Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

BÀI THƠ VIẾT MUỘN (Đăng lại)

BÀI THƠ VIẾT MUỘN

(Thương nhớ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm)

 
Xin viết tặng em bài thơ hậu chiến
Sau ba mươi lăm năm ngày em hy sinh
Sau ba mươi năm Nước Nhà thống nhất
Sau hai mươi năm Tổ Quốc chuyển mình!

Đọc cuộc đời em trên báo
Tôi nghe tim thắt đau
Em đơn độc, một thân chiến đấu
Trước hàng trăm quân thù...

Viên đạn chiến tranh xuyên thủng trán em
Em gục xuống hôn vùi Đất Mẹ
Cứu thương binh, em hóa thành liệt nữ
Bất tử giữa đời, mãi mãi tuổi đôi mươi.

Đọc cuộc đời em trên báo
Thấy em cười sáng trong
Giữa chết chóc, dày bom đặc pháo
Vun vén nhớ thương, tận tụy hết lòng.

Bàn tay vỗ về, bàn tay xung phong
Không sợ lãng quên, không cần nhân chứng
Lạ lùng thay, giặc bên kia chiến tuyến
Nể phục em, tôn vinh nữ anh hùng!

Em ra đi, cảm hóa quân thù
Gìn giữ nâng niu những dòng nhật ký
Cuốn sổ tay thành nhịp cầu chân lý
Đưa những nẻo đời về ngồi khóc bên nhau

Tôi đọc em mà dàn dụa lệ trào
Cảm thương em, thương biết bao số phận
Thương những nhân văn nhân tài ra trận
Gửi lại ước mơ, dâng hiến máu xương...

                         ***

Đọc cuộc đời em trên báo
Tôi nghe tim thắt đau
Hổ thẹn nhận ra mình hèn nhát
Bả hư vinh đã làm tôi biến chất
Thoái hóa thành ích kỷ, tham lam
Không còn tình yêu, lẽ sống như em
Như thế hệ của một thời chống ngoại xâm giữ nước
Cao đẹp, sáng ngời, nhoẻn cười bất khuất
Chẳng bạo tàn nào ngăn được bước hành quân
Chẳng chiêu hồi nào mua chuộc được linh hồn!...


                                                                                                           Trần Hạnh Thu
----------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)

Đặng Thùy Trâm

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đặng Thùy Trâm (sinh ngày 26 tháng 11, 1942 tại Huế; hy sinh ngày 22 tháng 6 năm 1970 tại Quảng Ngãi) là một nữ bác sĩ, liệt sĩ trong Chiến tranh Việt Nam, được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2006.

Tiểu sử


Tượng Đặng Thùy Trâm tại Đức Phổ
Đặng Thùy Trâm sinh trưởng trong một gia đình trí thức Hà Nội. Bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm - nguyên giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội. Đặng Thùy Trâm là chị cả của bốn em, cả chị và 3 em gái đều mang tên giống mẹ chỉ khác nhau tên đệm, cho nên bạn bè và người thân đều gọi Thùy Trâm là "Thùy".
Chị từng là cựu học sinh của Trường Chu Văn An, Hà Nội và là giọng ca xuất sắc của trường Chu Văn An và Đại học Y Hà Nội. Bằng các ca khúc Bài ca hy vọng, Cây Thùy dương, Sullico..., bà đã đoạt hàng chục huy chương trong các cuộc đua tài văn nghệ quần chúng thủ đô. Bên cạnh việc say mê học tập, luôn giúp đỡ bạn bè gặp khó khăn, Thùy Trâm còn tích cực tham gia câu lạc bộ thơ văn cùng khóa của trường Chu Văn An, gồm có các thành viên sau này trở thành các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vĩ, Vương Trí Nhàn... Chị và các anh bạn cùng lớp Lê Văn Kiếm, Hoàng Ngọc Kim, Dương Đức Niệm kết thành nhóm phấn đấu vào Đảng. Nối nghiệp gia đình, Thùy Trâm thi đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội chuyên khoa Mắt và được nhà trường cho tốt nghiệp sớm 1 năm để đi chiến trường.
Với kết quả học tập, thi tốt nghiệp loại ưu, bác sĩ trẻ Thùy Trâm có thể, hoặc nhận lời ở lại trường làm cán bộ giảng dạy hoặc nhận công tác tại một bệnh viên hoặc cơ quan nào đó ở ngay Hà Nội vì bố mẹ đều là cán bộ có uy tín, có nhiều quan hệ trong ngành Y tế. Nhưng vì có người yêu vào chiến trường trước mấy năm nên sau khi tốt nghiệp bà xung phong vào Nam ngay. Năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau ba tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3 năm 1967, chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh xá dân sự nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 27 tháng 9 năm 1968.
Ngày 22 tháng 6 năm 1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh khi chưa đầy 28 tuổi đời, 2 tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề.[1]
Hài cốt của chị được nhân dân địa phương mai táng tại nơi hy sinh và luôn hương khói. Sau chiến tranh, mộ của chị được đồng đội đưa về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Cường. Năm 1990, gia đình đã đưa hài cốt của bà về Nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội.
Chị đồng thời là tác giả hai tập nhật ký được viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968, khi phụ trách bệnh xá Đức Phổ, cho đến ngày 20 tháng 6 năm 1970, 2 ngày trước khi hy sinh. Hai tập nhật ký này được Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4, 2005. Nhật ký của bà sau đó được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập thành quyển sách mang tên Nhật ký Đặng Thùy Trâm và trở thành một hiện tượng văn học với hơn 400.000 bản được bán. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được báo chí nước ngoài bình luận như một "nhật ký Anne Frank của Việt Nam".

Cuộc gặp huyền thoại

Trong loạt bài phóng sự "Huyền thoại tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển", Nhà báo Nguyễn Thành Luân (Báo Đại Đoàn Kết) thuật lại cuộc gặp gỡ với các nhân chứng lịch sử, trong đó có Thuyền phó con tàu đầu tiên ra miền Bắc - Nguyễn Văn Đức, kể lại về cuộc gặp huyền thoại của các thủy thủ trên con tàu "Không số" vận chuyển vũ khí đầu tiên ra Bắc với liệt sĩ Đặng Thùy Trâm trên tuyến đường mòn nổi tiếng này vào năm 1968 mà đến nay ông vẫn còn nhiều ấn tượng tốt đối với Đặng Thùy Trâm. 

Mối tình của Đặng Thùy Trâm

Trong nhật ký, Đặng Thùy Trâm viết về người mình yêu bằng chữ viết tắt "M". Tên thật của người chiến sĩ này là Khương Thế Hưng. Anh sinh ngày 18 tháng 9 năm 1934 tại thị xã Hội An, Quảng Nam, là con thứ 3 của Nhà thơ lão thành Khương Hữu Dụng, sau Khương Thế Xương và Khương Băng Tâm. M. là chữ đầu của chữ Mộc. Nguyên Mộc tức Đỗ Mộc, là bút danh của Khương Thế Hưng ở chiến trường 
Năm 1966, Đặng Thùy Trâm vào chiến trường. Khương Thế Hưng gặp chị khi trong mình đã có hàng chục vết thương. Trong một lá thư, viết ngày 15 tháng 2 năm 1968, gửi cho bạn là Dương Đức Niệm, Thùy viết về M: "Anh bây giờ sống thật đơn giản, anh không mơ gì hơn là diệt được thật nhiều giặc Mỹ, anh không cần gì cho bản thân, kể cả tình yêu và sự nghiệp. Đối với Thùy, anh thương với tình thương rất đỗi chân thành, anh tôn trọng và cảm phục trước tình yêu thủy chung của Thùy, nhưng chỉ có thế thôi. Con tim anh không còn những rung cảm sâu xa, những vần thơ thắm đượm tình yêu, những lời ca bay bổng ước mơ nữa rồi".
Anh rất cảm phục trước tình yêu chung thủy của Thùy nhưng trái tim anh đau đớn khi thấy miền Nam đau thương, khi đồng đội của anh từng ngày, từng giờ đã và đang ngã xuống để giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Trong một lá thư gửi cho em gái, anh Hưng viết:
Anh đã hành quân qua hàng ngàn thôn xóm cháy rụi, những cánh đồng khô héo vì chất độc… Anh đã từng lặng người trước 70 bà con Hành Đức bị thuốc độc Mỹ làm chết trong hầm, thân thể bầm tím… Anh đã nhìn tận mắt chị phụ nữ Gành Cả bị giặc Pắc Chung Hi hiếp, ruột chị dao găm giặc rọc từ dưới lên trên, cổ chị bị giặc vác cối đá chần lên, lưỡi chị phải thè ra ngoài!
Tay anh đã từng cầm chuỗi cườm của em bé, mảng da đầu dính tóc của người con gái, mảnh xương sọ của bà mẹ - những người trong số 394 người bị giặc Pắc Chung Hi tàn sát trong một giờ vào một sớm mưa lạnh ngày Đông 1966 ở Bình Hòa… Anh đã từng chứng kiến những vụ vây ráp bắt thanh niên ta đi làm bia đỡ đạn cho chúng, chúng đã giành giật trong tay những bà mẹ những người chị, những đứa con thân yêu, những người em hiền hậu… một cách vô cùng man rợ!
Nhưng đối với đồng bào Quảng Ngãi ta, mỗi tội ác của giặc Mỹ và tay sai gây ra chỉ có tác dụng như đổ thêm dầu vào ngọn lửa căm thù, chỉ có tác dụng làm cho quân và dân Quảng Ngãi ta thêm quyết tâm, thêm sức mạnh chiến đấu vì độc lập tự do, vì hòa bình, hòa hợp dân tộc.
Năm 1970, khi Thùy Trâm hi sinh, anh Hưng cũng bị thương nặng phải chuyển ra Bắc. Dòng nhật ký được viết sau ngày anh Hưng biết tin Đặng Thùy Trâm hi sinh 
"Em dịu dàng là vậy, chưa biết nói nặng ai câu nào. Em dũng cảm là vậy. Giặc đốt hầm bí mật vẫn bình tĩnh cứu chữa thương binh. Cuỡi hon đa phóng qua trước rào lính địch để cấp cứu ca thương binh nặng. B-52 trên đầu. Quân đánh bộ bên cạnh vẫn bình tĩnh băng bó thương binh, dìu đi khỏi vòng vây.
Bà con thương yêu đùm bọc em. Các mẹ gọi em là Con gái. Các em gọi em là Chị. Cánh lính trẻ gọi em là Sao Vệ nữ. Các nhà thơ gọi em là người của làng thơ họ. Các nhà văn cãi lại bảo em là người của họ gửi nhờ Sê Khốp dạy nuôi. Vậy mà em ngã xuống. Và em cũng không nhận ra anh! Em chết đi biến thành ngọn gió lượn trên đầu anh. Trên đời anh. Thành tiếng gọi đằng trước để anh đi tới… Anh đã nghĩ, đó là tình yêu của người lính!...".
Anh Khương Thế Hưng mất ngày 13 tháng 11 năm 1999, sau nhiều năm dài vật lộn với thương tật và bệnh tật do di chứng chiến tranh, thọ 65 tuổi.
Em gái ông là bà Khương Băng Kính đã giữ lại bức thư viết ngày 17-3-1969 của chị Thùy Trâm gửi anh Hưng, được anh kẹp trong cuốn nhật ký. Bức thư được gia đình tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cuối năm 2009 và đang được trưng bày trong triển lãm Những kỷ vật kháng chiến tại Bảo tàng Quân khu 4 (Nghệ An).

Vinh danh


Bệnh xá Đặng Thùy Trâm nhìn từ phía trước

Kỷ vật mới tìm thấy của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và dự án lương tâm của anh em Fred

11:00 03/08/2007

Bài viết kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2007)

Người yêu của chị Đặng Thùy Trâm

Hóa ra, người mà chị Trâm yêu tha thiết, yêu đến nỗi xung phong vào chiến trường Quảng Ngãi ác liệt để tìm bằng được lại là người anh rất thân thiết với tôi - anh Khương Thế Hưng

Bây giờ thì mọi người đã biết người yêu của chị Đặng Thùy Trâm là ai nhưng cách đây 10 năm, vào tháng 7-2005, thì rất ít người biết. Khi đó, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bắt đầu được công bố từng phần, sau được in thành sách và trở thành quyển “best seller” ở Việt Nam từ trước tới nay.
Hồi đó, tôi được tiếp xúc khá sớm với cuốn hồi ký của chị Trâm. Ngay khi sách được xuất bản, tôi nhận được một cú điện thoại và được biết người mà chị Trâm gọi trong nhật ký là M. hay N.M. Tôi sửng sốt. Hóa ra, người mà chị Trâm yêu tha thiết, yêu đến nỗi xung phong vào chiến trường Quảng Ngãi ác liệt để tìm bằng được và sau đó đã rất buồn vì tình yêu của mình không toại nguyện, lại là người anh rất thân thiết với tôi - anh Khương Thế Hưng.
Anh Hưng là con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng, một người bác mà tôi rất yêu kính và cũng rất thân thiết. Từ bác Dụng, tôi đã thân với cả nhà bác, thân nhất là với anh Hưng - một người lính quả cảm, nhân ái, đầy lòng yêu thương và vị tha; người tôi coi như một tấm gương để học tập, như người anh ruột để có thể thổ lộ nhiều tâm tình.

Đoàn cán bộ báo chí TP HCM thăm và thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: PHAN ANH
Đoàn cán bộ báo chí TP HCM thăm và thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: PHAN ANH

Vậy mà, trong suốt thời gian anh em chơi với nhau, tôi chưa lần nào nghe anh Khương Thế Hưng nhắc tới chị Đặng Thùy Trâm. Dù khi tôi hiểu ra nhiều chuyện thì cả hai anh chị đã đi về thế giới khác. Chị Trâm hy sinh năm 1970 còn anh Hưng mất vì di chứng chiến tranh năm 1999, cách nhau gần 30 năm. Nhưng cho tới bây giờ, tình yêu của họ vẫn là một bí mật đối với tôi. Tôi không hiểu vì sao trước tình yêu mãnh liệt của chị Trâm như chị thể hiện trong nhật ký và những bức thư, mà đối lại, anh Hưng chỉ âm thầm nén chịu, một mình mình biết một mình mình hay như thế! Đó âu cũng là một bí mật của tình yêu thời chiến tranh, khi anh Khương Thế Hưng chịu sự ám ảnh quá sâu đậm của hình ảnh “Ruồi Trâu”, còn chị Trâm lại quá lý tưởng trong tình yêu.
Có thể nói, cả hai người đều đã sống cách thực tế một khoảng; và khoảng cách ấy là không thể san lấp. Một người yêu mãnh liệt, một người nén chịu cũng mãnh liệt đến mức sau này phải thốt lên trong nhật ký: “Anh kiệt sức. Anh đau khổ”. Thật xót xa! Vì sao ông trời không cho họ đến với nhau, dù sau đó có thế nào, sao họ không “đời” hơn một chút nữa?
Nhưng rồi tôi tự nhủ: Có khi, họ không đến được với nhau trên trần gian lại là chuyện hay. Vì họ sẽ còn gặp nhau ở một thế giới khác, không chiến tranh, không ưu phiền, không tuyệt vọng. Còn bây giờ, tình yêu của họ trong trẻo như những giọt sương là niềm an ủi cho biết bao người đang yêu nhau trên trần gian này. Nhiều người trẻ giờ đây có thể không hiểu vì sao hai con người tốt đến như vậy, đẹp đến như vậy lại không đến được với nhau, dù có thể thâm tâm họ đã thuộc về nhau? Mà như thế mới là đời, như thế mới là tình yêu, có những điều không thể cắt nghĩa được.
Riêng tôi, tôi ngưỡng mộ và yêu thương cả hai người. Với tôi, họ là những con người hoàn hảo mà chúng ta thấy được ở cõi đời này. Vừa rồi, có những người so sánh bản gốc nhật ký Đặng Thùy Trâm với bản in để nói là bản in đã “sửa chữa nhiều”, không đúng với nguyên bản. Song, cần phân biệt rằng nhật ký là dành riêng cho người viết, còn khi đã đưa in như một ấn phẩm thì nếu còn sống, người viết cũng phải điều chỉnh những đoạn quá riêng tư để phù hợp với một ấn phẩm. Khi người viết đã mất, gia đình họ (giữ bản quyền) có quyền điều chỉnh những đoạn quá riêng tư để tác giả nhật ký - dù đã mất - không buồn lòng khi công bố nhật ký của mình cho nhiều người đọc.
Như tôi đã từng viết: Nếu còn sống, chị Trâm chưa chắc đồng ý cho công bố quyển nhật ký của mình. Chị sẽ sống lặng lẽ và sẽ rất ít người biết chị đã sống và chiến đấu như thế nào. Chị là bác sĩ, và chị hy sinh vì bảo vệ những bệnh nhân của mình - những thương bệnh binh - chứ không phải hy sinh để thành anh hùng. Và đó mới là người anh hùng thật sự khi biết hy sinh vì người khác.

Khương Thế Hưng (ảnh; bút danh Nguyên Mộc, Đỗ Mộc) sinh ngày 18-9-1934, quê ở làng Minh Hương, Hội An, Quảng Nam; tình nguyện nhập ngũ năm 16 tuổi, sau kháng chiến chống Pháp thì tập kết ra Bắc. Chưa kịp bước vào giảng đường đại học, đầu năm 1962, anh trở lại chiến trường miền Nam (đi B).

Người yêu của chị Đặng Thùy Trâm

Năm 1965, Khương Thế Hưng làm phái viên chiến trường cho các đơn vị chủ lực đặc công ở Quảng Ngãi và đến năm 1968 là chính trị viên Tiểu đoàn 48 lừng danh. Anh bị thương nặng trong một trận đánh vào năm 1970 và phải chuyển ra Bắc. Về sau, anh làm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, rồi về Ban Ký sự Tổng cục Chính trị. Từ năm 1992, sức khỏe anh yếu dần và mất ngày 13-11-1999 do di chứng chất độc da cam.

Thanh Thảo

Khu di tích nhật ký Đặng Thùy Trâm

xã Phổ Hòa, Phổ Cường, huyện Đức Phổ và xã Ba Trang, huyện Ba Tơ

Quần thể di tích theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm

“Khuôn viên tưởng niệm Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại Khu di tích.”

Toàn thể khu di tích

Một góc thờ anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm

Bức tượng anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm trong khuôn viên
Liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942, trong một gia đình trí thức. Tốt nghiệp trường đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường miền Nam. Sau 3 tháng hành quân, tháng 3/1967 chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Ngày 22/6/1970 trong 1 chuyến đi công tác từ vùng núi về đồng bằng, chị đã bị địch phục kích và hy sinh lúc chưa đầy 28 tuổi

Quần thể di tích Anh Hùng-Liệt Sĩ-Bác Sĩ Đặng Thùy Trâm

Khu di tích Đặng Thùy Trâm nằm trên địa bàn huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nơi đã lưu lại những dấu tích anh hùng của Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, đại diện cho lòng yêu nước, sức sống mãnh liệt của người dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 
Liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942, trong một gia đình trí thức. Tốt nghiệp trường đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường miền Nam. Sau 3 tháng hành quân, tháng 3/1967 chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Ngày 22/6/1970 trong 1 chuyến đi công tác từ vùng núi về đồng bằng, chị đã bị địch phục kích và hy sinh lúc chưa đầy 28 tuổi.
Ngày 20/2/2006 Liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Quần thể di tích theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm cách TP.Quảng Ngãi 45 km về hướng nam thuộc xã Phổ Hòa, Phổ Cường, huyện Đức Phổ và xã Ba Trang, huyện Ba Tơ.
“Khuôn viên tưởng niệm Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại Khu di tích.”
“Khuôn viên tưởng niệm Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại Khu di tích.” 
Khu di tích Đặng Thùy Trâm bao gồm các hạng mục chính: Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ; Trạm phẫu thuật tiền phương ở núi Bộng Dầu, thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh; Khu vực hồ Liệt Sơn, xã Phổ Hòa; Bệnh xá Đức Phổ tại đồi Gò Chày thôn Đồng Răm 1, xã Ba Khâm…
Nằm ngay bên quốc lộ 1A, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 50km về hướng Nam, Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm được xây dựng theo ước muốn của bác sĩ Đặng Thùy Trâm lúc sinh thời. Đây là nơi khám, chữa bệnh có mô hình đặc biệt bởi lần đầu tiên trong hệ thống khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên toàn quốc, ngoài việc thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng, bệnh xá còn là địa chỉ thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm. 
Toàn thể khu di tích
Toàn thể khu di tích
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm được xây dựng trên diện tích 3.900 mét vuông, gồm các khoa chức năng: nội, nhi, sản, răng – hàm – mặt, y tế cộng đồng, y tế dự phòng, sơ cấp cứu ban đầu… với quy mô 10 giường bệnh và đầy đủ trang thiết bị y tế đảm bảo việc khám, điều trị cho hơn 40.000 dân trong khu vực. Hiện tỉ lệ sử dụng giường của bệnh xá luôn hết công suất, điều này không chỉ góp phần giảm bớt áp lực quá tải cho y tế tuyến trên mà còn giảm đáng kể chi phí cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo.
Một góc thờ anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm
Một góc thờ anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm
Quần thể di tích Anh Hùng-Liệt Sỹ-Bác Sỹ Đặng Thùy Trâm là một khoảng nước mênh mông, xung quanh là những con đường mòn nhỏ hẹp chạy uốn khúc, đó là hồ Liệt Sơn thuộc xã Phổ Hòa. Bao quanh hồ là núi rừng trùng điệp, khá hiểm trở. Không gian như ngừng lại, hình ảnh bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm xông pha trong gian khổ, không quản ngại khó khăn để chăm sóc cho thương, bệnh binh và đồng bào vùng kháng chiến với một tâm hồn lạc quan, yêu đời đã hiện ra trước mặt chúng tôi…Những hình ảnh ấy thực sự là bất tử với tuổi trẻ Việt Nam, luôn khát khao cống hiến.
Bức tượng anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm trong khuôn viên
Bức tượng anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm trong khuôn viên
Các bạn hãy cùng du lịch Cầu Vồng chúng tôi đi tham quan quần thể di tích Anh Hùng-Liệt Sỹ-Bác Sỹ Đặng Thùy Trâm, một bác sĩ đã cống hiến cho đất nước cả tuổi xuân của mình.

Truy tặng danh hiệu Anh hùng cho liệt sĩ Đặng Thùy Trâm
Các Website khác - 23/02/2006
Chủ tịch nước Trần Đức Lương ngày 20/2 đã quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, phụ trách điều trị bệnh xá huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942, trong một gia đình trí thức, bố là bác sĩ ngoại khoa và mẹ là dược sĩ. Tốt nghiệp loại giỏi ĐH Y khoa Hà Nội năm 1966, Đặng Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B.
Sau 3 tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3/1967, chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về bệnh xá huyện Đức Phổ, một bệnh xá dân y, nhưng có vị trí chiến lược quan trọng, tiếp nhận điều trị thương bệnh binh.
Ngày 22/6/1970, trong một chuyến đi công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, chị bị địch phục kích và hy sinh lúc mới 28 tuổi đời và 3 năm tuổi nghề.
(Theo Thanh Niên)

Người chiến sĩ đã hy sinh cùng bác sĩ Đặng Thùy Trâm là ai?



Nguoi chien si da hy sinh cung bac si Dang Thuy Tram la ai
Thương binh Nguyễn Lật, hy sinh năm 1970
Trong những ngày cuối cùng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã một mình chăm sóc 5 thương binh dưới mưa bom bão đạn. Họ là ai và số phận sau đó thế nào?
“Đọc những dòng nhật ký của Bối, cậu học sinh trẻ quê ở Phú Xuyên, Hà Tây mình cảm thấy xao xuyến trong lòng. Tâm sự của Bối cũng là tâm sự của mình. Chúng mình đang sống trong những ngày căng thẳng tột bậc”. Những dòng này ghi trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm ngày 16.6.70 về 1 trong 5 thương binh được chị chăm sóc khi “mọi người đã gồng gánh ra đi” trước đó 3 hôm.
Nguoi chien si da hy sinh cung bac si Dang Thuy Tram la ai
Thương binh Huỳnh Thanh Niên, hy sinh năm 1972
Sau khi truy tìm được các anh Huỳnh Thanh Niên, Nguyễn Lật đã hy sinh, anh Phan Long Chín còn sống ở Bình Thuận, chúng tôi băn khoăn mãi về hai thương binh còn lại mà chị Trâm đã nêu tên Bưởi và Bối trong nhật ký. Tài liệu tối mật 248.369 của Ban 3 Hành quân Tiểu đoàn 4/21 Gimlet (Lữ đoàn 11, Sư đoàn Americal, Mỹ), 17h20 chiều 22.6.70 hé lộ: “Người đàn ông 20 tuổi, tóc dài, râu quai nón cạo nhẵn, 1 dây nịt để đeo súng ngắn của quân Bắc Việt, bản đồ, căn cước với dấu vân tay, 1 băng cá nhân, 1 tấm hình Hồ Chí Minh trên nền phông lá cờ, nhật ký, ghi lên đó những dòng 401 Sapper Bn. Thông dịch viên nói người này là thiếu úy”.
Đây là anh Bối, 1 trong 3 người đã cùng chị Đặng Thùy Trâm lọt vào ổ phục kích của lính Mỹ trong ngày cuối cùng? Cần có báo cáo chi tiết cuộc hành quân và mới đây, chúng tôi đã có! Theo tài liệu tối mật số 35.885 tại Viện Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ (National Archives), “người đàn ông” đó chính là anh Nguyễn Văn Bối, sinh năm 1950 tại làng Phú Yên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây; nhập ngũ ngày 25.6.1968, chiến sĩ đại đội 3 tiểu đoàn 403 đặc công, số quân 838.465 (không phải tiểu đoàn 401 như báo cáo nhanh ban đầu của trung đội 24, Mỹ). Để xác định, chúng tôi truy tìm người thân của liệt sĩ và thật may mắn, sau đó tôi đã có cuộc điện đàm với chị ruột của anh, bà Nguyễn Thị Vượng, 63 tuổi, cựu giáo viên, hiện ở tại phố Khâm Thiên (Hà Nội). Bà cho biết, sau khi học xong chương trình trung học phổ thông hệ 10 năm, năm 18 tuổi anh Bối tốt nghiệp Trường Sư phạm Thường Tín, Hà Tây. Một tháng rưỡi sau, anh xung phong lên đường vào Nam. “Bối rất hồn nhiên, tình cảm. Ngày tôi lên huyện Thường Tín thăm, sợ chị buồn, em vẫn đàn hát, bảo tôi hãy vui như Tết! Bố tôi bảo con cứ ra đi, hẹn ngày chiến thắng trở về gặp mặt. Nhưng... Ngày 2.8.1970 nhận giấy báo tử con mình đã hy sinh, mẹ tôi buồn lắm, lâm trọng bệnh, qua đời. Sau đó vài năm bố tôi cũng mất...”
Nguoi chien si da hy sinh cung bac si Dang Thuy Tram la ai
Thương binh Phan Long Chín, hiện sống tại Bình Thuận
Bà Vượng tiếp, giọng nghèn nghẹn: “Em nó viết nhật ký thường xuyên nhưng rồi nghe bên Mỹ điện về bảo không thấy nhật ký, chỉ có một số giấy tờ của Bối trong Viện Bảo tàng”. Rất có thể, cuốn nhật ký này đã bị lính Mỹ đốt sau khi thông dịch viên người Việt ghi nhận trong buổi chiều cách nay 37 năm.
"Thưa, lúc còn đi học anh Bối có bạn gái chưa ạ?" - Tôi dợm hỏi, bà Vượng trả lời: “Tôi nhớ hồi ấy, thỉnh thoảng Bối có đưa cô bạn tên Chiều về thăm nhà. Từ khi Bối đi Nam, một hai năm cô cũng có về thăm bố mẹ tôi nhưng từ sau khi em nó hy sinh, cô lập gia đình, không gặp nữa. Hình như Bối có nói sau 3 năm nếu anh không về em cứ đi có chồng...”.
Thay vì trở thành thầy giáo do là con trai độc nhất, anh Nguyễn Văn Bối đã đáp lời Tổ quốc lên đường. Anh hy sinh năm 20 tuổi. Người anh rể của anh, sau mấy chuyến lên vùng rừng núi Ba Tơ đã về nghĩa trang Đức Phổ, đưa hài cốt người em vợ chưa từng gặp mặt về với quê nhà. Như trường hợp chị Đặng Thùy Trâm, anh Nguyễn Văn Bối đã không thể trở về trong ngày chiến thắng như đã hẹn với bố mẹ mình.
Nguoi chien si da hy sinh cung bac si Dang Thuy Tram la ai
Thương binh Nguyễn Văn Bối (ảnh chụp trong ngày nhập ngũ)
Chúng tôi đã liên lạc với chị Đặng Kim Trâm (em ruột bác sĩ Đặng Thùy Trâm) về sự kiện này. Chị nói: “Hồi tháng 9.2006, gia đình anh Bối có tìm đến nhà tôi để hỏi xem có tin tức gì về người em của mình không. Khoảng 1 tháng sau, tôi nhận được tài liệu từ Mỹ gửi về. Có lẽ có gì run rủi ở đây, bởi mỗi lần lên núi thăm chỗ chị Thùy hy sinh tôi đều khấn vong linh liệt sĩ nằm ở ngôi mộ vô danh hãy báo mộng để tôi có thể tìm được gia đình của anh. Nay gia đình đã tìm ra anh Bối, người thứ 4 trong 5 thương binh thuở ấy. Giờ chỉ còn mỗi anh Bưởi mà chị Thùy đã ghi trong nhật ký là chưa tìm ra manh mối”. Theo anh Phan Long Chín, sáng 22.6.70, anh nghe văng vẳng bác sĩ Thùy Trâm đi đến chỗ bệnh xá cũ (từng có 5 người bị bom, chết) để tìm đồ hộp chị từng chôn ở đó mang về nuôi thương binh. Anh không rõ cả nhóm có mấy người và đã đến nơi hay chưa nhưng vẫn nhớ chi tiết khá quan trọng, sau khi chị Trâm bị bắn, có 1 người trở về bệnh xá nhưng do chuyện đã quá lâu và thường xuyên bị đau đầu, anh chỉ nhớ người đó là đàn ông. Người đó có phải là anh Bưởi đã cùng anh Bối, chị Cúc đi cùng chị Trâm trong nhóm 4 người rời bệnh xá ngày 22.6.1970?
“Tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ nhìn thấy tên tuổi anh Bưởi trong rừng tài liệu tối mật của Mỹ mà anh em nhà Fred đang cố gắng truy tìm...” - chị Đặng Kim Trâm nói.
Nguoi chien si da hy sinh cung bac si Dang Thuy Tram la ai
Tác giả (trái) và anh Nguyễn Thanh Tuấn tại hầm thương binh rừng Ba Tơ ngày 7.11.2005
Đặng Thùy Trâm và những thương binh thuở ấy...
Đặng Ngọc Khoa
Việt Báo (Theo_Thanh Niên )

Hành trình ly kỳ của cựu binh Mỹ từng giữ Nhật ký Đặng Thùy Trâm hơn 20 năm

Ông là Carl W. Greifzu, một người Mỹ gốc Đức, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, là người có công giữ cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hơn 20 năm.

Sau 45 năm “im lặng”, Carl W. Greifzu vừa trở lại Việt Nam với tư cách là cựu binh Mỹ và cũng là con rể của Bắc Ninh. Đến Hà Nội, ông tới thăm gia đình thân nhân và đến viếng mộ Anh hùng Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Thêm nữa, ông còn rước di ảnh vợ mình về thăm miền quê Quan họ.


Ông là Carl W. Greifzu, một người Mỹ gốc Đức, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, là người có công giữ cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hơn 20 năm. Hơn thế, ông còn phối hợp với người vợ mình là bà Trần Thị Kim Dung dịch cuốn sổ tay đó ra tiếng Anh từ gần 40 năm trước. Nhờ vậy mà các cựu binh Mỹ hiểu được giá trị, ý nghĩa của cuốn sổ tay nhật ký. Họ đã tìm mọi cách chuyển nó về Việt Nam…

Con rể đất Bắc Ninh

Vào tháng 6/1970, khi Fredric Whitehurst, một lính Mỹ, tại chiến trường Đức Phổ (Quảng Ngãi) tính châm lửa đốt quyển sổ tay được bọc bằng vải, thu được sau một trận càn quét, người thông dịch của ông đã cản: "Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!". Nghe lời khuyên, người lính Mỹ ấy đã không đốt quyển sổ tay. Và “Ngọn lửa” ấy còn dẫn Fredric và người anh trai là Robert Whitehurst (cũng là một cựu binh Mỹ trong chiến tranh VN) làm một cuộc hành trình vượt đại dương, tình nguyện đưa nhật ký của Đặng Thùy Trâm về với gia đình chị…

Cựu binh Mỹ Carl W. Greifzu đến ôm hôn mẹ AHLS Đặng Thùy Trâm, nghẹn ngào không nói lên lời.
Cựu binh Mỹ Carl W. Greifzu đến ôm hôn mẹ AHLS Đặng Thùy Trâm, nghẹn ngào không nói lên lời. 
Cách đây 11 năm, cuốn nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm qua hơn 30 năm lưu lạc trên đất Mỹ, sau khi trở về VN đã in với số lượng hàng trăm ngàn bản. Cùng với nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, 2 cuốn sách đã tạo nên một hiện tượng xuất bản, gây chấn động xã hội, trở thành một sự kiện nổi bật được dư luận trong và ngoài nước biết đến.

Nhưng còn rất ít người biết chi tiết này: Năm 1970, Sau khi Fredric Whitehurst nhặt được cuốn sổ tay của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, ông đã trao nó cho Carl W. Greifzu, một lính Mỹ gốc Đức, có vợ là người Việt giữ hộ. Sau hơn 20 năm, nhờ đọc bản dịch tiếng Anh tóm tắt nội dung cuốn nhật ký của vợ mình, tham gia hiệu đích bản dịch ấy và nhận ra giá trị của di vật đặc biệt đó, năm 1996 Carl W. Greifzu đã quyết định trao lại nó cho Fredric Whitehurst, để chuyển về Việt Nam…

Hơn 10 năm qua, có rất nhiều cựu binh Mỹ đã tới VN thăm lại chiến trường xưa và đến Hà Nội thăm gia đình Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Nhưng Carl W. Greifzu – người đã giữ cuốn sổ tay nhật ký của chị Trâm hơn 20 năm, vẫn chưa có dịp trở lại VN, kể từ sau năm 1975.

Đúng như kế hoạch đã thông báo được gửi qua email cho tôi, sáng ngày 22/3/2016, cựu binh Carl W. Greifzu, người giữ cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hơn 20 năm - đã đáp chuyến bay tới Hà Nội. Đó là một người Mỹ có mái tóc đã bạc và khá cao (tôi cao trên 1m70, nhưng chỉ đứng đến tai ông). Tuy nhiên, là một Luật sư có tiếng ở Mỹ, trông Carl W. Greifzu rất hiền và lịch lãm.

Nhà văn Đặng Vương Hưng tặng hoa ông Carl W. Greifzu (bên phải) và hai người thân mật trò chuyện
Nhà văn Đặng Vương Hưng tặng hoa ông Carl W. Greifzu (bên phải) và hai người thân mật trò chuyện 
Khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi cùng có mặt trên sân thượng của quán Coffee Club ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm để trò chuyện. Với tư cách là một nhà văn, cựu chiến binh, tôi mua sẵn một bó hoa mang đến tặng Carl W. Greifzu.

- Chào mừng ông đã đến Hà Nội an toàn! Tôi đã nghe người ta nói rất nhiều về ông. Rất hân hạnh được làm quen!

Tôi tặng cho Carl bó hoa tươi, rồi nói vài câu tiếng Anh theo phép lịch sự. Nhưng thật bất ngờ khi nghe người cựu binh Mỹ trả lời bằng tiếng Việt với giọng lơ lớ, thật dễ thương:

- Cảm ơn! Anh khoẻ không? Anh ăn cơm chưa? Anh đã có bạn gái chưa?

À, tôi quên ông ấy còn là con rể của Việt Nam. Chắc hẳn bà vợ người Việt từng dạy tiếng Việt cho ông ít nhiều. Tôi nói vui:

- Cái tên của ông phiên âm tiếng Việt đọc khó lắm. Cho phép tôi gọi thân mật ông là “Khôn” (khôn ngoan), hoặc “Kho” (nhà kho) nhé. Ở Bắc Ninh, quê vợ ông có Đền Bà Chúa Kho nổi tiếng lắm đó. Người ta đồn rằng, nhiều người nhờ tới đó đi lễ mà trở nên giàu có…

Cô phiên dịch giải thích xong, Carl W. Greifzu bật cười vui vẻ. Chúng tôi đã “làm thân” với nhau rất nhanh như thế.

Ông “Kho” có mang theo hàng trăm bức ảnh đen trắng kỷ niệm về chiến trường Quảng Ngãi những năm 1970 – 1971, trong đó có cả ảnh của Fredric Whitehurst và người phiên dịch thời đó. Rất nhiều tư liệu và ảnh về bà Trần Thị Kim Dung – người vợ Việt Nam quê Bắc Ninh. Đặc biệt, ông còn mang theo cả tập bản thảo hơn trăm trang viết tay và đánh máy bản dịch đầu tiên của "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" ra tiếng Anh, do ông bà phối hợp thực hiện từ thập niên 80.

Bản dịch tiếng Anh đầu tiên của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được thực hiện như thế nào?

Ngay sau khi được ấn hành, cùng với Nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của Nguyễn Văn Thạc, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã trở thành một trong 10 sự kiện Văn hóa nổi bật của cả nước ta năm 2005, do Bộ Văn hóa – Thông tin bình chọn. Hơn 10 năm qua, cuốn sách đã được chuyển ngữ và dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài.

Nhưng còn rất ít người biết bản dịch tiếng Anh đầu tiên của cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Sở dĩ tôi khẳng định đây là bản dịch đầu tiên vì nó được thực hiện từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Bà Trần Thị Kim Dung, người vợ Việt Nam của Carl W. Greifzu đã làm việc này và chính ông đã trực tiếp gõ máy chữ hiệu đính cho bản thảo.

Trang đầu bản viết tay và đánh máy dịch tiếng Anh của cuốn bản thảo Nhật ký Đặng Thùy Trâm
Trang đầu bản viết tay và đánh máy dịch tiếng Anh của cuốn bản thảo Nhật ký Đặng Thùy Trâm 
Carl W. Greifzu nhớ lại, khoảng tháng 9 năm 1971, khi cấp trên cho phép ông từ chiến trường Việt Nam trở về Mỹ, Fredric Whitehurst đã gửi ông cuốn sổ tay nhật ký Đặng Thùy Trâm nhờ ông giữ hộ. Năm 1975, khi chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, những người lính Mỹ trở về nước, ai cũng bận rộn với công việc mới, lo chuyện mưu sinh, nên Carl và Fredric đã không có điều kiện gặp lại, vì họ sống ở hai bang cách xa nhau cả ngàn cây số.

Dù chỉ ở Việt Nam trong 2 năm, nhưng ký ức về cuộc chiến vẫn luôn ám ảnh, làm Carl W. Greifzu day dứt không nguôi. Những lúc rảnh, bà Trần Thị Kim Dung thường dịch nghĩa những trang nhật ký của người “Nữ bác sĩ Việt Cộng”, đọc cho chồng nghe từng đoạn. Càng ngày, những trang viết máu lửa chiến trường ấy càng cuốn hút ông. Đến một hôm, Greifzu đã chính thức đề nghị vợ giúp ông dịch toàn bộ cuốn nhật ký của “Nữ bác sĩ Việt cộng” ra giấy, để nhiều người, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ cùng được đọc.

Bà Dung đồng ý và hưởng ứng ngay. Tuy nhiên, công việc dịch nghĩa diễn đạt lại theo lời nói và dịch viết ra bản thảo rất khác nhau. Bà Dung đã “đánh vật” với từng trang viết và vất vả nhiều tháng trời. Ông Greifzu đã trợ giúp vợ bằng cách tự đánh máy chữ và hiệu đính bản thảo vì thời đó, nhiều người Mỹ vẫn còn dùng máy chữ, chưa có sẵn máy vi tính như bây giờ. Rồi cuối cùng bản thảo dịch cũng hoàn thành.

Ông Carl W. Greifzu trao tặng Nhà văn Đặng Vương Hưng bản dịch tiếng Anh đầu tiên của Nhật ký Đặng Thùy Trâm
Ông Carl W. Greifzu trao tặng Nhà văn Đặng Vương Hưng bản dịch tiếng Anh đầu tiên của "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" 
Bản thảo bà Dung viết tay được sử dụng bằng loại giấy có dòng kẻ khổ lớn, đục lỗ một bên lề, đóng kẹp như tài liệu lưu trữ trong hồ sơ, để sửa chữa và lưu giữ cho dễ dàng. Phần bản thảo viết tay gồm 102 tờ giấy, được viết trên cả 2 mặt trước và sau. Phần bản thảo do ông Greifzu đánh máy dày 121 trang, loại chữ nhỏ, trên một mặt giấy. Hầu như trang nào cũng được thêm bớt và sửa chữa nhiều lần bằng chữ viết tay.

Carl W. Greifzu cho biết, ông và bà Dung đã thuộc lòng nhiều trang nhật ký của người “Nữ bác sĩ Việt Cộng” anh hùng ấy. Bởi đó là một phần cuộc đời của vợ chồng ông. Những năm sau đó, bà Dung đã photo thêm nhiều bản dịch đã được văn bản hóa nêu trên, để chồng mình gửi tặng cho những người bạn cựu binh Mỹ cùng đọc nó, giúp họ hiểu thêm về cuộc chiến tranh Việt Nam…

Khoảng năm 1996, Fredric Whitehurs tìm đến thành phố nơi vợ chồng Carl W. Greifzu đang sống. Họ vừa ăn trưa cùng nhau, vừa ôn lại những kỷ niệm tại chiến trường Việt Nam. Carl đã quyết định trao lại cuốn sổ tay "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" cho Fredric. Và đoạn kết có hậu ở Việt Nam thì chúng ta đã biết...

Vốn tính khiêm nhường, Carl W. Greifzu rất ít nói về bản thân. Ông tự nhận là mình chỉ góp một phần nhỏ vào việc cùng các cựu binh Mỹ giữ gìn và trao lại cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” cho Việt Nam.

Carl W. Greifzu, người giữ cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hơn 20 năm đã trực tiếp trao tặng tôi tài liệu rất quý: Bản dịch tiếng Anh đầu tiên của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”!

Trước khi tiếp nhận 2 tập bản thảo gốc, tôi đề nghị Carl W. Greifzu viết mấy chữ đề tặng vào phong bì tài liệu. Là một luật sư, ông cẩn trọng hỏi lại: “Nên ghi như thế nào nhỉ”? Ở Việt Nam ghi ngày và tháng trước, hay là năm trước? Rồi ông lấy mấy tờ khăn giấy có sẵn trên bàn café, thử nháp trước tới 2 lần… Cuối cùng, Carl W. Greifzu đã chính thức viết, tạm dịch như sau: “Thay mặt Trần Thị Kim Dung, tôi vui mừng trao cho Đặng Vương Hưng vì lợi ích của nhân dân Việt Nam, bản dịch gốc ra tiếng Anh Nhật ký của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Hà Nội, tháng 3, ngày 23 năm 2016. Carl W. Greifzu"

Bút tích đề tặng ghi trên tập bản thảo gốc.
Bút tích đề tặng ghi trên tập bản thảo gốc. 
Người vợ Việt của cựu binh Mỹ Carl W. Greifzu

Với sự cộng tác, trợ giúp của chồng mình, bà Dung là người đầu tiên dịch “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” ra tiếng Anh. Nhờ bản dịch này mà các cựu binh Mỹ hiểu được giá trị cuốn sổ tay ấy và họ đã quyết định tìm mọi cách trao trả cho gia đình Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…

Tên đầy đủ của bà là Trần Thị Kim Dung. Theo một tài liệu, do Carl W. Greifzu cung cấp cho biết: Bà Dung sinh năm 1931, quê tại Yên Lãng - Phúc Yên. Nhưng lớn lên và gắn bó tại Niềm Xá – Bắc Ninh. Cha là Trần Văn Trùng và mẹ là Nguyễn Thị Dĩnh (*). Gia đình bà Dung từ Bắc di cư vào Nam từ rất sớm. Khoảng năm 1948, khi mới 17 tuổi, bà đã sang Đài Loan, rồi sang Mỹ học tập…

Bà Trần Thị Kim Dung từng làm nhân viên phiên dịch cho Tòa đại sứ của chính quyền Sài Gòn cũ tại Đài Loan. Tại đây, bà đã nhiều lần gặp ông Ngô Đình Diệm, từ khi ông này còn chưa làm Tổng thống chế độ Sài Gòn, rồi bị sát hại trong một cuộc đảo chính. Cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, bà Dung chuyển sang Mỹ, làm nhiệm vụ dạy tiếng Việt cho một số lính Mỹ trước khi họ sang chiến trường Việt Nam.

Ảnh cưới của ông Carl W. Greifzu và bà Trần Thị Kim Dung (ảnh chụp năm 1972).
Ảnh cưới của ông Carl W. Greifzu và bà Trần Thị Kim Dung (ảnh chụp năm 1972). 
Carl W. Greifzu nhớ lại: Ông gặp bà Trần Thị Kim Dung năm 1969 trong một lớp học tiếng Việt cho lính Mỹ. Năm đó, Greifzu mới 26 tuổi, kém bà Dung tới 12 tuổi. Nhưng ông đã bị cô giáo làm cho “say nắng” ngay từ cái nhìn đầu tiên. “Thời đó, bà ấy là một phụ nữ đẹp lắm. Cả lớp chúng tôi đều mê cô giáo gốc Việt ấy - Greifzu thú nhận - Giờ nghỉ, tôi đánh bạo hỏi: Thưa, cô đã có bạn trai chưa? Bà ấy hóm hỉnh trả lời: “Có rồi. Tất cả các anh đây tôi đều coi là bạn”. Tôi chẳng chịu, bảo: “Không, ý tôi là chỉ một người duy nhất. Có thể kết hôn ấy!”.

“Chúng tôi yêu nhau từ đó - gương mặt Greifzu ánh lên niềm hạnh phúc khi kể lại chi tiết này - Trước khi sang tham chiến tại Việt Nam, tôi xin đính hôn với bà Dung, nhưng chưa làm lễ cưới, vì sợ làm lỡ dở cuộc đời bà. Những ngày ở Việt Nam, chúng tôi vẫn đều đặn viết thư cho nhau… Sau khi từ Việt Nam trở về Mỹ năm 1971, chúng tôi đã làm lễ cưới…”.

Dù hai người không có con, nhưng Trần Thị Kim Dung và Carl W. Greifzu đã sống hạnh phúc bên nhau 45 năm. “Lá rụng về cội”, những năm cuối đời, bà Dung luôn có một khát khao cháy bỏng là được một lần được về Việt Nam để thăm lại miền quê Quan họ Bắc Ninh, nơi bà đã sinh ra và lớn lên. Những đáng tiếc là ước nguyện cuối đời ấy bà đã không thực hiện được. Bà Dung đã mất tại Mỹ năm 2015, hưởng thọ 85 tuổi!

Ông Greifzu thứ hai trân trọng mang theo di ảnh vợ về quê hương Bắc Ninh.
Ông Greifzu thứ hai trân trọng mang theo di ảnh vợ về quê hương Bắc Ninh. 
Tới thăm Việt Nam lần này, Greifzu mang theo một sứ mệnh thiêng liêng là thực hiện di nguyện của bà Dung về thăm quê hương, với tư cách là con rể của Bắc Ninh! Theo gợi ý của tôi, Greifzu đã nhờ người phóng to một bức chân dung đẹp nhất của vợ mình khi còn sống để cựu binh Mỹ Carl W. Greifzu sẽ mang theo di ảnh chân dung của bà Trần Thị Kim Dung cùng về Bắc Ninh. Ông tin rằng linh hồn vợ mình sẽ cùng về thăm quê với ông. Mỗi bước đi của ông tại Bắc Ninh, đều như có bà vợ đã chung sống hạnh phúc với ông gần nửa thế kỷ đi cùng.

Và sáng thứ Bảy, 26/3, người đàn ông Mỹ cao lớn, tóc bạc trắng ấy, đã thực hiện chuyến rước di ảnh của vợ về thăm quê với tâm trạng xúc động rất khó diễn tả thành lời…

Bắc Ninh trong tâm tưởng của Greifzu là vùng đất cổ, cũ kỹ, nghèo khó và dân cư thưa thớt của những năm 30 – 40 của thế kỷ trước, trong lời kể của bà Kim Dung…

Bởi thế, khi xe đưa ông đến thành phố của những điệu dân ca Quan họ nổi tiếng đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể, ông thốt lên: Sao nhiều nhà cao tầng đẹp thế! Nhiều con gái xinh thế! Mà người và xe cũng thoáng hơn Hà Nội rất nhiều!

Bắc Ninh, quê bà Trần Thị Kim Dung người vợ yêu thương của Carl W. Greifzu là vậy! Dù chuyện đi chỉ ngắn ngủi chỉ trong một ngày, nhưng cựu binh Mỹ đã luôn mang theo những tấm chân dung của người vợ mới qua đời cách đây 4 tháng. Khi nghe những Liền chị hát mấy làn điệu Quan họ, dù không hiểu nghĩa, nhưng ông vẫn cảm nhận được và nghẹn ngào, rưng rưng…

Ông tặng hoa các Liền chị Quan họ.
Ông tặng hoa các Liền chị Quan họ. 
“Hãy yêu thương nhau khi còn sống”!

Có lẽ Chủ Nhật (27/3) là một trong những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời cựu binh Carl W. Greifzu – Người giữ cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hơn 20 năm và cùng vợ ông dịch nó ra tiếng Anh từ gần 40 năm trước.

Carl W. Greifzu dậy từ rất sớm, nhờ cô phiên dịch đưa ra Nhà thờ Lớn Hà Nội, nhân ngày Lễ Phục sinh. Ông ngạc nhiên khi ở Việt Nam cũng có những nhà thờ đã hàng trăm năm tuổi như thế.

Đúng 9 giờ 30 sáng, chúng tôi đón ông cùng lên taxi đến đến nhà bà Doãn Ngọc Trâm (thân mẫu của Anh hùng Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) tại ngõ 135 phố Đội Cấn. Đã từ lâu, gia đình bà coi tôi như con cháu trong nhà. Vì đã hẹn trước, nên các chị Đặng Hiền Trâm, Đặng Phương Trâm và Đặng Kim Trâm đều đang đợi sẵn và ra tận cửa để đón Carl W. Greifzu.

Ông thân mật trò chuyện với bà Đoàn Thị Ngọc Trâm tại nhà AHLS Đặng Thùy Trâm.
Ông thân mật trò chuyện với bà Đoàn Thị Ngọc Trâm tại nhà AHLS Đặng Thùy Trâm. 
Năm nay đã 92 tuổi, lại bị chứng bệnh đau chân, nên người mẹ của người nữ Anh hùng liệt sĩ phải ngồi đợi trên lầu. Khi người cựu binh Mỹ vừa bước lên, bà cụ đứng dậy nói những câu chào hỏi bằng tiếng Pháp:

- Cảm ơn ông đã đến. Cảm ơn anh đã giữ gìn cuốn sổ tay nhật ký của con gái tôi và dịch nó ra tiếng Anh. Chúng tôi đợi anh đã lâu lắm rồi! Mấy lần trước, khi Fredric Whitehurst sang thăm Việt Nam, mỗi lần đến nhà tôi chơi, đều có nhắc đến anh…

Carl W. Greifzu lúng túng cảm động chào lại, rồi hai người ôm nhau nghẹn ngào không nói nên lời.

Người cựu binh Mỹ xin phép thắp hương trên bàn thờ Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và vái lạy như phong tục Việt Nam. Ông quan sát căn phòng nhỏ và chợt như reo lên, vì phát hiện ra tấm ảnh quen thuộc có trong cuốn số tay nhật ký đang treo trên tường nhà…

Chị Kim Trâm đưa ra bản photo cuốn số tay nhật ký được đóng bìa cứng cho Carl W. Greifzu và hỏi:

- Anh có nhận ra những dòng chữ viết này không? Bút tích của chị Thùy Trâm tôi viết đó!

Ông Carl W. Greifzu bỗng quỳ xuống bên cạnh mộ LS Đặng Thùy Trâm và thầm thì điều gì đó bằng tiếng Anh.
Ông Carl W. Greifzu bỗng quỳ xuống bên cạnh mộ LS Đặng Thùy Trâm và thầm thì điều gì đó bằng tiếng Anh. 
Carl W. Greifzu dùng điện thoại ghi lại từng chi tiết nhỏ trên ngôi mộ.
Carl W. Greifzu dùng điện thoại ghi lại từng chi tiết nhỏ trên ngôi mộ. 
Người cựu binh Mỹ gật đầu và xúc động:

- Nhận ra chứ. Nhờ bản dịch của Kim Dung mà tôi đã hiểu đến thuộc lòng nội dung nhiều trang. Nhưng tôi nhớ cuốn sổ gốc kia cỡ chữ nhỏ hơn nhiều...

- Vâng, bản chính cuốn của cuốn sổ tay nhật ký gia đình đang nhờ lưu giữ bên Mỹ. Đây là bản sao, chúng tôi đã phóng to cỡ chữ lên cho dễ đọc.

Chờ cho nhóm phóng viên Truyền hình kỹ thuật số ghi hình mẹ Doãn Ngọc Trâm trò chuyện với Carl W. Greifzu xong, chúng tôi hối thúc ông lên đường ra nghĩa trang cho kịp trước 12 giờ trưa.

Ngày Chủ nhật, Nghĩa trang Liệt sĩ Từ Liêm không đông lắm. Tôi thấy Carl W. Greifzu bước xuống xe với tâm trạng rất lạ.

Sau khi thành kính thắp hương vái lạy trước mộ người Anh hùng Liệt sĩ đúng hướng dẫn của cô phiên dịch, ông bỗng quỳ xuống bên cạnh mộ thầm thì điều gì đó bằng tiếng Anh. Tôi đã kịp ghi lại giây phút hiếm hoi ấy: Người cựu binh Mỹ với mái tóc đã bạc ngồi lặng lẽ suy tư giữa nghĩa trang, xung quanh là các ngôi mộ của các Liệt sĩ Việt Nam với rất nhiều hoa và hương khói. Carl W. Greifzu dùng điện thoại ghi lại từng chi tiết nhỏ những hình ảnh và dòng chữ có trên bia mộ của Anh hùng Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…

Một cơn gió nổi lên, thổi nắm hương cháy bùng thành ngọn lửa. Người phiên dịch kéo ông đứng lên: “Chúng ta về thôi. Còn rất nhiều việc đang chờ và chương trình chiều nay nữa”. Carl W. Greifzu như bừng tỉnh. Ông dụi mắt đứng dậy, thành kính cúi người chào vĩnh biệt người nữ Anh hùng đã mang ấn tượng sâu đậm không bao giờ phai mờ trong cuộc đời mình. Người nữ chiến sĩ của đối phương một thời, vừa xa xôi lại vừa thật gần gũi với ông. Dường như có ai đó đã thì thầm với Carl W. Greifzu rằng: Sự trở về và sức lan tỏa của cuốn nhật ký cho thấy, nó như một nhịp cầu gắn kết những con người vốn ở 2 chiến tuyến gần nhau hơn, xóa nhòa khoảng cách hận thù trong quá khứ. Có lẽ, đó là điều lớn hơn cả mà người Anh hùng Đặng Thùy Trâm đã để lại cho thế giới này.

Ra khỏi Nghĩa trang Liệt sĩ Từ Liêm, Carl W. Greifzu cứ nhắc mãi câu nói nổi tiếng có trong “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, nay đã được khắc nổi trên mộ của chị: “Hãy yêu thương nhau khi còn sống”!

Ngày hôm nay, 29/3/2016, cựu binh Mỹ Carl W. Greifzu sẽ bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, dừng lại đôi ngày trước khi về Mỹ. Đã ngoài 70 tuổi, không biết ông còn có điều kiện trở lại VN - Vùng đất “máu lửa một thời” đã gắn bó cuộc đời ông với bao kỷ niệm vui buồn một lần nữa không?

Nguồn: Đặng Vương Hưng (Vietimes)

Hát vang “Ngọn lửa tuổi 20” tưởng nhớ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm
 
Nhóm Giai điệu bạn bè và mẹ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm
(Ảnh: Vietnam+)
 
Tháng 7 hàng năm luôn là tháng cả nước tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, đặc biệt là trong ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7. Chị Nguyễn Quỳnh Liên, người sáng lập nhóm Giai điệu Bạn bè, cho biết: “Người đầu tiên chúng tôi muốn tưởng nhớ đến là liệt sỹ Đặng Thùy Trâm vì chị hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Chúng tôi muốn hát về người đã hiến dâng tuổi trẻ của mình cho đất nước sau đó sẽ là các hoạt động tri ân các thương binh.”
Không chỉ thăm và tặng quà, nhóm Giai điệu bạn bè đã hát tặng mẹ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm bài hát “Ngọn lửa tuổi 20” do nhạc sỹ Thang Bình viết dành riêng cho liệt sỹ Đặng Thùy Trâm.
“Có một người con gái tuổi hai mươi xa Hà Nội ra chiến trường khói lửa, lòng thiết tha vì cuộc sống hòa bình. Một lương y như là từ mẫu. Giữa chiến trường Quãng Ngãi lắm đạn bom, chị đã sống một thời tuổi trẻ. Dẫu biết rằng một mai mình ngã xuống vì tự do của dân tộc Việt Nam...,” những lời hát được cất lên khiến mẹ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm rưng rưng.
Trước tình cảm chân thành dành cho gia đình tưởng nhớ đến liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, cụ Doãn Ngọc Trâm (91 tuổi), mẹ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm xúc động nói: “Đã qua 10 năm rồi không phải là ít mà mọi người vẫn nhớ đến Đặng Thùy Trâm, tôi rất cảm động. Tôi mong rằng trong suốt 10 năm đã qua và thời gian tới, những liệt sỹ chưa được trả lại tên tuổi sẽ sớm được trở về với gia đình, để gia đình của họ cũng có vinh dự như chúng tôi.”
Cũng trong tháng Bảy, nhóm Giai điệu bạn bè sẽ tiếp tục các hoạt động nhân tháng tri ân thương binh, liệt sỹ với chương trình “Âm vang Trường Sơn” đến thăm, tặng quà và hát tặng các thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh vào ngày 9/7.
Ngày Thương binh Liệt sỹ năm nào, cụ Doãn Ngọc Trâm cũng nhớ và đến thăm những người đã ngã xuống, bị thương vì độc lập tự do của đất nước, nhưng năm nay vì điều kiện sức khỏe không tốt nên khi biết chương trình “Âm vang Trường Sơn” tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, cụ Doãn Ngọc Trâm đã gửi chút phần quà cho các thương binh thông qua nhóm Giai điệu bạn bè./.  
Nguồn: TTXVN
Nhật Ký Đặng Thùy Trâm

Nhật Ký Đặng Thùy Trâm

Tác giả: Đặng Thùy Trâm
Thể loại: Truyện Đô Thị
Nguồn: santruyen
Tình trạng: Hoàn Thành
Lượt xem: 3389
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Nhật Ký Đặng Thùy Trâm Review Rating: 6.25 out of 10 based on 6 reviews.

5 Chương mới cập nhật truyện Nhật Ký Đặng Thùy Trâm

Danh sách chương Nhật Ký Đặng Thùy Trâm

STT CHƯƠNG TÊN CHƯƠNG CẬP NHẬT
1C. 1Chương 0123/08/2015
2C. 2Chương 0223/08/2015
3C. 3Chương 0323/08/2015
4C. 4Chương 0423/08/2015
5C. 5Chương 0523/08/2015
6C. 6Chương 0623/08/2015
7C. 7Chương 0723/08/2015
8C. 8Chương 0823/08/2015
9C. 9Chương 0923/08/2015
10C. 10Chương 1023/08/2015
11C. 11Chương 1123/08/2015
12C. 12Chương 1223/08/2015
13C. 13Chương 1323/08/2015
14C. 14Chương 1423/08/2015
15C. 15Chương 1523/08/2015
16C. 16Chương 1623/08/2015
17C. 17Chương 1723/08/2015
18C. 18Chương 1823/08/2015
19C. 19Chương 1923/08/2015
20C. 20Chương 20 ( Hết )23/08/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét