Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

BUỐN ƠI, VỀ ĐẬY VỚI CÔ HỒN! 60

(ĐC sưu tầm trên NET)

Nghệ sĩ hài Tấn Hoàng chật vật nuôi 11 thành viên gia đình


    30 năm theo đuổi nghiệp diễn, cây hài Tấn Hoàng được khán giả yêu mến nhờ lối diễn chân chất, thâm trầm. Có tên tuổi nhưng cuộc sống của anh nặng gánh với nhiều lo toan.
    Sinh ra trong gia đình giàu có ở Sài Gòn nhưng Tấn Hoàng lại từ bỏ cuộc sống trong nhung lụa, trốn cha mẹ theo gánh hát cải lương khi mới 17 tuổi. Gần 30 năm qua, nghệ sĩ hài của sân khấu kịch Sài Gòn mải mê và cháy bỏng với nghề dù từng phải trải qua cảnh thiếu đói, không có tiền ăn cơm. Anh tự nhận mình có đam mê cuồng nhiệt với nghề và điều này giúp anh vượt qua tất cả.

    Nhiều diễn viên hài trẻ diễn coi thường khán giả

    - Là nghệ sĩ hài kỳ cựu của sân khấu miền Nam nhưng anh lại thi chương trình hát – Tình Bolero. Vì sao anh tham gia một cuộc thi khi tuổi không còn trẻ?
    - Tôi là nghệ sĩ hài nhưng xuất thân là diễn viên cải lương. Năm 17 tuổi đã bỏ nhà đi theo gánh hát, lang bạt khắp nơi, chấp nhận cảnh đói khát, thiếu thốn. Ban đầu chương trình Tình Bolero mời nhưng tôi từ chối vì nghĩ mình lớn tuổi.
    Tuy nhiên, giám đốc của chương trình sau đó gọi điện và thuyết phục nên tôi nhận lời. Không ngờ tham gia tôi lại được khán giả thương quá, khen giọng hát ngọt ngào. Nghệ sĩ mà đem tới niềm vui cho mọi người là niềm hạnh phúc, còn chuyện giải nhất nhì, tôi không quan trọng.
    Nghe si hai Tan Hoang chat vat nuoi 11 thanh vien gia dinh hinh anh 1
    Nghệ sĩ Tấn Hoàng được khán giả yêu thích giọng hát ngọt ngào, trữ tình. Ảnh: Khang
    - Đêm thi trước anh khiến khán giả xúc động vì tắt tiếng vẫn lên sân khấu hát?
    - Trước ngày quay hình, tôi tỉnh dậy buổi sáng và nói không ra hơi. Tôi liền nhờ người nhà gọi đến ban tổ chức xin rút lui. Tuy nhiên, nếu tôi rút thì chương trình không làm được nên ban tổ chức đưa tôi đi bệnh viện cấp cứu.
    Trước khi chích thuốc, bác sĩ nói chích mũi này rất nguy hiểm vì sau khi hát xong, tôi sẽ bị khan tiếng hơn và sốt cao. Quả thật, tối đó tôi sốt li bì đến 4h sáng và phải dùng thuốc ngủ. Tiếp đó, bác sĩ trị cho tôi hơn 10 ngày mới bình phục. Mặc dù mệt mỏi, nguy hiểm nhưng tôi không hối hận vì quyết định của mình. Được khán giả mến là tôi vui rồi, có chết cũng không sao.
    - Hiện tại là thời của hài, anh là diễn viên hài kỳ cựu nhưng lại sống khá lặng lẽ. Vì sao vậy?
    - Bản chất tôi từ xưa vẫn vậy. Tôi quan niệm, duyên đến là tôi nhận, tài năng thì khán giả đánh giá chứ không muốn tự quảng cáo mình. Nhiều người cũng hỏi tại sao tôi không lập facebook để giao lưu với khán giả. Tôi không quen nên chỉ dùng mail để tiện trao đổi kịch bản.
    Cuộc sống của tôi bình thường lắm, không nhà lầu xe hơi như mọi người hình dung về nghệ sĩ đâu. Tôi chỉ có chiếc honda chạy tàng tàng. Tôi làm nghề không để mưu cầu danh lợi, tiền bạc. Vì vậy, tổ cho tới đâu, mình nhận tới đó.
    - Anh có chạnh lòng khi nhìn thấy cuộc sống xa hoa của các đàn em?
    - Ngược lại, tôi mừng cho em út khi các em thông minh và thành công. Nhưng tôi chỉ khuyên các em là được cái gì đó thì phải trân trọng. Một số đứa em hiện nay diễn hài có ý coi thường khán giả. Tôi buồn chuyện đó.
    Tiếng trong hài có hai loại: tiếng cười giòn tan và tiếng cười thâm thúy. Cười giòn tan giống như ăn bánh tráng, bỏ vô miệng nghe giòn tan nhưng không có chất. Còn tiếng cười thâm thúy mặc dù cười ít, nhẹ nhưng nhớ hoài. Nhiều em diễn hài chỉ dùng duyên của bản thân, diễn kiểu chọc lét. Khán giả bây giờ tinh lắm, họ xem kiểu đó mãi sẽ chán.
    - Anh có nhận xét gì về các bạn trẻ xuất sắc hiện nay như Trấn Thành, Trường Giang?
    - Tôi không muốn nhận xét về cụ thể một ai. 16 tuổi tôi đã đi diễn nên không học ở trường lớp ngày nào nhưng trường đời thì cứng lắm. Nhìn mặt nào của xã hội thì tôi biết được hết, tôi khuyên các em hãy sống khiêm hạ, đừng sống trong hào quang, tự cao, tự mãn.
    Trước số 1 là số 0 nên coi chừng bị lọt xuống. Tạo cái tên rất dễ nhưng giữ cái tên khó lắm. Dù tài năng, thành công đến mấy, chỉ 1 câu nói phản cảm là mất tình cảm của khán giả liền.
    Tôi vẫn xem các em trẻ diễn để học hỏi, biết kiểu khán giả thích bây giờ là cái gì. Cuộc đời tôi không có bằng cấp gì ngoài giấy chứng minh nhân dân. Tôi đâu có gì để chê ai. Chê người ta nghĩa là nhận mình giỏi, mình tốt hay sao. Tôi cũng khuyên các em, đừng bao giờ nói xấu người khác. Nghệ sĩ hay vướng tật nói xấu nhau. Nếu không chê, nói xấu người khác thì cuộc đời này đẹp lắm.
    Nghe si hai Tan Hoang chat vat nuoi 11 thanh vien gia dinh hinh anh 2
    Ca sĩ Thanh Hà hôn Tấn Hoàng sau khi anh hát xuất sắc tại chương trình Tình Bolero. Ảnh: Khang

    Ai nói chuyện tiền bạc, tôi bỏ đi ngay

    - Thu nhập chủ yếu từ diễn kịch sân khấu, có đủ cho anh trang trải cuộc sống gia đình với 11 thành viên?
    - Sân khấu kịch Sài Gòn hiện vẫn hoạt động bình thường. 1 tuần tôi diễn 9 suất và khán giả vẫn tới ủng hộ. Thời gian qua, khán giả quay lưng với sân khấu hài vì diễn theo kiểu giễu.
    Khán giả bây giờ thích cái gì chân thật, tự nhiên nhưng đem lại bất ngờ. Cái cười phải bật ra từ tình huống, nhân vật, chứ không phải cười cái duyên của diễn viên thì mới thuyết phục. Tôi nghĩ đầu mình hạn chế, nếu diễn bằng duyên thì sẽ có sự lặp lại còn diễn theo nhân vật thì không bao giờ lặp lại. Tôi đang hướng cho các em của sân khấu diễn theo cách đó.
    Làm nghề diễn thật sự thì không bao giờ giàu, chỉ có mượn nghề mới giàu được. Hiện, tôi vẫn sống được với nghề dù khá chật vật. Một mình tôi làm lo cho vợ, hai vợ chồng hai con và 6 đứa cháu. Tôi sợ một ngày tôi nằm xuống thì không biết gia đình sẽ thế nào. Nhiều khi nghĩ, tôi chỉ xin ông trời, nếu tôi có mệnh hệ gì, cho tôi chết luôn, đừng để tôi nằm viện.
    - Anh lo cho các con nhiều sẽ khiến con ỉ lại. Một mình anh lo cho cả gia đình lớn quá vất vả!
    - Đúng rồi. Vì tôi lo quá nên các con ỉ lại. Tôi cũng nói các con khi ba nằm xuống là các con phải chấp nhận. Tôi không biết làm sao khi các con nghèo quá. Chắc ông trời định tôi phải lo, vất vả.
    Má nằm viện, anh em tôi có 8 người mà cũng chỉ 1 tay tôi lo. Ngày lo đám tang cho má, tôi phải mượn tiền bạn bè, sau này đi diễn rồi sẽ trả lại. Tôi không thương tiền. Đồng tiền ác, làm mình đau lắm. Tiền có rồi lại hết, rất phù du.
    - Vợ anh phản ứng thế nào trước tính nghệ sĩ, không coi trọng tiền bạc của chồng?
    - Không, bà xã đồng cảm với tôi. Tôi nhiều lần chia sẻ với bà xã về quan điểm của mình: "Cuộc đời anh không phải của em và con mà của khán giả. Anh ở với em chỉ có tạm bợ thể xác còn tâm hồn là khán giả".
    Tôi nói vậy, vợ càng thương. Vợ vốn hâm mộ tôi mà.
    - Vẻ mặt hơi nghiêm, ngoài đời anh có vui tính như các vai diễn?
    - Mặt tôi xấu, đen đen vậy đó, chứ thật sự không khó chịu. Còn nguyên tắc thì tôi có những nguyên tắc của riêng mình. Chẳng hạn, trong bàn nhậu mà bạn bè khoe của, nói đến trăm triệu, tiền tỷ là tôi đứng dậy, bỏ đi ngay.
    Ngồi với đồng nghiệp, ai thăng hoa quá, chứng tỏ mình giỏi, tôi cũng bỏ đi ngay. Tính này tôi giấu không được. Bởi vậy bạn bè biết bảo nhau: nhậu với Tấn Hoàng đừng nói chuyện tiền bạc, ông ấy bỏ đi đấy.
    Vì tính cách này, tôi làm mất lòng không ít người. Có người còn bảo, tại ổng nghèo nên ganh với mình. Tôi không giải thích, cũng không bắt người ta hiểu mình. Mỗi người có kiểu riêng. Tính tôi thế rồi, không thay đổi được.
    Bích Hằng
     

    Danh hài Tấn Hoàng tạo cơn sốt hâm mộ từ các tín đồ Bolero!

      Từ lâu nghệ sĩ Tấn Hoàng được khán giả yêu thích qua cái duyên hài chân phương mà sâu lắng trên sân khấu kịch Sài Gòn, cũng như các tụ điểm hài. Số phận đẩy đưa, vào năm 2016, anh cùng nhiều nghệ sĩ khác được mời tham dự cuộc thi “Tình Bolero” dành riêng cho nghệ sĩ nổi tiếng. Chất giọng ngọt ngào rất mùi mẫn của anh, đúng chất bolero làm khán giả thổn thức. Tuy nhiên, ở bốn vòng thi đầu điểm số của anh thấp hơn các đối thủ làm dấy lên nỗi bất bình đối với các fan hâm mộ anh.
    -Nghe anh hát trong đêm khai diễn "Tình bolero 2016", ca sĩ Trường Vũ nhận xét rằng “không biết anh Tấn Hoàng có chọn lầm không, anh hát còn hay hơn diễn”. Trước đây anh có từng đi hát?
    Tôi đam mê ca hát từ nhỏ, đặc biệt là dòng nhạc bolero. Mỗi khi nghe các giai điệu này lòng tôi như chìm vào một cõi khác rất êm ái và giàu cảm xúc. Đó là lý do mà tôi đã hát bolero từ rất sớm trong những dịp sinh hoạt bạn bè và trong những buổi bù khú với bạn tâm giao bên hè phố. Tuy nhiên, tôi bước chân vào sự nghiệp nghệ thuật bằng con đường diễn viên. Vì mê âm nhạc nên tôi thường tận dụng cơ hội để hát nhạc trữ tình buồn trong các tiểu phẩm hoặc các vở kịch mà tôi tham gia. Cách làm này không ngờ được khán giả ủng hộ nên tôi khai thác triệt để. Có lẽ vì vậy mà ban tổ chức Tình bolero 2016 biết mà mời tôi tham gia.
    -Anh hát quá hay nhưng suốt 4 vòng thi đầu, điểm số của anh luôn thấp hơn các đàn em như Qúy Bình, Minh Luân. Anh có cảm thấy buồn không?
    Thú thật tôi không xem Tình bolero 2016 là một cuộc thi mà ở đó mình cố hết sức để giành chiến thắng. Tôi nghĩ đơn giản đây là sân chơi âm nhạc để tôi thỏa đam mê ca hát. Bạn biết không khi được hát trước ban giám khảo gồm những ca sĩ thành danh và hàng triệu khán giả tại phim trường cũng như truyền hình, tôi thấy tâm hồn mình bay bổng. Tôi hạnh phúc, vì thế, điểm số tôi đạt được không quan còn quan trọng nữa.
    Nói cách khác, nếu các em trẻ đang dự thi cùng tôi giành chiến thắng thì điều đó rất tốt, bởi vì, tôi đã bước vào tuổi 50, hành trình nghệ thuật ở thì tương lai không dài bằng các em. Các em ấy nếu có động lực nhờ đạt được thành công, sẽ cống hiến cho khán giả được nhiều hơn  tôi.
    -Anh không quan trọng thắng thua nhưng khán giả theo dõi cuộc thi tỏ ra nhiều bức xúc. Điều này thể hiện rất rõ qua những bình luận của họ phía dưới video clip Tình bolero 2016 được phát trên youtube. Phản ứng đó hẳn sẽ tác động đến anh ít nhiều?
     Thực lòng mà nói tình cảm khán giả làm tôi sung sướng. Nhờ cuộc thi này mà tôi biết được số lượng người hâm mộ tôi, nhiều hơn tôi tưởng. Tôi chợt nhận ra sau 20 năm hoạt động nghệ thuật tôi có được nhiều người yêu quý ở khắp đất nước, thuộc mọi thành phần và lứa tuổi. Đây là chiến thắng quan trọng nhất đối với tôi.

    Nghệ sĩ hài Tấn Hoàng trong một phần thi của mình
    -Tại lượt thi thứ năm chủ đề “Những nhạc phẩm vàng son”, anh hát hay đến mức khi anh kết thúc bài hát cả bốn giám khảo và toàn bộ khán giả trong phim trường đứng lên vỗ tay tán thưởng. Ngay lập tức anh nhận được 4 điểm 10, và lần đầu tiên dẫn đầu cuộc thi. Từ cú đột phá mang tính lội ngược dòng này, anh có nghĩ rằng anh sẽ trở thành một quán quân không?
    Sự tán thưởng của ban giám khảo và khán giả trong buổi thi làm tôi bất ngờ đến choáng váng. Hơn 20 năm làm nghệ thuật tôi được khán giả ủng hộ nhiều nhưng sự nồng nhiệt đến mức đó thì rất ít. Như đã nói ở trên, tôi xem cuộc thi như một sân chơi mà tôi thả hồn mình bay bổng để thăng hoa. Tôi thi vòng nào biết vòng đó chứ không quan tâm chuyện thắng thua.
    -Dù không chiến thắng nhưng qua nữa hành trình của cuộc thi, Tấn Hoàng đã tạo nên cơn sốt người hâm mộ bolero. Anh có dự định sẽ đi hát chuyên nghiệp bên cạnh việc diễn kịch hằng đêm tại sân khấu kịch Sài Gòn?
    Ngay những lúc tôi gặp khó khăn nhất, sân khấu kịch Sài Gòn đã mở rộng vòng tay chào đón tôi. Tại đó, anh em cư xử với tôi như những người ruột thịt trong nhà. Vì vậy, nếu có lời mời đi hát tôi sẽ xem xét lịch diễn có bị ảnh hưởng bên sân khấu hay không?
    -Như vậy là sau cuộc thi này Tấn Hoàng sẽ trở lại với những gì thân thuộc nhất của mình?
    Không hẳn là vậy. Có vài người hâm mộ có điều kiện kinh tế đã đề nghị tôi thực hiện một album gồm những bài bolero mà tôi thể hiện thànịh công, xen trong đó là hai tiểu phẩm hài. Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 7 chúng tôi sẽ tiến hành thu âm. Album sẽ phát hành vào khoảng giữa tháng 8.2016.
    Cảm ơn anh về buổi trò chuyện và chúc anh sẽ thành công trong cuộc thi!
    Nguyễn Huy (thực hiện)

    Tấn Hoàng: 'Cứ chân thật, khán giả sẽ cười'

    Một cây hài rất có duyên nhưng hết sức gian nan để bám trụ cùng sân khấu và nếu không có câu nói của NSND Diệp Lang thì có lẽ bây giờ không tồn tại một Tấn Hoàng được khán giả yêu mến.

    Một cây hài rất có duyên nhưng hết sức gian nan để bám trụ cùng sân khấu và nếu không có câu nói của NSND Diệp Lang thì có lẽ bây giờ không tồn tại một Tấn Hoàng được khán giả yêu mến.

     Tấn Hoàng (trái) và Mạnh Tràng trong vở Tử hình - Ảnh: H.K
    Tấn Hoàng (trái) và Mạnh Tràng trong vở Tử hình - Ảnh: H.K
    Vào nghề cùng những cơn đói

    16 tuổi, chàng trai đã đi theo Đoàn cải lương Sài Gòn 2, và được đóng vai… quân sĩ. Hình như lúc đó Tấn Hoàng chẳng ý thức gì về nghề, chẳng nghĩ mình sẽ làm nghệ sĩ, mà đi theo cải lương chỉ để được coi cho đã.
    Tấn Hoàng: 'Cứ chân thật, khán giả sẽ cười' - ảnh 2
    Tôi không được học hành trường lớp, chỉ thọ giáo sau cánh gà. Nhưng tôi có một nguyên tắc là diễn phải chân thật. Đừng có nhấn, đừng có gài, hoặc thọt lét, người ta không cười đâu. Cứ nói một cách chân thật từ chính tâm lý nhân vật thì khán giả cười liền
    Tấn Hoàng: 'Cứ chân thật, khán giả sẽ cười' - ảnh 3
    Nhưng hậu trường không thiếu mồ hôi và nước mắt, đôi khi nó bạc đãi người ta vô cùng, mà có thể đó cũng là thử thách để xem người ta có đủ “duyên nợ”, đủ nghị lực theo đuổi hay không. Chàng trai trẻ đã hứng chịu những cái cú đầu khi không làm vừa lòng các “ngôi sao”, hứng chịu những cơn đói lả suốt mấy ngày, thậm chí có lần phải “ăn quỵt”.

    Ghe hát rày đây mai đó, nghệ sĩ hết tiền là chuyện thường, nhất là anh em hậu đài, quân sĩ, lương bèo bọt lắm. Lần đó, Tấn Hoàng thèm cái giò heo quá đỗi, đánh liều mua ăn, xong chui xuống hầm ghe mà trốn bà chủ tiệm, khi ghe chạy mới dám chui ra. Một lần khác, ghe ở Cà Mau nhổ neo chạy về Cần Thơ biểu diễn, Tấn Hoàng lại ngủ quên, thế là phải xin quá giang ghe khác rượt theo. Ghe đi suốt 2 ngày 1 đêm, túi không có một cắc, Tấn Hoàng đói gần xỉu. Lúc đó ngồi bên cạnh có bà mẹ cầm ổ bánh mì dỗ thằng con mà nó cứ quầy quậy không chịu ăn, Tấn Hoàng chụp ổ bánh mì: “Ăn đi con, ăn như chú nè! Ăn vầy mới giỏi nè!”. Và anh cắn một miếng thiệt bự. Ổ bánh mì trơn không thịt thà gì hết mà nghe như có thuốc hồi sinh, thơm tận ruột gan. Bà mẹ gật đầu lia lịa: “Ờ, con ăn như chú đi!”. Thằng bé vẫn không ăn. Lát sau bà mẹ ngủ khì, Tấn Hoàng nói với cậu nhỏ: “Chú ăn hết nghen, lát nữa mẹ thức, chú nói là con ăn!”. Thằng bé chịu liền.

    Những kỷ niệm đầy nước mắt đó khó mà phôi pha trong ký ức…

    Nhưng ký ức sâu đậm của Tấn Hoàng còn là những năm tháng bị ăn hiếp, bị vùi dập, bởi cái thân phận “quân sĩ” nghèo nàn, ít học. Anh quyết định bỏ nghề. Nghệ sĩ Diệp Lang lúc đó đang là thành viên trong ban lãnh đạo Đoàn Sài Gòn 2, bèn khuyên anh: “Đi cải lương mà tự ái thì đừng đi cải lương!”. Câu nói của ông làm Tấn Hoàng tỉnh ngộ, có thêm sức lực mà đi tiếp con đường gian truân. Bởi Diệp Lang luôn là “thần tượng” của anh. Anh nói: “Hầu như mọi người đều nể nang và yêu mến chú Diệp Lang, vì ông vừa giỏi nghề, vừa có đạo đức, tình thương. Nhờ câu nói của chú mà tôi quyết lòng bám trụ”.

    Lên hương

    Đời bắt đầu “lên hương” khi nghệ sĩ hài Giang Thảo của Sài Gòn 2 phát hiện Tấn Hoàng có duyên chọc cười thiên hạ. Ông nói với quản lý đoàn cho Tấn Hoàng phụ diễn với ông trước giờ mở màn. Thành công bất ngờ. Rồi vợ của nghệ sĩ Minh Vương lại dắt Tấn Hoàng đi hát show chung với nhóm, khi thì trích đoạn cải lương, khi tấu hài, khi ca nhạc… Tấn Hoàng diễn mấy vai rất có duyên là chú thợ bạc (trích đoạn Đời cô Lựu), cậu Ba Tân (Tô Ánh Nguyệt)… Sau đó, nghệ sĩ Kim Ngọc rủ Tấn Hoàng về chung nhóm, rồi đến Văn Chung, Duy Phương, Bảo Chung. Tấn Hoàng có cơ hội làm việc với các danh hài suốt gần 20 năm. Cuối cùng, anh về cộng tác với Kịch Sài Gòn 10 năm nay.

    Cái duyên kịch dài bắt đầu khi nghệ sĩ Quyền Linh quá bận rộn với chương trình Vượt lên chính mình nên Phước Sang bảo Tấn Hoàng thay vai, riết rồi thay luôn, và có thêm vở mới để diễn liên tục. Bây giờ Tấn Hoàng gần như là “cái tên bán vé” của Kịch Sài Gòn dù cho có đào kép trẻ đẹp đi nữa. Và anh cũng có mặt trong gần 30 bộ phim truyền hình như Kỳ phùng địch thủ, Bụi đời, Dốc sinh tồn, Bản kê số phận, Bông hồng không dành cho em

    Mới đây Tấn Hoàng tham gia bộ phim nhựa Hận thù hóa giải, đóng với Thương Tín trong vai hai người bạn sĩ quan Sài Gòn và bộ đội, khi anh cất giọng ca cải lương thì cả đoàn phim chảy nước mắt. Bởi không chỉ đóng hài, khi nào cần bi là Tấn Hoàng lấy nước mắt được ngay. Cuộc đời lận đận ấy đã giúp cho anh có được những giọt nước mắt quý giá trên sàn diễn.

    Tiếng cười trầm lặng

    Diễn viên hài thường chọn cách diễn cường điệu, tận dụng hình thể và ngôn ngữ để sân khấu sôi động lên, dễ gây chú ý. Nhưng Tấn Hoàng thì ngược lại, anh diễn rất trầm, thậm chí có nhiều câu thoại anh chỉ “bỏ nhỏ”, vậy mà khán giả cười cái rần. Nhiều người khó tính, hoặc giới trí thức lại thích nét diễn trầm như thế, và cho rằng đó mới là “cao tay”. Quả thực, nghệ thuật “thả chữ”, “thả câu” của anh rất khéo.

    Tấn Hoàng nói: “Tôi không được học hành trường lớp, chỉ thọ giáo sau cánh gà. Nhưng tôi có một nguyên tắc là diễn phải “chân thật”. Đừng có nhấn, đừng có gài, hoặc thọt lét, người ta không cười đâu. Cứ nói một cách chân thật từ chính tâm lý nhân vật thì khán giả cười liền.

    Vì vậy người ta ấn tượng rất mạnh với vai ông Phong, sĩ quan giám thị trại giam, trong vở Tử hình. Một nhân vật rất nghiêm túc, không được “quậy”, nhưng chỉ cần Tấn Hoàng thả chữ, thả câu một cách nhẹ nhàng là khán giả bật cười. Một ông cán bộ khác trong vở Tội ác quyền lực dù ăn chơi sa đọa nhưng cũng không thể nhí nhố, vậy mà Tấn Hoàng xử lý ngọt như không. Cười mà không hề có câu nào nói bậy, nói tục, không to tiếng, ồn ào, không nhảy nhót lung tung. Khán giả yêu mến anh là vì thế.
    Hoàng Kim

    Đời lận đận của nghệ sĩ Tấn Hoàng

    (PetroTimes) – Trên sân khấu, nghệ sĩ Tấn Hoàng mang niềm vui tiếng cười thoải mái đến cho khán giả qua các vai hài, nhưng ít ai biết rằng, phía sau cuộc đời anh lại có quá nhiều những lận đận.

    1. Trong chương trình Tình Boelro đang phát sóng, gây bất ngờ và tạo ấn tượng đặc biệt nhất với nhiều người không phải là những hoa khôi hay nam tài tử trẻ có thể hát Bolero mà đó là “cây hài” Tấn Hoàng.
    Khán giả hẳn đã quá quen thuộc với anh, một nghệ sĩ hài kỳ cựu của sân khấu miền Nam suốt gần 30 năm qua. 30 năm theo đuổi nghiệp diễn, nghệ sĩ Tấn Hoàng được khán giả yêu mến nhờ lối diễn chân chất, thâm trầm.
    doi la n da n cua nghe si tan hoang
    Nghệ sĩ Tấn Hoàng trong Tình Bolero
    Tấn Hoàng sinh ra trong gia đình giàu có ở Sài Gòn nhưng khi 17 tuổi, anh quyết định từ bỏ cuộc sống nhung lụa, trốn cha mẹ theo gánh hát. Anh lang bạt khắp nơi, vui vẻ chấp nhận với cảnh đời đói khát, thiếu thốn. Tất cả chỉ vì niềm đam mê với nghệ thuật!
    Đã gắn bó với nghề gần 30 năm qua nhưng trong anh lúc nào cũng có một niềm đam mê cuồng nhiệt, cháy bỏng. Chính điều này giúp anh gắn bó và vượt qua tất cả những thăng trầm, lận đận từ đời cho đến sân khấu.
    Nói đến cuộc sống của anh hiện tại thì đúng là lận đận làm sao! Hiện tại, anh vẫn thường xuyên đi diễn ở các sân khấu kịch, đó cũng là nguồn thu nhập chính nuôi sống anh và 11 người thân là vợ anh, hai vợ chồng hai con cùng 6 đứa cháu. Tất nhiên là rất chật vật!
    doi la n da n cua nghe si tan hoang
    Tấn Hoàng trên sân khấu kịch
    Nhiều lúc anh nằm gác tay lên trán suy nghĩ, nếu một mai nằm xuống thì không biết gia đình anh sẽ thế nào. Nghĩ vậy nên anh nguyện, nếu có mệnh hệ gì thì cho anh đi luôn chứ đừng phải nằm viện!
    2. Ở chương trình Tình Bolero, nghệ sĩ từng chia rằng, ban đầu anh đã từ chối lời mời tham gia chương trình này vì nghĩ mình đã lớn tuổi. Nhưng sau khi mọi người thuyết phục thì anh cũng gật đầu tham gia cho vui.
    Không ngờ là ngay tập đầu tiên của chương trình, Tấn Hoàng được mọi người yêu mến vì giọng hát quá ngọt ngào. Có lẽ những trải nghiệm từ thăng trầm cuộc đời đã giúp anh thể hiện những ca khúc Bolero, những ca khúc viết về tình người, tình đời một cách dạt dào cảm xúc và ngọt ngào chân thật đến vậy!
    doi la n da n cua nghe si tan hoang
    Tấn Hoàng trong tập đầu tiên Tình Bolero
    Tuy nhiên có lẽ là ít khán giả theo dõi Tình Bolero biết được rằng, nghệ sĩ Tấn Hoàng lại là người xin BTC cho dừng cuộc thi nhiều lần nhất vì những biến cố từ sức khỏe cho đến gia đình liên tục ập đến với anh.
    Một lần, anh thức dậy và nhận ra mình không nói ra hơi. Anh được BTC đưa đi cấp cứu trước giờ thi. Còn lần mới đây, mẹ anh qua đời khiến anh suy sụp hoàn toàn.
    Tấn Hoàng cho biết, ngay từ khi quay tập 1 của Tình Bolero, mẹ anh đã nhập viên và hôn mê, từ lúc đó anh đã có ý định rút khỏi chương trình. Nhưng nhờ sự động viên, khích lệ của anh em nghệ sĩ chương trình và sự yêu mến của khán giả, Tấn Hoàng đã cố gắng tiếp tục thi.
    Trong chương trình Tình Bolero tuần này, Tấn Hoàng không chỉ lận đận ngoài đời mà còn cả trên sân khấu. Anh vào vai một người tài xế taxi, trước đây vốn là chủ doanh nghiệp nhưng do làm ăn thất bại, bị xiết nợ nên phải làm nghề lái taxi kiếm sống. Vợ anh thấy vậy đã bỏ anh và đi theo bạn anh, khiến anh mất cả vợ lẫn bạn. Đó chính là câu chuyện mở đầu cho bài hát “Tiền” (sáng tác: Ngọc Sơn) mà Tấn Hoàng thể hiện trong đêm thi.
    Phần thi của Tấn Hoàng được các giám khảo đánh giá cao. Giám khảo Giao Linh thì bày tỏ xúc động trước phần thi của anh; giám khảo Họa Mi thì đánh giá cao cách anh xử lý và tình cảm trong ca khúc; còn giám khảo Phương Dung đánh giá anh có giọng hát quá hay.
    Tiết mục xuất sắc đó đã mang về cho nghệ sĩ Tấn Hoàng 39,75 - đây cũng chính là số điểm cao nhất trong tập thi tối qua.
    doi la n da n cua nghe si tan hoang
    Nói về Tình Bolero, nghệ sĩ Tấn Hoàng có nói, dù nhiều lúc mệt mỏi, cảm thấy kiệt sức nhưng anh hạnh phúc vì quyết định ở lại với chương trình cho đến bây giờ, bởi nơi đây anh nhận được tình thương yêu vô cùng của các khán giả. Anh tâm sự là hoàn toàn mãn nguyện với chương trình, dù sức khỏe thế nào cũng không nuối tiếc!
    Người xem chương trình hẳn mong rằng, nghệ sĩ Tấn Hoàng sẽ có được những giây phút thăng hoa, nhẹ nhàng trên sân khấu với những tình khúc nồng nàn để anh vơi đi phần nào những nỗi lo toan, nhọc nhằn trong cuộc sộc sống mưu sinh!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét