nhung thì đi với anh. Anh bao trọn đêm nay cho các em, rồi còn quà cáp xứng đáng nữa. Miễn là các em chỉ co anh biết chỗ ở của Cẩm Nhung. Anh đến chỉ để thăm, chứ không có ăn thịt Cẩm Nhung đâu mà các em lo. Các em biết mà, anh thương con nhỏ đó lắm”.
Tuy bị những lời lẽ dụ dỗ cùng với những xấp tiền hấp dẫn, nhưng hầu như cô vũ nữ nào cũng đều lắc đầu từ chối.
Có cô còn nói thẳng: “Con nhỏ này sống kín đáo và hầu như không bao giờ cho ai biết cụ thể chỗ nó ở. Tụi em có nghe là nó chuyển nhà đi đâu đó. Tuy nhiên, địa chỉ chỗ ở này đến nay vẫn là một ẩn số”.
Khi biết mình không thể khai thác thêm thông tin gì về Cẩm Nhung, lão Đại Lợi đùng đùng rời khỏi vũ trường với lời đe dọa: “Tôi thương nó, muốn lo cho nó, giúp đỡ nó, nhưng nếu cứ bị kỳ đà cản mũi kiểu này, thì chẳng riêng gì nó phải coi chừng tôi, mà những ai dám cản mũi tôi cũng không tha”.
Mục đích của lão Đại Lợi khi tuyên bố những lời trên là cốt cho các vũ nữ và tài pán nghe thấy và sau này sẽ kể lại cho Cẩm Nhung.
Lúc đó, một vụ khách nam quen thuộc của vũ trường hàng đêm ghé vào tai tài pán Vân nói: “Thằng cha này tuy uy thế không dữ dằn bằng lão trung tá Thức. Tuy nhiên, thằng cha này có cái thế của đồng tiền, nhất là thế giới ngầm. Tôi nghe nói, Tổng thống (thuộc chế độ cũ tại miền Nam) chống lưng cho hắn. Do đó, cuộc đấu lần nữa giữa hai con mãnh hổ, chưa biết ai sẽ thắng”.
Sau đó, khoảng 15 phút, một người bảo vệ làm việc gần chục năm ở vũ trường liền gọi tài pán Vân ra ngoài rồi tiết lộ một tin: “Lúc nãy, lão trung tá Thức đột ngột rời khỏi đây, lão ta đã lên lên chiếc xe hơi riêng và tự lái xe. Trên xe của lão trung tá Thức không có tài xế riêng như mọi khi. Lúc đó, tôi thấy có hai người phụ nữ lớn tuổi cũng đột ngột xuất hiện bên ngoài vũ trường. Đồng thời, một trong hai người phụ nữ này nói gần như rít qua hàm răng: “Mình đã chậm hơn lão ta một bước rồi. Thiệt là tức chết đi mất…””.
Vẫn theo lời thuật lại của tay bảo vệ vũ trường Kim Sơn thì anh ta đã nhận ra người phụ nữ ăn mặc sang trọng ấy. Trước đó, người phụ nữ này liên tục xuất hiện bên ngoài vũ trường, mỗi khi lão trung tá Thức xuất hiện tại đây. Khi lão trung tá Thức đi khỏi thì người phụ nữ này cũng rơi đi. Người bảo vệ cho rằng người phụ nữ này là người có mối hệ rất thân thiết với lão trung tá Thức.
Nghe lời kể của người bảo vệ, tài pán Vân buộc miệng nói: “Tôi làm tài pán bao nhiêu năm, quản lý hàng trăm vũ nữ, từng chứng kiến nhiều vụ ghen tuông đụng độ, thậm chí có lần còn đổ máu, hay lột quần áo làm nhục nạn nhân. Tôi dự cảm xấu rằng, Cẩm Nhung sẽ gặp phải một cơn cuồng ghen thịnh nộ và điều đó sẽ sớm xảy ra”.
(Còn nữa...)
Nhà văn H.T.Đ.
   

Vụ tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung: Hé lộ âm mưu chính trị hiểm độc (5)

Vào cuối năm 1963, trong một dịp tình cờ, tác giả ngồi đối diện với một anh chàng tuổi chưa quá 30, nhưng nét mặt phong trần và bặm trợn tại một quán bia.

Cuộc gặp bất ngờ
Bằng kinh nghiệm của mình, tài pán Vân (người quản lý vũ nữ tại các vũ trường) đã linh tính một điều gì đó không hay sắp xảy ra cho bông hoa sáng rực của vũ trường Kim Sơn là Cẩm Nhung.
Chị ta đã nói rất nhanh viên tay bảo vệ vũ trường: “Anh cẩn thận với mấy con mụ đó. Thiệt ra, tui không bênh vực chuyện tình cảm riêng tư gì giữa Cẩm Nhung với mấy tay khách “đại gia” kia. Nhưng ở vũ trường này, công việc làm ăn ở đây là nồi cơm chung của chúng ta, trong đó có anh, tôi và mấy chục vũ nữ khác nữa, chứ không riêng gì Cẩm Nhung”.
  Vụ tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung: Hé lộ âm mưu chính trị hiểm độc (5) - Ảnh 1
Vụ án vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axit được báo chí Sài Gòn trước năm 1975 liên tục đăng tải.
Tay bảo vệ cũng nhận xét: “Xem ra những con “mảnh hổ” đói mồi này sẽ không để cho chúng ta yên đâu. Nói thiệt với cô, Cẩm Nhung làm ở đây chưa lâu, con bé cũng chẳng có họ hàng gì với mình, nhưng thấy tính tình, tui cũng thấy thương và tội nghiệp con nhỏ đó lắm…”.
Trước khi quay ra cổng làm nhiệm vụ, tay bảo vệ còn nói rất khẽ với tài – pán Vân: “Mới hôm qua, khi nghe tui than thằng con bị sốt nặng phải nằm một chỗ, Cẩm Nhung liền móc tui đưa cho tui 100 đồng để lo thuốc thang. Cầm tiền con nhỏ mà tui cảm động muốn khóc. Tui mong là sắp tới, Cẩm Nhung sẽ không gặp phải chuyện gì xấu…”.
Vào cuối năm 1963, trong một dịp tình cờ, tác giả ngồi đối diện với một nam thanh niên chưa quá 30 tuổi, nhưng nét mặt phong trần và bặm trợn tại một quán bia trong “khu dân sinh”.
Theo trí nhớ của tác giả, thời điểm này, có một khu vực rộng lớn được bao quanh bởi một phía là đường Borress (đường Ký Con ngày nay), một bên là đường Le Fèbvre (ngày nay là đường Nguyễn Công Trứ), bên trái là đường Phó Đức Chính ngày nay và đường Hamelin (sau đó đổi tên thành đường Hồ Văn Ngà, nay là đường Nguyễn Thái Bình).
Đây là nơi mà dân Sài Gòn và các tỉnh miền Nam đều biết tiếng. Đó là song bạc Kim Chung, là người anh em song sinh với sòng bạc Đại Thế Giới trong khu vực Chợ Lớn (thuộc quận 5 ngày nay).
Vào đầu những năm 1858, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm xóa sổ lực lượng Bình Xuyên, đồng thời lấy lại chính quyền từ tay người Pháp và chỉnh phủ Bảo Đại, đã tỏ ra không dung dưỡng những hình thức bài bạc, mại dâm. Cho nên, chế độ Ngô Đình Diệm đã ra lệnh xóa sổ hai sòng bạc này. Từ đó, Kim Chung đột nhiên trở thành khu vực “quán bia ôm khổng lồ”.
Từ một sòng bạc lúc nào cũng đông đảo người dân lui tới bất tận ngày đêm, nay tự dưng thành nơi tập trung tất cả các quán bia ôm Sài Gòn – Chợ Lớn. Điều này làm cả Sài Gòn thẫn thờ.
Theo nhà chức trách thời ấy, sở dĩ có cuộc tập trung lớp các quán bia ôm về một nơi như thế là để ngăn chặn không cho tệ nạn bia ôm tràn lan khắp hang cùng ngỏ hẻm Sài Gòn – Chợ Lớn.
Bởi vậy vào thời ấy, một người có tiền muốn uống một lúc năm bảy quán bia ôm, thậm chí cả chục quán, chỉ cần bước vào bốn cái cửa lúc nào cũng rộng mở của khu vực gọi là “khu dân sinh” này. Họ có thể uống ở quán bia đầu phía bên kia, ôm vài em. Rồi sau đó nửa tiếng, chuyển qua một quán bia khác và ôm vài em khác.
Và cứ như thế, nếu còn đủ khả năng tài chính, chỉ trong một buổi có thể uống được cả chục quán bia ôm khác nhau. Tác giả nhớ, “khu dân sinh” này có khoảng 200 quán bia, hoạt động từ lúc 10 sáng đến quá nửa đêm.
Nỗi day dứt của gã giang hồ
Có người còn ví rằng, nơi đây vừa là “thiên đàng” để cho dân chơi phiêu diêu trong niềm sung sướng, đồng thời cũng là “địa ngục” đốt tiền, đốt cả hạnh phúc gia đình. Bởi, ở đó tập trung cả năm bảy trăm, thậm chí cả hàng ngàn “con gà móng đỏ” với sự quyến rũ, thu hút đàn ông đến mê hồn.
Cho nên, chỉ sau khoảng 3 năm tồn tại thì dư luận xã hội đã rộ lên sự phê phán, chống đối rất dữ. Nhờ vậy, cái khu vực bia ôm “vĩ đại” ấy không tồn tại lâu. Sau này, “khu dân sinh” biến thành nơi kinh doanh quần áo cũ, đồ gia dụng…
Lại nói về anh chàng tướng tá bặm trợn mà tôi đã đề cập ở trên. Anh ta tên vốn có quen biết với tác giả. Biết tác giả là bạn của con trai lão Đại Lợi – đối thủ sừng sỏ của tay trung tá Trần Ngọc Thức trong vụ giành lấy tình cảm Cẩm Nhung – cho nên, hôm đó vừa hớp một ly bia do tác giả mời, tay này vừa lắc đầu, thở dài rồi nói ra một điều mà tác giả không ngờ tới:
“Chuyện đã xảy ra hơn 2 năm rồi. Tuy nhiên, đến hôm nay, tôi biết anh quen với con trai lão Đại Lợi, đồng thời đọc trên báo thấy anh theo rất sát vụ án tạt axit Cẩm Nhung. Do đó, tôi thấy cẩn phải kể lại cho anh nghe một chi tiết khá quan trọng, liên quan đến vụ án. Những chi tiết này đã ám ảnh tôi suốt thời gian qua. Nó không chỉ khiến tôi bàng hoàng mà còn đau xót. Qua cuộc trò chuyện này, tôi nghĩ anh sẽ biết thêm nhiều điều về cô vũ nữ Cẩm Nhung”.
Nghe anh ta nói, tác giả giật mình hỏi lại: “Anh muốn nói chuyện về vụ cô vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axit gần 2 năm trước phải không?”.
Vừa hỏi tới đó thì chợt nhớ ra, tác giả vội kêu lên: “Đúng là tôi hơi bị dở. Khi sự việc xảy ra vào năm 1961, thì đúng ra người đầu tiên tôi phải nghĩ tới là anh. Thế nhưng, chẳng hiểu sao tôi lại quen béng mất. Anh Mạnh…!”.
Chuyện xảy ra đã quá lâu rồi, hiện anh chàng này có thể đã không còn trên đời này nữa. Nhưng vì tôn trọng anh, tác giả đã đổi tên của anh, không gọi tên thật của anh cũng bắt đầu bằng chữ M. mà gọi anh là Mạnh.
Thật ra, tác giả có gọi anh là gì đi nữa thì khi nhắc tới anh, những người lớn tuổi biết chuyện thời đó, nếu còn sống đến bây giờ cũng sẽ nhận ra đó là tay giang hồ thứ thiệt gọi là M. “Cầu Muối” lừng danh một thuở.
Mạnh vừa hớp ngụm bia vừa kể: “Chuyện đã xảy ra rồi và hiện giờ cuộc đời của người con gái tội nghiệp, đáng thương tên Cẩm Nhung cũng đã rẽ sang một đoạn bi thảm khác rồi. Nhưng tôi thấy cần phải kể lại cho anh nghe chuyện tôi biết về ngày đó. Đến giờ, tôi vẫn còn ray rứt mãi trong lòng và tự trách mình là quá hèn nhát, không nói lên lời cảnh báo kịp thời, biết đâu đã cứu được cuộc đời một con người. Anh biết tôi từng là “bảo kê” của lão Đại Lợi chứ?”.
Tác giả nhớ lại và gật đầu đáp: “Tôi nhớ rồi. Đúng vào thời đó, anh là người đứng ra “bảo kê” cho toàn bộ những chuyến vận chuyển hải sản hằng đêm từ miền Tây về Sài Gòn của lão Đại Lợi. Bởi vậy thời đó, anh mới nổi danh với cái tên là M. “Cầu Muối”. Nhưng chuyện anh kể có liên quan đến lão Đại Lợi hay sao?”.
Anh ta gật đầu, giọng nhẹ hẳn đi. Tác giả cảm nhận được trong đó có sự hối tiếc: “Chuyện liên quan tới bà vợ của lão Đại Lợi thì đúng hơn. Chắc anh biết rõ trong vụ thảm án tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung năm 1961, hai nhân vật chính là phụ nữ đúng không?”.
Một lần nữa, tác giả gật đầu đáp: “Đúng, đó là hai phụ nữ. Người thứ nhất tất nhiên là bà vợ của viên trung tá Thức, người thứ hai là kẻ thủ ác gây án tên Chín Đen. Trước câu trả lời của tác giả, chợt Mạnh nói nhanh: “Nhưng vẫn còn người thứ ba!”.
Nhà văn H.T.Đ.
  

Vụ tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung: 'Hoạn thư'... đãi tiệc (6)

Mạnh đột ngột rót hết chai bia ra ly rồi ực một hơi trước khi nói: “Vẫn còn sót một người phụ nữ thứ 3 và đặc biệt còn sót một thằng nữa. Mà anh biết thằng đó là ai không?”.

Thủ phạm “hụt”
Tác giả tiếp tục nói với Mạnh: “Tôi nhớ sau khi vụ án tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung xảy ra, nhà chức trách đã bắt được thủ phạm chính gây án. Chưa hết, thủ phạm còn phải trả một cái giá rất đắt. Vụ án gây chấn động dư luận này đều được báo chí đăng tải đầy đủ. Đến bây giờ, nhà chức trách cũng không phát hiện thêm ai là tòng phạm cả. Anh biết rõ hai người còn sót này à?”. Thật bất ngờ, Mạnh đáp nhanh: “Người phụ nữ đồng thủ phạm thứ 3 mà tôi muốn nói ở đây chính là mụ vợ của lão Đại Lợi. Còn thằng đàn ông kia chính là tôi đây…!”.
  Vụ tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung: 'Hoạn thư'... đãi tiệc (6) - Ảnh 1
Nửa thế kỷ sau, báo chí vẫn còn nhắc lại vụ thảm án chấn động dư luận này.
Hơn 5 năm làm báo, đó là lần đầu tiên tác giả bất ngờ trước một sự thật của gã giang hồ đã từng biết tiếng nghe tên. Một lần nữa, tác giả nhìn Mạnh rồi hỏi với giọng nghiêm túc: “Anh nói thật chớ? Và tôi cũng xin nhắc lại với anh rằng, bản án dành cho các thủ phạm vụ tạt axit Cẩm Nhung đã được tuyên rồi. Tất cả những ai dính líu đều đang ở trong tù hết, kể cả tay trung tá Thức là đầu dây mối nhợ gây ra vụ thảm án cũng bị cho về hưu. Vậy anh có nghĩ tới tiết lộ của anh hôm nay, nếu lọt tới tai nhà chức trách thì họ có thể truy cứu anh trách nhiệm hình sự hay không?”.
Mạnh cầm chai bia thứ 2 rót đầy ly cối cho mình mà không cần bỏ thêm đá rồi tiếp tục ực mấy hơi liền. Anh ta cười khà khà, giọng cười đượm nhiều chua xót, nói nhanh: “Chính vì không bị trừng trị cho nên tôi ray rứt mãi. Bây giờ, tôi phải tự thú với một nhà báo như anh. Nếu như anh đưa câu chuyện tôi sắp kể lên mặt báo thì tôi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tôi tin anh sẽ không làm như vậy...”.
Tác giả vừa cười vừa nói để cho anh ta yên lòng: “Tôi cũng xin nói thật để anh yên tâm. Những vụ án xảy ra trước năm 1963 ở Sài Gòn đều đã bị vô hiệu hóa. Bởi, sự kiện chính trị nhóm các tướng lĩnh nhóm Dương Văn Minh đã lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Theo tôi, vụ án tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung đã đi vào dĩ vãng. Thậm chí, hung thủ trong vụ án vợ giết chồng là chủ tiệm giày Nam Việt chấn động Sài Gòn cũng được thả ra sau năm 1963”.
Mạnh cười một tràng rồi tiếp tục câu chuyện: “Nói vậy thôi chứ thằng Mạnh này giờ còn gì để mất nữa đâu mà sợ. Hôm nay, tôi kể cho anh nghe câu chuyện này là vì mục đích khác”. Anh ta lại tiếp tục uống một hơi nữa cạn ly cối bia rồi đột ngột hỏi: “Anh làm báo chắc biết nhà văn Bình Nguyên Lộc chớ? Sở dĩ tôi hỏi anh như vậy vì biết chắc anh không lạ gì người đồng nghiệp này. Và không lạ gì câu thơ của ông ta mà giới giang hồ chúng tôi vốn tâm đắc lâu nay. Tôi muốn nghe anh kể một hai giai thoại về nó rồi tôi sẽ kể cho anh nghe tiếp câu chuyện của tôi. Tôi tin câu chuyện của mình sẽ khiến anh phải sửng sốt”.
“Trai anh hùng, gái thuyền quyên”
Sau đó, anh ta đọc to lên câu thơ của nhà văn Bình Nguyên Lộc với khẩu khí của một tay giang hồ: “Khu Dân Sinh anh hùng thọ nạn/Xóm Sáu Lèo thục nữ quyết ra tay!”. Tác giả cảm khái theo cái cách cảm khái của anh ta nên vội cưa nửa ly bia rồi đáp: “Tôi cũng rất khoái hai câu thơ của nhà văn Bình Nguyên Lộc chép lại và đưa vào cuốn tiểu thuyết thời thượng của ông ấy thời đó. Hai câu thơ giang hồ thiệt hay, nói về một mối tình bi tráng trong giới giang hồ. Chàng thì hùng cứ khu Dân Sinh thời ấy, còn nàng thì hùng cứ một vùng đất gọi là xóm Sáu Lèo”.
Mạnh rất hứng thú với câu chuyện của tác giả nên lập tức kể tiếp: “Thời đó, đúng là tôi làm trùm ở khu vực Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh, mà trong đó gồm cả địa bàn khu Dân Sinh này. Tôi cũng có một cô người yêu bé bỏng, sinh sống ở một con hẻm trong xóm Sáu Lèo. Và hai câu thơ trên chính là viết cho chúng tôi. Tuy nhiên, chưa hết, hai câu thơ trên cũng liên quan đến câu chuyện bi thảm của vũ nữ Cẩm Nhung nữa”.
  Vụ tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung: 'Hoạn thư'... đãi tiệc (6) - Ảnh 2
Kế hoạch thực hiện vụ tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung được thực hiện tại miếu bà Thiên Hậu.
Quả là câu chuyện mở đầu đầy hấp dẫn của Mạnh. Để đầu óc thêm tỉnh táo, tác giả hớp thêm nửa ly bia rồi chăm chắm lắng nghe anh ta kể tiếp. Mạnh cho hay: “H. – người yêu tôi – là cháu của mụ Chín Đen, người đàn bà trực tiếp cầm lon axit tạt vào mặt vũ nữ Cẩm Nhung. H. vốn là cháu và cũng là đồng hương của mụ Chín Đen. Mụ đàn bà này quê ở làng Thoại Sơn, tức Núi Sập, tỉnh Long Xuyên thời ấy (tỉnh An Giang) bây giờ. Vô Sài Gòn, họ ngụ trong ngõ hẻm Nguyễn Văn Dụng. Ngõ hẻm này ăn thông từ đường Trần Hưng Đạo qua đường Bùi Viện. Thời ấy, ngõ hẻm này được dân Sài Gòn gọi với cái tên đặc trưng là xóm Sáu Lèo”.
Mạnh kể tiếp: “H. vốn là một cô gái dễ thương, hiền lành, chân chất, nhưng lại thương một thằng giang hồ dữ dằn như tôi. Chưa hết, cô ấy còn hết lòng thương tôi. Tôi nhớ, trong một lần tôi tham gia một vụ đâm chém đẫm máu và bị nhà chức trách truy bắt ráo riết. Vào thời điểm, nếu H. tiết lộ thông tin cho cảnh sát thì tôi đã tù mọt gông. Chưa hết, tội trạng của tôi còn nặng thêm. Bởi, tôi là một thằng lính chế độ cũ đào ngũ. Không chỉ không khai ra tôi mà H. còn cưu mang tôi trong những ngày lẩn trốn. Vì hành động này mà tên tuổi của H. được giới giang hồ Sài Gòn biết tới. Cũng chính vì hành động này mà xuất hiện hai câu thơ bất hủ trên”.
Tác giả bỗng buột miệng hỏi: “Có phải chính H. là người cứu anh thoát khỏi “kiếp nạn” liên quan đến vụ án tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung?”. Mạnh gật đầu đáp rất nhanh: “Đúng vậy ! Một lần nữa H. lại cứu tôi. Nói đúng hơn là H. đã khiến cho lương tâm của một thằng giang hồ chém giết không ghê tay đã tỉnh ngộ đúng lúc và không tham gia vào vụ án tạt axit đó”.
Mạnh tiếp lời: “Như anh biết rồi đó, H. ở chung nhà với mụ Chín Đen và chứng kiến từ đầu âm mưu hãm hại Cẩm Nhung của nhóm người vợ trung tá Thức… Hôm đó, bà vợ của lão Đại Lợi cho đàn em tới gặp tôi tại một ngôi miếu bà Thiên Hậu thuộc xóm Sáu Lèo. Trong cuộc hội ngộ ấy có mặt vợ trung tá Thức, mụ Chín Đen và cả mụ vợ lão Đại Lợi nữa. Chắc anh không ngạc nhiên điều này chớ?”.
Mạnh còn hé lộ thêm: “Cuộc hội ngộ ấy chính là cuộc họp bàn kế hoạch tiến hành vụ tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung. Điều mỉa mai nhất trên cõi đời này là khi tội ác chuẩn bị tiến hành, lại được bàn trước nơi có khói nhanh nghi ngút ở một ngôi miếu bà Thiên Hậu cực kỳ linh thiêng. Ngôi miếu này tuy nhỏ nhưng được cả người Việt và người Hoa tôn sung và khách viếng miếu lễ bái lúc nào cũng đông. Và sau cuộc hội ngộ ấy, chỉ vài tiếng sau, mụ Chín Đen đã thực hiện thành công vụ tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung. Vụ án đã khiến cả Sài Gòn rúng động”.
Nhà văn H.T.Đ.
                             

Vụ tạt axít ca sĩ Cẩm Nhung: Nước mắt giang hồ tiết lộ bí ẩn (7)

Lần gặp tiếp theo này, Mạnh hẹn tác giả tới quán Biên Thùy. Khi tác giả đến nơi đã thấy Mạnh tới trước, đang ngồi bên dĩa đầu cá lóc hấp nghi ngút khói. Điều này khiến cho tác giả hơi bất ngờ.

Giọt nước mắt đàn ông
Vào thập niên 60 và cho đến sau này, ở khu chợ cá Cầu Ông Lãnh có một quán đặc sản mà hầu như người dân Sài Gòn nào cũng biết. Đó được gọi với cái tên dễ nhớ là quán Biên Thùy.
Sở dĩ nó được đặt tên này, bởi khu vực chợ cá Cầu Ông Lãnh nằm dọc theo đường Bến Chương Dương từ gần cầu Calmettre ngày nay chạy dài tới chân Cầu Ông Lãnh khi cầu chưa làm mới như bây giờ.
Đó là khu chợ cá đồng và hoa quả nổi tiếng lớn nhất Sài Gòn. Hằng đêm, hàng trăm xe cá từ các tỉnh miền Tây lũ lượt chở những con cá đồng đặc sản của vùng sông nước miền Tây về đây.
  Vụ tạt axít ca sĩ Cẩm Nhung: Nước mắt giang hồ tiết lộ bí ẩn (7) - Ảnh 1
Khu vực quán Biên Thùy.
Tận dụng đặc điểm này nên một tay giỏi kinh doanh đã mở một quán ăn đặc sản nằm trong một con hẻm nhỏ sát bên đầu chợ cá xuống giáp tận mé sông Bến Nghé, chuyên kinh doanh cá lóc nướng và cá lóc hấp.
Cái tên quán Biên Thùy ý giới thiệu rằng vùng vựa cá này chẳng khác nào một cái biên thùy tiếp giáp giữa thành phố với vùng biên viễn Tây Nam Bộ xa xôi. Quán không sang trọng chỉ là một dãy nhà tôn lụp xụp nằm bên bờ sông có phần xập xệ và luộm thuộm nhưng rất đông khách.
Bởi một đặc điểm, đây là nơi duy nhất của Sài Gòn có món ăn chế biến từ con cá lóc tươi mới chở lên từ miền Tây. Với con cá lóc được nướng trui theo kiểu miền Tây hay được cắt riêng phần đầu để hấp – vốn là món ăn khoái khẩu của dân nhậu – quán là nơi quyến rũ thực khách mạnh mẽ.
Quán kinh doanh phục vụ dân ăn đêm ở Sài Gòn nên bắt đầu mở cửa vào lúc ba bốn giờ chiều cho tới sáng. Chữ “Biên Thùy” ở đây có nghĩa là ranh giới giữa ngày và đêm bị sang bằng bởi một món ăn đủ sức hấp dẫn dân chơi Sài Gòn.
Tác giả tới, chưa kịp yên vị, Mạnh đã chủ động đưa hai ly rượu rót sẵn lên, anh ta một ly, tác giả một ly và nói cộc lốc chỉ một chữ: “Uống!”. Lối nói chuyện cục ngủn đó, tác giả đã quen với anh chàng giang hồ cộm cán này. Đã qua vài lần tiếp xúc với anh ta, nhưng lần này, cái âm thanh khàn đục cộc lốc với chữ “uống” bỗng dưng khiến tác giả sững sờ. Sau tiếng nói khô khốc ấy, Mạnh bật khóc!.
Tác giả ngơ ngác nhìn sửng vào mặt anh ta để tìm hiểu tại sao anh ta có thái độ như vậy. Ngay lúc đó, có một người đàn ông trung niên dáng thấp đậm – lần đầu tiên gặp tác giả. Anh ta đứng phía trong quầy hàng của quán, chứng tỏ không phải là khách bên ngoài mới tới và lập tức anh ta xác định vị trí của mình bằng câu nói: “Tôi mở quán này ba, bốn năm nay rồi, nhưng chưa bao giờ thấy thằng này nó như vầy!”.
Rồi ông ta giải thích thêm để tác giả đỡ phải ngạc nhiên: “Mạnh với tôi là bạn và chúng tôi hiểu nhau như hai anh em ruột. Cả mấy tháng nay nó biến đi đâu mất. Vừa rồi, nó đột ngột xuất hiện và buộc tôi phải tìm cho một cái đầu cá loại ngon nhất, mà phải đúng là cá lóc đồng chớ cá bông nó không chịu. Nó nói với tôi rằng hôm nay nó cần đãi một người khách. Tôi hỏi nó có phải là khách quý, nó đáp rằng còn hơn là khách quý nữa. Tôi không ngờ nó lại chờ anh”.
Một gã giang hồ còn biết liêm sỉ
Có lẽ không muốn để cho người chủ quán nói thêm, Mạnh nốc một hơi đánh trốc một cái cạn ly rượu đế, rồi tự tay mình rót tiếp ly thứ hai. Anh ta nói qua màng nước mắt với tác giả: “Tôi muốn mời anh uống với tôi hôm nay đủ ba ly. Chỉ ba ly thôi rồi anh em mình chia tay sau khi ăn cho hết cái đầu cá ngon nhất này. Tôi không biết anh đã ăn cơm chưa, hay có thích thú với món đầu cá hấp ở quán Biên Thùy này hay không, nhưng tôi vẫn muốn anh hãy chiều tôi như lời tôi vừa mời. Nào anh vô ly thứ nhất đi còn tôi thì ly thứ hai”.
Tác giả đành phải đưa ly rượu đế lên miệng nốc cạn một hơi giống như anh ta. Mặc dù khả năng uống rượu đế của tác giả không thể nào sánh được với một tay giang hồ cộm cán như Mạnh.
  Vụ tạt axít ca sĩ Cẩm Nhung: Nước mắt giang hồ tiết lộ bí ẩn (7) - Ảnh 2
Khu vực chợ cá Cầu Ông Lãnh.
Tuy vậy, khi nghe tác giả đánh trốc một cái cạn ly rượu thì Mạnh kích động thốt lên với giọng vẫn chưa ráo nước mắt.
“Đây là những giọt nước mắt đầu tiên và cũng là những giọt cuối cùng của tôi. Mặc dù là thằng giang hồ bị đời lên án lâu nay, nhưng tôi vẫn tự hào mình là thằng giang hồ còn biết liêm sỉ! Anh là ký giả, tức là người khác giới với tôi, hiểu biết hơn tôi, vậy mà chấp nhận cuộc hẹn với tôi rồi lại còn uống với tôi ly rượu như thế này nữa, vậy thì tôi mãn nguyện lắm rồi. Tôi nghĩ rằng đời giang hồ của mình trước khi chấm dứt ít ra vẫn còn cảm nhận được đời mình vẫn chưa đến nỗi bỏ đi…”.
Thấy anh ta cứ nói lòng vòng mãi mà chưa vô chủ đề chính, nên dẫu đang bị mùi thơm của cái đầu cá lóc hấp lôi cuốn, quyến rũ nhưng tác giả vẫn chưa động đũa. Bất ngờ Mạnh đi thẳng vào đề: “Những điều tôi nói với anh hôm trước có liên quan tới vũ nữ Cẩm Nhung, đến hôm nay anh còn có muốn nghe nữa không. Nếu muốn thì trước khi uống nốt ly rượu thứ ba tôi sẽ nói cho anh nghe”.
Dĩ nhiên là tác giả rất muốn nghe điều đó. Bởi từ khi xảy ra vụ đại án gây chấn động cả Sài Gòn, thì không ngày nào tác giả không muốn lục tung hết mọi ngõ ngách, mọi đầu dây mối nhợ để mong muốn tìm được dấu vết gì đó của câu chuyện đầy thương tâm và nước mắt liên quan tới cô vũ nữ xinh đẹp này.
Tác giả nhanh nhẹn gật đầu giọng nghiêm túc: “Nếu anh vẫn còn coi tôi là bạn, thì tôi muốn được nghe chính miệng anh kể câu chuyện đó. Bởi tôi nghĩ rằng, anh là người có đủ tư cách để cho tôi biết thêm những gì mà mấy tháng nay dư luận và báo chí Sài Gòn đã bàn tán nát nước hết, nhưng vẫn có vài điều còn là nghi vấn, bí ẩn…”.
Mạnh cầm đôi đũa của tác giả gắp một miếng cá hấp lớn cho vào chén rồi nói: “Trong con cá lóc, cái đầu với bộ ruột đính kèm theo là phần ngon nhất phải không anh? Hôm nay, tôi mời anh đúng cái phần ngon này để cho anh thấy, mặc dầu đã được đánh vảy, chặt tỉa gọn gang, nhưng nó vẫn còn toát lên nguyên vẹn vẻ đẹp và hấp dẫn của con cá lóc đồng, đúng không?”.
Bất ngờ nghe anh chàng triết lý, tác giả bật cười khan, rồi gật đầu đáp: “Anh nói hoàn toàn đúng, phần này đúng là phần ngon nhất cuả con cá và cũng là phần đẹp nhất nữa. Đặc biệt là hai cái má trắng phau cũng như cái trùm ruột dính theo mà anh vừa gắp cho tôi, thì đúng không có phần nào khác trong cơ thể nó so sánh bằng!”.
Rồi thật bất ngờ giọng của Mạnh khan đặc nhưng đầy chua chát nói một câu khiến tác giả kinh ngạc: “Vậy mà họ đã đang tâm hủy hoại nó một cách không thương tiếc. Anh hiểu ý tôi nói gì không vậy?”.
Lần đầu tiên, nghe anh chàng giang hồ hỏi mắc, tác giả kinh ngạc, giương mắt nhìn anh ta chưa kịp hỏi thì Mạnh đã chuẩn bị câu trả lời, vụt nói ngay: “Tôi muốn kể cho anh nghe chuyện người ta chuẩn bị để hủy hoại cái phần đẹp nhất trên cơ thể một sinh vật như thế nào. Khuôn mặc với đôi má căng tròn, hồng phấn, cặp mắt long lanh, đôi môi hình trái đào quyến rũ mà tôi vừa mạn phép tả kia chính là khuôn mặt của người con gái mang tên Cẩm Nhung”.
(Còn nữa...)
Nhà văn H.T.Đ.
 

Vụ tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung: 1 lượng vàng cho 30 giây tội ác (8)

Cho đến lúc này thì tác giả hiểu anh ta đang muốn nói gì nên vụt đáp: “Anh muốn nói tới vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị hủy hoại nhan sắc?”. Một lần nữa Mạnh bật lên tiếng khóc.

Anh ta lần thứ ba đánh trốc một cái cạn ly rượu đế, rồi gục hẳn trên bàn, đôi vai run run, giọng khan đặc. Lúc đó, tác giả nghĩ, có lẽ nước mắt đang chặn ngang cổ họng anh ta.
Một lượng vàng để hủy hoại một nhan sắc
Mạnh kể với tác giả: “Đêm hôm đó, tôi được cả hai mụ đàn bà nhiều tiền của và thế lực nhờ làm một việc như những gì tôi mô tả lại. Tôi từng nói với anh rằng, tôi cặp bồ với cháu gái của mụ Chín Đen, cũng như tôi từng là “đệ tử ruột” của lão Đại Lợi.
Từ đầu mối đó, tôi quen được với mụ vợ tay trung tá Trần Trọng Thức. Trước đêm định mệnh đó, hai người đàn bà này đã gặp trực tiếp tôi, nhân danh điều mà họ gọi là “bảo vệ hạnh phúc gia đình” đưa cho tôi một lượng vàng, yêu cầu tôi làm đúng một việc mà theo họ thì tôi thừa sức làm trong 30 giây. Đó là hủy hoại nhan sắc của Cẩm Nhung…”.
  Vụ tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung: 1 lượng vàng cho 30 giây tội ác (8) - Ảnh 1
Khuôn mặt xinh đẹp của vũ nữ Cẩm Nhung bị hủy hoại bằng axít.
Mạnh tiếp tục kể: “Anh biết rồi đó, tôi là một thằng giang hồ, tay đã từng nhuốm máu, đã từng không từ chối bất cứ cuộc đâm thuê, chém mướn nào. Thế nhưng, không hiểu vì sao lúc đó tôi lại thẳng thừng từ chối. Mặc dù vậy, tôi rất ân hận và cảm thấy bản thân mình thật hèn hạ. Phải chi tối hôm đó, tôi dũng cảm ngăn chặn âm mưu tội ác của họ một cách quyết liệt và dứt khoát, chứ không lẳng lặng bỏ đi, mặc cho tội ác xảy đến…”.
Khi kể đến đây, Mạnh đã uống xong ly rượu đế thứ ba. Nhưng bất ngờ, Mạnh đứng dậy chìa tay ra cho tôi bắt rồi nói một cách dứt khoát: “Tôi đã nói hết rồi. Cuộc lánh mặt, trốn tránh của tôi cũng coi như là chấm dứt từ ngày hôm nay. Tôi đã nhẹ hẳn lương tâm khi trút bỏ nó ra được với anh, một nhà báo đã theo sát sao vụ thảm án của cô vũ nữ Cẩm Nhung từ lâu nay. Tôi chỉ xin anh từ nay nếu có nhắc tới Mạnh “cầu muối” này thì cũng xin cho nó nửa câu”.
Là thằng giang hồ không chừa bất cứ tội ác nào, nhưng riêng vụ Cẩm Nhung thì hắn không nhúng tay nhưng vẫn nhận được tiền công. Điều duy nhất khiến hắn ân hận là đã hèn nhát, không đủ dũng khí để ngăn chặn một âm mưu tội ác đã biết từ trước. Hai người đàn bà nhiều tiền của và quyền lực kia đã nhân danh một thứ, thật ra là ngụy biện, đó là hạnh phúc gia đình họ, để hủy diệt đối thủ mà họ cho rằng có khả năng khiến họ mất hạnh phúc.
“Tôi nói thiệt với anh, tôi nhổ nước bọt vào họ, tôi coi khinh họ. Vào lúc này đây, tôi sẽ nhổ nước bọt vừa nói thẳng rằng lũ đó là đồ đạo đức giả. Họ chính là những tên đồ tể nhân danh điều tốt đẹp để hành động. Tôi cảm ơn anh và coi như từ nay thằng Mạnh “cầu muối” này vĩnh viễn bị xóa sổ…”, Mạnh nói thêm.
Tác giả thừ người ra trước những câu nói của anh chàng. Quả thật lúc đó, tác giả hơi bị chậm, không kịp phản ứng gì, trước khi Mạnh biết mất hỏi con hẻm phía sau vựa cá Cầu Ông Lãnh. Sài Gòn về khuya lạnh và vắng. Nhưng khi tác giả đi bộ theo cái bóng liêu xiêu của Mạnh phía trước thì cảm nhận được rằng: “Sài Gòn lúc nào cũng đầy ánh sáng, nhiều màu sắc. Nhưng nó vẫn thiếu một chút ánh sáng của sự bình yên…”.
Tác giả trở lại con đường lúc chiều đã ngồi xích lô để đến chỗ hẹn với Mạnh, từ từ qua mấy con đường vắng nữa, rồi như vô thức, tác giả bước chậm qua một con phố quen thuộc, đường Cô Bắc.
Tội ác “trời không dung, đất không tha”
Con đường nhỏ này nằm sát bên hông chợ Cầu Muối và chạy thẳng tới đầu kia, mà từ khi đặt chân lên đất Sài Gòn, ngày nào tác giả cũng đi bộ mấy lượt. Đường Cô Bắc thời Pháp được mọi người biết đến với cái tên Dumortier. Con đường này từ hơn nữa năm nay luôn luôn được báo chí nhắc tới bởi nó liên quan tới vụ án tạt axít vũ nữ Cẩm Nhung.
Nửa giờ sau, tôi rẽ sang một con đường nhỏ khác mang tên Nguyễn Khắc Nhu, con đường này trước kia cũng mang một cái tên Tây như hầu hết các con đường Sài Gòn xưa. Tôi nhìn ra dòng chữ bằng đèn neon đang chớp tắt phía bên kia đường Galliéni – Trần Hưng Đạo.
  Vụ tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung: 1 lượng vàng cho 30 giây tội ác (8) - Ảnh 2
Hình ảnh một bài báo về vụ án tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung.
Cái bảng chữ neon ấy nổi bật rõ ràng dòng chữ lớn Indocomptoire, là tên một hãng buôn cỡ bự, chuyên nhập khẩu phụ tùng xe ô tô và xe máy của một nhà tỷ phú từng được ca tụng là đã làm giàu từ cái nghề ngồi sửa xe đạp bên vệ đường, đó là ông Nguyễn Thành Niệm.
Tác giả đi hết đường Nguyễn Khắc Nhu thì quẹo phải. Hình như theo quán tính, tác giả dừng lại ngay đầu một con hẻm nhỏ, bên cạnh một ngôi nhà khá lớn nằm khuất sau những cây cổ thụ, mà ai cũng biết đó là Dancing Auchalet (sau này từng có thời là trạm xăng Thiên Tân). Và tác giả giật mình, đúng là nơi đây rồi, nơi cô vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axit gục ngã!.
Sở dĩ tác giả phải nói dông dài như vậy là bởi tác giả muốn cho mọi người thấy toàn bộ bối cảnh trước khi thảm án xảy ra. Khiến cho một cô gái đang ở tuổi thanh xuân bị hủy hoại đi phần đời hoa mộng của mình. Và kể từ đó, chúng ta thấy rằng trên đời này không phải những gì nhân danh cho sự tốt đẹp, cho đạo đức hay hạnh phúc cũng là đều chân lý. Tác giả là người sống cùng thời với vũ nữ Cẩm Nhung.
Ngày đó, tuy cũng đôi lần bước chân vào các vũ trường, đặc biệt là vũ trường Kim Sơn nơi Cẩm Nhung hành nghề, nhưng chưa một lần nào có chút gì đó dính dáng, dẫu sơ giao với cô vũ nữ tài sắc ấy. Nhưng sau hơn nữa thế kỷ, tác giả vẫn nhất định cho rằng, hành động trả thù dã man với một cô gái chân yếu tay mềm của những người kia là tội ác “trời không dung, đất không tha!”.
Có thể khi tác giả nói ra điều này, sẽ có rất nhiều người, đặc biệt là quý bà, quý cô có chồng “đào hoa” sẽ chửi vào mặt cho rằng: “Tác giả là kẻ rỗi hơi đi bên vực hạng đàn bà chuyên phá hoại hạnh phúc gia đình người khác”.
Nhưng dẫu có bị phanh thây, tác giả vẫn đứng về phía nạn nhân Cẩm Nhung. Bởi hơn ai hết, tác giả hiểu rất cặn kẽ, sâu xa hoàn cảnh sống của cô ấy. Cũng như qua hơn nửa thế kỷ hành nghề viết lách của mình, tác giả đã thấm thía một điều rằng: “Khi nhân danh hạnh phúc để hủy hoại mạng sống của người khác thì mình cũng sẽ không bao giờ nắm giữ được hạnh phúc ấy”.
Tác giả đã sống ở Sài Gòn hơn nửa thế kỷ rồi, đã chứng kiến phút giây kinh hoàng của cái đêm mà “nếu không có nó trên cõi đời này thì tốt hơn”- đêm 18/7/1961.
Đêm ấy, có một người gục xuống trước đầu con hẻm nhỏ dẫn vào ngôi nhà bé nhỏ của mình đối diện con hẻm nổi tiếng Nguyễn Văn Dụng (nằm cạnh hãng đúc Nguyễn Văn Dung) dẫn tới cái xóm cũng nổi tiếng không kém, đó là xóm Sáu Lèo. Cái đêm kinh hoàng mà mãi hơn nửa thế kỷ sau, dẫu đã từng chứng kiến thêm bao nhiêu điều ghê rợn khác, tác giả vẫn không thể nào quên được.
Hồi đó, căn nhà tác giả ở trọ ăn thông qua hẻm Nguyễn Văn Dụng, cách nơi xảy ra thảm án chỉ hơn 300m (hẻm 102 Arras tức Cống Quỳnh ngày nay), từ đó quẹo trái thì qua xóm Sáu Lèo, còn quẹo phải thì qua đúng chỗ vũ nữ Cẩm Nhung bị hạ gục bởi một lon axit do kẻ thủ ác chuẩn bị trước và đón lõng nạn nhân ở đó.
Đêm ấy, lúc 22h, cả xóm nhà tôi xôn xao hẳn lên, thiên hạ kéo nhau chạy rầm rập qua cây cầu ván gập ghềnh của khu xóm Sáu Lèo và tập trung đông nghẹt trước đầu hẻm, nơi vừa xảy ra thảm án.
(Còn nữa...)
Nhà văn H.T.Đ.
 

Vụ tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung: 'Đóa hồng'... bạc mệnh (9)

Đêm ấy, lúc 22h, cả xóm nhà tôi xôn xao hẳn lên, thiên hạ kéo nhau chạy rầm rập qua cây cầu ván gập ghềnh của khu xóm Sáu Lèo và tập trung đông nghẹt trước đầu hẻm, nơi vừa xảy ra thảm án.

Thảm án kinh hoàng
Những người chứng kiến bàng hoàng kể lại: “Cô gái ấy đi trên một chiếc taxi chạy từ hướng chợ Bến Thành rồi xe quẹo chữ U qua đầu đường Nguyễn Khắc Nhu, ngừng lại đúng con hẻm này. Cô nàng khoan thai bước xuống xe, đi vào ngôi nhà nhỏ của mình trong một con hẻm nhỏ. Con hẻm ấy ăn thông từ đường Trần Hưng Đạo qua đến đường Cô Bắc”.
  Vụ tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung: 'Đóa hồng'... bạc mệnh (9) - Ảnh 1
Thông tin về vụ tạt axit Cẩm Nhung được đăng tải trên trang nhất một tờ báo tại Sài Gòn xưa.
Những người dân này cho biết thêm: “Người ta đã kịp chở cô ấy đi rồi. Chúng tôi nghe nói đó là một cô vũ nữ đẹp mê hồn”. Người khác lại ngạc nhiên hỏi: “Nghe nói vụ tạt axit chỉ diễn ra trong vòng 30 giây mà thương tích vô cùng nặng?”. Trong khi đó, một người đạp xích lô thông tin: “Cái chất axit đó chỉ cần tạt vào mặt thôi thì coi như toi đời ! Nghe nói cô gái vũ nữ bị tình địch đánh ghen núp sẵn ở đầu hẻm. Khi cô ta vừa bước xuống xe thì bị kẻ thủ ác ra tay dã man. Khi tôi vừa đạp xe đến đây thì vừa lúc nghe nạn nhân hét lên một tiếng “trời ơi” rồi gục xuống”.
Vào thời khắc vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axit, tác giả là một trong hàng trăm người dân hiếu kỳ có mặt tại hiện trường. Đến sáng ngày hôm sau, tác giả và người dân Sài Gòn rúng động trước dòng tít trên trang nhất: “Một vũ nữ bị tạt axit cháy cả khuôn mặt!”. Thậm chí, có tờ báo còn đăng chi tiết hơn với hình ảnh và tên tuổi nạn nhân: “Nạn nhân bị tạt axit vào giữa đêm tại đường Trần Hưng Đạo. Danh tính nạn nhân là vũ nữ Cẩm Nhung”.
Tác giả phải công nhận rằng, báo chí thời đó rất nhanh nhạy trong việc tường thuật vụ án. Do đó, chỉ ngay sáng ngày hôm sau, các tờ báo đã tường thuật rất chi tiết về vụ tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung. Để bạn đọc hiểu rõ về bối cảnh của vụ án, tác giả xin lược lại chi tiết về vụ án tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung trên một tờ nhật báo lớn nhất thời điểm ấy: “Một vụ án chấn động vừa xảy ra đêm qua, ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Tại hiện trường, khi mọi người hay tin chạy tới thì nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, những dấu vết còn loang lổ trên nền xi măng của vỉ hè đối diện với hẻm Nguyễn Văn Dụng, gần hãng nhập cảng phụ tùng ô tô Indocomptoire (nay là rạp hát Trần Hưng Đạo). Sau khi vào cuộc điều tra, nhà chức trách xác định, vụ án xảy ra vào lúc 22h10 đêm 18/7/1961. Nạn nhân là cô vũ nữ tài sắc tên Cẩm Nhung. Thủ phạm gây ra vụ việc là phu nhân của sĩ quan ngụy và thương nhân cỡ lớn nào đó”.
Qua ngày hôm sau, các tờ báo tiếp tục đăng tải thông tin kỹ hơn về vụ án. Theo đó, nhà chức trách nhanh chóng lần ra được tung tích của thủ phạm. Người chủ mưu vụ triệt hạ dã man vũ nữ Cẩm Nhung là vợ một viên trung tá, nghe nói là chỉ huy phó ngành binh vận có tên là T.N.T. (sau đó báo chí công khai luôn tên là trung tá Trần Ngọc Thức). Cụ thể, vị phu nhân của trung tá Thức là bà Lâm Thị Nguyệt. Và còn nữa, qua khai thác bước đầu thì nhà chức trách đã nắm thêm một thông tin hết sức quan trọng, rằng ngoài kẻ chủ mưu nhưng không trực tiếp gây án là bà Nguyệt thì còn có một thủ phạm chính, tức là người cầm lon axit tạt vào người vũ Cẩm Nhung. Và chỉ trong 12 tiếng đồng hồ sau, nhà chức trách đã nắm được manh mối, đồng thời câu lưu thủ phạm. Đó chính là một nữ giang hồ tên Chín Đen. Thị này chính là người cầm lon axit tạt thẳng vào mặt Cẩm Nhung rồi chạy biến vào xóm Sáu Lèo.
Chân dung kẻ thủ ác
Sau đó, nhà chức trách không khó để tìm ra mụ giang hồ từng có nhiều thành tích bất hảo, có gốc gác ở một tỉnh miền Tây. Ngay lập tức, mụ Chín Đen bị bắt giữ. Bước đầu, thị đã thừa nhận toàn bộ hành vi tội ác. Đồng thời, thị cho biết để thực hiện vụ tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung, thị đã nhận tiền công là 2 lượng vàng.
Bên cạnh đó, báo chí còn đăng tải, bên cạnh hai thủ phạm vừa nêu, nhà chức trách còn đang truy lùng thêm vài đối tượng nữa để đưa ra pháp luật trừng trị. Sau khi đăng tải kỹ thông tin về hung thủ của vụ án, báo chí còn đăng các thông tin về vũ nữ Cẩm Nhung. Theo đó, cô vũ nữ xinh đẹp này sinh năm 1940. Đầu năm 1955, cô di cư từ ngoài Bắc vào sinh sống tại Sài Gòn. Hoàn cảnh gia đình của Cẩm Nhung khá nghèo. Từ khi vào Sài Gòn, Cẩm Nhung nổi tiếng bởi nhan sắc trời cho. Khi vào làm việc tại vũ trường Kim Sơn, Cẩm Nhung nhanh chóng trở thành vũ nữ đẹp nhất và là vì sao sáng nhất trong các vũ nữ tại Sài Gòn.
Cũng theo tường thuật của các báo thì nạn nhân sau khi vào bệnh viện Sài Gòn đã rơi vào trạng thái hoảng loạn và đau đớn tột cùng. Toàn bộ khuôn mặt đẹp như tiên nữ của cô nàng trước đó đã bị axit hủy hoại gần như toàn bộ. Chưa dừng lại đó, do axit ăn sâu vào da thịt nên những cơn đau đớn mà Cẩm Nhung phải chịu đựng là không thể tưởng tượng nổi. Theo đánh giá ban đầu của các bác sĩ thì tình trạng sức khỏe của Cẩm Nhung nguy kịch. Việc giữ được tính mạng đã khó, nói chi đến việc giữ được sắc đẹp cho cô vũ nữ này.
Tác giả nhớ rõ, thời điểm bấy giờ, người Sài Gòn từ già đến trẻ, từ phụ nữ đến đàn ông, từ bình dân cho đến tri thức… đều say sưa đọc các tin tức trên báo về vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axit. Báo chí Sài Gòn nhờ thông tin nóng sốt liên quan đến Cẩm Nhung mà bán như tôm tươi. Những hình ảnh thê thảm của nạn nhân đang nằm trong bệnh viện Sài Gòn được đăng tải đầy đủ. Đồng thời, các tờ báo còn đưa ảnh chân dung của hai thủ phạm chính, một là vợ viên trung tá Trần Ngọc Thức và ảnh của ác phụ Chín Đen.
Tác giả là người bị sốc khi độc tới chi tiết về mụ Chín Đen này. Bởi tác giả biết mụ ta quê ở Núi Sập (tỉnh Long Xuyên, nay là tỉnh An Giang). Người phụ nữ độc ác này cùng quê với tác giả. Thuở nhỏ khi ở quê, tác giả có biết và nghe nói về con người này. Mụ ta thời ấy không phải là kẻ ác, chỉ là người ít học. Thị làm đủ thứ nghề linh tinh, kể cả nghề chạy mối, chạy cò và thỉnh thoảng còn dính tới giới đỏ đen phức tạp nữa. Do đó, khi biết mụ Chín Đen là thủ phạm gây ra vụ tạt axit Cẩm Nhung thì những người đồng hương đều ngán ngẩm, trong đó có tác giả. Chính bà chị lớn của tác giả lúc ấy đang ở chung nhà, khi đọc những tin tức về mụ Chín Đen đã đưa ra kết luận: “Từ khi lên Sài Gòn sống bên xóm Sáu Lèo, mụ Chín Đen đã thay đổi bản chất con người lương thiện. Do đó, hầu như không có ai thích giao du với mụ ta. Bên cạnh đó, xóm Sáu Lèo tập trung những thành phần phức tạp. Với điều kiện sống như vậy thì không việc gì mà mụ ta không dám làm”.
Cũng qua vụ tạt axit Cẩm Nhung, báo chí mới khai thác sâu hơn về con người trung tá Thức. Tay đó vốn giữ chức vụ lớn trong một ngành được xem là béo bở của quân đội Sài Gòn thời ấy là ngành quân vận (sau này gọi là công binh). Có thể nói, đây là ngành mà người làm bên trong có thể tham ô tiền bạc rất nhiều. Từ khi giữ chức vụ trong hai ngành này, trung tá Thức tận dụng vơ vét tiền bạc để làm giàu bất chính. Do rủng rỉnh tiền bạc nên trung tá Thức thường xuyên lui tới các vũ trường nổi tiếng tại Sài Gòn, trong đó có vũ trường Kim Sơn. Đặc biệt, bên cạnh trung tá Thức luôn có hàng tá bồ nhí xinh đẹp là các vũ nữ đang làm việc tại các vũ trường. Với tiềm lực tài chính mạnh của mình, trung tá Thức nhiều lần tìm cách chinh phục Cẩm Nhung để cô nàng này đồng ý làm người tình. Tuy nhiên, “bông hoa” đẹp nhất vũ trường Sài Gòn không đồng ý, mà có né tránh.
Thời ấy, báo chí Sài Gòn còn đăng tải thông tin Cẩm Nhung chính là vợ bé của trung tá Thức. Chính điều này đã khiến cho vợ trung tá Thức nổi cơn cuồng ghen và lên kế hoạch vụ tạt axit kinh hoàng. Tuy nhiên, những thông tin này nhanh chóng được xua tan khi sự thật về nơi ở của Cẩm Nhung được tiết lộ. Theo đó, ngôi nhà mà Cẩm Nhung ở trong hẻm nhỏ xuyên từ đường Trần Hưng Đạo qua đường Cô Bắc không phải là ngôi nhà sang trọng do trung tá Thức mua tặng. Thực chất căn nhà đó chỉ là ngôi nhà thuê chưa đầy nửa năm khi chuyển từ khu phố nghèo bên quận 4 về. Liên quan đến vấn đề này, một tờ báo đã kết luận: “Tin đồn Cẩm Nhung là vợ bé của trung tá Thức là sai sự thật. Bởi, nếu Cẩm Nhung là vợ bé của trung tá Thức, người nổi tiếng giàu có thì không thể ở căn nhà tồi tang như vậy được”.
(Còn tiếp...)
Nhà văn H.T.Đ.

Vụ thảm án xảy ra quá nhanh, chỉ trong tích tắc đã làm rúng động cả Sài Gòn thời ấy.

Cái đêm kinh hoàng 18/7/1961 là đêm định mệnh giáng xuống cuộc đời một cô gái bé bỏng chỉ vì cơm áo gạo tiền mà vướng phải cái vòng oan nghiệt. Để rồi bị người ta gán cho tội giật chồng, phá hoại gia trang người khác…
Người dân chỉ trích hành động tạt a xít nhẫn tâm
Vụ tạt a xít Cẩm Nhung: Vì sao Trần Lệ Xuân không giữ lời hứa? (10) - Ảnh 1
Trần Lệ Xuân tuyên bố cứu Cẩm Nhung… nhưng rồi bỏ mặc.
Sau thảm án vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt a xít trước đầu con hẻm bên lề đường (Galiéni) Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM), người dân Sài Gòn mới biết được chân tướng sự việc.
Thật ra Cẩm Nhung không phải là một loại “quỷ cái” chuyên cướp chồng người khác và phá hoại hạnh phúc gia đình kẻ khác. Cẩm Nhung không phải là một cô gái đáng bị kêu “án tử” như những kẻ nhân danh bảo vệ hạnh phúc gia đình đã nghĩ trước đó.
Trong vụ thảm án này, tác giả nhớ thời ấy có mấy chục tờ nhật báo ở Sài Gòn đều đăng lại hình ảnh của Cẩm Nhung nằm đau đớn trên nền đất đầu con hẻm cùng với hình ảnh thảm hại của nạn nhân nằm trong bệnh viện Sài Gòn. Những hình ảnh ấy đã đánh động những con tim còn biết thổn thức của người dân Sài Gòn. Tác giả đã sống vào giây phút ấy và cảm nhận được tất cả mọi điều.
Thật ra, công bằng mà nói thì dư luận kết tội vũ nữ Cẩm Nhung chỉ có một số ít người mà thôi. Thậm chí, số người có chồng trăng hoa, không phải cũng đứng về phía những người nhân danh “bảo vệ hạnh phúc gia đình” để ra tay tàn độc kia.
Thật ra, khi hiểu rõ hơn về nội tình vụ án, ai cũng thấy rằng bản án mà người ta chụp lên đầu cô vũ nữ đáng thương ấy là quá nặng nề.
Nếu bảo rằng vũ nữ Cẩm Nhung dùng nhan sắc và lợi thế sắc đẹp của mình để quyến rũ viên trung tá lắm tiền nhiều của và quyền lực như trung tá Trần Trọng Thức thì một trăm phần trăm không đúng!
Bởi đơn giản là tài sản mà vũ nữ Cẩm Nhung có được trước khi bị hành hạ thảm khốc chỉ là một ngôi nhà thuê trong một con hẻm nhỏ chứ không phải là một ngôi biệt thự, hay là một căn phố lầu. Không lẽ Cẩm Nhung đêm cả cuộc đời con gái để chỉ đổi lấy một chút quyền lợi bọt bèo như thế thôi sao?
Vụ tạt a xít Cẩm Nhung: Vì sao Trần Lệ Xuân không giữ lời hứa? (10) - Ảnh 2
Vì khuôn mặt xinh đẹp của Cẩm Nhung đã khiến Trần Lệ Xuân động lòng.
Tác giả còn nhớ vào thời ấy, một số nhà báo tại Sài Gòn đã lên tiếng chỉ trích dữ dội hành động dã man kia. Chưa hết, có nhà báo còn định đứng ra vận động một cuộc trợ giúp cho cô vũ nữ đáng thương này.
Tất nhiên, tội ác dẫu được che đậy dưới bất cứ hình thức nào và dẫu cho thế lực của kẻ thủ ác có mạnh đến đâu cũng không thể lột lưới pháp luật. Cùng với làn sóng dư luận rộng rãi nhất loạt phản đối, nhà cầm quyền thời ấy buộc lòng phải nhanh chóng đưa ra một phán quyết không thể khác hơn: lập tức thủ phạm giật dây là vợ viên trung tá Thức đã bị câu lưu (bị bắt khẩn cấp – PV). Thủ phạm chính là mụ Chín Đen thì bị bắt và không thể nào chối cãi tội lỗi của mình.
sao Trần Lệ Xuân lên tiếng…
Mụ Chín Đen như tôi nói ở đoạn trước là một thành phần từng có nhiều thành tích bất hảo, vốn là di dân từ một xã nghèo của tỉnh Long Xuyên (sau này là tỉnh An Giang), có chồng là một cai thợ khai thác đá ở Núi Sập (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), vốn gốc là người Hoa, có cái tên nghe hiền thục là Cẩm Lình, mà theo nghĩa âm sang tiếng Việt là Cẩm Lành, tức là vừa đẹp vừa lành.
Nhà chức trách lúc bấy giờ cố khai thác xem mụ Chín Đen có thêm đồng phạm hay không? Tuy nhiên, nhà chức trách đã không thu được gì từ ả đàn bà độc ác này. Liên quan đến chuyện này, Mạnh “cầu muối” có thú nhận với tác giả: “Có lẽ mụ Chín Đen vì chút tình cảm nên đã không khai ra tôi. Kẻ ngay từ đầu được đề nghị là người cầm lon a xít để tạt vào người vũ nữ Cẩm Nhung”.
Chưa hết, riêng vợ lão Đại Lợi thì đã thoát tội một cách ngoạn mục. Qua theo dõi báo chí, tác giả được biết, người phụ nữ này thoát tội là nhờ lanh trí, không để dính quá sâu trong quá trình lên kế hoạch gây án. Có nghĩa là hành vi của mụ ta chỉ là đứng sau giật dây, làm quân sư.
Điều này cho thấy người phụ nữ này có mưu mô vô cùng hiểm độc. Do đã đoán biết được cớ sự ngày hôm nay nên mụ ta đã có hành động riêng của mình.
Ngoài thông tin trên, tác giả cũng thu được thông tin người phụ nữ này thoát tội là nhờ thế lực “ngầm” đứng sau Phủ Tổng thống của chế độ Sài Gòn. Thông tin này đúng hay sai, tác giả nghĩ giờ này cũng không còn ý nghĩa gì.
Vụ tạt a xít Cẩm Nhung: Vì sao Trần Lệ Xuân không giữ lời hứa? (10) - Ảnh 3
Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ đã khiến vụ án Cẩm Nhung rơi vào quên lãng.
Tuy nhiên, thời điểm ấy có một chi tiết phát sinh khiến vụ thảm án tạt a xít vũ nữ Cẩm Nhung tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận. Chi tiết phát sinh ấy chính là lời tuyên bố của Trần Lệ Xuân (phu nhân cố vấn Ngô Đình Nhu, em dâu Tổng thống đương nhiệm Ngô Đình Diệm).
Tác giả nhớ rất rõ, thời điểm xảy ra vụ án là thời điểm lãnh đạo của triều đại nhà Ngô tại Sài Gòn. Do đó, những gì liên quan đến triều đại “quyền lực” này đều thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, đặc biệt là báo chí.
Một tờ nhật báo lớn tại Sài Gòn thời ấy có thuật lại chi tiết này. Theo đó, trong khi vũ nữ Cẩm Nhung đang quằn quại đau đớn trên gường bệnh, bởi những vết thương do a xít gây án thì Trần Lệ Xuân bất ngờ tuyên bố: “Tôi nhân danh là người đứng đầu phong trào “Phụ nữ liên đới” tuyên bố với người dân Sài Gòn rằng sẽ đứng ra bảo vệ, đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của vũ nữ Cẩm Nhung, nạn nhân của một vụ đánh ghen kinh hoàng bằng a xít ”.
Bên cạnh đó, Trần Lệ Xuân sẽ tiến hành quyên góp tiền đưa Cẩm Nhung ra nước ngoài điều trị để khôi phục lại khuôn mặt xinh đẹp.
Sau lời tuyên bố khiến cả Sài Gòn rúng động, dư luận bắt đầu đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc người phụ nữ “quyền lực” của triều đại nhà Ngô này sẽ làm gì để giúp cho “đóa hồng” Cẩm Nhung vượt qua cơn hoạn nạn cùng cực này. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, người dân Sài Gòn hiểu ngay rằng lời tuyên bố của Trần Lệ Xuân chỉ là chiêu trò chính trị.
Bởi, thời ấy, bất kỳ người dân Sài Gòn nào cũng biết rõ chế độ Ngô Đình Diệm đang lung lay dữ dội và đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do triều đại nhà Ngô bị người dân chống đối dữ dội, sự chỉ trích của quốc tế về chính sách quản lý hà khắc và sự lật lọng đáng ghê tởm.
Thời ấy, rất nhiều người dân, đặc biệt là lớp tri thức đã lên tiếng chỉ trích những tuyên bố của Trần Lệ Xuân chỉ là chiêu bài chính trị. Mục đích nhằm vớt vát chút danh tiếng cho triều đại nhà Ngô. Bởi, nếu Trần Lệ Xuân với phong trào “phụ nữ liên đới” muốn cứu giúp Cẩm Nhung thì đã tích cực vào cuộc, chứ không phải tuyên bố rồi để đó.
Trong khi những lời tuyên bố của Trần Lệ Xuân vẫn còn khiến dư luận bàn tán xôn xao thì triều đại nhà Ngô xảy ra một biến cố chính trị. Theo đó, vào ngày 27/2/1962, hai viên phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử lái máy bay rồi thả bom xuống dinh Độc Lập.
Vụ ném bom khiến cho dinh Độc Lập sụp một bên và khiến cho bầu đoàn thê tử của triều đại nhà Ngô một phen hốt hoảng. Sau sự kiện chính trị này, Trần Lệ Xuân chính thức quên đi lời tuyên bố của mình về thảm án Cẩm Nhung.
Lúc này, Trần Lệ Xuân chỉ còn chú tâm vào việc làm sao giữ được triều đại nhà Ngô. Biết được sự thật này, người Sài Gòn đã thể hiện sự xót thương cho vũ nữ Cẩm Nhung, một cô gái nghèo chỉ biết mưu sinh lương thiện, kiếm tiền lo cho mẹ, lại nhận lấy một kết cục đau xót.
Và theo thời gian, người dân Sài Gòn quên đi vụ thảm án liên quan đến Cẩm Nhung. Để rồi gần hết năm 1962, báo chí Sài Gòn lại đăng tải thông tin vũ nữ Cẩm Nhung đã biến mất một cách bí ẩn…
Nhà văn H.T.Đ.
 

Vụ tạt a xít Cẩm Nhung: Kiếp má hồng và gương mặt 'quỷ' (11)

Vào thời điểm xảy ra vụ việc tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung, có một luật sư khá nổi tiếng tại Sài Gòn đứng ra bênh vực, quyết đòi lại sự công bằng.

  Vụ tạt a xít Cẩm Nhung: Kiếp má hồng và gương mặt 'quỷ' (11) - Ảnh 1
Vũ nữ Cẩm Nhung từng xuất hiện trên các đường phố Sài Gòn với thân phận ăn mày.
Người hành khất bí ẩn
Tác giả còn nhớ một số ký giả (nhà báo - PV) trẻ, độc thân trong nghiệp đoàn ký giả tại Sài Gòn đã thẳng thắn tuyên bố rằng: “Họ sẽ đứng ra vận động bảo trợ cho Cẩm Nhung, giúp cho quãng đời còn lại của cô ấy không bơ vơ vô định. Thậm chí, có người còn dám nói rằng sẵn sàng đứng ra làm chỗ dựa cuộc đời cho Cẩm Nhung”.
Mặc dù tuyên bố như vậy, nhưng khi Cẩm Nhung âm thầm rời bệnh viện. Ít ai gặp được và nhất là nhìn thấy gương mặt bị hủy hoại của cô ấy ra sao.
Họ chỉ nghe nói rằng, toàn bộ khuôn mặt đã bị biến dạng. Hầu như không ai có thể nhận ra đó là gương mặt của một con người, chứ đừng nói chi là của một người đẹp. Nó chẳng khác nào là gương mặt quỷ với đôi mắt tuy vẫn còn nhìn được nhưng nó ti hí và kèm nhem.
Thật ra, do bức xúc và thương cảm mà các ký giả mạnh miệng tuyên bố thế thôi. Chứ vào thời ấy, hầu hết họ chỉ có tiếng chứ không có miếng. Đa số là nghèo nếu không muốn nói là kiết xác. Cho nên vô tình chung, mấy lời tuyên bố trên đã bị một số người lên tiếng phản đối.
Họ cho rằng Cẩm Nhung đã khổ lắm rồi, đã xuống tới tận cùng địa ngục rồi. Vậy hãy để cho cô ấy yên, đừng tuyên bố ầm ĩ này nọ, rồi thực hiện không được. Những lời nói đó chỉ làm đau đớn thêm cho nạn nhân mà thôi.
Lúc này, người ta kêu gọi lòng từ tâm của các tổ chức từ thiện, nhà thờ, chùa chiền đưa tay bảo bọc lấy cuộc đời còn lại của cô ấy. Tuyệt nhiên không nghe ai nhắc lại lời tuyên bố “lo trọn gói” của bà Trần Lệ Xuân (phu nhân cố vấn Ngô Đình Nhu, em dâu Tổng thống đương nhiệm Ngô Đình Diệm) trước nữa. Bởi triều đại nhà Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu lúc ấy đã lung lay dữ dội.
Cả bầu đàn thê tử gia đình nhà Ngô phải dọn ra khỏi dinh Độc Lập, chuyển sang dinh Gia Long cư ngụ. Bà Trần lệ Xuân cũng không còn thời gian, tâm trí đâu để mà nghĩ đến lời tuyên bố của mình về vụ tạt a xít vũ nữ Cẩm Nhung. Vậy là bi kịch của cô vũ nữ Cẩm Nhung có thể coi là chính thức hạ màn.
Thời đó, tác giả là người được báo Thời cuộc, một tờ báo rất chịu lao vào những vụ chấn động xã hội như vụ Cẩm Nhung, đặc phái cho đi theo kiểu khơi lại vụ án khi biết Cẩm Nhung đã trốn bệnh viện âm thầm bước ra cái xã hội nhiều biến cố lúc ấy. Cho dù đã cố gắng hết sức, mất cả năm 1963, tác giả vẫn không thể biết thêm điều gì cụ thể về cô vũ nữ này.
Cho đến đầu năm 1964, thật bất ngờ, một hôm tác giả nhìn thấy phía trước chùa Xá Lợi, có một người hành khất ngồi lặng lẽ bên một cái xô bằng nhôm méo mó. Một người biết chuyện đã mách với tác giả, người phụ nữ ấy chính là nạn nhân bị tạt a xít - cô vũ nữ tài sắc Cẩm Nhung!
Tác giả không thể nào tin được điều họ nói. Bởi người hành khất đang ngồi co ro kia mặc bộ đồ đen bạc màu. Trên đầu chụp chiếc nón lá rách và ngồi khá lâu. Đặc biệt, người hành khất này hầu như không ngẩng lên để xin xỏ hay chờ đợi sự bố thí của thiên hạ.
Tác giả nghĩ rằng mình sẽ làm cái gì đó, ít ra là tiếp cận được con người này để viết một bài dài về thân phận một nạn nhân của tấn bi kịch. Sau đó, tác giả sẽ đưa lên báo và sẽ đánh động lại dư luận một thảm án đã qua nhằm cứu vớt một cuộc đời bất hạnh.
Tuy nhiên, mọi dự tính của tác giả đã không thành. Chưa đầy một tuần sau, khi tác giả trở lại chùa Xá Lợi thì đã không còn thấy bóng dáng người hành khất bí ẩn nữa.
Tấn trò đời chưa dứt
Những biến động chính trị ở miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn sau năm 1963 đã kéo theo nhiều sự kiện thay đổi. Trong đó có việc sau khi triều đại nhà Ngô bị lật đổ.
Đặc biệt, hung thủ liên quan đến vụ án tạt a xít Cẩm Nhung là mụ Chín Đen cũng được phóng thích ra khỏi nhà giam. Theo luật pháp thời ấy, đáng ra với mức án 10 năm, mụ ta phải ở tù cho đến năm 1971 mới mãn án.
Về phía vợ trung tá Thức cũng vậy, nghe nói mụ ta chỉ ở tù đúng hai năm. Sau đó, mụ ta được thả tự do và ung dung trở lại cuộc sống bình thường. Lúc đó, có tin đồn mụ ta đi tu để sám hối tội lỗi. Thế nhưng, thật ra mụ ta chỉ tung tin để xoa dịu dư luận. Chứ mụ ta có đi tu ngày nào đâu.
  Vụ tạt a xít Cẩm Nhung: Kiếp má hồng và gương mặt 'quỷ' (11) - Ảnh 2
Triều đại nhà Ngô sụp đổ khiến bà Trần Lệ Xuân quên đi lời hứa của mình với Cẩm Nhung.
Tấn thảm kịch của vũ nữ Cẩm Nhung tưởng như tới đây là khép lại, sẽ đi vào quên lãng. Nhưng thật bất ngờ, vào đầu năm 1964, ở Sài Gòn xuất hiện một thẩm mỹ viện. Vừa ra đời đã nổi đình nổi đám. Bởi đó là thẩm mỹ viện lớn nhất nhì Sài Gòn thời ấy.
Bất ngờ hơn, chủ nhân của nó chính là phu nhân của trung tá Trần Ngọc Thức, kẻ chủ mưu tạt a xít vũ nữ Cẩm Nhung.
Ngày ấy, một ký giả lớn tuổi làm cùng với tác giả trong tòa soạn nhật báo Thời cuộc vừa lắc đầu vừa mỉa mai nói: “Đời nó khốn nạn vậy đó! Thủ phạm hủy hoại nhan sắc của người khác, biến người khác thành ác quỷ, lê lết kiếp ăn mày, lại là người trở thành chủ nhân của một viện sửa sắc đẹp bậc nhất xứ này. Còn đau đớn, mỉa mai nào lớn hơn không…”.
Ngày đó, tác giả có viết một bài báo nêu lên quan điểm: “Tại sao không bắt con người gây nên tội ác kia phải đưa vũ nữ Cẩm Nhung vào chính cái viện sửa sắc đẹp của mụ ta, để buộc mụ ta phải phục hồi nhan sắc cho cô vũ nữ?”. Nhiều người đồng tình với tác giả chuyện ấy. Nhưng đồng tình là một việc, bức xúc là một việc, còn thực tế thì làm sao tác giả có thể làm được theo ý mình.
Đời nào người gây ra tấn bi kịch và tấn trò đời mỉa mai ấy chịu nhận trách nhiệm lần nữa. Trong khi đó, cô vũ nữ Cẩm Nhung cũng bắt đầu xuất hiện trên các đường phố Sài Gòn với thân phận ăn mày. Thậm chí, vào cuối những năm của thập niên 60, tác giả và mọi người còn nhìn thấy Cẩm Nhung ngồi lặng lẽ xin ăn trên các bến phà về miền Tây.
Giây phút ấy, máu nghĩa hiệp, máu giang hồ của tác giả trỗi lên và muốn chạy đi tìm ngay Mạnh Cầu Muối (nhân vật đã xuất hiện trong các kỳ báo trước – PV) để nhờ anh ta cõng con người hành khất kia chạy bay về giao cho mụ vợ trung tá Thức đang ở trong “cung điện” thẩm mỹ của mình và bắt buộc bà ta phải đền bù tương xứng.
Tuy nhiên, cuối cùng tác giả cũng đành bất lực nuốt nước mắt vào trong. Khi nhìn thấy tấm ảnh phóng to lộng khung kính hẳn hoi, chân dung của Cẩm Nhung và viên trung tá đào hoa Trần Ngọc Thức mà người hành khất đang đeo trên ngực, tác giả muốn lao ngay tới, giật phăng bức ảnh ném xuống sông mới hả!
Tiếng hát xót xa gửi cuộc đời
Ngày đó, tác giả đã bật khóc khi đứng trên phà Mỹ Thuận nhìn xuống mỏ bàn phà. Nơi đó có người phụ nữ ăn xin với khuôn mặt bị tàn phá chẳng còn ra hình hài, ngồi dưới cơn mưa lất phất. Bất chợt, người ấy cất lên tiếng hát mà cho dẫu ai có lòng gan dạ sắt cũng phải bật khóc. Trong khi đó, ở một nơi cách hơn trăm cây số, tại một thẩm mỹ viện, chính thủ phạm gây ra thảm cảnh đang ung dung tự tại mỗi ngày mở hầu bao thu tiền.
(Còn nữa...)
Nhà văn H.T.Đ.
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét