ĐỊA LINHNHÂN KIỆT 91
Truyền kỳ về Đào Duy Từ: Mưu thần lỗi lạc gây dựng cơ đồ cho nhà Nguyễn (kỳ 1)
Kỳ 1: Thời thế tạo anh hùng, tôi tài tìm chúa giỏi
Nhà Nguyễn (1802 – 1945) truyền
được 13 đời vua, tổng cộng 143 năm. Nhưng cái mốc cơ nghiệp của họ
Nguyễn phải kể từ đầu thế kỷ 17 khi các chúa Nguyễn hùng cứ ở đất Thuận
Quảng. Và người mở mang cơ nghiệp ấy cho các vua chúa Nguyễn là một bộ
óc vĩ đại xuất thân từ tầng lớp bình dân: Đào Duy Từ.
Thuở thiếu thời lận đận
Đào Duy Từ (1572 – 1634), hiệu là Lộc
Khê, quê gốc ở phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoa (nay là huyện Tĩnh Gia, Thanh
Hóa). Ông có cha là Đào Tá Hán, làm cấm vệ trong triều. Tá Hán chẳng may
mạo phạm chúa Trịnh nên bị đuổi khỏi cung, phải về quê mưu sinh bằng
nghề xướng ca.
Cha mất sớm, dù phải chịu cảnh mẹ góa
con côi nhưng Đào Duy Từ rất hiếu học, thông minh và tỏ ra là một người
có chí lớn. Trong khoa thi Hương 1593 đời vua Lê Thế Tông (1567 – 1584),
Đào Duy Từ đỗ giải Á nguyên lúc mới tròn 21 tuổi.
Đến kỳ thi Hội, bài luận của Đào Duy Từ
rất xuất sắc. Ngay cả các quan giám khảo trường thi cũng gật gù khen
ngợi. Thế nhưng chẳng may có người phát hiện ra Đào Duy Từ là con phường
chèo, dạng “xướng ca vô loài” vốn rất bị kỳ thị thời ấy. Ông bị lột mũ
áo, tước luôn giải Á nguyên rồi bị hạ ngục tống giam.
Vào nam tìm minh chủ
Đào Duy Từ sinh ra trong một thời đại
đầy biến động. Cùng một lúc trên dải đất hình chữ S khi ấy có tới 4 tập
đoàn chính trị chia nhau cát cứ. Đất Bắc Hà có nhà Hậu Lê, chúa Trịnh
cùng nhau trị vì (thực tế chúa Trịnh luôn át quyền). Vùng núi non hiểm
trở Cao Bằng là đất đóng quân của nhà Mạc. Còn ở Đàng Trong, vùng Thuận
Hóa (vùng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay) là nơi chúa Nguyễn gây
dựng nền móng.
Không được trọng dụng ở phương bắc, Đào
Duy Từ đã sớm nghĩ đến việc vào nam nương nhờ chúa Nguyễn. Một lần,
trong khi đàm đạo với bằng hữu, Đào Duy Từ bộc bạch: “Tôi nghe chúa
Nguyễn hùng cứ đất Thuận Quảng, làm nhiều việc nhân đức, lại có lòng yêu
kẻ sĩ, trọng người hiền. Nếu tôi theo vào giúp thì chẳng khác gì Trương
Lương về Hán, Ngũ Viên sang Ngô, có thể làm tỏ rạng thanh danh, tôi
cũng không đến nỗi phải nát cùng cây cỏ, uổng phí một đời”.
Nói là làm, Đào Duy Từ mau chóng khăn
gói vào nam. Mới đầu, ông ở đợ, chăn trâu cho một phú ông. Nhưng phú ông
nọ mau chóng nhận ra kỳ tài của Đào Duy Từ, lập tức tiến cử ông với
khám lý Trần Đức Hòa, vốn là một sủng thần của chúa Nguyễn.
Ngay buổi đầu tương ngộ, Trần Đức Hòa đã
nhận ra họ Đào không phải kẻ tầm thường. Ông giữ Đào Duy Từ lại bên
mình, gả con gái và hết mực tin dùng. Chuyện kể rằng, sau khi đọc bài
thơ “Ngọa Long cương vãn” của Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa đã phải tự thốt
lên rằng: “Đào Duy Từ là Ngọa Long đời này chăng?”. Bài thơ ấy có những
câu đầy khí phách thế này:
“Chốn này thiên hạ đời dùng
Ắt là cũng có Ngoạ Long ra đời
Chúa hay dùng đặng tôi tài
Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên”
Biết tài Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa sớm
tiến cử ông với chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Chúa đọc xong biết ngay họ Đào
là kỳ tài hiếm gặp bèn cho gọi vào hầu. Hôm ấy, tôi chúa đàm luận với
nhau không biết chán, chẳng khác nào Lưu Bị gặp gỡ Khổng Minh ở Long
Trung năm nào.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên phong Đào Duy Từ
làm Nha úy nội tán, tước Lộc Khuê Hầu, chuyên trông coi việc quân cơ,
quốc chính. Từ đó, Đào Duy Từ một lòng phò tá chúa công. Còn chúa Nguyễn
thì cực kỳ trọng dụng ông, có kế thì dùng, có mưu thì nghe, thường nói
với mọi người rằng: “Đào Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh của ta
vậy!”.
(còn nữa)
Hữu Bằng
Truyền kỳ về Đào Duy Từ: Mưu thần lỗi lạc gây dựng cơ đồ cho nhà Nguyễn (kỳ 2)
Nhà Nguyễn (1802 – 1945) truyền
được 13 đời vua, tổng cộng 143 năm. Nhưng cái mốc cơ nghiệp của họ
Nguyễn phải kể từ đầu thế kỷ 17 khi các chúa Nguyễn hùng cứ ở đất Thuận
Quảng. Và người mở mang cơ nghiệp ấy cho các vua chúa Nguyễn là một bộ
óc vĩ đại xuất thân từ tầng lớp bình dân: Đào Duy Từ.
Kỳ 2: Thỏa chí tang bồng, thi thố tài năng
Ở kỳ trước, chúng ta đã kể về chuyện Đào
Duy Từ bỏ xứ Bắc Hà vào nam theo phò chúa Nguyễn. Kỳ này, hãy cùng xem
quân sự họ Đào đã thể hiện bản lĩnh của mình thế nào ở trời Nam?
Chống giữ mặt bắc với họ Trịnh

Thời điểm Đào Duy Từ vào nam, mâu thuẫn
Trịnh – Nguyễn ngày càng gia tăng. Chúa Trịnh là Trịnh Tráng thao túng
triều chính ở ngoài bắc, thường mượn danh nghĩa vua Lê để ra lệnh cho
thiên hạ.
Năm 1627, Trịnh Tráng cử người vào Thuận
Hóa mang một đạo chiếu của vua Lê đến sắc phong cho chúa Sãi Nguyễn
Phúc Nguyên. Sứ giả Bắc Hà tiếng là đến phong thưởng nhưng thực chất là
để dò la nội tình Đàng Trong. Trịnh Tráng cũng đòi chúa Nguyễn cho con
trai ra Bắc chầu thiên tử và nộp 30 voi đực, 30 chiến thuyền để sang
cống nhà Minh.
Trước yêu sách ngang ngược của họ Trịnh,
chúa Nguyễn rất căm phẫn, nhất quyết đòi cự tuyệt. Tuy vậy, Đào Duy Từ
đã hiến một kế hoãn binh rất hay. Ông khuyên chúa Nguyễn che giấu binh
tình, thực lực, chấp nhận sắc phong của Bắc triều để tranh thủ thời gian
hòa hoãn với họ Trịnh, đồng thời cự tuyệt yêu sách giữ con tin và dâng
cống phẩm.
Lấy cớ chúa Nguyễn trái lệnh vua, tháng
3/1627, Trịnh Tráng khởi 20 vạn đại binh, thủy bộ cùng tiến, chĩa mũi
giáo thẳng vào xứ Thuận Hóa. Chúa Nguyễn tức tốc cử Nguyễn Hữu Dật,
Nguyễn Phúc Trung đón đánh. Quân nhà Nguyễn phòng ngự kỷ luật, dựa vào
địa hình hiểm yếu và sự trợ giúp của đại bác từ Bồ Đào Nha đã đập tan
cuộc tập kích của quân Bắc Hà.
Dù đẩy lùi được quân Trịnh về bắc nhưng
Đào Duy Từ vẫn thừa hiểu thực lực họ Trịnh vẫn nhỉnh hơn. Ông bày kế cho
chúa Nguyễn xây lũy Trường Dục (tức Lũy Thầy), đắp thành cao, hào sâu,
tích trữ lương thảo, khí giới, bố trí phòng ngự cẩn mật, sẵn sàng cho
một cuộc chiến lâu dài với Bắc triều.

Chúa Nguyễn cho là phải, liền y lời thực
hiện ngay. Đào Duy Từ còn hiến kế cho chúa Nguyễn chiếm được châu Nam
Bố Chánh (ở Quảng Bình ngày nay) để làm tấm bình phong, chặn lấy đường
đi quân của họ Trịnh vào Đàng Trong.
Năm 1631, Đào Duy Từ lại khuyên chúa
Nguyễn đắp thêm một hàng lũy dài 18 km nữa chắn ngang cửa biển Nhật Lệ.
Nhờ có hai con lũy chiến lược này, quân nhà Nguyễn đã đứng vững trong cả
7 trận giao tranh với họ Trịnh suốt nửa thế kỷ sau đó (1627 – 1672).
Mở mang bờ cõi phía nam
Dưới sự phò tá của Đào Duy Từ, nhà
Nguyễn không chỉ chống cự được những cuộc tấn công điên cuồng từ phía
bắc của họ Trịnh mà còn khuếch trương thanh thế mạnh mẽ về phía nam.
Chủ trương của Đào Duy Từ với các nước
phương nam như Chân Lạp, Chăm Pa là vỗ về, khoan dung, dùng đối thoại
thay cho đối đầu. Ông khuyên chúa Nguyễn gả các công chúa của mình cho
vương tử và quốc vương của Chăm Pa, Chân Lạp như cái cách các vua triều
Lý đã từng làm để giữ yên phên giậu nước nhà.
Ngoài ra, hàng năm, triều đình Đàng
Trong đều cử sứ bộ đến thông giao với các nước phía nam để giữ gìn hòa
hiếu. Chúa Nguyễn thậm chí còn cử binh sang giúp vua Chân Lạp chống lại
những cuộc xâm lăng của người Xiêm (Thái Lan). Đổi lại, Chân Lạp đồng ý
cho nhà Nguyễn lập ra các đồn binh, thương điếm để tiến hành khai thác,
thu thuế suốt một dải đất từ Biên Hòa, Sài Gòn đến Bà Rịa ngày nay.

Việc giữ mối bang giao hòa bình với Chăm
Pa, Chân Lạp là một bước đi cực kỳ đúng đắn của Đào Duy Từ. Ông thấy
rằng thế lực của chúa Nguyễn còn non yếu, không thể căng mình đối phó
với cả hai mặt bắc nam.
Do vậy, việc thông hiếu với các nước
láng giềng Chăm Pa, Chân Lạp giúp mặt phía nam của Đàng Trong ổn định,
trừ đi mối nguy hiểm sau lưng để có thể toàn tâm toàn lực đối phó với
những cuộc tập kích liên miên của chúa Trịnh ở phía bắc.
Tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng ở
phía nam cũng giúp nhà Nguyễn có được bàn đạp căn bản cho công cuộc nam
tiến mạnh mẽ suốt thế kỷ 17, 18 sau đó. Có thể nói, cuộc nam tiến của
dân tộc Việt có công đầu của các chúa Nguyễn mà trong đó vai trò của Đào
Duy Từ là thực sự nổi bật.
(còn nữa)
Hữu Bằng
Nhận xét
Đăng nhận xét