Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

CHUYỆN ÍT BIẾT 22

(ĐC sưu tầm trên NET)

Bằng chứng về trận Đại hồng thủy: Sự thật hay chỉ là truyền thuyết? (Phần 1)



Trận Đại hồng thủy, một thảm họa toàn cầu (năm 1869). (Ảnh: Internet)
Trận Đại hồng thủy, một thảm họa toàn cầu (năm 1869). (Ảnh: Internet)

Liệu có thể nào tất cả các sự tích lũ lụt/đại hồng thủy đã sốt sắng lặp lại trên thế giới chỉ là một bộ sưu tập các huyền thoại hay các sự kiện độc lập, không liên quan đến nhau như giới học giả chủ lưu vẫn nhìn nhận? Hay phải chăng Trận Đại hồng thủy là một thảm họa đơn nhất mang tính toàn cầu đã tác động đến toàn bộ nhân loại vào một thời điểm nào đó trong tiền sử?
Câu chuyện về một “Trận Đại hồng thủy” được Chúa (hay các vị Thần theo các tư liệu cổ xưa hơn) gửi tới nhằm hủy diệt nhân loại tội lỗi là một sự kiện phổ biến góp mặt trong rất nhiều nền văn hóa và tín ngưỡng trên khắp thế giới, và trải dài tới tận giai đoạn lịch sử đầu tiên từng được ghi nhận. Từ Ấn Độ cho đến Hy Lạp cổ đại, vùng Lưỡng Hà và ngay cả trong các cộng đồng thổ dân bản địa Bắc Mỹ, không hề thiếu những câu chuyện mà thoạt nghe rất tương đồng với nhau. Một số trong những câu chuyện này thật sự giống nhau đến nỗi một người có thể thốt lên rằng phải chăng tất cả các nền văn minh trên địa cầu đều đã từng trải qua một sự kiện tương tự.

Thảm họa

Tuy các thảm họa nhỏ, biệt lập có thể reo rắc nỗi kinh hoàng đến một quần thể người dân ở mức độ tương đương, nhưng các ảnh hưởng tổng thể của chúng là khá ngắn, và thường sẽ phai mờ khỏi tâm trí người dân trong vài thập kỷ, hoặc thậm chí chỉ vài năm. Tuy nhiên, trong trường hợp của Trận Đại hồng thủy, chúng ta có một câu chuyện dường như không có ranh giới, một câu chuyện mà mỗi nền văn minh đều nhấn mạnh vào tính chất toàn cầu của nó. Một thảm họa như vậy phải to lớn và có sức tàn phá đến đâu, để có thể khắc ghi vào trong ký ức tập thể của tổ tiên chúng ta trong hàng nghìn năm như vậy? Đánh giá từ những lời chứng tương đồng nhau, chúng ta có thể nói rằng đây không chỉ là một sự kiện đã tác động đồng thời đến tất cả mọi người, mà để cho nó có thể trở thành một dấu ấn không thể xóa nhòa trong tâm khảm của nhân loại, thì nó phải là một trải nghiệm đã diễn ra không chỉ trong nhiều ngày hay nhiều tháng, mà là nhiều thế hệ.

Mực nước biển gia tăng

Tuy nhiên, nếu không phải là một sự kiện cô lập, vậy thì thảm họa mang tính toàn cầu nào đã được biết đến có đủ khả năng để được gọi là Trận Đại hồng thủy? Không còn nghi ngờ gi nữa, một sự gia tăng đáng kể mực nước biển—một thảm họa toàn cầu mà cho đến cuối Kỷ Băng Hà đã xóa sổ hàng triệu km vuông đất liền xung quanh địa cầu—chắc hẳn phải là sự kiện ngày tận thế mà mỗi nền văn minh ngày nay đều đang thảo luận rất sôi nổi. Cụ thể hơn, chính sự gia tăng mực nước biển đột ngột vào khoảng giai đoạn năm 8000 TCN rốt cuộc đã dẫn đến tình trạng ngập lụt đầu tiên ở khu vực Địa Trung Hải, rồi sau đó đến khu vực Biển Đen. (Lưu ý: Tuy rằng vào năm 1997 William Ryan và Walter Pitman đã đưa ra giả thuyết cho rằng tình trạng ngập lụt đã xảy ra vào khoảng giai đoạn 5600 TCN, nhưng một nghiên cứu sau đó vào năm 2005, được tài trợ bởi UNESCO, đã xác nhận được rằng vụ việc này đã xảy ra sớm hơn trước đó rất nhiều, vào khoảng giai đoạn 8000 TCN).
dai hong thuy 1
Trận Đại hồng thủy (khoảng năm 1450). (Ảnh: Wikimedia)
Sự gia tăng mực nước biển là một sự kiện đơn nhất, lâu dài đã mạnh mẽ tái lập lại đường bờ biển của hành tinh chúng ta và cũng chính là sự kiện đồng thời tác động đến tất cả nền văn minh gần biển trên toàn cầu vào thời điểm đó. Ngay cả với cái nhìn đầu tiên, sự gia tăng dần dần mực nước biển dường như không hội đủ tiêu chuẩn như một sự kiện khơi mào cho cho truyền thuyết về Trận Đại hồng thủy, nhưng một sự kiện đã khiến mực nước biển gia tăng hơn 120 m trên toàn cầu, chắc chắn đã có rất nhiều giai đoạn đột ngột khi mà diễn biến trận lụt trở nên hoàn toàn nằm ngoài khả năng dự báo. Khi cân nhắc đến việc con người, về bản chất thường định cư ở những khu vực thấp và gần nguồn nước [để sinh hoạt], sẽ không có gì ngạc nhiên khi tất cả các nền văn minh thời tiền sử đã bị hủy diệt hoàn toàn bởi sự kiện này.
Một nghiên cứu gần đây được đăng tải vào ngày 4/12/2010 trên trang Science News với tựa đề “Tình trạng mực nước biển gia tăng toàn cầu vào cuối Kỷ Băng Hà bị cắt ngang bởi các cú nhảy vọt” đã đưa ra cách giải thích tốt hơn. Sau giai đoạn cuối của Kỷ Băng Hà gần đây nhất, trong khoảng từ 17000 TCN cho đến 4000 TCN, mực nước biển trung bình đã gia tăng khoảng 1m mỗi thế kỷ. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng tình trạng gia tăng dần dần mực nước biến này đã được xen lẫn bởi các đợt gia tăng mực nước biển đột ngột tại một mức tỷ lệ khoảng 5m mỗi thế kỷ. Nói chính xác hơn, nghiên cứu đã cho thấy rằng giai đoạn từ 13000 TCN cho đến 11000 TCN, cũng như giai đoạn từ 9000 TCN cho đến 7000 TCN, đã được đánh dấu bởi một tình trạng gia tăng mực nước biển bất thường.
Khi nghiên cứu sâu hơn hiện tượng biến đổi khí hậu đột ngột trong khoảng 18.000 năm qua, khoảng thời gian từ 9000 TCN đến 7000 TCN là đặc biệt thú vị. Do các tảng băng trôi bắt đầu tan chảy khoảng vài nghìn năm trước giai đoạn này, và các mức nhiệt độ bắt đầu gia tăng đáng kể sau mỗi thế kỷ trôi qua, từ đó làm tăng tốc quá trình tan băng, chúng ta có thể dễ dàng giả định rằng đây hẳn phải là giai đoạn gia tăng mực nước biển nhiều nhất. Nói chính xác hơn, giai đoạn tồi tệ nhất chắc hẳn là giai đoạn từ khoảng 8000 TCN cho đến “chu kỳ lũ lụt” đáng kể xảy ra trước khi Biển Đen bị ngập lụt, thời điểm đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn khắc nghiệt này. (Trên thực tế, nếu các Kỷ Băng Hà và trận lụt vào các chu kỳ trước đó không thêm độ mặn vào nước ngọt của Biển Đen, thì không nghi ngờ gì khi nói rằng trận lụt mang tính toàn cầu lần trước vào khoảng 8000 TCN chắc hẳn phải là trận lụt lớn nhất mọi thời đại).
Xem thêm:
Trong khoảng giai đoạn này, bên cạnh lượng nước tan chảy từ sông băng đã đổ mạnh mẽ vào biển Đại Tây Dương, hai hồ băng khổng lồ ở Bắc Mỹ cũng đã trào ra, đầu tiên là hồ Agassiz, sau đó đến hồ Ojibway, và bắt đầu thoát nước vào biển bắc Đại Tây Dương. Chỉ tính riêng hồ Agassiz, bao phủ một vùng diện tích lớn hơn toàn bộ vùng Ngũ Đại Hồ hợp lại (440.000 km2). Ước tính chỉ riêng trận lụt tràn gây ra bởi sự đổ vỡ của hồ băng Agassiz cũng đã đủ khiến mực nước biển gia tăng lên đến khoảng 2,7 m trên toàn cầu. Tổng lượng nước ngọt tràn ra [biển] từ cả hai hồ là quá lớn đến nỗi không chỉ có thể nhanh chóng làm gia tăng mực nước biển trên toàn cầu lên vài mét, mà sự kiện này rốt cục cũng có thể đã gây nên “sự kiện 8,2 kilo năm” vốn xuất hiện sau đó vào khoảng 8.200 năm trước (một Kỷ Băng Hà nhỏ đã kéo dài đến 4 thế kỷ)
ho bang bac my
Bản đồ hai hồ băng Agassiz và Ojibway khoảng 7900 năm trước. (Ảnh: Internet)
Chính trong khoảng giai đoạn này hầu hết các nền văn minh gần biển trên Trái Đất đã biến mất. Tình trạng gia tăng nhanh chóng, liên tục mực nước biển trong giai đoạn này (trung bình khoảng từ 6 đến 9 m mỗi thế kỷ hoặc hơn), cùng với tình trạng khí hậu khắc nghiệt theo sau, đã khiến những gì còn sót lại của bất kỳ nền văn minh nào ở đây không thể tự tái lập.

Sự khôi phục của nhân loại

Chỉ sau giai đoạn 7.000 TCN khi mực nước biển bắt đầu ổn định trở lại, thì đời sống của con người mới một lần nữa trở về đúng quỹ đạo. Các vùng đất gần biển không còn phải bị bỏ hoang để di tản đến các vùng đất cao hơn, ít nhất là ở hầu hết các khu vực, và trong khoảng từ 6000 TCN đến 5000 TCN, một lần nữa, chúng ta bắt đầu nhìn thấy các dấu hiệu của hoạt động con người gần khu vực biển. Liệu đây chỉ đơn thuần là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi lịch sử “được ghi nhận” đã bắt đầu vào khoảng thời gian này? Liệu có đúng khi nói rằng những con người thời kỳ đầu vẫn còn quá nguyên thủy để có thể để lại đằng sau các dấu tích về sự tồn tại của họ, hay những trang đầu tiên của lịch sử đã bị “cuốn trôi” bởi Trận Đại hồng thủy từ Kỷ Băng Hà gần đây nhất? Sau cùng, dường như ngay khi các hoàn cảnh khí hậu khắc nghiệt thoái lui, sẽ không mất nhiều thời gian để nhân loại có thể tự khôi phục lại một lần mới.
Christos A. Djonis – tác giả của cuốn sách “Uchronia? Atlantis Revealed (Uchronia? Vùng đất Atlantis được hé lộ)”.
Đón xem: Bằng chứng về Trận Đại hồng thủy – Sự thật hay chỉ là truyền thuyết (Phần 2)
Tác giả: Christos A. Djonis, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Bằng chứng về trận Đại hồng thủy: Sự thật hay chỉ là truyền thuyết? (Phần 2)



Bức tranh vẽ cảnh đại hồng thủy trong Thánh Kinh. (Ảnh: wiki)
Bức tranh vẽ cảnh đại hồng thủy trong Thánh Kinh. (Ảnh: wiki)

Câu chuyện về một “Trận Đại hồng thủy” là một sự kiện phổ biến trong rất nhiều nền văn hóa và tín ngưỡng trên khắp thế giới, và trải dài tới tận giai đoạn lịch sử đầu tiên từng được ghi nhận.
Một số trong những câu chuyện này thật sự giống nhau đến nỗi một người có thể thốt lên rằng phải chăng tất cả các nền văn minh trên địa cầu đều đã từng trải qua một sự kiện tương tự. Từ Ấn Độ cho đến Hy Lạp cổ đại, vùng Lưỡng Hà và ngay cả trong các cộng đồng thổ dân bản địa Bắc Mỹ, không hề thiếu những câu chuyện mà thoạt nghe rất tương đồng với nhau.
Để thách thức giả thuyết này, ít nhất cho tới thời điểm gần đây, các nhà cổ sinh vật học đã nhấn mạnh rằng 10.000 năm trước nhân loại vẫn còn quá sơ khai, nguyên thủy để có thể nhận thức được một sự kiện như vậy. Vì vậy, về cơ bản, do không có nền văn minh nào được biết đến tồn tại trong khoảng thời gian này để có thể bị tác động bởi một thảm họa tự nhiên như vậy, nên câu chuyện về một Trận Đại hồng thủy đã được nhìn nhận là một truyền thuyết hay một thảm họa đã từng xảy ra vào một khoảng thời gian về sau, trong chiều dài lịch sử đã được ghi nhận. Tất nhiên, vì không có gợi ý nào về các thảm họa toàn cầu trong chiều dài lịch sử đã được ghi nhận, nên có thể dẫn đến một kết luận sau cùng là Trận Đại hồng thủy chỉ là một truyền thuyết hay một sự kiện cục bộ xảy ra trong một phạm vi nhỏ hơn rất nhiều, ví như hiện tượng ngập lụt Biển Đen.
Trong rất nhiều năm, đây là “logic” chung đã thống trị rất nhiều tư tưởng học thuật và là thách thức lớn nhất cho giả thuyết về Trận Đại hồng thủy trong Kỷ Băng hà khi nó được đưa ra.

Bằng chứng mới

khao co ngam duoi nuocMột nhà khảo cổ từ Cục Quản lý Khí quyền và Đại dương Quốc gia Mỹ NOAA đang tiến hành nghiên cứu dưới nước với một chiếc xe trượt tuyết được thiết kế đặc biệt, bên trên gắn một camera có độ phân giải cao. Ảnh đại diện. (Ảnh: Flickr)
Nhưng tất cả những điều này đã thay đổi vào năm 1994 với việc phát hiện đền thờ Gobekli Tepe, một di chỉ rộng lớn có niên đại 12.000 năm tuổi ở vùng Đông Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như vào năm 2002 với việc phát hiện một thành phố cổ 10.000 năm tuổi nằm 40 m ngầm dưới mặt nước ở ngoài khơi Tây Ấn tại Vịnh Cambay. Trong những trường hợp này, một vài thế hệ ngư dân đã nhấn mạnh về các câu chuyện xoay quanh một thành phố ngầm dưới biển trong khu vực, nhưng những tuyên bố của họ đã bị phớt lờ cho đến lúc di chỉ này đã tình cờ được phát hiện khi Viện Công nghệ Hải dương Quốc gia Ấn Độ tiến hành các cuộc khảo sát ô nhiễm nguồn nước trong khu vực.
ho ba be noahCó rất nhiều sự tương đồng giữa truyền thuyết về Hồ Ba Bể ở Việt Nam và truyền thuyết về con thuyền Noah và Trận Đại Hồng thủy trong Thánh Kinh. (Ảnh: Wikimedia)

Với việc sử dụng máy sonar quét sườn, trong đó sẽ bắn một chùm sóng âm xuống đáy biển, các nhà khoa học đã phát hiện thấy các cấu trúc hình học đồ sộ dưới đáy biển, tại một mức độ sâu khoảng 40 m. Các mảnh vụn thu thập được từ di chỉ này, bao gồm vật liệu xây dựng, đồ gốm, các mảnh tường, hạt tràng, tượng điêu khắc, và xương người đã được định tuổi bằng đồng vị cacbon và xác định niên đại vào khoảng 10.000 năm tuổi.
Hiện các nhà khoa học ước tính rằng thành phố rộng khoảng 26 km2 này đã bị nhấn chìm sau Kỷ Băng hà gần nhất, khi lượng băng tan chảy 10.000 năm trước đã khiến mực nước biển gia tăng đáng kể trên toàn cầu. Đây là một phát hiện đáng kinh ngạc. Phát hiện này không chỉ giúp viết lại một số những trang đầu tiên của lịch sử nhân loại, nhưng quan trọng hơn, nó đã xác nhận những lời chứng của cổ nhân trên khắp hành tinh về các nền văn minh bị thất lạc trong quá khứ (bao gồm cả về nền văn minh Atlantis, mà theo triết gia Plato, đã bị nhấn chìm xuống đáy biển trong khoảng thời gian này).
atlantisẢnh minh họa lục địa/thành phố Atlantis. (Ảnh: BigStockPhoto)

Các nền văn minh tiên tiến thời kỳ đầu

Bên cạnh thành cổ Jericho, vốn từ xa xưa đã được gây dựng với những công trình có niên đại từ 10.000 TCN, chúng ta hiện nay đã có thêm hai phát hiện ấn tượng khác có thể củng cố chắc chắn luận điểm cho rằng nhân loại đã phát triển sớm hơn rất nhiều so với giới khoa học trước đây vẫn nhìn nhận. Trước những phát hiện mới nhất này, giờ đây chúng ta đã có thể giả định rằng một trận lụt mang tính toàn cầu, xảy ra vào khoảng 10.000 năm trước, có thể chính là sự kiện thảm họa đã được tổ tiên chúng ta gọi là Trận Đại hồng thủy? Chắc chắn chúng ta có thể giả định như vậy.
Thành phố bị nhấn chìm ngoài khơi phía tây Ấn Độ, không chỉ xác thực rằng 10.000 năm trước con người đã có trình độ phát triển tiên tiến hơn và do đó có thể nhận thức được thảm họa tự nhiên này, mà nó còn cho thấy mực nước biển gia tăng, đặc biển trong giai đoạn từ 8000 TCN đến 7500 TCN, đã xóa sổ những nền văn minh đó và tiêu hủy tất cả các bằng chứng về sự tồn tại của chúng.
hien vat duoi day bien doMột bức tượng điêu khắc cổ đại được tìm thấy tại đáy Biển Đỏ. (Ảnh: Flickr)
Trong một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Current Anthropology vào tháng 12/2010 với tựa đề “Khám phá mới về con người thời tiền sử tại khu vực ốc đảo Vịnh Ba Tư (New Light on Human Prehistory in the Arabo-Persian Gulf Oasis)”, Tiến sĩ Jeffrey Rose, một nhà khảo cổ và nghiên cứu từ trường Đại học Birmingham ở Vương quốc Anh, đã chỉ ra rằng 60 khu định cư với trình độ phát triển tiên tiến đã xuất hiện xung quanh khu vực vùng Vịnh Ba Tư vào khoảng 7.500 năm trước.
Những khu định cư này có những ngôi nhà đá được xây dựng khá cẩn thận, các hệ thống giao thương đường dài, những hiện vật bằng gốm chi tiết, tinh xảo, và những dấu tích của các loài động vật đã được thuần hóa. Vì không có quần thể dân cư nào từng được ghi nhận trong các tư liệu khảo cổ để có thể giải thích cho sự tồn tại của những khu định cư tiên tiến này, TS Rose đã đi đến kết luận rằng những người cư trú tại các khu định cư mới này chính là những quần thể dân cư đã phải di tản để chạy trốn khỏi tình trạng ngập lụt vùng vịnh xảy ra trong khoảng giai đoạn 8000 TCN.
tran dai hong thuy noah 1Tác phẩm ‘Đại Hồng Thủy’ của Francis Danby vào năm 1840. (Ảnh: Wikimedia)
Khi ngày càng có nhiều các bằng chứng mới hướng đến một giả thuyết như vậy, liệu có quá khó khăn để tưởng tượng một thảm họa mang tính toàn cầu như vậy có thể là tác nhân đã xóa sổ quãng lịch sử thời kỳ đầu của chúng ta? Nếu không phải vậy, thì làm sao chúng ta có thể lý giải cho sự xuất hiện của một vài nền văn minh tiên tiến trên địa cầu mà, kể từ buổi bình minh của chiều dài lịch sử đã được ghi nhận, dường như đã biến mất một cách bí ẩn? Qua đêm, những con người này đã đột nhiên trở thành các bậc thầy về kiến trúc, thiên văn học, và dường như sở hữu những kỹ thuật công nghệ đáng kinh ngạc mà cả các nhà lịch sử học lẫn cổ sinh vật học đều không thể giải thích. Phải chăng do sự thiếu hụt các bằng chứng thực tế, các học giả thời kỳ đầu đã không thể tạo một mối liên hệ và nhận ra rằng rất nhiều trong số những người này đã có trình độ phát triển tiên tiến từ hàng nghìn năm trước đây, và trước khi xảy ra sự kiện Đại hồng thủy?
Liệu có quá khó khăn để chấp nhận rằng các công trình cự thạch và các thành tựu công nghệ đáng kinh ngạc trong chiều dài lịch sử đã được ghi nhận về cơ bản là bộ phận của một kỷ nguyên “phục hưng” sớm hơn đã xuất hiện ngay khi tình trạng gia tăng mực nước biển chấm dứt?
Christos A. Djonis – tác giả của cuốn sách “Uchronia? Atlantis Revealed (Uchronia? Vùng đất Atlantis được hé lộ)”.
Tác giả: Christos A. Djonis, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Câu chuyện “Con thuyền Noah” phiên bản Việt Nam



Đại hồng thủy cuốn trôi tất cả người xấu, chỉ có người lương thiện mới lên tàu và sống sót (Ảnh: biblescienceguy.wordpress.com)
Đại hồng thủy cuốn trôi tất cả người xấu, chỉ có người lương thiện mới lên tàu và sống sót (Ảnh: biblescienceguy.wordpress.com)

Con tàu Noah được các nhà khoa học tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ đã gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Huyền ký về trận đại hồng thủy không chỉ có trong Kinh Thánh, mà còn được ghi nhận ở rất nhiều dân tộc và quốc gia trên thế giới như Pháp, Hy Lạp, Iceland, Ấn Độ, v.v… Ít ai biết rằng, dân gian Việt Nam cũng lưu truyền một câu chuyện tương tự, mà vết tích của nó còn hiện hữu đến ngày nay.
Ngày xưa, ở xã Nam Mẫu có mở một hội “vô già” cúng Phật. Mọi người nô nức đi xem. Ai nấy đều lo ăn chay niệm Phật và làm những việc từ thiện như buông cá, thả chim v.v… để cầu phúc cho mấy ngày hội. Hôm ấy, xuất hiện ở đám hội một bà già ăn mày. Người ta không biết bà ta từ đâu lại. Bộ dạng thật là gớm ghiếc: những mảnh vải vá víu của bà không đủ che tấm thân gầy còm và lở loét. Mùi hôi thối xông ra rất khó chịu. Đến đâu, bà cũng thều thào mấy câu: “Đói lắm các ông các bà ơi!”. Rồi cầm cái rá, bà giơ ra khắp bốn phía, đầy vẻ cầu khẩn.
Nhưng mãi đến chiều, người đàn bà đó vẫn chẳng xin được tí gì. Đến đâu bà cũng bị xua đuổi. Đám trẻ tuổi nhất là các cô gái cho bà là hủi nên trốn như trốn dịch. Hễ thấy bà đâu là họ xô nhau chạy đi chỗ khác. Mấy bà đang lễ thì rất bực tức. Họ ngừng những tiếng “Nam mô Phật” lại và quay ra mắng xối xả vào bà sao dám đi sát vào người. Cuối cùng, bọn hương lý sai tuần phu đuổi bà đi. Bà không thể kiên gan được trước những trận mưa roi của bọn tuần, đành phải lê mình ra khỏi đám hội. Sau khi ra khỏi đám hội, người đàn bà ấy thất thểu bước vào xóm. Cũng như ở đám hội, vào nhà nào, bà cũng bị hắt hủi.
Mấy nhà giàu có đóng chặt cửa lại và thả chó ra. May sao đến ngã ba, bà gặp hai mẹ con bà góa vừa đi chợ về. Thấy bà lão ăn mày tội nghiệp, người mẹ đưa về nhà lấy cơm nguội cho ăn. Khuya hôm đó, hai mẹ con đang ngủ thì người đàn bà ấy lại gọi cửa. bà xin ngủ nhờ một đêm vì mọi chỗ, người ta đều cấm cửa không cho vào. Hai mẹ con vui lòng đón người ấy vào nhà, lấy cơm cho ăn và trải chiếu ở một cái chõng cho bà ngả lưng. Còn mẹ con thì nằm tạm ở một chỗ khác.
Người đàn bà vừa nằm là ngủ liền, tiếng bà ngáy như sấm. Hai mẹ con nhìn ra thấy cái chõng sáng rực lên trong bóng tối. Đây không phải là một bà ăn mày già yếu lở loét nữa mà là một con giao long đang cuộn mình lù lù một đống, đầu gác lên xà nhà, đuôi thò xuống đất. Người mẹ rụng rời kinh hãi, nhưng vì chỗ ở của mình cách biệt với làng xóm, không biết kêu cứu ai, đành trùm chăn kín mít, phó mặc cho may rủi. Nhưng đến sáng hôm sau, khi người mẹ nhìn ra thì chả thấy giao long đâu cả. Trên chõng, bà ăn mày già đã dậy và sắp sửa ra đi. Trước khi từ biệt, bà bỗng lên tiếng:
– Chúng nó thờ Phật mà kỳ thực là buôn Phật. Chúng nó xứng đáng phải chịu trầm luân. Chỉ có hai mẹ con nhà ngươi là tốt bụng. Hãy cầm lấy gói tro này, nhớ rắc ngay xung quanh chỗ ở và nội trong đêm hôm nay chớ đi đâu cả. Hoặc nếu có đi thì đưa nhau lên đỉnh núi cao mà tránh.
Người mẹ băn khoăn hỏi thêm:
– Nhưng làm thế nào để cứu mọi người được?
Người đàn bà ấy ngần ngừ hồi lâu rồi lấy từ trong áo một hạt thóc ra cắn tách đôi vỏ trấu đưa cho hai mẹ con và nói:
– Hai mảnh vỏ trấu này sẽ giúp hai mẹ con làm việc thiện.
Người mẹ toan hỏi thêm thì vụt một cái đã không thấy người đàn bà hủi đâu nữa. Hai mẹ con vội làm theo lời dặn rồi đi kể chuyện cho mấy người gần đó biết. Họ nghe nói chỉ mỉm cười, cho là một chuyện bâng quơ.
Quả nhiên, tối hôm đó giữa đám hội náo nhiệt, lúc người ta đang tấp nập lễ bái thì bất ngờ có một dòng nước từ dưới đất phun lên ngay chính giữa đàn tràng. Nước càng phun càng mạnh làm lở dần đất ở xung quanh. Mọi người ngơ ngác không hiểu thế nào, tưởng là phép Phật hiển hiện nên càng vái lấy vái để. Nhưng dòng nước mỗi lúc một mạnh nuốt hết người và vật. Chỉ trong nháy mắt đã ngập bằng một cái ao. Thấy thế, mọi người hoảng hốt bỏ cả lễ bái đua nhau chạy. Nhưng họ không thể chạy được nữa. ở dưới chân họ đất nứt nẻ, rung động hất họ ngã xuống. Bỗng chốc một tiếng ầm dữ dội phát ra, đất đá, nhà cửa, người vật đều chìm nghỉm, nước tung tóe mù trời. Một con giao long to lớn từ mặt nước nhô lên bay vòng quanh xã Nam Mẫu. Trong khi đó thì nền nhà, chuồng lợn, chuồng gà của mẹ con người đàn bà từ thiện kia mỗi lúc một nâng cao hơn mực nước.
Đau xót trước cảnh nước lụt, hai mẹ con đem hai mảnh vỏ trấu ra. Vừa đặt xuống nước, họ bỗng thấy hai mảnh vỏ biến ngay thành hai chiếc thuyền. Thế rồi, mặc gió mặc mưa, họ chèo đi mọi nơi cố sức vớt những người bị nạn. Chỗ đất sụt ấy ngày nay là hồ Ba Bể ở Bắc Cạn, còn cái nền nhà ấy tức là một hòn đảo nhỏ ở giữa hồ mà người địa phương thường gọi là Pò-già-mải (Theo Nguyễn Đổng Chi).


Hồ Ba Bể còn đến ngày nay, như một lời nhắc nhở của thiên địa dành cho con người… (Ảnh: vptour.com.vn)
Hồ Ba Bể còn đến ngày nay, như một lời nhắc nhở của thiên địa dành cho con người… (Ảnh: internet)

Cách đây hàng nghìn năm, phương tiện giao thông và liên lạc giữa các vùng đất trên thế giới là vô cùng hạn chế, vì sao lại có sự tương đồng đáng kinh ngạc trong truyền thuyết của nhiều nền văn minh đến vậy? Có hay chăng huyền cơ trong ấy? Có lẽ quý độc giả đã tìm thấy câu trả lời của riêng mình.
Mã Lương

Trực giác: Giác quan nằm bên ngoài thế giới thực tại



Liệu chúng ta có sở hữu giác quan thứ sáu? (Ảnh: Photo.com)
Liệu chúng ta có sở hữu giác quan thứ sáu? (Ảnh: Photo.com)

“Vui vẻ; tức giận; vui vẻ … chắc chắn vui vẻ”… chiếc máy theo dõi hoạt động não bộ của một bệnh nhân X, 52 tuổi liên tục ghi nhận lại phản ứng của người này khi ông ta được cho xem những bức ảnh chụp các khuôn mặt biểu lộ cảm xúc sợ hãi, hạnh phúc cùng các cảm xúc khác, mặc dù người này đã trải qua hai lần xuất huyết não – vốn đã gây nên những tổn thương nghiêm trọng đối với trung tâm xử lý hình ảnh trong não bộ.
Kết quả thu được từ thử nghiệm cho thấy bệnh nhân này có thể nhận biết cảm xúc biểu lộ trên các khuôn mặt trong bức ảnh một cách chuẩn xác, với một tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với mức xác suất ngẫu nhiên. Phải chăng đây là một cách thức “quan sát” nằm bên ngoài phạm vi thị giác? Hay đây chỉ đơn giản là một phương thức cảm thụ chúng ta chưa thể nhận thức được?
Tiến sĩ Alan Pegna từ trường Đại học New South Wales, Úc, và nhóm nghiên cứu của ông từ Geneva, Thụy Sĩ, đã rất chấn động trước các kết quả quan sát được trong cuộc nghiên cứu. Họ cho biết, trong quá trình chụp quét, não bộ của bệnh nhân X biểu lộ trạng thái hoạt động đáng kể ở hạch hạnh nhân bên phải, và kết quả này khá là tương đồng với kết quả thu được từ cuộc thử nghiệm với một đối tượng bình thường, không có vấn đề gì về não bộ.
Đối với rất nhiều nhà khoa học thần kinh khác, kinh nghiệm gần đây với bệnh nhân X đã hé lộ một khả năng thú vị của con người—thêm một giác quan thứ sáu vào năm giác quan đã được công nhận. Và có lẽ, đây mới chỉ là những bước đầu tiên của giới khoa học nhằm tiến hành thêm các nghiên cứu về một năng lực vốn đã được biết đến rộng rãi: trực giác.

“Trực giác là thứ duy nhất có giá trị thực sự”.—Albert Einstein

Tuy rằng trực giác đã được nền khoa học ngày nay ít nhiều công nhận, nhưng trong những năm gần đây, việc thừa nhận khả năng này đã trở nên phổ biến hơn trong ngành sinh lý học thần kinh. Cái năng lực có thể biết được những điều chưa xảy ra, các sự kiện xảy ra ở khoảng cách xa, hay những thay đổi sắp xảy ra trong môi trường xung quanh, chúng đều đã được hầu hết những người thổ dân trên khắp thế giới vận dụng trong cả thiên niên kỷ—dẫu rằng chúng vẫn luôn bị những người còn hoài nghi trong giới khoa học phản bác.

Quá mẫn cảm hay là giác quan thứ sáu?

Biển cả đã cuốn trôi hàng trăm người, nhưng không có đến một con voi bị chết, cũng không thể tìm thấy thậm chí một con mèo hay một con thỏ… thật kỳ lạ khi không có một loài động vật tử vong nào được ghi nhận”. Những quan sát đã được giới chức chính phủ Sri Lanka ghi nhận sau thảm họa sóng thần châu Á vào năm 2004 này đã làm dấy lên một số câu hỏi thú vị.


Cảnh tượng sóng thần đổ bộ vào vịnh Ao Nang, Thái Lan, năm 2004. (Ảnh: Wikimedia)
Cảnh tượng sóng thần đổ bộ vào vịnh Ao Nang, Thái Lan, năm 2004. (Ảnh: Wikimedia)

Điểm đáng chú ý là, liệu động vật có khả năng cảm nhận được mối nguy hiểm cận kề hay không? Chúng đã chạy thoát khỏi trận sóng thần như thế nào? Được biết, chỉ vài phút trước khi nước biển dâng lên và tàn phá hơn 3 km đất liền, các loài động vật đã bỏ chạy thục mạng tới các khu vực có địa hình cao hơn của hòn đảo.
Cùng lúc đó, các bộ lạc thổ dân trong khu vực, vốn đã có 60.000 năm sinh tồn trong môi trường tự nhiên, cũng bắt chước hành vi của các loài động vật là bỏ chạy tới những chỗ đất cao. Kết quả là hầu hết các thổ dân bản địa đều sống sót trước sự tàn phá nghiêm trọng của cơn đại hồng thủy.
Nhưng chính xác là làm thế nào những thổ dân bản địa và các loài động vật có thể nhận biết được mối nguy hiểm đang cận kề? Có hợp lý hay không khi cho rằng trực giác là nhân tố chịu trách nhiệm? Và nếu thực sự như vậy, thì cái cơ chế sinh học bí ẩn này hoạt động như thế nào?
Tất nhiên, không dễ mà đưa ra câu trả lời giống như khi đưa ra câu hỏi. Theo một số nhà nghiên cứu, trong nhiều năm, những thổ dân sinh sống trên đảo đã tích lũy được những bài học quan trọng nhờ sinh sống gần gũi với giới tự nhiên.
Lấy ví dụ, họ có thể cảm nhận được tiếng vọng từ những bước chân của các con voi hoang dã khi chúng hối hả chạy vào sâu bên trong khu vực đất liền của hòn đảo, họ cũng để ý tới những hành vi khác thường của loài cá heo, cự đà và sự tán loạn của những loài chim trên đảo. Bằng cách này, trên thực tế họ đã nhận biết được những hiện tượng mà ngay cả các hệ thống radar hiện đại, vốn không hoạt động vào ngày xảy ra sóng thần, không thể nhận biết.


Đàn chim bay tán loạn khi xảy ra trận động đất vừa qua ở Nepal hồi tháng 5 vừa qua. (Ảnh: Twitter)
Đàn chim bay tán loạn khi xảy ra trận động đất vừa qua ở Nepal hồi tháng 5 vừa qua. (Ảnh: Twitter)

Theo một bài viết trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Washington, St. Louis, bang Missouri, Mỹ, cho rằng chìa khóa về khả năng dự đoán của những thổ dân bản địa nằm ở một khu vực trong não bộ được gọi là vùng não trước trán (anterior cingulate). Khu vực này của não bộ sẽ hoạt động tích cực hơn trong tình huống xảy ra các biến đổi môi trường mà chủ ý thức không có khả năng nhận biết, nhưng vẫn cần thiết cho sự sinh tồn của cá thể.
Dù vậy, để hiểu được cách thức các loài động vật đã nhận biết được các trận sóng thần sắp xảy đến ngay từ lúc đầu, có thể sẽ là một nhiệm vụ thậm chí còn khó khăn hơn. Một số nhà nghiên cứu động vật cho rằng, các dấu hiệu như sự thay đổi áp suất trong không khí, những dao động tinh tế phát ra từ dưới đất, hay những âm thanh mờ nhạt của sóng biển đang tiến đến—những tín hiệu nằm bên ngoài phạm vi nhận thức của các giác quan con người—có thể báo hiệu cho một số loài sinh vật về mối hiểm họa đang đến gần.
Tuy nhiên, rất nhiều nhà khoa học tin rằng, trong trường hợp này cũng như trong trường hợp của bệnh nhân X, hẳn phải tồn tại một phương pháp khác mà qua đó các loài sinh vật có thể nhận biết được môi trường xung quanh—một phương pháp khác ngoài âm thanh, sự dao động, mùi hương, hình ảnh, hoặc mùi vị. Theo đó, người ta đã ghi nhận được các trường hợp trong đó chim muông và các loài động vật khác đã tháo chạy khỏi khu vực ngay trước khi núi lửa phun trào.
Tương tự, các nhà sinh học ở Trung quốc đã tiến hành rất nhiều các cuộc nghiên cứu qua đó xác định được rằng, chỉ vài phút trước khi xảy ra một trận động đất, những con mèo, con chó và các loài gia súc, gia cầm khác trên một khu vực đã trở nên kích động, và trong một vài trường hợp, chúng thậm chí còn tru lên, cắn sủa hay kêu meo meo một cách không kiểm soát. Các nhà nghiên cứu cho rằng trong những tình huống như vậy, những con rắn sẽ rời bỏ hang ổ, những con chim bay loạn xạ trong lồng, còn những con chuột thì sẽ chạy tán loạn xung quanh.


Hàng nghìn con ếch tràn ngập trên đường phố vào ngày trước khi trận động đất kình hoàng ở Từ Xuyên, Trung Quốc xảy ra vào năm 2008. (Ảnh: Common Uses)
Hàng nghìn con ếch tràn ngập trên đường phố vào ngày trước khi trận động đất kình hoàng ở Từ Xuyên, Trung Quốc xảy ra vào năm 2008. (Ảnh: Common Uses)

Một khả năng tiềm tàng

Để xác định độ nhạy bén của trực giác, các nhà khoa học đã tiến hành một thí nghiệm khá đơn giản bao gồm 40 tình nguyện viên và hai nhiếp ảnh gia trong mỗi lần thí nghiệm. Người phụ trách thí nghiệm là Ronald Rensink – Phó giáo sư ngành Tâm lý học và Khoa học máy tính từ trường Đại học British Columbia, Canada, và ông sẽ bắt đầu thí nghiệm bằng việc miêu tả cách thức xảy ra các vụ tai nạn xe hơi, mà trong đó các tài xế gây tai nạn không nhìn thấy chiếc xe hơi mà họ đâm vào. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Psychological Science.
Ban đầu, các tình nguyện viên được cho xem một bức ảnh chụp một con đường, vốn sẽ phát lại định kỳ với một hình ảnh tương tự. Tại một thời điểm bất kỳ trong quá trình phát lại bức ảnh, bức ảnh sẽ được thay đổi đôi chút—chẳng hạn, các vật thể được loại bỏ, thay đổi hoặc thêm vào—và những thay đổi này, ngay cả khi đáng kể, cũng thường khó có thể nhận biết.
Thí nghiệm yêu cầu các đối tượng bấm còi vào thời điểm họ phát hiện được một sự thay đổi trong trình tự các bức ảnh. Một sự ngạc nhiên lớn đã xuất hiện trong cuộc thí nghiệm khi một số tình nguyện viên viên hỏi P.GS Rensink rằng, liệu họ có nên bấm còi chỉ khi thực sự thấy rõ sự thay đổi, hay họ có thể bấm còi ngay khi họ trực cảm rằng một sự thay đổi có thể sẽ sắp xuất hiện.
Điều này đã thay đổi cuộc nghiên cứu một cách mạnh mẽ. P.GS Rensink đã nhận thấy rằng không chỉ phần lớn các tình nguyện viên đều có khả năng nhận thức ra được chính xác sự thay đổi vào đúng thời điểm nó xuất hiện, mà thêm vào đó, 1/3 các đối tượng đã có thể bấm còi ngay trước khi bức tranh có sự thay đổi xuất hiện.
Nghiên cứu này dường như đã cho thấy trực giác có thể là một phương thức ngoại cảm trong việc phát hiện những thay đổi cực nhỏ trong môi trường. Có ý kiến cho rằng con người có thể sở hữu khả năng cảm nhận các kích thích vốn không thể được phát hiện ngay cả với những công nghệ tiên tiến.
Vậy liệu chúng ta có thể sử dụng các biện pháp nào đó để cải thiện năng lực trực giác của chúng ta hay không? Những cải thiện như vậy đòi hỏi điều gì? Và tại sao các loài động vật dường như lại có trực giác tốt hơn con người chúng ta?
Một số người cho rằng, con người cổ đại, vốn có cuộc sống gắn liền với sự tuần hoàn của tự nhiên, đã rất tự tin với khả năng trực giác của mình. Còn con người hiện đại ngày nay thì lại ngày càng trở nên phụ thuộc hơn vào các công cụ hiện đại hóa của mình trong chặng đường khám phá thế giới, cho nên năng lực trực giác của họ sẽ ngày càng trở nên thoái hóa. Theo đó, trong nền văn minh hiện đại, các khái niệm liên hệ đến trực giác thường không được ủng hộ so với những điều có thể được xác thực dễ dàng hơn.
Khi khoa học cố gắng thừa nhận khả năng đáng kinh ngạc này của con người, phải chăng môi trường công nghệ hiện đại hóa ngày nay cũng đang góp phần kìm hãm món quà trực giác bẩm sinh của chính bản thân chúng ta?
Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiên này. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh luận trong phần bình luận bên dưới.
Tác giả: Leonardo Vintini, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét