Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

AN CHI GIẢI ĐÁP 38

 (ĐC sưu tầm trên NET)

Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE!

Bạn đọc: Trên báo Người lao động ngày 22-11-2014, ông An Chi đã có bài “Cớ sao gọi người Trung Quốc là Tàu?” Mới đây, trong nhóm “Từ nguyên”, tác giả Nguyễn Cung Thông đã phản bác ông An Chi với lời mào đầu: “Rất ngạc nhiên khi đọc bài báo này từ học giả An Chi/AC - phải nhận rằng, có nhiều điểm tôi không đồng ý với AC - đây là một điểm mà tôi không chấp thuận! Không có một văn bản nào liên hệ Tàu với quan cai trị cả - một kết quả của cách suy luận vỉa hè và óc tưởng tượng phong phú của AC”. Sau đó, ông Nguyễn Cung Thông đã đưa ra một số dẫn chứng liên quan đến từ “Tàu” để phủ nhận ý kiến của ông An Chi. Bài của ông Thông cũng được gửi đến một vài chỗ quen biết với ông An Chi như Nguyễn Đại Cồ Việt, Trần Trọng Dương, v.v... Ông Thông có ủy thác cho ông Nguyễn Đại Cồ Việt như sau: “Vài hàng rất vắn tắt - bác Nguyễn Đại Cồ Việt có thể trình bày một slide về chữ tàu và Ngô (chụp từ VBL) để cho Hội Thảo (23-8-2015) thêm phần hào hứng”. Ông An Chi có thể cho biết nhận xét về ý kiến của ông Thông? Xin cảm ơn. Bảy Quán Cóc (Bà Chiểu, TP HCM)
 

An Chi: Ông Nguyễn Cung Thông cho biết có nhiều điểm ông không đồng ý với An Chi. Đó là quyền của ông. Nhưng không đồng ý với An Chi đâu có nghĩa là Cung Thông thì đúng mà An Chi thì sai. Đây là điều sơ đẳng về luận lý mà có lẽ ông Thông cũng không thể không biết đến. Ông Thông còn nói về ý kiến của An Chi rằng “đây là một điểm mà tôi (Thông) không chấp thuận”. Nhưng xin nhắc để ông Thông nhớ rằng ông không phải là cơ quan có thẩm quyền mà có thể chấp thuận hay không chấp thuận ý kiến của người khác. Còn dưới đây là nhận xét của An Chi về cái bài ngắn nhưng đầy tính “chính thống” của ông Thông.
Thứ nhất, ông Thông nói rằng “không có một văn bản nào liên hệ Tàu với quan cai trị cả”. Nhưng cũng chính vì thế nên An Chi mới phải cất công tìm hiểu để chứng minh chứ nếu cái gì cũng có sẵn trong văn bản thì người làm từ nguyên sẽ khoẻ re… vì chỉ cần copy rồi paste là xong. Huống chi, trong bài của mình, chúng tôi đã viết rõ ràng:
“Chúng tôi khẳng định rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng chữ 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa rộng là “cơ quan triều đình”, hiểu rộng ra là “quan”.” Chúng tôi xin dùng cái biểu thức cực kỳ đơn giản dưới đây để tạo điều kiện cho ông Thông có thể nhìn tận mắt:
Tàu [] tào = cơ quan triều đình quan.
Với thị giác lành mạnh và nhận thức cũng lành mạnh tương xứng thì ai cũng phải thấy được cái biểu thức trên đây chứ; sao ông Thông lại không thấy? Mà nếu đã thấy và nếu đích thực là dân chính thống thì lẽ ra ông Thông phải dùng kiến thức của mình để bác bỏ cái biểu thức rạch ròi trên đây của An Chi chứ sao lại nói là “không có một văn bản nào liên hệ Tàu với quan cai trị cả”.
 Thứ hai, ông Thông viết:
“Trong từ điển VBL (1651), tàu có các nét nghĩa như đóng tàu, tàu voi, tàu nhà, mực tàu (mực thợ mộc dùng để kẻ đường thẳng)”.
Xin thưa rằng với cái câu trên đây thì ông đã không phân biệt được thuật ngữ cơ bản của ngữ học và đã gộp các từ khác nhau vào cùng một rọ (thành một từ). “Đóng tàu”, “tàu nhà”, “tàu voi”, “mực tàu” không phải là những “nét nghĩa” của “tàu” mà là những từ tổ độc lập, có nghĩa riêng biệt và chỉ trong những cái nghĩa riêng biệt đó thì ta mới “đụng” đến khái niệm “nét nghĩa”. Đồng thời, trong bốn từ tổ đó, ta có đến bốn từ “tàu” khác nhau mà chúng tôi gọi là “tàu1”, “tàu2”, “tàu3” và “tàu4”. “Tàu” trong “đóng tàu” là “tàu1”, có nghĩa là thuyền; “tàu” trong “tàu nhà” là “tàu2”,  có nghĩa là cái máng, phái sinh từ “tàu1” bằng ẩn dụ đã từ vựng hóa; “tàu” trong “tàu voi” là “tàu3”, vốn cũng có nghĩa là máng (như “tàu2”) nhưng lại dùng theo hoán dụ đã từ vựng hóa để chỉ chuồng ngựa, chuồng voi (trong đó có máng chứa thức ăn); còn “tàu” trong “mực tàu” là “tàu4” và đây chính cống là Tàu, tức Trung Hoa, mà oái oăm thay, ông Thông lại không biết hoặc có biết nhưng lại lập lờ đánh lận con đen để bác “cách suy luận vỉa hè” của An Chi.
Thứ ba, ông Thông đã lập luận như sau:
“Mực tàu chỉ mực người thợ mộc (VBL/1651 - trang 728), dùng để kẻ đường thẳng trên gỗ, không thấy nói đến Tàu (nước Tàu) […] Cho đến thời tự điển Béhaine/Taberd (1772/1838) mực tàu mới thấy ghi nhận nước Tàu (sinicum - tiếng La Tinh)”.
Xin nhắc một ý nhỏ rằng, liên quan đến mấy chữ “trang 728” thì ông đã ghi chú sai: Phần chính văn của VBL  không hề đánh số trang, mà chỉ đánh số cột; 728 là số thứ tự của cột có mục “tàu, mực tàu” và ngay bên trái của nó trên cùng một trang là cột 727 mà dưới cùng là mục “tàu voi”. Chúng tôi cho rằng đã “chính thống” như ông Nguyễn Cung Thông thì ta cũng nên chính thống trên từng cây số chứ. Bây giờ đi vào ý chính thì xin nói cho ông Thông được rõ như sau.
Tại mục “tàu, mực tàu” ở cột 728, sở dĩ VBL “không nói đến Tàu (nước Tàu)” thì đơn giản chỉ là vì nó thiên về công dụng của thứ mực đó (dùng để kẻ đường thẳng trên gỗ). Còn Béhaine/Taberd thì thiên về xuất xứ nên mới dịch thành “atramentum sinicum”, nghĩa là “mực (của nước) Tàu”. Lại xin nhắc ông Thông một ý nhỏ khác nữa - Chúng tôi vẫn muốn ông chính thống trên từng cây số - rằng “nước Tàu” mà chú thích bằng tiếng La Tinh “sinicum” thì sai. “Sinicum” là giống trung cua tính từ giống đực “sinicus”, mà giống cái là “sinica”, đều có nghĩa là “liên quan đến nước Tàu”.

Nguồn:

Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE! (tiếp theo và hết)

Bạn đọc: Trên báo Người lao động ngày 22-11-2014, ông An Chi đã có bài “Cớ sao gọi người Trung Quốc là Tàu?” Mới đây, trong nhóm “Từ nguyên”, tác giả Nguyễn Cung Thông đã phản bác ông An Chi với lời mào đầu...

le ra ho phai duoc goi la nguoi ghe tiep theo va het Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE!
Đây là tính từ chứ đâu phải địa danh mà ông dùng để ghi chú cho “nước Tàu”. Trở về với ý chính, xin nói rằng chỉ cần thông minh một chút, người ta đã phải hỏi: Nếu “tàu” trong “mực tàu” của VBL  không chỉ “nước Tàu” thì nó chỉ “cái gì” vì cũng chính nó tại danh ngữ đó trong Béhaine/Taberd thì lại chỉ nước Tàu? Ông Thông cứ đưa hai định nghĩa đó ra mà đố học trò tiểu học thì họ sẽ đủ thông minh để trả lời rằng “tàu’ của VBL và “tàu” của Béhaine/Taberd thực tế chỉ là một. Mà “tàu” trong “mực tàu” của Béhaine/Taberd đã là “nước Tàu” thì  “tàu” trong “mực tàu” của VBL đương nhiên cũng chỉ có thể là “nước Tàu” mà thôi. Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (CNNÂGN) - mà ông Thông đã “cải tiến” để đọc chữ “ngọc” [玉] thành “quốc” [国] nên đã viết tắt thành CNQAGN - cũng có nhắc đến danh ngữ “mực tàu” tại “Mộc công bộ đệ thập bát” trong câu “Mực tàu có hiệu Đốc Thằng thẳng ngay”. Ông Thông cũng không công nhận “tàu” ở đây là “nước Tàu”. Lập luận của ông rất ngây ngô. Ông viết:
“Thêm vào đó, CNQAGN còn ghi nhận các cách dùng chén Ngô, bát Ngô (…), đặc biệt là câu Tức bát cả thay tàu Ngô (Chu xa đệ thập nhị): rõ ràng tàu chỉ thuyền bè và Ngô chỉ nước Trung Hoa!”
Dĩ nhiên “tàu” ở đây là “thuyền bè” và “Ngô” chỉ nước Trung Hoa nhưng điều này tuyệt đối không phải là lý do để có thể suy luận rằng “tàu” trong “mực tàu” (của CNNÂGN) không phải là nước Trung Hoa. Ai đã làm quen với CNNÂGN cũng đều biết rằng đây là một loại tự vị trong đó tác giả dùng tiếng ta để giảng tiếng Tàu. “Mực tàu” ở đây là hai từ của tiếng ta, dùng để giảng hai chữ “đốc thằng” của tiếng Tàu thì mắc mớ gì tác giả phải làm chuyện ngược đời mà giảng nghĩa của chữ “tàu” (là “nước Tàu”)? Còn nếu ông Thông cứ khăng khăng cho rằng đây không phải là “nước Tàu” thì ông phải cho biết đó là “cái gì” chứ. Vậy xin hỏi ông: “Tàu” ở đây là “cái gì”? Ấy thế nhưng trong phần bổ sung gửi cho các vị Nguyễn Đại Cồ Việt, Trần Trọng Dương, v.v..., ông vẫn cả quyết:
“Tóm lại, các văn bản như VBL (1651) và trước thời VBL không thấy dùng tàu chỉ nước Trung Hoa!”.
Nhưng, như đã nói ở trên, không thấy chỉ là do thị giác và nhận thức của ông Thông mà thôi. “Tàu” là một vị lão làng trong từ vựng của tiếng Việt còn “Ngô” thì chỉ là một anh mới nhập cư, sau khi dân ta tống cổ bọn quan, quân nhà Minh ra khỏi đất nước hồi 1427. Trước đó, “Tàu” vẫn là một từ dùng để chỉ Trung Hoa nên ta mới thấy nó có mặt trong cái danh ngữ “mực Tàu”, đã định hình từ lâu để chỉ thứ mực “dùng để kẻ đường thẳng trên gỗ” xuất xứ từ bên Tàu. Khi ta vừa giành được độc lập khỏi ách chiếm đóng của giặc Minh thì Nguyễn Trãi đã công bố bản “Bình Ngô đại cáo” theo lệnh của vua trong đó giặc Tàu đời nhà Minh đã được gọi là “Ngô”. Từ đó dân ta mới bắt đầu gọi Tàu là Ngô cho nên những “bát Ngô”, “chén Ngô”, “tàu Ngô” mà ông Thông đã dẫn ra từ CNNÂGN là những danh ngữ ra đời vào thờì nhà Lê của nước ta, mà tuổi tác thì thua xa cụ tổ “mực Tàu” rất nhiều thế kỷ. Cái danh xưng “Ngô” đã sống dai dẳng từ đầu thế kỷ XV cho mãi đến đầu thế kỷ XX. Ngay Nguyễn Du (1766-1820) cũng còn xài nó trong câu Kiều “Đường xa chớ ngại Ngô Lào”. Sang đầu thế kỷ XX thì từ “Tàu” mới trỗi dậy mạnh mẽ và tiếp tục được dùng cho đến ngày nay. Vậy “Tàu” là một từ rất lâu đời dùng để chỉ nước Trung Hoa; hiển nhiên là nó đã ra đời trước từ “Ngô” rất lâu nhưng ông Thông thì không thấy.
Thứ tư, ông viết:
“Gia Định Báo (số 5, năm thứ 6, phát hành ngày 16-2-1870) giải thích:
“…An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v...”.
Chúng tôi xin thưa rằng vào năm 1870, văn quốc ngữ mới phôi thai; Việt Nam chưa có khoa ngữ học, càng không có từ nguyên học; người viết bài cho Gia Định Báo chỉ thả ngòi bút của mình theo hướng suy luận của từ nguyên dân gian (folk etymology) thô sơ nên ta cần phê phán chứ không thể nhắm mắt nghe theo. Sở dĩ ông Thông nói theo “thuyết” này chẳng qua là để củng cố cái ý kiến cho rằng danh từ “Tàu” ra đời là để gọi những người Minh Hương di cư sang Nam Bộ Việt Nam cùng với Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên vào khoảng cuối thập kỷ 1670.
Nhưng xin thưa với ông Thông - và những ai hí hửng cho rằng “Tàu-Trung Hoa” là do “tàu-thuyền” mà ra - rằng vào thời này thì người Nam Bộ chỉ gọi thuyền là “ghe” chứ không gọi là “tàu”. Từ “ghe” xuất hiện với tần số cao (Nam Bộ chẳng là miền sông nước) và ta có thể thấy nó trong hàng loạt cách nói: đóng ghe, trét ghe, sơn ghe, trại ghe (= xưởng đóng ghe), ụ ghe, bụng ghe, ghe bầu, ghe chài, ghe lườn, ghe ngo, ghe rổi, ghe tam bản, v.v... Người ta còn căn cứ vào nơi sản xuất mà phân thành ghe Gia Định, ghe Biên Hòa, ghe Long Xuyên, ghe Cần Đước, ghe Cần Thơ, v.v...; hoặc căn cứ vào đối tượng chuyên chở mà gọi là ghe lúa, ghe cá, ghe heo, ghe củi, ghe than, ghe mía, ghe cát, ghe đá, v.v... (Xin x. Võ Công Nguyện, “Nghề đóng ghe xuồng tại Nam Bộ”, Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống Nam Bộ, NXB Trẻ, 2002, tr.125-135). Vì vậy cho nên nếu quả thật người Minh Hương được gọi bằng tên của cái phương tiện mà họ đã dùng để đến đất Nam Bộ hồi gần cuối thế kỷ XVII thì họ sẽ phải được gọi là người “Ghe” chứ đâu có phải là người “Tàu”.
Vậy không biết cái slide mà ông Nguyễn Cung Thông ủy thác cho ông Nguyễn Đại Cồ Việt thực hiện có tăng thêm phần hào hứng cho Hội thảo 23-8-2015 hay không nhưng dù có hoành tráng đến đâu nó cũng tuyệt đối không thể là căn cứ để phủ nhận cái nghĩa “Trung Hoa” của từ “tàu” trong danh ngữ “mực tàu”. Cuồi cùng, xin nhại một vế đối xưa tặng ông Nguyễn Cung Thông để ông có thể chiêm nghiệm:
Ai vỉa hè, ai chính thống, trong trần ai ai dễ biết ai.   

Nguồn:

Nhận xét về ý kiến của ông Nguyễn Đại Cồ Việt

Bạn đọc: Sau bài “Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE” của ông An Chi trên Báo Năng lượng Mới số 454, rồi số 455, ông Nguyễn Đại Cồ Việt đã phản hồi với 4 điểm xác nhận và 2 điểm về ý kiến riêng. Xin ông An Chi cho nhận xét về ý kiến của ông Nguyễn Đại Cồ Việt? Xin cảm ơn.  Bảy Quán Cóc (Bà Chiểu, TP HCM)
 

Học giả An Chi: Điểm thứ nhất trong phần xác nhận của ông Nguyễn Đại Cồ Việt là “bác Nguyễn Cung Thông có ý kiến khác bác An Chi”. Mà điểm khác nhau đầu tiên giữa ông Nguyễn Cung Thông và An Chi là về chữ “tàu” mà ông Thông cho là “không có một văn bản nào liên hệ Tàu với quan cai trị cả”. Nhưng làm từ nguyên thì không thể nói đơn giản như thế được. Trước nhất, như chúng tôi đã chứng minh trên một kỳ Chuyện Đông chuyện Tây của Kiến thức Ngày nay, “tàu” là điệp thức của chữ “tào” mà ta còn có thể thấy qua những trường hợp đồng dạng từ nguyên học khác nữa như sau:
- “Tàu” là điệp thức của “tào” [�], có nghĩa là “quan [lại]”;
- “Tàu” là điệp thức của “tào” [艚], có nghĩa là “thuyền”;
- “Tàu” là điệp thức của “tào” [�], có nghĩa là “máng”;
- “Tàu” là điệp thức của “tào” [�+�], có nghĩa là “cũ”.
Bốn trường hợp đồng dạng từ nguyên học trên đây tự chúng đã khẳng định lẫn nhau một cách không thể nào chối cãi được. Vậy “tàu” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [�], mà âm Hán Việt hiện hành là “tào”, có nghĩa là “cơ quan của triều đình”, hiểu rộng ra là “quan [lại]”. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng “tào” [�] là “quan-thự chia chức-vụ ra nhiều bộ-phận gọi là tào”; Hán-Việt tự điển của Thiều Chửu giảng là “nha quan, phân chức làm việc gọi là tào”; Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là “bộ phận của cơ quan triều đình”; Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh giảng là “quan thự chia ngành làm việc thời xưa”; Từ điển Hán-Việt của Viện Ngôn ngữ học do Phan Văn Các chủ biên giảng là “cơ quan nhà nước trông coi một mặt một ngành thời xưa”. Chữ “tào” [�] còn dùng để chỉ cá nhân quan chức nên đã được Mathews’ Chinese English Dictionary đối dịch là “an official”, tức là “viên chức”, “công chức”. Nghĩa này cũng được xác định trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993): “Dã dụng lai xưng hô quản mỗ sự đích chức quan”, nghĩa là “cũng dùng để gọi chức quan phụ trách một công việc nhất định”. Do đó mới có danh ngữ “bộ tào” [��], mà Mathews’ dịch là “member of one of the former six boards”, nghĩa là “thành viên của một trong sáu bộ thời xưa”. Cứ như trên thì hiển nhiên là có nhiều “văn bản liên hệ “tàu/tào” với quan cai trị”, chứ không phải là không như ông Nguyễn Cung Thông đã khẳng định một cách võ đoán (nhưng vẫn được ông Nguyễn Đại Cồ Việt ủng hộ).
Điểm thứ hai trong phần xác nhận của ông Nguyễn Đại Cồ Việt là: “Trong từ điển Việt Bồ La không có từ “tàu” với nghĩa là chỉ người Trung Quốc, hoặc thuộc về Trung Quốc (việc giải thích tại sao không có là suy luận của từng tác giả)”.
Thực ra, đây chỉ là do “suy luận” riêng của ông Nguyễn Cung Thông và ông Nguyễn Đại Cồ Việt mà thôi, chứ chữ “tàu” với nghĩa là “Trung Hoa” đã nằm ngay trong danh ngữ “mực tàu” của Từ điển Việt Bồ La. Huống chi, nếu thực sự quyển từ điển này không có từ “tàu” dùng để chỉ Trung Hoa thì điều này cũng tuyệt đối không có nghĩa là từ 1651 trở về trước và ngay cả ở thời điểm 1651, từ “Tàu” dùng để chỉ khái niệm đó cũng không tồn tại. Chỉ có khi nào ông Thông và ông Việt dám khẳng định rằng, vào thời đã nói, từ vựng của tiếng Việt chỉ bao gồm vẻn vẹn có những từ mà A. de Rhodes đã đưa vào Từ điển Việt Bồ La mà thôi - ngoài ra không còn bất cứ từ nào khác - thì lập luận của hai ông mới có thể có giá trị. Còn trên thực tế thì từ điển cũng có thể “phớt lờ” nhiều từ hoặc từ tổ cố định của ngôn ngữ; đó là còn chưa nói đến nguyên tắc và tiêu chí lựa chọn mục từ của từng tác giả cho từng quyển từ điển.
Xin lấy dẫn chứng nhãn tiền cho dễ thấy vấn đề. Về môn bóng đá chẳng hạn, Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (2007) đã “bỏ sót” các từ tổ: bóng bổng, bóng chết, bóng chìm, bóng sệt, bọc lót, chạy chỗ, chọc khe, ói bóng, tì đè, v.v…, nhưng điều này tuyệt nhiên không có nghĩa là những từ tổ này không tồn tại. Một từ rất quen thuộc với các bà, các cô là “siu” (< “silk” của tiếng Anh) dùng để chỉ một loại vải, chẳng hạn, đã không được từ điển Hoàng Phê thu thập nhưng không một thế lực ngữ học nào có thể phủ nhận sự tồn tại của nó.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguồn:

Nhận xét về ý kiến của ông Nguyễn Đại Cồ Việt (tiếp theo và hết)

Bạn đọc: Sau bài “Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE” của ông An Chi trên Báo Năng lượng Mới số 454, rồi số 455, ông Nguyễn Đại Cồ Việt đã phản hồi với 4 điểm xác nhận và 2 điểm về ý kiến riêng. Xin ông An Chi cho nhận xét về ý kiến của ông Nguyễn Đại Cồ Việt? Xin cảm ơn.  Bảy Quán Cóc (Bà Chiểu, TP HCM)

Nhận xét về ý kiến của ông Nguyễn Đại Cồ Việt
Bạn đọc: Sau bài “Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE” của ông An Chi trên Báo Năng ...
Điểm thứ ba mà ông Nguyễn Đại Cồ Việt  xác nhận là: “Từ điển VBL gọi Trung Quốc là “Ngô” hoặc “Đại Minh”. Từ điển có mục từ: Ngô, nước Ngô, trong mục này có ghi “thàng ngô” (= thằng Ngô). Mục từ Minh, Sáng, có ghi “Đại minh” và phần giải thích bằng chữ latin được dịch sang tiếng Việt là: “đó là tên mà người Trung Hoa dùng để đề cao chính họ và vương quốc của họ”.
Về điểm này thì trên Năng lượng Mới số 454, chúng tôi đã viết: “Tại mục “tàu, mực tàu” ở cột 728, sở dĩ VBL “không nói đến Tàu (nước Tàu)” thì đơn giản chỉ là vì nó thiên về công dụng của thứ mực đó (dùng để kẻ đường thẳng trên gỗ). Còn Béhaine/Taberd thì thiên về xuất xứ nên mới dịch thành “atramentum sinicum”, nghĩa là “mực (của nước) Tàu” […] Chỉ cần thông minh một chút, người ta đã phải hỏi: Nếu “tàu” trong “mực tàu” của VBL  không chỉ “nước Tàu” thì nó chỉ “cái gì” vì cũng chính nó tại danh ngữ đó trong Béhaine/Taberd thì lại chỉ nước Tàu? Ông Thông cứ đưa hai định nghĩa đó ra mà đố học trò tiểu học thì họ sẽ đủ thông minh để trả lời rằng “tàu” của VBL và “tàu” của Béhaine/Taberd thực tế chỉ là một. Mà “tàu” trong “mực tàu” của Béhaine/Taberd đã là “nước Tàu” thì  “tàu” trong “mực tàu” của VBL đương nhiên cũng chỉ có thể là “nước Tàu” mà thôi”.
Có lẽ ông Nguyễn Đại Cồ Việt cũng nên thử nghiệm điều mà chúng tôi đã đề nghị với ông Nguyễn Cung Thông chăng? Bây giờ xin nói đến hai ý kiến riêng của ông Việt. Trước nhất, xin nói về ý kiến thứ hai. Ông viết: “Về chuyện “mực tàu”, tra từ “mực” sẽ thấy: thoi mực: cục mưc miếng mực, thỏi mực, thông dụng nơi người Trung Hoa (bản dịch). Ở Việt Nam hồi đó không có thứ mực nào có xuất xứ khác, nên tôi cho rằng khi gắn thêm định ngữ “tàu” cho mực, thì không phải nhằm phân biệt xuất xứ thứ mực ấy với thứ mực có xuất xứ khác. Rất có thể để phân biệt công dụng của thứ mực ấy: dùng để viết chữ, hay dùng để kẻ lên gỗ. Nếu dùng để phân biệt xuất xứ, sẽ dùng “mực Ngô”. Đây là giả định”.
Vì vẫn kiên trì phủ nhận khái niệm “Trung Hoa” trong chữ “tàu” của “mực tàu” trước thời Béhaine và Taberd nên ông Việt giả định rằng chữ “tàu” ở đây là định ngữ cho “mực” để phân biệt công dụng của thứ mực ấy: dùng để viết chữ, hay dùng để kẻ lên gỗ. Sự suy luận này hoàn toàn vô căn cứ nên cả hai ông Nguyễn sẽ không bao giờ chỉ ra được nó có nghĩa cụ thể là gì trong điều kiện đó, ngoài cái nghĩa “Trung Hoa”. Huống chi ông Việt cũng đã hoàn toàn sai khi giả định rằng ở Việt Nam hồi đó không có thứ mực nào có xuất xứ khác. Rất sai. Xin mời ông đọc mấy đoạn trích dẫn về mực dùng để làm tranh Đông Hồ (những chỗ in đậm là do AC nhấn mạnh): “Tranh điệp có hơn 100 loại. Một bức tranh có bao nhiêu màu thì phải in bấy nhiêu lần. Khô màu này mới in tiếp màu khác. Tranh bộ 16 loại. In hai lần. Lần một in mực than lá tre. Đợi khô vẽ thêm thủy mặc bằng mực tàu” (“Chơi tranh và sống bằng tranh”, dapcauglass.com.vn).
Rõ ràng là cùng một màu đen nhưng mực than lá tre lại khác với mực tàu và dĩ nhiên là còn những thứ mực khác cho những màu khác nữa. Xin mời ông Việt đọc tiếp: “Phải có một số thợ thủ công chuyên nghiệp làm mực vẽ và giấy từ nguyên liệu thiên nhiên quanh vùng cũng như việc làm khuôn và in tranh” (“Lịch sử tranh Đông Hồ”, donghotranh.com).
Mực vẽ ở đây hiển nhiên là mực sản xuất tại chỗ chứ không phải nhập từ bên Tàu cho nên chữ “tàu” trong mực tàu cũng hiển nhiên là dùng để chỉ xuất xứ. Ta lại đọc tiếp: “Bản khắc gỗ phải làm bằng gỗ cây thị thì mới cho ra những bản tranh sắc nét và màu mực mới tươi thắm được” (“Dung dị làng tranh Đông Hồ”, baotangnhanhoc.org).
Dĩ nhiên là màu mực ở đây cũng không chỉ có màu đen của mực tàu mà thôi. Cứ như trên thì hiển nhiên là chữ “Tàu” trong “mực tàu” được dùng để chỉ thứ mực vốn có xuất xứ từ bên Tàu để phân biệt với các thứ mực “tự chế” ở trong nước. Nghĩa là từ lâu, các gia đình có nghề làm tranh và những người thợ thủ công ở Đông Hồ đã biết đến mực Tàu là một thứ mực xuất xứ từ Trung Hoa chứ đâu có cần đến từ điển của Pigneaux de Béhaine (1772-73) hoặc của Taberd (1838) mới có mực Tàu mà xài. Ông Việt lại còn giả định rằng vào thời đó (thời của Từ điển Việt Bồ La), nếu ta đã có thứ mực xuất xứ từ Trung Hoa thì nó sẽ được gọi là “mực Ngô”. Chúng tôi xin thưa rằng, khi dân ta bắt đầu gọi “Tàu” là “Ngô” (sau năm 1427) thì mực Tàu đã tồn tại từ lẩu từ lâu nên cái tên “mực Ngô” sẽ vĩnh viễn nằm trong thế giả định của ông Việt chứ không bao giờ có thể trở thành hiện thực được. Cái thứ “mực Ngô” đó, dân Đông Hồ đã xài tự bao giờ với cái tên mực tàu rồi, để phân biệt với mực than lá tre sản xuất tại chỗ. Ta nên nhớ rằng tranh Đông Hồ đã có từ thế kỷ XVI.
Còn về ý kiến thứ nhất của mình thì ông Việt viết: “Chưa có chứng cứ về mặt ngôn ngữ xác nhận rằng, vào thế kỷ XVII, hoặc sớm hơn, người Việt gọi người Trung Quốc là “Tàu” - với nghĩa kính trọng hoặc khinh rẻ. Từ được sử dụng thường xuyên ở thời điểm này là: Ngô, người Ngô, nước Ngô, thằng Ngô. Các giống cây du nhập vào Việt Nam qua ngả TQ vào thời điểm này cũng được gắn với danh từ “ngô”, ví dụ cây ngô (= cây bắp), bí ngô.
“Vì thế, trước khi có chứng cứ xác thực, có thể giả định, cách gọi Tàu hoặc Khách để chỉ người TQ là những cách gọi xuất hiện muộn hơn thời điểm TK XVII”.
Phải nói rằng ý kiến trên đây của ông Nguyễn Đại Cồ Việt không khách quan chút nào khi ông vẫn mặc nhiên cho rằng  chỉ có chữ “tàu” trong “mực tàu” ở từ điển của Béhaine (1772-73), rồi từ điển của Taberd (1838) mới chỉ “(nước/người) Trung Hoa” chứ chữ ‘tàu” trong “mực tàu” ở Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa và ở Từ điển Việt Bồ La (1651) thì không. Đây là một loại ý kiến cực kỳ kỳ lạ. Vậy xin hỏi ông Nguyễn Cung Thông và ông Nguyễn Đại Cồ Việt chứ cái chữ “tàu” đó trong hai công trình trên có nghĩa là gì. Là gì, thưa hai ông? Còn với chúng tôi thì nó vẫn cứ có nghĩa là “Trung Hoa”, như đã gút lại trên Năng lượng Mới số 454 và số 456:
“Nếu quả thật người Minh Hương được gọi bằng tên của cái phương tiện mà họ đã dùng để đến đất Nam Bộ hồi gần cuối thế kỷ XVII thì họ sẽ phải được gọi là người “Ghe” chứ đâu có phải là người “Tàu”.
Lần này, xin mượn ý kiến của bạn Phạm Toàn trên Facebook để gút thêm một lần nữa: “Quê nội tôi ở Phú Quốc, cha tôi làm thầy giáo, được bổ nhiệm dạy ở Châu Đốc. Ông bà nội tôi từ Phú Quốc vào Châu Đốc thăm con bằng ghe buồm. Năm tôi khoảng 5-6 tuổi (1956), bà tôi vào Châu Đốc lần đầu tiên bằng ghe máy. Bà nói: - Bận này bà đi ghe máy nhanh lắm con, chưa hết một ngày một đêm là vô tới Hà Tiên...
“Khi có máy móc thay cho cánh buồm thì người ta vẫn gọi là ghe máy chứ không gọi là tàu. Tây đến, xuất hiện từ “tàu Tây” để chỉ ghe đóng bằng sắt của Tây. Ngày nay vùng Phú Quốc vẫn gọi là ghe đánh cá dù so với xưa thì ghe bây giờ rất to. Riêng ghe đánh cá của Thái Lan bằng sắt thì gọi là tàu đánh cá Thái Lan.
“Trở lại, người Minh Hương hồi xa xưa ấy chắc chắn đến nước ta bằng ghe buồm (gỗ) chứ làm gì có tàu sắt chạy phành phạch mà lướt sóng Biển Đông để bị gọi là “người Tàu”.
Với những lời của bạn Phạm Toàn, chúng tôi xin kết thúc bài nhận xét của mình về ý kiến của ông Nguyễn Đại Cồ Việt.

Nguồn:

Yến sào - Đạo Hồi - Hoàn vũ

Bạn đọc: 1. Tại sao người ta nói “yến sào”? Vậy “sào” trong “yến sào” là gì? 2. Tại sao lại gọi là “đạo Hồi; chữ Hồi do đâu mà ra? 3. “Hoàn vũ” trong “Hoa hậu Hoàn vũ” là gì? Giáp Loan (Hà Nội)
 

Học giả An Chi: 1. “Sào” [巢] là “tổ”. Thư tịch xưa của Tàu từng ghi lại truyền thuyết về hiện tượng “sào cư”, tức là sống trên tổ. Thiên “Ngũ đố” trong sách Hàn Phi Tử chép rằng đời thượng cổ, dân chúng ít mà cầm thú thì nhiều, dân chúng không đương nổi với muông thú, rắn rết nên có thánh nhân bày việc kết cành nhánh làm tổ mà ở để khỏi bị chúng làm hại. Thiên “Đằng Văn Công” trong sách Mạnh Tử chép người ở nơi thấp thì làm tổ trên cây mà ở, người ở nơi cao thì sống trong hang động. Ta cũng thường nghe đôi câu đối “Chim Việt đậu cành Nam - Ngựa Hồ hí gió Bắc”. Chim Việt đậu cành Nam, tức “Việt điểu sào Nam chi”. “Sào” [巢]  là tổ (danh từ) nhưng trong câu này thì dùng theo nghĩa động từ là “làm tổ”, hiểu rộng ra là “sinh sống”. Vậy “yến sào” [燕巢] là tổ yến, mà Hán ngữ gọi là “yến oa” [燕窩]. “Oa” [窩] cũng có nghĩa là “tổ’ nên ta mới có danh ngữ đẳng lập “sào oa” [巢窩] mà Mathews’ Chinese English Dictionary dịch là “nest in a tree”, tức là “tổ trên cây”. “Yến sào” thì tiếng Anh dịch là “edible bird’s nest(s)”, nghĩa là “tổ chim ăn được” còn tiếng Pháp là “nid d’hirondelle”, nghĩa là “tổ én”.
2. “Hồi giáo”, tiếng Arập là Islam, một danh từ phái sinh từ danh từ “Salam”, có nghĩa là “sự cứu rỗi”, là “thái bình”. Bản thân danh từ “salam” thì phái sinh từ căn tố ba chữ (triliteral) “s.l.m.”, có nghĩa là sự vâng mệnh, sự quy phục”. Tín đồ Hồi giáo thì tiếng Arập là “Muslim”, mà nghĩa gốc là người vâng mệnh”, người quy phục”, cũng phái sinh từ căn tố nói trên. Để chỉ Hồi giáo, hầu hết các ngôn ngữ châu Âu hiện nay đều gọi là “Islam”.
Cách gọi “Hồi giáo” bắt nguồn từ tên của dân tộc Hồi Hột [回紇], tức người Uighur, mà hiện nay Tàu phiên âm thành Duy Ngô Nhĩ [維吾爾]. Hồi Hột là nước láng giềng phương bắc của Tàu từ năm 616 đến 840. Lúc rộng lớn nhất lãnh thổ của họ Đông giáp Mãn Châu, Tây giáp Trung Á. Với thời gian, cách gọi đổi thành “Hồi Hồi”. Tài liệu xưa nhất dùng danh từ “Hồi Hồi” là Liêu sử, soạn vào thế kỷ 12. Đời nhà Nguyên (1260 -1368) mấy tiếng “người Hồi Hồi” được dùng để chỉ người Trung Á, bất luận theo tín ngưỡng nào. Đến đời Minh (1368 - 1644), “Hồi Hồi” mới dần dần đổi nghĩa để chỉ đạo Islam và tín đồ của nó.
Vì “Hồi Hồi” là tên gọi của một dân tộc, không phải dùng để chỉ đạo Islam hay một tôn chỉ của Islam, nên trong tiếng Việt hiện nay một số người bắt đầu dùng “Islam” thay cho “Hồi giáo”  hay “đạo Hồi”. Tuy nhiên, nhiều tín hữu Islam nói tiếng Việt vẫn dùng danh từ Hồi giáo vì đã quen nghĩ đến, nói đến danh từ này một cách tôn kính. Hiện nay Tàu cũng thường gọi Islam theo phiên âm là Y Tư Lan giáo (伊斯蘭教 Yīsīlán jiào).      
3. “Hoàn vũ” [寰宇] đồng nghĩa với “hoàn cầu” [寰球], có nghĩa là khắp cả trái đất, toàn thể trái đất. Chữ “hoàn” [寰] có hai nghĩa chính là “vùng đất rộng lớn” (nghĩa 1) và “tường bao quanh cung điện” (nghĩa 2). Với nghĩa 1, ta còn thấy nó trong danh ngữ nay hầu như không còn dùng đến là “doanh hoàn” [瀛寰], cũng có nghĩa là “toàn thế giới”. Còn chữ “vũ” [宇] thì có hai nghĩa chính là “mái nhà (nghĩa 1) và “toàn thể không gian” (nghĩa 2). Với nghĩa 1, nó có mặt trong “ốc vũ” là ‘nhà cửa”, “miếu vũ” là “đền miếu”. Với nghĩa 2, nó có mặt trong hai tiếng “vũ trụ” [宇宙] quen thuộc. Trong tiếng Việt hiện nay, hai tiếng “hoàn vũ” được dùng để dịch từ “Universe” trong danh ngữ “Miss Universe” (Hoa hậu Hoàn vũ), mà Tàu dịch thành “Hoàn cầu Tiểu thư”  [环球小姐].

Nguồn:

Nhận xét về bài của BS Nguyễn Anh Huy gửi An Chi

Ngày 1-9-2015, BS Nguyễn Anh Huy đã tự ý đưa vào Facebook (FB) của chúng tôi đường dẫn tới bài viết của ông ta nhan đề “Vẫn cứ là ‘nước Việt vĩ đại’ đó thôi!”, với câu mào đầu “Để hiểu thêm về trình độ, kiến thức và đạo đức khoa học của An Chi” và còn nói rõ thêm: “Bài này tôi đã gởi cho An Chi, nhưng An Chi không dám đăng”.

Chúng tôi đã xóa đường dẫn đó và đã chặn Nguyễn Anh Huy trên FB của mình nhưng vẫn thông báo cho toàn thể các bạn FB biết tên bài của Nguyễn Anh Huy để tìm đọc nếu cần.
Trong bài dài trên 4.500 chữ của mình, BS Huy nói rằng An Chi không đi vào chuyên môn chính mà chủ yếu là miệt thị ông ta. Sau đây, chúng tôi cũng sẽ “không đi vào chuyên môn chính” để trả lời BS Huy theo 7 câu hỏi mà ông ta đã nêu ra để chất vấn chúng tôi.
Câu hỏi 1. Họ của Phật là “Gautama/Gotama” được ký âm nhiều cách là “Cồ đàm/Kiều Đáp Ma/Kiều Đạt Ma” mà ông An Chi có dẫn ra, vậy xin được hỏi ông An Chi: Nếu “Cồ” là họ của Phật, vậy “Kiều” có phải là họ của Phật không?! Nếu “-Phải”, thì Phật có 2 họ?! Nếu “-Không phải” thì tại sao “Cồ” thì phải, mà “Kiều” thì không phải?!
Trả lời: Xin nêu một thí dụ sơ đẳng cho BS Huy dễ hiểu. Moscou, Mốt-cu, Moscow, Moskva, Mạc Tư Khoa, Mátxcơva là tên thủ đô của nước Nga mà văn quốc ngữ đều đã có dùng trong gần 100 năm nay. Dù ông có chọn tên nào thì đó vẫn là tên thủ đô của nước Nga chứ không phải thủ đô nước Nga có 6 tên khác nhau. “Gautama”, họ của Đức Phật, được Tàu gọi  thành “Cồ/Cù Đàm”, “Câu Đàm”, “Cụ Đàm”, “Kiều Đáp Ma”, “Kiều Đạt Ma” (đọc theo âm Hán Việt) nhưng những hình thức này chỉ là kết quả phiên âm từ họ của Phật trong tiếng Sanskrit là Gautama, chứ không phải Phật có nhiều họ. Còn sở dĩ tiếng Việt gọi họ của Ngài là “Cồ/Cù Đàm” thì chỉ vì đây là hình thức phiên âm mà ông bà ta tiếp xúc trước nhất nên đã dùng nó thành truyền thống cho đến nay. Người hiểu biết thì sẽ không đặt câu hỏi như BS Huy đã nêu.
không phải Phật có nhiều họ. Còn sở dĩ tiếng Việt gọi họ của Ngài là “Cồ/Cù Đàm” thì chỉ vì đây là hình thức phiên âm mà ông bà ta tiếp xúc trước nhất nên đã dùng nó thành truyền thống cho đến nay. Người hiểu biết thì sẽ không đặt câu hỏi như BS Huy đã nêu.
Câu hỏi 2. Các câu đối trên (câu đối có hai chữ “Cồ Việt” - AC), đều cho thấy quốc hiệu chỉ có 2 âm “Cồ Việt” chứ không phải là “Đại Cồ Việt”; ông An Chi giải thích như thế nào về hiện tượng “Cồ Việt” lặp lại như thế này?
 Trả lời: BS Huy nêu 3 cặp đối nhưng để cho đỡ tốn giấy mực, chúng tôi chỉ xin nhắc lại cặp có lẽ quen thuộc nhất là:
 “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo,  Hoa Lư đô thị Hán Tràng An.”
Xin trả lời rằng, trong cặp đối này (cũng như trong hai cặp kia), “Cồ Việt” là dạng tắt của “Đại Cồ Việt”. Đây là một ngữ đoạn mà trung tâm là danh từ “Việt”; danh từ này có một định ngữ (ĐN) là “Cồ”, hợp với nó thành danh ngữ (DN) “Cồ Việt”; DN này có một ĐN là “đại”, hợp với nó thành ngữ đoạn “Đại Cồ Việt”. “Đại Cồ Việt” là nước “Việt vĩ đại [theo] Phật giáo” còn “Cồ Việt” là nước “Việt [theo] Phật giáo”. Trong ba chữ trên đây, nếu cần lược đi một chữ mà vẫn giữ nguyên khái niệm cơ bản thì chữ bị lược chỉ có thể là “đại”, y như trong “đại chủng viện”, “đại lễ đường”, “đại lực sĩ”, “đại nhân vật”, v.v., ta chỉ có thể lược bỏ “đại” thì mới giữ lại được những khái niệm cơ bản là “chủng viện”, “lễ đường”, “lực sĩ”, “nhân vật”. BS Huy hỏi chúng tôi “giải thích như thế nào về hiện tượng “Cồ Việt” lặp lại như thế” trong  ba đôi câu đối mà ông ta đã nêu thì chúng tôi xin trả lời một cách đơn giản: “Cồ Việt” là dạng tắt của “Đại Cồ Việt”.
Liên quan đến câu hỏi 2, BS Huy còn viết:
 “Ông An Chi cho rằng chữ Nôm “Cồ ()”, gồm chữ “大 (đại)” nằm trên ghép với chữ “瞿 (cù)” nằm dưới, là “do BS Huy thiết kế”, nhưng ông không hề biết trong lịch sử văn học Việt Nam đã có chữ “cồ” viết kiểu này, được ghi nhận trong Tự Điển Chữ Nôm của Nguyễn Quang Hồng chủ biên, năm 2006.”
 Xin khẳng định rõ ràng rằng chúng tôi nói “do BS Huy thiết kế” là thiết kế cho quốc hiệu “Đại Cồ Viêt” [大瞿越] mà ông chủ trương làm thành [ ]. Còn chữ “cồ” [ ] trong Tự điển chữ Nôm  do Nguyễn Quang Hồng chủ biên (2006) là một chữ mới toanh thuộc loại F2 (chữ hình thanh ghép hai chữ Hán với nhau) của thời hiện đại, đặt ra để ghi thơ của Tú Xương nên không thể đưa ra để chứng minh cho chuyện đầu thế kỷ X được. Chính BS Huy cũng đã nói rằng “lịch sử hình thành chữ Nôm là quá trình phát triển từ chữ giả tá (mượn âm) đơn giản đến chữ hài thanh (hội đủ cả nghĩa lẫn âm) phức tạp.” Ông lấy chữ [] “hội đủ cả nghĩa lẫn âm” để thay cho chữ [] “giả tá” là đã phạm lỗi lẫn lộn thời đại (anachronism). Thế nhưng BS Huy còn xuyên tạc lịch sử mà viết tiếp:
“Đến thế kỷ XV, khi ghi chép lại lịch sử, Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liên ... thâm nho hơn, nên đã thêm bộ “đại” chỉ ý “to lớn” vào chữ “瞿” để trở thành chữ Nôm “ ” hài thanh hoàn chỉnh như tôi đã nói.”
Chỉ có BS Huy hoang tưởng chứ có ma nào ở thế kỷ XV mà lại viết “cồ” thành [ ].
 Câu hỏi 3.  Ông An Chi cho rằng “Trong tiếng Việt thì tính từ dùng làm định ngữ cho danh từ luôn luôn đứng sau danh từ này, thí dụ: gà cồ, chó dữ…” Thế nhưng, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe “To đầu mà dại, nhỏ dái mà khôn!”. Không rõ học giả An Chi giải thích những tính từ “to, nhỏ…” đứng trước danh từ này như thế nào nhỉ?!
 Trả lời. “Gà cồ”, “chó dữ” là nhưng ngữ đoạn trong đó tính từ theo sau (“cồ”, “dữ”) làm định ngữ cho danh từ trung tâm (“gà”, “chó”) đứng trước còn “to đầu”, “nhỏ dái” là những ngữ đoạn trong đó danh từ theo sau (“đầu”, “dái”) làm bổ ngữ cho tính từ trung tâm đứng trước (“to”, “nhỏ”). Cái mà chúng tôi nói đến là danh ngữ; còn cái mà BS Huy đưa ra đẻ “bẻ” chúng tôi thì lại là tính ngữ ( = ngữ đoạn tính từ). Khác hẳn nhau về bản chất. Có lẽ BS Huy cũng nên học lại ngữ pháp tiếng Việt chăng?
Câu hỏi 4. “Trong kinh Phật” thì đúng Cồ là viết tắt của Cồ-đàm, nhưng điều ta đang bàn là chữ “Cồ” trong quốc hiệu, chứ có phải là chữ “cồ” trong kinh Phật đâu?! Ông An Chi lại lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia! “Cồ” trong quốc hiệu liên quan gì chữ “cồ” trong kinh Phật? Tại sao phải liên quan?
 Trả lời: Câu “chất vấn” của BS Huy cực kỳ ngây thơ. Khác nào nói chỉ có trong văn bản của Kinh Thánh thì Jesus mới là Christ chứ trong những ngữ cảnh khác thì không. Ông ta còn hỏi tại sao chữ “Cồ” trong quốc hiệu phải liên quan đến chữ “cồ” trong kinh Phật. Vậy chúng tôi xin hỏi lại ông: – Tại sao không? BS Huy cũng chẳng phân biệt được các khái niệm liên quan đến chữ “Cồ” trong “[Đại] Cồ Việt” và chữ “Cồ” trong “Cồ kinh”, “Cồ đô”. Chẳng thế mà ông ta lại viết: “Hoa Lư, được gọi là “Cồ kinh, Cồ đô”: có phải là kinh đô của Phật?!” Xin trả lời rằng trong “[Đại] Cồ Việt” thì “Cồ” là “Cồ Đàm” ( = Phật) còn trong “Cồ kinh”, “Cồ đô” thì “Cồ” đã trở thành “Cồ Việt” rồi (nên không còn trực tiếp liên quan đến “Cồ Đàm” nữa). Để cho BS Huy dễ hiểu hơn, chúng tôi xin nói toạc ra: “Cồ Việt” là “nước Việt theo tôn giáo của Cồ Đàm (= Phật) còn “Cồ kinh”, “Cồ đô” là “kinh đô của nước Cồ Việt, nghĩa là của nước Việt theo tôn giáo của Cồ Đàm ( = Phật)”.
BS Huy còn lập luận:  “Trong từ ngữ tiếng Việt, không thấy “Cồ / Cù” được tách ra thành một chữ riêng để thành lập từ mới để chỉ Phật như “Thích” hay “Phật (Bụt)”, ví dụ, ta thường nghe nói “Thích giáo, Phật giáo, Phật tử...” chứ chưa bao giờ nghe “Cồ giáo, Cồ tử”cả!”
  Victor Hugo có dùng một ẩn dụ mà nói rằng từ (mot) là một sinh vật (être vivant). Nghĩa là nó có sống và có … chết. Nếu “Cồ/Cù” không “được tách ra thành một chữ riêng mà thành lập từ mới để chỉ Phật” thì ta sẽ không thể thấy nó trong câu “Lù đù/khù có ông Cù độ/hộ mạng”. Ông Cù đây là ông Cù Đàm, nghĩa là ông Phật đấy, chứ không phải là ai khác. Nhưng nó (từ “Cù”) đã làm xong nhiệm vụ để trở thành một từ cổ và được “Bụt”, rồi “Phật” thay thế theo quy luật đào thải và thay thế của từ vựng. Nhưng đây là nói để trả lời BS Huy chứ riêng “Cồ Việt” thì lại là một cấu trúc tiếng Hán (dĩ nhiên là đọc theo âm Hán Việt) trong đó “Cô” chỉ là một hình vị ràng buộc (phụ thuộc).
 Câu hỏi 5. Bằng chứng gì để khẳng định Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu là vì đạo Phật? Đây là câu hỏi 5 tôi hỏi ông An Chi, và là trọng tâm vấn đề (AC nhấn mạnh).
  Trả lời: Thực ra thì, về trọng tâm này của BS Huy, chúng tôi cũng đã trả lời trên Kiến thức Ngày nay số 599 (1-4-2007). Chúng tôi đã dẫn Đào Duy Anh:
  “Đinh Bộ Lĩnh chỉ có thể dựa vào tập đoàn phong kiến tôn giáo là thành phần xã hội có uy tín nhất trong xã hội bấy giờ để duy trì  trật tự và kỷ cương. Nhưng trong hai tôn giáo, Phật và Đạo, đều thịnh hành trong dân gian, thì Phật giáo có tổ chức và quy củ vững vàng hơn, có kinh điển và lễ nghi nghiêm trang hơn, chứ Đạo giáo thì chỉ là một mớ phương thuật và mê tín. Về tổ chức cũng như về tinh thần, Phật giáo là yếu tố thống nhất đắc lực nhất thời bấy giờ. Bởi thế Đinh Bộ Lĩnh mới lấy Phật giáo làm quốc giáo, định phẩm cấp tăng nhân để giao cho họ lãnh đạo Phật giáo trong toàn quốc (Chúng tôi nhấn mạnh – AC) Khuông Việt đại sư tham dự triều chính gần như một vị tể tướng. Các chùa (tự viện) của Nhà nước do các tăng quan trụ trì đều được cấp ruộng làm tự điền. Các tự viện có các đại điền trang không kém gì đại điền trang của bọn vương công đại thần. (Lịch sử Việt-nam, q. thượng, Nxb Văn hoá, 1958, tr.175).
Xem thế, đủ thấy vai trò của đạo Phật trong xã hội Đại Cồ Việt quan trọng như thế nào. Cũng vẫn Đào Duy Anh đã viết như sau:
“Nước mới dựng, kỷ cương chưa vững, trật tự xã hội chưa ổn định, Bộ Lĩnh lấy hình phạt ghê gớm để uy hiếp nhân dân, sai đặt vạc dầu ở giữa điện đình và nuôi cọp trong chuồng, kẻ phạm tội nặng thì bắt bỏ nấu trong vạc dầu hay là bỏ cho cọp ăn.” (Sđd, tr.174).
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguồn:

Nhận xét về bài của BS Nguyễn Anh Huy gửi An Chi (Tiếp theo và hết)

Những biện pháp trừng phạt này đã bị các sử gia lên án là dã man, tàn bạo. Về khách quan thì đúng như thế nhưng thực tế lại không hề đơn giản như người ta có thể chê bai một cách dễ dàng. Đinh Tiên Hoàng muốn xây dựng xã hội Đại Việt theo tinh thần Phật giáo. Vì thế nên ta phải thấy vạc dầu, chuồng cọp ở đây chính là hình ảnh cu thể và sinh động của địa ngục đó thôi. Phật giáo chẳng đã lấy hình ảnh của địa ngục để khuyến thiện, giới ác đó sao?

Câu hỏi 6: Do vậy, muốn khẳng định quốc hiệu “Đại Cồ Việt” năm 968 có phải là nước Việt sùng đạo Phật không (?), thì tất nhiên phải xét từ năm 968 trở về trước xem tôn giáo nước ta thời đó có sùng đạo Phật không đã (?!), thì khi đó Đinh Tiên Hoàng mới dựa trên sự sùng đạo đó để đặt quốc hiệu! Vậy, kính đề nghị ông An Chi trưng bày những sự kiện lịch sử trước năm 968 cho thấy Đinh Tiên Hoàng sùng đạo Phật?
Trả lời: Đây, xin mời ông đọc những gì mà TS Sử học Alexey Polyakov đã viết:
“Thế kỷ X các hào trưởng, sứ quân Giao Châu nắm chính quyền ở các địa phương, đều có các đội thân binh khá đông đảo. Bản thân họ tham vọng giành chính quyền trung ương ở Giao Châu. Thời gian đó họ đã có bộ máy cai trị rất đơn giản, phù hợp với trình độ quan hệ kinh tế xã hội Giao Châu lúc đó. Các sứ quân và vua của những triều đại tồn tại ngắn ngủi, trong thực tế đều không cần bộ máy quan liêu Nho giáo phức tạp. Trong giai đoạn tình trạng phân tán phong kiến các Tăng lữ Phật giáo trở thành lực lượng có mối quan tâm đến việc thống nhất đất nước.
 “Thời các triều đình Đinh, Lê công việc quốc gia phần lớn do các sư sãi Phật giáo điều hành. Các Tăng sĩ đã làm quan của triều đình. Các kinh sách của Phật giáo đã được viết bằng chữ Hán. Điều đó đã cho phép các Tăng sĩ Đại Việt tham gia quan hệ ngoại giao với nhà Tống và tiếp xúc với quan lại Nho giáo rất dễ dàng. Trung tâm văn hóa và dạy học là các chùa chiền Phật giáo; con cái quan lại và con em trong hoàng tộc được học tập, dạy dỗ ở đó. Quá trình hoàn thiện bộ máy nhà nước thể hiện được qua việc tăng số lượng cán bộ, các cơ quan cũng như sau đó là sự mở rộng bộ phận quan lại dân sự được đào tạo trong các chùa, tạo điều kiện cho giới sư sãi có được ảnh hưởng nhất định trong triều đình.” (“Vai trò của Phật giáo và những nhà sư xuất sắc trong đời sống chính trị của xã hội Đại Việt thời đầu kỷ nguyên độc lập”, Đạo Phật ngày nay, 7-5-2011).
Còn dưới đây là kết luận của Alexey Polyakov trong bài trên:
 “Trong tình hình phân tán phong kiến đầu kỷ nguyên độc lập giới Tăng Ni Phật giáo đã là một trong những lực lượng giữ vai trò lớn trong việc thống nhất và bảo vệ đất nước. Lê Đại Hành đã thắng quân Tống và Chiêm Thành với sự giúp đỡ của giới Tăng lữ và đặc biệt là các nhà sư Khuông Việt và Vạn Hạnh.”
 Câu hỏi 7. Bởi còn có một chứng cứ rất quan trọng, là chỉ 1 viên gạch được tìm thấy trong di tích Hoa Lư thôi - đã được Viện Khảo cổ học Việt Nam và Hội thảo Khoa học “Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu so sánh” giám định có niên đại cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI - nhưng đã mặc nhiên loại bỏ giả thuyết của ông An Chi đưa ra; vì thuyết của ông suy nghĩ ra không thể giải thích được ý nghĩa quốc hiệu trên viên gạch có ghi “Đại Việt quốc [大越国] quân thành chuyên”! Ông An Chi giải thích như thế nào về quốc hiệu “Đại Việt quốc” trên viên gạch này không hề có chữ “Cồ (Phật)” như ông từng 2 lần khẳng định?
 Trả lời: BS Huy chê An Chi “chủ yếu chỉ phân tích chữ nghĩa từ “Cù/Cồ”, chứ không hề biết rằng khảo cổ học ngày nay đã khám phá nhiều di vật có liên quan đến quốc hiệu thời Đinh” nhưng có vẻ như kiến thức khảo cổ học và lịch sử của chính ông ta lại … hơi ít. Chúng tôi muốn bàn rõ thêm, trước nhất là về ý kiến của TS Đỗ Văn Ninh do Vân Khánh ghi lại:
 “Tiếp đến là phát hiện (tại Hoàng thành Thăng Long - AC) loại gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch xây quân thành nước Đại Việt). Đây là loại gạch lần đầu tiên nhìn thấy tại kinh thành Hoa Lư thời Đinh-Lê ở Ninh Bình (………….) khiến TS Ninh trăn trở là liệu có phải kí hiệu những viên gạch là quốc hiệu nước ta thời Đinh-Lê? Sử chép rằng, quốc hiệu nước ta thời Đinh-Lê là Đại Cồ Việt. Quốc hiệu này được ghi lại sớm nhất chỉ từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư nửa cuối thể kỷ XV (sic). Các nhà nghiên cứu chữ nôm cho rằng, chữ “Cồ” nghĩa là to lớn, như vậy quốc hiệu này mang hai chữ “lớn”. Quốc hiệu chính ra chỉ là Đại Việt, khi gọi nôm mới là Cồ Việt. Rồi khi chép vào văn tự người ta đã nhầm mà chép cả chữ “Đại” và chữ “Cồ” vào chung một tên. Từ viên gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, có thể nhận định: Việt Nam không có quốc hiệu “Đại Cồ Việt” mà chỉ có quốc hiệu “Đại Việt quốc”. Những viên gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” là di vật có giá trị thuyết phục lớn để chỉnh lý những khiếm khuyết trong sử sách.” (“Hoàng thành Thăng Long: Bí mật đằng sau lớp đất”, Giađình.net.vn, 4-2-2010).
Thực ra thì TS Đỗ Văn Ninh đã cả quyết một cách quá vội vàng. Muốn “chỉnh lý những khiếm khuyết trong sử sách”, trước nhất TS Ninh phải chứng minh được niên đai chính xác của những viên gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” ở cả hai nơi Hoa Lư và Thăng Long là giữa hai năm 968 và 1054, tức là khoảng thời gian mà sử chép rằng nước ta mang tên “Đại Cồ Việt”. Thêm nữa, ông cũng rất sai khi khẳng định rằng “quốc hiệu chính ra chỉ là Đại Việt, khi gọi nôm mới là Cồ Việt”. Thực ra, nước ta “vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, đã “Đại Việt” thì cứ là “Đại Việt” chứ còn “Cô Việt” làm gì cho nó “nôm na mách qué”. Huống chi, “Cồ Việt” là theo cú pháp Tàu chứ “nôm” thì phải là “Việt Cồ” mới đúng (Xin xem phần trả lời cho câu hỏi 3). TS Ninh lại còn nói oan cho các sử quan của ta là “khi chép vào văn tự người ta đã nhầm mà chép cả chữ “Đại” và chữ “Cồ” vào chung một tên”. Họ dốt đến thế ư? Đại Việt sử ký toàn thư (cuối thế kỷ XVII, chứ không phải XV), “Nội các quan bản”, khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697) làm sao có thể để cho xảy ra một sự dốt nát liên quan đến quốc hiệu là một khái niệm thiêng liêng, như TS Đỗ Văn Ninh đã nói oan?
 Dè dặt hơn, là một đoạn ghi chép của Lê Hoàng:
  “Việc nghiên cứu về niên đại của loại gạch này đang có nhiều giả thuyết, phần lớn học giả cho rằng gạch “Đại Việt Quốc” chính là mang quốc hiệu thời Lý. Tuy nhiên, theo các tài liệu nghiên cứu mới đây thì Đại Việt quốc là tên một quốc gia độc lập do Lưu Cung thành lập vào thời Ngũ Đại Thập Quốc (907-979). Quốc hiệu Đại Việt của triều Lý phải mãi tới thời Lý Thánh Tông (1054) mới có. Kết quả khai quật tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) cũng phát hiện được rất nhiều loại gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch Đại Việt xây thành).” (“Phát hiện gạch cổ nghìn năm tại thành nhà Hồ”, , 25-4-2013).
Còn Nguyễn Phúc Giác Hải thì nhận định::
“Hoa Lư mặc dầu không còn là đế đô nhưng vẫn là quân thành quan trọng. Bởi thế Lý Thái Tổ giao Hoa Lư cho con trai là Khai Quốc Vương (tức hoàng tử Bồ) trông giữ. Ngày 31-3-1028, Lý Thái Tổ mất. Thái tử Phật Mã nối ngôi. Ngày mười lăm tháng ba, Khai Quốc Vương làm phản. Mùa hạ tháng tư, Phật Mã, tức Lý Thái Tông, mang quân đi đánh phủ Trường Yên. Khai Quốc Vương hàng (Đại Việt Sử ký toàn thư, tập I, in lần thứ hai, NXB Khoa học Xã hội, HN 1972, trang 203-204). Đoạn sử liệu trên cho thấy thành Hoa Lư, tức phủ Trường Yên, vẫn là quân thành quan trọng. Những ai được trông giữ nơi ấy, dựa vào địa thế hiểm yếu dễ có tư tưởng làm phản để tấn công vào Thăng Long nơi không có địa thế hiểm trở. Chắc hẳn vì những lý do đó, sau khi lên ngôi , Lý Thánh Tông đổi quốc hiệu là Đại Việt và cho gắn những viên gạch mang quốc hiệu này ở Hoàng thành Thăng Long cũng như ở Hoa Lư để khẳng định tính thống nhất của quốc gia Đại Việt”( “Hoàng thành Thăng Long và 950 năm Quốc hiệu Đại Việt”, ViệtBáo.vn, 12-11-2004).
 Thế là sau khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (1010) thì Hoa Lư đã trở thành Cố đô. Nhưng về sau các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn  vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ, v.v… Vì vậy nên Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ di tích lịch sử của nhiều triều đại. Do đó mà viên gạch có mấy chữ “Đại Việt quốc” [大越国] của BS Huy là một hiện vật mà niên đại và chủ nhân cần phải được xác định một cách khoa học và chính xác chứ đâu có thể nói khơi khơi là nó thuộc về đời nhà Đinh.
KẾT LUẬN: Cuối cùng, xin dẫn lời của BS Nguyễn Anh Huy đánh giá An Chi để bạn đọc thưởng lãm (kẻo BS Huy cứ thấy bứt rứt vì “gởi cho An Chi nhưng An Chi không dám đăng”). Đây, ông ta đã viết:
“Học giả An Chi đã tuyển tập các bài phê bình văn hóa - lịch sử - ngôn ngữ học của mình để xuất bản thành một quyển sách với tựa đề Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Nhà xuất bản Trẻ, 2004. Tôi đọc nhiều bài của học giả An Chi, thấy tác giả trích dẫn nhiều sách, nhưng không hề biết các điều đang trích ấy cũng rất sai!”.
Nghĩa là An Chi sai “tùm lum”. Xin trân trọng cảm ơn BS Nguyễn Anh Huy về lời nhận xét tổng quát trên đây. Và cũng xin thông báo với ông và bạn đọc là, với BS Nguyễn Anh Huy thì, từ đây, An Chi xin tuyên bố phoọc-phe vì “cãi” nhau với ông rất mệt.
Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét