Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 15

 (ĐC sưu tầm trên NET)


CHIẾN DỊCH NGHĨA LỘ
(Tiến công, từ ngày 18 tháng 4 đến ngày 1 tháng 5 năm 1948)


Từ cuối 1947 đầu năm 1948, Pháp kiểm soát được hấu hết các tỉnh lỵ, thị xã, thị trấn và đường giao thông quan trọng ở Tây Bắc. Ở một số vùng, do ta có sai lầm trong chỉ đạo như nặng dùng biện pháp quân sự, coi nhẹ vận động chính trị, chưa dựa hẳn vào quần chúng nên ta mất đất, mất dân, phong trào quần chúng giảm sút, cơ sở tan vỡ, chính quyền, đoàn thể và lực lượng vũ trang bị bật sang địa phương khác. Trước tình hình trên, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng từ 15 đến 17 tháng 1 năm 1948 đã phân tích tình hình sau thắng lợi Việt Bắc Thu đông năm 1947 và đề ra nhiệm vụ kháng chiến thời kỳ mới. Triển khai thực hiện chủ trương này, Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị cho Khu 10 phá kế hoạch bao vây biên giới của địch, đưa các đại đội độc lập, các đội xung phong công tác, vũ trang tuyên truyền vào sâu trong vùng địch tạm chiếm, xây dựng và đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiến tới xây dựng và mở rộng căn cứ địa Tây Bắc.

Thực hiện chỉ thị trên, Bộ chỉ huy Khu 10 quyết định mở chiến dịch tiến công Nghĩa Lộ vào đầu tháng 4 năm 1948. Cụ thể, sẽ tập trung một lực lượng mạnh tiêu diệt tiểu đoàn số 1 xứ Thái tự trị ở Nghĩa Lộ trong một thời gian ngắn để uy hiếp Sơn La; buộc quân địch ở Lào Cai, Văn Bàn phải phân tán lực lượng về giữ hậu phương, tạo thuận lợi cho các đơn vị khác diệt các vị trí án ngữ biên giới; đồng thời buộc địch phải rút quân từ Hoà Bình lên giữ Sơn La.

Khu vực Nghĩa Lộ, Gia Hội là vùng núi rừng hiểm trở, cánh thị xã (tỉnh lỵ) Yên Bái 50 km về phía tây. Riêng thị trấn và đồn Nghĩa Lộ lại nằm trong dải đồng bằng Mường Lò, một cánh đồng phẳng, trù phú chạy dọc theo ngòi Thia và nằm kẹp giữa hai dãy núi cao. Hai bên ngòi Thia làng mạc đông đúc, phần đông là người Thái, một phần nhỏ là người Thổ và người Kinh. Dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông; đời sống khá nhưng họ rất căm tức quân Pháp vì chúng thường càn quét cướp bóc, nhất là dân vùng Cốc Báng. Mùa mưa nước ngòi Thia dâng cao, chảy xiết, đi lại khó khăn.

Lực lượng địch trong khu vực Nghĩa Lộ có tiểu đoàn số 1 ngụy Thái thuộc tiểu khu Yên Bái, gồm ba đại đội chiến đấu và một trung đội chỉ huy của đại đội số 1 Com-măng-đô Lào và một số đông lính dõng. Vị trí chính đóng ở Nghĩa Lộ, Cốc Báng, Gia Hội, Quang Huy. Các đồn phụ ở Thượng Bằng La, Thu Cúc, Văn Yên, Phong Phụ, Tú Lệ, Cửa Nhì. Vũ khí trang bị có Moóc-chi-ê, súng trung liên và súng trường.

Lực lượng ta có hai trung đoàn bộ đội địa phương của tỉnh Sơn La và Yên Bái, hai tiểu đoàn (tiểu đoàn Sông Lô và tiểu đoàn 45 của Bộ). Tổng số 2.000 chiến đấu viên: Vũ khí có một pháo 75 mm, còn lại là súng trường, lựu đạn và địa lôi tự tạo.

Ban chỉ huy gồm các ông: Bế Sơn Cương, Vũ Lập, đồng chí Nhung và đồng chí Yến. Sở chỉ huy đặt ở Ca Vịnh, thông tin liên lạc bằng chạy chân.

Kế hoạch tác chiến: Ban chỉ huy quyết định đánh chiếm vị trí Nghĩa Lộ. Giải quyết xong Nghĩa Lộ sẽ tập trung quân đánh xuống Quang Huy. Lực lượng chia làm hai hướng (lúc đó gọi là hai mặt: chính, phụ):

Hướng Nghĩa Lộ, sử dụng hai tiểu đoàn (Sông Lô và Yên Bái) và năm đại đội độc lập, được trang bị một cối 81mm, một cối 60mm, chín Badôca, 11 trung liên (FM) và súng trường, có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt quân địch tại đây. Dùng tiểu đoàn 45 được trang bị pháo 75 mm, quấy rối, nghi binh ở Gốc Bản, Cửa Nhì. Hướng này do đồng chí Nhung chỉ huy.

Hướng Quang Huy, do đồng chí Yến chỉ huy. Trung đoàn 97 cho hai tiểu đoàn đánh tiêu diệt vị trí Quang Huy; nếu không diệt được thì tổ chức bao vây ba ngày, chờ lực lượng ở mặt Nghĩa Lộ xuống tiếp viện để tiêu diệt.

Nhưng trong quá trình chuẩn bị, do ta không giữ được bí mật nên địch đã tăng cường quân cho mặt Nghĩa Lộ, đóng thêm một số vị trí. Do đó khu quyết định chuyển hướng chính đánh vào Gia Hội. Lực lượng địch tại đây có 150 tên (có một quan hai, và 11 lính Pháp); hai cối và bốn trung liên.

Ta có bốn đại đội (337 người); hai cối, sáu Badôca, tám AT, 12 trung liên (FM) và súng trường.

Kế hoạch dự kiến: Đại đội 520 sẽ đánh Bản Đon, nếu không thấy địch thì đánh Bản Chiêm. Ba đại đội (510, 514 và 518) đánh từ ba mặt vào đồn Cao và trại Con Gái (Gia Hội). Súng cối sẽ bắn vào vị trí địch khi bộ binh xung phong không lên được.

Trong hai ngày 19 và 20 tháng 4, bộ đội xuất phát hành quân đều bị lạc (vì rừng rậm) phải quay về. Đến ngày 21, một đại đội đến chậm, không bắt được liên lạc nên chỉ có hai đại đội đánh. Hai bên bắn nhau trong một giờ, trời sáng, ta rút lui. Đêm 22 tháng 4, cả bốn đại đội thực hiện tiến công. Bộ đội bí mật bò sát vào đồn Cao và Gò Giữa. Đến giờ nổ súng, dùng Badôca bắn phá tường, một số đồng chí xé rào (bằng tre nứa) tiến sát bắn và ném lựu đạn vào hầm địch. Quân địch để lại một bộ phận bắn trả, còn lại bí mật rút ra ngoài rồi dùng cối bắn vào xung quanh đồn để sát thương quân ta. Đến 4 giờ 30 phút ta lui quân. Kết quả: địch bị chết sáu tên Pháp (có một quan hai), 10 lính khố đỏ và bị thương nhiều tên, hai súng máy bị phá huỷ. Ta: hy sinh chín đồng chí, bị thương 19 đồng chí, lạc hai đồng chí; mất hai súng trường; tiêu thụ 2.000 viên đạn các loại.

Trên hướng Cốc Báng: Lực lượng địch có 37 lính Pháp, 196 lính khố đỏ, 27 lính dõng do tên quan ba Pháp Ca-rê (Caret) chỉ huy. Vũ khí có hai súng máy, hai cối và súng trường cá nhân. Ta có bốn trung đội bộ binh, năm tiểu đội trợ chiến, hai tiểu đội địa lôi, một pháo 75 mm, một cối 60mm.

Kế hoạch dự kiến: Hai trung đội bộ binh và một trung đội cối sẽ đánh đồn A ở đồi cao; hai trung đội được tăng cường một trung đội phóng lựu đánh đồn B ở đồi thấp. Pháo 75 mm (có một trung đội với hai khẩu súng máy bảo vệ) đặt cách đồn hai ki-lô-mét. Hai trung đội trang bị địa lôi sẽ đánh phục kích ở đường Cốc Báng - Cửa Nhì.

Diễn biến: 17 giờ 30 phút, pháo ta bắn 20 phát. Bộ binh xung phong đánh vào đồn A, nhưng cả ba lần đều không thành công. Pháo chuyển sang bắn vào đồn B. Bộ binh ta xung phong, tới sát đồn, địch tập trung bốn khẩu đại liên bắn ra, ta không tiến lên được. Pháo ta chuyển sang bắn vào đồn A. Đến 21 giờ ta lui quân.

Kết quả: Địch chết khá nhiều nhưng ta không vào được nên không đếm rõ số lượng. Hai súng máy bị hỏng, hai nhà trong đồn bị phá huỷ. Ta vô sự, có ba lính khố đỏ chạy theo ta. Tiêu thụ hết 70 viên đạn pháo.

Trên hướng Cửa Nhì: Địch có ba đại đội, lực lượng gồm 15 lính Pháp, 120 lính khố đỏ và 30 lính dõng. Kế hoạch dự kiến: Đại đội 146: một trung đội nghi binh phía tây bắc Cửa Nhì, một trung đội phục kích đường Cửa Nhì - Nghĩa Lộ, một trung đội phối hợp với hai trung đội của đại đội 148 theo trục lộ đánh vào đồn. Trung đội còn lại của đại đội 148 phục kích trên đoạn đường Cửa Nhì - Cốc Báng và quấy rối Gốc Bản trong khi đơn vị nổ súng tiến công đồn.

Diễn biến: 3 giờ 10 phút ngày 26 tháng 4, ta bắt đầu nổ súng; đến 5 giờ 30 phút, không đột nhập được vị trí nên phải rút quân.

Kết quả: Địch bị chết một số (ta không đếm được chính xác). Ta hy sinh ba người (hai trung đội phó và một đội viên); lạc hai người, mất bốn súng trường và bốn đại đao.

Trên hướng Quang Huy: Tại đây địch có sáu lính Pháp, 60 lính khố đỏ và một đại đội mới tiếp viện chốt trên đoạn đường Quang Huy - Văn Yên. Ta có hai tiểu đoàn thuộc trung đoàn 97.

Kế hoạch dự kiến: Sử dụng một tiểu đoàn đánh vào Quang Huy. Tiểu đoàn còn lại cho một đại đội phục kích trên đường Quang Huy - Thượng Bằng La; một đại đội phục kích đường Quang Huy - Thu Cúc; một đại đội phục kích đường Thu Cúc - Thượng Bằng La.

Diễn biến: Ngày 18 tháng 4, bộ đội xuất phát hành quân từ Thạch Kiệt. Dự kiến 19 tháng 4 sẽ đến vị trí tập kết để triển khai chiến đấu, nhưng bộ đội bị lạc đường nên đến tối 20 tháng 4 mới tới được điểm tập kết Làng Vừng. Đêm 21, ta tập kích vào vị trí Quang Huy nhưng không kết quả.

Vì địa thế bất lợi, quân ta ở dưới ruộng phẳng, thấp, địch ở vị trí cao, bên sườn Quang Huy là vị trí Văn Yên và dọc trục lộ địch dễ tăng quân tiếp viện (một đại đội), do đó ta không thực hiện được kế hoạch bao vây Quang Huy. Hơn nữa, sau ngày 21, bộ đội đã hết gạo nên đồng chí Yến đã ra lệnh lui quân về Thượng Khê chờ lệnh mới. Ngày 1 tháng 5, chiến dịch kết thúc. Tại Quang Huy ta hy sinh một chính trị viên tiểu đoàn. Địch tổn thất ta không nắm được.

Sau chiến dịch phản công Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, ta có chủ trương đánh sâu vào Tây Bắc để xây dựng khu căn cứ địa và làm áp lực cho mặt trận Yên Bái. Đây là chiến dịch tiến công đầu tiên của quân đội ta. Được giao nhiệm vụ, Khu 10 đã quyết tâm tập trung một lực lượng lớn để thực hiện “chủ trương chiến lược” của mình, lần đầu tiên thực hiện “tư tưởng tiến công” - tư tưởng quân sự mang bản chất của quân đội ta. Trong kế hoạch, Bộ chỉ huy Khu 10 đã biết tập trung lực lượng đánh trên nhiều hướng, cùng một lúc đánh vào nhiều vị trí quan trọng buộc địch phải căng kéo đối phó, ý định chiến dịch đã bộc lộ rõ và khá tốt.

Nhưng khi dự kiến, chưa phân tích kỹ, thấy rõ tương quan lực lượng địch - ta, nên đã đề ra mục tiêu đánh chiếm đất là phiêu lưu, không thực tế. Trong xây dựng kế hoạch chiến đấu thì chủ quan, quá tin ở sức mình cho là nhất định đánh chiếm được, tiêu diệt được vị trí địch nên không đặt ra “giả định thất bại” sẽ đối phó ra sao. Khi thực hành chiến đấu, công tác chuẩn bị và tổ chức hành quân không chu đáo để bộ đội lạc nhiều, nên lực lượng vừa thiếu, vừa chậm thời gian so với kế hoạch dẫn đến phân bổ lực lượng trên thực tế không phù hợp (ở hướng phụ Quang Huy có tới hai tiểu đoàn, trong khi đó mặt chính Gia Hội chỉ có hơn một đại đội chiến đấu); bộ đội lại mang nặng tư tưởng “trận địa chiến”, nên phần lớn các trận đánh không thành công. Không kết hợp được giữa lực lượng tập kích đánh đồn và lực lượng phục kích đánh viện. Lực lượng phục kích hầu như không có hiệu quả gì cho chiến dịch.

Về chỉ huy: không thực tế, liên lạc lại quá xa nên không nắm được bộ đội (sở chỉ huy đóng ở Ca Vịnh. Từ các hướng chạy về: Gia Hội phải mất hai ngày, Nghĩa Lộ một ngày, Quang Huy năm ngày mới tới).

Không có kế hoạch tiếp tế hậu cần chu đáo nên ở hướng Quang Huy bộ đội hết gạo phải rút quân. Công tác tư tưởng và tổ chức chưa làm được thấu đáo, không nhận rõ khả năng chịu đựng có hạn của bộ đội để có phương án, kế hoạch khắc phục, nên khi đánh không thắng, bộ đội đói nảy sinh tư tưởng bi quan.


Đây là chiến dịch tiến công đầu tiên, thắng lợi của ta là đã tiêu hao, tiêu diệt một lực lượng đáng kể của địch, tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi những thiếu sót sai lầm, ấu trĩ, nhưng qua thử thách thực tế bước đầu đã tạo ra cho cán bộ chiến sĩ niềm tin mới, giúp cho các cấp chỉ huy và bộ đội có nhiều bài học quý đầu tiên về cách đánh cát cứ điểm địch nằm trong quy mô một chiến dịch tiến công.

 

 



WWW
 


CHIẾN DỊCH YÊN BÌNH XÃ 1
(Tiến công, từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 6 năm 1948)


Chiến dịch diễn ra trên địa bàn huyện Yên Bình, có diện tích rộng 890km2 nằm ở phía đông bắc thị xã Yên Bái, phía tây thị xã Tuyên Quang. Từ năm 1945, Yên Bình thuộc tỉnh Tuyên Quang; từ năm 1956 đến nay thuộc tỉnh Yên Bái. Địa hình rừng núi bán sơn địa thấp dần theo hướng bắc-nam. Phía bắc có nhiều dãy núi cao, như núi Con Voi, núi Ngàng, núi Yến... rừng rậm rạp hiểm trở. Xen kẽ có nhiều dãy núi đá vôi tiện cho việc giấu quân và kho tàng của ta. Phía nam huyện có nhiều đồi cao rồi thấp dần về phía Hạ Hoà (Phú Thọ). Xen kẽ giữa vùng đồi và núi đá vôi có nhiều cánh đồng rộng tươi tốt tạo nên nhiều làng xóm (như cánh đồng Làng Bạc, Mỹ Gia, Đồng Tâm, Văn Chính, Đại Đồng, v.v...)

Về giao thông, huyện lỵ Yên Bình cách Yên Bái 19 ki-lô-mét nối liền với thị xã Yên Bái bằng quốc lộ, từ đây lại có đường liên tỉnh nối với huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang; chạy song song với quốc lộ là dòng sông Chảy từ phía bắc chảy qua, dọc địa bàn Yên Bình xuôi xuống Đoan Hùng (Phú Thọ). Sông Chảy có nhiều thác lớn và dữ, như thác Ông, thác Bà, trước đây còn có tên là sông Trôi, sông Đạo Ngạn; với những ngòi lớn như: Ngòi Lự, ngòi Tràng, ngòi Loàn từ hai phía đổ ra sông Chảy tạo thành hệ thống giao thông thuỷ hết sức thuận lợi.

Trong kháng chiến chống Pháp, huyện Yên Bình có gần 24.500 người, gồm nhiều tộc người. Người Kinh và phần lớn người Tày sống ở vùng đồng bằng dọc hai bờ sông Chảy và giữa huyện. Người Dao sống trên vùng núi cao quanh huyện. Người Hoa sống chủ yếu ở chợ Ngọc và chợ Phủ. Đông nhất là người Kinh, từ năm 1900 do bị bần cùng hoá mà từ Nam Định, Thái Bình đi lên định cư dọc hai bờ sông Chảy; nhân dân ở đây rất nhạy bén với chính trị, bị hai tầng áp bức bóc lột của Nhật và Pháp, lại được giác ngộ cách mạng nên sẵn sàng ủng hộ kháng chiến. Tuy thực dân Pháp thực hiện chính sách và thủ đoạn chia rẽ dân tộc, nhưng đồng bào các dân tộc trong vùng vẫn sống hoà thuận và đoàn kết. Việc hôn nhân giữa các tộc người vẫn diễn ra bình thường, không bị ràng buộc nặng nề bởi các hủ tục.

Từ những ngày đầu xâm chiếm, thực dân Pháp thực hiện chính sách “tự trị”, dựng chính quyền tay sai ở huyện Yên Bình giống các huyện miền xuôi. Đứng đầu bộ máy là viên tri phủ, giúp việc có thừa phái, lục sự, kiểm lâm, dưới có chánh tổng, lý trưởng. Hệ thống quân sự cũng được tổ chức từ huyện đến xã phủ có châu đoàn, tổng có tổng đoàn, xã có xã đoàn. Ở huyện có lính cơ canh phòng, lính vệ làm phục dịch, xã có lính dõng. Tại chợ Ngọc (vùng thượng huyện), chúng xây dựng một đồn do bang tá chỉ huy, nằm án ngữ con đường Yên Bái - Lục Yên và Đồng Tâm - Hàm Yên. Từ 1914 đến 1945, chúng xây dựng 39 nhà thờ dọc hai bờ sông Chảy, trong đó có nhà thờ Vật Lầm xây trên quả đồi cao với tháp chuông có cửa sổ mở ra bốn phía như một cứ điểm quân sự, xung quanh có lô cốt với những lỗ châu mai. Từ các nhà thờ này, chúng dùng những tên phản động lợi dụng Thiên Chúa giáo dùng mọi thủ đoạn mê hoặc, chia rẽ nhân dân để phá hoại cách mạng. Ngoài hệ thống ngụy quân, ngụy quyền, chúng o bế số địa chủ, đại địa chủ và các cố đạo trong vùng để làm tay sai đắc lực cho chúng.

Từ tháng 5 năm 1948, trên phía tây bắc, thực dân Pháp cho quân ráo riết chiếm một số nơi thuộc hữu ngạn sông Hồng. Chúng xây đồn bốt, củng cố những nơi chiếm được như Đại Bục, Đại Phác, Đông Bồ. Một số cơ sở của ta ở vùng Tú Lệ, Gia Hội bị vỡ, đại đội độc lập 520 và đội võ trang đang đứng chân tại đây bị bật ra ngoài. Mặt đường số 4 chúng tích cực tuyển mộ lính ngụy. Mặt Yên Bình Xã và Phố Ràng chúng tiến công chiếm Võ Lăng và Bến Cóc để chuẩn bị đánh xuống Lục An Châu và Vĩnh Tuy, làm bàn đạp cho cuộc tiến công lớn vào căn cứ địa Việt Bắc trong thu đông 1948.

Để phá tan kế hoạch tiến công Lục An Châu - Vĩnh Tuy của địch, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực học tập đánh tập trung, Liên khu 10 chủ trương mở chiến dịch Yên Bình Xã 1 nhằm mục đích: “Tiêu diệt địch trong phạm vi Yên Bình Xã, Võ Lăng, Phố Ràng; nâng cao tinh thần và trình độ tác chiến của bộ đội, củng cố lòng tin trong nhân dân”. Phương châm tác chiến là: Đánh điểm, diệt viện để đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở cách mạng và lực lượng vũ trang trong vùng.

Lực lượng địch trong địa bàn chiến dịch gồm một đại đội, sáu trung đội (có hơn hai tiểu đội lê dương) và 300 lính dõng. Bố trí cụ thể: Phố Ràng hai trung đội; Yên Bình Xã: một đại đội (có sáu súng máy, một cối 60mm, một cối 50mm, hai AT); Hữu Bằng (làng Mun) hai trung đội; Làng Cao một trung đội; Bản Ven hơn một tiểu đội lính địa phương; Nghĩa Đô tám lính Pháp, một trung đội lính khố đỏ và 300 lính dõng (có một tên quan ba và một tên quan một Pháp, một tên quan một ngụy, vũ khí đầy đủ) và một số quân địch ở Khôn Lung.

Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm ba tiểu đoàn và hai đại đội độc lập: Tiểu đoàn 532 (chủ lực Khu), tiểu đoàn 534 (địa phương Hà Giang), tiểu đoàn 45 (chủ lực của Bộ), đại đội 700 và đại đội độc lập Ngô Khê.

Ta chủ trương tập trung lực lượng để tiêu diệt Yên Bình Xã. Phạm vi hoạt động của chiến dịch, một chiều khoảng 8 ki-lô-mét, một chiều 20 km. Chiến dịch tiến công trên ba hướng, cụ thể nhiệm vụ của các đơn vị là:

- Tiểu đoàn 534 và đại đội Ngô Khê từ hướng đường Võ Lăng đánh vào Yên Bình Xã.

- Tiểu đoàn 45 từ Khôi Ma, Hoàng Nam Đông đánh thẳng vào Yên Bình Xã.

- Đại đội 700 cùng một bộ phận của tiểu đoàn 532 từ hướng Phố Ràng đánh vào Yên Bình Xã để nghi binh thu hút địch.

- Bộ phận còn lại của tiểu đoàn 532 phục kích đánh địch trên đường Yên Bình Xã - Nghĩa Đô, Yên Bình Xã - Khôi Lung, bảo đảm cho tiểu đoàn 45 chiến đấu và lui quân.

Bộ tư lệnh Liên khu 10 trực tiếp chỉ huy chiến dịch1. Huyện uỷ và Uỷ ban kháng chiến huyện Yên Bình đã huy động 200 lượt người gồm dân quân du kích và dân công với lương thực, thực phẩm và vũ khí thô sơ đầy đủ tham gia trực tiếp phục vụ chiến dịch.

Ngày 5 tháng 6, trên hướng Võ Lăng - Hữu Bằng, tiểu đoàn 534 và đại đội độc lập Ngô Khê tiến công Gò Chè. Đến tối, vì bao vây không chặt nên địch đã lợi dụng trời mưa rút chạy về Võ Lăng Thượng. Sau đó ta tiếp tục tiến công Võ Lăng Thượng. Vì không có kế hoạch đánh viện nên lúc 14 giờ cùng ngày, 100 tên địch từ Yên Bình Xã đến tiếp viện, ta nổ súng chỉ diệt được hai tên, địch hoang mang bỏ chạy trở lại Yên Bình Xã.

Sáng ngày 6 tháng 6, ta tiếp tục tiến công Võ Lăng Thượng, nhưng cũng lại bao vây không chặt để địch chạy thoát về Yên Bình Xã - Hữu Bằng.

Trên hướng Phố Ràng: 17 giờ 10 phút ngày 6 tháng 6, đại đội 700 cùng một bộ phận của tiểu đoàn 532 tiến công Phố Ràng nhưng không thành công. Ngày 7 tháng 6, ta tiếp tục tiến công nhưng không thu được kết quả, ta chuyển sang bao vây đồn. Sau ba ngày bị vây chặt, không có tiếp tế, quân địch trong đồn hoang mang bỏ chạy. Nhưng đại đội 700 chỉ cho một tiểu đội truy kích diệt được hai tên và làm bị thương một số địch. Quân ta phá huỷ đồn, thu bảy hòm đạn đại liên và 25 quả đạn cối. Cùng ngày, trên một trung đội của tiểu đoàn 45 phục kích địch từ Yên Bình Xã tiếp viện cho Phố Ràng. Đến đoạn Thao Lung ta nổ súng, địch bỏ chạy, ta thu hai súng trường và 550 viên đạn.

Trên hướng Yên Bình Xã, 5 giờ 15 phút ngày 7 tháng 6, một đại đội của tiểu đoàn 532 đã bí mật, áp sát và nổ súng tiến công Yên Bình Xã. Đây là vị trí địch phòng thủ tương đối cứng, địa hình xung quanh là ruộng lầy và đồi thấp. Tiểu đoàn 45 hiệp đồng không khớp, đến chậm, ta phải lui quân. Ta chỉ diệt được ba tên địch, làm bị thương một tên; bên ta bị thương một người.

Từ ngày 10 tháng 6 đến 15 tháng 6, ta tổ chức tiến công Yên Bình Xã hai lần nữa; nhưng kế hoạch không chu đáo, hiệp đồng giữa các mũi không ăn khớp nên cũng không thu được kết quả. Ta chuyển sang bao vây. Quân địch rất hoang mang, 10 tên lính dõng mang vũ khí ra hàng, 10 tên khác bỏ trốn bị ta diệt bốn tên, thu bốn súng trường. Một bộ phận gồm tám lính Pháp, 50 lính dõng lợi dụng đêm tối chạy trốn về Nghĩa Đô.

Cùng trong thời gian trên, ta phục kích đánh địch tiếp viện trên đường Na Khao - Yên Bình Xã và Nghĩa Đô - Yên Bình Xã, diệt nhiều địch (trong đó có một chỉ huy Pháp) làm bị thương 11, bắt bốn tên, ta thu hai súng trường và năm gánh đạn. Chiến dịch kết thúc ngày 15 tháng 6 năm 1948.

Kết quả: Địch bị diệt 77 tên (có bảy lính Pháp, 70 lính khố đỏ và lính dõng), bị thương 70, bị bắt 11, ra hàng 45 tên. Ta thu: 68 súng trường, một khẩu Lơ-vít, một súng phóng lựu, một vạn viên đạn đại liên, 700 viên đạn súng ngắn, 25 quả đạn cối và một số quân trang, quân dụng. Ta hy sinh 17 đồng chí (có một đại đội trưởng), bị thương 35 người.



Chiến dịch Yên Bình Xã là một trong những chiến dịch tiến công đầu tiên của quân đội ta ở thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ và ấu trĩ nhưng về cơ bản đã hoàn thành được nhiệm vụ và mục đích đề ra. Tiêu diệt và bức hàng được một bộ phận sinh lực địch, rèn luyện bộ đội, bảo toàn và phát triển lực lượng, gây được niềm tin cho nhân dân. Mục đích chiến dịch đề ra là thích hợp và rõ ràng. Chỉ huy các cấp và bộ đội đã nhận thức được nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch là chính, biết lấy việc tiêu diệt sinh lực địch để phá kế hoạch tiến công của chúng, động viên tinh thần bộ đội và nhân dân. Phạm vi tiêu diệt sinh lực địch cũng rõ ràng, có trọng điểm, do đó kế hoạch tác chiến đã tập trung được lực lượng vào đúng mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu.

Nhưng do chưa nhận thức sâu sắc phương châm tác chiến và tư tưởng chiến thuật “Đánh điểm, diệt viện”, nên trong kế hoạch và thực hành chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ chỉ thiên về “đánh điểm” mà không chuẩn bị chu đáo kế hoạch “diệt viện”, do đó đã bỏ lỡ mất nhiều cơ hội đánh địch cứu viện. Kế hoạch tác chiến chưa hiệp đồng chặt chẽ giữa các mũi nên khả năng tiến công bị giảm sút nhiều, nhất là trận Yên Bình Xã.

Căn cứ vào tình hình địch cụ thể tại địa bàn, nếu nhận thức rõ, sâu sắc mối quan hệ giữa “đánh điểm” và “diệt viện”, trình độ tổ chức và chỉ huy tác chiến chặt chẽ hơn thì bộ đội ta có khả năng tiêu diệt được Võ Lăng, Hữu Bằng, Yên Bình Xã và hoàn thành được nhiệm vụ tác chiến đề ra.
____________________________________
1.Ngày 25 tháng 1 năm 1948, chính phủ ra sắc lệnh 120/SL chính thức sát nhập Khu 10 và Khu 14 thành Liên khu 10; Bộ Tư lệnh Liên khu gồm: Bùi Quang Tạo làm bí thư Liên khu uỷ, Bằng Giang làm Liên khu trưởng, Song Hào làm chính uỷ Liên khu và Lê Trọng Tấn làm Liên khu phó.

CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG SỐ 3

(Tiến công, từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 12 tháng 12 năm 1948)


Thực hiện nhiệm vụ quân sự của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng từ ngày 15 đến 17 tháng 1 năm 1948 đề ra1, Bộ Tổng chỉ huy chủ trương mở chiến dịch đường số 3 nhằm mục đích “Bức địch rút khỏi Bắc Cạn và đường số 3”. Phương châm tác chiến là: “Tập trung lực lượng tiêu diệt các cứ điểm, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là đánh Phủ Thông, kết hợp phục kích trên đường giao thông, đánh quân tăng viện và tiếp tế của địch từ Bắc Cạn lên”.

Trên địa bàn, quân địch đang chiếm đóng các vị trí: Ở thị xã Bắc Cạn hai đại đội; Phủ Thông một đại đội; Nà Pặc một đại đội; Ngân Sơn một đại đội; Bằng Khẩu hai trung đội; Tài Hồ Sìn một trung đội. Tổng số quân địch trên địa bàn chiến dịch tương đương ba tiểu đoàn. Địch thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc “Dùng người Việt đánh người Việt”, chúng mua chuộc, lôi kéo đồng bào các dân tộc và lập tề điệp làm lực lượng hậu thuẫn bảo vệ xung quanh các căn cứ đã chiếm được. Các cứ điểm xây dựng công sự kiên cố. Vũ khí trang bị đầy đủ và hiện đại hơn hẳn quân ta. Các vị trí của địch xây dựng khá vững chắc, nhưng cách xa nhau nên khi ta tiến công, chúng dễ bị chia cắt cô lập, khó ứng cứu được cho nhau.

Lực lượng ta gồm: Trung đoàn địa phương Bắc Cạn có một tiểu đoàn 55 và một đại đội độc lập. Trung đoàn địa phương Cao Bằng (trung đoàn 74) gồm tiểu đoàn 71 và một đại đội độc lập. Hai tiểu đoàn chủ lực của Bộ (11 và 54)2, tiểu đoàn 45 mới cơ động từ Tây Bắc về, một đại đội công binh và một đại đội pháo binh của Bộ.

Chiến dịch do Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo; Bộ chỉ huy Liên khu 1 chỉ huy, đồng chí Thanh Phong làm chỉ huy trưởng, đồng chí Lâm Kính làm chỉ huy phó. Từ phương châm “đánh điểm, diệt viện”, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết tâm “Tiêu diệt Phủ Thông - Bằng Khẩu và diệt viện binh từ Bắc Cạn lên”.

Phân công nhiệm vụ các đơn vị, cụ thể như sau: Tiểu đoàn 11 phối hợp với đại đội Ba Bể và đại đội pháo binh 75mm của tiểu đoàn 410 tiêu diệt đồn Phủ Thông, tiểu đoàn 73 thuộc trung đoàn 74 tiêu diệt Bằng Khẩu và dùng một bộ phận quấy rối Ngân Sơn, tiểu đoàn 54 của Bộ và tiểu đoàn 55 thuộc trung đoàn 72 tiêu diệt viện binh địch từ Bắc Cạn lên. Ngoài ra, dùng các đại đội độc lập của trung đoàn 72 và đội biệt động của ban tình báo Liên khu 1 quấy rối Nà Pặc, Bắc Cạn và phục kích Đèo Giàng.

Địa hình khu vực chiến dịch rừng rậm núi cao, đường số 3 độc đạo với nhiều đèo dốc hiểm trở, thuận lợi cho ta đánh phục kích, khó khăn cho việc cơ động binh, hoả lực của cả hai bên. Đây là vùng dân tộc ít người, thưa thớt và rất nghèo, nên ta không có điều kiện giải quyết “hậu cần tại chỗ” đảm bảo cho chiến dịch.

Thời tiết khí hậu trong vùng khắc nghiệt, dễ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, đánh dài ngày bộ đội sẽ ốm đau nhiều.

Trong năm tiểu đoàn tham gia chiến dịch có hai tiểu đoàn (11 và 54) đã được bổ sung quân số, vũ khí tương đối khá và có thời gian đắp sa bàn chiến dịch để luyện tập. Các đơn vị khác mới được điều đến, chưa có điều kiện huấn luyện kỹ, lại có nhiều chiến sỹ mới. Chiến dịch tuy không có cơ quan chính trị chuyên trách nhưng các đơn vị đã chủ động tiến hành công tác thành trì trước chiến dịch, động viên được bộ đội tất cả đều rất hăng hái thi đua giết giặc lập công, sẵn sàng lấy súng địch đánh địch.

Về lương thực, việc bảo đảm của Chi cục Quân nhu có khó khăn vì thu mua trong dân được không đáng kể, đường sá khó khăn, nhân công thiếu nên chỉ vận chuyển được một số đến Bản Thi.

Tổ chức nắm địch, vì thiếu người và phương tiện nên chỉ nắm được tình hình địch từ Nà Pặc đến Bắc Cạn.

Thực tế chiến dịch tiến hành theo ba đợt.

Đợt 1 (từ ngày 25 tháng 7 đểu 27 tháng 7).

Ngày 24 tháng 7, các đơn vị đã tới địa điểm quy định, ngày 25 bắt đầu nổ súng (so với kế hoạch chậm 10 ngày). Mục tiêu tiến công đầu tiên là tiêu diệt vị trí Phủ Thông để mở màn chiến dịch3. 18 giờ 30, hoả lực của pháo binh bắn dồn dập vào cứ điểm, sau đó bộ binh đột nhập vào. Pháo của tiểu đoàn 410 bắn sập một phần khu thông tin, phá hỏng một số tường, rào, giao thông hào bao quanh cứ điểm. Tiểu đoàn 11 do đồng chí Vũ Yên chỉ huy chia thành hai mũi tiến công vào đồn. Mũi thứ nhất - đại đội 245 do đại đội trưởng Nguyễn Văn Thuần chỉ huy - tiến công vào hướng cổng chính; bị địch tập trung hoả lực bắn ra dữ dội, bộ đội thương vong nhiều, không tiến lên được. Ta tập trung súng bắn yểm trợ cho mũi thứ hai - đại đội 243 do đại đội trưởng Đào Đình Luyện chỉ huy - tiến công từ phía bên phải; bộ đội cắt hàng rào kẽm gai, phá hàng rào tre nứa, bắc thang xung phong qua tường trình. Hai chiến sỹ đầu tiên trèo lên bị trúng đạn của địch, hy sinh; người thứ ba lên tiếp, địch hoảng sợ bỏ chạy, tổ xung kích xung phong lên chiếm “đầu cầu”, đại đội xung phong vào đồn. Bộ đội ta dùng lựu đạn, lưỡi lê, mã tấu, mác búp đa đánh giáp lá cà, vật lộn tranh chấp với địch từng gian nhà, từng ụ súng. Địch dựa vào công sự và hoả lực mạnh cố thủ và kiên quyết chống trả, đẩy lùi nhiều đợt xung phong của quân ta. Trong khi đó, bộ đội ta lần đầu tiên dùng cách đánh cường tập để công đồn nên không khỏi lúng túng. Cán bộ cấp trung đội, đại đội vì quá ham chiến đấu, gặp nơi nào khó liền xông vào giải quyết nên quên mất vai trò bao quát của người chỉ huy. Chiến sĩ phần lớn tự động đánh giặc, thiếu hiệp đồng chặt chẽ. Vì vậy, mặc dù rất dũng cảm nhưng ta vẫn không sớm tiêu diệt được địch. Gần nửa đêm (sau 4 giờ chiến đấu), quân ta chỉ chiếm được 3 phần 4 đồn do còn một tiểu đội địch cố thủ trong hầm ngầm chống trả quyết liệt. Vũ khí ta kém, trong tay không còn lực lượng dự bị nên 23 giờ tiểu đoàn trưởng phải ra lệnh lui quân. Kết quả: Ta đã tiêu diệt đại bộ phận quân địch trong đồn, trong đó có tên đồn trưởng và đồn phó4. Diệt 100 lính lê dương, thu được năm trung liên Bơ-ren, một Tôm-sơn, một Các-bin, hai Sy-ten và 10 súng trường. Ta hy sinh 43 người (không lấy được tử sĩ), bị thương 50, mất 18 súng trường, một Tôm-sơn, một Bơ-ren.

Phía Bằng Khẩu, vì tiếp tế khó khăn, bộ đội vận động chậm, 1 giờ ngày 26 tháng 7 mới tới vị trí. 3 giờ bắt đầu tiến công; bộ đội đang đánh bộc phá để phá hàng rào thì trời sáng nên phải rút. Kết quả chỉ đốt được một vài ngôi nhà của bọn phản động, thu được một súng trường và ba súng kíp.

Phía đường số 3: 2 giờ ngày 26 tháng 7, bốn xe chở một trung đội địch tới gần trận địa phục kích của ta, nhưng chúng nghi ngờ nên lại rút. Đến 10 giờ 25 phút, tám xe chở khoảng một đại đội lên tiếp viện cho Phủ Thông. Vì để lộ nên ta chỉ đánh được trung đội tiền vệ của địch. Kết quả, ta thu được ba súng, 100 viên đạn, phá một cối 60mm, diệt và làm bị thương 6 tên. Bên ta hy sinh 43 người, bị thương tám người và mất ba súng trường.

Cùng đêm 25 tháng 7, ta tiến hành quấy rối Ngân Sơn, Nà Pặc. Riêng Bắc Cạn, do Phủ Thông bị đánh, địch ở đây đã chuẩn bị đối phó nên sang đêm 26 ta mới thực hiện được việc đột nhập quấy rối.

Sau đêm 25 tháng 7, vì không liên lạc được với nhau nên địch tưởng đã mất Phủ Thông, chúng rất lo sợ và dè dặt. Sáng 27 tháng 7, địch cho máy bay lên trinh sát, hai giờ sau hai chiếc lên thả 11 dù tiếp tế, đồng thời chúng dùng 30 xe chở hai đại đội từ Cao Bằng xuống tiếp viện. Tối 28 mới đến Bằng Khẩu, sáng 29 tháng 7 mới tới Phủ Thông.

Ngày 27 tháng 7, Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho tiểu đoàn 11 đánh Phủ Thông lần thứ hai, nhưng lệnh không dứt khoát nên tiểu đoàn 11 chỉ cho một trung đội và một Badôka đến quấy rối. Ta bỏ lỡ thời cơ đánh quân tiếp viện từ Cao Bằng xuống. Đợt một của chiến dịch kết thúc.

Đợt 2 (từ 28 tháng 7 đến 6 tháng 8 năm 1948).

Địch tăng quân cho các cứ điểm: Phủ Thông, Bằng Khẩu, Ngân Sơn; tạm ngừng việc lùng sục ra xung quanh, tăng cường canh gác.

Về phía ta: tình trạng cung cấp thiếu thốn chưa khắc phục được, mặc dù đã dùng một bộ phận bộ đội đi vận chuyển. Bởi vậy, Bộ chỉ huy chủ trương phát động công tác phá hoại giao thông trên trục đường 3 và tổ chức bắn máy bay để triệt đường tiếp tế của địch. Nhiệm vụ của các đơn vị phân công cụ thể như sau: Trung đoàn 72 phục kích, đánh địa lôi và phá hoại đoạn từ Nà Pặc đến Bắc Cạn. Tiểu đoàn 11 và 54 dùng bộ phận nhỏ quấy rối Bắc Cạn và Phủ Thông, còn đại bộ phận trở về Chợ Rã chuẩn bị đợt tiến công mới. Tiểu đoàn 45 bảo vệ pháo binh và chuẩn bị cho đợt 3. Kết quả: ta chỉ phá hoại được một ít trên đường số 3, các nơi khác không thực hiện được kế hoạch.

Đợt 3 (từ ngày 7 đến 12 tháng 8 năm 1948).

Trong hai ngày 8 và 9 tháng 8, địch đã khắc phục, mở thông được đường số 3. Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ: Trung đoàn 72 phục kích đánh địch, phá hoại đoạn đường Bắc Cạn - Phủ Thông. Tiểu đoàn 45 và 11, quấy rối Phủ Thông, phục kích đoạn Nà Pặc - Phủ Thông. Trung đoàn 74 tập kích tiêu diệt Bằng Khẩu. Tiểu đoàn 54 về Phiêng Môn sẵn sàng làm nhiệm vụ bao vây Phủ Thông và phục kích đoạn Bắc Cạn - Phủ Thông.

Thực hiện kế hoạch trên, tiểu đoàn 73 của trung đoàn 74 tập kích tiêu hao địch tại Bằng Khẩu, diệt được 20 tên, thu một số súng trường. Các đơn vị khác chỉ phá hoại được một số đoạn đường và tiêu hao được một số ít quân địch khi chúng đi tuần tiễu. Bộ đội ốm đau nhiều, việc vận chuyển hậu cần rất khó khăn. Chiến dịch kết thúc ngày 12 tháng 8 năm 1948.

Chiến dịch đường số 3 là một trong ba chiến dịch tiến công đầu tiên của quân đội ta, vì vậy không tránh khỏi sự ấu trĩ trong nghệ thuật chỉ đạo và chỉ huy chiến dịch. Tuy chưa diệt gọn được cứ điểm Phủ Thông, nhưng đây là trận tiến công cứ điểm đầu tiên bằng sự hiệp đồng giữa pháo binh và bộ binh đánh cường tập. Vì vậy, qua chiến dịch cán bộ, chiến sĩ đã rút được nhiều kinh nghiệm tốt cho các trận tiếp sau. Chiến dịch còn bộc lộ khá nhiều khuyết, nhược điểm:

Mục đích chiến dịch đề ra là bức địch rút khỏi Bắc Cạn, đường số 3 là quá cao so với nhiệm vụ chiến lược của giai đoạn “tích cực cầm cự” và so với tương quan lực lượng giữa ta và địch. (Ta năm tiểu đoàn, địch ba tiểu đoàn, nhưng được trang bị mạnh hơn ta gấp nhiều lần, lại cố thủ trong căn cứ kiên cố).

Phương châm “đánh điểm, diệt viện” của Bộ tư lệnh chiến dịch đề ra là hoàn toàn đúng đắn, khoa học, nhưng bộ đội không thực hiện được cả ở khâu quán triệt tư tưởng quân sự và khâu thực hành chiến đấu; do đó đánh được điểm nhưng không diệt được viện, nghĩa là nhiệm vụ chủ yếu nhất để diệt sinh lực địch không thực hiện được.

Hướng chiến dịch lấy đường số 3 là đúng, nhưng trọng điểm ở đâu thì lại không rõ, nên bộ đội phân tán, đánh lung tung.

Khuyết điểm nổi bật trong tổ chức chiến dịch là chưa thực hiện được sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, nên không có cấp uỷ để chỉ đạo chiến dịch, không có cơ quan chính trị để lãnh đạo tư tưởng bộ đội, chưa biết liên hệ chặt chẽ với cấp uỷ và chính quyền địa phương để huy động khả năng của nhân dân phục vụ chiến dịch, do đó khâu hậu cần tiếp tế gặp khó khăn lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức chiến đấu của bộ đội.

Về chỉ huy không nắm được đơn vị. Lực lượng, trình độ, khả năng của bộ đội và trang bị có thể diệt được Phủ Thông, Bằng Khẩu và một vài điểm phục kích lớn; nhưng vì sử dụng lực lượng thiếu tập trung (cả bộ binh và pháo cối), nên không dứt điểm được trận nào. Không kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình chiến đấu để linh hoạt điều chỉnh lại lực lượng, nhất là sau đợt 1 khi tác chiến đã ít kết quả.
________________________________________
1.Hội nghị đã chỉ rõ nhiệm vụ quân sự là: “... Phá tan cuộc tiến công mùa đông 1948 của địch. Đánh đuổi địch ra khỏi Việt Bắc, trước hết là Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai...(tiêu diệt sinh lực địch, thực hiện phản công đánh những trận tiêu diệt chiến để rèn luyện bộ đội. Kiên quyết giành chủ động chiến thuật, tiến tới giành chủ động chiến lược bộ phận...)
2.Từ tháng 6 năm 1948, tiểu đoàn 36 đổi phiên hiệu thành tiểu đoàn 11; trung đoàn 17 đổi thành trung đoàn 308.
3.Đồn Phủ Thông nằm ở phía Bắc thị xã Bắc Cạn 20 km, do một đại đội và một trung đội trợ chiến thuộc trung đoàn lê dương số 3 chiếm giữ; được trang bị nhiều súng cối, đại liên do tên đại uý Các-đi-nan làm đồn trưởng, trung uý Sát-lốt-tông đồn phó. Sau hai lần bị ta tập kích trước đây (ngày 30 tháng 11 năm 1947 và 12 tháng 3 năm 1948), đồn Phủ Thông được xây dựng thành cứ điểm vững chắc, có rào dây kẽm gai, nhiều lớp rào tre nứa và tường thành trình bằng đất cao hơn đầu người bao quanh. Đồn có nhiều dãy nhà gạch, với những ụ súng, lô cốt, hầm ngầm kiên cố.
4.Về trận đánh đồn Phủ Thông, trong cuốn “Chiến đấu trong vòng vây” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Nxb Thanh niên 1995) tr.267 có đoạn viết: “Gần đây tình cờ tôi được đọc cuốn sách của Pháp mới xuất bản năm 1992, trong đó tác giả viết khá chi tiết về trận Phủ Thông.

Đồn Phủ Thông do đại đội 2 của trung đoàn lê dương số 3 bảo vệ. Quân số gồm 102 người. 19 giờ 30 phút ngày 25 tháng 7 năm 1948, bất thần một trận hoả lực trút xuống đồn. Đạn súng cối, những tràng liên thanh, pháo 75mm bắn thẳng làm tê liệt quân phòng thủ. Hàng rào và cửa lô cốt phía tây bị phá vỡ, bố trí phòng thủ nhanh chóng bị rối loạn. Ngay giờ đầu, đại uý đồn trưởng và trung uý đồn phó đều bị tử thương. Bộ đội Việt Nam hò hét xung phong chiếm các khu 1, 2, 3; chỉ còn khu 4 là chống cự trong tình trạng tuyệt vọng. Đại đội đã bị loại khỏi vòng chiến đấu một nửa quân số (14 chết, 33 bị thương). Riêng về lực lượng tiến công của ta, tác giả viết: gồm 5, 6 tiểu đoàn với hơn 3.000 người trong khi đó, quân số của tiểu đoàn 11 không quá 400 người.

Trận đánh không thành công trọn vẹn, nhưng đã mang lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm và một niềm tin mới: nếu chuẩn bị đầy đủ hơn thì đã tiêu diệt được đồn địch. Cũng phải thấy rằng trong một trận thí điểm, lẽ ra ta nên chọn một mục tiêu phù hợp hơn với trình độ tác chiến của bộ đội ta. Tiểu đoàn 11 được nhận danh liệu “Tiểu đoàn Phủ Thông”. Tiểu đoàn đã mở đầu cho truyền thống đánh cứ điểm của quân đội ta và trở thành một đơn vị đánh cứ điểm nổi tiếng sau này”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét