Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

AN CHI GIẢI ĐÁP 36

 (ĐC sưu tầm trên NET)

Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích

(PetroTimes) - Bạn đọc: Tôi có quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích của Nguyễn Liên Phong do Cao Tự Thanh - Trương Ngọc Tường chỉnh lý, chú thích và giới thiệu (NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP HCM, 2014). Tôi là dân Sài Gòn cố cựu nhưng đọc phần chú thích thì thấy ngờ ngợ ở một số chỗ. Nếu ông vui lòng gỡ rối tơ lòng thòng thì tôi thật là vạn hạnh. Tôi đồng tuế với ông đó, ông An Chi. Xin cảm ơn ông. Huỳnh Hiếu Hạnh (Xóm Thơm, Gò Vấp, TP HCM)

Năng lượng Mới số 436
Học giả An Chi: Trước nhất, chúng tôi sẽ dẫn lời chú thích của Cao Tự Thanh - Trương Ngọc Tường (CTNT) trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong (NLP); sau những dòng trích dẫn là xuất xứ theo mẫu: (Chú [x] tr.y) rồi tiếp theo là phần nhận xét của An Chi.     
Trung tâm Thương xá Tax
1. “Các sắc nhơn dân: tức các tộc người có truyền thống lịch sử và văn hóa khác nhau. Sắc tức màu sắc đây chỉ kiểu dáng màu sắc y phục, được coi là một tiêu chí dân tộc học để phân biệt các tộc người” (Chú [8] tr.58).
Chữ “sắc” dĩ nhiên có nghĩa là “màu sắc” nhưng ở đây NLP đâu có làm dân tộc học nên cũng không dùng nó để chỉ màu sắc y phục của các dân tộc khác nhau ở Việt Nam. Ông ta đâu có đi trước thời đại mà xem các dân tộc ít người với con mắt bình đẳng như hiện nay. NLP chỉ dùng từ “sắc” theo nghĩa “chủng loại”, như đã cho trong các quyển từ điển. “Hóa sắc” [货色]  là loại hàng, mặt hàng. Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S. Couvreur dịch là “sorte, espèce” (loại, giống), với thí dụ “tạp sắc nhân” [雜色人], được dịch là “différentes sortes de personnes” (các hạng người khác nhau). Mathews’ Chinese English Dictionary dịch là “sort, kind” (loại, giống), với thí dụ “sắc sắc câu toàn” [色色俱全], được dịch là “every sort is kept in stock” (mọi mặt hàng [đều] chứa sẵn trong kho); “chư sắc nhân đẳng” [諸色人等], được dịch là “all kinds of men” (tất cả các hạng người). “Chư sắc nhân đẳng” chính là “các sắc nhơn dân”. Ở đây, NLP không nói đến các dân tộc mà chỉ nói đến các hạng người khác nhau trong xã hội.
2. “Hương chức thanh cần chữ dạ ngay: thanh cần là trong sạch siêng năng, chữ là giữ (từ cổ)” (Chú [2] tr.89).
Nếu từ cổ có nghĩa là “giữ” thì phải viết với dấu hỏi thành “chử”. Vậy không biết chữ “chữ” dấu ngã ở đây là của NLP hay do CTNT chỉnh lý. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của và Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng đều ghi với dấu hỏi và đây là một cách ghi hoàn toàn đúng chính tả, như còn có thể thấy trong Từ điển từ cổ của Vương Lộc với các thí dụ: Một lời mà chử muôn đời; Khuyên người chử dạ cho bền thảo ngay; Khiến ta chử dạ chưa quên. Vậy nếu chữ “chữ” là của Nguyễn Liên Phong thì có thể khẳng định rằng CTNT đã không chỉnh lý lại cho đúng. Còn nếu NLP viết đúng là “chử” thì hai nhà chỉnh lý đã thực hiện một thao tác siêu chỉnh (hypercorrection) nên đã chữa lành thành què.
3. “Chùa Tập Phước ở Gò Vấp, có từ thế kỷ XVIII” (Chú [2] tr. 142).
Chùa (Sắc Tứ) Tập Phước không phải ở Gò Vấp mà tọa lạc tại số 223, đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh (TP HCM). Trước kia, người dân trong vùng thường gọi trại thành  chùa “Thập Phước”.
4. “Các chú: tức Khách trú đọc theo âm Hoa Hán giọng Triều Châu” (Chú [4] tr.145).
Thực ra, “Các chú” (thường nói thành “cắc chú”) là do chính người Việt (Kinh) trong Nam đọc trại hai tiếng “Khách trú” [客住].
5. “Bắc thảo: có lẽ là Bắc đầu đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông” (Chú [2] tr.148).
Thực ra, âm của chữ “đầu” [頭] trong tiếng Quảng Đông là “thầu” còn “thảo” là âm Triều Châu.
6. “Ba Son: tên tiếng Pháp là Bassin de radoud […]”(Chú [2] tr.164).
Thực ra tên tiếng Pháp của “Ba Son” là Arsenal như NLP đã ghi chú ngay trong câu 1745: “Ba Son (Arsenal) là sở tạo thuyền”. “Bassin de radoub” (không phải “radoud”) chỉ là một bộ phận của Arsenal, tức Ba Son. Chẳng qua là có tác giả đã giả định rằng “bassin” là nguyên từ (etymon) của hai tiếng “Ba Son”. CTNT đã không phân biệt được địa danh với từ nguyên của địa danh. Tây không bao giờ gọi Ba Son là “Bassin de radoub”.
7. “Cặp rằng: gốc là từ capitan (người đứng đầu) tiếng Pháp nói trại ra, đây chỉ đốc công” (Chú [1] tr.165).
“Capitan” là chữ do CTNT “sáng tạo” cho tiếng Pháp chứ ngôn ngữ này chỉ có danh từ “capitaine” với 3 nghĩa chính: đại úy - thuyền trưởng - đội trưởng (trong thể thao). Còn “cặp rằng” thì lại do “caporal” mà ra. “Caporal” có nghĩa là “cai” (trong công xưởng), tức cặp rằng.
8. “Thống đốc Dellamothe: Thống đốc Nam Kỳ (…)” (Chú [3] tr.172).
Chính xác là “De Lamothe” như đã ghi chú sẵn trong câu 1858: “Đờ la mốt (De Lamothe) lại ước rày mấy trăng”.
9. “Hãng xe lửa nhỏ: đúng ra là xe điện, có hai tuyến đường là tuyến từ Sài Gòn tới Gò Vấp, sau kéo dài tới Hóc Môn […] và tuyến từ Sài Gòn vào Chợ Lớn dài 5km vòng vèo trong khu Cầu Ông Lãnh, chủ yếu cặp theo đường xe lửa […]” (Chú [1] tr.180).
Xin nói rằng, đúng ra là xe lửa mà các toa được kéo bằng đầu máy (locomotive) đốt bằng than, củi. Về sau, mới chạy bằng điện nhưng khi nó đã trở thành xe/tàu điện rồi thì người dân, do quen miệng, vẫn gọi nó là “xe lửa”; còn người thức thời hơn thì gọi nó là “xe lửa điễn”, hàm ý là “tàu hỏa chạy bằng điện”. Vậy không phải ngẫu nhiên mà NLP viết “Hãng xe lửa nhỏ hai đường”. Vì không nắm được thực tế nên CTNT mới “chỉnh” NLP mà nói “đúng ra là xe điện”, cứ như là NLP không biết được điều này.
(Xem tiếp kỳ sau)

Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích (Bài cuối)

(PetroTimes) -  Bạn đọc: Tôi có quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích của Nguyễn Liên Phong do Cao Tự Thanh - Trương Ngọc Tường chỉnh lý, chú thích và giới thiệu (NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP HCM, 2014). Tôi là dân Sài Gòn cố cựu nhưng đọc phần chú thích thì thấy ngờ ngợ ở một số chỗ. Nếu ông vui lòng gỡ rối tơ lòng thòng thì tôi thật là vạn hạnh. Tôi đồng tuế với ông đó, ông An Chi. Xin cảm ơn ông. Huỳnh Hiếu Hạnh (Xóm Thơm, Gò Vấp, TP HCM)

Năng lượng Mới số 437
Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích
(PetroTimes) - Bạn đọc: Tôi có quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích của Nguyễn Liên Phong ...
CTNT còn sáng tạo mà nói rằng, “tuyến từ Sài Gòn vào Chợ Lớn dài 5km vòng vèo trong khu Cầu Ông Lãnh, chủ yếu cặp theo đường xe lửa”. Nhưng “xe lửa điễn” làm gì có lạng lách hay đánh võng mà họ bảo là nó “vòng vèo trong khu Cầu Ông Lãnh”. Nó chỉ chạy cặp theo bờ sông, bây giờ là bến Chương Dương, bến Hàm Tử, v.v…, chứ cứ vòng vèo trong khu Cầu Ông Lãnh thì biết chừng nào mới tới Chợ Lớn. Họ lại còn bảo là nó “chủ yếu cặp theo đường xe lửa”. Vậy đây là đường xe lửa nào nữa?
Trung tâm Thương xá Tax
10. “Hãng xe lửa lớn: hãng xe lửa lớn (trước chạy than củi, sau chạy điện) có hai tuyến đường; tuyến đường từ Sài Gòn qua Chợ Lớn (dài hơn 5km) và tuyến đường từ Sài Gòn đi Mỹ Tho (dài 71km), chạy theo đường giữa tức đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) […]” (Chú [2] tr.180).
Tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn chạy theo đường giữa nên dân chúng còn gọi là “đường xe lửa giữa” nhưng tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho thì chạy theo đường khác và tuyến này cũng không bao giờ chạy bằng điện, như CTNT đã chú thích (Xin x. thêm mục 13).
11. “Lục xi: còn một biến âm nữa là lục xì, có lẽ là một từ ghép tiếng Pháp theo lối bồi tức look syphilis (xem - khám bệnh giang mai), đây chỉ việc kiểm tra sức khỏe định kỳ của cơ quan y tế công quyền đối với gái mại dâm thời Pháp thuộc.”(Chú [4] tr.192).
Đây là tiếng Anh đàng hoàng chứ không phải tiếng Pháp bồi (“look” đâu có phải là tiếng Pháp!). “(To) look” thì tiếng Pháp là “regarder” và có nghĩa là “nhìn”. Bệnh giang mai thì cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp đều là “syphilis”. Chúng tôi e rằng chính “look syphilis” của CTNT mới là tiếng Anh theo lối bồi chứ “lục xi/xì” là do tiếng Anh “look-see”, có nghĩa là sự xem xét, ở đây là khám lẹ, khám nhanh.
12. “Hai tòa đất thánh: nghĩa địa Thiên Chúa giáo trong thành phố (sau đổi là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, sau 1975 đã giải tỏa để xây dựng Công viên Lê Văn Tám nằm trên đường Hai Bà Trưng, quận 1), chia làm hai khu, một dành cho người Pháp, một dành cho người Việt thuộc tầng lớp quan lại, giàu có theo đạo Thiên Chúa” (Chú [1] tr.200).
CTNT chỉ nói đến có một tòa; còn hai tòa đất thánh mà NLP nói đến trong câu 2385 là Đất Thánh Tây và Đất Thánh Chà. Đất Thánh Tây nằm trên đường Legrand de La Liraye (sau đổi thành Phan Thanh Giản, bây giờ là Điện Biên Phủ) còn Đất Thánh Chà, nằm trên đường Mayer (sau đổi thành Hiền vương, nay là Võ Thị Sáu).  Phía mặt tiền của Đất Thánh Chà hiện nay là CITENCO (Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM), 42-44 Võ Thị Sáu, Q.1, TP HCM. Còn hai khu mà CTNT chú thích chỉ thuộc có một toà là Đất Thánh Tây mà thôi.
13. “Xe lửa… hai bờ […] Bờ đường giữa là hãng xe lửa lớn, trước chạy củi, sau chạy than, chạy theo đường giữa nay là đường Trần Hưng Đạo, có hai tuyến đường, một từ chợ Sài Gòn (cũ) vào Chợ Lớn cũ (nay là chợ Kim Biên) dài 5km và tuyến đường chợ Sài Gòn đi Mỹ Tho, dài 71km” (Chú [2] tr.206).
Liên quan đến bờ đường giữa thì chuyện xe lửa “trước chạy củi, sau chạy than” là chuyện xưa vì về sau đã chạy bằng điện nên mới có tên “xe lửa điễn”. Còn “tuyến đường chợ Sài Gòn đi Mỹ Tho dài 71km” thì lại không chạy theo bờ đường giữa vì nó còn chạy ở phía ngoài của cả Đường Trên, tức đường Cây Mai (tiếng Quảng Đông là Mùi Xán Cái), bây giờ là đường Nguyễn Trãi. Xe lửa Mỹ (người ta thường gọi tắt tuyến này như thế) chạy theo đường Hùng Vương và Hồng Bàng rồi cứ thế mà thẳng tiến hướng Mỹ Tho. Chợ Kim Biên cũng không phải là địa điểm của Chợ Lớn cũ vì ai có nghiên cứu kỹ về Chợ Lớn cũng biết Bưu điện Trung tâm Chợ Lớn hiện nay (số 3, Mạc Cửu, Phường 13, Quận 5) mới chính là địa điểm ngày xưa của Chợ cũ Chợ Lớn.
14. “Đèn Năm ngọn: giữa đường Hải Thượng Lãn Ông và đường Phùng Hưng (cạnh Nhị Phủ Hội quán) thời bấy giờ có trụ đèn năm ngọn, nên khu vực này được gọi là “Đèn Năm Ngọn”. Đèn Năm ngọn là khu vực ăn chơi về đêm ở Chợ Lớn.”(Chú [2] tr.212).
Thực ra thì trước kia Chợ Lớn có đến hai trụ “Đèn Năm Ngọn” (Tiếng Quảng Đông là “Ựng Chí Tắng [五枝燈] “Ngũ Chi Đăng”) nhưng không có trụ nào ở “giữa đường Hải Thượng Lãn Ông và đường Phùng Hưng”, như CTNT đã chú thích cả. Một trụ thì ở giữa đường Trịnh Hoài Đức (trước 1975 vẫn mang tên này, âm Quảng Đông là Chèng Wài Tắc) và đường Paris (nay là Phùng Hưng). Trên đường Paris, có một hiệu thuốc là hiệu Viễn Đông với thứ thuốc nổi tiếng là Thuốc [xức] lác; trên đường Trịnh Hoài Đức, từ phía hông Bưu điện Chợ Lớn đi tới, vừa qua đường Phùng Hưng thì ngay góc đường là Phòng mạch của Bác sĩ Bùi Kiến Tín. Trụ thứ hai mới là trụ “ăn chơi” mà NLP nói đến trong câu 2576. Trụ này nằm giữa đường Paris (nay Phùng Hưng) và Rue des Marins (đường Thuỷ Binh, tiếng Quảng Đông là Xủi Píng Cái), trước 1975 là đường Đồng Khánh, nay là Trần Hưng Đạo. Đoạn đường Phùng Hưng nằm giữa đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi (trước kia là đường Cây Mai) là cả một dãy cửa hàng thịt quay và món ăn thức uống. Ngay góc Phùng Hưng - Trần Hưng Đạo là nhà hàng nổi tiếng Soái Kình Lâm; từ Sài Gòn vào, ở góc phải nhưng chưa đến đường Phùng Hưng còn có một nhà hàng khác của người Hoa, quy mô không bằng Soái Kình Lâm nhưng sang trọng; đó là Băng Gia, tiếng Quảng Đông là Píng Ká. Tại khu ăn chơi xưa này, bây giờ đang mọc lên Trung tâm thương mại và Chung cư Soái Kình Lâm.
15. “Thiêu hương kiến tiệu: thắp hương lập đạo tràng. Tiệu tức tiêu nói theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nguyên ý là tế, tức tế thần, thông qua một số nghi lễ xin chư thần giải trừ tai họa, phải lập đạo tràng để thực hiện các nghi lễ ấy.”(Chú [4] tr.216).
CTNT cho rằng, “tiệu” tức “tiêu” nói theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông nhưng có đến trên 40 chữ “tiêu” nên  ta không biết đó là chữ “tiêu”nào mà tiếng Quảng Đông lại đọc thành “tiệu”. Còn “tiệu” ở đây thực ra chính là “tiếu” [醮], được NLP đọc theo dấu nặng. “Tiếu” là làm lễ cúng tế và ở đây ta có thành ngữ “thiêu hương kiến tiếu” [燒香建醮] nhưng chữ “tiếu” này thì âm Quảng Đông là “chiu” còn âm Triều Châu là “chiou”. Vậy không biết hai nhà chú thích đã đoán như thế nào mà ra âm “tiệu” của chữ “tiêu”(!?) trong tiếng Quảng Đông.
16. “Tế hiểm phò nguy: cứu kẻ nguy hiểm, giúp người nguy nan.”(Chú [6] tr.433).
Gay quá, cứ như hành văn của CTNT thì bang biện Long a tòng với bọn bất lương vì “kẻ nguy hiểm” chỉ có thể là bọn lưu manh, bọn bất lương, bọn cướp của giết người chứ đâu phải là người lương thiện. Hai câu 65,67-68 nói ông bang biện Long hay ra tay cứu giúp người đang gặp nguy hiểm chứ đâu có giúp “kẻ nguy hiểm”. Tiếng Việt đâu có lỏng lẻo đến như thế.

DA trong MA DA nghĩa là gì?

Bạn đọc: Có ý kiến cho rằng, “da” trong “ma da” có nghĩa là nước và bắt nguồn ở từ “ya” có nghĩa là “nước” của tiếng Chăm nên “ma da” có nghĩa là “ma nước”. Xin ông cho biết ý kiến? Cảm ơn ông.  Nguyễn Thành Thông (TP Vũng Tàu)

Năng lượng Mới số 438
Học giả An Chi: “Ma da” là ma gì? Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng “tục hiểu là con ma ở dưới nước, chính là hồn người chết nước hóa ra, hay kéo người khác chết thế cho nó lên đất”. Dictionnaire annamite-français của J.F.M.Génibrel,  dịch là “génie malfaisant des eaux” (ác thần dưới nước). Từ điển từ ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín giảng là “thủy quái, loài ma, yêu quái sống, hoạt động ở dưới nước”. Việt Hán từ điển tối tân của NXB Chin Hoa (Chợ Lớn) đối dịch “ma da” là  [水鬼] “thủy quỷ”.
Cận âm với “da” trong “ma da” của tiếng Việt là “ýa”, có nghĩa là “nước”, trong tiếng Chăm, như có thể thấy trong Dictionnaire Căm Vietnamien Français của Gérard Moussay (Centre Culturel Căm, Phanrang, 1971).      
Dựa vào hai điểm trùng hợp về ngữ nghĩa và ngữ âm trên đây, có người đã cho rằng, “da” trong “ma da” của tiếng Việt là do “ýa” của tiếng Chăm mà ra (nên “ma da” mới là “ma [dưới] nước”). Nhưng đâu có phải tất cả những người giống hệt nhau đều là bà con với nhau (ở đây là “da” và “ýa”), như Joseph Vendryes đã viết trong Le langage. Cho nên chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, trên đây mới chỉ là chuyện khái niệm chứ chưa phải là chuyện từ nguyên vì một vấn đề tinh tế cần được đặt ra ngay từ đầu là tại sao người Việt lại không gọi thẳng “ma da” là “*ma nước” mà phải lòng vòng đi phiên âm từ “ýa”của tiếng Chăm thành “da” để gọi nó là “ma da”. Đây là một việc hoàn toàn phi lý vì ta không có bất cứ lý do thực tế và/hoặc ngôn ngữ nào cho một sự vay mượn như thế cả.
Còn về mặt từ vựng và lời nói thì “ýa” của tiếng Chăm cũng chưa bao giờ đi vào tiếng Việt (ở miền Nam) thành “da” với tính cách là một từ độc lập để có thể hành chức một cách hoàn toàn tự do, nên cũng không thể kết hợp  với “ma” thành “ma da”. Xin nhớ rằng, tất cả các từ ngoại lai (do vay mượn) mà đi được vào tiếng Việt thì đều là và phải là những từ độc lập. Xin nêu vài thí dụ về từ gốc Pháp: - “bia” do “bière” (không phải do “beer”) mà ra nhưng ta có thể nói “bia bọt”, “bia hơi”, “bia tươi”, “hãng bia”, “bia Tiger”, “bia Sapporo”, “nốc bia”, “rót bia”, “vại bia”; - “bơ” do “beurre” mà ra nhưng ta có thể nói “bơ sữa”, “bơ lạt”, “bơ mặn”, “bơ thừa sữa cặn”, trái/cây bơ (avocat[ier]), “gà chiên bơ”, v.v...; - “ga” do “gare” mà ra nhưng ta có thể nói “nhà ga”, “sân ga”, “ga tàu điện”, “ga tàu hỏa”, “Ga Hàng Cỏ”, “Ga 0” (tức “Ga Zero”, Nhóm công khai trên Facebook); v.v... Còn “*da” với nghĩa là “nước” thì tuyệt đối không.
Thực ra, ta có thể lần tìm từ nguyên của hình vị “da” trong “ma da” bằng cách tìm hiểu đặc điểm của loài ma này theo sự mô tả của dân gian. Nó có hình thù không xác định và hình thù đó chỉ là một mớ da bùng nhùng, lạnh và trơn, nhớt với cặp mắt lồi đờ đẫn mà cái đầu thì cũng không có hình dạng rõ rệt. Do đó, dân gian mới gọi nó là “ma da”. Nhưng chúng tôi sợ rằng, đây cũng chỉ là từ nguyên dân gian: vì không biết nghĩa đích thực của “da” trong “ma da” là gì nên người ta đã đánh đồng từ này với “da” trong “da thịt” mà hiểu như đã nói. Còn nếu quả thực ma da là một loài ma với “mớ da bùng nhùng” thì dĩ nhiên trên đây là một cách giải thích đáng tin cậy. Nhưng tất cả hãy còn ở phía trước vì đây là chuyện cần phải tìm hiểu thêm và thẩm định một cách thận trọng trước khi khẳng định.
Về mặt khoa học, trước những hiện tượng có vẻ như là thực nhưng lại khả nghi, ta nên kiên trì tìm thêm cứ liệu cần thiết hơn là cứ khẳng định vấn đề một cách vội vàng.

Lại MA DA...

Bạn đọc: Trên Năng lượng Mới số 438 cho rằng, “da” trong “ma da” không phải do tiếng Chăm “ýa” mà ra, ông An Chi đã viết: “Xin nhớ rằng tất cả các từ ngoại lai (do vay mượn) mà đi được vào tiếng Việt thì đều là và phải là những từ độc lập. Xin nêu vài thí dụ về từ gốc Pháp: - “bia” do “bière” (không phải do “beer”) mà ra nhưng ta có thể nói “bia bọt”, “bia hơi”, “bia tươi”, “hãng bia”, “bia Tiger”, “bia Sapporo”, “nốc bia”, “rót bia”, “vại bia” (…) Còn “*da” với nghĩa là “nước” thì tuyệt đối không”.
Nhưng trên facebook, sau khi nhắc lại ý kiến trên đây của ông thì Quang Nguyen (California) đã đưa ra một số địa danh ở Đắk Lắk có ý để chứng minh ngược lại. Tôi mạn phép hỏi tiếp xem ý ông thế nào? Xin cảm ơn ông.
Nguyễn Thành Thông (TP Vũng Tàu)
 

DA trong MA DA nghĩa là gì?
Bạn đọc: Có ý kiến cho rằng, “da” trong “ma da” có nghĩa là nước và bắt nguồn ở từ ...
An Chi: Trên facebook, bạn Quang Nguyen đã viết như sau:
“Theo thiển ý, MA DA là MA NƯỚC. DA, YA trong tiếng Chàm có nghĩa là nước, sông, hồ...
Âm /da/ = nước, sông... thường được ký âm là /ea/ trên các bản đồ thủy văn của nhà nước.
Ở tỉnh Đắk Lắk thấy ghi:
“Sông Ea H’Leo bắt nguồn từ độ cao 800m trên địa phận xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, có chiều dài 143km chạy qua 2 huyện Ea H’leo và Ea Sup trước khi hợp lưu với suối Ea Lốp cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 1km rồi đổ vào sông Srêpok trên đất Campuchia. Diện tích lưu vực của sông Ea H’leo là 3.080km2 nằm trên địa bàn 6 huyện thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Sông Ea H’Leo có nhánh chính là suối Ea Súp có diện tích lưu vực 994km2, chiều dài 104km. Trên dòng suối này đã xây dựng 2 công trình thủy lợi lớn Ea Sup hạ và Ea Sup thượng để tưới cho vùng Ea Sup với diện tích trên 10.000ha”.
Chúng tôi rất hoan nghênh bạn Quang Nguyen đã có thiện ý trao đổi để làm sáng tỏ thêm vấn đề. Trên Năng lượng Mới số 438, chúng tôi đã viết: “Nhưng tất cả hãy còn ở phía trước vì đây là chuyện cần phải tìm hiểu thêm và thẩm định một cách thận trọng trước khi khẳng định”. Cho nên có thể là trong tương lai (gần hoặc xa) chúng tôi cũng sẽ phải chỉnh sửa lại luận điểm của chính mình. Còn trong trường hợp này thì chúng tôi vẫn phải nói rằng, bạn Quang Nguyen đã nhầm lẫn ở mấy điểm trọng yếu về nguyên tắc khi thảo luận.
Trước nhất, bạn đã không phân biệt danh từ riêng với danh từ chung về mặt đặc trưng. Cho đến bây giờ, người ta vẫn xếp hai loại danh từ này vào từ loại danh từ nhưng thực ra thì danh từ riêng không nằm trong từ vựng của ngôn ngữ. Chẳng hạn Bắc Bộ có nhiều địa danh mà yếu tố thứ nhất là một hình vị Tày -Thái như: “huổi” (= suối), “nà” (= ruộng), “nậm” (= sông”), “pu” (= núi), “thẩm” (= hang), v.v... Thí dụ: Nậm Pút, Nậm Ét, Nậm Luông, Nậm Lập, v.v...; Thẩm Tấu, Thẩm Bưng, Thẩm Sưa, Thẩm Cọng, Thẩm Giắt, Thẩm Bóng, Thẩm Mạ, Thẩm Dương, v.v... ở Sơn La. Nhưng những hình vị này (“nậm”, “thẩm”, v.v…) không hề đi vào từ vựng của tiếng Việt để trở thành những từ độc lập. Hình vị “ea” mà bạn Quang Nguyen đã dẫn cũng thế: nó không phải là từ của tiếng Việt. Vì vậy nên ta không thể dựa vào danh từ riêng, mà lại là danh từ riêng trong tiếng M’nong hoặc tiếng Ê-đê ở Đắk Lắk, để kết luận rằng “da” trong “ma da” có nghĩa là nước. Đây là điểm nhầm lẫn thứ nhất.
Điểm nhầm lẫn thứ hai của bạn Quang Nguyen là bạn đã đánh đồng tiếng Chăm với tiếng Ê-đê và tiếng M’nông. Vẫn biết rằng, đây là ba ngôn ngữ đồng hệ nhưng khi bạn đang nói về tiếng Chăm thì, về nguyên tắc, bạn không thể lấy tiếng Ê-đê hoặc tiếng M’nông thay cho tiếng Chăm. Tỉnh Đắk Lắk, nơi có sông Ea H’Leo, suối Ea Lốp và suối Ea Súp là địa bàn sinh tụ của người Ê-đê và người M’nông, chứ không phải của người Chăm.
Điểm nhầm lẫn thứ ba của bạn Quang Nguyen thì rất thú vị vì bạn đã bắt nhầm rễ thối: Bài “Từ ngữ gốc Chăm trong tiếng Việt” của Lý Tùng Hiếu và Lê Trung Hoa mà bạn đã dẫn mới chỉ là những mục “dàn hàng ngang” rất giản lược về ngữ âm và ngữ nghĩa mà một sự thẩm định nghiêm túc sẽ buộc phải gạt bỏ khá nhiều mục. Riêng cái hàng ngang chủ chốt của bạn là “patao ia (thủy thần) ↔ ma da” thì lại còn cực kỳ tùy tiện. Trong tiếng Chăm thì “patao” là “vua” mà hai tác giả lại ép cho nó đẻ ra từ “ma” của tiếng Việt thì… còn gì để nói. “Ma” trong tiếng Chăm là “phut” (từ điển của Moussay ghi có dấu chấm (.) dưới chân của chữ “p” nhưng chúng tôi không có ký hiệu này). Thực ra “patao ia” là vua nước, tồn tại song song với “patao apuy” là vua lửa (ngoài ra còn có một ông vua nữa, ít được biết đến là “patao angin”, tức vua gió). Vua nước và vua lửa thì tiếng Jarai giống tiếng Chăm còn tiếng Ê-đê là “mtao ea” và “mtao puy”. Đó là những ông vua không ngai vì thực chất chỉ là thủ lĩnh tinh thần bằng xương bằng thịt, nghĩa là những con người có thực mà triều đình Huế gọi là Thủy Xá và Hỏa Xá. “Patao ia” chẳng những là người thực, mà lại còn là thủ lĩnh nữa, thì ta nỡ nào biến ông ta thành… “ma da”.
Tóm lại, những cứ liệu mà bạn Quang Nguyen đưa ra hoàn toàn không có tác dụng gì cho việc chứng minh rằng, “da” trong “ma da” là một từ gốc Chăm, có nghĩa là nước.

Nguồn:

Về bảng “Tiếng thái - dụng âm Triều Châu” của Lý Văn Hùng (1960)

Bạn đọc: Có vẻ như muốn nhắc đến bài viết của ông về hai tiếng “xín xái” trên Báo Năng lượng mới số 434, có người đã viết trên facebook như sau: “Xín xái đây, Xín xái là âm Triều Châu đọc hai chữ tiên thuyết (先說), nghĩa là “được châm chế”. Giáo sư Lý Văn Hùng khi ghi nhận nghĩa từ này có cả diễn giải bằng Hán văn: chước lượng ưu đãi (酌量優待) = được châm chế/ châm chước. Sách này in năm 1960, không ngờ hơn nửa thế kỷ sau nghĩa của từ này còn gây tranh cãi. Haizzzz.” Kèm theo những lời lẽ trên, tác giả còn đưa lên cả bảng “Tiếng thái - dụng âm Triều Châu” của Lý Văn Hùng để làm bằng (Xin xem ảnh).

Tôi đoán ẩn ý của tác giả này như có vẻ mỉa mai: người ta đã giải quyết vấn đề cách đây hơn nửa thế kỷ rồi mà mấy anh còn... ở đó tranh cãi. Ông thấy thế nào, thưa ông An Chi? Xin cám ơn ông.
 

Học giả An Chi: Chắc ai cũng biết, với bảng “Tiếng thái - dụng âm Triều - Châu” này thì GS Lý Văn Hùng muốn giới thiệu với người đọc 21 trường hợp mà ông cho là tiếng Việt đã mượn ở tiếng Triều Châu. Còn chúng tôi thì xin nói thẳng rằng ngay cái tên của nó mà ông đã dịch sang tiếng Hán (“Triều hóa Việt ngữ” [潮化越語]) cũng đã sai vì hoàn toàn trái ngược với dụng ý của ông. “Triều hóa Việt ngữ” là “Tiếng Việt Triều [Châu] hóa”; mà nếu muốn xem nó như một ngữ vị từ thì đó cũng phải là “Triều [Châu] hóa tiếng Việt”.
Còn ở đây, điều mà Lý Văn Hùng muốn nói đến lại là “Tiếng Triều [Châu] Việt hóa” (tức “từ Việt gốc Triều [Châu]) mà “Tiếng Triều [Châu] Việt hóa” thì phải là “Việt hóa Triều ngữ” [越化潮語]. Tất cả những ai mới học được những điều căn bản về cú pháp tiếng Hán cũng đều có thể biết được như thế. Đến như cách chú âm và/hoặc chú nghĩa thì lại có vấn đề ở nhiều chỗ, kể cả ở mục “xín xái” (Xin x. mục 10), như sẽ phân tích dưới đây. Hình thức phiên âm tiếng Triều Châu ở đây ghi theo Triều Châu âm tự điển của Đạt Phủ - Trương Liên Hàng (Quảng Châu Lữ du xuất bản xã, 1996). Ký hiệu chỉ thanh điệu ghi bằng chữ số Arập (nhưng không in nhỏ như trong nguyên bản). Chúng tôi sẽ trích từng mục cần thiết rồi xuống dòng để nhận xét.
1a- Thầu kê: ông chủ 頭家;
1b- Bà tàu kê: mụ tú bà 鴇母.
Thực ra thì ông “thầu kê” và bà “tàu kê” là đôi “vợ chồng từ nguyên” rất nên duyên: “thầu” trong “thầu kê” và “tàu” trong “tàu kê” là hai điệp thức bắt nguồn ở từ /tao5/ trong /tao5 gê1/, là âm Triều Châu của hai chữ “đầu gia” [頭家], có nghĩa là người chủ. Âm Quảng Đông của hai chữ này là “thầu cá” nhưng người Quảng Đông lại không gọi “ông chủ” là “thầu cá” mà gọi là “xì thẩu”, tức “sự đầu” [事頭]. Thế là ông “thầu kê” trong tiếng Việt thì giữ lại phụ âm đầu “th” (ghi âm bằng /t/) của tiếng Triều Châu còn bà “tàu kê” thì đổi “th” của nó thành “t” (ghi âm bằng /d/ trong từ điển). Nghĩa là cả hai ông bà đều do hai chữ /tao5 gê1/ trong tiếng Triều Châu mà ra chứ âm Triều Châu của hai chữ “bảo mẫu” [鴇母] lại là /bao2 bho2/ thì làm sao cho ra hai tiếng “tàu kê”.
2- Tài phú “ người thủ quỹ 財富,大夫.
Nhưng “tài phú” thực chất lại là tiếng Việt và là âm Hán Việt của hai chữ [財富] còn âm Triều Châu của hai chữ này thì lại là /cai5 bu3/ nên hai bên chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau. Còn âm Triều Châu của hai chữ [大夫] là /dua7 hu1/ nên cũng chẳng dính dáng gì về ngữ âm với “tài phú”.
3- Tằng khạo: tài phú ghe chài 企叩: 駁船司理
Âm Triều Châu của hai chữ “xí khấu” [企叩] là /gi6 kao3/; chữ [企] cũng đọc /kia6/ nhưng dù đọc theo cách nào thì âm của chữ này cũng tuyệt đối không liên quan gì đến “tằng” trong “tằng khạo” (còn có các biến thể “tầng khạo”, từng khạo”trong tiếng Việt). Tầm-nguyên tự-điển Việt-Nam của Lê Ngọc Trụ chú chính xác hơn như sau: Do âm Triều Châu của hai chữ “đồng khảo” [同考]. Âm Triều Châu của hai chữ này là /dang5 kao2/ thì mới có thể cho ra “tằng khạo” được. Còn bốn chữ “bác thuyền tư lý” [駁船司理] chỉ là phần chú nghĩa (= tài phú ghe chài).
4- Tổng khậu : người đầu bếp 總铺: 伙頭.
“Tổng phố” [總铺] thì âm Triều Châu là /zong2 pou1/ không thể cho ra “tổng khậu” được; còn “hỏa đầu” [伙頭] (= đầu bếp) thì chỉ là hai chữ dùng để chú nghĩa của hai chữ” tổng phố”. Ở Đài Loan, người ta gọi đầu bếp là “tổng phố sư” [總铺師]. Vậy vấn đề từ nguyên của hai tiếng “tổng khậu” xin cứ treo lại ở đây.
5- Ông bang: bang trưởng 翁帮: 帮長.
Thực ra, “ông bang” là tiếng Việt chứ không phải do tiếng Triều Châu mà ra. Ông bang tức là bang trưởng. Trước kia, có 5 bang (ngũ bang) là bang Quảng Đông, bang Triều Châu, bang Hẹ (Khách Gia), bang Hải Nam và bang Phước Kiến. Còn hai chữ “ông bang”
[翁帮] mà Lý Văn Hùng đã dùng thì lại là chữ Nôm, không phải Hán. “Bang” là âm Hán Việt của chữ [帮], không có liên quan gì đến tiếng Triều Châu.
6- Tầu giá: đậu nha 荳芽: 芽菜 .
Người Việt và người rành tiếng Việt chỉ nói “giá”chứ không nói “tầu giá”. Còn âm Triều Châu của hai chữ “đậu nha” [荳芽] lại là /dao7 ghê5/; vậy do phép lạ nào mà /ghê5/ có thể cho ra “giá”? Thực ra,“giá”là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [稼] mà âm Hán hiện hành là “giá”, có nghĩa là lúa má, ngũ cốc, bông lúa. Ở đây, “giá” được hiểu theo nghĩa rộng, là mầm nảy ra từ hạt đỗ xanh.
7- U môi: ô mai 烏梅.
Trước nhất, người Việt miền Nam không nói “u môi”mà chỉ nói“ô môi; đồng thời “môi” trong “ô môi” và“mai”trong “ô mai”là hai điệp thức bắt nguồn từ chữ [梅], mà âm Triều Châu lại là /bhuê5/. Chẳng ai có thể tưởng tượng được /bhuê5/ mà lại cho ra được “môi/mai”. Tóm lại, “môi” và “mai’ đều là âm Hán Việt của chữ
[梅]. Chữ này có hai âm “môi” và “mai” cũng y chang như chữ [媒] có âm “môi” trong “môi nhân” và âm “mai”trong “mai mối”trong đó “mối” cũng là điệp thức của “môi” và “mai”.
8- Cải bắc thảo: cải hủ 北草: 冬菜
“Bắc thảo” là âm Hán Việt chính cống của hai chữ [北草] mà âm Triều Châu là / bag4 cao2/. Vậy /cao 5/ làm sao cho ra “thảo”. Cải bắc thảo, tiếng Triều Châu là “tăng xại”mà “tăng xại” là âm Triều Châu của hai chữ “đông thái” [冬菜] thì làm sao có thể nói “bắc thảo” là do tiếng Triều Châu mà ra?
9- Cải khát ná: cải rổ 芥蘭菜 
Âm Hán Việt của 3 chữ Hán mà Lý Văn Hùng đưa ra ([芥蘭菜]) là “giới lan thái” còn âm Triều Châu của nó là/gai3 lang5 cai3/, tuyệt đối không có liên quan gì về ngữ âm với “cải khát ná” cả.
10- Xín xái: được châm chế 先說: 酌量優待.
Cái nghĩa của hai tiếng “xín xái”đã được Lê Ngọc Trụ giảng một cách chính xác và súc tích là “sao cũng được” (Tầm-nguyên tự-điển Việt-Nam). Đồng thời tác giả này cũng đã ghi nhận một sự thật là hai tiếng này “không có chữ để viết”. Ông Lê Ngọc Trụ đã khẳng định đúng với thực tế là, hiện nay, người Triều Châu cũng không biết phải viết hai tiếng này như thế nào. Còn Lý Văn Hùng thì đã có sáng kiến “phiên âm” hai tiếng “xín xái”bằng hai chữ“tiên thuyết” [先說] mà âm Triều Châu là /soin1 suêh4/ rồi chú nghĩa của nó là “ưu đãi” [優待].
Lý Văn Hùng đã không bõ công với sáng kiến này vì hơn nửa thế kỷ sau cũng có người mặc nhiên cho rằng, ông đã “giải quyết ổn thỏa”từ nguyên của hai tiếng “xín xái”. Nhưng thực ra thì con đường để đi tìm từ nguyên của hai tiếng này hãy còn … mờ mịt.
Nếu nhìn vấn đề bằng con mắt của người có chút ít hiểu biết cần thiết về ngữ học, đăc biệt là từ nguyên học, thì đâu có thể dễ dàng cả tin vào “sáng kiến” của GS Lý Văn Hùng trong khi mà cộng đồng người Triều Châu xem như “xín xái” là hai tiếng đã mất gia phả. Dĩ nhiên là ta có thể hy vọng đi ngược thời gian để tìm lại nguồn gốc của nó, đặc biệt là trong những tư liệu về tục tự Triều Châu nhưng con đường chắc chắn là sẽ quanh co, khúc khuỷu chứ không đơn giản như sáng kiến của GS Lý Văn Hùng.
Kết luận: Bảng “Tiếng Thái - dụng âm Triều - Châu” của GS Lý Văn Hùng chỉ có 21 mục mà đã sai đến 10 mục, ngót nghét 50%. Vì vậy ta phải dùng nó với con mắt phê phán sáng suốt chứ không nên, và càng không thể, dùng nó một cách ngây thơ để phản bác những ý kiến thực sự xuất phát từ những điều hiểu biết chính xác về ngữ học.

Nguồn:

Giáo hoàng cộng sản?

Bạn đọc: Nhân chuyến thăm ba nước châu Mỹ Latinh (Ecuador, Bolivia, Paraguay) của Giáo hoàng Francis vừa qua (từ 5 đến 13 tháng 7), trong bài “Hàng trăm nghìn giáo dân chào đón Giáo hoàng thăm Bolivia”, Vietnam+ ngày 11-7-2015 đã viết: “Cùng ngày (9-7-2015 - Người hỏi), người đứng đầu Tòa thánh Vatican đã tiếp các linh mục, dự lễ bế mạc Hội nghị các phong trào xã hội và nhân dân thế giới. Tại hội nghị với sự tham gia của đại biểu đến từ 40 quốc gia diễn ra tại Santa Cruz, Giáo hoàng thay mặt nhà thờ xin lỗi các giáo dân về những tội ác mà chế độ thực dân đã gây ra với các dân tộc bản địa châu Mỹ những thế kỷ trước”.
Xin cho hỏi: Tại sao Giáo hoàng lại xin lỗi thay cho chế độ thực dân? Xin cảm ơn ông.
Đào Đình Thông (Cầu Giấy, Hà Nội)

Học giả An Chi: Đoạn văn 84 chữ trên đây của Vietnam+ có hai cái sai. Thứ nhất, từ lâu tiếng Việt văn học và tiếng Việt toàn dân đã nhất trí dịch “Church” (tiếng Anh), “Eglise” (tiếng Pháp) và “Iglesia” (tiếng Tây Ban Nha), với “c” hoa (C), “é” hoa (E) và “i” hoa (I) thành “Giáo hội” chứ không phải “Nhà thờ”. “Nhà thờ” thì dùng để dịch các từ trên khi viết với “c” thường, “é” thường và “i” thường và nhà thờ thì … có vô số chứ Giáo hội (Công giáo) thì chỉ có một. Thứ hai là Đức Giáo hoàng chẳng có lý do “danh chánh ngôn thuận” nào để thay mặt cho chế độ thực dân mà xin lỗi bất cứ ai cả. Tại Hội nghị các phong trào xã hội và nhân dân thế giới ỏ Santa Cruz (Bolivia) chiều 9-7 vừa qua, Ngài còn phê phán và lên án nó nữa chứ làm gì có chuyện xin lỗi thay cho nó. Thì đây, Ngài đã nói:
“Chủ nghĩa thực dân, mới và cũ, khiến các nước nghèo trở thành những nguồn chuyên cung cấp nguyên liệu và nhân công giá rẻ; [điều này] sản sinh bạo lực, nghèo đói, di cư ngoài ý muốn và tất cả mọi nỗi bất hạnh đi đôi với nó. Chính vì sử dụng vùng ngoại vi cho lợi ích của trung tâm mà chủ nghĩa thực dân khước từ quyền phát triển lẽ ra phải có của các nước đó. Đó là sự bất công và sự bất công sinh ra bạo lực mà không có sự trợ giúp nào của cảnh sát, quân đội hay tình báo có thể chấm dứt được.
Chúng ta hãy khước từ các hình thức cũ hoặc mới của chủ nghĩa thực dân. Chúng ta hãy ủng hộ sự gặp gỡ giữa các dân tộc và các nền văn hóa. Chân phúc cho những người kiến tạo hòa bình”.
Chẳng những Ngài đã nói như thế chiều ngày 9-7 tại Santa Cruz, mà trước đó, tại Cuộc gặp gỡ các phong trào nhân dân (trên) thế giới ở Roma, ngày 28-10-2014, Ngài cũng đã nói:
“Cuộc gặp gỡ này của các phong trào nhân dân là một dấu hiệu, một dấu hiệu trọng đại: các bạn đến để trình bày trước Chúa, trước Giáo hội, và trước những con người, một thực tế thường bị lờ đi. (Thực tế đó là) người nghèo chẳng những phải hứng chịu sự bất công mà họ còn đấu tranh chống lại nó. Họ đâu có hài lòng với những lời hứa hão huyền, những lời xin lỗi, những thủ đoạn tráo trở. Họ cũng không khoanh tay chờ đợi sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, của những chương trình cứu trợ hoặc của những giải pháp không bao giờ đến còn nếu nó có đến thì cũng chỉ nhằm hoặc ru ngủ, hoặc thuần phục mà thôi và điều này thì còn nguy hiểm hơn. Các bạn cảm nhận được rằng người nghèo không chờ đợi nữa và muốn trở thành những người chủ lực; họ tự tổ chức, nghiên cứu, hoạt động, yêu sách và nhất là thực hiện sự đoàn kết đặc biệt tồn tại giữa những ai đau khổ, giữa những người nghèo mà nền văn minh của chúng ta có vẻ như đã lãng quên, hoặc ít nhất cũng rất muốn quên đi”.
Rồi Ngài tố cáo:
“Người ta không thể đối đầu với sự điếm nhục về nạn nghèo đói bằng cách xúc tiến những chiến lược kiểm soát; (điều này) chỉ nhằm xoa dịu và biến người nghèo thành những kẻ bị thuần phục và vô hại. Thật đáng buồn mà thấy rằng, đằng sau những việc từ thiện được coi như là vị tha, người ta lại đẩy kẻ khác vào thế bị động, người ta chối bỏ kẻ khác, hoặc tệ hơn, đằng sau nó là những việc làm ăn và những tham vọng cá nhân: Đức Jesus gọi đó là những thói đạo đức giả. Ngược lại, thật là đẹp khi được thấy dân chúng đang chuyển động thành những phong trào, nhất là những thành viên nghèo nhất và trẻ nhất của nó. Ở đó, ta thực sự cảm nhận được ngọn gió của sự hứa hẹn (nó) thổi bùng lên niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Cầu cho ngọn gió đó trở thành bão táp của hy vọng. Đó là ước nguyện của tôi”.
Chính vì quan điểm của Ngài là như thế mà có một số kẻ đã cho rằng Ngài là Giáo hoàng… cộng sản và tại đất nước “Cờ Hoa” - xứ sở của xã hội tiêu thụ “nom-bờ-oan” - thì sự kính mộ đối với Ngài cũng suy giảm ít nhiều. Radio Vatican ngày 13-1-2015 đã ghi lại lời giải thích của Ngài như sau:
“Sự quan tâm đến người nghèo đã có trong sách Phúc âm và trong truyền thống của Giáo hội; đây không phải là một sự phát minh của chủ nghĩa cộng sản và ta không nên biến nó thành ý thức hệ (…) Giáo hội mời gọi người ta khắc phục tệ toàn cầu hóa thói thờ ơ; Giáo hội không dính dáng đến lợi ích chính trị nào và ý thức hệ nào (…) Giáo hội muốn hiến dâng sự đóng góp của mình vào việc xây dựng một thế giới trong đó người ta che chở và chăm sóc lẫn nhau”.
Đức Francis đã nói như thế và chính vì muốn tránh mọi sự hiểu nhầm mà ngay từ đầu cuộc nói chuyện chiều ngày 9-7, Ngài đã xác định:
“Trước nhất, chúng ta hãy bắt đầu thừa nhận rằng mình đang cần một sự thay đổi. Tôi muốn nói cho rõ ràng để tránh những sự hiểu lầm; tôi đang nói về những vấn đề chung cho tất cả những người Mỹ La tinh và nói chung, cho toàn thể nhân loại. Những vấn đề (đó) có một căn nguyên toàn cầu mà ngày nay không có bất cứ quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được. Sau khi đã nói rõ như trên, tôi đề nghị chúng ta hãy đặt những vấn đề sau đây:
“- Chúng ta có thừa nhận hay không rằng mọi việc đều không trôi chảy trong một thế giới mà có không biết bao nhiêu là nông dân không có đất, không biết bao nhiêu là gia đình không có mái nhà, không biết bao nhiêu là người lao động không có quyền lợi, không biết bao nhiêu là con người mà nhân phẩm bị tổn thương?
“- Chúng ta có thừa nhận hay không rằng mọi việc đều không trôi chảy khi mà bao nhiêu cuộc chiến tranh phi lý đang nổ ra và bạo lực huynh đệ tương tàn đang xâm nhập vào khu dân cư của mình?
“- Chúng ta có thừa nhận hay không rằng mọi việc đều không trôi chảy khi mà đất, nước, không khí và mọi sinh vật của Đấng Sáng tạo đều bị đe dọa thường xuyên?
“Nếu đúng là như vậy thì, tôi nhấn mạnh, chúng ta hãy nói lên mà không sợ sệt: Chúng tôi cần một sự thay đổi, một sự thay đổi thật sự, một sự thay đổi của các cấu trúc. Ta không thể chấp nhận thêm nữa cái hệ thống đó, nông dân không chấp nhận nó, người lao động không chấp nhận nó, các cộng đồng không chấp nhận nó, các dân tộc không chấp nhận nó”.
Và chính là trên tinh thần đó mà chiều 9-7 tại Santa Cruz, Ngài đã nói:
“Ở đây, tôi muốn dừng lại [để nói] về một đề tài quan trọng. Vì có thể có người sẽ nói một cách có lý rằng “khi giáo hoàng nói về chủ nghĩa thực dân thì ông ta quên mất đi một số hành động của Giáo hội”. Với nỗi khổ tâm, tôi xin nói với họ: Nhân danh Chúa, những tội lỗi nghiêm trọng, mà cũng không ít, đã được thực hiện đối với các dân tộc bản địa châu Mỹ. Các vị tiền nhiệm của tôi đã thừa nhận điều này, CELAM (Hội đồng Giám mục Mỹ La tinh) đã nói đến và tôi cũng muốn nói đến điều này. Giống như Thánh John-Paul II, tôi cũng yêu cầu Giáo hội quỳ xuống trước Chúa và cầu khấn để được tha thứ về những tội lỗi đã qua và hiện nay của những đứa con của Người.
“Và tôi cũng muốn nói, tôi muốn mình (nói) thật rõ ràng, như Thánh John-Paul II: - Tôi khiêm tốn xin lỗi, không chỉ vì những sự xúc phạm của chính Giáo hội, mà còn về những tội ác đối với các dân tộc bản địa trong suốt thời kỳ gọi là công cuộc chinh phục châu Mỹ nữa”.
Cứ như trên và nếu hiểu một cách tế nhị, thì trong công cuộc chinh phục châu Mỹ, đã có sự thông đồng của Giáo hội Công giáo Roma. Đấy Đức Francis xin lỗi là xin lỗi về những chuyện như thế chứ đâu có chính thức nhân danh chế độ thực dân mà xin lỗi.

Nguồn:

Những lời vàng ngọc và bộ sách dày cộm của BS Nguyễn Hy Vọng

Bạn đọc: Lướt facebook, tôi thấy trên dòng thời gian của một người bạn có mục “Những lời vàng ngọc của bác sĩ Nguyễn Hy Vọng”. Tôi tò mò tìm hiểu thêm thì thấy vị này có cả một bộ sách “hoành tráng” có tên là Từ điển nguồn gốc tiếng Việt gồm 3 tập với 27.500 mục từ. Xin nhờ ông An Chi cho biết ý kiến về bộ sách này và những lời vàng ngọc kia? Xin cảm ơn ông. Nguyễn Tân Văn (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

An Chi: Chúng tôi xin nói thẳng rằng, bất kể công phu và thời gian mà BS Nguyễn Hy Vọng đã tốn cho bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt này nhiều đến đâu, thì đây cũng không phải là một công trình từ nguyên học chính danh. Và chỉ cần đoc một vài “lời vàng ngọc” của vị bác sĩ này thì ta đã có thể thấy rằng kiến thức ngữ học của ông rất hạn chế. Ông nói:
“Cách đây hai năm, trong một cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, họ bảo tôi về dạy chữ Tầu cho học trò trung học ở bên ấy để hiểu thêm tiếng Việt! Tôi bảo họ: “Cũng được thôi, học được cái gì hay cái nấy, nhưng phải hiểu rằng, các anh học tiếng Tầu mười đời đi nữa thì chỉ biết tiếng Tầu thôi. Còn tiếng Việt thì khác vì giữa tiếng Việt và tiếng Tầu khác nhau như con quạ với con sáo. Họ không hiểu và muốn tôi đưa ra một vài thí dụ thì tôi bảo:
“Có ngay, tôi chấp một ngàn triệu người Tầu và mấy trăm ông học giả Hán Việt ở bên đó là sau khi học tiếng Tầu đến bạc đầu có hiểu được “sạch sẽ” với sẽ là gì không, “xuề xòa” với xòa là gì không, “lôi thôi” với thôi là gì không? Nếu ai, nếu nhờ học thêm tiếng Tầu mà hiểu nghĩa được mấy ngàn tiếng Việt thì tôi sẽ xin đi đầu xuống đất ngay”.
Họ thôi không đòi “hiểu” nữa, và cái đầu tôi vẫn còn nhìn lên trời” (“Tiếng Việt là linh hồn của người Việt”).
Chỉ cần một chút nhạy bén, ta cũng đã có thể thấy những lời “chém gió” trên đây của BS Nguyễn Hy Vọng thực chất chỉ là chuyện tếu táo. Không biết anh nhà báo hay người đối thoại nào lại dám trịch thượng mà mời một người chữ nghĩa đầy mình như bác sĩ Vọng “về dạy chữ Tầu cho học trò trung học ở bên ấy”. Nếu thực tâm muốn thỉnh giảng thì người ta phải mời ông về dạy ở bậc đại học chứ “bên ấy” đâu có thiếu người dạy chữ Tầu cho học trò trung học.
Vả lại, ở “bên ấy” cũng chẳng có ai nói “nhờ  học thêm tiếng Tầu mà hiểu nghĩa được mấy ngàn tiếng Việt” như BS Vọng đã khéo hoang tưởng. Cái khái niệm “tiếng” của “bên ấy” là “language” (như trong “English language”, “French language”) còn khái niệm “tiếng” của ông Vọng thì chỉ là “word” ( như: black, đen, noir, white, trắng, blanc, v.v.) cho nên “tiếng” của “bên ấy” chứa trong lòng nó vô số “tiếng” của Nguyễn Hy Vọng. Huống chi, ở bên ấy, đâu có ai điên khùng mà nghĩ rằng phải học tiếng Tàu để biết được “sẽ” trong “sạch sẽ” là gì; “xòa” trong “xuề xòa” là gì, “thôi” trong “lôi thôi” là gì.
Ở “bên ấy”, người ta chỉ nghĩ rằng nếu biết được “tiếng Tàu” - thực ra là “chữ Hán” - thì sẽ hiểu được “yếu điểm” là “điểm quan trọng”, chứ không phải đồng nghĩa với “nhược điểm”; rằng “vấn nạn” là “hỏi vặn” chứ không phải “vấn đề khó giải quyết” (mà tiếng Hán là “nan đề”); rằng “lang bạt” thực chất chỉ là hai tiếng đầu tiên trong bốn tiếng “lang bạt kỳ hồ”, nghĩa là “con sói giẫm lên cái yếm da [ở cổ] của nó”, bây giờ đã bị hiểu trẹo đi; v.v… và v.v...
Ấy là con chưa nói đến chuyện lớn lao hơn: Xưa nước ta đã từng lấy chữ Hán làm quốc gia văn tự và dùng văn ngôn (của tiếng Hán) trong các văn kiện của nhà nước cũng như để ghi chép, sáng tác trong khoảng 1000 năm. Vì vậy cho nên nếu không biết chữ Hán thì làm sao hiểu được hết ý của Hịch tướng sĩ; Bình Ngô đại cáo và bao nhiêu văn thơ khác của tiền nhân, trong đó có thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, v.v…? Biết bao nhiêu câu đối ở đền, chùa nếu không biết chữ Hán thì làm sao đọc được? Đấy, người ta hiểu là hiểu như thế chứ đâu phải vì cả tin vào cái khối “chữ nghĩa quốc tế khổng lồ” của mình mà hiểu trật đường rầy như BS Vọng.
Phi lý nhất và cực kỳ ngây ngô là chuyện BS Vọng cho rằng một ngàn triệu người Tầu sau khi học tiếng Tầu đến bạc đầu cũng không thể hiểu được “sẽ” trong “sạch sẽ”, “xoà” trong “xuề xòa”, “thôi” trong “lôi thôi” là gì. Chỉ trừ những đầu óc điên loạn chứ ở trên đời này có ai lại khuyên học sinh Pháp phải học cho giỏi tiếng Pháp để biết tiếng Đức, học sinh Đức phải học cho giỏi tiếng Đức để biết tiếng Anh, học sinh Anh phải học cho giỏi tiếng Anh để biết tiếng Nga, v.v…
Vì vậy mà lẽ ra BS Nguyễn Hy Vọng nên xin lỗi “một ngàn triệu người Tàu và mấy trăm ông học giả Hán Việt ở bên đó” chứ không nên thách họ “học tiếng Tầu đến bạc đầu” mần chi. Và ông cũng nên xin lỗi người Việt Nam ở “bên ấy” vì đã nhỡ thách họ “học tiếng Tàu đến mười đời”. Mà “mấy trăm ông học giả Hán Việt ở bên đó” và dân Việt Nam ở “bên đó” cũng chẳng cần ông phải đi đầu xuống đất làm gì. Ông cứ ngữa mặt lên trời mà hãnh diện với bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt dày cộm của ông.
Vậy Từ điển nguồn gốc tiếng Việt là một bộ sách như thế nào? Xin thưa ngay rằng nó không phải là một công trình từ nguyên học chính danh. Ngay cái tên của nó cũng đã không ổn rồi. Bất cứ người Việt Nam nào, dù ở trong nước hay ở bên ấy, nếu hiểu đúng tinh thần của tiếng Việt thì phải biết rằng “nguồn gốc tiếng Việt” ở đây là “Vietnamese language origin” trong khi bộ từ điển của BS Vọng thì lại trình bày “nguồn gốc” (?) của từ hoặc hình vị tiếng Việt. Điều này có nghĩa là ông đã không phân biệt được “language origin” với “word origin”. Với “word origin” thì ta mới có thể có từ điển chứ với “language origin” thì ta chỉ có thể có những chuyên luận, những công trình biên khảo mà thôi, chẳng hạn như “Linguistic Research on the Origins of the Vietnamese Language” của Mark Alves (Journal of Vietnamese Studies, Vol. 1, No. 1-2 [February/August 2006], pp. 104-130).
Ngay cái tên của nó mà tác giả đã dịch sang tiếng Anh thành “Vietnamese Cognatic Dictionary” và tiếng Pháp thành “Dictionnaire Cognatique Vietnamien”, chúng tôi cũng thấy chưa thông. Đành rằng tiếng Anh có dùng “cognate” còn tiếng Pháp thì dùng “cognat” để gọi “từ hoặc hình vị đồng nguyên” nhưng tính từ phái sinh “cognatic” và “cognatique” thì lại là chuyện khác. Người ta chỉ dùng “cognatic” và “cognatique” để nói về huyết thống, về quan hệ thân tộc chứ không dùng hai từ này làm thuật ngữ ngữ học. Thực ra, “cognatic/cognatique” vốn có nghĩa là liên quan đến họ ngoại, được dùng trong thế đối lập với “agnatic/agnatique”, là liên quan đến họ nội. Từ điển Littré 1876 cho biết “cognatique” là một thuật ngữ luật học xưa còn Le Grand Larousse Illustré, édition Prestige 2015, cũng không hề ghi nhận từ này có liên quan gì đến ngữ học. Vì vậy mà, thay vì “cognatic dictionary” và “dictionnaire cognatique”, người ta chỉ dùng “etymological dictionary” và “dictionnaire étymologique”, nghĩa là từ điển từ nguyên, như vẫn thường thấy. Vấn đề là phải dùng cho đúng thuật ngữ của lĩnh vực mình biên soạn, chứ không phải là lật từ điển ra để tìm cái từ mà mình áng chừng là thích hợp để dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Thế nhưng BS Vọng lại còn giới thiệu sách của mình là “cognatic reference dictionary”. Không biết các nhà ngữ học Ăng Lê và Huê Kỳ nghĩ sao về cái ngữ đoạn này?
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét