Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 19

(ĐC sưu tầm trên NET)

CHIẾN DỊCH MỸ THO
(Tiến công, từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 12 năm 1949)


Phạm vi hoạt động của chiến dịch gồm tám xã thuộc hai huyện Châu Thành và Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho với chiều dài 14 ki-lô-mét, chiều rộng tám ki-lô-mét. Là vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu, trù phú, không gian chiến dịch nằm giữa đường 16 ở phía bắc với lộ Phú Phong và sông Cửu Long ở phía nam, giữa lộ đá Vĩnh Kim ở phía đông và lộ Ba Dừa ở phía tây. Trong vùng còn có nhiều con lộ bằng đất chạy ngang dọc nối liền các làng mạc và các thị trấn Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Mỹ Tho và hai cứ điểm lớn của địch: Vĩnh Kim, Tân Hiệp. Đường thuỷ có sông Cửu Long và nhiều kênh rạch lớn nối thông với nhau như Thông Lưu, Mỹ Long, Trà Tận, Bà Rài. Nhưng chiến dịch diễn ra trong mùa khô nên các cánh đồng khô cạn, bộ binh vận động thuận lợi. Các con sông khi nước ròng chỉ dùng được ghe, thuyền nhỏ, hàng ngày phải đợi thuỷ triều lên tàu lớn mới đi được. Ở đây cây cối tươi tốt thuận lợi cho bộ đội vận động kín đáo, nhưng tầm nhìn bị hạn chế.

Vùng Mỹ Tho - Gò Công tuy quân Pháp tái chiếm đóng sớm, nhưng chúng chưa kiểm soát được hết; hoạt động của bộ đội và dân quân du kích địa phương khá mạnh nên địch không dám càn quét lẻ tẻ mà thường dựa vào các cứ điểm Vĩnh Kim, Chợ Giữa, Tân Hiệp để tổ chức những cuộc càn quét lớn phối hợp quân thuỷ, bộ; lực lượng từ một tiểu đoàn trở lên, cao nhất là một trung đoàn1 nhằm đốt phá, cướp bóc, lùng bắt cán bộ kháng chiến, tiêu diệt du kích để mở rộng dần phạm vi kiểm soát, thành lập “khu quốc gia” phản động. Nhân dân trong vùng phần lớn đều hướng theo cách mạng, có tinh thần kháng chiến, căm thù giặc, mong muốn bộ đội về hoạt động; chỉ có một số ít gia đình theo đạo Hoà Hảo (ở ấp Mỹ Chánh) và Cao Đài (ở xóm Rạch Ông Ban) đã đầu hàng giặc. Đầu năm 1949, chúng tổ chức 600 dân vệ từ hai lực lượng này.

Đầu tháng 11 năm 1949, chấp hành chỉ thị của Bộ tư lệnh Quân khu 8, Ban chỉ huy liên trung đoàn 105-1202 quyết định mở chiến dịch hoạt động tiến công ở vùng khu 3 huyện Châu Thành, khu 2 huyện Cai Lậy (Mỹ Tho) để tạo một hướng phối hợp với chiến dịch Cầu Kè của Khu; nhằm mục đích phá âm mưu càn quét và mở rộng khu tạm chiếm của địch ở Vĩnh Kim, Chợ Giữa, bảo vệ nhân lực, vật lực cho kháng chiến. Tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, thu được một số vũ khí trang bị, nâng cao sức chiến đấu cho bộ đội.

Phương châm tác chiến: Công đồn, đánh viện (diệt đồn bằng tập kích; dùng địa lôi để diệt cơ giới và tàu tuần dương; phục kích để chặn đánh viện). Lợi dụng quy luật càn quét của địch, dùng nghi binh để đánh phục kích, kết hợp với đánh vận động để tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và cơ giới địch.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: tiểu đoàn chủ lực 3093, một đại đội độc lập 944, ba đội biệt động, hai trung đội của đại đội 1072 và hai trung đội dân quân của thị trấn Cai Lậy và Châu Thành.

Chỉ huy chiến dịch: Bộ tư lệnh Khu giao cho Ban chỉ huy liên trung đoàn 105-120 do đồng chí Lê Quốc Sản, trung đoàn trưởng làm Chỉ huy trưởng chiến dịch, đồng chí Phan Vân làm chính ủy.

Bộ đội và dân quân du kích đã được thử thách qua nhiều trận chống càn và đánh phục kích. Vũ khí trang bị chủ yếu là súng trường, mã tấu, lựu đạn thu được của địch và tự tạo, trung liên chỉ có đến trung, đại đội. Đại đội công đồn được tăng cường một đại liên và một cối 60mm. Đại đội đánh cơ giới được tăng cường một Badôca và nhiều địa lôi, lựu đạn gài. Ngoài ra anh em còn tự tạo loại ná bắn tên có ống đựng xăng dầu có kẹp một mảnh “lắc đề sạt” (thuốc mồi) để bắn vào đồn hoặc bắn xuống tàu thuỷ của địch. Bộ đội không có vũ khí mạnh để đánh công đồn và đánh cơ giới, kinh nghiệm đánh công đồn cũng chưa có.

Trước ngày nổ súng một tháng, Bộ chỉ huy liên trung đoàn đã sử dụng quân báo, trinh sát và cán bộ tham mưu đi điều tra nắm lực lượng và quy luật hoạt động của địch, nghiên cứu địa hình và cùng cán bộ chỉ huy các đơn vị xây dựng kế hoạch tác chiến. Việc liên lạc, tiếp tế, tải thương, v.v... Chuẩn bị rất đơn giản, phần lớn giao cho các đơn vị đảm trách mà chủ yếu là dựa vào lực lượng dân quân du kích và quần chúng nhân dân địa phương.

Ngày 1 tháng 12, thực hiện kế hoạch, du kích Châu Thành và nhân dân xã Bàng Long làm vật cản ngăn tàu trên sông Mỹ Long để dụ địch. 21 giờ 30 phút, đại đội 939 tiến công đồn Bình Trưng nhưng chần chừ trước khó khăn nên không thực hiện được. Đêm 2 tháng 12, đại đội 941 vào thay đại đội 939. 22 giờ 55 phút, ta nổ súng, sau 10 phút chiến đấu, đơn vị xung phong được vào đồn, giết 27 lính Pháp và tề điệp, đoạt chín súng trường. Địch co vào bốt chính cố thủ chống cự lại. Gần sáng ta rút lui về vị trí xuất phát. Đại đội hy sinh ba, bị thương ba đồng chí.

Khi đồn Bình Trưng bị tiến công, ba phút sau, địch ở Vĩnh Kim cho hai xe thiết giáp và một GMC lên tiếp viện, chúng đi lọt vào ổ phục kích của đại đội 944. Địa lôi nổ, chiếc GMC đi đầu hỏng, bốn tên giặc chết; hai chiếc thiết giáp dừng lại bắn rất mạnh làm ta không xung phong được, ta dùng Badôka tiêu diệt chiếc GMC. Pháo ở cứ điểm Vĩnh Kim chi viện cho Bình Trưng. Ta nã Trom-blom vào, đại bác địch ngừng hoạt động, chúng dùng súng bộ binh bắn dữ dội ra xung quanh, hai thiết giáp rút vào cứ điểm, ta lui quân an toàn.

Sau ba ngày, địch biết chủ lực ta đã về hoạt động, Bộ chỉ huy chiến dịch biết địch sẽ chờ lực lượng lớn đến mới tiến công đánh ta nên đã tổ chức bố trí lại trận địa và lực lượng để đón đánh địch.

6 giờ ngày 4 tháng 12, địch cho 10 xe tải chở 200 quân từ thị xã Mỹ Tho vào ngã ba Nhị Quý theo lộ đất đổ bộ vào. Đại đội 939 không bố trí quân trong vườn như quy định nên bị lộ, địch bao vây; sau 10 phút chiến đấu, hoả lực địch quá mạnh, đại đội phải rút quân về Mỹ Long. Pháo địch bắn mạnh vào trận địa đại đội 941, ta hy sinh bốn người, bị thương tám người, đại đội lui về Mỹ Hoa, cùng đại đội 939 bố trí thành trận địa thứ hai. Địch không tiến nữa.

12 giờ 30, cánh quân thứ hai của địch khoảng 100 tên từ Cai Lậy xuống lộ Ba Dừa, theo rạch Long Tiên dè dặt tiến vào trận địa đại đội 940. Sáu tên đi đầu băng vào vườn, ta bị lộ nên nổ súng diệt luôn toán này. Địch lợi dụng đoạn sông có lợi, cho một bộ phận đánh tạt sườn nhưng bị ta đánh lui, diệt thêm bảy tên, từ đó địch không dám tiến, đại đội 940 giữ vững trận địa.

15 giờ, cánh quân địch thứ ba từ phía Tam Bình tiến vào. Đại đội 940 rút về rạch Cà Mit, bố trí chặn địch; nhưng chúng chỉ dùng đại liên và cối bố trí cách 100 m bắn yểm hộ cho cánh thứ hai theo ven sông Long Tiên tiến xuống. Nhờ địa thế thuận lợi, đại đội 940 đẩy lui nhiều đợt tiến công của cánh này và diệt trên 40 tên. Ta hy sinh hai người, bị thương hai người.

Tối, địch tập trung cách trận địa đại đội 940 khoảng 700m, ta cho một trung đội, một trung liên và phóng lựu đạn bắn vào, gây cho chúng bất ổn và thiệt hại. Ta hy sinh một trinh sát.

Phía ngã ba Bà Nhang cách trận địa của đại đội 1027 và trung đội du kích thị trấn Châu Thành 600m có 30 lính địch nhưng chúng không dám tiến vào. Ba máy bay đến bay thấp ném bom, bị ta bắn rơi một chiếc. Tối ta lui quân an toàn.

Tối 4 tháng 12, hầu hết quân địch rút về hai hướng Cai Lậy và Vĩnh Kim, còn lại một đại đội bố trí trên rạch Trà Tân cách trận địa đại đội 940 khoảng 700 m. Trên lộ 16 địch rải quân phục từ đầu Giồng Dừa đến ngã ba Bình Phú và cho thiết giáp tuần tiễu trên lộ, tàu chiến tuần tiễu trên sông từ Cửu Long vào Vĩnh Kim.

Bộ chỉ huy nhận định: Địch tiến công nhiều, nhưng bị tổn thất mà chưa nắm rõ lực lượng ta; chúng sẽ tăng quân để bao vây hòng diệt chủ lực ta. Bộ chỉ huy chủ trương bố trí lại trận địa, cho dân quân du kích rầm rộ rút về hướng Ba Dừa, Cẩm Sơn để nghi binh; bí mật bố trí lực lượng về Phú Mỹ Hoà sát thị trấn Cai Lậy 250m, cách lộ Ba Dừa 250m, chủ trương đón đánh địch rút về sau khi đã càn quét.

Sáng 5 tháng 12, địch điều thêm quân ở Mỹ Tho, Vĩnh Long ồ ạt tiến công theo đường cũ. Riêng một bộ phận 300 tên, có ô tô chở đến đổ bộ tại lô cốt Phú Luông trên lộ Ba Dừa tiến vào trận địa ta lúc 7 giờ 30 phút. Đại đội 309 cố tránh (theo chỉ đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch) để đợi đánh địch lúc chúng về. Nhưng 8 giờ 15 phút, địch lại đi đúng vào trận địa ta nên bắt buộc phải nổ súng. Sau 10 phút nổ súng, địch bỏ chạy, ta xung phong lên. Địch chiếm các bờ đất cao chống trả, giằng co với ta. 11 giờ 15, thấy không có lợi, ta đã rút về phía sau 1.000m bố trí trận địa thứ hai sau khi đã diệt 60 tên và làm bị thương một số tên khác, ta thu một trung liên, bảy súng trường, hai chiến sĩ và một du kích hy sinh, bốn người bị thương nhẹ. Từ đó địch không tiến lên nữa mà chỉ dùng phi pháo bắn phá nhưng không gây thiệt hại cho ta. Tối 5 tháng 12, toàn bộ quân ta lui quân về vùng tự do, kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Địch chết 241 tên (có tám sĩ quan), bị thương hàng trăm tên.

Ta: hy sinh 13 người (có ba đồng chí tiểu đội trưởng, một dân quân), bị thương 18 người.

Ta thu: một FM, 16 súng trường và nhiều quân dụng, bắn cháy một GMC, một máy bay, bắn bị thương nặng một tàu đổ bộ.



Sau năm ngày chiến đấu, quân địch phải hủy bỏ cuộc càn lớn, hàng ngũ địch hoang mang, một số lính lê dương ở Mỹ Tho và Cai Lậy vác súng ra hàng, nhiều lính ngụy viết thư xin trở về nhập hội Liên Việt của ta. Nhân dân trong vùng phấn khởi, tin tưởng, gửi nhiều lương thực và thuốc men cho bộ đội.

Điểm rõ nhất của nghệ thuật chiến dịch là Bộ chỉ huy chiến dịch đã thực hiện được vừa nghi binh nhử địch trên sông, vừa công đồn nhử địch trên bộ để kéo viện binh địch ra, rồi bố trí trận địa và lực lượng tiêu diệt. Phát huy được sở trường đánh phục kích của bộ đội chủ lực và dân quân du kích. Nhất là sau đợt 1 đã thực hiện được “tập trung lực lượng”, bố trí sát địch để bất ngờ tiêu diệt, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Chính nhờ có lực lượng tập trung mà mặc dù bị lộ ta vẫn tiêu hao được khá lớn quân địch, giành thắng lợi lớn, địch không dám coi thường, phải rút lui; ta đạt được mục đích chính trị của chiến dịch là “phá âm mưu thành lập khu quốc gia” của thực dân Pháp.

Ta cũng còn bộc lộ rõ một số mặt yếu: Bố trí lực lượng còn phân tán nên khi địch tập trung đông, ta không đủ sức tiến công tiêu diệt, không hình thành được các mũi phối hợp, hạn chế đến hiệu suất chiến đấu nhất là giai đoạn đầu. Chấp hành kỷ luật mệnh lệnh chưa nghiêm (khi mở màn, đại đội 309 vì nghi ngờ kế hoạch, do dự nên không đánh được đồn Bình Trưng mở màn khơi ngòi như dự kiến). Công tác chính trị chưa triệt để tận dụng thời cơ khi trong hàng ngũ địch đã hoang mang, dao động để tiến hành công tác địch vận, làm hạn chế đến thắng lợi chung.
_____________________________________
1.Ngày 8 tháng 1 năm 1949, địch huy động ba tiểu đoàn bộ binh, năm tiểu đoàn lính lê dương và hai ngàn tù binh chiến tranh dưới sự yểm trợ của máy bay và pháo binh mở nhiều cuộc càn quét vào Gò Công; xã nào cũng bị đánh phá, chúng đốt hơn 200 nhà dân và hàng ngàn tấn lúa, đánh đập tra tấn và bắn chết hàng chục người.
2.Ngày 25 tháng 2 năm 1949, theo chỉ thị của Trung ương, Quân khu 8 có kế hoạch tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, thành lập liên trung đoàn 105-120. Bộ chỉ huy liên trung đoàn giữ tiểu đoàn 309 làm tiểu đoàn chủ lực tập trung; đưa các tiểu đoàn 314 và 358 phân tán hoạt động ở hai tỉnh Mỹ Tho và Long An - một đại đội độc lập hoạt động ở Chợ Gạo và một phần Châu Thành (Long An), một đại đội độc lập ở Cái Bè và Cai Lậy, một trung đội làm du kích ở thị trấn Cái Bè, một đại đội độc lập ở Thủ Thừa, Mộc Hoá. Đại đội dân quân Mỹ Tho cũng phân tán đi các huyện. Mỗi xã có một tiểu đội du kích thoát ly, trang bị vài khẩu súng. Ngoài ra có một đến hai đại đội dân quân làm nhiệm vụ tải thương, canh gác, vận tải, phá hoại...
3.Cuối 1948, tiểu đoàn 309 thành lập (nòng cốt từ đại đội 915) đồng chí Lê Văn Xay làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Tiên làm chính trị viên.
   Còn hai đại đội cùng đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (tiểu đoàn trưởng 305 cũ) về thành lập tiểu đoàn 307 chủ lực khu, đồng chí Sỹ làm tiểu đoàn trưởng.



CHIẾN DỊCH CẦU KÈ
(Tiến công, từ ngày 7 đến ngày 26 tháng 12 năm 1949)


Chiến dịch diễn ra trong phạm vi huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh. Trung tâm chiến dịch cách thị trấn Trà Vinh 40 ki-lô-mét. Là vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Cầu Kè ít sông rạch hơn các vùng khác, lại có nhiều giồng đất khá cao và bằng phẳng, cây cối xanh tốt, ruộng đồng phì nhiêu. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, một năm chia làm hai mùa rõ rệt. Đường bộ từ Trà Ôn xuống Cầu Kè đã hoàn toàn bị phá hoại; chỉ còn đường độc đạo từ Trà Vinh, Tiểu Cần xuống. Đường thủy có sông Hậu rộng lớn, tàu, thuyền có thể từ đó đi vào sông Bưng Bót rồi vào thẳng Cầu Kè; hoặc đổ bộ từ Hậu Giang theo lộ Chông Nô lên. Nhân dân hầu hết là người Khơ-me sống theo Sóc (xóm, làng). Đây là vùng địch đánh chiếm và bình định sớm nên chúng đã lợi dựng được dân để gây cơ sở, rào làng, xây dựng ngụy quân, ngụy quyền và tề điệp, bảo an tay sai. Dọc theo trục lộ chính và các đường nội bộ, địch đã xây dựng khá hoàn chỉnh hệ thống đồn bốt và phát huy tác dụng của “chiến thuật Đờ-la-tua” (hệ thống cứ điểm nhỏ kết hợp với những đội ứng chiến nhỏ).

Trong thị trấn Cầu Kè, địch bố trí ba cứ điểm chính: Đồn Pháp ở khu nhà thương, đồn tại dinh quận Rùm và đồn Cò. Để bảo vệ huyện ly, địch xây dựng hệ thống tiền đồn, từ Trà Ôn xuống có lô cốt Sóc Kha; dọc sông Bưng Bót có hai lô cốt, trên dọc lộ Tiểu Cần – Cầu Kè có chín lô cốt, trong đó vị trí Bác-sa-ma được xây dựng kiên cố. Ngoài hệ thống lô cốt, có ba sóc dân được võ trang để “tự vệ” và chống lại hoạt động của ta (Béc-sa-ma, Ô-tà-tưng và Chông Nô). Ở các vị trí, ngoài lô cốt còn có tường đất đắp dày 1m đến 1,2m, hai đến ba lớp rào tre và rào kẽm gai bao bọc.

Quân số địch ở toàn huyện có chín lính Pháp, 123 Miên gian, năm Việt gian và khá nhiều dân chúng theo Pháp được võ trang. Nhưng so với toàn khu thì đây là nơi mỏng yếu hơn cả. Lực lượng cơ động vòng ngoài có một tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn quân dù.

Theo “Mệnh lệnh chuẩn bị cho tổng phản công” của Bộ Tổng tư lệnh giao cho Nam Bộ đầu năm 1949, Bộ tư lệnh Khu 8 mở chiến dịch tiến công địch tại Cầu Kè nhằm mục đích: Tiêu diệt một phần sinh lực của địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh phá chiến thuật lập tháp canh, giải tán bảo an, phá tề điệp, giành lại một phần về nhân lực, vật lực cho ta ở địa bàn Cầu Kè, mở rộng căn cứ địa cho liên trung đoàn 109-111 (trước chiến dịch, các vùng Tân An, Hữu Thành và Vinh Xuân ở phía bắc lộ Tiểu Cần - Cầu Kè là hậu phương của ta); cắt đứt giao thông địch từ Cầu Kè đi Tiểu Cần.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm1: Hai tiểu đoàn chủ lực của khu và của liên trung đoàn 109-111, ba đại đội địa phương, bốn trung đội độc lập (một trung đội Miên - Việt, một trung đội trợ chiến, hai trung đội công an xung phong). Một tiểu đoàn chủ lực làm dự bị chiến dịch. Ngoài ra còn huy động một vạn dân quân tham gia phá đường, phá cầu, đốt phần lô cốt và tải thương, tiếp tế.

Bộ chỉ huy Khu 8 trực tiếp tổ chức, chỉ đạo chiến dịch; cử đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, liên trung đoàn trưởng 109-111 làm chỉ huy trưởng, đồng chí Dương Cự Tẩm, chính ủy liên trung đoàn làm chính ủy của chiến dịch.

Phương châm tác chiến: Đánh điểm diệt viện và vây điểm diệt viện; tác chiến đi đôi với địch vận.

Kế hoạch tác chiến chia thành ba hướng: Hướng chủ yếu (hồi đó gọi là hương chính), lực lượng gồm một tiểu đoàn, một đại đội và hai trung đội độc lập. Hướng thứ yếu (hướng phụ), gồm một tiểu đoàn, hai đại đội độc lập và hai trung đội công an xung phong. Hướng phối hợp gồm các tỉnh đội: Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh tích cực hoạt động phá hoại để cầm chân địch.

Để lãnh đạo công tác chuẩn bị, Ban chỉ huy chiến dịch triệu tập “Hội nghị quân - dân - chính” tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, huyện Cầu Kè và cán bộ các đơn vị tham chiến để phổ biến kế hoạch và phân công công tác chuẩn bị.

Về trinh sát và liên lạc: Ban chỉ huy liên trung đoàn cử một trung đội trinh sát nghiên cứu và tổ chức dẫn đường cho bộ đội; tổ chức các đường liên lạc (bằng người chạy bộ) giữa các mặt trận với Bộ chỉ huy chiến dịch. Bộ phận điện đài chuẩn bị mật mã mới và chuẩn bị vật chất cho máy móc trước ngày nổ súng một tháng.

Bộ chỉ huy chiến dịch cử một tiểu đội công binh chuyên nghiên cứu bố trí địa lôi trên các đường tiếp viện của địch theo dự kiến. Đồng thời Bộ chỉ huy soạn thảo kế hoạch tác chiến, hướng dẫn hành quân, cách đánh gửi cho từng mặt trận.

Về chính trị, trong hội nghị ngày 16 tháng 11, đã thành lập hai tiểu ban: “Tiểu ban chính trị” và “Tiểu ban tuyên truyền” , thành phần gồm cả quân, dân, chính. Trong đó phân công cho quân, dân, chính huyện Cầu Kè chuyên lo công tác dân vận, cụ thể đi sâu vào các tổ chức và dân chúng, mật giao với bảo an và lính Miên, chú ý nhằm vào vùng Bác-sa-ma, Ranh Hạt, Ô-tà-tưng, sóc Chông Nô và sóc Kha. Chuẩn bị tiệc để mời sếp bảo an và sếp đồn nhằm cầm chân chỉ huy ở ngoài sóc khi quân ta tiến công. Vận động trước binh lính địch sẵn sàng ra hàng khi ta tiến công. Tiểu ban tuyên truyền tiến hành in biểu ngữ, truyền đơn, tổ chức các tổ gọi loa tuyên truyền địch vận.

Tiến hành giáo dục bộ đội về chính sách cụ thể với từng đối tượng: Đồng bào Miên, lính Miên, lính bảo an, sư sãi, lính đồn và đối với những tên giặc ngoan cố v.v… Giáo dục kỷ luật dân vận chính sách chiến lợi phẩm, tổ chức “Hội đồng mặt trận” để thực hiện chính sách. Động viên tinh thần thi đua giết giặc lập công của bộ đội và giữa các đơn vị. Tổ chức các chiêu đãi sở để đón tiếp hàng binh.

Về cung cấp: Tổ chức ban quân y mặt trận và các trạm cứu thương, giải phẫu, chuẩn bị thuốc men, cáng, xuồng ghe và bộ phận dân quân tải thương. Công binh xưởng tiến hành cải tiến đạn Mỹ thành đạn Mas để cấp cho trung liên. Sản xuất lựu đạn, lựu đạn gài, địa lôi và đạn cối đủ dự trữ: Đạn súng trường tối thiểu 50 viên, tối đa 100 viên; trung liên tối thiểu 300 viên, tối đa 500 viên; đại liên tối thiểu 700 viên, tối đa 1000 viên. Tổ chức dân quân, chủ yếu của huyện Cầu Kè, một phần của huyện Tam Bình và Tiểu Cần làm nhiệm vụ tiếp tế, phá hoại và tải thương. Ban quân lương của từng đơn vị phối hợp chặt chẽ với quân, dân, chính từng xã trên địa bàn lo việc tiếp tế gạo, muối, củi khô, thực phẩm...
____________________________________
1.Trong “Lịch sử Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam” Nxb QĐND 1995 (tr. 73) viết: Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm bốn tiểu đoàn và ba đại đội địa phương.
   - Trong “Thống kê các chiến dịch” (Viện LSQS-1993) ghi: Lực lượng ta có hai trung đoàn, một phân đội liên quân và bốn đại đội địa phương.
   - Những tài liệu lưu trữ (BTTM-BQP) ghi rõ: Lúc đó cả Khu 8 chỉ có ba tiểu đoàn chủ lực và các đại đội bộ đội địa phương và quân của các tỉnh đội. Tại hồ sơ, phần diễn biến chiến dịch chỉ thấy xuất hiện các đại đội của hai tiểu đoàn 307 và 308. Như vậy có thể Bộ chỉ huy Khu 8 sử dựng hai tiểu đoàn chủ lực vào các hướng chiến dịch. Còn một tiểu đoàn làm lực lượng dự bị và cơ động để bảo vệ Bộ chỉ huy khu.


 




Chiến dịch chia thành ba đợt:

Đợt 1 (từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 12):

15 giờ 45 phút ngày 7 tháng 12, tiểu đoàn 307 tiến công và làm chủ sóc Bác-sa-ma, sau đó bao vây và tiến công chùa, đồn Bác-sa-ma và các lô cốt dọc lộ Cầu Kè - Tiểu Cần. Tiểu đoàn 308 tiến công sóc và đồn Chông Nô. Sau gần hai ngày, cả hai tiểu đoàn giành thắng lợi, diệt gọn hai cứ điểm, bắt và diệt nhiều địch, thu vũ khí, giải tán hơn 100 bảo an. Sau đó bố trí hai đại đội chặn viện ở giông đất Chông Nô từ Hậu Giang lên, đại đội 889 chặn tàu ở sông Bưng Bót. Tiếp đó, hai trung đội bộ binh và một tiểu đội công an xung phong đánh bốt Cò, một trung đội và một tiểu đội công an xung phong tiến công bốt nhà thương, nhưng cả hai cánh không thành công ta liền chuyển sang bao vây để buộc địch phải tăng viện từ Trà Vinh, Tiểu Cần lên.

Ngày 9 tháng 12, địch thả dù tiếp tế cho thị trấn Cầu Kè. 15 giờ, một tàu và bốn sà lan chở hơn 40 quân đổ bộ lọt vào trận địa phục kính, quân ta bắn chìm một sà lan, số còn lại rút lui. Bộ chỉ huy chiến dịch rút quân ở mặt Chông Nô để tăng cường cho vùng Cây Xanh giữ đường sông Bưng Bót. 17 giờ ngày 10, 300 tên địch đổ bộ lên Chông Nô tiến vào Cầu Kè. Ta bỏ lỡ cơ hội diệt viện binh.

Đợt 2 (từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 12): Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho bộ phận liên quân Miên-Việt tiếp tục hoạt động ở Bác-sa-ma, bố trí tiểu đoàn 307 triển khai trận địa đánh viện tại Phong Phú. 10 giờ ngày 10 tháng 12, địch cho máy bay trinh sát và ném bom vào trận địa ta. Ngày 11, một đại đội của tiểu đoàn Ma-rốc từ Trà Vinh lên Bác-sa-ma sục sạo nhưng ta vận động ra không kịp vì lực lượng bao vây Bác-sa-ma đã tự động rút trước đó. Bộ chỉ huy quyết định tập trung lực lượng hai tiểu đoàn tiêu diệt cánh quân ở Bác-sa-ma và kiềm chế bọn ở Cầu Kè xuống. 8 giờ phi pháo dọn đường, địch ở Bác-sa-ma vận động lọt vào trận địa tiểu đoàn 307 phục kích, ta bao vây chia cắt diệt 90 tên, bắt 62 tên, thu toàn bộ vũ khí. 9 giờ, cánh quân ở Cầu Kè lọt vào trận địa đại đội 933, nhưng chỉ huy thiếu bình tĩnh, kỷ luật lỏng lẻo, một tiểu đội dao động rút lui làm ảnh hưởng các bộ phận khác, để địch chiếm được địa hình có lợi đánh bật ta ra. Do đó ta chỉ diệt và làm bị thương hai tiểu đội địch. 30 xe lội nước từ vàm An Phú Tân đổ vào, nhưng đến Phong Phú ta đã thu dọn chiến trường, rút vào giông phòng ngự nên bỏ lỡ thời cơ diệt địch. Địch cũng không dám tiến công, chỉ đứng từ xa bắn vào, đến chiều thì rút lui. Lực lượng của tiểu đoàn 308 trong thị trấn cũng chỉ bao vây và pháo kích lẻ tẻ.

Đợt 3 (từ ngày 13 đến ngày 26 tháng 12):

Sau hai đợt, phần lớn mục đích chiến dịch đã đạt được. Ta chủ trương tiếp tục bao vây quấy rối thị trấn Cầu Kè, kết hợp phá hoại giao thông để cô lập chúng. Đẩy mạnh việc gây cơ sở vùng mới giải phóng, đánh địa lôi trên đường Trà Vinh - Tiểu Cần, sẵn sàng đánh viện từ Trà Vinh lên. Những ngày đầu đợt 3, lực lượng công binh đã phá huỷ hai xe vận tải, địch chết và bị thương 18 tên. Ta phá được thêm một cầu sắt, một cầu bê tông. Việc tuyên truyền thực hiện khá tốt ở vùng Chông Nô, Bác-sa-ma, Phong Phú và Ô-tà-tưng.

2 giờ đêm 25 tháng 12, tiểu đoàn 308 chia thành hai cánh đánh chiếm Lò Ngò. Đến sáng ta hoàn toàn làm chủ các sóc bảo an và bố trí lực lượng chặn viện. 9 giờ 30 phút, bảy xe và hai đại đội địch tiến vào mặt trận, ta nổ súng mãnh liệt, địch bỏ lại nhiều xác chết và chạy tán loạn. 14 giờ 30 phút, địch kết hợp cơ giới, máy bay, bộ binh tiến công ta một lần nữa, nhưng bị thất bại, ta diệt 40 tên và thu một số vũ khí. Suốt buổi chiều máy bay ném bom vào trận địa ta. 17 giờ, bảy chiếc Dakota đến thả một đại đội quân dù. Khi chúng còn lơ lửng trên không, ta đồng loạt nổ súng. Một số tên chết từ trên cao, một số vướng vào bụi tre bị ta diệt, số còn lại chạy về đồn. Ta diệt trên 20 lính dù, thu một số dù địch. 19 giờ, ta lui quân. Cùng ngày, tiểu đoan 307 diệt lô cốt Tân Đại. Một lực lượng của đại đội 975 và 991 tiểu đoàn 307 chiếm lô cốt Cầu Tre bằng mật giao. Ta tước 40 súng trường và tập trung bảo an của các sóc giải thích và thả ngay tại chỗ. Chiến dịch kết thúc sáng 26 tháng 12 năm 1949.

Kết quả: Sau 20 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt tiểu đoàn Ma-rốc, trung đoàn 1 ngụy Gò Công, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn Bến Tre; đánh tan hai đại đội của tiểu đoàn Sóc Trăng ở Lò Ngò, làm tan rã đại đội dù, đánh lui đoàn xe lội nước, đánh đắm một sà lan, phá huỷ hai xe vận tải; bắt sống 62 tù binh Pháp và Ma-rốc, tiêu diệt 20 tên Miên gian; bắt và tha tại chỗ trên 200 lính bảo an; phá tan hệ thống phòng ngự bằng tháp canh, lô cốt của địch trên lộ Tiểu Cần - Cầu Kè gồm: 12 lô cốt và cứ điểm, sáu sóc bảo an vũ trang. Ta thu vũ khí đủ trang bị cho một tiểu đoàn chủ lực. Ta hy sinh và bị thương 50 người.

Chiến dịch Cầu Kè là chiến dịch đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ, nhưng Bộ chỉ huy Khu 8 đã xác định được mục đích, mục tiêu đúng, sát hợp. Thành công của chiến dịch là đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách “đánh điểm - diệt viện” và “vây điểm - diệt viện” trên địa hình đồng bằng có nhiều sông rạch. Đã chia chiến dịch ra từng đợt rõ ràng, phân rõ nhiệm vụ, mục tiêu cho từng lực lượng cụ thể. Đã chọn mục tiêu vừa sức để mở màn chiến dịch (Bát-sa-ma), chọn mục tiêu quan trọng (quận lỵ Cầu Kè) để bao vây, khiến địch không thể không ứng cứu. Bố trí linh hoạt, hài hoà giữa lực lượng vây điểm và lực lượng chặn đánh viện. Bằng cách đó, không những ta đã điều động viện binh địch theo ý muốn mà còn thúc đẩy viện binh địch đến nhanh khu vực ta đã chọn để tiêu diệt. Do đó, ta giữ vững quyền chủ động chiến dịch và chủ động kết thúc chiến dịch trên thế thắng. Cầu Kè cũng là chiến dịch ta kết hợp, hiệp đồng tốt giữa lực lượng chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương, quân, dân, chính, giữa tác chiến với công tác địch vận và công tác phá hoại. Do đó các mục tiêu cơ bản đề ra cho chiến dịch đều đạt được1.

Song, là chiến dịch đầu tiên nên còn bộc lộ sự lúng túng bỡ ngỡ trong chuẩn bị, trong tổ chức chỉ huy và trong cách đánh. Có lúc, có đơn vị chưa giữ được yếu tố bí mật bất ngờ. Sử dụng lực lượng có lúc chưa tập trung nên còn bỏ lỡ nhiều thời cơ diệt địch.
_______________________________________
1.Tờ Union Francaise (Liên hiệp Pháp) số ra ngày 28 tháng 12 năm 1949 đã thú nhận “... Cầu Kè mới đây là một chiến trường bi thảm, trong đó quân đội viễn chinh Pháp đã tổn thất nặng nề chẳng những theo dư luận công chúng mà còn theo báo chí ở Pa-ri loan báo dựa vào tin tức của Bộ Pháp quốc Hải ngoại”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét